Cũng còn những chỗ thiêng liêng con người cần cúi đầu. Cũng còn những người mà ta phải vòng tay kính cẩn. Cũng còn những giá trị mà ta phải nâng niu tôn trọng. Cũng còn những chốn mà bước chân đến ta phải giữ được vẻ thanh sạch tôn nghiêm.
Mùa lễ hội chùa Hương, người ta thường thấy ở khoảng sân trước chùa Thiên Trù, lối dẫn lên chùa, quán xá treo đầy thịt quay. Quay nguyên cả con, còn nguyên vẹn thân hình, treo lủng lẳng theo thứ tự to dần lên: sóc quay, chó quay, dê quay. Treo dốc đầu. Con nào con nấy vàng ươm, bóng nhẫy, răng nhe trắng nhởn. Đầu tiên là phản cảm, vùng đất Phật, ngay trước cửa Phật, sự sát sinh phơi bày một cách ghê rợn mà ngang nhiên như vậy sao? Chính quyền cấp đất cho thuê dựng hàng quán san sát, mà cũng không ngó ngàng đến, có nhìn đến cũng làm ngơ, không nhắc nhở gì hay sao? Lại còn người đi hội nữa, lên chùa một vài ngày, nhịn ăn thịt một bữa có chết ai không? Vậy mà nhìn kia, họ không chỉ mua chỉ xẻo những con thú quay treo lủng lẳng, họ còn sắm nắm mang theo thịt bò thịt gà thịt lợn, mở gói mở bọc, bốc bốc bải bải, cười đùa nhờn mép nhờn môi ngay trước sân chùa.
Nghĩ lại thì thấy chính quyền huyện xã cho thuê đất dựng quán bán hàng trong mấy tháng hội, họ đâu cần quan tâm người ta sẽ bán mặt hàng gì. Bán gì là quyền của người thuê đất. Người thuê đất thì cứ chọn mặt hàng nào bán chạy mà bán. Người thăm chùa thì không phải ai cũng là tín đồ. Người ta du xuân, đi chơi đi picnic, chùa chỉ là cái cớ. Ăn uống tiêu xài cũng là theo cái lý của người đi chơi, không phải Phật tử. Chẳng việc gì phải bóp mồm bóp miệng, kiêng cữ, kiềm chế.
Lại cứ nghĩ, chắc là các thầy ở chùa nhìn thấy cảnh thú quay cả con nhe răng trắng hếu phải đau lòng lắm. Đau lòng nhất là mấy thầy. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì thấy chẳng phải. Những bậc chân tu biết quá rõ cái đời sát sinh này. Cuộc đời ấy mới cần đến giáo lý từ bi với chúng sinh và tôn trọng sự sống muôn loài của các thầy. Người mê tối nhan nhản thế gian mới cần đến các thầy. Phải từ từ dẫn dắt. Giáo lý của các thầy chỉ khuyên răn mà không áp đặt.
Một lần có hai anh chị người Việt ở nước ngoài về, đến thăm chùa Thầy. Vừa bước vào chính điện, còn đang ngơ ngác đã có ngay mấy người bán quán lanh chanh đặt lên bàn thờ một đĩa nhỏ, vài cái kẹo cái oản, một thẻ hương. Đặt giúp. Không ai yêu cầu cũng giúp. Người đâu tốt thế. Lúc ra khỏi chùa, người kia bám theo, hét ba trăm nghìn. Cái đĩa cúng chỉ vài chục nghìn là hết cỡ. Thử đôi co không chịu trả mà xem, cả làng sẽ đổ ra. Gà cậy gần chuồng.
Lại tự hỏi, chính quyền địa phương đâu? Và cái thật thà chân chất của dân quê ta đâu cả rồi? Cái e dè biết ngưỡng của người sống gần cửa Phật đâu rồi? Người ta bảo ngay cả trên xứ Phật phát tích ở Ấn Độ, chùa chiền hầu như cũng thường được dựng lên trên những xứ vô thần vô thánh, vô sư vô sách. Có thế mới là thử thách cho bậc tu hành. Có thế mới cần đến người tu hành.
Nhưng mà ngay cả ở những xứ cần nhiều thử thách ấy, chính quyền cũng dùng luật để dẹp yên những hành vi phạm pháp, đảm bảo bình yên cho môi trường tín ngưỡng. Không thể có hành vi lừa đảo mua một bán trăm kia. Không thể có chuyện xây mấy chục cái chùa rởm trong quần thể chùa Hương và cả ở những khu chùa chiền khác trong cả nước. Một tinh thần vô thần vô thánh trong quản lý. Một tinh thần vô thần vô thánh trong đám người ùn ùn đi hội. Không có ai là to. Trên tôi không có ai. Ngoài tôi ra cũng không có ai mà tôi phải sợ. Bản năng trong tôi, tôi xả ra cho bằng hết, thích gì làm nấy, muốn gì nói nấy, thèm gì ăn nấy. Thế mới ra một đời sống dân chủ.
Chữ dân chủ một thời bị lạm dụng. Thoát khỏi ách thực dân phong kiến rồi, ta làm chủ đời ta, không có ai làm gì nổi ta. Nhà kho hợp tác là cái chùa cũ đã dẹp hết, tượng với chuông với khánh bỏ lẫn giữa đám nông cụ gỉ sét. Nghê đá phỗng đá chó đá lăn lóc bờ bụi, về sau mấy ông buôn đồ cổ thấy có giá, lấy về, mua về, bày trong dinh trong phủ tư nhân. Cần thêm diện tích thì kéo đi phá miếu thờ, đập bát hương, tỏ rõ chí anh hào không biết sợ. Làm gì có những thế lực vô hình viển vông. Chỉ có ta tồn tại, những gì có thể cầm nắm sờ mó hít ngửi được. Những gì có thể nhận biết bằng năm giác quan. Cái nhận biết bằng giác quan thứ sáu chỉ là chuyện mê tín dị đoan. Một tinh thần vật chất thô sơ bao trùm. Một lối sống thực dụng không ai sợ ai, không ai trọng ai tràn lan. Thế rồi sang thời mở cửa, xã hội phân rẽ ra mấy loại người. Kẻ mê tín, suốt một đời không mê, bây giờ có tiền có vàng, có chức có danh, có nhân tình nhân ngãi. Có sở hữu tức là phải lo. Lo mất. Vậy thì phải kính phải thờ phải rón rén. Phải cầu xin để không bị mất. Kẻ không mê tín thì càng ngày càng vô sư vô sách, lấn đất nhà chùa, gây hấn với sư, dối trá lừa đảo cả xã hội. Ngập tràn những cái rởm trong mọi lĩnh vực: thực phẩm rởm, thuốc rởm, danh hiệu rởm, những giá trị rởm. Người ta ngang nhiên lừa đảo dối trá để thu lợi. Ngập tràn một tinh thần không biết sợ, không sợ gì và không sợ ai. Ráo riết chạy chọt vận động xin xỏ để được đề bạt, lên lương, xin bằng cấp, xin bằng khen, giấy khen, giải thưởng. Xin không được thì mua. Mua không được bằng tiền thì mua bằng nhiều tiền. Mua nhiều tiền không được thì nguyền rủa, chửi bới, bôi nhọ. Bằng miệng, bằng văn bản phô tô phát tán, bằng bài báo, bằng tung hê lên mạng, lên blog cá nhân. Bằng đe dọa và cả tấn công bạo lực. Không sợ ai và không sợ gì.
Sau ngày 30.4.1975, có một số người Bắc vào Sài Gòn đã lấy làm lạ. Con cái lớn ngồng, học sinh phổ thông, đi đâu về đến nhà thấy cha mẹ và khách vẫn phải khoanh tay chào. Ô, đấy là phong kiến, con người bị trói buộc trong lễ giáo. Bây giờ là thời dân chủ, con người được giải phóng, ta không cúi đầu trước ai hết. Dần dần mới ngộ ra, hình như không phải thế. Cũng còn những chỗ thiêng liêng con người cần cúi đầu. Cũng còn những người mà ta phải vòng tay kính cẩn. Cũng còn những giá trị mà ta phải nâng niu tôn trọng. Cũng còn những chốn mà bước chân đến ta phải giữ được vẻ thanh sạch tôn nghiêm.
Nói như vậy không có nghĩa là tôn giáo là giải pháp hữu hiệu cho những vấn đề xã hội và vấn đề đạo đức. Bản thân lịch sử tôn giáo cũng còn ghi những cuộc thập tự chinh, những cuộc thánh chiến, những hành trình truyền giáo mà một tay là bản kinh và tay kia là thanh kiếm. Cũng không phải đã hết những kẻ làm ác đi xưng tội và sám hối để sau đấy lao mình vào tội ác mới. Đức tin không loại trừ được tội lỗi, nhưng chắc chắn đức tin là phanh hãm, là cái barie, là lời cảnh báo văng vẳng trong đầu bất cứ khi nào con người đứng bấp bênh bên bờ vực tội lỗi.
Ở chùa Hương, năm nào mùa lễ hội cũng xảy ra xung đột, tranh giành khách xuống thuyền, tranh giành khách vào nhà hàng, hiệu ăn, nhà nghỉ. Tỉnh Hà Tây cũ tự hào có hàng chục danh lam thắng cảnh đẹp, cổ kính. Nhưng thời ấy đã nổi danh là quản lý lộn xộn, đất không lề quê không thói, chẳng ra nền nếp nào. Giờ đã thành Hà Nội, giai đoạn ráp nối mới qua, chẳng hay cách quản lý có thay đổi gì nhiều? Lại kể tiếp chuyện chùa Hương thời ấy. Có lần đoàn một cơ quan ở Hà Nội rủ nhau đi hội chùa Hương. Vừa mới đến bến đò, thì một nhà hàng chạy ra cướp khách, lôi được mấy cô cậu vào. Nhưng đám đông hơn thì đã sang quán bên cạnh. Thế là mấy cô cậu bỏ quán này, chuyển sang quán đông hơn, nhập với bạn bè. Vậy mà nhà hàng kia sang đe: tí nữa chúng mày sẽ biết tay tao.
Rồi đoàn lên thuyền vào Thiên Trù, trèo lên động Hương Tích. Chiều xuống, trở ra, chuyện cũ đã quên rồi, thình lình một lực sĩ nhà hàng túm cổ một cậu trong đoàn đánh túi bụi. Cả một toán vệ sĩ nhà hàng đổ ra, đánh cho tan tác đoàn du khách. Thù dai. Nhớ mặt. Gặp đâu đánh đấy. Các cô cậu bị đánh tơi tả, chạy vào đồn công an. Bọn người kia vẫn hung tợn đứng chặn trước đồn, hét: chúng mày ra đây, ông đánh cho không nhớ đường về quê mẹ. Công an trong đồn thì bảo: thôi, không ăn thì cũng trả tiền cho nó cho xong.
Trời ơi, ngay trong khu vực bảo vệ pháp luật. Ngay trên đất Phật. Người bảo vệ không cứu được du khách. Phật từ bi cũng không cứu được du khách. Không phải chỉ là chuyện ở riêng chùa Hương mà thôi. Bắc Trung Nam, đi đâu vãng cảnh chùa hay vãng cảnh thiên nhiên, người có kinh nghiệm bao giờ cũng phải thận trọng rón rén. Bạo lực như chuyện vừa kể. Lừa đảo như chuyện ở trên đã kể. Báng bổ như chuyện ban đầu đã kể. Vô chính phủ, lộn xộn, nhố nhăng như muôn vàn chuyện đang kể và sẽ kể. Thế gian như thế này, chúng sinh ra thế này, thì những chuyến đi hoằng pháp, đi cứu trợ, đi làm từ thiện của tôn giáo vẫn còn những nhiệm vụ nặng nề hơn phải mang. Người bảo vệ cũng còn trách nhiệm nặng nề hơn phải mang. Và chúng sinh này, đạo làm người cũng vẫn còn nặng nề lắm lắm.
Mùa lễ hội chùa Hương, người ta thường thấy ở khoảng sân trước chùa Thiên Trù, lối dẫn lên chùa, quán xá treo đầy thịt quay. Quay nguyên cả con, còn nguyên vẹn thân hình, treo lủng lẳng theo thứ tự to dần lên: sóc quay, chó quay, dê quay. Treo dốc đầu. Con nào con nấy vàng ươm, bóng nhẫy, răng nhe trắng nhởn. Đầu tiên là phản cảm, vùng đất Phật, ngay trước cửa Phật, sự sát sinh phơi bày một cách ghê rợn mà ngang nhiên như vậy sao? Chính quyền cấp đất cho thuê dựng hàng quán san sát, mà cũng không ngó ngàng đến, có nhìn đến cũng làm ngơ, không nhắc nhở gì hay sao? Lại còn người đi hội nữa, lên chùa một vài ngày, nhịn ăn thịt một bữa có chết ai không? Vậy mà nhìn kia, họ không chỉ mua chỉ xẻo những con thú quay treo lủng lẳng, họ còn sắm nắm mang theo thịt bò thịt gà thịt lợn, mở gói mở bọc, bốc bốc bải bải, cười đùa nhờn mép nhờn môi ngay trước sân chùa.
Nghĩ lại thì thấy chính quyền huyện xã cho thuê đất dựng quán bán hàng trong mấy tháng hội, họ đâu cần quan tâm người ta sẽ bán mặt hàng gì. Bán gì là quyền của người thuê đất. Người thuê đất thì cứ chọn mặt hàng nào bán chạy mà bán. Người thăm chùa thì không phải ai cũng là tín đồ. Người ta du xuân, đi chơi đi picnic, chùa chỉ là cái cớ. Ăn uống tiêu xài cũng là theo cái lý của người đi chơi, không phải Phật tử. Chẳng việc gì phải bóp mồm bóp miệng, kiêng cữ, kiềm chế.
Lại cứ nghĩ, chắc là các thầy ở chùa nhìn thấy cảnh thú quay cả con nhe răng trắng hếu phải đau lòng lắm. Đau lòng nhất là mấy thầy. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì thấy chẳng phải. Những bậc chân tu biết quá rõ cái đời sát sinh này. Cuộc đời ấy mới cần đến giáo lý từ bi với chúng sinh và tôn trọng sự sống muôn loài của các thầy. Người mê tối nhan nhản thế gian mới cần đến các thầy. Phải từ từ dẫn dắt. Giáo lý của các thầy chỉ khuyên răn mà không áp đặt.
Một lần có hai anh chị người Việt ở nước ngoài về, đến thăm chùa Thầy. Vừa bước vào chính điện, còn đang ngơ ngác đã có ngay mấy người bán quán lanh chanh đặt lên bàn thờ một đĩa nhỏ, vài cái kẹo cái oản, một thẻ hương. Đặt giúp. Không ai yêu cầu cũng giúp. Người đâu tốt thế. Lúc ra khỏi chùa, người kia bám theo, hét ba trăm nghìn. Cái đĩa cúng chỉ vài chục nghìn là hết cỡ. Thử đôi co không chịu trả mà xem, cả làng sẽ đổ ra. Gà cậy gần chuồng.
Lại tự hỏi, chính quyền địa phương đâu? Và cái thật thà chân chất của dân quê ta đâu cả rồi? Cái e dè biết ngưỡng của người sống gần cửa Phật đâu rồi? Người ta bảo ngay cả trên xứ Phật phát tích ở Ấn Độ, chùa chiền hầu như cũng thường được dựng lên trên những xứ vô thần vô thánh, vô sư vô sách. Có thế mới là thử thách cho bậc tu hành. Có thế mới cần đến người tu hành.
Nhưng mà ngay cả ở những xứ cần nhiều thử thách ấy, chính quyền cũng dùng luật để dẹp yên những hành vi phạm pháp, đảm bảo bình yên cho môi trường tín ngưỡng. Không thể có hành vi lừa đảo mua một bán trăm kia. Không thể có chuyện xây mấy chục cái chùa rởm trong quần thể chùa Hương và cả ở những khu chùa chiền khác trong cả nước. Một tinh thần vô thần vô thánh trong quản lý. Một tinh thần vô thần vô thánh trong đám người ùn ùn đi hội. Không có ai là to. Trên tôi không có ai. Ngoài tôi ra cũng không có ai mà tôi phải sợ. Bản năng trong tôi, tôi xả ra cho bằng hết, thích gì làm nấy, muốn gì nói nấy, thèm gì ăn nấy. Thế mới ra một đời sống dân chủ.
Chữ dân chủ một thời bị lạm dụng. Thoát khỏi ách thực dân phong kiến rồi, ta làm chủ đời ta, không có ai làm gì nổi ta. Nhà kho hợp tác là cái chùa cũ đã dẹp hết, tượng với chuông với khánh bỏ lẫn giữa đám nông cụ gỉ sét. Nghê đá phỗng đá chó đá lăn lóc bờ bụi, về sau mấy ông buôn đồ cổ thấy có giá, lấy về, mua về, bày trong dinh trong phủ tư nhân. Cần thêm diện tích thì kéo đi phá miếu thờ, đập bát hương, tỏ rõ chí anh hào không biết sợ. Làm gì có những thế lực vô hình viển vông. Chỉ có ta tồn tại, những gì có thể cầm nắm sờ mó hít ngửi được. Những gì có thể nhận biết bằng năm giác quan. Cái nhận biết bằng giác quan thứ sáu chỉ là chuyện mê tín dị đoan. Một tinh thần vật chất thô sơ bao trùm. Một lối sống thực dụng không ai sợ ai, không ai trọng ai tràn lan. Thế rồi sang thời mở cửa, xã hội phân rẽ ra mấy loại người. Kẻ mê tín, suốt một đời không mê, bây giờ có tiền có vàng, có chức có danh, có nhân tình nhân ngãi. Có sở hữu tức là phải lo. Lo mất. Vậy thì phải kính phải thờ phải rón rén. Phải cầu xin để không bị mất. Kẻ không mê tín thì càng ngày càng vô sư vô sách, lấn đất nhà chùa, gây hấn với sư, dối trá lừa đảo cả xã hội. Ngập tràn những cái rởm trong mọi lĩnh vực: thực phẩm rởm, thuốc rởm, danh hiệu rởm, những giá trị rởm. Người ta ngang nhiên lừa đảo dối trá để thu lợi. Ngập tràn một tinh thần không biết sợ, không sợ gì và không sợ ai. Ráo riết chạy chọt vận động xin xỏ để được đề bạt, lên lương, xin bằng cấp, xin bằng khen, giấy khen, giải thưởng. Xin không được thì mua. Mua không được bằng tiền thì mua bằng nhiều tiền. Mua nhiều tiền không được thì nguyền rủa, chửi bới, bôi nhọ. Bằng miệng, bằng văn bản phô tô phát tán, bằng bài báo, bằng tung hê lên mạng, lên blog cá nhân. Bằng đe dọa và cả tấn công bạo lực. Không sợ ai và không sợ gì.
Sau ngày 30.4.1975, có một số người Bắc vào Sài Gòn đã lấy làm lạ. Con cái lớn ngồng, học sinh phổ thông, đi đâu về đến nhà thấy cha mẹ và khách vẫn phải khoanh tay chào. Ô, đấy là phong kiến, con người bị trói buộc trong lễ giáo. Bây giờ là thời dân chủ, con người được giải phóng, ta không cúi đầu trước ai hết. Dần dần mới ngộ ra, hình như không phải thế. Cũng còn những chỗ thiêng liêng con người cần cúi đầu. Cũng còn những người mà ta phải vòng tay kính cẩn. Cũng còn những giá trị mà ta phải nâng niu tôn trọng. Cũng còn những chốn mà bước chân đến ta phải giữ được vẻ thanh sạch tôn nghiêm.
Nói như vậy không có nghĩa là tôn giáo là giải pháp hữu hiệu cho những vấn đề xã hội và vấn đề đạo đức. Bản thân lịch sử tôn giáo cũng còn ghi những cuộc thập tự chinh, những cuộc thánh chiến, những hành trình truyền giáo mà một tay là bản kinh và tay kia là thanh kiếm. Cũng không phải đã hết những kẻ làm ác đi xưng tội và sám hối để sau đấy lao mình vào tội ác mới. Đức tin không loại trừ được tội lỗi, nhưng chắc chắn đức tin là phanh hãm, là cái barie, là lời cảnh báo văng vẳng trong đầu bất cứ khi nào con người đứng bấp bênh bên bờ vực tội lỗi.
Ở chùa Hương, năm nào mùa lễ hội cũng xảy ra xung đột, tranh giành khách xuống thuyền, tranh giành khách vào nhà hàng, hiệu ăn, nhà nghỉ. Tỉnh Hà Tây cũ tự hào có hàng chục danh lam thắng cảnh đẹp, cổ kính. Nhưng thời ấy đã nổi danh là quản lý lộn xộn, đất không lề quê không thói, chẳng ra nền nếp nào. Giờ đã thành Hà Nội, giai đoạn ráp nối mới qua, chẳng hay cách quản lý có thay đổi gì nhiều? Lại kể tiếp chuyện chùa Hương thời ấy. Có lần đoàn một cơ quan ở Hà Nội rủ nhau đi hội chùa Hương. Vừa mới đến bến đò, thì một nhà hàng chạy ra cướp khách, lôi được mấy cô cậu vào. Nhưng đám đông hơn thì đã sang quán bên cạnh. Thế là mấy cô cậu bỏ quán này, chuyển sang quán đông hơn, nhập với bạn bè. Vậy mà nhà hàng kia sang đe: tí nữa chúng mày sẽ biết tay tao.
Rồi đoàn lên thuyền vào Thiên Trù, trèo lên động Hương Tích. Chiều xuống, trở ra, chuyện cũ đã quên rồi, thình lình một lực sĩ nhà hàng túm cổ một cậu trong đoàn đánh túi bụi. Cả một toán vệ sĩ nhà hàng đổ ra, đánh cho tan tác đoàn du khách. Thù dai. Nhớ mặt. Gặp đâu đánh đấy. Các cô cậu bị đánh tơi tả, chạy vào đồn công an. Bọn người kia vẫn hung tợn đứng chặn trước đồn, hét: chúng mày ra đây, ông đánh cho không nhớ đường về quê mẹ. Công an trong đồn thì bảo: thôi, không ăn thì cũng trả tiền cho nó cho xong.
Trời ơi, ngay trong khu vực bảo vệ pháp luật. Ngay trên đất Phật. Người bảo vệ không cứu được du khách. Phật từ bi cũng không cứu được du khách. Không phải chỉ là chuyện ở riêng chùa Hương mà thôi. Bắc Trung Nam, đi đâu vãng cảnh chùa hay vãng cảnh thiên nhiên, người có kinh nghiệm bao giờ cũng phải thận trọng rón rén. Bạo lực như chuyện vừa kể. Lừa đảo như chuyện ở trên đã kể. Báng bổ như chuyện ban đầu đã kể. Vô chính phủ, lộn xộn, nhố nhăng như muôn vàn chuyện đang kể và sẽ kể. Thế gian như thế này, chúng sinh ra thế này, thì những chuyến đi hoằng pháp, đi cứu trợ, đi làm từ thiện của tôn giáo vẫn còn những nhiệm vụ nặng nề hơn phải mang. Người bảo vệ cũng còn trách nhiệm nặng nề hơn phải mang. Và chúng sinh này, đạo làm người cũng vẫn còn nặng nề lắm lắm.
HỒ ANH THÁI
(Rút từ tập tiểu luận Hướng nào Hà Nội cũng sông, Hồ Anh Thái, NXB Văn Nghệ và Phương Nam Book, 2010)
(Web ĐBND)
(Rút từ tập tiểu luận Hướng nào Hà Nội cũng sông, Hồ Anh Thái, NXB Văn Nghệ và Phương Nam Book, 2010)
(Web ĐBND)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét