TÔN VINH PHONG VỊ HUẾ - HOÀNG VĂN MINH

FESTIVAL LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG HUẾ LẦN THỨ IV - 2011 Trà ướp sen kiểu Huế
Tôn vinh phong vị Huế
Ngày 29.4.2011, Festival nghề truyền thống Huế 2011 được khai mạc với chủ đề “Bếp Việt trong vườn Huế”. Như vậy là, sau các nghề thêu và nón lá; chạm khắc gỗ, đúc đồng và kim hoàn; gốm, sơn mài và pháp lam; lần này lễ hội lại tiếp tục tôn vinh phong vị Huế với ẩm thực và cây kiểng.

Khẳng định lại ẩm thực Huế
Festival nghề truyền thống Huế 2011, chủ đề “Bếp Việt trong vườn Huế” sẽ kéo dài đến hết ngày 3.5. Đến Huế trong dịp này, du khách sẽ được đắm mình vào không gian văn hoá ẩm thực và cây cảnh đặc trưng các vùng miền trong cả nước, thăm thú và thưởng thức bếp Việt trong hệ thống các nhà vườn khắp thành phố.
Tại đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (dọc bờ sông Hương), Quảng trường Ngọ Môn, công viên Phu Văn Lâu... sẽ có một không gian tôn vinh nghệ thuật ẩm thực – cây kiểng. Những nghệ nhân của trên 20 đơn vị cây xanh và sinh vật cảnh cả nước trưng bày gần 1.000 tác phẩm đẹp, gần 50 nghệ nhân và chuyên gia ẩm thực trong nước giới thiệu kỹ năng, nghệ thuật chế biến, nấu ăn...
Đặc biệt, công chúng còn có thể cùng tham gia chế tác, thưởng thức các món ăn độc đáo của Hà Nội và vùng Bắc Bộ. Các nghệ nhân Hà Nội và hệ thống nhà hàng của Cty Tuấn Đạt, Cty Vẻ đẹp Việt sẽ tái tạo không khí ấy. Những đầu bếp Làng du lịch Bình Quới phối hợp với các nghệ nhân đến từ TPHCM giới thiệu những món ăn Nam Bộ mang sắc thái văn hoá trong sinh hoạt, trong cảnh quan và trong món ăn, thức uống của người phương Nam...
Nghệ thuật nấu ăn theo kiểu Huế sẽ hiện diện ở festival này với nhiều món ăn phong phú - từ cao lương mỹ vị như yến tiệc cung đình và cung phủ, đến các món ăn dân dã - qua nghệ thuật chế biến của các đầu bếp, nghệ nhân Huế và Cty khách sạn Duy Tân. Thực khách còn có thể thưởng thức bữa cơm muối của cô giáo, “viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm ẩm thực Pháp” Hoàng Thị Như Huy và đầu bếp Đặng Văn Sơn của khách sạn Đống Đa hoặc những món ăn chay bổ dưỡng của các đầu bếp đến từ các nhà chùa, niệm phật đường và nhà hàng chay xứ Huế... Ông Nguyễn Duy Hiền - GĐ Trung tâm Festival Huế - cho biết: “Ẩm thực Huế trên lý thuyết là như vậy, nhưng hiện được khai thác rất thô thiển và bát nháo (ví như dịch vụ cơm vua). Bởi vậy, lễ hội lần này không chỉ tôn vinh phong vị Huế, mà còn là một sự khẳng định lại về chất lượng, sự tinh tế... của ẩm thực Huế, từ cung đình cho đến dân dã”.

Không phải là hội chợ
Khác với Festival Huế vào các năm chẵn, lễ hội vào các năm lẻ như năm nay chủ đề bị bó buộc trong cụm từ “nghề truyền thống” nên nghe cảm giác như hằng năm đến dịp này là Huế lại tổ chức... hội chợ về nghề hơn là lễ hội. Điều này dẫn tới việc hút khách du lịch trong suốt ba kỳ tổ chức vừa qua đều chưa được như mong muốn. Ông Hiền cũng thừa nhận, đây là cái khó cho những nhà tổ chức. “Cái khó là nghe giống hội chợ, nhưng phải tổ chức ra làm sao để nó thành lễ hội. Và mặc dù không phải là hội chợ, nhưng lại phải tổ chức thế nào để có thể giới thiệu, quảng bá được nghề và sản phẩm. Và quan trọng nhất là tìm lối thoát cho những người thợ thủ công của những nghề truyền thống đã mai một. Đó là mục tiêu hàng đầu mà nhà tổ chức đề ra. Điều này cũng lý giải cho việc Festival nghề truyền thống - dù đã tổ chức đến lần thứ tư, nhưng vẫn chưa phải là một điểm đến hấp dẫn do mục tiêu thu hút khách là có đề ra, nhưng chỉ là mục tiêu thứ hai” - ông nói.
Câu hỏi đặt ra là với mục tiêu thứ nhất (giới thiệu, quảng bá nghề và tìm lối thoát cho người thợ thủ công), các nghề được tôn vinh trong ba kỳ lễ hội trước có thay đổi gì so với trước không? Ông Hiền trả lời: “Đến thời điểm này vẫn chưa có một công trình đánh giá tác động cụ thể nào, tuy nhiên thực tế cho thấy đã có những đổi thay khá mạnh mẽ của các nghề trên sau khi được tôn vinh”. Ông dẫn chứng: “Bây giờ ở Huế không những không còn nạn “chảy máu” nhà rường như cách đây chục năm, mà công nghệ sản xuất nhà rường mới phát triển tới mức đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất nhà rường phục vụ cho nhu cầu không chỉ ở Huế mà cả nước. Hay với nghề kim hoàn, kể từ sau Festival nghề năm 2007, khu “Tịnh tâm kim cổ” của chủ tiệm vàng Duy Mong đã trở thành một địa chỉ du lịch, một nơi thao diễn nghề kim hoàn thủ công thu hút rất đông du khách trong, ngoài nước. Hoặc hoa giấy Thanh Tiên, xuất phát điểm chỉ là hoa cúng và đứng trước nguy cơ lụi tàn, nhưng hiện nghề này đang hồi sinh mạnh cùng với nhu cầu trang trí song song với cúng...”.

Trong lễ hội, tại Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán Huế sẽ diễn ra triển lãm bộ sưu tập cổ vật chủ đề “Bếp Việt” của nhà sưu tập và nghiên cứu Trần Đình Sơn và nhà sưu tập Nguyễn Thị Tú Anh với gần 300 hiện vật phục vụ bữa ăn, đồ uống bằng gốm, sứ, gỗ, kim loại do người Việt chế tạo qua các thời đại, ở các vùng miền và các hiện vật được gửi kiểu đặt làm ở nước ngoài như Trung Quốc, Pháp, Nhật dưới thời Lê, Nguyễn... Tại Tả Vu (Đại Nội) sẽ triển lãm bộ sưu tập “Cổ vật cung đình”. Tại Nam Châu Hội Quán ngày 1.5 có cuộc trao đổi với chủ đề “Phong vị ẩm thực Việt”. Lễ hội còn có các chương trình ca - múa nhạc đặc biệt; chương trình nghệ thuật và tôn vinh các nghệ nhân; và hàng chục chương trình nghệ thuật, triển lãm, văn hoá cộng đồng khác...

Hoàng Văn Minh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét