Mưa rơi nhẹ trên thành phố Giverny vào cái ngày tôi đến thăm khu vườn của Monet. Xe chạy quanh quanh trên các triền dốc bên những pháo đài cổ và một ngôi làng nửa thôn quê nửa phô thị hiện ra ở cuối con đường. Trong làn mưa bụi, hòa giữa những chiếc dù nhiều màu sắc và hàng người tỏa vào các lối đi quanh ngôi nhà của người danh họa, tôi thấy mình đang đi lạc trong cơn mơ dưới hoa. Một tiếng cười nhẹ, một hơi thở nhẹ như cũng đủ làm rung từng cánh lá trên giàn nho và giàn hoa hồng phủ kín các đầu hồi và cửa sổ. Bỗng dưng, tôi tự hỏi mình đang ở đâu đây, cơ duyên nào đưa mình đến nơi chốn này? Đi qua chiếc cầu gỗ dáng cong kiểu Nhật Bản, chợt hiện ra hồ hoa súng: A, chính là hoa súng đã dẫn mình đến đây, hoa súng là nhân duyên của chuyến đi này.
Tôi đang dẫm lên dấu chân của ông già Monet năm nào còn lững thững bên bụi trúc khu vườn và in bóng cùng mây nước tĩnh lặng trên mặt hồ buổi sáng. Người ta kể rằng ông già râu tóc bạc phơ này bao giờ cũng đi ngủ sớm để có thể thức dậy vào lúc bình minh cho kịp nhìn thấy nắng mai đọng đầy hoa súng. Sau nhiều năm sống trong cảnh nghèo túng, chịu đựng sự ghẻ lạnh của các nhà phê bình và sự hờ hững của những người kinh doanh nghệ thuật, Monet đã chọn Giverny làm nơi an trú những năm tháng cuối đời. Chính nơi đây, tìm được con đường riêng của mình trong nghệ thuật, đạt đến độ chín muồi viên mãn trong sáng tạo, người họa sĩ dành trọn 27 năm hiến mình cho hoa súng và đã dâng tặng hết bộ sưu tập vô giá này cho Tổ quốc. Những bông hoa phớt hồng, tím nhạt, xanh màu thiên thanh hay trắng màu trinh nguyên đã từ những tranh vẽ cuối đời của Monet bước ra hay từ đây đi vào tranh vẽ? Chúng vừa mới nở đêm qua hay còn sót lại từ đầu thế kỷ trước, thuở nhà danh họa có tâm hồn và hình dáng như một đạo sĩ phương Đông còn đứng tựa vào lan can cầu bình thản nhìn ngắm thời gian trôi qua sau khi tất cả những bạn đồng hành trên con đường nghệ thuật ấn tượng đã lần lượt đi vào cõi vĩnh hằng? Những bức tranh này không hề có chân trời và bầu trời thì chỉ còn hiện lên qua ánh hồi quang của nước. Cây cối, bầu trời, những áng mây phản chiếu trên mặt hồ phẳng lặng mà Monet gọi là tấm gương nước. Tấm gương đó cũng chính là tâm hồn người nghệ sĩ. Ta hiểu vì sao nhà danh họa thường nói rằng thiên nhiên là xưởng vẽ của mình trong khi phần lớn tác phẩm của ông lại được tái tạo từ thế giới nội tâm. Dưới nắng mai, những quầng hoa súng ánh lên màu xà cừ, tiếng bay vù vù của những chú chuồn chuồn, tiếng lũ nhái nấp trong lau sậy bỗng sợ hãi buông mình xuống làn nước khi có người đến gần… tất cả đã trở thành nguồn cảm hứng và một nơi chốn yên bình để người ta suy tưởng.
Hàng liễu rũ trên con đường quanh hồ còn đẫm sương đêm. Dòng người bước đi mà như tan biến dần vào thiên nhiên: khóm trúc, rặng liễu, lùm hoa diên vĩ. Vẻ trầm tư của hồ nước gợi lên một khung cảnh quen thuọc nào tôi đã trải qua. Hình như tôi đang đi lại con đường quanh hồ hoa súng phía sau Long An Tự (Ryoanji), một ngày xuân muộn. Đây là ngôi chùa thuộc phái Lâm Tế do dòng họ võ sĩ Hosokawa lập ra ở Kyoto từ giữa thế kỷ XV. Vẫn cây cầu dáng cong và những đóa hoa súng nhu mì khoe sắc, chỉ thiếu những đôi thiên nga nhàn tản trong bóng trời chiều. Anh nắng xuyên qua kẽ lá rơi lốm đốm trên mặt nước làm nên những gợn sóng lăn tăn. Tôi đang dừng chân ở đâu đây? Kyoto hay Giverny? Không, hình như là một chỗ nào đó còn thân thuọc hơn nữa? Chỗ nào?
Và tôi chợt nhớ ra. Đó là một buổi chiều Hà Nội, sau một ngày họp hội, từ khách sạn Asean, tôi một mình thả bộ dọc con đường Chùa Bộc cuối năm chật chội người xe. Hơn 20 năm trước, thời sinh viên, mỗi ngày tôi đạp xe từ khu Trung Tự ngang qua đây để vào Mễ Trì, trên con đường trải nhựa nhỏ hẹp chạy giữa các ngôi nhà cũ kỹ và những bàu rau muống. Bây giờ những hàng quán nghèo nàn nhường chỗ cho các cửa hiệu sang trọng, sầm uất. Và tôi chỉ tìm lại được Hà Nội của mình cuối thập kỷ 70 khi bước vào cổng chùa. Chỉ cách mấy bước chân mà không gian náo nhiệt như lùi xa. Chùa vắng vẻ, không có người ăn xin, quầy bán hương không chào mời, một sư thầy khoan thai gõ chuông cho vài khách thập phương cúng bái. Tiếng chuông lan ra vườn chùa, phả âm vào ao nước bạt ngàn hoa súng. Hoa súng nở vươn đến bờ, chỉ cần nghiêng mình với tay là chạm tới. Tôi nhớ ngày xưa ao chỉ lác đác hoa, lòng tự hỏi ai người trồng hoa đã cất công gìn giữ một vùng thiên nhiên như vậy giữa phố phường đang lấn đất. Trong khi hoa sen đầy đặn như người thiếu phụ tuổi 30 thì hoa súng mãi thanh tân bé dại ở năm 16. Búp sen tròn và đoan trang; búp súng dài mảnh, cánh nhọn bung ra như nụ cười tinh nghịch. Vào cuối thu, sen đã tàn, súng còn nán lại chơi với ta thêm một mùa dài. Lá sen vươn cao hơn mặt nước dáng kiêu hãnh, lá súng thì bằng lòng thả mình trên mặt nước, như không có vẻ gì gắng sức mà vẫn tương chiếu và hòa điệu với thiên nhiên chung quanh.
Chùa Ryoanji và khu vườn Giverny tôi chỉ mới đến một lần thôi. Thoáng như một giấc mơ, liệu có ngày gặp lại? Còn giữa buổi chiều Hà Nội cuối năm, trong lời cầu xin tham lam của tôi, có lời nguyện được cùng em trở lại bên mặt hồ hoa súng thân thuộc này, để chùa Bộc còn giữ hoài cho tôi một chút tình không phai từ năm tháng cũ.
2005
Tôi đang dẫm lên dấu chân của ông già Monet năm nào còn lững thững bên bụi trúc khu vườn và in bóng cùng mây nước tĩnh lặng trên mặt hồ buổi sáng. Người ta kể rằng ông già râu tóc bạc phơ này bao giờ cũng đi ngủ sớm để có thể thức dậy vào lúc bình minh cho kịp nhìn thấy nắng mai đọng đầy hoa súng. Sau nhiều năm sống trong cảnh nghèo túng, chịu đựng sự ghẻ lạnh của các nhà phê bình và sự hờ hững của những người kinh doanh nghệ thuật, Monet đã chọn Giverny làm nơi an trú những năm tháng cuối đời. Chính nơi đây, tìm được con đường riêng của mình trong nghệ thuật, đạt đến độ chín muồi viên mãn trong sáng tạo, người họa sĩ dành trọn 27 năm hiến mình cho hoa súng và đã dâng tặng hết bộ sưu tập vô giá này cho Tổ quốc. Những bông hoa phớt hồng, tím nhạt, xanh màu thiên thanh hay trắng màu trinh nguyên đã từ những tranh vẽ cuối đời của Monet bước ra hay từ đây đi vào tranh vẽ? Chúng vừa mới nở đêm qua hay còn sót lại từ đầu thế kỷ trước, thuở nhà danh họa có tâm hồn và hình dáng như một đạo sĩ phương Đông còn đứng tựa vào lan can cầu bình thản nhìn ngắm thời gian trôi qua sau khi tất cả những bạn đồng hành trên con đường nghệ thuật ấn tượng đã lần lượt đi vào cõi vĩnh hằng? Những bức tranh này không hề có chân trời và bầu trời thì chỉ còn hiện lên qua ánh hồi quang của nước. Cây cối, bầu trời, những áng mây phản chiếu trên mặt hồ phẳng lặng mà Monet gọi là tấm gương nước. Tấm gương đó cũng chính là tâm hồn người nghệ sĩ. Ta hiểu vì sao nhà danh họa thường nói rằng thiên nhiên là xưởng vẽ của mình trong khi phần lớn tác phẩm của ông lại được tái tạo từ thế giới nội tâm. Dưới nắng mai, những quầng hoa súng ánh lên màu xà cừ, tiếng bay vù vù của những chú chuồn chuồn, tiếng lũ nhái nấp trong lau sậy bỗng sợ hãi buông mình xuống làn nước khi có người đến gần… tất cả đã trở thành nguồn cảm hứng và một nơi chốn yên bình để người ta suy tưởng.
Hàng liễu rũ trên con đường quanh hồ còn đẫm sương đêm. Dòng người bước đi mà như tan biến dần vào thiên nhiên: khóm trúc, rặng liễu, lùm hoa diên vĩ. Vẻ trầm tư của hồ nước gợi lên một khung cảnh quen thuọc nào tôi đã trải qua. Hình như tôi đang đi lại con đường quanh hồ hoa súng phía sau Long An Tự (Ryoanji), một ngày xuân muộn. Đây là ngôi chùa thuộc phái Lâm Tế do dòng họ võ sĩ Hosokawa lập ra ở Kyoto từ giữa thế kỷ XV. Vẫn cây cầu dáng cong và những đóa hoa súng nhu mì khoe sắc, chỉ thiếu những đôi thiên nga nhàn tản trong bóng trời chiều. Anh nắng xuyên qua kẽ lá rơi lốm đốm trên mặt nước làm nên những gợn sóng lăn tăn. Tôi đang dừng chân ở đâu đây? Kyoto hay Giverny? Không, hình như là một chỗ nào đó còn thân thuọc hơn nữa? Chỗ nào?
Và tôi chợt nhớ ra. Đó là một buổi chiều Hà Nội, sau một ngày họp hội, từ khách sạn Asean, tôi một mình thả bộ dọc con đường Chùa Bộc cuối năm chật chội người xe. Hơn 20 năm trước, thời sinh viên, mỗi ngày tôi đạp xe từ khu Trung Tự ngang qua đây để vào Mễ Trì, trên con đường trải nhựa nhỏ hẹp chạy giữa các ngôi nhà cũ kỹ và những bàu rau muống. Bây giờ những hàng quán nghèo nàn nhường chỗ cho các cửa hiệu sang trọng, sầm uất. Và tôi chỉ tìm lại được Hà Nội của mình cuối thập kỷ 70 khi bước vào cổng chùa. Chỉ cách mấy bước chân mà không gian náo nhiệt như lùi xa. Chùa vắng vẻ, không có người ăn xin, quầy bán hương không chào mời, một sư thầy khoan thai gõ chuông cho vài khách thập phương cúng bái. Tiếng chuông lan ra vườn chùa, phả âm vào ao nước bạt ngàn hoa súng. Hoa súng nở vươn đến bờ, chỉ cần nghiêng mình với tay là chạm tới. Tôi nhớ ngày xưa ao chỉ lác đác hoa, lòng tự hỏi ai người trồng hoa đã cất công gìn giữ một vùng thiên nhiên như vậy giữa phố phường đang lấn đất. Trong khi hoa sen đầy đặn như người thiếu phụ tuổi 30 thì hoa súng mãi thanh tân bé dại ở năm 16. Búp sen tròn và đoan trang; búp súng dài mảnh, cánh nhọn bung ra như nụ cười tinh nghịch. Vào cuối thu, sen đã tàn, súng còn nán lại chơi với ta thêm một mùa dài. Lá sen vươn cao hơn mặt nước dáng kiêu hãnh, lá súng thì bằng lòng thả mình trên mặt nước, như không có vẻ gì gắng sức mà vẫn tương chiếu và hòa điệu với thiên nhiên chung quanh.
Chùa Ryoanji và khu vườn Giverny tôi chỉ mới đến một lần thôi. Thoáng như một giấc mơ, liệu có ngày gặp lại? Còn giữa buổi chiều Hà Nội cuối năm, trong lời cầu xin tham lam của tôi, có lời nguyện được cùng em trở lại bên mặt hồ hoa súng thân thuộc này, để chùa Bộc còn giữ hoài cho tôi một chút tình không phai từ năm tháng cũ.
2005
0 nhận xét:
Đăng nhận xét