CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2011 (KỲ 91)


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

911 - Đỗ Long Vân

“KỲ NHÂN” PHÊ BÌNH VĂN HỌC

Nhà phê bình văn học mất 1997 ở TPHCM.

Tốt nghiệp khoa triết ĐH Sorbonne danh tiếng ở Pháp về Huế (cùng vợ) dạy đại học những năm 1960 cùng thời với nhóm văn nghệ sĩ tiến bộ ở đây gồm Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trịnh Công Sơn, Đinh Cường…

Chuyên gia về trào lưu tân Marxism và cơ cấu luận mang tính học thuật cấp tiến có xu hướng thiên tả (có quan hệ với nhóm Trình Bầy ở Sài Gòn) song trong cuộc sống lại rất nghệ sĩ không quan tâm đến thực tế. Sống phóng khoáng thích ăn mặc “bụi”, đi “bụi” (tới mức có lần lang thang bị bắt lính đưa vào quân trường do trong người… không có giấy tờ gì hết khiến trường đại học sau đó biết tin mới vội đi “chuộc” về!) nhưng làm việc nghiêm túc, đọc sách suốt ngày .

Đã sử dụng kiến thức triết lý, lý luận phê bình đó để áp dụng phân tích, bình luận về một số tác phẩm văn chương dân tộc VN – hoặc gần gũi VN – một cách cực kỳ nhuần nhuyễn, “Việt Nam hóa” tài tình như “Truyện Kiều ABC”, “Nguồn nước ẩn trong thơ Hồ Xuân Hương”, “Vô Kỵ giữa chúng ta”…. Tư tưởng, kiến giải mới mẻ sâu sắc, văn phong đậm tính tư duy luận lý song vẫn giữ được vẻ gợi cảm, lãng mạn đẹp đẽ. Nhà tiên phong ứng dụng phê bình văn học cơ cấu luận phương Tây vào tác phẩm VN đầy sáng tạo thành công xuất sắc đầu tiên và đến nay vẫn là duy nhất ở VN.

Sau biến cố Mậu Thân ở Huế, vào Sài Gòn cộng tác với nhóm Trình Bầy (3 tác phẩm chính đều do nhóm Trình Bày in).

Sau 30.4.1975 rút vào “ở ẩn” tại TPHCM (sống cùng con gái), mở một sạp bán báo góc ngả tư đường hẻm sát bên một quán nhậu lộ thiên ngồi nhìn cuộc đời trôi qua, chứng kiến hiện thực xảy ra đúng như mình từng viết thành lý thuyết cách đây mươi năm: “Người làm văn vào đời như xướng ca. Nhưng thế giới từ nghìn xưa vẫn thuộc những người có khí giới và những người có của. Ngôn ngữ cũng của họ, thì làm văn nghĩa gì hơn là phải xin vâng lời? “Xin vâng lời, nhưng mà”. Cái “nhưng mà” theo Roland Barthes có thể tóm tắt thái độ của Kafka trước cuộc đời. Cũng chính vì nó mà vẫn có người đang chết.” (VKGCT).

Có lẽ vì vậy tối về nhà vẫn tiếp tục âm thầm làm việc, đọc và dịch bộ sách mỹ học Pháp.

Rồi qua đời trong lặng lẽ ít ai biết cũng như đã sống và viết tác phẩm hết sức giá trị vừa dân tộc vừa hiện đại hiếm có như thế, đúng như tên mình “Rồng Mây” vào hàng “ngọa hổ tàng long”!

Năm 2001 tác phẩm “Vô Kỵ giữa chúng ta” được Nxb Văn Học in lại chung trong một cuốn sách giới thiệu về nhà văn kiếm hiệp Kim Dung (Hong Kong), cha đẻ nhân vật anh hùng Trương Vô Kỵ.

912 – Hồ Đình Nghiêm

VÀO TRẠI TỴ NẠN THÀNH NHÀ VĂN

Nhà văn Việt kiều Mỹ sinh 1957 tại Huế. Sống ở Canada (2011).

Tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1978 được nhận vào làm Sở Văn hóa – Thông tin Bình Trị Thiên.

Nhưng làm việc không hợp sinh ra chán nản nên năm 1980 dù mới lấy vợ sinh con đầu lòng vẫn đưa vợ con cùng vượt biên. Đến Hong Kong qua 1981 được Canada nhận vào định cư,

Trong thời gian chôn chân ở trại tỵ nạn Kowloon, nằm buồn mới bắt tay vào viết văn, viết truyện ngắn: “Chạm mặt cuộc sống mới, giấy bút khi ấy giúp tôi làm nhẹ nỗi buồn. Hoàn cảnh đó, hội họa không thiết thực bằng văn chương. Trong trại tỵ nạn, cách giết thì giờ hữu hiệu nhấùt là đùa cợt với chữ nghĩa. Cứ thế mà mình lậm hồi nào không hay…”

Và cứ thế từ 1988 đến 2005 đã in 4 tập truyện ngắn tại Mỹ về đề tài hồi ức VN pha thêm chất sex mốt thời thượng.

Nhưng sau đó thì rơi vào… bí đề tài bởi hầu hết nội dung truyện đa viết đều xoay quanh những kinh nghiệm sống cảm nhận được từ 5 năm sống chung với cộng sản ở Huế nay đã cạn kiệt cạn. Mà ở Canada bản thân lại sống khá khép kín ít giao tiếp ít hòa nhập xã hội mới nên khó có cảm hứng.

Từ đó có cái nhìn bi quan, thất vọng về nghiệp viết mà mình từng nghĩ là “thiết thực”, đặc biệt giữa không khí sinh hoạt văn nghệ trong cộng đồng hải ngoại nhuốm chất chính trị chống Cộng hơn là văn chương: “Nhà văn bó tay, nhà văn là thứ trói gà không chặt. Đó là một tập thể yếu đuối và chẳng mấy đoàn kết, nhất là nhà văn VN… Thôi thì nên thủ phận, nên đứng ngoài những thứ râu ria chính trị…”

913 – Hung Ba Le

HẠM TRƯỞNG CHIẾN HẠM MỸ

Trung tá hải quân Mỹ tên cũ Lê Bá Hùng sinh 1970 tại Huế. Sống ở Mỹ (2011).

Cha là trung tá hải quân VNCH phụ trách hậu cần nên tháng 1975 đã chỉ huy tàu cá đưa vợ con (mình là con út) di tản được tàu Mỹ vớt đưa về Mỹ. Lúc đó còn các anh chị em đi học kẹt lại ở Huế đến năm 1983 mới được bảo lãnh qua theo.

Trên đất Mỹ tiếp tục kế thừa sự nghiệp cha vào học và tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ, ra trường về đơn vị hạm đội Mỹ.

Năm 2009 thăng trung tá rồi đến cuối năm được cử về làm hạm trưởng chiến hạm USS Lassen thuộc Hạm đội 7 Thái Bình Dương. Là hạm trưởng gốc Việt đầu tiên, điều trùng hợp bây giờ lại chỉ huy chiến hạm từng tham chiến ở VN.

Cuối năm 2009 chỉ huy chiến hạm này đến thăm VN cập bến Đà Nẵng, là tàu chiến lớn đầu tiên vào Đà Nẵng sau chiến tranh.

Nhân đó đã tranh thủ về Huế thăm bà con, bạn học cũ thời thơ ấu, biết được tổ tiên mình từng làm đô đốc triều Nguyễn: “Đối với tôi ám ảnh chiến tranh trước kia không nhiều như đối với cha tôi. Nhưng cha tôi cũng vui thấy tôi trở về VN….Tôi tự hào mình là người Mỹ và tôi cũng tự hào về nguồn gốc VN của tôi. Tôi luôn mơ ước quay trở lại VN.” Hứa lần sau sẽ đem vợ con về và hy vọng cả cha mình cùng về.

Năm 2010 thuyên chuyển về làm phụ tá cho chỉ huy trưởng Hạm đội 7 đóng tại Nhật Bản.

914 – Joseph Huỳnh Văn

NHÀ THƠ “SAO BĂNG”

Nhà thơ tên thật Huỳnh Văn Hiến sinh 1942 tại Huế – Mất 1995 ở TPHCM (54 tuổi).

Xuất thân tu sĩ Công giáo cởi áo dòng, vào Sài Gòn dạy học.

Đầu thập niên 1970 bắt đầu xuất hiện trên văn đàn miền Nam với một số bài thơ (đã làm từ lâu) đặc sắc độc đáo rất lạ. Nội dung mang đậm cá tính cảm xúc nội tâm dữ dội, thâm sâu; tập trung đề tài nhuốm màu chết chóc bi tráng với phong cách thể hiện thơ tự do phóng túng qua vần điệu, ngôn ngữ, chữ viết cách tân chắt lọc cô đọng:

“Ai cầm dưới nguyệt ai như mây

Cỏ hoa rất lệ ngát. hiên tây…

Ai xõa tóc xanh, ai đầm áo

Nửa đêm ngất tạnh cầm buông dây

Ôi nửa đêm sầu sầu ngất tạnh

Sầu như cầm. nguyệt tàn về đâu…

………………………..

Hồ như

Cầm dứt dưới trăng tàn

Ai xé lòng như nguyệt thấm mênh mang…”

(Cầm Nguyệt Xanh)

Sau đó cùng một số bạn văn cùng xu hướng cấp tiến (Phạm Kiều Tùng, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Đạt…) xuất bản tập san Văn Chương từ năm 1973.

Sau 30.4.1975 tự chấm dứt sự nghiệp thơ ca, sự nghiệp văn chương – chỉ sau chưa tới 3 năm được biết đến - không làm thơ, tuyệt đối không bàn luận gì về văn chương nữa mà chuyển qua nghề làm thợ mộc (thợ cả tay nghề cao) để kiếm sống nuôi gia đình.

Có người anh Huỳnh Văn Trọng một cán bộ cộng sản nằm vùng (từng làm cố vấn cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu năm 1969 bị Mỹ phát hiện phải ra tòa lãnh án chung thân đày đi Côn Đảo, đến 1973 được trao trả tù binh đôi bên) nên không biết quyết định dứt khoát vĩnh biệt văn chương có chịu ảnh hưởng gì không? Hay bị tác động bởi thời thế làm tan vỡ ảo tưởng văn chương, nhất là quan điểm văn chương “siêu” viễn mơ như tập san Văn Chương?

Bởi thời cuộc chí ít cũng có để lại vài dấu ấn đáng chú ý trong vài bài thơ trước đó như:

“Em đẹp như cách mạng

vành khăn tang thắm đỏ giữa chiều vàng

Em đẹp như nát tan

Thuở bình minh

Rạng rỡ xa nhau

Ôi vừng dương

Vùng sầu

Em đẹp như hoàng hôn đổ máu

Thầm giấu tên chúng ta

…………………….

Đâu giấc mơ vội vàng tảng sáng

Đẹp muộn màng

Ôi! Những người kiêu hãnh chẳng ngày mai

Đẹp tàn phai

……………..

Vì lòng hoài cách mạng

(Đẹp Như Cách Mạng)

Mất sớm bất ngờ đột quỵ tại chỗ khi đang cùng bạn bè ngồi uống rượu trên vỉa hè TPHCM.

Năm 2004 ở Đà Nẵng có in lại một số bài thơ chung trong một tuyển tập. Năm 2011 ở TPHCM in “Thơ Joseph Huỳnh Văn” phổ biến hạn chế.

915 – Jacquie Bong Wright

“GÓA PHỤ CHIẾN TRANH”

Nhà hoạt động xã hội Việt kiều Mỹ tên thật Lê Thị Thu Vân sinh 1940 tại Campuchia. Sống ở Mỹ (2011).

Từ Campuchia đi du học Pháp, tại đây gặp và lấy chồng ông Nguyễn Văn Bông từ Sài Gòn cũng đi du học.

Sau đó 2 vợ chồng về Sài Gòn, chồng được cử làm viện trưởng Học viện Quốc gia hành chánh đào tạo công chức trung – cao cấp chế độ Sài Gòn kiêm chủ tịch Phong trào Quốc gia Cấp tiến tham gia hoạt động chính trị.

Năm 1971 chồng chỉ mới nhận lời sẽ làm thủ tướng cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thì bị cộng sản ám sát chết ngay trên đường (ném bom xuống dưới gầm ô tô) lúc mới 43 tuổi. Còn lại một mình nuôi 3 con nhỏ.

Đến biến cố 30.4.75 tất nhiên phải di tản qua Philippines được chuyển qua đảo Guam rồi nhập cư Mỹ.

Trên đất Mỹ gặp lại một viên chức ngoại giao Mỹ người bạn của gia đình khi ông này làm việc trong Tòa Đại sứ Mỹ rồi tái hôn năm 1976, sinh thêm 3 con. Một trong những người đầu tiên được xét vào quốc tịch Mỹ.

Tích cực tham gia vào công tác cứu trợ thuyền nhân VN (làm thông dịch viên tiếng Anh), lập tổ chức Hỗ trợ người tỵ nạn VN, Hội Vận động người gốc Việt được xét vào quốc tịch Mỹ…

Năm 1981 được tặng giải thưởng quốc gia của Hội Mỹ – Á về hoạt động xã hội (cùng lúc với nhà nữ điêu khắc gốc Hoa Maya Lin người thiết kế Đài Tưởng niệm lính Mỹ tử trận VN đặt tại Thủ đô Washington).

Song song đó đi học lại tốt nghiệp đại học nghành ngoại giao, giúp chồng trong công tác lãnh sự nhiều năm làm việc ở Ý, Thái Lan, Mexico, Brazil…

Năm 2002 xuất bản cuốn hồi ký “Mây mùa thu: Từ một góa phụ chiến tranh VN đến nhà hoạt động xã hội Mỹ” (Autumm Cloud: From Vietnamese War Widow to American Activist). Qua đó kể lại chuyện gia đình mình 4 thế hệ trải qua chiến tranh trong đó có một bà chị theo cộng sản, một người em trung úy VNCH tử trận năm 1965 và một người em khác đại tá VNCH chết trong trại cải tạo năm 1978. Sách đượïc in ở Pháp, Uc, Trung Quốc, Philippines…

Bản thân mình còn sống sót nay vẫn tiếp tục hoạt động xã hội tại Mỹ, lập Hội Bảo vệ lao động Việt kiều…

916 – HàThị Quý

NẠN NHÂN MỸ LAI SỐNG SÓT LÂU NHẤT

Nông dân sinh 1927 tại Quảng Ngãi. Sống ở Quảng Ngãi (2010).

Lúc xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai do quân đội Mỹ tiến hành ngày 16.3.1968, bản thân bị trúng đạn ở hông nhưng thoát chết nhờ nằm lấp dưới các tử thi đồng hương trong làng, sau đó chờ khi lính Mỹ rút đi mới bò về nhà rồi trốn qua nhà cha mẹ ở làng bên cạnh.

Đến năm 2010 được ghi nhận còn sống 83 tuổi, quá may mắn so với 504 đồng bào – từ mấy tháng tuổi đến 82 tuổi – bị giết chết ngay tại chỗ trong vụ thảm sát thường dân tay không kinh hoàng nhất chiến tranh VN.

917 – Luân Hoán

THƯƠNG PHẾ BINH CŨNG VƯỢT BIÊN

Nhà thơ tên thật Lê Ngọc Châu sinh 1941 tại Quảng Nam. Sống ở Mỹ (2011).

Năm 1966 bị gọi đi lính, ra trường sĩ quan về đơn vị bộ binh tác chiến.

Đến 1969 bị thương trên chiến trường Quảng Ngãi phải cưa mất một bàn chân nên được xuất ngũ chuyển qua làm nhân viên ngân hàng ở Sài Gòn.

Trong thời gian này làm thơ nhiều, in 5 tập riêng 6 tập chung. Hầu hết thuộc dòng thơ tình học trò, về sau thêm thơ tình chiến tranh.

Sau 1975 vẫn được “lưu dung” trong ngành ngân hàng, có tham gia chiến dịch đổi tiền tại TPHCM. Nhưng bản thân thấy quá khó sống nổi khi lý lịch bị phê là “thành phần cặn bã của chế độ cũ”!

Bởi thế quyết tâm vượt biên tuy một chân cà thọt vẫn ráng tập tễnh lên xe lên đò tính vượt biên.Tuy nhiên cả 2 lần đều thất bại.

Hết tiền, hết phương chạy trốn đành ở lại làm lụng sống qua ngày. Đến 1979 nhận được giấy bảo lãnh của em trai từ Canada song vẫn phải tìm đường chạy chọt thủ tục qua 1985 mới xong đưa vợ và 4 con ra đi.

Trên xứ người bấy giờ mới quay lại nghề thơ càng sung sức, tràn trề cảm hứng hơn tới mức được bạn bè mô tả: “Sáng làm thơ. Trưa làm thơ. Tối trước khi đi ngủ cũng hãy làm thơ đã. Làm thơ khi thức dậy, để lót dạ. Làm thơ khi đứng đợi xe…”

Từ đó tiếp tục in 8 tập thơ khác, bây giờ thêm mảng đề tài tình nhớ quê nhà: “Tôi có thể viết về quê hương dù đang ở bất cứ một nơi nào khác trên trái đất. Tuy nhiên sức sống và linh hồn những dòng thơ này vẫn chỉ bắt nguồn từ những rung động sống thật đã có được trong quá khứ.”

Tựa đề các tập thơ nói lên điều đó như “Sông núi cùng người thơm ngát thơm”, “Nuôi chùm kỷ niệm xa”, Cảm ơn đất đá tuổi thơ”, “Ngơ ngác cõi người”…

918– Mười Vinh

BÀ MÁ HẨM HIU CỦA NHỮNG “CON TÀU KHÔNG SỐ”

Ngư dân sinh ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Sống ở Bà Rịa - Vũng Tàu (2011).

Chồng là liệt sĩ chống Pháp nên ở vậy nuôi con trai duy nhất tiếp tục ước nguyện của chồng ủng hộ cộng sản chống Mỹ.

Dù bản thân làm đủ các nghề buôn bán lặt vặt - làm bánh bèo, làm bì bún, chiên chả giò, gánh rau, gánh cá bán chợ… - bán cá - nhưng năm 1960 khi có yêu cầu của Cách mạng đã bán hết tài sản cóp nhặt lâu nay rồi vay mượn thêm cho đủ 10 cây vàng cho cán bộ “vay”. Người đại diện là chiến sĩ Dương Quang Đông sau này nổi tiếng cán bộ lão thành cách mạng ở TPHCM dùng đó để mua đồ nghề, trang bị đóng tàu đưa cán bộ, chiến sĩ vượt biển ra Bắc lập đường dây liên lạc, tiếp vận Bắc – Nam theo đường biển.

Từ đó hình thành nên lực lượng những “con tàu không số” từ miền Bắc chở vũ khí vào Nam bắt đầu năm 1963 kéo dài đến hết cuộc chiến.

Người con trai duy nhất mới 17 tuổi cũng được mẹ cho lên chuyến tàu đầu tiên bí mật vượt sóng ra Bắc rồi sau này trở thành một thuyền trưởng dũng cảm trên tuyến đường bão tố này.

Còn bản thân mẹ sau đó bị lộ tông tích phải rút vào chiến khu. Nhưng khi tổ chức có yêu cầu, mẹ chấp nhận cải tranh thay hình đổi dạng (nhổ hết 2 hàm răng làm răng giả ráp vào cho khác mặt mày) vào lại nội thành hoạt động.

Nhưng sau 1975 khi quân ta đã toàn thắng thì người mẹ góp công lớn cho sự nghiệp “những con tàu không số” hầu như bị… quên lãng không được đoái hoài, nhắc nhở gì kể cả món nợ 10 cây vàng ngày xưa bà đi vay mượn đóng tàu hỗ trợ Cách mạng. Vậy mà với vết thương một mảnh bom vẫn còn nằm trong ngực, mẹ không đòi hỏi gì: “Anh em đổ xương đổ máu có ai đòi trả công đâu mà mình đòi?”

Chưa hết, còn nỗi đau đứa con trai thuyền trưởng “tàu không số” anh dũng ngày nào năm 1972 trong một chuyến hải trình vào Nam bị địch phát hiện phải hủy tàu và bị bắt giam đảo Phú Quốc, đến 1973 được trao trả tù binh. Nhưng về đơn vị lại bị… kỷ luật nặng tới mức khai trừ Đảng mất cả chế độ thương binh (có lẽ bị nghi trong tù đã “đầu hàng địch”?) đành quay về sống quảng đời tàn buồn tủi cùng mẹ già bên ven biển như ngày nào cha đánh Pháp mới hy sinh.

Phải chăng vì thế mà mẹ cũng bị lây án oan của con?

919 – Nam Le

ĐỀ TÀI VƯỢT BIÊN ĐOẠT GIẢI VĂN CHƯƠNG ANH

Nhà văn Việt kiều Uc tên cũ Lê Nam sinh 1978 tại Rạch Giá, Kiên Giang . Sống ở Mỹ (2011).

Cha đi cải tạo sau 1975 nên năm 1978 mới 3 tháng tuổi vẫn được mẹ ôm theo vượt biên đến Malaysia rồi sau đó nhập cư Uc.

Tại đây học đại học tốt nghiệp ra làm luật sư được một thời gian thì chuyển qua Mỹ sốâng bắt đầu theo đuổi sự nghiệp văn chương, làm chủ bút tạp chí đại học và viết văn.

Năm 2008 tập truyện ngắn đầu tay “Con thuyền” (The Boat) được trao giải Dylan Thomas của Vương quốc Anh dành cho giới nhà văn trẻ viết bằng tiếng Anh trị giá gần 94.000 USD.

Tập truyện gồm 7 truyện ngắn trong đó 2 truyện viết về kỷ niệm bản thân vượt biên từ VN trôi giạt nhiều ngày trên biển cả Thái Bình Dương (5 truyện còn lại có nhân vật và bối cảnh nước ngoài ở Mỹ, Úc, Colombia, Nhật Bản, Iran…) – “Tình yêu và Danh dự và Lòng thương hại”, “Niềm Tự hào và Lòng trắc ẩn và sự Hy sinh” - gây ấn tượng sâu sắc qua sự đánh giá: “Tác giả đương đầu với quá khứ và hoàn cảnh của chính anh cũng như của những người khác với đôi mắt sáng suốt, với sự tập trung của sự thông minh và cách sử dụng chữ nghĩa tài tình”. Và “tác giả thể hiện bản năng trực giác nhạy bén khi mô tả xung đột tâm lý của những người bỗng nhiên cảm thấy niềm tin và hy vọng của mình sụp đổ trước kỳ vọng của người thân hoặc vì sự thật tàn bạo của lịch sử.”

Sách được dịch in ra nhiều nước khác như Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Phần Lan…

Được ghi nhận như một “hiện tượng văn chương”, còn được tổ chức Sách Quốc gia của Mỹ tuyên dương là một trong 5 nhà văn trẻ xuất sắc nhất Mỹ 2008.

920 - Nancy Tran Cantrell

ANH HÙNG GIÁO DỤC MỸ

Giáo viên Việt kiều Mỹ sinh 1947 tại VN. Sống ở Mỹ (2006).

Qua Mỹ năm 1983 hoàn toàn không biết chút gì về tiếng Anh nhưng dù đã 35 tuổi vẫn cần cù học tiếng Anh đạt tới trình độ giỏi.

Khi đã nắm vững tiếng Anh mới bước vào ngành sư phạm, học ngày học đêm tốt nghiệp ra đi dạy học ở Quận Cam, California. Trở thành một giáo viên Mỹ xuất sắc có tiếng.

Không chỉ thế, còn viết cuốn sách bằng tiếng Anh in lần đầu năm 1999 kể lại quá trình phấn đấu không ngừng tiến lên không mệt mỏi của mình mang tựa đề “Hạt giống hy vọng” (Seeds of Hope).

Trong sách lấy bản thân cuộc đời mình làm kinh nghiệm nêu lên những bài học phấn đấu vào đời cho học sinh: Phải biết sống với những mục tiêu tích cực, biết tự tin để làm chủ bản thân và những chọn lựa trong cuộc sống hướng đời mình theo ước mơ lập nghiệp mong muốn. Cuốn sách đã được tái bản nhiều lần.

Năm 2006 được một chương trình truyền hình ở California tặng giải thưởng “Anh hùng giáo dục”.

(Còn tiếp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét