Kỳ 16
Những Vương Miện Gió
Nhà thơ Đỗ Nghê năm xưa viết văn ký tên thật là (Bác sĩ) Đỗ Hồng Ngọc. Sách của ông thuộc loại bán chạy nhất hiện nay. Trong một tạp bút, ông rất…ưu tư khi các cô gái Sài Gòn hôm nay ra đường đều mang khẩu trang lớn che kín hết khuôn mặt; nhưng ngay sau đó ông lại rất vui khi thấy là các cô đều khoe các…cặp đùi khá đẹp.
Nhà văn Đào Hiếu trong một tùy bút đã tôn vinh đó là…cái “vòng thứ 4” của phái đẹp ! Tại các thành phố xứ lạnh như Đà Lạt, Bảo Lộc hôm nay, nhiều cô gái cũng thích diện thời trang là quần short, váy, đầm ngắn. Được ngắm nhìn những nét đẹp…hiện sinh, nhưng nhiều khi tôi lại vu vơ khi không bắt được những nét đẹp buồn có thể biểu hiện ra.
Nhờ nghệ thuật trang điểm, và nhất là do nhu cầu giao tiếp ở xã hội hiện tại, nét buồn của nhiều người nữ thường được giấu kín. Nhưng ở những người nữ làm thơ, nó vẫn thường xuất hiện. Có khi là những nỗi buồn rất… bâng quơ.
· Lý Thụy Ý
Ta Và Hắn
chưa bao giờ ta chỉ là người tình
còn là Bạn và là Em đúng lúc
dù bướng bỉnh cũng giả vờ khuất phục
có thông minh cũng ra vẻ dại khờ
hắn yêu đàn-ta vội học ngâm thơ
hắn thích vẽ-ta thôi mê diễn kịch
ta hôn hắn-hôn nồng nàn tinh ngịch
khi bất thần siết hắn giữa vòng tay
kất ngây thơ nhờ hắn vẽ lông mày
nũng nịu gọi sau làn chăn mỏng
cho hắn biết mùa đông da ta ấm
nhưng mùa hè da mát rượi hơi sương
trang nghiêm như Thánh nữ lúc lên giường
rồi khao khát, điên cuồng trong hối hả
cảm ơn hắn đưa ta vào sa ngã…
(Trích Tuyển tập “Thơ tình Miền Nam”-Trần Hoài Thư và Nguyễn Thanh Châu sưu tập, Thư Ấn Quán 2008).
N Hụt Hẫng
ỗi
Bài thơ trên ra đời cách nay đã hơn 40 năm. Lý Thụy Ý đã là nhà thơ nữ tiên phong, không ngần ngại diễn tả những cảm xúc của thân xác trong yêu đương. Nỗi buồn của người nữ lúc đó chỉ thoáng qua do một ám ảnh…tôn giáo (tình dục chi phối làm sa ngã !). Nhưng ở thời đại hôm nay, trong xã hội mà mọi biểu hiện đều lập lờ; hạnh phúc từ thân xác không dám công khai, nhưng cũng không thể che dấu được. Nhà thơ Trần Quang Ngân ở đất Bảo Lộc đã diễn tả mối quan hệ chồng vợ bằng một bài thơ truyền miệng. Và theo anh, nó có thể sánh vai ngang ngửa với bài thơ “Con Cóc” mà một nhà phê bình văn học ở nước ngoài cho là rất hay và đầy tính “hiện đại”.
Đi thì nhớ
Ở thì chán
Ăn thì ngán
Mà không ăn
thì…ghiền !
Trong tình cảnh đó, ở một người phụ nữ, dù là đã có chồng hay đang sống độc thân, có những nỗi buồn ra sao ?
Một nhà thơ nữ từ thành phố biển Vũng Tàu diễn tả nỗi lòng của mình :
· Vũ Thanh Hoa
Du Du Mị Mị
bước qua cánh cửa nhà mình
chân mình vướng vít, bóng mình luênh loang
ai gầy nghiêng ngả đa đoan
hạ chưa ngập nắng, nhập nhàng mưa thu
đường xa phố thị tù mù
ngoòằn ngoèo xanh đỏ, mập mù thị phi
lập lòe dị bản từ bi
âm dương giao chỉ chi chi chành chành
mờ mờ thủy mặc mong manh
nhà ai khép cửa, tròng trành đơn thân
thẩn thơ quên nhớ tần ngần
thấp tha thấp thỏm một lần thịt da
thoăn thoắt gần
thăm thẳm xa
thà là tĩnh vật nhẩn nha đánh vần
du du mị mị
cõi trần
ủ a
ủ ấp
phù vân
cõi tình
bước qua cánh cửa nhà mình
(4-4-2011)
Khá nhiều nhận định (đa phần mang tính hồ đồ) cho rằng ở phái yếu, điều lớn lao nhất trong đời với họ, đó là tình yêu. Nó là một nhu cầu phải cần được đáp ứng. Nên nỗi buồn lớn nhất đối với “một nửa dân số” trên thế giới này chính là sự cô đơn. Có thật vậy chăng ?
(Ở đây tôi xin phép được nói thêm: sau bài tản mạn “Mặt Tiền Nghệ Thuật” kỳ 4, chính Vũ Thanh Hoa trên trang Web riêng của chị, sau khi cảm ơn, đã chế giễu tôi là “thấy thơ tình nên tưởng tác giả còn …trẻ”. Chị tự nhận đã ngoài 40 mùa xuân (sinh năm 1969).
Ngựa núi hí vang
Một nhà thơ nữ khác có tuổi đang còn trẻ là Trần Hoàng Vũ Nguyên, đang sống ở Đà Lạt. Cô cũng làm thơ rất nhiều về nỗi cô đơn. Nhưng chị hy vọng: “và thơ-Người bạn có quyền năng sẽ chia nỗi niềm đẫm mình trong những cơn mưa, những trận gió vỡ òa giông bão-tôi”.
Sau tập thơ đầu tay “Ngựa Núi” in 2009, năm 2011 chị cho in tập thơ Hồi Chuông Khát đến 2000 bản, một số lượng có thể xem là kỷ lục. Cả 2 đều mang nhãn NXB Hội Nhà văn. Ở “Ngựa Núi”, nỗi cô đơn được diễn tả có chút gì đó còn e ấp:
· Trần Hoàng Vũ Nguyên
Lang-Bian
Nhà thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên
Sóng soài khát đợi khách mơ
Em, xanh một đời bì ẩn
Phơi trần tinh thể nguyên sơ
Hỡi ai một lần leo núi
Mới hay quyến rũ rừng mơ
Em vẫn nồng nàn chờ đợi
Sao ai quá đỗi ơ hờ
Lần thôi! Xin người dạo thử
Nghiêng nằm xỏa tóc rừng hoang
Lần thôi! Trèo lên sẽ hiểu
Dẫu cho nhói gót thế gian
Em…
Người sơn nữ
Bian
Lúc này, niềm khao khát tình yêu trong thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên còn khá kín đáo. Cô mới tự ví mình như miền cao nguyên đang “phơi trần tinh thể nguyên sơ” để “Xin người dạo thử”. Ẩn dụ trong ngôn từ đầy hình tượng như Hồ Xuân Hương, nhưng rất nhẹ nhàng và kín đáo. Nhưng đến tập thơ thứ 2 - Hồi Chuông Khát - nhà thơ nữ này đã tỏ ra cuồng nhiệt, “đầy bạo lực”, như trong mấy câu mà cô trích in chữ lớn nơi bìa 4 để nói lên sự mãnh liệt của tình yêu:
Rả rích mưa dìu dặt đêm đại ngàn
Hú vang vọng giữa bao la
Con thú hoang sục sạo ký ức gọi bạn tình khản giọng
Dùng thơ để nói lên điều rất thật, như con thú hoang khản giọng gọi bạn tình ! Cách ví von ấy thật đáng khâm phục. Nó không tục tĩu như một số nhà thơ nữ “đương đại” theo phong cách “hậu hiện đại” nhưng lại làm người đọc cảm thông niềm khao khao tự nhiên, cháy bỏng của con người. Nhưng có thật là thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên đã bắt nguồn từ đam mê dục tính không ? Tôi quả quyết không phải như vậy. Bởi lẽ ngay từ bài thơ mở đầu trong “Hồi Chuông Khát”, có vẻ như nhà thơ muốn mượn cách diễn tả nhục dục để nói lên khát vọng xa hơn. Đó là:
Xuân
Thú hoang dừng lại lắng nghe
Mùa xuân cập bến én về cặp nhau
Nghiêng vai lùa giấc mơ nhàu
Sợi tình se chỉ bắc cầu nhớ ai
Nghênh ngang trên phố đào phai
Nắng trôi chạm phải heo may cuối trời
Thảo nguyên ngực núi rong chơi
Vòng tay bối rối ủ lời - khát nhau
Cháy bùng hai nửa – đỏ au
Xuân tôi – thắp - ngọn : Mơ sau- sáng trời
Ước mơ lớn ấy của các nữ thi sĩ là gì ? Thơ của người nữ thi sĩ gốc Miền Bắc nhưng sinh ra ở vùng đồng châu thổ sông Cửu Long rồi lớn lên ở cao nguyên này, nhiều câu mang hình ảnh của hoa dã quỳ, rồi son môi, giọt cà phê và sô-cô-la…Cuối cùng vẫn là nỗi cô đơn. Cô không lớn tiếng nói lên triết lý cô đơn hay số phận con người. Chỉ những tiếng kêu ka, có khi là rên rỉ. Nhưng mà nó thực, với chân trời mỗi người, với bản năng chính mình.
Cô nói rất thực trong bài “24 h tình nhân”:
………………….
Ước
Quyền năng thượng đế dẫu chỉ một ngày
Những nẻo đường toan ính của anh
Sẽ được san bằng trải thảm hoa hồng
Hãy yêu em bằng một vòng tay của gió
Bằng đôi môi của lửa
…………………
Tôi từng có câu thơ rằng:
Ta chỉ giữ ngọn gió
Trên bờ môi em
……….
(Bài Tháng Tư, thi tập Ngọn Gió-2011)
Nên rất thành thực khi cho rằng các nhà thơ nữ hôm nay, mỗi người đang vinh quang đeo một vương miện gió. Hạnh phúc và tình yêu đôi lúc là hư ảo, nhưng câu thơ có thể làm mát rượi tâm hồn, như một ngọn gió lành.
(Còn nữa)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét