CHIỀU CUỐI NĂM - VÔ BIÊN
Người đăng:: Phong - Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013
CHIỀU CUỐI NĂM
Chiều cuối năm
Xin còn ngồi lại
Để nhớ
"Một thời để yêu và để chết"
Chiều cuối năm giở từng trang sách
Cũ, người xưa
Bóng núi hay hoàng hôn
Thăm thẳm về trời
Chiều cuối năm lặng thầm mi đỏ
Kỷ niệm về như con nước
Chảy tràn
Kí ức xa xăm
Chiều cuối năm xin còn ngồi lại
Bạn bè ơi đâu đó
Có còn không
Được mất một đời
Chiều cuối năm chiều cuối năm chơi vơi
Ai trong trời đất ngậm ngùi
Bao mùa xuân sắc
xuân ơi!
Sơn Trà, Xuân 2013.
XUÂN, KHÔNG ĐỀ
Tôi trở về
với nổi buồn vô tận
Gom hết mùa xuân
không hé đủ môi cười
Dường như bao năm
là mộng mị
Nên xuân
mãi bóng khói bên trời.
VB
LỜI YÊU - HOÀNG THỊ THIỀU ANH
Người đăng:: Phong - Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013
Trời chiều trong rất trong
Cho má em ửng hồng
Cho mây về trong mắt
Em hỡi nhớ anh không?
Anh gửi chút tơ lòng
Trong tình em vụng dại
Yêu thương nào mãi mãi
Ngọt ngào như nắng mai
Ngắm em trong chiều nay
Tâm hồn anh ngất ngây
Chiều lại chiều ngơ ngẩn
Yêu em nhiều có hay!
HTTA
LÁ RỤNG VỀ CỘI - CAO THOẠI CHÂU
Người đăng:: Phong - Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013
Hôm nay, khi tôi viết những dòng không phải để tưởng niệm cũng không phải để ôn lại kỷ niệm nào với Phạm Duy thì năm âm lịch đã cạn kiệt. Tôi nghĩ đến những đĩa đèn dầu lạc không có bóng, chỉ một cái đĩa nông sờ và ngọn bấc lấy từ ruột của một loại cây thân như rau muống để làm thành một vùng sáng màu vàng ệch mà tôi vẫn thấy hàng đêm khi còn nhỏ ở nhà quê. Hồi ấy quê nhà tôi không nghèo xác xơ như “quê nghèo” trong nhạc của Phạm Duy mà vì thời đó người ta chỉ mới tiến tới được mức ấy trong việc tạo ánh sáng về ban đêm. Chỉ những nhà giàu có như gia đình tôi mới có hai loại đèn gọi là đèn bão thắp bằng dầu hỏa để đi ngoài gió và đèn măng xông sáng trưng khi nhà có lễ lạt chi đó. Còn trong các phòng là đèn dầu lạc tỏa ánh sáng kiêm chức năng đồng hồ, một đĩa cạn thì…đi ngủ!
Hình ảnh và cảm xúc mà tôi còn nhớ về đĩa đèn dầu lạc là nó cạn trông thấy theo thời gian, cạn dần thành leo lét và tắt hẳn. Mười năm trước khi cha tôi ra đi ở tuổi 97 tôi cũng có cảm giác không buồn thương mà chỉ như ngọn đèn đã tới lúc hết dầu. Nhắc lại là vì có một liên tưởng khi nghe tin Phạm Duy tạ thế. Trong ca dao hay trong Kiều có hai câu “Đêm khuya thắp ngọn dầu đầy/ Đĩa dầu vơi nước mắt đầy không vơi”, còn ở đây, hôm nay tôi nghĩ không có “nước mắt” trong cái chết tự nhiên của Phạm Duy. Những gì tôi biết được về người nhạc sĩ hết sức tài hoa này là ông là người lạc quan và đa tình, một người như thế sẽ không cần đến nước mắt, ông chỉ cần chất liệu cuộc đời để viết nên những bài ca bất tử kia.
Về mặt tuổi thọ, tôi không tìm đọc Phạm Duy ra đi ở tuổi chính xác là bao nhiêu, tôi chỉ có cảm giác là trời đã qua đêm và đĩa dầu muốn hay không muốn cũng tới lúc cạn. Hôm nay Phạm Duy từ trần, ông không ra đi, cũng không mất mà chỉ từ trần thôi. Một gia tài âm nhạc đồ sộ lấp lánh như thế làm sao khiến con người ấy “mất” như cách nói thông thường khi có ai đó từ trần?
Vả làm sao lại bi thương tiếc xót khi Phạm Duy mất trong lúc cuộc đời ông và những bản nhạc ông để lại cứ âm vang dìu dặt suốt gần một thế kỷ nay và nó là “cái đĩa” trong ngọn đèn gồm ba thứ là đĩa, dầu, và lửa, những cái bóng hắt lên tường trong đêm nông thôn yên tĩnh và thanh bình? Nhờ “đĩa dầu” nhiều thế hệ đã tìm thấy lối đi lại, thấy bóng mình trên vách! Nhiều thế hệ đã hát và nghe hát nhạc Phạm Duy trong nhiều bối cảnh mang tính lịch sử khác nhau. Đặc biệt có những bài thơ thật sự không hay nhưng khi qua tay Phạm Duy chúng trở thành có sức sống và tuổi thọ. Riêng nhà thơ Phạm Thiên Thư , tôi mạn phép nghĩ anh sẽ mất nhiều thời gian hơn, sẽ khó khăn hơn thậm chí gập ghềnh khúc khuỷu lênh đênh hơn nếu cơ may có Phạm Duy không đến. Phạm Thiên Thư đừng nghĩ nhận thức và cảm thụ thơ của tôi là kém cỏi khi đọc thơ anh. Trái lại tôi hiểu không gian của Thư là thế nào cũng như tôi hiểu sự tài hoa và sâu sắc của Phạm Duy đã làm cho thơ Thư bay bổng bay xa và bay nhanh vào lòng người thưởng thức thành ra một thực phẩm tuyệt kỹ là thơ + nhạc!
Tôi có một chút tạm gọi là kỷ niệm mỗi khi nghĩ tới Phạm Duy. Là hồi 1965 gì đó tôi bị động viên vào trường sĩ quan Thủ Đức khóa 24, đêm ấy trình diễn văn nghệ đón khóa đàn em 25 và khóa tôi đã có lệnh cấm không được vào mà phải ôm súng tỏa ra các vọng gác. Nhưng tôi đã trốn vào và leo lên cột nhà đứng coi cho rõ. Phạm Duy đang ôm đàn hát dung dị tự nhiên và rất đậm đà bài mà tôi cứ gọi là “Tiếng nước tôi”. Định bụng nghe xong bài đó thì trở ra vọng gác nhưng tôi không kịp. Ông thiếu tá Liên đoàn trưởng nắm vào chân tôi ra dấu bảo xuống và phạt tôi 3 ngày nằm trong phòng giam có tên là 301.
Hình như hơn 40 năm sau tôi lại có một kỷ niêm nữa về Phạm Duy. Đó là khi đọc một bài đăng trên tờ báo có tiếng viết về Phạm Duy, chính xác là viết về sự trở về ca hát tại nước mình của ông. “Thúi quá”, tôi còn nhớ mình đã thốt ra câu không lịch sự mà nóng nảy này khi bài toát lên sự thiển cận và đầy ác ý thậm chí là ghen tức. Người thưởng ngoạn vốn công minh (và bạc bẽo?) họ cần tài năng chứ không cần danh tiếng.
Tôi không nghiên cứu tư duy chính trị trong nghệ thuật, chỉ nghĩ nghệ thuật là cái còn lại sau khi nhiều thứ phải ra đi, vả lại nghệ thuật là cái gạch nối giữa người với người, giữa nhiều thế hệ với nhau, một thứ gạch nối tài năng mà không phải những thứ khác đếu có được. Phạm Duy, theo cách nghĩ của tôi là một người tài năng và lãng tử, ông đến rồi đi, đi tiếp và có lúc quay về và những bài hát của ông rơi ra khỏi tâm hồn thành quà tặng cho mọi người. Trong những nơi đó có nước ngoài, và lá rụng về cội thì quay về! Khi đêm hết thì đĩa đèn dầu lạc cũng vừa cạn, nó tắt và nhường việc giải quyết nhu cầu ánh sáng lại cho mặt trờiCAO THOẠI CHÂU
http://caothoaichau.blogspot.com/
NHẠC SĨ PHẠM DUY ĐÃ RA ĐI ...
Người đăng:: Phong -
Chủ nhật, 27 tháng 1, Phạm Duy, nhạc sĩ được nhiều thế hệ người Việt mến mộ, đã qua đời tại Sài Gòn sau thời gian nằm bệnh viện, thọ 92 tuổi.
Phạm Duy (5 tháng 10 năm 1921 - 27 tháng 1 năm 2013 )tên thật Phạm Duy Cẩn là một nhạc sĩ, ca sĩ, nhà nghiên cứu nhạc của Việt Nam. Ông được coi là một trong những nhạc sĩ lớn của nền Tân nhạc với số lượng sáng tác đồ sộ và đa dạng về thể loại, trong đó có những bài đã trở nên rất quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt. Ngoài sáng tác, Phạm Duy còn có nhiều công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam có giá trị. Ông cũng từng giữ chức giáo sư nhạc ngữ tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Mặc dù vậy, các quan điểm nhìn nhận về Phạm Duy còn gây nhiều tranh cãi.
Phạm Duy (5 tháng 10 năm 1921 - 27 tháng 1 năm 2013 )tên thật Phạm Duy Cẩn là một nhạc sĩ, ca sĩ, nhà nghiên cứu nhạc của Việt Nam. Ông được coi là một trong những nhạc sĩ lớn của nền Tân nhạc với số lượng sáng tác đồ sộ và đa dạng về thể loại, trong đó có những bài đã trở nên rất quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt. Ngoài sáng tác, Phạm Duy còn có nhiều công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam có giá trị. Ông cũng từng giữ chức giáo sư nhạc ngữ tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Mặc dù vậy, các quan điểm nhìn nhận về Phạm Duy còn gây nhiều tranh cãi.
Khởi sự đời nhạc trong gánh hát Đức Huy với vai trò ca sĩ hát lưu động. Từng tham gia Kháng chiến chống Pháp một thời gian trước khi vào miền Nam để tiếp tục tự do hoạt động âm nhạc. Phạm Duy là một tên tuổi lớn và đầy ảnh hưởng tại miền Nam Việt Nam với những hoạt động tích cực giành cho cả âm nhạc lẫn chính trị, cho đến sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, khi ông vượt biên sang Hoa Kỳ.
Năm 2005, ông về Việt Nam định cư và một số ca khúc của ông mới bắt đầu được cho phép phổ biến. Tính cho đến nay, có hơn 50 ca khúc trong số hàng nghìn sáng tác của Phạm Duy được cấp phép.
Nhạc sĩ Phạm Duy xuất thân từ một gia đình văn nghiệp. Cha là Phạm Duy Tốn thường được xem như nhà văn xã hội đầu tiên của nền Văn học Mới hồi đầu thế kỷ 20. Anh là Phạm Duy Khiêm, giáo sư thạc sĩ, cựu Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Pháp, văn sĩ Pháp văn, tác giả những cuốn Légendes des terres sereines, Nam et Sylvie, De Hanoi à Lacourtine.
Sinh ngày 5 tháng 10 năm 1921 (5 tháng 9 năm Tân Dậu) tại phố Hàng Cót, Hà Nội. Phạm Duy học vỡ lòng tại trường Hàng Thùng, học tiểu học tại trường Hàng Vôi, học không được giỏi và thường bị phạt. Đến khi 13 tuổi (1934) vào được lớp nhất, ông học giỏi lên dần, thành một trong những học sinh ưu tú của lớp, nhất là môn đọc thơ tiếng Pháp.
Năm 1936, vào học ở trường Thăng Long, một trọng điểm trong thời kỳ kháng chiến. Thầy dạy ông có Võ Nguyên Giáp, còn trong đám bạn cùng lớp có nhà thơ Quang Dũng.
Năm 1940, nghe lời bè bạn, ông thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương, học thầy Tô Ngọc Vân, chung lớp với Bùi Xuân Phái, Võ Lăng... nhưng ông không có năng khiếu nhiều và không ham vẽ cho lắm. Thời kỳ này ông ca hát nhiều hơn là vẽ tranh.
Năm 1942 ông có sáng tác đầu tay "Cô hái mơ".
Năm 1944, ông thành ca sĩ hát tân nhạc trong gánh hát cải lương Đức Huy – Charlot Miều. Gánh hát này đưa ông đi rất nhiều miền trên đất nước, từ Bắc chí Nam, khiến ông mở mang tầm mắt, ngoài ra tự nhiên cũng trở thành một trong những nhân tố quan trọng trong việc phổ biến tân nhạc đến các vùng. Thời kỳ hát rong, Phạm Duy được gặp gỡ nhiều tên tuổi lớn như thi sĩ Lưu Trọng Lư, nhạc sĩ Lê Thương, Lê Xuân Ái, Văn Đông... và nhất là nhạc sĩ Văn Cao, người sau này trở thành bạn thân thiết.
Sau đó ông khởi sự con đường âm nhạc của mình với việc trở thành ca sĩ trong gánh hát Đức Huy, đi diễn lưu động từ Bắc qua Trung vào Nam trong những năm 1943-1945. Ông là người đầu tiên hát nhạc cải cách trên đài Radio Indochine ở Sài Gòn vào năm 1944, mỗi tuần trình bày 2 lần.
Năm 1945, xảy ra nạn đói, Phạm Duy rời nhà cũ đi lang thang nhiều nơi, sau đó ông theo kháng chiến. Trong thời Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Phạm Duy trở thành cán bộ văn nghệ của Việt Minh và là một trong những nhạc sĩ thành công nhất lúc đó. Thời kỳ này, bên cạnh tài năng được khen ngợi, thì xu hướng lãng mạn của Phạm Duy bị cho là tiêu cực, nhiều bài hát của ông bắt đầu bị xét duyệt, cấm đoán. Sau do không chịu sự quản thúc ngặt nghèo, ông đã rời bỏ Việt Minh về thành. Từ đó tác phẩm của ông bị cấm phổ biến trong vùng kiểm soát của Việt Minh, cũng như ở miền Bắc sau 1954 và trên cả nước sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Năm 1949 ông lập gia đình với ca sĩ Thái Hằng.
Năm 1951, ông đem gia đình về Sài Gòn.
Năm 1953, ông qua Pháp học về âm nhạc, tại đây quen với giáo sư Trần Văn Khê. Về lại miền Nam, ông tiếp tục sáng tác và biểu diễn trong ban hợp ca Thăng Long. Nhạc Phạm Duy phổ biến rất rộng rãi ở miền Nam (mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng gọi là "bàng bạc khắp mọi nơi" thời bấy giờ). Thời gian này ông có những hoạt động trong ngành điện ảnh
Từ sau 30 tháng 4 năm 1975, ông và gia đình cư ngụ tại Thành phố Midway, Quận Cam, California.
Năm 1990, ông bắt đầu viết hồi ký, khi hoàn tất chia làm 4 cuốn.
Năm 1999, vợ ông là bà Thái Hằng qua đời, sự kiện này khiến ông bị cao huyết áp phải đi nằm bệnh viện một thời gian dài. Sau năm này, lần đầu về thăm quê hương sau 25 năm lưu lạc, ông gặp gỡ nhiều bạn cũ ở Việt Nam.
Tháng 5 năm 2005, ông trở về Việt Nam, sống cùng các con trai Duy Quang (ca sĩ), Duy Cường. Tháng 7 cùng năm, có 9 nhạc phẩm của ông được phép lưu hành ở Việt Nam; tháng 11, được phép lưu hành thêm 10 tác phẩm nữa. Tính đến nay (tháng 8 năm 2007) đã có hơn 40 tác phẩm của Phạm Duy được phổ biến tại Việt Nam, tính cả các đoản ca trong "Trường ca con đường cái quan".
Phạm Duy là người đầu tiên đem ca khúc Buồn tàn thu của Văn Cao đi khắp mọi miền đất nước. Ông từng có đóng góp vào những tác phẩm của Văn Cao, như cùng đặt lời, viết nhạc cho Bến xuân, Suối mơ. Hai người thường được biết đến như là một đôi bạn thân thiết, có một tình bạn kéo dài nửa thế kỷ, dù đi theo hai con đường đối lập nhau. Họ quen nhau tại Hải Phòng năm 1944. Trong hồi ký của mình, Phạm Duy tả về Văn Cao:
"Thấp bé hơn tôi, khép kín hơn tôi, nhưng Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều. Chắc chắn là đứng đắn hơn tôi. Lúc mới gặp nhau, anh ta chưa dám mày-tao với tôi, nhưng tôi thì có cái tật thích nói văng mạng (và văng tục) từ lâu, kết cục, cu cậu cũng theo tôi mà xổ chữ nho. Nhưng Văn Cao bản tính lầm lỳ, ít nói, khi nói thì bàn tay gầy gò luôn luôn múa trước mặt người nghe. Anh ta thích hút thuốc lào từ khi còn trẻ, có lần say thuốc ngă vào tay tôi. Về sau, anh còn nghiện rượu rất nặng.
Hai người trở thành đôi bạn thân, thường giúp nhau sáng tác nhạc và ra vào những chốn ăn chơi, sau đó còn rủ nhau theo kháng chiến.
Đến năm 1949, Phạm Duy dinh tê về Nam còn Văn Cao ở lại với cách mạng. Bị cấm liên lạc từ đó đến 1987, khi Phạm Duy ở Hoa Kỳ, Văn Cao ở Việt Nam, họ mới liên lạc với nhau được bằng thư tay, qua một số người Việt kiều. Hai người vẫn xưng hô mày, tao như hồi xưa. Sau này vợ chồng Phạm Duy và vợ chồng Văn Cao còn được nghe giọng nói, xem cử chỉ của nhau bằng tin nhắn qua băng video do cô Nam Trân, một phóng viên truyền hình ở hải ngoại giúp đỡ
Năm 1995 Văn Cao mất, nhưng phải đến 2001 Phạm Duy mới viếng mộ được. Trong lần đầu trở lại quê hương, ông đă cầm một chai rượu rưới lên khắp mộ người bạn chí cốt .
Năm 1942, khi còn đang hát cho gánh hát Đức Huy, Phạm Duy cho ra đời tác phẩm đầu tay Cô hái mơ, phổ nhạc cho bài thơ Cô hái mơ của Nguyễn Bính. Năm 1944 đến bài hùng ca Gươm tráng sĩ, là bài hát đầu tiên ông viết cả lời lẫn nhạc.
Thời kháng chiến Nam bộ (1945–1946) ông chơi thân với Văn Cao, ngoài việc cùng ra vào chốn ăn chơi, ông và Văn Cao còn giúp nhau trong phương diện sáng tác (chẳng hạn một số ca khúc của Văn Cao do ông đặt lời, như bài Bến Xuân). Những nhạc phẩm đầu tay của ông có nhiều hùng ca: Gươm tráng sĩ, Chinh phụ ca, Thu chiến trường, Chiến sĩ vô danh, Nợ xương máu... Bên cạnh đó còn có nhạc tình lãng mạn, trong đó có nhiều bài giúp ông trở nên nổi tiếng: Cây đàn bỏ quên, Khối tình Trương Chi, Tình kỹ nữ, Tiếng bước trên đường khuya...
Năm 1947, Phạm Duy bắt đầu sáng tác nhạc âm hưởng dân ca với mong muốn xâm nhập sâu vào chốn thôn quê hơn, từ đó cho ra đời nhiều bài mà ông gọi là "Dân ca mới", rất được đông đảo quần chúng yêu thích: Nhớ người thương binh (1947), Dặn dò, Ru con, Mùa đông chiến sĩ, Nhớ người ra đi, Người lính bên tê, Tiếng hát sông Lô, Nương chiều... Những bài này được ông sáng tác dựa trên 2 tiêu chí:
Nét nhạc vẫn dùng âm giai ngũ cung cố hữu nhưng áp dụng nhạc thuật chuyển hệ làm cho giai điệu không nằm chết trong một ngũ cung nào đó như trong dân ca cổ mà chạy dài trên nhiều hệ thống ngũ cung khác nhau;
Lời ca tuy nằm trong thể thơ lục bát, nhưng có nhiều khi được biến thể, do đó tiết điệu cũng theo âm tiết của lời ca mà trở nên phong phú hơn
Từ năm 1948, bên cạnh những bài có sắc thái tươi vui như: Gánh lúa, Đường ra biên ải... Ông có sáng tác thêm một thể loại mới: nói về sự đau khổ của những người sống trong chiến tranh. Những bài như: Bao giờ anh lấy được đồn tây (sau đổi thành Quê nghèo), Bà mẹ Gio Linh, Về miền Trung, Mười hai lời ru... đều có hình ảnh làng quê và người dân quê nghèo khổ.
Những bài hát này tuy được quần chúng yêu thích và phổ biến rất rộng rãi, nhưng do nói về sự bi, sự khổ mà Phạm Duy bắt đầu bị sự chỉ trích của cấp trên thời kháng chiến, ông bèn về miền Nam để tự do sáng tác. Năm 1952, bài Tình hoài hương ra đời, khởi xướng cho xu hướng sáng tác "Tình ca quê hương", sau đó là Tình ca; hai bài này được yêu thích từ Nam ra Bắc và nằm trong những tác phẩm tiêu biểu nhất nói về quê hương, với những câu như: "Quê hương tôi có con đê dài ngây ngất, lúc tan chợ chiều xa tắp, bóng nâu trên đường bước dồn, lửa bếp nồng, vòm tre non làn khói ấm hương thôn" (trong Tình hoài hương), "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi, mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi! tiếng ru muôn đời" (trong Tình ca).
Tiếp đó ông trở về thể loại dân ca mới với những bài Đố ai, Nụ tầm xuân, Ngày trở về, Người về, Tình nghèo... Bên cạnh đó là Thuyền viễn xứ, Viễn du nói về sự chia lìa quê hương. Bài Hẹn hò nói về sự ngăn chia đôi lứa, ông dùng nhạc ngũ cung giọng Huế. Ngoài ra còn có: Xuân ca, Dạ lan hương, Xuân thì... Năm 1954, ông chuyển từ nhạc tình ca quê hương sang tự tình dân tộc, soạn ra Bà mẹ quê, Em bé quê, Vợ chồng quê, trong đó có Em bé quê với những câu đầu lấy trong sách giáo khoa Quốc Văn, được trẻ con thuộc như bài đồng dao.
Sau khi sang Pháp du học âm nhạc, ông sáng tác thêm được nhiều bài giá trị, ban đầu vẫn là "Dân ca mới", lại có thêm nhiều tác phẩm ca ngợi tình yêu đôi lứa mà phổ biến nhất phải kể đến "Đừng xa nhau", "Ngày đó chúng mình", "Tìm nhau"...
Lúc này ông sáng tác tự do theo nhiều chủ đề, những bài hát như nói về tâm tưởng '"Chiều về trên sông", "Một bàn tay", "Tạ ơn đời", "Đường chiều lá rụng", "Nước mắt rơi"... được Thái Thanh, Kim Tước, Quỳnh Giao thể hiện thành công; nhất là ca sĩ Thái Thanh, em của Thái Hằng, tên tuổi của bà đã gắn liền với những tác phẩm "Dân ca mới" và nhạc tình của Phạm Duy.
Năm 1973, lúc Phong trào Nhạc trẻ lên cao, ông cùng với ca sĩ Thanh Lan và nhạc sĩ Ngọc Chánh đi dự Đại hội âm nhạc Quốc tế tại Tokyo, Nhật. Bản Tuổi biết buồn của ông được lọt vào vòng chung kết.
Tại Hoa kỳ, thời gian đầu ông sáng tác một số ca khúc nói lên nỗi buồn tha hương, cũng như đả phá chế độ tại Việt Nam, những bản nhạc đó được phổ biến trong băng nhạc Phượng Nga. Nhưng sau này ông sáng tác những bài tình ca trở lại. Đáng kể nhất trong thời gian ở hải ngoại là bộ Minh họa Kiều (phổ nhạc truyện Kiều), Trường ca Hàn Mặc Tử, Hương Ca
Sau nhiều lần về thăm quê hương, Phạm Duy chính thức trở về định cư tại Việt Nam ngày 17 tháng 5 năm 2005, với sự cho phép của chính phủ Việt Nam. Sự kiện này được truyền thông trong nước lẫn hải ngoại quan tâm đặc biệt. Báo chí Việt Nam nhận xét đó là "nhịp cầu nối quê hương với người Việt xa xứ", "niềm vui thống nhất lòng người", còn Phạm Duy nói cuộc trở về này là "lá rụng về cội". Bên cạnh đó, sự kiện này còn gặp phải sự phản đối của người Việt hải ngoại, vì họ cho rằng ông đã về phe cộng sản.
Công ty Phương Nam cũng nhân dịp này, đã đứng ra mua bản quyền toàn bộ nhạc phẩm của Phạm Duy trong vòng 10 năm với giá hơn 400 nghìn đôla .
Năm 2006, Phạm Duy tổ chức đêm nhạc mang tên "Ngày trở về" tại nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, đêm nhạc tổ chức quy mô hoành tráng, được công chúng đón nhận nhiệt liệt. Một số nhân vật đã phản đối sự đón nhận này, trong đó có nhà báo Nguyễn Lưu với bài "Không thể tung hô" đăng trên báo Đầu tư. Tuy nhiên bài viết của Nguyễn Lưu vấp phải sự phản đối của nhiều độc giả, bị cho là mắc nhiều "sai lầm ngây ngô", và những "lỗ hổng kiến thức chết người". Công ty Phương Nam cũng phản hồi bài viết này bằng một bài báo, trong đó nội dung phần lớn để cải chính những kiến thức sai lầm trong bài của Nguyễn Lưu. Sau đó báo Đầu tư đã thông báo chấm dứt tranh luận về vấn đề này.
Nhiều đêm nhạc Phạm Duy khác với quy mô lớn tiếp tục diễn ra: Con đường tình ta đi, Ngày trở về tại nhiều tỉnh miền Trung, những đêm giới thiệu Minh họa Kiều tại miền Bắc.. Tháng 3 năm 2009, đêm "Ngày trở về" đã tổ chức thành công ở nhà hát lớn, Hà Nội, nơi ông sinh ra, "Xong buổi diễn, tôi mới thực sự là người về hưu" - ông phát biểu . Ngày 18 tháng 8 năm 2011 ban liên lạc họ Phạm tại Tp Hồ Chí Minh và công ty TNHH họ Phạm Phương Nam tổ chức đêm nhạc Họ Phạm với chủ đề: "Mọi trái tim - một tấm lòng" cũng mời ông và nhạc sĩ Phạm Tuyên đến dự.
Ông qua đời tại Sài Gòn vào ngày 27 tháng 1 năm 2013 do bệnh tim tái phát, một tháng sau cái chết của con ông là ca sĩ Duy Quang.
NGUYỄN MIÊN THẢO
MỘT CHÚT CHO NGÀY TÌNH XA -TRẦM MẶC
Người đăng:: Phong - Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013
Một chút cho ngày tình xa
(Gởi anh TTĐ)
Cuối đông rồi em ơi còn nhớ
mình xa nhau dạo ấy
Cơn mưa chiều giọt ngã, giọt nghiêng
Đường phố lặng
ta bên nhau dưới mưa
Con đường
sau trường Đồng Khánh,trước trường Y
từ đây biệt ly
độ ấy em đi
Gời tình yêu lại…
Những ngày cuối năm em ơi còn nhớ
Cơn mưa chiều sao lạnh buốt thịt da
Tình đã chia xa …
em có nghe
mộng chiều xuân năm nào
ai thì thầm…
anh hẹn ước mai sau..
Em ơi!
đến bao giờ ta được bên nhau
Nay xuân sắp về, trời cuối đông se lạnh
Và em có nghe
ngọn gió xuân
thầm thì trong tiếng lá
nhắc ai về tìm lại tháng ngày qua.
18-01-2013
(NTB)
NGÓ SÔNG VÀ NÚI - HOÀNG LỘC
Người đăng:: Phong -
ngó sông và núi
từ em bỏ bóng theo hình
cùng nhân gian lạc chữ tình đã lâu
khi ta cúi xuống chân cầu
thấy ai ở đáy sông sâu rất buồn
lục bình và củi ven sông
khô trên mưa nắng mấy tầng thời gian
em đi trăng khuyết không tàn
mà ta cứ một đầu non ngó về
1-2013
từ em bỏ bóng theo hình
cùng nhân gian lạc chữ tình đã lâu
khi ta cúi xuống chân cầu
thấy ai ở đáy sông sâu rất buồn
lục bình và củi ven sông
khô trên mưa nắng mấy tầng thời gian
em đi trăng khuyết không tàn
mà ta cứ một đầu non ngó về
1-2013
THƠ TÌNH CUỐI NĂM - HỒ NGẠC NGỮ
Người đăng:: Phong - Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013
THƠ TÌNH CUỐI NĂM
¤ Tặng TH
Cái lạnh ngoài trời mùa gió bấc
Không lạnh bằng nỗi nhớ trong tim
Cuối năm, biết bao điều được mất
Sẽ rất buồn, nếu phải xa em
Xa vóc dáng dịu dàng thân thuộc
Tiếng cười trong, đôi mắt láy đen
Không dám khóc những khi hờn dỗi
Sợ người ta chê quá yếu mềm
Xa giọng nói ru dòng suối mát
Trong vườn đời rộn rã tiếng chim
Đôi khi anh muốn làm bờ trúc
Giữa trưa nồng ngủ giấc bình yên
Anh không thể, em ơi, không thích
Xa một người yêu dấu thân quen
Khi trái tim chia niềm cô độc
Trên trần gian đã có chúng mình
Hồ Ngạc Ngữ
Cái lạnh ngoài trời mùa gió bấc
Không lạnh bằng nỗi nhớ trong tim
Cuối năm, biết bao điều được mất
Sẽ rất buồn, nếu phải xa em
Xa vóc dáng dịu dàng thân thuộc
Tiếng cười trong, đôi mắt láy đen
Không dám khóc những khi hờn dỗi
Sợ người ta chê quá yếu mềm
Xa giọng nói ru dòng suối mát
Trong vườn đời rộn rã tiếng chim
Đôi khi anh muốn làm bờ trúc
Giữa trưa nồng ngủ giấc bình yên
Anh không thể, em ơi, không thích
Xa một người yêu dấu thân quen
Khi trái tim chia niềm cô độc
Trên trần gian đã có chúng mình
Hồ Ngạc Ngữ
VIẾT CHO TUỔI NĂM MƯƠI - VÔ BIÊN
Người đăng:: Phong - Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013
VIẾT CHO TUỔI NĂM MƯƠI
Khi con chữ đổ xuống
Thời gian xê dịch dần
Đi qua bờ mê lộ
Bốn mươi chín mùa xuân
Bốn mươi chín mùa xuân
Ôm trần gian chật ních
Chật hẹp cả cỏi lòng
Chật kín những nổi buồn
Ta dặm dài bước tới
Long nhẫn nại vô bờ
Đi qua bờ mê lộ
Hay đi qua cơn mơ
Ai níu bàn tay nhỏ
Để mở rộng chân trời
Nhặt nhạnh gì phía đó
Nghìn trùng ốc đảo tôi
Hôm qua tuổi năm mươi
Ta thẩn thờ soi mặt
Thấy mình còn yên ắng
Tạ trái đất vòng xoay
Đi và đến từng ngày
Yêu và mù muôn lối
Năm mươi còn vụng dại
Xin gửi hết cho người.
Viết sáng 21/1/2013
VB
ĐÓA LẶNG THẦM - NGUYỄN MIÊN THẢO
Người đăng:: Phong - Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013
đóa lặng thầm
Người ta hái nụ tầm xuân
Anh xin hái đóa lặng thầm em thôi
Mặc ai muốn hái sao trời
Anh về cất giữ nụ cười tháng Giêng
Dù ai nói đảo nói điên
Anh ngồi tĩnh lặng hành thiền nhớ em
Người ta hái nụ tầm xuân
Anh xin hái đóa lặng thầm em thôi
Mặc ai muốn hái sao trời
Anh về cất giữ nụ cười tháng Giêng
Dù ai nói đảo nói điên
Anh ngồi tĩnh lặng hành thiền nhớ em
XIN MƯA CHÚT NHẸ HẠT RƠI - TRẦM MẶC
Người đăng:: Phong - Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013
Một chiều về lại chốn xưa
Đường xa gió lạnh trời mưa bốn bề
Mưa từ đâu hỡi mưa về
Mênh mông biển nước, đường quê nhạt nhòa
Mưa từ Thành Nội mưa ra
Mưa trên Cồn Hến mưa qua phố buồn
Mưa xuôi Đập đá nước tuôn
Mưa về Vĩ Dạ ướt đường em đi
Mưa như phút tiễn biệt ly
Chia xa ngày ấy còn gì mưa ơi
Xin mưa chút nhẹ hạt rơi
Để ai còn chút hương đời gởi nhau
Cho em mắt bớt u sầu
Cho anh dịu bớt nỗi đau kiếp người
Mai sau thấy lại nụ cười
Để còn thương nhớ một thời thơ ngây
Mai sau thấy lại nụ cười
Để còn thương nhớ một thời thơ ngây
Ta ru kỷ niệm sum vầy
Tình ơi ! sương khói vơi đầy ... hư không
TM
XA XÔI NGÀY THÁNG CŨ - NGUYỄN PHƯỚC BẢO QUYẾN
Người đăng:: Phong - Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013
Sáng nay Rạch Giá trời mưa bay
Anh chợt nhớ mưa phùn ở Huế
Thật lạ thay!
Rạch Giá có bao giờ mưa thế,
Thứ mưa lất phất thấm lạnh bờ vai
Giữa mùa đông. Hàng cây quay quắt
Đứng trơ vơ xơ xác ven đường.
Nghe nhớ thương
Những tháng năm xa hút
Lận đận quãng đời nghiên bút
Những mùa đông xứ Huế lặng trầm
Với lầu đài cung điện u thâm
Nơi có người em thành nội
Đi qua đời anh – anh thành tù tội
Của những dỗi hờn vu vơ …
Em, người em Đồng Khánh năm xưa
Nghiêng nghiêng vành nón e ấp
Anh đã phải lòng ngay buổi đầu mới gặp
Em, người em mắt ngọc tinh khôi
Dịu dàng mái tóc buông lơi
Phủ che tròn bờ vai áo trắng
Để cho anh một thời say đắm,
Một thời nôn nao hồi hộp đợi chờ
Dưới mưa phùn lạnh buốt thịt da
Những lần hò hẹn;
Để cho anh một thời tắc nghẹn
Lặng nhìn theo người ấy lặng lìa xa …
Anh ở đây nghìn trùng xa cách
Xa, xa lắc những mưa phùn lất phất
Xa, xa mờ xưa cũ những ngày đông
Của vụng, khờ năm tháng hờn, mong
Của bâng quơ sợi gió nao lòng
Của áo trắng một thời ảo vọng
Của say đắm một thời mơ mộng …
Một cuộc tình si dại thuở trinh nguyên
Ngót một đời hồ dễ đã nguôi quên!
NPBQ
ĐÔNG VỀ - HOÀNG THỊ THIỀU ANH
Người đăng:: Phong - Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013
ĐÔNG VỀ
Giữa ồn ào phố chợ
Giữa náo nức dòng đời
Khoảnh khắc nào im ắng
Mùa đông về ai ơi
Phút giao mùa khắc khoải
Mưa rơi buốt cả lòng
Tiễn đưa mùa thu ấy
Lặng lẽ quá
Buồn không
Mùa đông tràn nẻo phố
Đêm khuya chỉ một mình
Gió ơi se sắt lạnh
Tê dại cả …lòng em
BẢY MÀU MƯA HUẾ - PHƯƠNG XÍCH LÔ
Người đăng:: Phong - Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013
BẢY MÀU MƯA HUẾ
... Anh đưa em về cơn mưa đầu hạ
Mưa Ðỏ bên đường hay bóng phượng soi?
Tóc em ướt mềm như từng ngọn lá
Chiếc nón bài thơ em để mô rồi?
Anh đưa em về ngang qua cầu Mới
Mưa Ðen trên trời Mưa Tím dưới sông
Áo trắng em chừ như tranh lập thể
Ai đã tô lên những mảng Mưa Hồng
Anh đưa em về ngang qua Ðại Nội
Con đường tình yêu chạy dọc Hoàng thành
Những đám rêu xưa thình lình tỉnh giấc
Tắm hồn mình trong những giọt Mưa Xanh
Anh đưa về nhà xưa vườn cũ
Những đóa Mưa Vàng lấp lánh trên hoa
Chia tay trước nhà em vào với mạ
Riêng anh lang thang Mưa Trắng nhạt nhòa
N.V.P
Mưa Ðỏ bên đường hay bóng phượng soi?
Tóc em ướt mềm như từng ngọn lá
Chiếc nón bài thơ em để mô rồi?
Anh đưa em về ngang qua cầu Mới
Mưa Ðen trên trời Mưa Tím dưới sông
Áo trắng em chừ như tranh lập thể
Ai đã tô lên những mảng Mưa Hồng
Anh đưa em về ngang qua Ðại Nội
Con đường tình yêu chạy dọc Hoàng thành
Những đám rêu xưa thình lình tỉnh giấc
Tắm hồn mình trong những giọt Mưa Xanh
Anh đưa về nhà xưa vườn cũ
Những đóa Mưa Vàng lấp lánh trên hoa
Chia tay trước nhà em vào với mạ
Riêng anh lang thang Mưa Trắng nhạt nhòa
N.V.P
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM MỚI "DẤU CHÂN XA...MIỀN KÝ ỨC " CỦA NHÀ THƠ TRẦM MẶC
Người đăng:: Phong - Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013
TIẾNG LÒNG XIN GỞI LẠI
Chiều mưa viễn xứ, nhớ quê hương
Nhớ mưa Vĩ Dạ, nhớ chiều sương
Mây mù giăng kín, bên sông nước
Bến cũ, đêm mưa chắc sẽ buồn
Quê nhà của Trầm Mặc không có giới hạn trong hạn hẹp của riêng mình, chị đã gửi gắm lại cho thế hệ thứ hai biết cội nguồn từ nơi mẹ cha đã phải xa ngái để dến vùng đất mới tạo dựng cuộc sống, tha thiết đến nao lòng:
Nhớ nghe con thuở khai thiên lập địa
Ba mẹ cùng tạm biệt Vĩ Dạ xưa
Quê hương thứ hai nuôi con khôn lớn
Có lẽ nào con quên được con ơi!
Huế - miền Đông suốt đời con ghi nhớ
Con sinh ra nơi Cố Đô yêu dấu
Bước trưởng thành con lại có Bình Long
Nhìn lại nơi chốn được sinh ra, dậy một tình yêu sâu thắm chất ngất lãng mạn để rồi những câu thơ khơi nét riêng trong tâm hồn chị. Chị đau đáu nỗi đau xa quê, nhưng chị vẫn nhìn lạc quan với vùng đất mới, nơi mà chị hiểu rằng sẽ là chiếc nôi cho gia đình chị đã chọn lựa. Và sự chọn lựa thật sự mang lại cho tâm hồn chị được rất nhiều, chị có quá khứ và hiện tại đan quyện vào nhau, hổ tương cho tâm hồn thơ của chị thăng hoa:
Ta lặng đi với giọt nhớ mơ hồ
Chuông xa vọng trong buổi chiều cô tịch
Những tháng năm trải biết bao điều trăn trở để vượt qua, chọn cho mình một con đường không phải được rải hoa để bước đi cùng cuộc sống, bụi phấn đã cùng chi trôi theo nhiều năm tháng, để lúc dừng lại mới nói được về một nơi chốn đã hằn sâu trong nỗi nhớ không dứt rời, tâm hồn chị là mang nhiều niềm đau không bộc lộ, chi đã tự vỗ về mình bằng ngôn ngữ thơ để lòng nhẹ bớt niềm riêng. Chị đắm mình trong thiên nhiên để được nghe cô đơn mình lang tỏa với bạt ngàn rừng nối rừng suốt dãy biên giới miền Đông :
Chiều nay phố núi, lại mưa ngâu
Mắt ướt, mưa chi mãi giọt sầu
…
Gởi chút giọt mưa miền đất lạ
Về nơi phố cũ chợ Đông Ba
Thơ cho tâm hồn bay bỗng cùng thời gian ta có, Trầm Mặc được như vậy, chị đi vào thơ bằng một trải nghiệm rất đằm thắm của thời mỗi mùa hoa phượng rực trời với nắng hạ đất Thần Kinh. Những câu thơ nói lời vui buồn của thân phận, ghi lai những phút giây trái tim thanh xuân rung động một nhịp tình, gõ cửa những ẩn khuất đời người. Thơ Trầm Mặc đã trải bày như vậy.
Huế cuối thu 2012.
VIÊM TỊNH
DẤU CHÂN XA ...MIỀN KÝ ỨC
TRẦM MẶC
Nhà xuất bản HỘI NHÀ VĂN
2012
EM,MÙA XUÂN - NGUYỄN MIÊN THẢO
Người đăng:: Phong - Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013
Em,mùa xuân
Tôi đem nỗi buồn đi chôn
Cùng em băng qua cánh đồng sương mù
Buổi tối
Ngồi ngắm nhìn khuôn mặt em
Trốn tìm trong đôi mắt em
Đôi mắt tuyệt đẹp
Trốn tìm trong từng tiếng ho
Trốn tìm trong từng hơi thở
Hơi hám em
Hình như tôi đang hạnh phúc
Thực sự tôi đang hạnh phúc
Khi được yêu em
Bằng tất cả tôi
Đã bao ngày tôi trốn tìm trong nỗi nhớ
Em mỏng manh như tờ giấy quyến
Như lá lúa
Như ngọn gió đầu đông
Như hơi sương
Như em
Tôi tan vỡ trong em
Trong trẻo thánh kinh
Trong suốt hình hài
Trong veo nỗi buồn
Trong lành hơi thở
Tình yêu của em
Trước khi chúa sinh ra
Tồn tại từ muôn ngàn năm trước
Ở thành phố cổ kính
Cũng có từ ngàn năm trước
Được cùng em đi dưới cơn mưa
Giữa thành phố xanh xao
Những ngày tàn đông
Hạnh phúc
Tôi ngủ đông trong mắt em
Với một sợi tóc
Đông tàn
Tôi đem nỗi buồn đi chôn
Cùng em băng qua cánh đồng sương mù
Buổi tối
Ngồi ngắm nhìn khuôn mặt em
Trốn tìm trong đôi mắt em
Đôi mắt tuyệt đẹp
Trốn tìm trong từng tiếng ho
Trốn tìm trong từng hơi thở
Hơi hám em
Hình như tôi đang hạnh phúc
Thực sự tôi đang hạnh phúc
Khi được yêu em
Bằng tất cả tôi
Đã bao ngày tôi trốn tìm trong nỗi nhớ
Em mỏng manh như tờ giấy quyến
Như lá lúa
Như ngọn gió đầu đông
Như hơi sương
Như em
Tôi tan vỡ trong em
Trong trẻo thánh kinh
Trong suốt hình hài
Trong veo nỗi buồn
Trong lành hơi thở
Tình yêu của em
Trước khi chúa sinh ra
Tồn tại từ muôn ngàn năm trước
Ở thành phố cổ kính
Cũng có từ ngàn năm trước
Được cùng em đi dưới cơn mưa
Giữa thành phố xanh xao
Những ngày tàn đông
Hạnh phúc
Tôi ngủ đông trong mắt em
Với một sợi tóc
Đông tàn
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)