CÓ MỘT NGÀY NHƯ THẾ - NGUYỄN MIÊN THẢO


Một ngày anh rất hân hoan
Tôi ôm kỷ niệm, em mang nỗi buồn
Ngày em mất chồng mất con
Bao năm em vẫn còn trong bão bùng

Ở đây có một mùa xuân
Mấy mươi năm vẫn chưa xanh nấm mồ

30.4.2013

MẶT TIỀN NGHỆ THUẬT - VÕ CHÂN CỮU


                                                         Kỳ X
                                      Tượng Hình Mưa Nắng
Giải đất phương Nam chỉ hai mùa mưa nắng, nhưng tháng Tư vẫn gợi nhiều âm hưởng. Với những cơn mưa đầu mùa, trái bắt đầu chín, đám cưới rộn ràng. Mưa nắng tượng hình trên đôi môi thiếu nữ…
Sự bùng phát các nhà thơ nữ hôm nay khiến nhiều nhà lý luận văn học trong nước xem đó là hệ quả tất yếu của cuộc vận động nữ quyền, một “thành tựu” của xã hội. Nhưng nếu chịu khó nhìn lại lịch sử văn học Miền Nam, cách nay khoảng 50 năm, đã xuất những vần thơ khẳng định chất nữ làchương sự cần thiết và không thể thiếu của thời đại mới, tất nhiên cả trong văn . Đó là nữ thi sĩ Nhã Ca với tập thơ đầu tay “Nhã Ca mới”:
                  *   Vết thẹo
                   Đứa trẻ gái ra đời mang vết thẹo cô đơn
                   Giữa thời không không đói no không mùi vị
                   Tôi sống tự do trong thân thể mình
                   Nghe vết thẹo lớn dần và mọc rễ

                   Tuổi ấu thơ rồi thoắt tuổi thành niên
                   Ôi đầu mình tay chân thời trẻ dại
                   Tôi lớn lên quen mùi vị ái tình
                   Bước một bước qua hết thời con gái

                   Đứa trẻ gái ra đời không ai tưởng
                   Tôi một mình trong vết thẹo thâm sâu
                   Thân thể rỗng lưu thông từng mảnh vụn
                   Vết thẹo đau thương lau sậy lút đầu
                            
                   Không nói không nhìn không tất cả
                   Tôi mang tính tình mình trong suốt từng ấy năm
                   Từng ấy năm ngó đời như kẻ lạ
                   Cuộc chiến trong tôi tiếp diễn lạnh lùng
Vinh danh nữ tính
Nhã Ca quê ở Huế, vào Sài gòn làm văn chương từ năm 1960 khi đang vào tuổi thanh xuân. Lần đầu tiên người ta nghe một nhà thơ nữ là Nhã Ca bày tỏ trong thơ sự khao khát “Tôi sống tự do trong thân thể mình”. Suy nghĩ ấy đầy tính hiện sinh. Người nữ thường phải thuộc về đàn ông (ít ra là một người), vì người ấy nhận biết và tôn vinh cái đẹp của nàng. Nhưng khi đó, Nhã Ca đã nói lên những điều ngược lại, tự khẳng định cái đẹp hiển hiên của chất nữ, như trong bài thơ khá dài: “Đàn bà là mặt trời”.
                …Chúng ta, mỗi người phải là một công chúa

                   Người đàn bà nào cũng đẹp
                   Mùa xuân và hoa hồng đều nở vì chúng ta
                   Chúng ta ban phát ái tình
                   Cho thiên đàng của chúng ta tươi tốt mãi
                   …..
                  
“Ưu thế” ấy có được, bởi vì:
                   Cảm ơn Thượng đế đã cho tôi đôi vú
                   cho tôi da mịn và tóc dài
                   cho tôi rực rỡ như mặt trời
                   Để tôi làm ra ái tình và rượu ngọt
                   tràn trên trái đất
                   …..
Trong tập “Nhã Ca Mới” (bản 1963) cũng có những bài tình ca, nhiều câu thơ rất êm đềm, và đẹp như trong bài Thanh Xuân : Đời sống ôi buồn như cỏ khô / Này anh, em cũng tợ sương mù / Khi về tay nhỏ che trời rét / Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ. Với tập thơ này, năm 1965 Nhã Ca đoạt giải VHNT toàn quốc. Nhưng có lẽ vì bản tính của một con người có xu hướng hoạt động xã hội, thích tự do nên sau tập thơ đầu tay rất nổi tiếng, Nhã Ca từng bước nghiêng hẳn về sáng tác văn xuôi, với nhiều truyện, tiểu thuyết. Bà nhảy cả sang lĩnh vc tổ chức làm báo. Sau 1990, khi bà cùng chồng là thi sĩ Trần Dạ Từ sang Mỹ định cư, sự nghiệp lại vẫn tiếp tục theo hướng đó.
Bài viết này nhắc đến “Nhã Ca Mới” là nhằm cho rằng, dòng chảy văn học luôn có những thời điểm “Tháng Tư”. Có những ngòi bút báo hiệu những mùa gặt hái nở rộ trên văn đàn tương lai.
Được mùa quá ngắn
Có người vẫn thường hỏi rằng các nhà thơ, những người vẫn vẫn thường được cho là có “giác quan thứ 6”, thường được gán hay tự nhận là chuyển tải phần sâu kín của tâm hồn con người; vậy họ đã làm được những gì để cuộc đời tốt đẹp hơn, hay chỉ là để thỏa mãn bản năng của chính mình ?
Câu hỏi không thể được giải đáp thỏa đáng. Nếu có, cũng chỉ là sự ngụy biện. Điều rõ ràng là qua sự biểu hiện của khí hậu thơ ca, người ta có thể nhìn thấy được sự tồn tại đáng mừng hay đáng lo của một xã hội. Sau những thành tựu của của trường thơ “tự do”, rồi xuất hiện những nhà thơ mang màu sắc “hiện sinh”, không khí tinh thần ở miền Nam sau 1965 ngày càng đi vào bế tắc. Về mặt chính trường, các phe nhóm núp sau các công cụ tôn giáo ngày càng xung đột rõ nét. Con người ngày càng ý thức rõ hơn cái thân phận nhỏ nhoi của mình trong thế trận chiến tranh. Thanh niên lớn lên bị bắt phải đi lính, nhiều người có học chút ít hoặc trí thức thì biểu lộ sự chán ghét chiến tranh bằng sự trốn chạy khỏi thực tế. Một bộ phận thanh niên lỡ phải cầm súng thì an ủi là “chiến tranh này như một trò chơi”.
Khoảng từ năm 1972, nhạc sĩ tài danh Phạm Duy bắt đầu phổ  nhạc các bài thơ ông cho là hay của các nhà thơ đang mặc áo lính viết về thân phận mình. Tiêu biểu và trở thành nổi tiếng, có thể kể như: “Kỷ vật cho em” từ thơ Linh Phương, “Còn chút gì để nhớ” của Vũ Hữu Định. Đáng nói là những bài thơ này được viết bằng một tình cảm rất chân thật; cảm xúc của thi sĩ mang “tính người” chứ không phải “lên gân” vì được nhồi sọ như ở phía bên kia. Có những bài thơ khá hay của các nhà thơ trẻ được Phạm Duy phổ nhạc nhưng lại không nổi tiếng lắm, hoặc chỉ được người nghe biết đến có chừng mực. Có thể kể đó là “Rừng U Minh ta không thấy em” của Nguyễn Tiến Cung, hoặc “Chiều nằm trên lô cốt” của Hồ Chí Bửu.
* Nguyễn Tiến Cung
Rừng U Minh ta không thấy em
Ta không thấy em từ lâu nay
Mùa mưa làm rừng đước dâng đầy
Trên cao gió hát mây như tóc
Tràm đứng như em một dáng gầy

Ta không thấy em một lần đi
Nước phèn váng nhuộm quần trây-di
Đạn nổ lùng bùng trong nòng ướt
Tình đã xa rồi thôi nhớ chi

Mỗi con lạch là mỗi xót xa
Mỗi dòng sông là mỗi tuổi già
Thành phố đâu đây hình mất dạng
Cuộc chiến già nua theo tiếng ca…
Nhà thơ Hồ Chí Bửu thì ngoài bài “Chiều nằm trên lô cốt” còn có hàng loạt bài thơ khác về đời lính khá chân thật. Hình như anh muốn coi đó là sự an bài, nên cố tìm niềm vui trong nổi khổ khi đóng quân, sinh hoạt ở rừng núi. Ngay cả khi được về phép, nằm bên cạnh người yêu, anh cũng không cảm thấy đó là niềm hạnh phúc lớn lao. Vì sao ?
             *     Hồ Chí Bửu
Về phép
Ngủ ở đây - đêm nay ta yêu em bằng kỷ niệm
Ngủ ở đây không có tiếng súng giật mình
Không có hầm cá nhân từng đêm ngồi kích
Không có bastos để lén hút vội vàng

Ta ngang nhiên ngủ giữa lòng phố chợ
Giữa cuộc vui vụn vỡ của san hô
Đã đánh đổi bằng nghìn đêm lo sợ
Đêm nay rồi cũng trả lại kinh đô

Bạn bè ta hằng trăm thằng ngoài đó
Mắt trong đêm vẫn mở lớn trợn trừng
Sương đỉnh núi còn giăng mù đầu gió
Ta nằm đây thoáng nhớ cũng ngượng ngùng

Ngủ đi em - chắc đêm nay không nghe pháo kích
Thiên đường xa nên súng đạn cũng buồn
Tay ta đây vùng thịt da thương tích
Gối đầu lên rồi kể chuyện yêu đương

Ngủ đi em mùa thu cũng còn buồn lắm
Thôi ngủ đi - ta đi hái trái sầu
Trên non cao hay tận cùng hố thẳm
Đem về trần chằm gắn vết thương đau

Ngủ đi em- ta về vùng lâm chiến
Cũng mơ hồ như một nửa cơn điên
Nghêu ngao hát như một lần xuống núi
Rồi về rừng nghe thương nhớ từng đêm.

Các bài thơ này từng được anh gom lại, năm 1972 cho in thành thi tập “Nếu Ngày Mai Giải Ngũ” mang nhãn Nhà xuất bản Động Đất mà anh cùng bằng hữu chủ trương ở thị xã Tây Ninh. Các tập thơ và bài hát phổ nhạc khi in ra, được hát lan truyền cũng không đem vinh quang hay lợi lộc gì nhiều lắm cho tác giả. Có chăng, chỉ là sự ghi nhận về một lớp người cầm bút trong những năm tháng chiến tranh sắp đến hồi kết cuộc (có khi còn bị mang họa vì tinh thần phản chiến). Nhiều độc giả cho rằng các bài thơ về lính của Hồ Chí Bửu trong giai đoạn này, nếu nằm liên hoàn với nhau, nếu được tác giả tu chỉnh, thì có thể mang dáng dấp như một “trường ca”.  Đáng tiếc là thời kỳ của tự do sáng tác lại không còn nhiều nữa.
Nhưng “trường ca” là thể loại ra sao ? Trong thơ Việt Nam đã có  những “trường ca” hay chưa ? Câu hỏi này có lẽ nên được luận bàn trong một kỳ tới.
                                                                                           “Còn nữa”

THÁNG TƯ MÙA HẠ - NGUYỄN MIÊN THẢO


THÁNG TƯ MÙA HẠ

Tháng Tư mùa hạ
Nắng cháy da người
Buồn giăng mấy lối
Em vẫn xanh tươi

Nghe em cười nói
Anh cũng yên lòng
Ngại gì nắng lửa
Ngại gì mưa giông

Anh ngồi góp gió
Làm ngọn đông phong
Gửi ra ngoài nớ
Cho em mát lòng

KHAI TRƯƠNG BẢO TÀNG TƯ NHÂN ĐẦU TIÊN TẠI HUẾ

Khai trương bảo tàng tư nhân đầu tiên tại Huế

Ngày 26/4, tại nhà số 114 Mai Thúc Loan (TP Huế), lễ khai trương Nhà Bảo tàng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn - bảo tàng tư nhân đầu tiên tại Huế diễn ra, hưởng ứng Festival Nghề truyền thống Huế 2013.
Chén uống trà mạ vàng vành miệng .
Ngay sau lễ cắt băng khánh thánh, Nhà nghiên cứu - sưu tập cổ vật Trần Đình Sơn (chủ bảo tàng) ra mắt bộ sưu tập cổ vật “Tinh hoa thủ công mỹ nghệ thời Nguyễn” (1802 - 1945), với trên 200 hiện vật quý hiếm là đồ sứ ký kiểu và cổ vật bằng vàng, bạc, ngọc, đồng, tre, ngà voi, gỗ khảm… như ấm chén, khay, mâm, cơi trầu, tẩu thuốc, bình rượu, ống xoáy trầu, ống nhổ, dao.Phần lớn những cổ vật trên gắn với “tứ thú” của người xưa: ăn trầu, thưởng trà, hút thuốc, uống rượu; do ông Sơn kỳ công góp nhặt qua hàng chục năm tại nhiều vùng, miền trong và ngoài nước.
Việc thành lập bảo tàng đồ sứ ký kiểu tại Huế là tâm nguyện hàng chục năm nay của ông Trần Đình Sơn.
Bảo tàng ra mắt lần này tọa lạc ngay chính tại tư gia của cụ Trần Đình Bá, Thượng thư triều Nguyễn (cố nội của ông Trần Đình Sơn).

Nguồn:TIỀN PHONG


Một sự kiện quan trọng của văn hóa Huế
KHÁNH THÀNH BẢO TÀNG TƯ NHÂN ĐẦU TIÊN

Sự kiện quan trọng này của văn hóa Huế đã diễn ra vào sáng ngày 26/4, tại nhà số 114 Mai Thúc Loan (TP Huế), với Lễ khánh thành Nhà Bảo tàng tư nhân đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn - bảo tàng tư nhân đầu tiên tại Huế.
Một sự kiện quan trọng của văn hóa Huế
Bộ tẩu thuốc quý hiếm làm bằng ngà voi
Ngay sau lễ cắt băng khánh thánh, Nhà nghiên cứu - sưu tập cổ vật Trần Đình Sơn, chủ nhân của bảo tàng tư nhân, đã giới thiệu ra mắt bộ sưu tập cổ vật “Tinh hoa thủ công mỹ nghệ thời Nguyễn” (1802 - 1945), với trên 200 hiện vật quý hiếm là đồ sứ ký kiểu và cổ vật bằng vàng, bạc, ngọc, đồng, tre, ngà voi, gỗ khảm… như ấm chén, khay, mâm, cơi trầu, tẩu thuốc, bình rượu, ống xoáy trầu, ống nhổ, dao…

Một số hiện vật 

Phần lớn những cổ vật trên gắn với “tứ thú” của người xưa: ăn trầu, thưởng trà, hút thuốc, uống rượu.

Việc thành lập bảo tàng đồ sứ ký kiểu tại Huế là tâm nguyện hàng chục năm nay của ông Trần Đình Sơn. Ông cho biết bảo tàng được thực hiện tại ngôi nhà vốn trước đây là tư gia của cụ Trần Đình Bá, Thượng thư Bộ Hình triều Nguyễn (cụ cố của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn). Từ sau 1975 nơi đây đã giao cho Nhà nước làm công sở, cuối năm 2012 tỉnh TT.Huế đã có quyết định trả lại cho ông Trần Đình Sơn để làm bảo tàng tư nhân.

Sông Hương

FESTIVAL NGHỀ TRUYỀN THỐNG HUẾ 2013


33 làng nghề tham dự Festival Nghề truyền thống Huế 2013

Theo Ban Tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2013 cho biết,  với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt,”  Festival lần này đã nhận được đăng ký của 33 làng nghề (trong đó có 12 làng nghề của các địa phương trên cả nước, còn lại là của các địa phương trong tỉnh), với trên 170 nghệ nhân 
33 làng nghề tham dự Festival Nghề truyền thống Huế 2013
Festival Nghề truyền thống Huế 2013 sẽ diễn ra từ ngày 27/4 đến 1/5,  quy tụ hùng hậu những bàn tay vàng và các nghệ nhân thủ công mỹ nghệ tiêu biểu tham gia. Nổi bật là các sản phẩm của các làng nghề nổi tiếng như nón lá, thêu, đan đát mây tre, pháp lam, hoa giấy, dệt zèng, mỹ nghệ gỗ, kim hoàn, đèn lồng và mỹ nghệ xương, ngà, đúc đồng, sơn mài, tranh giấy…
Không gian Festival Nghề truyền thống 2013 Huế được tổ chức dọc đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và công viên Tứ Tượng bên bờ nam sông Hương. Tại đây, Ban tổ chức sẽ lắp đặt 18 nhà rường, kiểu nhà đặc trưng của nhà vườn Huế, nhằm làm tôn vinh thêm nét đẹp của các làng nghề đến tham dự Festival Nghề truyền thống Huế 2013.
Trong các ngày diễn ra hội chợ có các hoạt động như biểu diễn văn hóa nghệ thuật phục vụ du khách, trong đó chú trọng các chương trình gắn liền với làng nghề và cuộc sống, sản xuất của người dân ở nông thôn; hội thảo nghề và làng nghề truyền thống Huế với du lịch, tiềm năng và hướng phát triển./.
Mới đây, UBND tỉnh cũng vừa ra quyết định công nhận danh hiệu Làng nghề, Làng nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế cho 08 đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đó là: Làng nghề Bún Bánh Ô Sa, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền; Làng nghề Chế biến mắm, nước mắm Tân Thành, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền; Làng nghề Đan lát mây tre Thủy Lập, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền; Làng nghề Trồng nấm rơm Lê Xá Đông, xã Phú Lương, huyện Phú Vang; Làng nghề Đúc đồng Huế, phường Phường Đúc và phường Thủy Xuân, thành phố Huế; Làng nghề Đan lát mây tre Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền; Làng nghề Hoa giấy Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang; Làng nghề Nón lá Mỹ Lam, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang.
 
PV
                                                       
http://tapchisonghuong.com.vn

GIẢI TRÍ CUỐI TUẦN :BỌ NGỰA TRÁ HÌNH HOA LAN

Con côn trùng ngây thơ tiến lại gần đóa hoa xinh xắn. Bất ngờ đóa hoa chuyển động và chỉ trong tích tắc nạn nhân xấu số đã mất mạng…
“Đóa hoa” đó chính là một loài bọ ngựa kỳ lạ có tên là bọ ngựa phong lan, tên khoa học là Hymenopus coronatus.
“Đóa hoa” đó chính là một loài bọ ngựa kỳ lạ có tên là bọ ngựa phong lan, tên khoa học là Hymenopus coronatus.
Chúng sinh sống trong các khu rừng nhiệt đới của khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Chúng được gọi là bọ ngựa phong lan bởi màu sắc và hình dạng cơ thể rất giống với một đóa phong lan.
Bốn chân của chúng giống hệt như những cánh hoa lan, trong khi các cặp chi trước có răng cưa giống như các loài bọ ngựa khác được sử dụng trong việc nắm bắt con mồi.
Đây là một chiến thuật ngụy trang tuyệt vời, khiến bọ ngựa phong lan trở nên “tàng hình” khi lẩn vào những đóa phong lan.
Thay vì đi tìm mồi, loài bọ ngựa này bất động hàng giờ trên đóa hoa, chờ con mồi bay đến để tóm gọn bằng đôi càng sắc bén và tốc độ nhanh như chớp.
Bọ ngựa phong lan là loài rất hiếu sát, chúng sẵn sàng tấn công tất cả các đối tượng chuyển động lọt vào tầm nhìn của mình.
Thức ăn của chúng là các loài côn trùng, đặc biệt là ong, bướm, những đối tượng thường tìm đến hoa để hút mật.
Một điều đặc biệt khác của bọ ngựa phong lan là chúng còn có khả năng thay đổi màu sắc cho phù hợp với đóa hoa mà mình trú ẩn.
Theo các nghiên cứu, chúng có thể thay đổi được 90 màu sắc, giữa sắc hồng và nâu.
Do sự độc đáo của mình, bọ ngựa phong lan rất được các nhà sưu tầm côn trùng ưa chuộng.
Nhưng không phải ai cũng có cơ hội sở hữu loài bọ ngựa này do chúng rất hiếm và giá rất cao.

RA MẮT TRANG MẠNG VÀ TẬP SAN VĂN TUYỂN

Nhà thơ Nguyễn Liên Châu đã cho ra mắt trang mạng vantuyenhcm.net.
 http://vantuyenhcm.net/
  Và tập san Văn Tuyển cũng sẽ được ra mắt vào đầu tháng 
5-2013
Mời bạn đọc, thân hữu trong và ngoài nước đón đọc.




LUẬN VỀ GIANG HỒ TỬU - HỒ NGẠC NGỮ

LUẬN VỀ GIANG HỒ TỬU

Cái máu giang hồ không đo đếm
Đứng lên ngồi xuống nhẹ như bông
Khi say ngất ngưởng trong trời đất
Tỉnh dậy buồn như chiếc ly không

Cái máu giang hồ đi không mỏi
Cả và thiên hạ vốn anh em
Xem cõi trần gian như mây nổi
Lại sợ chết chìm đôi mắt đen

Ư hư ! Trong máu giang hồ tửu
Có bao nhiêu rượu bấy nhiêu tình
Có ngày nhếch nhác, ngày sang cả
Chỉ nhắc rượu ngon nấu quê mình

Ta cũng giang hồ nhưng không rượu
Ngồi nghe bằng hữu luận chiêm bao
Bàn bên có tiếng cười khúc khích
Uống đi rồi nói mới anh hào !

05.01.2013