TRANG VĂN NGÀY CŨ - SỐ 16

tác giả và nhà thơ Lê văn Ngăn,
Võ Quê, Thái Ngọc San
Tình yêu muôn thuở
Đôi bạn thơ đa tình
Thời đại internet đã dần thay đổi các phương thức thể hiện tình yêu. Các bạn trẻ của "thế hệ @" có thể không cần đến bức thư tình viết tay diễm lệ, không biết chuyện "trồng cây si" trước cổng trường... Thế nhưng một thời cách đây chưa xa, người ta đã yêu như vậy.
Chiều bên quán vỉa hè trên đường Đoàn Thị Điểm, nhìn ra Thành Nội với cánh cửa Hiển Nhơn rêu phong, mỗi lần về Huế nhà thơ Lê Văn Ngăn lại ngồi lai rai vài chai bia Huda với bạn bè cố cựu. Con đường này, thế hệ thanh niên Huế những năm 60 thế kỷ trước vẫn quen gọi tên theo ca từ của Trịnh Công Sơn là "đường phượng bay". Cũng tại nơi này, có một quán cà phê mà nhạc sĩ và bạn bè thường ngồi để nhâm nhi mỗi khi chiều đến. Trải qua bao nhiêu năm, quán đã thay chủ, đường cũng thay tên, nhưng nỗi miên man của những người nghệ sĩ già vẫn vậy. Cuộc lai rai cứ sau vài chai thăm hỏi, những nghệ sĩ già lại trở về với khung trời xa vắng. Và nhà thơ Lê Văn Ngăn bao giờ cũng hồi tưởng về kỷ niệm khó phai của những mối tình đầu chóng vánh. Chí ít cũng đã hơn 30 năm, những kỷ niệm đó qua lời kể hóm hỉnh, duyên dáng của nhà thơ, vẫn nồng nàn cảm xúc.

Nỗi nhớ... cà rem

Câu chuyện thứ nhất kể về một người bạn gái của nhà thơ thời còn là học sinh trường Tiểu học An Cựu. Thời đó, các học sinh con nhà khấm khá lắm mới có tiền ăn quà vặt. Và món "thượng đẳng" cũng không gì sang hơn cây cà rem mát lạnh đầy cám dỗ với âm thanh leng keng ngay trước cổng trường, giờ tan học. Những đứa trẻ thời đó, ăn cà rem đâu dám cắn mà chỉ mút cho vị ngọt mát tan dần trong miệng, để kéo dài niềm khoái cảm.
Người bạn gái của nhà thơ là con nhà khá giả. Cứ nhìn cảm xúc trào dâng qua lời kể, đủ thấy hai người chừng như đã có tình ý với nhau. Mỗi buổi tan trường, cô gái kiêu hãnh với cây cà rem trên tay. Thèm lắm, nhưng nhà thơ vẫn "giữ thể diện" nên đâu dám ngỏ lời xin... ăn ké. Một bữa, gần đến tiết hè, trời Huế oi nồng nóng bức. Vừa bước ra khỏi cổng trường, nhà thơ đã thấy cô bạn gái cầm cây cà rem. Không kiềm chế được nỗi thèm, nhà thơ liều mình xấn tới. "Cho mình mút cái!" - câu nói khó khăn nhất bật ra khỏi miệng. Người bạn gái liếc mắt đầy ẩn ý. Nhà thơ tiến tới sát hơn. Cô gái đưa cây cà rem đến gần miệng nhà thơ thì... rút lại. Nhà thơ năn nỉ: "Cho mút cái nờ!". Cô gái lại đưa que cà rem ra. Khi nhà thơ vừa há miệng đủ để ngậm lấy cây cà rem thì bất ngờ một ngón tay ướt đã chìa vào miệng. Thay vì được hưởng một miếng ngọt ngào mát lạnh, nhà thơ lại đón nhận một hương vị hoàn toàn trái ngược. Ngón tay vừa nóng vừa mặn. Cô gái cười tinh quái rồi bỏ chạy mất hút sau đám học trò nhí nhố. Nhà thơ đứng lại một mình với nỗi thẹn thùng ngơ ngẩn. Chỉ có vậy, mà cái ngón tay người con gái đã bám theo nhà thơ đến tận bây giờ...

Rung động trên cầu Tràng Tiền

Câu chuyện thứ hai cũng liên quan đến một người con gái. Thời chàng trai đa tình Lê Văn Ngăn còn học trung học, cứ mỗi chiều lại rong ruổi khắp phố phường của miền núi Ngự sông Hương để tìm ý thơ. Buổi chiều, những chàng trai hay đi bộ trên cầu Tràng Tiền để chờ đợi những tà áo dài tan học. Trong số những nữ sinh mơ mộng ấy, nhà thơ để ý một người. Cô gái dường như đã biết được tình ý nên cũng thường xuyên thả gót tha thướt dạo qua cầu. Không ai nói với ai câu nào, chỉ có ánh mắt vẫn nhìn nhau. Đã thành một thói quen, hôm nào trên cầu thiếu bóng dáng của người con gái ấy là đêm về nhà thơ khắc khoải chẳng thể ngủ yên.
Một ngày, cô gái không đi bên kia đường như mọi khi. Nàng đột ngột đổi hướng đi qua ngang lối mà nhà thơ vẫn đứng nhìn. Trái tim chàng trai trẻ rung lên. Khoảng cách rút ngắn dần cho đến khi hai người chạm mặt. Cô gái e thẹn bước ngập ngừng, trong khi nhà thơ đứng chết lặng. Khi cô gái sắp bước qua nơi nhà thơ đứng, một làn gió nhẹ thổi tung tà áo dài vương vào bàn tay của chàng thi sĩ. Cái cảm xúc lướt qua nhanh ấy không thôi cũng đủ làm nhà thơ ngất ngây niềm hạnh phúc, để thành thơ:
"Không phải chỉ một mình tôi dưới rặng thông đêm

vì bên tôi còn có tiếng chân em dẫm lên mặt đường mười năm trước
vì bàn tay tôi còn nguyên cảm giác khi chạm vào tà áo em mười năm trước.
Không phải chỉ một mình tôi trở về căn phòng trọ ngồi lại bên ngọn đèn và trang sách mở
Ngỡ như em sắp thức dậy nhen lửa trong tiếng mưa khuya"
(Không phải như thế)

Trao thơ tình cho tình địch

Một chuyện tình khác khá ngô nghê liên quan đến cả nhà thơ Lê Văn Ngăn và người bạn chí cốt của anh là cố nhà thơ Thái Ngọc San. Hai nhà thơ là bạn thân từ phong trào sinh viên tranh đấu. Nếu như Thái Ngọc San bụi đời và quyết liệt chừng nào thì Lê Văn Ngăn trầm lắng và mơ mộng chừng ấy. Câu chuyện họ cùng nhau trốn lính trên một căn gác nhỏ của Thư viện Đại học Huế diễn tả tính cách hồn nhiên thi sĩ của Lê Văn Ngăn. Đó là những năm tháng đấu tranh khốc liệt nhất của phong trào sinh viên miền Nam. Để tránh những cuộc bố ráp lùng sục của cảnh sát chế độ cũ, hai chàng trai đã lên trú ẩn trên căn gác nhỏ của một thầy giáo trên tầng hai của thư viện. Nơi đây, họ bàn tính chuyện kết nối đường dây để thoát lên rừng. Một lần đang ngồi chờ liên lạc với một đầu mối trong nội thành Huế, Lê Văn Ngăn chợt suy tư: "Ê, San này, lên rừng mình có được uống cà phê không hè?". Nhà thơ Thái Ngọc San cười: "Người ta đang lo bao thứ lớn lao của cuộc cách mạng, chỉ riêng một mình Lê Văn Ngăn đi lo chuyện lên rừng không có cà phê".
Điều thú vị là cả hai nhà thơ đa tình này đều làm thơ tán gái. Nhà thơ Lê Văn Ngăn, vốn cũng là bạn rất thân với N.Y.Th. Ông Th. có một người em gái mà nhà thơ Lê Văn Ngăn rất mê nên đã nhiều lần làm thơ để tặng. Những bài thơ tặng người con gái này thường được tác giả gửi qua một người bạn trai khác trong nhóm để nhờ làm "chim xanh". "Chim xanh" vẫn nhận thơ của chàng thi sĩ mơ mộng đều đặn nhưng thơ đi mãi vẫn không thấy hồi âm. Chiến tranh đến hồi ác liệt và người bạn trai làm "chim xanh" bị địch bắt đưa ra Côn Đảo. Sau năm 1975, đất nước giải phóng, người tù cách mạng trở về và ngay sau đó anh làm đám cưới với người đẹp. Lúc này, Lê Văn Ngăn mới vỡ lẽ ra rằng anh đã trót trao thơ tình cho chính tình địch !
Trong khi đó, nhà thơ Thái Ngọc San cũng làm thơ tặng một cô gái khác. Cô gái này không ai khác chính là người hiện đang "đầu bạc răng long" với nhà thơ Lê Văn Ngăn. Những lần về Huế giỗ bạn, nhà thơ Lê Văn Ngăn vẫn thường tiết lộ với bạn bè "những bài thơ nớ như răng chừ mình cũng không được biết, vì đó là tài sản riêng của vợ"...
Bùi Ngọc Long

0 nhận xét:

Đăng nhận xét