TRANG VĂN NGÀY CŨ - SỐ 25

nhà thơ,họa sĩ
lê ký thương

Nhà thơ ,hoạ sĩ Lê Ký Thương quê quán tại Khánh Hoà-Nha Trang,hiện sinh sống tại Sài Gòn.Thơ ông xuất hiện trên văn đàn miền Nam từ giữa thập niên 1960 thế kỷ trước.Ngoài làm thơ ,viết văn,ông còn dành nhiều thời gian cho nghệ thuật tạo hình .Tác phẩm của ông thơ,văn hay hội họa đều có nét riêng của một nghệ sĩ tài hoa.
Xin giới thiệu một số bài thơ viết trước năm 1975 và một số tác phẩm trong cuộc triển lãm với chủ đề Như Có Như Không năm 2007.Tại cuộc triển lãm này có một mảng đề tài khá đặc biệt về dòng họ Cóc,mà theo tác giả : " Vì hình hài xấu xí,cóc bị người đời khinh rẽ.Người ta ăn thịt cóc,thờ cóc, rồi tôn vinh :"con cóc là cậu ông trời".Riêng tôi ờ kiếp nào đó tôi là cóc,kiếp này mượn hình hài cóc để nói về mình"

thơ lê ký thương

SAO SÁNG

Sao em đến nửa chừng ta đang hát
bàn tay mưa khua động mặt trời lên
những sợi nắng giăng ngang miền cực lạc
nước ân tình tuôn ướt cỏ hai bên

Ta hoảng hốt đánh rơi đường tinh huyết
phút vô tình trời đất cũng làm ngơ
từ dạo đó máu sượng sần da thịt
Em lần hồi sáng tạo những bài thơ

Ta lần hồi sống lại giữa mùa mơ

TƯƠNG TƯ

Những sáng của thương những chiều của nhớ
những đêm thèm một chút ái ân
nằm đợi mãi trăng không về gọi cửa
ta cắn vào thơ buốt cả răng

BẤT NGỜ

Em vừa đến buổi chiều ào vô cửa
đạp ta nhào xuống tận cõi cuồng điên
dẫu tim óc bị cầm tù đi nữa
ta vẫn còn bốn mắt trộm nhìn em

NẮNG SỚM TRONG VƯỜN

Về lại đó nụ tầm xuân chưa nở
vườn cà xanh co phiến lá ôm buồn
sương rớt hột chạm đài hoa tan vỡ
hốt nhiên thành những giọt nắng vàng trong

Áo người phơi bên hàng rào dâm bụt
con chuồn chuồn len lén đậu trên tay
hoa ngoắc gió về tư tình một chút
con chuồn chuồn mắc cở rủ mây bay

Em giận hờn ai mà má đỏ hây hây?


Lê Ký Thương
Tranh và cóc

Không có vẻ “sĩ”, ăn mặc lại xuềnh xoàng, Lê Ký Thương ngồi ở quán Du Miên với đám đông người trẻ rất “đương đại” càng nổi bật như một kẻ đã quá thời. Ông có dáng dấp một thầy ký dễ thương, đúng với cái tên.
Nhiều người đã rất quen với những bức sơn dầu vẽ trẻ con rất trẻ con trong loạt tranh Ký ức tuổi thơ. Cuộc triển lãm của Lê Ký Thương tại phòng tranh Tự Do (khai mạc ngày 14-10-2007) hơi lạ lẫm về sự thay đổi.

Nhưng hãy nghe họa sĩ nói về đầu đời vẽ của mình…
- Cha tôi là một nhà nho, chữ đẹp. Thường khi người ta đến nhờ viết sớ thì ông bắt tôi mài mực. Cầm thỏi mực to đùng, cứng ngắc, mài cả tiếng đồng hồ rất mỏi tay và chán nản. Bù lại, tôi được xem ông múa bút và rất thích thú với đường nét bay lượn của những con chữ. Ý thức về hội họa của tôi có lẽ bắt nguồn từ những giờ phút mệt mỏi và thú vị ấy…
* Ký ức tuổi thơ cũng nảy sinh từ đấy?
- Không, ở nhà tôi luôn bị kèm cặp học hành. Chỉ có một thời gian ở với bà, tôi mới được gần đám bạn bè chăn bò, lội sông, thả diều và các trò chơi lêu lổng… Thời gian không dài, chỉ quãng hai năm nhưng đã thành những kỷ niệm ăn sâu vào tiềm thức để sau này thành tác phẩm…
* Tự học vẽ?
- Mê vẽ ngay từ ngày mài mực. Cha tôi cũng tạo điều kiện, mua bút mực màu mè cho vẽ. Dù sao những con chữ của cha đã thành ấn tượng cho một đời vẽ. Về sau, thư pháp Trung Quốc, Nhật Bản cũng ảnh hưởng rất nhiều đến nghề vẽ của tôi. Tôi cũng cảm ơn thầy dạy vẽ những năm học cấp II. Bốn năm trời với những tiết vẽ hàng tuần, tôi đã có được những kiến thức cơ bản. Tôi cũng thích văn chương, thơ phú, sau gặp được Thân Trọng Minh cùng nhóm “Ý Thức” - chuyện vẽ của tôi cũng được phát triển nhờ tham gia nhóm này!
* Tôi nhìn thấy sự thay đổi khá rõ: từ Ký ức tuổi thơ ông đã “nhảy” sang Phật, sang Thiền. Dùng nhiều ẩn dụ. Màu đỏ rực rỡ và những màu nguyên của ông đã biến mất để màu trắng pha loãng tất cả. Về hình ông đã nhập trường phái “tối giản”… Có chuyện gì đã xảy ra vậy?
- Tôi có một cuốn sách hội họa Pháp rất cũ, từ 50 năm trước, mối ăn gần hết. Có một trang bị mối gặm thành hình một nhánh cây khô, cũng giống một nhánh hoa. Thế là trong tôi nảy sinh ý tưởng cho bức tranh Lộc giao thừa mà tôi đã dùng làm bìa vựng tập triển lãm… Tiếp theo là những bức Hoa nhật thực, Hoa nguyệt thực, Trăng mơ, Ấn tượng đồng bằng… theo cùng một lối vẽ.
* Phong cách “Mối ăn” đã thành “Tối giản”? Thế còn ông Bồ đề Đạt ma?
- Vâng, bức Đến và đi lấy cảm hứng từ vị tổ sư Thiền học, ngồi diện bích chín năm, ra đi chỉ có một chiếc dép. Quả thật tôi thích nghiên cứu Phật học, Thiền học, thích thơ Haiku, trà đạo… Tôi vẽ loại tranh này để thể hiện tâm tưởng… Bình thường tôi thích sự giản dị, hiền hòa, không muốn có sự rắc rối thế sự…
* Ông cũng phải nói về mớ gốm mỹ thuật họ nhà cóc chứ. Tại sao là cóc mà không phải là ngựa, chó, mèo?
- Lại phải trở về Ký ức tuổi thơ: Bọn trẻ con chúng tôi ngày ấy có hôm bắt được một con cóc, cho cóc ngậm thuốc lá. Thế là cóc say thuốc, quay mòng mòng. Chúng tôi được một bữa cười thỏa thích. Ngẫm lại thấy có tội trong việc hành hạ một sinh vật. Hình ảnh cũng chẳng khác gì những kẻ thủ ác đối với con người…
Năm nay, tôi đã ngoài 60 tuổi mà vẫn bị ám ảnh về chuyện đó. Tôi bày họ nhà cóc để xin được xá tội. Vả lại tôi cũng thích một câu dân gian “Cóc cắn ba năm trời gầm mới nhả!” - sự quyết liệt trong một hành động mà tôi luôn phải học tập…
PHAN VŨ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét