CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN (KỲ 12)


CAO HUY KHANH
VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN

1975 - 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Mười Hai


121 - Bà Hồng
BÀ MẸ CÂM NUÔI CON BỎ RƠI
Người khuyết tật bán vé số không rõ tên họ sinh khoảng 1958 tại Đà Nẵng. Sống ở Đà Nẵng (2009).
Sinh ra đã bị câm lại thêm bệnh hen suyễn nặng, tuổi còn nhỏ thì năm 1968 cả bố mẹ đều đã chết trong chiến cuộc Mậu Thân. Sau đó lưu lạc trải qua các trại trẻ mồ côi như thế nào không ai biết, một phần do nói không được nên cũng không thể thố lộ gì về cuộc đời bất hạnh của mình.
Sau 1975 làm nghề đi bán vé số dạo đã đến tác túc luôn trong… Bệnh viện Đà Nẵng từ một tình huống ngẫu nhiên: Lên cơn hen suyễn nặng nên được bạn bán vé số đưa đến bệnh viện chữa trị, sau đó tự động chọn nơi này làm nhà mình luôn! Ngày đi bán vé số, đêm về nằm vạ vật trên ghế đá ngoài sân hoặc có khi được nhân viên thương tình cho vào nằm ké hành lang bệnh viện. Hoàn toàn đơn độc một thân một mình lủi thủi không chồng con không ai bà con thân thích.
Nhưng từ đó lại nảy sinh một việc làm lạ lùng là tình nguyện trở thành một bà mẹ nuôi cho những đứa trẻ dị tật sau khi sinh ra tại bệnh viện đã bị cha mẹ bỏ rơi!
Hễ nghe tin có cháu bé như vậy là tất bật chạy đến giúp y tá lo săn sóc, nuôi dưỡng chúng. Lấy tiền bán vé số ra thuê nguời tắm rửa cho chúng, cho ăn, mua sữa cho uống (trẻ sơ sinh thì ẵm đi xin các bà mẹ khác cho bú ké), mua áo quần cho bé… Trong lúc đó bản thân mình sáng ăn cháo từ thiện bệnh viện, trưa tối ăn cơm bình dân 5.000 đồng.
Mẹ và con nuôi – con nuôi “tự phát”! - quyến luyến nhau không muốn rời xa, mẹ đí trước con níu áo lập chập bước theo sau. Khi trẻ lớn hơn phải chuyển qua cho trung tâm nuôi trẻ mồ côi thì mẹ… không chịu! Khi có trẻ bệnh qua đời thì mẹ bỏ đi bán vé số ngồi khóc cả ngày sưng mắt.
Một đứa con mồ côi của chiến tranh nuôi những đứa con mồ côi (như mình) của hòa bình như một phép lạ bù đắp cho số phận thiệt thòi.

122 - Hồ Phúc Yên
MỘT MÌNH LÀM MỘT CON ĐƯỜNG
Bộ đội về hưu sinh 1952 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2009).
Năm 1998 là thương binh người dân tộc Pa Cô nên xin về hưu sớm trở lại quê hương xã A Dơi thuộc huyện vùng cao Hướng Hoá ở Quảng Trị.
Thấy quê mình vẫn còn nghèo quá, điều kiện phát triển kinh tế lạc hậu cộng với kinh nghiệm chiến đấu đi đây đi đó nhiều mới nảy sinh ý định làm một con đường đất xuyền qua núi cho ô tô chạy được từ ngoài huyện vào tận xã, tất cả dài hơn 13km để giúp bà con kiếm sống dễ hơn. Thế là ban đầu chỉ mình và vợ trần thân ra làm đường, dần dà vận động đồng bào trong bản làng cùng làm không công vì lợi ích chung. Hơn một năm sau hoàn thành, nhờ đó đời sống người dân nơi đây được tiếp xúc với “ánh sáng văn minh” ngày một khá hơn.
Con đường trên nay đã được Nhà nước đầu tư nâng cấp rộng và tốt hơn nhưng tên đường thì vẫn giữ nguyên như cũ: Đường Hồ Yên.
Nhưng làm đường xong chưa kịp hưởng hết niềm vui thì lại lãnh tai ương mắc một chứng bệnh lạ chân phải bị liệt rồi teo lại phải nằm một chỗ, sau đó nổi hạch mưng mủ. Theo phong tục người dân tộc cho là bị “ma bắt” nên chỉ nhờ thầy mo và thấy cúng chữa mãi vẫn không khỏi, sau cùng vào cuối năm 1999 theo tục lệ buôn làng bị đưa ra nằm trong một cái lán ngoài rừng để… chờ chết!
May mà cuối cùng đuợc một toán nhân viên y tế từ Quy Nhơn lên công tác tổ chức mổ cấp cứu ngay tại lán ven rừng hút ra hơn 7 lít mủ cứu sống. Mà toán công tác lên tới xã này cũng là nhờ đi theo… con đường Hồ Yên!

123 - Lâm Văn Bảng
BẢO TÀNG KỶ VẬT NHÀ TÙ VÀ CHUYỆN CÔ CON GÁI MẤT TÍCH Ở NƯỚC NGOÀI
Thường dân sinh 1942 tại Hà Tây. Sống ở Hà Tây (2009).
Nguyên bộ đội chịu 15 vết thương, bị bắt tù Phú Quốc từng bị tra tấn đánh gãy cả chân tay, 7 lần lên bàn mổ, sau được trao trả tù binh. Sau 75 chuyển ngành làm công chức nhưng vẫn bị ám ảnh không quên về thời gian ở tù “Đêm nào cũng như nghe tiếng đồng đội trở về nói bên tai”!
Từ đó đã bỏ 20 năm ròng rã – từ năm 1985 - chuyên đi sưu tầm vô số vật lưu niệm từ nhà tù đó về tự lập nên một “Bảo tàng kỷ vật” về nhà tù Phú Quốc năm 2004. Dùng 1.600m2 đất hương hỏa để xây bảo tàng và phải lặn lội đi khắp nước, tìm đến những bạn tù và đồng đội cũ để truy tìm kỷ vật, có khi hết tiền phải nhịn đói mà đi. Qua đó thu thập được hơn 2.246 hiện vật từ nhà tù chế độ cũ giam giữ chiến sĩ Cách mạng. Có kỷ vật lấy từ thi hài đồng đội khi bốc mộ (còn cả chiếc đinh đóng vào đầu để tra tấn) , có kỷ vật gia đình đã đặt trên bàn thờ đồng đội cũng nài nỉ xin lại đem về cho bảo tàng… Gọi là để “trả nợ đồng chí mình, trả nợ đời”.
Tất cả được ghi nhận trân trọng “Giá trị của mỗi kỷ vật bảo tàng đang lưu giữ là vô giá. Từng con dao, cây gậy, tấm áo, quyển sổ đó đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu…”
Gắn liền với bảo tàng này là câu chuyện gần như một giai thoại lạ lùng khó tin về một đền thờ nhỏ bên cạnh bảo tàng làm nơi tưởng niệm anh linh liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh và cuốn sách Phật giáo “Gương nhân quả” ông mua được ở TPHCM năm 1995 trong một chuyến đi sưu tầm kỷ vật. Đây là cuốn sách ông đọc rất tâm đắc lấy làm sách gối đầu giường, đến năm 2000 khi cô con gái Thanh Huyền được học bổng đi Úc du học mới trao cho con với lời dặn “Khi gặp khó khăn con hãy đọc nó, nó sẽ giúp con vượt qua” (có ghi kèm tên bố và địa chỉ lên gáy sách).
Cô con gái qua Úc chẳng bao lâu thì mắc chứng bệnh hiểm nghèo biến chứng viêm não rất khó chữa, may được một phụ nữ Pháp nhận làm con nuôi đưa qua Mỹ giải phẫu hết bệnh nhưng lại bị biến chứng khác là mất trí nhớ. Rồi trên đường ra sân bay về Úùc lại bị tai nạn thảm khốc khiến khi tỉnh dậy không thấy bà mẹ nuôi đâu cả, chỉ còn một mình mà cũng không nhớ được mình là ai, tên gì, từ đâu tới! Từ đó xem như mất tích luôn đối với bạn bè ở Úc cũng như gia đình ở Hà Tây.
Cô con gái đành xin làm nghề lao động chân tay rửa chai lọ nhà hàng ở New York sống vạ vật qua ngày. May gặp một nữ doanh nhân Trung Quốc có lòng tốt thương tình cho đi quá giang tàu thủy chở hàng về Trung Quốc rồi từ đó đưa lên xe về Lạng Sơn. Không một đồng xu dính túi từ cửa khẩu đi bộ thất thểu gần 200km về Hà Nội, đi họa hoằn theo lời người ta chỉ dẫn chứ cũng chẳng biết nơi đâu là quê nhà mình. Về Hà Nội rồi xin rửa bát cho một quán cơm ở Cầu Giấy mà không hề hay biết nhà bố mẹ chỉ cách đó 30km! Sau đó chuyển qua bán sách vỉa hè ban ngày và đạp xe đi bán bánh mì buổi tối.
Trải qua 4 năm như vậy, đến ngày 26 Tết 2005 tình cờ mới vớ lấy một cuốn sách bán lề đường đọc cho khuây khỏa, đó chính là cuốn “Gương nhân quả” mà bạn bè ở Úc sau khi cô mất tích đã gửi về nước cho gia đình nhưng lạc địa chỉ thành ra… nằm lề đường! Và khám phá trong cuốn sách có giấu giấy tờ cũ kèm ảnh của mình cùng tên bố và số điện thoại ghi trên đó. Nhờ tấm ảnh thấy giống mình mới gọi điện về nhà tìm lại được gốc gác bản thân mình.
Đáng chú ý ngày đoàn tụ gia đình đó cũng là ngày đền thờ liệt sĩ bên cạnh Bảo tàng Kỷ vật nhà tù “tại gia” khánh thành! Như một bằng chứng “hiển linh” từ tấm “Gương nhân quả”.

124 - Lê Ánh
LÃNH ÁN TRỤC XUẤT VỀ NƯỚC
Nữ thường dân sinh tại VN, sống ở Mỹ (2008).
Được chồng và 2 con bảo lãnh qua Mỹ năm 2000.
Nhưng không hiểu gia đình gặp cảnh khốn khó đến cỡ nào mà sinh ra tật đi… ăn trộm ở cửa hàng. Năm 2002 bị bắt tại trận ăn trộm bánh sandwich và nước ngọt tại một cửa hàng ở TP Houston bang Texas vì “con bị đói”. Năm 2004 lại bị bắt vì tội ăn cắp 2 cái ví tiền và một cái nón, may mà tội nhẹ nên chỉ bị giam 2 ngày rồi thả ra.
Tuy nhiên như thế cũng đã bị vào sổ đen phạm tội hình sự ở Mỹ nên năm 2006 bị đưa vào danh sách Việt kiều vi phạm pháp luật phải trục xuất về lại VN sau khi 2 nước ký hiệp định thỏa thuận về vấn đề này (áp dụng với khoảng 1.500 người đến Mỹ sau năm 1995).
Được luật sư giúp làm đơn kêu oan với Cục Di dân với lý do “Ở VN tôi không còn ai là thân nhân cả. Thà bắn vào đầu tôi còn hơn bắt tôi quay về VN”! Nhưng đơn bị bác chờ đến hạn cuối năm 2008 thi hành lệnh trục xuất không biết rồi kết quả cuối cùng thế nào.

125 - Lê Bá Quát
THIỀN ĐƯỜNG BAO LA
Bác sĩ sinh tại VN, sống ở Mỹ (2005).
Trên đất Mỹ năm 2003 mắc bệnh ung thư bệnh viện đã “chê” rằng chỉ sống được 6 tháng nữa nhưng ngẫu nhiên làm quen với phương pháp tập thiền nên trong lúc cùng đường thử tập theo xem sao không ngờ quá hạn “điểm chết” vẫn còn sống khoẻ!
Thế là càng tập luyện chuyên cần hơn đồng thời bỏ công mày mò nghiên cứu thêm, kết quả đến năm 2005 vẫn sống tiếp bình thường.
Từ đó phát thiện tâm theo nhà Phật bỏ tiền ra mua một khu đất rộng ở Caliornia lập một thiền đường lớn, mở cửa đón nhận miễn phí tất cả ai muốn vào tập thiền, tu thiền xin cứù thoải mái.

126 - Lê Bửu Tần
CUỘC TRẢ THÙ CỦA QUÁ KHỨ
Thường dân ở Mỹ sinh khoảng 1946 tại Bình Định – Mất 2002 ở Mỹ (56 tuổi).
Tốt nghiệp ĐH Vạn Hạnh ở Sài Gòn đi làm công chức chế độ cũ rồi được cân nhắc về làm quan chức ở tỉnh Vĩnh Bình (nay là Trà Vinh).
Sau 75 đi cải tạo về sống nhờ nhà mẹ vợ (có 2 con một trai một gái) gặp thời buổi khó khăn kinh tế nảy sinh mâu thuẫn gia đình. Không sống nổi cuối cùng nhờ bạn bè giúp đỡ một mình vượt biên qua Mỹ.
Trên đất Mỹ ban đầu cũng có ý định trở lại tham gia hoạt động chính trị xã hội trong cộng đồng hải ngoại nhưng được một thời gian thất vọng chuyển qua làm ăn kinh doanh. Rồi gá nghĩa chung sống với một người vợ sau cũng vượt biên qua trước.
Với vợ mới không có con mà lòng vẫn không nguôi nhớ hai đứa con bỏ lại nên làm thủ tục bảo lãnh cho hai con qua với mình (vợ cũ gần như cũng có “người khác” nên xem như chia tay luôn). Bà vợ cũ rất hận việc mình bỏ rơi nên vẫn cho 2 con đi song trước đó đã dạy con lòng căm thù cha và mẹ kế xem như là kẻ đã gây ra cảnh ly tán làm tan nát gia đình cũ bên này, đẩy mẹ ruột mình đến chỗ tuyệt vọng.
Vì thế sau khi qua Mỹ cả 2 đứa con tẩy chay cuộc sống gia đình mới và tìm mọi cách phá nát gia đình mới này! Phá phách đủ kiểu tới mức cả gia đình cha và mẹ kế phải phá sản luôn rồi cả 2 bỏ nhà đi bụi đời, gia nhập băng nhóm xã hội đen. Trộm cướp bị tù cha phải đi thăm nuôi, ra tù lại bỏ đi giang hồ tiếp, đẻ con xong thì đem về “vứt” ở nhà cho cha và mẹ kế nuôi…
Buồn sự đời cắn rứt lương tâm âm thầøm dai dẳng không mở miệng nói với ai được dẫn đến bệnh nặng qua đời sớm.

127 - Lê Cao Đài
SINH NGHỀ TỬ NGHIỆP CHẤT ĐỘC DA CAM
Bác sĩ sinh 1928 tại Hà Nội – Mất 2002 ở Hà Nội (75 tuổi).
Còn là sinh viên y khoa Hà Nội đã lên đường vào chiến khu chống Pháp, trở thành bộ đội quân y của Đại đoàn 308 lừng danh. Sau 54 làm việc ở Viện Quân y, đến năm 1966 từ chối đi Bulgaria du học để lại ba lô lên đường vào Nam đánh Mỹ.
Trên chiến trường Tây nguyên vừa làm nhiệm vụ cứu chữa thương bệnh binh vừa tranh thủ xuất bản một tạp chí nghiên cứu y khoa phục vụ chiến trường. Và cũng tại đây chứng kiến quân Mỹ rải chất độc da cam, từ đó như một định mệnh gắn liền cuộc đời mình với sự nghiệp nghiên cứu chất độc này.
Sau 75 dồn tất cả tâm lực, tinh huyết vào các công trình nghiên cứu CĐDC đầu tiên ở VN và cả trên thế giới: Đi khắp nơi để điều tra, nghiên cứu về CĐDC và hậu quả để lại (hợp tác với cả các nhà khoa học Mỹ), là giám đốc đầu tiên của Quỹ Hỗ trợ nạn nhân CĐDC (tiền thân của Hội Nạn nhân CĐDC hiện nay), in công trình “Thực trạng chất dioxin ở VN”, dịch cuốn hồi ký “Cha con tôi” của Đô đốc Mỹ E. Zumwalt người trực tiếp chỉ huy rải CĐDC xuống VN nhưng lại có con là sĩ quan không quân trong chiến tranh VN sau này chết vì nhiễm độc và cháu chịu di chứng CĐDC…
Từ những công trình mà ông đi tiên phong mở đầu mới có con số công bố khoảng 4 triệu người VN đã chết vì CĐDC và khoảng 500.000 trẻ em bị dị tật từ đó. Ngay các nhà khoa học Mỹ cũng ngã mũ thán phục: “Ông ấy có thiên bẩm tuyệt vời để biết rõ nơi nào cần đến xem, nơi nào tìm ra được mẫu nạn nhân. Và ông hiểu biết một cách khoa học về lịch sử sự gieo rắc chất độc này.” (GSTS Arnold Schecter, ĐH Texas). Sự hiểu biết đó sở dĩ có được sâu sắc như vậy bởi chính ông là một chứng nhân lịch sử.
Con người được bạn nước ngoài ca ngợi là “một Albert Einstein về nghiên cứu CĐDC và dioxin”, được mô tả là “một ông già mắt mờ, chân tập tễnh vẫn ghé đến chia sẻ nỗi đau của những phận đời bất hạnh nơi hang cùng ngỏ hẻm làng quê xa xôi…” ấy rốt cuộc đã phải trả giá cho sự cống hiến đầy nguy hiểm của mình: Mắc chứng viêm tụy cấp hoại tử nội tạng không thuốc nào chữa được do đã bị nhiễm dioxin trong cơ thể ở mức gấp 100 lần người bình thường!
Nhưng hẳn là ông không hề thấy hối tiếc gì. Duy chỉ có lời nhắn nhủ gửi lại cho các thế hệ sau đầy ray rứt: “Những gì chúng ta làm được cho nạn nhân CĐDC đến giờ chỉ mới là chiếc khăn lau nước mắt cho họ mà thôi.”

128 - Lê Cao Nguyên
BIẾN THÀNH NGƯỜI DÂN TỘC 1
Nông dân tên cũ Lê Cao Nguyên sinh 1971 tại Pleiku. Sống ở Pleiku (2010).
Tháng 3.1975 mới 3 tuổi cùng bố mẹ (bố là sĩ quan Biệt động quân chế độ cũ) và em gái từ Pleiku rút chạy theo lệnh “di tản chiến thuật” theo Tỉnh lộ 7 thuộc địa phận Phú Bổn. Đoàn người di tản bị đánh tan tác khiến lạc mất gia đình, chỉ có mẹ và em gái sống sót chạy về Nha Trang còn chồng và con trai đầu lòng xem như mất tích.
Bà mẹ sau đó có trở lại Phú Bổn truy tìm dấu vết nhưng vô vọng, đành lập bàn thờ cho chồng và con trai. Đến năm 1985 hai mẹ con vượt biên qua Na Uy.
Năm 2005 nhân đám cưới con gái, bà mẹ và 2 vợ chồng em gái trở về Nha Trang tìm lên địa điểm cũ làm lễ tưởng niệm chồng và con trai.
Không ngờ tình cờ đi chợ phiên của người dân tộc tại đây mới phát hiện ra con trai mình… vẫn còn sống nhờ nhận dạng qua vết sẹo trên cánh tay hồi con trai còn nhỏ ở Pleiku bị trúng đạn pháo kích! Thì ra con trai được bố bị thương nặng trong trận chiến chống trả mang đến nhà một gia đình người dân tộc gửi gắm trước khi chết (mộ người cha chôn gần đó).
Nhưng người con… từ chối nhận mẹ và em vì bây giờ đã trở thành một người dân tộc chính cống nói tiếng Việt còn bập bẹ – tên mới Ksor Tlang – hầu như không còn nhớ biết gì gốc gác xưa kia của mình. Đã có vợ người dân tộc sinh được 2 con.
Cuối cùng nhờ cha mẹ nuôi kể rõ đầu đuôi sự tình (ban đầu cha mẹ nuôi cố giấu kín chuyện này) mới chịu nhận mẹ và em song vẫn từ chối không chịu cho mẹ ruột đưa về Nha Trang sống một cuộc sống “văn minh” hơn bởi tình nghĩa đã lỡ gắn bó với cha mẹ nuôi nguời dân tộc.
Bà mẹ cũng đành chấp nhận thực tế dẫu đau lòng, xin gửi con ở lại với núi rừng linh thiêng đã cứu sống và đùm bọc giọt máu mất tích của mình. Kể cả mộ chồng cũng thôi không cải táng mà vẫn để lại chỗ cũ để sớm hôm linh hồn còn gần gũi con cháu hơn là vợ con giờ đã lưu lạc xa xôi tận phương trời nào.

129 - Lê Chăm Đào
BIẾN THÀNH NGƯỜI DÂN TỘC 2
Nông dân tên thật Nguyễn Kim Hùng tức Tèo sinh tại miền Trung. Sống ở Phan Rang (2009).
Lạc bố mẹ từ nhỏ khi cả gia đình bị cuốn vào cuộc chạy loạn điên cuồng tháng 3.1975 trên con đường “di tản” của binh lính chế độ cũ từ Phú Bổn xuống Tuy Hòa. May mà được một người đàn ông người dân tộc Chăm H’Roi cõng chạy trốn đạn rồi đem về nhà nuôi đặt tên người dân tộc luôn là Lê Chăm Đào.
Nhưng vẫn được cha mẹ nuôi kể lại gốc tích nên lớn lên theo học trường dân tộc nội trú đến năm 2008 nhờ sự giúp đỡ của thầy giáo trong trường làm hồ sơ tìm thân nhân gửi chương trình nhân đạo “Như chưa hề có cuộc chia ly” của VTV 1. Thế rồi được hồi âm có người nhận là cha tìm con thất lạc nhưng đến khi gặp mặt mới biết là… nhận lầm!
May sao định mệnh cuối cùng cũng mỉm cười vào năm 2009 giúp tìm được cha… thật để cùng đoàn tụ với gia đình.

130 - Lê Đình Duật
CẢ NHÀ HIẾN MÁU
Bộ đội về hưu sinh 1945 tại Thanh Hóa. Sống ở Hà Nội (2007).
Vào bộ đội năm 18 tuổi chỉ phục vụ chiến đấu ở miền Bắc từ Quảng Bình đến Hải Phòng, Hà Nội. Năm 1990 về hưu.
Nhưng vẫn giữ mãi trong lòng một mối ám ảnh từ thời chiến tranh năm 1964 tại Hà Tĩnh đã tận mắt chứng kiến cảnh nhiều đồng đội của mình chết vì không có đủ máu để tiếp cứu dù mình cũng đã tham gia hiến máu. Một năm sau lại nhận hung tin bố vợ bị trúng bom Mỹ qua đời cũng do bệnh viện không đủ máu cấp cứu kịp thời!
Từ đó nhìn ra giá trị của những giọt máu gắn liền với sinh mạng con người cũng như mình vốn dĩ “chỉ có thể sống trên thế giới này có một lần, không thể có lần thứ hai”.
Bởi thế khi cả nước bắt đầu mở cuộc vận động toàn dân hiến máu năm 1990 đã xung phong đi đầu. Nhưng oái oăm thay bản thân… không được nhận cho máu vì lý do tuổi cao mà lại mắc chứng huyết áp thấp!
Thế là quay qua vận động gia đình vợ và ba con đi hiến máu. Ban đầu còn bị bà vợ phản đối kịch liệt nhưng cuối cùng cũng thuyết phục được, đến năm 2007 bốn mẹ con đã hiến 84 đơn vị máu. Không chỉ thế, còn vận động cả bà con láng giềng cùng tham gia hiến máu nhân đạo…
(Còn tiếp)



0 nhận xét:

Đăng nhận xét