TRẦN TRỌNG THỨC - TỪ CHUYỆN "RỪNG VÀNG" BÀN VỀ "BIỂN BẠC"

Từ chuyện “Rừng vàng” bàn về “Biển bạc”

Núi rừng và biển cả gắn bó với chiều dài lịch sử nước ta. Nếu “rừng vàng” là chuyện nhạy cảm không nên bàn luận thêm vào lúc này thì “biển bạc” chắc chẳng có vấn đề gì. Để phát triển đất nước, nếu chỉ dựa vào núi rừng là chưa đủ mà phải mở rộng tầm nhìn về phía biển bởi đó là không gian sinh tồn của dân tộc trong tương lai lâu dài.
Ba tuần lễ trước đây, báo chí đồng loạt lên tiếng về tình trạng nhiều tỉnh cho doanh nghiệp nước ngoài cho thuê đất rừng trồng cây lấy gỗ, rồi mấy ngày sau đó lại đồng loạt ngưng tiếng. Chẳng qua đây là vấn đề nhạy cảm, như ông Đặng Hùng Võ – cố vấn cao cấp của dự án Ngân hàng Thế giới về hệ thống quản lý đất đai, đã nói rất chí lý rằng: “Hiểu một chiều chủ trương kinh tế hóa tài nguyên thiên nhiên là đưa chủ trương này vào thế của con dao hai lưỡi“. Và cũng có lẽ do chính phủ đang rà soát lại việc thực hiện chủ trương nói trên dưới nhiều góc độ khác nhau.
Núi rừng và biển cả vốn gắn bó với chiều dài lịch sử nước ta. Từ huyền thoại Lạc Long Quân – Âu Cơ một mẹ trăm con, phân nửa theo cha lên núi, phân nửa theo mẹ xuống biển; đến việc phá rừng lấn biển và gần đây nhất là chuyện biên cương lãnh thổ trên rừng vừa yên thì ngoài biển lại nảy sinh vấn đề.
Nếu “rừng vàng” là chuyện nhạy cảm không nên bàn luận thêm vào lúc này thì “biển bạc” chắc chẳng có vấn đề gì. Thế cho nên hôm 19/3 vừa qua, hơn 300 nhà quản lý, nhà nghiên cứu và chuyên gia đã họp nhau tại Quảng Ngãi, không phải để mổ xẻ về chủ quyền trên biển Đông mà bàn về kinh tế biển, một tiềm năng chúng ta chưa khai thác hết.
Nước ta được thiên nhiên ưu đãi với chiều dài 3.200 km bờ biển và một vùng lãnh hải giàu tiềm năng, đã xây dựng “chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020″ phấn đấu trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển và kinh tế biển đóng góp khoảng 55% GDP.
Nếu tính tỉ lệ chiều dài bờ biển trên diện tích lãnh thổ, thì Việt Nam ở trong Top 10 của thế giới (trừ những đảo quốc), với 100 km² thì có 1 km bờ biển, nhưng rõ ràng chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng của nó. Đơn giản nhất là đánh bắt thủy sản cũng chưa được là bao, đội tàu đánh cá 87.000 chiếc nhưng chỉ có khoảng 10.000 chiếc đánh bắt xa bờ. Thềm lục địa thì mới chỉ khai thác dầu mỏ và nguồn lợi này cũng chỉ chiếm 20% GDP, đóng góp 30% ngân sách quốc gia. Nhìn chung còn nhiều tài nguyên khác vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Các dự án công nghiệp cơ bản của một nước có lợi thế về biển là nhà máy đóng tàu, nhưng hiện chúng ta chỉ mới đóng được tàu dưới 60 ngàn tấn. Trong khi cảng nước sâu của nhiều nước trên thế giới có khả năng phục vụ tàu tới 200 ngàn tấn thì cảng của Việt Nam mới đủ sức phục vụ cho tàu dưới 50 ngàn tấn…
Cũng từ đây nhìn lại mới thấy việc quy hoạch hệ thống cảng biển của Việt Nam thật manh mún, nhỏ lẻ, dàn trải và chồng chéo nhau. Con số trên 100 cảng biển nằm dọc theo 3.200 km bờ biển của nước ta là quá nhiều nhưng lại chưa có cảng nào đủ sức tiếp nhận tàu loại trung bình của thế giới hoặc tàu container 2.000 teu cập bến. Rõ ràng, với tài sản cảng biển hiện có chúng ta đang rất lạc hậu so với thế giới, thậm chí so với các nước trong khu vực.
Trong khi chúng ta đang đổ tiền tỷ làm cảng thì hàng tỷ USD lợi nhuận từ vận tải biển lại đang để cho đội tàu nước ngoài lấy đi một cách dễ dàng. Hàng năm khoảng 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận chuyển qua đường biển, thế nhưng đội thương thuyền Việt Nam chật vật lắm cũng chỉ dành được khoảng 20%, còn lại 80% thị phần béo bở này do các đội tàu biển nước ngoài nắm giữ…
Bờ biển của chúng ta là điểm du lịch nhiều tiềm năng không chỉ của châu Á mà của thế giới, nơi đây thực sự là một mỏ vàng khổng lồ, nhưng việc qui hoạch lại còn tùy tiện.
Lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy biển cả là một không gian vô cùng quan trọng đối với những quốc gia muốn vươn ra khỏi giới hạn lãnh thổ của mình. Từ thế kỷ 14, thế giới đã chứng kiến những cuộc chinh phục biển với qui mô lớn, nhiều nước ở trời Tây xưa nay xây dựng văn minh trên đất liền đã lần lượt vượt qua đại dương với nhiều tham vọng.
Gần đây hơn, tham vọng bá quyền trên biển của Trung Quốc đang làm phát sinh những tranh chấp ở khu vực, mà trong sâu xa cũng vì tiềm năng của kinh tế biển. Việc cưỡng chiếm đảo Hoàng Sa của chúng ta hồi năm 1974, tự vạch ra ranh giới Lưỡi Bò bao gồm gần 80% Biển Đông, cản trở việc khai thác dầu khí trên biển và ngang ngược ra lệnh cấm ngư dân chúng ta đánh cá trên vùng biển lâu nay thuộc chủ quyền của Việt Nam là những biểu hiện cụ thể.
Nhìn từ nhiều góc độ, có vẻ như chúng ta chưa có tư duy về biển một cách bài bản nên tỏ ra không mấy thân thiện với biển. Tại sao vậy? Phải chăng vì rất nhiều cuộc xâm lăng của ngoại bang vào đất nước ta là từ biển, khiến chúng ta luôn luôn cảnh giác với biển, rồi từ đó lấy núi rừng làm chỗ dựa lưng.
Đây là điều nguy hiểm vì núi rừng thì hữu hạn, dựa lưng vào núi gặp lúc khốn cùng là không có đường lùi. Còn biển thì bao la, tư duy về biển là tư duy phóng khoáng, là tư duy khám phá, dám ra khơi đương đầu với sóng gió. Thế cho nên chỉ dựa vào núi rừng là chưa đủ mà phải mở rộng tầm nhìn về phía biển bởi đó là không gian sinh tồn của dân tộc trong tương lai lâu dài.
Sách Luận ngữ viết “Trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn” (tạm dịch: người có trí dũng thì ưa nước, người có nhân nghĩa thì thích núi). Chu Hy, triết gia Trung Hoa thời Nam Tống, chú giải rằng “Người trí đạt sự lý thông suốt mọi lẽ, không bị đình trệ, giống thể của nước nên thích nước. Người nhân ổn định nghĩa lý, trước sau không thay đổi, giống đức của núi nên ưa thích núi“.
Suy cho cùng thì đời sống của một đất nước cũng như đời sống con người, chỉ có nhân vẫn chưa đủ mà còn phải có trí nữa
(davang Blog).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét