CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN ( KỲ 25 )



CAO HUY KHANH
VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN

1975 - 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

Kỳ Hai Mươi Lăm

251 - Bảy Lốp
AI LÀ KẺ BỊ “HÀNH QUYẾT Ở SÀI GÒN”?
Liệt sĩ tên thật Nguyễn Văn Lém sinh tại Sài Gòn – Mất 1968 ở Sài Gòn.
“Cuộc hành quyết ở Sài Gòn” (Saigon Execution) là tên gọi bức ảnh mà nhà báo Mỹ Eddie Adams đã nhanh tay chụp được cảnh tướng cảnh sát chế độ cũ Nguyễn Ngọc Loan thẳng tay chĩa súng lục bắn vào thái dương một chiến sĩ biệt động mang áo quần thường dân bị bắt trói thúc ké trên đường phố Sài Gòn trong trận chiến Mậu Thân 1968. Bức ảnh sau đó truyền đi khắp thế giới nổi tiếng như một bằng chứng về tội ác chiến tranh (giết tù binh), được tặng giải thưởng báo chí Mỹ Pulitzer 1969.
Nhưng còn bản thân nạn nhân trong bức ảnh thì mãi nhiều năm sau chiến tranh vẫn bị rơi vào quên lãng, ngay cả người vợ cũng không biết một chút tin tức gì về chồng mình nay còn sống hay đã sống hay lưu lạc nơi đâu (bà là dân quê sống ở Đồng Nai nơi xa xôi không có cơ hội xem báo chí gì…).
Đến năm 1985 từ sự quan tâm của nhà báo Nga và Nhật Bản, cuộc truy tầm thông tin về nhân vật hy sinh này mới được tiến hành, từ đó tìm ra bà vợ Nguyễn Thị Lốp (nên chồng mới có tên gọi dân gian kiểu Nam bộ là Bảy Lốp). Khi đó lần đầu tiên bà mới được nhìn thấy tấm ảnh “kinh khủng” kia và nhận ra ấy là chồng mình, một đại úy đặc công từng tập kết ra Bắc được huấn luyện làm công tác tình báo rồi đưa vào hoạt động ngầm ở Sài Gòn.
Hai vợ chồng có 3 con (2 gái 1 trai) và có một chi tiết kỳ lạ là năm 1966 khi vợ mang thai đứa con gái thứ hai thì chính chồng đã dặn vợ hãy đặt tên là… Nguyễn Ngọc Loan… trùng tên với thủ phạm đã hạ sát mình 2 năm sau! Cô con gái này sau làm nghề bán hàng tạp hóa ở TPHCM, còn “thủ phạm” kia sau đó chạy qua Mỹ mở tiệm ăn sống qua ngày và qua đời năm 1998 vì bệnh ung thư, 69 tuổi.
Có một thời gian có ý kiến hoài nghi người trong ảnh không phải là Bảy Lốp mà là một chiến sĩ khác bí danh Bảy Nà (tên thật Lê Công Nà). Tuy nhiên đến năm 2010 giả thuyết trên chính thức bị bác bỏ qua việc Bảy Lốp được truy phong danh hiệu Anh hùng.

252 - Leyna Nguyễn
MC TRUYỀN HÌNH MỸ NỔI TIẾNG NHẤT
Việt kiều sinh 1969 tại Quảng Trị. Sống ở Mỹ (2010).
Mới 5 tuổi ra đi cùng gia đình năm 1975 qua Mỹ.
Lớn lên theo học ngành truyền thông, năm 1987 lúc 17 tuổi đoạt chức Hoa hậu người Mỹ gốc Á. Sau đó trở thành MC truyền hình gốc Việt từng 7 lần được đề cử tranh giải Emmy, giải thưởng truyền hình hàng năm danh giá nhất Mỹ trong đó lần đầu tiên năm 1995 qua phóng sự về quê mẹ: “Việt Nam: Hành trình trở về” (Vietnam: The Journey Back). Năm 2000 được bình chọn là một trong 25 người Mỹ gốc Việt có ảnh hưởng nhất nước Mỹ nhờ vai trò MC của mình. Đến năm 2008 đoạt 2 giải MC trong 2 sô truyền hình.
Từ năm 1991 đã nhiều lần tìm về thăm lại quê nhà Quảng Trị thủa ấu thơ bởi “Lúc nào tôi cũng là người VN. Về VN mới đúng là tôi đi về nhà (Go home)”. Thậm chí năm 2005 còn đưa cả người yêu là một đạo diễn Mỹ gốc Ý về Đông Hà làm lễ cưới theo phong tục VN nhằm “Tôi muốn ngườì chồng tương lai của mình hiểu và trân trọng nền văn hóa VN.”
Không chỉ vậy, năm 1997 còn thành lập tổ chức từ thiện “Tình yêu vượt đại dương” (Love Across The Ocean) để vận động, quyên góp giúp đỡ trẻ em bất hạnh, người nghèo và nạn nhân CĐDC ở VN.

253 - Nguyễn Hải
“PHỤC QUỐC QUÂN” BA CHÌM BẢY NỔI
Thường dân Việt kiều sinh 1951 tại Khánh Hòa. Sống ở Thái Lan (sau 2007).
Trước 75 bị bắt lính ở Nha Trang đưa vào địa phương quân được 4 tháng thì đào ngũ nhưng bị bắt lại đưa lên Sư đoàn 23 đóng quân ở Buôn Ma Thuột. Đến 1972 sợ đánh trận bèn tự bắn vào tay để đổ cho bị trúng đạn gây thương tật được cho giải ngũ nhưng bị ra toà án binh ở tù vì tội huỷ hoại thân thể.
Sau 75 được thả về đời sống thường dân thì đến năm 1978 vượt biên được tàu nước ngoài vớt đưa đến Nhật Bản vào trại tỵ nạn. Tại đây tìm cách dùng tên giả khai man lý lịch để xin sang Anh nhưng bị bại lộ.
Cùng đường, năm 1981 theo sự móc nối của phe nhóm hải ngoại được đưa qua Thái Lan gia nhập lực lượng Hoàng Cơ Minh từ Mỹ về đây xây dựng cơ sở lập “Mặt trận quốc gia giải phóng thống nhất Việt Nam” đưa quân về VN mưu đồ “phục quốc” (Hoàng Cơ Minh sinh 1935 tại Hà Nội, là Phó Đề đốc hải quân VNCH di tản qua Mỹ làm Chủ tịch Việt Nam Canh tân cách mạng đảng tiền thân của đảng Việt Tân hiện nay).
Tại đây nhanh chóng được phong làm cấp chỉ huy quân sự với tên mới Nguyễn Quang Phục. Sau 5 năm vận động tuyển quân, mua vũ khí, đầu năm 1984 theo lệnh Hoàng Cơ Minh đã cầm đầu một toán quân theo đường rừng từ Thái Lan qua Lào để thâm nhập VN mở cuộc “Đông tiến” đầu tiên. Nhưng vừa vượt qua biên giới Lào thì gặp quân Lào chận đánh nên đành rút lui, một thành viên đạp mình chết tại chỗ.
Qua đầu năm sau lại được lệnh “Đông tiến” lần thứ hai song mới tới gần biên giới Việt – Lào lại bị phục kích phải rút lui mang về một người bị thương.
Đến giữa năm 1987 theo cuộc “Đông tiến” thứ ba do đích thân Hoàng Cơ Minh chỉ huy tổng lực lượng 140 quân chia làm 3 mũi từ Thái Lan qua Lào nhắm đột kích vào Kon Tum nhưng nửa đường thì đương sự bị sốt rét nên được quay về hậu cứ Thái Lan. Nhờ vậy mà sống sót vì nguyên đoàn quân của Hoàng Cơ Minh bị bộ đội Việt - Lào phối hợp tiêu diệt khi gần tới ngã ba biên giới Việt – Lào – Campuchia. Riêng Hoàng Cơ Minh bị bắn trọng thương đã tự sát bằng súng lục, tuy nhiên đảng Việt Tân giấu biệt tin này, đến năm 2002 mới chính thức thừa nhận!
“Đông tiến” thất bại, lực lượng tan rã, bản thân cũng bỏ trốn xuống miền nam Thái Lan tìm đường sống. Ở đây đổi qua tên Thái Lan Komori và lấy vợ bản xứ sinh được 2 con.
Tưởng đã yên thân không ngờ đầu năm 1990 lại bị cảnh sát Thái bắt vì tội “giả dạng thường dân” Thái! Thế là đành phải cầu cứu các “chiến hữu” cũ còn ở Thái Lan tìm cách làm hộ chiếùu Singapore đưa ra khỏi nhà tù qua Singapore. Nhưng đến nơi lại bị cảnh sát Singapore phát hiện hộ chiếu giả nên bắt giữ rồi trục xuất về lại Thái.
Tuy nhiên phía Thái Lan đâu muốn nhận làm gì thêm rắc rối – nhất là đối với chính quyền VN lúc này đã lập quan hệ bang giao – nên tìm cách tống khứ qua… Nepal! Nhưng Nepal đâu phải là “hố rác quốc tế” nhận hàng phế thải nên “nhà lưu vong nhiều nước” này lại được một phen nếm mùi nhà tù Tây Á.
Cuối cùng một tổ chức nhân quyền của Mỹ biết được mới can thiệp cho hưởng quy chế tị nạn chính trị từ Nepal được An Độ tiếp nhận chuyển qua Malaysia xin được phép quay lại Thái Lan đoàn tụ với vợ con dân Thái.
Vậy nhưng có vẻ vẫn chưa chịu đầu hàng số phận, vừa không hòa nhập được với cuộc sống của một người dân bình thường trong xã hội Thái, kiếm sống khó khăn nên lại tìm cách bắt liên lạc với tổ chức cũ nay là đảng Việt Tân. Vốn là thành viên kỳ cựu nên năm 2007 được tiếp nhận lại với nhiệm vụ được giao là đưa người cùng về VN hoạt động tuyên truyền rải truyền đơn “đấu tranh bất bạo động” chống đối chế độ hiện hành.
Kết quả tháng 11.2007 bị bắt tại TPHCM, ra tòa lãnh án 9 tháng tù.

254 - Nguyễn Hiến Lê
NHÀ MINH TRIẾT ĐI Ở ẨN
Học giả sinh 1912 tại Hà Nội – Mất 1984 ở Long Xuyên (73 tuổi).
Học giả số 1 của miền Nam trước 1975 với trên 120 công trình, tác phẩm (hơn 60.000 trang) đã in trong 40 năm bao trùm nhiều lĩnh vực cả sáng tác lẫn nghiên cứu, dịch thuật (10 thể loại tiếng Hoa, Pháp, Anh) công phu, nghiêm túc về văn hóa Đông Tây kim cổ chưa kể hơn 300 bài báo, thời luận. Nội dung có sức chứa rộng và lớn mang tính bách khoa qua nhiều lĩnh vực lịch sử, triết lý, văn học, đạo đức, giáo dục, chính trị, khoa học, kinh tế…
Thuộc khuynh hướng chính trị “trung lập” nên tuy di cư vào Nam song từng từ chối nhận “Giải thưởng quốc gia” của chế độ Thiệu (cùng cụ Giản Chi đồng tác giả qua công trình “Đại cương lịch sử triết học Trung Quôc”). Cũng từ đó sau 1975 tự biết vị thế của mình nên lặng lẽ rút về miền quê Long Xuyên sống ẩn dật, im hơi lặng tiếng bặt tin cho đến khi qua đời âm thầm.
Tuy nhiên, dù không còn nghiên cứu, viết lách nữa nhưng thay vào đó đã chuyên tâm làm việc tự “tổng kết trước” cuộc đời, sự nghiệp của mình bằng cách viết hồi ký (“Đời viết văn của tôi” in 1996, “Hồi ký” 2 tập in 1989 và 1990). Đặc biệt đã tự chọn lọc lại những tác phẩm giá trị của mình (“Để tôi đọc lại” bắt tay làm từ năm 1978, in 2001) như một gia sản tinh thần gửi gắm lại cho các thế hệ đi sau vốn luôn là đối tượng giáo dục mà mình hằng hướng đến.
Với vốn kiến thức rộng và ý thức lịch sử sâu sắc nên thừa biết hiện tại không thể làm gì hơn để tiếp tục theo đuổi công việc phổ biến kiến thức trường kỳ của mình như cũ nhưng đồng thời cũng nhìn thấy trước rằng cùng với thời gian công việc đó sẽ và phải được phục hồi. Và tin rằng khi đó những tác phẩm mình để lại sẽ tiếp tục cuộc hành trình đóng góp của nó đối với giới trẻ mai hậu.
Và điều đó hoàn toàn đúng khi việc phục hồi diễn ra khá sớm theo tâm nguyện với hầu hết tác phẩm trên đều đã được in lại trong thời Đổi mới một cách trang trọng, tất cả đều mang thương hiệu quý giá Nguyễn Hiến Lê. Chỉ tiếc là tác giả đã vội ra đi.
Càng đáng tiếc hơn là trong 9 năm cuối đời đó, một nhà trước tác uyên bác, rất có tâm và có tầm có sức làm việc khủng khiếp như vậy (đọc và viết 13 tiếng đồng hồ đều đặn mỗi ngày, mỗi năm cho ra 800 trang bản thảo) đã không thể sáng tạo thêm gì nữa cộng với – chắc chắn - một nỗi cô đơn lãng quên và nỗi buồn thế sự khôn nguôi. Vì vậy mà trong 9 năm đất nước đã thống nhất vẫn chưa một lần trở lại cố hương Hà Nội tìm thăm cảnh cũ người xưa…
Nếu không, giá mà ông còn có thể sống và làm việc theo nguyện vọng của mình thêm mươi năm nữa…

255 - Nguyễn Hiền Sỹ
LẬP SIÊU THỊ CHO NGƯỜI NGHÈO

Nữ doanh nhân tên thật Lâm Thị Hía sinh 1945 tại Sài Gòn. Sống ở TPHCM (2010).
Xuất thân từ một gia đình kinh doanh chuyên nghiệp, sau 75 cả chồng con đều ra nước ngoài, chỉ riêng mình vẫn ở lại để chuyên tâm làm từ thiện noi gương người cha quá cố.
“Việc giúp đỡ người nghèo như đã thấm vào máu thịt của tôi” khiến từ năm 1985 “Cô Ba Hiền Sỹ” đã bắt đầu lao vào công tác này bắt đầu từ những chuyến đi thăm bệnh nhân phong hàng hục tỉnh rải đều cả nước từ Sài Gòn, Đồng Nai đến Quy Nhơn, Nghệ An, Tây Nguyên ra tận Lai Châu, Sơn La… Sau đó làm thêm việc giúp đỡ bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện, tham gia phong trào vận động hiến máu, xây cầu và cấp học bổng cho học sinh nghèo ở Tiền Giang, mở lớp xóa mù chữ cho thiếu nhi nghèo TPHCM…
Năm 2008 còn mở cuộc đột phá mới lập siêu thị Đại Chúng ở TPHCM, mô hình của chuỗi siêu thị dành cho người nghèo hy vọng sẽ phát triển cả 3 miền. Tại đó bán tất cả mặt hàng với giá rẻ, tuy là hàng tồn kho hay hàng thanh lý “đề mốt” song chưa qua sử dụng vẫn tiện dụng, cần thiết cho giới có thu nhập thấp. Tiền lời sẽ đưa vào quỹ tiết kiệm phục vụ người nghèo, dần dần giúp đối tượng này tham gia làm cổ đông nhỏ từ đó tiến tới tự quản lý. Mặt hàng bán không được thì qua hợp tác với các tổ chức từ thiện khác tìm cách tái chế (kèm hỗ trợ vốn) tạo công ăn việc làm cho giới thợ nghèo, công nhân cai nghiện ma túy, người khuyết tật, đồng bào dân tộc…
Làm nhiều mà vẫn thấy chưa bao giờ là đủ cả: “Quanh tôi còn quá nhiều cảnh đời bất hạnh, làm bao nhiêu đó với tôi vẫn còn quá ít. Tôi chỉ mong tuổi già chậm tới để tôi còn có thể đi nhiều, nhiều hơn nữa…”

256 - Nguyễn Hiếu
THỜ HÀI CỐT LÍNH MỸ
Nông dân sinh khoảng 1945 tại Quảng Trị – Mất khoảng năm 2000 tại Quảng Trị (65 tuổi).
Nhà nghèo nên sau 75 cùng các con làm nghề rà kiếm phế liệu chiến tranh trên vùng đất Hải Lăng chiến trường xưa.
Năm 1996 mấy bố con tình cờ tìm được 2 bộ hài cốt lính Mỹ có kèm cả thẻ bài, ảnh, thư từ. Bèn đem về nhà khâm liệm rồi chôn cất trong phần đất của gia đình. Hàng tháng vẫn thắp hương cúng bái như người thân của gia đình vì đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận”. Có người biết được xin mua lại với giá cao (chờ có dịp “bán” lại cho thân nhân lính Mỹ) nhưng kiên quyết từ chối dù gia cảnh rất khó khăn bởi một lẽ xem việc mua bán đó là “trái đạo lý.”
Khoảng năm 2000 mắc bệnh nặng thấy khó qua khỏi mới thông báo gởi gắm cho chính quyền địa phương biết để sẵn sàng “bàn giao” khi có thân nhân nhận. Một năm sau bà vợ cũng qua đời vì bệnh ung thư.
Mãi đến năm 2006 hai bộ hài cốt mới được chính quyền chuyển giao cho phía Mỹ thông qua bộ phận Việt – Mỹ hợp tác tìm kiếm lính Mỹ mất tích và tử trận trong chiến tranh. Tất cả di vật kèm theo cũng được các con trao lại đầy đủ.
Tiếc là ông không còn để tận mắt chứng kiến và nghe lời cám ơn của đại diện chính quyền Mỹ.

257 - Nguyễn Hộ
NGƯỜI “KHÁNG CHIẾN CŨ”
Cựu cán bộ cao cấp sinh 1916 tại Sài Gòn – Mất 2009 (93 tuổi).
Tham gia cách mạng hoạt động ở miền Nam, vào Đảng từ năm 1937, từng ở tù chung với cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Sau 75 từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Tổng Công đoàn VN, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TPHCM.
Sau khi về hưu, năm 1986 lập CLB “Những người kháng chiến cũ” quy tụ nhiều cán bộ về hưu thuộc thành phần trí thức xuất thân tư sản từng trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp lẫn chống Mỹ. Từ đó có xu hướng đấu tranh đòi thực thi tự do dân chủ với việc xuất bản tờ báo “Truyền thống kháng chiến”. Nhưng chỉ ra được 2 số lập tức bị chính quyền gán tội “chống chế độ” ra lệnh đình bản báo và đến năm 1989 giải tán luôn tổ chức “Kháng chiến cũ” này.
Bản thân bị bắt giữ 2 lần năm 1990 và 1994 rồi sau đó xem như bị quản thúc tại gia đến cuối đời. Đích thân Bí thư TPHCM lúc đó là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 1990 được cử đến thuyết phục cũng không được.
Vẫn giữ vững lập trường “phản biện” nên năm 1991 quyết định xin ra Đảng sau 53 năm theo Đảng và tiếp tục viết một số bài, viết hồi ký, viết sách “Quan điểm và cuộc sống” qua đó kêu gọi từ bỏ chủ nghĩa Marx - Lenine để đi theo con đường chủ nghĩa tư bản. Được tổ chức quốc tế Theo dõi nhân quyền (Humain Rights Watch) trao giải Tự do phát biểu.
Cuối cùng qua đời trong lặng lẽ.

258 - Nguyễn Hồng Công
MA ÁM “NGẬM NGÃI TÌM TRẦM”

Bộ đội phục viên sinh 1952 tại Thanh Hóa. Sống ở TPHCM (2010).
Bộ đội Trường Sơn thời chống Mỹ nên sau 75 chuyển qua bộ đội biên phòng một thơì gian rồi xuất ngũ.
Trở về đời thường với kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn trên chiến trường vùng rừng núi miền Trung mới gom góp vốn liếng theo bạn đi tìm trầm vào sâu đến tận khu vực rừng già miền Trung trong đó có Quảng Bình. Có chuyến mua được 9kg trầm loại “thượng hạng” khấp khởi mừng mang về thành phố định bán thì mới hay là bị… lừa!
Mất hết cả gia sản nhưng bù lại không biết từ đâu lại nảy ra mối ám ảnh lạ lùng quyết tâm… đi tìm vàng lặn lội cũng trong vùng rừng núi Quảng Bình, cho rằng vàng đó là cả một kho tàng mà vua Hàm Nghi đã cho nghĩa quân chôn giấu khi khởi nghĩa đánh Pháp có thời gian chạy ra ẩn náu ở đây!
Chung quanh cuộc hành trình dài đi tìm vàng này đã thêu dệt không biết bao giai thoại lẫn “huyền thoại” chẳng bao giờ biết thực hư thế nào. Dư luận đồn đại đủ thứ nào là ông có gia phả, bản đồ gì đó từ Pháp đưa về; nào là ông nằm mơ thấy mẹ hiện về báo mộng… Bản thân không xác nhận mà cũng không bác bỏ, chỉ nói ấy là “nhờ cơ duyên, khi nào tìm được kho báu sẽ kể”.
Có lẽ thời gian chiến trận gắn bó với dãy Trường Sơn rồi chuyển qua làm bộ đội biên phòng cùng kinh nghiệm đi rừng tìm trầm đã để lại một “dấu ấn” trong tâm linh về cái cơ duyên mơ hồ mà bí ẩn này.
Dù vậy năm 1893 cũng đã thuyết phục được chính quyền Quảng Bình tổ chức huy động lực lượng giúp mình đào xới truy tầm kho tàng trong một số địa điểm nhưng hoàn toàn không tìm thấy gì hết. Thế nên sau 2 tuần đành rút quân để lại “tác giả dự án” tự tiến hành một mình.
Từ đó bắt đầu cuộc đào xới đất đá vô tận đơn thương độc mã nơi rừng sâu, hết đào đường hầm này đến đường hầm khác. Sống trong cảnh đào hầm vất vả, thiếu ánh sáng, ăn uống không đầy đủ nên người trở thành thân tàn ma dại gần giống như xác khô biết đi, thân hình xanh xao gầy guộc với 10 ngón tay chai cứng vì đào đá xới đất mở đường hầm vào núi.
Kết quả vẫn là con số không dù kéo dài cuộc chiến đấu hàng năm trời và với căn bệnh lao âm ỉ tới mức có lần kiệt sức ngã gục trong hầm tối đen như mực suýt chôn mình trong đó luôn. Tiền bạc nhờ con cái thương cảm chu cấp đổ vào như nước trôi sông.
Mãi đến đầu năm 2010 mới chính thức thông báo chấp nhận… bỏ cuộc!

259 - Nguyễn Huỳnh
KHÔNG “GIÃ TỪ DĨ VÃNG” NỔI

Diễn viên điện ảnh, truyền hình tên thật Nguyễn Ngọc Huỳnh sinh 1967 tại Bến Tre – Mất 2009 ở TPHCM (42 tuổi).
Sau 75 mẹ và 6 anh chị em đều vượt biên ra nước ngoài, chỉ còn mình ở lại.
Vẫn phấn đấu sống tự lập theo học và tốt nghiệp trường nghệ thuật ở TPHCM nhanh chóng đứng vào hàng ngũ các ngôi sao phim ảnh thế hệ mới giải phóng đầu tiên của miền Nam từ thập niên 90 cùng Lý Hùng, Lê Tuấn Anh… Trở thành một tên tuổi được ái mộ qua nhiều bộ phim điện ảnh, truyền hình trong đó nổi bật nhất là phim “Giã từ dĩ vãng” ra mắt năm 1997 có nội dung nói về lớp người thuộc chế độ cũ “tàn dư” vươn lên làm lại cuộc đời.
Nhưng năm 2000 giữa khi danh vọng đang lên thì vì buồn chuyện tình yêu nên sa vào nghiện ngập ma túy phải đi cai nghiện ở Bình Phước 5 năm. Trong thời gian này đã có nỗ lực vượt qua bằng cách sử dụng nghề nghiệp chuyên môn của mình để viết kịch, đạo diễn, tham gia diễn xuất cho đội văn nghệ của trung tâm cai nghiện – tất cả đều xoay chung quanh mảng đề tài chống ma túy.
Sau khi được cho trở về, tiếp tục tham gia đóng phim, soạn kịch. Nhưng rồi lại tái nghiện khiến phải vào trung tâm lần thứ hai năm 2006, rồi một lần nữa vào năm 2007. Trong các lần đó đều tham gia các hoạt động văn nghệ nêu trên, được cử làm luôn đội trưởng đội văn nghệ tại chỗ.
Bao nhiêu lần cố gượng dậy nhưng hầu như đều thất bại trong cảnh đời riêng cô đơn quá buồn “vợ con bây giờ không có”, anh em và mẹ già ở xa, mẹ có có về thăm muốn ở luôn chăm sóc con nhưng chưa được cũng chỉ đành ôm con khóc rồi ra đi, gia sản tiền bạc tiêu tan hết vì khói heroine: “Nhìn lại cuộc đời mình không ra gì… Khóc sao không có nước mắt, nó chảy ngược vào trong hay là không còn nuớc mắt nữa?”
Cuối cùng bị đột quỵ tai biến mạch máu não đưa vào bệnh viện thì đã muộn.

260 - Nguyễn Hữu Luyện
TÙ BINH LÂU NHẤT
Việt kiều sống ở Mỹ (2004).
Sĩ quan quân đội VNCH thuộc đơn vị “thứ dữ” Biệt kích Dù bị bắt trước 30.4.75 nên phải trải qua hơn 20 năm sống đời tù binh qua nhiều trại giam từ Bắc vào Nam.
Từ đó được xem như một “thủ lĩnh” tù thâm niên mà cả cán bộ quản giáo cũng phải “nể” vì không ham ăn uống (như thể không biết… đói!), không nhận quà của “đệ tử” bạn tù, đối xử đứng đắn có chừng mực… Ở tù sĩ quan quá lâu năm tới mức sau này được… miễn luôn chế độ lao động thường nhật!
Trong thời gian ở trại, sống một cuộc sống khác người: Không gửi thư hay tin tức gì về cho vợ con sợ làm phiền gia đình để họ “cứ xem như mình đã chết”, thậm chí có bạn tù về trước cũng dặn đến thăm cho biết tình hình rồi báo vào cho biết nhưng tuyệt đối “giữ im lặng” về tung tích mình. Mà cũng không mơ ngày được thả ra vì “Được về, được về mà về đâu?”
Tự học tiếng Anh bằng cách học thuộc lòng cả cuốn từ điển “để cho nó quên ngày tháng đi”, thường xuyên ngồi diện bích (quay mặt nhìn vào tường) như phong cách một bậc kiếm sĩ thượng thừa truyện chưởng Kim Dung (Độc Cô Cầu Bại). Và đặc biệt có “bệnh” ghiền… tắm rửa sạch sẽ dù ở trong tù vẫn mỗi ngày tắm mấy lần với niềm đam mê… xà bông cực kỳ như thể mỗi lần tắm là một lần tẩy sạch bụi trần đã lỡ vướng phải thời chinh chiến bắn giết.
Cuối cùng khoảng đến năm 1998 rồi cũng được ra tù trở về đoàn tụ gia đình trong khi vợ con đã lập bàn thờ vì nghĩ đã bỏ xác nơi đâu rồi! Sau đó đưa cả gia đình đi H.O qua Mỹ.
(Còn tiếp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét