CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN ( KỲ 29 )

CAO HUY KHANH
VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN

1975 - 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Hai Mươi Chín

291 - Anh Doan
ĐÒI CON TRÊN ĐẤT MỸ
Nữ Việt kiều thường dân sinh 1937 tại VN. Sống ở Mỹ (2007).
Tháng 4.1975 cùng chồng sống ở Quy Nhơn một nách 6 con theo dòng người chạy nạn chiến tranh về Sài Gòn tìm đường lánh nạn trải qua một hành trình gian khổ kéo dài 33 ngày cả đi đường bộ lẫn thuê thuyền đánh cá.
Về gần tới Sài Gòn thì chồng trúng đạn chết, còn lại một mình gạt nước mắt đem con vào gửi ở trung tâm trẻ mồ côi do Mỹ bảo trợ hy vọng con được đưa qua Mỹ qua chiến dịch Babylift (bốc trẻ em mồ côi VN bay qua Mỹ). Trước khi chia tay con đã dặn dò đứa con trai đầu giữ gìn tấm ảnh gia đình và qua Mỹ cố gắng giữ các em sống chung tránh để anh em lạc mất nhau. Và hứa mẹ sẽ sớm qua theo tìm gặp các con (đã hỏi thăm trước nơi các con sẽ được cho định cư).
Các con bay qua Mỹ rồi, phần mình mới tìm cách lên tàu di tản qua Singapore rồi Philippines cuối cùng mới đến Mỹ cuối năm 75. Tại Mỹ lập tức đi tìm con bấy giờ đã bị chia làm ba sống ở 3 nơi: 4 anh em được một gia đình cựu chiến binh nhận nuôi, một đứa làm con nuôi một gia đình khác cũng ở Mỹ, riêng đứa con trai út do còn nhỏ lại đang bị bệnh nên sau đó theo một gia đình cha mẹ nuôi người Pháp về Pháp.
Thế là bà mẹ ruột bắt đầu “cuộc chiến” đòi con ruột, với gia đình nuôi 4 đứa thì sẵn sàng trả lại nhưng còn gia đình nuôi một đứa nhất định không chịu. Bèn dứt khoát kiện ra tòa đòi con và kết quả cuối năm 76 toà chấp thuận cho lấy lại con cả nhà đoàn tụ chỉ thiếu đứa con út về Pháp thì hoàn toàn mất liên lạc bặt vô âm tín.
Đành chấp nhận một tay nuôi 5 con ăn học thành tài. Sau này còn nhận 2 con nuôi người Mỹ như một cách trả ơn nước Mỹ. Chỉ lòng không ngớt đau đáu nhớ thương đứa con lạc loài còn lại ở đâu chẳng biết còn sống hay không: “Không biết nó có vợ chưa. Nếu nó có con thì cháu tôi đâu rồi?”

292 - Ba Hường
TRẢ ƠN CHỢ
Nữ doanh nhân không rõ tên thật sinh khoảng 1947 tại TPHCM. Sống ở TPHCM (2010).
Sinh ra trong gia đình nghèo đông con nên mới 16 tuổi bị dụ dỗ trao thân cho một người đàn ông góa vợ về làm mẹ kế mấy đứa con đời trước.
Từ đó sống đời làm vợ làm mẹ cực khổ trăm đường vừa làm nghề gia truyền bán thịt bò ở chợ vừa nuôi chồng con, chồng thì trốn lính mà con lại đến 8 đứa. Chồng bị bắt lính phải chạy tiền mới được làm lính hải quân ở trên bờ. Vào lính, chồng lại sinh ra ăn chơi trác táng tới mức mắc bệnh da liễu, tối ngày say sưa về nhà đánh đập vợ con đòi tiền. Chịu không nổi cuối cùng đành đâm đơn ly dị sau 16 năm chung sống rồi một mình ôm 8 dứa con về ở tạm nhà mẹ.
Nhưng cũng phải cố gắng nuốt ngược nước mắêt vào lòng để đứng dậy bươn chãi với cuộc sống mà nuôi con bằng nghề lâu nay là mua nợ thịt bò ra chợ ngồi bán. Nhờ tay nghề cao nên dần phát triển lên tìm cách mua bò mổ thịt trở thành mối bán sỉ thịt bò cho tiểu thương các chợ.
Đến sau 75 gặp cảnh độc quyền buôn bán “đánh” tư sản cấm làm giàu “bóc lột” đi kèm lệnh ngăn sông cấm chợ đẩy tới chỗ phải bán thịt “chui”, bán thịt lậu khiến vô số lần bị bắt, tịch thu hàng, mất vốn điêu đứng. Bao nhiều tiền bạc dành dụm được đều sớm đội nón ra đi.
May sao đến thời Đổi mới cho xả cảng buôn bán tư nhân mới mở đường làm lại nghề từ bán đến buôn thịt bò hợp tác với quốc doanh là nhờ lái bò mua bò tận Campuchia về rồi mua đất hoang ở Thủ Đức lập trại bò đem về nuôi vỗ béo một thời gian, sau đó nhờ nhà máy Vissan thịt để mình đem phân phối cho các chợ bán lẻ. Trong thời gian này kết bạn bè với một nông dân đã có vợ con nhờ trông coi giùm trại bò và biết người này có tình ý với mình song do đã quá chán ngán việc chồng con nên không đáp lại.
Đang làm ăn phát đạt thì đùng một cái bị… lừa giựt nợ, đã trao tiền – hàng trăm triệu - mua bò Campuchia rồi nhưng sau đó thương lái… hô biến! Thế là một lần nữa phá sản do trại bò thời đó muốn bán cũng không ai mua.
Không còn cách nào khác để trốn nợ là… đi Uc định cư theo một người em gái, còn trại bò giao lại cho ngươì bạn kể trên giữ. Tuy nhiên trước khi đi chấp nhận đáp lại mối tình của người bạn này như một cách trả nghĩa bởi nghĩ rằng chia tay chắc là vĩnh viễn.
Qua Úc rồi vì muốn bảo lãnh cho đám con qua theo nên nghe lời em chấp thuận lấy chồng Uc không làm đám cưới. Nhưng cuộc hôn nhân sớm đổ vỡ vì tâm hồn cứ để đâu đâu, nhất là khi thủ tục bảo lãnh cho con không thành một phần do hôn nhân không giấy tờ hợp pháp và phần khác con ở VN quá đông lại có đứa quá tuổi nhập cảnh rồi.
Thế là nhất quyết chia tay đất Úc để trở về với con. Gặp lại người “bạn tình một buổi” kia vẫn ngày đêm trông ngóng mình, cảm động nên lần này quyết định lấy chồng không-đám-cưới lần thứ ba. Nhưng lần này là làm… vợ bé mỗi tháng có nghĩa vụ phải chu cấp tiền cho vợ lớn, khi bệnh họan phải lo thăm nuôi.
Để kiếm sống lại tiếp tục nghề thịt bò đã hàng chục năm lăn lộn tuy trại bò còn đó vẫn bỏ hoang. Mới làm ăn tương đối hơi khấm khá thì lại bị bà vợ lớn luôn tìm hết cách hành hạ từ mắng nhiếc đến đánh ghen công khai trong khi ông chồng 2 vợ kia nhát gan chỉ tìm cách tránh né. Chán đời quá tới mức xin vào chùa cạo đầu đi tu song sư cô không cho bảo là còn nặng nợ trần gian lắm phải về lo nuôi con chứ bỏ cho ai bây giờ. Đành lau nước mắt ra về với một nhúm tóc cắt tượng trưng làm kỷ vật cuộc đời.
Đến đây thì Ông Trời hình như mới chịu mỉm cười một chút khi khu trại bò được Nhà nước quy hoạch vào khu chế xuất nên được đền bù cho một khoản tiền khá lớn lúc đó. Bèn ngẫu nhiên đi mua đất định xây nhà trọ làm tài sản cho con đông đúc sau này lớn lên có nơi ăn chốn ở, ai ngờ gặp thời mua bán nhà đất giá lên ào ào thế là được nước đâm theo con đường kinh doanh bất động sản luôn! Và phất lên nhanh chóng nhờ đã quen nghề mua bán tính toán ở chợ và lại sành sỏi vùng đất này đã tá túc bao nhiêu năm nay.
Cũng từ kinh nghiệm ngồi bán thịt ở chợ lâu năm và nhớ lại thời gian nan đó nên khi có tiền khá rồi bèn nảy ra ý định mua hoặc thuê đất lập chợ ở những điểm mà minh dự đoán cần có chợ cho chị em buôn bán lẻ có đường sống. Nghĩ là làm, lập chợ này được một thời gian “đụng” cơ chế chính sách bị giải tỏa thì nhảy qua dựng chợ khác cho đến khi nào được Nhà nước chấp nhận mới thôi. Còn dự định tiếp tục lên Bình Dương mở chợ hình thức như vậy để giúp đỡ chị em tiểu thương nghèo đồng cảnh ngộ như mình trước kia.
Làm chủ chợ nhưng đối xử với tiểu thương trong chợ bằng tình người chân thành luôn giúp đỡ ai khó khăn cho miễn giảm tiền thuê, cho mượn vốn ban đầu, thậm chí còn cả nuôi ăn thời gian kiếm được lời, dạy cách buôn bán cho người mới vào nghề, cưu mang cả người khuyết tật, Tết bán hàng ế thì mua bao hết để đem cho lại các trại cô nhi, viện dưỡng lão, bệnh viện tâm thần… Tự nhiên trở thành một mạnh thường quân, một nhà từ thiện âm thầm xuất thân từ chợ: “Mình giúp người ta mà kể lể thì còn ý nghĩa gì nữa…”
Vật chất đã đủ, con cái đều nên người đỗ đạt ra đời nhưng còn mảnh đời riêng thì vẫn chưa trọn vẹn khi tuy bà vợ lớn đã qua đời song ông chồng gốc nông dân thứ ba bây giờ vợ đã khá giả có tiền nhiều nên biến thành “tỉ phú chân đất” ăn chơi bia bọt bò nhí tùm lum bỏ nhà đi du hí hàng tuần đố ai biết nơi đâu!

293 - Ba Phúc
“TỶ PHÚ MÙ”
Nông dân không rõ tên thật sinh 1971 tại Cà Mau. Sống ở Cà Mau (2010).
Tham gia kháng chiến chống Mỹ ở Cà Mau từ thời còn nhỏ, 17 tuổi đã làm trung đội trưởng chuyên đánh tàu Mỹ ở huyện Năm Căn. Một mẫu anh hùng lý tưởng trẻ tuổi, đẹp trai, đánh giặc cừ nào ngờ năm 1969 trong khi chuẩn bị vào trận, tập đánh bom không may bom nổ nát cả người và làm mù luôn 2 mắt.
Đành chuyển về làm ở bộ phận quân y giã từ giấc mơ chiến trận để an phận lấy vợ sống đời bình thường.
Năm 1977 xuất ngũ, 2 vợ chồng với đứa con đầu lòng chưa đầy 2 tuổi dắt díu nhau dựng chòi bắt tay vào khẩn hoang 1 hecta đất được cấp để tìm kế sinh nhai qua ngày. Vợ phải ở nhà trông nom con nhỏ nên một mình mù loà cùng lúc phải vừa làm rẫy vừa chèo xuồng đi đóng đáy, câu tôm về cho vợ làm tôm khô đem ra chợ bán. Khi con lớn hơn một chút, vợ mới rảnh tay cùng cuốc đất, đốn cây với chồng. Làm đất xong mới trồng rau trái củ quả…
Và không hiểu sao nhà này trồng cái gì, làm cái gì là “ăn” cái đó từ trồng bí đến trồng khoai lang trúng mùa liên tiếp, nuôi tôm sú thành công… Người ta nói nhờ trời ngó lại trời thương trời đãi nhưng cũng có thể là từ cái khó nẩy cái khôn ở một con người mù loà biết vận dụng sự nghe ngóng thông tin mà tự tính nhẫm trong bụng, tính toán đường đi nước bước làm ăn.
Không bao lâu khá giả lên thấy rõ, mua thêm đất thành 17 hecta thuê mướn nhân công cùng làm. Từ đó được tặng cho biệt danh ”Tỷ phú mù”, “Vua tôm sú Năm Căn”.
Giàu lên song không hưởng một mình mà còn sẵn sàng chia sẻ với ngườì khác còn gặp khó khăn. Từ đó đã cho bà con trong xóm mượn trên 50 cây vàng (thời đầu những năm 2000) không tính lời và… khi nào có thì trả! Song song đó còn nhận con đồng đội nhà nghèo, trẻ mồ côi về nhà nuôi dạy nghề còn dựng vợ gả chồng cho nữa...
Tất cả chỉ từ lối suy nghĩ đơn giản “rặt Nam bộ” là nay mù lòa không cống hiến được gì nữa như ngày xưa chiến đấu thì may bây giờ ăn nên làm ra giúp đỡ bà con cũng là bổn phận thôi! Tuy nhiên “không nên kể công, kỳ lắm, chẳng khác gì mình giúp người ta là để kể ơn.”

294 - Bảy Lòng
ĐẶT TÊN CON BÌNH ĐẲNG AN ỦI MÌNH KHÔNG ĐƯỢC BÌNH ĐẲNG
Lao động nghèo không rõ tên thật sinh tại Cà Mau - Đã mất ở Cà Mau.
Tham gia kháng chiến chống Mỹ bị thương nặng vào chỗ kín nên không lấy chồng được.
Sau 75 ra quân trở về làm nông dân nghèo. Xin một đứa con nuôi đặt tên là Bình Đẳng như muốn thể hiện ước mơ một thời chiến đấu trước kia. Hàng ngày làm bánh bò bỏ vào thúng đội lên đầu đi bộ 5km ra chợ thị xã bán lấy tiền đắp đổi qua ngày nuôi con, may mà con học cũng khá.
Khi con học lên đại học phải qua Cần Thờ trọ học, trong nhà không có tiền để lo cho con nên phải bán hết đất và nhà - kể cả bộ cột nhà gỗ tốt đáng xem là tài sản quý báu nhất trong nhà – song cũng chưa đủ liền đi… cầm luôn thẻ thương binh!
Đến khi Nhà nước biết giúp đỡ xây cho Nhà Tình nghĩa thì hưởng lộc chẳng được bao lâu vì bệnh ung thư qua đời. Ngay cả căn bệnh này khi phát hiện cũng chỉ giữ trong lòng minh biết không nói cho ai hay: Bình đẳng cho mọi người trước… cái chết!

295 - Bé Hai
LÀM VỢ BÉ KIẾM CON CŨNG KHÔNG THÀNH
Nông dân không rõ tên thật sinh khoảng 1950 tại Cà Mau. Sống ở Cà Mau (2002).
Trong chiến tranh từng làm trung đội phó đội nữ pháo binh Cái Nước nổi tiếng ở Cà Mau. Chiến đấu dũng cảm nhưng cái vận tình duyên thì ngược lại toàn thất vọng đau thương qua cả 3 cuộc tình trong và sau chiến tranh.
Năm 18 tuổi người yêu đầu là một đồng đội bị trực thăng Mỹ bắn chết, đến năm 23 tuổi người yêu thứ hai hy sinh trong một trận đánh đồn địch. Từ đó tấm lòng như nguội lạnh hẳn cộng với biết bao thương tích trên cơ thể.
Sau 75 làm cán bộ hành chánh song do thương tích chiến tranh để lại làm suy kiệt sức khoẻ nên năm 1988 xin về hưu non. Bắt đầu một mình dựng chòi bên bờ kinh để nuôi tôm độ nhật.
Thế rồi tại đây gặp người đàn ông thứ ba trong đời mình trong một hoàn cảnh éo le kỳ quặc: Người đàn ông này cũng là một thương binh từ nơi khác đến đây mua đất cũng để nuôi tôm vốn đã có vợ và 6 con song toàn là con gái khiến “thèm” một đứa con trai nên chính bà vợ đã đứng ra nài nỉ người bạn hàng xóm chấp nhận làm… vợ bé chồng mình mong kiếm cho chồng đứa con trai mơ ước!
Sau nhiều đêm mất ngủ dằn vặt, cuối cùng nhận lời chỉ vì cũng có mơ ước có được một đứa con an ủi cuối đời. Tuy nhiên sống chung với nhau 5 năm (được vợ lớn cho phép sống riêng) mà vẫn không có thai, khi đó đi khám mới hay mình bị vết thương vào chỗ kín thời chiến tranh nên mắc bệnh phụ sản vô sinh.
Đã vậy, một năm sau thì bất ngờ bà vợ lớn lại… sinh con trai! Thế là hết, ông chồng bạc tình không còn mục đích gì để kéo dài đời 2 vợ nên bỏ về theo lại vợ lớn, tình nghĩa vợ chồng tạm bợ xem như cắt đứt để lại người nữ thương binh cô đơn lạc loài trong căn nhà lá xiêu vẹo bên bờ kinh.
Chưa hết, cuối năm 1997 cơn bão dữ Linda ập đến cuốn phăng căn chòi cùng tất cả đồ đạc gia sản nghèo nàn đẩy người phụ nữ bơ vơ bất hạnh trôi giạt ra đường. May thay sau đó được một nữ đồng đội cũ cũng không chồng không con cưu mang đưa về sống chung 2 chị em lủi thủi cùng nhau.
Bây giờ trong buổi xế chiều cuộc đời, chỉ còn tìm quên trong công tác phụ nữ vận động giúp chị em nông dân xoá đói giảm nghèo lấy đó làm niềm vui nhỏ bé còn có được khi “Vết thương của thể xác còn có thể được bù đắp chứ vết thương lòng thì mấy ai bù đắp được cho mình!”

296 - Đào Văn Thức
TÌM ĐƯỢC 5 ĐỨA CON THẤT LẠC
Lao động phổ thông sinh khoảng 1930 – Mất 1990 (khoảng 60 tuổi).
Tháng 3.1975 cùng gia đình sống ở Pleiku thì xảy ra cuộc “di tản chiến thuật” của Quân đoàn 3 chế độ cũ nên cùng vợ và 7 con (1 con trai đầu và 6 con gái) theo dòng người chạy nạn đi theo đường 7 từ Pleiku qua Phú Bổn xuống Tuy Hòa. Dọc đường gặp pháo kích làm gia đình tán loạn mỗi người một ngả. Cuối cùng 2 vợ chồng và người con trai đầu quay lại Pleiku gặp nhau thì mới hay 6 đứa con gái đã bị lạc mất.
Tiếng súng tạm ngưng (lúc đó quân Cách mạng đã chiếm giữ toàn bộ khu vực cao nguyên), cùng con trai đầu mới đi lui men theo đường 7 ven bờ sông Ba vào cả các buôn làng người dân tộc truy tìm tung tích 6 con gái. May sao tìm được 3 con, một đang nằm kiệt sức trong đình làng người dân tộc và 2 lang thang xin ăn. Còn 3 đứa con gái kia không biết lưu lạc nơi đâu đành bó tay chịu chết.
Hòa bình lập lại, cả gia đình đi kinh tế mới một thời gian rồi chuyển về Đông Nai sinh sống, chồng đi làm thuê vạ vật, vợ nấu bún riêu ra chợ bán. Thỉnh thoảng khi có dịp lại bôn ba đi khắp các tỉnh thành quanh vùng cao nguyên gắn liền với đường 7 để dò thăm tin tức 3 con còn mất tích nhưng đều vô vọng.
Nhưng trong khi bản thân mình không tìm được thì may mắn lại được ngươì khác… tìm giùm! Đó là một người hàng xóm cũng lâm vào tình cảnh đi tìm con thất lạc tương tự lại tình cờ phát hiện ra đứa con gái 6 tuổi của nhà hàng xóm kia đi lạc được nhận làm con nuôi ở Bình Định. Thế là châu về hợp phố cho đứa con thứ tư tìm được.
Đến trường hợp đứa con gái thứ năm thất lạc lúc 14 tuổi cũng được nhận làm con nuôi ở Nha Trang, nhờ lúc đi lạc đã có hiểu biết nên đến năm 21 tuổi trưởng thành liền tìm đường về nhà cũ ở Pleiku hỏi thăm. Từ đó được chỉ dẫn về Đồng Nai đoàn tụ với gia đình sau 7 năm lưu lạc.
Riêng đứa con giá thứ sáu đi lạc lúc 9 tuổi trông ngóng mãi vẫn không chút tăm hơi tưởng không bao giờ gặp lại nữa, cha thương nhớ đau buồn qua đời.
Cô con gái này lúc đó làm con nuôi ở Quảng Ngãi, lớn lên cũng có tìm về Pleiku mong gặp lại cha mẹ anh chị em song không may thời gian trôi qua đã khá lâu nên cảnh cũ nguơì xưa đã đổi thay khác nhiều rồi chẳng dò la được tin tức gì. Đành trở về Quảng Ngãi lập gia đình mà lòng vẫn không nguôi nỗi đau máu thịt chia lìa.
Mãi đến năm 2009 nhờ có chương trình tìm người thân “Như chưa hề có cuộc chia ly” của Đài Truyền hình VN, cô con gái thứ sáu lưu lạc mới tìm lại được mái ấm ngày xưa, cả gia dình bấy giờ mới thực sự đoàn tụ sau 34 năm gần như tan vỡ vì chiến tranh. Phải nói như thế cũng là may mắn lắm, chỉ phải trả giá một tổn thất là người cha đã ra đi không ngậm cười nơi chín suối mang theo tâm nguyện tìm con chưa trọn.

297 - Lâm Việt Bắc
NHÀ KHOA HỌC NGHIỆP DƯ “TÂM THẦN”
Cán bộ nghỉ hưu non sinh 1954 tại Cà Mau. Không biết lưu lạc nơi đâu (2000).
Trong kháng chiến chống Mỹ chuyên đánh tàu Mỹ trên sông Cà Mau, có lần bị trọng thương kèm kiệt sức tưởng chết, đồng đội chuẩn bị làm lễ truy điệu thì đột nhiên tỉnh lại!
Sau 75 xuất ngũ thương binh 2/4 mất một tròng mắt và mang nhiều thương tích (có vết thương chạm cột sống) chuyển qua làm trưởng phòng cấp sở. Gia đình ổn định vợ đẹp con ngoan nhưng lại thường xuyên bỏ nhà đi lang thang về khu căn cứ cũ trong rừng ngập mặn Năm Căn thăm mộ đồng đội và các bà mẹ nuôi quân thời chiến tranh gian khổ.
Bên cạnh đó tự nhiên lại mê say theo đuổi việc nghiên cứu khoa học nhắm tìm kiếm, khai thác các tiềm năng tài nguyên vùng đất mũi với giấc mơ làm giàu cho quê hương dù trình độ kiến thức học vẫn chưa hết lớp 11 ban đêm. Bù lại, lao đầu vào tự học hỏi thêm về các ngành khoa học liên quan để đầu tư chất xám cho công trình nghiên cứu tự phát của mình, từ đó cũng có được một nền tảng tri thức khá làm nhiều chuyên gia đầu ngành cũng phải lấy làm ngạc nhiên, thán phục.
Năm 1980 nảy sinh kế hoạch phát triển cây mấm và trái mấm – loại cây đặc sản trồng ven triền sông, ven biển vùng này - làm thức ăn gia súc thay vì chỉ chặt lấy củi như lâu nay, bán gần hết tài sản gia đình kể cả vòng vàng đám cưới của vợ để nghiên cứu và tìm tài liệu làm việc này. Tuy nhiên khi trình lên tỉnh thì nhanh chóng bị bác bỏ do thiếu bằng cấp làm cơ sở trình bày đề án. Thậm chí còn bị chế giễu là mắc hội chứng “tâm thần Hậu – chiến” dành cho những người bị ám ảnh chiến tranh – kèm chấn thương thể xác, não bộ – dễ rơi vào hoang tưởng về khả năng mình có thể chiến thắng vượt qua tất cả!
Không nản chí, về ngay Năm Căn dựng dãy nhà bên bờ sông làm nơi sản xuất thử nghiệm bột lá mấm. Mãi đến năm 1986 được Viện Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam công nhận giá trị mới mở đường cho thành lập một xí nghiệp sản xuất lá bột mấm do mình làm giám đốc. Nhưng rồi cũng vướng cơ chế và tư tưởng bảo thủ không ai chịu giúp tay nên rốt cuộc… tự giải thể sớm!
Vẫn không chịu lùi bước, lại quay qua đi nghiên cứu khoáng sản ở Kiên Giang rồi nhờ người quen mách nước ra tận Hà Nội gặp cả cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – lúc đó còn làm Chủ nhiệm UB Kế hoạch Nhà nước - trình bày, được ủng hộ và được chuyên gia xem xét công nhận có thể khai thác chất titan và radium (tỷ lệ chứa hơn 4/1000 vàng). Nhưng một lần nữa đụng phải cơ chế quan liêu bao cấp nên kết quả bị “ém” luôn không đi tới đâu.
Đến năm 1990 vào thời Đổi mới liền bỏ Cà Mau bán nhà đưa vợ con lên TPHCM tính một phen nữa thực hiện dự án chiết xuất protein từ lá mấm nhưng rốt cuộc… phá sản, mắc nợ vào tù! Ra tù không biết hiện nay trôi giạt về đâu, có người nói đã ra dựng chòi sống ở hòn Phú Quốc, lại có tin bảo đang vào buôn làng sống chung với đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên.
Có thể lại đang tiếp tục ấp ủ một giấc mơ đào xới tài nguyên đất nước khác chăng, biết đâu là một cái mỏ dầu nào đó dưới lòng đại dương Phú Quốc bao la hay… bô-xít Gia Lai – Kon Tum?

298 - Lương Thị Hội
THANH NIÊN XUNG PHONG VÔ THỪA NHẬN

Thường dân sinh khoảng 1953 tại Thái Nguyên. Sống ở Thái Nguyên (2010).
Tình nguyện đi Thanh niên xung phong bảo vệ các cứ điểm chiến lược ở Miền Bắc lúc mới 19 tuổi. Đúng đêm Giáng sinh 1972 khi cùng Đại đội 915 TNXP Bắc Thái làm nhiệm vụ tại ga Lưu Xá ở Thái Nguyên thì bị máy bay Mỹ đánh bom khốc liệt làm 60 đồng đội hy sinh ngay trận địa, còn mình là một trong 7 TNXP được cứu sống còn đến ngày nay.
Sau 75 trở về đời thường với nhiều di chứng bệnh tật trong người, nặng nhất là bị tổn thương thần kinh, rối loạn tuần hoàn thường xuyên. Nhưng không hề được hưởng một chính sách nào do thời kỳ sau chiến tranh chưa ai quan tâm – mà cũng chưa có điều kiện - đến lực lượng TNXP tự nguyện này quân không ra quân dân quân không ra dân quân! Đành chấp nhận sống bám vào chồng con qua ngày trong căn nhà cấp 4 tiêu điều.
Đến năm 1995 vào thời Đổi mới nghe nói có chế độ cho TNXP thì ông chồng mới làm hồ sơ xin chế độ cho vợ song trải qua 11 năm ròng rã ôm đơn đi hết chỗ này đến chỗ nọ lên tới bao nhiêu cấp chính quyền, đoàn thể đóng tổng cộng 140 con dấu mà kết quả vẫn không thấy hồi âm. Nản quá, đến năm 2006 ông chồng mới phải triệu tập “hội nghị gia đình” thông báo quyết định… thôi, không đi đưa đơn nữa mất công vô ích!
Năm 2010 Nhà nước tổ chức long trọng lễ kỷ niệm và tuyên dương lực lượng TNXP, tỉnh Thái Nguyên khởi công xây dựng tượng đài Đại đội 915 TNXP Anh hùng nhưng một trong những nhân chứng sống này không được ngó ngàng gì tới, không được mời dự nên cũng chẳng hay biết gì! Chỉ biết ngậm ngùi: “Nếu đến đấy thì mình đứng đâu bây giờ?... Chẳng qua đi làm chế độ không phải vì số tiền được hưởng mà để cho con cháu sau này biết được mẹ nó trước đây như thế nào thế thôi…”

299 - Nguyễn Hữu Thái
HÁT CÂU VỌNG CỔ TÌM ĐƯỢC MẸ

Thường dân sinh 1968 tại Pleiku. Sống ở Tuy Hòa (2008).
Tháng 3.1975 mới 7 tuổi đi cùng bà ngoại cưng mình nhất và cha mẹ (cha là lính VNCH) theo đoàn ngươì chạy loạn trên đường 7 từ Pleiku qua Phú Bổn xuống Tuy Hòa thì bị lạc mất. Rồi được một bà cụ không con cái ở Tuy Hòa nhận làm con nuôi đặt tên mới Nguyễn Hữu Thái thay cho tên cũ Bạch Nhọc Kiểm.
Trong lúc đó cha mẹ sau này quay về lại Pleiku đi tìm con mãi không thấy đâu, cha buồn rầu mất năm 1977. Sau đó mẹ đem 3 con còn lại về Quảng Ngãi sinh sống càng khiến mối dây liên lạc mơ hồ đứt luôn.
Mãi đến năm 2008 thông qua chương trình tìm người thân “Như chưa hề có cuộc chia ly” của VTV mới tìm được mẹ. Và dấu hiệu “nhận dạng” rõ ràng vang lên trong buổi hội ngộ là khi đứa con cất lên câu hát cải lương giống như bà ngoại trước kia hay ngâm nga khiến mình thuộc nằm lòng không bao giờ quên thì lập tức bà mẹ đã ào tới ôm con vào lòng tức tưởi. Câu hát rằng “Ngoại ơi dù ở nơi đâu nơi chân trời góc biển con vẫn thầm mong ngày trở lại quê… nhà!”

300 - Nguyễn Ngọc Hùng
ĐI LẠC BỊ NHẬN LẦM CON RUỘT CŨNG ĐI LẠC
Thường dân sinh 1968 tại Phú Bổn. Sống ở Gia Lai (2010).
Mới lên 7 tuổi vào tháng 3.1975 từ Kon Tum theo bố mẹ (bố họ Trương là lính VNCH) và 5 anh em chạy loạn theo đường 7 từ Pleiku về Tuy Hòa thì bị lạc mất gia đình. Được bộ đội cưu mang đem về Gia Lai rồi được một gia đình đặt tên lại theo họ Huỳnh.
Nhưng 11 năm sau tình cờ lại gặp một người đàn bà nhận mình là con ruột cũng đã bị thất lạc trong biến cố di tản năm 1975 vì có đôi mắt “giống hệt” con bà! Sợ làm buồn lòng bà mẹ đó nên chấp nhận về sống với bà từ nay gọi là “mẹ Tình” và đương nhiên mang tên người con ruột đó là Nguyễn Ngọc Hùng. Tuy không dám nói thật lai lịch mình không phải con bà nhưng cũng có lén quay lại Kon Tum và Gia Lai tìm tông tích bố mẹ anh em cũ nhưng đã lâu nên không để lại dấu vết gì.
Thực tế thì bố mẹ trên đường chạy trốn bom đạn còn lạc mất một đứa con gái tìm không ra, sau 75 về lại quê quán Quảng Trị làm nghề bánh mứt bỏ chợ. Năm 1987 người cha đã tìm ra tin tức người con gái được nhà khác nhận làm con nuôi ở Phú Bổn song đã muộn vì cô gái mắc bệnh sớm qua đời rồi!
Mãi đến năm 2010 qua chương trình tìm người thân “Như chưa hề có cuộc chia ly” trên VTV mới đoàn tụ với gia đình chỉ thiếu một em gái đã mất. Tuy nhiên chưa biết phải ăn nói làm sao với người “mẹ ruột bất đắc dĩ” là mẹ Tình 14 năm nay vẫn sống trong ảo tưởng mình đã tìm lại được con ruột!
(Còn tiếp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét