TRIỆU TỪ TRUYỀN,THƠ VÀ SỰ LƯƠNG THIỆN


Chúng tôi quen nhau giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, chính xác là 42 năm tính đến năm Đinh Hợi 2007.Thuở ấy,chúng tôi là những chàng trai 18, 20 đầy nhiệt huyết và hoài bảo. Đó là những năm đất nước bị chia cắt, chiến tranh.
Đêm Lên Cơn Dài, tập thơ được ra đời rất sớm so với lứa tuổi chúng tôi, xuất bản năm 1965, ở Sài Gòn, Triệu Từ Truyền(Triệu Cung Tinh) đã khái quát một tuổi trẻ bị lưu đày trên chính quê hương mình:
nỗi buồn lên tuổi tác
môi không phải để cười
tia sáng chìm trong mắt
chưa trọn vẹn con người .....
một thành phố chết tươi.
Đó là những dòng thơ Truyền viết từ năm 16 tuổi... Thuở ấy, Triệu Từ Truyền là chủ biên một nhóm sáng tác văn học lấy tên là Bộ Lạc Mới. Trong nhóm tôi còn nhớ các anh như nhà văn Từ Kế Tường, nhà thơ Trần Hồng Nhan (Nguyễn Tôn Nhan),và một số bạn viết khác nữa,có bạn đã chết trong chiến tranh.Một hôm , ở Huế tôi nhận được một số tạp chí Bộ Lạc Mới, khoảng năm chục tờ, tờ tạp chí có hình thức khác lạ, khoảng 12 trang của tờ nhật báo xếp đôi, đăng thơ, truyện ngắn và một tuyên ngôn văn học đại để kêu gọi phải làm mới văn học và dấn thân, kèm theo lá thư có giọng điệu khí phách và ngông nghênh . Tôi còn nhớ lá thư có đoạn:”các anh,những người chủ trương Bộ Lạc Mới, nhờ các em phát hành tạp chí này ở Huế. Qua đọc các tạp chí văn học ở Sài Gòn, biết em là nhà thơ .Con gái Huế nhất định đẹp. Con gái Huê làm thơ thì đẹp hơn. Trước khi phát hành, các em hãy lấy một số mà đọc, để hiểu, để biết và khâm phục các anh là những thiên tài…..”Sau này, tôi găp Triệu Từ Truyền, được biết anh không trực tiếp viết lá thư này? có lẽ do anh Nguyễn Tôn Nhan viết chăng? Suy nghĩ cả tuần , phải nghịch ngợm lại các thiên tài ở Sài Gòn , tôi hồi âm mấy dòng:”Các em đã đọc tạp chí Bộ Lạc Mới, quả thật các anh là những thiên tài . Để tỏ lòng ngưỡng mộ, xin gửi các anh một kỷ vật để các anh kết làm vòng hoa nguyệt quế….”Món quà tặng” đầy khiêu khích này,không bao giờ được cám ơn.
Đến cuối nắm 1966, tôi vào học ở Sài Gòn,”cô gái Huế”hẹn gặp các anh ờ quán cà phê, gần tạp chí Văn, đường Phạm Ngũ Lão.Gặp nhau cười xòa và thân nhau từ đó.
Hơn 40 năm qua,chúng tôi vẫn gần gũi nhau trong môi trường sinh hoạt văn học,trong nồng ấm lạnh lẽo của cuộc tồn sinh. Có thời gian bặt tin nhau, rồi gặp lại, vẫn luôn tưởng như những năm tháng tuổi trẻ vĩnh viễn đọng lại bên chúng tôi.
Tôi gặp Truyền một thời gian, rồi lại bặt tin anh . Anh đang la cà đâu đó? Sau này mới biết anh vô bưng,vào tù ra khám. Rồi gặp nhau, rồi xa cách cho đến sau năm 1975, lại gặp nhau giữa Sài Gòn.
Truyền vẫn vậy, thơ, bạn bè và nhan sắc, trong đó thơ là niềm say mê đến tận cùng. Nói Triệu Từ Truyền khôn lớn với thơ, sống với thơ, gắn liền cuộc đời với thơ ,quả không ngoa. Anh đã đồng hành với thơ trên mọi nẽo đường gian truân, khốn khó, đau khổ và hạnh phúc. Nói khác đi thơ là hơi thở của anh, không có thơ Truyền chết. Thơ đã bức tử anh, để cho anh một cuộc sống khác đầy hân hoan, thống khổ trong hạnh phúc.
Nếu không có thơ, không mê đắm thơ, anh phải đi một con đường khác không lối quay về.
Nhiều lần gặp Truyền, tôi chiêm nghiệm về anh như một người mãi mê đi tìm trong cõi đời này một cái gì mà anh chưa đạt được, như một niềm hạnh phúc cheo leo, của kiếp người không có thực. Thơ ca chăng ? Có lẽ vậy!Thơ vốn làm cho con người trở nên lương thiện, dĩ nhiên là thơ thứ thiệt. Gần cuối đời tôi nghiêm ra được chân lý ấy. Và Triệu Từ Truyền cho đến hôm nay, kể từ ngày tôi biết anh, quen anh, thơ đã níu giữ anh luôn là người lương thiện, dù ở tuổi 18 anh sớm thấy cái không của kiếp người :
"Tôi đối diện cuộc đời vừa cháy rụi
Còn tro than của một đóa bông hồng
Tôi đi tìm ý nghĩa dưới lòng sông
Nước vẫn chảy xuôi nguyên màu trắng toát."
(Đêm lên cơn dài/1965)
Gần cuối đời anh vẫn sống với thơ, dành trọn vẹn cho thơ .Cách đây không lâu , tôi nhận được cuốn Tương Tác, truyện dài của Triệu Từ Truyền . Hình như là một giải bày đầy tâm huyết của anh.
Tâm hồn thơ đã cho anh cái tĩnh lặng để nhìn lại thấu đáo, để nói với những người cùng thời, và thế hệ sau, hãy tránh vết xe đổ trên những nẽo đường lich sử….

NGUYỄN MIÊN THẢO

0 nhận xét:

Đăng nhận xét