CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2010 (KỲ 39)


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

391 - Bùi Tấn Hoàng
LÃNH BỒI THƯỜNG NHÂN MẠNG GẦN 1 TRIỆU USD
Việt kiều Mỹ sinh tại VN – Mất 2005 ở Mỹ.
Sinh sống tại TP Westminster thuộc bang California.
Vào dịp Tết Nguyên đán 2005 lái xe trên đường gây tai nạn đụng xe bèn lái xe bỏ chạy nên bị cảnh sát Mỹ lên xe đuổi theo. Cảnh sát hú còi yêu cầu dừng xe nhưng đương sự vẫn tăng tốc mong trốn thoát buộc cảnh sát phải nắm bắn từ phía sau. Bị trúng một phát đạn vào vai liền bỏ xe chạy bộ. Viên cảnh sát Mỹ đuổi theo vẫn ngồi trên xe nhấn ga tiếp tuổi truy đuổi và khi đến gần kẻ chạy trốn đã cố tình phóng xe tới từ phía sau lưng… cán chết tại chỗ!
Đương nhiên gia đình người bị hại đâm đơn kiện lên toà. Và năm 2007 vụ án được xét xử với kết quả quan toà buộc Toà Thị chính Westminster bồi thường cho gia đình nạn nhân số tiền lớn 950.000 USD.
Riêng viên cảnh sát thủ phạm sát nhân lại chỉ bị kỷ luật ra khỏi ngành có lẽ vì lý do đang “thừa hành công vụ”?!

392 - Kăn Lây
NGƯỜI “NGỦ NỬA NGƯỜI”
Nông dân người dân tộc sinh tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở TT – Huế (2008).
Cả 2 vợ chồng đều theo cách mạng sống trong vùng chiến trận nổi tiếng A Lưới nên lãnh đủ CĐDC. Từ đó 9 lần sinh thì 3 chết ngay từ trong bào thai.
Sau 75 sinh thêm đứa con trai mắc bệnh di chứng CĐDC nặng nhất nay đã 20 tuổi mà thân hình, thể trạng giống như đứa trẻ mới lên ba, người gầy guộc chân tay khỏng kheo suốt ngày nằm một chỗ. Đứa con thường xuyên bị động kinh hay cắn lưỡi nên lúc nào cũng phải lấy chiếc chăn cũ cắt ra từng miếng nhét vào miệng con đề phòng.
Chồng đổ bệnh mất sớm, còn lại một mình nuôi đứa con trai bệnh hoạn và thêm 2 đứa cháu mồ côi nữa, trăm sự nhờ vào đứa con gái út lành lặn may vá, làm rẫy lo cho cả nhà. Nhiều hôm hết cả gạo cơm cả nhà phải qua bữa bằng rau lang!
Đói ăn thêm tuổi già bệnh tật (u xơ tử cung) vậy mà đêm nào cũng “Mẹ chỉ ngủ nửa người. Nửa còn lại phải luôn sờ vào người em (đứa con trai bệnh CĐDC) sợ mảnh chăn nhét vào miệng em rớt ra em sẽ cắn lưỡi chết mất.” Lại còn sợ nếu miếng chăn cũ quá bông gòn sẽ rớt ra xuống đầy cổ họng làm em tắt thở!
Bởi vậy hễ ai cho được đồng nào đều gom lại đi mua một mớ chăn cũ về để dành nhét miệng con.

393 - Lê Hồng Kông
6 TUỔI ĐÃ TẬP VIẾT BẰNG… CÙI TAY!
Học sinh sinh năm 2004 tại Bạc Liêu. Sống ở Bạc Liêu (2010).
Ông ngoại tham gia kháng chiến chống Mỹ để lại di chứng CĐDC đến đời thứ ba khiến cháu sinh ra đã cụt 2 tay từ khuỷu tay trở lên, thêm mất bàn chân phải và còn lưỡi bị dính vào nếu răng. Hai người anh cũng mắc bệnh dạng trí não phát triển không bình thường.
Nhà lại quá nghèo, cha nông dân không có ruộng phải làm “thợ đụng” ai kêu thuê mướn gì làm nấy, không ai gọi thì đi đặt lờ câu tôm cá ngoài kênh rạch. Địa phuơng phải giúp cho một căn nhà tình thương mới có chỗ tá túc qua ngày.
Gia cảnh như vậy mà con trai út bị khuyết tật nặng nên không muốn cho con đến trường. Vậy nhưng cậu bé lại rất ham học cứ đòi đi học! Ban đầu trường mầm non không nhận song cuối cùng cũng bị lòng ham học của cháu thuyết phục cho vào lớp.
Nhưng hai tay như vậy làm sao tập viết? Đã có một số trường hợp thương binh mất cả hai tay vẫn kiên trì tập viết được bằng cách kẹp bút hoặc cột bút dính vào hai mõm cùi tay để “đẩy” bút đi song đó là ngươì lớn chứ đây là một em bé mới 5-6 tuổi làm sao nổi?
Ấy vậy mà em lại làm được điều thần kỳ đó: Dùng hai cùi tay “quặp” lấy ngòi bút gò lưng cúi mặt đè lên trên để “cày” bút. Tập hoài như vậy tới mức hai cùi tay sưng phồng lên đau nhức.
Cuối cùng viết được bình thường như các bạn lành lặn khác, mà viết chữ… đẹp nữa. Đàng hoàng vào trường cấp 1 như ai và đã hoàn tất năm lớp 1 với kết quả học sinh xuất sắc.

394 - Lê Văn Huỳnh
MÔ TẢ TRƯỚC… CÁI CHẾT CỦA MÌNH!
Liệt sĩ sinh tại Thái Bình – Hy sinh 1972 tại Quảng Trị.
Năm 1972 đang học năm cuối ĐH Xây dựng ở Hà Nội thì tình nguyện vào bộ đội chi viện cho chiến trường Quảng Trị. Chỉ 6 ngày trước khi đi còn kịp lấy vợ.
Trên chiến trường Quảng Trị, trong trận chiến 82 ngày đẫm máu bảo vệ Thành cổ được phân công chuyển hàng – vũ khí, lương thực – theo đò chở qua sông Thạch Hãn dưới cơn mưa bom, đạn pháo của địch tập trung giáng xuống nhằm cắt đứt tuyến chi viện huyết mạch cho mặt trận cũng như đường rút quân.
Có lẽ do linh cảm thấy trong tình hình đó cái chết như chỉ mành treo chuông thôi nên đã viết thư về cho vợ hướng dẫn kỹ thật tỉ mỉ chi tiết việc lo “hậu sự” cho mình: “Nếu thương anh, sau ngày thống nhất em hãy vô Nam tìm mộ của anh. Em cứ đi tàu vô Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã Quảng Trị cứ đi ngược về làng Nhan Biều, nếu tính xuôi theo dòng nước là ở cuối làng. Đến đó sẽ thấy bia khắc dòng chữ tên anh trên mảnh tôn…”
Thư được gửi đi 3 tháng 20 ngày thì quả là anh đã tử trận thật trong một chuyến tải hàng trên sông Thạch Hãn, “dòng sông máu”.
Năm 2000 người vợ mới có điều kiện thực hiện “di chúc” của chồng, làm theo lời chồng chỉ dẫn đúng là đã tìm được mộ chồng gần 30 năm nằm đó chờ vợ đưa về quê!

395 - Lương Xuân Thành
CỰU BỘ ĐỘI THÀNH DÂN BỤI ĐỜI
Nông dân sinh 1948 tại miền Bắc. Sống ở Bình Dương (2010).
Con lai thời Pháp thuộc - mẹ VN lấy lính Pháp da đen, còn tên cũ Lê Đại Phương – lớn lên đến năm 1971 tình nguyện đi bộ đội vào chiến trường miền Nam.
Sau 75 xuất ngũ về quê sống không nổi nên tìm vào lại TPHCM kiếm sống nhưng không có nghề nghiệp gì nên đành sống lang thang vạ vật đây đó như dân bụi đời. Đã vậy không hiểu sao giấy tờ tùy thân thất lạc hết không còn mảnh giấy nào phòng thân nên trong một đợt công an đi “thu gom” dân tệ nạn đã bị… bắt luôn! Đưa đi tập trung lao động cải tạo ở Sông Bé (nay là Bình Dương) đến 5 năm.
Mãn hạn trở về lấy vợ cũng dân nghèo đồng cảnh ngộ rồi dắt díu nhau sống tạm bợ qua nhiều nơi trong vùng quê Bình Phước, chủ yếu làm nghề vào rừng đốn củi, đốt than sống qua ngày. Sinh được một gái một trai.
Năm 2004 vợ mất, con trai đã lớn bỏ ra thị xã học nghề lo nuôi thân mình, con gái cũng đi lấy chồng để lại một mình thân già lụi cụi tiếp tục làm lụng cực nhọc kiếm miếng ăn quá khổ.
Năm 2010 có người quen cũ thấy thương mới định đưa về TPHCM giúp đỡ nhưng đến lúc đó mới tá hỏa phát hiện đương sự không có giấy tờ gì cả làm sao tá túc, xin việc được?
Vì sao một bộ đội cũ lại lâm vào cảnh ngặt nghèo khó hiểu đến thế? Phải chăng vì mặc cảm con lai “Tây đen” một thời (nên khi vào bộ đội đã một lần đổi tên)?

396 - Ngô Thị Thúy Phường
ĐẶT TÊN CON GÁI LÀ “ÉP”
Nông dân sinh tại Quảng Bình. Sống ở Quảng Bình (2010).
Từng là khẩu đội trưởng đội nữ pháp binh Ngư Thủy ở Quảng Bình nổi tiếng thời chống Mỹ sau này được đạo diễn Trần Văn Thủy đưa vào bộ phim tài liệu gây xúc động dư luận.
Sau 75 trở về đời thường dân vừa làm cho hội phụ nữ xã vừa bôn ba kiếm sống làm đủ nghề lao lực như mò tôm, đánh cá, trồng rừng. Có lúc gặp cảnh túng thiếu ngặt nghèo quá phải cùng chị em trong làng đi vớt chai lọ trôi nổi ven sông gom lại rồi gồng gánh đi bộ 40km lên huyện bán lấy tiền đắp đổi qua ngày.
Do đã lớn tuổi quá thì không lập gia đình được nhưng lòng vẫn mong có chút con mọn để an ủi và sau này nương tựa tuổi già nên tâm sự với một đồng đội cũ cùng làng “xin” một đứa con. Kết quả sinh được một bé gái phải cắn răng cam chịu nỗi tủi hổ, uất ức vì đẻ con hoang (người cha đã có vợ con đề huề không dám nhận) để tiếp tục gắng sống mà nuôi con. Cũng vì thế mới đặt tên con là Ngô Thị Hồng Ép như có ý muốn nhắc đến cuộc tình “gượng” của mình (sau này nghe lời khuyên đã làm khai sinh đổi tên lại “đẹp” hơn là Quỳnh Anh song làng xóm cứ quen miệng gọi là “con Ép”!).
Cũng để lấy thêm tinh thần đối phó dư luận vượt qua khủng hoảng tâm lý, bắt đầu tập hút thuốc lá rồi nghiện luôn từ đó không khác gì một người đàn ông mạnh mẽ sẵn sàng đương đầu với tất cả để bảo vệ con: “Đi một mình thật là quá sức. Nhưng chẳng thể tìm đâu người cùng bước với mình... Tôi chấp nhận thà làm một người mẹ tốt còn hơn là một cán bộ giỏi. Con bé mới là điều quý giá nhất còn lại của đời tôi.”

397 - Nguyễn Văn Hương
BỆNH “HERCULES”
Bộ đội về hưu sinh 1948 tại Hải Dương. Sống ở Đắc Lắc (2010).
Nhập ngũ năm 1969 được phân công lái máy ủi san lấp đường sá sau các trận mưa bom từ máy bay Mỹ trên chiến trường Quảng Trị, đường 9 Nam Lào.
Sau 75 về hưu định cư ở Đắc Lắc cùng vợ và 5 con.
Cuộc sống đang bình thường thì bỗng từ năm 2005 cơ thể bị chuyển biến lạ kỳ là toàn thân có nhiều phần cơ thể như cổ, ngực, cánh tay, bụng, chân, bắp đùi cứ… phình lên bự ra như bắp thịt của lực sĩ thể hình vậy! Khi thời tiết trở trời các cơ bắp càng căng lên như chực phá tung da bung ra ngoài gây đau đớn vô cùng. Từ 50kg tăng vọt lên 75kg làm mọi sinh hoạt, đi đứng đều rất khó khăn.
Cả đứa con trai út cũng có dấu hiệu phát triển cơ bắp quá độ như cha và lại còn mắc thêm chứng thần kinh không ổn định.
Nhiều khả năng đây là một dạng biến chứng bệnh lý từ ảnh hưởng CĐDC mà chắc chắn ông đã nhiễm phải từ thời đánh Mỹ ở Quảng Trị. Nhưng là loại bệnh quá “lạ” nên đi bệnh viện, bác sĩ vẫn chưa chẩn đoán ra chính xác mắc bệnh gì, do đó chưa có hướng giải quyết cho hưởng chế độ.

398 - Nguyễn Văn Khổng
ÔNG MÙ “VUA BÒ”
Nông dân sinh 1969 tại An Giang. Sống ở An Giang (2009).
Năm 1978 gặp nạn giặc Pon Pot từ Campuchia tràn quá đốt phá làng mạc ruộng vườn khiến cùng gia đình phải chạy vào ẩn náu trong phum sóc của đồng bào Khmer sống ở An Giang nhờ che chở.
Năm 1980 lúc mới 11 tuổi đi đào trùn làm mồi câu cá đạp phải mìn nổ làm mùa mắt trái, sau đó mắt phải cũng bị chấn động lây mù luôn. May nhờ sống chung lâu ngày với đồng bào Khmer nên dần dần học nghề huấn luyện bò cày “đặc sản” của người Khmer vùng này.
Từ đó trở thành người mai mối giới thiệu cho dân Kinh đến mua bò cày của dân Khmer vì người dân sống ngoài vùng này hồi đó sợ Pol Pot không dám vào tận nơi. Thế là từ từ trở thành một tay lái bò và đặc biệt xem tướng bò cày tốt hay xấu giùm người mua, nổi tiếng tới mức ngươì ta phải xưng tặng cho biệt danh “Ông Khổng mù” có “bùa” xem tướng bò! Thật ra là do 2 mắt mù nên thay vào đó tận dụng kinh nghiệm sờ nắn bò để đánh giá cũng như cố ghi nhớ thuộc lòng các bí quyết kinh nghiệm học được từ các bậc bô lão Khmer.
Không chỉ sống được, làm ăn khấm khá nhờ nghề “bò” (còn phát triển thêm nghề phủ nọc bò cho bò thụ thai nuôi đẻ) mà còn khiến một cô gái con nhà khá giả ngoài “xứ cù lao” miệt thành thị đem lòng yêu thương vì “ảnh mù nhưng rất chí thú làm ăn, tính nết hiền hậu, nói năng đạo đức…”. Thế nên nhất quyết lấy làm chồng bất chấp gia đình phản đối kịch liệt!
Hai vợ chồng sống hạnh phúc sinh con đẻ cái tiếp tục ăn nên làm ra với “nghề bò”.

399 - Nguyễn Văn Lệnh
“GÃ KHÙNG” ĐẠP XE ĐI TÌM HÀI CỐT LIỆT SĨ
Bộ đội về hưu sinh 1928 tại miền Bắc. Sống ở Hà Nội (2009).
Biệt danh đó – “Gã khùng” – được nhiều người đặt cho vì nhiệm vụ tự mình đặt ra là đi truy tìm hài cốt liệt sĩ không phải là đồng đội quen biết trong chiến đấu ở miền Nam mà lại bằng phương tiện đi đường là… xe đạp, chiếc xe đạp Phượng Hoàng mác Trung Quốc hơn 30 năm tuổi đời mà bố vợ để lại!
Sau khi chấm dứt chiến tranh giải ngũ về Hà Nội làm đủ nghề để sinh sống, có lúc đi buôn lẫn lên Bắc Kạn đào vàng, sau về phụ vợ bán hàng vặt trên vỉa hè. Nhưng vẫn lăm lăm hễ để dành có tiền là dắt chiếc xe đạp Phượng Hoàng cũ lên tàu vào Sài Gòn trở lại để truy tìm hài cốt một số đồng đội cũ cùng đơn vị biệt động năm xưa.
Bằng cách đó năm 1987 đã lặn lội trở lại chiến trường xưa trải dài từ TPHCM xuống Bình Dương, Bến Tre lần dò theo chỉ dẫn của một số đồng đội cũ tìm được một ngôi mộ tập thể 30 bộ hài cốt bàn giao lại cho Tỉnh đội Bình Dương. Chỉ đáng buồn là về dấu tích thi hài người đồng đội gần gũi nhất bỏ mình trong trận đánh vào Tổng nha Cảnh sát chế độ cũ trong chiến dịch Mậu Thân thì vẫn bặt tin.
Không chỉ thế, vốn từng là một chiến sĩ kháng Pháp trên chiến khu Việt Bắc, còn quay lại tìm hài cốt những đồng đội mất tích thời đánh Pháp ở Hải Dương. Bắt đầu từ việc tìm gặp các nhân chứng còn sống sót, đã tìm được 69 bộ hài cốt vệ quốc quân một thời.
Hơn 20 năm một mình đạp chiếc xe cà tàng rong ruỗi khắp nơi tự xưng mình là “chiến sĩ hạng hai” (may mắn còn sống) đi tìm tông tích “chiến sĩ hạng nhất” (liệt sĩ đã hy sinh) như một nhiệm vụ bất khả thi vậy. Mà không hề nản lòng chút nào vì tâm niệm ấy là công việc “có đi cả đời cũng không hết”!
Nay thì tuổi già vợ đã mất, phải một mình bán hàng vặt trên phố song lòng vẫn chưa chịu dừng bước: “Pháp bắn, tôi không chết. Mỹ tra tấn đủ kiểu tôi không chết. Rắn độc cắn 10 người, 9 người chết nhưng tôi vẫn sống. Sét đánh, tôi cũng chẳng chết. Tôi còn đủ sức mà… Có lẽ đời tôi chỉ có 2 việc thành công là đánh giặc và đi tìm đồng đội.”

400 - Nguyễn Văn Liên
NHÀ NGOẠI CẢM 1
Nông dân sinh 1963 tại Hải Dương. Sống ở Hải Dương (2010).
Chỉ mới học hết cấp 2 thì đến năm 1977 bị đau ruột thừa nặng gần chết, sau đó lại bị dính dịch nấm lao cóc hành hạ một thời gian. Chưa hết, tiếp theo năm 1983 lại bị lại lãnh đòn chí mạng ngã gãy tay.
Nhưng cũng từ đó như thể sau khi trải qua những lúc thập tử nhất sinh cận kề cái chết sống lại bỗng nhiên “phát” thành nhà “tiên tri” kỳ lạ có thể nhìn mặt người mà đoán được tương lai sắp xảy ra chuyện gì cho người đó nhờ “thấy” và “nghe” được những gì từ người… cõi bên kia! Từ đó tiếng đồn lan ra khiến nhiều người tìm đến nhờ cậy xin được chỉ dẫn đi tìm mộ liệt sĩ thất tán, biệt tích trong chiến tranh vừa qua.
Điều lạ nhất là đôi khi chỉ cần nhìn mặt người cầu xin là có thể nói vanh vách điều gì mới xảy ra với người đó, sau đó cầm bút vẽ… sơ đồ đi tìm một với rất nhiều chi tiết “thần kỳ” hiện rõ mồn một trên giấy! Từ lý lịch liệt sĩ, địa điểm mộ (tỉnh, huyện, xã nào, mộ nằm dãy nào, bên phải hay bên trái, đương vào dài mấy cây số…), dấu tích hài cốt (xương cốt còn mất ra sao, còn được mấy phần…) đến cả thủ tục liên hệ, xin phép với địa phương. Trên đường đang đem hài cốt về diễn tiến hành trình như thế nào cũng nói trúng phóc!
Nổi tiếng khắp nơi tới mức năm 1997 Chính phủ phải cho thành lập một hội đồng khoa học khảo nghiệm xem khả năng của nhà ngoại cảm này có đúng đắn không hay chỉ gieo rắc mê tín dị đoan. Tổ chức cho nhà ngoại cảm lên Hà Nội ra trước hội đồng trổ tài biểu diễn khả năng tìm mộ “tự nhiên” của mình như qua một cuộc kiểm chứng trắc nghiệm kéo dài đến 5 tháng trời. Kết quả khoa học chứng thực sau đó cho thấy khả năng trên của ông là có thật với độ chính xác khoảng 70% (đoán trúng 154/219 trường hợp thí điểm) qua mỗi vụ cung cấp từ 40 - 50 thông tin liên quan.
Trường hợp một số nhà ngoại cảm xuất hiện sau chiến tranh giúp thông tin đi tìm mộ khá hiệu quả như trên (sau khi xác nhận AND của thân nhân giống AND hài cốt) đến nay đã được giới khoa học trong nước nghiên cứu và chính thức thừa nhận Qua đó xác định cả nước có khoảng 10-15 nhà ngoại cảm đáng tin cậy – trong đó có ông – mỗi người đã giúp tìm được trên dưới 1.000 trường hợp mộ hoặc hài cốt liệt sĩ. Tuy nhiên khoa học vẫn chưa đưa ra được câu trả lời lý giải rõ ràng chính xác.
Bước đầu nghiên cứu mới chỉ ra sở dĩ có được khả năng kỳ diệu đó là nhờ “ứng” vào một số điều kiện “ắt có và đủ” theo yêu cầu của “thế giới tâm linh” chưa giải thích hợp lý đầy đủ được. Như điều kiện cơ bản là sau khi nhà ngoại cảm gặp một chứng bệnh hoặc sự cố “chết người” nhưng vẫn qua được để tồn tại sống sót, lúc đó họ như vừa trải qua một cú sốc tinh thần cực mạnh đã làm xảy ra những chuyển biến “tự thân” trong hệ thần kinh cảm ứng của mình đưa đến năng lực tiếp cận, tiếp thu những “làn sóng điện” có thể phát xuất từ những hài cốt (là “nhân điện” khi còn sống) nhờ đó “nhìn thấy” được những viễn ảnh khác người. Kèm theo là điều kiện nhà ngoại cảm phải làm việc đó với cái “tâm” tức vô vụ lợi trong sáng hoàn toàn.
Bởi vậy có khi thông tin của nhà ngoại cảm sai lệch, mơ hồ là do những “làn sóng điện” từ di hài người chết phát đi bị chặn lại bởi những lực cản vật chất ngoài ý muốn như trời mưa bão, nhiệt điện, từ trường nghịch… Hoặc do nhà ngoại cảm vụ lợi sử dụng năng lực của mình vào mục đích lợi ích bản thân.
Vì thế qua thống kê cho thấy nhà ngoại cảm giỏi nhất cũng chỉ xác định được gần 70% trường hợp, còn nhà ngoại cảm khác có thể hướng dẫn sai đến 85-90% (chưa kể nhiều vụ giả danh lừa gạt!). Và tùy theo người, khả năng đó theo thời gian có thể tăng hoặc giảm đi tuơng ứng với các điều kiện “bản chất” phù hợp đã nêu.
(Còn tiếp)

TAN NÁT VƯỜN QUỐC GIA BẠCH MÃ - THÁI LỘC

TT - Từ vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) trở về, nhiều người hoạt động trong ngành lâm nghiệp và các nhà bảo tồn thiên nhiên đã bày tỏ sự lo ngại khi rừng đặc biệt quý giá ở vùng này đang bị biến thành một đại công trường...

Ngôi nhà bát giác Hải Vọng Đài - vốn được dùng làm tháp canh rừng và đài vọng cảnh - đã bị biến thành chùa - Ảnh: Thái Lộc
Vườn quốc gia Bạch Mã đóng cửa không đón du khách gần hai năm nay để xây dựng, mọi việc diễn ra trong khu rừng này hầu như rất ít người được biết đến. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới lọt qua được chốt chặn ở cổng vào và chứng kiến những hình ảnh khiến các nhà chuyên môn lo lắng.

Nổ mìn, chặt cây
Từ km8 tính từ cổng vườn, một công trường mở rộng đường lên Bạch Mã bắt đầu diễn ra ầm ầm như một mỏ đá lớn đang khai thác. Tại thác Ly Ly (ở km12), một trong những điểm dừng của du khách trên đường lên Bạch Mã, hàng chục công nhân khoan, chẻ đá và chuyển đá lên những chiếc xe tải nhỏ.
Cách thác Ly Ly khoảng 500m là thác Bà Đầm, cũng là một điểm du lịch tuyệt đẹp, có đặt một tấm bảng “đang nổ mìn, nguy hiểm, cấm vào”.
Một công nhân làm đường cho biết khu vực chân của hai ngọn thác tuyệt đẹp này trở thành mỏ đá để làm đường.
Từ km17 (đoạn biệt thự Đỗ Quyên) lên đến đỉnh Bạch Mã, con đường được mở rộng bằng cách bạt núi, chặt cây. Hàng trăm cây rừng nằm nghiêng ngả, giăng ngang đường. Hàng chục cây có đường kính lớn hơn 30-40cm (theo đánh giá của các chuyên gia, ở độ cao hơn 1.000m, những cây có đường kính như thế này đã là cổ thụ) cũng bị đốn hạ.
Gỗ rừng được chất thành từng đống, xếp hàng dài ven lề đường. Ít nhất chín cây thông cổ thụ được trồng từ những năm 1930, có cây đường kính chừng 60cm đã bị chặt trơ gốc.
Khách sạn Bonny, kiến trúc lớn thứ hai trong số 139 kiến trúc biệt thự cổ của người Pháp để lại, bị phá bỏ một phần để mở đường...
Ông Huỳnh Văn Kéo, giám đốc vườn quốc gia Bạch Mã, cho biết dự án mở rộng đường lên đỉnh Bạch Mã bắt đầu từ tháng 8-2009, tổng vốn 80 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2012. Theo ông, không thể tránh khỏi việc nổ mìn phá đá để làm đường.
Ông Kéo nói: “Nếu không dùng mìn thì không thể làm được, vì đá granit đen cứng lắm. Rõ ràng làm cái gì cũng phải trả giá. Do đó, nói không ảnh hưởng là không đúng nhưng chúng tôi cố gắng hạn chế tối đa sự ảnh hưởng”.
Về việc này, PGS.TS Lê Văn Thăng - viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và công nghệ sinh học (Đại học Huế), đơn vị được mời đánh giá tác động môi trường dự án làm đường, cho rằng: “Nổ mìn thì ảnh hưởng đến sự phân bố các loài ở trong vườn. Bài toán đặt ra khi nổ mìn là các loài vật ảnh hưởng như thế nào, các loài di chuyển đi đâu thì phải tiếp tục nghiên cứu. Nhưng nếu không dùng mìn thì không có cách gì làm đường được cả”.
Riêng việc chặt cây, ông Kéo thừa nhận chỉ chặt một số ít cây nằm trên taluy, không chặt thì không thể thi công được. Đối với những cây thông cổ thụ, ông Kéo nói đây là những cây ngoại lai, được trồng khi Bạch Mã chưa là vườn quốc gia, lại nằm trên taluy dương nên phải chặt.

Biến Hải Vọng Đài thành chùa
Bạch Mã nổi tiếng không chỉ là điểm du lịch lý tưởng của vùng khí hậu lạnh giữa xứ sở nhiệt đới mà còn có Hải Vọng Đài là điểm cao lý tưởng để ngắm cảnh, nơi có thể phóng tầm mắt bao quát cả bạt ngàn rừng núi, đồng bằng, đầm phá và biển Đông.

Rất nhiều cây rừng tự nhiên bị đốn hạ để mở đường đi lên đỉnh Bạch Mã - Ảnh: Thái Lộc

Vườn quốc gia đã cho xây một ngôi nhà bát giác để vừa làm tháp canh rừng vừa là đài vọng cảnh của du khách. Thế nhưng giờ đây Hải Vọng Đài đã biến thành một ngôi chùa.
Ngay trước cửa ngôi nhà xuất hiện đôi ngựa đá lớn cùng tượng hộ pháp đứng chầu hai bên. Bên trong, cầu thang dẫn lên tầng hai đã bị đập bỏ và trở thành điện thờ.
Trên các bức tường treo rất nhiều bức ảnh với nhiều nội dung liên quan đến việc cho rằng Phật từng xuất hiện ở vườn quốc gia này. Trong đó có những bức ảnh chụp đám mây trắng, dưới ghi hàng chữ: “Mây hiện Quan Âm tại đỉnh thiêng Bạch Mã vào lúc 11g31 ngày lễ vía Đức Quan Âm 19-6-2007 âm lịch (1-8-2007)”. Một bức ảnh khác chụp một quầng ánh sáng trên một đám mây đen, dưới ghi hàng chữ “Quan Âm hóa rồng tại đỉnh thiêng Bạch Mã vào lúc 9g29 ngày Tết Đoan ngọ 5-5-2008 âm lịch”...
Thầy An (còn gọi là thầy Chơn Tâm), người đang giữ chùa, cho biết ngôi chùa này do sư thầy Hải Hòa - chủ một ngôi chùa ở ngoài Bắc - vào đầu tư. Việc đặt tượng Phật bắt đầu từ năm 2008, đến năm 2009 thì làm lễ và đúc chuông ngay tại chỗ.
Thầy An nói quy mô lớn lắm, đây mới chỉ giai đoạn đầu, không biết lúc nào mới xây xong. Thầy An cũng nói sắp tới sẽ sửa lại một số kiến trúc biệt thự cũ của người Pháp để làm nơi tu tập, tránh sự ồn ào vì vài năm sau khách khứa sẽ kéo lên ồ ạt.
Trả lời về việc biến Bạch Mã thành “non thiêng” và biến Hải Vọng Đài thành chùa, ông Huỳnh Văn Kéo nói: “Sự việc bắt đầu từ khi một đoàn trong giới khoa học lên Bạch Mã thì bỗng dưng xuất hiện hình ảnh Phật Bà Quan Âm hiển linh. Về mặt tâm linh, tôi không dám bình luận bởi vì bây giờ người ta có những ngưỡng vọng như thế. Thời gian ghi trên các tấm ảnh là lúc các nhà ngoại cảm có thêm các sư thầy đi lên Bạch Mã, đúng ngày vía Quan Âm”.
* Thưa ông, những hiện tượng tự nhiên như đám mây tạo hình, cầu vồng... mà nói là Phật xuất hiện, Phật phóng linh quang trên Bạch Mã liệu có quá gượng ép hay không?
- Cái đó tôi không bình luận được, vì tôi nói ở góc độ là nhà khoa học. Tôi có thể chụp ảnh, ghép hình được. Nếu người nào tạo dựng chuyện đó thì người đó mang tội... Từ xưa, chùa Linh Mụ đã được dựng lên câu chuyện huyền thoại như thế, mình không biết thật hay giả nhưng vấn đề quan trọng là nó đi vào lòng người.
* Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (cơ quan chủ quản của các vườn quốc gia) có cho phép xây chùa trong vườn quốc gia Bạch Mã không?
- Việc này là nhạy cảm, cũng không ai có quyết định. Bộ chưa cho phép, vì những cái đó hình thành một cách tự phát và ở trên một phạm vi nhỏ. Thật ra khi đúc chuông hoặc hô thần nhập tượng thì đều có ý kiến cả, nhưng là ý kiến không bằng văn bản. Các anh lãnh đạo cũng có lên (thăm chùa ở trên núi Bạch Mã - PV), nên có những cái không cho cũng giống như cho.

TS Phạm Khắc Liệu (trưởng khoa môi trường - Trường ĐH Khoa học Huế):
Không nên ồ ạt đưa khách lên Bạch Mã
Việc nổ mìn phá đá trong vườn quốc gia chắc chắn sẽ làm xáo động không gian sống của các loài động vật hoang dã vốn rất nhạy với những tiếng ồn. Việc mở rộng không gian du lịch ở vườn quốc gia Bạch Mã cũng không nên.
Trước đây, khi nghe nói đến dự án mở rộng đường lên Bạch Mã, tôi có cảm giác làm hơi quá. Theo tôi, chỉ nên sửa chữa những đoạn đường hư hỏng, đoạn nào nguy hiểm thì mở rộng cho an toàn hơn. Nếu mở rộng đường, xe cộ và du khách sẽ lên nhiều, tiếng ồn nhiều hơn và chất thải nhiều hơn, điều đó làm xáo động không gian sống của các loài sinh vật.
Vườn quốc gia Bạch Mã có giá trị sinh thái và bảo tồn cao hơn rất nhiều so với một số khu bảo tồn thiên nhiên khác. Cho nên đối với một số khu bảo tồn khác, người ta có thể gia tăng khai thác du lịch, còn ở Bạch Mã chỉ nên nâng cao giá trị và khai thác du lịch theo chiều sâu hơVài nét về vườn quốc gia Bạch Mã
Năm 1932, Bạch Mã được kỹ sư M.Girard (Pháp) phát hiện và người Pháp đã biến nơi đây thành khu vực nghỉ dưỡng với hệ thống 139 biệt thự, khách sạn, bể bơi, đường giao thông... Từ năm 1954, Bạch Mã bị quên lãng cho đến năm 1960, chính quyền chế độ cũ thành lập Lâm viên quốc gia Bạch Mã - Hải Vân. Năm 1986, rừng cấm Bạch Mã - Hải Vân được xây dựng và đến năm 1991 vườn quốc gia Bạch Mã được thành lập. Ban đầu vườn có diện tích 22.031ha, đến đầu năm 2008 được mở rộng lên 37.487ha thuộc địa phận hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam.
Bạch Mã nằm cuối dãy Trường Sơn Bắc và là trung tâm của dãy rừng xanh tự nhiên còn lại duy nhất của VN kéo dài từ biển Đông đến biên giới Việt - Lào, được công nhận là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của khu vực Đông Dương. Đến nay, Bạch Mã được ghi nhận có 1.493 loài động vật và 2.147 loài thực vật, trong đó có 68 loài động vật và 86 loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng được ghi vào Sách đỏ VNn là mở rộng ồ ạt lượng khách.
Như thế vừa bảo đảm được chức năng bảo tồn của vườn quốc gia vừa khai thác được giá trị du lịch một cách hợp lý.

Vài nét về vườn quốc gia Bạch Mã
Năm 1932, Bạch Mã được kỹ sư M.Girard (Pháp) phát hiện và người Pháp đã biến nơi đây thành khu vực nghỉ dưỡng với hệ thống 139 biệt thự, khách sạn, bể bơi, đường giao thông... Từ năm 1954, Bạch Mã bị quên lãng cho đến năm 1960, chính quyền chế độ cũ thành lập Lâm viên quốc gia Bạch Mã - Hải Vân. Năm 1986, rừng cấm Bạch Mã - Hải Vân được xây dựng và đến năm 1991 vườn quốc gia Bạch Mã được thành lập. Ban đầu vườn có diện tích 22.031ha, đến đầu năm 2008 được mở rộng lên 37.487ha thuộc địa phận hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam.
Bạch Mã nằm cuối dãy Trường Sơn Bắc và là trung tâm của dãy rừng xanh tự nhiên còn lại duy nhất của VN kéo dài từ biển Đông đến biên giới Việt - Lào, được công nhận là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của khu vực Đông Dương. Đến nay, Bạch Mã được ghi nhận có 1.493 loài động vật và 2.147 loài thực vật, trong đó có 68 loài động vật và 86 loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng được ghi vào Sách đỏ VN

TL(TUỔI TRẺ ONLINE)

TRUNG THU - NGUYỄN MIÊN THẢO

Ta hẹn em về trăng tròn tháng tám
Dắt tay nhau dạo hết chốn non bồng
Nhưng chỉ sợ một đêm rằm nguyệt động
Cuộc tình nào rồi cũng hóa hư không .

NMT

BÁI TẠ - HOÀNG LỘC


ta bái em ba bái
như một lần chia tay
sao mới bái thứ nhất
mà ta đau thế này ?
còn hai bái giữ lại
bao giờ mới bái đây ?

em bái ta ba bái
để một lần ra đi
em bái nhanh đến vậy
còn mong năn nỉ gì !

mà sao phải bái nhau
mà sao phải lạy nhau
lòng ta nghe rất úa ?
mà không biết làm sao
để cầm chân em lại !

thật đời nhau quá tội
sao lại phải chia lìa ?
ta, một bước một bái
cầu xin em quay về …
5-2010

HL

NGÓ CÁI LƯNG CHỪNG - ĐÔNG HÀ

Nhiều khi nói cho vui vậy thôi
chứ thực lòng rất rỗng
không đầu đuôi không kết thúc
kiểu ngó mây mà thấy lưng chừng
0
Nên cái nhấp máy nào cũng thiên lung mang nai
ném chữ ra sông ném lòng làm sóng
vậy nên
cái bến mới phúc âm cái bậc chênh chao nứt gãy
cái ma hôm nào dọa đôi lứa yêu nhau
0
Thực lòng có sao cũng bằng lòng cá lội
có vui có buồn có lận đận thế thôi
như nửa chiều bên này tầm tã mưa rơi
anh đi bên kia sao sợ lòng T ướt...
ĐH

TỨ TUYỆT LÊ NGỌC THUẬN


MỘT
Mặt em mọc nốt ruồi say
Tóc em đã có sợi ngày sợi đêm
Tình em nằm giữa gọng kềm
Khuya trăng lạnh cứng ngoài thềm lá rơi

HAI
Chắc em không phải hồ ly
Mảnh mai nhẹ bổng bước đi mơ hồ
Chắc em khộng phải thánh cô
Để ta còn ngắm trầm trồ líu lo

BA
Ngồi đây với cỏ chao lòng
Nghe mưa nặng nhẹ ròng ròng chưởi ta
Rằng mày không phải là ma
Mà là ngọn gió la đà khộng thôi

LNT

CHIỀU VÀ EM - TRƯƠNG ĐẠM THỦY


em trôi mênh mông chiều
con đường
góc phố
có buồn không những bước chân không chỗ đến
nhưng mối tình bỏ qua vai
nhưng hoài niệm trập trùng hư ảo

em trôi qua những quán cà phê
nhấp nhô những khuôn mặt lạ
trôi qua giọt đắng
trôi qua hẹn hò...

chiều rủ em đi
xa anh nghìn trùng
mỏng manh chiếc lá
rồi đem mưa giông làm sao theo cùng......
trăm ngả

trăm ngả đường chiều thoi thóp
trăm ngả tìm nhau quẩn quanh thôi
anh gọi em gọi em...trong gió
sao không nghe hoàng hôn trả lời

Trich Hát Xẩm Giữa Đêm,Hội Nhà Văn 2008

TĐT

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2010 (KỲ 38)

NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

381 - Lê Minh Đức
“BI KỊCH LỚN NHẤT ĐỜI TÔI”
Cán bộ về hưu sinh 1921 tại Vĩnh Long. Sống ở TPHCM (2010).
Được Pháp đào tạo làm thợ cơ khí ở Vĩnh Long nhưng sau đó bỏ về quê tham gia kháng chiến chống Pháp, lập xưởng chế tạo vũ khí cho dân quân. Đến 1954 tập kết ra Bắc.
Tại miền Bắc chuyển qua làm ngành đường sắt trở thành một trong những Anh hùng Lao động đầu tiên thời này qua nhiều thành tích tổ chức bảo vệ các tuyến đường trọng điểm chống máy bay Mỹ đánh phá. Sau đó tiếp tục phụ trách công tác khôi phục hệ thống đường sắt miền Nam sau chiến tranh, làm đến Tổng cục phó Đường sắt, đại biểu Quốc hội 5 khóa liền.
Bao nhiêu công trạng như vậy mà đến sau ngày về hưu vào những năm cuối thập niên 1980 lại gặp phải “bi kịch lớn nhất đời” là con trai duy nhất - Lê Minh Hải biệt danh “Hải Robert” - làm giám đốc công ty xuất nhập khẩu ở Vũng Tàu bị đưa ra toà vì tội tham nhũng trong vụ Tamexco ở TPHCM vụ án kinh tế lớn đầu tiên cả nước, lãnh án tử hình!
Người cha già “Anh hùng” một thời nay thân cô thế cô không còn cách nào hơn là vác đơn chạy khắp nơi cho con được giảm tội. Thậm chí còn thay lụât sư tự tay viết cả bản tự bào chữa cho con trước tòa vì “Dù sao tôi vẫn hy vọng cho đến chết”.
Cuối cùng con được giảm án xuống còn chung thân và giữa năm 2010 được hưởng đặc xá sau 10 năm nằm tù. Nhưng vết thương lòng thì: “Trong cuộc đời mình tôi đã sửa chữa biết bao nhiêu máy móc, đầu máy, toa xe, cầu đường. Vậy nhưng thử hỏi trên thế gian này có người thợ chân chính nào chữa lành được nỗi đau của con người?”
Người con sau khi ra tù đã tìm cách chuộc lỗi với cha bằng cách cùng một vài bạn tù “có máu mặt” khác – nguyên “đại gia”! - cũng mới được ân xá lập Quỹ Hoàn lương nhằm giúp các bạn tù đồng cảnh ngộ có điều kiện làm lại cuộc đời.

382 - Nguyễn Văn Bảo
THƯƠNG BINH NUÔI GIA ĐÌNH 7 MIỆNG ĂN
Thương binh sinh 1951 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2007).
Bộ đội chiến đấu ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị bị nhiễm CĐDC. Năm 1981 phục viên với một mảnh đạn còn nằm trong khớp đầu gối, chân phải bị co rút lại ngắn hơn chân trái 3 phân.
Sinh 3 con đều mắc hội chứng CĐDC trong đó 2 con bị thiểu năng trí tuệ không đi học được. Tiền trợ cấp bệnh không ăn thua gì nên vợ phải nghỉ làm hộ lý ở bệnh viện về bán dưa cà muối tại nhà để chăm sóc con.
Bản thân bệnh tật thường xuyên mà phải mang gánh nặng cả gia đình 8 miệng ăn trong đó ngoài 2 con mắc CĐDC (con đầu bị nhẹ nên lấy vợ ở riêng) còn một mẹ già 95 tuổi không tưởng tượng nổi sao vẫn sống bám vào nhau được?

383 - Nguyễn Văn Bình
ĐẠO CÔNG GIÁO GIỮA 2 LÀN NƯỚC
Tu sĩ Thiên Chúa giáo sinh 1910 tại Long An – Mất 1995 ở TPHCM (85 tuổi).
Nhậm chức Tổng Giám mục Sài Gòn từ năm 1960 từng được dư luận xem là người ủng hộ chế độ Nguyễn Văn Thiệu khi vợ chồng vị tổng thống này thường xuyên đi dự thánh lễ sáng chủ nhật ở nhà thờ Chánh tòa do ông làm chủ lễ.
Nhưng trước khi xảy ra biến cố 30.4.75, Toà thánh Vatican liệu trước tình hình đã đưa Tổng Giám mục địa phận Nha Trang là Nguyễn Văn Thuận (cháu ruột cố Tổng thống Ngô Đình Diệm) được xem là thân chính quyền Sài Gòn về Sài Gòn làm Phó Tổng GM “kế thừa” chức Tổng GM. Lập tức bị chính quyền cộng sản bác bỏ, bắt TGM Thuận quay lại Nha Trang. Điều này đặt ra nghi vấn phải chăng Vatican không “tin” TGM Bình, ngược lại với chính quyền cộng sản?
Trên thực tế, dường như TGM Bình có mối cảm tình nào đó với khuynh hướng hoạt động xã hội cấp tiến kêu gọi hòa bình cho đất nước của nhóm trí thức, chính trị gia Nam bộ (có người em ruột tham gia tích cực nhóm này). Vào những ngày cuối cùng của chế độ Thiệu, ông đã có lời kêu gọi Thiệu từ chức. Có lẽ nhờ đó mà ông được chính quyền cộng sản chấp nhận “cộng tác” một thời gian dài cho đến ngày ông về hưu an dưỡng ở đại chủng viện TPHCM năm 1993, gần ba năm trước khi mất
Cuộc hợp tác này diễn ra không đơn giản, song suốt mà bên trong luôn có những đợt sóng ngầm va chạm giữa đôi bên, một bên là quan điểm cộng sản thời này còn cực đoan chống đạo Thiên Chúa quyết liệt và một bên là nhà thờ mà đại diện là TGM Bình vừa có truyền thống chống Cộng vừa phải cố gắng làm sao giữ vững được đức tin, bảo vệ cộng đồng giáo dân hướng đến sự tiếp tục phát triển tôn giáo của mình đồng thời không đứng bên ngoài đà vận động lịch sử của cả đất nước, dân tộc đã thống nhất. Đó là một sự chọn lựa đầy khó khăn, một sứ mệnh đưa Công giáo chấp nhận “dấn thân” vào xã hội cộng sản mà không để mất bản sắc thể hiện qua lời xác quyết dứt khoát “Là người Công giáo, chúng ta gặp Chúa trong cuộc sống của dân tộc và đức tin không góp phần xây dựng trần thế là đức tin chết.”
Để làm được điều đó, ông nỗ lực luôn giữ cho cân bằng cán cân chính quyền – Công giáo nhất là trong việc đấu tranh đòi trả tự do cho một số tu sĩ bị bắt giam vì lý do chính trị, yêu cầu tạo điều kiện cho giáo đoàn hoạt dộng, tổ chức đào tạo thế hệ tu sĩ kế thừa, phản đối việc thành lập tổ chức Ủy ban Đoàn kết Công giáo VN “phá hoại” tổ chức Công giáo chính thống.…
Một lãnh đạo tôn giáo đứng mũi chịu sào như vậy tất phải chịu những sự đánh giá đối nghịch nhau từ 2 phía thuận và nghịch nhưng lịch sử cần ghi nhận công lao của một TGM “hòa giải” đã đặt những viên gạch đầu tiên cho mối quan hệ VN – Vatican dần “ấm lên” từ thập niên 1990… Dù rằng hẳn là vì vậy mà không được Vatican tấn phong Hồng y dù Vatican đã nhanh chóng làm việc này từ năm 1976 với TGM Trịnh Văn Căn ở Hà Nội, vị Hồng y đầu tiên của VN.

384 Nguyễn văn Chính
TIẾP TỤC KÊU OAN... SAU KHI CHẾT!
Thường dân sinh 1943 tại Long An. Sống ở Long An (2009).
Tham gia chiến đấu thời chống Mỹ, là thương binh có mẹ là Bà mẹ VN Anh hùng.
Đầu năm 1976 được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Thương nghiệp – Vật tư huyện Bến Lứt, Long An.
Nhưng mới được nửa năm thì đột ngột bị bắt giam rồi đưa ra tòa lãnh án 3 năm tù vì tội tham ô do một số tiền lớn trong ngân quỹ bị thất thoát không biết đi đâu. Dù kêu oan nhưng ở thời điểm đó chẳng ai nghe!
Ra tù rồi vẫn chưa yên mà phải bán hết tài sản, vay mượn thêm để đền bù số tiền bị nghi tham nhũng. Sau đó phải chuyển cả gia đình đi ở chỗ khác để tránh tiếng xấu với xóm giềng một gia đình có công cách mạng mà lại phạm tội tham ô của công. Cả mấy cha con đành làm nghề lơ xe đuờng dài sống qua ngày.
Mãi đến năm 1999 vụ án tình cờ phát hiện tình tiết mới là một công ty khác trong huyện xem lại sổ sách mới thấy mình “nhận lầm” một khoản tiền do Phòng Thương nghiệp – Vật tư Bến Lứt… trả nợ chuyển nhầm cho, ấy chính là số tiền bị thất thoát kể trên! Vào thời sau Giải phóng, công tác quản lý còn lung tung, rối ren, làm theo quán tính, cảm tính nên những sự cố như vậy – việc kiểm tra chi thu hàng năm kể cả điều tra, xét xử vụ án – đúng là “chuyện thường ngày ở huyện”!
Tuy nhiên đáng lẽ sau khi biết rõ sự thật (cơ quan nhận nhầm tiền đã trả lại), các cơ quan pháp luật chức năng phải nhanh chóng làm thủ tục hủy bản án cũ để trả lại danh dự cho nạn nhân oan sai nhưng thực tế có vẻ như phía chịu trách nhiệm – công an, toà án - vẫn giữ “im lặng đáng sợ” cố tình cho chìm xuồng luôn.
Nhưng đương sự đâu chịu, bắt đầu khiếu nại nên mãi đến năm 2001 toà án Long An mới có động thái “bán cái” buộc đương sự phải làm đơn lên Toà án Nhân dân Tối cao theo kiểu “xin – cho”. Rồi hai cấp toà án này cứ đá qua đá lại đến năm 2009 vẫn chưa bên nào chịu nhận cái sai về phần mình để giải oan cho ngươì tù ngoài ý muốn này.
Thế nên người thương binh lại tiến hành cuộc chiến mới kêu oan đến cùng. Khi thấy mình đã đến tuổi gần đất xa trời rồi mà cái án oan 33 năm vẫn chưa được xoá làm xấu hổ gia phong nên quyết tâm lập một di chúc để lại cho con cháu bắt phải tiếp tục đòi công lý kể cả sau khi mình đã qua đời!

385 - Nguyễn Văn Dung
NUÔI CẢ VỢ CON LẪN CHÁU ĐỒNG ĐỘI HY SINH
Cán bộ về hưu sinh 1924 tại Quảng Nam. Sống ở Nghệ An (2006).
Gia đình có đến 7 anh chị em bị quân Pháp bắn chết nên tham gia đánh Pháp từ khi còn rất trẻ, bị trúng đạn pháo địch phải cưa một chân phải, từ đó chống nạng mà đi.
Năm 1954 xuống tàu tập kết ra Bắc. Lúc đó đã có vợ vừa sinh con được 2 tháng tuổi muốn theo chồng đi Bắc nhưng bị gia đình chống Cộng ngăn cản nên treo cổ tự vẫn làm đứa con khát sữa mẹ không ai chăm nom cũng chết theo luôn!
Nỗi đau đời riêng này từ đó đeo đuổi suốt cuộc đời kể cả khi ra Bắc làm cán bộ vẫn không dám nghĩ đến việc lập gia đình lần nữa.
Ở miền Bắc do là thương binh nên được chuyển ngành qua làm cán bộ một công ty ăn uống ở TP Vinh rồi làm quen kết nghĩa anh em với một bộ đội cùng quê cũng tập kết. Từ đó hết lòng cưu mang, giúp đỡ người em kết nghĩa này sau đó được xuất ngũ theo học ĐH Nông nghiệp, rối tốt nghiệp phân công về làm việc ở nông trường ở Sơn La. Tiếp tục lo cho người em cưới vợï người Hà Tĩnh sinh được một con trai.
Năm 1965 khi chiến tranh ở miền Nam bùng phát, người em kết nghĩa tình nguyện đi B với mong ước về lại quê hương Quảng Nam chiến đấu. Trước khi lên đường, người em đã gửi gắm vợ con (còn ở Sơn La) lại cho người anh kết nghĩa kể cả khi không may mình phải hy sinh và người anh sẵn sàng nhận lời: “Chú có hy sinh thì tôi và Tổ quốc sẽ không bỏ rơi vợ con chú đâu.”
Năm 1971 tin từ miền Nam đưa về người em mất tích, thế là người anh kết nghĩa tìm cách đi dò hỏi khắp nơi xác nhận quả là người em đã hy sinh. Khi đó mới lên Sơn La đón vợ con ngươì em kết nghĩa đưa về Nghệ An, xin cho ngườì vợ đi học trường thống kê ở Hà Tây, còn đứa con ở lại thì tự mình nuôi dưỡng. Khi người vợ tốt nghiệp, lại xin cho làm việc ngay trong tỉnh để ở gần con. Rồi tự tay mình cuốc đất lấp hố bom trên một mảnh đất hoang làm nhà cho 2 mẹ con ở.
Sau khi hòa bình lập lại, đến năm 1977 mới có giấy báo tử người em kết nghĩa, bấy giờ mới lấy tiền dành dụm đưa cho vợ bạn làm lộ phí vào Nam đến chiến trường Kon Tum tìm mộ chồng nhưng mấy lần đi đều không kết quả. Sau này được các đồng đội trở về cho biết người em làm nhiệm vụ bảo vệ kho đạn bị pháo địch bắn trúng làm nổ tung tan xác tất cả.
Năm 1983 vợ bạn mắc bệnh lao cột sống nằm liệt giường cả 10 năm trời khiến mình phải xin nghỉ hưu sớm mới có thì giờ đi đi về về bệnh viện thăm nom bà em dâu kết nghĩa. Ngoài ra còn phải làm thêm việc nuôi lợn, trồng rau, nấu rượu để có thêm tiền giúp 2 mẹ con bà, nhất là khi người con phải ra tận Đà Nẵng học trường trung cấp lương thực.
Người con tốt nghiệp rồi lại một tay ông xin việc làm cũng ở TP Vinh. Rồi người con lấy vợ, cũng một mình ông lo liệu mọi việc, phải đi vay mượn mới có tiền cho mẹ con bạn làm lễ rước dâu.
Người con sinh được hai con thì đúng vào lúc đó xảy ra việc cơ quan tinh giản biên chế đẩy anh vào diện nghỉ việc không ăn lương. Thế là ông bác kết nghĩa phải cắt một miếng đất nhà mình được cấp bán lấy tiền cho 2 vợ chồng vào Ninh Thuận làm thuê làm mướn kiếm sống, để lại quê 2 đứa con cho ông bác nuôi, kể cả lo cho chúng ăn học đàng hoàng. Chẳng những thế, hàng năm, ông còn cấp tiền để vợ bạn đưa 2 cháu vào Ninh Thuận thăm bố mẹ! Tất cả chỉ vì một lời hứa với người em kết nghĩa cách đây đã 40 năm.
Vậy mà chẳng bao giờ có lấy một lời than vãn, chỉ có lo lỡ mình mất rồi thì vợ bạn, cháu bạn biết nương tựa vào ai: “Bà ấy khổ, 2 đứa cháu khổ, tui xuống suối vàng gặp chú ấy khó nói lắm!”

386 - Nguyễn Văn Đông
KHÔNG ĐI H.O
Nhạc sĩ sinh 1932 tại Sài Gòn. Sống ở TPHCM (2010).
Một nhạc sĩ tài hoa đa năng trước 75 nổi tiếng với số ít bài “nhạc lính” có phong cách sang trọng, sâu sắc hơn “nhạc lính” phổ thông của Trần Thiện Thanh – với 2 ca khúc nổi bật nhất “Chiều mưa biên giới” và “Mấy dặm sơn khê” – tuy còn làm nhiều bài hát tình cảm nhưng ký tên khác. Đặc biệt “Chiều mưa biên giới” đã được Trần Văn Trạch biểu diễn trên đài phát thanh Pháp từ những năm 1960.
Ngoài ra còn làm trưởng đoàn văn nghệ chính quyền chế độ cũ, tổ chức đại nhạc hội, trưởng ban ca nhạc đài phát thanh, chủ hãng đĩa… Chưa hết, đồng thời cũng là một sĩ quan quân đội cao cấp, đại tá Bộ Tổng tham mưu. Nhưng năm 1961 chính 2 bài “Chiều mưa biên giới” và “Mấy dặm sơn khê” lại bị chế độ cũ cấm vì lý do mang hơi hướm “phản chiến”.
Đương nhiên một nhân vật quan chức văn nghệ VNCH cộm cán như thế sau 75 phải đi học tập cải tạo dài hạn thôi, 10 năm.
Năm 1985 được trả về nhà trong tình trạng suy sụp cả tinh thần lẫn thể xác, mang đủ thứ bệnh (có khi phải chống nạng mới đi được). Vì thế tuy quá dư tiêu chuẩn để đi H.O bảo lãnh qua Mỹ nhưng lại từ khước với lý do sau này kể lại: “Có lúc tôi đã nghĩ mình không còn sống được bao lâu nữa nên chẳng còn thiết tha bất cứ chuyện gì nữa, chỉ muốn từ bỏ tất cả để được thảnh thơi yên nghỉ vào cuối đời.”
May mà nhờ trời sau nhiều năm nằm viện, bệnh thuyên giảm. Từ đó lui về sống ẩn dật tránh tiếp xúc nhiều với bên ngoài, lo phụ vợ bán cửa hàng tạp hóa nhỏ sống qua ngày. Và tìm an ủi khuây khỏa bằng việc tham gia các hoạt động từ thiện.
Năm 2004 một tập nhạc gồm 10 ca khúc của ông đã được phép in và phát hành trong nước. Nhưng toàn bài tình ca, không có 2 bài “Chiều mưa biên giới” và “Mấy dặm sơn khê” đã làm nên tên tuổi mình cũng là 2 bài bị cấm cả 2 chế độ đối nghịch nhau!

387 - Nguyễn Văn Hai
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 16
Thương binh sinh 1935 tại Bến Tre. Sống ở Bến Tre (2008).
Mới sinh ra đã mồ côi ở với bà ngoại, đến 10 tuổi khi bà ngoại sắp qua đời đã gửi gắm lại cho một bà mẹ nuôi trở thành “Thằng Hai chăn trâu”. Năm 18 tuổi được mẹ nuôi cưới vợ cho rồi tham gia du kích xã sau đó chuyển qua bộ đội.
Từ đó theo bộ đội hành quân xa không tin tức về nhà, đến năm 1965 mẹ nuôi nhận được giấy báo tử mà mãi đến năm 1997 mới được chính thức công nhận liệt sĩ.
Nhưng trên thực tế liệt sĩ này chưa chết mà bị thương nặng rồi thất lạc đơn vị, sau đó được một đơn vị khác cứu sống sau khi phải giải phẫu nhiều vết thương ở tay (một tay phải ghép với thanh inox), ở bụng (bị đạn bắn thủng bụng được mổ lấy ra) nhưng còn một mảnh đạn pháo nằm dưới dái tai không dám gắp ra sợ nguy hiểm tính mạng. Có lẽ từ đó mà thường xuyên bị lên cơn động kinh và có những hành động bất bình thường. Vì thế khi đưa ra Bắc nằm viện an dưỡng đã bỏ ra ngoài đi lang thang rối lạc đường luôn!
Thế là từ đó đành phải làm thuê vặt vãnh bất cứ việc gì nặng nhọc vất vả để kiếm sống qua ngày, một thân một mình lưu lạc từ nơi này qua nơi khác. Năm 1969 lưu lạc tới Ninh Bình được một mẹ già nuôi dưỡng. Khi bà mất lại lần đường qua Quảng Ninh làm nghề nhặt than độ nhật, tại đây cũng được một gia đình cưu mang. Năm 1984 tình cờ gặp một doanh nhân thuơng tình mới đưa về làm cùng ở cơ sở bớt được việc nặng nhọc. Nhưng được một thời gian sau cơ sở kinh doanh đó đóng cửa nên lại ra đường sống đời giang hồ tứ cố vô thân. Đến năm 1991 lại được người ân nhân cũ đem ra đảo Tuần Châu cho làm giữ kho.
Trong thời gian trên do tâm thần bất định cứ hay bỏ đi lang thang đây đó, đi rồi về rồi về lại đi nên không ai biết chút gì xuất xứ tông tích của ông. Mãi đến cuối năm 2007 khi đã có việc làm và cuộc sống tương đối ổn định ở Tuần Châu nhờ đó dành dụm được ít tiền mới tâm sự với vị ân nhân này lai lịch thương binh của mình (còn giữ giấy giám định thương tật) và tỏ nguyện vọng tìm về quê Bến Tre tìm thân nhân.
Từ đó mới được 2 người bạn cũ thời từng sống ở Ninh Bình và Quảng Ninh “hộ tống” về Bến Tre gặp lại bà mẹ nuôi 92 tuổi mắt đã lòa song vẫn còn nhận ra đứa con nuôi, ôm con oà khóc mà rằng “Thằng Hai con tôi đây mà.”

388 - Nguyễn Văn Hảo
NGƯỜI GIỮ LẠI 16 TẤN VÀNG
Doanh nhân sinh 1942 tại miền Nam. Sống ở TPHCM (2010).
Tiến sĩ kinh tế tài chính du học Mỹ, về nước từng làm Thống đốc Ngân hàng quốc gia chế độ Sài Gòn cũ.
Trước biến cố 30.4.75 là Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm liên lạc giữa chính quyền và Tòa Đại sứ Mỹ. Với chức vụ này đã có động thái ngăn chận âm mưu của phe cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu muốn đưa 16 tấn vàng tài sản quốc gia cất trong Ngân hàng quốc gia ra nước ngoài, theo đó đã cảnh báo với quyền Tổng thống Trần Văn Hương rằng nếu làm vậy sẽ mang tội phản quốc!
Sau đó vẫn ở lại cộng tác với chính quyền cộng sản, góp ý về công tác điều hành kinh tế tài chính đúng như Đại sứ Mỹ Martin đã mỉa mai: “Ông ta đã tưởng tượng là có thể sống chung được với cộng sản”. Tuy nhiên thời đó quan điểm phát triển kinh tế tư nhân như ông đề xuất quá khác biệt với chủ nghĩa kinh tế tập trung bao cấp nên khó được chấp nhận. Thấy không thể làm được gì hơn nên sau đó được phép ra nước ngoài sinh sống.
Đến năm 1992 vào thời Đổi mới được mời về lại giúp tạo mối quan hệ với các đối tác nước ngoài cũng như vận động Mỹ bãi bỏ cấm vận, bất chấp bị các thế lực chống đối ở hải ngoại tố là đã nhận hối lộ của cộng sản!
Hiện cả 2 vợ chồng ở lại luôn TPHCM tham gia vào một liên doanh xây dựng và quản lý khách sạn quốc tế.

389 - Nguyễn Văn Hằng
NHỐT CON ĐIÊN 2
Thường dân sinh tại Thái Bình. Sống ở Thái Bình (2004).
Cựu chiến binh trên chiến trường miền Nam.
Sau 75 xuất ngũ về lấùy vợ. Năm 1983 sinh một con gái bị nhiễm CĐDC lớn lên mắc bệnh tâm thần nặng thấy cái gì cũng ăn, thậm chí còn xé áo quần và bóc cả da mình để ăn!
Không nỡ đưa con vào trại tâm thần mà ở nhà cũng không quản nổi nên cuối cùng đành làm một cái cũi… nhốt con vào đó, tay chân phải xiềng lại! Bản thân mình mỗi bữa ăn phải tự tay đút cho con ăn, vuốt ve an ủi con và đó là những giây phút hiếm hoi cô gái như hồi tỉnh lại đôi chút…

390 - Nguyễn Văn Hòa
MANG TỘI “BUÔN NGƯỜI” VƯỢT BIÊN
Việt kiều sinh 1957 tại VN. Sống ở Úc (2004).
Cựu sĩ quan VNCH nên sau 75 trốn trình diện bỏ vào rừng 6 năm mưu đồ chống lại chế độ mới. Cuối cùng bị bắt đưa ra tòa năm 1985 lĩnh án 20 năm tù giam.
Năm 1991 trốn trại vuợt biên đến trại tị nạn rồi được qua Uc năm 1994, nhập quốc tịch năm 1997.
Đến năm 2003 lại bay về VN tiếp tục ý đồ tổ chức chống phá chế độ cộng sản (rải truyền đơn) nhưng âm mưu bại lộ buộc phải tìm cách tổ chức cho các “chiến hữu” và gia đình (53 người) vượt biên tránh bị công an bắt giữ.
Chuyến đi trót lọt nhưng đến Indonesia không được tiếp nhận nên phải hướng qua Uùc. Tuy nhiên khi gần đến bờ biển Uùc thì bị chính quyền sở tại ngăn chận và bắt giữ cả tàu vì xâm nhập lãnh hải không có phép.
Toàn bộ chiếc tàu bị giữ lại ngoài khơi, còn bản thân “chủ tàu” tổ chức chuyến đi bị đưa ra tòa kết án 5 năm tù theo tội danh tội “buôn người”. Bản án được tòa đánh giá là “tối thiểu” vì đã có sự thông cảm với hoàn cảnh bị can do lúc này luật Uùc chưa có điều khoản nào ứng với trường hợp tổ chức vượt biên mang tính nhân đạo này!
(Còn tiếp)

THƠ TẶNG MỘT NGƯỜI TÊN H

Em hớp hết hồn anh
Ngay buổi đầu gặp gỡ
Phải chăng là duyên nợ
Từ tiền kiếp phải không
0
Em là cả mùa xuân
Rợn tình Vương Chiêu Quân
Anh về qua ngõ trúc
Say màu mắt thanh bình...
0
Em quất vào đời anh
Mênh mang ngày tháng nhớ
Tự nhiên thành gã khờ
Yêu cuồng điên,lầm lỡ...
0
Em gần như hơi thở
Thở để sống mỗi ngày
Yêu em- thời khốn khó
Anh bay như là mây...
0
Anh chạy dài như ngựa
Cũng không kịp tình em
Đứng bên trời lớ ngớ
Nghe mùa vàng truân chuyên
TDL

SƠ HUYỀN - TUỆ SỸ

Tang thương một giải tóc huyền
Bãi dâu ngàn suối mấy miền hoang vu
Gởi thân gió cuốn sa mù
Áo xanh cát trắng trời thu muộn màng
Chênh vênh hoa đỏ nắng vàng
Gót xiêu dốc núi vai mang mây chiều
Tóc huyền loạn cả nguyên tiêu
Lãng du ai ngở cô liêu bạc đầu
TS

SÔNG VÀ TA - THÁI NGỌC SAN


sông trôi về đâu hởi sông
sao sông không là ta sao ta không là sông
có phải cuối đường sông trôi về biển
có phải cuối đời ta trôi về hư không

sông trôi về đâu hởi sông
có bao giờ sông chảy ngược dòng
có bao giờ đời ta trẻ lại
sao tháng ngày sông không trôi luôn

ngày mai khi sông từ giả biển khơi
ngày mai khi ta từ bỏ cõi đời
biết sông có còn là sông nữa
biết ta có còn là ta không

TNS
Văn Học 1965

KHÓI ĐỒNG ƠI - TRẦN VẠN GIÃ


Tìm chi ta hãy về đây
Gió còn hát với hàng cây bên đường

Thời gian bảng lảng khói sương
Làm sao đong đếm giận thương chuyện đời

Dù đi cùng đất cuối trời
Càng xa càng nhớ những lời ngày xưa

Nhớ nguồn không hỡi giọt mưa
Mùa trăng đã khuyết sao chưa thấy về

Nơi đây ghềnh thác nhiêu khê
Nợ tình nghiệt ngã trên mê lộ này

Khói đồng ơi gió cứ bay
Còn tôi gõ nhịp tiếng chày công phu

TVG

VỚI DÒNG SÔNG - VIÊM TỊNH


bởi hiện thực đang đồng hành
cùng huyền hoặc
cuộc gặp gở như cuộc vui
giữa nỗi đau ám ảnh chia cắt
anh và em

những bước chạy đổ oà
mơ hồ ảo ảnh
tình yêu thăng hoa
màu huyền hồ lung linh nguyệt tận
để nhớ về nhau
rất siêu thực
chiếc hôn tham lam vỡ từng mãnh
nồng nàn
anh và em thăm thẳm
chậm lại tiếng nấc chênh vênh hạnh phúc
em cho anh từ ranh giới tử sinh

sông là em, biển cũng là em
ngọn gió sắc sương bình minh
gói trọn tất lòng cố quận
em, một thời của anh
không phải lang thang trong phố lặng
hơi thở cuộc sống
hương hoa

những ngón tay vội vàng nắm chặt vào nhau
em còn nhớ
anh còn mê sảng
những mùa mưa nắng trong con phố già cổi
tình yêu trẻ mãi với dòng sông
bình yên

VT

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2010 ( KỲ 37)


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

371 - Đức Huy
NHIỀU NHẠC HAY NHẤT TRÊN ĐẤT MỸ
Nhạc sĩ Việt kiều tên thật Đặng Đức Huy sinh 1947 tại Sơn Tây. Sống ở TPHCM (2010).
Trước 75 khi còn là sinh viên ĐH Văn khoa là một trong những nhạc sĩ trẻ thành danh trong phong trào nhạc trẻ Sài Gòn thập niên 60-70 cùng với những tên tuổi Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Trường Kỳ, Jo Marcel, Elvis Phương…
Trong biến cố 30.4 định theo gia đình (theo đạo Thiên Chúa) di tản nhưng lại đi… hụt, đến sân bay trễ nên bị rớt lại! Sau đó không lâu vượt biên đến trại tị nạn Philippines. Tại đây nhờ một nhà báo Mỹ quen biết giới thiệu đã tình nguyện làm… vú em cho 2 em bé con lai Mỹ mới 7 tháng tuổi (dù bản thân chưa có vợ con gì!) mới được theo chuyến bay qua Mỹ.
Đến California với trong tay chỉ vỏn vẹn 30 USD (chưa liên lạc được với gia đình đang ở xa tận miền Đông) bắt đầu xin việc làm phụ bếp nhà hàng rồi chuyển lên làm phục vụ khách.
Dần dần khi đời sống tương đối ổn định mới đi học thêm lớp nhạc chuyên nghiệp cấp đại học rồi tham gia các ban nhạc nghiệp dư ở San Francisco trình diễn ở các quán ba, nhà hàng. Từ đó theo chân một ban nhạc đi trình diễn lưu độïng trên các tàu du lịch đây đó đến tận Hawai, Tahiti, Mexico, Bahamas…
Chính trong thời gian này đã bùng nổ giai đoạn sáng tác thăng hoa với nhiều bài đặc sắc như “Yêu em dài lâu”, “Đừng xa em đêm nay”, “Và con tim đã vui trở lại”, Đường xa ướt mưa”, “Người tình trăm năm”, “Trái tim ngục tù”, “Như một dòng sông”… Có thể xem là nhạc sĩ hải ngoại sáng tác nhiều ca khúc đạt chất lượng cao đồng đều nhất trong giới nhạc sĩ lưu vong sau 75, tất cả nội dung đều “phi chính trị” chỉ thuần về về đề tài tình yêu đôi lứa.
Cũng từ đó gặp và lấy ca sĩ Thảo My. Rồi cùng vợ trở về lại California lập phòng thu âm nhạc song làm ăn không khá mới chuyển sang mở nhà hàng mà mình phải kiêm đủ việc từ nấu nướng đến hầu bàn. Nhưng kết quả làm ăn vẫn trầy trật, gia đình lâm vào cảnh khó khăn khiến dẫn đến vợ chồng ly dị ((có 3 con).
Lúc đó vào cuối năm 2003, lâm vào cảnh khủng hoảng mới bật ra quyết định về lại VN: “Ở Mỹ làm đĩa nhạc như mình mong muốn khó quá nhưng không phải làm nhạc mà ngồi văn phòng chẳng hạn thì lại khó làm được đối với người như tôi… Vậy nên tôi phải làm cái gì đó để vừa cứu mình mà lại lo được cho các con, đó là về VN…”
Bây giờ thời gian ở VN nhiều hơn ở Mỹ (còn 3 con ở đó) vừa sáng tác, làm album vừa trình diễn thường xuyên vẫn được nhiều fan hâm mộ qua hình ảnh người nhạc sĩ kiêm ca sĩ mang bộ đồ trắng giản dị ôm đàn guitar tự biên tự diễn những ca khúc trữ tình đầy nỗi niềm cô đơn sâu lắng qua giọng ca trầm ấm hơi hướng một thời nhạc trẻ đã qua nhưng không bao giờ tàn phai: “Trở về VN, yếu tố cân bằng được cuộc sống của tôi là tình người…”

372 - Lê Lựu
MỞ ĐƯỜNG GIAO LƯU VĂN HỌC VIỆT – MỸ
Nhà văn sinh 1942 tại Hưng Yên. Sống ở Hà Nội (2010).
Một nhà văn đúng nghĩa “vô sản” chân chính của chế độ cộng sản: Xuất thân nông dân đi bộ đội làm phóng viên chiến trường mặt trận Trường Sơn rồi qua Campuchia; sau đó về làm báo Văn nghệ Quân đội, lên tới hàm đại tá. Được đánh giá “viết như bản năng” và bản thân cũng thừa nhận mình là một “lão nhà quê ngờ nghệch”!
Trước 75 đã có 2 tác phẩm truyện ngắn xuất bản viết về đề tài bộ đội nhưng chỉ thực sự nổi tiếng vào giữa thập niên 80 với cuốn truyện “Thời xa vắng” năm 1986 viết về thân phận người nông dân trong xã hội hậu chiến bắt đầu bước vào kinh tế thị trường làm đổ nhào mọi bậc thanh giá trị cũ. Tác phẩm gây tiếng vang lớn dù có bị một số ý kiến bảo thủ phê phán, vẫn đoạt giải thưởng Hội Nhà văn VN, được đạo diễn Việt kiều Pháp chuyển thành phim truyện nhựa.
Cùng nhờ tác phẩm này đã trở thành nhà văn VN đầu tiên được giới nhà văn Mỹ mời qua giao lưu năm 1987 mở đường cho xu hướng “xếp lại quá khứ nhìn về tương lai” từ 2 phía.
Sau khi trở về viết bút ký “Một thời lầm lỗi” lại bị “đánh” về mặt lập trường quan điểm song cuối cùng vẫn trụ vững nhờ được Trung ương “cứu”!
Từ đó được xem là một nhà văn tiên phong “đổi mới” nên các tác phẩm sau tiếp tục bị giới “chống Đổi mới” chĩa mũi dùi “soi” kỹ, thậm chí còn tìm cách… kiện cáo nữa. Đó là trường hợp những cuốn “Trở lại nước Mỹ” 1989, “Đại tá không biết đùa” 1990, “Chuyện làng Cuội” 1993, “Sóng ở đáy sông” 1994…
Đùng một cái năm 2002 làm đơn xuất ngũ ra ngoài thành lập Trung tâm Văn hóa doanh nhân do mình làm giám đốc với mục đích hỗ trợ xây dựng một nền tảng văn hóa cho lực lượng doanh nhân đang trỗi lên trong nước. Một mục đích trong sáng, lành mạnh đã bị không ít nghi ngờ là chạy theo phong trào “nhà nhà làm giàu, người người làm giàu” bất kể thịnh hành trong xã hội VN hiện đại từ cuối thế kỷ trước. Một việc làm lạ lùng đối với một con người tự nhận mình gốc nông dân ít học, có thể vì đã chán ngán chốn trường văn trận bút có tiếng không có miếng mà lại hay bị “đánh” tơi tả vô tội vạ?
Thực sự thì không giàu lên nhờ đó mà còn bị tổn thất là không còn thời gian rảnh để sáng tác nữa trong khi tuổi già kéo đến sinh ra vô số bệnh tiềm ẩn từ thời chiến tranh gồm tiểu đường, tiền liệt tuyến, gan, thận, gút, khớp… Mỗi ngày phải uống… 10 nạm thuốc, mỗi nạm khoảng… 20 viên cộng 2 mũi tiêm! Ba lần bị tai biến nằm viện dài dài.
Đã vậy, trong đời riêng còn gặp thảm cảnh vợ bỏ con từ – giống như một phản ánh hiện thực trong tiểu thuyết thời hậu chiến của mình - khiến bây giờ hễ nhắc đến là cứ… khóc ròng!
Do bà vợ sau có lẽ thấy cảnh nhà không khá, nản lòng làm đơn ly dị; 2 con đời vợ sau này được nuôi nấng đàng hoàng lớn lên con gái làm ngành ngoại giao, con trai tốt nghiệp học viện báo chí mà lại chấp nhận bị cha từ để được phép… bán nhà chia tiền! Cả đơn ly dị lẫn thủ tục bán nhà đều được tiến hành ngay trong… bệnh viện nơi mình đang nằm điều trị. Sau đó cả 3 người thân yêu nhất kia đều… biến mất.
Chỉ có cô con gái duy nhất đời vợ trước ở quê lâu nay bị mình bỏ bê nay lại chính là người chịu khó thường xuyên lên chăm nom cho bố. Ra viện không còn nhà để về đành đến ở luôn tại cơ quan, xem như không còn người thân ở gần nên mọi việc chăm sóc phải nhờ nhân viên cơ quan!
Cuối cùng, niềm an ủi vẫn là viết dù phải nằm trên giường bệnh đọc cho đứa cháu đánh máy ghi lại: “Nhưng cũng phải ra được quyển sách thì mới thấy đời vui chứ không thể đau ốm nằm gậm nhấm quá khứ được… Nếu nhìn mình, nhìn ngang so với đồng đội bạn bè đồng nghiệp thì thấy mình sống vô tích sự, sống thừa nhiều quá…”
Tác phẩm mới nhất vừa hoàn thành như vậy đó được đặt tên là “Thời loạn”.

373 - Nguyễn Thiện Tâm
KHÔNG MUỐN LÀM CÁN BỘ, CHỈ MUỐN LÀM NÔNG DÂN
Doanh nhân sinh 1959 tại Cần Thơ. Sống ở Cần Thơ (2009).
Thủa nhỏ cha mẹ đi tham gia kháng chiến chống Mỹ, ở quê với ông bà, nhà nghèo thất học 16 tuổi vẫn còn mù chữ.
Sau 75 mới bắt đầu đi học buổi tối,. Tốt nghiệp cấp 3 thuộc diện gia đình cách mạng nên được đề nghị bố trí làm cán bộ nhưng lại từ chối vì từ hồi còøn ở quê vẫn ấp ủ giấc mơ đi… làm ruộng phát triển lên làm sao giúp đỡ cho dân nghèo nông dân. Bởi vậy mới về xem xét khai khẩn vùng Đồng Tháp Mười ở Long Xuyên.
Năm 1989 bắt tay vào việc, mua 12 hecta ruộng ở An Giang để gieo trồng nhưng trải qua hơn 10 năm đầu làm ăn thất bát liên tục. Đến năm 2000 mang nợ 90 lạng vàng đành lấy lúa thu hoạch được trả nợ rồi quay về Cần Thơ hai bàn tay trắng làm nghề… chạy xe ôm sống qua ngày.
Tuy nhiên vẫn chưa từ bỏ giấc mộng làm lúa nên tranh thủ thời gian tự học qua sách vở, theo các lớp tập huấn nông nghiệp để rèn kiến thức nghề nông cho có bài bản khoa học. Từ đó nảy ra kế hoạch chuyên làm lúa giống để bán cho nông dân.
Thế là năm 2006 ra tay làm nông quy mô lần thứ hai bằng cách lập ra một công ty ban đầu chỉ gồm… một mình mình, tiền đăng ký mở công ty phải đi mượn bạn bè, chỉ có cơ sở duy nhất là 12 hecta ruộng cũ còn nằm chờ ở Long Xuyên. Và may mắn lần này thì thành công, từ 12 hecta tăng lên 30 hécta năm 2008 rồi 500 hecta năm 2009 chuyên trồng lúa giống. Mở thêm công ty bán phân bón kèm cho nông dân…
Một thành công cảm thấy tự hào vì tự công sức mình bỏ ra, biết học hỏi cầu tiến, rút kinh nghiệm từ thực tiễn chứ không dựa dẫm vào cái “mác” lý lịch gia đình. Tuy phải trả giá khá đắt “Nhiều lần thức giấc cứ giật mình tưởng là… nằm mơ”!

374 - Nguyễn Thông Thái
“VƯỢT SÓNG”
Thường dân Việt kiều sinh 1952 tại Châu Đốc. Sống ở Mỹ (2006).
Hạ sĩ quan hải quân VNCH nên sau 75 chỉ đi cải tạo ngắn hạn trong khi bố sĩ quan phải đi cải tạo dài hạn ngoài Bắc.
Năm 1976 lấy vợ đi kinh tế mới ở Xuyên Mộc sống không nổi đành quay về quê Châu Đốc thì gặp nạn Khmer Đỏ phải đưa mẹ, vợ và 2 con chạy qua Cà Mau. Năm 1981 nhờ có nghề lính hải quân cũ nên được tham gia lái tàu vượt biên bỏ lại vợ con khiến gia đình tưởng mất tích hay chết rồi.
Nhưng sau đó lại quay về năm 1985 theo tổ chức phản động “phục quốc” chống phá nhà nước nên bị bắt tù 14 năm. Ở tù 6 năm rồi vợ mới biết tin đi thăm nuôi. Một mình người vợ phải tần tảo nuôi hai người tù cải tạo ở hai đầu đất nước, chồng ở cực Nam và cha chồng ở cực Bắc!
Cha chồng đi cải tạo về trước rồi đi HO qua Mỹ, tiếp đó mới đến con ra tù về lại Cà Mau sinh sống đắp đổi qua ngày. Sau đó bố mới bảo lãnh cho cả gia đình đi theo qua Mỹ năm 2004, chồng làm thợ tiện, vợ bán hàng chợ chờ ngày bảo lãnh cho 2 con gái đầu qua bây giờ mới thật là đoàn tụ gia đình.
Cuộc đời thăng trầm đủ mùi vị đắng cay này đã được dựng thành bộ phim truyện “Vượt sóng” ở Mỹ có mặt nữ diễn viên nổi tiếng Kiều Chinh.

375 - Nguyễn Thụy Long
THỜI NÀO CŨNG DƯỚI ĐÁY XÃ HỘI
Nhà văn sinh 1938 tại Hà Nội – Mất 2009 ở TPHCM (72 tuổi).
Trước 1975 từng đi lính chế độc cũ bị bỏ tù oan vì tội không đáng. Tù ra làm đủ nghề lao động thấp kém, lăn lộn trong giới bụi đời để kiếm sống.
Rồi ngẫu nhiên được bạn bè giúp đỡ trở thành nhà văn chuyên viết về tầng lớp dân nghèo khốn khó lao động chân tay vất vả mưu sinh mà mình từng trải qua. Có sức viết khoẻ, nổi tiếng nhất là tiểu thuyết “Loan mắt nhung” từng được chuyển thành phim truyện nhựa.
Sau 75 với quá trình là nhà văn chuyên viết về “giai cấp” bần cùng trong xã hội – đúng khuynh hướng hiện thực xã hội của chủ nghĩa cộng sản - cũng muốn tham gia, hòa nhập với chế độ mới. Được người quen cũ theo cách mạng giúp đỡ nên có tham gia viết báo nhưng có vẻ khó kiếm sống được do vẫn gặp không ít rào cản thành kiến nghi kị từ chế độ mới (đến những năm 1990 có được hứa hẹn in lại một số tập truyện, kể cả viết kịch bản phim định quay cho truyền hình nhưng hầu hết không đi đến đâu).
Cuối cùng đành lại quay về đời sống thường dân quen thuộc của lớp người lao động nghèo khốn trong xã hội. Được giới thiệu cho trông coi ao cá nằm trong ngỏ hẻm ngóc ngách của một phường nghèo ở Tân Bình mới dựng một căn lều lợp tạm kề đó sống lây lất cùng gia đình bên cạnh đống rác phế liệu. Được một nhà báo thương tình tặng cho chiếc máy chữ mới tinh để đánh bài thì cũng phải đem bán lấy tiền mua sữa cho con rồi quay về viết tay như cũ dù lớn tuổi mắt đã kém.
Rồi không biết sao lại bị bắt ở tù, “tù dưới 2 chế độ”!
Ra tù năm 1981 trong cảnh tứ cố vô thân, không cửa không nhà rốt cuộc phải quay về tá túc nhà mẹ trong xóm dân nghèo “chờ giải tỏa”. Mất vợ, mất con khi 2 vợ cũ đều bỏ đi vượt biên, vợ sau còn ôm con vượt biên thậm chí sau đó còn cấm con không được liên lạc về.
Lấy vợ khác cũng không yên thân, có khi viết văn xong phải đem đi giấu chỗ khác không cho vợ biết sợ vợ tố “báo công an”! Nhưng cũng vì thế mà một số bản thảo bị… thất lạc luôn! Sống 24 năm không có hộ khẩu lẫn giấy CMND.
Trong hoàn cảnh túng quẫn đó vẫn cố gắng duy trì thói quen viết truyện về những điều mắt thấy tai nghe về cảnh sống của lớp người dưới đáy xã hội của chế độ mới cũng không khác mấy chế độ cũ: “Trong đời cầm bút tôi chưa bao giờ viết lên được một nhân vật đẹp đẽ, tôi chỉ chuyên tìm con đường gai góc mà đi, những nhân vật ma chê quỷ hờn đã được thể hiện trên trang giấy…”.
Từ khi có nền “văn chương mạng” bắt đầu kiếm sống được nhờ nhuận bút tác phẩm gửi đăng trên mạng. Càng lúc càng viết nhiều đủ thể loại từ truyện ngắn, tiểu thuyết, tạp văn đến hồi ký (“Viết trên gác bút”, “Thuở mơ làm văn sĩ”…).
Văn đàn hải ngoại rất hồ hởi tiếp nhận một nhà văn chế độ cũ hồi sinh viết về những hiện tượng tiêu cực của chế độ mới. Nhưng tác giả lại thường viết với một quan điểm “hiện thực” hơn là chính trị nên có khi lại bị những đồng nghiệp cũ ở nước ngoài quay lại chống đối, cho là “viết theo đơn đặt hàng của chế độ mới” (“Hồi ức 40 năm làm báo”)!
Tất cả cay đắng mùi đời nhân tình thế thái đó đành chấp nhận thôi: “Tôi chấp nhận những cái không may đến với tôi. Tôi không mất gì vì chẳng còn gì mà mất, cứ coi là việc rong chơi qua ngày trong bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương…”

376 - Nguyễn Tiến Công
GIÁM ĐỐC MÙ CHƠI LIỀU
Doanh nhân sinh 1963 tại Hà Tĩnh. Sống ở Hà Nội (2003).
Vừa sinh ra đã mất mẹ, ở với mẹ kế bị bắt đi chăn trâu. Thế rồi trong một buổi đi chăn trâu vô tình gặp một toán biệt kích Mỹ ném lựu đạn làm mù 2 mắt.
Sau 75 đui mù sống ở quê khổ cực quá chịu không nổi nữa mới nghe lời khuyên của ngưòi lớn, một mình lần mò lên tàu lửa tìm ra Hà Nội hy vọng kiếm sống dễ hơn. Nhưng tại đây do người ngợm rách nát tang thương quá lại ngu ngơ nên bị tưởng lầm là… điên bị đưa vào trại… tâm thần!
Phải qua một thời gian mới làm cho người ta hiểu mình không phải là người điên nên được chuyển qua trại dành cho nguời khuyết tật. Được nuôi dưỡng và dạy nghề, học chữ nổi, âm nhạc, làm mì sợi, làm đinh gia công…
Năm 1980 khi trại có chủ trương giải tỏa bớt trại viên trả về nguyên quán, sợ bị bắt phải quay về quê không biết lấy gì mà sống nên… trốn khỏi trại đi ăn xin. Sống vất va vất vưởng không lối thoát khiến có lúc định đâm đầu vào tàu hỏa tự tử cho xong đời!
May sao được một bà cụ thương tình cho về nhà ở phụ giúp bà trông cháu. Từ đó nhờ người giới thiệu vào làm ở một công ty cao su của Hội Người mù.
Năm 1987 dành dụm được ít tiền bèn xin nghỉ làm công ty để ra ngoài mở một sạp cho thuê sách lề đường đặt tên là sạp Từ Thiện. Làm ăn tương đối cũng qua ngày được thì lại bị một kẻ xấu phá đang đêm lẻn vào cuỗm hết sách báo!
Người quen, khách thuê sách thấy vậy thương tình tìm cách giúp đỡ mở một quá cóc “lưu động” bán nước vỉa hè gồm một cái bàn gỗ có bánh xe trên đó chất sẵn vài cái ghế rồi buộc dây vào lưng chống gậy kéo đi, các đồ dùng khác như ấm chè, phích nước thì đeo trên 2 vai. Ay vậy mà cũng lây lất kiếm sống được 3 năm và còn được Hội Người khuyết tật vận động Nhà nước cấp cho một căn hộ bé tí tẹo.
Tiếp đó thì gặp chiến dịch chỉnh trang đô thị dẹp lòng lề đường năm 2000, thấy khó tồn tại được bèn “phóng” ra một quyết định làm mọi người bật ngửa: Dẹp quán cóc lưu động để ra mở… công ty! Một công ty đàng hoàng với mục tiêu hướng về người khuyết tật bất hạnh như mình với chủ truơng dùng lợi nhuận để giúp đỡ người khuyết tật, thuê họ vào làm, dạy nghề cho họ…
Bán lại căn hộ “chuồng chim” được cấp lấy tiền lo cho công ty, thuê một địa điểm khác làm trụ sở công ty và cũng là nơi ăn ở của mình lẫn nhân viên khuyết tật… Công ty mang tên Cty Phát triển việc làm Nhân Đạo với công việc chính giới thiệu việc làm và công việc phụ “kinh doanh đủ thứ” như in lụa, may khẩu trang, bán card ĐTDĐ, giới thiệu gia sư dạy kèm…
Công ty đã trụ được cũng 3 năm trong thế chênh vênh bởi giám đốc mù nên đã mấy lần bị… lừa khiến không ít lần suýt giải thể nên tương lai chưa biết bao giờ thì… phá sản!

377 - Nguyễn Trí Đới
“ĐỨA TRẺ 26 TUỔI” VÀ NGƯỜI MẸ NUÔI CÂM ĐIẾC
Người khuyết tật sinh 1982 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2008).
Là con út sinh ra trong một gia đình bất hạnh tận cùng vì nhiễm CĐDC qua chiến tranh, 26 năm chỉ nằm liệt trên giường không cử động được chân tay, chẳng nói năng được lời nào.
Trước đó là 5 anh chị thì người anh trai đầu đi chăn bò giẫm phải mìn chết năm 10 tuổi, còn lại 4 người khác cũng đã lần lượt qua đời vì bệnh tật CĐDC vô phương cứu chữa. Chỉ còn lại mỗi mình còn cha mẹ chăm sóc không ngờ đến đầu năm 2008 cả 2 ông bà thay nhau qua đời chỉ trong vòng 10 ngày!
Trời ơi, bây giờ ai lo nuôi nấng người thanh niên 26 tuổi với thể trạng và đầu óc của một đứa bé này tự ăn không được nữa là?
Đến đó thì phép lạ xảy ra: Một người đàn bà hàng xóm hơn 60 tuổi bị câm điếc từ nhỏ không chồng con – tên Nguyễn Thị Cầm quen gọi là “o Câm”– đã tự nguyện qua làm thay nhiệm vụ cha mẹ, tự tay chăm bón miếng ăn giấc ngủ, tắm rửa giặt giũ cho đứa con tàn tật người dưng.
Xã hội, cộng đồng ở đâu rồi khi cả 2 con người này – dù không “viết hoa” – đến lúc đó vẫn chưa hề hưởng được chính sách, chế độ Nhà nước nào?

378 - Nguyễn Trí Phước
TÂN “THIẾU PHỤ NAM XƯƠNG” hay LIỆT SĨ SỐNG LẠI 15
Bộ đội sinh 1932 tại Nghệ An – Mất 1975 ở Nghệ An (43 tuổi).
Tình nguyện vào Nam chiến đấu thay vì đựợc nhận ở lại dạy trường kỹ thuật, để lại vợ và một con gái ở quê nhà.
Từ chiến trường chỉ gửi 2 lá thư về cho vợ nhưng một viết bằng “mực lá cây” không đọc được. Vợ một mình vừa đi dạy học vừa làm lụng vất vả nuôi con lẫn mẹ chồng đau ốm triền miên cùng 3 em chồng ăn học. Đêm đêm con gái hỏi bố đâu thì mẹ vốn là cô giáo mới bắt chước chuyện “Thiếu phụ Nam Xương” chỉ lên tấm ảnh bố treo trên vách cho con thấy “Cha Phước” thời trai trẻ tươi đẹp thế nào.
Rồi năm 1968 mẹ chồng chết cùng lúc tin báo về “Cha Phước” đã hy sinh! Nhưng vẫn cố giấu con những mong gìn giữ hình ảnh đẹp của tấm ảnh treo tường. Và không chịu lấy chồng khác vì nhớ lời chồng “Con đã thiếu tình cảm của cha rồi, đừng để nó phải thiếu tình cảm của mẹ nữa.”
Thế rồi năm 1973 không ngờ “Cha Phước” trở về trong đợt trao trả tù binh đôi bên Cộng hòa – Cộng sản theo Hiệp định Paris, ban đầu còn sợ chưa dám về nhà vì nghĩ có thể vợ đã chia tay tái hôn rồi. Nhưng bây giờ trở về trong một bộ dạng khác hẳn bức ảnh trên vách: Mặt mày biến dạng khủng khiếp, lưng còm, nát hết hàm răng – như nhân vật thằng gù Quasimodo trong tiểu thuyết “Nhà thờ Đức bà Paris” của văn hào Pháp Victor Hugo - do hậu quả những năm tháng bị địch bắt tra tấn ở nhà tù Phú Quốc.
Vợ thì vẫn một lòng chung thủy nhưng cô con gái bé bỏng duy nhất sau 10 năm mới gặp nhất quyết không… nhận bố vì ”Cha Phước” trên ảnh khác hẳn một trời một vực! Không nói chuyện, không chịu ngồi gần bố, không cho bố ôm, không chịu chụp hình chung với bố: “Cái ý định có một tấm ảnh có anh, em và con để làm kỷ niệm sau những chuỗi ngày đau khổ, sống lại trở về thế là không đạt được!” Thậm chí con còn nói mẹ bị “lừa”, kể cả khi mẹ sắp có thêm em cũng không muốn nhận là em!
Người bố chỉ còn ngậm cay nuốt đắng, đành cầu xin được con gọi là “Chú bộ đội” cũng đỡ thỏa lòng phần nào: “Anh nghĩ rằng nếu như con không quen gọi anh bằng cha thì anh sẽ vui lòng cho phép con gọi anh là chú bộ đội để chú bộ đội được gần gũi bên cháu Tuyết Mai…”.
Những nỗi đau ray rứt thì còn mãi làm vết thương cũ tái phát qua đời khi vợ mới sinh đứa con “hậu chiến” được 3 ngày- hơn 6 tháng sau ngày giải phóng miền Nam. Ra đi với món nợ tình cảm vợ chồng: “Anh nợ em suốt cuộc đời này, nhiều lắm…” Nhưng vĩnh viễn vẫn chưa nghe được hai tiếng “Cha ơi” cho thật ấm lòng.
Một câu chuyện đời có thật giống hệt nội dung thiên truyện “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng mà bây giờ đứa con gái đó đã là một cô giáo dạy văn 46 tuổi mỗi lần soạn giáo án chuẩn bị lên lớp giảng truyện ngắn kinh điển này đều ràn rụa nước mắt ân hận, những giọt nước mắt muộn màng…

379 - Nguyễn Trung Hiếu
NGƯỜI “CỨU” LỬA
Công nhân Việt kiều sinh 1949 tại Sóc Trăng. Sống ở Mỹ (2010).
Chính là người thông dịch viên chế độ cũ đã góp phần gìn giữ bản thảo cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” nổi tiếng năm 2005 – 2006 với câu nói bất hủ khi phát hiện ra nó như một chiến lợi phẩm của quân Mỹ trước 1975: “Đừng đốt nó vì bản thân trong nó đã có lửa”.
Sau 75 đi học tập 8 năm, ở nhà vợ mất vì tai nạn để lại 3 con nên ra trại rơi vào trầm uất bế tắc kéo dài khi 4 em gái đã vượt biên còn người em út chán đời say xỉn tối ngày.
Đến 1984 cùng con trai 8 tuổi vượt biên từ Cần Thơ, 85 mới qua Mỹ. Sau đó mẹ dắt 2 con còn lại cùng vượt biên đoàn tụ.
Tạm ổn định cuộc sống với các con, chuẩn bị vốn liếng lấy vợ mới bằng cách chơi cổ phiếu thì… mất sạch 400.000 USD phá sản! May được người vợ mới giúp đỡ trả nợ giùm dù đám cưới bị phản đối do đôi bên khác tôn giáo. Điều trùng hợp khá lạ lùng là người vợ này có quê Quảng Ngãi gần nơi mà Đặng Thùy Trâm đã hy sinh.
Trong 13 năm làm công nhân thất nghiệp 4 lần, mấy lần đi học nghề khác. Sống ở Mỹ hơn 20 năm không có bạn bè một phần vì là người có tâm sự sống thu mình kín đáo (rất sợ chụp ảnh!), phần khác do bị nghi làm nghề… tình báo!
Không ngờ 35 năm sau lại được chị em của Đặng Thùy Trâm qua tận Mỹ cám ơn và tặng bản in cuốn sách mà mình từng đọc bản gốc năm nào và góp công giữ nó lại còn nguyên vẹn (cho người lính Mỹ mang về Mỹ sau đó). Ban đầu chưa dám tiếp xúc sợ bị dân chống Cộng hải ngoại gây khó dễ “chụp mũ”, sau mới có dịp trải hết tâm tư một con người rất có lòng nhưng còn mặc cảm.
Thời đi học tập từng làm thơ trong trại cải tạo:
“Trăng pha nỗi nhớ sao buồn quá
Biết đến bao giờ mới phôi pha?”
Và:
“Hôm qua tôi chết một lần
Hôm nay tôi chết thêm lần nữa…”
Còn bây giờ tâm hồn đã bớt phần nặng nề: “Đã có những người đi qua nhịp cầu ến với tôi. Nỗi đau khổ và đắng cay rớt đi mất, chỉ còn niềm thương yêu giữa con người với con người… Từ lâu tôi đã nghĩ người VN thì dù ở đâu cũng là bà con mình, mong sao xoá bỏ những khổ đau để có được một VN thanh bình thật sự trong lòng người. Chiến tranh ghê gớm quá!”
Chưa về nuớc lần nào song có cho con về thăm, lo chuyện mồ mã thân tộc.

380 - Nguyễn Trung Thành
NHÀ VĂN MÙ
Nhà văn nghiệp dư sinh tại Nghệ An. Sống ở Nghệ An (2008).
Năm mới học tiểu học đã bị bom Mỹ rơi trúng nhà khiến mù cả hai mắt. Lớn lên vẫn lấy vợ qua 10 năm sinh được 4 con, sống nhờ vợ làm lụng việc nông, mò cua bắt ốc.
Nhưng bất ngờ vợ bệnh nặng gia đình lâm vào túng quẫn buộc phải nhờ con gái đầu lòng bỏ học dắt mình đi ăn mày lang thang từ tỉnh này qua tỉnh khác, từ các tỉnh miền Trung ngược ra tới miền Bắc.
Đến năm 1994 trên đường đi ăn xin nhân được người khác đọc cho nghe một truyện ngắn có ý nghĩa tích cực mới bừng sáng tia hy vọng phấn đấu tự vượt khó: “Tôi không thể mãi là người hành khất. Mất ánh sáng đôi mắt, tôi còn bao người thân thiết, còn đôi bàn tay và khối óc...” Từ đó quay về quê cũ tìm cách làm lại cuộc đời.
Bắt đầu vào Hội Người mù học chữ nổi Braille rồi mon men ý định sáng tác. Để góp nhặt kiến thức cố dành dụm tiền mua sách nhờ vợ đọc cho nghe, nghe đài để rèn luyện năng khiếu viết văn có sẵn, nhờ người thân đưa “đi cơ sở” tìm tư liệu viết…
Rồi bắt tay vào viết bằng cách đọc cho vợ viết, buổi tối cả 2 vợ chồng phải mang đèn dầu ra ngoài sân ngồi bệt xuống đất để sáng tác nhường bàn ghế trong nhà cho con cái học bài. Nội dung, đề tài viết khởi đầu từ kinh nghiệm sống bản thân, xuyên suốt qua đó hướng về những mảnh đời bất hạnh như mình: “Với người bình thường cái chết chỉ đến một lần nhưng người mù phải chịu hai lần chết vì khi không nhìn thấy thế giới chung quanh cũng như đã chết rồi…”
Gửi sáng tác cho các đài báo địa phương và Trung uơng, kết quả nhiều tác phẩm đã được đăng tải, phát sóng vì tính chất “người thật việc thật” gây xúc động. Được độc giả ủng hộ gửi tặng cho một chiếc máy đánh chữ cũ. Để dễ phổ biến, chấp nhận viết đủ thể loại thơ văn, truyện ngắn, kịch truyền thanh.
Từ đó được tặng nhiều giải thưởng kể cả giải quốc tế (Hội Người mù Đông Á – Thái Bình Dương). Và xuất bản 7 tác phẩm gồm cả truyện ngắn, truyện dài, tiểu luận, thơ.
(Còn tiếp)

HƯ TƯỞNG - TỪ HOÀI TẤN

Tôi bỏ em vào túi áo rồi gài nắp lại
Suốt mùa thu không dỡ ra
Tôi bỏ em vào chiếc ly đầy nước
Bơi bập bềnh hết mùa hè
Tôi bỏ em vào trái tim tôi
Theo hồng cầu chu lưu cùng mạch máu
Có những điều không dự tưởng
Khi yêu
THT

SẦU KHÚC - THANH TÂM TUYỀN


1
Đêm về khuya tình đã vắng như màn trời
Này em đan cho anh những ảo tưởng
Với ngây thơ nào em còn sót

Ngày chưa lên gió cuồng trong hắt hủi
Bạn bè chia tay ném bỏ lại cô đơn
Một mình anh mang nặng

Con đường quen anh bước vào con mắt ráo hoảnh
Và chua cay rơi lá rụng trên hè
Vùng biển đen dâng chùm anh tịch mịch

Nỗi đêm im bập bềnh hòn đảo nổi
Bỗng trôi đi bàng hoàng
Hãy trói lại bằng tóc xoã như hồn em ngơ ngác
Cây mải miết không thưa rời lưu luyến
Đừng vội ném chuỗi cười xuống huyệt lạnh
Trên môi anh cúi nhìn dấu tích mối sầu

2
Anh chìa hai bàn tay khô héo
Nỗi tự do buồn phiền
Hai bàn tay những con đường cỏ cháy
Mùa hè thiêu đốt cả cô đơn
Em giữ lấyAnh còn đâu ngoài nỗi chết ôm ghì
Trong bóng đen trơ trụi nơi vàm sông
Anh tìm kiếm
Tuổi ấu thơ hòn cù lao xa khuất
Và tình yêu như đám lau buồn
Vàm sông nước xoáy như tiếng cười thầmỞ sau lưng ở trước mặt
Anh thả người trôi nổi

Toàn thân anh rũ liệt
Những loài rắn rết đỉa nhờm
Nâng niu như đồng loại
Anh vẫy hai bàn tay chới với
Gửi lại niềm trong trắng sót thừa
Tặng phẩm đớn hèn
Anh từ biệt

3
Người con gái tóc dài
Đêm lạnh trên đầu núi
Trời sao chừng lãng quên
Câu chuyện tình ngắn ngủi

Khúc romancero
Chàng gi-tan máu nóng
Nostagic Blues
Chàng mọi đen lạnh lùng
Khúc xuân tình kỹ nữLà chiều nơi mắt em
Là chiều nơi nghĩa địa
Sâu nhỏ chôn chuyện tình

Đây là một bài ca
Kể rằng nàng đã chết

Đây là một bài ca
Kể rằng nàng đã sống
Cuộc đời như vết chém
Máu chảy xuối từng hồi

Máu chảy mãi rồi ngừng
Thành lời than ri rỉ
Nàng hấp hối và chết
Như một bài ca thương

Khi đêm chạy trở lui
Người nào thổi harmonica
Tôi đến bằng mọi cách
Tiếng kèn khóc oà

Mưa bẩn sân ga
Toa tàu hạng ba
Chuyến xe hàng ốm yếu
Thổ mộ con ngựa già

Đường mòn đưa đến huyệt
Đứa trẻ con thổi harmonica
Trong hoàng hôn tóc rối
Tiếng kèn khóc oà

Từ biệt nàng tôi hỏi
Em đã chết rồi chăng?
Trong quan tài nàng đáp
Ôi đất lạnh mưa băng

Tôi tìm thần chết hỏi
Nàng được tự do chăng?
Thần chết câm và điếc
Tôi nắm tóc bắt gật đầu
Và trở về dương thế

4
Đêm nào em không ngủ
Cái chết vuốt ve môi em bằng những móng tay buốt sắc
Bầu trời sắp tan vào nước mắt
Bởi anh mang nhốt lời yêu đương trong đáy mùa đông
Và dấu ngọn lửa âm thầm huỷ thiêu ký ức

Em biết không? Em biết không?

Anh chối từ một nửa thế giới
Thế giới sương mù trong trí nhớ
Muốn chạm vào đỉnh nào bén nhọn của thân em
Anh đụng tới loài côn trùng kinh hoàng đang thở

Em biết không? Em biết không?

Trong ngục tù giam giữ những than van
Người ta kêu một mình
Thành tiếng động dửng dưng đống sắt rỉ hoen rơi đổ
Não óc anh hàng chấn song nguyền rủa

Em biết không? Em biết không?

Khi em đi qua những đường phố dẫm nát những giấc mộng theo đòi
Hy vọng dội lên trong mọi hồi trống rỗng
Anh ngắm hai bàn tay anh nhớ tàn lá về chiều
Khóc thờ ơ ngoài không trung

Em biết không? Em biết không?

Anh đốt dần xác thịt như cành nhọn
Giữa chiều mùa đông ở đây trong cốt tuỷ
Tuyệt vọng trần truồng
Anh mong em ngủ yên thần chết kiên nhẫn chờ trọn kiếp

Em biết không? Em biết không?

5
Hắn bước ra giữa sân khấu dìu theo một bóng hình tưởng tượng. Không, không một bóng hình trong suốt. Hắn gục đầu vào vai người ấy mà khóc, không nước mắt, chỉ thấy hai luồng khói đục thở ra theo lỗ mũi mờ mịt cả gian phòng làm sặc sụa khán giả. Nhiều người cay chảy nước mắt nguyền rủa trò đùa vô ý thức. Mặt hắn bôi vôi trắng như tường môi hồng như trẻ con. Hắn nhăn nhó: tôi làm sao khóc được, lệ buồn có thể nhỏ, nhưng da mặt làm bằng vữa, tôi làm sao khóc được trên khuôn mặt bất động này. Nói xong hắn nhảy chân sáo, quấn cẳng vào nhau mà không ngã xuống sàn trêu chọc khán giả. Một người la: trò hề mày nhạt lắm, mày phải ngã lộn mèo như con vật nào thảm hại nhất cho tao cười với chứ. Hắn ngơ ngẩn, đứng im hai tay buông thõng, người ta cười, hắn không hiểu, người ta cười. Hốt nhiên người hắn bay lên lơ lửng và bơi trong không khí, hắn ném bỏ hết quần áo bốc mãi lên trần rồi biến mất.Hắn lại chạy ra giữa sân khấu. Lần này hắn đứng về phía bóng hình trong suốt, đó là một người đàn bà, gục đầu vào vai tên hề bây giờ thành tưởng tượng. Đó là một người đàn bà thật đẹp. Người đàn bà khóc, tên hề đang đóng trò, khóc nức nở. Họ đang chia tay nhau, không thể nhìn thấy hai người cùng một lúc, họ ngăn cách nhau bởi chỉ có một người, người độc nhất là tên hề. Người đàn bà thở than ấy tên hề than thở. Đồ ngu dốt khốn nạn, đồ kiêu căng hợm hĩnh. Tên hề trở về vị trí của hắn, giơ tay xô mạnh người đàn bà đẹp đã hoá ra trong suốt. Hắn ra dấu với khán giả người đàn bà đã ngã, đang quỳ mọp níu chân hắn, hắn lấy chân đá hất, mặt ngửng lên lấy dáng thiểu não của đại đế Napoléon trong trận chiến Waterloo. Người đẹp đang lết lại gần như con sên hèn yếu, hắn cầm lên tay và liệng vào buồng. Một con chim bay ra, con dị điểu dữ tợn đáp xuống vai hắn, thân hắn nghiêng ngả như một pho tượng mất đế. Hắn rút trong người lấy khẩu súng và bắn ngược lên vai, khẩu súng phun nước lên hai gò má. Con dị điểu bay lên, móng sắc lột ngược y phục của tên hề, mỏ mổ lấy mặt nạ. Tên hề hiện nguyên hình là Napoléon, Napoléon mắm môi đang khóc.

Mày chỉ là tên hề buồn, tên hề buồn nhất thế giới chẳng làm ai cười nổi.

6
Như rừng cây trụi lá
Thở bằng cành khô
Cơn mộng hiền lành trở nên điên dại

Gỡ những lần tóc cháy
Nhìn vào mắt nhau
Con mắt thâm quầng như vết cắn

Trưa một màu Minh Châu
Trời hẹp hòi khôn kể

Phiêu lưu mãi là một nhà tù
Dãy tường câm chuyển động
Trên một triền vực sâu

Vũng nhỏ giữa bàn tay khô héo
Mang dấu tích tình yêu
Là những niềm bối rối

Chút hương trong miệng đắng
Như Minh Châu còn đây

7
Anh trở thành giấc mộng
Đường cỏ hoang em trở về
Đáy huyệt sâu hồn tóc cũ
Không ai biết chúng ta yêu nhau
Cuộc biệt ly nơi hư không
Con mắt nào ngó thấy
Mỗi lời như ngọn lửa
Đốt những kỷ niệm tội lỗi

Anh bỏ trống hết cuộc đời
Những buổi chiều ban mai
Những nhớ nhung bầu trời
Những vuốt ve trên bàn tay
Âu yếm trên da mặt
Không gian trong tay ôm
Thời gian trong máu chảy
Anh bỏ trống hết mọi người
Những người đẹp như hy vọng
Những người thân như quê hương
Những kẻ thù một kiếp
Những bạn bè không rời

Em đã chết đã chết
Trong im lặng hết thảy
Hằng hà nỗi trống không
Của đỉnh cùng tuyệt vọng
Ôi đêm nay đêm nay đêm nay
Lăn lộn cùng gai góc
Trong hốc đá tối tăm
Đớn đau ghì lấy em
Anh chỉ là giấc mộng

Một mình em vẫn biết
Chúng ta đã yêu nhau
Rồi anh sẽ ném trả
Hết nước mắt hết giọng cười
Hết phách hồn trí tuệ
Cho rừng sâu lịch sử loài người

Đến gặp em chốn ấy
Trời mưa giông bão bao nhiêu ngày
Con đường băng thái dương
Khoảng chúng ta cách biệt.

TTT
Trích: LIÊN, ĐÊM MẶT TRỜI TÌM THẤY (1964)

HÁI THUỐC CHO MÌNH - ĐÔNG HÀ

Khi không làm một cơn đau
khi không làm một nát nhàu cả lên
chung tay xây một ngôi đền
chữa dăm ba bệnh tự nhiên như là...
0
Là hoa thì nở thành hoa
vô duyên lại nở la đà thành yêu
đi ngang gặp buổi chợ chiều
trong cơn đau cũ dám liều một phen
0
vậy mà cũng gọi thành tên
thuyền quyên ứ hự... thả trên tay người
anh đau một chuyến nghi ngờ
T về hái thuốc ngồi chờ kiếp sau...
ĐH

CÁM ƠN NGƯỜI ĐÃ THƯƠNG TÔI - HOÀNG LỘC


cảm ơn người đã thương tôi
đã thương cùng lúc cả người lẫn thơ
tôi, năm tháng cũ, không ngờ
thờ ơ – mà cũng thờ ơ với mình

cảm ơn người đã yêu anh
dẫu trăng sắp khuyết và tình chẳng may
cả ơn của cuộc đời này
cho tôi những thứ trong tay hãy còn

cảm ơn người đã yêu thương
để tôi thấy được nỗi buồn biết đi…
9-5-2010

HL

HÃY CHO TA LÀM BỤI ĐẤT QUÊ NHÀ - NGUYỄN MIÊN THẢO

Ta ngồi đây với nỗi nhớ quê nhà
không biết được ngày mai còn về kịp
chôn tấm thân trong lòng đất mẹ
những buổi chiều nghe biển hát cùng ta

Nhớ vô cùng con đường đất quê xa
cây cầu Bến Đò chia hai nỗi nhớ
cái thuở tan trường ngày hai buổi
lẻo đẻo theo em về đến tận sân nhà

Cái tuổi mười lăm sao buồn quá đỗi
gã thất tình chưa biết làm thơ
em đã giết anh trong đôi mắt
đôi mắt thơ ngây chưa có bến bờ

Nhớ vô cùng khu vườn thơ ấu
những hàng cau trăng thắp sáng đêm rằm
những bụi chuối sau hè cây mãng cầu trước ngõ
điều tưởng bình thường giờ cũng hóa xa xăm

Ôi nhớ lắm ngôi nhà xưa ta ở
nhớ từng bụi bông con chó con mèo
hơn nửa đời người làm thân du mục
tuổi thơ mình ,ta vẫn mãi mang theo

Quê hương ta là da là thịt
bao nỗi đau thương bom đạn chia lìa
những ngọn cỏ cũng biết giữ mình trong sạch
giữa bao điều giả trá điêu ngoa

Tiếng chuông chùa chiều hôm vọng mãi
trong hồn ta từ buổi chào đời
đã rửa sạch bao điêu tăm tối
xua tan dần mấy cuộc phong ba

Cái thuở đình làng biến thành hợp tác
nay vẫn uy nghi đứng giữ đất làng
nét cổ kính vẫn giữ nguyên nguồn cội
kẻ vong thân nào không đất tổ quê cha

Ta vẫn hẹn một ngày về quê cũ
chôn tấm thân trong lòng đất sinh thành
sóng biển rì rào ru ta tròn giấc ngủ
sưởi ấm hồn lạnh giá ánh trăng trong

Giờ ta còn ở tận phương xa
nhớ về cố hương với nỗi đau thắt ruột
nếu rũi ngày mai ta không về kịp
hãy cho ta làm bụi đất quê nhà
NMT

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2010 ( KỲ 36 )

NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
361 - Lê Thị Sửu
“CỐ MÀ SỐNG CHO TỐT VỚI NHAU”
Lao động bán hàng rong sinh 1961 tại Sài Gòn. Sống ở Bà Rịa – Vũng Tàu (2010).
Sau 75 là cô giáo nuôi dạy trẻ ở Sài Gòn.
Năm 1982 nhân một chuyến cùng cơ quan tổ chức đi thăm thương bệnh binh ở Vũng Tàu đã quen biết một thương binh nặng quê Nghệ An bị liệt 2 chân phải ngồi xe lăn. Từ lòng cảm mến sinh ra tình yêu muốn gắn bó với anh song bản thân đối tượng bị mặc cảm tàn tật nên nhất quyết từ khước.
Nhưng không vì thế nản lòng mà vẫn một lòng một dạ yêu người thương binh, cứ vài ngày là vượt hơn 100km xuống thăm, săn sóc anh hết lòng. Cuối cùng đã thuyết phục được người yêu lớn tuổi hơn và đám cưới cử hành năm 1984 ngay tại trại thương binh Long Hải lúc mình chỉ mới 23 tuổi còn son trẻ.
Nhớ lời mẹ dặn lúc đồng ý cuộc hôn nhân “Cuộc đời con thì con tự quyết định, cố mà sống cho tốt với nhau”, đã nghỉ việc ở Sài Gòn để xuống sống hẳn trong trại thương binh ngày ngày làm nghề bán hàng rong nuôi chồng thương binh.
Năm 2000 được trại cấp đất cho ra ở riêng. Người chồng thương binh như được tình yêu chắp cánh cũng tìm cách đỡ đần vợ, chiều chiều cột một mớ phao bơi biển vào xe lăn đẩy bánh ra bờ biển cho khách tắm biển thuê. Sau đó còn may mò tập nghề sửa xe máy tại gia.
Lần lượt 4 đứa con ra đời “có nếp có tẻ” 2 trai 2 gái góp vào niềm vui hạnh phúc mà “nếu được lựa chọn lại tôi cũng lấy anh thôi không chút hối tiếc”.

362 - Nguyễn Thị Tâm
39 NĂM CHỜ CON KHÔNG VỀ
Thường dân sinh 1932 tại Sài Gòn. Sống ở TPHCM (2007).
Có con trai duy nhất đi kháng chiến chống Mỹ hy sinh năm 1968 nhưng cho đến nay ngày nào cũng chống gậy ra cửa ngóng con về. Vì “Nó hứa đánh xong trận này là về thăm tao mà”!

363 - Nguyễn Thị Tâm
2 NGƯỜI CHỒNG TƯỞNG ĐÃ CHẾT
Thường dân sinh 1941 tại Huế. Sống ở Huế (2006).
Xuất thân gia đình nông dân nghèo, giữa những năm 60 lên TP Huế trông coi một quán bán cơm cho sinh viên ở Huế do 2 người bà con bỏ tiền ra thuê.
Đang làm ăn khấm khá thì đùng một cái năm 1965 cả 2 ông chủ kia… bị bắt vì tội Việt cộng nằm vùng!
Thân cô thế cô lại bị đẩy vào thế tình nghi dính líu cộng sản nên đành chấp nhận lấy một trung sĩ VNCH vốn là một khách quen ăn cơm quán. Sinh được 2 con thì xảy ra biến cố Mậu Thân 1968, anh chồng trung sĩ bị mất tích trong chiến cuộc, đến năm sau thì có giấy báo tử chính thức của chính quyền Sài Gòn.
Một lần nữa rơi vào cảnh mẹ góa con côi không người nương tựa nên ôm con về sống nhà mẹ ở trong nội thành. Tại đây gặp một thương giá buôn bán lớn thuê mặt bằng ở vườn nhà mẹ làm kho chứa hàng. Từ đó ông bày vẽ cho cách thức buôn bán kiếm sống, rồi tình cảm nảy sinh đôi bên kết quả bước đi bước nữa năm 1970, sinh thêm một con gái.
Năm 1972 trong trận chiến “Mùa hè đỏ lửa” khi ra Quảng Trị giao hàng đã bị trúng một mảnh đạn pháo phải đưa vào Đà Nẵng giải phẫu.
Đến ngày Huế giải phóng tháng 3.1975, khi đang mang thai đứa con thứ hai thì người chồng sau bỗng nhiên… biến mất. Một thời gian trôi qua tưởng ông là nhà tư sản nên chắc đã bị thủ tiêu hoặc trốn ra nước ngoài. Không ngờ vài tháng sau ông lại xuất hiện với… quân hàm thiếu tá cộng sản, thì ra cũng lại là Việt cộng nằm vùng lâu nay! Bấy giờ ông mới thú thật đã có vợ 2 con ở ngoài Bắc rồi nên bây giờ chuyển công tác vào THCM thỉnh thoảng mới ghé thăm 2 mẹ con được.
Chưa hết, sau người chồng thứ hai đến lượt xuất hiện… ngươì chồng đầu tiên lính VNCH từng được thông báo tử trận! Thì ra anh ta chỉ bị bắt làm tù binh đưa về Bắc nay mới được trả tự do.
Sau khi biết được chuyện vợ cũ ôm cầm sang thuyền khác phản bội mình, anh ta bèn trả thù bằng cách kiện ra tòa với tư cách chồng chưa ly dị để đòi chia đất chia nhà vốn là của mẹ vợ. Khi được chia một phần rồi thì bỏ đó rồi đi lấy vợ khác đưa nhau vào Đồng Nai làm lại cuộc đời.
Phần mình trở lại cảnh thân cò lặn lội nuôi con. Đến năm 1982 người chồng cách mạng bệnh qua đời.
Nhưng vẫn chưa yên, đến năm 2001 đang lúc trở bệnh liệt nửa người do vết thương đạn pháo năm nào thì người chồng lính Ngụy quay về “chạy” quan chức địa phương để kiện nữa với ý đồ chiếm hết đất đai nhà cửa của vợ cũ đem bán làm giàu vì bấy giờ nhà đất đang lên giá cao. Thậm chí còn khai man nữa, rằng mình là “cán bộ thoát ly ra miền Bắc, nay hồi huơng về hưu chưa được cấp nhà”!
May mà cuối cùng tòa phán quyết bác bỏ, trả lại sự công bằng cho người phụ nữ 2 đời chồng 2 chiến tuyến ngẫu nhiên buồn nhiều hơn vui này.

364 - Nguyễn Thị Tất
NGÀY CHỈ ĂN 2 BỮA
Nông dân sinh 1936 tại Quảng Bình. Sống ở Quảng Bình (2007).
Là một thành viên trong Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy nổi tiếng của huyện Lệ Thủy trong kháng chiến chống Mỹ từng được được lên phim truyền hình “Trở lại Ngư Thủy” gây xúc động lòng người cả nước.
Năm 1977 đơn vị giải thể, trở về với đời sống thường dân vất vả kiếm sống, không chồng con do đã quá thì. Đã vậy còn đau mắt 2 lần ra bệnh viện Huế chữa trị song sau bỏ luôn vì không có tiền đi tiếp nên một mắt đã mù, mắt còn lại trong giai đoạn lòa.
Bệnh tật không người thân thích nương tựa không ai giúp đỡ, tuổi già sức khoẻ sút kém dần không đi làm thuê làm mướn gì được nữa nên phải tự… nhịn ăn, ngày chỉ dám ăn 2 bữa, còn gì ăn được thì để dành lại phòng khi nguy cấp. Dù bữa ăn chỉ toàn độn khoai sắn!

365 - Nguyễn Thị Thanh Mai
HỌC SINH KHIẾM THỊ DU HỌC MỸ
Nhà giáo sinh năm 1978 tại Hà Tây. Dạy học ở Mỹ (2007).
Bố mẹ đều là thanh niên xung phong thời chiến tranh trên mặt trận Quảng Trị. Sinh ra cùng một người chị song sinh cả 2 đều bị khiếm thị nhưng chỉ mình sống sót.
Mù mắt nhưng rất ham học nên khi được vào trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu ở Hà Nội đã phát huy năng khiếu ngoại ngữ rất giỏi. Một nữ nhà giáo Mỹ đang hỗ trợ công tác giáo dục nhân đạo tại đây phát hiện thấy liền tìm cách đưa qua Mỹ vào học trường khiếm thị với sự hỗ trợ chi phí của một nữ doanh nhân Mỹ khác (còn mua vé hàng năm cho về thăm nhà nữa).
Sau khi tốt nghiệp trung học, tiếp tục học lên ĐH Arizona khoa văn chương. Bây giờ học trường bình thường cả lớp chỉ mình khiếm thị nên rất vất vả, phải thu lại bài giảng vào băng rồi tối về phòng trọï bật nghe lại để chuyển thành chữ nổi lưu vào máy tính mới ghi nhớ được.
Năm 2007 tốt nghiệp đại học được cử đại diện tập thể sinh viên Mỹ và nước ngoài đọc diễn văn toàn trường trước sự thán phục của mọi người. Tuy nhiên sau đó được yêu cầu ở lại 2 năm để dạy cho học sinh khiếm thị khác trước khi về nước thực hiện lời dặn của nhà mạnh thường quân người Mỹ từng hết lòng cưu mang mình trên đất lạ quê người: “Cháu hãy cố gắng học tốt để sau này về giúp các bạn cùng cảnh ngộ ở quê nhà.”

366 - Nguyễn Thị Thu
KHÔNG NỠ RỜI XA “DÒNG SÔNG MÁU”
Ngư dân sinh 1954 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2007).
Trong kháng chiến chống Mỹ cùng cha chồng tích cực làm nhiệm vụ đưa đò trên sông Thạch Hãn vận chuyển bộ đội, vũ khí, lương thực xâm nhập bờ Nam.
Nổi cộm là trong trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong “Mùa hè đỏ lửa” 1972 còn lập ra cả một bến đò bí mật để làm nhiệm vụ trên. Nơi đây đã thành một di tích lịch sử bi thảm khi có cả trên 10.000 bộ đội bỏ mình trên dòng sông khi rút quân về bờ Bắc khiến dòng sông có lúc nhuộm toàn một màu đỏ máu.
Sau 75 sau khi cha chồng – lão ngư dân anh hùng một thời - qua đời, vẫn quyến luyến ở lại với bến đò xưa trên sông Thạch Hãn không như hơn một nửa số dân làng dời nhà đến chỗ khác làm ăn khá hơn. Dù trong người còn tiềm ẩn nhiều chứng bệnh do chiến tranh để lại, vẫn cùng chồng làm một căn nhà nhỏ sát bờ sông để ngày ngày xuống sông làm nghề cào hến nuôi con đồng thời hy vọng sẽ tìm được hài cốt liệt sĩ trôi giạt, vùi chôn đâu đó từ hàng chục năm qua dưói đáy sông…

367 - Nguyễn Thị Thu
LÁ RỤNG VỀ CỘI… THỤY SĨ!
Việt kiều tên cũ Lê Thị Nguyệt sinh 1969 tại Phan Rang. Sống ởThụy Sĩ (2007).
Mới 18 tháng tuổi thì đi lạc khỏi nhà ở Phan Rang rồi được đưa vào cô nhi viện tận Nha Trang nên gia đình tìm quanh quẩn trong tỉnh không có. Sau đó được một gia đình hiếm muộn nhận làm con nuôi đặt tên Nguyễn Thị Thu.
Đến tháng 3.1975 chiến cuộc bùng nổ ở Tây Nguyên lan xuống vùng đồng bằng khiến thành phố Nha Trang rơi vào cảnh hỗn loạn nên bị cha mẹ nuôi bỏ rơi lại thêm một lần nữa lưu lạc đến một cô nhi viện khác ở Vũng Tàu. Nhưng trong cảnh xã hội lộn xộn buổi giao thời đó, cô nhi viện này giải thể đẩy cô gái mồ côi ra lề đường sống đời lang thang bụi đời đụng gì làm nấy lê lết sống qua ngày.
Từ đó lưu lạc về tận miền Tây làm thuê cho một gia đình làm nghề nông, cuốc đất, chăn bò.
Năm 1993 khi đã trưởng thành nhớ về gia đình cũ mới quay về Nha Trang tìm gia đình mình làm con nuôi ngày trước mong tìm một chút tình thương ấm lòng song lại bị họ tàn nhẫn khước từ. Thế là lại bôn ba đường đời trở lại Vũng Tàu làm nghề bán hành rong.
May mắn thay nhờ vậy lại được một người đàn ông Thụy Sĩ cảm thông yêu thương lấy làm vợ rồi cùng đưa về Thụy Sĩ với mình. Hạnh phúc cuộc đời cuối cùng cũng mỉm cười với 2 đứa con ra đời trên xứ người.
Tuy nhiên hạnh phúc chưa dừng ở đó khi gia đình cha mẹ ruột nguyên thời trước là chủ tiệm vàng sau 75 bị đánh tư sản nên đã vượt biên qua… Thụy Sĩ! Đôi bên ở 2 thành phố kế liền nhau mà không biết.
Nhưng định mệnh đã sắp bày sẵn cho mình có một người bạn hàng xóm cũng là người Việt đang du học Thụy Sĩ mà bà mẹ lại là một doanh nhân có làm ăn với người em gái kế của mình. Nhân khi qua Thụy Sĩ giữa năm 2007 thăm con có gặp mình rồi sau đó đến gặp bàn chuyện trao đổi hàng hóa với người em gái kia bà cứ… gọi nhầm tên cô em gái (Nga) là… Thu vì 2 người sao… giống nhau quá! Từ đó mới dẫn dắt câu chuyện đời ngược về quá khứ truy nguyên té ra là 2 chị em ruột chưa hề biết mặt nhau bao giờ.
Hình dáng mặt mày giống nhau - chỉ khác em vui tươi hơn còn chị khắc khổ phảng phất u buồn – chỉ khác dấu tích vết sẹo dài trên chân phải và cả kiểm tra AND chứng nhận đúng như vậy. Kèm vào đó còn tờ “Giấy cớ mất con” ố vàng sắp bở ra làm năm 1970 do chế độ cũ chứng nhận mà bà mẹ nay vẫn còn gìn giữ qua 37 năm trời bởi linh cảm rằng “Con tôi vẫn còn sống đâu đó trên cõi đời này.”

368 - Nguyễn Thị Thụy Vũ
“NHANG TÀN THẮP KHUYA”
Nhà văn tên thật Nguyễn Thị Băng Lĩnh sinh 1939 tại miền Nam. Sống ở Bình Phước (2009).
Đó là tựa đề một cuốn tiểu thuyết của tác giả nữ nổi tiếng về văn phong và ý hướng sáng tác táo bạo nâng cao vị thế nữ giới ở Sài Gòn trước 75 nay kỳ lạ thay dường như “ứng” vào số phận của bà: Nửa đêm thức dậy một mình chăm lo cho đứa con gái tật nguyền nằm liệt một chỗ gần 30 năm nay thỉnh thoảng gào rú thảng thốt lên như loài “Thú hoang” (tên một tác phẩm khác cùng tác giả)!
Sau 75 đành bỏ nghề viết một mình bươn chải nuôi 3 con trong đó có đứa con gái thứ hai lúc nhỏ bị ngã đập đầu vào góc thành giường khiến bị liệt luôn chỉ nằm một chỗ bất động. Có thời gian còn làm cả nghề… lơ xe đò chạy đường dài.
Nhưng vẫn không sống được nên đưa cả 3 con về Lộc Ninh sống nhờ vào nhà mẹ già. Ngày cố gắng tập làm nông dân trồng tiêu, tự tay đóng cọc, làm cỏ, tưới cây, chăm bón mà chẳng biết kiếm được bao nhiêu. Đêm trở về một mình canh ru con nổi cơn động kinh. Còn sự nghiệp văn khá lẫy lừng xưa kia thì “Thèm viết lắm nhưng làm gì còn thì giờ, còn tâm trí đâu mà viết nữa?”
Sau này có được bạn văn cũ ở nước ngoài biết được gửi tiền về giúp đỡ. Chỉ có người cha đẻ ra đứa con bất hạnh con rơi kia - cũng là một nhà thơ cũ khá tên tuổi song nổi tiếng… nhiều vợ bé, kể cả khi qua Mỹ - thì lại dứt khoát khước từ trách nhiệm ngoảnh mặt quay lưng.

369 - Nguyễn Thị Thứ
BÀ MẸ VN ANH HÙNG SỐ 1
Nông dân sinh 1904 tại Quảng Nam. Sống ở Quảng Nam (2010).
Có chồng và 9 con cùng 1 cháu ngoại và 1 con rể đều là liệt sĩ (chồng và 3 con thời chống Pháp, 6 con thời chống Mỹ), được tôn vinh là Mẹ VN Anh hùng vĩ đại nhất cũng là người phụ nữ chịu tổn thất đau đớn nhiều nhất lịch sử VN. Người con duy nhất còn sống sót cuối cuộc chiến là một chiến sĩ biệt động thì cũng lại ngã xuống vào sáng 30.4.75!
Đến nay 107 tuổi vẫn còn sống tuy đã yếu chỉ còn ngồi dậy được trên giường. Sống trong cảnh nhà neo đơn chẳng con mấy ai thân thích do con cháu đều đã sớm bỏ mình ra đi. Bên cạnh chỉ còn người con gái trưởng năm nay đã 86 tuổi cũng là một Mẹ VN Anh hùng.
Khi còn khoẻ chiều chiều thường ngồi im lặng mắt trông ngóng mơ hồ về cõi xa xăm nhu chờ bóng dáng các con về. Nhiều khi nửa đêm ngồi bật dậy gọi con gái “Mấy đứa về cả rồi, con dọn cơm cho tụi nó ăn để còn đi.” Khi có ai vô tình động đến vết thương lòng, cụ chỉ thốt lên “Đau lắm, đau lắm các con ơi!”
Được dùng làm hình mẫu để xây dựng tượng đài Mẹ VN Anh hùng lớn nhất nước đặt tại thị xã Tam Kỳ.

370 - Nguyễn Thị Vân Toàn
NGƯỜI ĐÀN BÀ MỘT TAY
Thường dân sinh tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2007).
Thương binh 1/4 mất một cánh tay phải khi bị địch bắt, đến 1972 được trao trả tù binh sau Hiệp định Paris.
Sau chiến tranh quyết trở lại hoà nhập với cuộc sống bình thường bằng cách kiên trì tập cho cánh tay phải mất một nửa hoạt động để làm được cả những việc nặng nhọc khó khăn như tự mình thả gàu múc nước giếng, nấu ăn, giặt giũ, may vá, đi xe đạp… Trước khi quyết định lấy chồng – một đồng chí tù chính trị – đã đóng cửa phòng dùng một cái gối để tập… bế con xem có được hay không mới nhận lời cầu hôn!
Lấy chồng sinh con rồi gửi cho bà ngoại, với một tay còn lại vẫn đạp xe đạp đi bán hàng rong cả chục cây số mỗi ngày kể cả mùa gió Lào thổi bay người đi trên đường. Chịu thương chịu khó cũng đắp đổi qua ngày nuôi chồng con.
Bỗng nhiên tai họa đâu lại đổ ập xuống: Năm 2003 cùng chồng được cho đi điều dưỡng thì chuyến xe gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng làm cả hai vợ chồng bị thương nặng. Chồng bị chấn thương sọ não, dập gan, dập lá lách nằm liệt giường, vợ bị mất hàm răng, gãy xương vai.
Thế là ra viện phải gánh thêm nuôi chồng bệnh tật và 4 con ăn học đàng hoàng, vẫn với nghề đạp xe bán hàng rong, nhất quyết không đầu hàng ông Trời.
(Còn tiếp)