CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2010 (KỲ 38)

NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

381 - Lê Minh Đức
“BI KỊCH LỚN NHẤT ĐỜI TÔI”
Cán bộ về hưu sinh 1921 tại Vĩnh Long. Sống ở TPHCM (2010).
Được Pháp đào tạo làm thợ cơ khí ở Vĩnh Long nhưng sau đó bỏ về quê tham gia kháng chiến chống Pháp, lập xưởng chế tạo vũ khí cho dân quân. Đến 1954 tập kết ra Bắc.
Tại miền Bắc chuyển qua làm ngành đường sắt trở thành một trong những Anh hùng Lao động đầu tiên thời này qua nhiều thành tích tổ chức bảo vệ các tuyến đường trọng điểm chống máy bay Mỹ đánh phá. Sau đó tiếp tục phụ trách công tác khôi phục hệ thống đường sắt miền Nam sau chiến tranh, làm đến Tổng cục phó Đường sắt, đại biểu Quốc hội 5 khóa liền.
Bao nhiêu công trạng như vậy mà đến sau ngày về hưu vào những năm cuối thập niên 1980 lại gặp phải “bi kịch lớn nhất đời” là con trai duy nhất - Lê Minh Hải biệt danh “Hải Robert” - làm giám đốc công ty xuất nhập khẩu ở Vũng Tàu bị đưa ra toà vì tội tham nhũng trong vụ Tamexco ở TPHCM vụ án kinh tế lớn đầu tiên cả nước, lãnh án tử hình!
Người cha già “Anh hùng” một thời nay thân cô thế cô không còn cách nào hơn là vác đơn chạy khắp nơi cho con được giảm tội. Thậm chí còn thay lụât sư tự tay viết cả bản tự bào chữa cho con trước tòa vì “Dù sao tôi vẫn hy vọng cho đến chết”.
Cuối cùng con được giảm án xuống còn chung thân và giữa năm 2010 được hưởng đặc xá sau 10 năm nằm tù. Nhưng vết thương lòng thì: “Trong cuộc đời mình tôi đã sửa chữa biết bao nhiêu máy móc, đầu máy, toa xe, cầu đường. Vậy nhưng thử hỏi trên thế gian này có người thợ chân chính nào chữa lành được nỗi đau của con người?”
Người con sau khi ra tù đã tìm cách chuộc lỗi với cha bằng cách cùng một vài bạn tù “có máu mặt” khác – nguyên “đại gia”! - cũng mới được ân xá lập Quỹ Hoàn lương nhằm giúp các bạn tù đồng cảnh ngộ có điều kiện làm lại cuộc đời.

382 - Nguyễn Văn Bảo
THƯƠNG BINH NUÔI GIA ĐÌNH 7 MIỆNG ĂN
Thương binh sinh 1951 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2007).
Bộ đội chiến đấu ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị bị nhiễm CĐDC. Năm 1981 phục viên với một mảnh đạn còn nằm trong khớp đầu gối, chân phải bị co rút lại ngắn hơn chân trái 3 phân.
Sinh 3 con đều mắc hội chứng CĐDC trong đó 2 con bị thiểu năng trí tuệ không đi học được. Tiền trợ cấp bệnh không ăn thua gì nên vợ phải nghỉ làm hộ lý ở bệnh viện về bán dưa cà muối tại nhà để chăm sóc con.
Bản thân bệnh tật thường xuyên mà phải mang gánh nặng cả gia đình 8 miệng ăn trong đó ngoài 2 con mắc CĐDC (con đầu bị nhẹ nên lấy vợ ở riêng) còn một mẹ già 95 tuổi không tưởng tượng nổi sao vẫn sống bám vào nhau được?

383 - Nguyễn Văn Bình
ĐẠO CÔNG GIÁO GIỮA 2 LÀN NƯỚC
Tu sĩ Thiên Chúa giáo sinh 1910 tại Long An – Mất 1995 ở TPHCM (85 tuổi).
Nhậm chức Tổng Giám mục Sài Gòn từ năm 1960 từng được dư luận xem là người ủng hộ chế độ Nguyễn Văn Thiệu khi vợ chồng vị tổng thống này thường xuyên đi dự thánh lễ sáng chủ nhật ở nhà thờ Chánh tòa do ông làm chủ lễ.
Nhưng trước khi xảy ra biến cố 30.4.75, Toà thánh Vatican liệu trước tình hình đã đưa Tổng Giám mục địa phận Nha Trang là Nguyễn Văn Thuận (cháu ruột cố Tổng thống Ngô Đình Diệm) được xem là thân chính quyền Sài Gòn về Sài Gòn làm Phó Tổng GM “kế thừa” chức Tổng GM. Lập tức bị chính quyền cộng sản bác bỏ, bắt TGM Thuận quay lại Nha Trang. Điều này đặt ra nghi vấn phải chăng Vatican không “tin” TGM Bình, ngược lại với chính quyền cộng sản?
Trên thực tế, dường như TGM Bình có mối cảm tình nào đó với khuynh hướng hoạt động xã hội cấp tiến kêu gọi hòa bình cho đất nước của nhóm trí thức, chính trị gia Nam bộ (có người em ruột tham gia tích cực nhóm này). Vào những ngày cuối cùng của chế độ Thiệu, ông đã có lời kêu gọi Thiệu từ chức. Có lẽ nhờ đó mà ông được chính quyền cộng sản chấp nhận “cộng tác” một thời gian dài cho đến ngày ông về hưu an dưỡng ở đại chủng viện TPHCM năm 1993, gần ba năm trước khi mất
Cuộc hợp tác này diễn ra không đơn giản, song suốt mà bên trong luôn có những đợt sóng ngầm va chạm giữa đôi bên, một bên là quan điểm cộng sản thời này còn cực đoan chống đạo Thiên Chúa quyết liệt và một bên là nhà thờ mà đại diện là TGM Bình vừa có truyền thống chống Cộng vừa phải cố gắng làm sao giữ vững được đức tin, bảo vệ cộng đồng giáo dân hướng đến sự tiếp tục phát triển tôn giáo của mình đồng thời không đứng bên ngoài đà vận động lịch sử của cả đất nước, dân tộc đã thống nhất. Đó là một sự chọn lựa đầy khó khăn, một sứ mệnh đưa Công giáo chấp nhận “dấn thân” vào xã hội cộng sản mà không để mất bản sắc thể hiện qua lời xác quyết dứt khoát “Là người Công giáo, chúng ta gặp Chúa trong cuộc sống của dân tộc và đức tin không góp phần xây dựng trần thế là đức tin chết.”
Để làm được điều đó, ông nỗ lực luôn giữ cho cân bằng cán cân chính quyền – Công giáo nhất là trong việc đấu tranh đòi trả tự do cho một số tu sĩ bị bắt giam vì lý do chính trị, yêu cầu tạo điều kiện cho giáo đoàn hoạt dộng, tổ chức đào tạo thế hệ tu sĩ kế thừa, phản đối việc thành lập tổ chức Ủy ban Đoàn kết Công giáo VN “phá hoại” tổ chức Công giáo chính thống.…
Một lãnh đạo tôn giáo đứng mũi chịu sào như vậy tất phải chịu những sự đánh giá đối nghịch nhau từ 2 phía thuận và nghịch nhưng lịch sử cần ghi nhận công lao của một TGM “hòa giải” đã đặt những viên gạch đầu tiên cho mối quan hệ VN – Vatican dần “ấm lên” từ thập niên 1990… Dù rằng hẳn là vì vậy mà không được Vatican tấn phong Hồng y dù Vatican đã nhanh chóng làm việc này từ năm 1976 với TGM Trịnh Văn Căn ở Hà Nội, vị Hồng y đầu tiên của VN.

384 Nguyễn văn Chính
TIẾP TỤC KÊU OAN... SAU KHI CHẾT!
Thường dân sinh 1943 tại Long An. Sống ở Long An (2009).
Tham gia chiến đấu thời chống Mỹ, là thương binh có mẹ là Bà mẹ VN Anh hùng.
Đầu năm 1976 được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Thương nghiệp – Vật tư huyện Bến Lứt, Long An.
Nhưng mới được nửa năm thì đột ngột bị bắt giam rồi đưa ra tòa lãnh án 3 năm tù vì tội tham ô do một số tiền lớn trong ngân quỹ bị thất thoát không biết đi đâu. Dù kêu oan nhưng ở thời điểm đó chẳng ai nghe!
Ra tù rồi vẫn chưa yên mà phải bán hết tài sản, vay mượn thêm để đền bù số tiền bị nghi tham nhũng. Sau đó phải chuyển cả gia đình đi ở chỗ khác để tránh tiếng xấu với xóm giềng một gia đình có công cách mạng mà lại phạm tội tham ô của công. Cả mấy cha con đành làm nghề lơ xe đuờng dài sống qua ngày.
Mãi đến năm 1999 vụ án tình cờ phát hiện tình tiết mới là một công ty khác trong huyện xem lại sổ sách mới thấy mình “nhận lầm” một khoản tiền do Phòng Thương nghiệp – Vật tư Bến Lứt… trả nợ chuyển nhầm cho, ấy chính là số tiền bị thất thoát kể trên! Vào thời sau Giải phóng, công tác quản lý còn lung tung, rối ren, làm theo quán tính, cảm tính nên những sự cố như vậy – việc kiểm tra chi thu hàng năm kể cả điều tra, xét xử vụ án – đúng là “chuyện thường ngày ở huyện”!
Tuy nhiên đáng lẽ sau khi biết rõ sự thật (cơ quan nhận nhầm tiền đã trả lại), các cơ quan pháp luật chức năng phải nhanh chóng làm thủ tục hủy bản án cũ để trả lại danh dự cho nạn nhân oan sai nhưng thực tế có vẻ như phía chịu trách nhiệm – công an, toà án - vẫn giữ “im lặng đáng sợ” cố tình cho chìm xuồng luôn.
Nhưng đương sự đâu chịu, bắt đầu khiếu nại nên mãi đến năm 2001 toà án Long An mới có động thái “bán cái” buộc đương sự phải làm đơn lên Toà án Nhân dân Tối cao theo kiểu “xin – cho”. Rồi hai cấp toà án này cứ đá qua đá lại đến năm 2009 vẫn chưa bên nào chịu nhận cái sai về phần mình để giải oan cho ngươì tù ngoài ý muốn này.
Thế nên người thương binh lại tiến hành cuộc chiến mới kêu oan đến cùng. Khi thấy mình đã đến tuổi gần đất xa trời rồi mà cái án oan 33 năm vẫn chưa được xoá làm xấu hổ gia phong nên quyết tâm lập một di chúc để lại cho con cháu bắt phải tiếp tục đòi công lý kể cả sau khi mình đã qua đời!

385 - Nguyễn Văn Dung
NUÔI CẢ VỢ CON LẪN CHÁU ĐỒNG ĐỘI HY SINH
Cán bộ về hưu sinh 1924 tại Quảng Nam. Sống ở Nghệ An (2006).
Gia đình có đến 7 anh chị em bị quân Pháp bắn chết nên tham gia đánh Pháp từ khi còn rất trẻ, bị trúng đạn pháo địch phải cưa một chân phải, từ đó chống nạng mà đi.
Năm 1954 xuống tàu tập kết ra Bắc. Lúc đó đã có vợ vừa sinh con được 2 tháng tuổi muốn theo chồng đi Bắc nhưng bị gia đình chống Cộng ngăn cản nên treo cổ tự vẫn làm đứa con khát sữa mẹ không ai chăm nom cũng chết theo luôn!
Nỗi đau đời riêng này từ đó đeo đuổi suốt cuộc đời kể cả khi ra Bắc làm cán bộ vẫn không dám nghĩ đến việc lập gia đình lần nữa.
Ở miền Bắc do là thương binh nên được chuyển ngành qua làm cán bộ một công ty ăn uống ở TP Vinh rồi làm quen kết nghĩa anh em với một bộ đội cùng quê cũng tập kết. Từ đó hết lòng cưu mang, giúp đỡ người em kết nghĩa này sau đó được xuất ngũ theo học ĐH Nông nghiệp, rối tốt nghiệp phân công về làm việc ở nông trường ở Sơn La. Tiếp tục lo cho người em cưới vợï người Hà Tĩnh sinh được một con trai.
Năm 1965 khi chiến tranh ở miền Nam bùng phát, người em kết nghĩa tình nguyện đi B với mong ước về lại quê hương Quảng Nam chiến đấu. Trước khi lên đường, người em đã gửi gắm vợ con (còn ở Sơn La) lại cho người anh kết nghĩa kể cả khi không may mình phải hy sinh và người anh sẵn sàng nhận lời: “Chú có hy sinh thì tôi và Tổ quốc sẽ không bỏ rơi vợ con chú đâu.”
Năm 1971 tin từ miền Nam đưa về người em mất tích, thế là người anh kết nghĩa tìm cách đi dò hỏi khắp nơi xác nhận quả là người em đã hy sinh. Khi đó mới lên Sơn La đón vợ con ngươì em kết nghĩa đưa về Nghệ An, xin cho ngườì vợ đi học trường thống kê ở Hà Tây, còn đứa con ở lại thì tự mình nuôi dưỡng. Khi người vợ tốt nghiệp, lại xin cho làm việc ngay trong tỉnh để ở gần con. Rồi tự tay mình cuốc đất lấp hố bom trên một mảnh đất hoang làm nhà cho 2 mẹ con ở.
Sau khi hòa bình lập lại, đến năm 1977 mới có giấy báo tử người em kết nghĩa, bấy giờ mới lấy tiền dành dụm đưa cho vợ bạn làm lộ phí vào Nam đến chiến trường Kon Tum tìm mộ chồng nhưng mấy lần đi đều không kết quả. Sau này được các đồng đội trở về cho biết người em làm nhiệm vụ bảo vệ kho đạn bị pháo địch bắn trúng làm nổ tung tan xác tất cả.
Năm 1983 vợ bạn mắc bệnh lao cột sống nằm liệt giường cả 10 năm trời khiến mình phải xin nghỉ hưu sớm mới có thì giờ đi đi về về bệnh viện thăm nom bà em dâu kết nghĩa. Ngoài ra còn phải làm thêm việc nuôi lợn, trồng rau, nấu rượu để có thêm tiền giúp 2 mẹ con bà, nhất là khi người con phải ra tận Đà Nẵng học trường trung cấp lương thực.
Người con tốt nghiệp rồi lại một tay ông xin việc làm cũng ở TP Vinh. Rồi người con lấy vợ, cũng một mình ông lo liệu mọi việc, phải đi vay mượn mới có tiền cho mẹ con bạn làm lễ rước dâu.
Người con sinh được hai con thì đúng vào lúc đó xảy ra việc cơ quan tinh giản biên chế đẩy anh vào diện nghỉ việc không ăn lương. Thế là ông bác kết nghĩa phải cắt một miếng đất nhà mình được cấp bán lấy tiền cho 2 vợ chồng vào Ninh Thuận làm thuê làm mướn kiếm sống, để lại quê 2 đứa con cho ông bác nuôi, kể cả lo cho chúng ăn học đàng hoàng. Chẳng những thế, hàng năm, ông còn cấp tiền để vợ bạn đưa 2 cháu vào Ninh Thuận thăm bố mẹ! Tất cả chỉ vì một lời hứa với người em kết nghĩa cách đây đã 40 năm.
Vậy mà chẳng bao giờ có lấy một lời than vãn, chỉ có lo lỡ mình mất rồi thì vợ bạn, cháu bạn biết nương tựa vào ai: “Bà ấy khổ, 2 đứa cháu khổ, tui xuống suối vàng gặp chú ấy khó nói lắm!”

386 - Nguyễn Văn Đông
KHÔNG ĐI H.O
Nhạc sĩ sinh 1932 tại Sài Gòn. Sống ở TPHCM (2010).
Một nhạc sĩ tài hoa đa năng trước 75 nổi tiếng với số ít bài “nhạc lính” có phong cách sang trọng, sâu sắc hơn “nhạc lính” phổ thông của Trần Thiện Thanh – với 2 ca khúc nổi bật nhất “Chiều mưa biên giới” và “Mấy dặm sơn khê” – tuy còn làm nhiều bài hát tình cảm nhưng ký tên khác. Đặc biệt “Chiều mưa biên giới” đã được Trần Văn Trạch biểu diễn trên đài phát thanh Pháp từ những năm 1960.
Ngoài ra còn làm trưởng đoàn văn nghệ chính quyền chế độ cũ, tổ chức đại nhạc hội, trưởng ban ca nhạc đài phát thanh, chủ hãng đĩa… Chưa hết, đồng thời cũng là một sĩ quan quân đội cao cấp, đại tá Bộ Tổng tham mưu. Nhưng năm 1961 chính 2 bài “Chiều mưa biên giới” và “Mấy dặm sơn khê” lại bị chế độ cũ cấm vì lý do mang hơi hướm “phản chiến”.
Đương nhiên một nhân vật quan chức văn nghệ VNCH cộm cán như thế sau 75 phải đi học tập cải tạo dài hạn thôi, 10 năm.
Năm 1985 được trả về nhà trong tình trạng suy sụp cả tinh thần lẫn thể xác, mang đủ thứ bệnh (có khi phải chống nạng mới đi được). Vì thế tuy quá dư tiêu chuẩn để đi H.O bảo lãnh qua Mỹ nhưng lại từ khước với lý do sau này kể lại: “Có lúc tôi đã nghĩ mình không còn sống được bao lâu nữa nên chẳng còn thiết tha bất cứ chuyện gì nữa, chỉ muốn từ bỏ tất cả để được thảnh thơi yên nghỉ vào cuối đời.”
May mà nhờ trời sau nhiều năm nằm viện, bệnh thuyên giảm. Từ đó lui về sống ẩn dật tránh tiếp xúc nhiều với bên ngoài, lo phụ vợ bán cửa hàng tạp hóa nhỏ sống qua ngày. Và tìm an ủi khuây khỏa bằng việc tham gia các hoạt động từ thiện.
Năm 2004 một tập nhạc gồm 10 ca khúc của ông đã được phép in và phát hành trong nước. Nhưng toàn bài tình ca, không có 2 bài “Chiều mưa biên giới” và “Mấy dặm sơn khê” đã làm nên tên tuổi mình cũng là 2 bài bị cấm cả 2 chế độ đối nghịch nhau!

387 - Nguyễn Văn Hai
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 16
Thương binh sinh 1935 tại Bến Tre. Sống ở Bến Tre (2008).
Mới sinh ra đã mồ côi ở với bà ngoại, đến 10 tuổi khi bà ngoại sắp qua đời đã gửi gắm lại cho một bà mẹ nuôi trở thành “Thằng Hai chăn trâu”. Năm 18 tuổi được mẹ nuôi cưới vợ cho rồi tham gia du kích xã sau đó chuyển qua bộ đội.
Từ đó theo bộ đội hành quân xa không tin tức về nhà, đến năm 1965 mẹ nuôi nhận được giấy báo tử mà mãi đến năm 1997 mới được chính thức công nhận liệt sĩ.
Nhưng trên thực tế liệt sĩ này chưa chết mà bị thương nặng rồi thất lạc đơn vị, sau đó được một đơn vị khác cứu sống sau khi phải giải phẫu nhiều vết thương ở tay (một tay phải ghép với thanh inox), ở bụng (bị đạn bắn thủng bụng được mổ lấy ra) nhưng còn một mảnh đạn pháo nằm dưới dái tai không dám gắp ra sợ nguy hiểm tính mạng. Có lẽ từ đó mà thường xuyên bị lên cơn động kinh và có những hành động bất bình thường. Vì thế khi đưa ra Bắc nằm viện an dưỡng đã bỏ ra ngoài đi lang thang rối lạc đường luôn!
Thế là từ đó đành phải làm thuê vặt vãnh bất cứ việc gì nặng nhọc vất vả để kiếm sống qua ngày, một thân một mình lưu lạc từ nơi này qua nơi khác. Năm 1969 lưu lạc tới Ninh Bình được một mẹ già nuôi dưỡng. Khi bà mất lại lần đường qua Quảng Ninh làm nghề nhặt than độ nhật, tại đây cũng được một gia đình cưu mang. Năm 1984 tình cờ gặp một doanh nhân thuơng tình mới đưa về làm cùng ở cơ sở bớt được việc nặng nhọc. Nhưng được một thời gian sau cơ sở kinh doanh đó đóng cửa nên lại ra đường sống đời giang hồ tứ cố vô thân. Đến năm 1991 lại được người ân nhân cũ đem ra đảo Tuần Châu cho làm giữ kho.
Trong thời gian trên do tâm thần bất định cứ hay bỏ đi lang thang đây đó, đi rồi về rồi về lại đi nên không ai biết chút gì xuất xứ tông tích của ông. Mãi đến cuối năm 2007 khi đã có việc làm và cuộc sống tương đối ổn định ở Tuần Châu nhờ đó dành dụm được ít tiền mới tâm sự với vị ân nhân này lai lịch thương binh của mình (còn giữ giấy giám định thương tật) và tỏ nguyện vọng tìm về quê Bến Tre tìm thân nhân.
Từ đó mới được 2 người bạn cũ thời từng sống ở Ninh Bình và Quảng Ninh “hộ tống” về Bến Tre gặp lại bà mẹ nuôi 92 tuổi mắt đã lòa song vẫn còn nhận ra đứa con nuôi, ôm con oà khóc mà rằng “Thằng Hai con tôi đây mà.”

388 - Nguyễn Văn Hảo
NGƯỜI GIỮ LẠI 16 TẤN VÀNG
Doanh nhân sinh 1942 tại miền Nam. Sống ở TPHCM (2010).
Tiến sĩ kinh tế tài chính du học Mỹ, về nước từng làm Thống đốc Ngân hàng quốc gia chế độ Sài Gòn cũ.
Trước biến cố 30.4.75 là Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm liên lạc giữa chính quyền và Tòa Đại sứ Mỹ. Với chức vụ này đã có động thái ngăn chận âm mưu của phe cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu muốn đưa 16 tấn vàng tài sản quốc gia cất trong Ngân hàng quốc gia ra nước ngoài, theo đó đã cảnh báo với quyền Tổng thống Trần Văn Hương rằng nếu làm vậy sẽ mang tội phản quốc!
Sau đó vẫn ở lại cộng tác với chính quyền cộng sản, góp ý về công tác điều hành kinh tế tài chính đúng như Đại sứ Mỹ Martin đã mỉa mai: “Ông ta đã tưởng tượng là có thể sống chung được với cộng sản”. Tuy nhiên thời đó quan điểm phát triển kinh tế tư nhân như ông đề xuất quá khác biệt với chủ nghĩa kinh tế tập trung bao cấp nên khó được chấp nhận. Thấy không thể làm được gì hơn nên sau đó được phép ra nước ngoài sinh sống.
Đến năm 1992 vào thời Đổi mới được mời về lại giúp tạo mối quan hệ với các đối tác nước ngoài cũng như vận động Mỹ bãi bỏ cấm vận, bất chấp bị các thế lực chống đối ở hải ngoại tố là đã nhận hối lộ của cộng sản!
Hiện cả 2 vợ chồng ở lại luôn TPHCM tham gia vào một liên doanh xây dựng và quản lý khách sạn quốc tế.

389 - Nguyễn Văn Hằng
NHỐT CON ĐIÊN 2
Thường dân sinh tại Thái Bình. Sống ở Thái Bình (2004).
Cựu chiến binh trên chiến trường miền Nam.
Sau 75 xuất ngũ về lấùy vợ. Năm 1983 sinh một con gái bị nhiễm CĐDC lớn lên mắc bệnh tâm thần nặng thấy cái gì cũng ăn, thậm chí còn xé áo quần và bóc cả da mình để ăn!
Không nỡ đưa con vào trại tâm thần mà ở nhà cũng không quản nổi nên cuối cùng đành làm một cái cũi… nhốt con vào đó, tay chân phải xiềng lại! Bản thân mình mỗi bữa ăn phải tự tay đút cho con ăn, vuốt ve an ủi con và đó là những giây phút hiếm hoi cô gái như hồi tỉnh lại đôi chút…

390 - Nguyễn Văn Hòa
MANG TỘI “BUÔN NGƯỜI” VƯỢT BIÊN
Việt kiều sinh 1957 tại VN. Sống ở Úc (2004).
Cựu sĩ quan VNCH nên sau 75 trốn trình diện bỏ vào rừng 6 năm mưu đồ chống lại chế độ mới. Cuối cùng bị bắt đưa ra tòa năm 1985 lĩnh án 20 năm tù giam.
Năm 1991 trốn trại vuợt biên đến trại tị nạn rồi được qua Uc năm 1994, nhập quốc tịch năm 1997.
Đến năm 2003 lại bay về VN tiếp tục ý đồ tổ chức chống phá chế độ cộng sản (rải truyền đơn) nhưng âm mưu bại lộ buộc phải tìm cách tổ chức cho các “chiến hữu” và gia đình (53 người) vượt biên tránh bị công an bắt giữ.
Chuyến đi trót lọt nhưng đến Indonesia không được tiếp nhận nên phải hướng qua Uùc. Tuy nhiên khi gần đến bờ biển Uùc thì bị chính quyền sở tại ngăn chận và bắt giữ cả tàu vì xâm nhập lãnh hải không có phép.
Toàn bộ chiếc tàu bị giữ lại ngoài khơi, còn bản thân “chủ tàu” tổ chức chuyến đi bị đưa ra tòa kết án 5 năm tù theo tội danh tội “buôn người”. Bản án được tòa đánh giá là “tối thiểu” vì đã có sự thông cảm với hoàn cảnh bị can do lúc này luật Uùc chưa có điều khoản nào ứng với trường hợp tổ chức vượt biên mang tính nhân đạo này!
(Còn tiếp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét