CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN ( KỲ 35 )


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

351 - Đỗ Văn Trọn
13 LẦN VƯỢT BIÊN
Doanh nhân Việt kiều sinh 1949 tại Pleiku. Sống ở Mỹ (2010).
Là con thứ 11 trong một gia đình có đến 18 người con, sau 75 bố là thương gia ở Pleiku bị đánh tư sản nên bản thân mình từng 12 lần vượt biên không thành công. Đến lần thứ 13 – con số xui! - năm 1981 cùng 2 em mới đến được Thái Lan sau khi trải qua một chuyến hải trình đẫm máu chiến đấu chống lại bọn cướp biển.
Năm 1982 qua Mỹ với 2 bàn tay trắng lại không biết một chữ tiếng Anh nào. Ban đầu sẵn có năng khiếu văn chương định mon men viết báo kiếm tiền nhưng rồi sớm nhận ra phải nhảy vào nghề kinh doanh mới mong khấm khá được. Từ đó cần cù lao động trong ngành xây dựng, địa ốc rồi khi có vốn mới phát triển qua lĩnh vực truyền thông gặt hái nhiều thành công lớn được xem là ông trùm truyền thông San Jose nơi có nhiều cư dân VN nhất nước Mỹ.
Đến nay là ông chủ của hệ thống truyền thông Việt kiều mang tên Viên Thao (bút danh) gồm 3 kênh truyền thình, 1 đài phát thanh, 1 tờ tạp chí hàng tháng, một công ty giải trí, một nhà hàng, chủ sở hữu tập “Những trang vàng địa chỉ VN” in lần đầu tiên năm 1986… Ngoài ra còn in nhiều cuốn tiểu thuyết tình cảm lãng mạn và cả sáng tác thơ nữa. Đang ấp ủ cùng người bạn là đạo diễn Mỹ nổi tiếng Oliver Stone làm một bộ phim về chuyến vượt biên không quên của mình. Được báo Time của Mỹ viết bài giới thiệu.
“Muốn thành công thì phải dấn thân vào công việc” được xem là bí quyết thành đạt của mình.
Bên cạnh đó còn tham gia và tổ chức nhiều hoạt động xã hội từ thiện hướng về quê nhà như quyên góp cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung, miền Tây.
Theo hướng đó, năm 2004 đã trở về nước đem theo tiền quyên góp tặng tỉnh Gia Lai – quê nhà cũ – thựïc hiện chương trình mổ mắt giúp đồng bào nghèo mù. Nhưng vì việc làm này mà sau đó bị các phe nhóm chống đối ở Mỹ lên án tiếp tay cho cộng sản, chụp mũ “làm cầu nối” với chế độ cộng sản!
Dù vậy vẫn thố lộ ước muốn sau này sẽ về sống và làm việc luôn tại VN.

352 - Nguyễn Thị Ngọc Hoa
NGÀY ĐÁM CƯỚI MỚI BIẾT MÌNH LÀ CON NUÔI
Thường dân sinh 1972 tại Pleiku. Sống ở Phú Yên (2010).
Mới 3 tuổi vào tháng 3.1975 trên đường theo gia đình chạy loạn qua đường 7 từ Pleiku xuống Tuy Hoà đã bị lạc mất cha mẹ anh em (cha là lính địa phương quân VNCH, họ Võ).
Được một lính văn công miền Bắc gốc Hà Nội cứu sống trong tình trạng mắc bệnh sốt rét khá nặng rồi đem theo nuôi như con ruột, đặt tên theo họ Nguyễn của mình. Cả gia đình sau đó định cư luôn trên đất Phú Yên.
Mãi đến năm 1990 khi làm đám cưới cho cô con gái nuôi này, ngươì cha nuôi miền Bắc mới chính thức nói rõ lai lịch của cô. Từ đó cô mới quay quắt đi tìm những người ruột thịt của mình nhưng hoàn toàn không kết quả.
Mãi đến năm 2010 khi mình đã có 2 con, cô mới đoàn tụ được gia đình cũ qua chương trình tìm người thân “Như chưa hề có cuộc chia ly” của VTV nhờ dấu nhận dạng vết thủy đậu trên mi mắt.
Cuộc đoàn tụ còn có mặt 2 người cha cũng là 2 ngươì lính từng một thời ở 2 bên chiến tuyến với bao nỗi niềm tâm sự: “Lúc gặp bé, chính tôi cũng không còn thời gian để nghĩ nó là con ai, con cách mạng hay phía bên kia, chỉ biết nó là đứa trẻ đang gặp hiểm nguy cần được cứu sống… Tôi và anh nếu gặp nhau ngoài chiến tuyến dứt khoát phải ngã một người, còn bây giờ tôi hạnh phúc vô cùng khi trao lại con gái cho anh. Nó là con của chúng ta, máu đỏ da vàng cùng chung nguồn cội…”

353 - Nguyễn Thị Ngỡ
CẢ GIA ĐÌNH HƠN 30 NĂM… KHÔNG GIẤY TỜ TÙY THÂN!
Lao động nghèo sinh 1938 tại Sài Gòn. Sống ở TPHCM (2008).
Trước 75 có chồng liệt sĩ qua tham gia hoạt động kháng chiến chống Mỹ, sau đó lấy chồng khác cũng có thân nhân Cách mạng, có tổng cộng 5 con (vẫn được lãnh tiền trợ cấp chồng cũ).
Sau 75 làm nhân viên tạp vụ cấp phường ở Quận 1 – TPHCM rồi đi kinh tế mới ở Củ Chi. Nhưng chỉ thời gian ngắn thì chồng bệnh nặng qua đời, còn lại đi bán rau ngoài chợ nuôi con. Năm 1997 ở vùng kinh tế mới không đủ ăn đành đưa cả nhà về lại thành phố rồi qua Quận 9 thuê nhà ở tạm buôn bán vặt sinh sống.
Trong khoảng thời gian kể trên do thất học (mù chữ) lại bận lo toan chạy chợ vất vả nên hoàn toàn không quan tâm gì đến việc làm giấy tờ từ hộ khẩu đến CMND hay giấy khai sinh con cháu. Các cháu lớn lên cũng không được quan tâm chuyện học hành nên cũng chẳng cần… giấy tờ làm gì!
Mãi đến năm 2007 một người con gái muốn cho con đi học mới xin làm giấy khai sinh bổ sung mới lòi ra sự vụ một gia đình hơn 10 thành viên thì ra đã trên 30 năm nay ở TPHCM thành phố lớn nhất nước lại là công dân… vô thừa nhận.
Sau khi nội vụ vỡ lở bấy giờ các cấp chính quyền mới chịu vào cuộc song cũng gặïp không ít rắc rối thủ tục nhiêu khê khi hồ sơ lưu nhiều chỗ đã… hết lưu! Cuối cùng cuối năm 2007 Sở Tư pháp phải can thiệp giúp giải quyết… từng đợt.

354 - Nguyễn Thị Ngọc Oanh
MINH OAN CHO CỤ TỔ NGUYỄN VĂN TƯỜNG
Nhà thơ Việt kiều (bút danh Tố Oanh) sinh tại Huế. Sống ở Mỹ (2008).
Cùng chồng là một nhạc sĩ kiêm sĩ quan cao cấp chế độ cũ di tản qua Mỹ sau 75.
Trong quãng đời còn lại trên đất khách đã cùng con gái bỏ công sức 7 năm trời hoàn thành hồ sơ minh oan cho cụ tổ nội 5 đời Nguyễn Văn Tường vốn làm quan đại thần cùng Tôn Thất Thuyết thời Tự Đức – Hàm Nghi không phải là kẻ phản quốc bán nước cầu vinh (phản bội vua Hàm Nghi chống Pháp) như lâu nay bị cả dân gian lẫn lịch sử kết án.
Để làm được điều đó phải cất công đi đến nhiều nơi, nhiều nước từ Pháp đến đảo Tahiti nơi cụ cố bị quân Pháp lưu đày tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu. Từ đó cải táng đưa cụ tổ về quê Huế đồng thời gửi tài liệu đến các nhà sử học VN biện minh cho cụ tổ vốn vẫn một lòng một dạ là người yêu nước.
Kết quả từ năm 2002 danh dự, công trạng của cụ tổ Nguyễn Văn Tường đã chính thức được lịch sử phục hồi, ghi nhận.
Đến năm 2008 đến lượt đại thần Phan Thanh Giản – cũng chính là cụ tổ ngoại của mình - cũng được phục hồi tương tự một phần nhờ bà truy tìm, tập hợp tài liệu lịch sử trong và ngoài nước “kêu oan”.

355 - Nguyễn Thị Ngọc Phượng
“BÀ TỔ” THỤ TINH NHÂN TẠO
Bác sĩ sinh khoảng 1944. Sống ở TPHCM (2010).
Vào thời điểm 30.4.75 đã kiên quyết chấp nhận ở lại với con gái còn nhỏ không ra nước ngoài với chồng vốn cũng là một bác sĩ lúc đó đang đi tu nghiệp tại Pháp. Vì lý do từ nhỏ cảm thấy như đã có một “món nợï” với những bệnh nhân nghèo.
Sau đó ở vậy một mình nuôi con khôn lớn nối nghiệp mình đồng thời có nhiều công lao đóng góp lớn cho nền y học nước nhà trong đó nổi bật việc đi tiên phong thực hiện và phổ biến thụ thai nhân tạo và nghiên cứu bệnh nhân CĐDC. Ngoài ra còn giúp bệnh viện Từ Dũ lấy lại tên cũ, vận động Nhật Bản hỗ trợ ca mổ Việt- Đức…
Về hưu rồi vẫn tiếp tục đi khám cho bệnh nhân CĐDC ở vùng sâu vùng xa và tham gia đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân CĐDC trên diễn đàn quốc tế. Năm 2010 đã cùng một nạn nhân CĐDC được mời ra điều trần về vấn đề này trước Quốc hội Mỹ.

356 - Nguyễn Thị Nguyệt
ĐỔI TÊN NÊN LẠC CON 35 NĂM
Cán bộ về hưu sinh tại Tiền Giang. Sống ở Tiền Giang (2008).
Cán bộ trong kháng chiến chống Mỹ ở Mỹ Tho có con với một đồng đội, vừa sinh con trai được hơn 10 ngày tuổi thì người yêu hy sinh lại gặp lúc căn cứ bị đánh phá quá dữ nên để bảo toàn mạng sống cho con đành phải đem cho cô nhi viện ở tỉnh Vĩnh Long kế cận lấy cớ là cha chết mà mẹ bịnh không nuôi được. Nhưng sợ bị địch dò la được tông tich mẹ là Việt Cộng nên trong giấy gửi cho viện phải đổi tên mẹ là Lê Thị Út lấy theo tên người phụ nữ đã cho mình tá túc sinh con.
Chính vì việc đổi tên mẹ đó mà sau 75 cả 2 mẹ con ròng rã nhiều năm trời không sao tìm được nhau. Bởi bà mẹ thật sau chiến tranh có qua viện cô nhi tìm con thì nó đã được người khác nhận làm con nuôi nay không biết lưu lạc nơi đâu hoặc đã đưa qua Mỹ rồi. Trong khi đó đứa con lớn lên được cha mẹ nuôi đặt theo họ mình là họ Nguyễn (Nguyễn Hữu Thành) không biết rõ gốc tích mình thế nào.
Đến trước khi cha mẹ nuôi qua đời đã kể rõ sự tinh nhắc nhở hãy đi tìm mẹ ruột. Tuy nhiên tìm mãi không ra vì bà mẹ Lê Thị Út thì có nhiều người song tất cả đều không phải là mẹ ruột dù có một “dì Út” không phải là mẹ ruột nhưng không chồng con muốn nhận làm con. Đứa con mất mẹ đành bỏ cuộc chấp nhận sống mồ côi ở Sa Đéc với vợ và 2 con làm nghề trồng hoa kiểng.
Mãi đến năm 2008 nhờ chương trình tìm người thân mất tích “Như chưa hề có cuộc chia ly” của VTV mới tình cờ gợi cho một “dì Út” nhớ lại trước đây mình từng cho một cán bộ đẻ con tại nhà. Từ đó mới truy ra “mẹ Út” thật tức là mẹ Nguyệt vẫn còn sống chỉ cách con một quãng đường không xa lắm!

357 - Nguyễn Thị Ngươn
NGƯỜI MẸ VE CHAI
Lao động nghèo sinh tại TPHCM. Sống ở TPHCM (2004).
Dân Củ Chi “đất thép thành đồng” nên tham gia hoạt động cách mạng rất sớm thời kháng chiến chống Mỹ, làm giao liên rồi y tá. Lấy chồng là đồng đội trong chiến khu, sinh được 2 con thì đều chết sớm do ảnh hưởng CĐDC. Sau đó chồng cũng hy sinh.
Sau 75 xuất ngũ về Củ Chi sinh sống, lấy chồng lần nữa là một bộ đội dân Thanh Hóa. Sinh được 3 con trai thì chồng dẫn con trai đầu nói là về thăm quê xứ Thanh nhưng không hiểu sao lại… đi luôn không về (nhiều trường hợp như vậy thường do ông chồng Bắc trước đó đã có vợ con ở quê rồi).
Còn lại một mình nuôi 2 con trai thì cả 2 cũng bị di chứng CĐDC: Đứa anh ngu ngơ khờ khạo, còn đứa em sinh ra thiếu một tay rồi đến năm học lớp 10 bỗng phát bệnh đau đầu biến thành tâm thần lạc trí luôn!
Đứa anh tuy đầu óc chậm phát triển song cũng lấy vợ sinh con được khiến mẹ già tưởng có được niềm an ủi nhỏ nhoi. Không ngờ con dâu chịu không nổi cảnh nhà vừa nghèo khó vừa phải cưu mang đứa em chồng điên khùng nên ôm con bỏ về nhà cha mẹ ruột khiến đứa anh đau khổ cũng bỏ nhà đi mất dạng luôn.
Rốt cuộc bây giờ chỉ còn lại ngươì mẹ già và đứa con khùng với nỗi buồn cô đơn thê thiết. Đã có lần mẹ đổ thuốc rầy vào chén định cả mẹ cùng con uống hết kết liễu sự đời quá ai oán nhưng cuối cùng may mà mẹ kịp tỉnh trí lại: “Vì con, tui đã định chết cho xong. Nhưng cũng vì con, tui phải sống.”
Thế rồi dù mắc bệnh thận vẫõn phải đứng lên tìm cách bươn chãi làm thêm để nuôi con bệnh tật với nghề đạp xe đi mua ve chai khắp nơi. Có khi vừa chạy ve chai vừa chạy tìm con đi lạc
Đêm đêm do con mắc bệnh không ngủ được nên phải thức canh cho con ngủ với câu hỏi chạnh lòng miên man mãi trong đầu không lời giải đáp: “Không biết kiếp trước mình có làm gì sai trái để ông Trời phạt mình như thế này?”

358 - Nguyễn Thị Sáng
NHÀ VĂN HỌC LỚP 4
Lao động nghèo sinh 1952 tại Nghệ An. Sống ở Nghệ An (2007).
Thời trẻ nhà nghèo học chỉ mới tới lớp 4 đi làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày. Đến thời đánh Mỹ xung phong đi làm dân công hỏa tuyến, một lần trúng đạn vào đầu phải mổ.
Hoà bình lập lại, trở về TP Vinh đi làm công nhân bốc vác cho một cửa hàng vật liệu xây dựng. Lấy chồng sinh được 2 con gái thì chồng bỏ một mình nuôi con.
Rồi theo cơ quan di chuyển qua chỗ khác, đến khi cơ quan vỡ nợ giải thể chuyển qua làm công nhân đơn vị khác nhưng về lại nơi cư trú cũ thì… mất hộ khẩu. Bèn kiếm một miếng đất hoang trong thành phố dựng đại một căn lều tạm bợ cho cả 3 mẹ con sống qua ngày ở TP Vinh.
Năm 1994 về hưu, ngày ngày đi làm thêm đủ thứ việc như gánh nước thuê, quét chợ. Sau đó chuyển qua làm nghề ổn định nhất là bán ốc luộc và vé số ở quán bên đường.
Nhưng đến năm 1995 căn lều cũ nát bị địa phương cho ủi sập trong chiến dịch chỉnh trang đô thị khiến cả 3 mẹ con phải căng mái ni lông dựa vào bờ tường để ở. Mang sẵn bệnh đau tim, thoái hóa cột sống kèm u xơ tử cung (tổng cộng đã mổ 7 lần) sợ mình chết sớm bỏ lại con bơ vơ nên đêm đêm cố tranh thủ rảnh rỗi viết nhận ký đời mình như một di chúc để lại cho con sau này.
Tình cờ có người quen đọc được thấy xúc động nên khuyên gửi cho nhà xuất bản Thanh Niên. Nhà xuất bản thấy bản thảo “có chất” mang tính lịch sử một thời nên cho in năm 1996, đặt tên là tiểu thuyết “Cuộc đời thầm lặng”. Không ngờ sách bán chạy nhờ câu chuyện đời người bất hạnh trong chiến tranh đầy mất mát quá thật và giọng kể chất phát mộc mạc. Sách được tái bản đến lần thứ ba tổng cộng cũng khoảng 10.000 cuốn. Còn được đưa lên truyền hình VTV thành phim truyện 2 tập tựa đề “Thầm lặng”.
Từ đó “nổi tiếng” kiêm thêm nghề viết thuê thư tình, đơn từ, di chúc… Nhờ đó có tiền thuốc thang cho con mắc bệnh thiếu máu não.
Nhưng phúc trung hữu họa, sự thành công của nữ tiểu thuyết gia khó thể ngờ chỉ mới có trình độ văn hóa lớp 4 khiến một số người đồng hương ganh tị tìm cách bôi nhọ, vu khống tác giả tội làm giả hồ sơ thương tật TNXP, hồ sơ hưu trí TNXP “chạy” đăng lên báo. Thậm chí còn tố tác giả ăn cắp bản thảo của người khác! Cuối cùng cơ quan chức năng tỉnh và cả Ban Tư tưởng – Văn hóa T.Ư phải vào cuộc điều tra xác minh trả lại sự trong sạch cho tác giả.
Cũng nhờ đó được cho tiếp tục ở căn nhà tạm bợ đất công kể trên, có đóng thuế nhưng không được cấp sổ đỏ.
Yên tâm rồi mới tiếp tục viết phần 2 của câu chuyện đời mình được in năm 2007 mang tựa đề “Cuộc đời của mẹ” với hơn 300 trang viết tay trong một năm nhưng do đã mất tính mới lạ nên không gây tiếng vang như cuốn đầu.
Tuy nhiên ấy không hề là tham vọng của tác giả mà viết ở đây chỉ chỉ với mục đích đơn giản, nhỏ bé nhằm trút bớt nỗi u uất cay đắng trong lòng đồng thời có thêm chút tiền thêm lo cho 2 con với ước mơ “mong cho các con có cuộc sống êm đềm, không phải chịu cảnh chiến tranh như mẹ nó.”

359 - Nguyễn Thị Sơn
MỘT THỜI LEGAMEX
Doanh nhân sinh 1950 tại Bắc Ninh. Sống ở TPHCM (2010).
Mới 19 tuổi đã lấy chồng. Sau 75 chồng lính quân y VNCH đi cải tạo, một mình ở nhà xoay xở để nuôi con. Đến khi chồng về được 10 năm thì mất vì bệnh ung thư để lại vợ mới 37 tuổi và 5 con.
Nhưng không đầu hàng số phận, bằng tài năng và kiến thức kinh doanh tự học đã vươn lên mạnh mẽ xây dựng Legamex công ty lớn đầu tiên của TPHCM và cả nước có thương hiệu uy tín về ngành dệt may cũng là công ty đi đầu trong việc liên doanh với nước ngoài đầu những năm 90.
Tuy nhiên tiếp đó một tai họa khác đổ ập tới khi bị Trung ương gán tội danh kinh tế (trong vụ thí điểm cổ phần hóa) bắt tạm giam 9 tháng năm 1994. Có thể xem hậu quả của “cuộc chiến”giữa 2 thế lực bảo thủ và đổi mới vào thời điểm này.
Mãi đến năm 1998 mới được… minh oan khôi phục danh dự song lúc đó thì sự nghiệp kinh doanh xem như đã kết thúc. Đành chuyển qua đi học thêm lên cao ở nước ngoài rồi về hành nghề dạy… kinh doanh.
Những ngày tù tội đã khấn nguyện nếu được thả ra sẽ xin xuống tóc đi tu song khi ra tù muốn hoàn thành tâm nguyện đó thì nhà chùa không nhận nói là chưa đến… cơ duyên, chỉ cần tu tại gia đủ rồi.
C?ng đúng thôi bởi làm sao quên nổi cái giá phải trả: “Nếu nói theo sự an bài của Thượng đế thì tôi trân trọng những gì Trời đã ban cho tôi kể cả những gì Trời bắt tôi phải đau khổ… Cả một đời phấn đấu rồi phải mất 10 năm để khôi phục lại uy tín bằng cách chứng minh khả năng thực sự của một con người là quá đắt. Từ đó tự xem mình là người bình thường không thể được. Làm sao tôi có thể coi mình bình thường được?”
Tuy nhiên với cá tính kiên cường cuối cùng vẫn chấp nhận thực tế: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là người bất hạnh mặc dù xem cuốn tự truyện của tôi thấy đầy rẫy bất hạnh… Tôi thấy cuộc đời tôi giống như triết lý âm dương trong mảng đen có chấm trắng, trong mảng trắng có chấm đen. Lúc tôi hạnh phúc nhất lại có cái manh nha của sự đau buồn. Khi tôi buồn nhất lại có cái manh nha của sự hy vọng. Điểm sáng trong vùng đen của tôi rất mãnh liệt… Nhưng thôi phải chấp nhận, cuộc sống được cái này sẽ mất cái kia…”
Cuốn tự truyện mang tựa đề “Tình yêu – Gia đình – Sự nghiệp” chứa những dòng tâm sự trên được in năm 2006.

360 - Nguyễn Thị Tam
NGƯỜI ĐÀN BÀ RÀ BOM MÌN
Lao động nghèo sinh 1963 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2007).
Sau 75 nhà quá nghèo nuôi 4 con mà chồng không có nghề gì làm ăn nên phải theo nghề ra tìm phế liệu – đạn, mìn, bom - còn sót lại sau chiến tranh trên đất Quảng Trị vốn từng là một bãi chiến trường lớn vô cùng khốc liệt.
Chẳng may năm 1997 trong khi làm việc đó chồng đã bị nổ banh xác!
Còn lại một mình với đàn con thơ dại (đứa út mới sinh được mươi ngày) cố vay vốn đi buôn lặt vặt thì do không rành rốt cuộc lỗ vốn nợ nần chồng chất. Cuối cùng đành theo nghề chồng để lại đi rà tìm bom mìn đem bán phế liệu, một nghề ít vốn (chỉ cần một cái… cuốc!) nhưng vô cùng nguy hiểm chết người.
Sau này có thêm chiếc máy dò tìm thô sơ cũng phải mượn tiền 500.000 đồng mới mua được. Nhưng càng ngày loại phế liệu đó càng ít đi do nhiều người cùng khai thác gần hết nên phải đi xa mới tìm được, có ngày phải đạp xe đi 50-60km.
Làm nghề sống chết lúc nào không hay nhưng không còn cách nào hơn, không còn con đường nào khác dù biết “Nghề này như ở đây chắc không nơi nào có. Ai thấy bom đạn cũng sợ co chân mà chạy, chỉ có chúng tôi lại cứ lăn xả vào giống như “xin” chết vậy!”
Lo nhất bây giờ là không khéo mấy đứa con của mình rồi cũng lao đầu vào nghiệp dĩ này thôi.
(Còn lại)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét