CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2010 ( KỲ 43 )


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

431 - Đỗ Thanh Nhuận
MẤT VỢ VƯỢT BIÊN, MẤT CẢ CON ĐI BẢO LÃNH!
Cán bộ về hưu sinh 1948 tại Quảng Nam – Mất 2009 ở TPHCM (62 tuổi).
Thời sinh viên ĐH Vạn Hạnh ở TPHCM có tham gia phong trào đô thị chống Mỹ – Thiệu nên sau 75 được vào làm nhân viên Nhà Văn hóa Thanh niên. Lúc đó đã có vợ 2 con.
Nhưng vợ có quan điểm khác đã cùng con trai đầu vượt biên qua Mỹ để lại chồng nuôi con gái.
Nhiều năm sau vợ bảo lãnh cho con gái qua nhưng chồng mình thì… không bảo lãnh! Vẫn nén nỗi đau cho con đi qua với mẹ, còn mình tiếp tục ở lại tìm niềm vui qua công việc, nhất quyết không lấy vợ khác.
Đến khi về hưu mới thấy buồn đời cô độc không còn ai thân thích, cũng không nhà cửa nên về sống với mẹ già.
Chất chứa biết bao tâm sự cô đơn cộng với tuổi già thêm bệnh già nên đuối sức dần trong cuộc bôn ba trần thế bấy giờ mới thấy quá mệt mỏi. Khi mất chỉ có con gái từng sống 2 cha con đùm bọc với nhau một thời bao cấp khốn đốn trở về nhưng trễ khiến cũng không nhìn được mặt người cha tội nghiệp lần cuối.

432 - Đơn Dương
PHIM VÀ ĐỜI
Diễn viên điện ảnh Việt kiều tên thật Bùi Đơn Dương sinh 1957 tại Đà Lạt. Sống ở Mỹ (2010).
Sau 75 làm nhân viên một xí nghiệp dược ở TPHCM rồi qua giới thiệu của người anh rể chuyển qua làm quen với điện ảnh bắt đầu bằng một vai phụ trong bộ phim truyện “Bức tượng” của đạo diễn Lê Dân năm 1982.
Tuy không học trường lớp điện ảnh chuyên nghiệp nào nhưng có tài năng bẩm sinh diễn xuất đặc biệt có chấùt nội tâm sâu lắng nên từ đó liên tiếp xuất hiện trong nhiều bộ phim truyện nhựa lẫn truyền hình. Đạt nhiều thành công đáng kể trở thành một nam diễn viên điện ảnh được đánh giá cao đặc biệt qua các phim truyện gây tiếng vang như “Ông Hai cũ”, “Đời cát”, “Mê thảo”, “Ba mùa”… Tổng cộng trong 20 năm đã đóng 38 phim, một con số sự nghiệp đáng nể trong tình hình nền điện ảnh VN sau chiến tranh còn khá nghèo nàn.
Đặc biệt dù bản thân gia đình hầu như không có dính líu gì đến cộng sản, có người thân đi nước ngoài song lại đóng rất đạt vai… bộ đội từ thương binh đến sĩ quan, chính ủy! Như vai ông Hai cũ một nhân vật của nhà văn và nhà lý luận kiêm chính trị Trần Bạch Đằng hay vai nam nhân vật chính sĩ quan bộ đội về quê sau chiến tranh trong “Đời cát” bộ phim đoạt giải lớn Liên hoan Phim VN năm 2000.
Đến năm 2002 xảy ra một bước ngoặt trong sự nghiệp là qua phim “Bốn mùa” do một đạo diễn Việt kiều Mỹ thực hiện (đoạt giải Liên hoan phim Mỹ Sundance) đã được một hãng phim Mỹ mời qua đóng 2 bộ phim “Rồng xanh” (Green Dragon) và “Chúng ta là lính” (We were soldiers) có nội dung liên quan đến VN. “Rồng xanh” kể chuyện về một trại tị nạn của người Việt vượt biên ở Thái Lan, còn “Chúng ta là lính” (có sự tham gia của diễn viên “bom tấn Hollywood” là Mel Gibson) nói về cuộc chiến Việt – Pháp và Việt – Mỹ đã qua, cả 2 không ít thì nhiều đều có dụng ý xuyên tạc chống lại chế độ cộng sản hiện hành tại VN.
Vì thế tuy chỉ đóng vai phụ (vai một thông dịch viên trong phim đầu và vai một sĩ quan cấp tá chỉ huy tiểu đoàn đánh Điện Biên Phủ trong phim sau (vai này ám chỉ một nhân vật có thật sau là thượng tướng – nay đã quá cố - chỉ huy một cánh quân tấn công vào Sài Gòn tháng 4.1975) nhưng khi về nước đã bị dư luận báo chí “đánh” tơi tả, ghép tội là “phản bội”! Tuy không bị chính quyền chính thức có biện pháp “trừng phạt” nhưng cũng khó chịu nổi sức ép quá đáng đó nên phải cầu cứu Holllywood can thiệp bảo vệ mình!
Kết quả năm 2003 được phép qua Mỹ định cư (theo người chị ruột bảo lãnh) với lý do trần tình: “Tôi không bao giờ muốn rời bỏ quê hương nhưng họ đã không cho tôi một lối thoát, họ cắt niềm đam mê diễn xuất của tôi, cấm không cho tôi đóng phim, nhục mạ gia đình tôi…”
Tuy nhiên qua Mỹ rồi nhiều năm vẫn chẳng thấy xuấùt hiện đóng phim gì nữa cũng như ước mơ cùng bạn bè lập một hãng phim riêng không thành. Có thể vì không chọn được phim hay vai phù hợp như tự giải thích hoặc do đã mất “giá trị thời sự” rồi?
Thay vào đó cuộc sống riêng lại bị mang tai tiếng về chuyện tình yêu, hôn nhân. Đầu tiên là chuyện năm 2008 cưới vợ mới là một bà chủ thẩm mỹ viện có cổ phần trong Thúy Nga Paris đã 64 tuổi (lớn hơn 14 tuổi, nguyên là phát thanh viên đài Sài Gòn chế độ cũ), từ đó dẫn đến vụ một ngươì tình cũ cũng là một nữ doanh nhân Việt kiều khác đâm đơn kiện ra tòa về tội lường gạt cả tình lẫn tiền (tống tiền).
Năm 2009 toà án Mỹ xử vắng mặt phải bồi thường 200.000 USD nhưng kháng cáo nên vài tháng sau tòa lại… hủy án!

433 - Lina Tăng
CON LAI TÌM CHA TRÊN ĐẤT MỸ
Thợ làm móng Việt kiều tên thật Tăng Hoàng Yên sinh 1959 tại Nha Trang. Sống ở Mỹ (2010).
Khi mẹ có thai mình thì cha là một lính Mỹ đã về nước. Vì vậy sinh ra và lớn lên với nỗi mặc cảm nặng nề vừa là con hoang vừa là con lai (da trắng).
Lên 6 tuổi thì mẹ lấy chồng khác nên phải về Cà Mau sống với cha mẹ nuôi. Sau đó lớn lên làm nghề buôn bán lặt vặt qua ngày, lấy chồng sinh được một con trai.
Mãi đến năm 1994 cả gia đình được đi Mỹ theo diện con lai. Định cư ở bang North Carolina vợ làm nghề làm móng (nail), chồng thợ hớt tóc, sinh thêm được một con gái nữa.
Năm 2000 và 2006 về thăm quê nhà được mẹ khuyến khích tìm cha ở Mỹ để cho con “lấp khoảng trống hụt hẫng trong lòng lâu nay”. Vì thế đã lên mặng đăng ký nhờ một website chuyên tìm ngươì thân ở Mỹ giúp đỡ.
Kết quả giữa năm 2010 cuối cùøng đã truy ra được ngươì cha nay đang ở bang Tennessee chỉ cách mình 7 tiếng đồøng hồ chạy xe.
Lúc đó ngươì cha mới bộc bạch khi lên đường quay về Mỹ không hề hay biết mình đã để lại giọt máu ruột thịt ở VN và bây giờ ông sẽ làm tất cả những gì có thể để chuộc lại sự “vô tâm” kéo dài đăng đẳng 41 năm.

434 - Linda Lê
ÁM ẢNH NGƯỜI LƯU VONG TÂM THẦN
Nhà văn nữ Việt kiều Pháp sinh 1963 tại Đà Lạt. Sống ở Pháp (2010).
Cha kỹ sư gốc Bắc, mẹ thuộc gia đình quý tộc mang quốc tịch Pháp nên từ nhỏ đã học trường Tây “nói tiếng Pháp giỏi hơn tiếng Việt”.
Năm 1968 đã tận mắt chứng kiến cảnh chết chóc thảm khốc trong trận chiến Mậu Thân tại Đà Lạt nên từ đó mang mối ám ảnh chết chóc kéo dài đến sau này cả khi đã trưởng thành trở thành nhà văn: “Tôi có cảm giác mang trong mình một xác chết. Chắc chắn đó chính là Việt Nam mà tôi mang trong mình như xác chết một đứa trẻ.”
Sau biến cố đó, để “chạy trốn” chiến tranh cả gia đình về Sài Gòn sống. Nhưng tại đây tuổi thơ lại bị một tổn thấùt nữa là cha mẹ chia tay nhau, sống với mẹ dù rất thương cha, người được mình xem như đã “tạo nên huyết mạch trong dòng máu văn chương chảy trong tôi”.
Sau ngày giải phóng miền Nam, năm 1977 nhờ quốc tịch Pháp nên mẹ và bà ngoại được qua Pháp mang theo ba chị em. Ra đi với nỗi buồn thương người cha vẫn ở lại: “Tôi buồn đến mức có cảm giác một phần con người mình đã ở lại VN.”
Tại Pháp học ngành văn chương ở những trường nổi tiếng như Henry IV, Sorbonne… Từ đó đi vào con đường văn chương, làm biên tập nhà xuất bản rồi bắt đầu sáng tác truyện ngắn và tiểu thuyết, viết tiểu luận, tất cả đều bằng tiếng Pháp. Năm 1986 xuất bản tác phẩm đầu tiên “Sự dịu dàng của ma cà rồng”. Tiếp theo là nhiều tiểu thuyết, tập truyện khác đều đặn ra mắt gồm “Phúc âm tội ác” 1992, “Vu khống” 1993, “Lời nói của kẻ khờ” 1995, “Ba số mệnh” 1997, “Thư chết” 1999, “Rạng đông” 2000, “Lại chơi với lửa” 2002, “Mặc cảm Caliban”, “Hồi tưởng” 2007, “Tìm điều mới mẻ” 2009… Đã được trao tặng giải uy tín Femina, giải của Viện Hàn lâm Pháp… Tổng cộng 18 tác phẩm đã in tại Pháp, có truyện được dịch ra tiếng Anh.
Không thể không thấy dấu ấn cuộc đời bản thân trong tác phẩm từ mẫu nhân vật quen thuộc đến chủ đề khai thác. Trước hết đó là nhân vật lưu vong sống trên một quê hương xa lạ khó hòa nhập được kể cả tiếng nói và cả chữ nghĩa như bản thân mình gần như đã quên hết tiếng Việt nên phải “viết bằng một thứ tiếng không phải bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình khác nào làm tình với xác chết.” Aáy lại là những người có tâm lý bất ổn định, như người tâm thần, có khi thành người điên, người tự tử luôn!
Những nhân vật đó luôn sống trong mối ám ảnh về cái chết, sự tan rã, phân hủy; sống với nỗi cô đơn và những cơn ác mộng giằng xe tâm hồn. Trong khung cảnh, không khí của nhà xác, bệnh viện tâm thần…
Tất cả được thể hiện bằng một kỹ thuật hiện đại, bút pháp tinh tế, đậm chất suy tư, phân tích sâu sắc – hơi khó đọc - được giới phê bình quốc tế ví như một “bài diễn văn tang lễ khổng lồ”. Gợi nhớ đến nhà văn nữ Pháp cấp tiến nổi tiếng quá cố Marguerite Duras, người cũng từng trải qua thời tuổi trẻ ở nước VN thuộc địa Pháp những năm đầu thế kỷ 20, từ đó về Pháp viết nên thiên tình sử “Người tình” (L’amant, được đạo diễn Pháp J.J.Arnaud chuyển thành phim năm 1992, bộ phim nước ngoài đầu tiên quay ở VN sau chiến tranh chống Mỹ).
Bản thân cũng được mô tả là người thích sống ẩn dật, trốn tránh đám đông cũng như những vinh quang phù hoa. Năm 1995 sau khi về nước đưa tang người cha thân thương (suốt thời gian qua chỉ thư từ chưa hề gặp mặt, cha định qua thăm thì bệnh qua đời) từng bị khủng hoảng khiến quay lại Pháp phải vào viện điều trị tâm lý.
Chỉ le lói chút ánh sáng hy vọng cho mình – tự nhận làø người “sáng suốt chứ không bi quan” – là mối hoài cảm về quê hương tìm lại, thiên đường ấu thơ của mình: “Người lưu vong không được biết và không thể biết về Đất Nước của mình đã bị buộc phải lìa bỏ nhưng khao khát muốn biết và nỗi nhớ vô hình về nơi chốn ấy khiến nó trở nên thiêng liêng ngay cả trong nỗi buồn và sự tuyệt vọng. Chính vì vậy tôi cố ý viết hoa từ Đất Nước.”
Năm 2010 đã trở về giao lưu với độc giả đồng bào nhân ra mắt tác phẩm thứ ba được dịch ra tiếng Việt (tác phẩm dịch đầu tiên năm 1989 ở miền Nam).

435 - Nguyễn Viết Vĩnh
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 18
Thương binh sinh 1948 tại Hải Phòng. Sống ở Hải Phòng (2010).
Vào bộ đội Hải quân năm 1965, được đưa vào chiến trường Cửa Việt ở Quảng Trị làm nhiệm vụ đánh tàu Mỹ. Năm 1968 trong một lần chuẩn bị bộc phá đánh tàu bị nổ làm văng mất xác nên được đơn vị báo về quê đã hy sinh.
Nhưng thực ra vẫn còn sống, bị địch bắt trong tình trạng thương tích đầy mình, nặng nhất là ở đầu. Bị chuyển vào giam ở Đà Nẵng rồi ra nhà tù Phú Quốc. Trong thời gian này do cứng đầu chống đôi nên bị tra tấn dữ làm toàn thân gần như tê liệt, đầu óc mụ mẫm hết.
Năm 1973 được trao trả tù binh về Nam Hà (cũ) an dưỡng rồi xuất ngũ một năm sau. Nhưng không về quê do nghe tin bố mẹ đã chết không còn ai nên ở lại TP Hải Phòng xin làm công nhân.
Sau 75 nhân một lần đi thu mua hàng ở quê mới biết bố còn sống nên lúc đó mới quay về “thanh minh” mình còn sống chứ chưa phải là liệt sĩ!
Sau đó sống yên ổn ở quê lấy vợ đẻ con bình thường. Tuy nhiên hoàn toàn chưa được hưởng chế độ gì bởi hầu như không còn nhớ gì hết về quảng thời gian chiến đấu ở Quảng Trị rồi bị bắt thế nào.
Mãi đến năm 2006 nhân xem chương trình truyền hình kỷ niệm lực lượng Hải quân trong đó có hình ảnh vùng Cửa Việt ngày xưa mới dần dần gợi nhớ lại tất cả. Tuy vậy đến nay vẫn chưa được ai quan tâm lo cho chế độ dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn chỉ sống dựa vào bà vợ một mình gồng gánh nuôi chồng phát bệnh từ thời chiến tranh đã xa rồi hàng chục năm.

436 - Nguyễn Việt Chiến
NHÀ BÁO “HY SINH” VÌ CHỐNG TIÊU CỰC
Nhà báo sinh 1949 tại miền Bắc. Sống ở Hà Nội (2010).
Từng vào bộ đội gần cuối cuộc chiến. Hòa bình lập lại xuất ngũ gia nhập làng báo thủ đô. Ngoài làm báo còn làm thơ, viết truyện ngắn, bình thơ.
Nhưng được biết hơn cả qua nhiều bài điều tra phóng sự “đánh” tiêu cực xã hội (đối tượng thường là cán bộ lãnh đạo cấp cao) thập niên 90 trở đi trên báo Thanh Niên. Tuy nhiên phải trả giá khá đắt khi bị bắt ra tòa năm 2008 với tội danh viết bài chống tiêu cực thiếu chứng cứ khiến trở thành gây phản ứng dư luận không đúng. Báo chí bênh vực nhưng phản ứng chính quyền không ăn thua, thậm chí lãnh đạo báo còn bị kỷ luật nội bộ. Đành lãnh án tù nhưng khoảng hơn một năm sau được đặc xá!
Mới 40 tuổi mà đã “già đi nhanh chóng” với trong người còn nhiều chứng bệnh để lại từ một thời máu lửa. Nhưng vẫn tâm sự rằng mình “đã được sống một cuộc đời hữu ích” bởi lịch sử chưa nói lời cuối cùng:
“những ngọn sóng đất đai lưu giữ mọi thăng trầm
người chép sử nghìn năm là bùn đất
kiên trì và nhẫn nại
máu của người là mực viết thời gian.”
(Thời đất nước gian lao).

437 - Nguyễn Việt Yên
NGUỜI ĐI BẰNG… 2 ĐẦU GỐI
Người khuyết tật sinh 1978 tại Bắc Ninh. Sống ở Bắc Ninh (2006).
Bố là bộ đội chiến đấu trên chiến trường Tây Ninh những năm 1960. Sau 75 ra quân về quê lấy vợ nhưng sau khi sinh con được hơn một năm rưỡi, thấy con bị di chứng CĐDC thành dị dạng với 2 chân co lại cong queo rất kỳ quái nên chán đời bỏ nhà bỏ 2 mẹ con ra đi mất dạng!
Còn lại một mình mẹ vẫn cố cưu mang con, cõøng con đi học hết cấp tiểu học, khi lên cấp 3 thì thuê phòng trọ cho ở gần trường để con có thể đến trường bằng cách lết đi… trên 2 đầu gối.
Tốt nghiệp trung học liền lên Hà Nội học nghề vô tuyến điện tử, may được một thầy giáo ở ĐH Bách khoa thương cảm đón về nhà dạy học nghề này miễn phí trong 3 năm. Được một trại thương binh tặng cho chiếc xe lăn đẩy tay để thoát khỏi cảnh đi bằng 2 đầu gối, mừng quá tới mức có lúc tự “đẩy lái” xe về quê thăm mẹ đi từ 2 giờ sáng đến 9 giờ mới tới nơi!.
Học thành nghề rồi mới về quê mở cửa hàng sửa chữa đồ điện tử vô tuyến.
Từ năm 2001 quen biết với một cô gái ở làng bên và giữa 2 người đã chớm nở tình yêu. Dù bị gia đình ngăn cản nhưng cuối cùng cô gái vẫn quyết định chấp nhận gắn đời mình với chàng trai có 2 chân mà cũng như không này và đám cưới đã diễn ra đầu năm 2007.
Trong đám cưới có mặt… người cha đau khổ đã bỏ ra đi ngày nào nay trở về chứng kiến ngày vui của đứa con bất hạnh đã tìm thấy hạnh phúc và niềm tin yêu cuộc sống song ông… chẳng dám nán lại lâu!

438 - Nguyễn Vĩnh Nghiệp
“ÔNG BỤT CỦA NGƯỜI NGHÈO”
Cán bộ về hưu sinh 1930 tại Cà Mau – Mất 2007 ở TPHCM (78 tuổi).
Là cán bộ lãnh đạo – bí danh “Sáu Tường” - từng làm Chủ tịch UBND TPHCM sau một quá trình đấu tranh nội bộ không kém phần khó khăn, trắc trở (bị nghi ngờ “đầu hàng” địch khi bị bắt giam những năm 60). Sau được “minh oan” đưa lên làm Chủ tịch TP và trong thời thời gian đó có công mở đường xây dựng huyện Duyên Hải, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Viện tim TP…
Tuy nhiên chỉ được hơn 3 năm (1989-1994) thì xin từ nhiệm vì mắc bệnh viêm thanh quản mãn tính nói năng khó khăn.
Nhưng đó lại là bước ngoặt diệu kỳ trong cuộc đời, sự nghiệp khi quay qua tập trung sức lực, trí tuệ cho công việc xây dựng phong trào làm từ thiện giúp đỡ đồng bào nghèo khắp nơi, một trong những hậu quả chiến tranh để lại di chứng quá nhiều – bắt đầu từ Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM. Từ đó được nhiều người biết tiếng như là một “Anh hùng của dân nghèo” còn hơn thời làm Chủ tịch Thành phố!
Không còn quyền lực vẫõn không ngại đi làm công việc “xin tiền” làm từ thiện khắp nơi với nhiều chương trình, dự án thành công như vận động mổ mắt miễn phí, tài trợ mổ tim cho trẻ em nghèo, học bổng cho sinh viên nghèo… khắp mọi miền đất nước, qua cả nước bạn Lào và Campuchia. Từ hạt nhân này, phong trào ngày càng lớn mạnh cả nước (sau đó thêm cuộc vận động làm “Đám tang từ thiện”), lan ra tận nước ngoài ghi một nét son trong lịch sử thời Hậu chiến VN.
Riêng người đi đầøu sáng lập ra nó thì mang trong người 2 căn bệnh ác tính – ngoài viêm thanh quản còn ung thư tủy sống – nhưng vẫn nhịn đau ngày đêm đi làm từ thiện với chỉ vài viên thuốc Anagin rẻ tiền mang theo trong va li lên đường. Bởi với ông: “Cuộc sống hòa bình hôm nay đã phải đổi biết bao xương máu, nước mắt của đồøng bào, đồng đội… Giải phóng đã mấy chục năm nhiều nơi đồng bào vẫn còn khổ quá. Nên còn sức thì phải ráng làm để trả ơn phần nào những người đã cưu mang mình…”
Vàø còn thêm một nỗi đau giấùu kín trong lòng là người con trai duy nhất (trong 5 người con) là cháu đích tôn duy nhất (mình cũng là con trai duy nhất) đi bộ đội đã hy sinh năm 1987 khi làm nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam lúc mới 19 tuổi với người cha đang là một “ông lớn” ở thành phố. Bởi người cha đó đã chấp nhận từ trước: “Chiến tranh cay nghiệt với mọi người, mình không thể bảo vệ con mình để con người khác phải hy sinh…”

439 - Nguyễn Xuân Dũng
BẬC THẦY KARATE CÒN NẶNG NỢ ĐỜI
Võ sư sinh khoảng 1945 tại Huế – Mất 2007 ở Mỹ (63 tuổi).
Từ nhỏ đã đi tu làm chú tiểu trong chùa Diệu Đế ở Huế. Năm 13 tuổi cơ duyên gặp được võ sư karate người Nhật Suzuki nhận làm đệ tử chân truyền tại Huế, một trung tâm xuất phát quan trọng môn võ này ở VN. Năm 20 tuổi được cử làm trưởng tràng đời thứ hai Karate Huế.
Từ đó năm 1970 bắt đầu vào Sài Gòn lập võ đường dạy đệ tử thu hút cả ngàn môn sinh kể cả người nước ngoài. Vươn lên tầm cỡ huyền đai đệ bát đẳng karate quốc tế.
Sự biến 30.4.75 xảy ra làm cả gia đình phải di tản qua Mỹ.
Trên đất Mỹ tạm gác sự nghiệp võ thuậât qua một bên lao vào học ngành điện tử. Tốt nghiệp kỹ sư điện tử ra thành lập công ty làm hàng điện tử gia công rồi dần dần phát tiển thành công thiết kế hệ thống máy tính AT thế hệ mới và sản xuất bản mạch in điện tử đạt doanh số hơn 30 triệu USD/năm, tạo công ăn việc làm cho trên 200 công nhân. Song song đó còn nghiên cứu, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành quản trị
Năm 1994 quay về nước đầu tư làm một công nghệ dây chuyền điện tử đầu tiên về hàn, dán linh kiện điện tử. Và chính lần quy cố hương này đã mở ra bước ngoặt mới trong cuộc đời gợi nhớ lại thời vàng son theo nghiệp tổ karate.
Từ đó giao hẳn công việc kinh doanh cho gia đình, cộng sự quyết “rửa tay gác kiếm” chốn thương trường để quay về với võ học. Được mời làm Chủ tịch Hội Nghiên cứu võ học thế giới. rồi từ karate Nhật Bản chuyển qua tìm hiểu đạo thiền vốn xuất xứ từ đạo Zen Nhật gần gũi với đạo Phật. Được một chân sư pháp môn thiền đặt cho pháp danh Tuệ Hải.
Cảm hứng mới đã giúp dịch và chú giải một bộ kỳ thư của tác giả thiền nổi tiếng Nhật Bản. Và từ dòng cảm xúc đó, trong một chuyến về nước đã ngồi ở khách sạn viết một mạch tập sách nửa tự thuật nửa cảm nghĩ võ học - đạo học mang tên “Gió về Tùng môn trang” nhắc nhớ nhiều kỷ niệm thời thơ ấu ở Đà Lạt tạo được nhiều ấn tượng nơi người đọc.
Tuy nhiên cát bụi trần gian vẫn còn vướng gót chân người tưởng đã ngoảnh mặt với trần thế lại đẩy ông quay lại với công việc kinh doanh định tổ chức đầu tư tài chính vào VN. Một công việc “phản thiền” nhanh chóng đưa đến kết quả bất ngờ bị đột quỵ qua đời ngay trước khi chuẩn bị lên máy bay về nước ký kết hợp đồng!

440 - Nguyễn Xuân Hùng
LÀM HÀNG TRĂM BÀI THƠ VỀ LIỆT SĨ
Công chức về hưu sinh 1941 tại miền Bắc. Sống ở Hà Tây (2006).
Đã tham gia cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau 75 chuyển qua làm công chức Bộ Công nghiệp.
Năm 1981 về hưu từ đó có thì giờ rảnh rỗi mới nảy ra ý sưu tầm tài liệu về các liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh làm cơ sở để sáng tác thơ ca ngợi từng người. Xong gửi theo đường bưu diện đến địa chỉ gia đình, thân nhân liệt sĩ mà mình sưu tầm được, xem như để “làm một điều gì đó thật ý nghĩa để xoa dịu một phần những nỗi đau mà chiến tranh gây ra.”
Hơn 25 năm làm nhà thơ nghiệp dư không biết đã viết bao nhiêu bài thơ đơn sơ mộc mạc như vậy:
“… Trong đêm đen lưới đạn giặc như nêm
Nữ bác sĩ máu đầm mình ngã xuống
Trước đạn hung thù dưới tuổi ba mươi…”
(về Đặng Thùy Trâm)
Nhưng kết quả rất được các người thân liệt sĩ từ nhiều tỉnh thành trong cả nước biết ơn, trả lời cảm tạ tấm lòng của ông đã giúp họ khuây khỏa đôi chút về nỗi mất mát lớn của gia đình mình. Thậm chí, một số gia đình nhờ đó còn xin được cung cấp thêm chi tiết về tin tức liệt sĩ mất tích – từ tài liệu ông có được – để lên đường đi tìm phần mộ, hài cốt thân nhân vẫn chưa tìm thấy sau chiến tranh.
(Còn tiếp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét