CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2010 ( KỲ 46)


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

461 - Phạm Hoàng Tùng
CHỨNG NHÂN “PHỤC QUỐC”
Thường dân Việt kiều sinh 1955 tại miền Nam. Sống ở Campuchia (2006).
Vượt biên năm 1983 nhưng lại trôi giạt qua Thái Lan vào trại tị nạn. Tại đây theo lực lương Hoàng Cơ Minh tìm đường về lại VN chống Cộng “phục quốc” thất bại bị bắt năm 1987 và ra tòa năm 1990 lĩnh án tù ở Phú Yên (Hoàng Cơ Minh bị bắn chết tại trận).
Đến năm 1993 trốn tù lưu lạc đến Campuchia rồi lấy vợ ở lại đó đến nay mà không hiểu vì lý do gì không qua Mỹ.
Là một trong số ít “kháng chiến quân” chống Cộng sau 75 hiếm hoi còn lại, năm 2006 bỗng nhiên cho in tập hồi ký “ Hành trình người đi cứu nước” 2 tập tổng cộng 900 trang với nội dung kể lại quãng đường 12 năm đi theo lực lượng “phục quốc” của Hoàng Cơ Minh. Qua đó phô bày cho thấy sự thật mặt trái của lực lượng đó trong một cuộc chiến không cân sức đầy ảo vọng chỉ đưa đến những sự hy sinh vô ích, thậm chí trên đường trở về đã tự thanh trừng nội bộ lẫn nhau đẫm máu.
Cuốn sách được mô tả như một “bản liệt kê những cái chết” (“Lực lượng” áp dụng kỷ luật sắt xử tử những ai đào ngũ, bắn chết thương binh để khỏi phải vướng bận mang theo trên đường đào thoát, có kẻ tuyệt vọng tự tử…) đã gây xôn xao dư luận hải ngoại nên bị chính những người kế thừa lực lượng đó – đảng Việt Tân hiện nay - phải lên tiếng bác bỏ, chỉ trích.

462 - Phạm Hồng Hải
LUẬT SƯ CẤP TIẾN
Luật sư sinh khoảng 1951 tại Hải Phòng. Sống ở Hà Nội (2010).
Năm 1969 vào bộ đội được chuyển qua làm nhiệm vụ trên những “con tàu không số” vượt biển chở vũ khí quân trang vào chi viện cho chiến trường miền Nam.
Sau 2 chuyến đi thành công, đến năm 1972 lúc tàu đang nằm bảo dưỡng ở Hải Phòng thì bị máy bay Mỹ thả bom đánh trúng. May mắn mình là người duy nhất đang ở trên boong tàu còn sống sót trong khi cả tàu 20 người thì 17 người hy sinh.
Phải nằm viện 2 năm qua 3 lần giải phẫu trở thành thương binh 4/4.
Ngay trên giường bệnh đã lập chí phải học hành để lo cho tương lai nên ra viện đậu vào đại học rồi được cho đi Liên Xô học ngành luật. Sau 6 năm học, về nước được bố trí vào làm nghiên cứu ở Viện Nhà nước và Pháp luật. Năm 1991 tiếp tục được cho đi Nga làm luận án tiến sĩ hoàn thành 2 năm sau rồi về lại cơ quan cũ (sau này là luật sư duy nhất được phong hàm Phó Giáo sư).
Nhưng không chịu an phận làm công chức cao cấp ngành tư pháp (trưởng phòng) mà lại muốn chuyển hướng qua làm luật sư vì từ lâu đã ấp ủ chí hướng bảo vệ quyền được bào chữa, minh oan của bị cáo vốn trong cơ chế pháp luật cũ thường thấp cổ bé miệng hễ đã bị đưa ra tòa là xem như có tội rồi. Đó cũng là đề tài luận án tiến sĩ của mình: “Bảo đảm quyền bào chữa cho người bị buộc tội”. Vì thế xin kiêm nhiệm thêm vai trò luật sư tham gia bào chữa trong nhiều vụ án nổi cộm như Mường Tè, Lã Thị Kim Oanh…
Từ đó năm 2004 quyết định xin nghỉ hưu non để được tự do chuyển qua hành nghề luật sư chuyên nghiệp luôn dù phải trái ý vợ con (viết đơn… giấu vợ!).
Bắt đầu sự nghiệp mới với những thành công được dư luận chú ý như minh oan cho “Vụ án vườn điều” ở Bình Thuận trả lại tự do và đền bù cho 10 bị cáo bị kết tội oan trước đó.
Đây là vụ án một nạn nhân bị giết chết năm 1993, năm 1998 toà Bình Thuận xử một gia đình 10 người thuộc 3 thế hệ có tội. Có kháng cáo nên năm 2004 xử sơ thẩm vẫn Tòa Bình Thuận. Lúc đó bản thân cùng công ty luật của mình được các bị cáo cầu cứu đã tham gia bào chữa nhưng toà vẫn y án cũ, đã vậy bản thân còn bị tòa gán tội “vu khống” toà trong lời bào chữa của mình! Vẫn không sờn lòng, tiếp tục đeo đuổi lên Tòa án Nhân dân Tối cao 7 tháng sau xử phúc thẩm tại TPHCM và lần này đạt mục tiêu toà hủy án cũ yêu cầu điều tra lại toàn bộ.
Vụ án trên đã bào chữa… không công do gia đình các bị cáo quá nghèo. Như một cách học làm theo lời Khổng Tử dạy treo trong phòng làm việc: “Tâm còn chưa thiện thì phong thủy vô ích. Bất hiếu với cha mẹ thì thờ cúng vô ích. Việc làm bất minh thì đọc sách vô ích. Làm trái lòng người thì thông minh vô ích.”

463 - Phạm Huấn
KHÔNG CHẤP NHẬN SỐNG ĐỜI THỰC VẬT
Nhà báo Việt kiều sinh 1937 tại miền Bắc – Mất 2005 ở Mỹ (69 tuổi.)
Phóng viên quân đội chế độ cũ năm 1973 từng tham gia phái đoàn hòa đàm ra Hà Nội – trở lại quê cũ! - thảo luận về việc thi hành Hiệp định Paris.
Di tản từ 30.4.75, ban đầu qua đảo Hawai làm nghề lái taxi, sau đó mới chuyển về California.
Trên đất Mỹ đã viết 5 cuốn hồi ký chiến tranh về các trận chiến lớn trước 75 – “Cuộc triệt thoái cao nguyên”, Trận Hạ Lào, trận Ban Mê Thuột… - với nhiều nỗi niềm đau buồn “mất nước” như thể hiện trong tựa đề một cuốn sách “Những uất hận trong trận chiến mất nước”.
Người viết hồi ký nhiều như thế vậy mà về già lại mắc bệnh… mất trí nhớ! Gia đình lại tan vỡ nên sống cô đơn, mệt mỏi, kiệt lực trong viện dưỡng lão.
Trước khi mất đã làm giấy ủy quyền cho em trai yêu cầu khi rơi vào trạng thái hôn mê nếu được bác sĩ cho truyền dưỡng khí, thức ăn để nuôi người bệnh kiểu đời sống thực vật thì em được quyền… “cắt” ống dẫn. Vì bản thân “không muốn thấy hình ảnh những người thân yêu mờ dần trong não trạng.”

464 - Phạm Lý Chánh
92 TUỔI VẪN ĐI TÌM HÀI CỐT TỬ SĨ CẢ 2 BÊN
Bộ đội về hưu sinh 1915 tại Quảng Nam. Sống ở Quảng Trị (2007).
Từng kinh qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, sau khi về hưu đã chọn Quảng Trị chiến trường xưa làm nơi sinh sống cuối đời. Đồng thời còn vì đây cũng là địa điểm còn nhiều hài cốt tử sĩ mất tích trong chiến tranh – nhiều nhất trong trận chiến bảo vệ Thành cổ năm 1972 - để tự mình đi tìm đưa vào quy tập trong nghĩa trang hoặc báo cho thân nhân biết đến nhận.
Đặc biệt không chỉ tìm hài cốt liệt sĩ mà cả hài cốt của quân nhân chế độ cũ VNCH bởi quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận, cùng là người Việt cả”.
Cần mẫn làm công việc đó hơn 30 năm, làm từ khâu đầu đến khâu cuối từ nắm thông tìm tìm địa điểm đến bốc cốt rồi làm lễ truy điệu, chôn cất, dựng bia rồi cúng lễ tuần lễ tháng. Tất cả chi phí đều lấy từ lương hưu của mình, cả bà vợ già cũng hết lòng lo liệu việc “hậu sự” phụ giúp chồng.
Cả đến lúc đã 92 tuổi (2007) vẫn tiếp tục làm công việc không công đó vì “Mỗi ngày sống mà làm được một việc thiện thì đêm về mới ngủ yên giấc”.

465 - Phạm Lụa
GẦY DỰNG “THÀNH PHỐ NGHĨA ĐỊA”
Thường dân sinh 1935 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở TT – Huế (2005).
Năm 1995 được con bảo lãnh qua Mỹ lúc đã 70 tuổi.
Trên quê người đã vận động người đồng hương cùng ở làng An Bằng ven biển Thuận An đóng góp tiền bạc gửi về giúp đỡ làng mình. Mỗi năm về nước đều đặn 2 lần để thực hiện nghĩa vụ đó.
Đến năm 2004 thì hồi hương quay về An Bằng tiếp tục nhiệm vụ làm cầu nối Mỹ – An Bằng.
Từ đó trở thành một trong những người gây dựng phòng trào Việt kiều gửi tiền về xây mộ tổ tiên biến khu nghĩa trang của làng thành nghĩa trang hoành tráng tốn tiền nhất nước (có lăng mộ trị giá hàng chục tỉ đồng) tới mức được mệnh danh là “Thành phố nghĩa địa”,“Thành phố ma”!

466 - Phạm Hữu Tài
GÀ TRỐNG NUÔI 10 CON
Việt kiều Mỹ sinh 1930 tại Thái Bình. Sống ở Mỹ (2004).
Sĩ quan chế độ cũ vợ mất sớm từ năm 1974 để lại 5 con trai 5 con gái sống tại Nha Trang. Đi học tập 7 năm về vẫn ở vậy nuôi con.
Rồi từ Nha Trang ôm con vượt biên qua Mỹ với một kỷ lục về số lần cùng các con vượt biên không đếm xuể, tổng cộng khoảng… 50 lần! May mà dù có chuyến đi không lọt, có con sót lại song cuối cùng vẫn đi được không mất đứa nào. Cứ thế mãi đến 1986 mới “tha” đến Mỹ đủ cả bầy con để tiếp tục đi làm - không lấy vợ mới - nuôi tất cả trưởng thành ra đời.
Vì thế năm 2004 được TP San Jose ở bang California tuyên dương trong dịp lễ “Ngày của Bố”. Nhưng với các con – và thêm 30 cháu nữa - thì “Ngày nào cũng là Ngày của Bố cả”!

467 - Phạm Kim Hy
SỐNG VỚI CỖ QUAN TÀI RỖNG
Thường dân (nữ) sinh 1929 tại VN. Sống ở VN (2000).
Có con trai là bộ đội hy sinh mất xác từ năm 1972 nhưng vẫn không nguôi thương nhớ đì tìm khắp nơi từ hàng chục năm nay vì: “Cứ mỗi lần mở mắt ra là tôi lại trông thấy nó.”
Đã lặn lội đi tìm dấu vết, tông tích con ở 10 nghĩa trang quân đội, 3 lần tìm đến những chiến trường nơi con đã chiến đấu… Đi đâu gặp ai cũng chìa tấm ảnh con dọ hỏi, kể lể: “Chỉ cần tìm thấy răng của nó tôi cũng nhận ra ngay. Nó lúc nào cũng kè kè chiếc sáo. Giá mà tìm được mảnh vụn của chiếc sáo đó tôi sẽ nhận ra xác nó ngay…”
Nhưng những gì thu thập được qua các chuyến đi – những di vật chiến tranh rải rác như mẩu vải ny lông bọc xác chết, mẩu đạn, chiếc bi đông đựng nước uống, cây bút máy Hồng Hà… - đều không phải của con mà của ai đó, những liệt sĩ vô danh khác. Tuy vậy vẫn đem về – cả vài mẩu đất đá tại chỗ nữa – đặt chung trong một quan tài rỗng chôn ngay sát nhà mình, tượng trưng ngôi mộ con mà “Tôi và chồng tôi sẽ không bao giờ ngừng tìm kiếm nó.”

468 - Phạm Lực
HỌA SĨ “BAO TẢI GẠO”
Họa sĩ sinh 1943 tại Huế. Sống ở Hà Nội (2010).
Từ nhỏ đã theo mẹ về quê Hà Tĩnh trong khi cha ở lại Huế làm quan bị mang tiếng “Việt gian”. Sớm có năng khiếu hội họa (mẹ là chắt của đại thi hào Nguyễn Du) nên lớn lên ra Hà Nội học Cao đẳng Mỹ thuật.
Năm 1965 ra trường liền vào bộ đội chiến đấu ở Thanh Hóa, Quảng Bình rồi vào Nam tiếp tục có mặt trên chiến trường Tây Nguyên, Nam Lào, tây Nam bộ.
Sau 75 về Hà Nội học tiếp ĐH Mỹ thuật. Năm 1993 xin giải ngũ hàm thiếu tá để bước vào con đường họa sĩ chuyên nghiệp.
Thật ra trong 35 năm tại ngũ vẫn tranh thủ vẽ khi có thời gian, cả khi vừa rời chiến trường. Trong hoàn cảnh đó đã tận dụng những vật liệu thô sơ kiếm được tại chỗ để vẽ, nhiều nhất là vẽ trên các bao tải đựng gạo hoặc bột mì (của Liên Xô đan bằng sợi dù) làm lương thực cho bộ đội.
Hoàn cảnh chiến trận đồng thời cũng tập cho thói quen vẽ nhanh vẽ cấp kỳ những ghi nhận, cảm xúc bất chợt vừa đến, loé lên trong khoảng khắc giữa cái sống và chết. Mặt khác, các đề tài cũng ghi đậm dấu ấn của cuộc sống từng trải qua hoàn cảnh chiến tranh gần gũi với những mảnh đời bất hạnh bị chiến tranh xô đẩy, vùi giập: “Đối với tôi, cái đẹp trong hội họa phải bắt nguồn và gắn bó với cuộc sống xuất phát từ những cái thực. Đó là cuộc sống của những người lao động, những chiến sĩ và cả những đứa trẻ lang thang…”
Bây giờ trong thời hoà bình mới có điều kiện phát huy hết những kinh nghiệm sống và vẽ quý báu đó cộng với tiềm năng cùng sức vẽ bền bỉ, mạnh mẽ tới mức dữ dội, có thể chỉ một mình vẽ cả ngày lẫn đêm, được đánh giá là vẽ “bằng 5 người khác”. Vẽ đủ thể loại tranh lụa, tranh khắc, sơn dầu, sơn mài, màu nước…
Tính đến nay đã có hàng vạn tác phẩm (năm 2006 lập kỷ lục “Triển lãm cá nhân nhiều tranh nhất” với 242 bức tại TPHCM) trong đó có bán trong nướùc lẫn nước ngoài (riêng với khách nước ngoài là họa sĩ bán được nhiều tranh nhất).
Thời gian đầu chưa có tiếng tăm chưa ai biết nên cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn khiến vợ chịu không nổi đành chia tay. May sao sau đó có một phụ nữ Pháp dân trí thức đang làm chuyên viên UNICEF ở Hà Nội mến tài vừa mua tranh, mua cho nhà vừa tình nguyện… kết hôn luôn!
Nhờ người vợ thứ hai này mới mở được gallery riêng, được ra nước ngoài triển lãm, được đi khắp Châu Au giới thiệu tranh (vợ muốn cả 2 chuyển qua Pháp sống luôn song không đồng ý). Từ đó nổi tiếng tới mức trở thành họa sĩ VN đầu tiên có một CLB Sưu tập tranh của mình lập năm 2004 tại Hà Nội (qua đó đã tìm được hơn 4.000 tranh ở trong nước và trên 2.000 tranh ở nước ngoài).
Đã lấy tiền bán tranh góp cho nhiều quỹ từ thiện giúp nạn nhân CĐDC, trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật…

469 - Phạm Minh Đức
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 21 hay “LIỆT SĨ” GIẾT NGƯỜI?
Thương binh sinh 1944 tại Long An. Sống ở Long An (2008).
Năm 1962 vào bộ đội chiến đấu ở miền đông Nam bộ.
Năm 1965 bị thương nặng, điều trị 3 tháng rồi trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Năm 1972 lại bị thương nữa nên sau đó được chuyển qua làm cán bộ ban kinh tài ở huyện Châu Thành, Tây Ninh.
Sau ngày giải phóng 1975, mẹ già ở quê Long An chờ mãi đứa con duy nhất còn sống trở về (1 chị và 2 anh đã hy sinh) song mãi vẫn không thấy đâu dù không hề có giấy báo tử. Cuối cùng đành lập bàn thờ xem như liệt sĩ rồi!
Bất ngờ năm 78 thì con về. Lúc đó mới kể sự tình năm 1974 đang làm việc ở Tây Ninh thì bị công an huyện tình nghi tội “giết người” qua cái chết của một cán bộ hoạt động trong vùng biên giới giáp ranh Campuchia! Tuy không có chứng cớ gì rõ ràng song phải đến 4 năm sau mới được thả cho về mà cũng không nói rõ lý do tại sao bắt giam và sự tình đúng sai thế nào (có thể thủ phạm vụ án là Khmer Đỏ nhưng hồi đó chưa lộ bộ mặt thật chống VN).
Bởi vậy dù được trả tự do nhưng xem như vẫn mắc cái án “vô hình” mất tất cả quyền lợi kể cả danh dự nên bản thân không cam lòng quyết định đi kêu oan tới cùng. Mẹ bắt lấy vợ để có cháu nối dõi cũng không chịu. Nhưng vào thời đó những chuyện oan trái trong bối cảnh xã hội, chính quyền, luật pháp chưa đâu vào đâu như vậy khó thể làm rõ được.
Mãi đến năm 1990, sau khi mẹ được phong Bà mẹ VN Anh hùng, công an huyện ở Tây Ninh mới xem lại hồ sơ rồi xác nhận “không có tội”. Tuy nhiên chỉ xác nhận chừng đó chứ cũng không làm gì để phục hồi “nguyên trạng” như trước kia cho kẻ bị hàm oan do không đủ thẩm quyền lẫn năng lực.
Thế là kiện tiếp lên tỉnh, kết quả đến năm 1996 tỉnh buộc chính quyền huyện trả lại tài sản đã tịch thu (không bao nhiêu) và bồi thường một số tiền (hơn 7,6 triệu đồng thời điểm đó). Nhưng còn vấn đề danh dự cần được phục hồi công khai lẫn đảng tịch cũng như chế độ thương binh thì địa phương trả lời… ngoài khả năng, phải cấp Trung ương mới làm nổi!
Con đuờng ra tới Trung ương đối với kẻ thấp cổ bé miệng… xa quá nên rốt cuộc đành chịu thua.
Con người bỏ gần nửa đời người đi tranh đấu đòi trả lại quyền làm người lương thiện vì thế đã sớm trở thành “Ông Hai đầu bạc” già trước tuổi, không nghề nghiệp cũng không ruộng nương. Đến 44 tuổi mới chịu lấy vợ đành sống nhờ vào lương vợ công nhân dệt không bao nhiêu.
Chỉ tội nghiệp Bà mẹ VN Anh hùng đã qua đời năm 2004 không an lòng vì thương con còn mang tiếng oan khuất hầu như cả đời.

470 - Phạm Ngọc Em
KHÔNG ÁNH SÁNG CUỐI ĐƯỜNG HẦM
Người khuyết tật sinh khoảng 1956 tại Bình Định. Sống ở Bình Định (2010).
Năm 1974 muốn trốn đi lính chế độ cũ nên đã dùng mìn cho nổ phá bàn tay nhưng không may mìn nổ lại làm mù luôn 2 mắt (nên còn có tên ông “Ba mù”). Cha mẹ lại mất sớm nên phải sống nhờ vạ vật vào sự giúp đỡ của bà con, hàng xóm.
Năm 1990 lấy vợ vốn là dân quê lưu lạc tha hương. Sinh được 2 con nhưng lại vào dạng thiểu năng trí tuệ. Vì thế cả nhà đều do một tay người vợ làm đủ thứ nghề lao động nặng nhọc để nuôi chồng con ở nhà bó tay một chỗ.
Không may đến Tết 2010 ngưòi nội tướng dũng cảm này mắc bệnh huyết áp mà không biết nên bị choáng té xe chấn thương sọ não nằm hôn mê một chỗ chưa biết ra đi lúc nào. Trong lúc ở nhà kiếm 10.000 đồng trả tiền xe chở từ bệnh viên về cũng không có!
Phải chăng thế là hết không chỉ cho một đời người mà cho cả 3 người còn sống còn lại?
(Còn tiếp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét