CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975-2011(KỲ 55)


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

551 - Lê Văn Cong
ANH EM CONG, QUẸO
Người khuyết tật sinh 1984 tại Bình Thuận. Sống ở TPHCM (2011).
Ngay từ thủa lọt lòng đã mắc phải di chứng CĐDC nên thân thể gần như bại liệt luôn chịu đựng những cơn đau dữ dội khiến mỗi lần như vậy cả thân người oằn xuống rồi cong lên như con tôm vì đau đớn nhức xương rát thịt chịu không thấu. Bởi vậy mẹ mới đặt tên là… Cong!
Còn ngươì anh sinh trước 2 năm thì tựa người không xương, tay chân vừa ngắn củn cởn vừa mềm oặt có thể cầm lên… bẻ lui bẻ tới như cao su vậy. Từ đó cũng được mẹ đặt tên là Lê Văn… Quẹo!
May sao được cơ sở từ thiện giúp gia đình nuôi nấng, dần dà cho học thêm nghề âm nhạc – đàn địch, thổi sáo… -- vừa để giải khuây vừa mong sau này có thể lấy làm kế sinh nhai qua ngày.
Đến khi trưởng thành nhờ có nghề nhạc 2 anh em mới được giới thiệu về Cơ sở khuyết tật An Phú ở TPHCM sinh hoạt trong đội văn nghệ nơi đây. Rồi qua năm 2008 từ đó hình thành “Đội Văn nghệ Da cam” ngồi xe lăn đi trình diễn khắp nơi từ TPHCM đến các tỉnh lân cận vừa phục vụ vừa có thêm thu nhập chút ít.
Chừng đó cũng lấy làm mãn nguyện rồi như người anh tự hào: “Chúng tôi sống phải dựa vào quá nhiều người, từ ăn uống tắm rửa đến cả đi vệ sinh. Nhưng chúng tôi khong phải vô dụng vì đã mang lời hát, tiếng đàn rộn ràng, vui vẻ đến cho nhiều người.

552 - Lưu Quang Vũ
TƯỢNG ĐÀI KỊCH HẬU CHIẾN CHẾT BI THẢM
Nhà thơ, nhà viết kịch sinh 1948 tại Vĩnh Phú – Mất 1988 ở Hà Nội (41 tuổi).
Xuất thân từ gia đình văn nghệ sĩ kháng chiến chống Pháp (bố gốc Đà Nẵng tập kết), năm 1965 tình nguyện vào bộ đội lúc mới 17 tuổi chưa đủ tuổi phải nhờ ông chú xin giùm mới được chấp nhận!
Làm lính phòng không sửa chữa máy móc trên trận địa bảo vệ bầu trời Hà Nội chống máy bay Mỹ. Được suất đi Liên Xô học 5 năm vẫn từ chối để ở lại hòa mình vào cuộc chiến đấu chung. Bắt đầu làm thơ.
Chứng kiến bao thảm cảnh chiến tranh ngay tại thủ đô dưới làn mưa bom Mỹ -- “Thành phố vừa trải qua/ Những trận bom hủy diệt/ Lòng cha giờ giập nát/ Những xác người máu loang…” -- nên ngày 30.4 giải phóng miền Nam lập lại hòa bình thống nhất đã có ý thức rất rõ ràng nhạy bén về một thời Hậu chiến đang đến với biết bao bộn bề khó khăn trăn trở qua một loạt bài thơ ấn tượng sâu sắc, sáng suốt. Qua đó thể hiện niềm tin con người VN sẽ dũng cảm đứng dậy vươn lên từ đống tro tàn khói lửa để làm lại tất cả, từ đó le lói niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.
Từ mô tả tình cảnh sau chiến tranh:
“Cuộc chiến tranh thế là đã đi qua
Cỏ trên đường bắt đầu xanh lại
Bao xác xe bên đường cháy rụi
Những người tản cư nườm nượp trở về nhà…
……………………………………….
Bây giờ lại bắt đầu những khó khăn của thời hậu chiến
Chưa ai dựng nhà trên bãi nền đổ nát
Nơi máu đổ quá nhiều
Chưa ai dám trồng hoa
Chưa ai yêu thương bên huyệt mộ căm thù….”
Đến niềm tin vào con người, vào tình thương yêu loài người, vào thế hệ tiếp nối sẽ chung sức dựng xây lại tất cả:
“ Đứng bên thềm em lặng lẽ nhìn con
Chúng sẽ nối lại chiếc vòng sẽ đi hết con đường
Bằng hy vọng của em trên mặt đất.”
(Tháng 5)
Hoặc:
“Bài học của chiến tranh, thật lạ lùng sao
Lại là sắc trời xanh đơn giản ấy
Giờ chẳng khó nào làm ta sợ hãi
Tình yêu của em đã dẫn lối anh về.”

(Tháng 5.1975)
Và bản thân sẵn sàng tham gia góp một tay vào công trình đó với tràn ngập lòng yêu quê hương đất nước:
“Ước chi được hóa thành ngọn gió
Để ôm trọn vẹn nước non này
Để thổi ấm những đỉnh đèo buốt giá
Để mát rượi những mái nhà nắng lửa
Để luôn luôn được trở lại với đời.”
Ấy là khí thế của tuổi trẻ thời này tràn đầy niềm lạc quan cách mạng lý tưởng chủ nghĩa, hoàn toàn trong sáng vô vụ lợi quên mình cống hiến cho đất nước, dân tộc với ước mơ “trở thành người tốt và có ích”, “làm được những việc có ích”.
Tất cả niềm tin yêu con người, cuộc đời hướng về triển vọng một xã hội mới, cuộc sống mới tươi đẹp đó sau 75 khi chuyển qua làm tạp chí Sân khấu bắc cầu vào thế giới sân khấu bắt tay vào viết kịch (đã có sẵn gien từ bố là nhà thơ cũng là soạn giả kịch) như cá gặp nước. Từ đó đã viết nên hàng loạt vở kịch thành công rực rỡ, ăn khách gây tiếng vang cả nước.
Với nội dung, đề tài xoay quanh xã hội thời hậu chiến bắt đúng mạch thời đại cổ vũ tuổi trẻ nhiệt huyết đấu tranh xây dựng cuộc sống mới, tình người, tình bạn, tình yêu hoàn hảo tốt đẹp. Nhưng trong bối cảnh xã hội VN hậu chiến đầy phức tạp trăn trở khác với thời chiến tranh với nhiều vấn nạn đòi hỏi thay đổi triệt để cả hệ thống lẫn tư duy không thể tránh khỏi cuộc chiến chống lề thói quan liêu bao cấp tiêu cực của xã hội miền Bắc trước kia nay không còn phù hợp nữa.
Vì vậy có một số vở kịch ban đầu đã bị giới bảo thủ giáo điều “đánh” nhưng trong thời điểm những năm 80 “Đêm trước Đổi mới” nên vẫn được dư luận quần chúng hết sức ủng hộ thừa thắng xông lên: “Mình cứ viết thật nhiều, họ “đánh” chưa xong vở này thì mình ra vở khác rồi, họ chả kịp đánh tiếp nữa đâu!”
Từ đó đã lập vô số kỷ lục bất hủ trong lịch sử kịch nghệ VN sau này khó ai theo kịp: Viết gần 60 vở kịch trong vòng 8 năm với mức trung bình 7 vở/năm, có khi viết cùng lúc 4 vở. Đó là Sống mãi tuổi 17 - Tôi và chúng ta - Lời thề thứ chín - Tin ở hoa hồng - Lời nói dối cuối cùng - Ông không phải là bố tôi - Nàng Sita - Hoa cúc xanh trong đầm lầy – Bệnh sĩ - Cô gái đội mũ nồi xanh – Vụ án 2.000 ngày – Nguồn sáng trong đời – Khoảng khắc và vô tận - Hồn Trương Ba da hàng thịt (gần đây được đưa lên phim truyện nhựa)….
Là tác giả đoạt nhiều huy chương nhất trong một hội diễn với 10 huy chương gồm 8 Vàng, 2 Bạc trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc 1985; tác giả có vở diễn được nhiều đoàn dàn dựng nhất với khoảng 150 đoàn trong cả nước, trung bình hàng đêm có chừng 20 đoàn diễn, có nơi một đêm đến 6 đoàn diễn 6 vở khác nhau (TP HCM,1988), có đêm hơn 40 đoàn cả nước diễn kịch của mình, có đợt Đoàn Kịch Hà Nội diễn lên tục 180 suất vở “Tôi và chúng ta” tại Nhà hát lớn TPHCM. Nhiều vở được chuyển thể qua các loại hình sân khấu khác. Có nhà nghiên cứu ngồi tổng kết 3/4 số Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú hiện nay đều nhờ “bệ phóng” kịch Lưu Quang Vũ!
Ngoài kịch, còn tiếp tục làm thơ, viết truyện ngắn với 3 tác phẩm đã xuất bản.
Đang lúc đạt đỉnh cao tài năng thì cuối tháng 8.1988 cùng vợ và con (vợ sau là nhà thơ nữ có tiếng Xuân Quỳnh, con trai 13 tuổi cũng được phát hiện có năng khiếu làm thơ và vẽ đã in một tập thơ kèm tự minh họa) sau một chuyến đi làm việc với đoàn kịch trên đường ngồi ô tô bạn lái từ Hải Phòng về Hà Nội đã gặp tai nạn thảm khốc bị xe phía sau đâm tới đã làm cả gia đình 3 người thiệt mạng! Vợ và con văng ra ngoài chết ngay tại chỗ, bản thân chấn thương nặng được bạn vác lên vai chạy đến bệnh viện gần đó thì tắt thở (còn để lại một người con trai duy nhất đời vợ đầu).
Uy tín, ảnh hưởng nghệ thuật lớn tới mức sau đó có lời đồn đại ca nhà chết do bọn tiêu cực bị kịch anh phê phán… thủ tiêu!
Quá bi thảm, quá tiếc nuối cho một thiên tài kịch nghệ tài hoa mệnh bạc khi mà bao mơ ước, sáng tác vẫn còn hứa hẹn rất nhiều chưa kịp hoàn thành khiến “thấy mình vẫn chưa làm được bao nhiêu “ (1987).
Và điều lạ lùng nữa như một “cái chết được báo trước” khi bản thảo vở kịch cuối cùng hoàn thành mang tên “Điều không thể mất”, còn bản thảo dở dang lại có tựa đề tiền định “Chim sâm cầm đã chết” - sâm cầm, loài chim quý hiếm.
Cũng như những câu thơ “điềm báo” làm trước đó vài tháng:
“Ta chỉ mới bắt đầu những ngày đẹp nhất
Vở kịch lớn, bài thơ hay nhất
Dành cho em, chưa kịp viết tặng em
Tấm màn nhung đỏ thắm
Mới bắt đầu kéo lên…”
(Thư viết cho Quỳnh trên máy bay)

553 - Phạm Phước Đại
ĐỘI LỄ TANG TỰ NGUYỆN
Nông dân sinh 1926 tại Bình Thuận. Sống ở Bình Thuận (2011).
Trong chiến tranh chống Mỹ là tiểu đội trưởng du kích từng bị địch bắt giam tra tấn. Ngoài ra còn tham gia ban phụ trách miếu thần Long Hương trong huyện Tuy Phong vốn có tập tục nhận chôn xác người vô thừa nhận kể từ nạn đói năm 1945.
Sau 75 trở về làm dân thường ngoài việc làm lụng nuôi gia dình, khi rảnh rỗi tìm cách khôi phục hoạt động của hội miếu thần Long Hương trước kia. Từ cơ sở đó năm 1981 xin lập Hội Phước Thiện để cáng đáng công việc từ thiện này.
Trong hơn 30 năm qua đã phát triển, đẩy mạnh họat động của hội đặc biệt qua đội phục vụ lễ tang với khoảng 60 thành viên tự nguyện sẵn sàng lo liệu mọi công đoạn đưa tang hoàn toàn miễn phí. Đối với người chết vô gia cư vô thừa nhận vẫn cử hành lễ tang đúng nghi thức đàng hoàng, sau đó đưa vào thờ trong miếu do hội chủ quản và hàng năm đều có làm lễ cúng giỗ trang trọng.
Hơn 50 năm làm việc “phúc đức” như vậy dù gia cảnh vào hàng nghèo khó một vợ 5 con. Chỉ vì tâm nguyện: “Bởi mình nghèo nên phải thương nhau, việc có nghĩa có tình mà không làm thì làm việc chi… Người chết có chỗ an thân thì người sống mới thật sự bình yên, thanh thản tâm hồn.”

554 - Tạ Văn Năm
TỪ BẮT VƯỢT BIÊN THÀNH TỔ CHỨC VƯỢT BIÊN!
Thường dân sinh 1932 tại Cà Mau. Sống ở Cà Mau (2007).
Tham gia kháng chiến chống Mỹ ở địa phương, sau 75 được cử giữ chức Phó phòng Thủy sản huyện Ngọc Hiển.
Năm 1982 được phân công vào tổ “đặc nhiệm” của huyện – gồm quân đội, công an, huyện ủy… - theo dõi bắt các vụ vượt biên trái phép vốn đang “thịnh hành” thời này.
Kết quả thế nào không biết nhưng đùng một cái đến tháng 8 năm đó thì bị… công an bắt giam với tội danh “Đưa rước người vượt biên”, từ cán bộ chống vượt biên thành kẻ đầu têu… vượt biên! Nhưng công an lại không hề lập án truy tố hay ra tòa mà cứ giam như vậy suốt 36 tháng (cả Viện Kiểm sát huyện cũng không biết) rồi… thả ra “không nói năng gì”!
Thế là bắt đầu hành trình gian khổ hơn 20 năm ôm đơn đi kiện kêu oan tứ phương chuyện mình chẳng có tội gì mà lại bị cầm tù khơi khơi, đến khi về mất hết mọi quyền lợi, chức vụ, công ăn việc làm. Kêu oan rằng nguyên nhân sâu xa của vụ này là do trong quá trình bắt vượt biên, tổ “đặc nhiệm” đã thu giữ một số lượng vàng và tiền của dân vượt biên nhưng sau đó không báo cáo lại tổ chức. Bản thân mình có biết nên những cán bộ cấp lãnh đạo thoái hóa “lạm giữ” số tài sản này bỏ túi riêng sợ bị tố cáo mới tìm cách ém nhẹm, bịt đầu mối như thế đối với mình.
Nhưng vào thời đó việc kiện cáo kiểu đó không đi đến đâu vì luật pháp lỏng lẻo trong khi các “thủ phạm” đều nắm quyền cao chức trọng tại chỗ dễ dầu gì khui ra đánh bật gốc được.
Mãi đến năm 2001 huyện ủy mới nơi này mới có văn bản minh oan cho là “không có tội”, thừa nhận việc làm trước đây của công an là sai nhưng không hề đá động đến chuyện xin lỗi, phục hồi danh dự công khai hay bồi thường gì cả. Qua năm 2004 cả Bí thư Tỉnh ủy cũng hứa giải quyết rồi… cho qua luôn.
Bởi cũng rất khó cho việc lật lại hồ sơ vụ án đã quá lâu qua thời hạn “hồi tố” nhất là khi các nhân chứng lẫn kẻ phạm tội giấu mặt nào đó nay hoặc đã về hưu hoặc… chết hết rồi!

555 - Tạ Vĩnh Cư
BỘ ĐỘI BỊ “NHẦM” LÀ… CIA!
Thường dân sinh 1928 tại Cà Mau. Sống ở Cà Mau (2000).
Bộ đội đánh Pháp ở Cà Mau, đến 1954 tập kết ra Bắc để lại vợ cũng là Việt cộng hoạt động nằm vùng chống Mỹ.
Năm 1962 vào Nam trở lại làm tiểu đoàn phó rồi Trưởng ban Tác chiến Tỉnh đội Cà Mau nổi tiếng đánh giặc giỏi. Gặp lại vợ sinh được một con trai.
Nhưng cuối năm 1967 trong khi chuẩn bị cho trận chiến Mậu Thân 1968, do tính tình bộc trực thẳng thắn đã có quan điểm mâu thuẫn chống đối cấp trên nên bị bắt giam giao nhiệm vụ đánh Mậu Thân lại cho người khác. Kết quả trận này không khả quan, lực lượng bị thiệt hại nhiều nên mình lại bị cấp trên tìm cách đổ tội cho là làm… tay trong của CIA để lộ tin tức mới dẫn đến tổn thất vừa qua! Do đó từ “tù nội bộ” bị chuyển qua “tù địch”!
Qua năm 1969 bỗng nhiên Mỹ đem trực thăng và tàu chiến đánh vào trại giam nói là “giải thoát” cho nhân viên CIA bị bắt – chính là mình! - rồi đưa về Sài Gòn xác minh thấy không phải CIA bèn quay qua chiêu hồi theo chúng. Kiên quyết từ chối nên bị đẩy xuống giam ở Cần Thơ một thời gian, cuối cùng chuyển ra nhà tù Phú Quốc.
Năm 1973 được thả trong cuộc trao đổi tù bình 2 phía. Không thể tìm về đơn vị bộ đội cũ vì vẫn còn mang “án treo” CIA chưa biết thực hư thế nào nên đành theo về quê sống với vợ lúc này cũng xem như bị liên lụy ngưng công tác phải làm nghề thiến heo nuôi con.
Tiếp tục sống như thế sau ngày hòa bình, trong cảnh… nửa cách mạng nửa CIA! Nhưng khi tình hình đã ổn định thì cách mạng không “quên” đâu nên năm 1977 lại bị chính quyền mới… bắt giam lần nữa để sưu tra cho ra sự cố bị tố CIA nằm vùng trước kia. Tuy nhiên kết quả sưu tra không tra ra gì cả nên năm 1982 đành thả ra song cẩn thận viết giấy gọi là “tạm tha” để tránh đương sự kiện cáo cựu bộ đội bị ở tù vô cớ bởi… phe ta!
Nhưng tuổi già sức yếâu kèm bệnh tật đủ thứ qua nhà tù 2 chế độ “bỏ tù lẫn nhau” – bệnh tê thấp làm phù thủng cả người rồi tai biến mạch máu não nằm liệt mấy năm – thì hơi tàn nào nữa mà đi kiện cáo? Chỉ có đơn vị bộ đội cũ thương tình cấp cho giấy chứng nhận bộ đội phục viên để khỏi bị ai gây phiền hà.
Còn nghi án CIA xưa kia thì mãi mãi là một bí mật lịch sử đành mang xuống tuyền đài thôi. Chắc chắn là bị cấp trên vu oan nhưng còn chuyện Mỹ giải cứu thì lý do tại sao, do Mỹ cũng tưởng thật hay cố tình tiếp tay dựng lên với ý đồ lung lạc chia rẽ nội bộ cách mạng đồng thời khai thác thông tin từ một tay CIA “giả”?

556 - Tam Lang
THẦN TƯỢNG BÓNG ĐÁ 2 CHẾ ĐỘ
Cầu thủ, huấn luyện viên bóng đá về hưu tên thật Phạm Hùynh Tam Lang sinh 1942 tại Gò Công. Sống ở TPHCM (2011).
Trước 75 là cầu thủ bóng đá đội Cảnh sát quốc gia chế độ cũ nổi tiếng là một “trung vệ thép” từng mang băng đội trưởng Đội tuyển VNCH đoạt giải quốc tế danh giá nhất thời này là Cúp Merdeka của Malaysia năm 1966, đuợc đưa vào Đội tuyển Châu Á. Lại có phong cách đạo đức mẫu mực, nghiêm túc mà vẫn mang dáng dấp nghệ sĩ tài hoa đẹp trai nên sau chiến tích đó đã thành hôn với nữ nghệ sĩ cải lương thanh sắc vẹn toàn nhấùt lúc đó là “Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết (ly dị năm 1974).
Gắn lon trung sĩ “lính kiểng” cảnh sát đá banh nên sau 75 chỉ đi cải tạo… 3 ngày rồi được cho về tiếp tục đá bóng ở đội Cảng Sài Gòn. Đáng ngạc nhiên hơn nữa là cầu thủ “tại chỗ” duy nhất năm 1981 được cử đi học khóa huấn luyện viên ở CHDC Đức, sau đó về dẫn dắt đội CSG suốt 28 năm giành 4 chức VĐQG và có lúc được cử lên làm Trợ lý HLV Đội tuyển VN.
Thì ra nhờ lý lịch có cha là… liệt sĩ thời chống Pháp, hy sinh trong tù mất xác năm 1945, một mình mẹ ở vậy nuôi con trai duy nhất. Vì vậy sau này khi có người đề nghị giúp vượt biên đã từ chối vì lý do phải ở lại lo chăm sóc mẹ già.
Sau khi về hưu, đội CSG từng là niềm tự hào truyền thống của bóng đá TPHCM dần dà xuống dốc cuối cùng đi tới chỗ giải thể luôn vào năm 2009. Vì thế phần mình vẫn đau đáu lo âu cho nền bóng đá TP nên có dịp là vẫn muốn đóng góp giúp vực dậy làng bóng vang bóng một thời này từng đứng đầu toàn quốc nay đã rơi tự do xuống nhóm chót bảng cả nước.

557 - Tăng Bồn
“NGƯỜI ĂN XIN GIÀU CÓ NHẤT”
Bộ đội về hưu sinh 1930 tại Quảng Nam. Sống ở Quảng Nam (2009).
Về hưu về lại quê nhà xã Đại Hồng sinh sống.
Không ngờ xã này lại là tâm điểm của CĐDC, trở thành là “thung lũng da cam” của tỉnh với số nạn nhân trẻ em nhiều nhất cấp xã với khoảng 200 em di chứng đến thế hệ thứ ba. Vì thế với cương vị Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ đã cùng với một người bạn già đồng đội cũ suốt hơn 20 năm nay miệt mài cần mẫn làm công việc đạp xe đạp đi… “ăn xin” tiền khắp nơi về giúp đỡ các gia đình có con bị nhiễm CĐDC trong xã.
Xin cơ quan đơn vị lẫn cá nhân cả trong nước và Việt kiều chủ yếu là dân đồng hương xứ Quảng: “Cả đời tôi tình nguyện đi xin tiền xin gạo cho các cháu, tôi đi ăn xin là để giúp người nên có gì mà lấy làm xấu hổ…” Ban đầu chỉ đi xin quanh quẩn trong dịa phương, sau dần cũng “cạn vốn” nên mở rộng ra đến thị xã Tam Kỳ rồi đến TP Đà Nẵng nữa, có khi còn ra tới Hà Nội và vào tận TPHCM.
Vợ mất một năm rồi vẫn tiếp tục lên lưng ngựa sắt bôn ba đường trường với niềm vui tự hào là “người ăn xin giàu có nhất xin cả tiền triệu để đổi lấy cả trăm nụ cười” từ bao đồng bào bất hạnh của mình.

558 - Thái Bá Lợi
NHÀ VĂN VÀO CHÙA
Nhà văn sinh 1945 tại Nghệ An. Sống ở Đà Nẵng (2011).
Trong chiến tranh chống Mỹ là bộ đội quân y sĩ giải phẫu tiền phương trên chiến trường Bình Trị Thiên và Quảng Nam – Đà Nẵng. Thuộc thế hệ nhà văn trẻ nhất trước khi kết thúc cuộc chiến với nhiều dấu hiệu phát triển tài năng mới mẻ.
Sau 75 trụ lại Đà Nẵng trở thành nhà văn chuyên nghiệp viết về đề tài chiến tranh đã trải qua như một sứ mệnh bởi “Quên đi quá khứ là thấy mình có lỗi”. Từ đó cho ra đời một loạt tác phẩm truyện vừa, tiểu thuyết – “Hai người trở lại trung đoàn”, Những người ở trong rừng ra”, “Họ sống cùng thời với những ai”, Bán đảo”, “Trùng tu”…, có tác phẩm đoạt giải Hội Nhà văn VN - vẫn với nội dung chiến tranh nhưng được phản ánh bằng một cái nhìn khác có chiều sâu tư tưởng chủ yếu khắc họa về những số phận con người bị cuốn vào cơn lốc máu lửa. Và đặc biệt bằng một văn phong, bút pháp mang dáng dấp hiện đại ngắn gọn, thâm trầm gợi mở từ đó nhiều suy nghĩ, vấn đề triết lý.
Đang lúc thăng hoa văn chương như vậy đột ngột… bỏ vào chùa đi tu bắt đầu từ một sự cố “khó nói” trong gia đình!
Một thời gian sau rời chùa trở về đời sống bình thường tiếp tục viết nhưng từ đây có thể thấy rõ dấu ấn của tinh thần Phật giáo trong tác phẩm: “Dù viết về cái xấu hay cái tốt, về người lớn hay trẻ em, về quá khứ hiện tại hay tương lai cuối cùng vẫn là đề cao giá trị tinh thần vốn có của con người.”
Kể cả khi viết tác phẩm mới nhất, tiểu thuyết lịch sử “Minh sư” in năm 2010 kể chuyện về chúa Nguyễn sùng mộ đạo Phật: Để hoàn thành nó, đã vào chùa Vũng Tàu ở luôn mấy tháng trời. Còn năm trước thì cũng vào chùa cùng dự cả khóa an cư kiết hạ kéo dài 3 tháng dành cho nhà sư!

559 - Thái Tuấn
KHÔNG GÌ HƠN QUÊ HƯƠNG
Họa sĩ tên thật Nguyễn Xuân Công sinh 1918 tại Hà Nội – Mất 2007 ở TPHCM (90 tuổi).
Từng học trường Mỹ thuật Đông Dương cùng khóa 1 với Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái nhưng là dân Công giáo nên năm 1954 di cư vào Sài Gòn mới bắt đầu cầm cọ và viết lý luận phê bình trong nhóm Sáng Tạo tập trung văn nghệ sĩ miền Bắc bỏ đi với ý hướng xây dựng một nền VHNT mới cho miền Nam tách rời độc lập với miền Bắc cộng sản.
Trở thành họa sĩ và nhà lý lụân phê bình hội họa hàng đầu của miền Nam, riêng về viết lý luận phê bình hội họa là vì “không ai viết”, viết ít nhưng sâu sắc, tính tri thức và tư tưởng cao (đã tái bản hai cuốn “Câu chuyện hội họa” và “Tuyển tập tranh và tiểu luận”).
Với quan điểm hội họa thuần túy, hội họa thuần khiết hướng đến lý tuởng tinh thần thanh cao tối thượng; một thứ hội họa vĩnh cửu, phi thời gian, không cần sự tiến bộ, không lệ thuộc thị hiếu, không quan tâm tương lai. Mặt khác, mang tính dân tộc đậm đà qua phong cách – gần với Dương Bích Liên - qua mẫu đề tài ưa thích thường xuyên nhất là hình ảnh người phụ nữ Thanh Hoá xưa mang áo dài – hình ảnh người vợ – toát lên vẻ giản dị, trong sáng, thánh thiện.
Chuyên vẽ sơn dầu theo phong cách kết hợp kỹ thuật tranh thủy mặc như một thủ pháp Việt Nam hóa. Qua nét họa đơn giản nhẹ nhàng, dịu dàng, màu sắc “mềm” chú trọng để mở những khoảng trống vời vợi mông lung trên tranh cho trí tưởng tượng người xem bay bổng vượt không gian thời gian.
Trong đời sống riêng rất có tư cách, nghiêm túc, đứng đắn, khiêm tốn, tránh xa chính trị, không hề chạy theo thời thượng hoặc vinh danh thế sự. Nên nghèo.
Năm 1984 theo gia đình qua định cư Pháp. Đến 2005 sau khi vợ mất đã trở về nước, ban đầu chỉ định thăm con trai còn ở lại nhưng sau đó quyết định ở luôn (trả lại vé máy bay khứ hồi về Pháp): “Không nơi nào đẹp và nhiều kỷ niệm bằng quê nhà dù vẫn đôi lúc còn nhiều chuyện bực bội, phiền phức.”
Về để tìm lại niềm vui cuộc đời nghệ sĩ như ngày xưa tuy nay mang căn bệnh thanh quản mãn tính làm giọng khò khè khó nghe. Chiều chiều ngồi vỉa hè uống cà phê cóc nhìn người người qua lại, nhìn cuộc đời đi diễu hành trước mặt, ngước lên nhìn bầu trời mây trắng mây xanh – như trong tranh - trôi qua trên đầu. Và vẽ.
Đúng vậy, đã tìm lại niềm đam mê vẽ (ở Pháp, có khi qua Mỹ cũng có vẽ nhưng ít thôi và vẫn quanh quẩn đối tượng người phụ nữ VN kia) dù phải sống trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn nơi căn nhà cũ đã giao cho con trai, trong một căn phòng bé xíu 6m2 được sắp xếp thành “xưởng vẽ”, trong một ngõ hẻm ngoằn nghèo chật hẹp mà xe gắn máy cũng khó vào. Nhưng vẫn miệt mài vẽ.
Cứ như thế trong một năm vẽ xong 12 bức. Vẽ nhiều và nhanh trước kia chưa từng vì “chưa hài lòng với chính mình”, có đưa ra triển lãm năm 2006 gồm 13 bức chỉ có một vẽ ở Pháp khổ nhỏ nhất -- cuộc triển lãm cuối cùng.
Sau đó bệnh già nằm liệt ba tháng rồi ra đi. Thanh thản như một người đã ngộ chất Thiền lạ thay sau này lại thấm sâu vào tâm hồn một người theo đạo: “Vẽ đủ rồi, sống đủ rồi, viết đủ rồi.”

560 - Thanh Campbell
BABYLIFT TÌM LẠI GIA ĐÌNH
Việt kiều Canada tên cũ Nguyễn Ngọc Minh Thanh sinh 1974 tại Long An. Sống ở Canada (2011).
Mới một tuổi thì do hoàn cảnh chiến sự căng thẳng được cha mẹ (cha là nhà giáo) đem gửi cùng 2 anh vào cô nhi viện ở Cần Giuộc – Long An nơi có người thân làm giám đốc nhờ nuôi giùm một thời gian ngắn chờ tình hình yên ổn sẽ đón về lại.
Không ngờ mình là em út đứa nhỏ nhất bị “cầm nhầm” đưa lên Sài Gòn theo chiến dịch Babylift do chính phủ Mỹ tổ chức đưa khoảng hơn 2.000 trẻ mồ côi VN qua Mỹ và một số nước khác (Canada, Uùc, Châu Au) vào thời điểm tháng 4.1975 trước ngày Sài Gòn thất thủ. Chiến tranh chấm dứt, cha mẹ đến cô nhi viện đón con về mới hay tin động trời đó, chỉ còn lại 2 đứa con trai lớn hơn mới không bị đem đi. Cha mẹ cất công tìm kiếm kể cả sau này nhờ liên lạc tìm ở Mỹ đều không kết quả.
Phần mình được chia về Canada, sau đó được gia đình một mục sư tại đây nhận làm con nuôi, đặt lại tên theo họ mới Campbell. May mắn khi ra đi được gửi theo giấy khai sinh và cả chiếc vòng đeo tay có khắc tên mình sau này vẫn còn lưu giữ.
Lớn lên ra đời làm giám đốc bộ phận một tổ chức phi chính phủ, lấy vợ sinh 4 con.
Năm 2006 theo bạn bè cũ cùng chuyến bay Babylift năm xưa quay lại thăm quê mẹ được báo chí VN chụp ảnh đưa tin viết bài chi tiết. Và từ một bức ảnh chụp mình khá rõ mặt trên báo đó, người cha nhìn thấy giống mình quá mới nhờ tờ báo liên lạc hỏi giùm, cả người em trai (sinh sau) cũng gửi email qua trình bày câu chuyện, gửi thêm bản sao giấy khai sinh cũ còn giữ được để đối chiếu. Tất cả đều chứng thực đúng là người con, người anh Babylift lưu lạc từ cô nhi viện Cần Giuộc lúc mới một tuổi. Tiến hành xét nghiệm ADN so sánh ở Canada cũng đã xác nhận.
Sau kết quả thử ADN, cha con đã nói chuyện qua điện thoại liên lục địa hơn 2 tiếng đồng hồ (người con qua phiên dịch vì đã quên hết tiếng mẹ đẻ) kết thúc bằng lời nói bập bẹ mới tập của người con “Con thương ba lắm”.
Rồi cả bố nuôi và vợ con cùng theo mình về nước trong cuộc tái ngộ đoàn viên gia đình sau hơn 30 năm ly tán, chỉ tiếc người mẹ đã qua đời với lời trăng trối để lại chồng rằng bằng mọi giá phải tìm lại “tội nghiệp con tôi”.
Nay ước nguyện đó đã hoàn thành, chỉ có điều người cha còn áy náy sợ con hận mình đã bỏ rơi nó nhưng tất cả được giải tỏa hết vì với người con thì “Nay tôi đã có nhiều hơn bất kỳ ai, tôi có 2 gia đình, 2 ông bố và nhiều anh em. Tôi cảm thấy mình rất có phước rồi…”
(Còn tiếp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét