CÂU HỎI CHUNG
Vũ Trà My: Anh ( Chị ) đến với thơ từ lúc nào ? Đã có bài thơ nào của chính anh ( Chị) hoặc của một ai đã từng làm Anh ( Chị ) mê đắm , yêu thích đến tận lúc nầy ?
Đông Hà: Để xác định cụ thể tôi đến với thơ lúc nào e chừng khó như thể hỏi tôi biết yêu từ bao giờ vậy. Chỉ nhớ rằng từ thưở bé, tôi đã rất thích đọc thơ. Có lẽ từ hoàn cảnh của lứa chúng tôi hồi ấy, cha mẹ thường phải quần quật làm lụng, chúng tôi cứ thế mà lớn lên với nhau. Những trò chơi tuổi thơ quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những tụ tập linh tinh rồi bày đủ trò nghich ngợm. Tôi lại là đứa trẻ không nhanh nhẹn lắm trong các trò chơi, nên đành quay về vớ lấy mớ báo nhi đồng mà ba mẹ tôi thường mang về từ cơ quan cùng những cuốn sách dành cho thiếu nhi của văn học Xô viết tràn ngập trong các tủ sách gia đình thời bấy giờ. Thế là tôi đã ngấu nghiến chúng. Rồi từ những trang sách đọc được đó, tôi bỗng dưng nảy ra ý định viết thành chữ những gì mình nghĩ (sau này mới biết đó là thơ), như một cách chuyện trò với những nhân vật trong các tác phẩm mình đọc được, để nói ra những ý nghĩ non nớt của mình mà không phải quấy rầy cha mẹ, cũng không bị lũ bạn bè láu táu bấy giờ cười là dở hơi.
Mỗi giai đoạn trong cuộc đời mình, tôi yêu một vài bài thơ của một vài tác giả khác nhau. Đôi khi cũng bài đó của người đó lúc này tôi chưa thích nhưng lúc khác tôi lại thấy rung động. Nên nói rằng chỉ một bài thơ/ một tác giả ám ảnh tôi thì chưa đủ. Có những câu thơ thi thoảng lại vang lên trong tôi như một ám ảnh, như câu của Hoàng Cầm "Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng...". Chỉ câu thơ đó thôi mà bao nhiêu xúc cảm tuôn trào. Với tôi, cái buông chùng cửa võng của thi sĩ Hoàng Cầm đã thả tuột cả lòng mình bao nhiêu điều cầm nén trong sâu thẳm, để từ đó mà òa òa ra biết ngần nào cung bậc của thi tứ, của yêu thương. Với tôi, thơ Hoàng Cầm mới, và rất tình. Nhưng bên cạnh đó, tôi vẫn yêu những câu thơ khác của những nhà thơ khác, trong một lúc nào đó, nếu tôi cùng tâm trạng với họ.
Hoàng Lộc : Năm tôi vào trung học 1956, người bác họ của tôi có mua báo hằng tháng ở Huế là tờ Bông Lúa của giáo sư Lê Hữu Mục. Những bài thơ đầu tiên tôi đọc là của các anh chị Diên Nghị, Tường Phong, Tuyết Lộc, Cao Mỵ Nhân, Thế Viên... đăng ở Bông Lúa. Có anh chị lúc ấy đang ở tuổi học trò. Điều này khiến tôi nghĩ : người ta đang là học trò mà cũng làm thơ, sao ta không ? Thế là những bài gọi là thơ của tôi bắt đầu viết trên giấy vở cyclo thời ấy. Viết chỉ một mình đọc, không dám chia xẻ với ai ! Mãi đến khi tôi biết mua báo Sài Gòn để đọc và trái tim biết rung động với cô bạn cùng lớp khi viết, để can đảm gửi một số bài gọi là thơ ấy cho tờ Văn Nghệ Tiền Phong do luật sư Như Trị Bùi Chánh Thời phụ trách mục thơ - tôi mới... chính thức "đến" với Thơ.
Cũng từ một người bác họ khác của tôi, tôi được nghe những câu Kinh Thi do bác đọc. Và có đoạn đã theo tôi cả đời với lời giảng của chính bác tôi :Quan quan thư cưu tại hà chi chưuyểu điệu thục nữ
quân tử hảo cừu(Hoà hoà có tiếng chim cưu kêu ! Nó kêu ở đâu ? Kêu ở doi sông Hà. Nó kêu làm sao ? Nó kêu rằng có người gái thục thơm lòng mà trai lành cứ muốn đến cầu duyên...)
Vũ Trà My: Theo anh ( chị ) Khi làm thơ và công bố rộng rãi cho tất cả độc giả. Anh ( Chị ) có nghĩ cảm hứng đó cần trau chuốc hay chỉnh sữa như thế nào để cho mọi người yêu thơ cùng đọc, có thể hiểu được và có thể chia sẻ cảm xúc nầy không? Hay chỉ tôn trọng đúng cảm xúc của mình trong phút cảm hứng bất thần đó ( có khi câu chữ đến bằng một cơn đồng thiếp mê man của cảm hứng ) và đứa con tinh thần ra đời, để công bố rộng rãi
Đông Hà:Trước đây, cũng lâu lắm, khi mới làm thơ, tôi không ý thức được thơ là điều gì đó lớn lao này kia lắm đâu. Chỉ đơn giản những gì mình nghĩ, mình viết là của riêng mình. Còn nhớ, năm học lớp 11, khi gửi một bài thơ đăng ở tờ báo, người biên tập đã sửa của tôi đúng một từ, tôi đã giận người ấy kinh hồn. Mặc dù được giải thích rằng sửa lại như thế hay hơn, nhưng tôi vẫn kiên quyết ... giận! Bởi nghĩ rằng đó là suy nghĩ là cảm xúc của riêng mình, làm sao người ta lại dám bước vào ý nghĩ của mình mà sửa thế này thế kia. Buồn cười không?
Sau này lớn lên, càng ngày càng dấn thân vào con đường chữ nghĩa, tôi mới nhận ra rằng, đã đến lúc tôi không chỉ viết cho riêng tôi được nữa. Bởi nếu chỉ loay hoay mãi ở biên độ cảm xúc cá nhân, tôi sẽ cứ quanh quẩn với vui buồn bé nhỏ của mình. Nhất là khi tôi là đàn bà, hầu như quanh đi quẩn lại nơi mình sống. Vậy là tôi bắt đầu học cách nhập vai. Và cũng từ ấy tôi nhận ra rằng thơ mình viết không chỉ của riêng của mình nữa rồi. Nó phải có đời sống với độc giả của nó. Để làm được điều ấy, tôi phải học nhiều từ cuộc sống, phải học cách cẩn trọng với từng con chữ mình viết ra, để được mọi người đón nhận nó như gặp lại một mẩu tâm hồn của mình mà họ đã từng vãi ra nơi nào đó lúc nào đó. Không biết với cách làm này thơ tôi có hay hơn với độc giả hay không, nhưng với tôi, chính điều này giúp tôi lớn lên trong cuộc sống mỗi ngày.
Hoàng Lộc : Có thể cách nghĩ của tôi sai. Nhưng từ bao giờ- tôi chỉ làm thơ cho một người. Đó là cho một người nữ thường gọi là ...Nàng Thơ. Không có Nàng, không có thơ Hoàng Lộc.
Với tôi, Thơ là Cảm Xúc. Cảm xúc về một điều gì đó từ Nàng hay... của Đời- là có tứ thơ rồi. Cảm hứng tới và có chút thời gian là bài thơ có thể hoàn tất. Tôi thường chỉ chỉnh sửa một số chữ lặp trong bài thơ. Chẳng mấy khi tôi phải "sửa thơ để được người khác hiểu".
Bài thơ đã viết, tự nó đã nói hay không nói được điều gì mà thôi. Tác giả không cần nói thêm. Cảm xúc của bài thơ là cảm xúc của nhiều người - thì bài thơ thành công. Cách đây mấy ngày - một bạn đọc của tôi phán : "Đọc thơ HL có cái thú là nhiều khi cứ tưởng bài thơ là của chính mình viết" (Lý Vĩnh Huê). Đây là câu khen ngợi - nhưng tôi lại thấy nó đúng với ý trên của tôi.
Vũ Trà My: Chị (Anh) nghĩ bây giờ nếu có một bài thơ mới .anh sẽ chia sẻ đứa con tinh thần của mình theo tạng thơ bấy lâu nay, hay nên sửa đổi lại chút ít hoặc thay đổi hẳn theo trào lưu bây giờ ? Như thơ cách tân dùng chử mới lạ ,thơ theo hậu hiện đại, thơ trình diễn , thơ tân hình thức, thơ dùng chữ dung tục...etc....?
Đông Hà: Mỗi người sáng tác đều có một phong cách, tạng thơ của mình. Thay đổi là điều cần thiết nhưng chọn được cho mình sự thay đổi như thế nào mới là cái quan trọng. Có nhiều người khi viết ra chữ nào nó reo lên chữ đó. Nhưng cũng có người chữ nào lăn ra cũng như nước mắt chảy ngược vào trong. Cái đó là cốt cách mất rồi. Có đổi cũng khó mà đổi được. Nhưng cách biểu hiện thì khác. Nó cần có một sự cách tân. Trong thời đại của những xô bồ sự kiện đầy ắp thông tin, nếu anh cứ ngồi à ơi mãi, lấy ai đủ kiên nhẫn nghe anh? Nên chọn cho mình cách biểu hiện sao cho nó có thể đứng trong hàng ngũ thời đại nhưng vẫn chính là mình, đó mới là điều khó.
Tôi cho rằng với một loạt những trào lưu người làm thơ đang đưa ra như thơ cách tân dùng chữ mới lạ ,thơ theo hậu hiện đại, thơ trình diễn, thơ tân hình thức, thơ dùng chữ dung tục... thì những người làm thơ đang lao động thực sự. Hãy thử hình dung, nếu người nông dân gieo một hạt giống mới, ai đảm bảo cho anh ta mùa màng bội thu nếu không phải là những người ngồi trong viện nghiên cứu sinh học và họ đã trải qua biết bao nhiêu lần thí nghiệm để cho ra hạt giống tốt đó? Lâu nay, chúng ta chỉ so sánh người làm thơ với người gieo hạt (nông dân) mà quên mất đằng sau người gieo hạt là cả một quá trình thí nghiệm không ngừng. Còn người làm thơ, bất kỳ một sự thử nghiệm nào của họ tung ra hơi lạ, là công chúng đã la ó lên đủ mọi cung bậc của cảm xúc. Ở những ngành khoa học khác, người ta có những viện này viện kia để làm công tác nghiên cứu. Nhưng văn chương nghệ thuật lại khác, họ cần được thử nghiệm, và viện nghiên cứu của học chính là tầm đón nhận của người đọc. Sự thử nghiệm của văn chương (và thơ) là điều tất yếu. Tất nhiên, tôi là người làm thơ, tôi cũng không ngoại lệ. Chỉ sợ, sự cách tân của mình loay hoay thế nào rồi quay lại cái vòng tròn mất thôi.
Hoàng Lộc :Cái học, cái đọc của tôi về thơ là những gì rất cổ điển và...sau Tiền Chiến. Vì thế, hình như thơ có vần, tôi thường xử dụng. Sau này khi đọc Sáng Tạo, Hiện Đại... lối thơ tự do như của Thanh Tâm Tuyền cũng có khi tôi thử nghiệm và có bài cũng đọc được. Cái thời " chạy theo trào lưu" thật sự đã qua khi chính mình đã tìm được bản sắc ?Cách viết nào - thể loại nào, theo tôi, không phải là chuyện quan trọng. Quan trọng, như đã nói, chỉ ở chỗ : bài thơ có chuyên chở được cảm xúc riêng của người viết mà có được nhiều người đồng cảm hay không. Cảm xúc riêng có thành chung được hay không.. Thế thôi.
CÂU HỎI RIÊNG DÀNH CHO ĐÔNG HÀ
Đông Hà tên thật : Hồ Thị Tâm. Chọn cái tên Đông Hà để viết từ năm 17 tuổi.Sinh quán tại Quảng Bình. Lớn lên ở Quảng Trị. Hiện đang dạy học tại Trường Quốc Học - Huế.
Vũ Trà My: Đối tượng nào thường gây cho chị cảm xúc để bật ra thơ ..Đông Hà
Đông Hà:Như trên đã nói, lúc nhỏ, đối tượng trữ tình của thơ Đông Hà chính là ... tôi! Những vui buồn hờn giận trẻ con và tưởng tượng suy tư già trước tuổi trong thơ chính là tôi. Trong thơ tôi tha hồ nói ra những điều mà mình không bao giờ nói được với ai. Nên rất nhiều người ngạc nhiên khi nhìn tôi vui tươi sôi nổi là thế, mà sao trong thơ lại buồn đến thế. Ấy là tại bao nhiêu nỗi niềm, tôi tống khứ nó hết vào thơ, xong là thôi, xem như đã sống xong phần buồn trong đó, để ngoài đời lại tươi cười hớn hở một cách rất hồn nhiên.
Sau này lớn lên, và nhất là lúc này, khi tuổi đã chững lại, tôi nhận ra rằng, không thể cứ viết mãi về mình. Điều đó có phần hơi ... nguy hiểm. Tôi vẫn tin chữ nghĩa nó vận vào mình. Tôi đã có thời gian để nhìn cuộc sống nhiều hơn. Yêu thương hờn giận cũng nhiều hơn. Tôi nhận ra rằng, đối tượng đẹp nhất của cuộc đời là sự sống. Sự sống quý giá biết nhường bao. Đôi khi, niềm vui sống là điều tất yếu rồi, nhưng buồn cũng là một cách biểu hiện của sự sống. Và tôi viết về những sự sống quanh tôi. Điều đó giúp tôi giải tỏa được những nặng nề về nỗi buồn ám ảnh lâu nay.
Vũ Trà My : Có bao giờ Đông Hà quan sát đến những người bạn thơ " láng giềng " của chị , để phải ảnh hưởng đến quan niệm sáng tác của mình ? Nếu có, "Nhân vật "nào đã làm chao đảo văn phong của chị ?
Đông Hà :Tôi đọc xung quanh mình nhiều. Từ thơ đến văn lẫn cả phê bình lý luận. Tôi đọc trước hết để học. Tôi rất thích học bởi điều đó còn phục vụ cho nghề đi dạy của tôi nữa. Không học được từ nhà trường tôi đã chọn con đường tự học bằng sách vở. Chỉ có điều con người tôi chậm tiêu hóa. Đọc rồi cất đấy chứ đến giờ vẫn chưa làm được gì trong khi nhìn ra bạn bè tôi đã tiến những bước rất xa.
Trong thế hệ trước, tôi miên man Hoàng Cầm, ngưỡng mộ Trần Dần, yêu Lưu Quang Vũ... Sau này, thỉnh thoảng những câu thơ xuất thần của ai đó mà mình bắt gặp được vẫn vang lên trong tâm tưởng. Nhưng để có một "nhân vật" ảnh hưởng đến mức chao đảo đến phong cách của tôi thì có lẽ chưa. Và tôi cũng không muốn chao đảo đến mức bị "đồng hóa" như vậy. Mình yêu ai là một chuyện, nhưng yêu đến mức thành họ (hoặc cố giống họ) không phải là cách lựa chọn của tôi. Có thể tôi học ở họ điều này điều kia, nhưng để là mình. Như thế thú vị hơn.
Vũ Trà My: Xin cảm ơn sự chia sẻ rất chân tình của chị về cuộc hội thoại hôm nay.
CÂU HỎI RIÊNG CHO HOÀNG LỘC :
Hoàng Lộc sinh tại Hội An, Quảng Nam.Hiện sống tại Hoa KỳTừ năm 1960 đến nay, có thơ trên các báo Sài Gòn và hải ngoại.Trung Tâm Văn Bút Việt Nam trao tặng giải thi ca năm 1970.
Thơ đã in : - Thơ Học Trò (1965) - Trái Tim Còn Lại (1971) - Qua Mấy Trời Sương Mưa (1999)
Sắp in: Thơ Tình Hoàng LộcThơ lưu trữ trên mạng : http://hoangloc.vnweblogs.com/ http://thotinhhoangloc.blogspot.com/
Vũ Trà My : Như anh đã tự xác nhận là anh có..hơi hướm cổ điển...tiền chiến và thường làm thơ vần điệu.. Thế, có bao giờ anh đọc thơ hiện đại và thích nó ? Có bao giờ anh thử nghiên cứu về Tân Hình Thức, Hậu Hiện Đại ? Nếu có, anh...hợp với nhà thơ nào ?
Hoàng Lộc : Đến thời điểm này là cuối năm 2010, tôi đang làm thơ - tôi vẫn được bằng hữu đọc và có người khen - như thế tôi cũng...hiện đại - đúng không ?Bằng hữu anh em làm thơ thân quen với tôi vẫn có ông là Tân Hình Thức, Hậu Hiện Đại... đó. Khế Iêm vẫn gửi thơ tặng tôi. Tôi vẫn đọc Lý Đợi, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư..Có ông vốn "thơ truyền thồng" cũng rất Tân Hình Thức như Trần Vấn Lệ, Đức Phổ, Hoàng Xuân Sơn... Chính ông Hoàng Xuân Sơn đã khiến tôi, có khi phải chia lục bát ra thành... nhiều tầng thì đọc mới... có lý hơn.
Tôi không dám sắp xếp trào lưu, nhóm nhiếc này nọ gì cho một ai- chỉ vì tôi không rành cho lắm. Có những tên tuổi mới toanh, làm thơ không vần, hoặc một-nửa-có vần như N.T.A.H. và Đ.H. Tôi mới đọc thấy thơ của hai vị này trên mạng- và lấy làm thích lắm. Thích và...hợp cũng giống nhau chứ, Vũ Trà My ? (Cười)
Vũ Trà My: Anh là một người làm thơ cũng nhiều thập niên rồi. Có bao giờ anh ưu tư về Thơ Việt Nam không ? Ưu tư về vượt thoát nào đó thật ngoạn mục kiểu...cá vượt vũ môn - để thơ Việt không ở hoài tình trạng " trì trệ, lẩn quẩn "- như một số ý kiến đã nhận xét ?
Hoàng Lộc : Tôi ngầm hiểu nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc có lần sắp xếp bọn làm thơ chúng tôi ( khởi viết trước 75) là lớp thơ "vần vè làng xã". Có sao đâu. Vì xã hội chúng tôi từng sống là xã hội làng xã mà ! Thơ của chúng tôi kéo theo một nửa thế hệ sau chúng tôi - cũng vẫn vậy ? Thế là có cái vụ "Thơ VN đang cần khởi sắc, đang cần một sự chuyển đổi cấp thiết" - và nhiều khuynh hướng, nhiều nổ lực cách tân đã có mặt ở trong và cả ngoài nước, từ hai chục năm qua ?
Tôi là gã làm thơ nên luôn trân trọng và thán phục mọi sự cách tân cho thơ Việt. Tôi chờ đợi, như chờ đợi và tin một Tình Già của Phan Khôi thứ hai thế nào cũng xuất hiện. Phải có một tài năng thơ thật sự thì mới làm được chuyện lớn như thế. Nhanh hay chậm thôi. Nhưng sẽ phải như thế.
Hai chục năm nay- tôi thấy thơ Việt Nam có cái lạ mà chưa có cái hay hơn. Lạ ở cách viết, ở mỹ cảm mới, ở hình thức.. Phần hồn thơ, theo tôi, đã xa dần nhà thơ ? Tôi làm thơ - mà lắm khi đọc thơ, không hiểu bài thơ nói chuyện gì ! Và nhất là cứ thử đặt nhiều bài thơ của nhiều tác giả bên cạnh nhau - thấy họ rất giống nhau, thiếu cái bản sắc từng người. (Tôi nhớ Nguyễn Hưng Quốc có khuyên cái ý đại khái rằng : bỏ hết cái học, cái đọc cũ - học cái học mới, đọc cái mới - thì có thể cảm ra thứ thơ mới này ! Ôi chao, tôi làm chi có thì giờ để...làm lại từ đầu đây, hả trời ?)
Vũ Trà My: Xin cảm ơn nhà thơ Hoàng Lộc đã dành cho chúng tôi những câu trả lời về thơ thật thú vị Khi Đông Hà cẩn trọng với từng con chữ mình viết ra, để được mọi người đón nhận, thì gã làm thơ Hoàng Lộc vẫn mong hoài một Tình Già của Phan Khôi thứ hai xuất hiện để thơ Việt không ở hoài tình trạng " trì trệ, lẩn quẩn " Tất cả những ưu tư trên xuất phát từ một sự trân trọng với thơ , và mong những người yêu thơ đừng thờ ơ quay mặt...
THƠ CỦA ĐÔNG HÀ
TIỄN ĐƯA
Tôi về gom lại thơ xưa
Thủy chung như thể trò đùa lăn ra
Vui buồn trả lại người ta
Còn nguyên trong túi dăm ba nỗi sầu
Tiễn đưa cơn gió qua cầu
Tiễn đưa cả mối tình đầu sang sông
Tiễn đưa không lễ tơ hồng
Không mâm cau trắng gánh gồng nhau đi
Một mình thơ thẩn - đôi khi
Xếp vuông lụa trắng để thi vào đời
Muộn ơi, đời chật mất rồi
Đành về sống lại với người trong mơ.
(1994)
TẬP TẦM VONG
Lẽ ra này
lẽ ra kia...
trăm cái lẽ ra chẳng thể nào khác được
Thế thì làm gì với trăm ngàn vết xước
Ngàn đêm chong trắng dã trái tim mình ?
Có lẽ cần phải lặng im
Em lại nói những điều ồn ã thế
Lẽ ra em sẽ kể...
Đơn giản thế thôi mà sao em không thể
Con kiến bò qua dãy núi tầm vông
Bật cười tay có tay không...
NHƯ LÀ MÂY GIANG HỒ
Cỏ và khát khao
liêu trai như tình già thiếu bốn năm đủ thành phan khôi hai đứa khóc nhau dưới đèn dầu không bạch lạp
đứng đỉnh tỉnh sơn nghe lòng mình vừa khóc vừa hát
như là mây giang hồ...
Nồng nàn để rồi thôi
ngai ngái mắt nâu chập chùng ngần ngại như làn môi như bàn tay như nụ hôn rơi vào đêm tối
ai bước qua đi xuống ai chấp chới bay lên
đằng nào cũng ngã
mong là mây giang hồ...
Cơ hạ là em là em là em là tháng năm vĩnh viễn trôi qua trên ngọn cây treo dăm ba lời Trịnh
buồn như hoa vàng tịnh độ
như bàn tay ta nắm qua không hết phận người
khúc này gã đạo diễn già nua khó tính không chịu lý lơi
nên thành mây giang hồ...
Giang hồ đổi một tình ai
giang hồ đổi một thêm vài nỗi đau...
THƠ HOÀNG LỘC
CÁI BỤNG CỦA NÀNG
Cái bụng của nàng sao mà chướng vậy ?
ta đứng trông theo - bất giác đau lòng
chíếc áo dưỡng thai che mười-phần-gã-ấy
có phần nào sương khói của ta không ?
NỔI CHÌM HẠT LỆ
hạt lệ ta hạt lệ người
kể như đã thấm vào nơi tuyệt tình ?
hạt lệ em hạt lệ mình
có khi rớt ở biển xanh mất rồi ?
o
em từng khóc giữa ngày vui
giữa đêm trăng khuyết giữa lời thơ xưa ?
ta từng khóc với thờ ơ
với em - bất tận cõi bờ thời gian...
o
em bưng hạt lệ lên ngàn
để xin hoá thạch đầu non một đời ?
ta cầm hạt lệ về khơi
chìm tan với biển quên trời phù vân ?
o
sao không úp hạt lệ gần
lên vai nhau khóc một lần rồi thôi ?
BẠC TÌNH CA
Là lúc em vừa thay áo mới
tay trong tay, em bước theo người
ta đứng bên cầu coi nước chảy
nghe lòng mình lạnh buốt ngàn sau
o
là lúc em vừa ăn bát cháo
ăn xong, cái bát đã tan tành
ta cúi lượm lên từng mảnh vỡ
xóc tay mình, máu ứa trăm năm
o
em vứt câu thơ vừa mới đọc
chữ theo đường chữ, giấy nằm mơ
em tưởng câu thơ không biết khóc
ai ngờ ướt đẫm một trời xưa....
( nguồn Yahoovanhoaviet)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét