CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975-2011(KÌ 75B)




NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

Tưởng niệm
Triều Uyên Phượng
NHÀ THƠ BÁN VÉ SỐ
Nhà thơ sinh khoảng 1948 tại Nam bộ – Mất tháng 6.2011 ở Bình Phước (63 tuổi).
Trước 75 làm sở Mỹ ở Cần Thơ đồng thời làm thơ tình thời chiến với bút danh rất đẹp kể trên so với thực tế ngoại hình xấu trai còm cõi trái ngược hẳn lại cận thị đến 16 độ. Nhưng dù bản thân không bị đi lính do sức khỏe kém, thơ tình thời chiến vẫn để lại ấn tượng tươi mới đặc sắc qua phong cách thơ tự do phóng khoáng, ý thơ thâm trầm:
“Em yêu hãy hôn anh một lần trước khi anh đi lính
giữa thời đại chiến tranh cái gì cũng vội vã hết
phải không em
nhưng nhớ hôn anh một lần này thôi
vì không chừng anh sẽ ra đi
hoặc trong mười năm mười lăm năm
hay vĩnh viễn
Bây giờ anh còn tay bây giờ anh còn chân bây giờ anh còn mắt
bây giờ anh chưa đui mù chưa câm điếc chưa què quặt
nhưng biết mai anh còn đủ không
và cả trái tim anh nữa
biết còn rung động
hay im lìm
ngừng đập.
Nhiều lúc anh tự hỏi không biết chiến tranh để làm gì
không biết để làm gì
nhưng dù không biết để làm gì đi nữa
hãy nhớ hôn anh một lần đi
em nhé.”
(Trước khi đi lính)
Sau 75 thất nghiệp tan vỡ tất cả mọi ảo tưởng từ thơ ca đến cuộc sống thực tế cơm áo gạo tiền phải lên TPHCM ngồi bán vé số lề đường Sương Nguyệt Anh ở Quận 1 bên cạnh một quán nhậu nơi có một số bạn bè văn nghệ cũ hay ghé lại tiện thể mua giùm vài vé “cứu đói”. Mắt cận nặng kèm nhem nhiều khi đếm tiền thối tiền lẫn lộn tùm lum!
Đã vậy trong đời sống riêng lại gặp thêm khổ nạn phải sống chung với một phụ nữ thuộc loại “mẹ mìn” ma chê quỷ hờn dữ dằn bậc nhất, làm được bao nhiêu tiền – hoặc bạn bè thương cảm giúp đỡ - đều bị “bóc lột” hết trần thân!
Tuy nhiên nhà thơ “trên mây” buôn bán kiểu đó làm sao sống nổi nên cuối cùng cả hai dắt díu nhau về vùng xa vùng sâu ở tận Bình Phước tìm vào tá túc trong một nữ tu viện có người thân ở đó.
Từ đó sống không ra sống, bản thân mắc bệnh già, vợ thì gần như mù luôn rồi. Chỉ còn cách lâu lâu về TPHCM nhờ anh em bạn bè cũ giúp đỡ tiền bạc được chút nào hay chút đó thôi.
Bất ngờ năm 2007 thấy xuất hiện trở lại ở TPHCM chạy vạy xin làm thủ tục… đi Mỹ theo diện bổ sung mới nhất (nhờ trước kia có làm sở Mỹ) song cái phao cuối cùng này cũng tuột khỏi tầm tay bởi nay gần như đã quên hết… tiếng Anh rồi! Đành thất tha thất thểu quay về tàn đời trong tu viện, ít ai biết tin tức liên lạc.
Vài năm sau trở bệnh nặng đưa lên TPHCM thì tất cả đều ngoài tầm tay mà cũng đã quá muộn màng. Hỏa táng ở Bình Hưng Hòa trong tình cảnh khốn khó cô quạnh mà bạn bè không ai hay biết.

755 – Alăng Bhuôch
ANH HÙNG MÙ
Nông dân người dân tộc Cơ Tu sinh 1921 tại Quảng Nam. Sống ở Quảng Nam (2008).
Lúc 6 tuổi mắc bệnh sởi nên bị mù cả 2 mắt. Dù vậy vẫn theo mẹ (cha mất sớm) vào rừng đốn củi kiếm sống nên dần dà việc gì cũng biết làm, đi đâu cũng được nhờ cây gậy tre dò đường thay cho đôi mắùt.

Từ năm 1958 theo cộng sản đánh Mỹ, tình nguyện vào đội dân công làm công tác mang vác lương thực, vũ khí cho bộ đội từ chiến trường Quảng Nam đến tận Thừa Thiên – Huế. Có khi mang trên lưng khối lượng hơn 60-70kg trong khi bản thân chỉ cân nặng 50kg. Nhiều lần đi lạc đường cuối cùng vẫn tìm về được, có khi bị bom nổ hất xuống hố đất cát vùi lấp tưởng chết rồi vẫn chui ra… sống dậy!
Từ đó được tặng cho biệt danh “Ông già huyền thoại Trường Sơn”.
Năm 1970 từ trong chiến trường làm lễ kết hôn với một cô gái đồng đội đồng hương.
Đến năm 1972 sức khỏe suy giảm mới được cho nghỉ, tính đến khi đó đã gùi trên lưng đến… 18 tấn lương thực vũ khí phục vụ chiến sĩ đánh giặc.

Sau khi chiến tranh kết thúc trở về buôn làng cũ xắn tay vào xây dựng cuộc sống ổn định, làm vườn, đào ao nuôi cá. Bây giờ lại tự tay một mình mò mẫm đào 2 cái ao lớn nuôi cá, mỗi cái đào trong một tháng mình “cày” vợ đẩy xe cút kít đổ đất. Rồi tiếp tục san lấp mặt bằng trồng rau, đào cả một con mương về làm lúa nước và còn vào rừng đặt bẫy săn thú nữa.
Vậy mà năm 2003 khi có chủ trương mở đường, trong một tháng đã tự mình tháo dỡ ngôi nhà chuyển qua bên kia đường nhườøng đất làm tuyến đường Hồ Chí Minh.

Năm 1980 cưới thêm bà vợ nữa cũng vốn là đồng đội cũ đồng hương với bà vợ cả do chính bà… đi tìm do bà bị ảnh hưởng CĐDC nên không có con. Với vợ mới sinh được 2 con.

Năm 2007 huyện làm hồ sơ ra Trung ương đề nghị phong Anh hùng song chưa được chấp nhận do thiếu giấy tờ. Vì bản thân mù chữ không quan tâm lưu giữ bao nhiêu chứng từ bằng khen và huân – huy chương, đã vậy nhà còn bị một trận cháy tiêu hết tất cả! May mà con cháu trong ngành giao thông vận tải tỉnh đã vận động nhau làm cho một ngôi Nhà Tình thương.

756 - A Lết
MỘT THỜI FULRO
Lao động người dân tộc Ba Na sinh 1956 tại Gia Lai. Sống ở Gia Lai (2008).
Trước 1975 gia đình có người thân đi lính chế độ Sài Gòn cũ nên sau 1975 nghe theo bạn bè đi theo Fulro chống phá cộng sản quấy rối vùng Tây Nguyên âm mưu thành lập quốc gia tự trị. Được phong chức xã trưởng.

Năm 1980 bị bắt đưa về tỉnh giam, tuy nhiên thấy mức độ tội trạng nhẹ nên sau đó được thả ra.

Về tiếp tục hoạt động cho Fulro, được đưa qua Campuchia huấn luyện rồi đưa về quê cũ thăng chức quận trưởng.

Năm 1984 do nội bộ bất hòa gây mâu thuẫn nên bị tố tội “nằm vùng” cho cộng sản, Fulro chuẩn bị đưa ra xử tử. Vì vậy đầu năm 1985 bỏ trốn về đầu thú chính quyền. Sau thời gian đi học tập cải tạo, được trả tự do về với gia đình.

Từ đó chuyên tâm làm ăn xa rời chính trị đấu đá. Nhờ hồi nhỏ có được học hành sơ sơ nên bây giờ tự mày mò học hỏi ra làm nghề sửa chữa radio, cassette. Vợ con làm ruộng và cà phê, bán thuốc Tây. Khuyến khích con trai khôi phục nghề thêu thổ cẩm truyền thống lập hợp tác xã sản xuất buôn bán mặt hàng này thành công. Đời sống cả nhà ngày càng khấm khá.

Năm 2000 rồi năm 2004 tàn quân Fulro nhắn tin về lôi kéo quay lại hàng ngũ ý đồ xây dựng lực lượng “Tin Lành Đề Ga” -- chống cả đạo Tin Lành chính thống lẫn cộng sản -- song đều dứt khoát từ khước. Với niềm xác tín Kinh Thánh đã dạy: “Có những con đường ta ngỡ sáng song đó là nẻo đường đến với cái chết.”

757 - Anh Việt
NHẠC THIỀN, NHẠC KINH
Nhạc sĩ tên thật Trần Văn Trọng sinh 1927 tại Rạch Giá – Mất 2008 ở Mỹ (81 tuổi).
Từng tham gia kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ vừa sáng tác nhạc nổi tiếng từ thời đó đặc biệt với ca khúc “Bến cũ” viết 1946.

Sau 1954 ở lại miền Nam gia nhập quân đội VNCH làm lớn đến chức đại tá từng nắm chức Cục trưởng Quân cụ. Trong chế độ Thiệu ủng hộ cựu Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ nên nhận chức Chủ tịch Hội Văn nghệ sĩ Quân độ theo phe này. Di tản qua Mỹ 30.4.75.
Trên đất Mỹ ban đầu đi dạy học cho con em Việt kiều. Được một thời gian thì rút lui vào sống ẩn dật để quay trở lại con đường sáng tác âm nhạc mà trước đây phải xa rời do bận công vụ. Ban đầu là những bài hoài niệm đời nghệ sĩ lưu vong như “Ngày tôi xa Sài Gòn”, “Đừng khóc nữa em ơi”, “Xuân viễn xứ”, “Tôi sẽ về quê hương” (1985)…

Sau đó chuyển qua tập trung nghiên cứu Phật học và viết nhạc thiền phổ nhiều thơ của thiền sư Nhất Hạnh (ở nhà thường xuyên mang áo tràng cư sĩ). Năm 1993 và 1996 ra một tập nhạc và 2 đĩa CD nhạc thiền, năm 1997 ra 2 CD nữa phổ nhạc các bài kinh bài kệ Phật giáo do Phật tử hát mình đệm đàn mandoline.

Năm 1999 tổ chức buổi diễn kỷ niệm 50 năm sáng tác âm nhạc với toàn bộ tiền bán vé gửi về quê nhà giúp đồng bào bị nạn bão lụt miền Trung.

758 - A Tiết
SUỐT ĐỜI ĐI BỘ ĐƯA THƯ
Bưu tá xã người dân tộc Xê Đăng sinh 1948 tại Kon Tum. Sống ở Kon Tum (2008).
Từ năm 17 tuổi đã nhận nhiệm vụ làm giao liên cho cộng sản đưa thông tin, thư từ liên lạc từ vùng căn cứ ra huyện. Vì phải đi bộ xuyên qua địa bàn địch gặp rất nhiều nguy hiểnm khó khăn nên thường phải đi băng đường rừng vào ban đêm 2-3 ngày mới tới nơi đồng thời phải tìm cách ngụy trang tài liệu giấu vào giữa ruột ống lồ ô đựng gạo cơm.

Lập nhiều chiến công thầm lặng như vậy nên năm 1970 được kết nạp Đảng.

Sau chiến tranh vẫn bám trụ địa bàn cũ vùng cao phía cực bắc Tây Nguyên vẫn với nhiệm vụ cũ làm bưu tá đi bộ đưa thư và nay thêm công văn, báo chí cho 2 xã cách nhau 100km. Cho nên ngày nào cũng đi suốt từ sáng đến tối mịt mới về nhà, có hôm gặp trời mưa gió phải ở lại tá túc nhà dân mà nơi đây ai cũng đều quen mặt hàng chục năm nay rồi.

Đã hơn 40 năm rồi chân cứng đá mềm không hề nghe được “lên chức” gì cả vẫn miệt mài lội bộ với đầøu đội nón cối vai mang túi vải bộ đội chân xỏ đôi dép mũ đơn giản cứ thế mà đi dẻo dai quả là “Người đi bộ lâu và nhiều nhất nước”.

Không hề có lấy một lời than van mà chỉ khiêm tốn nhỏ nhẹ rằng “Tôi chỉ làm chút chút cho cách mạng thôi không có cái chi để nói mô”!

759 - Ayun Hới
NHỮNG “ĐỨA CON TRỜI CHO”
Nông dân người dân tộc Ê Đê sinh 1931 tại Gia Lai. Sống ở Gia Lai (2008).
Thời trẻ theo cách mạng đánh Mỹ, năm 1968 mang lon sĩ quan bộ đội. Lấy vợ cũng bộ đội dân tộc Jơ Rai.

Sau 1975 vợ xuất ngũ về buôn làng làm ruộng, còn mình tiếp tục được điều qua chiến trường Campuchia. Đến khi bị thương hư một mắt mới được cho ra quân về quê sống với vợ.

Trong chiến tranh đã có 2 con song do điều kiện nuôi nấng khó khăn nên sức yếu đều sớm qua đời khiến 2 vợ chồng già nay đành lủi thủi sống cô đơn buồn tẻ.

Thế rồi một lần nọ gặp một trẻ thơ người Ba Na do mẹ vừa sinh ra đã trút hơi thở nên theo phong tục lạc hậu bị bố bỏ mặc ngoài trời cho “đi theo mẹ nó”, thấy vậy không đành lòng mới “cướp” lấy mang về nhà nuôi nấng xem như con ruột. Aáy cũng nhờ thời đi bộ đội được học hành có hiểu biết đôi chút về nếp sống văn minh đẩy lùi, xóa bỏ các tập tục lỗi thời.

Sau đó lại cưu mang thêm một đứa trẻ bo vơ khác mà lại là dân tộc Kinh.

Từ đó tiếng lành đồn xa, có nhiều đứa trẻ mồ côi lạc loài tứ xứ đều tìm đến hoặc được người khác đưa đến nhờ… nuôi giùm, gọi là con “trời cho”! Đủ các “quốc tịch” dân tộc từ Kinh đến Ê Đê, Jơ Rai, Ba Na… tất cả tạo nên một gia đình “Liên hợp quốc Việt Nam” thu nhỏ: “Cứ một đứa thì bỏ một hòn cuội vào hũ để đánh dấu ngày mình nhận nó vô nhà, cũng được hơn 2 chục hòn cuội rồi…”

Nhưng để nuôi đủ chúng cả 2 vợ chồng phải vất vả làm lụng lên núi xuống rẩy tối tăm mặt mày kiếm thêm chút tiền phụ vào lương hưu bộ đội.

Nhờ trời rồi cũng qua phà, đám con nuôi cứ dần dà lớn lên vững vàng như cây rừng ra đời lấy vợ lấy chồng lại mang về khoe cha mẹ nuôi các cháu. Vậy là hạnh phúc rồi như điều mình từng được học thời đi bộ đội: “Ai làm cho nhiều người hạnh phúc nhất thì người đó hạnh phúc nhất.”

760 – Bạch Hữu Bồng
NHÀ BÁO BỊ MƯU SÁT
Nhà báo Việt kiều Mỹ sinh tại VN. Sống ở Mỹ.
Qua Mỹ sau 1975 làm chủ nhiệm một tờ tuần báo nhỏ tiếng Việt ở Los Angeles.
Năm 1982 cho đăng một bài điều tra về một băng nhóm xã hội đen trong cộng đồng Việt kiều tại Quận Cam do một số sĩ quan “người nhái” hải quân VNCH – lực lượng biệt kích ưu tú của hải quân VNCH được huấn luyện theo kiểu Mỹ – cầm đầu. Lập tức sau đó bị phục kích bắn nhiều phát đạn khi vừa rời khỏi một nhà hàng ở khu Chinatown nhưng may mà đưa vào bệnh viện cứu sống kịp thời.
Bản thân sau đó tố cáo đích danh một cựu sĩ quan “người nhái” VNCH là thủ phạm và cảnh sát Mỹ đã bắt giữ người này đưa ra toà song cuối cùng được tha bổng vì thiếu chứng cứ cụ thể!
Đành chấp nhận đóng cửa báo rút lui cho yên thân.

(Còn tiếp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét