Ngày trước trẻ con ở làng quê không biết chơi tem. Năm thì mười họa, khi gia đình được báo lên trụ sở xã nhận thư người thân, thì con tem đã bị bóc trụi, chỉ còn trơ dấu hồ dán. Ngoài thị trấn không có bưu trạm, hễ nghe trong xóm có người sắp sửa đi Sài Gòn làm ăn, lối xóm lại truyền tin nhau viết thư rồi gửi thêm mấy đồng nhờ người ấy vào trong đó mua tem để bỏ vào thùng. Thư gửi đi rồi, chờ mấy tháng trời không thấy hồi âm là chuyện thường. Thời chiến, con người còn lạc mất nhau, huống hồ là một lá thư!
Lần đầu tiên tuổi thơ tôi nhìn thấy một con tem là ở nhà người bác họ hàng xóm. Một người con gái của bác, bị gia đình ép duyên, đã bỏ nhà trốn đi ngay đêm trước lễ đính hôn. Chị vào miền Nam mưu sinh, không để lại một tin tức gì để người đàn ông mà chị từ chối có thể dò tìm. Nhưng thương cha nhớ mẹ, vài ba tháng chị lại gửi một lá thư về địa chỉ người bạn gái ngoài thị xã nhờ trao tận tay cho gia đình.
Bác tôi ân hận thì đã muộn. Nhưng những cánh thư thưa thớt cũng làm le lói lên trong lòng bác niềm hy vọng rằng con gái mình đang có cuộc sống yên lành và một ngày nào đó sẽ tìm đường trở về quê quán. Mỗi lần nhận thư chị, bác lại gọi tôi sang đọc chầm chậm cho bác nghe. Trong thư, người viết hỏi thăm gia đình, an ủi cha mẹ thì nhiều mà chẳng bao giờ hé lộ về tình cảnh hiện tại của bản thân mình. Người bác thật thà và đứa bé khờ dại là tôi làm sao đọc được nỗi uất nghẹn chưa hề nguôi ngoai ẩn giấu giữa các dòng chữ. Những lá thư không ghi nơi chốn và ngày tháng, con dấu bưu điện thì mờ, duy có hình ảnh trên con tem hiện ra rõ ràng mà thôi.
Hồi đó cả bác và tôi đều chưa hiểu rằng những hình ảnh ấy chẳng có mối liên hệ gì với nơi chốn gửi thư. Vậy nên bác cứ phỏng đoán theo trí tưởng tượng của mình. Này là bãi biển Hà Tiên. Này là thác Gougah Đà Lạt. Này là Thảo cầm viên Sài-Gòn. “Chắc chị Sáu mày đi chơi đến mấy chỗ này rồi gởi thư về cho bác đây!”. Có lần nhận con tem in hình chiếc tàu lửa với dòng chữ “Khánh thành việc hoàn tất trùng tu thiết lộ xuyên Việt”, bác tôi lại nghĩ: “Mai này chị Sáu mày sẽ được đi xe lửa về nhà”. Một lần khác, con tem vẽ phong cảnh một nhà máy đang nhả khói, bên cạnh những ngôi nhà khang trang có vườn tược bao quanh, lại in thêm ba chữ mà cả bác và tôi đều không rõ nghĩa: khu trù mật. Bác bảo tôi đi hỏi thầy giáo. Nghe thầy giải thích, bác mừng rỡ ra mặt: “Chị Sáu mày sống ở chỗ sung túc, đông đảo như vầy sướng hơn ở quê mình nhiều”.
Những lá thư đọc xong, bác lại cẩn thận xếp vào cái tráp để trên đầu giường. Còn các con tem thì bác gỡ ra dán lên bức vách gỗ cạnh chỗ nằm, ngang tầm mắt, để mỗi ngày, sau khi đi làm đồng về, bác lại nhìn vào đó mà tưởng nhớ đứa con gái bất hạnh không biết đang lưu lạc nơi chân trời góc bể nào.
Nhưng bộ sưu tập tem của bác tôi dừng lại nửa chừng. Một bệnh dịch tai ác đã cướp đi chị Sáu giữa tuổi thanh xuân nơi đất lạ quê người. Hơn hai tháng sau khi chị đã yên nghỉ dưới mồ, những người dân nơi chị tá túc mới báo tin được cho gia đình. Năm đó chiến tranh lan rộng, giao thông gián đoạn, bác tôi phải chờ đến ngày hoà bình mới đưa được hài cốt chị về lại quê nhà.
Bây giờ bác tôi cũng đã mất. Những con tem trên vách của bác lâu năm không ai ngó ngàng, bị mối ăn, đã rơi rụng dần. Tôi đi chợ tem, tình cờ mua được mấy con tem cũ, chợt nhớ và ghi lại câu chuyện này.
2002.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét