KHẤT THỰC LÒNG VƯƠNG GIẢ - HẠ NHIÊN THẢO

Đêm , mênh mông
Đường dài em khất thực
Im lặng chiếc lá rơi theo
Nỗi đau bay ngược về trời
Nhức nhối ,tinh chất lỏng
Nước mắt nham thạch

Đêm , cô độc
Rướm máu bến bờ lữ hành
Em , kẻ khất thực hè phố
Nơi không có ánh mặt trời
Nơi không có khuôn mặt người
Chần chừ…chìa bàn tay xin bố thí
Muốn thử lòng vương giả
Ôi! vất vả làm sao

Ảo tưởng trổ hoa
Niềm tin- hy vọng
Em lại chìa những ngón tay
Đợi chờ , mà không hỏi han chi
Giật mình ngỡ chạm áo
Rưng rưng ... quờ quạng
Muốn vịn tim người
Ước gì…
Đã có tấm lòng dám cho

Ôi! Tình yêu đi qua
Tình yêu không trở lại
Xin đừng, đừng xin chi
Đêm , phai tàn
Một ngày đã đi qua
Điều không khất thực dành cho một đời
Em mênh mông sa mạc
Em tự thiêu mình
Trong mịt mù trống vắng
Đơn độc
Sát na chảy trôi…

Đêm , hư vô
Giọt sáng bên trời
Đời người là một phiên bản
Âm vỡ…
Cuộn lý lẽ khát, cười
Rụng…
Tiếng kêu tinh khiết
Mơ hồ
em quỳ sám hối
Em khất thực lòng em
Nỗi đau ngày em sống .

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM MỚI

ĐÓN ĐỌC TÁC PHẨM

NGỌN GIÓ


THƠ CỦA VÕ CHÂN CỬU


NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC 2011



CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2011 (KÌ 86)


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

861 - Huỳnh Văn Nghị

HIẾN NHÀ NƯỚC 3.360 CỔ VẬT

Cán bộ về hưu sinh 1927 tại Sài Gòn. Sống ở TPHCM (2011).

Học Petrus Ký rồi đi Pháp du học năm 1947. Tốt nghiệp cử nhân toán xong về nước làm công chức chế độ Ngô Dình Diệm.

Nhưng được vài năm thì bỏ việc vào chiến khu tham gia chống Mỹ. Tại đây gặp và kết hôn với bác sĩ Dương Quỳnh Hoa một trí thức cũng học Pháp về đi theo cách mạng sau này làm Bộ trưởng Y tế Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.

Sau ngày thống nhất đất nước cả 2 vợ chồng về lại Sài Gòn, vợ làm Thứ trưởng Y tế Chính phủ VN thống nhất, chồng làm cán bộ.

Nhưng chỉ hai năm sau cả 2 vợ chồng từ chức ra ngoài mở Trung tâm Nghiên cứu Nhi khoa chăm lo săn sóc trẻ suy dinh dưỡng, trẻ nạn nhân CĐDC ở TPHCM và một số tỉnh lân cận. Vợ lo chuyên môn, chồng phụ trách chuyện quản lý và hậu cần.

Việc làm này một phần do 2 vợ chồng chỉ có một người con trai duy nhất lại bị mất sớm nên có lẽ muốn tìm niềm an ủi bằng cách dồn hết tình thương cho trẻ em thiếu may mắn bất hạnh. Phần khác bản thân người vợ cũng chịu hậu quả CĐDC, là một trong những nhà khoa học đầu tiên phát hiện và nghiên cứu căn bệnh này. Sau đó bà là một trong 3 công dân VN đầu tiên công bố hồ sơ bệnh lý ra quốc tế yêu cầu Chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm bồi thường.

Năm 2006 bà qua đời (thọ 77 tuổi) để lại người chồng đơn độc trên cuộc đời. Tuổi già sức yếu không cáng đáng nổi công việc nữa nên bàn giao trung tâm lại cho Bệnh viện Nhi đồng 2 rồi rút vào sống đời ẩn dật.

Cũng từ đó đầu năm 2011 mới quyết định hiến tặng cho Nhà nước toàn bộ bộ sưu tập đồ cổ 3.360 món do cha mẹ vợ để lại mà vợ chồng mình đang gìn giữ (sau đó có khiếu kiện từ con cháu bên vợ…).

Bộ sưu tập vô giá kể trên được hình thành trong những năm 1935-1940 từng được biết mang tên Bộ Sưu tập Dương – Hà (ghép họ cha mẹ vợ) gồm vô số cổ vật bằng đủ loại nguyên vật liệu đá, gốm sứ, men, sắt, đồng, thau, ngà… xuất xứ từ VN, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức có niên đại từ thế kỷ III đến đầu thế kỷ XX.

862 – Lê Thiên Long

CÁN BỘ “MỘT MÌNH CHỐNG LẠI MAFIA”

Công chức sinh 1953 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2009).

Năm 1971 đi bộ đội vào Nam chiến đấu.

Năm 1975 sau chiến tranh xuất ngũ về lại Hà Nội học đại học. Năm 1980 ra trường được phân công về Tổng Cty Vật tư nông nghiệp ở Hà Nội.

Năm 2002 lên chức phó phòng kế toán nhưng con đường hoạn lộ đến đây xem như cắt đứt do bản tính thẳng thắn hay góp ý với lãnh đạo về những việc làm, quyết định mờ ám có dấu hiệu tư lợi cá nhân.

Lãnh đạo tìm cách mua chuộc bằng tiền bạc hoặc chức vụ (3 lần đề nghị cho làm giám đốc công ty con) nhưng đều từ khước. Từ đó liên tục bị chèn ép, trù dập cho làm những chỗ kiểu “ngồi chơi xơi nước” dài dài vẫn chấp nhận nhịn nhục.

Đến năm 2006 khi giám đốc lợi dụng việc cổ phần hóa tổng công ty để tham nhũng thì bản thân không thể ngồi yên ngoảnh mặt làm ngơ được nữa. Liền bắt đầu tiến hành việc tập hợp tài liệu, hồ sơ chứng minh lãnh đạo cơ quan tiêu cực gửi khắp các cơ qua từ thành phố đến trung ương tố cáo. Nhờ là chuyên viên tài chính kế toán nên lập “cáo trạng” rất bài bản, khoa học, in và đóng hồ sơ thành từng cuốn phân rõ đề mục dày hàng trăm trang.

Trong hơn một năm trời ròng rã một mình tiêu cực cấp cao cơ quan như vậy, gửi hàng trăm đơn thư và bưu kiện đến các cơ quan quyền lực lẫn các vị lãnh đạo nhà nước, có đợt gửi đến 58 bản hồ sơ đó đến Quốc hội.

Cuộc chiến đấu đơn độc được thực hiện trong tình cảnh bản thân bị “đối phương” tìm mọi cách đối phó từ hăm dọa đến vu khống bôi nhọ đủ thứ cho là “phần tử phá hoại”, gia đình bê bối con cái nghiện xì ke ma túy… Vì thế sáng không dám đi tập thể dục, tối không dám đi ra đường, cắt điện thoại ở nhà, thay xim ĐTDĐ liên tục để tránh bị quấy rối. Trong lúc đó ở nhà vợ đã bị bệnh nằm liệt giường từ mười mấy năm nay, con trai duy nhất cũng mắc bệnh thiếu tiền chữa trị.

Cuối cùng thì nội vụ cũng được phơi bày ra ánh sáng với tổng giám đốc và phó tổng giám đốc bị bắt, một trường hợp chống tiêu cực từ trong nội bộ thành công khá hiếm hoi. Tuy kết cục bản thân – bên ngoài là một người nhỏ bé, hiền lành, khiêm tốn - không hề mong muốn như vậy: “Cái tôi cần là làm rõ được sai phạm của ông ấy để trả tiền cho nhà nước vì đó đều là tiền của dân. Nhưng khi biết rằng công an sẽ vào bắt cả hai ông đi, mình buồn chứ!”

863 – Lê Thọ

MÌNH VỀ GẶP ĐÁM GIỖ… MÌNH!

Thường dân sinh 1959 tại Quảng Nam. Sống ở Đồng Tháp (2010).

Năm 1969 mới 10 tuổi theo gia đình chạy loạn chiến tranh từ huyện này qua huyện khác rồi khi bị rơi vào giữa một trận chiến khốc liệt thì bị lạc mất người thân.

Sau đó cả nhà đổ xô đi tìm đều không kết quả. Đến khi cha mẹ qua đời mấy năm sau, còn lại bà chị và em gái ở quê nhà vẫn cố công hỏi thăm, truy tìm tông tích đứa em bao năm đều vô vọng. Cuối cùng đành lấy ngày giỗ cha làm ngày… giỗ em trai luôn!

Không ngờ trong cảnh bom đạn ngày ấy đứa con trai bé bỏng được lính VNCH cứu thoát rồi đưa về Sài Gòn. Từ đó kinh qua bao chặng đường đời gian nan nhiêu khê, cuối cùng trôi giạt xuống tận Đồng Tháp.

Đứa trẻ ngày nào cứ thế mà sống như cây cỏ hoang vu giữa cuộc đời, may mắn vẫn tồn tại. Rồi được nhận làm con nuôi lấy họ Nguyễn theo họ cha mẹ nuôi. Học nghề ra đời lập nghiệp lấy vợ sinh được 4 con.

Khi con cái lớn lên hỏi về nguồn gốc bên nội bấy giờ mới cố gợi trí nhớ loáng thoáng quê xưa là Quảng Nam. Từ đó tìm gặp những người đồng hương xứ Quảng đang sống hoặc làm ăn ở Đồng Tháp để dò hỏi và nhờ giúp đỡ. Qua nhiều lần như vậy dần dần đã lần ra manh mối quê nhà.

Liền lên đường về quê tìm đến nhà bà chị gặp nhau mừng mừng tủi tủi sau 40 năm thất lạc nhau và như một sự sắp xếp lạ lùng dưới bàn tay của định mệnh hôm đó lại đúng vào ngày… giỗ của mình!

864 - Lê Trường Cuối

MỐI TÌNH MÙ

Bộ đội thương binh sinh tại Hải Phòng. Sống ở Hải Phòng (2005).

Là lính trinh sát chiến đấu ở Tây Ninh thời đánh Mỹ.

Sau 75 xuất ngũ thương binh (bị một mảnh đạn găm vào cột sống và vào đầu) về quê Hải Phòng chạy xe ôm, có vợ 2 con.

Trong một lần chạy xe đã đâm ngã một người đàn bà mù, lấy làm ân hận nên xin chuộc lỗi bằng cách tình nguyện làm “tài xế” chở chị đi làm việc hàng ngày ở Hội Người mù.

Người đàn bàn mù này từng trải qua hoàn cảnh cực kỳ bất hạnh nghiệt ngã, khi nhỏ chưa bị mù nhưng mẹ mất sớm, bố đi lấy vợ khác bỏ 4 chị em bơ vơ khốn khổ nên lớn lên tình nguyện vào bộ đội mong thoát khỏi cảnh sống bế tắt. Rồi giải ngũ chuyển ngành làm công nhân chuẩn bị lấy chồng thì bị trận sốt nặng làm mù cả 2 mắt thế là hôn nhân tan vỡ. Rơi vào tuyệt vọng tận cùng muốn tự trầm nhưng được cứu sống, đành gắng gượng sống qua ngày trong căn lều dột nát cạnh nghĩa trang thê lương, ngày ngày mò mẫm xới đất trồng rau, mò cua bắt ốc. May mà cuối cùng được Hội Ngươì mù cưu mang giúp đỡ kiếm việc cho vào làm…

Người thương binh chạy xe ôm cám cảnh từ đó dần dà nảy sinh tình cảm nên khi người đàn bà mù có nguyện vọng “xin” một đứa con để an ủi nương tựa tuổi già sau này đã chấp nhận “làm liều”. Chấp nhận nếu vợ biết được thì đành “gói ghém đồ đạc ra đi”!

Kết quả một bé trai chào đời với người mẹ phải trả giá đắt: Khi sinh bị rách dạ con buộc bác sĩ phải cắt toàn bộ dạ con mới cứu được 2 mẹ con. Mẹ còn nằm viện, bố đã có vợ không dám nuôi nên phải nhờ Hội Ngươì mù nuôi. Đặt tên phải lấy họ mẹ. Bố sợ vợ lớn không dám ra mặt giúp đỡ, mẹ ra viện một mình mù loà nuôi con, còn bị em trai dọa đuổi nhà để chiếm đất.

Đến đây thì điều kỳ diệu xảy ra là người vợ lớn biết chuyện đã có tấm lòng quá cao thượng hết lòng lo toan đùm bọc cho 2 mẹ con từng “cướp” chồng mình! Đem cả 2 mẹ con về nhà cho nhìn cha, nhìn anh em khác mẹ, đặt tên lại theo họ của bố, sẵn sàng gánh phần chăm sóc con vợ lẻ như con mình…

865 – Lê Văn Ân

CỤT 2 TAY KHAI HOANG ĐỒI NÚI

Nông dân sinh 1966 tại Quảng Bình. Sống ở Quảng Bình (2008).

Năm 1974 nhập ngũ vào miền Nam đánh Mỹ rồi sau đó chuyển qua chiến trường Campuchia.

Năm 1978 đơn vị bị phục kích rơi vào một bãi mình, bản thân trúng mìn nổ làm cụt cả 2 cánh tay lên tới khuỷu, mù một mắt.

Sau 5 năm nằm viện mới được xuất viện về quê thương binh 1/4.

Mang thân phận người tàn tật không biết làm gì chỉ quanh quẩn nằm dài ở nhà hoài sinh chán nghĩ quẫn có lúc định tự tử chết cho xong đời. May mà cuối cùng vượt qua được khủng hoảng, quyết ngồi dậy tính chuyện làm lại cuộc đời từ đầu.

Nhưng làm gì ở vùng quê nghèo mà mình lại không học hành, không nghề nghiệp chuyên môn nào? Nhìn ra trước mắt chỉ có một vùng đồi núi rừng rậm hoang vu trải dài bát ngát từ đó thấy chỉ còn một con đường duy nhất: Phải tìm cách khai hoang nó làm vườn làm rẫy vừa có việc làm qua ngày xua đuổi nhưng tư tưởng bi quan vừa có thể góp phần kiếm sống được.

Thế là xắn tay vào làm bắt đầu từ năm 1995, nói đúng hơn là xắn 2… cùi tay vào làm! Bằng cách xé quần áo cũ ra làm vải buộc cán cuốc, xà beng vào 2 khuỷu tay để cuốc đất, đốn cây khai quang khu đồi hoang trước nhà.

Cứ thế lao động vất vả cật lực cả ngày lẫn đêm tới mức 2 cùi tay sưng tấy vỡ máu rồi… chai lì ra, quần áo cũ không còn để xé cột dụng cụ vào cùi tay, hàng xóm thấy tội nghiệp phải vơ vét trong nhà đem “viện trợ” cho.

Quần quật 3 năm như thế cũng thành sự nghiệp khai quang được 2 hecta trồng cao su. Thừa thắng xông lên, tiếp tục đào ao thả cá, đốn cây làm chuồng nuôi heo, trồng thêm cây ăn trái…

Năm 2005 bắt đầu thu hoạch cao su cộng thêm với nhãn, vải thiều, chăn nuôi gia súc đem lại lợi nhuận khá.

Bản thân còn được đền bù phần thưởng trong đời sống riêng được một thiếu nữ nhỏ hơn 12 tuổi đem lòng thương yêu thật tình từ khi người thuơng binh mới chống gậy trở về kết thành chồng vợ. Bây giờ đã là một ông chủ trang trại “không giống ai” có vợ 3 con đàng hoàng.

866 - Lê Văn Bình

SINH 9 CON VẪN KHÔNG NGƯỜI NỐI DÕI

Lao động nghèo sinh tại Thái Bình. Sống ở Thái Bình (2011).

Cựu chiến binh chiến đấu ở miền Nam.

Hòa bình rồi, ra quân trở về quê hương làm nghề tự do rồi lấy vợ.

Nhưng sinh được 9 con đều dính CĐDC nên 5 cháu đã mất sớm, còn lại 3 gái và một con trai út còn nhỏ. Tất cả đều mắc đủ thứ bệnh mà trí óc lại chậm phát triển, riêng con trai út lại nặng nhất mọi việc ăn uống, vệ sinh đều phải nhờ bố mẹ và các chị lo cho.

Bản thân bố phải đạp xích lô kiếm sống, mẹ làm nghề buôn đồng nát được đồng nào hay đồng nấy.Chỉ mong nuôi được cháu trai làm con nối dõi.

Nhưng chút hy vọng nhỏ nhoi đó rốt cuộc cũng không thành khi năm 2010 cháu cũng trở bệnh nặng vô phương cứu chữa đã ra đi theo chân các anh chị đi trước…

867 – Lê Văn Cam

TÌM 15.000 THÂN NHÂN LIỆT SĨ

Nông dân sinh 1937 tại Thái Bình. Sống ở Thái Bình (2008).

Năm 1959 vào bộ đội làm lính thông tin đóng ở Hải Phòng đến năm 1962 được xuất ngũ lên Lai Châu làm công nhân viên.

Năm 1967 được gọi tái ngũ chuyển qua mặt trận Lào, đến năm 1969 do sức khỏe kém nên lại được cho về quê.

Sau hòa bình, năm 1978 xin đi làm công nhân quốc phòng ở Đắc Lắc. Đến 1981 lại về quê làm ruộng mà không được hưởng lương hưu gì cả do thời gian công tác (kể cả ở bộ đội) qua nhiều đơn vị không đủ thời gian để làm chế độ.

Vì thế ở quê 2 vợ chồng sinh được 4 con làm lụng đầu tắt mặt tối vẫn không đủ ăn. Xã phải đưa vào diện hộ nghèo cần giúp đỡ.

Vậy nhưng lòng vẫn không yên vì còn mắc một mối nợ ân tình với một liệt sĩ đồng đội cũ thời chinh chiến trên đất Lào mà mình từng chôn cất với lời hứa sau này sẽ đi tìm mộ phần lưu lạc nơi đâu để báo cho gia đình biết.

Mãi đến năm 1995 khi con cái đã lớn tự lo được rồi mới quyết tâm lên đường đi tìm mộ bạn ở nghĩa trang thuộc tỉnh Nghệ An nhưng không có. Qua năm 1997 mới tìm được mộ quy tập về nghĩa trang ở Thanh Hóa, từ đó viết thư về báo cho thân nhân liệt sĩ được biết.

Nhưng từ 2 chuyến đi thực địa 2 nghĩa trang trên bản thân mới ghi nhận một sự thật là có rất nhiều mộ liệt sĩ tuy trên bia có ghi rõ địa chỉ, quê quán song hình như gia đình vẫn chưa biết nên mộ thường xuyên rơi vào cảnh cô quạnh không ai thăm viếng hương khói. Từ đó về nhà mới nảy sinh ý nghĩ ghi lại tất cả số địa chỉ trên rồi viết thư thông báo cho cho gia đình liệt sĩ biết mà đi thăm.

Không chỉ số địa chỉ ở 2 nghĩa trang trên mà có tham vọng từ nhiều, càng nhiều càng tốt vô số nghĩa trang liệt sĩ khác trên đất nước từ nam chí bắc. Bởi vậy đã cất công tìm đến các nghĩa trang đó chỉ nhằm mục đích ghi chép địa chỉ mộ liệt sĩ mà gia đình chưa hay biết để làm nhiệm vụ là người đưa tin mà thôi.

Cứ như thế vào nam ra bắc từ nơi xa nhất Phú Quốc đến vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Không chỉ tốn công sức mà nhiều khi còn bị các quản trang nghi ngờ làm chuyện dính líu “bí mật quốc gia” (bởi bản thân không phải thuộc gia đình liệt sĩ) nên đuổi cổ ra khỏi nghĩa trang, còn tịch thu cả giấy tờ ghi chép và dọa kêu công an bắt! Tới mức có lần phải đợi ban đêm lén trèo tường đột nhập nghĩa trang!

Có địa chỉ rồi thì về nhà còn phải tra cứu tài liệu xem địa chỉ đó nay còn không sau thời gian qua nhiều địa phương thay đổi nhập lại hoặc chia ra thành ra khác rồi từ cấp tỉnh đến cấp xã. Kết hợp với đọc báo, nghe đài chắp nối thông tin rồi tổng hợp gần đúng mới gửi đi.

Đã vậy, gia cảnh nghèo phải chắt bóp từng đồng lấy làm lộ phí đi đường, đi xa phải đi xe đò nhưng vác cả xe đạp theo để đến nơi đỡ tốn tiền thuê xe ngoài. Luôn mang theo ba lô như thời bộ đội chứa đủ lương thực thực phẩm lẫn mùng mền để gặp đâu ăn đó ngủ đó chứ tiền đâu mà vào nhà trọ hay khách sạn. Cả tiền mua tem dán thư gửi báo tin khi hết nhẵn đành phải gửi thư không dán bì để bưu điện cho phép gửi giùm miễn phí (nhưng phải chia ra nhiều bưu cục khắp các huyện chứ gửi thư kiểu này tại một bưu cục nhiều quá đâu có được!). Ở nhà không đủ giấy để ghi chép phải lấy tờ lịch hoặc bao thư cũ lật mặt sau mà viết.

Vậy mà trong hơn 13 năm qua đã gửi đến trên 15.000 lá thư báo tin như thế đến địa chỉ thân nhân liệt sĩ, tất cả dựa trên hồ sơ tập hợp danh sách 23.000 liệt sĩ thu thập từ nhiều nghĩa trang được chép trong hơn 100 tập vở. Từ đó đã có hơn 7.000 lá thư hồi âm với lời cảm tạ đẫm nước mắt chân thành từ người thân của liệt sĩ.

Và dần dà cũng có nhiều người thông cảm chia sẻ công việc ít thì mua tem giùm cho, nhiều thì tặng cả máy ảnh, ĐTDĐ, máy vi tính làm phương tiện “hành nghề” cũng đỡ đần được đôi chút.

Bây giờ thì người đã bị gán cho là kẻ tâm thần “vác tù và hàng tổng” có thể tự hào sửa lại là người “vác tù và liệt sĩ”!

868 – Lê Văn Duyên

LƯU LẠC CAMPUCHIA

Thầy thuốc dân tộc sinh 1938 tại Campuchia. Sống ở An Giang (2010).

Cha từng đi theo cách mạng kháng chiến chống Mỹ ở miền tây Nam bộ bị chế độ cũ bố ráp mất liên lạc với cơ sở nên phải đem cả gia đình chạy qua trốn trong vùng rừng núi ở tỉnh Tà keo thuộc Campuchia nằm sát biên giới Thái Lan.

Ơ nơi khỉ ho cò gáy này cả nhà chỉ biết làm nghề đốn củi đem ra chợ bán kiếm sống qua ngày trong thời buổi chiến tranh loạn lạc.

Nhưng cũng không yên lại gặp họa Pôn Pốt lần thứ nhất (trước 1975, lúc này bọn chúng còn là lực lượng “cách mạng” nổi dậy chống chính quyền Lon Nol theo Mỹ) “cáp duồng” tìm dân Việt tàn sát nên bản thân mình phải xuống tóc vào chùa Campuchia giả dạng sư sãi Campuchia tu hành để trốn tránh chúng.

Khi hết nạn “cáp duồng” mới hoàn tục trở về đời sống thường tìm nghề sinh sống thì tình cờ gặp được một người dân tộc truyền cho nghề “thầy rắn” chuyên chữa bệnh rắn cắn kể cả rắn cực độc. Từ đó trở thành thầy lang trị bệnh cho cả người Việt lẫn Camuchia.

Tưởng đã ổn định cuộc sống rồi thì sau 1975 lại xảy ra nạn Pôn Pốt lần thứ hai (bây giờ đã nắm quyền cai trị Campuchia) một đêm nọ bắt cả nhà mình giết hết chỉ sót lại mình may mà chạy thoát. Sau đó được quân đội VN tiến qua Campuchia đánh tan bọn Pôn Pốt giải thoát đưa về cố hương định cư tại An Giang sống cùng trong phum sóc với người Khmer.

Từ đó tiếp tục nghề thầy lang trị rắn cắn tình nguyện một đời làm việc thiện giúp người như để trả ơn đời đã mấy lần cứu sống mình, nổi danh là thầy Tư Tà Ngáo lấy theo tên sóc Tà Ngáo nơi đây.

869 - Lê Văn Hảo

“CHỦ TỊCH MẬU THÂN” Ở HUẾ

Nhà dân tộc học sinh 1936 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở Pháp (2011).

Tín đồ Thiên Chúa giáo nên theo học trường dòng ở Huế rồi được đi du học Pháp ngành dân tộc học. Tốt nghiệp trở về Huế dạy đại học (và ĐH Đà Lạt, Sài Gòn).

Anh hưởng xu hướng thiên tả từ Pháp rồi về ĐH Huế thời này có nhiều trí thức thân Cộng (nhóm Tôn Thất Dương Tiềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường…) nên từ đó được vận động lôi kéo thành ra có cảm tình với cộng sản thông qua lực lượng Mặt trận giải phóng miền Nam.

Vì thế khi xảy ra cuộc chiến Mậu Thân 1968 tại Huế đã được đưa lên làm Chủ tịch Lực lượng Liên minh Dân chủ Hòa bình Huế, tổ chức nhân danh trí thức và quần chúng Huế “nổi dậy” chống Mỹ – Ngụy nhưng thực chất do cộng sản dựng nên làm bình phong.

Sau đó khi quân đội VNCH chiếm lại Huế, bản thân được đưa ra Hà Nội đóng vai trò nhân sĩ trí thức miền Nam theo cách mạng. Được cho học tập, đào tạo về lý thuyết cộng sản nhưng bấy giờ đã sớm nhận ra sự thật chủ nghĩa cộng sản không như mình tưởng – không phải là kiểu chủ nghĩa xã hội cánh tả ở Pháp dành cho giới trí thức ảo tưởng – song đã lỡ “chung xuồng” rồi nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt!

Sau khi cộng sản toàn thắng 1975, trở về Huế được phong chức “bù nhìn” Phó Chủ tịch UB Mặt Trận Tổ quốc tỉnh Bình Trị Thiên và trở về dạy đại học chấp nhận “ẩn thân” qua ngày.

Mãi đến năm 1989 mới nhờ bạn bè ở Pháp vận động xin cho qua dạy đại học Pháp để đem vợ và 2 con qua theo rồi… ở lại luôn! Xem như từ giã cộng sản không kèn không trống!

Tại Pháp một thời gian sau được nhận vào làm một chân nhân viên ở Bảo tàng Louvre tại Thủ đô Paris.

Sau khi về hưu, thỉnh thoảng có xuất hiện tham gia một số hoạt động đấu tranh đòi tự do dân chủ cho VN. Năm 2000 gia nhập nhóm Tập hợp Dân chủ Đa nguyên của Nguyễn Gia Kiểng ở Pháp (còn gọi nhóm “Thông luận” tên tạp chí trên mạng), tổ chức chính trị có quan điểm chống Cộng ôn hòa hướng tới hoà giải dân tộc dân chủ.

870 - Lê Văn Hữu

HCV SEA GAMES CHO CỰU TRƯỞNG CÔNG AN

Công an về hưu sinh 1936 tại Kiên Giang. Sống ở Kiên Giang (2007).

Là công an chiến đấu thời đánh Mỹ nên sau 1975 làm trưởng công an huyện Gò Quao ở quê nhà Kiên Giang.

Làm việc nghiêm túc, gần gũi quần chúng, tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhất là hoạt động thể thao do tánh “ham vui, chịu chơi” nên được bà con quý mến quen gọi là chú “Sáu Hữu”.

Năm 1989 về hưu sớm do là thương binh 3/4 nên bị phát tác bệnh tật thời chiến tranh

Con cái đã trưởng thành hết (có đến… 10 con) nên lo không việc làm dễ sinh bệnh thêm, vì vậy nhắm tìm vui qua hoạt động thể thao tiếp tục. Thời tại chức thường tham gia môn đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ xứ này vốn nhiều kênh rạch. Từ đó mới nảy ra ý bây giờ có thời gian rảnh cần tiếp tục tìm cách phát triển môn này vừa giúp mình giữ gìn sức khỏe vừa tạo không khí vui chơi lành mạnh trong thôn xóm.

Thế là bỏ công sức toàn tâm toàn ý nâng cấp môn đua ghe ngo trong xã bằng cách tự tìm sạch vở, tài liệu tự học về chuyên môn huấn luyện đua thuyền như thế nào để bắt chước áp dụng vào đua ghe ngo. Nhờ đó đưa đội đua ghe ngo nữ của xã tiến tới giành chức vô địch toàn tỉnh rồi vô địch cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tức thì bản thân được mọi người nhất trí tự phong cho là “huấn luyện viên” chưa bao giờ qua trường lớp nào!

Đến SEA Games 22 năm 2003 tổ chức tại VN, lần đầu tiên VN dự môn đua ghe truyền thống. Thế là đua ghe ngo được ghép vào dự (đại thể nội dung 2 môn giống nhau thôi) với đại diện là đội ghe nữ của Kiên Giang đương kim vô địch quốc gia dưới quyền dẫn dắt của HLV “tự phát” Sáu Hữu kiêm thông dịch viên tiếng Khmer (23/24 thành viên là Khmer). Cũng là HLV lớn tuổi nhất 72 tuổi trong Đoàn VN dự đại hội.

Kết quả đoạt ngay HCV đầu tiên cho VN môn này, sau đó tiếp tục dẫn đội qua Thái Lan dự SEA Games 24 giành HCB.

(Còn tiếp)

Nốt Chờ


Em bỏ ngõ cho hồn đêm bay bỗng
Về bên anh thắp lại thoáng hương nồng
Kéo chút gió đã làm phai thương nhớ
Khi anh về hồn trĩu nặng ưu tư

Chút bỡ ngỡ trên bờ môi mộng ảo
Đã làm em thao thức với mong chờ
Đôi bàn tay đan lần theo nổi nhớ
Cũng đã tan theo nốt nhạc cuối cùng

Em muốn níu lấy thời gian vội vã
Muốn vươn tay ôm hết cả bầu trời
Che cả nắng để đêm vào dệt mộng
Để cùng anh mơ dạo khúc tương phùng

Em bật khóc khi mây ngàn ươm gió
Cuốn trôi xa hạnh phúc thoáng bất ngờ
Anh có biết dù bao giờ gặp lại
Vẫn đọng mãi trong thơ một nốt chờ

TẢN MẠN - CAO THOẠI CHÂU

* Từ Hải
Ai bảo phu nhân ta xếp giáo quy hàng
Không , ta chỉ giả vờ như vậy đấy
Sông Tiền Đường ta biết em không nhảy
Em đã chìm trong đáy hồn ta

* Từ Thứ
Quân sư buồn và có lẽ chàng đau
Một phút lỡ , thành ba năm giữ mộ
Kiếm khách ngây thơ làm hiếu tử
Từ Thứ quy Tào thành ngữ để ngàn sau

* Từ Hi thái hậu
Trăng thượng uyển mơ màng ánh thép
Người mơ màng khẽ nhếch làn môi
Cả triều đại gục đầu thiêm thiếp
Ai hay đâu thái hậu khóc hay cười

* Từ Đàm
Chốn linh này không thiếu mùi hương
Hương trên điện bốn bề hương bát ngát
Ta chỉ thèm mùi hương tinh khiết
Mà nồng nàn trên má Quan Âm

* Từ độ..
Từ độ chia tay em không trở lại
Một mình mang cả cuộc chia ly
Câu Sáu thành câu thơ gãy
Câu Tám lang thang biết đến bao giờ



MƯA TỪ HÔM QUA - THÁI NGOC SAN

Ảnh mưa rơi

Anh đi rồi còn tôi ở lại
Mưa từ hôm qua tới bây giờ
Chiếc quán đời ai thắp ngọn lửa
Chỗ ngồi anh lạnh giá ngày mai

Người ta vẫn nơi phồn hoa đô hội
Ai biết anh ai biết lòng tôi
Xe thời đại lăn hoài không tới
Ngục tù anh là ngục tù tôi

Mưa từ hôm qua thành bão rớt
Cờ không bay trên ngọn cổ đài
Tôi bước đi như người bỏ cuộc
Mơ thấy mình ngã ngựa trần ai

Người ta vãn xum xoe áo mão
Hội quần anh rồi hội quần thao
Hý trường vang vang lời đại cuộc
Tôi tìm anh biết ở chỗ nào

Anh đi rồi quán đời lạnh lẽo
Mưa bay ngoài hàng cửa song hàn
Tôi tìm lại bến đời khô héo
Những tàn bông nối những tàn bông.

THÁI NGỌC SAN
(Trích từ Thơ MIỀN NAM TRONG THỜI CHIẾN, trang 646. TỦ SÁCH DI SẢN VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM – THƯ ẤN QUÁN xuất bản 2006, USA)

DÀNH TẶNG RIÊNG NGƯỜI - HOÀNG THỊ THIỀU ANH



Đó là buổi chiều
Lung linh cơn mưa bất chợt
Hàng sầu đông lặng lẽ thả lá vàng
Gặp lại anh
Sau bao năm cách biệt
Xứ người

Chợt thấy trong lòng mình đổi khác
Thắc thỏm đợi chờ luyến nhớ vu vơ
Cơn mưa ơi sao thật nhiều bong bóng
Cho em đếm tháng ngày đã bỏ lại sau lưng

Em vẫn nhớ nhớ nhiều anh ạ
Khoảng trời kia em dành tặng riêng người
Em vẫn yêu,yêu hoài miền kỷ niệm
Của chúng mình
ngày đó. . .
yêu nhau

MỘT TƯỢNG ĐÀI VĂN HÓA ĐỌC - HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Năm 1980, khi nhà văn Nguyễn Hiến Lê quyết định chuyển về ẩn dật ở Long Xuyên, có lẽ ông chưa thể hình dung rằng không đầy mười năm sau, sách của ông sẽ được in lại trang trọng và xuất hiện trên các quầy sách trong một thị trường văn học rất kén chọn độc giả. Lúc đó, nhìn dáng ông thong dong và lặng lẽ lui vào ngõ vắng, hẳn không ít người nghĩ rằng, cùng với sự rút lui của tác giả, những cuốn sách của ông cũng đã qua cái thời của nó.

Còn nhớ, số báo cuối cùng của tạp chí Bách khoa ra ngày 19-4-1975 đã đăng những bài kỷ niệm cuốn sách thứ 100 của Nguyễn Hiến Lê, đánh dấu kỳ tích của một người lao động sáng tạo và học thuật. Vốn là một kỹ sư công chánh từ miền Bắc vào lập nghiệp ở miền Nam, từ năm 1952 ông mới định cư hẳn ở Sài Gòn và tập trung cho nghề văn. Nếu tính từ khi cuốn sách đầu tiên được in vào năm 1949, trong vòng 30 năm, ông đã miệt mài và nghiêm cẩn sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật, trước tác để cống hiến cho đời những cuốn sách thuộc nhiều thể loại khác nhau: sách học làm người, gương danh nhân, giáo dục, chính trị, ngữ pháp, ký sự, tiểu thuyết, kinh nghiệm viết văn…, đặc biệt là những công trình biên khảo công phu và đồ sộ về triết học.

Hồi ký của Nguyễn Hiến Lê ghi lại tinh thần làm việc say mê và tính kỷ luật của ông: mỗi ngày, ông dành thời gian để sắp xếp tài liệu, ghi chép, suy nghĩ trước khi ngồi vào bàn viết. Ông có thói quen viết vào buổi sáng và buổi chiều, còn buổi tối dành để đọc sách báo. Trung bình mỗi năm ông in ba cuốn sách, tổng cộng khoảng 900 trang. Có người kêu: thời gian ở đâu mà ông viết được nhiều vậy? Ông bảo: có gì đâu mà nhiều, tình bình quân mỗi ngày chỉ viết có ba trang chứ mấy! Viết văn, nhiều người cứ ngồi chờ cảm hứng đến. Với những người như ông thì muốn có cảm hứng, phải ngồi vào bàn và cầm bút viết ra giấy. Kiên trì, nhẫn nại, toàn tâm toàn ý, Nguyễn Hiến Lê xây dựng sự nghiệp mình như vậy. Thật là đáng trọng một nghị lực, một tính cách, một nhân cách: hơn 20 năm ở Sài Gòn ông chỉ đi ăn đám cưới bốn, năm lần; ông từ chối lời mời dạy học ở Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn vì sợ thì giờ bị phân tán; hai lần ông lịch sự mà kiên quyết không nhận giải thưởng văn học nghệ thuật để giữ trọn sĩ khí của một nhà văn hoá độc lập với chính quyền.

Những người viết sách ngày nay học được rất nhiều ở Nguyễn Hiến Lê về đạo đức nghề nghiệp và lương tri của người trí thức. Sách của ông không tránh khỏi những thiếu sót nhất định do hạn chế lịch sử, nhưng ông không bao giờ viết điều gì trái với lương tâm, để mười năm, hai mươi năm sau phải hổ thẹn khi đọc lại. Ông luôn luôn đúng hẹn với các nhà xuất bản, cố gắng giao nộp bản thảo trong dạng thức hoàn chỉnh với tất cả khả năng của mình, không để sót những lỗi kỹ thuật vì vô ý. Mỗi lần sách được tái bản, ông đều xem lại, sửa chữa và bổ sung. Ông cẩn trọng đến mức, hồi dịch Chiến tranh và hoà bình, do tình hình chiến sự, ông đã chép tay trên giấy than thành ba bản: một đưa cho nhà xuất bản Lá Bối, một cất ở nhà và một gửi về quê, phòng bị thất lạc.

Những doanh nhân làm sách ngày nay còn có thể học ở Nguyễn Hiến Lê một tấm gương về tinh thần tự lực tự cường. Để không bị các nhà phát hành bóc lột, để góp phần làm giảm giá thành của sách, ông đã lập nhà xuất bản mang tên mình, tìm cách phân phối sách cho các đại lý và hàng tháng đi xe ôm thu hồi tiền bán sách. Sách của nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê, tuy hoạt động dưới thời “thực dân mới”, nhưng cuốn nào cũng mang đậm tinh thần dân tộc, không hề có những nhan đề giật gân, câu khách và những hình bìa diêm dúa như một số cuốn sách bây giờ.

Một điều nữa góp phần khẳng định Nguyễn Hiến Lê như một tượng đài của văn hoá đọc, đó là ông đã thể hiện tấm gương tự học để trở thành nhà văn hoá ở đỉnh cao. Ở Sài Gòn thời đó, ông thường xuyên nhận được những cuốn sách mới nhập về từ Âu Mỹ, ông nắm bắt thông tin về khoa học, tư tưởng trên thế giới một cách nhạy bén, kịp thời; nhưng ông không vồ vập mà cân nhắc, chọn lọc để giới thiệu cái gì có ích cho dân tộc mình. Chưa thấy ai chê ông là người nệ cổ, cũng chưa thấy ai trách ông là người sùng ngoại, xu thời.

Nguyễn Hiến Lê từng nói, để viết ra được một cuốn sách, cần phải đọc thật nhiều sách; viết là một cách học tập, học tập để mà viết. Muốn có gì để nói với mọi người, thì trước hết mình phải nạp năng lượng tri thức và tiêu hoá năng lượng. Nhờ thế, những hạt giống được gieo trong sách mới nẩy mầm và đơm hoa kết trái.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Cơn Sóng Tình


Anh không còn tuổi xuân
Nhưng còn trái tim nồng
Cho em tình đắm say
Những ngọt ngào đam mê

Anh không còn tháng năm
Dài bên em rong ruổi
Nhưng khúc nhạc yêu em
Là vĩnh cửu em ơi

Hai bên bờ sông tương
Tình anh treo đầu võng
Giữa lòng sông mênh mông
Anh trải rộng yêu thương

Chảy tràn về bên em
Nguồn thơ cùng bất tận
Làm hành trang em ơi
                                                                  Hãy vun sới cuộc đời

Anh chỉ biết yêu em
Yêu như thuở dại khờ
Anh giữ mãi trong thơ
Hình bóng em mong manh

Anh sẽ mãi yêu em
Yêu môi mắt em thiên thần
Tình yêu anh trao em
Là cơn sóng triền miên

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2011 (KÌ 85)


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

851 - Đặng Thị Bích Ngọc

LIỆT SĨ SỐNG LẠI 34

Cán bộ về hưu tên cũ Nguyễn Thị Ngọc sinh 1952 tại Quảng Nam. Sống ở Tiền Giang (2011).

Mới 15 tuổi đã thoát ly đi du kích đánh Mỹ.

Chỉ không bao lâu bị thương nặng năm 1966 cứu chữa tại địa phương không hết nên cuối năm 1969 được đưa ra Bắc chưa tiếp.

Sau khi tạm lành bệnh được chuyển vào lại chiến trường Tây Nguyên rồi xuống Nam bộ làm ở bộ phận y tế chiến trường. Lại bị thương nữa may mà không chết song ảnh hưởng thần kinh.

Sau chiến tranh ở lại Tiền Giang làm ngành y tế song không nhớ gì về quảng đời đã qua lẫn quê hương gia đình thân thích.

Trong khi đó ở quê nhà mẹ mất, cha dượng không nhận được tin tức nên làm hồ sơ công nhận liệt sĩ năm 2001 theo tên cũ Nguyễn Thị Ngọc.

Trong lúc đó “liệt sĩ” vì bệnh dai dẳng đã được cho về hưu non năm 1982 ở tận Tiền Giang. Trí nhớ vẫn mơ hồ mờ mờ ảo ảo như người đi đêm.

Mãi đến năm 2011 không hiểu sao nhờ đâu mới dần hồi phục trí nhớ mình (từng) là ai ở đâu. Rồi từ đó lần mò tìm đường về thăm quê làm mọi người một phen… hết hồn!

852 – Lê Hoàng Khải

DẤU ẤN CÔ NHI VIỆN

Nông dân sinh khoảng 1960 tại Quảng Ngãi. Sống ở Quảng Ngãi (2011).

Năm 1968 trở thành trẻ mồ côi do cha mẹ trúng bom chết trên đường chạy loạn. Được người khác dắt díu chạy tiếp theo quán tính cùng đoàn người chạy loạn đi ăn xin khắp chợ, nhà ga Quảng Ngãi.

Cuối cùng được các xơ đưa về nuôi trong cô nhi viện Phú Hòa ở huyện Sơn Tịnh. Không nhớ cả tên cũ là gì nên mới được các xơ đặt tên mới ngày nay.

Sau hòa bình lập lại đã nhiều lần cất công đi truy tìm gốc gác tin tức gia đình cũ song đều không kết quả. Đành quay về quê mới Sơn Tịnh kiếm mảnh đất ở gần cô nhi viện xưa kia làm nông sống qua ngày.

Nhưng linh cảm thấy mình vẫn thiếu thốn tình thương gia đình nên mới nghĩ ra cách bù đắp bằng tình cảm cô nhi viện ngày nào từng ấp ủ nuôi dưỡng mình. Thế là quyết tâm noi theo tấm gương cô nhi viện ấy bằng cách tự xây dựng riêng cho mình một cô nhi viện nhỏ: Dùng nhà tranh vạch lá nông dân của mình để nuôi trẻ mồ côi đi “lượm” khắp nơi mang về! Đến nay đã nuôi 17 em như vậy, có em đã trưởng thành ra đời.

Để nuôi đủ đàn con không máu mủ, phải nai lưng làm đồng suốt ngày, làm lúa, tỉa bắp tỉa đậu, trồng mía trồng mì trên 10 sào đất nắng chang chang. Chiều rảnh thì tranh thủ chạy thêm xe thồ hay xe ba gác chở hàng kiếm tiền cho các “con” ăn học.

Không chỉ vậy còn hy sinh cả hạnh phúc đời riêng cho sự nghiệp “cô nhi viện tự phát” này: Lấy vợ được 2 tháng thì người vợ trẻ không chịu nổi cảnh nuôi “con người ta” nheo nhóc quá mệt mới đòi “ra riêng” nhưng chồng không đồng ý nên đôi bên phải sớm nói lời chia tay! Giải thích “Mình mà đi thì ai nuôi mấy đứa?”.

Đành chấp nhận “chết” tên “Ba Khải” một cái tên tiền định: Tên có từ hồi còn ở cô nhi viện do mình lớn thứ nhì trong nhóm trẻ mồ côi, còn nay là tên cha của tụi nhỏ vô gia đình vô gia cư nay đã tìm thấy mái ấm gia đình: “Điều tôi mong nhất là làm sao trên cuộc đời này không có những đứa trẻ phải vào cô nhi viện nữa.”

853 - Lê Khắc Hơn

LIỆT SĨ SỐNG LẠI 35

Thương binh sinh 1951 tại Thái Nguyên. Sống ở Cần Thơ (2011).

Thượng sĩ bộ đội chiến đấu ở Bến Tre và bị thương nặng ở đầu đúng vào ngày 30.4.1975.

Được đưa đi cấp cứu rồi chuyển qua Tiền Giang, Cần Thơ tiếp tục chữa trị trong thời điểm tình hình lộn xộn đơn vị ở Bến Tre không biết nên sau đó báo tử về quê Thái Nguyên công nhận liệt sĩ!

Nằm viện một thời gian dài ở Cần Thơ được chữa lành các vết thương bên ngoài nên được cho ra viện nhưng vết thương ở đầu vẫn còn nguyên gây bệnh mất trí nhớ.

Vì thế ra ngoài đời ngơ ngác không nhớ gì hết không biết mình là ai cũng không người quen bà con thân thích không thể cầu cứu nương nhờ vào đâu. Đành sống đời lang thang bụi đời làm đủ thứ việc để sống tạm qua ngày.

Đến năm 1991 gặp được một phụ nữ góa chồng (có 2 con đời trước) thương cảm đưa về nhà lấy làm chồng cùng làm bánh bông lan bỏ chợ. Sinh được 2 con.

Năm 2002 tình cờ một đồng đội cũ gặp được mới truy ra gốc tích quê hương, gia đình cũ rồi tìm cách báo về Thái Nguyên cho bà chị dâu biết.

Bà chị dâu vào tìm gặp rồi đưa về thăm quê sau 36 năm lưu lạc mất tích. Bấy giờ được làm lại giấy tờ hồ sơ thì Cần Thơ mới chính thức cho… nhập hộ khẩu!

854 - Lê Lý

CẢI ĐẠO TIN LÀNH VẪN XÂY CHÙA

Thường dân Việt kiều Mỹ sinh 1933 tại VN. Sống ở Mỹ (2008).

Di tản năm 1975 qua Mỹ.

Bước đầu bơ vơ trên đất lạ xứ người nên chấp nhận bỏ đạo Phật gia truyền cải đạo Tin Lành để được nhà thờ hỗ trợ nuôi con. Nhưng trong thâm tâm vẫn luôn thầm tụng kinh niệm Phật cố giữ niềm tin truyền thống khỏi bị mất gốc.

Vì thế khi con cái thành đạt cả rồi mới thương mẹ tìm cách xây cho mẹ một ngôi chùa ngay tại Texas nơi gia đình cư ngụ bởi biết đó là “giấc mơ cả đời” của mẹ.

Từ đó bà đã về VN hai lần năm 2005 và 2006 để chọn lựa kiểu dáng và vật liệu đưa sang Mỹ dựng nên một ngôi chùa nhỏ “đúng nghĩa và đúng kiểu” cho mình tu hành cuối đời.

Chùa đã khánh thành năm 2008.

855 – Lê Quang Ánh

“CÁNH TAY THÉP” CỦA NGƯỜI CHA

Bộ đội về hưu sinh 1940 tại Hà Nội. Sống ở TPHCM (2008).

Vào bộ đội năm 1963 từng chiến đấu trên những mặt trận ác liệt Khe Sanh, đường 9 Nam Lào rồi chuyển qua làm lính vận chuyển xăng dầu đường Trường Sơn. Vợ cũng là thanh niên xung phong rồi làm giao liên.

Sau chiến tranh về nhận nhiệm vụ tại Hà Nội.

Sinh được 3 con trong đó có một con gái sinh năm 1981 cũng là năm mình 50 tuổi bỗng nhiên tóc bạc trắng là một dấu hiệu dính CĐDC mà không biết. Cho nên cháu bé sinh ra đã bị di chứng CĐDC thân hình bé nhỏ chỉ cao chưa tới 1m, hai chân bại liệt không đi đứng được, 2 bàn tay co quắp.

Con không đi đứng được nên bố phải bồng bế lo mọi việc cho con từ làm vệ sinh đến thay áo quần, ăn uống, lên gác xuống gác. Vợ già cũng bệnh hoạn, còn hai con đầu đã lập gia đình ở riêng nên rốt cuộc chỉ còn mình ông bố lo cho em.

Rồi con lớn chút nữa ham học nên bố phải chiều con tự tay mình bồng con đi học Bồng bế con gái bằng 2 tay phía trước chứ không cõng trên lưng, may mà em bị bệnh nên chỉ nặng chưa tới 30kg!

Bồng con đi như vậy suốt thời gian học tiểu học. Đến cấp 2 mới kiếm được chiếc xe đạp chở con đến trường, qua cấp 3 mới có chiếc xe máy cũ thay vào, sau đó mới bế con vào lớp. Dù đã lớn tuổi vẫn cắn răng bế con lên mấy thang lầu vào lớp rồi quanh quẩn ngoài sân trường chờ tan trường lại đón con bồng về nhà, có khi gặp trời mưa gió phải đi cả tối mịt mới về.

Nhẫn nại lặng lẽ đưa con đi đi về về tất cả bằng 2 “cánh tay thép” của người thương binh tưởng giống như anh bộ đội ngày nào “chân trần chí thép”!

Nhưng con đường đi học của con ngày càng dài ra bởi có khi em phải học 2 năm mới xong một cấp lớp do bị bệnh tật hành hạ, nhất là vào mùa đông lạnh giá thường xuyên bị đau nhức các khớp xương toàn thân. Cũng vì thế năm 1994 bố phải xin chuyển cả gia đình vào TPHCM sinh sống tránh cái lạnh miền Bắc đồng thời tiện cho em vào Làng Hòa Bình của bệnh viên Từ Dũ.

Tuy nhiên bây giờ bố phải làm việc gấp đôi mỗi ngày 4 đợt bế con đi và về, ngày bế vào Làng làm quen với cuộc sống chung cùng bạn bè đồng cảnh ngộ, tối bồng đi học bổ túc.

Mất tới 17 năm dài như vậy con mới tốt nghiệp phổ thông bấy giờ thì bố đã gần còm lưng xệ vai gánh nặng tuổi tác. Con thấy vậy thương bố đã già rồi sợ không còn đủ sức bồng bế mình đi học nữa nên thôi không dám thi vào đại học.

May thay năm 2008 em được nhận vào lớp học nghề cắm hoa mỗi tuần chỉ đi học một buổi nên “người bố vĩ đại” – lời của em – mới đủ sức tiếp tục hành trình bế con đi học. Với ước mong con ra nghề mở shop bán hoa tại nhà để tự nuôi thân một khi “cánh tay thép” của bố đã xuội lơ không còn bồng bế em nổi nữa trên bao dặm đường đời vạn lý ngược xuôi...

856 – Lê Quang Chọn

3 THẾ HỆ UNG THƯ XƯƠNG

Nông dân sinh 19512 tại Thanh Hóa. Sống ở Thanh Hóa (2009).

Năm 1971 vào bộ đội lên đường chiến đấu ở mặt trận Nam Lào. Đến 1972 bị thương khá nặng (thương tật 51%) song vẫn theo đơn vị tiếp tục lên bám trụ Tây Nguyên cho đến ngày toàn thắng.

Sau 1975 xuất ngũ về quê làm ruộng, lấy vợ.

Nhưng vợ 3 lần mang thai đều sinh ra con dị dạng chết sớm. Mãi đến năm 1978 mới sinh được một con gái rồi 2 con trai nữa năm 1982 và 1985.

Tuy nhiên đến năm 1993 đứa con trai đầu bị phát hiện mắc bệnh ung thư xương phải cắt cụt một chân vẫn bị di căn lên phổi qua đời năm 1995. Tiếp đó cô con gái đầu 15 tuổi cũng dính căn bệnh này và cũng phải cưa cụt một chân may mà còn chống nạng sống sót .

Tới năm 2003 đến lượt đứa con trai thứ hai cũng lâm bệnh y hệt khiến cha mẹ chạy vay nợ tứ tung để cho con hóa trị song cuối cùng cũng lại phải cưa một chân nhưng cũng chỉ kéo dài sự sống được đến năm 2007. Nhà đã nghèo càng nghèo hơn một cái bát ăn cơm lành lặn cũng không có.

Tất cả lúc bấy giờ mới biết đều là hậu quả từ người cha cựu chiến binh nhiễm CĐDC từ chiến trường Tây Nguyên. Vì thế bản thân người cha lâu nay mang đủ thứ bệnh trong người mà không hiểu do đâu từ bệnh tiểu đường đến phù não cũng như thoái hóa cột sống một biến chứng khác của ung thư xương phải trải qua 2 lần phẫu thuật cắt bỏ 2/3 dạ dày.

Người mẹ đau lòng quá sinh ra mắc bệnh tâm thần thường xuyên lên cơn hoảng loạn thành người điên luôn!

Chưa hết, cô con gái sau này được một trai làng làm nghề hớt tóc thương cảm lấy làm vợ nhưng sinh con lại tiếp tục là một cháu bé bị… dị tật cột sống nữa. Chồng buồn chán quá bỏ đi khiến bị nhà chồng ruồng rẫy đành ôm con về nhà cha mẹ chưa biết ngày nào bóng ma ung thư xương trờ tới!

857 – Lê Quang Luận

CẦM NHẪN CƯỚI ĐI TÌM HÀI CỐT ĐỒNG ĐỘI

Lao động nghèo sinh năm 1946 tại Hà Đông. Sống ở Hà Tây (2006).

Năm 1967 cùng thanh niên trai tráng trong làng đi bộ đội vào Nam chiến đấu. Lăn lộn trên chiến trườøng miền Trung, Tây Nguyên, Nam Lào, Nam bộ.

Năm 1982 ra quân với một mảnh đạn còn nằm trong bã vai. Về quê làm cán bộ thuế, lấy vợ sinh 2 con.

Nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó cả 2 vợ chồng lâm vào cảnh thất nghiệp, mình bị cho nghỉ vì lý do sức khỏe vết thương cũ tái phát, còn vợ do nhà máy làm ăn thua lỗ giải thể. Thế là vợ chồng lăn lưng vào làm đủ thứ nghề chân tay kiếm sống nuôi con nhỏ, bản thân chạy xe ôm, bốc vác, phụ thợ hồ, vợ thì buôn bán lặt vặt ngoài chợ. Cả nhà sống chui rúc trong căn nhà xập xệ tạm bợ rộng chỉ 9m2.

Nhưng khổ không sợ mà sợ đêm về không ngủ không yên giấc vì “Cơm đói, sống khổ tôi chịu được nhưng chẳng giấc ngủ nào được trọn vẹn vì hình ảnh đồng đội cũ cứ ập về làm tôi cứ thấy họ còn nằm trơ vơ đâu đó trên gò đất, bờ sông hoặc sâu hun hút trong cánh rừng tràm bạt ngàn…”

Lòng cứ mãi day dứt như thế nên năm 1993 quyết định giao chuyện nhà lại cho vợ để mình đơn thân độc mã tìm về lại chiến trường xưa ở miền Nam đi tìm hài cốt, mộ phần đồng đội một thời cho trọn lời thề năm xưa “ai còn sống thì lo cho người đã chết”. Ra đi mà trong tay tiền bạc mang theo chẳng bao nhiêu khiến vợ thương cảm tháo cả chiếc nhẫn cưới đưa cho chồng mang theo phòng ngừa khi hữu sự!

Kết quả chuyến đi đầu tiên vào tận Quảng Nam tìm được hài cốt một đồng đội. Qua năm 1995 tiếp tục vào Đà Nẵng tìm nữa, được thêm 21 bộ hài cốt khác.

Sau 14 năm lặn lội truân chuyên như thế đã tìm được tổng cộng 61 hài cốt đưa về Bắc, báo tin cho hơn 300 gia đình thân nhân liệt sĩ biết.

Dù vậy người thương binh già chạy xe ôm vẫn chưa chịu dừng bước mà “Còn sức là tôi còn đi” với niềm tin tâm linh sâu sắc chẳng quản ngại gian khổ hiểm nguy bom mìn còn nằm đâu đó bên cạnh các huyệt mộ: “Mình đi đưa anh em về tất đã có anh em dưới đó bảo vệ, không chết đâu mà sợ”!

858 - Lê Thị Bích Hường

NỮ ANH HÙNG “KHÔNG CHẾ ĐỘ”

Nông dân sinh 1941 tại Nghệ An. Sống ở Nghệ An (2009).

Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ phải đi chăn trâu cho nhà người để có cơm ăn qua ngày.

Năm 1962 gia nhập lực lượng dân quân xã tham gia trực hiến, đi rà phá bom mìn, vận chuyển bảo vệ các chuyến hàng hóa quân sự đưa vào phục vụ chiến trường miền Nam.

Cuối tháng 8.1966 máy bay Mỹ ném bom vùng này bị bắn rơi 2 chiếc trong đó có một thiếu tá phi công Mỹ nhảy dù thoát chết rơi xuống trên một quả đồi. Bản thân mình đang đi chăn trâu gần đó nhìn thấy nên chạy đến trong tay chỉ cầm một chiếc liềm vẫn xông đến bắt sống!

Thế là vinh quang tột đỉnh đến với người nữ anh hùng dân quê 100%: Được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huân chương, kết nạp Đảng cùng một loạt huân huy chương và bằng khen khác, cử đi báo cáo chiến công khắp nơi…

Rồi được cử đi học văn hóa bổ túc đào tạo thành cán bộ song đến nơi mới biết đương sự… mù chữ nên đành chịu, phải trả về đơn vị cũ dân quân xã!

Cuối năm 1968 gặp và lấy chồng là một thanh niên xung phong địa phương.

Sau 1975 dân quân lẫn thanh niên xung phong giải tán, 2 vợ chồng về quê làm ruộng sinh sống hoàn toàn không được hưởng chế độ gì cả.

Riêng mình dù một thời vinh danh anh hùng song lại không thuộc biên chế quân đội chính quy nên không có quy chế đãi ngộ lâu dài. Đã vậy, sau này địa phương mình ở bị chuyển qua xã khác (do phân chia lại địa giới các xã) nên xã cũ “quên” mất mình mà xã mới thì coi như không biết!

Hai vợ chồng chỉ còn biết cắm mặt xuống đất mà sống, bản thân mình phải đi mót củi gánh ra chợ bán, đi chặt cây chuối về thái ra nuôi lợn. Sinh được 2 con lớn lên đều vào Nam làm lụng kiếm sống để lại 2 vợ chồng già lủi thủi trong căn nhà xập xệ dột trước dột sau.

859 - Lê Thị Thắm

NỮ HỌA SĨ “NHÍ” VẼ BẰNG… CHÂN!

Học sinh sinh 1998 tại Thanh Hóa. Sống ở Thanh Hóa (2010).

Sinh ra đã không có 2 tay do di chúng CĐDC từ bà ngoại từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên.

Không chỉ thế, cơ thể ốm yếu của em trải qua bao vất vả mới sống được: Gần 2 tuổi mới biết trườn, 3 tuổi mới tập đi chập chững, 4 tuổi mới nói được…

Lên 5 tuổi đòi đi học mẹ phải nài nỉ xin cho vào trường mẫu giáo, rồi vào tiểu học.

Rất chịu khó ham học nên cần cù luyện tập viết bằng… chân trái kể cả khi lên viết bảng đen chỉ đứng một chân (phải) làm chỗ tựa để chân (trái) kia cặp viên phấn vào mấy ngón chân viết lên bảng.

Vậy mà lại viết chữ nắn nót… đẹp nhất lớp!

Từ đó còn phát hiện ra năng khiếu… vẽ tranh với những đường nét in đậm cảm xúc độc đáo. Một bức tranh như vậy đã đoạt giải nhì trong cuộc thi do Hội Mỹ thuật Thanh Hóa tổ chức năm 2007.

Hiện tiếp tục dùng một chân tập đánh vi tính chân kia “nhấp” con chuột để theo kịp các anh chị lên lớp cấp 2.

860 - Lê Triết

BỊ ÁM SÁT CẢ 2 VỢ CHỒNG

Nhà báo Việt kiều Mỹ sinh 1929 tại VN – Mất 1990 ở Mỹ (61 tuổi).

Qua Mỹ sau 1975 chuyên viết bình luận cho tuần báo Văn nghệ Tiền phong.

Tuy đây chỉ là tờ báo chuyên về văn nghệ giải trí song đôi lúc không tránh khỏi đụng chạm với một số tổ chức chống Cộng cực đoan. Từ đó năm 1990 cả 2 vợ chồng đã bị bắn chết trên ô tô khi vừa về đến nhà ở bang Virginia.

Trước đó vào năm 1989 họa sĩ trình bày của báo Đỗ Trọng Nhân cũng đã bị bắn chết trên xe hơi của mình cùng tại bang này.

Thủ phạm tự nhận là “Diệt Cộng Hưng quốc Đảng” (VOECRN) song cảnh sát Mỹ điều tra không tìm ra ai cả!

(Còn tiếp)