NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
861 - Huỳnh Văn Nghị
HIẾN NHÀ NƯỚC 3.360 CỔ VẬT
Cán bộ về hưu sinh 1927 tại Sài Gòn. Sống ở TPHCM (2011).
Học Petrus Ký rồi đi Pháp du học năm 1947. Tốt nghiệp cử nhân toán xong về nước làm công chức chế độ Ngô Dình Diệm.
Nhưng được vài năm thì bỏ việc vào chiến khu tham gia chống Mỹ. Tại đây gặp và kết hôn với bác sĩ Dương Quỳnh Hoa một trí thức cũng học Pháp về đi theo cách mạng sau này làm Bộ trưởng Y tế Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.
Sau ngày thống nhất đất nước cả 2 vợ chồng về lại Sài Gòn, vợ làm Thứ trưởng Y tế Chính phủ VN thống nhất, chồng làm cán bộ.
Nhưng chỉ hai năm sau cả 2 vợ chồng từ chức ra ngoài mở Trung tâm Nghiên cứu Nhi khoa chăm lo săn sóc trẻ suy dinh dưỡng, trẻ nạn nhân CĐDC ở TPHCM và một số tỉnh lân cận. Vợ lo chuyên môn, chồng phụ trách chuyện quản lý và hậu cần.
Việc làm này một phần do 2 vợ chồng chỉ có một người con trai duy nhất lại bị mất sớm nên có lẽ muốn tìm niềm an ủi bằng cách dồn hết tình thương cho trẻ em thiếu may mắn bất hạnh. Phần khác bản thân người vợ cũng chịu hậu quả CĐDC, là một trong những nhà khoa học đầu tiên phát hiện và nghiên cứu căn bệnh này. Sau đó bà là một trong 3 công dân VN đầu tiên công bố hồ sơ bệnh lý ra quốc tế yêu cầu Chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm bồi thường.
Năm 2006 bà qua đời (thọ 77 tuổi) để lại người chồng đơn độc trên cuộc đời. Tuổi già sức yếu không cáng đáng nổi công việc nữa nên bàn giao trung tâm lại cho Bệnh viện Nhi đồng 2 rồi rút vào sống đời ẩn dật.
Cũng từ đó đầu năm 2011 mới quyết định hiến tặng cho Nhà nước toàn bộ bộ sưu tập đồ cổ 3.360 món do cha mẹ vợ để lại mà vợ chồng mình đang gìn giữ (sau đó có khiếu kiện từ con cháu bên vợ…).
Bộ sưu tập vô giá kể trên được hình thành trong những năm 1935-1940 từng được biết mang tên Bộ Sưu tập Dương – Hà (ghép họ cha mẹ vợ) gồm vô số cổ vật bằng đủ loại nguyên vật liệu đá, gốm sứ, men, sắt, đồng, thau, ngà… xuất xứ từ VN, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức có niên đại từ thế kỷ III đến đầu thế kỷ XX.
862 – Lê Thiên Long
CÁN BỘ “MỘT MÌNH CHỐNG LẠI MAFIA”
Công chức sinh 1953 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2009).
Năm 1971 đi bộ đội vào Nam chiến đấu.
Năm 1975 sau chiến tranh xuất ngũ về lại Hà Nội học đại học. Năm 1980 ra trường được phân công về Tổng Cty Vật tư nông nghiệp ở Hà Nội.
Năm 2002 lên chức phó phòng kế toán nhưng con đường hoạn lộ đến đây xem như cắt đứt do bản tính thẳng thắn hay góp ý với lãnh đạo về những việc làm, quyết định mờ ám có dấu hiệu tư lợi cá nhân.
Lãnh đạo tìm cách mua chuộc bằng tiền bạc hoặc chức vụ (3 lần đề nghị cho làm giám đốc công ty con) nhưng đều từ khước. Từ đó liên tục bị chèn ép, trù dập cho làm những chỗ kiểu “ngồi chơi xơi nước” dài dài vẫn chấp nhận nhịn nhục.
Đến năm 2006 khi giám đốc lợi dụng việc cổ phần hóa tổng công ty để tham nhũng thì bản thân không thể ngồi yên ngoảnh mặt làm ngơ được nữa. Liền bắt đầu tiến hành việc tập hợp tài liệu, hồ sơ chứng minh lãnh đạo cơ quan tiêu cực gửi khắp các cơ qua từ thành phố đến trung ương tố cáo. Nhờ là chuyên viên tài chính kế toán nên lập “cáo trạng” rất bài bản, khoa học, in và đóng hồ sơ thành từng cuốn phân rõ đề mục dày hàng trăm trang.
Trong hơn một năm trời ròng rã một mình tiêu cực cấp cao cơ quan như vậy, gửi hàng trăm đơn thư và bưu kiện đến các cơ quan quyền lực lẫn các vị lãnh đạo nhà nước, có đợt gửi đến 58 bản hồ sơ đó đến Quốc hội.
Cuộc chiến đấu đơn độc được thực hiện trong tình cảnh bản thân bị “đối phương” tìm mọi cách đối phó từ hăm dọa đến vu khống bôi nhọ đủ thứ cho là “phần tử phá hoại”, gia đình bê bối con cái nghiện xì ke ma túy… Vì thế sáng không dám đi tập thể dục, tối không dám đi ra đường, cắt điện thoại ở nhà, thay xim ĐTDĐ liên tục để tránh bị quấy rối. Trong lúc đó ở nhà vợ đã bị bệnh nằm liệt giường từ mười mấy năm nay, con trai duy nhất cũng mắc bệnh thiếu tiền chữa trị.
Cuối cùng thì nội vụ cũng được phơi bày ra ánh sáng với tổng giám đốc và phó tổng giám đốc bị bắt, một trường hợp chống tiêu cực từ trong nội bộ thành công khá hiếm hoi. Tuy kết cục bản thân – bên ngoài là một người nhỏ bé, hiền lành, khiêm tốn - không hề mong muốn như vậy: “Cái tôi cần là làm rõ được sai phạm của ông ấy để trả tiền cho nhà nước vì đó đều là tiền của dân. Nhưng khi biết rằng công an sẽ vào bắt cả hai ông đi, mình buồn chứ!”
863 – Lê Thọ
MÌNH VỀ GẶP ĐÁM GIỖ… MÌNH!
Thường dân sinh 1959 tại Quảng Nam. Sống ở Đồng Tháp (2010).
Năm 1969 mới 10 tuổi theo gia đình chạy loạn chiến tranh từ huyện này qua huyện khác rồi khi bị rơi vào giữa một trận chiến khốc liệt thì bị lạc mất người thân.
Sau đó cả nhà đổ xô đi tìm đều không kết quả. Đến khi cha mẹ qua đời mấy năm sau, còn lại bà chị và em gái ở quê nhà vẫn cố công hỏi thăm, truy tìm tông tích đứa em bao năm đều vô vọng. Cuối cùng đành lấy ngày giỗ cha làm ngày… giỗ em trai luôn!
Không ngờ trong cảnh bom đạn ngày ấy đứa con trai bé bỏng được lính VNCH cứu thoát rồi đưa về Sài Gòn. Từ đó kinh qua bao chặng đường đời gian nan nhiêu khê, cuối cùng trôi giạt xuống tận Đồng Tháp.
Đứa trẻ ngày nào cứ thế mà sống như cây cỏ hoang vu giữa cuộc đời, may mắn vẫn tồn tại. Rồi được nhận làm con nuôi lấy họ Nguyễn theo họ cha mẹ nuôi. Học nghề ra đời lập nghiệp lấy vợ sinh được 4 con.
Khi con cái lớn lên hỏi về nguồn gốc bên nội bấy giờ mới cố gợi trí nhớ loáng thoáng quê xưa là Quảng Nam. Từ đó tìm gặp những người đồng hương xứ Quảng đang sống hoặc làm ăn ở Đồng Tháp để dò hỏi và nhờ giúp đỡ. Qua nhiều lần như vậy dần dần đã lần ra manh mối quê nhà.
Liền lên đường về quê tìm đến nhà bà chị gặp nhau mừng mừng tủi tủi sau 40 năm thất lạc nhau và như một sự sắp xếp lạ lùng dưới bàn tay của định mệnh hôm đó lại đúng vào ngày… giỗ của mình!
864 - Lê Trường Cuối
MỐI TÌNH MÙ
Bộ đội thương binh sinh tại Hải Phòng. Sống ở Hải Phòng (2005).
Là lính trinh sát chiến đấu ở Tây Ninh thời đánh Mỹ.
Sau 75 xuất ngũ thương binh (bị một mảnh đạn găm vào cột sống và vào đầu) về quê Hải Phòng chạy xe ôm, có vợ 2 con.
Trong một lần chạy xe đã đâm ngã một người đàn bà mù, lấy làm ân hận nên xin chuộc lỗi bằng cách tình nguyện làm “tài xế” chở chị đi làm việc hàng ngày ở Hội Người mù.
Người đàn bàn mù này từng trải qua hoàn cảnh cực kỳ bất hạnh nghiệt ngã, khi nhỏ chưa bị mù nhưng mẹ mất sớm, bố đi lấy vợ khác bỏ 4 chị em bơ vơ khốn khổ nên lớn lên tình nguyện vào bộ đội mong thoát khỏi cảnh sống bế tắt. Rồi giải ngũ chuyển ngành làm công nhân chuẩn bị lấy chồng thì bị trận sốt nặng làm mù cả 2 mắt thế là hôn nhân tan vỡ. Rơi vào tuyệt vọng tận cùng muốn tự trầm nhưng được cứu sống, đành gắng gượng sống qua ngày trong căn lều dột nát cạnh nghĩa trang thê lương, ngày ngày mò mẫm xới đất trồng rau, mò cua bắt ốc. May mà cuối cùng được Hội Ngươì mù cưu mang giúp đỡ kiếm việc cho vào làm…
Người thương binh chạy xe ôm cám cảnh từ đó dần dà nảy sinh tình cảm nên khi người đàn bà mù có nguyện vọng “xin” một đứa con để an ủi nương tựa tuổi già sau này đã chấp nhận “làm liều”. Chấp nhận nếu vợ biết được thì đành “gói ghém đồ đạc ra đi”!
Kết quả một bé trai chào đời với người mẹ phải trả giá đắt: Khi sinh bị rách dạ con buộc bác sĩ phải cắt toàn bộ dạ con mới cứu được 2 mẹ con. Mẹ còn nằm viện, bố đã có vợ không dám nuôi nên phải nhờ Hội Ngươì mù nuôi. Đặt tên phải lấy họ mẹ. Bố sợ vợ lớn không dám ra mặt giúp đỡ, mẹ ra viện một mình mù loà nuôi con, còn bị em trai dọa đuổi nhà để chiếm đất.
Đến đây thì điều kỳ diệu xảy ra là người vợ lớn biết chuyện đã có tấm lòng quá cao thượng hết lòng lo toan đùm bọc cho 2 mẹ con từng “cướp” chồng mình! Đem cả 2 mẹ con về nhà cho nhìn cha, nhìn anh em khác mẹ, đặt tên lại theo họ của bố, sẵn sàng gánh phần chăm sóc con vợ lẻ như con mình…
865 – Lê Văn Ân
CỤT 2 TAY KHAI HOANG ĐỒI NÚI
Nông dân sinh 1966 tại Quảng Bình. Sống ở Quảng Bình (2008).
Năm 1974 nhập ngũ vào miền Nam đánh Mỹ rồi sau đó chuyển qua chiến trường Campuchia.
Năm 1978 đơn vị bị phục kích rơi vào một bãi mình, bản thân trúng mìn nổ làm cụt cả 2 cánh tay lên tới khuỷu, mù một mắt.
Sau 5 năm nằm viện mới được xuất viện về quê thương binh 1/4.
Mang thân phận người tàn tật không biết làm gì chỉ quanh quẩn nằm dài ở nhà hoài sinh chán nghĩ quẫn có lúc định tự tử chết cho xong đời. May mà cuối cùng vượt qua được khủng hoảng, quyết ngồi dậy tính chuyện làm lại cuộc đời từ đầu.
Nhưng làm gì ở vùng quê nghèo mà mình lại không học hành, không nghề nghiệp chuyên môn nào? Nhìn ra trước mắt chỉ có một vùng đồi núi rừng rậm hoang vu trải dài bát ngát từ đó thấy chỉ còn một con đường duy nhất: Phải tìm cách khai hoang nó làm vườn làm rẫy vừa có việc làm qua ngày xua đuổi nhưng tư tưởng bi quan vừa có thể góp phần kiếm sống được.
Thế là xắn tay vào làm bắt đầu từ năm 1995, nói đúng hơn là xắn 2… cùi tay vào làm! Bằng cách xé quần áo cũ ra làm vải buộc cán cuốc, xà beng vào 2 khuỷu tay để cuốc đất, đốn cây khai quang khu đồi hoang trước nhà.
Cứ thế lao động vất vả cật lực cả ngày lẫn đêm tới mức 2 cùi tay sưng tấy vỡ máu rồi… chai lì ra, quần áo cũ không còn để xé cột dụng cụ vào cùi tay, hàng xóm thấy tội nghiệp phải vơ vét trong nhà đem “viện trợ” cho.
Quần quật 3 năm như thế cũng thành sự nghiệp khai quang được 2 hecta trồng cao su. Thừa thắng xông lên, tiếp tục đào ao thả cá, đốn cây làm chuồng nuôi heo, trồng thêm cây ăn trái…
Năm 2005 bắt đầu thu hoạch cao su cộng thêm với nhãn, vải thiều, chăn nuôi gia súc đem lại lợi nhuận khá.
Bản thân còn được đền bù phần thưởng trong đời sống riêng được một thiếu nữ nhỏ hơn 12 tuổi đem lòng thương yêu thật tình từ khi người thuơng binh mới chống gậy trở về kết thành chồng vợ. Bây giờ đã là một ông chủ trang trại “không giống ai” có vợ 3 con đàng hoàng.
866 - Lê Văn Bình
SINH 9 CON VẪN KHÔNG NGƯỜI NỐI DÕI
Lao động nghèo sinh tại Thái Bình. Sống ở Thái Bình (2011).
Cựu chiến binh chiến đấu ở miền Nam.
Hòa bình rồi, ra quân trở về quê hương làm nghề tự do rồi lấy vợ.
Nhưng sinh được 9 con đều dính CĐDC nên 5 cháu đã mất sớm, còn lại 3 gái và một con trai út còn nhỏ. Tất cả đều mắc đủ thứ bệnh mà trí óc lại chậm phát triển, riêng con trai út lại nặng nhất mọi việc ăn uống, vệ sinh đều phải nhờ bố mẹ và các chị lo cho.
Bản thân bố phải đạp xích lô kiếm sống, mẹ làm nghề buôn đồng nát được đồng nào hay đồng nấy.Chỉ mong nuôi được cháu trai làm con nối dõi.
Nhưng chút hy vọng nhỏ nhoi đó rốt cuộc cũng không thành khi năm 2010 cháu cũng trở bệnh nặng vô phương cứu chữa đã ra đi theo chân các anh chị đi trước…
867 – Lê Văn Cam
TÌM 15.000 THÂN NHÂN LIỆT SĨ
Nông dân sinh 1937 tại Thái Bình. Sống ở Thái Bình (2008).
Năm 1959 vào bộ đội làm lính thông tin đóng ở Hải Phòng đến năm 1962 được xuất ngũ lên Lai Châu làm công nhân viên.
Năm 1967 được gọi tái ngũ chuyển qua mặt trận Lào, đến năm 1969 do sức khỏe kém nên lại được cho về quê.
Sau hòa bình, năm 1978 xin đi làm công nhân quốc phòng ở Đắc Lắc. Đến 1981 lại về quê làm ruộng mà không được hưởng lương hưu gì cả do thời gian công tác (kể cả ở bộ đội) qua nhiều đơn vị không đủ thời gian để làm chế độ.
Vì thế ở quê 2 vợ chồng sinh được 4 con làm lụng đầu tắt mặt tối vẫn không đủ ăn. Xã phải đưa vào diện hộ nghèo cần giúp đỡ.
Vậy nhưng lòng vẫn không yên vì còn mắc một mối nợ ân tình với một liệt sĩ đồng đội cũ thời chinh chiến trên đất Lào mà mình từng chôn cất với lời hứa sau này sẽ đi tìm mộ phần lưu lạc nơi đâu để báo cho gia đình biết.
Mãi đến năm 1995 khi con cái đã lớn tự lo được rồi mới quyết tâm lên đường đi tìm mộ bạn ở nghĩa trang thuộc tỉnh Nghệ An nhưng không có. Qua năm 1997 mới tìm được mộ quy tập về nghĩa trang ở Thanh Hóa, từ đó viết thư về báo cho thân nhân liệt sĩ được biết.
Nhưng từ 2 chuyến đi thực địa 2 nghĩa trang trên bản thân mới ghi nhận một sự thật là có rất nhiều mộ liệt sĩ tuy trên bia có ghi rõ địa chỉ, quê quán song hình như gia đình vẫn chưa biết nên mộ thường xuyên rơi vào cảnh cô quạnh không ai thăm viếng hương khói. Từ đó về nhà mới nảy sinh ý nghĩ ghi lại tất cả số địa chỉ trên rồi viết thư thông báo cho cho gia đình liệt sĩ biết mà đi thăm.
Không chỉ số địa chỉ ở 2 nghĩa trang trên mà có tham vọng từ nhiều, càng nhiều càng tốt vô số nghĩa trang liệt sĩ khác trên đất nước từ nam chí bắc. Bởi vậy đã cất công tìm đến các nghĩa trang đó chỉ nhằm mục đích ghi chép địa chỉ mộ liệt sĩ mà gia đình chưa hay biết để làm nhiệm vụ là người đưa tin mà thôi.
Cứ như thế vào nam ra bắc từ nơi xa nhất Phú Quốc đến vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Không chỉ tốn công sức mà nhiều khi còn bị các quản trang nghi ngờ làm chuyện dính líu “bí mật quốc gia” (bởi bản thân không phải thuộc gia đình liệt sĩ) nên đuổi cổ ra khỏi nghĩa trang, còn tịch thu cả giấy tờ ghi chép và dọa kêu công an bắt! Tới mức có lần phải đợi ban đêm lén trèo tường đột nhập nghĩa trang!
Có địa chỉ rồi thì về nhà còn phải tra cứu tài liệu xem địa chỉ đó nay còn không sau thời gian qua nhiều địa phương thay đổi nhập lại hoặc chia ra thành ra khác rồi từ cấp tỉnh đến cấp xã. Kết hợp với đọc báo, nghe đài chắp nối thông tin rồi tổng hợp gần đúng mới gửi đi.
Đã vậy, gia cảnh nghèo phải chắt bóp từng đồng lấy làm lộ phí đi đường, đi xa phải đi xe đò nhưng vác cả xe đạp theo để đến nơi đỡ tốn tiền thuê xe ngoài. Luôn mang theo ba lô như thời bộ đội chứa đủ lương thực thực phẩm lẫn mùng mền để gặp đâu ăn đó ngủ đó chứ tiền đâu mà vào nhà trọ hay khách sạn. Cả tiền mua tem dán thư gửi báo tin khi hết nhẵn đành phải gửi thư không dán bì để bưu điện cho phép gửi giùm miễn phí (nhưng phải chia ra nhiều bưu cục khắp các huyện chứ gửi thư kiểu này tại một bưu cục nhiều quá đâu có được!). Ở nhà không đủ giấy để ghi chép phải lấy tờ lịch hoặc bao thư cũ lật mặt sau mà viết.
Vậy mà trong hơn 13 năm qua đã gửi đến trên 15.000 lá thư báo tin như thế đến địa chỉ thân nhân liệt sĩ, tất cả dựa trên hồ sơ tập hợp danh sách 23.000 liệt sĩ thu thập từ nhiều nghĩa trang được chép trong hơn 100 tập vở. Từ đó đã có hơn 7.000 lá thư hồi âm với lời cảm tạ đẫm nước mắt chân thành từ người thân của liệt sĩ.
Và dần dà cũng có nhiều người thông cảm chia sẻ công việc ít thì mua tem giùm cho, nhiều thì tặng cả máy ảnh, ĐTDĐ, máy vi tính làm phương tiện “hành nghề” cũng đỡ đần được đôi chút.
Bây giờ thì người đã bị gán cho là kẻ tâm thần “vác tù và hàng tổng” có thể tự hào sửa lại là người “vác tù và liệt sĩ”!
868 – Lê Văn Duyên
LƯU LẠC CAMPUCHIA
Thầy thuốc dân tộc sinh 1938 tại Campuchia. Sống ở An Giang (2010).
Cha từng đi theo cách mạng kháng chiến chống Mỹ ở miền tây Nam bộ bị chế độ cũ bố ráp mất liên lạc với cơ sở nên phải đem cả gia đình chạy qua trốn trong vùng rừng núi ở tỉnh Tà keo thuộc Campuchia nằm sát biên giới Thái Lan.
Ơ nơi khỉ ho cò gáy này cả nhà chỉ biết làm nghề đốn củi đem ra chợ bán kiếm sống qua ngày trong thời buổi chiến tranh loạn lạc.
Nhưng cũng không yên lại gặp họa Pôn Pốt lần thứ nhất (trước 1975, lúc này bọn chúng còn là lực lượng “cách mạng” nổi dậy chống chính quyền Lon Nol theo Mỹ) “cáp duồng” tìm dân Việt tàn sát nên bản thân mình phải xuống tóc vào chùa Campuchia giả dạng sư sãi Campuchia tu hành để trốn tránh chúng.
Khi hết nạn “cáp duồng” mới hoàn tục trở về đời sống thường tìm nghề sinh sống thì tình cờ gặp được một người dân tộc truyền cho nghề “thầy rắn” chuyên chữa bệnh rắn cắn kể cả rắn cực độc. Từ đó trở thành thầy lang trị bệnh cho cả người Việt lẫn Camuchia.
Tưởng đã ổn định cuộc sống rồi thì sau 1975 lại xảy ra nạn Pôn Pốt lần thứ hai (bây giờ đã nắm quyền cai trị Campuchia) một đêm nọ bắt cả nhà mình giết hết chỉ sót lại mình may mà chạy thoát. Sau đó được quân đội VN tiến qua Campuchia đánh tan bọn Pôn Pốt giải thoát đưa về cố hương định cư tại An Giang sống cùng trong phum sóc với người Khmer.
Từ đó tiếp tục nghề thầy lang trị rắn cắn tình nguyện một đời làm việc thiện giúp người như để trả ơn đời đã mấy lần cứu sống mình, nổi danh là thầy Tư Tà Ngáo lấy theo tên sóc Tà Ngáo nơi đây.
869 - Lê Văn Hảo
“CHỦ TỊCH MẬU THÂN” Ở HUẾ
Nhà dân tộc học sinh 1936 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở Pháp (2011).
Tín đồ Thiên Chúa giáo nên theo học trường dòng ở Huế rồi được đi du học Pháp ngành dân tộc học. Tốt nghiệp trở về Huế dạy đại học (và ĐH Đà Lạt, Sài Gòn).
Anh hưởng xu hướng thiên tả từ Pháp rồi về ĐH Huế thời này có nhiều trí thức thân Cộng (nhóm Tôn Thất Dương Tiềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường…) nên từ đó được vận động lôi kéo thành ra có cảm tình với cộng sản thông qua lực lượng Mặt trận giải phóng miền Nam.
Vì thế khi xảy ra cuộc chiến Mậu Thân 1968 tại Huế đã được đưa lên làm Chủ tịch Lực lượng Liên minh Dân chủ Hòa bình Huế, tổ chức nhân danh trí thức và quần chúng Huế “nổi dậy” chống Mỹ – Ngụy nhưng thực chất do cộng sản dựng nên làm bình phong.
Sau đó khi quân đội VNCH chiếm lại Huế, bản thân được đưa ra Hà Nội đóng vai trò nhân sĩ trí thức miền Nam theo cách mạng. Được cho học tập, đào tạo về lý thuyết cộng sản nhưng bấy giờ đã sớm nhận ra sự thật chủ nghĩa cộng sản không như mình tưởng – không phải là kiểu chủ nghĩa xã hội cánh tả ở Pháp dành cho giới trí thức ảo tưởng – song đã lỡ “chung xuồng” rồi nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt!
Sau khi cộng sản toàn thắng 1975, trở về Huế được phong chức “bù nhìn” Phó Chủ tịch UB Mặt Trận Tổ quốc tỉnh Bình Trị Thiên và trở về dạy đại học chấp nhận “ẩn thân” qua ngày.
Mãi đến năm 1989 mới nhờ bạn bè ở Pháp vận động xin cho qua dạy đại học Pháp để đem vợ và 2 con qua theo rồi… ở lại luôn! Xem như từ giã cộng sản không kèn không trống!
Tại Pháp một thời gian sau được nhận vào làm một chân nhân viên ở Bảo tàng Louvre tại Thủ đô Paris.
Sau khi về hưu, thỉnh thoảng có xuất hiện tham gia một số hoạt động đấu tranh đòi tự do dân chủ cho VN. Năm 2000 gia nhập nhóm Tập hợp Dân chủ Đa nguyên của Nguyễn Gia Kiểng ở Pháp (còn gọi nhóm “Thông luận” tên tạp chí trên mạng), tổ chức chính trị có quan điểm chống Cộng ôn hòa hướng tới hoà giải dân tộc dân chủ.
870 - Lê Văn Hữu
HCV SEA GAMES CHO CỰU TRƯỞNG CÔNG AN
Công an về hưu sinh 1936 tại Kiên Giang. Sống ở Kiên Giang (2007).
Là công an chiến đấu thời đánh Mỹ nên sau 1975 làm trưởng công an huyện Gò Quao ở quê nhà Kiên Giang.
Làm việc nghiêm túc, gần gũi quần chúng, tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhất là hoạt động thể thao do tánh “ham vui, chịu chơi” nên được bà con quý mến quen gọi là chú “Sáu Hữu”.
Năm 1989 về hưu sớm do là thương binh 3/4 nên bị phát tác bệnh tật thời chiến tranh
Con cái đã trưởng thành hết (có đến… 10 con) nên lo không việc làm dễ sinh bệnh thêm, vì vậy nhắm tìm vui qua hoạt động thể thao tiếp tục. Thời tại chức thường tham gia môn đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ xứ này vốn nhiều kênh rạch. Từ đó mới nảy ra ý bây giờ có thời gian rảnh cần tiếp tục tìm cách phát triển môn này vừa giúp mình giữ gìn sức khỏe vừa tạo không khí vui chơi lành mạnh trong thôn xóm.
Thế là bỏ công sức toàn tâm toàn ý nâng cấp môn đua ghe ngo trong xã bằng cách tự tìm sạch vở, tài liệu tự học về chuyên môn huấn luyện đua thuyền như thế nào để bắt chước áp dụng vào đua ghe ngo. Nhờ đó đưa đội đua ghe ngo nữ của xã tiến tới giành chức vô địch toàn tỉnh rồi vô địch cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tức thì bản thân được mọi người nhất trí tự phong cho là “huấn luyện viên” chưa bao giờ qua trường lớp nào!
Đến SEA Games 22 năm 2003 tổ chức tại VN, lần đầu tiên VN dự môn đua ghe truyền thống. Thế là đua ghe ngo được ghép vào dự (đại thể nội dung 2 môn giống nhau thôi) với đại diện là đội ghe nữ của Kiên Giang đương kim vô địch quốc gia dưới quyền dẫn dắt của HLV “tự phát” Sáu Hữu kiêm thông dịch viên tiếng Khmer (23/24 thành viên là Khmer). Cũng là HLV lớn tuổi nhất 72 tuổi trong Đoàn VN dự đại hội.
Kết quả đoạt ngay HCV đầu tiên cho VN môn này, sau đó tiếp tục dẫn đội qua Thái Lan dự SEA Games 24 giành HCB.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét