CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2011 (KỲ 93)



NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ



931 – Ngô Thụy Miên
VƯỢT BIÊN CHO TRỌN CUỘC TÌNH
Nhạc sĩ Việt kiều Mỹ tên thật Ngô Quang Bình sinh 1948 tại Hải Phòng. Sống ở Mỹ (2011).
Di cư 1954 vào Nam, học ĐH Khoa học Sài Gòn đồng thời với trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn.
Trong thời gian theo học nhạc có một cuộc tình đẹp với một bạn cùng trường con một diễn viên điện ảnh. Từ đó có cảm hứng bắt tay sáng tác nhạc với bài “Chiều nay không có em” 1963. Sau đó là một loạt ca khúc trữ tình trong đó nhiều bài phổ thơ Nguyên Sa thành công như “Áo lụa Hà Đông”, “Paris có gì lạ không em?”, “Niệm khúc cuối”…

Sau khi tốt nghiệp đại học ra làm nhân viên không lưu sân bay Tân Sơn Nhất. Lập ban nhạc trình diễn đài phát thanh.

Chuẩn bị làm đám cưới với người yêu trường nhạc thì xảy ra biến cố 30.4.1975 khiến người yêu theo gia đình di tản qua Mỹ bỏ lại mình kẹt ở Sài Gòn. Buồn nhớ tình xưa mới làm bài tưởng niệm “Em còn nhớ mùa xuân”.

Năm 1978 quyết định vượt biên để tìm người yêu. May mắn cập bến Malaysia rồi được nhận vào Canada.

Biết tin, người yêu vội từ Mỹ bay qua tái hợp. Năm 1979 hôn lễ mới chính thức cử hành rồi theo vợ chuyển qua định cư Mỹ.

Đi học làm chuyên viên vi tính làm việc tại Thủ đô Washington.

Và tiếp tục viết nhạc nay càng thêm cảm hứng hạnh phúc cuộc đời tình yêu cứu chuộc được trải qua bao gian nan trắc trở vạn dặm sơn khê, sáng tác hơn 50 ca khúc nữa (“Mưa trên cuộc tình tôi”, “Riêng một góc trời”…) như một lời cảm tạ cuộc đời ban cho cuộc tình trọn vẹn: “Tôi không viết nhạc để sống mà sống để viết nhạc”.


932 – Ngô Vũ Dao Ánh
“TÌNH CHỊ DUYÊN EM” VỚI TRỊNH CÔNG SƠN
Công chức Việt kiều Mỹ về hưu sinh 1948 tại Huế. Sống ở Mỹ (2011).

Là em gái của “Diễm xưa” (Ngô Vũ Bích Diễm, nay ở Mỹ) mối tình đầu thời trẻ ở Huế của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Nhưng mối tình với “Diễm xưa” vì nhiều lý do khách quan không được đáp lại như mong mỏi nên sau khi Diễm vào Sài Gòn học, họ Trịnh quay qua cô em như một cách “tìm quên”. Và được cô em chấp nhận trong thời gian nhạc sĩ đi dạy học ở Blao (Lâm Đồng) những năm 1964-1967.

Đó là nguồn cảm hứng làm nên một số ca khúc tuy không nêu tên rõ như “Diễm xưa” song đều phảng phất bóng dáng cô em như “”Tuổi đá buồn”, “Phúc âm buồn”, Lời buồn thánh”, “Như cánh vạc bay”, “Mưa hồng”…

Sau đó nhạc sĩ về Sài Gòn bắt đầu tạo lập sự nghiệp âm nhạc thì đôi bên xem như chia tay.

Đến 30.4.75 người em đi Mỹ lấy chồng. Nhạc sĩ vẫn ở lại Sài Gòn mới hoài nhớ bóng dáng xưa “Em đi để lại con đường”.

Qua những năm 1980 đôi bên mới nối lại liên lạc. Nhưng mãi đến năm 1993 người xưa mới trở về tái ngộ trong cảnh khá bẽ bàng riêng mình đã sang ngang. Có lẽ vì vậy mà sau đó qua lại Mỹ, người tình – em gái ấy đã ly dị chồng để từ đó được rảnh rang hơn tìm đường về thăm kỷ niệm.

Một tháng trước khi Trịnh qua đời, “người ấy” đã có mặt suốt ngày ngồi đó nhìn anh thở hơi thời gian tàn tạ, lắng nghe “Xin trả nợ người” gần như là bài hát “móc cả ruột gan” cuối cùng anh gửi đến mối tình thủa em còn là cô nữ sinh Đồng Khánh.

Đầu năm 2011 đã cho công bố hơn 300 bức thư tình Trịnh gửi cho mình ngày xưa, in thành một cuốn “Thư tình gửi một người”.


933 – Nguyễn Bá Cẩn
THỦ TƯỚNG CUỐI CÙNG
Chuyên viên máy tính Việt kiều Mỹ sinh 1930 tại Cần Thơ – Mất năm 2009 ở Mỹ (80 tuổi).

Từng đi lính sĩ quan VNCH rồi giải ngũ làm công chức chính quyền tới chức quận trưởng, phó tỉnh trưởng. Sau đó ra ứng cử đắc cử dân biểu Quốc hội được bầu làm Phó Chủ tịch Hạ viện.

Vốn là người bản tính hiền lành, sống đạo đức thanh bạch không nghiêng về phe phái nào rõ rệt nên đầu tháng 4.1975 trong cơn khủng hoảng chính trị nội bộ chính quyền Sài Gòn đã được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mời giữ chức thủ tướng thay tướng Trần Thiện Khiêm “hết vai trò” rồi.

Nhưng nhậm chức chưa được ba tuần lễ chưa làm được gì thì cộng sản tiến vào Sài Gòn buộc bản thân phải di tản gấp rút qua Mỹ, vợ và con gái ở lại sau mới qua theo đường Paris, Pháp.

Trên đất Mỹ ban đầu mở trạm bán xăng song được ba tháng không quen nghề lỗ vốn đành chuyển qua đi học đại học ngành công nghệ cao dù lúc đó đã 46 tuổi.

Tốt nghiệp năm 1979 ra làm chuyên viên lập trình máy tính. Đến 1998 về hưu.

Dù là cựu thủ tướng cuối cùng của chế độ VNCH song hầu như ít tham gia hoạt động chính trị hải ngoại, chỉ có viết hồi ký nhằm mục đích “nói về sự thật mà thôi” chứ “không tấn công chê trách ai cả, không thành kiến với ai cả”.

Với tâm hồn nay đã nhẹ gánh của một người công chức mẫn cán chấp nhận an phận thủ thường sau cơn bão tố lịch sử, không vướng bận danh vọng gì nữa: “Tổng kết cuộc đời, tôi đã làm việc 30 năm cho VNCH và 20 năm cho đại tư bản Hoa Kỳ. Suốt 50 năm không nghỉ ngơi! Mỗi ngày tôi phải lái xe trên 100 dặm đi làm, về nhà thì giặt giũ, phụ giúp việc nội trợ, vệ sinh… Tôi làm mọi việc mà vẫn thấy yêu đời, yêu cuộc sống bởi lương tâm tôi thanh thản vì đã phụng sự Tổ quốc mà chưa hề làm gì tổn hại cho Tổ quốc và đồng bào.”

Duy chỉ có một nỗi đau đời riêng thầm lặng không nói ra là có thời gian khi người con gái bị tai nạn giao thông chết đã buồn khóc đến gần mù mắt, sau nghe lời khuyên mới đi hành hương đến tượng đài Đức Mẹ tại TP Lourdes ở Pháp cầu nguyện xin cho khỏi bệnh. Trở về quả là bệnh có thuyên giảm thật nên mới bỏ đạo Phật cải qua đạo Thiên Chúa.


934 – Nguyễn Bạt Tụy

NHÀ VĂN HÓA CÔ ĐƠN TRƯỚC THỜI CUỘC
Học giả sinh 1920 tại Hà Nội – Mất 2007 ở Đà Lạt (88 tuổi).

Di cư 1954 vào miền Nam, chọn Đà Lạt làm nơi đóng đô suốt đời để một mình cặm cụi làm công việc nghiên cứu dân tộc học và ngôn ngữ học VN dựa vào kiến thức tự học là chính. Nhưng vào thời đó đây được xem là 2 ngành khoa học xã hội – nhân văn mới mẻ mà lại thuộc loại “khó nhằn”.

Dù vậy vẫn thầm lặng say mê bám trụ làm một cách hết sức nghiêm túc, công phu bằng vô vàn chuyến đi điền dã đến vùng các dân tộc thiểu số vùng này (đồng bào dân tộc trên cao nguyên, người Chăm), thâm nhập quan sát, tìm hiểu, tìm tài liệu rồi về bắt tay soạn thảo nhiều công trình vừa giá trị vừa hiếm có. Hoàn toàn tự thân xoay xở để làm chứ không được ai hay cơ quan nào giúp đỡ, tài trợ.

Tuy nhiên những công trình trên không được công bố rộng rãi có lẽ một phần do tính khoa học quá cao mà bản thân mình lại không thuộc giới hàn lâm, không xuất thân từ các đại học trong nước. Chỉ in thành sách cuốn “Ngôn ngữ học VN” 1959, còn lại một số ít bài viết công bố rải rác trên tạp chí ở Sài Gòn hay gửi qua Trường Viễn Đông Bác Cổ ở Pháp.

Công việc đang dở dang thì xảy ra biến cố 30.4.1975. Không khí chính trị thời điểm này buộc bản thân phải ngưng các cuộc đi điền dã đến vùng xa vùng sâu dân tộc thiểu số đương nhiên bị cấm vì lý do trật tự trị an thời Hậu – VNCH.

Bức xúc quá nên dù không quan tâm gì đến chuyện thời cuộc, chính trị – bản thân không dính líu hưởng ơn mưa móc gì của chế độ cũ, cũng không chống Cộng – ngay tháng 7.1975 vẫn viết một lá thư gửi lãnh đạo Tố Hữu phụ trách văn hóa – tư tưởng lúc đó xin cấp cho một giấy phép được đi đây đi đó tác nghiệp dân tộc học và ngôn ngữ học VN. Kèm theo là 12 trang đánh máy kê khai danh sách những công trình đó đã và đang làm.

Nhưng không hề nhận được hồi âm. Dễ hiểu thôi, vào thời đó ai mà để ý tới chuyện nghiên cứu những đề tài thuộc loại bác học “trên trời” mơ hồ phi thực tế như thế. Chưa kể tác giả lại là dân di cư sống trong lòng chế độ cũ mà không có quan hệ gì với Cách mạng cả (có một người em ở miền Bắc là một dịch giả tiểu thuyết Nga nổi tiếng, đã mất 2007).

Thế là đành bó tay bó chân một chỗ gom bao tư liệu đã thu thập được để tiếp tục nghiên cứu và biên soạn trong hoàn cảnh vẫn đơn thân độc mã làm khoa học không vợ con hay người thân bên cạnh. May mà được phép mở lớp dạy ngoại ngữ tại nhà lấy đó làm kế sinh nhai qua ngày.

Cứ thế kéo dài đến hơn 30 năm tới khi qua đời cô độc, đám tang do học trò lo liệu.

Để lại một sự nghiệp chuyên môn cao cấp đồ sộ gồm những công trình dân tộc học và ngôn ngữ học VN quy mô tầm cỡ mà từ đó đến cả bây giờ vẫn không ai được biết: Về bản thảo là 2 tác phẩm về dân tộc học dày 500 trang đánh máy, 4 tác phẩm về ngôn ngữ học trong đó có cuốn quan trọng “Ngữ âm học VN”; về tài liệu gồm khoảng 15.000 tấm phim đen trắng, gần 4.000 tấm phim màu, hơn 5.000 phim đèn chiếu, vô số băng ghi âm, phiếu tư liệu…

Tất cả đều được tác giả bảo quản trong nhiều “tủ sắt” nhỏ cực tốt cũng là dấu ấn ghi lại một thời khói lửa loạn lạc chính là những… thùng (chứa) đạn Mỹ!

935 - Nguyễn Bắc Ngọc
17 NĂM TRỞ VỀ… LÃNH ÁN TÙ!
Doanh nhân Việt kiều Úc sinh 1950 tại Phú Thọ. Sống ở Úc nhưng đang bị tù ở VN (2004).
Sĩ quan bộ đội sau 75 xuất ngũ về quê sinh sống lỡ phạm tội giết người bị bắt lãnh án 20 năm tù năm 1987.

Tìm cách vượt ngục trốn thoát rồi tìm đường vượt biên qua Úc làm ăn khá thành công, vào quốc tịch Úc đàng hoàng.

Nhưng mãi 17 năm sau một phần vì lòng nhớ quê và phần khác tưởng rằng tội trạng xưa đã rơi vào… quên lãng nên năm 2004 lên đường về thăm cố quốc. Ai ngờ tội ấy vẫn còn bị người khác ghi nhớ nên phát hiện bắt lại tiếp tục thụ án cũ cho hết thời hạn!

936 – Nguyễn Cao Thăng
OPV MỘT THỜI VÀ BÂY GIỜ
Dược sĩ sinh tại Thừa Thiên – Huế - Mất 1975 ở Sài Gòn.
Dân Công giáo nhưng đã tham gia kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Quảng Trị – Thừa Thiên.
Năm 1951 bỏ chiến khu về Huế mở nhà thuốc Tây gần cầu Tràng Tiền.

Do bên nhà vợ có bà con xa với gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm nên được chế độ Diệm ưu ái đưa ra ứng cử dân biểu. Đồng thời thành lập Công ty Dược phẩm OPV rất thành công trên thị trường, trở thành một trong những doanh nhân giàu nhất VNCH.

Đến chế độ Nguyễn Văn Thiệu vẫn giữ được vị trí làm kinh tài – chính trị cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, còn làm trợ lý liên lạc với Quốc hội. Một bà vợ cũng đắc cử dân biểu thời NV Thiệu.

Nhưng bên cạnh đó cũng mang tai tiếng dựa thế tổng thống để trốn thuế. Lại có giả thuyết nghi ngờ bản thân vẫn dính líu đường dây “tình báo nằm vùng” cho cộng sản, thậm chí còn ngầm tổ chức bán thuốc Tây cho… Việt Cộng!

Đầu năm 1975 đi Pháp công tác rồi mắc bệnh đột tử ngay trên chuyến bay trở về Sài Gòn.

Đến biến cố 30.4.1975 vợ con sớm di tản ra nước ngoài (chú ý có rất nhiều vợ, khoảng 6 vợ trong đó có 2 cặp… chị em ruột!).

Nhưng giữa những năm 1980 hai người vợ đã trở về VN khá sớm ngay khi VN mới bắt đầu Đổi Mới để tái lập thương hiệu OPV cũng đạt thành quả tốt đến bây giờ. Được Nhà nước biểu dương, tặng huân chương lao động.

937 -
Nguyễn Công Phương
THƯƠNG PHẾ BINH RA ĐIỀU TRẦN QUỐC HỘI MỸ
Thương phế binh VNCH sinh 1942 tại Quảng Nam. Sống ở Quảng Nam (2010).
Lính VNCH năm 1974 đạp phải mìn bị cụt chân.
Sau 1975 không còn chế độ thương phế binh chế độ cũ khiến phải bò lê lết trên đường ăn xin thê thảm.

Năm 1992 may mắn được đại diện Hội Cứu trợ người tàn tật VN (ở Mỹ) gặp tại bến xe mới cấp cho một chiếc xe lăn đổi qua nghề bán vé số cho đỡ hơn. Rồi được tìm cho việc làm thêm gác cổng một xưởng làm nước đá đỡ đần cho vợ nuôi 2 con.

Vậy mà có lúc cũng bị địa phương tìm cách o ép bắt nộp tiền phạt vì không … “đăng ký” xe lăn hợp pháp!

Năm 2009 được đại diện hội đưa qua Mỹ ra làm nhân chứng trong buổi điều trần trước Ủy ban của Quốc hội Mỹ về tình trạng thương phế binh VNCH khốn khổ mất trợ cấp của chế độ cũ đang rất cần được giúp đỡ.

938 – Nguyễn Duy Xuân
VIỆN TRƯỞNG ĐẠI HỌC CHẾT CẢI TẠO
Giáo sư đại học sinh 1925 tại Cần Thơ – Mất 1986 tại Hà Nam Ninh (62 tuổi).
Du học Pháp, Anh, Mỹ tốt nghiệp tiến sĩ về miền Nam năm 1963.

Ban đầu dạy ĐH Luật, Học viện Quốc gia hành chánh, từ đó dần trở thành nhà trí thức khoa bảng làm quan chức lớn chế độ Sài Gòn giữ nhiều trọng trách như tổng giám đốc thông tấn xã, viện trưởng đại học, bộ trưởng, tổng giám đốc ngân hàng, cố vấn cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu…

Đặc biệt được xem là người góp công nâng cấp thành lập ĐH Cần Thơ năm 1966 rồi trực tiếp làm viện trưởng 1972 đến ngày giải phóng.

Đến ngày giải phóng đó đã tự nguyện không đi di tản nhưng vẫn phải đi cải tạo dài ngày hơn 10 năm tận ngài miền Bắc xa xôi rét mướt do bị đánh giá là quan chức lớn của chế độ cũ. Và rồi tuổi già sức yếu mòn mỏi đã khiến không qua khỏi bệnh tật qua đời trong trại cải tạo.

GS Phạm Hoàng Hộ nhà khoa học nổi tiếng cũng chấp nhận ở lại (nay đã ra nước ngoài) đã trang trọng đề tặng công trình lớn “Cây cỏ miền Nam” của mình cho người bạn thân “người đã chết trong tù vì tháng 4.1975 đã quyết định ở lại để tiếp tục đóng góp cho đất nước”.

Đáng tiếc thiện chí “đóng góp” đã không được tiếp nhận hay tiếp nhận một cách phũ phàng tàn nhẫn đối với một nhà trí thức kỳ cựu.

Sau khi mất, vợ đã tìm đường đưa 2 con gái qua Pháp.

939 – Nguyễn Đạm Phong
NẠN NHÂN CỦA “DIỆT CỘNG HƯNG QUỐC ĐẢNG”
Nhà báo Việt kiều Mỹ sinh 1934 tại VN – Mất 1982 ở Mỹ (49 tuổi).
Năm 1975 di tản đến Mỹ làm chủ nhiệm tuần báo tiếng Việt “Tự do” lớn nhất Houston thuộc bang Texas.

Năm 1982 đã cho đăng một loạt bài tố cáo hoạt động gây quỹ mờ ám của một số tổ chức chống Cộng nên nhận được nhiều lời đe dọa sát hại. Vẫn bất chấp tất cả nên trong một lần lái xe về tới nhà thì bị bắn chết tại chỗ.

Sau đó tổ chức “Diệt Cộng hưng quốc đảng” (VOECRN) tự nhận mình là thủ phạm song cảnh sát Mỹ vẫn không điều tra ra tông tích (hoặc có thể chỉ điều tra… qua loa do thời này chưa lập lại quan hệ bình thường với VN).

940 – Nguyễn Đan Quế
BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN CHẤP NHẬN Ở LẠI VÀO TÙ
Bác sĩ sinh 1942 tại Hà Nội. Sống ở TPHCM (2011).
Theo gia đình di cư 1954 vào Nam.
Du học Bỉ và Anh tốt nghiệp bác sĩ chuyên về bệnh ung thư. Về miền Nam làm Bệnh viện Chợ Rẫy và dạy ĐH Y khoa.

Sau 1975 vẫn tiếp tục hành nghề tại BV Chợ Rẫy.

Song song đó bắt đầu hoạt động chính trị chống chế độ cộng sản, đấu tranh cho tự do dân chủ và chế độ đa nguyên đa đảng. Bởi vậy năm 1978 bị bắt đi cải tạo 10 năm đến 1988.

Ra tù rồi vẫn tiếp tục con đường “bất đồng chính kiến” đối lập chế độ hiện hành bằng cách thành lập tổ chức “Cao trào nhân bản”. Vì thế năm 1990 bị bắt lần thứ hai ra tòa về tội “xâm phạm an ninh quốc gia” bị kết án 30 năm tù.

Tuy nhiên năm 1998 được các tổ chức nhân quyền nước ngoài vận động được giảm án trả tự do.

Dù vậy, về nhà lại chiến đấu tiếp tục chủ yếu viết tài liệu phản kháng chế độ gửi ra nước ngoài, nơi có một ông anh ở Mỹ tiếp sức. Thế là năm 2004 bị ra tòa xử thêm 30 tháng tù tội “âm mưu lật đổ chính quyền”.

Thụ án được 6 tháng thì lại được vận động ân xá.

Lúc đó Mỹ sẵn sàng nhận bảo lãnh qua Mỹ như nhiều trường hợp các nhân vật chống chế độ khác song lại từ chối, chấp nhận ở lại trong nước để tiếp tục sự nghiệp đấu tranh dũng cảm thay vì “bỏ chạy”! Với quan điểm đấu tranh tại chỗ mới có hiệu quả, tuy không thay đổi được chế độ song ít ra cũng làm chế độ từng bước chuyển biến tích cực hơn mà cụ thể là đổi mới cởi mở hơn để hội nhập với thế giới.

Quan điểm đấu tranh phi bạo lực kể trên (dường như có thay đổi uyển chuyển “nhẹ” hơn) được Đại sứ Mỹ ủng hộ, đến nhà thăm động viên, còn mời đến lãnh sự quán ở TPHCM dự lễ Quốc khánh Mỹ!

Đầu tháng 2.2011 lên mạng hô hào biểu tình bắt chước phong trào quần chúng biểu tình lật đổ chế độ khởi phát từ Ai Cập lan qua Trung Đông và Bắc Phi nên lại bị bắt lần thứ tư. Nhưng lần này chỉ vài ngày thì cho về với lý do già yếu bệnh tật (cao huyết áp và đau bao tử).

(Còn tiếp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét