Người đi tìm hồn
Lần nào về quê nhà, tôi vẫn cảm giác mình là người có lỗi. Mặc cảm ấy như tăng hơn khi một trong những người bạn thân nhất từ thuở thiếu thời là Lê Xuân Tiến đi vào cõi vĩnh hằng (18-7-2012). Từ thuở tập tễnh lập “Thi văn đoàn”, tôi đã gọi bạn là một “Nhà văn”.
Đường từ huyện lỵ Tuy Phước đến mé biển Tân Thanh quê tôi có 2 dấu ấn danh nhân là mộ ông tổ nghệ thuật hát tuồng Đào Tấn ở chân núi Huỳnh Mai, và căn nhà nơi thi sĩ Xuân Diệu chào đời, ở thị tứ Gò Bồi. Giữa 2 điểm vùng núi Kỳ Sơn có 2 tảng đá lớn được người dân đặt tên theo âm vang gõ vào vang ra: đá Trống và đá Mõ. Lần trở lại đầu tiên sau mấy năm vào Sài Gòn bươn chải, núi Kỳ Sơn biến thành một công trường khoáng sản. Hai tảng đá quý đã bị chẻ thành vật liệu xây dựng. Tình trạng ấy cũng diễn ra tại núi Xương Cá ở xã Phước Thuận ven đầm Thị Nại giáp ranh, nơi sinh của Lê Xuân Tiến.
Ngậm ngùi
Những hòn đá Trống, Mõ, Xương Cá khá nổi tiếng, được thi sĩ Quách Tấn miêu tả khá kỹ trong cuốn Nước non Bình Định. Chúng cũng cảm hứng từ huyền thoại cho tôi viết nên trường ca Quảy đá qua đồng (1974). Thời cuộc đổi thay, vì thực dụng nên người ta đan tâm phá nát chúng. Tôi báo với Tiến về nỗi buồn qua chuyến trở về thăm quê đầu tiên này (1988). Lúc đó anh cũng trầm ngâm: mình phải vững, vì vẫn có những sự phá hủy lớn lao hơn: về tinh thần.
Đầu năm 2012, trong một truyện ngắn, LXT tự ngậm ngùi:
“Ở tuổi sáu mươi,tôi băt đâu nghĩ tơi thơi gian.Thơi gian là món quà mà thượng đế ban tặng cho con người nhưng là một món quà rất khắc nghiệt tùy theo cách của người dùng nó.Tuổi thiếu niên khi bắt đầu biết nhận thức,thời gian đi chậm quá.Từ hai mươi tới bốn mươi,hăng hái đi vào cuộc sống,có thành công có thất bại ,hình như tôi không biết có thời gian.Đến bốn mươi trở lên,thời gian hình như đi quá nhanh.Chả mấy chốc đã nghe " gió heo may lại về ",đầu tóc đã bắt đầu xuất hiện những sợi bạc.Những đứa trẻ hai mươi năm trước còn đang nói bập bẹ,giờ đã cao lớn trưởng thành gây ra sự ngỡ ngàng của những người sinh ra chúng.Hôm nào đó với tôi lại xuất hiện những lời lẩm bẩm " mới đây mà..."Hai mươi năm là khoảng thời gian không ngắn đối với con người nhưng với tôi lúc này chỉ như một cái chớp mắt…
Đôi lúc tôi tự nhìn lại mình để xem mình có hối tiếc đều gì trong hai phần ba cuộc đời đã trôi qua. Như một cái nhìn vào đáy giếng vào mùa khô ,ở đó khi nước cạn tôi sững sờ nhận ra những đồ vật mình vô tình đánh rơi ở đó.Những lỗi lầm mình đã vướng phải đã được khuất lấp theo thời gian.Tôi tự nhủ nếu còn thời gian mình sẽ phải làm lại nhưng chao ôi thời gian đâu còn nữa !”
(Lê Xuân Tiến, Thời gian - 2012
Tôi và LXT cùng chung một nhà trọ suốt những năm học đại học. Năm 1974, anh lấy bằng cử nhân lý hóa (MPC) và theo tiếp các chứng chỉ cao học. Sau 1975, tôi và Tiến hăm hở cầm các tấm bằng đại học về trường cũ Cường Đễ, nơi Nguyễn Mộng Giác từng làm hiệu trưởng, xin được đi dạy. Một người quen,vốn học cùng trường trước tôi một năm, đang là thành viên của Ban giám hiệu lâm thời tiếp chúng tôi. Y vẫn giữ nguyên thế ngồi gác hai chân trên bàn, không thèm lật hồ sơ chúng tôi trình, nhưng phán: các anh là tiểu tư sản, không đi học tập là may rồi, giờ đòi đi dạy ai ? Thấy không được, tôi quay về ngay Sài Gòn đi bán sách chợ trời. Riêng Tiến, có lẽ vì gánh nặng gia đình nên anh ở lại Quy Nhơn. Anh là con trai trưởng, ba đã mất nên cả đàn em chưa trưởng thành đều trông cậy nơi anh.
Trước 1975 LXT ký tên Lê Phiên Vươn, đã in một số truyện ngắn trên Khởi Hành, Văn. Người ta có thể đến với văn chương từ nhiều lý do. Nhiều người cầm bút từ một năng khiếu bẩm sinh. Vào cuộc chơi này, người cầm bút nếu theo đuổi lâu dài, coi văn chương là cái nghiệp sẽ xác định một xu hướng thể hiện. Tất nhiên không thể coi đó là cách nịnh hót để tiến thân. Định nghĩa về văn chương và mục đích của nó ngày càng thêm đa dạng và phức tạp. Gần đây, có người xem đó là cách tiếp cận đời sống xã hội. Ý kiến này có lẽ chỉ đúng đối với người đọc. Với người viết, “văn tức là người”, nên có lẽ còn là sự lựa chọn và biểu lộ thái độ sống, trong bất kỳ hoàn cảnh xã hội nào.
Tôi, Hồ Ngạc Ngữ, Nguyễn Lương Vỵ từ đầu dù đều cho rằng LXT là con người của lý trí, nhưng đều khẳng định đó là một nhà văn, theo nghĩa biết sống và ứng xử đúng để giữ bản chất mình trước mọi hoàn cảnh.
Không được nhận vào dạy ngang cấp 3, vì hoàn cảnh gia đình, anh chấp nhận vứt bỏ tấm bằng đai học ngành khoa học, nộp đơn vào nhập học trường Cao đẳng sư phẩm (chuyển từ trường quốc gia sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học cũ) để năm 1978 ra trường, đi dạy cấp 2 ở tận một một quê xa xôi thuộc huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi cũ và chắt bóp một ít tiền lương để phục giúp gia đình tại Quy Nhơn. Ở đó, anh yêu và cưới một cô giáo cùng huyện. Cuộc sống gia đình khá hạnh phúc. Ở nhà, các em anh cũng lần lượt học hành đến nơi đến chốn. Trước 1978, anh cũng có viết một số truyện ngắn gửi đăng trên báo “Văn nghệ giải phóng”, nhưng dần dần lại cũng tắt nguồn. Thời kinh tế “tem phiếu”, có khi giấc mộng văn chương phải đành gác bỏ. Nhưng anh vẫn đọc nhiều sách, báo để hiểu đúng về bối cảnh văn nghệ hiện thời. Có lần anh khuyên tôi ráng dành dụm, mở cho vợ một quầy hàng xén chuyên bán mắm, muối, đường, bột ngọt tại nhà để sống qua ngày. Bài học này xuất phát từ sự quan sát khá kỹ hồi mới lớn, từ tấm gương của những cửa hiệu hàng xén người Hoa ở đường phố trước nhà anh ở Quy Nhơn dưới đôi mắt của một người thích viết văn xuôi. Anh mê đọc Võ Phiến, Lê Tất Điều, Dương Nghiễm Mậu…, những nhà văn biết chẻ sợi tóc và tâm hồn làm ba bốn mảnh…
Không “Mê Đạo”
Thời thế xoay vần, LXT khi chuyển về Quy Nhơn làm báo từ năm 1983, đến 1990 lại đưa vợ con vào lập nghiệp ở Sài Gòn, vì thấy nghề báo ở đây phóng khoáng hơn. Và anh chọn đề tài thể thao, bóng đá để sự thể hiện được “vô tư”. LXT âm thầm viết văn trở lại, cuối cùng chọn ra cách viết những truyện lịch sử. Truyện ngắm “Mê đạo” anh viết năm 1991 được lấy thành tên cho tập truyện in đầu tay, có lẽ như để dễ gửi gắm lòng mình. Năm 2008 và 2010, theo hình thức “liên kết xuất bản”(tác giả tự bỏ tiền in, phát hành), 2 tập truyện ngắn Mê Đạo và Người đi tìm hồn đưọc in ra. Cả hai đều khai thác bối cảnh xã hội và tâm lý các nhân vật thời kỳ anh em nhà Tây Sơn dựng nghiệp. LXT là một nhà văn không ở trong hội đoàn, tên tuổi ít ai biết; sách phải tự ký gửi cho các công ty phát hành, nhưng mỗi tập sách đều được nhà phát hành quyết toán trên dưới 500 cuốn, một điều khá thú vị trong thời buổi văn chương bị xem như giẻ rách.
Hồ Ngạc Ngữ trong lời bát cho tập Mê Đạo đã nhìn văn và người LXT khá đúng:
Trong truyện ngắn của mình, Lê Xuân Tiến ghi nhận những xô bồ, phức tạp của cuộc đời và sự chìm nổi của thân phận con người, tình yêu đôi lứa với một thái độ tỉnh táo và với văn phong đôi khi lạnh lùng… Mạch ngầm trong truyện ngắn Lê Xuân Tiến là thông điệp hướng về chân - thiện - mỹ. Bản chất của con người và cuộc sống luôn tốt đẹp nhưng mỗi người “phải hiểu đạo mà sống chứ không mê đạo mà chết”!
(Hồ Ngạc Ngữ, Lời bạt tập truyện Mê Đạo 2008)
Tuổi càng nhiều, sức văn của LXT càng dồi dào. Anh viết nhiều tùy bút, truyện ngắn, nhưng chỉ đăng tải trên một số trang Web của các thân hữu. Đáng nói là cái nhìn và thái độ rất khách quan của nhà văn. Là người của Quy Nhơn, nhiều tự hào về triều đại Tây Sơn, nhưng không phải lúc nào anh cũng cho rằng “quê nhà cái gì cũng nhất !”:
“…Mỗi lần về lại Quy Nhơn, tôi lại cảm nhận cái không khí chậm chạp của lối sống tỉnh lẻ. So với nhiều thành phố, Quy nhơn còn rất nhiều xích lô đạp. Đi xích lô đạp chúng ta mới cảm nhận hết sự yên tĩnh của phố và biển. Có thể hính dung thành phố này như một cái chéo áo, nơi cuối của thành phố là nơi hợp lại của đầm và biển " Đi năm phút đã về chốn cũ " Giống như câu thơ của Vũ Hữu Định để hình dung về sự nhỏ bé của thành phố này.Trong một truyện ngắn của Nguyễn Thành Long nòi về sự có mặt lặng lẽ của cát. Ở đầu đường cuối chợ của thành phố. Nhưng 50 năm sự bành trướng của nhà cửa đã làm mất đi một địa danh với một cái tên là " Xóm Động". Đi vào xóm này giữa trưa thì đừng quên đôi dép vì mặt trời làm cát nóng lên, đi chân trần có thể làm bỏng chân. Ngày xưa thi sĩ Hàn Mặc Tử đã từng sống ở đây trước khi vào bệnh viện phong Qui Hòa. Hiện nay nhà thơ của " bến sông trăng " đang yên nghỉ ở một ngọn đồi nhìn ra biển ở khu Gềnh Ráng, một đầu của biển Quy Nhơn, nơi đây đã trở thành khu tưởng niệm .
Biển đẹp nhất vào mùa từ tháng ba đến tháng bảy, lúc đó trời quang, biển lặng, có thể nhìn rõ Cù Lao Xanh phía xa khơi và thấy cả những bọt sóng trắng đập tung tóe vào các bãi đá ở Gềnh Ráng. Những bọt sóng này như xoáy vào ký ức của tôi những lúc xa nhà đi học xa. Biển Quy Nhơn vào mùa gió nồm, thứ gió mát dịu như lời thì thầm của các cô gái. Gió nồm đã đi vào lịch sử "lạy trời cho cả gió nồm / để cho chúa Nguyễn giăng buồm kéo ra". Đó là sự thay đổi của lòng dân, báo hiệu thời suy tàn của nhà Tây Sơn.
(LXT , tạp bút Ký ức biển -2012)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét