CHUYỆN TÀO LAO - VÕ CÔNG LIÊM

Từ khi có loài người trên mặt đất nầy. Kể cả thời ăn lông ở lỗ cho tới khi con người đi vào không gian của vũ trụ, tất thảy đều có cảm thức chung là yêu và ghét, hai thứ nầy là một nỗi niềm mà chúng ta luôn trực diện để chứng tỏ cho mỗi sự kiện. Đó là thời gian của sự sống và sự chết, một tất yếu của con người. Không rõ trong vận hành của âm dương hay chiêm tinh học sau một chu kỳ nửa năm như trở lại cái vận, cái hạn mà hai điều nầy thường xẩy ra vào tháng 7(?).Thật ra đó chỉ là lý luận suy diễn không có tính khoa học; cái chuyện ’trời hành cơn lụt mỗi năm’ nói thế thì cái hạn kỳ nầy như giao kèo mà con người phải nhận lãnh, nếu xẩy ra như đã định thì quả là vận mệnh. Vậy thì tháng 7 thường hay đến với người, với đời?

Đúng hay sai thì không biết nhưng mà năm nay, cái năm 2012 nó lại lắm chuyện buồn hơn vui, làm cho tháng 7 có nhiều người xúc động. Xúc động là phải; bởi cái năm nầy là dấu hiệu của hân hoan, sanh được thằng con trai là qúy tử ’nam đinh nhâm, nữ qúy giáp’. Mãn nguyện, có kẻ vật trâu (nông thôn) hay mỗ heo vài ba con (cấp quận, cấp thành) để tạ trời và khao bà con, xóm giềng là được trời ban lộc. Còn nói về tử vào giữa năm Thìn thì nhà có phúc. Sao gọi là có phúc? -Kế hoạch qúi 1, qúi 2 đạt chỉ tiêu, nay rảnh tay dự án, lễ lược cũng đã yên bề, sổ sách đâu vào đó, nhở có lâm chung thì xem như ổn. Cái qúy của Thìn có được hai mặt, mặt tử và mặt sinh cho nên được lắm người ngợi ca và đưa tiễn. Nói về tử thì dân ta khóc và tiễn có lễ nghi, bài bản, truyền thống đúng cách đó là ’tịnh khẩu’, nói cho ngay là ’khóa khẩu’ dẫu có đào, có bới cũng nghiến răng mà giữ lấy chữ hiếu, chữ trung để hồn viá được siêu thoát về dưới suối ’vàng’, chớ dứt khoát không chơi cái ’mốt’ Koreastyle là khóc lăn đùng, khóc vô tội vạ, khóc ẩu, khóc ào ạt, khóc rống, khóc nằm vạ bắt đền trời; khóc kiểu đó hóa ra khóc-dzỗm. Dân ta khóc đẹp, khóc dịu dàng, khóc lạy tạ. Người chết người sống đề huề không vay, không trả. Phải đạo làm người. Thế nhưng gần đây lại có kẻ khóc dai dẳng, xác về với cát bụi, hồn thì tiêu diêu, ai cũng biết điều đó, rứa mà còn khóc, khóc kiểu nầy nguời chết phải dừng lại để lạy tạ (tức cám ơn rồi xuất) trước khi ’nhập diệt’; mà cái khóc nầy hầu như kể lể hơn là kể công, trong cái khóc tiếc thương có vị móc ba cái chuyện ’chó cán xe, xe cán chó’ ra làm bằng chứng: yêu ông, nhớ bác, tiếc anh... mà cả đời chả có một lời ngợi ca sự nghiệp; rất ít người làm việc nầy, số còn lại là ’tào lao ta bà’chưa bao giờ thấy mặt ngang, mặt dọc, chưa một lần đọc qua một chữ, câm miệng hến thế rồi hô hoán tôi quen thân lắm, ’nằm gai nếm mật’, cùng khổ cùng cam. Đùng một cái ùa ra khóc, như mình có chân trong văn giới một thời. Kể làm chi rứa! Chi bằng đốt một cây nhang, nguyện một câu cho người quá vãng thì đẹp biết chừng nào. Suy cho kỹ cái style nầy nó trở thành cái disease, lây lưa hơn mười năm nay, lãng mạn một chút ’mười năm không gặp’ cho nên khóc. Trở thành cái bệnh a-dzua, copy-cat. Có vị khoe: tui ôm vai người quá cố chụp một ’pô’ hồi đó, tôi ăn, tôi ngủ, tôi nằm với ns, hãnh diện lắm; kiểu nầy như xin chữ ký đào hát... Có cái tật lạ mỗi khi tới ngày kỵ thì lại khóc. Ấy mới ngụy. Mà thiệt; cả đời chưa một lần xáp-lá-cà, nhưng khi viết thì: tôi đã cùng hát, cùng đờn, cùng uống rượu với người đó. Kể riết thấy cũng ê. Thôi thì cứ đứng ngoài mà nhìn vào, nhìn như một legend thì còn qúy hơn là ca bài ’con cá’.Tây nó cũng khóc nhưng không khóc ’loã thể’ như ta khóc và không bao giờ lảm nhảm như ta, mà chỉ viết bằng nước mắt, bằng đau thương sự thật. Dân ta đã không thật mà còn ’sáng tạo’; cái đó mới đau cho cả người sống và người chết. Lối khóc đó gọi là khóc ẩu, khóc tạp lục nghĩ cũng không nên. Có kẻ vừa mới qua đời, công nghiệp đóng góp nghệ thuật, văn nghệ cao như núi thì chả thấy mấy ai khóc hay kể công, phân ưu. Phải chăng những vị ra đi, họ đi theo nghiệp Mozart, chết không một nấm mồ hay bia mộ. Cái đó không chừng là cái hay, cái đẹp! Đòi hỏi gì hơn, dù ’danh bất hư truyền’. Nên suy ngẫm về điều nầy và để dành cái khóc chí tình cho những vị sắp tàn. Hãy nhớ một điều đừng phiạ mà tội âm linh người nằm xuống. Nhớ nghe!

Nói tới phiạ; thì có vài vị phiạ kinh khủng, mỗi khi đọc cái giàn tiểu sử, ôi chao dày ’vô hậu’(chữ của thi sĩ TVSao vô sản mà ’cụ’ viết vô hậu, chơi như vậy là chơi siêu) kể đời tư mình không còn chỗ trong giấy để kể : võ sĩ có, tiến sĩ, thạc sĩ có rồi cả giáo sư đại học, dạy đại học nầy, dạy đại học nọ cũng có. Chi rứa? Mấy cái đó làm được gì chưa? Chỉ là cái nghề thôi mà; tợ như anh thợ máy chớ hay ho gì mà kể công, kể trạng cho lắm. Rõ khốn! Cái đó dân ta cũng bị desease, ỷ lại rồi đẻ chữ, muốn dựng chữ ’bất hợp pháp’ dựng tĩnh bơ, chả phép tắc gì ráo, thí dụ: đạo dụ (thời cụ Ngô), viết thành ’đạo zụ’, kiểu nầy thằng cu chưa học mẫu giáo nó nói láy một cái thì chết cả đám; cái gì chữ ’d’, đổi thành ’z’ ’p’ đổi thành ’f’’ ’g’ đổi thành ’j’ cái nầy hồi mấy cụ theo tây-học (thuộc điạ) cũng xài thế cho đẹp lòng mẫu quốc. Ớn! Nói tới đây nhớ mấy vị làm chủ tiệm thợ tiện không chịu cảnh giác, hùa theo lên văn-mạng và còn yêu cầu văn-chương-nước-ta cần ’donation’ ngôn ngữ như thế. Răng rứa? Vì lẽ dân ta chưa có Viện Hàn Lâm, chưa lập lại Quốc Tử Giám, chưa lập lại Văn Thánh cho nên mạnh ai nấy viết, mạnh ai viết tiểu sử cho mình, cứ viết dù chưa hoàn chỉnh, nói nôm na làm ăn kiểu nầy không có cầu chứng nghĩa là không có @ hay ’R’ chi cả. @ vòng ở đây không phải a-còng vi tính. ’R’ ở đây không phải ’Cục Rờ’ mà cũng không viết tắc là luật rừng đâu nhá!. Vậy e-rờ và còng là gì? Dạ thưa đăng ký, chứng từ ’register’ đó mà. Cho nên chi cái văn-mạng ra đời lại phát sinh nhiều ông ’thợ tiện’, tùy tiện, tùy hứng, tùy nghi, tùy cut-off; không biết học hành tới đâu mà ’cả gan’ sửa tĩnh bơ chữ người ta viết: ’Je’ thợ tiện đổi thành ’Tu’. Văn thơ viết tròn vo, ’thợ tiện’ đẩy vô sắc,huyền,nặng,hỏi,ngã lung tung xèng, không sửa sai mà sửa ẩu. Bài viết tùy bút sửa tản mạn hoặc ngược lại, bài tiểu luận sửa ký, bài viết nhận định sửa là tác giả, tác phẩm, gần đây bài viết cái chết tác giả sửa là thơ, truyện ngắn sửa tự truyện. Hùm bà lằn, không biết đâu mà mò. Đại ẩu!

Có vị chơi chữ ’phăn-tơ-di’ hơi trừu tượng, siêu hình, treo bảng hiệu nghe kêu: ’Gió Ngáp’ làm cho Đẽo thọc huyết heo, Lôi xích lô chịu thua, không hiểu muốn nói gì. Đọc Gió ra Chó. Thành ra báo chí cần xử dụng văn chương bình dân, dễ đọc cho mọi giới hơn là xử dụng văn chương bác học. Vậy làm báo chi rứa? Có vị lại dành độc quyền, không cho ai hết, kiểu nầy ưa ’ăn’ một mình, sợ có vợ bé, quên rằng giữa thằng viết và thằng làm báo là ’free-land’. Độc quyền ăn cái giải gì? Dzỗm! Tác giả sáng tác là phổ biến, có ai sáng tác bỏ vô trong hủ. Đi tu dòng-kín? Buồn cười!

Tục –thơ hay truyện viết tục, thời nay là ’chuyện nhỏ’, có một Việt kiều nữ trẻ tuổi làm thơ hụych toẹt cái bộ đồ dưới nghe gọn-e, chả e lệ gì, mạng, giấy đua nhau ca là ’thời thượng’. Cái cối, cái chày có từ khi khai thiên lập điạ, mắc mớ chi mà ca dữ tợn rứa (dùng chữ tào lao, tầm bậy) một vài văn nhân tả cảnh hun-hít, bọp-bụ cho là tục không đăng, vô phép với độc giả. Ui! Răng rứa? Có khác chi mô. Hay có định kiến ? Văn-mạng nhiều lúc ’chạm’ không vô tư, unfair, thấy quen tên ’thần tượng’ brand-name thì cho lên đầu trang mục, gặp no-name viết ’tào-lao-tục’ thì cho: ’không thể đăng được’. Tục ở cái chỗ nào. 1925-1930 ’Tố Tâm’ Hoàng Ngọc Phách cho ra đời có một ít chất lãng mạn, thời đó có ai cho tục đâu, khoái lắm vì nghe/đọc được chữ ’yêu’... sướng hơn chi, so thời nay thì ’quê một cục’. Rứa răng! Ừ.

Nói cho công tâm mấy vị làm báo giấy là chân chính, can trường, ăn ngay nói thiệt, mặc dù cái thời này khó cho mấy vị, khó đủ thứ chuyện, cho nên rất cả-nể sợ hùa nhau vô văn-mạng thì coi như văn-giấy phơi khô làm đồ nhậu. Nghĩ mà cảm kích cái khí ’anh hùng’ của họ. Thành thực mà xác nhận họ có trách nhiệm với chữ nghĩa, họ cố giữ gìn để truyền lưu; bù lại anh văn-mạng kinh nghiệm làm báo chưa là bao, học hành chữ có chữ không mà lại có bệnh ưa chen chân, kẻ cả, dạy đời, học rộng tài cao. Rõ khổ! Nói như thế là võ đoán, vơ đũa cả nắm. Văn-mạng cũng có nhiều vị đi đúng chức năng, nhiệm vụ, nghĩa là ra công đọc, sửa, chỉnh, góp ý, phép tắc đàng hoàng, những vị đó có trình độ, không phải trình độ văn hóa mà trình độ thấm thấu cao, hiểu biết và tự trọng cái vai trò làm báo. Nếu văn-mạng đi đúng đường lối chủ nghĩa của ’nhân-dân’ thì ắc độc giả,độc lập,tự do,hạnh phúc và dân chủ đúng nghĩa hơn là tào lao, ba láp. Mong vậy!

Nói về độc giả cũng có ba loại độc giả, nói về nhà văn, nhà thơ, nhà nhạc cũng có ba loại, nói về hội họa, điêu khắc cũng có ba bốn loại. Tựu chung cũng tại cái lỗi không có Viện Hàn Lâm cho nên tự do ’thao túng thị trường’, mạnh ai nấy sống, ba hoa chích chòe, triết thuyết nầy nọ, đi rao giảng lung tung, mạnh phóng tác dọc ngang, xuôi đâu cũng được, phất đâu cũng phất, kiểu nầy mấy vị chính khách ’xà-lôn’ thuở xưa cũng như thuở nay hay đem ra xài. Bạ đâu xâu đấy! Ra đâu vài ba tập truyện, biến thành nhà văn lớn, biến thành tư tưởng gia. Mà có thấy chi trong đó đâu. Hết xí-quách rút lui cho là ’vô-ngôn’. Lặn sâu cho là thành danh. Ớn! Làm đâu vài ba bài thơ biến ra thi sĩ lờ đờ, có vị bày đặc đeo kính cận, ngậm thuốc lá phì phà. Vẽ thì nghe xuất xứ trường vẽ mà chưa bao giờ cầm cọ, trở về cầm bút lông chồn. Có vị không học trường họa, tự-học trở thành danh họa(!). Ùa nhau ca ngợi, chết rồi cũng đào lên làm chuẩn, lý giải đủ điều. Dựa vào đâu để định nghĩa dễ dàng thế? Khổ quá nói mãi a-dzua dài dài không chịu nổi. Dòm đi, dòm lại vẫn là tự ái đầy đầu. Chưa qua sông thì cúi đầu sát đất, lội qua được rồi nổ sảng. Khoe chuyện ngày xưa, ngày nay. Chuyện cầm súng, cầm gậy. Kể làm chi rứa? Không thấy sao, nó tùm lum ra đó. Cái bệnh ưa đẻ chuyện như đẻ chữ, cái đáng đẻ cho nó sợ, nó phục thì lại tịt ngòi, cái đáng dẹm thì ưa móc ra nổ. Vị tất không nhằm thời. Bọn chúng đang làm loạn lên đấy! Nói cho ngay cũng do lòng tự hào, tự cao, tự đại và tự ái mà ra cả, rồi từ đó nó trở thành di truyền, đi tới cái cảnh gà cùng một mẹ. Dòm vô cái mặt mấy vị đều có tầm cở cả; không dám dòm. Sao thế? Chữ nghĩa nhiều quá. Sợ! sợ chi? sợ mấy ngài văng chữ thì kẹt ăn nói với văn chương. Cà-chớn ngài đội cho cái mũ lên đầu thì kêu trời không thấu đất. Bên nào cũng thế cả. Rứa ơ! Dạ.

Cho nên chi chuyện đời nói không ngạ; văn thơ họa nhạc ca hóa thành thợ, kiếm một văn nhân, kẻ sĩ chân chính, đúng danh xưng khó. Khó không phải ngăn sông cách núi mà khó ở cái chỗ ham cái hư danh đành phấn son nuôi miệng, nói ba điều dăm chuyện để nịnh bợ, đôi khi nghe vô duyên lạ, có nhiều vị ao ước ’vượt biên’ để trổ tài, trước tài sau tại. Có khi về tới nơi chưa ra khỏi cổng cảng lại có lệnh đứng lại. Việt kiều tái-thần-hồn! Kiểu chơi nầy có từ thời cụ Phan Khôi chớ đâu phải mới đây. Xổ tây-bổ ra nói, không chừng lãnh cái vé cải lương xem ’Lệ Thủy’ ca sáu câu nghe mà khóc ròng. Vậy đừng ẩu; kể cả mấy ông thợ tiện có thẻ đỏ, lợn cợn cho đi coi hát xuất nửa đêm thì lúc đó cầm cuốc xẻng, có đâu nữa mà tiện. ’Bốt-xì’ là thế đó! Nói chung đều là mechanic cả. Chả có gì là vinh hoa mà ao ước ./.

VÕ CÔNG LIÊM


(ca.ab. giữa tháng 7/2012)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét