TÌNH BẠN KỲ LẠ CỦA HAI BẬC THẦY VĂN CHƯƠNG PHÁP

Tình bạn lạ kỳ của hai bậc thầy văn chương Pháp
----Jean Paul Sartre và Allbert Camus
.


Cặp đôi Allbert Camus và Jean Paul Sartre đã góp phần quan trọng nâng nền văn chương Pháp lên tầm cao mới. Cả hai đã từng có một tình bạn và có những rạn nứt. Nhưng thiếu một trong hai người, sẽ thật khó có một nền văn học Pháp độc đáo như ta biết hiện nay...

Cách đây 100 năm, tại Paris, một trong những người con ưu tú nhất, người từng được mệnh danh là bậc thầy tư tưởng của văn chương Pháp thế kỷ XX, Jean Paul Sartre, ra đời.  Tám năm sau ngày ra đời của Sartre, Camus, “nhà nghệ sĩ trong tư tưởng hiện sinh” do Sartre đề xướng, cũng xuất hiện trên cõi thế.
Tình bạn giữa Camus và Sartre được hình thành từ những ngày cả hai cùng làm việc trong Tòa soạn báo “Tranh đấu”. Dù không cùng trang lứa, nhưng Sartre và Camus có nhiều nét đồng điệu: say mê triết học và văn chương, cả hai cùng từng là đảng viên Đảng Cộng sản, ghét sự dối trá, biết sống và làm việc hết mình. Sartre và Camus đã không ít lần uống rượu vui vẻ và đàm đạo văn chương cùng nhau. Tưởng như họ sẽ không bao giờ tách rời nhau. Vậy mà…
Vâng, chúng ta đừng bao giờ lấy làm ngạc nhiên khi chứng kiến một “cặp đôi” nào đó đồng điệu đến thế vậy mà vẫn đối nghịch (hình như Marx cũng đã từng nói, chính sự mâu thuẫn đối nghịch đã tạo nên tính thống nhất bền vững trong một sự vật, đó là biện chứng). Phảng phất đâu đó trong trước tác của đôi bạn hiện sinh ngay từ những ngày còn gắn bó này, đã ngầm chứa sự rạn nứt.
Trong công trình đồ sộ về Camus được xuất bản gần đây nhất, Olivier Todd, một nhà báo và nhà văn từng nhiều năm theo đuổi đề tài hiện sinh, đã tiết lộ cho chúng ta biết rằng, ngay từ khi đôi bạn hiện sinh này còn thân thiết với nhau, trong ghi chép của mình, Camus đã bộc lộ: “Những cuộc gặp gỡ của chúng tôi có thể thưa thớt nhưng rất nồng nhiệt. Tôi nhận thấy Sartre là một tài năng lớn không thể chối cãi. Nhưng những cuốn sách của ông không bao giờ ảnh hưởng lớn đối với tôi. Điều đó có thể được giải thích thật đơn giản, vì chúng tôi có những điểm rất khác nhau… Về mặt tư tưởng thì Sartre chủ yếu được nuôi dưỡng trên nền triết học Đức mà ông rất kính trọng, trong khi tôi thích Platon (nhà triết học cổ đại Hy Lạp) hơn là Hegel. Người thầy thực sự của tôi là Jean Grennier”.
Những bộc bạch trên đây của Camus rất dễ khiến ai đó dẫn đến suy nghĩ rằng, phải chăng vì thế mà Sartre, vốn là một con người kiêu hãnh, rất am hiểu triết học, luôn tự coi mình là người dẫn dắt thế hệ hiện sinh, cảm thấy khó chịu? Sự uyên bác triết học của Sartre rõ ràng được thể hiện qua khối tác phẩm đồ sộ của ông, không chỉ ở riêng lĩnh vực chuyên môn này mà còn lấn sang cả văn chương. Đọc “Buồn nôn”, tiểu thuyết đầu tiên và nổi tiếng nhất của Sartre, ta không thể không có cảm giác, hình như người đứng đầu trào lưu hiện sinh nước Pháp, chỉ muốn mượn hình thức văn chương để bàn luận triết học.
Chính Camus đã từng đánh giá rất cao tác phẩm này của Sartre, nhưng vẫn luôn bảo lưu ý kiến rằng “Buồn nôn” có nhiều tính triết học hơn là văn chương. Khâm phục Sartre nhưng Camus không hẳn lúc nào cũng đứng cùng chiến tuyến với tác giả “Hữu thể và hư vô”. Có lẽ vì thế chăng mà sau này Camus nhất quyết không chấp nhận mình là nhà văn hiện sinh (dù trên thực tế cả khảo luận triết học và sáng tác văn chương, ông chính là một nhà hiện sinh đích thực).
Về phía mình, Jean Paul Sartre cũng hiểu được tài năng của Camus. Bằng chứng rõ ràng là ngay sau khi “Người xa lạ” của Camus ra đời, Sartre đã lập tức viết bài ca ngợi. Không còn nghi ngờ gì “Cắt nghĩa Người xa lạ” của Sartre là bài viết hay nhất về tác phẩm của Camus. Thế nhưng, rải rác đây đó trong bản ca tụng tác phẩm này, Sartre vẫn không giấu giếm ý nghĩ rằng tính tư tưởng của nó còn quá nhẹ; và rằng “Cuốn tiểu thuyết này có đặc tính khá mập mờ… nó xa lạ như chính cái nhan đề của tác phẩm”… Những tiểu tiết tưởng như rất nhỏ bé này cứ lớn dần và đó là lý do khiến mối quan hệ bạn bè giữa Sartre và Camus cứ rạn nứt dần. Nó chẳng khác nào hành động của một nghệ sĩ xiếc đi trên dây. Càng cố giữ thăng bằng thì bước đi lại càng chao đảo. Chỉ cần một cú hích rất nhỏ, sự thăng bằng sẽ bị phá vỡ.
Quả thật như thế. Tình bạn của họ đã thực sự chấm dứt sau những lời qua tiếng lại khi cuốn “Người nổi loạn” của Camus ra đời (1951). Rất nhiều nhà nghiên cứu giải thích, lý do của sự rạn nứt giữa Sartre và Camus đơn giản chỉ là vì sự bất đồng trong sự lựa chọn thể chế chính trị của hai ông. Bản thân tôi, tôi cho rằng, thực chất đây chỉ là một giọt nước tràn ly mà thôi. Dù không có “Người phản kháng”, mối quan hệ giữa Sartre với Camus cũng khó mà giữ được toàn vẹn. Vậy cụ thể hơn sự đổ vỡ đó như thế nào? Chúng ta hãy trở lại với một vài sự kiện ở thời điểm cuốn “Người nổi loạn” của Camus ra đời để hiểu rõ hơn điều đó. --PageBreak--
 “Người nổi loạn” vốn chỉ là một khảo luận chính trị. Camus viết nó khi ông đã nổi tiếng với “Người xa lạ”, “Huyền thoại Sisyphe”, “Bề trái và bề mặt”, “Ngộ nhận”, “Caligula”… Không mấy ai nghĩ một cuốn sách khảo luận khô khan như “Người nổi loạn” lại được độc giả đương thời đón nhận nồng nhiệt đến thế. Sách được tái bản liên tục. Camus không mấy ngạc nhiên về sự thành công của cuốn sách. Nhưng Sartre và nhóm “Thời mới” lại không hề tỏ ra thán phục. Thậm chí họ cho rằng, Camus muốn mượn hành vi “nổi loạn chính trị” này để được lưu danh.
Bài phản kích đầu tiên của nhóm “Thời mới” không phải do tự tay Sartre viết mà do Francis Jeanson, một đệ tử thân thiết của ông thực hiện. Trong 20 trang viết nhan đề “Camus hay là một tâm hồn nổi loạn”, Jeanson đã mạt sát “Người nổi loạn” hết sức nặng nề. Tác giả “Người xa lạ” viết bài trả lời gửi chủ bút Sartre với ngụ ý ông đã ném đá giấu tay. Trong bài viết của mình, Camus đã gọi người bạn một thời của ông là “Ngài Tổng biên tập” (Monsieur directeur). Sartre buộc phải lên tiếng trả lời, nhưng dường như đã không kiềm chế được mình, ông nói với giọng điệu lịch sự nhưng mỉa mai và khinh mạn: “Trời ơi, Camus, sao anh trịnh trọng thế và để dùng một chữ của anh, sao anh tầm phào thế! Nếu anh đã lầm? Nếu cuốn sách của anh chỉ chứng minh một cách đơn giản sự không thông thạo triết học của anh? Nếu nó chỉ là một mớ kiến thức thu lượm vội vã, học lỏm. Nếu anh lý luận không đúng lắm? Nếu những tư tưởng của anh hời hợt và tầm thường?(…). Quả thật tôi không dám khuyên anh đọc cuốn “Hữu thể và hư vô”, việc đọc sẽ gây hiểm hóc cho anh: anh ghét những khó khăn tư tưởng”.
Camus không trả lời. Những lời lẽ của Sartre đã chạm vào nỗi đau sâu kín nhất của ông. So với Sartre, người xuất thân trong gia đình tư sản, khá hoàn hảo về mặt học hành, Camus chỉ là công dân của khu phố nghèo Belcourt, Algérie. Sartre từng đỗ thạc sĩ triết học, và có thể đọc dễ dàng Husserl bằng tiếng Đức. Camus không được chấp nhận thi thạc sĩ vì mắc bệnh lao và việc đọc trực tiếp Husserl với ông là điều hết sức khó khăn. Vì thế, một con người có tâm hồn quá nhạy cảm như Camus đã thật sự khó khăn khi gần gũi với Sartre.
Giải thưởng Nobel năm 1957 của Camus sẽ không còn là một vinh dự của trường phái hiện sinh. Bảy năm sau, 1964, đến lượt mình khi được trao giải Nobel, Sartre đã kiên quyết từ chối. Ông lập luận rằng: “Thật không công bằng đối với độc giả khi cộng thêm sức nặng của những ảnh hưởng bên ngoài như thế vào với sức mạnh ngôn từ của tác giả”. Nhà tư tưởng của chủ nghĩa hiện sinh một lần nữa khẳng định tính độc lập, hành vi tự do của thứ chủ nghĩa bấy lâu nay đeo đuổi mình.
Về hành động lập dị của Jean Paul Sartre (từ chối một vinh dự lớn với món tiền thưởng gần một triệu đôla), lúc ấy cũng có người suy đoán rằng, hẳn Sartre vẫn chưa quên cuộc tranh cãi với Camus, hơn chục năm trước đó. Sartre không muốn đứng cùng chiến tuyến với người “không thông thạo triết học” trên “mặt trận Nobel” (?!). Suy luận đó là vô căn cứ. Một nhà văn tài năng như Sartre không thể nào lại hẹp hòi đến thế. Bằng chứng cho thấy là vào năm 1960, khi Camus qua đời vì tai nạn ôtô, trong bài tưởng niệm trước linh hồn người bạn, Sartre đã bày tỏ sự chân thành thống thiết: “Vừa mới hôm qua, chúng tôi vẫn còn hỏi nhau: anh ấy liệu có lên tiếng không? Sớm muộn thế nào rồi anh ấy cũng lên tiếng… Tôi thầm hỏi: Anh nghĩ sao? Anh nghĩ sao lúc này đây?”.
Không chỉ thế, cũng trong bài tưởng niệm, Sartre thừa nhận lúc đó, Camus đã có phần đúng, và rằng: “Anh tiêu biểu cho con người đạo đức - tác thành tác phẩm, có lẽ độc đáo nhất trong văn học Pháp”. Sartre sẵn sàng giúp đỡ, kể cả về mặt tài chính cho vợ con Camus. Thật đúng như Vercier và Lecarme đã khẳng định trong cuốn “Văn học Pháp từ năm 1968”: “Kể từ sau năm 1968, nền văn học của chúng ta không có nhà văn nào có thể thay thế được Sartre và Camus…”
Trần Hinh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét