MẶT TIỀN NGHỆ THUẬT - VÕ CHÂN CỮU


Về đi thôi !

Chim bìm bịp không có giọng hót hay, nhưng trên những cành ngang nhô ngoài lùm
bụi ven suối, chúng vẫn nhoài thân để khoe bộ cánh vàng nâu, vỗ nhẹ trước khi bay
tìm bạn. Nhưng năm nay sau mấy ngày nghỉ tết, trở về mảnh vườn hoang, tôi không
còn gặp hình bóng thân quen ấy nữa…

Bìm bịp chuyên săn tìm rắn lục. Nó mổ ngay huyệt hiểm trên lưng cho con
rắn lục rồi đưa chân gắp lên nuốt sống. Có lẽ nhờ vậy nên loài chim này có bộ
xương cốt rất dẻo dai. Loài người thấy vậy quyết tìm cách bắt nó đem về ngâm
rượu. Có mặt tôi, những kẻ săn, bẫy chim đều bị cấm cửa. Hay chúng đã lần lượt
thiên di, vì trước đó nữa tôi đã đi vắng khá lâu ?

Cũng như chim và muôn loài động thực vật khác, con người thường không
thấy hạnh phúc khi bị tước mất sinh cảnh của mình. Gửi lòng làm nên một bài thơ,
đi tìm bạn tri âm để đọc nghe, hoặc đưa đăng trên một tạp chí định kỳ để nhiều
người đọc, cảm nhận…là một trong những cái sướng trên đời, tương đương như
khi được gặp, được thấy người mình thương nhớ. Nhưng đã gần 38 năm, với nhiều
người làm văn chương ở Miền Nam, niềm vui sướng ấy không còn nữa. Lịch sử
khắc nghiệt đã làm một cuộc chia lìa định mệnh. Nhiều người khi bỏ nước ra đi,
hành trang quý nhất là những bản thảo còn dang dở, chưa in. Lắm kẻ ở lại, trước
trang giấy phải uốn từng câu chữ, đổi lại bút danh, hoặc “tự nguyện” viết lên rằng
mình được “sinh ra lần thứ hai”.

Một nhà thơ khá quen thuộc ở đất Tuy Hòa ngày trước có đời sống khá giả
từ kinh doanh. Ông từng đứng chủ trương nhà xuất bản Đồng Dao, chuyên in các
tác phẩm của anh em văn nghệ miền Trung. Sau biến cố tháng 4-75, anh ta trở
thành một người viết mang tên mới, đem trình với giới cầm quyền những sáng tác
mới rặt hơi hướm của Chế lan Viên thời đánh Mỹ. Không lâu sau, anh liền được

kết nạp vào Hội nhà văn, rồi leo tên tới ghế Phó chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh. Nhưng
đến nay, tên tuổi ông không còn được ai, cả ở trong Nam lẫn ngoài Bắc nhắc đến.
Văn chương khác với nghề mua bán. Câu nói ấy từ xưa nhưng nay vẫn không sai.

Trong khi đó từ khoảng giáp thập niên 1980, người đọc ở cả trong, ngoài
nước đã truyền tụng một bài thơ hay, khá xúc động của Du Tử Lê:

KHI TÔI CHẾT HÃY ĐEM TÔI RA BIỂN

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi sao trở lại quê nhà

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
những năm trước bao người ngon miệng cá
thì sá gì thêm một xác cong queo

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
cho tôi về gặp lại các con tôi
cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
từ những mắt đã buồn hơn bóng tối

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(bài hát giờ cũng như một hồn ma)

Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn.

(12-1977)

Du Tử Lê gần như là nhà thơ không xếp vào “trường phái” nào. Sinh năm
1942, ông có thơ đang trên mo655 vài tạp chí văn nghệ ở Saigon, mới vừa 17-18 tuổi, rồi trở thành người
có thơ được các nhạc sĩ tài hoa phổ nhạc nhiều nhất. Đến nay ông vẫn nổi tiếng với
những bài thơ tình mới làm. Ngôn ngữ thơ Du Tử Lê diễn tả được đến từng chi tiết
cảm xúc về cái đẹp, nhất là từ thân xác, như câu “ơn em ngực ngải môi trầm”. Nó
làm những người đang yêu có thể thăng hoa từ nỗi đau quằn quại. Bài thơ của “một
người lưu vong” ở thời đểm này không hề đao to búa lớn, hay mạt sát chửi rủa vì
thua cuộc, mà nói lên nỗi buồn đau khi phải xa đất nước : “Bên kia biển là quê
hương tôi đó…”. Bài thơ này sau khi được nhiều người chép tay qua làn sóng điện
radio, đã được các “nhà phê bình văn học” dẫn đăng lại trên các báo chính thống.

Những năm này ở trong nước, một trong những người bị tước mất sinh cảnh
văn nghệ là Nguyễn Đức Sơn. Ông đã đưa vợ và con cái lên sinh sống tại một
vùng rừng hoang vu. Có lần, ông đã được chính quyền nửa đêm đến mời về đồn,
hình như vì lý do “chưa khai báo làm sổ hộ khẩu”. Khi diện kiến vị Đại diện nhà
chức trách vốn là một cây bút tranh đấu ở tại tỉnh lỵ B’Lao cũ, nay hiện nguyên
hình một ông “Cách mạng 30”, Nguyễn Đức Sơn đã mỉa mai rằng : “Làm cách
mạng như các anh thì phải có cái gì mới chứ ! Nếu lại vẫn “bắt nhốt”, thì ngày
trước khi còn trốn lính, tôi đã từng gặp rồi” !

Sau đó là một bài thơ cảm thán, mở đầu với 2 tiếng chửi thề:

Đụ mẹ
 Cây bông
 Hắn không
 Lao động
 Ai trồng
 Chật chỗ
 Mày nhổ
 Xem sao
 Máu trào
 Thiên cổ

Nguyễn Đức Sơn sinh năm 1937 ở một vùng biển Ninh Thuận. Ông cũng đã
có thơ đăng trên Tạp chí Sáng Tạo từ khi còn rất trẻ (với bút hiệu Sao Trên Rừng).
Ông là người làm văn nghệ độc lập, rất đúng như hình ảnh mà người bạn Bửu Ý đã
diễn tả trên một tờ Tạp chí Văn năm 1973: “Hình ảnh của con tê giác, từ tính tình
đến cách ăn nói, dáng đi…Chỉ thong dong ở chốn không người: rừng và biển…”

Ở trong nước, không phải mang “nỗi buồn xa xứ” vì có được thiên nhiên,
cảnh vật hoang dại do mình lựa chọn. Nhưng có lẽ vì mất đi sinh cảnh văn chương,
nên “con tê giác lầm lũi” ấy nhiều lần cũng đã nổi khùng. Có ai ngờ cái con người
từng có những năm tháng nương nhờ cửa Phật như ông, lại dùng đến những từ ngữ
khá thô lỗ khi đến thăm một cửa Thiền (vì tế nhị, tôi xin không ghi đầy đủ tựa đề
của bài thơ) :

Thăm Thiền viện

Về đi thôi, kiếm chỗ nằm
 Mõ chuông đang nện, trăng rằm ngất ngư
 Thiền sư ăn thịt thiền sư
 Niết bàn nhiều giống, chân như nhiều nòi.
 Tim teo tóp, trí cọc còi
 Ma đang thuyết pháp, quỷ đòi giảng kinh.
 Này em, tịnh thủy một bình
 Cửa không ai viếng, cửa mình anh thăm !

Bài thơ gần như chỉ được truyền khẩu, nhưng được nhiều người nhớ. Vì
hai câu kết nghe như xúc phạm đến đấng linh thiêng. Hai chữ “cửa mình” vốn rất
tục, nhưng ở đây có người lại rất đắc địa, vì ông dùng diễn tả với nhiều nghĩa, như
một… “công án” thơ. Bài thơ biểu lộ tính cách rất Nguyễn Đức Sơn, sau khi ông
đã than là: Về đi thôi…

Vạn ngã “Về”

Trước những nghiệt ngã khi chứng kiến những chuyện đời : những người “tu
có lương” chuyên nghề thuyết pháp, giảng kinh ở trong nước; hay các nhà chuyên
hô hào “vận động” để quyên tiền ủng hộ ở nước ngoài, thì chốn nào là cõi riêng
cho người mang nghiệp văn chương ?

Đi về sao chửa về đi ?
 Nhà hoang vườn rậm còn chi không về
 Đem tâm để hình kia sai khiến
 Còn ngậm ngùi than vãn với ai…
 (Bản dịch Đào Tiềm-Quy khứ lai từ)

“Về” của các thi sĩ đời xưa xuất phát từ mơ ước “từ quan”. Người nay dù coi
nhẹ mối ràng buộc quan trường, dẫu đã chọn “Về đi thôi”, thì cuộc sống chưa hẳn
đã yên ổn. Ở hải ngoại, Du Tử Lê có thể nối tiếp các nẻo “về” trên con đường nghệ
thuật. Cùng với thơ ca, tiểu thuyết, tùy bút, ông bước chân sang cả khung trời sắc
màu của hội họa. Với ông, “đi với về cũng một nghĩa như nhau”! Có lẽ nguồn năng lượng
nghệ thuật đã giúp ông vượt qua được căn bệnh ung thư năm 2005. Trong nước,
nơi thị thành nhiều người chọn cách về theo con ma men, hoặc đẩy đưa theo những
cuộc tình, quên bằng thú vui nhục dục. Người thì chọn cách ngụy biện “tu giữa chợ
đời”.

Chữ nghĩa như những chiếc vảy cá lấp lánh muôn màu. Nhưng khi bị đánh
hết vảy đi, thì con cá chỉ còn trơ khối thịt…

Tôi rời vùng đông bắc Hoa Kỳ về lại khu Little Saigon hai ngày trước
khi cơn bão Sandy ập tới. Một tuần trước, tôi rất vui mừng vì vợ chồng nhà văn

Trần Hoài Thư từ tiểu bang New Jersey đã sang tận Virgina để thăm tôi tại nhà
anh Phạm Cao Hoàng. Trần Hoài Thư đang bị bệnh “gút” nên tự tay vợ anh - chị
Nguyễn Ngọc Yến đã cầm lái. Suốt hàng chục năm qua, ấy từ tình yêu với chồng
và nền văn chương miền Nam, người phụ nữ ấy đã vào lùng sụp khắp các thư viện
có lưu giữ sách báo Sài Gòn cũ để chụp hay scan lại. Tất cả được sưu tập về để anh
mua giấy, tự in thành tập cho bộ tủ sách Thư Ấn quán-di sản Văn chương Miền
Nam. Các sách này chỉ để tặng người đọc và thân hữu. Cảm động biết bao tấm
lòng “yến huyết ròng” của chị.

Trở về quê nhà không lâu thì tôi nghe tin chị Yến bị stroke, đột quỵ. Đôi
chân không không thể còn di chuyển xa được nữa…Cầu mong sức khỏe chị hồi
phục nhanh. Và ước mong là tại các xứ người, sẽ có nhiều nhà tiếp nối công việc
mà vợ chồng nhà văn Trần Hoài Thư đã làm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét