MẶT TIỀN NGHỆ THUẬT - VÕ CHÂN CỮU

                                              Nhà thơ Võ Chân Cửu ở  biển Laguna California


 Hợp tuyển thơ văn vừa nhận bài viết tản mạn của nhà thơ Võ Chân Cửu . HTTV đăng tải và sẵn sàng đón nhận dư luận nhiều chiều của người trong cuộc ,các nhà phê bình và độc giả.Bài viết thể hiện suy nghĩ và quan điểm của tác giả , HTTV ch làm công việc chuyển tải đến bạn đọc.NMT                     

                                 Mặt tiền Nghệ thuật                             
                                             (Tản mạn nhiều ky)                                                                                                                                

                                                     Kỳ I:                                                 
                                        Ai nuôi các nhà thơ ?                                

Nhiều nhà khoa học, triết gia thành đạt đã đi vào tìm hiểu, hay  muốn mình sẽ được vinh danh như một nhà thơ. Điều này không có gì là lạ, bởi Thơ ca là hình thái nghệ thuật đầu tiên khi con người tập diễn tả bằng ngôn ngữ. Thoạt kỳ thủy đã có “Ngôi Lời”…
Thời đại công nghệ tin học chi phối toàn bộ cuộc sống và văn minh như hiện nay, Thơ có đáng để tồn tại hay đang hủy diệt vì bị khinh rẻ ?
Nỗi buồn “đo đếm”
Hãng American Airline lượt về Việt Nam trong chuyến đi của tôi vừa qua quy định mỗi hành khách ngoài 7 kg đồ xách tay, chỉ được miễn phí 2 thùng hàng ký gởi mỗi thùng không quá 50 poudns, tức tổng cọng 46 kg (lượt đi từ VN chỉ được miễn phí 25 Kg). Vượt trọng lượng sẽ bị tính cước vận chuyển rất đắt. Ngoài quần áo, đồ dùng cần thiết, các món người quen thân gửi nhờ, quà mang về chiếm phần lớn là bánh kẹo Chocolates và…dầu gió dành tặng người thân. Phải tính toán khối lượng và diện tích từng món, đóng thùng cho thật khéo. Khó nghĩ nhất vẫn là sách được bạn hữu và chính các tác giả quen biết ký tặng, trong đó nhiều nhất là tác phẩm thơ (lượt đi chỉ mang giúp nổi 10 cuốn mới in của một người bạn). “Sách vở ích gì cho buổi ấy”. Lúc này sách và thơ đành phải cân đo như các loại vật chất khác. Thực tiễn đau lòng khó chối cãi. Cuối cùng tôi đã chọn cách đóng thùng các loại sách, nhờ bạn gửi về sau,  đường tàu thủy.
80 % người Việt Nam đều biết và thích làm thơ. Chưa kết luận nên buồn hay vui trước câu tổng kết rất đúng của người xưa. Nhưng có thể là chưa bao giờ cả ở trong và ngoài nước thơ được in nhiều thế (nhất là nơi có đông người Việt định cư là Mỹ). Thơ được in ra giấy theo nhiều hình thức, muôn màu muôn vẻ. Văn minh “mạng” lên ngôi, bài thơ hay sẽ được hàng ngàn người xem và nhân bản. Nhưng người làm thơ dù đã có tiếng hay chưa nổi tiếng, vẫn thích “tác phẩm” của mình được in ra bằng sách. Có nhiều cuốn thơ “mong có người nhận khi tác giả ký tặng”. Các tập thơ in ở Việt Nam, xem ra dễ và rẻ hơn ở Mỹ. Từ chỗ ghi rõ “tự xuất bản  theo Điều…của Hiến Pháp, đến liên kết, đóng “quản lý phí” đặng mang tên nhà xuất bản hợp pháp. Từ bản thảo in máy vi tính xong đem photo, đóng bìa, đến in ấn hiện đại, có phụ bản nhạc, họa. Có tập in thêm phần bản dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp. Khuôn khổ có khi lại rộng ngang, lớn dọc; nhiều trang thủ  bút với chữ thảo, hay nhờ người viết theo thư pháp đủ kiểu…
Nhà thơ nữ Nguyễn Thị Khánh Minh ở Mỹ  có giọng thơ nhiều cảm xúc tinh tế và…hiện đại. Trong năm 2012 chị nhờ một cơ sở chuyên làm sách ở trong nước in tập thơ mới với chỉ…50 quyển. Nên chị rất tiếc không thể ký tặng cho những người ở Việt Nam sang như tôi ! Người bạn giang hồ là thi sĩ Vương Từ, nay đã ngoài 60 tuổi mới có tập thơ in lần đầu, cũng vậy. Người quen mang qua Mỹ cho anh chỉ có…10 quyển. Sách chỉ có thể dành tặng cho người…đồng điệu, hay người có mối quan hệ đặc biệt nào đó.

            “Nổ” ?
Trong bối cảnh sách bằng giấy mực được cho là sắp đến kỳ…cáo chung, các nhà thơ đã thành danh từ trước ’75 hiện đang sống ở Mỹ vẫn dành nhiều chăm chút  những đứa con tinh thần của mình được in mới hay tái bản. Nhà thơ Du Tử Lê cứ một năm in một tác phẩm. Chủ bút Tạp chí Khởi Hành đã cho quảng bá cuốn Tổng tập thơ Viên Linh có 700 bài. Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ qua định cư ở đây mới hơn 10 năm. Sau tập thơ đầu tiên có tựa đề “Phương Ý”  ở Việt Nam, ông đã xuất bản thêm 5 tập thơ mới, tập nào cũng được trình bày  sang trọng và đẹp. Ông cũng đang tập hợp các bản thảo thành một Tổng tập với khoảng 1.000 bài. Sách của ông ngoài phát hành theo đường bưu điện còn được bản qua mạng theo đường Ebooks.
Ông Trần Vấn Lệ sau nhiều năm ở Mỹ, nghe đâu cũng đã xuất bản khoảng gần 40 tập thơ mới. Thi tập của các tác giả cũ và mới cũng thường xuyên được quảng bá trên các báo, tạp chí và mạng điện tử. Những nhà thơ bán được sách như Nguyễn Lương Vỵ không nhiều. Tôi có duyên được dự đêm ra mắt tập thơ mới của Nguyễn Xuân Thiệp tại Little Saigon. Ông Thiệp từng chủ trương tạp chí Phố Văn ở bang Texas. Thi sĩ nay đã ngoài 70 tuổi. Thơ ông mang hơi thở hiện đại, nhiều cảm nhận sâu lắng về cái đẹp, được nhiều người yêu thơ ghi nhận và quý mến. Ở buổi ra mắt tập thơ mới này, tác giả và chỉ toàn…ký tặng. Các thân hữu tổ chức cuộc gặp cũng không phát ngôn gợi ý thu hồi lại “ấn phí” như ở các buổi “giới thiệu tác phẩm mới” khác.
Trong câu chuyện tâm tình với những người yêu thơ, tôi vẫn bày tỏ rằng trong bối cảnh đông đảo “nhà thơ” như hiện nay, các tác giả nên tìm mọi cách để công chúng có thể tiếp cận tác phẩm thơ. Bằng cách “ký gửi” chưng bày ở nhà sách. Tôi vẫn tin là người có cảm nhận về nhưng bài thơ hay sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra mua sách.
Ở Việt Nam nhiều người cho rằng nói như thế là một cách “nổ”. Với người Việt hải ngoại, từ ngữ này ít thông dụng. Chữ “nổ” có xuất phát đã lâu, đầu tiên từ vùng đất Quảng Nam. Nhưng nó gần như mới được dùng nhiều sau năm ’75, khi dân chúng được nghe những chàng bộ đội Miền Bắc mới vào Sài Gòn hô lên rằng “ngoài đó thứ gì cũng có; truyền hình, tủ lạnh chạy đầy đường”. “Nổ” là nói theo kiểu bịa đặt, hay có ít nói nhiều ? Có thể trong một dịp nào đó, chúng ta sẽ giải mã rõ ràng hơn.

Cảm và hiểu…
  Thơ được in ra sách, được tải nhiều trên mạng, nhưng người đọc ít cảm nhận ra nhiều bài thơ hay. Vì sao vậy ? Thoạt kỳ thủy là “Ngôi lời”. Thơ ca gắn liền với ngôn ngữ : lời nói, sau là chữ viết. Nhà thơ dùng ngôn ngữ để diễn tả cảm xúc của trái tim hoặc tâm hồn mình. Lời nói, câu chữ viết ấy phải đạt nghệ thuật mới diễn đạt được tâm trạng, tình cảnh của con người. Các nhà lý luận tổng kết rằng sự nhận biết và diễn tả tâm trạng ấy có thể đến bằng thơ theo 3 cách: phân tích, cảm xúc hoặc sự mặc khải. Nhà thơ là những người rất tôi luyện v diễn đạt chữ nghĩa. Họ nhạy cảm với các diễn biến ngoài xã hội hay nội tâm, nên sự “nhận biết’ có muôn vẻ kỳ diệu. Nó đến như ngọn gió bất ngờ làm rung động những nhụy hoa; như một nguồn ánh sáng lóe lên ở cuối chân trời xa thẳm. Nên điều cảm nhận gần như được “mặc khải”. Hai chữ “mặc khải” hoàn  không mang ý nghĩa tôn giáo như nhiều người vẫn gán ghép, giải thích. Có thể quan sát nét mặt của những tín đồ khi họ hành hương, cầu nguyện, và nét mặt của thi sĩ đang cảm hứng. Một đàng,  biểu lộ sự tin tưởng, phục tùng hoàn toàn với đấng linh thiêng, một đàng là vẻ hân hoan khi hòa nhịp cùng cái đẹp vĩnh cửu. Thơ ca hoàn toàn khác hẳn với tôn giáo, mặc dù các vị chức sắc tôn giáo luôn luôn muốn tự nhận và lôi kéo các nhà thơ có những cảm xúc linh thiêng vào tín ngưỡng chung. Các tín đồ cho rằng sự mặc khải có được là nhờ đức tối cao của tôn giáo mình vén màn.

Phải viết ra những điều đã được công nhận về nghệ thuật thơ ca, bởi lẽ sau chuyến đi nhiều ngày từ Việt Nam sang Mỹ vừa rồi, tôi cảm giác nhiều nhà thơ đã tự mình xóa bỏ hay phủ nhận cái khả năng trời cho về cảm xúc nghệ thuật. Có thể đó là do ảnh hưởng rất máy móc của mệnh đề “hữu cơ khí tất hữu cơ tâm” mà nhiều người mê học thuyết Lão-Trang công nhận. Nhiều người làm thơ, do sự ràng buộc và những hạn chế từ ngôn ngữ đã từng than thở về “sự bất lực của ngôn ngữ”. Họ tìm cách vượt thoát nó theo nhiều cách. Trong một câu thơ và trong bài thơ, có người “sáng tạo” ra khoảng cách giữa các chữ, có người dùng dấu ngang (-), dấu chéo (/) giữa các cụm từ. Hoặc cho xuống hàng theo nhịp ngắt câu thơ. Càng sa vào hình thức, gần như họ càng bị rối. Nên  phải tự bào chữa bằng cách tuyên bố rằng sáng lập hay ủng hộ một “trường phái” thơ ca nào đó, như cách tân, tân hình thức, hiện đại hoặc hậu hiện đại. Nhiều nhà thơ tưởng rằng như vậy có thể dễ dàng đạt tới sự mới mẻ hay cõi “vô ngôn”. Thật ra chỉ là sự ngụy biện. Tệ hại hơn, nhiều người để làm “mới thơ ca”  đã tìm cách xếp những câu chữ trong bài thơ ra hình tam giác, ngọn song. Cánh chim. Có người, tệ hai hơn, đã vẽ ngay trong bài thơ một mũi tên, hay một cái quần xiệp !  Những từ ngữ thô tục nhất,từ c.., l., cứt, đái, đến lỗ nẻ, lông nách đã được được đưa rất thoải mái vào câu thơ. Làm theo kiểu học đòi này lại được những cây bút xưng là “nhà phê bình” xúm nhau ca ngợi.

Có lợi thế nắm giữ phương tiện truyền thông nên trong xã hội mà giới thống trị muốn quản lý độc quyền về tư tưởng, nghệ thuật, người đọc sẽ dần dần xa lánh và coi thường hình thức nghệ thuật thơ ca…

Quy luật thẩm mỹ của con người là hướng đến cái đẹp thanh tao và toàn diện. Nhưng nhìn lại, không hiểu vô tình hay cố ý, có nhà cầm quyền đã cổ vũ hoặc tạo ra sự xâm lăng các ngôn từ dung tục hoặc tục tỉu. Tình trạng này, mạnh nhất ở tiếng Việt là từ sau ’75. Hiểu thô thiển về chủ trương “giữ gìn sự trong sáng”, song song với cổ vũ áp dụng theo “chủ nghĩa hiện thực”, người ta đã  “nôm na hóa” ngôn từ, hô hào hành văn theo kết cấu của ngôn ngữ Trung quốc. Họ nói và viết “đảm bảo” thay cho  “bảo đảm”. Câu văn viết cũng như lời nói đa phần ở thể bị động, điển hình như câu “nhờ sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền..”; “cuộc sống đã được nâng cao”. Tinh hoa và nghệ thuật  ngôn ngữ Việt không còn được cổ súy. Câu thơ gần như là câu nói mới gọi là hay. Thơ phải tiến gần đến chỗ thực dụng,  tuyên truyền cho dễ hiểu và “có ích”:
                  Đừng mơ về quá khứ
                  Đừng nghĩ tới tương lai
                  Hãy nhìn kỹ hiện tại
                  …………….
          Người đọc có thể gặp nhan nhản những bài thơ như vậy. Có khi nó còn “hay” hơn bài thơ  mà một nhà “phê bình văn học” đã hết lời xưng tụng khi phân tích !
           Bài thơ còn một câu cuối mà tôi không muốn ghi lại, vì nó  “tạo ra sự bất ngờ”, nhưng có thể là quá thô tục. Nó dành để người đọc có thể tham gia, như cách cổ vũ và tuyên ngôn của những người học đòi của các “trường phái” hôm nay.

           Lời bỏ ngỏ
Hiện trạng đánh đồng cái đẹp với sự thô tục ngày càng tệ hại, dẫn đến  những thành kiến và mặc cảm không đáng có cho thơ hôm . Một người làm thơ đang nắm chức “Phó chủ tịch Hội đồng thơ của Hội nhà Văn VN” đã trình bày tham luận “Toàn cầu hóa và cơ hội cho văn học Việt Nam” tại hội thảo mới đây ở Hà Nội về hội nhập văn hóa toàn cầu ở Việt Nam. Ông khẳng định thơ bây giờ không phải để cảm, mà để hiểu, nên có thể đưa ngôn ngữ báo chí vào thơ. Người làm thơ này cũng rất tự hào tuyến bố “thơ hậu hiện đại không dành cho độc giả bình dân”. Hèn chi ông đã bỏ hết truyền thống quý giá của ngôn ngữ dân tộc mình để theo cách diễn đạt “tân kỳ”, đầy “trí tuệ”. Một người khác có chức vụ văn nghệ cao hơn : Phó chủ tịch Hội nhà văn VN, cũng là một trong những người tiên phong trong sáng tác và cổ súy cho trường phái thơ “hậu hiện đại”. Theo thông tin trên mạng, tại buổi giao lưu các nhà thơ Việt- Mỹ, ông nhận xét rằng người Mỹ làm thơ để phơi bày cảm xúc, còn người Việt Nam làm thơ là để…nổi tiếng. Nhận xét này có lẽ đúng trong môi trường xã hội hiện tại, nhiều cán bộ từ cấp xã đến trung ương sau khi hưu trí đều muốn in sách để trở thành nhà thơ, nhà văn.
Ai đó có thể sẽ bị chê cười khi nói ra rằng làm thơ để mong tìm sự chia sẻ cảm xúc !
Một thi  nổi tiếng từ trước ’75 mà tôi có gặp đều phì cười hay lắc đầu trước chuyện những “nhà thơ” đang ở trong hoặc ngoài nước, tự nhận mình là hiện đại và hậu hiện đại để “tuyên ngôn” phủ nhận (có khi phỉ nhổ bằng lời) tất cả các dòng thơ Việt Nam từ thời thơ mới đến năm 1975. Đã có sự đồng tình (khôi cần phải hô hào hội nhập) giữa những người làm thơ chưa vượt qua sự giới hạn của ngôn ngữ, cho dù họ ở trong hay ngoài nước. Có lẽ đó là xu thế tất nhiên, khi mà sự va chạm giữa các nền văn minh ngày càng dữ dội ; tâm hồn con người ngày càng khủng hoảng. Và nhiều nhà thơ lẫn nhà tu vẫn mượn thơ ca hoặc tôn giáo để thỏa mãn dục vọng của mình. Đó cũng là một nguyên nhân khiến một số đông người đọc ngày càng xa lánh các tác phẩm thơ.
Nhưng người làm thơ khắp nơi vẫn ngày càng thêm đông. Ai nuôi dưỡng các nhà thơ vậy ? Khi thấy tôi đưa ra tiêu đề này, nhiều bạn văn cảnh giác rằng đầu óc người Việt Nam còn đầy dẫy tư duy vốn có trong thời chiến tranh. Đó là nghi kỵ, chụp mũ. Nhiều nhà thơ người Việt ở Mỹ nhờ đỡ lo về vật chất vì được trợ cấp tiền bệnh, tiền tuổi già, nên suốt ngày cứ làm thơ; hoặc ở trong nước, một số cây bút được các mạnh thường quân hổ trợ, nên in được tác phẩm…Không ít  người sẽ quy kết về sự lệ thuộc của các nhà thơ là “ăn tiền Mỹ” hoặc “đánh quả” ! Thành kiến  văn hóa á đông xưa nay vẫn xếp giới cầm bút vào hạng “xướng ca vô loài”. Nghĩ thật tôi nghiệp cho số phận người những người sáng tác.
Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ có lần khuyên tôi nên nhìn “thoáng rộng” hơn. Có những người trẻ sa vào trào lưu “hậu hiện đại”, như là cách họ bày tỏ sự đả phá khi xã hội có nhiều giá trị đang đảo lộn. Anh Nguyễn Hoàng Nam ở Little Saigon là  một người được các nhà phê bình hậu hiện đại tán dương.Anh   cứ theo hỏi tôi về điều kiện in sách của các nhà thơ trong nước. Nam tuyên bố  sẽ “phấn đấu” trở thành hội viên của một hội nhà văn trung ương hay của một tỉnh nào đó, để được hưởng chính sách tài trợ khi đi thực tế sang tác và xuất bản.
Muốn vậy, không có gì khó, vì đã có một vài cây bút ở hải ngoại được kết nạp vào các hội văn học nghệ thuật trong nước !

                                                                                   (Còn tiếp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét