ĐỌC “NHỚ” CỦA PHẠM DUY
MIÊN THUỴ
(Hồ Nguyễn Bích Thủy-Trường chuyên Quang Trung-Bình Phước )
Tôi đã mất đến bốn ngày để đọc xong quyển "Nhớ" của Phạm Duy- một khoảng thời gian khá dài so với thời gian đọc một quyển sách khi tôi còn trẻ.
Chưa quyển sách nào đọc xong, tôi lại có cảm giác luyến tiếc như quyển sách này. Phải chẳng Phạm Duy đã khéo léo dùng những con chữ dẫn tôi đi cùng ông rong ruổi - làm một kẻ giang hồ viễn du qua rất nhiều nơi, mà thậm chí nằm một chỗ, nhắm mắt lại, vẫn thấy chân mình chộn rộn, tim mình hoá cánh mà bay. Có lẽ, tôi đã thấy mình- thuộc về một thế giới khác???
Kiểu như món ăn cung đình Huế- ngon nhưng cái gì cũng một chút, những trang viết bày ra, đọc, thưởng thức rồi, vẫn còn chút gì nuối tiếc, chút gì thèm thuồng, và nhiều ngẩn ngơ....
Mở đầu " NHỚ", ông viết:
"Tôi là nhạc sĩ nên phải có trí nhớ tốt. Nhớ kỹ hàng ngàn bài hát, thuộc lòng hàng ngàn điệu nhạc. Nhớ những chuyện vui buồn xa lắc xa lơ. Còn nhớ cảnh, nhớ người nữa chứ ! Đi nhiều, tất nhiên tôi có nhiều bạn lắm. Nhớ rất nhiều người đã đi qua đời mình... Tôi có nhiều bài hát nhớ quê hương (Tình Hoài Hương, Thuyền Viễn Xứ...), nhớ những cảnh huống (Còn Chút Gì Để Nhớ, Nha Trang Ngày về...) nhưng nhớ người bao giờ cũng da diết hơn là nhớ cảnh, thế mà tôi không có một bài hát nhớ bạn nào cả! Âu là bây giờ ngồi nhớ bạn và viết ra nỗi nhớ, khi tôi đã trở về sống tại quê nhà và có ít nhiều ngày tháng rảnh rang..."
Một chữ NHỚ để gói gọn mà thôi...
Thoạt đầu, tôi chưa hình dung và ấn tượng lắm về những cái tên mà Phạm Duy gợi về trong kí ức ông -duy chỉ có một điều, tôi ngạc nhiên, sao ông có thể nhớ sâu sắc, nhớ ngọt ngào, nhớ thăm thẳm như thế...
Những vùng đất...
Cảnh...
Người
Đặc biệt là những người bạn đồng môn từ thời Đệ Nhất ở trường Nguyễn Du, rồi trường Thăng Long, cùng chia nhau từng miếng xôi, từng miếng bánh mì chấm giấm, hay cả những lúc đi "ỉa đồng" chung. Và những người bạn từ thưở học chung trường Kỹ nghệ thực hành, hay trường Cao đẳng mĩ thuật; những người bạn đồng hành trong gánh hát rong ruổi từ Bắc chí Nam; những người bạn tri âm trong nhạc, hoạ, thơ...
Và cả những người tình ông yêu bằng tất cả những nồng nàn, say đắm thời trai trẻ, bằng hào hoa và sức vóc vạm vỡ, vừa hồn nhiên trên đồng ruộng ướt mưa, trên rơm rạ sau mùa gặt,...vừa già dặn, tò mò, hăm hở... để rồi ông bỏ lại tất cả, sẵn sáng bỏ lại tất cả để đi theo những tiếng gọi của những vùng đất mới. Tôi nhận thấy ông viết tất cả bằng sự tự hào, âu cũng là một phần trong cuộc đời rất sôi nổi, đẹp đẽ của ông....
Tôi thích thú mỗi khi ông đến một vùng đất mới, sau những giờ diễn , ông lại một mình khám phá cho bằng hết cái vùng đất ấy, như cái lần vừa đến Huế, ông vác valy xuống thuyền, nằm hàng đêm ở đó để nghe ca Huế, hay có thể lặn lội theo ông lão thổi sáo có con khỉ đeo trên lưng chỉ để nghe, để biết thêm những giai âm của thể loại nảy lên từ vùng đất trữ tình thần diệu...
Cũng bởi vì bôn ba, vì nhớ rất nhiều mà những tình cảm, những nỗi nhớ ấy cứ lan hoà, trộn lẫn rồi thoát thai thành những giai điệu, những ca từ rất trí tuệ, vừa mộc mạc, vừa thấm đẫm tình người, tình quê hướng, như ông từng nói: Em đã là quê hương rồi...???
Tôi cũng thích những trang Phạm Duy viết về Văn Cao, về Đặng Thế Phong, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Lê Thương, Nguyễn Văn Thương... sao mà sâu sắc, mà thâm thuý....
Tôi cũng không biết mình đã nhẩm theo lời của những bài hát của Văn Cao, những bài thơ mà Phạm Duy phân tích. Tôi phục cái vốn từ sao mà nhẹ nhàng, khéo léo đến thế... Tôi nhớ ngày xưa còn bé, ba đã từng đàn hát ru ba chị em tôi bằng những giai điệu ấy. Những bài hát của Trịnh, của Văn Cao, của Phạm Duy. hay cái thời tôi lên năm, lên mười, nghe giọng hát rất điệu đà, mỹ miều của Thái Thanh (chuyên hát nhạc anh rể mình) qua chiếc cassette cũ kĩ với: Tình ca, Tình hoài hương, Tiếng sáo Thiên Thai, chỉ chừng ấy thôi,..
Thảo nào, khi lớn lên, cứ thấy quen quen...
Muốn viết thật nhiều sau khi đọc quyển sách này, sau khi nghe một loạt 4 CD "Về thôi" với giọng dẫn khàn khàn, chậm rãi của Phạm Duy, nhưng...sao năng lực kém cỏi quá....
Cũng là một cái DUYÊN khi Em tặng cho tôi quyển sách này...Trong những ngày tôi rất mệt mỏi, thiếu sức sống. Biết tôi thích Phạm Duy, Em đã lục tung nhiều nhà sách, phát hiện quyển sách này nằm dưới một tấm biển quảng cáo, mang đến cho tôi...
Em bảo tôi có thể đọc quyển sách này, vì tôi là người đặc biệt. Còn tôi thì, đằng sau nụ cười ấm áp và nhẹ nhàng vì đọc được một quyển sách hay, tôi còn thấy mát cả lòng mỗi khi ngắm nghía những dòng chữ mà Em đề tặng. Cảm ơn Em, dù mai này, không là gì của Em, tôi cũng thấy vui vì từng được là một trong những người đặc biệt của Em. Tôi thì, không thích gọi Em là người đặc biệt, không chỉ bởi vì Em là người thú vị, là còn bởi vì tôi không thích cái cách gọi đó, đôi khi trong lòng, chỉ nên có một người đặc biệt mà thôi. Ai cũng gọi là người đặc biệt thì dễ dãi quá....
Chiều rồi...
Vài phút trải lòng khi đọc xong quyển “Nhớ” của Phạm Duy (NXB Trẻ, 2010), âu cũng là bày tỏ chút lòng tri âm với người nhạc sĩ tài hoa quá cố dù con chữ còn rất vụng về. Tôi vẫn thích câu thơ này trong nhiều câu thơ mà tôi rất thích khác của Phạm Duy khi tần ngần khép trang sách lại:
"Cho tôi lại từ đầu
Chưa đi vội về sau..."
(Kỷ Niệm- Phạm Duy)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét