NGÀY THƠ VIỆT NAM


Thiên đường
ở giữa
hai chân
Câu thơ
chết
giữa đêm rằm
nguyên...
tiêu
(ca dao mới)

39oC


Nghe tin trái đất nóng lên
Em nằm lơ đểnh ở bên lụa là
Anh xin làm bóng trăng tà
Để che khuất cái
nõn nà
giùm em

NGUYỄN MIÊN THẢO

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN ( KỲ 9 )


CAO HUY KHANH
VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN
1975 - 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Chín

91 - Bùi Văn Toán
“NGƯỜI RỪNG”
Cựu bộ đội sinh 1958 tại Hoà Bình. Sống ở Hòa Bình (2008).
Sau chiến tranh giải ngũ trở về quê thì mới hay vợ chờ chồng lâu quá không chịu nổi đã… bỏ đi theo người khác! Thế là sinh ra hận đời với cả cái xã hội hiện tại phụ rẩy mình nên một mình bỏ lên núi sống đời cô độc giữa núi rừng hoang vắng làm bạn với muôn thú còn hơn làm bạn với… loài người.
Xóm làng biết chuyện khuyên giải cách mấy cũng không chấp nhận mà thậm chí còn tìm cách xa lánh nữa.
Cứ sống như thế hơn 30 năm qua y hệt một “Robinson tân thời” kiểu ăn lông ở lỗ, làm nghề hái lượm leo trèo và săn bắt thú rừng làm thức ăn qua ngày (có khi đụng độ chiến đấu với… cọp nữa vẫn sống sót). Chọn một hàng đá nhỏ trên núi Lắm (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc) để trú ngụ bất kể thời tiết nắng nóng 40 độ C hay lạnh xuống âm 5 độ. Thỉnh thoảng được người làng thương tình tiếp tế cho áo quần, gạo cơm. Gặp người lạ là bỏ trốn hoặc rất ngại ngần tiếp xúc, may mà chưa quên hết tiếng người.
Nhiều lần được vận động thuyết phục trở về cuộc sống bình thường của xã hội văn minh ngoài kia song nhất quyết khước từ, thề sẽ ở lại với núi rừng suốt đời. Chỉ xin nếu được thì đem cho ít… rượu để độc ẩm quên hết sự đời ô trọc!

92 - Calvin P. Tran
DOANH NHÂN TRỞ VỀ SỚM NHẤT
Doanh nhân Việt kiều Mỹ (2009).
Vượt biên năm 1977 qua Mỹ học thành tài trở thành chuyên gia lãnh đạo ngành công nghệ thông tin ở “Thung lũng Silicon” trung tâm CNTT Mỹ. Và đã quay về nước vào hàng sớm nhất từ năm 1990 với mục đích giúp đỡ đào tạo công nghệ thông tin cho ngành giáo dục.
Nhưng công việc đầu tư hỗ trợ nước nhà như trên diễn ra hoàn toàn không đơn giản vì bao lề thói quan liêu bao cấp trong hệ thống hành chánh. Ban đầu xin nghỉ việc ở Mỹ để định ở lại VN 2 năm song cuối cùng đành dứt áo ra đi chỉ trong vòng… một tháng!
May sao sau đó được TPHCM mời về với mức lương tháng… 80 USD (so mức lương ở Mỹ 4.000 USD) nhưng vẫn vui lòng chấp nhận trở lại góp phần đào tạo thế hệ chuyên viên CNTT đầu tiên của VN. Năm 2000 là Việt kiều đầu tiên đầu tư vào miền Bắc nhưng sau 2 năm “vật lộn” với cơ chế đã… phá sản phải về Mỹ bán nhà đem tiền qua trả nợ!
Tuy nhiên vẫn không nản lòng bỏ cuộc vì câu hỏi luôn trăn trở tìm cách trả lời: “Tôi có nên chạy trốn khỏi quê hương chỉ vì đất nước còn nghèo?”

93 - Dương Văn Ba
TỪ TỘI “PHẢN ĐỘNG”THÀNH TỘI KINH TẾ
Doanh nhân sinh 1941 tại Bạc Liêu. Sống ở TPHCM (2010).
Nguyên là dân biểu đối lập thuộc nhóm trí thức và nhà hoạt động xã hội tiến bộ Nam bộ – hình thành “Lực lượng thứ ba” không theo Mỹ - Ngụy mà cũng không theo Cộng sản - chống chế độ Thiệu Kỳ đấu tranh đòi hoà bình độc lập ở miền Nam trước 75. Sau đó vẫn ở lại với mong muốn hoà nhập cùng chế độ mới xây dựng lại đất nước sau chiến tranh.
Ban đầu cùng các chiến hữu cũ (Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quý Chung…) tham gia thành lập báo Tin Sáng tại TPHCM, phụ trách làm kinh tế cho tờ báo rồi sau đó chuyển về Ban Biên tập.
Sau khi báo Tin Sáng bị đình bản “hoàn thành nhiệm vụ” năm 1981, trở về quê Bạc Liêu (lúc đó thuộc tỉnh Minh Hải) hoạt động kinh tế rồi được TPHCM cử làm đại diện hợp tác làm ăn với Minh Hải nhận chức Phó Giám đốc Cty Cimexcol do tỉnh thành lập và quản lý có nhiệm vụ hợp tác kinh doanh với Lào.
Comexcol đang phảt triển thuận lợi (thời này nổi tiếng với việc nhập xe Honda cũ – xe “Cub” - giá rẻ từ Lào về bán lại ) thì đùng một cái năm 1987 toàn bộ lãnh đạo Cimexcol và cả lãnh đạo tỉnh (cả… Chủ tịch UBND tỉnh!)ø bị Trung ương bắt giam điều tra đến năm 1989 đưa ra tòa xét xử ở Minh Hải với tội danh kinh tế “tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa, buôn bán hàng cấm, đưa và nhận hối lộ, cố ý làm trái gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng cho Nhà nước…” Phiên toà do Toà án Nhân dân tối cao xử theo thủ tục đặc biệt hiếm có là xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm luôn không cho kháng nghị! Kết quả trong 21 bị cáo thì đương sự là người duy nhất lãnh án chung thân nặng nhất.
Sau phiên toàn rất nhiều dư luận, ý kiến ngay cả trong hàng ngũ cán bộ cao cấp địa phương lẫn Trung ương lúc bấy giờ không đồng tình yêu cầu xử lại vì nhiều lý do như “xét xử không đúng người không đúng tội, không đúng pháp luật, không được lòng dân và xét về tình tiết, nội dung phán quyết của phiên toà sai trái đến mức nghiêm trọng làm tình tiết và bản chất của vụ án thay đổi một cách cơ bản…”. Nhưng tất cả đều vô ích.
Tuy nhiên đến năm 1994 thì các bị cáo lần lượt được… trả tự do – có đuơng sự –vì điều tra lại thì quả đây là một vụ án lớn… xử oan! Bởi chính xác thì Cimexcol chẳng những làm ăn không thua lỗ gì cả mà còn… lời nữa. Chẳng qua đây là hậu quả của cuộc xung đột mâu thuẫn giữa 2 phe mở cửa và bảo thủ trong thời mới Đổi mới như đánh giá của Trường Đảng An Giang: “Quan điểm xét xử không đổi mới , lấy Nghị Quyết 4, NQ 5 xử NQ 6 (đổi mới); lấy cơ chế cũ xử cơ chế mới, lấy tư duy cũ xử tư duy mới đi ngược lại NQ Đại hội VI…” Nhưng các kết quả của phiên toà sau 5 năm bị vô hiệu hóa một cách tự động như trên đều không có thông báo “minh oan” nào chính thức mà chỉ được thực hiện một cách… âm thầm để “né” trách nhiệm!
Ngoài ra vụ án lớn này còn có một nguyên nhân nữa là “đánh” vào bản thân DV Ba quy kết vào tội “phản động” do nghi ngờ nhân vật “Tư lệnh quân đội” Dương Văn Tư của tổ chức phản động Hoàng Cơ Minh lưu vong ở Mỹ đưa quân thâm nhập về VN chống phá chính quyền Cách mạng là… em ruột của ông (theo cách đặt tên của dân Nam bộ, tên “Tư” tất là em của tên “Ba” rồi)! Ngoài ra còn cho ông là thủ phạm giật dây sát hại một cán bộ Minh Hải thuộc quyền nhằm “bịt đầu mối” biết mình là trung gian ở Cimexcol nhận tiền Hoàng Cơ Minh gửi về nước âm mưu phá hoại chế độ mới.
Nhưng sau đó điều tra… không tìm ra bằng chứng xác đáng vì DVT Tư hơn tuổi DV Ba và lại sinh trưởng ở miền Bắc, còn vụ cán bộ thuộc quyền tự tử chết thì chẳng có liên quan gì. Bởi vậy mới tìm cách chuyển tội danh DV Ba qua lãnh vực kinh tế gán cho Phó GĐ Cimexcol này 3 tội danh kinh tế, xem là “người cầm đầu, chủ mưu, có vai trò quan trọng nhất và quyết định nhất trong vụ án”. Cũng vì thế mà phải lấy một vài cán bộ lãnh đạo tỉnh làm “vật hy sinh “ ra tòa (lãnh án nhẹ hơn nhiều) để “xử bọn kia”!
Hiện đã rút vào im lặng nhưng nhờ mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với Lào ngày xưa nên còn âm thầm làm ăn với nước bạn, được mô tả là sống ở Lào nhiều hơn ở… VN!

94 - Đặng Hồng Nhựt
6 LẦN MANG THAI DỊ DẠNG

Cán bộ về hưu sinh năm 1936 tại miền Nam. Sống ở TPHCM (2008).
Bị nhiễm CĐDC từ những năm 60 thế kỷ trước khi hoạt động phụ nữ trong chiến khu. Thêm vào đó còn bị bắt chịu nhiều lần tra tấn trong nhà tù chế độ cũ.
Vì di chứng CĐDC đó, sau 1975 đã 6 lần bị sẩy thai do mang bào thai dị dạng trong đó có lần thứ tư bác sĩ phải giải phẫu lấy bào thai “quái thai” ra để cứu mạng sống bà. Ngoài ra còn trải qua 2 lần phẫu thuật cắt bỏ khối u ở ruột và tuyến giáp, tuy nhiên mầm ung thư vẫn còn âm ỉ.
Chồng qua đời cũng vì hậu quả CĐDC mà bà kể lại là “Thứ bột trăng trắng bám đầy trên lá cây và lất phất trong không khí như sương mờ, chúng tôi cứ thế bụm mũi mà đi, rồi ăn rau dại và uống nước suối ở vùng nhiễm độc. Cứù nghĩ hễ nhiễm nó là chết liền đâu ngờ cứ ngấm dần trong cơ thể. Không chỉ bệnh ngoài da, đến vài chục năm sau tôi còn phải sống chung với từng đợt tiêu chảy rất kỳ lạ…”
Chấp nhận không có con nên xin một con gái mồ côi về nuôi, nhờ vậy nay đã có được 2 cháu ngoại.
Và bỏ phần đời còn lại lao vào các hoạt động vận động chống CĐDC, giúp đỡ nạn nhân CĐDC, hỗ trợ trẻ khuyết tật, mồ côi. Năm 2008 có mặt trong đoàn đại biểu nạn nhân CĐDC trong chiến tranh đến Mỹ nhằm mục đích nói lên sự thật CĐDC: “Người dân Mỹ cần biết rõ chuyện gì đã diễn ra. Thương nhất là những đứa trẻ, chúng đâu biết gì về chiến tranh nhưng phải gánh chịu hậu quả tàn khốc suốt cả cuộc đời…”

95 - Đinh Viết Tứ
“TIẾNG VỌNG QUÊ HƯƠNG”
Luật sư Việt kiều ở Mỹ (2007).
Trước 75 tốt nghiệp ngành luật và báo chí, làm luật sư tham gia hoạt động chính trị ở miền Nam, có lúc từng làm đặc phái viên cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Sau 75 để vợ con di tản qua Mỹ còn mình vẫn ở lại Sài Gòn vì còn mẹ già phải chăm sóc.
Từ đó chấp nhận hòa mình vào chế độ mới, lên sống và lao động ở nông trường Thái Mỹ ở Củ Chi dành để “cải tạo” giới trí thức thành phố. Đến năm 1992 khi mẹ mất mới chịu qua Mỹ đoàn tụ với gia đình.
Trên đất Mỹ tiếp tục hành nghề luật sư nhưng song song đó còn tham vọng làm báo nói với việc thành lập một đài phát thanh năm 1996 mang tên “Tiếng vọng quê hương” đặt trụ sở tại khu Little Saigon có quan điểm chính trị độc lập nhắm mục đich phản ảnh “thực tế thì nào thì nói thế, người làm báo không được phản ánh sai” về tình hình trong nước ngược lại với phần lớn hệ thống truyền thông báo đài hải ngoại ở Mỹ đều mang ý hướng chống Cộng cực đoan bằng cách “bóp méo sự thật”.
Đó quả là một việc làm được xem là “điên rồ” lấy trứng chọi đá – nhất là lại phát xuất từ khu Sài gòn Nhỏ trung tâm của cộng đồng người Việt ở Mỹ - bởi đi ngược lại với chủ truơng của các thế lực chống Cộng từ lâu đã độc chiếm thị trường Mỹ. Bởi vậy gặp phải sự phản đối quyết liệt từ các phe nhóm này, bị họ tổ chức biểu tình đả đảo “đài phát thanh Việt Cộng”, yêu cầu nghị viện bang California điều tra xem đài có nhận tiền của chế độ Cộng sản hay không, hăm dọa “thanh toán” cả gia đình ông…
Trong tình hình căng thẳng như vậy, được một thời gian “Tiếng vọng quê hương” buộc phải tìm cách chuyển đổi thành chương trình mới khác “Việt nam quê hương” rồi “Tiếng quê hương” dưới dạng đài phát thanh trên Internet… Song song đó còn hình thức làm tuần tin qua đĩa DVD mang tên “Đời sống Việt” (V-life) ban đầu chỉ 3.000 đĩa/kỳ sau dần nâng lên trên 10.000 đĩa.
Ngoài ra còn bắt tay vào viết cuốn “Việt Nam, cuộc chiến mà tôi biết”…

96 - Đoàn Công Tính
NGƯỜI ĐI TÌM LẠI NHÂN VẬT CỦA MÌNH
Nhà nhiếp ảnh quân đội sinh khoảng 1946 tại miền Bắc. Sống ở TPHCM (2010).
Năm 1962 tình nguyện đi bộ đội dù chưa đủ tuổi và lại là con một trong gia đình. May mắn nhờ có niềm đam mê chụp ảnh tự phát nên một thời gian sau được nhận vào làm phóng viên chiến trường cho báo Quân đội Nhân dân.
Từ đó lao mình vào các trận chiến để săn ảnh với hành trang nghiệp vụ là cái hòm đạn đựng phim và chiếc máy ảnh cũ mua lại được bọc ni lông chống mưa cùng lời nhắn gửi đồng đội “Nếu tôi hy sinh xin hãy chuyển hết số phim này về toà soạn báo một cách nhanh nhất.” Kết quả là ảnh chiến sự của ông ba ngày sau theo đường bộ từ chiến trường miền Nam đã xuất hiện trên báo Hà Nội, một kỷ lục ảnh thời sự “nóng” nhanh nhất thời đó.
Đặc biệt ông đã có mặt kịp thời trên chiến trường khốc liệt Quảng Trị trong 81 ngày đêm tử thủ bảo vệ Thành cổ sáng tác nên những bức ảnh để đời như “Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ” hay “Cô gái trên đường hành quân” từng đoạt giải thưởng quốc tế ACCU Châu Á – Thái Bình Dương.
Sau chiến tranh, đuơng nhiên trở thành một phóng viên ảnh quân đội tầm cỡ với nhiều triển lãm trong nước lẫn quốc tế. Năm 2002 tất cả những bức ảnh lịch sử đó được in lại trong tập sách ảnh “Khoảng khắc” và tác giả đã tự mình lặn lội đi truy tìm tông tích của những nhân vật tình cờ trong các bức ảnh đó để trao tặng tác phẩm như một lời tri ân đền ơn đáp nghĩa.
Cuộc truy tìm khá gian nan bởi có người còn sống thì cũng không ít người đã mất như lời một nhân vật đã tiên tri lúc đó “Có thể ngày mai đây một số anh em chúng tôi không còn nữa nhưng Thành cổ sẽ sống mãi với lịch sử”. Ai đã mất thì trao tặng vật có hình ảnh họ cho thân nhân. Nhưng ngược lại có trường hợp nhân vật tưởng đã chết té ra vẫn còn sống nhưng lưu lạc xa xôi gần như mất tích rồi. Đặc biệt lại có trường hợp nhân vật mất hết giấy tờ không làm được thủ tục hưởng chế độ chính sách được thì may thay nhờ bức ảnh trong tập sách ảnh như một bằng chứng chính xác hùng hồn giúp khôi phục lại sự cống hiến một thời của họ, những người lính vô danh của thời khói lửa đã qua đang bị đe dọa rơi vào lãng quên mãi mãi.
Thật hạnh phúc khi có những bức ảnh tưởng là bình thường trong phút chốc trở thành là những bức ảnh “cứu mạng” thời hòa bình. Còn giá trị gấp nhiều lần những bức ảnh được gọi là “ảnh nghệ thuật”!

97 - Già Dêr
BỎ H.O TRỞ VỀ

Nông dân người dân tộc sinh tại Gia Lai. Sống ở Gia Lai (2008).
Người dân tộc Bahnar đi lính biệt kích chế độ cũ nên sau 75 phải đi cải tạo 6 năm. Năm 1998 được người quen cũ hướng dẫn làm thủ tục đi H.O qua Mỹ nhưng vợ con không đi theo được.
Tuy nhiên không sao hội nhập được với cuộc sống mới trên đất Mỹ: Không học được tiếng Anh, không ăn được thức ăn Mỹ, làm công nhân không quen với kỷ luật làm việc theo phong cách công nghiệp, thiếu bạn bè, nhớ nhà nhớ vợ con song khó dành dụm đủ tiền để bảo lãnh qua…
Đến năm 2001 quyết định quay về VN thăm gia đình. Ở được 3 tháng thì vợ bệnh qua đời, thế là thương con côi cút bèn quyết định… ở lại luôn! Chấp nhận trở lại đời nông dân làm lụng nương rẩy qua ngày như ngày xưa tuy đời sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng vẫn giữ được tâm hồn thanh thản thoải mái bù đắp lại bởi “Không có nơi nào sướng bằng nơi cha mẹ sinh mẹ đẻ đâu…”
Cuối năm 2007 nhờ uy tín lão làng (từng đi nuớc ngoài!) nên được dân làng bầu làm Già làng Plei Bông, huyện Mang Yang.

98 - Hồ Huy
“TAXI MAI LINH”
Doanh nhân sinh 1956 tại Thanh Hóa. Sống ở TPHCM (2010).
Mới 16 tuổi đã tình nguyện đi bộ đội làm lính trinh sát từng có mặt ở Sài Gòn đúng ngày 30.4.75.
Năm 1976 được cho đi học ngành cơ khí ô tô ở Liên Xô cũ và Tiệp Khắc nhưng tại đó phải bỏ sức lao động tự lực cánh sinh làm thêm đủ nghề lao động chân tay vất vả (bốc xếp, hái táo, đóng thùng nhà máy rượu…) mới sống nổi. Quá cảm thấy cái nhục của đói nghèo: “Thế hệ chúng tôi vào sống ra chết để rồi mang cái nhục đói nghèo hay sao? Mà nghèo thi đi đôi với hèn…”
Bởi vậy về nước rút kinh nghiệm nghề nghiệp bản thân (từ nhỏ đã mê ô tô, lớn lên học ngành cơ khí ô tô, làm thợ sửa ô tô, làm lái xe cho giám đốc Cty Du lịch Saigon Tourist…) quyết làm ăn lớn. Nhưng bước đầu lập tức va vấp năm 1995 bị Saigon Tourist… kỷ luật vì dám tự ý ký hợp đồng riêng. Nhưng cũng nhờ đó là bước ngoặt giúp mình tách ra kinh doanh riêng lập công ty taxi mang thương hiệu Mai Linh. Ban đầu 20 xe (hết 18 chiếc phải đi thuê) nay đã phát triển thành công lên 5.000 xe nhiều nhất nước với 15.000 nhân viên, trở thành tập đoàn lớn hoạt động ở 52 tỉnh thành trong nước và còn mở rộng kinh doanh qua Lào, Campuchia, sắp tới cả ở Mỹ nữa.
Không học hành gì về kinh doanh mà nhờ kinh nghiệm một thời làm lính trinh sát: “Trong kinh doanh phải phản ứng nhanh, chớp lấy những cơ hội để thành công. Tôi học được kỹ năng ấy từ những năm khoác áo lính trinh sát…”
Từ đó kinh doanh còn hướng về một mục tiêu nữa là nhằm “góp phần rửa cái nhục đói nghèo”. Đồng thời không quên làm từ thiện đền ơn đáp nghĩa một thời máu lửa đã qua nhưng không bao giờ quên: “Bạn bè tôi 10 người ra trận thì 8 người nằm lại với núi non. Tôi như nguời đánh cắp sự may mắn của đồng đội. Nợ nần đó làm sao trả hết với cuộc đời…”

99 - Hồ Ting
NUÔI ĐỨA CON TRƯỜNG SƠN VÔ THỪA NHẬN
Nông dân người dân tộc Vân Kiều sinh tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2008).
Đầu năm 1974 trên đường vào chiến dịch qua vùng tây Quảng Trị, một nữ thanh niên xung phong vừa sinh hạ một cháu trai mới 15 ngày tuổi chưa kịp đặt tên đã gửi lại cho già Ting người bản địa (bản Sêpu nay thuộc huyện Hướng Hóa) nhờ nuôi giùm với lời hẹn “Hòa bình con sẽ tìm về lại.” Nhưng mãi đến bây giờ 36 năm sau người đi vẫn đi mãi không về.
Thế là từ đó Già Ting sống cảnh gà trống nuôi con bất đắc dĩ khi vợ cũng bỏ đi (2 vợ chồng không con) khiến một mình phải bế đứa con nuôi đi khắp bản xin sửa, bón cháo, bồng ẵm dỗ dành ru ngủ, khi ra nương rẫy làm lụng phải gửi nhờ chị dâu trông nom. Lớn lên đặt tên cháu là Hồ Trường Sơn vì “Nó được sinh ra ở Trường Sơn, là con của lính Trường Sơn rồi lại sống cũng ở đây Trường Sơn này. Đặt tên Trường Sơn là để nhớ những ngày khói lửa.”
Năm 1993 lo lấy vợ cho Trường Sơn rồi con nuôi sinh được 4 cháu. Nhưng không may tai ương giáng xuống, năm 2007 Trường Sơn bị tai nạn giao thông qua đời. Vậy là bây giờ người cha nuôi ngoài ý muốn kia nay đã già khụm lại phải gánh thêm trách nhiệm nuôi cháu “nuôi” trong hoàn cảnh đời sống người dân tộc nơi đây – vốn là một căn cứ hậu cần của bộ đội Trường Sơn – vẫn còn lắm khó khăn bần hàn.
Dù vậy trong thâm tâm già vẫn không ngớt mong ngóng một ngày nào “cô Mai quê Thái Bình” thanh niên xung phong ngày ấy quay trở lại hỏi “Con tôi đâu?” Vừa mong vừa sợ vì lúc đó Già phải trả lời sao đây với cô?
Nhưng ai biết được cô còn sống, lưu lạc nơi đâu có còn nhớ đến giọt máu năm xưa bỏ lại bên đương hành quân. Hay cô cũng đã trở thành cát bụi dọc đường Trường Sơn nên ở một nơi hoang đường nào đó đã gặp lại nó - đứa con Trường Sơn kết tụ của một mối tình Trường Sơn trong thoáng chốc trước khi dấn mình vào cuộc tử sinh dễ như bỡn?

100 - John Nguyễn
BỊ CON TỪ CHỐI NHẬN CHA
Việt kiều Mỹ. Sống ở Mỹ (2008).
Sau 75 một mình vượt biên năm 1979 bỏ lại vợ và một con trai mới sinh.
Ba năm sau khi cuộc sống ở Mỹ đã tương đối ổn định mới viết thư về cho vợ nhưng không thấy hồi âm do vợ con đã đổi chỗ ở, từ đó mất liên lạc luôn. Người vợ tưởng chồng hoặc đã mất tích trên biển hoặc đã lấy vợ khác nên cũng đi thêm bước nữa. Người chồng sau đối xử với người con đời chồng trước rất tốt, nuôi dưỡng cho ăn học tử tế.
Năm 2007 ông quay về nước tìm gặp được vợ cũ mới rõ cớ sự. Đành chấp nhận thực tế, chỉ có ước nguyện được nhận lại con trai. Nhưng oái oăm thay người con nhất quyết không… nhận cha vì oán trách ông đã đành lòng bỏ rơi mình trước kia trong khi người cha dượng sau này lại rất thương mình dù bà mẹ và cả cha dượng đã nói cho biết sự thật.
Người cha ruột định kiện ra tòa giành quyền làm cha song gặp nhiều trở ngại khó giải quyết vì giấy tờ hộ khẩu cũ trước 75 và sau 75 cũng như hồ sơ công an qua năm tháng đều mất hết hoặc thất lạc không còn manh mối. Còn biện pháp cuối cùng là cho thử ADN cha – con thì người con nhất quyết không chịu cho mẫu xét nghiệm. Mà chuyện này thì luật pháp không cho phép bắt buộc nếu đương sự không tự nguyện!
Không biết rồi câu chuyện tình phụ tử “cưỡng chế” này kết cục sẽ đi về đâu.
(Còn tiếp)

ĐÃ RỒI MỘT THUỞ - HOÀNG LỘC

đã rồi một thuở vai anh
tay em vịn,dẫu không đành bàn tay
dễ chi có được một ngày
tóc xanh và tóc trắng
bay giữa trời

em về héo một làn môi
yêu thương không thể gửi lời phân bua
trông theo, hai con mắt mờ
và vai anh lạnh mùa thơ đã vàng

còn gì giữa chốn tro than ?
tay cời
miệng thổi
bếp tàn
lửa khô...
2-2010

HOÀNG LỘC


BẠCH HẠC,VIOLETTE


BẠCH HẠC

Gầy guộc và mong manh
Chấp chới ngàn cánh hạc
Thơm ngát ánh bình minh
Qua một đêm xuân tình
Ngàn cánh hạc treo mình
Vụt bay vào hư mộng
Để lòng ta xao động
Bên nhánh gầy mong manh

VIOLETTE

Tím ca không gian tím cả hồn
Sương chiều lịm tím cả hoàng hôn
Chiều buông tim tím màu thương nhớ
Thương nhớ ai mà luôn vấn vương


ĐÔNG HOÀNG



HUẾ - ĐẠI LỄ CẦU NGUYỆN QUỐC THÁI DÂN AN TẠI ĐỀN THỜ VUA TRẦN NHÂN TÔNG


Ngày 21-2, đại lễ cầu nguyện quốc thái - dân an đã được Trung ương Giáo hội Phật giáo VN và tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức tại đền thờ vua Trần Nhân Tông, TP Huế . Hàng vạn tăng ni, phật tử, công chúng Huế và du khách đã tham dự.

Đây là hoạt động mở màn cho lễ hội đền Huyền Trân năm 2010 gồm nhiều hoạt động văn hóa tâm linh, hội thảo, trình diễn nghệ thuật, nghề truyền thống...

(Theo TTO)

THƠ NGUYỄN MIÊN THẢO

HẠT LÚA

Ta ngồi soi hạt lúa vàng
thấy trong tiền kiếp muôn ngàn sinh linh
từ ngày về chốn u minh
chỉ riêng hạt lúa chung tình với ta
và em
với bóng trăng tà. . .

THƠ ĐÔNG HÀ


MUỘN QUÁ MẤT RỒI

Muộn quá mất rồi
thôi về lại
em gửi lại anh đôi mắt rất buồn
dù khô cạn không gọi là khóc nữa
cũng như tình không thể xanh thêm

Muộn quá mất rồi
thôi hò hẹn
em gửi về anh như nụ hôn đầu
cái vụng dại không còn đâu nữa
nhưng vẫn thật thà một nỗi rưng rưng

Muộn quá mất rồi
thôi chờ đợi

Mà sao em vẫn ngóng bên thềm...

THƠ VŨ TRỌNG QUANG


TỨ TUYỆT
Mũi tên chim én
mãi trên đường bay
từ hoa nở đến
đến tận hoa phai

CHU KỲ
Chiếc lá đẹp nghiêng rơi
níu giữ chiều ba mươi
cô gái quét khoảnh khắc
đứng tiếc giao mùa trôi.

HOA XƯƠNG RỒNG
Từ gió cát mặt trời
lá rùng mình gai nhọn
dâng giọt máu tặng người
nở hoa đỏ thầm lặng.

MẸ & TÓC XUÂN EM
Mẹ thương đan tóc xanh em
ba mươi phai nắng bên thềm vàng rơi
em thưa lựa tóc bạc Người
ngày xuân thiếu nữ một thời hồng xa.

TỊNH TIẾN
Năm cũ cố định nhanh trôi
năm mới di động yên đứng
em mới cố định sau tôi
tôi cũ phía trước di động.

TƯƠNG ĐỐI THIẾU NỮ & TRĂNG
Đêm buông hết thảy thanh xuân
ngàn vàng khỏa thân trăng xanh
triệu năm ánh sáng lồ lộ
trăng vàng khỏa thân ngàn xanh.

BỐN CÂU
Bốn câu nào phải tứ tuyệt cú
tứ tuyệt cú không ngoài bốn câu
nữ yêu tuyệt vời hơn yêu nữ
tính yếu tuyệt tự yếu tính đâu

THƠ TRẦN DZẠ LỮ


X U Â N T Ì N H
Tặng một người…

Ví dầu đôi đũa so le
Tình yêu vẫn tự nghìn khuya cháy về…
Cầm tay miễn chấp câu thề
Môi hôn vẫn mặn ,mắt kia vẫn nồng
Ví dầu không bế, chẳng bồng
Keo sơn vẫn buộc, chỉ hồng vẫn neo..
Lòng em như suối trong veo
Câu thơ anh lội qua chiều tương tư!
Ví dầu mai mốt tình hư
Kẻ nung người nấu cho vừa lòng nhau
Dễ gì qua cuộc bể dâu
Mà không trả gía cho màu nhớ nhung ?

MÙA XUÂN GỬI NGƯỜI NHAN SẮC

Em nhan sắc-cho đời tôi mê mải
Vó câu dồn cũng không kịp mùa xuân
Tôi lên non-Em đã về biển cả
Tình đong đưa quen, lạ giữa muôn trùng!

Em kỳ hoa-Còn tôi lòai dị thảo
Mọc vô vàn thương nhớ đến khôn nguôi
Vườn hạnh ngộ có không ngày mai nữa
Và thiên đàng mộng mị đã phai phôi ?

Em mật ngọt-Còn tôi là chén đắng
Vỡ bên chiều hiu hắt gió tương tư
Tháng giêng xanh-Em đi rồi phố vắng
Tôi quay về lẽo đẽo bóng tôi xưa…

Em qúy phái-Cho hồn tôi vò võ
Những cơn mê là địa chấn bên đời
Gặp nhau chi? Để một người lữ thứ
Hát hỏng buồn-khao khát một mùa vui…

MỒNG NĂM TẾT - CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN (KỲ 8)


CAO HUY KHANH
VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN
1975 – 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Tám


81 - Dương Văn Phúc
GỬI NHỜ VƯỢT BIÊN
Việt kiều ở Đức sinh năm 1967 tại Phan Thiết. Sống ở Đức (2007).
Chưa đầy 10 tuổi đã cùng chị và em trai được bố mẹ vốn là dân đánh cá gửi nhờ thuyền vượt biên từ vùng biển Phan Thiết năm 1976. Và sau một hải trình kinh hoàng suýt chết đã đến được Thụy Sĩ nhưng do vô thừa nhận nên phải vào trại trẻ mồ côi.
Phải chờ một thời gian dài sau đó ba chị em mới được nhận làm con nuôi, mỗi người một gia đình ở cách xa nhau. Riêng mình may mắn được nhận làm con út một gia đình thuộc giới văn nghệ sĩ.
Lớn lên ra đời làm việc mới tìm về lại quê hương tìm gia đình thì cha đã mất chỉ còn lại mẹ già, muốn đưa mẹ qua Đức nhưng mẹ không thích chỉ muốn ở lại cùng làng nước. Năm 1997 lấy vợ, mẹ mới chịu qua dự đám cưới.
Cuộc đời những trẻ mồ côi vượt biên đã được khái quát hóa qua câu chuyện của mình thành bộ phim truyện nhựa “Em trai tôi lấy vợ” do đạo diễn Thụy Sĩ là người anh nuôi thực hiện năm 2007 trình chiếu trong Liên hoan Phim Thụy Sĩ. Trong phim có sự tham gia của một số diễn viên VN trong đó có NSƯT Thành An và NSƯTMẫn Thu (đóng vai bà mẹ).

82 - Đặng Văn Minh
“NGÀN GIỌT LỆ RƠI”
Cán bộ ngành ngoại giao sinh 1909 tại Vĩnh Long – Mất 1986 ở VN (78 tuổi).
Tham gia Cách mạng từ thời kháng Pháp, năm 1954 đi tập kết dẫn con trai lớn ra Bắc để vợ và 5 con nhỏ ở lại miền Nam.
Ra Bắc, chuyển qua ngành ngoại giao làm đại sứ, con trai lớn được đưa đi Nga đào tạo thành một sĩ quan phòng không. Còn tại miền Nam, một con trai cũng được chọn lựa qua Mỹ huấn luyện làm phi công chiến đấu nhưng không may thiệt mạng trong một phi vụ bay thử tại đây; một con gái thì lấy một phi công hải quân Mỹ hoạt động trên chiến trường VN rồi sau chuyển qua Hawai.
Trong biến cố 30.4.75, con gái cùng chồng sống ở Hawai vận động hải quân Mỹ đưa máy bay qua Sài Gòn di tản mẹ và cô em gái út đang mắc kẹt ở đây qua Mỹ. Nhưng cũng từ đó tiết lộ thân phận của mình là con gái một cán bộ ngoại giao cao cấp của Cộng sản!
Thế là phía Mỹ mở một chiến dịch mật ngầm tìm cách dùng con gái gài mối liên hệ với chính quyền mới ở VN. Từ đó sắp xếp một cuộc hội ngộ tại Nhật Bản vào tháng 6.75 giữa người con gái với cha mình ở hai bên chiến tuyến sau 23 năm xa cách, trong cuộc gặp còn có mặt đứa cháu ngoại… lai Mỹ!
Nhưng cuộc gặp gỡ bí mật này sau đó đã được ông báo cáo lại với Hà Nội, bởi vậy có thể nói một “cuộc chiến tình báo” đã diễn ra giữa đôi bên Mỹ và Cộng sản tranh nhau “giành giật” gia đình họ Đặng. Qua đó một cuộc đoàn viên gia đình được cả hai bên cho phép diễn ra trên đất trung lập Pháp năm 1976 với hy vọng “phe mình” sẽ chiến thắng trong cuộc đấu tranh nội bộ gia đình này. Phía nguời cha (vẫn chung thủy với vợ) cố thuyết phục vợ con quay về quê hương nay đã độc lập thống nhất, phía người mẹ (cũng ở vậy một mình nuôi con) thì ngược lại không chấp nhận chế độ Cộng sản và lại muốn lôi kéo chồng theo mình. Kết quả ý đồ bên nào cũng thất bại.
Năm 1977 thêm một cuộc hội ngộ gia đình nữa được dàn dựng lần này trên đất Anh với mục đích “chiến tranh chính trị” tương tự tuy kéo dài đến hai tuần lễ vẫn không đi đến đâu vì quan điểm lập trường đôi bên quá cách xa nhau. Cuối cùng hai “phe” – phe mẹ đầy đủ mẹ và các con, phe cha chỉ mình ông vì người con trai cả sĩ quan phòng không Quân đội Nhân dân VN đã bị kỷ luật xuất ngũ – đành chấp nhận “đình chiến” để còn giữ lại chút tình cảm gia đình huyết thống trước khi chia tay nhau gần như vĩnh viễn trong nước mắt – “Ngàn giọt lệ rơi” chính là tựa đề của thiên hồi ký đẫm lệ này mà nhiều năm sau người con gái l?y chồng Mỹ đã viết lại (“A thousand tears falling”).
Từ đó đôi bên ngàn thu vĩnh biệt, người cha qua đời năm 1986, bà mẹ mất năm 2001 sau khi đã gặp mặt người con trai đầu bấy giờ cũng đã qua sống luôn ở Mỹ. Tập hồi ký “Ngàn giọt lệ rơi” được đạo diễn Mỹ dựng thành phim, ngoài ra còn được dùng làm tài liệu giảng dạy trong một số trường ở Mỹ chung quanh chủ đề cuộc chiến tranh Việt - Mỹ.

83 - Đinh Thị Đen
VỤ THẢM SÁT THÔN T’RÂU
Dân thường người dân tộc sinh năm 1960 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở Đà Nẵng (2007).
Cuối tháng 4.1963 đang đêm quân Mỹ dùng máy bay trực thăng mở một trận đột kích vào thôn T’râu thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế (xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông ngày nay) nơi sinh sống của đồng bào Cơ Tu vì đây là một căn cứ địa tiếp tế hậu cần cho bộ đội vùng đông Trường Sơn. Cuộc tấn công diễn ra nhanh chóng chủ yếu tập trung vào ngôi nhà dài đốt nó cháy rụi, nơi hơn 20 dân làng đang ngủ say không hề hay biết chuyện gì xảy ra, toàn bộ người lớn bị thiêu cháy hoặc bị bắn chết tại chỗ. Chỉ có 12 đứa trẻ chạy ra thoát thân thì được nương tay tha chết trong đó có ĐT Đen khi ấy mới 3 tuổi.
Sau đó bọn trẻ được đưa về Đà Nẵng, vào cô nhi viện mở đầu chặng đời lưu lạc tha phương mất dấu quê nhà, cha mẹ.
Riêng mình được đổi tên đi học trường y tế ở Quãng Ngãi ra làm y tá trên huyện miền núi Quảng Nam. Năm 1993 gặp được một nguời bà con kể lại đầu đuôi nguồn cội gốc gác mình liền xin nghỉ việc về Đà Nẵng mở tiệm hớt tóc với mục đích ở gần quê cũ để tìm cách đi truy tìm dấu tích gia đình năm xưa. Nhưng trải qua hơn 40 năm vùng quê xưa nay đã đổi khác quá nhiều, dù có về lại – hơn 10 lần - cũng không tìm ra đâu là nơi làng bản ngày trước, đâu là di tích của ngôi nhà dài đã trở thành nấm mồ tập thể cả làng. Thế là hàng đêm thức trắng ngồi viết những lá thư lai láng nước mắt thương nhớ cha mẹ không bao giờ được được gửi đi bởi có biết đâu là địa chỉ: “Không đêm nào tôi không nằm mơ thấy quê hương, thấy những đứa trẻ đen đúa như tôi ngày xưa khóc vật vã giữa nương rẫy và thấy cả người mẹ ngủ ngon lành trên chõng tre…”
Mãi đến năm 2007 một già làng bên cạnh mới tình cờ phát hiện được dấu tích hai chiếc cột nhà của nhà dài kia bị cháy xém vùi lấp dưới đất. Từ đó xác định được địa điểm nhà làng thôn T’râu ngày xưa.
Những đứa trẻ thôn T’râu sống sót đã gọi nhau cùng trở về dựng bia và một dãy mộ tượng trưng tưởng niệm cha mẹ và thân nhân bất hạnh của mình tại đây để nói rằng “Chúng con đã về đây!”

84 - Huỳnh Phan Anh
KINH NGHIỆM HƯ VÔ THỰC SỰ
Nhà văn tên thật Huỳnh Thanh Tâm sinh 1940 tại Bình Dương. Sống ở Mỹ (2010).
Trước 75 dạy Triết và viết báo, sáng tác, dịch thuật, từng ra ứng cử Quốc hội ở miền Nam. Sau 75 vẫõn ở lại TPHCM không theo gia đình ra nước ngoài.
Từ đó sống đời quên lãng lang thang quán xá bầu bạn với giới văn nghệ trẻ đàn em say sưa quên đời. Bấy giờ mới đích thực được sống “kinh nghiệm hư vô” như nhan đề một cuốn tiểu luận đã viết những năm 60 – “Văn chương và kinh nghiệm hư vô” – lúc ấy vốn mới chỉ là một mớ kinh nghiệm lý thuyết ảnh hưởng văn chương viễn mơ phương Tây.
Bất ngờ đến thời đổi mới được “khôi phục” lại vị trí nhà văn cũ uy tín, bắt đầu dịch và in lại một số tác phẩm văn học Pháp. Thế là được cả chính phủ Pháp công nhận là một chuyên gia về văn hóa Pháp, được mời đi nghiên cứu dịch thuật ở Pháp.
Mãi đến năm 2002 mới chịu qua Mỹ đoàn tụ với gia đình song vẫõn thường xuyên về nước đi tìm lại dư âm của bao thời dâu bể đã qua. Với một quan điểm độc lập: “Tôi xin khẳng định một điều là cho dù tôi có sống ở Mỹ một vài năm nay hay trong suốt phần đời còn lại của cuộc đời thì tôi cũng khó hội nhập được vào nước Mỹ! Tôi không bao giờ là một nhà văn lưu vong. Tôi đã và vẫn sẽ là một người VN… Tôi nghĩ trong khi chờ đợi làm nhà văn thì hãy làm người đã. Điều đó cũng có ích cho xã hội.”

85 - Huỳnh Trí
ĐẠI TÁ VỀ HƯU KHÔNG NGHỈ HƯU
Bộ đội về hưu sinh 1947 tại An Giang. Sống ở An Giang (2009).
Đại tá “Hai Trí” khi còn tại chức đã quan tâm nghe ngóng tin tức rồi tổ chức đi tìm hài cốt đồng đội trên chiến trường Campuchia nơi ông từng chiến đấu một thời trước 75.
Đến khi về hưu 62 tuổi vẫn tình nguyện xin theo Đội K93 An Giang làm nhiệm vụ truy tìm và quy tập hài cốt bộ đội hy sinh trên chiến trường Campuchia. Phải xin phép cấp cao đặc biệt mới được chấp thuận cho đi theo đoàn làm cố vấn hướng dẫn.
Từ đó trong 8 năm qua không hề “nghỉ phép” ngày nào đã đi khắp các tỉnh Ta Keo, Kan Dal, Kam Pot, Kompong Speu, Koh Kol trên đất Campuchia giúp tìm được gầøn 800 bộ hài cốt bộ đội liệt sĩ đưa về quê mẹ.
Dân Campuchia kính phục gọi ông là “Tà Hai” ý chỉ tôn trọng một người có uy tín trong phum sóc của họ.


86 - Jenny Do
MỘT TÌNH YÊU HUẾ
Luật sư sinh 1966 tại Vũng Tàu. Sống ở Mỹ (2008).
Con lai mẹ VN bố Mỹ (tên Việt là Phương Thanh) nên được bảo lãnh qua Mỹ năm 1984. Tốt nghiệp luật sư nhưng lại quay qua hoạt động xã hội và nghệ thuật có nhiều cống hiến cho TP San Jose (làm cố vấn cho Hội đồng Nghệ thuật San Jose) nên năm 2007 đuợc bang này tặng cho danh hiệu “Người phụ nữ của năm.”
Từ đó còn chuyển hướng đưa những hoạt động trên hướng về quê hương như tại Mỹ lập Phòng tranh Greence dành cho học sinh Việt, tổ chức những buổi nói chuyện về văn chương VN… Trực tiếp hơn, còn về VN tổ chức những hoạt động từ thiện. Đặc biệt không hiểu vì sao tập trung cho Huế (quê gốc Huế?) như lập Hội “Những người bạn Huế”, lập “bệnh viện di động” cho người nghèo, vận động giúp bệnh nhân nghèo mổ tim, lập Trung tâm Bảo trợ trẻ em Xuân Phú năm 2003, nuôi trẻ mồ côi Huế, cấp học bổng…
Giữa bao nhiêu công việc bề bộn như thế thì giữa năm 2007 được chẩn đoán… mắc bệnh ung thư khi mới hơn 40 tuổi! Nhưng sau những đợt hóa trị vẫn tranh thủ bay về Huế…

87 - Không tên 1
MÁI TÓC NẠN NHÂN BOM NAPALM
Thợ thêu nữ sinh 1960 tại Tây Ninh – Mất 2006 ở Bà Rịa - Vũng Tàu (47 tuổi).
Là một nạn nhân tương tự Kim Phúc cô bé trần truồng vừa chạy vừa la hét dưới trận mưa bon napalm ở Tây Ninh năm 1972 trong bức ảnh nổi tiếng của phóng viên ảnh quốc tế Nick Ut.
Sau đó được đưa về bệnh viện ở Sài Gòn chạy chữa cứu sống với mặt mày và thân thể chi chít vết sẹo, tóc không bao giờ mọc nổi nữa. Rồi được một gia đình nhân hậu ở thành phố nhận làm con nuôi.
Sau 75, bố mẹ nuôi đều qua đời đẩy chị vào con đường phải tự lực mưu sinh làm đủ các nghề như giữ em, ở đợ, thậm chí đi quét rác nữa… Nhờ có người giúp đỡ được đi học nghề thêu ba năm thành tài, ra mở lớp dạy thêu và tự gây dựng được một cơ sở làm tranh thêu xuất khẩu.
Đời sống đã ổn định, công việc làm ăn phát triển tốt nhưng vẫn luôn giữ mặc cảm là người không bình thường, đầu phải luôn chiếc mũ len che những vết sẹo loang lổ, không nói năng giao tiếp được rõ ràng mà phải dùng cách bút đàm nên chán đời nhiều lầøn muốn tự tử.
Đếùn một ngày nọ bất ngờ nhận được một món quá quý giá đầy xúc động: Một mái tóc dài của một bạn học thêu cũ không may gặp tai nạn qua đời trước khi lìa đời đã trăng trối tặng lại cho chị đội thay chiếc mũ len xấu xí kia.
Món quà đã làm chị bừng tỉnh trong cuộc sống tiếp tục với niềm tin yêu trở lại thành một người như bao người bình thường khác. Như tâm tình nhắn gửi: “Chị chỉ xin một điều: Đừng nêu tên chị vì chị cũng bình thường như bao con người bình thường khác.”

88 - Không tên 2
KHÔNG ĐƯỜNG VỀ
Người dân tộc Tây Nguyên không biết tên sinh 1957 tại Pleiku. Sống ở Mỹ (2004).
Năm 2002 đi theo nhóm người dân tộc ở Tây Nguyên trốn qua Campuchia rồi được Mỹ thu nhận cho ngụ cư ở bang North Carolina.
Đến năm 2004 cùng 2 người bạn đồng hương khác quyết định về VN thăm gia đình qua ngã Los Angeles nhưng đến nơi không đi được do không được Tòa Đại sứ VN cấp visa. Cả ba được hội tôn giáo cứu trợ chuẩn bị đưa họ về lại Quận Cam nơi có đông đảo cộng đồng dân VN sinh sống nhờ giúp đỡ nhưng cả ba lại tìm cách trốn quay trở lại sân bay quyết về VN cho được.
Tuy nhiên trong chuyến đi thứ hai này, bản thân “Người không tên” mất hết giấy tờ lại không biết tiếng Anh nên chỉ còn lại một mình trong khi 2 người kia thì đi được nhờ máy bay Đài Loan đưa qua Campuchia khỏi cần thị thực visa của VN. Từ đó ông bị… kẹt lại ở sân bay trong suốt một tháng trời ăn ngủ tại chỗ cứ tơ lơ ngơ dáo dác đây đó mà chẳng biết xoay xở ra sao! Cuối cùng nhân viên sân bay phát hiện mới cùng những người hảo tâm giúp đỡ tìm chỗ ở, mua thức ăn, góp tiền mua vé máy bay cho ông về San Francisco một lần nữa xin visa nhập cảnh vào VN xem sao…
Giống hệt chuyện của bộ phim truyện “Terminal” do 2 ngôi sao Mỹ thực hiện, Tom Hanks đóng vai “Người không tên”, S. Spielberg đạo diễn. Nhưng Tom Hanks còn có đoạn kết có hậu, còn trường hợp này không biết kết thúc thế nào, chỉ biết nhân vật chính ở đây nói ông vẫn chấp nhận “liều” về nước dù biết có thể bị chính quyền làm khó dễ vì đã bỏ trốn qua Campuchia.

89 - Khúc Minh Thơ
ÂN NHÂN CỦA H.O
Nhà hoạt động xã hội sinh khoảng 1948 tại Sa Đéc. Sống ở Mỹ (2010).
Năm 23 tuổi đã thành góa phụ khi chồng sĩ quan quân đội chế độ cũ tử trận để lại 3 con nhỏ. Sau đó lấy chồng khác sĩ quan cao cấp cảnh sát chế độ cũ.
Vào thời điểm 30.4 làm nhân viên Đại sứ quán chế độ cũ ở Philippines phải bỏ qua Mỹ, chồng con còn kẹt lại ở Sài Gòn phải đi cải tạo.
Tại Mỹ qua quan hệ với bạn bè cũ làm trong ngành ngoại giao Mỹ đã trở thành người tiên phong đứng ra vận động với Quốc hội và chính phủ Mỹ (gặp Tổng thống R. Reagan và Tổng thống G. Bush cha thời đó) liên hệ với phía VN nhằm xác lập chế độ H.O dành cho sĩ quan chế độ cũ được bảo lãnh qua Mỹ. Trong thời gian 8 năm vận động có lúc bà được chẩn đoán tình nghi mắc bệnh ung thư nhưng vẫn không bỏ cuộc.
Cuối cùng chế độ HO được 2 nước chuẩn thuận bắt đầu thực hiện từ năm 1990 giúp cho khoảng 300.000 gia đình sĩ quan chế độ cũ đi cải tạo trở về được bảo lãnh qua Mỹ. Riêng ba con bà lại phải vượt biên mới qua được, sau đó mới bảo lãnh chồng qua đoàn tụ vớùi gia đình.

90 - Khương Thế Hưng
NGƯỜI YÊU CỦA ĐẶNG THÙY TRÂM
Bộ đội sinh 1934 tại Hội An, Quảng Nam – Mất 1999 ở Hà Nội (66 tuổi).
Chính là người yêu của nữ liệt sĩ bác sĩ Đặng Thùy Trâm tác giả cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” được phát hiện nổi tiếng từ Mỹ chuyển về VN năm 2005, là nhân vật M. trong cuốn nhật ký (viết tắt bút danh làm thơ của anh, Đỗ Mộc hoặc Nguyên Mộc).
Mới 16 tuổi đã tham gia đánh Pháp, sau tập kết ra Bắc. Xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ trí thức (con trai nhà thơ tiền bối Khương Hữu Dụng) nên nhanh chóng nổi tiếng là một mẫu thanh thanh niên lý tưởng thời này: Đẹp trai, “cái gì cũng giỏi” từ học hành, ca hát, đánh đàn, thổi sáo (tác giả bản nhạc múa “Chàm Rông” nổi tiếng thời anh chiến đấu trên chiến trường miền Trung sau này), làm thơ, chơi thể thao….
Mối tình đôi bên chớm nở từ mối giao tình hai gia đình trí thức cùng gốc gác miền Trung tập kết (bố ĐT Trâm là bác sĩ quê Huế và ĐT Trâm cũng sinh tại Huế). Nhưng năm 1962 từ khước vào đại học và chia tay người yêu để xin vào Nam lại chiến đấu trên chiến trường máu lửa Quảng Ngãi, trong đoàn chiến sĩ vào Nam chiến đấu sớm nhất. Từ đó nhanh chóng trở thành một lãnh đạo cuộc chiến chống Mỹ ở địa phương, lăn lộn gần 100 trận đánh chịu khoảng 20 vết thương trên mình. Ngoài ra còn thành lập Đoàn Văn công Quảng Ngãi, sáng tác nhiều hành khúc chiến đấu và bản nhạc múa “Chàm Rông” (năm 2006 thân hữu đã ghi lại một đĩa CD kỷ niệm).
Từ hậu phương miền Bắc, năm 1966 ĐT Trâm tốt nghiệp bác sĩ cũng tình nguyện vào Nam phục vụ và tìm đến Quảng Ngãi với hy vọng gặp lại cố nhân mối tình đầu cũng là mối tình vĩnh cửu. Nhưng hờn tủi thay khi gặp lại thì anh tỏ vẻ xa cách, trốn tránh không chịu nối lại đường tơ. Không phải vì anh đã có “người khác” mà vì một lý do thầm kín không bao giờ bày tỏ mà mãi đến khi hy sinh năm 1970 – lúc mới 28 tuổi - có lẽ cô cũng chưa kịp hiểu thấu tại sao. Mà anh cũng chưa kịp hé lộ cho ai khi cùng thời điểm đó bị thương nặng đưa về Bắc chữa trị (sau đó chuyển qua làm phóng viên báo Quân đội Nhân dân, tham gia Ban Liên hợp quân sự bốn bên rồi về làm việc ở Tổng cục Chính trị quân đội).
Lý do đó mãi đến hàng chục năm sau khi anh qua đời năm 1999 người thân mới phát hiện trong những dòng nhật ký úa vàng của riêng anh còn kẹp ở giữa những lá thư của ĐT Trâm – một “Nhật ký Khương Thế Hưng”. Nhật ký của một mẫu hình chàng trai lý tưởng chủ nghĩa cực kỳ sẵn sàng cống hiến hy sinh tất cả bản thân kể cả chuyện tình yêu vì lý tưởng chiến đấu cho quê hương đấùt nước.
Trong nhật ký anh đã giảûi thích lý do sở dĩ “đoạn tình” với ĐT Trâm vì một ý hướng cao thượng không muốn làm cho người yêu sau này phải đau khổ vì mình: “Tình hình này chắc chắn anh sẽ hy sinh trước ngày toàn thắng. Nên giữa đôi ta chỉ là tình bạn, tình anh em mà thôi… Anh sẵn sàng hy sinh hạnh phúc của riêng mình để Thùy tìm một hạnh phúc đảm bảo hơn, trọn vẹn hơn.”
Nhưng đau đớn và oái oăm thay chính người yêu lại ra đi trước anh, khi đó bom mới nổ trong lòng anh: “…Thùy ơi sẽ không có người con gái nào giống Thùy đâu, trong cuộc sống và trong trái tim mình… Em chết đi biến thành ngọn gió lượn trên đầu anh. Trên đời anh. Thành tiếng gọi đằng trước để anh đi tới. Anh đã nghĩ đó là tình yêu của người lính… Có phải vậy đâu mà lòng anh hôm nay thì trống rỗng… Bây giờ thì như bao giờ anh cũng cần sống xứng đáng hơn. Bao giờ cũng phải phủ định mình để khẳng định mình. Sống như vậy cực lắm Thùy ơi. Anh đuối sức. Và anh đau khổ…”
Nỗi đau đó được giấu kín trong đáy sâu tâm hồn, câm nín đến chết. Nó được ghim chặt trong đời thường cũng như cuộc sống của một người luôn sống vì người khác, không muốn làm phiền đến người khác nên tự mình chịu đau đớn cả về thể xác lẫn tâm hồn. Thậm chí còn không chịu làm thẻ thương binh để hưởng chế độ dù người đầy thương tích và nhiễm CĐDC, mỗi khi lên cơn từ vết thương đầu nhũn não có thể gây loạn trí chỉ ôm đầu lăn lộn chịu đựng một mình!
Trong lời tưởng niệm đọc tại lễ tang, nhà văn Nguyên Ngọc đã ngậm ngùi ghi nhận một người anh hùng thầm lặng của thế hệ, của thời đại: “Anh đã sống một cuộc đời xứng đáng. Đã có một con người trọn vẹn đi qua thế gian này. Một con người cao đẹp, tài năng, đức độ nhưng luôn luôn lẩn khuất giấu mình mà có lẽ chúng ta đã không thật sự biết rõ, thấu hiểu…”
Một “Paven VN” với thiên tìønh sử lãng mạn bi tráng vào hàng bậc nhất trong chiến tranh chống Mỹ nói riêng, trong lịch sử chiến tranh nói chung.
(Còn tiếp)


MỒNG BỐN TẾT - THƠ TỪ HOÀI TẤN

MỪNG NĂM MỚI
Có điều gì rất bồi hồi
Khi năm đã hết
Năm đã qua và năm sắp tới
Có điều gì bâng khuâng
Ngày đã qua và ngày sắp tới
Tháng cuối của một năm

Từ ngọn núi cao, muông thú
Gởi lời về bình nguyên
Từ biển mênh mông, những bầy cá lớn
Gởi lời về lục địa
Từ rừng xanh thẳm, những loài chìm
Gởi lời về ruộng đồng
Từ vũ trụ xa xăm, những hành tinh
Gởi lời về trái đất
Chúc mừng năm mới tới

Tình yêu của tôi
Bước ra đường
Với cành hoa
Cũng mở lời chúc tụng

Láng giềng của tôi, những chú chó con mới chào đời
Chạy ra khỏi nhà
Vang những tiếng kêu mừng rỡ

Có điều gì kỳ diệu vừa xảy ra
Sáng nay
Một ngày mới của năm

MỒNG BA TẾT - THƠ HOÀNG THỊ THIỀU ANH


GIAO THỪA

Chợt lột trần mình ra.
Đứng trước gương ngó bóng mình
Khuôn mặt đẫn đờ bóng tối.
Cùng đôi mắt nâu.

Bàn tay vuốt ve khuôn ngực.
Nhiệm mầu.
Vũ trụ sinh thành và hoại diệt.
Từ đâu
Ai biết

Để hôm nay giữa thời khắc trời đất giao hoà
Ngó thân thể lột trần trong tấm gương nhàu cũ.
Những lạ xa quá khứ quay về.
Bề bộn giấc mơ

Dưới lớp hình hài
Những dòng sông gợn màu rêu kí ức
Cháy trong em ao ước
Ngục tù

Nụ cười trên môi cong cớn
Nỗi nhớ vật vã
Bờ môi…
Hình như em vẫn thế
Trái tim vanh cong cuộc đời.

Một lần lõa thể.
Một lần …xa xôi
Trong tấm gương đầy bóng tối
Mỏng tanh
Thời khắc linh thiêng

Vạn vật giao thừa

MỒNG HAI TẾT - THƠ NGUYỄN MIÊN THẢO


LỘC BIẾC

Ta cởi trần em từng ý nghĩ
để xem còn bao nỗi bi thương
em ơi trời đất còn hay mất
em đẹp,trời ơi,đẹp dị thường

Ta cởi trần ta từng ý nghĩ
để xem nguồn cội của chân như
để xem lòng dạ người quân tử
sao vẫn còn vương những mịt mù

Ta cởi trần nhau từng ý nghĩ
để nhìn cho rõ cõi lòng nhau
quẩn quanh giữa một vòng sinh diệt
thì có nghĩa gì những khổ đau

Ta cởi trần nhau tường tận hết
mà lòng không gợn chút trăng hoa
hôn em tóc mượt mềm như lụa
lộc biếc,tình xuân bỗng vỡ oà...

MỒNG MỘT TẾT CHÚC MỪNG NĂM MỚI

chúc mừng tết nguyên đán canh dần 2010



MỘT NĂM MỚI NHẸ NHÀNG ĐẾN VỚI MỌI NGƯỜI




THƠ NGUYỄN MIÊN THẢO


NHỚ

Nửa khuya nhớ tiếng em cười
Nhớ câu em nói nhớ lời yêu thương
Nhớ em từ cõi vô thường
Nhớ em từ thuở bên vườn cổ thi
Nhớ hoài mỗi bước em đi
Nhớ đôi giọt lệ thầm thì cho anh

Nhớ em anh tự dỗ dành
Nhớ em anh tự dỗ dành anh thôi

PHONG TỤC NGÀY TẾT


Từ xưa đến nay, người dân Việt quanh năm thường làm ăn vất vả, ít khi nghỉ ngơi, nhiều người còn phải sống xa quê hương. Chỉ có những ngày Tết là dịp để mọi người đoàn tụ gia đình và chơi xuân.
Vì vậy việc chuẩn bị cho ngày Tết được tiến hành rất công phu, thường bắt đầu từ tháng chạp. Nhà nào cũng lo mua gạo nếp, đậu xanh để gói bánh chưng, bánh tét và mua muối, gia vị để đầy đủ trong nhà, chuẩn bị cho những bữa ăn ấm cúng bên gia đình. Nhiều gia đình còn muối dưa hành, làm củ kiệu.
Tết bắt đầu của một năm mớị, với tất cả niềm vui và hy vọng về mọi điều tốt lành. Trước Tết, nhà nào cũng dành thời gian lau quét, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, lau chùi bàn thờ, đánh bóng lư đồng, trang trí nhà cửa thật đẹp (với câu đối, cây hoa, tranh…) để đón Tết, chuẩn bị đồ ăn (bánh chưng, bánh tét, giò, chả, dưa chua, mứt tết, hạt dưa, các loại trái cây...), đồ uống (rượu, trà..) đầy đủ cho ba ngày Tết.
Có rất nhiều phong tục Tết được dân ta truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, và mỗi địa phương có một số phong tục đặc sắc riêng. Tuy nhiên, mỗi người con đất Việt hầu hết đều gìn giữ một số phong tục chính, mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc.

Tục gửi thiệp chúc Tết
Đây là phong tục mới có trong thời hiện đại. Thiệp chúc Tết thường có màu sắc tươi sáng, như màu vàng, hồng, đỏ... với hoa mai, hoa đào, dưa hấu, bánh chưng, bánh tét, câu đối, em nhỏ… Câu chúc Tết phổ biến nhất vẫn là “Chúc mừng năm mới”, “An khang thịnh vượng”, “Vạn sự như ý”…

Tục cúng ông Táo (hay còn gọi là Táo Quân, Vua Bếp)
Người ta thường mua hai mũ ông Táo có hai cánh chuồn và một mũ dành cho Táo bà không có cánh chuồn, ba cái áo bằng giấy cùng một con cá chép (còn sống hoặc bằng giấy, hoặc cũng có thể dùng loại vàng mã gọi là “cò bay ngựa chạy”) để làm phương tiện cho “Vua Bếp” lên chầu trời.
Ông Táo sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình ở hạ giới. Lễ cúng thường diễn ra trước 12 giờ trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ, biển hay giếng nước, tùy theo khu vực họ sinh sống.
Từ Nghệ An trở ra Bắc, người ta thường mua cá chép sống về cúng rồi thả xuống sông, hồ hoặc thả vào giếng, nuôi cá cho đến lớn để cá trông coi gia đình luôn thịnh vượng, con cháu được đỗ đạt, làm ăn được hanh thông. Có gia đình quan niệm nên phóng sinh để cá hóa thành rồng đưa ông Táo lên trời.
Riêng vùng Nam Trung Bộ trở vào thì tục lệ này có phần khác, theo quan niệm của họ, để tỏ lòng biết ơn các Táo, họ có thể dâng hoa quả, kẹo, bánh mứt... miễn là đồ ngọt, là cây nhà lá vườn chứ không cần cầu kì, mà chỉ cần lòng thành. Đặc biệt ở các tỉnh Nam Trung Bộ thường có bánh cốm làm bằng bột nếp rang nở, ở miền Nam là món bánh mè hay còn gọi là “thèo lèo”.

Tục tặng quà Tết, sắm quần áo mới cho trẻ con
Trước Tết, người Việt thường chuẩn bị quà Tết để biếu ông bà, cha mẹ, hay những ân nhân của gia đình. Ngày nay, quà Tết thường được gói với những hoa văn đẹp mắt để tặng "sếp", đối tác. Quà Tết thường là đồ thực phẩm có thể ăn, uống được trong dịp Tết như: trà, bánh kẹo, rượu, sôcôla…
Ngoài ra, trẻ con cũng thường được cha mẹ mua cho quần áo mới, đẹp để mặc Tết, thường chọn mua quần áo hơi rộng để mong các em lớn nhanh, khỏe mạnh.

Tục cúng giao thừa
Diễn ra vào thời điểm giao nhau giữa năm cũ và năm mới, khoảng từ nửa đêm hôm ba mươi đến một giờ sáng mùng một. Đồ lễ thường được bày trên bàn thờ ngoài sân, vườn. Người Việt tin rằng mỗi năm có một ông Hành Khiển, coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao cho thần kia, nên làm lễ cúng tế để tiễn đưa ông cũ và đón ông mới.

Tục cúng tổ tiên, ông bà
Thường vào sáng ngày mùng một, hoặc nhiều gia đình miền Trung cúng cả ba ngày Tết. Đồ cúng gồm có “hương, đăng, hoa, quả” (nhang, đèn cầy - nến, bông - hoa tươi, trái cây tươi), đồ ăn cần có: bánh chưng - bánh tét, thịt kho (hay cá kho), dưa giá, chả lụa...; đồ uống cần có: rượu, trà.
Ngoài ra, ở nhiều gia đình còn mua 2 cây mía (còn nguyên ngọn) để ông bà, tổ tiên có thể dùng như cây gậy khi đi về thăm con cháu.

Tục đi thăm viếng, chúc Tết
Mùng một thì Tết nhà chaMùng hai Tết mẹ (vợ), mùng ba Tết thầy
Câu ca dao trên hàm ý chúc Tết gia đình và bà con theo thứ tự thời gian. Theo đó, mùng một đến nhà cha, hay nhà nội để chúc Tết, mùng hai đến nhà mẹ, hay nhà vợ, nhà ngoại để chúc Tết và ngày mùng ba đến nhà thầy cô giáo (cũng có nghĩa là ngày để hội ngộ cùng bạn bè cũ).
Đây là quan niệm truyền thống, ngày nay cũng có nhiều người không còn theo thứ tự trên nữa, mà tùy thuộc vào thời gian, hoàn cảnh và điều kiện cho phép, vì có thể gia đình cha mẹ hai bên ở xa nhau.

Tục mừng tuổi (lì xì)
Người Việt trước Tết thường đổi một ít tiền mới (tiền giấy và tiền xu) và chuẩn bị sẵn các phong bao màu đỏ (màu đỏ là màu may mắn) để lì xì cho trẻ em và mừng tuổi cho người già vào dịp Tết.
Trước đây người Việt thường không có thói quen tổ chức sinh nhật, nên chỉ khi đến năm mới thì mọi người mới được coi là thêm một tuổi. Do đó tục lì xì (mừng tuổi) ra đời, tiền lì xì (mừng tuổi) là tiền may mắn nhằm mong cho trẻ em hay ăn chóng lớn, còn người già thì càng thêm thọ.
Lì xì để xua đuổi điều xấu, cầu may mắn cho trẻ nhỏ trong năm mới là một điều nên làm, nhưng ngày nay phong tục này ít nhiều bị bóp méo khi một số người quá đặt nặng giá trị vật chất của các phong bao lì xì, hay xem đó là một cơ hội để "biếu xén" cha mẹ chúng hơn là mừng tuổi cho trẻ nhỏ.

Tục chọn ngày lành để làm việc
Từ ngày mùng hai Tết trở đi, người ta tùy theo công việc của mình mà chọn ngày lành để bắt đầu làm việc. Người thì chọn ngày khai bút, người thì chọn ngày mở cửa hàng, người thì chọn ngày xuất hành...
Ngày đầu làm việc thường là mọi người gặp gỡ và chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới. Ở các công ty, lãnh đạo công ty thường lì xì cho toàn thể nhân viên và cùng nhau trò chuyện về những việc sẽ phấn đấu trong năm mới.

Tục đi lễ chùa và hái lộc
Sau khi cúng giao thừa xong, nhiều người đi lễ ở chùa, đền, miếu... để xin Phật, Thánh, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình cả năm được mạnh khỏe, bình an và mọi sự như ý.
Đặc biệt, họ thường đến chùa hái (hay “xin”) lộc. “Lộc” nghĩa là chồi, lá non nhưng nó cũng đồng âm với từ “tài lộc” nghĩa là “tài sản, thịnh vượng, giàu có” về mặt vật chất và đây mới là lý do chính khiến nhiều người vẫn rất tin vào tục lệ này.
Sau khi hái (hay “xin”) lộc xong, người Việt thường treo lộc đó trong nhà và để khô cho đến hết năm đó.

Thúy Huỳnh (TTO)


THƠ NGUYỄN MIÊN THẢO

BUỔI SÁNG UỐNG CÀ PHÊ Ở DINH ĐỘC LẬP

buổi sáng ra ngồi dinh Độc Lập
mộng bá đồ vương một chút chơi
tối về nằm mơ thấy Di Lặc
nghe suốt trần gian một tiếng cười

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN (KỲ 7)


CAO HUY KHANH
VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN
1975 – 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Bảy


70 - Bùi Minh Giám
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 1
Cán bộ về hưu sinh tại Thái Bình. Sống ở Tiền Giang (2009).
Bộ đội chiến đấu ở Long An, năm 1970 bị thương nặng được đưa đi về trạm dân y cứu chữa nhưng tiếp đó trạm này cũng bị đánh tan tác, riêng mình may mắn được chuyển đi kịp trong khi đơn vị và đồng đội cũ hy sinh gần hết. Được dân quân địa phương chữa trị, nuôi dưỡng, hôn mê một thời gian dài đến khi tỉnh dậy xem như mất liên lạc với đơn vị cũ nên được biên chế vào đơn vị mới chiến đấu ở tỉnh khác cho đến ngày toàn thắng 30.4.75.
Năm 1980 xuất ngũ thương binh bậc 3/4 chuyển qua làm công chức ở Mỹ Tho cho đến khi về hưu.
Năm 2008 tình cờ mới phát hiện một tấm ảnh chụp mộ liệt sĩ… mang tên mình nhưng không rõ nằm ở nghĩa trang nào! Vội bươn bả đi tìm qua nhiều nghĩa trang vẫn không thấy.
Đến giữa năm 2009 mới truy ra ấy là tại Nghĩa trang liệt sĩ Long An – chiến trường cũ đầu tiên trước khi bị thương - với đầy đủ chi tiết về quê quán, cấp bậc, chức vụ, thời gian và địa điểm chiến đấu đúng là… về bản thân mình!
Rõ là một trường hợp nhầm lẫn từ đơn vị cũ đã thất lạc mất thông tin dù cùng ở vùng Nam bộ nhưng vấn đề là ai – hài cốt nào được quy tập về - nằm dưới mộ đó bây giờ thật quá khó để truy ra trả lại đúng người đúng tên mộ.

71 - Đỗ Đình Goòng
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 2
Nông dân sinh khoảng 1944 tại Thái Bình. Sống ở Thái Bình (2008).
Năm 1964 bỏ nghề công nhân cơ khí để đi bộ đội, 1966 vào Nam chiến đấu. Năm 1967 sau một trận đánh ở Bình Long, bị thương và bị bắt làm tù binh đưa về trại giam Biên Hòa rồi sau đó chuyển ra Côn Đảo.
Đơn vị hoàn toàn mất liên lạc nên đến năm 1972 đã báo tử về gia đình kèm bằng Tổ quốc ghi công, được xã ghi tên lên… Đài Tưởng niệm liệt sĩ!
Không ngờ đến năm 1973 được trao trả tù binh theo Hiệp định Paris, chuyển về đơn vị pháo binh Thanh Hóa. Mãi đến cuối năm này mới có dịp trở lại quê nhà xin… xóa tên trên Đài Tưởng niệm! May mà vợ và hai con đã khóc cạn nước mắt vẫn còn đó.
Sau 75 xuất ngũ thương binh 3/4 trở về nghề công nhân cơ khí nhưng phải về hưu non do mất sức 61% với nhiều vết thương lưu niên thời trong tù bị đòn roi tra tấn cộng thêm bệnh sốt rét rừng mãn tính khiến người gần như chỉ còn da bọc xương. Chẳng làm được gì để giúp đỡ vợ con, lại còn nuôi mẹ già 90 tuổi nên được liệt vào hộ… nghèo nhất xã.
Nhưng vẫn tránh than thở bởi: “Mình được trở về, được sống những ngày hòa bình là niềm vui lớn rồi.”
Thỉnh thoảng vẫn ra thắp hương trước Đài Tưởng niệm cho những đồng đội “Liệt sí không sống lại” cùng lên đường một ngày với mình xưa kia. Với “cảm giác đứng trước linh hồn họ đối với tôi như mới ngày hôm qua mà không bao giờ tôi có thể quên được.”
Bởi vậy ngày trở về khi gia đình đốt pháo mừng ông còn sống, ông đã vội dập tắt ngay vì không muốn nhắc nhớ làm buồn lòng những người thân của các đồng đội “Liệt sĩ không sống lại” đó.

72 - Hồ Thị Rinh
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 3
Cán bộ về hưu sinh 1952 tại Quảng Nam. Sống ở Gia Lai (2009).
Người dân tộc Mơ Nông năm 1967 mới 15 tuổi đã thoát ly đi theo cách mạng chiến đấu ở các mặt trận Tây Nguyên và miền Trung. Đến 1969 hoàn toàn mất liên lạc với gia đình vốn phải chuyển chỗ ở liên tục để tránh bom đạn.
Sau 1975 sống và làm việc tại Gia Lai đã vô số lần tìm tông tích gia đình nhưng đều không kết quả. Gia đình cũng cất công dò hỏi về chị vẫn biệt tăm. Tưởng rằng chị đã hy sinh rồi, mẹ chị đêm nào cũng nằm khóc một mình.
May sao được một người quen đồng hương Quảng Nam cùng công tác đã tình cờ tìm được gia đình cũ của chị hiện vẫõn sống ở xứ Quảng. Và từ đó vào giữa năm 2009 đặc biệt anh đã “bí mật” tổ chức một cuộc hội ngộ trùng phùng cho chị với người em trai ngay trong… tiệc cưới của anh: Sắp xếp cho chị ngồi đối diện với người em trai!
Lập tức – sau 40 năm xa cách - chị nhìn ra ngay chồm lên ôm lấy đầu em trai khóc tức tưởi!
73- Hồ Ngọc Mỹ
NHÀ VĂN HÓA TÀ ÔI
Giáo viên sinh khoảng 1931 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở TT – Huế (2001).
Từ những năm 50 đã theo Cách mạng lên vùng núi rừng A Lưới dạy người Tà Ôi học chữ quốc ngữ cho đến tận ngày nay tròn nửa thế kỷ sống giữa vùng rừng núi hoang sơ.
Chẳng những dạy học mà còn góp phần đào tạo giáo viên người dân tộc kế tiếp nghiệp dạy học của mình và sáng tác thơ vè tiếng Tà Ôi nên được dân địa phương đặt tên “dân tộc” cho là Kon Ku Nô.
Nhưng trong đời riêng lại chịu nhiều đau khổ oan khiên khi một con trai đã chết vì di chứng CĐDC, con gái lớn 31 tuổi mắc bệnh tâm thần trong khi vợ bị bướu nặng nằm chờ chết. Vậy mà đêm đêm vẫn đánh vật với bản thảo bộ chữ Tà Ôi dang dở đang nằm đó chờ hoàn tất…

74 - Hồ Thị Thanh
BỆNH LOÃNG TỦY
Nông dân sinh 1950 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2005).
Đi thanh niên xung phong ở Vĩnh Linh từ năm 1971, hai năm sau đã phát bệnh phải xin về quê từ đó liên tục bệnh dây dưa với một lần mổ bướu cổ nên không dám lấy chồng.
Đến năm 1995 mới phát hiện ra bệnh lạ hiếm thấy là bệnh loãng tủy – di chứng CĐDC - làm đùi phải ngày càng lớn ra trong kCăn Giữahi chân trái và 2 tay dần teo lại, người yếu đi thấy rõ.
Hai lần mổ rồi lại tái phát như cũ. Trợ cấp Nhà nuớc 105.000 đồng/tháng, gia đình anh em đều nhà nghèo không ai đỡ đần được gì…

75 - Hồ Trọng Ám
THƠ CỨU CHUỘC
Nhà giáo sinh 1941 tại Huế – Mất 2006 ở Đồng Nai (66 tuổi).
Trước 75 dạy học ở Nha Trang.
Sau 75 thất nghiệp, gia đình tan vỡ phải bỏ vào Sài Gòn mưu sinh song nghề làm thầy không bon chen nổi thời này nên cuối cùng chọn về Long Thành (Đồng Nai) làm rẫy.
Sống ẩn dật ở nơi heo hút (con gái duy nhất lấy chồng ở xa), dù vậy vẫn được một phụ nữ Việt kiều đem lòng yêu thương nhưng lại quyết liệt từ chối theo người yêu mới qua Mỹ. Rồi bất hạnh lại giáng xuống năm 1998 mắc bệnh liệt nửa người nằm liệt giường 8 năm trời đến cuối đời.
May sao trong cảnh khốn đốn đó theo lời khuyên của một người bạn nhà thơ cũng là đồng hương hàng xóm làm rẩy bắt đầu làm thơ để tìm lãng quên vượt lên số phận. Lại được một phụ nữ hàng xóm cưu mang tận tình chăm sóc và còn thay mình ghi lại những bài thơ sáng tác trên giường bệnh: Nhìn cặp môi nhà thơ cử động và nhìn người bệnh ra dấu bằng tay để đoán ý nghĩa từ ngữ, phát âm từ ngữ.
Từ đó ít ra cũng đã tìm được một niềm an ủi hạnh phúc dẫu nhỏ nhoi là tận mắt nhìn thấy và ký tặng tập thơ đầu tay cũng là duy nhất “Chỉ còn lại” của mình do bạn bè tập hợp in (vi tính) 10 ngày trước khi nhắm mắt lìa đời. Với bao tâm tình gửi lại lạ lùng thay vẫn ánh lên một niềm tin bất toại:
“Cuộc sống là gì khiến ta suy nghĩ
Của riêng ta, không, của mọi người
Ta là kẻ trồng cây mong được quả
Gieo giống lành cho đời mãi xanh tươi.

Dẫu hình hài rồi đây không còn nữa
Của Xê da trả lại Xê da
Chỉ còn lại một chút tình dâu biển
Những mai sau xin để lại cho người.”

76 - Hồng Khắc Kim Mai
KHỔ NẠN THƠ
Nhà thơ sinh 1945 tại Huế. Sống ở Mỹ (2006).
Một nhà thơ nữ gốc Hoa trí thức tài hoa (dạy piano) từng nổi tiếng rất sớm ở miền Nam với tư tưởng “nổi loạn” nữ giới và phong cách cách tân thơ mới mẻ (làm cả thơ tiếng Pháp). Nhưng vào thời đó – những năm 60 – như thế là quá táo bạo nên ngay trên văn đàn chế độ cũ đã bị phê phán, lên án.
Đến sau 75 thì lại càng không phù hợp.
Bởi vậy năm 1977 đã vượt biên sang Mỹ. Thời gian đầu còn tham gia góp mặt trên các diễn đàn thơ hải ngoại nhưng đến năm 1999 đột ngột từ bỏ tất cả rút lui về… ở ẩn!
Thêm một trường hợp “quy ẩn” khá phổ biến đối với giới văn nghệ sĩ trí thức cũ miền Nam thời này, ở cả trong nước lẫn nước ngoài thể hiện sự chọn lựa thái độ giữ mình tự trọng trong hoàn cảnh bất lực trước thời cuộc không như ý:
“… Ta vẫn biết
Tự ta gieo trồng
Cây đớn đau trên ghềnh đá cô đơn
Đồng lúa chiêm nở tròn
Hạt lệ cao sơn
Giọt lệ thi nhân
Dăm buổi héo hon trong đuôi mắt
Xanh lơ giận hờn
Ta đi
Trên hai đê
Trong bến mê
Bến cứa tim ta những nhát buồn…”

77 - Huyền Vũ
NHÀ TƯỜNG THUẬT BÓNG ĐÁ TIÊN PHONG
Nhà báo tên thật Nguyễn Ngọc Nhung sinh 1914 tại Phan Thiết – Mất 2005 ở Mỹ (92 tuổi).
Là người tường thuật trực tiếp bóng đá trên sóng phát thanh ở Sài Gòn từ thập niên 60, phóng viên thể thao duy nhất và nổi tiếng nhất làm công việc mới mẻ này lúc đó. Ngoài ra còn nắm một tờ tuần báo chuyên về thể thao cũng thuộc loại hiếm hoi vào thời đó.
Ra đi từ 30.4.75 qua Mỹ tiếp tục cộng tác với đài phát thanh tiếng Việt mảng thể thao, viết hồi ký “Tôi làm ký giả thể thao”. Đặc biệt năm 66 tuổi còn chịu khó vừa đi làm vừa đi học đại học nói là để làm gương cho con cháu, qua 8 năm mới tốt nghiệp cử nhân khoa học chính trị 1980.
Sau khi vợ mất năm 1997 lại mắc bệnh parkinson (bệnh run tay) phải ngồi xe lăn nên hầu như rút lui về ở ẩn. Tâm sự muốn nhắn gửi lại là “rất nhớ sân Tao Đàn, sân Cộng Hòa” (sân Cộng Hòa là tên cũ của sân Thống Nhất ở TPHCM hiện nay).

78 - Huỳnh Ba
NGHI VẤN “CHIÊU HỒI”
Ngư dân sinh 1945 tại Đà Nẵng. Sống ở Đà Nẵng (2004).
Từng là một trong 5 thủy thủ đầu tiên chở vũ khí đạn dược từ Bắc vào Nam tiếp tế chiến trường đánh Mỹ nay còn sống. Đến 1959 thực hiện một chuyến đi như thế nữa thì bị bắt tù Côn Đảo 12 năm.
Cuối 1974 được thả về do bệnh tật, chưa kịp nối lại liên lạc thì giải phóng miền Nam. Cũng từ đó không được xác minh lại quá trình tham gia Cách mạng bởi các đầu mối cấp trên qua thời gian dài đều đã hy sinh hoặc mất tích khiến thậm chí còn bị nghi ngờ “”đầu hàng” địch!
Đành chấp nhận trở lại làm ông lão ngư dân lỡ làng sự nghiệp ở làng chài Nam Ô.

79 - Huỳnh Bá Thành
HY SINH HOẠ SĨ ỚT
Nhà báo sinh 1944 tại Quảng Nam – Mất 1993 ở TPHCM (49 tuổi).
Trước 75 làm báo ở Sài Gòn nổi tiếng quốc tế với bút danh họa sĩ Ớt chuyên vẽ biếm họa trên các báo đối lập chống Mỹ và chế độ cũ (hơn 2.000 bức). Nhưng sau 75 mới biết là tình báo viên của Cách mạng mang hàm sĩ quan công an!
Sau 75 là người có công lớn lập nên tờ báo “Công an TPHCM” đạt số lượng phát hành cao nhất nước (cao điểm 600.000 bản/số) đồng thời cũng là cây bút mở ra dòng tiểu thuyết hình sự “vụ án”. Tất cả nhờ vận dụng kinh nghiệm làm báo ăn khách thời chế độ cũ.
Nhưng ngược lại, thiên khiếu độc đáo, xuất sắc nhất là vẽ biếm họa thì… ngưng luôn đương nhiên do không phù hợp với tiêu chí làm báo của chế độ mới lúc đó. Từ đó quá đáng tiếc đã chôn vùi luôn bút danh họa sĩ Ớt bất hủ!
Trong thời kỳ có chức quyền đã có nhiều giúp đỡ đối với bạn bè, đồng nghiệp cũ trong giới văn nghệ sĩ, được ghi nhận là “một người bạn trước sau như một” (Chánh Trinh). Cũng là người đi tiên phong trong phong trào vận động báo chí làm công tác từ thiện cứu trợ đồng bào nghèo, gặp thiên tai…
Đang lúc ở đỉnh cao sự nghiệp và danh vọng thì bất ngờ đột tử (bệnh cao huyết áp) trong ngày tết (Tết Quý Dậu).

80-Huỳnh Ngọc Thương
THAY CHA NUÔI MẸ
Thường dân sinh 1946 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở Mỹ (2010).
Cha đi tập kết còn lại một mình với mẹ đi lính loại “lính dữ” chế độ cũ.
Trong thời gian đi lính bị thương nặng được đưa ra tàu Mỹ ngoài biển truyền máu cứu chữa. Không ngờ sau đó vợ sinh một bầy con gái đều có… tóc vàng hoe! Do đã được truyền máu… Mỹ!
Sau 75 đương nhiên đi cải tạo chưa tới ba năm nhờ có cha là cán bộ từ miền Bắc trở về nhưng cũng vì thế mà… bị loại khỏi diện đi H.O. Tuy nhiên vợ và các con gái lại được đi Mỹ nhờ bà vợ tìm cách khai con mình tóc vàng là con… lai Mỹ!
Chấp nhận để vợ con ra đi và sau đó xem như ly dị luôn (vọ con không bảo lãnh được), một mình ở lại với mẹ già còn ở làng quê Huế. Gặp lại cha thì ông đã… lấy vợ khác ngoài Bắc kéo theo một đàn con mới vào Đà Nẵng làm lớn mà không quan tâm gì nữa đến người vợ cũ ở quê nhà ngày đêm trông ngóng. Vì thế mà giận từ chối… nhận cha, không nhận sự giúp đỡ, một mình bỏ vào Sài Gòn tìm đường kiếm sống.
Trên quê hương mới cô đơn mới chắp nối với một người vợ khác đã có một đời chồng, sinh được 2 con ở nhà phụ vợ nuôi heo cầm cự qua ngày và còn phải lo cho một người con trai của vợ sau dính ma túy… May nhờ có nghề phong thủy và đông y tự học từ trong trại cải tạo nên làm thêm đắp đổi qua ngày.
Đến thời đổi mới kinh tế phong trào kinh doanh địa ốc lên đỉnh mới… phất lên làm cố vấn cho người người nhà nhà tranh thủ mua đất làm nhà, trở thành có giá bất ngờ.
Đang ăn nên làm ra thì được con cái đời vợ trước bây giờ mới bảo lãnh được qua Mỹ. Cũng đi vậy để tìm đường đưa vợ sau và hai con qua theo. Nhưng thủ tục không đơn giản nên đành chấp nhận sống một cảnh hai quê. Trên đất Mỹ cũng lại hành nghề phong thủy càng đại thành công có tiếng tới mức được Tổng thống Bush mời dự tiệc vinh danh Việt kiều!
Vẫn đi đi về về thường xuyên làm tròn nghĩa vụ “đời sau” và vì còn phải lo cho mẹ già hơn 80 tuổi gửi gắm lại ở làng quê Huế cùng phần mộ người cha trước khi mất đã có di nguyện đưa về chôn cất nơi đây. Lại nữa, gặïp lúc Mỹ đang lâm vào suy thoái do khủng hoảng kinh tế nên về VN lại hay, kiếm tiền nhiều khi còn khá hơn ở Mỹ!
(Còn tiếp)

THƠ NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

MẤT

Là khi em ngồi trống trơn
trong căn phòng không hơi ấm
giọt nước mắt rơi đều
ngoài kia gió mưa quất lên vầng trăng ước

đó là lúc em phong tỏa chính mình trong mù khơi
rối rắm
anh ở đâu
chật hẹp một lời hẹn ước
chưa phôi phai
môi mắt ngàn năm hạnh ngộ?

Là khi em ngồi nhặt những rụng rơi
như mỗi đêm giấc mơ chập chờn ám ảnh
có trách gì đâu tình yêu có đến để nuôi phiền muộn
mắt em cay như ngày về.

Bao giờ
tháng giêng không xanh những hạt mầm
đúc khuôn niềm tin cuộc sống
là khi em khóc một mình
bên dấu vết thời gian đứt quảng trượtdài...

Anh có đến đâu
sao biết được nỗi đau trong em cuộn thành thác lũ
sao biết được trời đêm còn ngôi sao hy vọng
thắp sáng cho ngày mai?

Mà thôi
đã đến lúc phải nói lời từ biệt
mối tình vừa chớm tim non
đã ngấn lòng nước mắt

Em lạc mình giữa những điều không thể
ngày đóng khung ngoài những mong chờ.
Văn, 2010

HƯƠNG TẾT LÀNG CHUỒN


Từ lâu bánh tét, rượu làng Chuồn thơm nức tiếng. Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi xuôi phá Tam Giang về với ngôi làng cổ kính có lịch sử trên dưới 600 năm để được cùng những người dân chất phát của vùng đất văn hóa này cảm nhận hương Tết của làng Chuồn.
Làng Chuồn nằm ven đầm phá Tam Giang, là cách gọi theo tiếng Nôm của làng An Truyền thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế. Đây là một trong những ngôi làng được hình thành sớm trên đất Thừa Thiên - Huế. Nơi đây còn có đình làng mang phong cách kiến trúc đặc trưng của đình làng triều Nguyễn gắn liền với sự ra đời, phát triển của làng vào thế kỷ XV được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Không chỉ là vùng đất giàu truyền thống văn hóa với nhiều văn thân võ tướng, người ta còn biết đến làng Chuồn qua đặc sản rượu tăm đậm đà, qua bánh tét, nếp thơm nức tiếng và cả nghề tranh dân gian tồn tại mấy trăm năm nay: nghề làm trướng, liễn giấy.

Tranh trướng, liễn giấy - hương sắc của ngày xuân

Tết xưa, nhà nhà xứ Huế đều chọn tranh trướng, liễn giấy làng Chuồn để trang trí bàn thờ gia tiên. Đây là loại tranh nặng tính lễ nghi thuộc dòng tranh mộc bản truyền thống của người Việt. Tranh làm bằng giấy dó hoặc giấy điều, bồi thành tấm theo nguyên tắc "lòng đỏ, biên lục, mép vàng". Ngày trước, tranh được làm bằng giấy dó do làng Đốc Sơ sản xuất, hoặc sang trọng hơn là loại in trên giấy điều lấm tấm nhũ vàng của người Hoa.
Ông Huỳnh Lý, một nghệ nhân 90 tuổi, với hơn 60 năm gắn bó với nghề, cho biết: “Trướng liễn được in trên giấy báo cũ. Người thợ dùng giấy báo nhuộm màu, bồi lên thành tấm theo kích thước y môn treo ngang trướng, hoặc treo dọc liễn bằng nguyên tắc bồi cổ truyền "Lòng điều - kế lục - chỉ vàng" (lòng đỏ, biên lục, mép vàng) rồi đem in chữ, phơi khô và trang trí họa tiết”.
Liễn giấy làng Chuồn gồm hai loại chính: liễn bông, một bộ phận gồm 4 bức in hoa theo kiểu tranh tứ bình: mai, lan, cúc, trúc và liễn chữ, mỗi bộ gồm 3 bức, một bức đại tự in một trong ba chữ Phúc, Lộc, Thọ treo ở giữa và hai liễn giấy treo ở hai bên.
Còn loại y môn trang trí theo kiểu "lưỡng long triều nguyệt" thường dùng để trang trí sau vách gian chính, nơi thờ phụng tổ tiên, hoặc treo ngang làm diềm, rèm trước và sau bàn thờ hay ở các gian phụ trong ngày Tết.
Thuở trước, trướng liễn làng Chuồn được in bằng các màu tự pha chế và bằng cây cỏ thiên nhiên: màu đỏ làm bằng thổ hoàng; màu cam từ gạch non; màu lục từ lá mối và bông ngọt; màu vàng thì sử dụng lá đung và hoa hòe…
Ngày nay, nghệ nhân làm tranh ở làng Chuồn không còn dùng các loại màu truyền thống mà chuyển sang dùng hóa chất để in. Điều đó đã làm mai một tính truyền thống trong bức tranh dân gian. Trên mỗi bức trướng liễn, câu đối đều thể hiện niềm ước mong phúc đức, thịnh vượng, coi trọng đạo hiếu nghĩa hay ca ngợi cảnh sắc đầu xuân. Thông qua bố cục, đường nét và màu sắc, các nghệ nhân đã thể hiện hình tượng âm dương để nhấn mạnh sự sinh tồn của vũ trụ, mối giao lưu giữa trời đất...
Tết xưa, về làng Chuồn sẽ thấy những mảng màu xanh, đỏ, vàng được phơi đầu làng, góc xóm. Bây giờ, cả làng chỉ còn ông Lý đang cố níu giữ nghề đã từng góp phần tạo nên hương sắc ấm cúng ngày xuân. Một chút ngậm ngùi khi nghe ông tâm sự: “Hồi trước, dịp Tết tui làm hàng nghìn bộ nhưng chừ chỉ vài trăm bộ thôi. Nhà cửa ngày càng khang trang, người ta không còn mua trướng, liễn để trang trí nữa”. Vẻ như, khi những ngôi nhà tranh vách đất ngày càng hiếm dần thì nghề làm tranh trướng, liễn làng Chuồn cũng sẽ chìm khuất trong dòng đời náo nhiệt?

“Đệ nhất danh tửu” của đất Thần kinh

Tôi từng nghe đâu đó rằng, rượu làng Chuồn được xưng tụng là “đệ nhất danh tửu” của xứ Thần kinh. Giữa nhiều loại rượu dân gian của Huế, rượu làng Chuồn có hương vị đặc trưng không lẫn được... Đến làng Chuồn, mùi rượu cứ thoang thoảng ra tận đầu ngõ, thơm nồng.
Làng Chuồn có khoảng 200 người làm nghề nấu rượu với hơn 100 lò rượu suốt ngày đêm đỏ lửa. Ngày thường đã vậy, ngày Tết người ta còn nấu nhiều hơn. Ông Rạng cũng là người có thâm niên nấu rượu, nay đã truyền nghề cho con trai là anh Đoàn Khỏe, cho rằng, rượu làng Chuồn ngon là nhờ cách chọn gạo, ủ men. Gạo được chọn phải là loại gạo lức, nấu mới ngọt. Ngày trước, người làng Chuồn nấu rượu bằng loại gạo lức đỏ đầy cám nhưng nay loại gạo này trở nên khan hiếm nên phải thay thế.
Đến thăm lò rượu của anh Đoàn Khỏe mới thấy, để có một mẻ rượu ngon, giai đoạn rải và phơi cơm rượu được chăm chút cẩn thận, ủ men đúng độ. Rượu ngon còn nhờ bàn tay của người pha chế. Trải qua bao thế hệ, rượu làng Chuồn vẫn luôn giữ vững thương hiệu của mình ấy là nhờ người làm rượu đã luôn nấu rượu nguyên chất, không pha cồn. Đó chính là cái tâm của người làm nghề được tiếp truyền từ bao thế hệ nay.

Bánh tét mô ngon bằng bánh làng Chuồn

Người làng Chuồn làm bánh tét quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Vừa đến đầu làng đã nghe thoảng trong gió mùi thơm của đậu xanh, thịt mỡ và hương nếp nồng nàn quyện vào nhau ngào ngạt. Nhà nhà đều làm bánh. Trẻ con lau lá, người lớn thì vút nếp, xào nhụy, gói bánh… Những bàn tay thoăn thoắt trong câu chuyện râm ran, ríu rít nụ cười tươi rói.
Tôi ghé vào nhà bà Hồ Thị Thí, một trong những gia đình có thâm niên làm bánh tét ở làng. Chị Hoàng Thị Oanh, con dâu bà Thí kể: “Ngày thường, gia đình tui gói khoảng 50 đòn bánh để bán ở chợ. Nhưng những ngày giáp Tết, mỗi ngày gói 300 đòn. Rứa là cứ đến Tết, cả nhà đều quanh quần quanh nồi bánh tét. Mỗi người mỗi tay, mỗi việc”.
Nghe ông Đoàn Rạng kể bí quyết làm nên loại bánh đặc trưng của vùng quê này mới hiểu vì sao bánh tét làng Chuồn có vị trí đặc biệt trong đời sống ẩm thực ngày Tết của người dân Huế.
Ông Rạng năm nay 75 tuổi và đã làm bánh từ lúc tóc còn để chỏm. Gia đình ông đã qua 4 đời làm bánh tét. Tay gói bánh thoăn thoắt, ông kể: “Có bánh tét mô ngon bằng bánh làng Chuồn. Ngày xưa, ở làng Chuồn có bức ruộng cửa gồm 20 mẫu, trong đó có một mẫu cho hạt nếp thơm đặc biệt (thường gọi là nếp tây). Hằng năm, dân làng vẫn mang loại nếp này dâng lên vua. Nếp tây làm bánh tét rất mềm, dẻo, có vị thơm riêng. Đây mới chính là loại bánh tét làng Chuồn ngon nức tiếng”. Bây giờ, loại nếp này đã bị mất giống nhưng người dân nơi đây vẫn giữ được cách gói bánh truyền thống để tạo nên hương vị riêng của bánh làng Chuồn.
Trước tiên là khâu chọn nếp, phải chọn nếp thơm, đều hạt, giã trắng. Nếp được ngâm kỹ, vút thật sạch, để ráo nước (giữ bánh được lâu). Lá gói bánh là lá chuối sứ không già lắm. Nhụy được làm từ đậu xanh mỡ (loại hạt đậu lớn, đều) và mỡ lợn cắt thành thỏi dài, vuông. Tiêu hành, muối nêm vừa ướp đều trong mỡ, thêm một ít muối trộn đều trong nếp. Đòn bánh gói đẹp phải để nhụy bánh nằm đúng trung tâm, giữ vững hình trụ tròn đều, các nuộc lạt buộc khéo đều nhau...
Thưởng thức bánh tét làng Chuồn, mọi người sẽ cảm nhận được vị mềm dẻo của bánh, hương thơm dịu của nếp, vị béo bùi của nhụy bánh và vị cay của tiêu hành… Dường như, với hương riêng ấy, bánh tét làng Chuồn đã trở thành món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người dân cố đô.
Vừa nấu bánh, chị Nguyệt, con gái ông Rạng góp chuyện: “Bánh được nấu trong khoảng 6 giờ. Khi nấu, lửa phải đỏ mạnh, đều và thường xuyên thêm nước. Thường, một thùng bánh nấu 100 đòn nhưng gói xong 50 đòn, tui phải bắt nước luộc ngay, bởi để lâu bánh sẽ bị chua. Tuyệt đối không nấu bánh bằng nước mưa, nó sẽ làm đỏ bánh. Bánh để được trong khoảng 10 ngày”.
Trời nhá nhem tối, se lạnh. Bên bếp lửa hồng tí tách, đôi má chị Nguyệt ửng hồng như e ấp, thẹn thùng. Lửa bập bùng trong ánh mắt, khói quyện thành vòng bay lên, loãng ra tạo nên một không gian lãng đãng, thi vị mà ấm cúng của ngày Tết. Chợt nao lòng nhớ ngày còn bé, quây quần cùng ông bà, ba mẹ quanh nồi bánh tét đang đỏ lửa để chờ đến thời khắc giao thừa.
Chia tay làng Chuồn, tôi nhớ mãi cảm giác khi ngắm nghệ nhân Lý miệt mài trang trí cho những bức tranh đầy màu sắc, lúc nhấp chén rượu thơm nồng, ăn miếng bánh tét dẻo, mềm. Chừng ấy thôi cũng đã đủ hương, vị của ngày xuân

Theo TTO.