VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN ( KỲ 15 )

VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN

1975 - 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Mười Lăm

151 - David Dương
“VUA RÁC”
Doanh nhân Việt kiều tên cũ Dương Trung sinh 1958 tại Sài Gòn. Sống ở Mỹ (2010).
Thuộc gia đình tư sản người Việt gốc Hoa nên sau 75 bị “đánh” tư sản. Biết sự nghiệp sắp tiêu tan, bố bèn đem 40 xe tải cho công nhân tài xế chở hàng của mình làm kế sinh nhai rồi đưa cả đại gia đình 23 người về miền Tây kiếm tàu vượt biên.
Năm 1976 lên tàu ra khơi nhưng tàu ra đến hải phận quốc tế thì chết máy phải lênh đênh trên biển mấy ngày mới được cứu đưa vào nhập trại tị nạn Philippines. Sau 18 tháng ở trại đến cuối năm 1978 mới được nhập cư Mỹ. Được bố trí đưa đến sống ở miền Đông nước Mỹ nhung ông bố quyết định tách ra tìm về định cư ở San Francisco có đông người Việt sinh sống dễ làm ăn hơn.
Tại đây nhờ kinh nghiệm nghề nghiệp lâu năm làm nghề “đại gia” thu gom giấy vụn ở Sài Gòn trước đây nên ông bố mở đường cho cả gia đình tiếp tục nghề cũ trên đất Mỹ. Là con cả nên dẫn đầu trong công việc này, sau giờ đi làm ban ngày – 2,75 USD/giờ – thì ban đêm lo đi thu gom rác chở về nhà chờ đem đi bán lại. Dần dần phát triển đến năm 1981 thành lập công ty rồi tổng công ty số 1 về ngành chế biến rác trong cộng đồng VN hải ngoại chứ không chỉ ở Mỹ.
Năm 1989 trở về lại quê hương lần đầu tiên rồi đưa bố mẹ về thăm sau đó. Bắt đầu tính chuyện tham gia đầu tư kinh doanh ăn ở VN như một lời cám ơn mọi người: “Cám ơn sự đồng lòng ủng hộ của những người con VN… Có quê hương, có đồng bào giúp sức chúng tôi đã vượt qua những thử thách cam go nhất để bây giờ đóng góp lại cho quê hương.”
Năm 2005 tiến hành dự án hơn 400 triệu USD xây dựng bãi rác Đa Phước ở TPHCM. Đầu năm 2010 được Tổng thống Mỹ B. Obama bổ nhiệm làm thành viên Quỹ Tài trợ Giáo dục Việt Nam VEF rất có uy tín, tổ chức của Quốc hội và Chính phủ Mỹ giúp đỡ VN trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ.

152 - Kim Browne
TRỞ VỀ TỪ “BABYLIFT”
Việt kiều sinh 1975 tại Sài Gòn. Sống ở Anh (2010).
“Babylift” (nghĩa là “nâng cánh bay cho trẻ em”) là chiến dịch “nhân đạo” do chính quyền Mỹ tiến hành vào những ngày cuối tháng 4.75 gom khoảng hơn 3.000 trẻ em VN ở các trại mồ côi – chủ yếu ở Sài Gòn - đưa lên máy bay chở qua Mỹ (sợ để ở lại sẽ bị chính quyền Cộng sản… bỏ rơi?) giao cho các cơ sở xã hội nuôi duỡng hoặc cho con nuôi.
Kim là một trường hợp như thế, chỉ khác là được một cặp vợ chồng người Anh nhận làm con nuôi từ khi còn ở Sài Gòn nên sau đó thuộc vào thiểu số babylifts sống ở nước khác ngoài Mỹ.
Tuy nhiên dù sống ở Anh nhưng bắt đầu từ khi lên 9 tuổi đã có suy nghĩ mình là dân Việt “khác” người ta nên tự tìm hiểu về VN thông qua cộng đồng người Việt ít ỏi ở Anh (dạy tiếng Anh cho họ): “Tôi cảm nhận được một sở thích đang lớn dần trong tôi, đó là được sống trong cộng đồng người Việt. Vì sao ư? Vì trong tia mắt của họ, tôi đuợc nhìn thấy rõ những nét tương đồng với gương mặt mình. Tôi biết mình đang sống ở Anh nhưng vẫn có tưởng tượng nếu còn ở VN, mình sẽ sống như thế nào?”
Từ đó được sự khuyến khích của mẹ nuôi, đã trở về VN lần đầu tiên năm 2001 với ước muốn đi tìm lại gốc gác gia đình, nhất là cha mẹ mà mình từng nằm mơ đến tìm mình. Cuộc tái ngộ với đất mẹ mang lại cảm xúc “đất mẹ đẹp lạ lùng, với tôi thiêng liêng, gần gũi lắm” và tuy cuộc tìm kiếm vô vọng – sau đó còn thêm mấy lần nữa – nhưng qua chuyến đi thăm lại trại trẻ mồ côi Gò Vấp cũ đã hình thành nên cảm xúc sâu sắc về số phận trẻ em nạn nhân chiến tranh như mình xưa kia.
Vì thế khi quay lại Anh đã tìm cách liên hệ, kết hợp với các bạn đồng cảnh ngộ babylift ngày trước để năm 2007 lập nên mạng lưới Tình nguyện viên VN Toàn cầu nhắm giúp đỡ trẻ em bất hạnh VN. Tháng 4.2010 tổ chức cho hơn 100 babylìts đó hồi cố hương vừa tìm tin tức gia đình cũ vừa góp tay hoạt động từ thiện hướng về trẻ thơ VN đang sống ở các trung tâm xã hội.

153 - Lê Lan Anh
“Ở ĐẤT KẺ THÙ”
Doanh nhân sinh năm 1953 tại Hà Nội. Sống ở TPHCM (2010).
Đó là tựa đề của một cuốn tiểu thuyết rất kỳ lạ in năm 2007 đã được dịch ra tiếng Anh để sẽ phát hành ở Mỹ.
Kỳ lạ nhiều điểm: Tác giả là một nữ doanh nhân thành đạt đến hơn 50 tuổi bỗng nhiên dạt dào cảm hứng nhảy vào viết văn lần đầu tiên, viết liền một mạch một cuốn tiểu thuyết; chẳng những thế lại viết về một đề tài gai góc hơi khá lỗi thời rồi là về cuộc chiến tranh chống Mỹ đã trôi qua hơn 30 năm; vì thế phải lặn lội đi khắp nơi tìm tư liệu kể cả… sang Mỹ thâm nhập thực tế; nhân vật chính lại là một sĩ quan phi công Mỹ mà nguyên mẫu có thật từng bị bắn rơi xuống Hồ Tây…
Tất cả như tác giả tâm sự, viết như để trả nợ mối ám ảnh thời tuổi trẻ năm 1967 từng chứng kiến cảnh phi công John McCain bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội rớt xuống làng mình rồi sau đó mối ám ảnh được gợi lại khi viên phi công này nay là một thượng nghị sĩ – sau này còn ra ứng cử Tổng thống năm 2008 – quay lại VN năm 2000 với thiện chí đắp xây hòa bình “khép lại quá khứ, hướng về tương lai”. Từ đó manh nha ý tưởng về cuốn tiểu thuyết.
Nguyên là một giáo viên tiếng Nga dạy đại học góa chồng sớm chuyển qua kinh doanh thành công, bấy giờ mới tìm cách thực hiện giấc mơ viết cuốn tiểu thuyết xây dựng một nhân vật hư cấu chung quanh nhân vật có thật John MacCain trong thời gian bị bắt ở làng Hà rồi đưa đến nhà tù Hỏa Lò. Muốn vậy phải bắt đầu tập làm nhà văn từ khâu thu thập tư liệu: Vào thư viện lục tìm và đọc đủ thứ sách có liên quan đến cuộc chiến tranh chống Mỹ kể cả các tài liệu chuyên môn về quân sự, đi dọc đường Trường Sơn, 20 lần đến thăm các nghĩa trang liệt sĩ trải dài khắp miền Nam; qua sống ở Mỹ 2 năm để vừa học tiếng Anh vừa làm quen với quê hương của nhân vật (đến thăm 32 bang), tìm đọc các sách Mỹ viết về chiến tranh VN kể cả về John McCain (còn đến thăm cả trường ông học thủa nhỏ). Sau đó quay về nước xin vào học một khóa dạy viết văn của Trường Nguyễn Du…
Tiếp đó mới bắt tay vào viết – viết “bằng cảm xúc, bản năng nhưng nghiêm túc, chính xác” - và hoàn thành sau 6 năm trời chuẩn bị, một lần xé bản thảo đã viết gần xong. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên và đến nay là duy nhất ở VN có nhân vật chính là “kẻ thù” lính Mỹ.
Nhà văn Chu Lai chuyên về mảng đề tài trên đánh giá tác phẩm “Cuốn hút và xúc động”, là “bản chất cuộc đi khai khẩn tìm đường trên lộ trình văn chương rất đỗi chông gai.”

154 - Lê Thành Quận
“NGƯỜI RỪNG” U MINH HẠ
Thương binh sinh 1930 tại Trà Vinh. Sốâng ở Cà Mau (2009).
Tham gia Cách mạng chống Pháp, năm 1954 tập kết ra Bắc. Năm 1967 lấy vợ ở Hà Nội được vài tháng thì được lệnh lên đường vào Nam mà không biết vợ đã có thai.
Vào Nam làm công an rồi chuyển qua bộ đội trực tiếp chiến đấu ở Cà Mau. Đến năm 1973 bị thương nặng trong khi đơn vị tan tác nên được tổ chức gửi lại một nhà dân dưỡng thương tận vùng sâu trong rừng U Minh Hạ. Đó là nhà vợ một đồng đội chiến đấu ở địa phương khác đang ở nhà nuôi 5 đứa con nhỏ. Không ngờ một thời gian sau bà trở thành vợ liệt sĩ trong khi ông đã mất liên lạc với đơn vị nên cả hai đành chắp nối ở với nhau để cùng nuôi con liệt sĩ.
Sau Giải phóng 1975, đã rất nhiều lần gửi thư – qua bưu điện lẫn thư đưa tay – về hỏi thăm người vợ đầu ở miền Bắc nhưng tất cả đều thất lạc, không hồi âm do tình hình đất nước hồi đó còn ngổn ngang Nam – Bắc, địa giới các tỉnh thay đổi nên thư từ thất lạc. Thậm chí còn nghe tin vợ đã mất tích! Cũng muốn một lần tìm về nhưng đường sá quá xa xôi lại sống ở nơi heo hút cùng trời cuối đất gần như tách biệt với cuộc sống văn minh bên ngoài. Lại gặp cảnh nghèo sau chiến tranh chỉ biết ngày ngày lầm lũi một mình mò cua bắt cá kiếm sốâng không đủ điều kiện về Bắc nên đành chịu cảnh biệt vô âm tín.
Trong khi đó ở miền quê ngoài Bắc, người vợ đầu vẫn ở vậy nuôi đứa con trai duy nhất luôn trông ngóng tin chồng. Nhưng mãi vẫn bặt tin nên chồng mắc tiếng oan là kẻ “phản bội”, “đầu hàng giặc” mới ra đi không trở lại không tin tức như vậy. Nỗi đau buồn kéo dài khiến đứa con trai chán đời bỏ đi lêu lỏng suýt rơi vào nghiện ngập ma túy kéo theo bà mẹ qua đời trong nỗi đau vô vọng biệt tin chồng.
Chính cái chết của bà mẹ đã thức tỉnh người con trai khiến anh lên đường vào Nam quyết chí tìm cha sau 40 năm thất lạc mất tích. Và cuối cùng đã tìm được cha – nay là một lão nông gần 80 tuổi - giữa rừng U Minh Hạ ở nơi tận cùng của đất nước với những đứa em cùng cha khác mẹ. Với lời hứa cha sẽ tìm về thắp hương cúi đầu tạ tội trước mộ mẹ con.

155 - Lê Thị Huệ
CÔ GÁI CHE MẶT
Lao động nghèo sinh tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở Huế (2008).
Ra đời bị di chứng CĐDC từ cha nên lớn lên bị chứng bệnh lạ ngoài da làm da mặt biến dạng rất khó nhìn, bởi vậy khi đi ra đường xấu hổ sợ người khác nhìn nên luôn phủ khăn che mặt lại. Đườøng tình yêu từ đó xem như cắt đứt luôn.
Nhưng cuộc đời cũng không hẳn ngoảnh mặt luôn với cô mà xui khiến sao tình duyên cuối cùng cũng đến qua sự gặp gỡ với một người đồng cảnh ngộ không kém khổ đau. Đó là một chàng trai gốc Bắc trước làm nghề đào vàng bị tai nạn chấn thương cột sống khiến vợ ly dị, buồn đời mới chống nạng lê từng bước lếch thếch vào Nam kiếm sốâng, vạ vật lang thang đầu đường xó chợ. Đếùn Huế 2 lần thì tình cờ gặp cô gái “sợ người nhìn” thương cảm giúp cho bữa cơm bữa cháo đỡ đói lòng, thế là đẩy lùi mặc cảm đến nhà xin cưới hỏi đàng hoàng.
Từ đó cô làm vợ rồi làm mẹ không còn lấy khăn che mặt nữa.
Cũng từ đó hình thành một “gia đình vé số” nhỏ: Sáng vợ đẩy xe lăn cho chồng ngồi sau và đứa con trai ngồi trước đi đến đại lý lấy vé số, chia hai mỗi bên đi một hướng bán vé số; trưa vợ quay lại đẩy xe cho chồng và con đi ăn, xong rồi lại chia đôi ngã hành nghề: “Con đường, khu phố nào dễ đi thì anh lắc xe đến bán, chỗ nào nhiều ổ gà hay dốc lên cao phần tui.”
Đợi đến tối cả nhà lại đoàn tụ đẩy xe lăn về căn phòng trọ rộng chỉ… 3m2 nhưng không chật tấm lòng.

156 - Lê Thị Liễu
“BÀ THỢ KIỆN”
Cán bộ về hưu sinh năm 1947 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2008).
Năm 17 tuổi đã vang danh nữ du kích trẻ trên vùng “đất chết” Dốc Miếu – Cồn Tiên ở huyện Gio Linh nổi tiếng khói lửa dữ dội, sau đó gia nhập bộ đội Trường Sơn chiến đấu đến ngày kết thúc chiến tranh.
Sau 75 chuyển qua ngành lương thực tỉnh Bình Trị Thiên. Trong chiến tranh đã có người yêu cũng bộ đội đã hy sinh nên tự nguyện không lấy chồng để giữ trọn tình yêu chung thủy. Đến năm 1983 vì mẹ đau nặng nên xin nghỉ hưu sớm về quê lo chăm sóc mẹ. Mẹ mất, chấp nhận sống đời nông dân vất vả, đơn côi.
Nhưng bắt đầu thời hậu chiến ở vùng quê nghèo “xa mặt trời”, nhiều tệ nạn tiêu cực xảy ra từ giới cán bộ địa phương mà tầng lớp dân quê thấp cổ bé miệng không biết cầu cứu vào ai. Thấy vậy, với ý chí ngoan cường một thời vào sinh ra tử “chẳng sợ ai hết”, bắt đầu từ năm 1978 đã tình nguyện làm người đại diện cho bà con làng xóm vác đơn đi kiện những vụ việc chiếùm đất, cướp đất của dân nghèo.
Kiện từ cấp xã lên huyện lên tỉnh, lên tới Trung ương. Thậm chí năm 2007 còn ra tận Hà Nội gặp cả Thủ tướng khiếu nại. Nhờ đó đã giúp bà con đòi được công lý, được dân quê gọi là “Bà thợ kiện”, “Nữ Bao Công”.
Muốn làm được như vậy phải cất công tìm hiểu văn bản, sách vở luật pháp tới mức học thuộc lòng có thể đọc vanh vách nhiều điều luật liên quan! Tất cả đều làm không công trong khi cảnh nhà khốn khó, một mình sống lủi thủi trong căn nhà tranh rách nát. Khi ôm chồng đơn ra Hà Nội nằm vật vạ 2 tuần chờ gặp lãnh đạo còn xách theo một bọc ny lông toàn… bánh bọc lọc tự làm sẵn mang theo để ăn vì không có tiền vào hàng quán. Đã vậy có một lần còn bị bọn tiêu cực phục kích đánh trọng thương phải nằm viện một tuần.
Nhưng vẫn quyết liệt: “Tôi không tin kẻ xấu không bị trừng trị và quyền lợi của dân nghèo không được bảo vệ.”

157 - Lê Thị Nghê
MẸ HY SINH CON 1
Nông dân sinh 1935 tại Quảng Nam. Sống ở Quảng Nam (2009).
Năm 1969 máy bay Mỹ bỏ bom trong làng (thuộc vùng căn cứ cách mạng) làm chồng thiệt mạng, sau đó quân Mỹ tấn công vào làng nên dẫn con gái 4 tuổi và bế con trai mới 3 tháng tuổi (mẹ lúc đó 32 tuổi) cùng dân làng theo cán bộ và du kích khoảng 200 người chạy vào trốn trong hang núi Hòn Kẽm.
Bị quân địch bao vây lùng sục kéo dài cả 10 ngày nên dân trốn trong hang hết lương thựïc nước uống khiến đứa con trai đói quá khóc cả ngày làm mọi người đều lo sợ quân Mỹ nghe được tìm đường vào bắt bớ sát hại. Trong tình cảnh đó đành phải ôm con khóc nức nở “Mẹ không bao giờ bỏ con nhưng vì để cứu dân làng, con phải ra đi…”.
Sau khi tự tay mình hy sinh con (bóp mũi chặn đường thở), bồng thi thể con bò ra khỏi miệng hang tự tay bới đất đào hố chôn xác con. Chôn xong thì thấy nấm mồ có dấu hiệu chuyển động tức là đứa con chưa chết hẳn nên phải bốc thêm đất… đắp thêm… cho chặt!
Sau khi quân Mỹ rút đi, mọi người quay về làng trở lại đời sống bình thường. Nhưng bà mẹ này bị cái chết oan khiên của con còn nhỏ dại ám ảnh suốt đời, từ đó trở thành người nửa điên nửa tỉnh. Thường đem chiếc khăn của con ngày xưa ra cuộn lại rồi bồng bế hát ru con, đang đêm thắp nhang cầm theo bỏ vào rừng tìm đến mộ con khấn vái. Nhưng qua thời gian bị lũ lụt ngôi mộ cũng bị trôi đi dần dần mất dấu tích không tìm thấy được nữa.
Con gái duy nhất đi lấy chồng xa nên sống lủi thủi một mình “dưới mức nghèo khổ” mà chẳng được hưởng một chế độ trợ cấp nào của Nhà nước vì “không biết xếp vào diện chính sách gì”!

158 - Lê Thị Nhị
“GỬI EM CÔ THANH NIÊN XUNG PHONG”
Nông dân sinh khoảng 1944 tại Hà Tĩnh. Sống ở Hà Tĩnh (2007).
Là nhân vật “o Nhị” của bài thơ chuyền tay một thời chống Mỹ ở miền Bắc “Gửi em cô thanh niên xung phong” mà nhà thơ quá cố Phạm Tiến Duật đã lấy cảm hứng sáng tác khi tình cờ gặp cô trên bước quân hành vào Nam chiến đấu năm 1966:
” Có lẽ nào anh lại mê em
Một cô gái không nhìn rõ mặt
Đại đội thanh niên đi lấp hố bom
Áo em hình như trắng nhất
…………………..
Em ơi em, hãy nghe anh hỏi
Xong đoạn đường này các em làm đâu
Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu
Cô gái ở Thạch Kim Thạch Nhọn
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm
Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều.
Anh đã đi rất nhiều, rất nhiều
Những con đường như tình yêu mới mẻ
Đất rất hồng và người rất trẻ
Nhưng chẳng thấy em, cô gái ở Thạch Nhọn Thạch Kim
………...
Ơi em gái chưa một lần rõ mặt
Có lẽ nào anh lại mê em
Từ cái đêm Thạch Nhọn Thạch Kim
Tên em đã thành tên chung anh gọi:
Em là cô thanh niên xung phong.”
Mới một tuổi đã mồ côi cha bị quân Pháp bắn chết, đến năm 1945 gặp nạn đói khiến ba anh chị chết đói, chỉ còn lại mẹ và một người chị. Năm 1965 vào thanh niên xung phong làm nhiệm vụ mở đường, phá bom ở ngã ba Đồng Lộc nổi tiếng, 4 lần bị thương suýt chết.
Sau chiến tranh trở về quê phụng dưỡng mẹ già với tiền trợ cấp thương binh 218.000 đồng/tháng, một phần vì thương mẹ còn lại một mình và một phần cũng đã là gái lỡ thì nên không chồng con. Thời chiến tranh cũng có một mối tình nhưng bom đạn làm lạc mất nhau, khi tìm lại được thì người ấy đã… có vợ! Về quê, hàng xóm có nguời thương thì lại đặt điều kiện phải ở rể để mình có điều kiện chăm sóc mẹ – “nghĩ mà thương mẹ đứt ruột” - nên người ta thôi.
Rốt cuộc mẹ mất vẫn ở vậy, lớn tuổi rồi mà cứ 4 giờ sáng phải lọ mọ gánh hàng rong ra chợ ngồi bán chấp nhận “số khổ”: “Số o khổ rứa, duyên có se được nhưng trời không cho buộc. Về đây ngay cạnh nhà còn không buộc được nói chi xa xôi ở mô đó…”
Chỉ có niềm an ủi là lịch sử đã ghi nhận hình ảnh mình gắn liền với bài thơ, đã cho gặp lại tác giả và cho mình ra Hà Nội đưa tiễn nhà thơ đến nơi an nghỉ cuối cùng năm 2007.

159 - Lê Thị Tịch
MẸ HY SINH CON 2
Nông dân sinh 1938 tại Quảng Nam. Sống ở Quảng Nam (2009).
Năm 1968 quân Mỹ vào làng truy tìm du kích khiến phải dẫn con gái 4 tuổi (chồng là du kích đã hy sinh năm 1963) theo dân làng hơn 50 người chạy lên núi trốn ở trong hang Hố Dù.
Qua tới ngày thứ năm quân địch vẫn chưa chịu bỏ đi mà tiếp tục lùng sục khắp nơi. Trong tình hình đó cháu bé bị sốt cao nên cứ khóc suốt nên ai cũng lo tiếng trẻ khóc sẽ bị địch nghe được. Thế là người mẹ đành tự tay… hy sinh con với lời tạ tội nghẹn ngào: “Con ơi, hãy hiểu cho lòng mẹ…”
Mộ em được chôn ngay trong hang. Và một ngày sau thì lính Mỹ rút quân.
Từ đó thường một mình lên hang cũ thắp hương van vái con: “Tui khấn cho nó đừng có giận tui, cũng chỉ vì tính mạng của cả làng mà phải mần rứa. Mong sao nó ở rừng núi nghe được lời khẩn cầu của tui…”
Đến lúc già yếu không đi lên núi được nữa muốn cải táng mộ con về dưới làng cho gần hơn thì không có tiền bởi lâu nay chỉ sống nhờ tiền lương vợ liệt sĩ. Ngay cả UB Huyện Hiệp Đức cũng thừa nhận bà mẹ “có cuộc sống rất khó khăn” chưa được hưởng chế độ chính sách Nhà nước thích đáng.

160 - Lê Văn Hiến
LÀM QUAN NƯỚC NGOÀI TO NHẤT
Việt kiều quan chức Úc sinh 1954 tại Quảng Trị. Sống ở Úc (2007).
Mồ côi cha (liệt sĩ thời chống Pháp), cựu học sinh trường Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng và cựu sinh viên ĐH Đà Lạt trước 75, vượt biên đến Úc năm 1977.
Khi mớùi đến cả 2 vợ chồng “làm tất cả những việc làm nào cóù thể kiếm được” cùng lúc bắt đầu học lại đại học tốt nghiệp thạc sĩ kinh doanh rồi ra làm việc ngành thanh tra tài chính. Đặc biệt song song đó tham gia hoạt động thiện nguyện rất tích cực nên qua đó được đề bạt giữ nhiều chức vụ quan trọng, là người Á châu đầu tiên làm Chủ tịch CLB Sắc tộc của bang South Australia. Năm 2007 được bổ nhiệm làm Phó Toàn quyền bang South Australia.
Thủ hiến bang ca ngợi câu chuỵện đời ông là “câu chuyện về lòng can đảm vượt qua mọi thử thách và là một ví dụ về sự thành công dù phải đối diện với rất nhiều thiệt thòi và khó khăn”. Vì thế trong lời tự bạch ông đã tự nguyện “trở thành đại sứ và người hoạt độïng cho những ai gặp khó khăn và thiệt thòi.”
Còn được mô tả là “Người có tấm lòng hướng về cộng đồng và hướng về Tổ quốc VN”. Năm 2006 ông đã dẫn đầu đoàn đại diện bang về thăm lại cố hương bàn chuyện 2 nước hợp tác phát triển.

CAO HUY KHANH
(Còn tiếp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét