VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN ( KỲ 16 )

VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN
1975 - 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Mười Sáu


161 - Đinh Công Đắc
CĂN NHÀ SỢ TRỜI NẮNG
Bộ đội xuất ngũ. Sống ở TPHCM (2005).

Bộ đội chiến đấu ở chiến khu D (Tây Ninh) bị nhiễm CĐDC để lại di chứng ngày nay cho mình và 4 đứa con. Người vợ vì thế mắc bệnh tâm thần mất trí nhớ lúc tỉnh lúc mê đi đứng lờ đờ như người mất hồn.
Cô con gái đầu lòng sinh năm 1977 lúc mới ra đời nước da trắng nhợt đến nỗi nằm trong lồng kiếng ở bệnh viện dưới ánh sáng ngọn đèn chiếu xuống “thấy hết ruột gan phèo phổi”! Đứa con trai thứ hai thì đầu to ngực lép. Đứa con trai thứ ba cũng đầu to mắt lồi. Cả ba lớn lên đều mắc chứng thần kinh thường xuyên bị động kinh, co giật cả người. Chỉ cô con gái út thì có đỡ hơn nhưng bị cận thị bẩm sinh 4 độ rưỡi.
Nhà có nhiều người tâm thần như vậy nên sợ nhất là vào mùa nắng trời nóng quá khiến loại bệnh này dễ lên cơn làm họ hay nổi cuồng la hét hoặc nói năng lảm nhảm cả ngày. Bệnh làm nóng người bắt họ phải tắm, xối nước từ sáng tới tối trả tiền nước chịu không xiết. Vì thế muốn mua thêm quạt máy và đóng giếng xài cho đỡ tốn thì không tiền do lương hưu cộng với trợ cấp CĐDC một mình ông bố lo ăn cho cả nhà còn chưa đủ.
Niềm an ủi, hy vọng cuối cùng đặt cả vào đôi vai cô bé cận thị nặng mới học lớp 11 may mà vẫn còn nuôi mơ ước lớn lên làm hướng dẫn viên du lịch để “nuôi gia đình” bố mẹ và 3 anh chị.

162 - Dominic Hồng Đức Golding
NGHỆ SĨ KHUYẾT TẬT BABYLIFT
Việt kiều Úc tên cũ Nguyễn Hồng Đức sinh 1975 tại Sài Gòn. Sống ở Úc (2010).
Mới được vài tháng tuổi thì nhà bị bom đạn đánh sập cha mẹ chết hết chỉ còn mình sống sót trên đống tro tàn, may được một bác sĩ Úc cứu đem vào cô nhi viện. Sau đó được ông nhận làm con nuôi đưa lên máy bay Mỹ qua Úc trong chiến dịch Babylift đem hơn 3.000 trẻ mồ côi VN ra nước ngoài đa số là Mỹ ngay trước ngày 30.4 – một chiến dịch mang danh “nhân đạo” của chính quyền Mỹ e ngại nếu bỏ lại dưới chế độ Cộng sản mới sẽ không ai nuôi!
Tại Úc được chữa trị hết cách vẫn không lành được các di chứng hậu quả của trận bom ngày trước làm mình mất 40% khả năng thính giác (phải đeo máy trợ thính) và bại não khiến nói năng khó khăn, đi đứng xiêu vẹo (như trẻ mắc bệnh Down). Nhưng vẫn nỗ lực tồn tại, vươn lên bằng cách đi theo con đường sáng tạo nghệ thuật để thể hiện khát vọng sống cháy bỏng: Học điễn xuất kịch, học viết kịch và làm đạo diễn bước đầu đạt thành quả đáng khích lệ.
Năng lực sáng tạo kịch càng được đẩy lên một bước thăng hoa sau khi trở về quê hương lần đầu năm 1999 qua đó khám phá một đất nước VN mới mẻ, từ đó quay lại Úc chuyển đối tượng viết kịch qua những đề tài con người VN trong cộng đồng ở Úc đem lại thành công đáng kể.
Chưa thấy đủ nên năm 2006 về lại VN sống một năm để tìm cảm hứng trong cuộc sống hòa mình với dân tộc rộng lớn làm nền cho ba vở kịch nữa xoay quanh số phận những đứa con lạc loài trên xứ người đều được đánh giá cao. Nguồn ý tưởng này dường như vẫn không bao giờ cạn…
Bên cạnh đó còn nỗi lòng tìm kiếm gia đình vẫn chưa có tin tức song không bỏ cuộc: “Tôi vẫn không nguôi nghĩ đến hình ảnh người mẹ ruột của tôi, có thể bà là một nông dân, một người bán hàng rong ta vẫn thấy trên sách báo, ti vi… Mẹ nuôi tôi bảo có thể mẹ ruột tôi không còn nữa nhưng tôi luôn tin mẹ tôi còn sống. Dù mong manh nhưng tôi luôn hy vọng thế…”

163 - Lê Văn Kiểm
XÂY HẦM CHÔN GIẤU… VÀNG!
Nhà doanh nghiệp sinh khoảng 1944 tại Huế. Sống ở TPHCM (2010).
Còn nhỏ cùng cha mẹ đều là bộ đội vào chiến khu Thanh Hóa chống Pháp, đến 4 tuổi thì cha hy sinh. Được đưa ra Hà Nội học tốt nghiệp ĐH Thủy lợi ra trường về làm việc ở Hải Hưng.
Nhưng không an tâm sống đời công chức ở hậu phương mà theo gương cha mẹ đi bộ đội xin vào miền Nam chiến đấu dù đã có vợ một con.
Sau 75 xuất ngũ ở lại TPHCM vào thời buổi còn cơ chế bao cấp năm 1978 cùng vợ – cử nhân hóa - dám nhảy ra làm kinh tế lập tổ hợp thức ăn gia súc, sản xuất sơn và phân bón nông nghiệp. Thành công rực rỡ, giàu lên thấy rõ nhưng vừa làm vừa lo ngay ngáy sợ bị “đánh” tư sản nên đã xây một căn hầm kiên cố dưới nền nhà để giấu xuống đó… hàng ngàn cây vàng rồi đổ bê tông lấp lại!
Đến thời Đổi mới cuối những năm 1980 mới đập hầm lấy vàng lên để kinh doanh thành lập Cty Huy Hoàng, một trong số ít công ty tư nhân lớn đầu tiên của cả nước ban đầu chuyên về may mặc xuất khẩu sau mở rộng qua những ngành nghề khác. Công ty ngày càng lớn mạnh nuôi 2.000 công nhân đã xây dựng một trong các công trình lớn đầu tiên của TPHCM là nút giao thông Hàng xanh.
Nhưng đến cuối thập niên 90 xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á đẩy công ty đến bờ vực phá sản do hàng hóa tồn đọng, nợ ngân hàng 500 tỉ đồng. Bản thân còn có nguy cơ phải ra tòa hình sự.
May mắn là cuối cùng được Nhà nước thông cảm đây là cuộc khủng hoảng chung của khu vực có ảnh hưởng đến tình hình thành phố lẫn cả nước nên hỗ trợ biện pháp cứu vãn bằng cách cho giãn nợ ngân hàng. Nhờ đó công ty dần hồi phục trả được nợ nần đồng thời tiếp tục phát triển vươn lên lớn mạnh theo hướng Việt Nam hóa nhân sự và chuyên môn (xây dựng sân golf Long Thành vào hàng tầm cỡ Đông Nam Á).
Từ đó bắt đầu hướng đến các hoạt động xã hội, từ thiện với tâm nguyện: “Ai đã từng trải qua chiến tranh mới thấy mình sống hôm nay là một hạnh phúc… Từng là quân nhân, tôi hiểu nỗi đau của sự mất mát do chiến tranh. Tôi tâm niệm còn sống ngày nào tôi còn cố gắng sống cho nhiều cuộc đời quanh tôi.”

164 - Lê Văn Róc
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 6
Nông dân sinh 1942 tại Quảng Ninh. Sống ở Long An (2006).
Năm 1967 đổi tên Lê Văn Bắc đi bộ đội công binh vào chiến đấu trên chiến trường Tây Ninh.
Năm 1973 trong một trận đánh gẫn biên giới Campuchia bị trúng mảnh đạn pháo vào đầu bất tỉnh, đồng đội tưởng đã hy sinh bỏ xác lại rút quân. Nào ngờ sau đó được người dân Campuchia phát hiện thấy còn thoi thóp nên đưa về bệnh viện tỉnh Cà Tum gắp đạn ra cứu sống. Nhưng sau 3 tháng điều trị mới hơi hơi lại sức thì bị chính quyền Lon Nol – theo Mỹ – bắt giam vào nhà tù Kông Pông Chàm tra tấn bắt khai báo.
Đến cuối năm 1974 chế độ Lon Nol sụp đổ trước Khmer Đỏ nên nhà tù thả hết tù nhân. Phần ông do bị hành hạ mắc bệnh nằm liệt mê man không biết gì và lại không có ai thân thích nên được bạn tù đặt nằm trên một chiếc bè… thả trên sông Mê Kông cho… trôi về VN!
Vậy mà… không chết dù 3 ngày đêm không ăn, chỉ nằm trên bè vớt nước sông mà uống cho đỡ đói. Nhờ đó được người dân Campuchia trông thấy mới kéo lên bờ chăm sóc 20 ngày rồi đưa ra xe đò chỉ đường về An Giang.
Đến An Giang trong cảnh bơ vơ tứ cố vô thân người không cắc bạc may sao gặp được một bà mẹ liệt sĩ thương tình đưa về nhà nuôi dưỡng. Liền gửi thư về quê nhà báo tin nhưng không biết rằng thư đều thất lạc vì ghi sai tên người nhờ chuyển lại. Cũng không có tiền về xe trong thời buổi mới sau Giải phóng chuyện từ Nam ra Bắc quá khó khăn nhiêu khê. Trong lúc đó ở quê nhà đã được báo tin mình hy sinh năm 1968, đến năm 1985 chính thức công nhận liệt sĩ.
Không còn cách nào tháo gỡ bế tắc đành an phận lấy cô con gái bà mẹ nuôi vốn đã có một đời chồng và một con riêng. Từ đó – với tên mới đổi lần nữa là Lê Văn Phương - chấp nhận sống đời chài lưới ven sông sinh được 6 con song cảnh nhà quá nghèo nên con cái đều thất học.
Năm 2004 đưa cả gia đình về Long An với mong muốn có được đời sống ổn định hơn.
Mãi đến năm 2006 mới vay mượn được 1,5 triệu đồng dắt đứa con út tìm đường về Bắc nhưng sau phải để con ở lại chỉ một mình mình lên đường vì không có đủ tiền xe.
Và cuối cùng cũng được “về lại mái nhà xưa” sau 39 năm biệt tích trước sự bàng hoàng của cả xóm làng. Đài Tưởng niệm liệt sĩ xã chuẩn bị khánh thành giờ chót buộc phải xoá đi một cái tên trong danh sách 92 người trên đó.

165 - Lê Văn Tài
PHIÊU LƯU CÁCH MẠNG 1
Họa sĩ, nhà thơ Việt kiều Úc sinh 1943 tại Quảng Trị. Sống ở Úc (2010).
Đang học Mỹ thuật ở Huế thì xảy ra biến cố Mậu Thân 68, bị trúng đạn bị thương rồi bị bắt thì may gặp người quen cứu rồi đưa đi theo đoàn quân Cách mạng rút lui về Bắc.
Trên đường về Bắc được giữ lại Thanh Hóa làm việc trong ngành văn hóa thông tin như là một trường hợp điển hình nghệ sĩ trẻ trong vùng tạm chiến “giác ngộ Cách mạng”. Sau đó nhờ nghề vẽ được Tố Hữu (cùng quê Huế) chú ý quan tâm, từ đó được nâng đỡ biên chế vào bộ đội đóng lon trung uý.
Sau 75 theo đoàn quân giải phóng vào Đà Nẵng. Nhưng bản chất nghệ sĩ tự do phóng túng không chịu nổi nền văn nghệ “xã hội chủ nghĩa” nên sau thời gian giấu mình chờ thời đến năm 1981 quyết định… vượt biên! Theo tàu trôi giạt tới Hong Kong nằm trại tị nạn ba năm sau mới được qua Úc. Vợ con để lại VN đến năm 1992 mới được bảo lãnh qua theo.
Tại Úc trở thành một họa sĩ kiêm nhà thơ tự do thuộc trường phái cấp tiến tối đa, triển lãm quốc tế nhiều nước. Đặc biệt nổi tiếng về chủ trương gây sốc đưa đề tài và nội dung tính dục vào hội họa và thơ ca (cộng tác báo điện tử Tiền vệ).
Một cuộc đời chứa đựng nhiều sự oái oăm của số phận như thể chủ nhân của nó bị định mệnh đùa giỡn cho cuộc đời kinh qua những “trận” thử thách dữ dằn từ đối cực này qua đối cực khác khiến có lúc có thời gian dài giống như phải “trốn” sự thật” để tạm “núp bóng” chế độ!
Chưa hề về thăm lại quê hương có lẽ vì… “sợ”! Tuy tranh từng được giới thiệu ở Huế sau này.

166 - Lê Văn Thọ
40 NĂM TÌM LẠI CHỊ EM THẤT LẠC
Thường dân sinh 1959 tại Quảng Nam. Sống ở Đồng Tháp (2009).
Năm 1969 sau khi mất cả cha lẫn mẹ vì bom đạn chiến tranh, được người chị dẫn đến nhà gia đình người quen ở huyện khác nhờ tạm nuôi giùm, còn lại đứa em gái út theo chị trôi nổi rày đây mai đó.
Nhưng sau đó cũng vì chiến tranh, loạn lạc gia đình được gửi nhờ em này cũng thất tán đi đâu không biết, chị nhiều lần đi tìm kiếm không kết quả, từ đó mất luôn tung tích. Tưởng đã chết nên năm nào cũng làm đám giỗ em trai.
Thực tế người em vẫn còn sống, lưu lạc xuống tận tỉnh Đồng Tháp, lập gia đình sinh bốn con. Cũng nhiều lần đi tìm chị và em gái đều vô ích bởi lúc ra đi còn nhỏ (10 tuổi) nên không nhớ được gì nhiều.
May sao cuối cùng năm 2009 gặp được người đồng hương cũng trôi giạt xuống tới Đồng Tháp gợi lại ký ức tìm cách giúp đỡ đã tìm lại được chị và em gái sau 40 năm chia tay tưởng đã là vĩnh viễn.

167 - Lê Văn Thức
NHÂN VẬT CỦA “NGÀY HỘI NGỘ”
Công chức về hưu sinh 1941 tại Bến Tre. Sống ở Bến Tre (2009).
“Ngày hội ngộ” là tên bức ảnh nổi tiếng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long (cũng là tác giả bức ảnh nổi tiếng khác “Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn”, mất 1997) chụp cảnh bà mẹ ôm con tử tù Côn Đảo trở về ngày giải phóng.
Nguời tử tù đảng viên còn độc thân đó được Cách mạng gài vào bộ máy quân sự chế độ Sài Gòn cũ làm nội tuyến, là thiếu úy “tình báo chiến thuật” từng được Mỹ đưa đi đào tạo tại Malaysia rồi về nhận nhiệm vụ trong một trung tâm huấn luyện quân sự ở Mỹ Tho. Nhưng không may bị lộ, bị bắt ra tòa lãnh án tử hình giam ở Côn Đảo đến ngày 30.4 theo tàu về Sài Gòn được mẹ già lọ mọ từ quê lên đón (bản thân chưa vợ con).
Tuy nhiên sau 75 trở về quê Bến Tre hầu như bị rơi vào lãng quên không được ai đoái hoài tới công trạng cũ mà thậm chí đôi khi còn bị “cảnh giác” vì từng là sĩ quan Ngụy! Bởi vậy dù được giới thiệu về ngành công an vẫn bị loại ngay. Cũng chưa cho phục hồi đảng tịch. Cuối cùng chỉ xin được một chân tập sự ở Phòng Công – Thương nghiệp tỉnh, bấy giờ mới lập gia đình sinh con.
Năm 1991 do hậu quả bệnh tật thời tù đày kéo dài đành xin nghỉ mất sức về nhà làm mấy công đất vườn do mẹ để lại.
Nhưng cũng từ lúc đó vận may mới mỉm cười với mình nhờ bức ảnh “Ngày hội ngộ” mới được tặng giải thưởng quốc tế ở Tây Ban Nha nên báo chí mới truy lại hồ sơ lịch sử tìm ra nhân vật chính trong ảnh để vinh danh. Bấy giờ mới được chính thức công nhận những cống hiến một thời.

168 - Lê Vũ Đạo
THẦY DẠY TRẺ NHIỄM CĐDC LỚN TUỔI NHẤT
Cựu chiến binh sinh tại Nam Định. Sống ở Nam Định (2009).
Sau khi xuất ngũ chuyển qua dạy học, về hưu vẫn tiếp tục với một sứ mệnh quá nhiều ý nghĩa là tự nguyện dạy học cho trẻ em con của đồng đội nhiễm CĐDC ở Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật TP Nam Định từ 13 năm qua.
Đây là một “nghề” hoàn toàn mới nhưng vẫn cố gắng tìm tòi sáng tạo ra phương pháp dạy riêng của mình: “Tôi dạy các em bắt nguồn và kết thúc đều bằng tình cảm. Phương pháp và phuơng châm dạy của tôi là làm cho các em vui mà học, chơi mà học, dễ hiểu nhớ lâu mới khắc sâu. Sinh động gây hứng thú. Và đặc biệt dạy và dỗ là chính… Thương lắm, các em bị điếc rất thích nghe, còn bị câm lại rất thích nói. Nhìn các em cứ ú ớ nói theo khi các bạn xung quanh đọc bài, tôi ứa nước mắt.”
Cho nên dù đã 83 tuổi vẫn một tuần 5 buổi đạp chiếc xe đạp ọc ạch tới lớp. Tối về còn phải chăm sóc người vợ bệnh nằm liệt giường năm năm nay. Xong lại âm thầm ngồi soạn giáo án cho ngày hôm sau.

189 - Lê Xuân Chinh
“NỤ CƯỜI DƯỚI CHÂN THÀNH CỔ”
Công nhân sinh 1955 tại Thái Bình. Sống ở Gia Lai (2006).

Là nhân vật chính trong bức ảnh nổi tiếng “Nụ cười dưới chân Thành cổ” của nhà nhiếp ảnh quân đội Đoàn Công Tính chụp trong trận chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 lúc nhân vật mới 17 tuổi.
Một ngày sau khi chụp ảnh bị thương được đưa về tuyến sau nên mới trở thành một trong 2 người lính trong ảnh còn sống, 4 người khác đều đã hy sinh (khoảng 14.000 chiến sĩ đã bỏ mình trong trận chiến kéo dài 82 ngày đêm đẫm máu này).
Năm 1974 xuất ngũ về quê làm nông sống không nổi phải đùm đề gia đình vợ con lếch thếch đi kinh tế mới lên tận Điện Biên. Trên đường đi bị móc túi lấy cắp hết giấy tờ khiến không làm được thủ tục hưởng chế độ cựu bộ đội. Lại thêm bị bệnh hen nặng (khi lên cơn ban đêm phải nhờ vợ thức dậy ngồi cho mình dựa vào để thở) nên không làm ăn gì được, gia cảnh ngày càng lâm vào cảnh khốn cùng.
Sau 1975 một thời gian dài không ai biết tung tích ở đâu, còn sống hay không nên Bảo tàng Quảng Trị đã phải chú thích dưới bức ảnh lịch sử rằng anh đã hy sinh. Không ngờ nhờ một du khách cùng quê Thái Bình tình cờ ghé đến xem ảnh đó mới cho biết rằng anh… vẫn còn sống, 2 trong số 6 người trong ảnh còn sống đến hôm nay. Bảo tàng vội vàng… sửa lại chú thích ảnh!
Dù sao nhờ sự phát hiện muộn màng này, nhiều đồng đội cũ và tác giả Đoàn Công Tính đã tìm cách giúp đỡ tìm việc làm cho tạm ổn định cuộc sống ở quê hương mới Gia Lai. Đặc biệt nhờ bức ảnh trên được tác giả ĐC Tính – một sĩ quan phóng viên ảnh quân đội uy tín – xác nhận như một bằng chứng giúp làm hồ sơ hưởng chế độ chính sách.

170 - Loan Brosmer
CON “VẠN ĐÒ” VỀ NƯỚC LÀM BÁO
Nhà báo Việt kiều Đức sinh khoảng 1964 tại Thừa Thiên - Huế. Sống ở Đức (2010).

Con nhà nghèo thuộc “vạn đò” ở Huế mới 7 – 8 tuổi năm 1972 trong “mùa hè đỏ lửa” chịu cảnh bom rơi đạn lạc bị một mảnh bom cắm vào lưng làm tê liệt cả người may đuợc Hội Chữ thập đỏ quốc tế đưa qua Đức chữa trị. Tại đây gặp may mắn một lần nữa được một đôi vợ chồng nhà báo Đức nhận làm con nuôi.
Lớn lên ngồi xe lăn đi học ngành báo chí theo nghề bố mẹ nuôi và trở thành một nhà báo chuyên nghiệp ở Đức từng phỏng vấn nhiều nhân vật quốc tế nổi tiếng trong đó có cả cựu Tổng thống Mỹ B. Clinton.
Xa quê quá lâu đến quên luôn tiếng Việt nhưng có lẽ hình ảnh quê hương khói lửa không thể quên nên đầu những năm 90 vẫn lên xe lăn quay về VN tìm lại bố mẹ anh em giúp đỡ cuộc sống họ vẫn quá nghèo khó trong cảnh đời lênh đênh sông nước. Dù cay đắng nhận ra sự thật bây giờ đôi bên đã quá cách xa nhau về trình độ, tâm tư, cách sống như thuộc 2 thế giới khác hẳn nhau. Đành “giận thì giận mà thương vẫn thương” thôi.
Song song đó còn mong ước đưa kỹ thuật làm báo hiện đại du nhập vào VN giữa thập niên 90 bằng cách bỏ vốn và chỉ đạo thực hiện 2 mô hình báo chí mới mẻ (một về phụ nữ, một về thể thao) đi tiên phong trong việc cải tiến nền báo chí nước nhà ở TPHCM theo hướng thông tin “nóng”, ngắn gọn, hấp dẫn, tăng cường hình ảnh, in ấn đẹp… Cả 2 đều đạt thành công rực rỡ mở đường cho một loạt tờ báo khác đi theo.
Nhưng bên cạnh thành công về chuyên môn lại gặp chuyện buồn trong tình cảm đời riêng tại đây – gần như lãnh một cú “lừa” tình yêu! - khiến phải cay đắng bỏ lại tất cả dứt áo ra đi thề không quay lại nữa.
Tuy nhiên, mối tình tri ngộ cố huơng – và gia đình ruột thịt cũ - có lẽ vẫn chưa dứt đường tơ nên năm 2007 lại thấy ngồi xe lăn trở về với những dự định, ước mơ mới khác…

CAO HUY KHANH
(Còn tiếp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét