VÀNG PHƠI ÁO LỤA
Người đăng:: Phong - Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010
CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN ( KỲ 30 )
Người đăng:: Phong - Thứ Năm, 29 tháng 7, 2010
VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN
1975 - 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Ba Mươi
301 - Ba Thi
ĐOẠN KẾT BUỒN CHO “NỮ TƯỚNG” CỨU ĐÓI
Cán bộ tên thật Nguyễn Thị Ráo sinh 1922 tại Trà Vinh – Mất ở TPHCM.
Trong kháng chiến chống Mỹ là cán bộ hoạt động ở Miền Tây dưới quyền cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Sau 75 về phụ trách ngành lương thực của TPHCM. Bắt đầu nổi lên biệt danh “Bà Ba Thi” những năm cuối thập niên 70 khi theo lệnh Bí thư Võ Văn Kiệt đứng ra trực tiếp chỉ huy đội “Đặc nhiệm lương thực” tổ chức cuộc nhảy rào về miền Tây chống lệnh ngăn sông cấm chợ để thu mua lúa gạo với giá linh hoạt – trái với cơ chế bao cấp lâu nay của Trung ương –ï góp phần giải quyết nạn thiếu gạo của cả nước. Sau đó chính sách đổi mới này được Trung ương chấp nhận cho áp dụng rộng rãi khắp cả nước.
Nhờ đó năm 1980 được cử giữ chức giám đốc Cty Lương thực TPHCM rồi được phong Anh hùng lao động năm 1985.
Nhưng do trình độ học vấn thấp (mới xong lớp 4 trường làng) nên kiến thức quản lý không có không làm nổi giao cho cấp dưới hết mà thiếu kiểm tra nên khoảng vào giữa những năm 1990 để xảy ra tham nhũng bê bối trong đơn vị mình phải chịu trách nhiệm. Nội vụ bị đưa ra tòa xử án tù nhiều thuộc cấp, riêng bản thân được chiếu cố lấy công bù tội nên được cho nghỉ việc về hưu sớm.
Rồi qua đời lặng lẽ ở TPHCM vào đầu những năm 2000.
302 - Nguyễn Ngọc Ngạn
THỜI ĐIỂM SẢN SINH MỘT NHÀ VĂN
Nhà văn Việt kiều sinh 1946 tại Sơn Tây. Sống ở Canada (2010).
Gốc Thiên Chúa giáo di cư vào Nam 1954, thời trẻ cũng ham văn nghệ (đóng kịch) nhưng chỉ học ĐH Văn khoa Sài Gòn rồi ra đi dạy một thờì gian thì bị kêu lính ra trường chuẩn úy Thủ Đức đưa về đơn vị địa phương quân ở Cái Bè (Mỹ Tho). Năm 1974 mang lon trung úy được biệt phái trở về dạy học lại ở Sài Gòn đến 30.4.75 thì đi cải tạo 3 năm.
Được thả về năm 1978 và chỉ một năm sau cùng vợ con xuống tàu vượt biên. Không may khi tàu gần đến Malaysia bị lực lượng biên phòng nước này nổ súng bắn do chưa có lệnh cho cập bến đưa đến thảm họa tàu lật làm thiệt mạng đến 161 dân di tản. Vợ 26 tuổi và con 4 tuổi chết theo, riêng mình lại được vớt lên kịp cứu sống!
Vào trại tỵ nạn Malaysia trong khi chờ xin nhập cảnh nước khác, từ nỗi buồn mất vợ con quá bi thảm mới nảy sinh ý tuởng viết để an ủi tự cứu chuộc mình đồng thời như một nén tâm nhang tưởng niệm: “… Lúc đó tôi mới ngồi nghĩ lại một điều quan trọng trong cuộc chiến hóa ra người đàn ông không khổ bằng người đàn bà…. Khi chồng đi cải tạo thì vợ ở nhà phải lo đi tiếp tế cho chồng, rồi sau khi chồng được thả về thì nhiều ngươì đàn bà phải hy sinh, dành dụm cho chồng vượt biên, mình ở lại sau bởi biết chồng ở lại vất vả hơn… Từ ý nghĩ đó tôi mới xin giấy bút của bà xơ trong trại để viết cuốn truyện dài đầu tiên khi mà mình chưa viếât gì bao giờ… Với tôi, viết văn là do đưa đẩy hoàn cảnh chứ hoàn toàn không có ý gì như vậy trước đó…”
Cuốn tiểu thuyết trên được đặt nhan đề “Những người đàn bà còn ở lại” viết xong thì được nhận qua Canada năm 1980. Từ đó vừa đi làm nhân viên bảo hiểm, làm thêm nghề thông dịch vừa bỏ ra 2 năm học lại tiếng Anh để tiếp tục con đường viếùt văn cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Năm 1982 lấùy vợ mớùi Việt kiều Pháp cũng vượt biên, được một con trai.
Đến năm 1987 thiên tiểu thuyết sáng tác đầu tay kể trên mới được in trong khi tác phẩm đầu tiên là cuốn hồi ký “Ý Trời” (The Will of Heaven) kể về giai đoạn chế độ Sài Gòn sụp đổ và cuộc sống trong trại cải tạo sau đó do tính thời sự đã được in rất sớm năm 1980, trở thành tác phẩm đầu tiên viết bằng tiếng Anh của dân di tản được xuất bản hải ngoại.
Từ đó sự nghiệp văn chương thăng tiến nhanh chóng đến nay đã có hơn 32 cuốn được xuất bản ăn khách bao gồm tiều thuyết và truyện ngắn nhờ kinh nghiệm nhạy bén bắt mạch thị hiếu thời đại với văn phong ngắn gọn dễ đọc, nhiều đối thoại, nhắm đề tài “thời thượng” tùy lúc (viết cả truyện ma ăn khách cả in lẫn đọc thu đĩa bán chạy). Tuy nhiên có một điều lạ nghịch lý là tuyệt đối không biết – và không quan tâm - dùng máy tính, Internet kể cả… ĐTDĐ!
Không chỉ thế, từ năm 1992 mở một cú đột phá nhảy vọt ngoạn mục là làm MC cho trên 70 chương trình ca nhạc hải ngọai nổi tiếng “Thúy Nga by night” ở Paris, Pháp. Ban đầu do không có kinh nghiệm nên chỉ nhận lời làm với mục đích để qua đĩa bán về VN hy vọng còn bố sẽ nhìn và nghe thấy mình.
Bố mất năm 1997, còn mẹ đã mấtï năm 1991 đều không về. Đài CBC Canada từng mời theo về VN để làm một phóng sự cũng từ chối không về.
303 - Nguyễn Quang Trung
“VUA MÌN” KHÔNG RỜI CHIẾN TRƯỜNG XƯA
Nông dân sinh 1920 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2001).
Thời chiến tranh chỉ huy đội biệt động huyện hoạt động trên chiến trường đồi Ba Càng thuộc vùng rừng núi huyện Triệu Phong, Quảng Trị.
Nổi tiếng với tài làm mìn tự chế cả hàng ngàn quả ngụy trang gài nổ chết lính Mỹ mà nguyên liệu làm mìn lấy từ chính các quả mìn không nổ hay đạn pháo tịt của Mỹ. Tới mức được địch gán cho biệt danh “Vua mìn” và còn ra giá thưởng 1.000 USD cho ai bắt được. Làm mìn tự chế nhiều đồng thời nguy hiểm cho tính mạng mình tới mức cả 10 đốt ngón tay đều mất hết (do nổ, cháy khi chế tạo mìn)!
Sau 75 tiếp tục ở lại chiến trường đồi Ba Càng gắn bó với núi rừng chứ không về sống với gia đình ở thị xã Đông Hà vì “Nhiều đêm nằm ngủ tôi mơ thấy đồng đội bảo rằng rất cần được chăm sóc, hương khói. Hài cốt họ đang nằm đâu đó trên các ngọn đồi này...”
Từ đó trong suốt 20 năm đã cùng các con đi truy tìm hài cốt liệt sĩ đưa về nghĩa tranh quy tập nghiêm chỉnh. Bên cạnh đó còn cuốc đất trồng gần 10 hécta bạch đàn phủ xanh dấu tích chiến tranh đẫm máu một thời nơi đây.
Mãi đến năm 2001 sức yếu rồi mới chịu chia tay chiến trường xưa về nhà vui hưởng tuổi già.
304 - Nguyễn Quốc Hùng
NGUỜI TÙ CÔN ĐẢO ĐI LƯỢM VE CHAI
Lao động nghèo sinh năm 1949 tại Quảng Nam. Sống ở TPHCM (2009).
Trước 75 từng tham gia hoạt động cách mạng ở Quảng Nam với bí danh Sáu Hùng, đến 1964 bị lộ nên trốn vào Sài Gòn tiếp tục hoạt động. Nhiều lần bị bắt ở tù Chí Hòa, Tân Hiệp và Côn Đảo.
Sau 75 đi dạy học một thời gian, lấy vợ sinh được 2 con trai nhưng nhà quá nghèo nên năm 1989 vợ bỏ đi theo người khác sau khi đã bắt bán nhà – một căn nhà lụp xụp – lấy hết tiền. Rơi vào khủng hoảng bỏ dạy ôm 2 con nhỏ tiêu hết tiền dành dụm không biết làm gì để sống đành chọn nghề dễ nhất là… đi lượm ve chai qua ngày để nuôi con.
Từ đó bắt đầu hành trình vác bao tải lượm ve chai 17 năm nuôi con ăn học nên người: Bắt đầu từ căn cứ Long Bình của Mỹ để lại ở Đồng Nai đến Hố Nai, Tam Hiệp, Long Thành rồi Dầu Giây, Ngả ba Vũng Tàu và cuối cùng là TPHCM từ năm 2008. Đụng đâu ở đó, ngủ đó, trên các bãi đất hoang, lề đường và thậm chí cả trong… nghĩa địa nữa!
Nhưng cũng nhờ đó mà 2 con nay đều học hành đàng hoàng vào được đại học và cao đẳng như ước nguyện: “Khổ mấy cũng chịu. Chỉ cần tụi nó được đi học. Chỉ cần lo cho 2 đứa nó học xong là tui thấy yên lòng…”
Có điều không hiểu sao quá trình hoạt động cách mạng kể trên không ai biết, không ai nhớ? Vì mất liên lạc với cơ sở? Vì sai lầm ở trong tù? Hay vì bản thân chịu nhiều tra tấn trong tù khiến sau đó mắc bệnh đau đầu khi nhớ khi quên (cả tên mình có khi cũng quên)? Bởi vậy mà khi còn hoạt động còn mang những biệt danh kỳ dị như “Sáu địa”, “Sáu khùng”, “Sáu cùi”, Sáu điên”.
305 - Nguyễn Quý An
CỨU NGƯỜI, NGƯỜI CỨU
Thường dân Việt kiều. Sống ở Mỹ (2007).
Khi còn là sĩ quan chế độ cũ từng cứu sống một người lính Mỹ tên R.C.King năm 1969. Một năm sau thì bị thương cụt 2 tay xuất ngũ.
Năm 1996 cùng con gái qua Mỹ không có giấy tờ di trú hợp lệ nên bị bắt đưa ra tòa chuẩn bị trục xuất, may sao được King nghe tin vội vàng tìm đến tìm mọi cách vận động đấu tranh với chính quyền để cho cha con cuối cùng được chấp thuận cho ở lại định cư luôn.
Đền ơn tri ngộ xong rồi đến năm 2007 thì King qua đời.
306 - Nguyễn Rân
“ÔNG GIÀ HARMONICA”
Thường dân sinh 1941 tại Đà Nẵng. Sống ở Đà Nẵng (2007).
Từ năm 1968 đã tham gia hoạt động giúp đỡ trẻ em đường phố lang thang nạn nhân chiến tranh ở Đà Nẵng trong tổ chức “Hội Bụi đời”. Với cây kèn harmonica luôn thủ sẵn trong túi đêm đêm đi khắp nơi trong tỉnh tìm các em lạc loài đưa về hội nuôi dạy, có dịp là lôi kèn ra thổi cho các em nghe để đem lại niềm vui nhỏ bé cho các em.
Sau 1975 hội giải tán nhưng vẫn cùng một nhóm bạn bè cố gắng duy trì việc làm này rất khó khăn. May sao được người quen giới thiệu nên mạo muội viết một bức thư gửi Phu nhân Tổng thống Pháp lúc đó là bà Danielle Mitterrand xin giúp đỡ và năm 1991 được bà đáp ứng. Từ đó thành lập Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng do giao cho phụ trách, đến nay đã phát triển thành 4 cụm gia đình nuôi dạy các em bụi đời. Đài NHK Nhật Bản từng làm phóng sự giới thiệu.
Năm 2004 bị chứng tai biến phải giải phẫu lấy mất một phần não vậy mà ra viện vẫn trở lại với các em, tiếp tục công việc “vác tù và”. Vợ khuyên can không nghe, chịu không nổi bỏ đi.
Bây giờ chỉ còn Trung tâm là nhà của mình cho đến cuối đời!
307 - Nguyễn Song Thao
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 12
Thợ sửa đồ điện tử sinh 1948 tại Nghệ An. Sống ở Nha Trang (2007).
Năm 19 tuổi đi bộ đội vào chiến đấu ở mặt trận Bình – Trị – Thiên.
Trong chiến dịch Mậu Thân 1968 bị trúng đạn vào đầu mê man được người dân cứu sống nhưng trở thành người mất trí nhớ ngơ ngẩn không rõ đơn vị, quê quán ở đâu. Ở quê nhà thì năm 1968 đã nhận được giấy báo tử , đến năm 1977 còn được cấp bằng Tổ quốc ghi công.
Nhưng “liệt sĩ” vẫn còn sống với một đầu óc mất hết dấu vết quá khứ sống đời lang thang phiêu dạt khắp nơi. Đến sau 75 trôi giạt vào Nha Trang được một người thợ sửa chữa đồ điện tử cám cảnh đem về nuôi rồi truyền nghề cho.
Lấy vợ năm 1979 sinh được 3 con thì chỉ có con gái đầøu lòng là bình thường, còn con trai kế chịu di chứng CĐDC 26 năm nằm liệt một chỗ đến năm 2006 qua đời. Thêm một đứa con gái út chào đời vỏn vẹn được 3 ngày thì mất.
Mãi đến năm 2007 trí nhớ có vẻ đã được phục hồi phần nào bèn tìm đường về quê cũ. Lúc đó mới hay mẹ già đau lòng mong ngóng tin con từ ngày này qua ngày khác thành ra lẩn thẩn đã ra đi không chờ nổi ngày đoàn tụ quá muộn màng sau gần 40 năm con mất tích.
308 - Nguyễn Sơn Lâm
THANH NIÊN “TÍ HON”
Nhân viên báo điện tử sinh 1982 tại Quảng Ninh. Sống ở Hà Nội (2010).
Nhiễm CĐDC từ bố cựu bộ đội 11 năm trên chiến trường miền Nam nên mắc bệnh loãng xương (xương tự vỡõ rồi tự lành) khiến chỉ cao 83cm, cân nặng 23kg, mắt cận thị nặng. Với đôâi chân oặt oẹo như chiếc lò xo xoắn đi đâu phải chống 2 nạng nhảy lóc cóc từng bước hoặc nhờ người khác “cõng” trên cổ.
Bố xuất ngũ với 81% thương tật bị hành hạ bởi bệnh tật sinh ra tâm thần, uống ruợu vào cứ nổi cơn đập phá đồ đạc và hành hạ 3 mẹ con (còn người anh bị viêm màng não, suy nhược thần kinh). Mẹ túng quẫn tới mức có lần đèo con trên cổ xuống sông định tự trầm may mà phút chót con đoán biết được kêu lên thảng thốt “Mẹ ơi, đừng giết con” thì người mẹ mới bừng tỉnh.
May nhờ trí óc còn bình thường, còn thông minh lanh lẹ nữa nên quyết chí đeo đuổi việc học đến cùng với sự giúp đỡ của một cô giáo giàu lòng nhân ái và nhiều nhà từ thiện. Cuối cùng cũng tốt nghiệp khoa Anh ĐH Hà Nội, còn học thêm tiếng Pháp và tiếng Nhật rồi được báo điện tử VNN nhận vào làm chân phóng viên bình luận các giải bóng đá quốc tế.
“Cậu bé tí hon” nay đã thành “thanh niên tí hon” góp mặt với đời như ai.
309 - Nguyễn Tài
THỨ TRƯỞNG CÔNG AN BỊ NGHI… CIA!
Cán bộ về hưu sinh 1927 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2003).
Con trai nhà văn quá cố Nguyễn Công Hoan (có chú bí danh Lê Văn Lương nguyên ủy viên Bộ Chính trị) đã tham gia khánh chiến chống Pháp từ năm mới 18 tuổi, sau đó làm Trưởng ty Công an Hà Nội rồi Cực trưởng Bộ Công an.
Năm 1964 tình nguyện vào chiến trường miền Nam theo một “chuyến tàu không số” (tàu thủy bí mật xâm nhập miền Nam). Nhận chức Trưởng ban An ninh T4 Sài Gòn – Gia Định với bí danh Tư Trọng chỉ huy nhiều cuộc đột kích, ám sát quan chức chế độ VNCH gây tiếng vang.
Đến năm 1970 bị bắt trải qua hơn 4 năm tù tra khảo vẫn không khai báo có hại cho tổ chức. Cuối cùng được giải thoát ngày 30.4.75.
Sau 75 được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ (Bộ Công an ngày nay). Bất ngờ cuối năm 1997 bị đình chỉ chức vụ để điều tra do tình nghi hợp tác với địch được CIA gài lại! Dù Thành ủy TPHCM cơ quan trực tiếp quản lý thời đó xác nhận đương sự hoàn toàn trong sạch.
Nguyên do là từ một cuốn hồi ký nổi tiếng vừa xuất bản ở Mỹ của tác giả F. Snepp một cựu trưởng ban CIA ở Sài Gòn tựa đề “Cuộc tháo chạy tán loạn” (Decent Interval) kể về những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn. Trong đó có phần viết về một tù binh Việt Cộng nổi cộm chính là bản thân Tư Trọng mà Snepp từng tham gia thẩm vấn. Và trong phần này có chi tiết quan trọng theo lời Snepp là phía CIA đã giao tù binh này lại cho Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo VNCH kèm đề nghị trước khi Sài Gòn thất thủ hãy thủ tiêu bằng cách cho máy bay chở ra biển ném xuống để phi tang tông tích!
Từ chi tiết trên mà bản thân ông bị Nhà nước nghi ngờ khai gian vì lẽ ra đã chết rồi sao vẫn còn sống sót trở về?
Thế là cả gia dình lâm vào thế hoang mang, mặc cảm mang tiếng “phản bội” (vợ cũng là một thiếu tá công an) trong một thời gian dài tuy bản thân vẫn được điều chuyển qua ngành khác. Mãi đến 11 năm sau, năm 1988 mới chính thức có kết luận giải oan theo kết quả điều tra nhiều hướng, theo đó đơn giản là F. Snepp đã nhanh chân chạy trước nên không biết đến những ngày cuối cùng trước 30.4 bộ máy chính quyền VNCH tan rã nhanh chóng mạnh ai nấy thoát thân đâu còn nghe theo lệnh CIA thanh toán “đồng chí Tư Trọng” nữa!
Năm 2000 được phong Anh hùng Lực lượng Vũ trang theo đề xuất của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Về hưu bắt đầu tiếp bước người cha - tiểu thuyết gia tiền phong của nền văn học VN, nhà văn viết truyện ngắn nhiều nhất, xuất sắc nhất thời Tiền chiến - - bằng 2 tập hồi ký đã xuất bản…
310 - Nguyễn Tài Lộc
“ĐOÀN TÀU KHÔNG SỐ” NÊN… KHÔNG CHẾ ĐỘ!
Ngư dân sinh 1936 tại Nam Hà cũ. Sống ở Quảng Ninh (2006).
Mới một tuổi mồ côi cha nên sau đó được mẹ đem qua Hạ Long sinh sống, từ đó trở thành dân chài thành thạo vùng biển Quảng Ninh. Vì vậy lớn lên được tuyển vào hải quân.
Năm 1964 được biệt phái làm nhiệm vụ thủy thủ trong “Đoàn tàu không số”, một lực lượng tàu biển bí mật chuyên chở vũ khí, thuốc men vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Vì tính chất “Tối mật” nên trước khi lên đường làm nhiệm vụ, các thành viên đoàn tàu này đều bị thu giữ hết các giấy tờ, tài liệu cá nhân. Và tất cả đều được tổ chức lễ “truy điệu sống” kiểu như Kinh Kha một đi không về!
Bản thân đã 4 lần được “truy điệu sống” như vậy vẫn trở về. Riêng trong chuyến đi thứ tư năm 1967 chở vũ khí vào Quảng Ngãi thì sắp cập bến không may gặp bão nên đi chậm lại khiến bị địch phát hiện bao vây tấn công dữ dội. Thuyền trưởng buộc phải ra lệnh thủy thủ rút khỏi tàu và cho nổ tàu luôn. Bản thân bị sức ép bom nổ trọng thương, gãy xương quai hàm và xương đùi, mặt mày cháy nám hết nhưng sống sót, được đưa ra Bắc chữa trị.
Năm 1972 xuất ngũ quay về làm đời dân chài không nhà cửa, tài sản chỉ có chiếc thuyền nan 2 vợ chồng già đánh cá sống đắp đổi trên vịnh Hạ Long. Và từ đó đến nay không hề được hưởng một chế độ nào của Nhà nước do giấy tờ còn lại đã mất hết sau một lần bão làm đắm thuyền trong khi thủ tục làm hồ sơ cho lính hải quân “Đoàn tàu không số” – không nhiều - rất phức tạp vì từ trước nó được đưa vào diện “bí mật quốc gia” ít ai biết.
Dù vậy vẫn bình thản: “Mình đã từng xem nhẹ cái chết thì nay sống sót trở về dù có thương tật đi nữa cũng may mắn hơn nhiều anh em khác rồi”!
(Còn tiếp)
ĐẾN HUẾ...
Người đăng:: Phong - Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010
Nhà thơ Viêm Tịnh và nhà thơ Thái Ngọc San.
Mưa suốt buổi chiều khi rĩ rả khi xối xả.
Mấy ông bạn già kháo nhau
Cơn mưa đầu mùa mừng bọn hắn trở về .
MÂY,THÁI NGỌC SAN , BAY
Người đăng:: Phong - Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2010
YÊU THÊM MỘT CHÚT
Người đăng:: Phong - Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2010
CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN ( KỲ 29 )
Người đăng:: Phong - Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010
VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN
1975 - 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Hai Mươi Chín
291 - Anh Doan
ĐÒI CON TRÊN ĐẤT MỸ
Nữ Việt kiều thường dân sinh 1937 tại VN. Sống ở Mỹ (2007).
Tháng 4.1975 cùng chồng sống ở Quy Nhơn một nách 6 con theo dòng người chạy nạn chiến tranh về Sài Gòn tìm đường lánh nạn trải qua một hành trình gian khổ kéo dài 33 ngày cả đi đường bộ lẫn thuê thuyền đánh cá.
Về gần tới Sài Gòn thì chồng trúng đạn chết, còn lại một mình gạt nước mắt đem con vào gửi ở trung tâm trẻ mồ côi do Mỹ bảo trợ hy vọng con được đưa qua Mỹ qua chiến dịch Babylift (bốc trẻ em mồ côi VN bay qua Mỹ). Trước khi chia tay con đã dặn dò đứa con trai đầu giữ gìn tấm ảnh gia đình và qua Mỹ cố gắng giữ các em sống chung tránh để anh em lạc mất nhau. Và hứa mẹ sẽ sớm qua theo tìm gặp các con (đã hỏi thăm trước nơi các con sẽ được cho định cư).
Các con bay qua Mỹ rồi, phần mình mới tìm cách lên tàu di tản qua Singapore rồi Philippines cuối cùng mới đến Mỹ cuối năm 75. Tại Mỹ lập tức đi tìm con bấy giờ đã bị chia làm ba sống ở 3 nơi: 4 anh em được một gia đình cựu chiến binh nhận nuôi, một đứa làm con nuôi một gia đình khác cũng ở Mỹ, riêng đứa con trai út do còn nhỏ lại đang bị bệnh nên sau đó theo một gia đình cha mẹ nuôi người Pháp về Pháp.
Thế là bà mẹ ruột bắt đầu “cuộc chiến” đòi con ruột, với gia đình nuôi 4 đứa thì sẵn sàng trả lại nhưng còn gia đình nuôi một đứa nhất định không chịu. Bèn dứt khoát kiện ra tòa đòi con và kết quả cuối năm 76 toà chấp thuận cho lấy lại con cả nhà đoàn tụ chỉ thiếu đứa con út về Pháp thì hoàn toàn mất liên lạc bặt vô âm tín.
Đành chấp nhận một tay nuôi 5 con ăn học thành tài. Sau này còn nhận 2 con nuôi người Mỹ như một cách trả ơn nước Mỹ. Chỉ lòng không ngớt đau đáu nhớ thương đứa con lạc loài còn lại ở đâu chẳng biết còn sống hay không: “Không biết nó có vợ chưa. Nếu nó có con thì cháu tôi đâu rồi?”
292 - Ba Hường
TRẢ ƠN CHỢ
Nữ doanh nhân không rõ tên thật sinh khoảng 1947 tại TPHCM. Sống ở TPHCM (2010).
Sinh ra trong gia đình nghèo đông con nên mới 16 tuổi bị dụ dỗ trao thân cho một người đàn ông góa vợ về làm mẹ kế mấy đứa con đời trước.
Từ đó sống đời làm vợ làm mẹ cực khổ trăm đường vừa làm nghề gia truyền bán thịt bò ở chợ vừa nuôi chồng con, chồng thì trốn lính mà con lại đến 8 đứa. Chồng bị bắt lính phải chạy tiền mới được làm lính hải quân ở trên bờ. Vào lính, chồng lại sinh ra ăn chơi trác táng tới mức mắc bệnh da liễu, tối ngày say sưa về nhà đánh đập vợ con đòi tiền. Chịu không nổi cuối cùng đành đâm đơn ly dị sau 16 năm chung sống rồi một mình ôm 8 dứa con về ở tạm nhà mẹ.
Nhưng cũng phải cố gắng nuốt ngược nước mắêt vào lòng để đứng dậy bươn chãi với cuộc sống mà nuôi con bằng nghề lâu nay là mua nợ thịt bò ra chợ ngồi bán. Nhờ tay nghề cao nên dần phát triển lên tìm cách mua bò mổ thịt trở thành mối bán sỉ thịt bò cho tiểu thương các chợ.
Đến sau 75 gặp cảnh độc quyền buôn bán “đánh” tư sản cấm làm giàu “bóc lột” đi kèm lệnh ngăn sông cấm chợ đẩy tới chỗ phải bán thịt “chui”, bán thịt lậu khiến vô số lần bị bắt, tịch thu hàng, mất vốn điêu đứng. Bao nhiều tiền bạc dành dụm được đều sớm đội nón ra đi.
May sao đến thời Đổi mới cho xả cảng buôn bán tư nhân mới mở đường làm lại nghề từ bán đến buôn thịt bò hợp tác với quốc doanh là nhờ lái bò mua bò tận Campuchia về rồi mua đất hoang ở Thủ Đức lập trại bò đem về nuôi vỗ béo một thời gian, sau đó nhờ nhà máy Vissan thịt để mình đem phân phối cho các chợ bán lẻ. Trong thời gian này kết bạn bè với một nông dân đã có vợ con nhờ trông coi giùm trại bò và biết người này có tình ý với mình song do đã quá chán ngán việc chồng con nên không đáp lại.
Đang làm ăn phát đạt thì đùng một cái bị… lừa giựt nợ, đã trao tiền – hàng trăm triệu - mua bò Campuchia rồi nhưng sau đó thương lái… hô biến! Thế là một lần nữa phá sản do trại bò thời đó muốn bán cũng không ai mua.
Không còn cách nào khác để trốn nợ là… đi Uc định cư theo một người em gái, còn trại bò giao lại cho ngươì bạn kể trên giữ. Tuy nhiên trước khi đi chấp nhận đáp lại mối tình của người bạn này như một cách trả nghĩa bởi nghĩ rằng chia tay chắc là vĩnh viễn.
Qua Úc rồi vì muốn bảo lãnh cho đám con qua theo nên nghe lời em chấp thuận lấy chồng Uc không làm đám cưới. Nhưng cuộc hôn nhân sớm đổ vỡ vì tâm hồn cứ để đâu đâu, nhất là khi thủ tục bảo lãnh cho con không thành một phần do hôn nhân không giấy tờ hợp pháp và phần khác con ở VN quá đông lại có đứa quá tuổi nhập cảnh rồi.
Thế là nhất quyết chia tay đất Úc để trở về với con. Gặp lại người “bạn tình một buổi” kia vẫn ngày đêm trông ngóng mình, cảm động nên lần này quyết định lấy chồng không-đám-cưới lần thứ ba. Nhưng lần này là làm… vợ bé mỗi tháng có nghĩa vụ phải chu cấp tiền cho vợ lớn, khi bệnh họan phải lo thăm nuôi.
Để kiếm sống lại tiếp tục nghề thịt bò đã hàng chục năm lăn lộn tuy trại bò còn đó vẫn bỏ hoang. Mới làm ăn tương đối hơi khấm khá thì lại bị bà vợ lớn luôn tìm hết cách hành hạ từ mắng nhiếc đến đánh ghen công khai trong khi ông chồng 2 vợ kia nhát gan chỉ tìm cách tránh né. Chán đời quá tới mức xin vào chùa cạo đầu đi tu song sư cô không cho bảo là còn nặng nợ trần gian lắm phải về lo nuôi con chứ bỏ cho ai bây giờ. Đành lau nước mắt ra về với một nhúm tóc cắt tượng trưng làm kỷ vật cuộc đời.
Đến đây thì Ông Trời hình như mới chịu mỉm cười một chút khi khu trại bò được Nhà nước quy hoạch vào khu chế xuất nên được đền bù cho một khoản tiền khá lớn lúc đó. Bèn ngẫu nhiên đi mua đất định xây nhà trọ làm tài sản cho con đông đúc sau này lớn lên có nơi ăn chốn ở, ai ngờ gặp thời mua bán nhà đất giá lên ào ào thế là được nước đâm theo con đường kinh doanh bất động sản luôn! Và phất lên nhanh chóng nhờ đã quen nghề mua bán tính toán ở chợ và lại sành sỏi vùng đất này đã tá túc bao nhiêu năm nay.
Cũng từ kinh nghiệm ngồi bán thịt ở chợ lâu năm và nhớ lại thời gian nan đó nên khi có tiền khá rồi bèn nảy ra ý định mua hoặc thuê đất lập chợ ở những điểm mà minh dự đoán cần có chợ cho chị em buôn bán lẻ có đường sống. Nghĩ là làm, lập chợ này được một thời gian “đụng” cơ chế chính sách bị giải tỏa thì nhảy qua dựng chợ khác cho đến khi nào được Nhà nước chấp nhận mới thôi. Còn dự định tiếp tục lên Bình Dương mở chợ hình thức như vậy để giúp đỡ chị em tiểu thương nghèo đồng cảnh ngộ như mình trước kia.
Làm chủ chợ nhưng đối xử với tiểu thương trong chợ bằng tình người chân thành luôn giúp đỡ ai khó khăn cho miễn giảm tiền thuê, cho mượn vốn ban đầu, thậm chí còn cả nuôi ăn thời gian kiếm được lời, dạy cách buôn bán cho người mới vào nghề, cưu mang cả người khuyết tật, Tết bán hàng ế thì mua bao hết để đem cho lại các trại cô nhi, viện dưỡng lão, bệnh viện tâm thần… Tự nhiên trở thành một mạnh thường quân, một nhà từ thiện âm thầm xuất thân từ chợ: “Mình giúp người ta mà kể lể thì còn ý nghĩa gì nữa…”
Vật chất đã đủ, con cái đều nên người đỗ đạt ra đời nhưng còn mảnh đời riêng thì vẫn chưa trọn vẹn khi tuy bà vợ lớn đã qua đời song ông chồng gốc nông dân thứ ba bây giờ vợ đã khá giả có tiền nhiều nên biến thành “tỉ phú chân đất” ăn chơi bia bọt bò nhí tùm lum bỏ nhà đi du hí hàng tuần đố ai biết nơi đâu!
293 - Ba Phúc
“TỶ PHÚ MÙ”
Nông dân không rõ tên thật sinh 1971 tại Cà Mau. Sống ở Cà Mau (2010).
Tham gia kháng chiến chống Mỹ ở Cà Mau từ thời còn nhỏ, 17 tuổi đã làm trung đội trưởng chuyên đánh tàu Mỹ ở huyện Năm Căn. Một mẫu anh hùng lý tưởng trẻ tuổi, đẹp trai, đánh giặc cừ nào ngờ năm 1969 trong khi chuẩn bị vào trận, tập đánh bom không may bom nổ nát cả người và làm mù luôn 2 mắt.
Đành chuyển về làm ở bộ phận quân y giã từ giấc mơ chiến trận để an phận lấy vợ sống đời bình thường.
Năm 1977 xuất ngũ, 2 vợ chồng với đứa con đầu lòng chưa đầy 2 tuổi dắt díu nhau dựng chòi bắt tay vào khẩn hoang 1 hecta đất được cấp để tìm kế sinh nhai qua ngày. Vợ phải ở nhà trông nom con nhỏ nên một mình mù loà cùng lúc phải vừa làm rẫy vừa chèo xuồng đi đóng đáy, câu tôm về cho vợ làm tôm khô đem ra chợ bán. Khi con lớn hơn một chút, vợ mới rảnh tay cùng cuốc đất, đốn cây với chồng. Làm đất xong mới trồng rau trái củ quả…
Và không hiểu sao nhà này trồng cái gì, làm cái gì là “ăn” cái đó từ trồng bí đến trồng khoai lang trúng mùa liên tiếp, nuôi tôm sú thành công… Người ta nói nhờ trời ngó lại trời thương trời đãi nhưng cũng có thể là từ cái khó nẩy cái khôn ở một con người mù loà biết vận dụng sự nghe ngóng thông tin mà tự tính nhẫm trong bụng, tính toán đường đi nước bước làm ăn.
Không bao lâu khá giả lên thấy rõ, mua thêm đất thành 17 hecta thuê mướn nhân công cùng làm. Từ đó được tặng cho biệt danh ”Tỷ phú mù”, “Vua tôm sú Năm Căn”.
Giàu lên song không hưởng một mình mà còn sẵn sàng chia sẻ với ngườì khác còn gặp khó khăn. Từ đó đã cho bà con trong xóm mượn trên 50 cây vàng (thời đầu những năm 2000) không tính lời và… khi nào có thì trả! Song song đó còn nhận con đồng đội nhà nghèo, trẻ mồ côi về nhà nuôi dạy nghề còn dựng vợ gả chồng cho nữa...
Tất cả chỉ từ lối suy nghĩ đơn giản “rặt Nam bộ” là nay mù lòa không cống hiến được gì nữa như ngày xưa chiến đấu thì may bây giờ ăn nên làm ra giúp đỡ bà con cũng là bổn phận thôi! Tuy nhiên “không nên kể công, kỳ lắm, chẳng khác gì mình giúp người ta là để kể ơn.”
294 - Bảy Lòng
ĐẶT TÊN CON BÌNH ĐẲNG AN ỦI MÌNH KHÔNG ĐƯỢC BÌNH ĐẲNG
Lao động nghèo không rõ tên thật sinh tại Cà Mau - Đã mất ở Cà Mau.
Tham gia kháng chiến chống Mỹ bị thương nặng vào chỗ kín nên không lấy chồng được.
Sau 75 ra quân trở về làm nông dân nghèo. Xin một đứa con nuôi đặt tên là Bình Đẳng như muốn thể hiện ước mơ một thời chiến đấu trước kia. Hàng ngày làm bánh bò bỏ vào thúng đội lên đầu đi bộ 5km ra chợ thị xã bán lấy tiền đắp đổi qua ngày nuôi con, may mà con học cũng khá.
Khi con học lên đại học phải qua Cần Thờ trọ học, trong nhà không có tiền để lo cho con nên phải bán hết đất và nhà - kể cả bộ cột nhà gỗ tốt đáng xem là tài sản quý báu nhất trong nhà – song cũng chưa đủ liền đi… cầm luôn thẻ thương binh!
Đến khi Nhà nước biết giúp đỡ xây cho Nhà Tình nghĩa thì hưởng lộc chẳng được bao lâu vì bệnh ung thư qua đời. Ngay cả căn bệnh này khi phát hiện cũng chỉ giữ trong lòng minh biết không nói cho ai hay: Bình đẳng cho mọi người trước… cái chết!
295 - Bé Hai
LÀM VỢ BÉ KIẾM CON CŨNG KHÔNG THÀNH
Nông dân không rõ tên thật sinh khoảng 1950 tại Cà Mau. Sống ở Cà Mau (2002).
Trong chiến tranh từng làm trung đội phó đội nữ pháo binh Cái Nước nổi tiếng ở Cà Mau. Chiến đấu dũng cảm nhưng cái vận tình duyên thì ngược lại toàn thất vọng đau thương qua cả 3 cuộc tình trong và sau chiến tranh.
Năm 18 tuổi người yêu đầu là một đồng đội bị trực thăng Mỹ bắn chết, đến năm 23 tuổi người yêu thứ hai hy sinh trong một trận đánh đồn địch. Từ đó tấm lòng như nguội lạnh hẳn cộng với biết bao thương tích trên cơ thể.
Sau 75 làm cán bộ hành chánh song do thương tích chiến tranh để lại làm suy kiệt sức khoẻ nên năm 1988 xin về hưu non. Bắt đầu một mình dựng chòi bên bờ kinh để nuôi tôm độ nhật.
Thế rồi tại đây gặp người đàn ông thứ ba trong đời mình trong một hoàn cảnh éo le kỳ quặc: Người đàn ông này cũng là một thương binh từ nơi khác đến đây mua đất cũng để nuôi tôm vốn đã có vợ và 6 con song toàn là con gái khiến “thèm” một đứa con trai nên chính bà vợ đã đứng ra nài nỉ người bạn hàng xóm chấp nhận làm… vợ bé chồng mình mong kiếm cho chồng đứa con trai mơ ước!
Sau nhiều đêm mất ngủ dằn vặt, cuối cùng nhận lời chỉ vì cũng có mơ ước có được một đứa con an ủi cuối đời. Tuy nhiên sống chung với nhau 5 năm (được vợ lớn cho phép sống riêng) mà vẫn không có thai, khi đó đi khám mới hay mình bị vết thương vào chỗ kín thời chiến tranh nên mắc bệnh phụ sản vô sinh.
Đã vậy, một năm sau thì bất ngờ bà vợ lớn lại… sinh con trai! Thế là hết, ông chồng bạc tình không còn mục đích gì để kéo dài đời 2 vợ nên bỏ về theo lại vợ lớn, tình nghĩa vợ chồng tạm bợ xem như cắt đứt để lại người nữ thương binh cô đơn lạc loài trong căn nhà lá xiêu vẹo bên bờ kinh.
Chưa hết, cuối năm 1997 cơn bão dữ Linda ập đến cuốn phăng căn chòi cùng tất cả đồ đạc gia sản nghèo nàn đẩy người phụ nữ bơ vơ bất hạnh trôi giạt ra đường. May thay sau đó được một nữ đồng đội cũ cũng không chồng không con cưu mang đưa về sống chung 2 chị em lủi thủi cùng nhau.
Bây giờ trong buổi xế chiều cuộc đời, chỉ còn tìm quên trong công tác phụ nữ vận động giúp chị em nông dân xoá đói giảm nghèo lấy đó làm niềm vui nhỏ bé còn có được khi “Vết thương của thể xác còn có thể được bù đắp chứ vết thương lòng thì mấy ai bù đắp được cho mình!”
296 - Đào Văn Thức
TÌM ĐƯỢC 5 ĐỨA CON THẤT LẠC
Lao động phổ thông sinh khoảng 1930 – Mất 1990 (khoảng 60 tuổi).
Tháng 3.1975 cùng gia đình sống ở Pleiku thì xảy ra cuộc “di tản chiến thuật” của Quân đoàn 3 chế độ cũ nên cùng vợ và 7 con (1 con trai đầu và 6 con gái) theo dòng người chạy nạn đi theo đường 7 từ Pleiku qua Phú Bổn xuống Tuy Hòa. Dọc đường gặp pháo kích làm gia đình tán loạn mỗi người một ngả. Cuối cùng 2 vợ chồng và người con trai đầu quay lại Pleiku gặp nhau thì mới hay 6 đứa con gái đã bị lạc mất.
Tiếng súng tạm ngưng (lúc đó quân Cách mạng đã chiếm giữ toàn bộ khu vực cao nguyên), cùng con trai đầu mới đi lui men theo đường 7 ven bờ sông Ba vào cả các buôn làng người dân tộc truy tìm tung tích 6 con gái. May sao tìm được 3 con, một đang nằm kiệt sức trong đình làng người dân tộc và 2 lang thang xin ăn. Còn 3 đứa con gái kia không biết lưu lạc nơi đâu đành bó tay chịu chết.
Hòa bình lập lại, cả gia đình đi kinh tế mới một thời gian rồi chuyển về Đông Nai sinh sống, chồng đi làm thuê vạ vật, vợ nấu bún riêu ra chợ bán. Thỉnh thoảng khi có dịp lại bôn ba đi khắp các tỉnh thành quanh vùng cao nguyên gắn liền với đường 7 để dò thăm tin tức 3 con còn mất tích nhưng đều vô vọng.
Nhưng trong khi bản thân mình không tìm được thì may mắn lại được ngươì khác… tìm giùm! Đó là một người hàng xóm cũng lâm vào tình cảnh đi tìm con thất lạc tương tự lại tình cờ phát hiện ra đứa con gái 6 tuổi của nhà hàng xóm kia đi lạc được nhận làm con nuôi ở Bình Định. Thế là châu về hợp phố cho đứa con thứ tư tìm được.
Đến trường hợp đứa con gái thứ năm thất lạc lúc 14 tuổi cũng được nhận làm con nuôi ở Nha Trang, nhờ lúc đi lạc đã có hiểu biết nên đến năm 21 tuổi trưởng thành liền tìm đường về nhà cũ ở Pleiku hỏi thăm. Từ đó được chỉ dẫn về Đồng Nai đoàn tụ với gia đình sau 7 năm lưu lạc.
Riêng đứa con giá thứ sáu đi lạc lúc 9 tuổi trông ngóng mãi vẫn không chút tăm hơi tưởng không bao giờ gặp lại nữa, cha thương nhớ đau buồn qua đời.
Cô con gái này lúc đó làm con nuôi ở Quảng Ngãi, lớn lên cũng có tìm về Pleiku mong gặp lại cha mẹ anh chị em song không may thời gian trôi qua đã khá lâu nên cảnh cũ nguơì xưa đã đổi thay khác nhiều rồi chẳng dò la được tin tức gì. Đành trở về Quảng Ngãi lập gia đình mà lòng vẫn không nguôi nỗi đau máu thịt chia lìa.
Mãi đến năm 2009 nhờ có chương trình tìm người thân “Như chưa hề có cuộc chia ly” của Đài Truyền hình VN, cô con gái thứ sáu lưu lạc mới tìm lại được mái ấm ngày xưa, cả gia dình bấy giờ mới thực sự đoàn tụ sau 34 năm gần như tan vỡ vì chiến tranh. Phải nói như thế cũng là may mắn lắm, chỉ phải trả giá một tổn thất là người cha đã ra đi không ngậm cười nơi chín suối mang theo tâm nguyện tìm con chưa trọn.
297 - Lâm Việt Bắc
NHÀ KHOA HỌC NGHIỆP DƯ “TÂM THẦN”
Cán bộ nghỉ hưu non sinh 1954 tại Cà Mau. Không biết lưu lạc nơi đâu (2000).
Trong kháng chiến chống Mỹ chuyên đánh tàu Mỹ trên sông Cà Mau, có lần bị trọng thương kèm kiệt sức tưởng chết, đồng đội chuẩn bị làm lễ truy điệu thì đột nhiên tỉnh lại!
Sau 75 xuất ngũ thương binh 2/4 mất một tròng mắt và mang nhiều thương tích (có vết thương chạm cột sống) chuyển qua làm trưởng phòng cấp sở. Gia đình ổn định vợ đẹp con ngoan nhưng lại thường xuyên bỏ nhà đi lang thang về khu căn cứ cũ trong rừng ngập mặn Năm Căn thăm mộ đồng đội và các bà mẹ nuôi quân thời chiến tranh gian khổ.
Bên cạnh đó tự nhiên lại mê say theo đuổi việc nghiên cứu khoa học nhắm tìm kiếm, khai thác các tiềm năng tài nguyên vùng đất mũi với giấc mơ làm giàu cho quê hương dù trình độ kiến thức học vẫn chưa hết lớp 11 ban đêm. Bù lại, lao đầu vào tự học hỏi thêm về các ngành khoa học liên quan để đầu tư chất xám cho công trình nghiên cứu tự phát của mình, từ đó cũng có được một nền tảng tri thức khá làm nhiều chuyên gia đầu ngành cũng phải lấy làm ngạc nhiên, thán phục.
Năm 1980 nảy sinh kế hoạch phát triển cây mấm và trái mấm – loại cây đặc sản trồng ven triền sông, ven biển vùng này - làm thức ăn gia súc thay vì chỉ chặt lấy củi như lâu nay, bán gần hết tài sản gia đình kể cả vòng vàng đám cưới của vợ để nghiên cứu và tìm tài liệu làm việc này. Tuy nhiên khi trình lên tỉnh thì nhanh chóng bị bác bỏ do thiếu bằng cấp làm cơ sở trình bày đề án. Thậm chí còn bị chế giễu là mắc hội chứng “tâm thần Hậu – chiến” dành cho những người bị ám ảnh chiến tranh – kèm chấn thương thể xác, não bộ – dễ rơi vào hoang tưởng về khả năng mình có thể chiến thắng vượt qua tất cả!
Không nản chí, về ngay Năm Căn dựng dãy nhà bên bờ sông làm nơi sản xuất thử nghiệm bột lá mấm. Mãi đến năm 1986 được Viện Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam công nhận giá trị mới mở đường cho thành lập một xí nghiệp sản xuất lá bột mấm do mình làm giám đốc. Nhưng rồi cũng vướng cơ chế và tư tưởng bảo thủ không ai chịu giúp tay nên rốt cuộc… tự giải thể sớm!
Vẫn không chịu lùi bước, lại quay qua đi nghiên cứu khoáng sản ở Kiên Giang rồi nhờ người quen mách nước ra tận Hà Nội gặp cả cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – lúc đó còn làm Chủ nhiệm UB Kế hoạch Nhà nước - trình bày, được ủng hộ và được chuyên gia xem xét công nhận có thể khai thác chất titan và radium (tỷ lệ chứa hơn 4/1000 vàng). Nhưng một lần nữa đụng phải cơ chế quan liêu bao cấp nên kết quả bị “ém” luôn không đi tới đâu.
Đến năm 1990 vào thời Đổi mới liền bỏ Cà Mau bán nhà đưa vợ con lên TPHCM tính một phen nữa thực hiện dự án chiết xuất protein từ lá mấm nhưng rốt cuộc… phá sản, mắc nợ vào tù! Ra tù không biết hiện nay trôi giạt về đâu, có người nói đã ra dựng chòi sống ở hòn Phú Quốc, lại có tin bảo đang vào buôn làng sống chung với đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên.
Có thể lại đang tiếp tục ấp ủ một giấc mơ đào xới tài nguyên đất nước khác chăng, biết đâu là một cái mỏ dầu nào đó dưới lòng đại dương Phú Quốc bao la hay… bô-xít Gia Lai – Kon Tum?
298 - Lương Thị Hội
THANH NIÊN XUNG PHONG VÔ THỪA NHẬN
Thường dân sinh khoảng 1953 tại Thái Nguyên. Sống ở Thái Nguyên (2010).
Tình nguyện đi Thanh niên xung phong bảo vệ các cứ điểm chiến lược ở Miền Bắc lúc mới 19 tuổi. Đúng đêm Giáng sinh 1972 khi cùng Đại đội 915 TNXP Bắc Thái làm nhiệm vụ tại ga Lưu Xá ở Thái Nguyên thì bị máy bay Mỹ đánh bom khốc liệt làm 60 đồng đội hy sinh ngay trận địa, còn mình là một trong 7 TNXP được cứu sống còn đến ngày nay.
Sau 75 trở về đời thường với nhiều di chứng bệnh tật trong người, nặng nhất là bị tổn thương thần kinh, rối loạn tuần hoàn thường xuyên. Nhưng không hề được hưởng một chính sách nào do thời kỳ sau chiến tranh chưa ai quan tâm – mà cũng chưa có điều kiện - đến lực lượng TNXP tự nguyện này quân không ra quân dân quân không ra dân quân! Đành chấp nhận sống bám vào chồng con qua ngày trong căn nhà cấp 4 tiêu điều.
Đến năm 1995 vào thời Đổi mới nghe nói có chế độ cho TNXP thì ông chồng mới làm hồ sơ xin chế độ cho vợ song trải qua 11 năm ròng rã ôm đơn đi hết chỗ này đến chỗ nọ lên tới bao nhiêu cấp chính quyền, đoàn thể đóng tổng cộng 140 con dấu mà kết quả vẫn không thấy hồi âm. Nản quá, đến năm 2006 ông chồng mới phải triệu tập “hội nghị gia đình” thông báo quyết định… thôi, không đi đưa đơn nữa mất công vô ích!
Năm 2010 Nhà nước tổ chức long trọng lễ kỷ niệm và tuyên dương lực lượng TNXP, tỉnh Thái Nguyên khởi công xây dựng tượng đài Đại đội 915 TNXP Anh hùng nhưng một trong những nhân chứng sống này không được ngó ngàng gì tới, không được mời dự nên cũng chẳng hay biết gì! Chỉ biết ngậm ngùi: “Nếu đến đấy thì mình đứng đâu bây giờ?... Chẳng qua đi làm chế độ không phải vì số tiền được hưởng mà để cho con cháu sau này biết được mẹ nó trước đây như thế nào thế thôi…”
299 - Nguyễn Hữu Thái
HÁT CÂU VỌNG CỔ TÌM ĐƯỢC MẸ
Thường dân sinh 1968 tại Pleiku. Sống ở Tuy Hòa (2008).
Tháng 3.1975 mới 7 tuổi đi cùng bà ngoại cưng mình nhất và cha mẹ (cha là lính VNCH) theo đoàn ngươì chạy loạn trên đường 7 từ Pleiku qua Phú Bổn xuống Tuy Hòa thì bị lạc mất. Rồi được một bà cụ không con cái ở Tuy Hòa nhận làm con nuôi đặt tên mới Nguyễn Hữu Thái thay cho tên cũ Bạch Nhọc Kiểm.
Trong lúc đó cha mẹ sau này quay về lại Pleiku đi tìm con mãi không thấy đâu, cha buồn rầu mất năm 1977. Sau đó mẹ đem 3 con còn lại về Quảng Ngãi sinh sống càng khiến mối dây liên lạc mơ hồ đứt luôn.
Mãi đến năm 2008 thông qua chương trình tìm người thân “Như chưa hề có cuộc chia ly” của VTV mới tìm được mẹ. Và dấu hiệu “nhận dạng” rõ ràng vang lên trong buổi hội ngộ là khi đứa con cất lên câu hát cải lương giống như bà ngoại trước kia hay ngâm nga khiến mình thuộc nằm lòng không bao giờ quên thì lập tức bà mẹ đã ào tới ôm con vào lòng tức tưởi. Câu hát rằng “Ngoại ơi dù ở nơi đâu nơi chân trời góc biển con vẫn thầm mong ngày trở lại quê… nhà!”
300 - Nguyễn Ngọc Hùng
ĐI LẠC BỊ NHẬN LẦM CON RUỘT CŨNG ĐI LẠC
Thường dân sinh 1968 tại Phú Bổn. Sống ở Gia Lai (2010).
Mới lên 7 tuổi vào tháng 3.1975 từ Kon Tum theo bố mẹ (bố họ Trương là lính VNCH) và 5 anh em chạy loạn theo đường 7 từ Pleiku về Tuy Hòa thì bị lạc mất gia đình. Được bộ đội cưu mang đem về Gia Lai rồi được một gia đình đặt tên lại theo họ Huỳnh.
Nhưng 11 năm sau tình cờ lại gặp một người đàn bà nhận mình là con ruột cũng đã bị thất lạc trong biến cố di tản năm 1975 vì có đôi mắt “giống hệt” con bà! Sợ làm buồn lòng bà mẹ đó nên chấp nhận về sống với bà từ nay gọi là “mẹ Tình” và đương nhiên mang tên người con ruột đó là Nguyễn Ngọc Hùng. Tuy không dám nói thật lai lịch mình không phải con bà nhưng cũng có lén quay lại Kon Tum và Gia Lai tìm tông tích bố mẹ anh em cũ nhưng đã lâu nên không để lại dấu vết gì.
Thực tế thì bố mẹ trên đường chạy trốn bom đạn còn lạc mất một đứa con gái tìm không ra, sau 75 về lại quê quán Quảng Trị làm nghề bánh mứt bỏ chợ. Năm 1987 người cha đã tìm ra tin tức người con gái được nhà khác nhận làm con nuôi ở Phú Bổn song đã muộn vì cô gái mắc bệnh sớm qua đời rồi!
Mãi đến năm 2010 qua chương trình tìm người thân “Như chưa hề có cuộc chia ly” trên VTV mới đoàn tụ với gia đình chỉ thiếu một em gái đã mất. Tuy nhiên chưa biết phải ăn nói làm sao với người “mẹ ruột bất đắc dĩ” là mẹ Tình 14 năm nay vẫn sống trong ảo tưởng mình đã tìm lại được con ruột!
(Còn tiếp)
TRỐN SÀI GÒN . . .
Người đăng:: Phong - Thứ Ba, 20 tháng 7, 2010
XÚC LỘ
Người đăng:: Phong - Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2010
Bông cỏ khát mùa nước ngọt
Kiêu hãnh bầu trời gió bấc
Giấc mơ rơi dọc cánh đồng.
Người bỏ lại tuổi thơ cho tôi
Gốc rạ lấm lem bùn đất
Xoay ngược trời chiều đầy bão
Đêm bảy màu tia nắng phân ly
Một ngày xanh
Hoa Lys vàng long lanh hạnh phúc
Gió qua vai
Trời đã kéo trái tim xuống đất
Người đón tôi rong ruổi những trưa hồng.
Người thả vào tôi chuỗi buồn tựa lá
Gió ngoài sân mong ngóng bước chân về
Có khi nụ cười làm tim sống lại
Sau bao ngày bão giông...
Ý niệm cuối cùng cho tình yêu người đã hẹn thề chân trời góc bể
Mà ly hương
Xúc lộ vầng trăng treo trên sông vắng
Làm sao đêm buộc mình thắt bóng
Cho ngày về bình yên?
Anh à đêm đã về đến sáng
Em trở mình thương nhớ quá giấc mơ
Có cơn gió vừa ngang vườn ân ái
Giấu trong tay dăm cọng tóc rối bời...
TIẾNG CHUÔNG GIÓ NGOÀI KHUNG CỬA
Người đăng:: Phong -
Chỉ bắt đầu từ chính bạn
Và trong quá trình tạo dựng nó
Ta sẽ có một cảm giác bình yên...hài lòng
Và sự hài lòng đó được tạo ra
do tự chính mình chấp nhận .
Hạnh phúc ...
Như tiếng chuông gió treo ngoài cửa sổ
Khi ta cho đi
Là ta đã nhận về .
CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN ( KỲ 28 )
Người đăng:: Phong - Thứ Năm, 15 tháng 7, 2010
VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN
1975 - 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Hai Mươi Tám
281 - Nguyễn Ngọc Lan
MẤT 2 NIỀM TIN
Nhà báo, nhà hoạt động xã hội sinh 1930 tại Thừa Thiên Huế – Mất 2007 ở TPHCM (78 tuổi).
Nguyên là linh mục đạo Thiên Chúa tốt nghiệp tiến sĩ ĐH Sorbonne ở Pháp. Sau khi về nước dạy đại học và tham gia viết báo, hoạt động xã hội.
Trong các hoạt động giáo dục, báo chí, xã hội cùng người đỡ đầu là linh mục Chân Tín luôn biểu tỏ thái độ tích cực đi đầu trong giới trí thức – đặc biệt trí thức Thiên Chúa giáo - tham gia phong trào chống chế độ Mỹ – Thiệu, với lập trường thiên tả nghiêng về ủng hộ Cách mạng (trong trận chiến Mậu Thân từng gặp đại diện quân Giải phóng ở Sài Gòn và còn vào mật khu tiếp xúc với lãnh đạo Mặt trận Giải phóng). Là một cây bút chính trị phản chiến chống Mỹ sắc bén nổi tiếng trên một số tờ báo tiến bộ và tạp chí Đối Diện do mình lập ra năm 1969 (một số bài tập hợp in trong tác phẩm “Cho cây rừng còn xanh lá” trước 1975), còn mở rộng phạm vi hoạt động ra xã hội gần gũi với tầng lớp công nhân, dân nghèo đô thị.
Từ đó sau 75 được chế độ mới ưu ái, có mặt trong đoàn đại biểu giới trí thức văn nghệ sĩ Sài Gòn đầu tiên được mời ra thăm Hà Nội. Được chính quyền cho phép ra tạp chí “”Đứng Dậy” tiếp tục truyền thống của Đối Diện. Quyết định cởi áo linh mục ra đạo lấy vợ là nhà báo (sinh một con gái duy nhất).
Nhưng chỉ được một thời gian thì tan vỡ ảo tưởng não nề về lý tưởng cách mạng nhân đạo và công bằng xã hội hằng mơ ước khi chứng kiến hệ thống chính quyền và cán bộ hiện tại do miền Bắc áp đặt mang tính chất độc đoán, quan liêu bao cấp ngày càng đi vào con đường suy thoái đạo đức xa rời tôn chỉ cách mạng ban đầu. Từ đó… quay ngoắt 180 độ chống đối chế độ quyết liệt trên bình diện tư tưởng chỉ bằng phương tiện báo chí, truyền thông xã hội vì xác quyết không làm chính trị mà chỉ làm bổn phận của người trí thức phải lên tiếng chống đối bất công áp bức mà thôi .
Vì thế tạp chí Đứng Dậy bị đóng cửa năm 1978, bản thân cùng linh mục Chân Tín bị quản chế 3 năm từ 1990 – 93, bị tịch thu hàng ngàn trang tài liệu (bài viết, bản thảo, nhật ký…). Nhưng vẫn kiên quyết không từ bỏ quan điểm “phản biện” từ thời điểm rất sớm này, tuyệt đối không trả lời một câu nào khi bị thẩm vấn. Cuối cùng, do sức ép của dư luận quốc tế, được thả ra song đuơng nhiên luôn được “để ý” theo dõi. Giữa năm 1998 còn thêm một lần bị đặt trong tình trạng “quản thúc tại chỗ”.
Dù vậy vẫn không chấp nhận ra nước ngoài, vẫn ở lại với đất nước và bà con tín hữu, tạm kiếm sống nuôi vợ con bằng nghề trái tay (bán đồ khảm xa cừ) và tiếp tục lao vào công việc chính là viết thể hiện lý tưởng trước sau như một đấu tranh mạnh mẽ cho quyền con người được sống hạnh phúc no ấm nhưng phải có tự do dân chủ. Bây giờ viết chủ yếu đăng báo nước ngoài (báo “Tin Nhà” ở Pháp), bạn bè hải ngoại giúp in tập “Hẹn thắp lên” năm 2000 và 3 tập “nhật ký chính trị”. Bên cạnh đó còn cuốn “Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh của tôi” in vi tính phát hành hạn chế trong vòng thân hữu trong đó vẫn bày tỏ sự kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh như một nhà yêu nước và yêu cầu phải rất cẩn trọng khi muốn nghiên cứu phê bình nhân vật lịch sử này.
Do làm việc quá sức cộng với tinh thần căng thẳng và luống tuổi nên mắc phải bệnh “chai phổi” không ăn uống gì được đưa đến suy nhược từ trần. Đám tang cử hành lặng lẽ nhưng ít ra cũng có 2 tờ báo lớn – Sài Gòn Giải Phóng và Thanh Niên – có đăng bài tưởng niệm với nội dung chừng mực, chủ yếu khẳng định sự cống hiến trước 75 của một “người yêu nước dũng cảm, trung thựïc”.
Một người luôn sống với lý tưởng với niềm tin tuyệt đối vào phẩm giá con người và lẽ công bằng xã hội nên khi cần đã can đảm từ bỏ 2 niềm tin tương đối không còn phù hợp với hiện thực hành động nữa. Một là niềm tin vào tôn giáo và một là niềm tin vào chủ nghĩa xã hội bởi cả 2 đã không còn giữ đúng bản chất chân lý, thiên chức cao cả phục vụ con người như mình hướng vọng. Ở đây bỏ là để giữ nguyên vẹn lòng tin nguyên sơ trong sáng của mình, không chấp nhận bất cứ một hình thức thoả hiệp nào – một bí quyết làm chính trị - với bất cứ thế lực hay cơ chế nào, cả trong tư tưởng lẫn hành động.
Nhưng bản thân hẳn không tránh khỏi xót xa cay đắng, thất vọng ê chề khi phải đối diện với những mâu thuẫn nội tại, mâu thuẫn nội tâm (một nhà báo có tài luận chiến sắc sảo, châm biếm cay độc nhưng còn là một ngòi bút chân thành, tha thiết tràn đầy tình người vị tha). Sống ở đời mỗi người thường giỏi lắm cũng chỉ có một niềm tin tối thượng mà nếu mất đã đau đớn biết bao huống gì ở đây cùng lúc mất tới 2 niềm tin! Vậy mà vẫn nỗ lực vượt qua chấp nhận trả giá bản thân chịu thiệt thòi mọi bề kể cả cái chết mà lòng chưa toại nguyện cho thấy được ánh sáng cuối đường hầm như mong ước.
Một con người trung chính “cực đoan trong sáng”, thậm chí quá cực đoan không thực tế. Nhưng cực đoan hay quá cực đoan nằm chung ranh giới với cấp tiến, quá cấp tiến dành cho số phận của những người “thắp đuốc” đi trước thời đại – thường bị xem là kẻ “nổi loạn” - là điều mà xã hội nào, thế hệ nào, lịch sử nào cũng cần phải có.
282 - Nguyễn Ngọc Lạn
CHUYỆN TÌNH CỦA “ĐIỆP VIÊN BẤT ĐẮC DĨ” hay LIỆT SĨ SỐNG LẠI 10
Nông dân sinh 1937 tại Hà Bắc. Sống ở Hà Bắc (2006).
Bộ đội đặc công (theo đạo Thiên Chúa giáo) trong một trận đánh vào Sài Gòn năm 1971 bị thương chạy vào trốn trong một gia đình hai mẹ con mà bà mẹ – má Tám – đóng vai nhà tư sản là một chiến sĩ tình báo Cách mạng mang mật danh O22.
Từ đó được nhận làm con nuôi và được kết nạp vào mạng lưới biệt động thành của bà – mang một lý lịch giả làm sĩ quan công an VNCH - trong khi đơn vị tưởng đã hy sinh nên đã báo tử về quê nhà cho vợ và con trai.
Trong lúc đó ở Sài Gòn dần dần được má Tám tín nhiệm giao cho phụ trách nhiệm vụ của bà kể cả mật danh O22. Nhưng cũng từ đó những hệ lụy tình cảm nảy sinh khi cô em nuôi vốn cũng là một giao liên trong đường dây đem lòng yêu thong song bị mẹ ngăn cản vì lý do bảo vệ đường dây tình báo. Cô đành nhận phần thiệt thòi giới thiệu một người bạn gái con chủ đồn điền cao su làm vợ anh nuôi mà mình cứ ngỡ vẫn còn độc thân. Bị đẩy vào hoàn cảnh éo le song để giữ kín tông tích, chấp nhận lấy vợ mới sinh được 2 con trai.
Đến ngày Giải phóng, cuối năm 1975 mới quay lại quê cũ gặp lại người vợ già lâu nay vẫn ở vậy thờ chồng nuôi con trong cảnh nghèo nàn khốn khó nơi làng quê miền Bắc bao năm cắn răng bóp bụng chi viện cho miền Nam. Thế là không nỡ lòng nào lại một lần nữa bỏ ra đi về miền Nam nơi chắc chắn mình sẽ được hưởng một cuộc sống sung sướng hơn.
Người “liệt sĩ còn sống” ấy từ đó trở thành một người nông dân chính hiệu trồng ngô sắn, làm vườn, thả cá, thậm chí cả đi buôn trâu buôn bò nữa để nuôi vợ con. Nhưng đau đớn hơn cả là sinh được thêm 2 con gái thi đều chết sớm vì di chứng CĐDC một thời hứng chịu trong rừng già Lộc Ninh. Còn bản thân mình cũng bị bệnh tật hành ha, tay chân một màu đen kịt song hễ xuống nước là bạc nhợt lại như rắn lột da.
Trong thời gian đó do hoàn cảnh thời Hậu chiến nhiều rối rắm phức tạp, lại không có phương tiện, tiền bạc vào thăm nên liên lạc với người vợ thứ hai cùng hai con trai ở Sài Gòn bị đứt hẳn. Má Tám đã mất, cô em nuôi giao liên thì hy sinh rồi, mọi cầu nối đều xem như mất hẳn. “Gia đình thứ hai” của mình vì thế sau nhiều năm mỏi mòn trông ngóng rốt cuộc đến năm 1985 cũng phải đành đoạn dứt áo ra đi nước ngoài mà người chồng người cha sau 10 năm xa cách vẫn chưa hề được nhìn thấy lại.
Thiên tình sử thời chiến hiếm có này từng được một người cháu họ sống ở Anh – Hương Keenleyside – viết thành cuốn tiểu thuyết tựa đề “Điệp viên O22” – xuất bản năm 2006.
283 - Nguyễn Ngọc Phương
ÔNG THẦY “TÍ HON”
Thợ sửa xe máy sinh 1980 tại Quảng Nam. Sống ở Đà Nẵng (2008).
Bố từng là bộ đội trên chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị nên sinh ra bị di chứng CĐDC với thân hình bé bỏng dài chỉ 20cm, lớn lên 20 tuổi cũng chỉ cao 90cm, cân nặng 20kg.
Thủa nhỏ dù rất ham học vẫn chỉ học được tới lớp 3 vì trường ở xa đi bộ không nổi (đi quá chậm do chân quá ngắn) nhưng vẫn ấp ủ mơ ước tìm học việc để làm thêm tự lo bản thân và giúp gia đình. Vì vậy năm 15 tuổi quyết tâm xuống thị xã học làm những nghề lặt vặt kiếm sống qua ngày như bơm hộp quẹt gas, mài tròng kính đeo mắt, sửa đồng hồ…
Chưa bằng lòng với công việc hiện tại mà mong muốn phát triển hơn nữa nên năm 20 tuổi vào Nam tìm đường lập nghiệp. Sau bao khó khăn vất vả, may mắn được một ông chủ tiệm sửa điện xe máy tốt bụng ở TPHCM thu nhận vào làm và truyền nghề cho. Từ đó cần cù làm việc và học hỏi nâng cao tay nghề ngày càng giỏi vừa đủ sống vừa dành dụm tiền gửi về quê giúp cha mẹ và các em.
Năm 2008 sau 8 năm “xuất ngoại” học tập bèn quay về Đà Nẵng mở tiệm riêng cho mình làm ăn độc lập đồng thời ở gần quê đỡ đần thêm cho gia đình, nuôi các em ăn học (có em cũng mắc bệnh CĐDC như mình). Không chỉ vậy, còn nhận các em đồng bệnh vào làm và học nghề, ngoài ra mỗi chiều đi dạy nghề thêm cho số các em khác ở trung tâm của Hội Nạn nhân CĐDC Đà Nẵng.
Một người thợ, một ông thầy “không giống ai” lùn tịt đứng chỉ ngang mặt bàn nhưng lúc nào cũng hăng say, năng động, lạc quan vui vẻ cưỡi xe máy ba bánh tự chế – nom giống chú ếch con ngồi trên lưng con bò! - giong ruỗi khắp các ngả đường (từng một mình chạy xe như vậy từ TPHCM về Đà Nẵng) đầy tự tin như bảng hiệu cửa hàng sửa xe “Phương Tín” do mình tự đặt ra: “Phương Tín là chữ tín của Phương, Phương luôn đặt chữ tín lên hàng đầu.”
284 - Nguyễn Ngọc Toản
BÀ TƯỚNG NGHIÊN CỨU CĐDC
Nữ bác sĩ quân y về hưu sinh 1928 tại Huế. Sống ở Hà Nội (2010).
Xuất thân dòng dõi hoàng tộc triều Nguyễn, nguyên nữ sinh Đồng Khánh đã thoát ly lên đường chống Pháp từ rất sớm, học làm y tá phục vụ chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ. Tại đây đã để lại một kỷ niệm dấu ấn lịch sử: Được cấp trên cho tổ chức đám cưới với người yêu sĩ quan bộ đội ngay trong hầm của tướng De Castries Tư lệnh quân Pháp vừa đầu hàng.
Người chồng đó sau là một vị tướng trên chiến trường miền Nam, sau 75 trở thành Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND VN nhưng đã qua đời khá sớm năm 1980 do hậu quả CĐDC. Rồi 20 năm sau người con trai út đã có vợ con cũng mất vì chứng bệnh quái ác đó.
Vì thế về hưu ngoài việc đi khám bệnh từ thiện miễn phí, với kinh nghiệm chuyên môn bác sĩ còn bắt đầu lao vào tìm hiểu, nghiên cứu CĐDC từ khi nó chưa được biết tới cùng với các chuyên gia hàng đầu trong nước như bà Dương Quỳnh Hoa (cựu Bộ trưởng Y tế Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam cũng là nạn nhân bệnh này, đã mất), Lê Cao Đài, Hoàng Đình Cầu, TônThất Lang… Qua đó đã đi thực địa các kho chứa chất độc hóa học của Mỹ để lại tại miền Nam, tham gia ủy ban đầu tiên của Nhà nước VN xem xét vấn đề CĐDC, tham gia thành lập Hội Nạn nhân CĐDC năm 2003…
Tất cả vì tâm nguyện: “Đây không phải là cuộc đấu tranh cho riêng cá nhân tôi. Nỗi đau của nhiều thế hệ đã không tiếc xương máu đến hôm nay vẫn còn quá lớn…”
285 - Nguyễn Ngọc Xem
MUÔN DẶM TÌM CON
Nông dân sinh 1940 tại Quảng Ngãi. Sống ở Quảng Ngãi (2010).
Thuộc gia đình cách mạng nên lớn lên cũng tham gia hoạt động bí mật, đến năm 1962 thì cả mẹ lẫn con đều bị bắt. Ba năm sau được thả ra, mất liên lạc nên bỏ lên Pleiku làm thợ, lấy vợ đẻ con. Rồi bị… bắt lính chế độ cũ đeo lon hạ sĩ, may mà chỉ làm công việc hành chính.
Tháng 3.75 xảy ra cuộc tháo chạy tán loạn – chính quyền Sài Gòn mệnh danh là “di tản chiến thuật” - của lính Quân đoàn 3 kéo theo thường dân từ Pleiku theo đường 7 qua Phú Bổn xuống Tuy Hòa. Cả gia đình bị cuốn theo dòng người bỏ nhà cửa của cải chạy thoát thân đó, vợ và 3 con đi trước còn mình đi sau. Tuy nhiên khi về đến đích là quê Đức Phổ gặp lại thì mới hay lạc mất đứa con trai thứ hai mới 5 tuổi.
Từ đó đến nay qua hơn 35 năm ròng rã hễ làm lụng vất vả ở quê – kiếm củi, nuôi cỏ cho bò… - dành được chút tiền bạc là một mình lên đường trở lại những nơi chốn cũ trên con đường di tản năm xưa để mong tìm lại dấu vết đứa con thơ. Đi bằng đủ cách đi bộ, xe đò, đạp xe (đến tận Tuy Hoà, Khánh Hòa)… Có gì ăn nấy, đụng đâu ngủ đó kể cả ngoài đồng, trong am miếu cổ… Gặp ai cũng hỏi kể cả những nhà nghe nói có nhận trẻ thất lạc làm con nuôi.
Những mãi đến nay tất cả đều vô vọng. Có thông tin từ nước ngoài đưa về qua chương trình truyền hình tìm thân nhân rốt cuộc cũng không phải đúng là đứa con mất tích trên đường chạy trốn chiến tranh năm xưa…
286 - Nguyễn Phi Sơn
ĐỨA CON NUÔI TỪ BỜ NAM SÔNG HIỀN LƯƠNG
Công nhân sinh 1967 tại Quảng Trị. Sống ở Đắc Lắc (2007).
Mới 8 tháng tuổi cùng cha mẹ sống ở bờ Nam sông Hiền Lương (thuộc VNCH) gặp một trận càn dữ dội của quân đội VNCH nên được bà mẹ bế chạy trốn định qua bờ Bắc (thuộc VN XHCN) nhưng bị máy bay thả bom làm lạc mất con, mẹ thì bị vùi trong đống đất đá xem như chết rồi.
Sau đó bộ đội vượt sông qua gặp đứa trẻ bị hơi bom hất văng ra xa khỏi tay mẹ nhưng chưa chết mới mang về bờ Bắc cứu sống. Được vài tháng đơn vị phải hành quân đi chỗ khác nên giao cháu bé lại cho một bà mẹ quê ở địa phương (Vĩnh Linh) nuôi. Nhưng một năm sau bà mẹ nuôi đầu tiên đó bị bệnh nên cháu lại được chuyển ra một bệnh viện ở Hà Tĩnh lúc đó được giao nhiệm vụ nuôi dưỡng trẻ em thất lạc vì chiến sự. Tại đây may mắn được một nữ bác sĩ nhận làm con nuôi – bà mẹ nuôi thứ hai – đặt tên lấy theo họ mình là Nguyễn Phi Sơn.
Mãi đến năm 17 tuổi mới được mẹ nuôi cho biết sự thật về nguồn gốc của mình nên năm 1984 nhảy xe vào Quảng Trị tìm cha mẹ ruột. Nhưng cũng chẳng biết đâu mà tìm, chắc là mẹ không qua khỏi trận chiến khốc liệt năm xưa. Đành quay về Hà Tĩnh làm công nhân lâm trường rồi năm 1989 lên Tây nguyên lập nghiệp ở Đắc Lắc, tưởng rằng mãi mãi không còn tìm ra nguồn cội của mình.
Không ngờ thực tế bà mẹ ruột vẫn còn sống nhờ năm đó được bới ra từ đống đất đá cứu sống, đưa qua bờ Bắc vào bệnh xá chữa trị (tức là có thời gian ngắn cả mẹ và con cùng ở Vĩnh Linh mà không hề biết). Sau đó suốt hơn 10 năm trời bà mẹ đi lang thang khắp nơi để tìm con trong tâm trạng đau xót đứt ruột, thảng thốt rối bời nhiều khi gần như trở thành một “mẹ điên” vì không sao tìm thấy đâu dấu tích của đứa con bé bỏng.
Đến năm 1980 mới chịu thôi, lập một ngôi mộ gió và am thờ cho con.
Tuy nhiên sự đời lạ lùng mãi đến 26 năm sau một sự tình cờ xui khiến 2 bà mẹ nuôi gặp nhau qua đó bà mẹ nuôi dân quê mới cung cấp thêm thông tin cho bà mẹ nuôi bác sĩ nói lại cho con nuôi biết. Thế là năm 2006 lại hộc tốc chạy về Quảng Trị dò tìm song vẫn không có kết quả.
Gần một năm sau mới tìm gặp được bà mẹ nuôi đầu tiên nhờ chỉ đường dẫn lối qua một số manh mối nữa cuối cùng mới hội ngộ được cha mẹ ruột và các em sau 40 năm mà “trong mơ mẹ cũng không thể ngờ được”.
287 - Nguyễn Phương Anh
NGƯỜI ĐI CẢI TÁNG NẤM MỒ QUÁ KHỨ
Nữ doanh nhân Việt kiều sinh 1974 tại VN. Sống ở Mỹ (2008).
Mới lên 5 đã theo gia đình vượt biên năm 1979 trong một chuyến hải trình khốc liệt bi thảm bị cướp biển Thái Lan tấn công cưỡng hiếp người chị và giết chết người anh khi nhảy vào muốn cứu chị gái. Cuối cùng cập bến trại tị nạn Indonesia, tại đây người chị cũng qua đời vì vết thương cưỡng hiếp để lại.
Sau đó mới qua Mỹ, bà mẹ bị khủng hoảng tinh thần một thời gian mới lành chấn thương tâm lý. Bản thân ăn học thành tài làm một doanh nhân trẻ đẹp thành đạt quen biết rộng với giới thương gia, văn nghệ sĩ tiếng tăm.
Rất “nghiện” đi đây đi đó, đi qua rất nhiều nước – tập hộ chiếu được mô tả “dày cộm như một cuốn tiểu thuyết” - ngoài chuyện làm ăn còn như bị thôi thúc bởi một nhu cầu nội tâm bí ẩn do thấy mình không gắn liền với một gốc gác, quê hương nào.
Có lẽ từ đó mà năm 1991 dù bị cả nhà phản đối vẫn quyết định trở về VN mở một quán ba tầm cỡ quốc tế sang trọng tại TPHCM với lý do thầøm kín từ đáy sâu thẳm tâm hồn là “trở về để đối mặt” với những kẻ đã đẩy mình ra đi ngày nào. Như đó là cách giải quyết một “mối thù”, một món nợ đời cũng là món nợ tâm linh.
Nhưng kết quả lại phải làm quen, làm việc chung với “kẻ thù”qua đó như thú nhận là cơn phẫn nộ dai dẳng tiềm ẩn lâu nay đã ít nhiều vơi đi. Nhưng dấu vếùt hằn sâu nỗi đau lớn quá vẫn còn đó ít nhiều khó bề xóa nhòa nổi. Thêm vào đó là một nỗi đau khác khi quay lại Indonesia tìm mộ chị định cải táng đem đi thì mộ đã bị sóng biển cuốn trôi mất dạng từ hồi nào!
“Chẳng còn gì cả!”, vết thương lòng như thế thật quá khó để hàn gắn dù đã tìm đến liệu pháp của lòng tha thứ bao dung và chấp nhận thực tại. Bởi thế sau 8 năm tìm về và ở lại với nguồn cội đã lại manh nha ý định lên đường ra đi đến những chân trờ xa lạ sống trọn kiếp đời của một kẻ lưu vong thế giới, mất quê hương chưa an tâm với bến đỗ cuối cùng nào.
Bởi ấy phải là một bến đỗ nơi không còn quá khứ, delete quá khứ sạch sẽ chứ không phải là nơi chôn vùi quá khứ với vẫn còn sót lại một vài kẻ đứng khóc bên mồ.
288 - Nguyễn Quang Huy
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 11
Công chức sinh khoảng 1957 tại Thái Bình. Sống ở Thái Bình (2007).
Năm 18 tuổi dù đã thi đậu đại học nhưng vẫn xin hoãn nhập học đợi đi chiến đấu miền Nam về mới theo học. Vào Nam tham gia chiến trường Quảng Đà đến cuối năm 1971 rơi vào ổ phục kích bị lính Mỹ bắn trọng thương bất tỉnh.
Lính Mỹ dùng dao cửa cổ tưởng chết nên bỏ xác lại rút quân, nhưng đến hôm sau quay lại thấy… còn sống lấy làm lạ mới đưa về quân y viện ở Đà Nẵng chữa trị. Sau đó mới tra khảo dò tin tức, qua năm 1972 thì chuyển ra nhà tù Phú Quốc. Đến năm 1973 được trao trả tù binh tại Lộc Ninh trở về đơn vị cũ vẫn tình nguyện ở lại chiến đấu tiếp chứ không về Bắc an dưỡng theo chế độ.
Trong lúc đó ở quê nhà đã nhận giấy báo tử từ năm 1972, đưa vào danh sách liệt sĩ ở địa phương. Tình hình chiến trường ngày càng nóng bỏng nên mọi thông tin liên lạc về gia đình đều không đến được. Có điều chỉ ông bố là tin con mình còn sống nên quyết không chịu nhận chế độ trợ cấp!
Cho đến ngày giải phóng sau 75 mới xuất ngũ về quê hương giữa sự ngỡ ngàng của mọi người. Trả lại danh nghĩa liệt sĩ cho Nhà nước.
Bắt đầu làm lại cuộc đời giữa muôn vàn khó khăn thời Hậu chiến mà gia tài của người lính hầu như là con số không. Người yêu cũ tưởng mình đã chết nên đã bỏ đi lấy chồng, rồi ngay cả trường đại học cũng từ chối tiếp nhận vì lý do “không đủ tiêu chuẩn” sức khoẻ kém và nhất là “mất giọng nói” do vết cắt cổ suýt chết năm xưa nay để lại một vết sẹo chạy ngang cổ họng làm giọng nói lúc nào cũng phát âm nhỏ, khàn khàn phải ngồi sát bên chú mục mới nghe được.
Nhưng bản lĩnh người lính đã vào sinh ra tử giúp giữ vững nghị lực vươn lên trong cuộc sống mới bộn bề bao lo toan mưu sinh vất vả. Xin làm chân chiếu bóng quốc doanh rồi đi học thêm ngành kế toán, dàn dần cuộc sống cũng ổn định qua ngày, lấy vợ có con như bao người bình thường khác…
289 - Nguyễn Quang Sang
GIÁM ĐỐC ĐI TU
Cựu giám đốc công ty sinh tại miền Nam. Sống ở Bạc Liêu (2008).
Tham gia hoạt động Cách mạng ở địa phương, sau 75 đượïc bố trí chuyển qua làm kinh tế nhận chức giám đốc Cty Xuất nhập khẩu Cimexcol Minh Hải do tỉnh phối hợp với TPHCM lập nên.
Công ty hợp tác làm ăn với nước bạn Lào ngày càng khấm khá, một thời nổi tiếng với việc trao đổi hàng đối lưu xe Honda Cub cũ đem về nước bán giá rẻ. Tuy dịïch vụ này làm theo chủ trưởng Đổi mới kinh tế đươc đề ra năm 1986 nhưng còn mới quá nên vẫn bị một số thế lực bảo thủ theo cơ chế cũ ngấm ngầm chống đối. Vì thế năm 1987 đã nhắm Cimexcol đánh một cú chí tử với lý do lợi dụng danh nghĩa Nhà nước cho tư nhân thu lợi bất chính làm thiệt hại cho Nhà nước (song song đó còn gài tội phản động cho vị phó giám đốc nguyên là một dân biểu chế độ cũ!).
Kết quả 18 cán bộ Cimexcol ra toà năm 1989 lãnh án tù trong đó giám đốc bị quy 2 tội “Cố ý làm trái những nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quảû nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa” lãnh án 5 năm tù.
Vụ án bị quần chúng và cả nhiều cán bộ cao cấp phản ứng cho là “oan sai, bất bình thường” (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) nên Trung ương cho điều tra lại với kết quả ngược lại quả đúng là… xử bậy! Vì thế năm 1994 lần lượt trả tự do cho tất cả bị can nhưng không có văn bản nào chính thức minh oan phục hồi danh dự cho họ; không trả lại chức vụ, đảng tịch.
Chán chường thế sự tình đời đen bạc, được ra tù muộn màng (đã thi hành án gần đủ), cựu giám đốc một thời oanh liệt chọn giải pháp… đi tu quên đời! Có ai hỏi han gì chuyện cũ thì chỉ lắc đầu thở dài im lặng.
290 - Nguyễn Quang Tám
Ỏ LẠI TRƯỜNG SƠN LẬP AM THỜ LIỆT SĨ
Bộ đội về hưu sinh khoảng 1944 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2009).
Năm 1964 vào bộ đội chiến đấu trên biên giới tây Trường Sơn giáp ranh Lào. Hơn 10 năm lăn lộn trong núi rừng đã 5 lần bị thương nặng trong đó 2 lần suýt chết, một cánh tay bị chém gần đứt lìa.
Sau 75 thay vì được điều về tỉnh nhận nhiệm vụ khác với đời sống đầy đủ thoải mái hơn thì lại tình nguyện cùng vợ (một nữ thanh niên xung phong quê Quảng Bình gặp ở trạm xá) xin ở lại vùng rừng núi Trường Sơn (huyện Hướng Hoá) để “làm cái gì đó” đáp lại ơn nghĩa núi rừng và đồng bào dân tộc cứu giúp mình sống sót được đến ngày nay.
Bắt đầu là lập một cái am trang trọng tối ngày nhang khói tưởng nhớ đồng đội đã bỏ mình trong cuộc chiến. Sau đó lặn lội khắp vùng đồi núi rừng già tìm hài cốt liệt sĩ bốc về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, huyện. Sau nữa tự học nghề đông y để đến năm 1989 lập Hội Đông y địa phương vận động bà con tham gia đi hái thuốc nam đem về làm thuốc giúp chữa bệnh cho đồng bào dân tộc…
Ơn nghĩa Trường Sơn như một món nợ trả mãi thấy không bao giờ đủ kể cả việc đặt tên cho con trai đầu lòng là Trường Sơn…
(Còn tiếp)
GỬI NGƯỜI EM AN CỰU
Người đăng:: Phong - Thứ Tư, 14 tháng 7, 2010
Người ấy giống em như tạc bây giờ
Mắt Huế buồn cháy hết cả cơn mơ
Anh lúynh quýnh đứng bên bờ khổ nạn…
Những mùa tình của anh đều hạn hán
Đợi mưa em mà chẳng thấy nghiêng về
Qua trường Tiền anh ngả nón si mê
Mắt dáo dác tìm mùa xuân không tới!
Và anh biết mình đâu còn cơ hội
Để gần em dù một sát- na buồn
Đêm Nội thành ngàn sao là dấu hỏi
Bao giờ người chung nón ,kẻ chung khăn ?
Rồi xa em là xa gạo de An Cựu
Những mùa thơm đã mất hết trong đời
Thôi cũng đành làm một kẻ mồ côi
Đi cho hết kiếp người như định số!
Ở ngòai nớ làm răng em thấu tỏ
Trái tim này chôn chặt những tình đau?
Yêu như kẻ đi tìm trầm chín núi
Chín núi sầu anh rớt xuống chiêm bao. . .
TRẦN DZẠ LỮ
HÌNH NHƯ HUẾ ĐÃ
Người đăng:: Phong - Thứ Ba, 13 tháng 7, 2010
NHỮNG CÂU THƠ VÀ 3 ĐIỀU ƯỚC
Người đăng:: Phong - Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2010
Nằm một chỗ, trong lòng Hợp luôn canh cánh những nỗi niềm khi nghĩ về người mẹ thân yêu - những câu thơ của Hợp khiến ai đọc cũng phải thắt lòng:
Là một chàng trai tuổi thanh xuân, Hợp cũng có những xuyến xao, rung động như bao chàng trai khác khi đứng trước một người con gái:
Thơ của Hợp từng đoạt giải C - Giải thưởng văn học nghệ thuật Chư Yang Sin tỉnh Đắk Lắk năm 2007. Nằm trên giường bệnh nhưng Hợp vẫn hát nhạc Nguyễn Cường, nhạc Trịnh Công Sơn.
3 nguyện ước
Trong bức thư gửi chị Nguyễn Thị Lý vào ngày 24.6.2010 (kèm theo bản thảo tập thơ), Hợp viết: “Dù biết rằng cuộc đời em sẽ chẳng kéo dài được bao lâu nữa, khi sức khỏe của em mỗi ngày một yếu thêm. Tuy nhiên em vẫn cố gắng sống thật tốt, thật ý nghĩa cho đến những giây phút cuối cùng. Em có 3 nguyện vọng rất muốn thực hiện được trước lúc đi xa, gồm: hiến giác mạc, hiến xác cho khoa học và in được một tập thơ để lại cho đời.
Hiến giác mạc, em đã thực hiện được khi đăng ký thành công với Hội Chữ thập đỏ trung ương vào cuối năm 2009. Hiến xác cho khoa học thì em vẫn chưa thực hiện xong thủ tục đăng ký. Còn việc in thơ, em đã đạt được 50% khi đang có trong tay tập bản thảo này. 50% còn lại phụ thuộc vào kinh phí in. Hoàn cảnh của em rất khó khăn, em không phải là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật nên không được tài trợ kinh phí in. Gia đình em thì nghèo quá, bố mẹ không có tiền để cho em in...”.
Mong rằng sẽ có nhiều mạnh thường quân quan tâm đến ước nguyện của chàng trai - nhà thơ bất hạnh này để tập thơ Thơ và tôi sớm ra đời. Hơn nữa, hoàn cảnh của Hợp hiện vẫn hết sức khó khăn, nên mọi sự giúp đỡ đều rất cần thiết.
Nguyễn Văn Hợp, thôn Mê Linh 2, xã Buôn Triết, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk - ĐT: 01669.771.449, e-mail: nguyenhoplak@yahoo.com
LẠC MẤT MÙA XƯA
Người đăng:: Phong -
Dòng sông chảy
Và gió vẫn còn qua ...
Em tìm em
Nơi mây mùa xa
Con phố cũ đã mất
Nhưng nỗi nhớ là điều rất thật
Em tìm em
Xao xác với mùa
Chiếc lá vàng rơi giữa dòng đời thao thức
Những con đường vẫn tìm đến chân trời
Sao chỉ mình em đứng lại
Lạc lối với hư vô
Sâu hun hút cơn mơ ...
Em tìm em theo mùa
Ngơ ngác lòng man mác
Nhớ nhớ , quên quên
Lời anh trầm ấm
Là sao trời , là nhung nhớ dịu êm
Gió thì thầm , anh là chốn bình yên
Nhưng có những điều
... không thể nào quay lại
Chợt thấy mình mắt cay
Như rượu nồng lỡ uống rồi say
Em tìm em trong bão tố
Để cồn cào, quay quắt chơ vơ
Con sóng xa ...
Chập chờn hư ảo
Nghe bình yên mà sao xa lạ
Và mùa xưa
... Cũng lạc mất em rồi
NHỮNG KHOẢNG TRỐNG
Người đăng:: Phong -
bần bật phúc âm bần bật nhớ
nỗi này lấy màn đêm che lại
vẫn u u... những tiếng giang đầu
đận này gió thổi như mau
mà lòng mình khóc chậm
nên chùi hoài nước mắt không khô
messenger
cài nhầm địa chỉ
như lá khô thành rác giữa lưng chừng
để cuối cùng những khoảng trống cầm lưng
quay nơi nào cũng nhớ
ai đi ngưng chiều...
TÌNH LẶNG
Người đăng:: Phong - Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2010
CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN ( KỲ 27 )
Người đăng:: Phong - Thứ Tư, 7 tháng 7, 2010
VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN
1975 - 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Hai Mươi Bảy
271 - Nguyễn Lưu
MẮC BỆNH “NHIỄM CỐT”
Nông dân sinh khoảng 1925 Bình Định – Mất 2005 tại Bình Định(81 tuổi).
Trong chiến tranh chỉ là dân thường nhưng vẫn bám trụ ở làng quê dù nhiều lần nơi đây xảy ra chiến trận khốc liệt.
Nhờ đó sau 75 biết nhiều về các địa điểm chôn cất liệt sĩ nên hàng chục năm trời chuyên làm chuyện “ăn cơm nhà vác ngà voi” là tự nguyện đi theo chỉ dẫn cho chính quyền truy tìm mộ liệt sĩ. Thậm chí khi tìm được rồi thì tự tay mình đào bới hốt cốt liệt sĩ bỏ vào tiễu sành cho cán bộ mang về đưa vào nghĩa trang.
Trong thời gian đó việc nhà nuôi 5 đứa con đều do một tay bà vợ cáng đáng trong cảnh nheo nhóc bần cùng vì ông làm việc nghĩa thời đó chưa hề có chế độ bồi dưỡng gì.
Đến năm 2000 thì phát bệnh nặng nằm liệt giường suốt 5 năm trời rồi qua đời trong cảnh nghèo khó. Người ta nói là vì bệnh “nhiễm cốt” do ảnh hưởng vệ sinh môi trường từ hài cốt chôn lâu năm nay tự tay mình lấy lên mà lại không quan tâm đến các điều kiện vệ sinh môi trường. Có lẽ đó là bệnh ung thư song ở vùng quê hẻo lánh mà gia cảnh lại quá nghèo nên khó bề chạy chữa nổi.
Chỉ tội người vợ còn lại sống một thân một mình không chỗ nương tựạ khi cả 5 con đều đã lập gia đình riêng chẳng giúp đỡ được gì đến nỗi bà đã 83 tuổi mà phải lê la ra ngôi chợ đầu làng… ăn xin. Chẳng những thế, khi có ai thương tình giúp đỡ được món tiền nhỏ thì lại bị một đứa con ở gần nhà qua đòi lấy hết, không chịu đưa thì… đánh cả mẹ!
272 - Nguyễn Mậu Tấn
HỌA SĨ CỤT 2 CHÂN 2 TAY
Thường dân sinh 1957 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở Thừa Thiên - Huế (2007)
Năm 1977 vừa tốt nghiệp phổ thông lên đồi cuốc đất trồng sắn thì trúng phải mìn làm cụt 2 chân đến đùi, một tay cụt sát bả vai và tay còn lại cụt ngang khuỷu tay.
Nằm viện 3 tháng trở về nhà thành người tàn tật thậm tệ như “một cục thịt vuông vức” nằm một chỗ cho cha mẹ lo hết mọi việc chăm sóc từ ăn uống đến vệ sinh. Tuyệt vọng tự tử 3 lần không chết.
Phải trải qua 3 năm như thế mới phấn đấu hồi sinh với ý chí quyết sống còn vươn lên mạnh mẽ: “Tôi đã tự thề đã không chết được thì phải cố sống cho đàng hoàng.” Thế là bắt đầu tập viết bằng cách ngậm bút đẩy đi tới mức nát cả môi chảy máu, sau đó cột bút vào khuỷu tay hẩy qua hẩy lại. Viết được rồi thì chuyển qua tập vẽ. Mất hơn 3 năm trời mới vẽ viết thành thục như người bình thường.
May mắn nhờ có năng khiếu sẵn và được bạn bè, bà con động viên nên vẽ tranh cổ động cho xã, vẽ tranh thờ cho dân làng (được trả bằng lúa gạo, khoai sắn), vẽ tranh minh họa cho thầy cô dạy học trò cũng kiếm sống được qua ngày và nhất là tìm được niềm tin yêu cuộc đời chưa tuyệt tình với mình. Tiếng lành đồn xa tới mức còn được giúp đỡ tổ chức một triển lãm ở Hà Nội năm 1981.
Có tiền mới mua chân giả lắp vào đi làm thêm viết tin bài cho đài huyện. Lại học thêm chữ Nôm tập dịch văn bia, viết thư pháp. Tiếp đến học cả tiếng Anh để dạy cho học sinh trường làng.
Ngoạn mục nhất là được một cô giáo nhờ vẽ tranh minh họa cho tiết học rồi dần dần… yêu luôn chấp nhận về làm vợ mặc gia đình mình phản đối quyết liệt.
Sinh được 4 con, cáng đáng thêm nhiệm vụ trông con khi vợ đi dạy, khi vợ về phụ giúp thêm công việc, cuộc sống và gia đình ngày càng ổn định, xây được cả căn nhà to. “Sống đàng hoàng” như lời thề ngày nào, còn hơn biết bao người lành lặn.
273 - Nguyễn Miên Thảo
PHIÊU LƯU CÁCH MẠNG 2
Nhà thơ tên thật Nguyễn Văn Tụng sinh 1946 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở TP.HCM (2010).
Làm thơ tình từ thời còn học trung học ở Huế, đăng báo Văn uy tín ở Sài Gòn. Vì thế tốt nghiệp Quốc học ở Huế liền tìm đường vào Sài Gòn lập sự nghiệp.
Tại đây gia nhập làng văn làng báo rồi được người thân móc nối hoạt động nằm vùng cho Cách mạng. Từ đó làm phóng viên cho cả báo tiến bộ (tạp chí Trình Bày) lẫn báo chống Cộng (nhật báo Sóng Thần) với ý đồ vận động cho Cách mạng.
Một thời gian thì bị lộ nên năm 1973 phải chạy vào chiến khu Bến Tre.
Sau 75 làm Phòng Văn hóa – Thông tin rồi chuyển về Văn phòng huyện ủy Châu thành. Lấy vợ chính gốc gái xứ dừa sinh được một đàn con rặt chất Nam bộ.
Nhưng bản tính vốn nghệ sĩ thích “giỡn chơi” với mọi sự trên đời không quen lắm với chuyện chính trị đứng đắn nghiêm túc mà quá mệt mỏi nên năm 1992 chia tay với nghiệp quan chức bỏ hết tất cả đem vợ con lên TP.HCM tìm đường sống khác.
Tuy nhiên thời thế đã đổi thay, bạn bè đồng chí cũng thay đổi theo, nơi xưa chốn cũ (thời hoạt động nằm vùng) không còn nữa, “đường dây” cũ cũng giải thể từ lâu rồi, không giúp đỡ được gì nên rốt cuộc lâm vào thế kiếm sống gian nan khốn khó.Ở nhà thuê nay đây mai đó cùng vợ làm nhiều nghề tạm bợ như bán cà phê, bán sạp báo, lắp ráp hàng gia công và cả làm báo vặt vãnh nữa để nuôi con. Lại thêm mắc bệnh tim phải một lần giải phẫu thật muốn hết hơi!
Bù lại, thời gian này đã tìm được nguồn an ủi là quay lại với thơ ca từng vàng son một thời tuổi trẻ gắn liền với tình yêu thời hoa mộng và quê hương Huế ruột rà (chính trong một lần về thăm Huế đã bị sốc tim phải mổ ngay tại Huế). Đã góp tay cùng bạn bè làm nên 3 tập “1.000 nhà thơ Huế đương thời” in 2006 – 2010 để gọi là trả ơn đời, trả nghĩa cho Huế.
Thơ như đã trả lại “con người thật” cho một đời người không kém phần ba chìm bảy nổi bây giờ mới ngộ ra chân lý:
“Buổi sáng ra ngồi dinh Độc lập
Mộng bá đồ vương một chút chơi
Tối về nằm mơ thấy Di Lặc
Nghe suốt trần gian một tiếng cười”
(Buổi sáng uống cà phê ở dinh Độc Lập)
Thơ giúp trở về “hồi xuân” với tình yêu người, yêu đời dẫu chỉ là… chút chút:
“Em cười xoá cả vô minh
Anh trong kinh kệ giật mình bước ra
Mõ chuông gửi lại trăng tà
Anh xin phiêu hốt bên tà áo em.”
(Quy y em)
274 - Nguyễn Minh
NGƯỜI ĐIÊN LỊCH SỰ
Thường dân tên cũ Nguyễn Con sinh khoảng 1944 tại Huế. Sống ở TPHCM (2010).
Hoạt động cách mạng từ Huế vào Sài Gòn những năm 60-70 trong phòng trào sinh viên học sinh đô thị. Năm 1972 bị chế độ cũ bắt, đến 1973 trao trả tù binh được đưa về Hà Nội chữa bệnh.
Sau 75 quay trở lại Sài Gòn nhưng đã có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần do hậu quả bị tra tấn thời gian ở tù. Ban ngày vẫn tương đối tỉnh táo, không làm gì quậy phá nhưng về đêm nằm ngủ thường xuyên thức dậy nửa chừng la hoảng thảng thốt như bị động kinh, suốt cả đêm như vậy.
Đồng chí cũ vẫn lo cái ăn cái mặc nhưng không nhà nào chứa nổi kể cả bạn bè, người thân, được cấp căn hộ thì bị người khác lợi dụng sang đoạt mất.
Thế nên mỗi ngày cứ đi bộ lang thang khắp các nẻo đường thành phố trong bộ dạng rất nghiêm chỉnh: Ao sơ mi trắng bỏ vô quần, gài nút tay áo đàng hoàng, tay luôn xách cặp hoặc ôm một mớ sách giống như thời còn là sinh viên tranh đấu chống chế độ Thiệu - Kỳ! Thỉnh thoảng nói chuyện vẫn có vẻ tỉnh táo bình thường, khuyên nhủ đàn em này nọ nhưng toàn về nội dung… một thời đã qua.
Đến đêm thì tìm công viên ngủ vạ vật làm nạn nhân cho bọn cướp giật bụi đời. Không sao, sáng tỉnh dậy lại bình thản sửa soạn đồ lề nghiêm túc bắt đầu hành trình một ngày lội bộ khắp thành phố như đang làm nhiệm vụ liên lạc, móc nối cơ sở thời chống Mỹ!
275 - Nguyễn Minh Khai
LÍNH ĐẶC CÔNG LÀM NGHỀ BỐC MỘ
Bộ đội về hưu sinh 1933 tại Nam Định. Sống ở Hà Nội (2003).
Từ năm mới 13 tuổi ở quê nhà đã tập làm nghề bốc mộ do thanh niên trai tráng đi lính gần hết. Vì thế lớn lên vào bộ đội được chuyển ngay qua ngành đặc công do đã “quá quen” với… người chết, cái chết!
Sau 75 cũng thế, được giao nhiệm vụ đi tìm hài cốt liệt sĩ nằm rải rác trên rặng Trường Sơn. Tìm được khoảng 3.000 hài cốt thì được điều động ra Bắc tham gia cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc, vừa chiến đấu vừa huấn luyện tân binh kiêm luôn công tác lo hậu sự cho đồng đội hy sinh, vẫn là một công việc quen thuộc.
Khi về hưu đưa vợ con ra Hà Nội sống chen chúc trong căn hộ nhỏ chung cư, vợ bán bún ở chân cầu thang. Để đỡ đần cho vợ chẳng còn việc gì làm kiếm sống ngoài quay về nghề cũ lâu năm… bốc mộ nghĩa trang dù có người không bằng lòng cho là việc thấp hèn đối với một đại úy cựu chiến binh: “Cái số tôi nó thế rồi. Vả lại nếu ai cũng làm việc lớn hết thì lấy ai làm chuyện nhỏ này?”
Làm một cách đương nhiên rất chuyên nghiệp, tận tụy cả khi đêm tối mưa gió chập chùng dù mới ra viện cắt một nửa bao tử. Gặp thân nhân khó khăn sẵn sàng giảm tiền công thậm chí có khi còn miễn phí vì một ý thức nghề nghiệp cực kỳ nghiêm túc: “Tôi không nghĩ mình làm thế để lấy phúc mà đơn giản chỉ là mình phải làm thật tốt các công việc mình đã tự nhân vào thân thôi.” Có ai hỏi có nhớ “sự nghiệp” bốc mộ đã bao nhiêu lần thì chỉ trả lời bằng câu hỏi ngược “Nhớ để làm gì? Cũng con người với nhau mà!” Từ đó chết tên lão “Khai mộ” người ta không ai sợ mà lại còn kính nể nữa.
Với điệp khúc muôn đời “Cũng là con người với nhau mà!” đã hình thành một triết lý cuộc đời nơi con người gày gò từng xông phá lửa trận chiến trường có gương mặt lúc nào cũng đăm chiêu nhuốm vẻ u uẩn mà nguyện vọng cuối cùng trước khi nhắm mắt xuôi tay là… đừng chôn mình xuống đất mà cho thiêu xác đi vì “Tôi chưa bao giờ có ý định từ bỏ nghề này nhưng thật lòng lại không muốn sau này lại có những nguời phải tiếp bước tôi.”
276 - Nguyễn Minh Long
TƯỚNG ĐI TÌM MỘ LÍNH
Thiếu tướng bộ đội về hưu sinh 1927 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2009).
Từng trải qua chinh chiến dạn dày từ chiến dịch Điện Biên Phủ đến thành cổ Quảng Trị, đường 9 Nam Lào…
Sau khi về hưu đã đến tuổi thất thập cổ lai hy vẫn tiếp tục tự bỏ lương hưu ra tổ chức bạn bè đi tìm mộ đồng đội dưới quyền mình hy sinh trên chiến trường Quảng Trị ngày nào ròng rã 13 năm trời qua.
Dù có chuyến đi không tìm được dấu vết nào nhưng cũng đã quy tập được gần 1.000 bộ hài cốt thông tin cho gia đình biết, liệt sĩ vô danh thì quy tập vào nghĩa trang.
Và chiến dịch “Hậu chiến” này vẫn còn tiếp tục với ông dù đã 81 tuổi: “Mình sống để trở về, có gia đình vợ con thế này còn đồng đội mình thì lạnh lẽo nằm lại trên các chiến trường không một nén hương, thử hỏi làm sao có thể yên lòng? Có sống thêm bao nhiêu năm cuộc đời nữa cũng đâu đủ trả hết món nợ ấy?... Có nhiều bà mẹ khi tìm thấy mộ con đã sống thêm được 5-7 năm. Và còn đó rất nhiều bà mẹ, người vợ và những đứa con vẫn chưa tìm thấy phần mộ của người thân mình. Đó là nỗi niềm day dứt trong mỗi người lính chúng tôi dù tuổi đã cao. Khi nào còn đồng đội chưa trở về được quê mẹ thì hành trình của chúng tôi vẫn tiếp tục…”
277 - Nguyễn Minh Lý
“LÀNG S.O.S GÀNH HÀO”
Lương y sinh 1947 tại Bạc Liêu. Sống ở Bạc Liêu (2010).
Theo Cách mạng từ năm 18 tuổi phục vụ ngành quân y công an với nghề y học dân tộc gia truyền. Nhưng sau chiến tranh đến năm 1979 lại bị “soi” vấn đề lý lịch nên cho ra khỏi ngành – đang mang hàm trung úy - chuyển về làm việc ở trạm xá thị trấn Gành Hào quê hương mình.
Rời khỏi ngành với 2 bàn tay trắng nuôi một vợ 4 con (con gái út bị mù) gia cảnh túng thiếu mà lại mất lý tưởng cống hiến nên có lúc từng lâm vào cảnh trầm cảm buồn tình thế sự. May sao cuối cùng vẫn tìm lại được niềm tin giúp ích cho đời qua việc sẵn lòng cứu vớt trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ mồ côi không nơi nương tựa gặp đâu cũng đem về nhà nuôi nấng lớn lên thành tài, tất cả đến 20 em. Được bà con gọi là “Làng S.O.S Gành Hào” từ thời chưa có tổ chức từ thiện quốc tế này.
Để làm được việc đó phải bán căn nhà nhỏ được nhà hảo tâm giúp cho lấy tiền lo cho đám con học hành nên 14 lần đổi chỗ ở thuê ở nhờ, suốt hơn 20 năm bỏ thói quen uống cà phê, bỏ ra tiệm hớt tóc (vợ hớt cho tại nhà), không hề mua một bộ áo quần mới. Ngày làm trạm xá, đêm về đi giăng câu soi ốc kiếm thêm miếng ăn cho đàn con đùm đề, có lúc “phấn đấu” muợn nợ thuê đất nuôi tôm thì gặp vụ mùa thất bát phá sản. Vợ làm nghề may mùng phụ giúp làm bà mẹ phải cho bú cùng lúc… 2-3 đứa rồi do ngồi một chỗ đạp máy hoài sinh ra bệnh teo cơ chân kèm tiểu đường không tiền thuốc thang.
Nhưng 20 đứa con - 14 là con người dưng – vẫn được học hành đến nơi đến chốn dù đôi lúc 2 chị em chỉ có một chiếc áo dài phải chia nhau sáng chị mặc, chiều em mặc rồi cùng giặt chung. Tất cả đều được đặt họ Nguyễn tên Thảo, chỉ khác tên lót theo ý nguyện của người cha nuôi: “Tôi đặt tên Thảo là mong anh chị em chúng thuận thảo với nhau dù không chung dòng máu”.
Và ý nguyện đó đã được thực hiện tốt đẹp với đàn con đông đúc nay phần lớn đã trưởng thành ra đời làm việc, có đứa được cha mẹ nuôi lo dựng vợ gả chồng đàng hoàng. Còn lại 5 đứa nữa - một con ruột và 4 con nuôi – vẫn được lo cho học đại học và cao đẳng ở Cần Thơ.
278 - Nguyễn Mộng Giác
VIẾT TRONG THỜI CẤM VIẾT
Nhà văn Việt kiều sinh 1940 tại Bình Định. Sống ở Mỹ (2010).
Nhà văn xuất thân nhà giáo mới bắt đầu nổi lên cuối thập niên 60 ở miền Nam với phong cách phân tích tâm lý hiện đại sâu sắc, tiềm tàng tinh thần dân tộc, được trao Giải thưởng quốc gia của chế độ cũ. Nguyên giám đốc Sở Giáo dục Bình Định đã xin chuyển về Bộ GD ở Sài Gòn làm chuyên viên cao cấp với mục đích muốn theo đuổi lâu dài con đường sáng tác.
Nhưng xảy ra biến cố 30.4. 75 nên bị cho nghỉ việc tuy thâm tâm vẫn muốn hoà nhập, đóng góp với chế độ mới. Đành chấp nhận trở thành thợ… làm mì sợi – món ăn phổ biến thời bao cấp thiếu đói – vừa làm vừa chở đi bỏ mối.
Tuy nhiên vẫn không buông bút, không bỏ cuộc văn chương với niềm tin sâu sắc “ngày mai trời lại sáng”. Vì thế vẫn tiếp tục viết trong giờ nghỉ trưa và tối về cặm cụi ở nhà khu ngoại ô Sài Gòn trong tình cảnh nhà văn “Ngụy” đuơng nhiên không được viết không được in, thậm chí còn có thể bị bắt vì điều đó!.
Từ đó bắt đầu thai nghén bộ tiểu thuyết trường thiên lịch sử “Sông Côn mùa lũ” viết trên những cuốn tập học trò. Tác phẩm viết về đề tài cuộc khởi nghĩa Tây Sơn diễn ra nơi quê nhà Bình Định xa xưa, khởi thảo 1978 và hoàn thành 1981.
Nhưng đến đó thấy chờ “trời lại sáng” có vẻ… lâu quá, xin vào làm báo Tin Sáng cũng không đuợc chấp nhận nên đành… vượt biên một mình qua Mỹ (sau mới bảo lãnh vợ con qua sau). Chính trên đất Mỹ, “Sông Côn mùa lũ” 4 tập dày 2.000 trang mới có cơ hội ra mắt bạn đọc năm 1991 cùng vài tập truyện ngắn khác. Cùng lúc trở lại góp mặt trên văn đàn hải ngọai, tham gia tạp chí điện tử “Hợp lưu” theo xu hướng ôn hòa kêu gọi “hoà hợp dân tộc”…
Cuối cùng rồi cũng đến thời “trời lại sáng” - Đổi mới - lại quay về nước tìm kiếm sự đồng cảm đến muộn. Nhờ đó “Sông Côn mùa lũ” ra mắt đồng bào trong nước năm 1998, còn được hãng phim trong nước định chuyển thành phim…
Trong lúc còn bao nhiêu dự án ấp ủ đang hy vọng thực hiện trên quê mẹ thì trong một chuyến về nước làm việc kết hợp thăm bà con nhân ngày Tết 2009 mới được vài ngày thì bị đột quỵ ngã bệnh nặng phải lập tức được đưa về lại Mỹ chữa trị…
279 - Nguyễn Ngân Dậm
NGƯỜI MẤT TRÍ NHỚ Ở BELARUS
Cựu chiến binh sinh khoảng 1934 tại Sài Gòn. Sống ở TPHCM (2009).
Là con dân Củ Chi “Đất thép thành đồng”, 18 tuổi đã trở thành chỉ huy bộ đội đánh Pháp rồi không may bị thương nặng được chuyển ra Bắc điều trị. Từ đó tiếp tục được đưa qua Liên Xô chạy chữa.
Nhưng cũng từ đó qua một thời gian dài giữa nhiều biến động lịch sử, số phận ông… biệt tích luôn trên đất khách quê người, bệnh hoạn không còn ai thân quen biết tới hay để ý đến nữa!
Mãi đến năm 2009 nhờ sự hợp tác của các nhà báo Nga và Belarus với chương trình tìm người mất tích “Như chưa hề có cuộc chia ly” của VTV mới phát hiện ra ông hiện đang ở trong một Trung tâm điều dưỡng bệnh tâm thần tận… Belarus! Con cháu ông đã nhận ra ông và qua tận nơi đưa về lại quê hương Củ Chi sau 55 năm xa cách. Lúc đó ông không còn nhớ được gì hết, quên cả tiếng Việt mà chỉ nói toàn… tiếng Nga giống như một cựu chiến binh Hồng quân chống phát xít Đức!
Nay thì trên quê cũ thân thương, giữa vòng tay con cháu, quá trình hồi phục đang dần trở lại. Qua đó có thể đoán thấy rằng có lẽ vết thương chí mạng ngày xưa đã làm mất trí nhớ phải nằm trong viện tâm thần ở Belarus gần như suốt đời (kéo dài đã 24 năm) trong tình trạng không người thân thích, không ai còn biết được lai lịch. Vì Belarus ở xa Nga trung tâm Liên Xô thời đó và nhất là sau này càng xa vời hơn kể từ khi Belarus tách khỏi Liên bang Xô viết.
280 - Nguyễn Ngọc Khang
NẠN NHÂN VIỆT DUY NHẤT VỤ KHỦNG BỐ 11.9
Kỹ sư Việt kiều sinh 1960 tại miền Nam VN – Mất tại Mỹ 2002 (43 tuổi).
Trong cuộc di tản hỗn loạn qua Mỹ ngày 29.4.1975 đã lạc mất mẹ và 8 anh chị em, chỉ mình và bố đi được. May là năm 1981 cả gia đình được đoàn tụ trên đất Mỹ.
Học đại học tốt nghiệp kỹ sư điện xuất sắc nên năm 1988 được tuyển vào làm nhân viên Bộ Quốc phòng ngành hải quân. Được đánh giá là nhân viên ưu tú nên đến tháng 3.2001 được gọi về làm việc ngay Ngũ giác đài trụ sở Bộ Quốc phòng ở Thủ đô Washington.
Cuộc đời đến đây như thế xem như song suốt gặp nhiều may mắn với triển vọng đường công danh đang lên. Nào ai ngờ chỉ 7 tháng sau xảy ra vụ khủng bố 11.9 chấn động lịch sử biến mình thành nạn nhân gốc Việt duy nhất trong hơn 2.000 người chết tại chỗ và mất tích.
Trong 2 điểm lãnh đòn khủng bố đánh bất ngờ máy bay đâm vào thì Ngũ giác đài đầu não của bộ máy quân sự Mỹ ít bị thiệt hại nhất chỉ 125 người chết so với 2.016 người thiệt mạng tại toà Tháp đôi ở Trung tâm Thương mại tại New York. Vậy mà xui xẻo thay ở Ngũ giác đài lại có một tử sĩ Việt kiều trong khi nơi kia không có. Ban đầu báo là mất tích, thật ra là chết cháy chưa kịp nhận diện.
Ra đi khá sớm để lại một vợ một con trai vừa ăn sinh nhật 4 tuổi trước đó 2 ngày. Và căn nhà mới đúng ngày hôm sau sẽ nhận chìa khóa nhà.
(Còn tiếp)