ĐẮNG - NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO


Không đủ thời gian theo kịp chuyến tàu
Ga muộn kéo ngày chết rỗng
Những bước chân
Đến từ đâu trên mặt đất
Hấp hây nỗi buồn?
o
Không đến được nơi bắt đầu khai nụ yêu thương
Tháng ngày trượt dốc
Khi tình yêu thôi bao dung
Có ai nhận mình đơn độc?
o
Đoàn tàu ấy mang anh đi
Về phía ngôi nhà sáng đèn
Người đàn bà ngoài ba mươi
Hớp ngụm trăng non rớt trên vòm ngực.
o
Nắng đã vãn ngày
Gió sắt se lay
Nửa trái tim quỳ gối
Vuốt ngược tiếng thở dài.
o
Em dâng anh giọt đắng....

26-6-2010

N.T.A.Đ

CÓ NGHĨA LÀ XA CÁCH ... ĐỂ YÊU THÔI - NGUYỄN MIÊN THẢO


Nếu còn sống vài ba trăm năm nữa
Nhắc tên em ta vẫn bồi hồi
Tim vẫn đập rộn ràng trong ngực
Khi nghe em về một sáng mưa bay

Biết đâu sẽ có người con gái khác
Làm tim ta đau như em bây giờ
Cũng có thể có người con gái khác
Chẳng bao giờ hiểu hết một nhà thơ

Những khát khao vẫn còn nguyên trai tráng
Vẫn còn nguyên nhịp đập trái tim cuồng
Cũng có thể một ngày hương tình ái
Sẽ không còn mua chuộc được ta chăng?

Nói chuyện xa xôi làm gì thêm mệt
Ta yêu em yêu cả đất cả trời
Ta yêu em có nghĩa là…xa cách
Có nghĩa là xa cách để… yêu thôi

Nếu rủi ro ta với em xa thật
Như bây giờ đang xa cách - sao đâu
Thôi ta hoá thành con ngựa đá
Cất vó một lần cho đến nghìn sau.


NMT

HOÀI CẢM - HOÀNG THỊ THIỀU ANH


Người thiếu phụ buồn
Giấu chiều vào trong tóc
Giăng tay ôm gió.
Hong chiều bồng bột

Dưới chân viên gạch vỡ
Thinh không hoang tưởng
Đợi chờ
Nấm mồ cảm giác rệu rã
Bờ môi khao khát dại sầu

Cơn đau dai dẳng!
Thiếu phụ buồn khóc
Gỡ tóc rối vân vê.
Nghĩ về người đàn ông
Sầu mộng.

Chiều không tan nắng
Gió chẳng đưa mây
Đứng ngắt
Câm lặng

Thiếu phụ trở về
Mang chiều thả vào tóc
Bờ môi hôn gió
Ưu tư vỡ òa khói mây


HTTA

VỚI NỖI BÀNG HOÀNG - HOÀNG LỘC


em không thể tìm về tôi được nữa
ngày thu kia cũng riêng rã bên trời
tôi không thể tìm về em được nữa
nỗi bạc lòng đã lạnh mấy trần ai

ai cũng biết tôi yêu người đến vậy
câu thơ buồn còn rụng khắp ngày xưa
có ai biết em ra người thế ấy
hồn thơm hương mà bay biệt không ngờ

tôi thoát chết đôi lần – (chưa chắc sống)
ngồi trong đời mà cứ ngỡ trong thơ
6-10
HL

HL

CHỜ ĐỢI SỰ IM LẶNG - PHẠM TẤN HẦU


Để nhớ TNS
“tiếng thét trong bóng đêm mới mẻ, chỉ cần hát và chỉ cần khóc”
J.BRODSKY

Bây giờ là tháng bảy, triền miên mưa
ngày gián đoạn và giông bão
làm rối loạn con đường, chúng ta đã tìm
trong bóng tối
trong khao khát và say mê.
Đầu để trần, mặc cho những ý nghĩ thách thức
và vang dội những mưa, bãoc
ố lấp đầy khoảng trống
của một thế giới đang thét gào
vì chẳng như mong ước
thế giới ta đã hát và đã khóc
mong manh tựa đám mây màu tro
thường vướng lại trên hàng cây muối
nơi góc cửa Hiển Nhơn
chỗ chúng ta thường ngồi lại
xé cho nhau
lòng thương xót
khi nói về những người bạn
với nỗi cô đơn và vực thẳm họ để lại
đang úp ngược
lên cuộc đời chúng ta rồi sẽ tự vỗ về
bằng lãng quên những cái tên
đã viết ra từ đau đớn
những cái tên còn nghe được âm vang từ
dấn thân, khát vọng
Có lẽ, như đám mây nặng nề kia tự tan đi
không hát nữacũng không còn biết khóc
chúng ta già đi như chẳng còn yêu
chẳng còn cảm xúc
để dâng tặng

Anh thấy không,đó là điều có thể dẫn dắt
một người mù
đi vòng qua bên kia rào chắn
dựng lên như sự thách đố hiển nhiên
đêm của họ dài quá
và những con đường luôn khép lại
cây cũng tụm lại
tắt luôn tiếng rì rào
tựa như đang chờ đợi
để nuốt chững thêm sự im lặng
của chúng ta.

P T H

CUỐI ĐƯỜNG - VŨ TRỌNG QUANG


Xin lỗi vầng trăng khuyết vẫn đợi
hai ta ở cuối đường về
cả khu vườn tơi tả những cành hoa trộm hái
cả lời thề khắc trên cây cao hơn tầm tay với
o
Xin lỗi chim quyên chậu cá lia thia
cái tát tai câu ca dao đứt khúc
ly tách âm vang
chỗ nằm động đất
bao lâu rồi giấc ngủ ngược đầu nhau
bao lâu rồi giấc ngủ bạc đầu nhau
o
Xin lỗi cánh cửa căn phòng có lời xa lạ với ban mai
mất lá thư đầu bày tỏ
đôi đũa nhiều buổi sau đơn lẻ
mâm cơm lạnh những màu
o
Xin lỗi cốc rượu va mạnh cuối ngày chủ nhật
thứ hai sẽ vỡ
lẽ nào kéo dài tuổi thọ tình yêu
bằng trái tim thực vật
thưa quí toà
tôi đánh mất một điều không có.

VTQ

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2010 (KỲ 47 )


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

471 - Hoàng Bình Trọng
NHÀ VĂN TIỀU PHU
Nhà văn sinh 1942 tại Sài Gòn. Sống ở Quảng Bình (2010).
Quê gốc Quảng Bình nhưng sinh ở Sài Gòn do cha thuộc giới trí thức tỉnh lẻ lưu lạc vào miền Nam làm cho Pháp thời dân “Bắc cũ” trước 1954 (phân biệt với “Bắc di cư” 54 và “Bắc 75” sau 1975).
Lớn lên lại lưu lạc quay lại miền Bắc học ĐH Mỏ tốt nghiệp kỹ sư địa chất được phân công đi khắp miền biên giới phía Bắc lập bản đồ địa chất. Từ kinh nghiệm sống và làm việc cộng với vốn kiến thức và chất trí thức (giỏi cả chữ Hán lẫn tiếng Pháp, Nga) truyền lại từ cha mới bắt đầu sự nghiệp sáng tác văn chương, bắt đầu từ các cuốn truyện viết cho thiếu nhi.
Năm 1970 đạt thành công vang dội với cuốn tiểu thuyết viết cho thiếu nhi “Bí mật một khu rừng” được tái bản 4 lần, có lần in tới 100.000 bản, còn được dịch ra tiếng Nga in ở Liên Xô cũ, nay vẫn được liệt vào “Tủ sách vàng” của Nxb Kim Đồng.
Năm 1971 tình nguyện đi bộ đội đánh Mỹ, được điều qua chiến trường Lào rồi vào chiến trường Nam bộ, đông Nam bộ.
Sau chiến tranh, phục viên về lại với nghề kỹ sư địa chất làm giảng viên trường Mỏ – Địa chất rồi làm liên đoàn phó liên đoàn địa chất. Vừa dạy vừa tiếp tục viết văn, in nhiều tác phẩm khác với thể loại phong phú hơn, cả tiểu thuyết lẫn truyện ngắn, thơ và trường ca, dịch thuật.
Vì ngày càng say mê với nghề văn nên sau đó xin chuyển ngành qua làm cho Hội Văn nghệ Vĩnh Phú và tạp chí của hội. Tuy nhiên được một thời gian thì tỉnh này chia hai thành tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc khiến công việc gặp trục trặc ở địïa phương nên xin về hưu non dẫn vợ và một con tìm đường về lại quê cha Quảng Bình.
Nhưng đối với Quảng Bình lại giống như “đứa con hoang” nên không được ai giúp đỡ kể cả trong giới văn nghệ. Vậy là lâm vào cảnh thất cơ lỡ vận vừa thất nghiệp vừa gia cảnh túng quẫn phải dựng lều tạm bợ bên dòng sông Gianh mà sống qua ngày. Đồng thời ngày ngày vào rừng… đốn củi về bán ở chợ làng!
Một thời gian sau bạn bè mới biết, mới tìm cách xin cho vào làm biên tập ở tạp chí Nhật Lệ của Hội Văn nghệ tỉnh, nhờ đó cũng đỡ vất vả phần nào. Nhưng nay phải sống đời một cảnh hai quê, mình làm trên tỉnh ở phòng cơ quan – tự đi chợ nấu ăn, giặt giũ… - còn vợ vẫn ở lại dưới làng ven sông Gianh, cuối tuần vác xe đạp lên xe đò về thăm cách xa hơn 100km.
Đành chấp nhận phần số thế thôi, từ một kỹ sư bài bản đến một nhà văn thần tượng của độc giả thiếu nhi một thời rồi từ một người lính kinh qua chiến tranh đến một lãnh đạo liên đoàn địa chất, một lãnh đạo hội văn nghệ tỉnh đột nhiên hỏng chân rơi tuột xuống nghề… đốn củi chợ chiều. Dù may mà cuối đời trời còn cho quay lại với bút sách chữ nghĩa để hoàn thành sự nghiệp (khoảng 20 tác phẩm) thì cũng chỉ đành tự an ủi số kiếp một nhà văn “trí thức nhà quê” đã lỡ chọn “lầm” đời trong thời thế bất đắc chí cười ra nước mắt mà thôi:
“Đã không chịu sống cúi luồn
Ai còn so đọ thiệt hơn đường đời.
Đã lầm một kiếp làm người
Thì đi cho hết trận cười bể dâu…”

472 - Hoàng Kim Nhuận
TAN VỠ GIẤC MƠ ĐOÀN TỤ GIA ĐÌNH
Thường dân sinh 1949 tại Thừa Thiên & Huế – Mất 2010 ở Đà Nẵng (62 tuổi).
Trước 75 tốt nghiệp ĐH Vạn Hạnh ở Sài Gòn, làm công chức Sở Điện lực TP.
Sau 75 cùng vợ và con trai vượt biên nhưng chỉ vợ con đi được qua Canada, còn minh ở lại vẫn được làm việc tiếp. Vài lần tìm cách vượt biên nữa nhưng không thành và cũng vì vậy bị cho nghỉ việc. Đành sống nhờ tiền vợ gửi về chờ làm thủ tục bảo lãnh.
Trong thời gian kéo dài nhiều năm dài đó, ở không cô đơn và buồn đời nên rơi vào rượu chè dài dài thành thói quen thường nhật. Tâm lý dần dà càng trở nên bất ổn.
Đến khoảng năm 1997 mới được vợ bảo lãnh qua Canada đoàn tụ gia đình.
Nhưng trên xứ người xa lại, do đã khá lớn tuổi nhưng chủ yếu vì tật nghiện rượu đã ăn vào máu nên không hòa nhập được với cuộc sống mới, khó tìm được công việc làm đúng ý. Từ đó dẫn đến bất hòa trong gia đình, lúc còn ở trong nước vẫn thương nhớ đứa con trai duy nhất song bây giờ ngay đứa con đó cũng không chịu nổi bố tối ngày say sưa! Mâu thuẫn gia đình tới mức đi đến kết quả… ly dị!
Lại quay về sống đời cô độc một thân một mình nơi xứ lạ trong môi trường không làm quen được, cũng không tiền bạc đủ lo nuôi thân nên lại rơi vào buồn chán tiếp tục uống rượu. Tuổi cao sức yếu đưa đến hậu quả bị tai biến đột quỵ may mà vợ cũ còn có lòng lo lắng cho nhưng đỡ bệnh rồi thì thôi.
Không thể sống nổi nữa trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ thứ từ vật chất tới tinh thần, cuối cùng năm 2002 phải chọn giải pháp… quay về nước sốâng nhờ người chị cưu mang ở Đà Nẵng dù cảnh nhà chị làm giáo viên cũng không khá giả gì.
Từ đó kéo lê kiếp sống buồn bã trong cảnh nghèo túng, không bạn bè, vợ con bặt tin. Sống kham khổ nên thêm bệnh cũ tái phát nằm liệt một chỗ hàng tháng trời rồi nhắm mắt ra đi trong cảnh cô quạnh, vợ con không về (tuy có gửi tiền về lo việc tang ma).

473 - Phạm Nhất Định
“THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT HÀ TIỆN”
Bác sĩ sinh 1929 tại Thái Bình. Sống ở Thái Bình (2007).
Xuất thân gia đình mấy đời làm nghề đông y, lớn lên vào đại học tốt nghiệp cả tây y lẫn đông y rồi tình nguyện nhập ngũ vào Nam lăn lộn trên chiến trường miền Trung.
Sau 75 về hưu quay lại quê nhà mở phòng khám bệnh riêng, vô cùng đặc biệt ở chỗ… miễn phí! Không lấy tiền khám mà bệnh nhân còn được cung cấp thuốc đông y đem về nhà điều trị. Còn lên xe máy cà tàng đi khắp nơi trong tỉnh khám chữa bệnh tại gia khi người bệnh yếu không đi được, tất nhiên cũng miễn phí. Trong vòng hơn 10 năm qua đã làm việc không công như vậy cho 20.000 lượt nguời.
Bỏ công thì không nói làm gì nhưng còn bao chi phí cho phòng mạch rồi tiền xăng dầu xe máy lấy đâu ra để làm chuyện “vác tù và” như thế?
Bằng cách – ngoài một nửa số lương hưu đổ vào -… tiết kiệm tối đa mọi khoảng chi tiêu cho bản thân, tiết kiệm bất cứ ở đâu lúc nào, bất cứ cái gì việc gì: Không may hay mua áo quần mới (quanh năm suốt tháng vẫn trung thành với bộ đồ bộ đội cũ bạc phếch hoặc xin áo cũ mặc đỡ), thỉnh thoảng thư giãn chỉ nhâm nhi đúng 1 cốc bia hơi kèm 1 điếu thuốc lá với giá không quá… 2.000 đồng (nên mới có biệt danh “Bác Định 2 nghìn”)! Thậm chí có bệnh nhân nào nhớ ơn biếu chút quà thì lập tức… đem đi bán lấy tiền, nơi nào mời đi họp có chiêu đãi ăn uống thì không ăn mà xin… lấy tiền phần ăn bù lại để “dùng vào việc khác”!
Tất cả đều cắt cóp để dành đưa vào “công quỹ” cho “phòng khám nhân dân” của mình, vì vậy mới được giang hồ tôn sùng là “Đệ nhất hà tiện” quê lúa. Tất cả vì “Cứu người là mệnh lệnh của trái tim… Tôi từng chứng kiến bao nhiêu mạng người mất đi vì bom đạn. Cận kề với chuyện sống chết, tôi hiểu sinh mạng con người rất quý báu nên đã tâm niệm dành cả cuộc đời mình cho việc cứu ngườì bằng tất cả khả năng của mình.”
Từ đó còn vận động lập “Quỹ cứu người” trong toàn tỉnh, ngoài hoạt động khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo còn mở rộng qua lãnh vực giáo dục trao học bổng cho học sinh nghèo.

474 - Phạm Phú Bằng
NHÀ TỪ THIỆN TƯ NHÂN VÔ DANH LỚN TUỔI NHẤT
Nhà báo quân đội về hưu sinh 1928. Sống ở Hà Nội (2010).
Nguyên bộ đội rồi chuyển qua làm phóng viên quân đội (dòng dõi lớn, cháu thượng thư Phạm Phú Thứ triều Nguyễn) có mặt từ chiến dịch Điện Biên Phủ đến chiến dịch Mậu Thân, chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam.
Về hưu năm 1989, chuyển hoạt động qua một lĩnh vực khá mới lạ: Góp công góp sức cho công tác làm từ thiện “tư nhân” tự nguyện hướng đến những vùng sâu vùng xa nơi những chiến trường mình từng trải qua, tìm giúp những con người đã hứng chịu tai ương chiến tranh, đặc biệt ở biên giới phía Bắc. Một trong những nhà từ thiện cá nhân đầu tiên sau chiến tranh.
Ròng rã 20 năm kiên trì làm công việc này không mệt mỏi với sự hỗ trợ của bạn bè, người thân, mạnh thường quân đồng cảm chia xẻ nhưng nhất quyết không dương danh không ồn ào, không mang danh hội này hội nọ.
Cứ thế tự nguyện đi theo những chuyến hàng cứu trợ khắp các nẻo đường xa xôi hẻo lánh xem như một cuộc “hành quân” mới hướng đến một cuộc chiến đấu mới, chiến đấu chống nạn đói nghèo. Dù tuổi đã ngót bát tuần “thân hình mỏng quẹt, gầy yếu và nhạt thếch” vẫn duy trì một nhịp độ đi chuyển quà từ thiện mỗi tuần một chuyến tới một tỉnh vùng cao biên giới.

475 - Phạm Phú Quốc
TÌM HÀI CỐT ĐƯA VỀ TỪ MIỀN BẮC
Sĩ quan chế độ cũ sinh 1935 tại Quảng Nam – Mất 1965 ở Hà Tĩnh (31 tuổi).
Từng là một “người hùng” của VNCH khi cùng bạn chiến đấu Nguyễn Văn Cử lái máy bay thả bom dinh Độc Lập ám sát Tổng thống Ngô Đình Diệm năm 1962 nhưng bất thành sau đó bay qua tị nạn Campuchia, đến thời tướng Dương Văn Minh đảo chính thành công năm 1963 mới trở về thăng hàm trung tá chỉ huy trưởng sân bay Biên Hòa.
Năm 1965 trong đội chiến đấu cơ VNCH đầu tiên ra đánh bom miền Bắc (do thiếu tướng Tư lệnh không quân Nguyễn Cao Kỳ dẫn đầu) và bị bắn rơi tử trận tại địa phận Hà Tĩnh. Lập tức Phạm Duy đã sáng tác cấp kỳ ca khúc “Huyền sử ca một người mang tên Quốc” phổ biến một thời ở miền Nam.
Từ năm 1990 gia đình trong Nam đã ra Bắc tìm mộ hoặc hài cốt song không có kết quả do thời gian đã lâu và có nhiều thay đổi về địa điểm, hơn nữa lại là mộ không ai thăm viếng. Đến năm 1997 mới có vài thông tin, qua năm 1998 nhờ cả nhà ngoại cảm và một đại tá không quân miền Bắc góp sức cuối cùng mới tìm được mộ đã dời về một nghĩa trang huyện ở Hà Tĩnh.
Lúc đó mới hay thời đó vẫn được dân địa phương làm mộ đàng hoàng có cả bia đề “Mộ ông Phạm Phú Quốc” vì biết là người từng chống chế độ Diệm.
Hài cốt đã được bà chị 83 tuổi đưa về quê Hội An xây mộ nằm trong nghĩa trang dòng họ Phạm Phú nổi tiếng Quảng Nam.

476 - Phạm Quang Toàn
ĐƯA CON VÀO RỪNG CAI NGHIỆN
Thường dân sinh khoảng 1948 tại Thái Bình. Sống ở Thái Bình (2005).
Nguyên là bộ đội thương binh trên chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị) năm 1968 rồi sau đó là Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Sau 1975 còn tiếp tục chiến đấu ở Campuchia rồi mới xuất ngũ về quê làm nghề buôn bán.
Cuộc sống đang tương đối ổn định thì sinh ra chuyện đau đầu là con trai dính ma túy, bèn quyết định bán xe máy lấy tiền một mình dắt con lên Đắc Lắc đưa vào rừng lao động để cai nghiện. Vận dụng kinh nghiệm của nửa đời làm lính vuợt đường Trường Sơn trước kia để chữa bệnh nghiện cho con: Thuê đất làm rẫy gần biên giới Campuchia, sốâng chung với người dân tộc Ê Đê, hai cha con cùng dựng nhà tranh, cuốc đất khai hoang quần quật “như thật”!
Kết quả con dứt được nghiện hút, còn lấy vợ sinh con ngay tại đây nữa.
Sau 2 năm cuộc cai nghiện thành công tốt đẹp mới dắt díu con trai con dâu và cháu về quê trở lại cuộc sống bình thường.

477 - Phạm Thị Bạch Mai
2 NĂM UỐNG THUỐC NGỦ VÌ… NUÔI GÀ!
Doanh nhân Việt kiều sinh tại Tiền Giang. Sống ở Tiền Giang (2006).
Cùng chồng là Việt kiều ở Mỹ sau 24 năm làm lụng nuôi 7 con thành tài đến năm 2000 lại quay trở về quê hương Mỹ Tho đầu tư lập trại nuôi gà với uớc mong “làm một cái gì đó cho quê mình”.
Nhưng không may gặp đại dịch cúm gia cầm trong 2 năm 2004 – 2005 bị 3 trận dịch làm phá sản mất 15 tỉ đồng kèm nợ 1 tỉ. Phải tự mình mang gà và trứng ra chợ ngồi bán lẻ kiếm được đồng nào hay đồng đó. Mấy lần phải bán đất bán nhà ở Mỹ trả nợ cũng không đủ phải cầu cúu con cái bên đó chạy vạy cầm cố nhà cửa để gửi tiền về giúp cha mẹ.
Vốn liếng hết sạch, cơ sở điêu tàn, nợ đòi bên lưng, quá lo lắng tới mức phải uống thuốc ngủ liên tục trong 2 năm trời mới qua được giấc đêm. Vậy mà không chịu làm chuyện mua rẻ bán đắt kiếm lời cao vì “Dân mình còn nghèo lắm, làm sao có tiền mua nổi con gà mà ăn nếu tôi bán giá cao?”.
Từ đó vẫn chưa chịu bỏ cuộc nuôi gà trang trại, tiếp tục “Cứ thử một lần nữa xem sao”!

478 - Phạm Thái Sen
VỢ BỎ VÌ CON BỊ CĐDC
Thường dân sinh 1937 tại Quảng Bình. Sống ở Hà Nội (2007).
Đi bộ đội năm 1956 vào Nam chiến đấu.
Năm 1988 lập gia đình với một nữ cựu chiến binh sinh được một con trai. Nhưng con dính CĐDC đến năm 19 tuổi vẫn không nói không cười, không có cả cảm giác đói no, mỗi khi thời tiết thay đổi lại nổi cơn đau đầu dữ dội khiến cứ đập đầu mãi vào tường. Bà vợ không còn chịu đựng nổi thảm cảnh đau lòng đó nên ly dị bỏ đi.
Nay chỉ còn lại một mình đã 70 tuổi phải lụm khụm nuôi con trong tình cảnh bản thân cũng mang đủ thứ bệnh (thoái hóa cột sống, đau dạ dày triền miên…). Với câu hỏi nhói lòng: Đến lượt mình mất đi thì ai sẽ chăm sóc cho con đang sống đời vô tri giác như thế?

479 - Phạm Thành Công
NGƯỜI CANH GIỮ SƠN MỸ
Công chức sinh 1957 tại Quảng Ngãi. Sống ở Quảng Ngãi (2010).
Là một trong 25 người còn sống sót - nay chỉ còn lại 15 người - lúc mới 11 tuổi trong vụ thảm sát Sơn Mỹ năm 1968 (504 nạn nhân chết tại chỗ với 60 cụ già, 182 phụ nữ, 173 trẻ em…) trong đó có mẹ, chị, 2 em gái và 1 em trai của mình.
Được bà con, xóm giềng chung sức nuôi nấng sống lây lất qua ngày. Lớn lên không còn con đường nào khác ngoài vào du kích đánh Mỹ.
Sau 75 được cho đi học rồi tình nguyện trở về quê hương ngay địa điểm xảy ra cuộc thảm sát ngày xưa làm giám đốc Khu Chứng tích Sơn Mỹ. Tại đây vừa chăm lo nhang đèn đền thờ, mộ chí vừa phải thường xuyên tiếp đón nhiều khách quý chính là các… “cựïu thù” cũ mà bây giờ “Chúng tôi đã trở thành như bạn bè rồi”!

480 - Phạm Thế Minh
THẦY GIÁO BỊ TỪ CHỐI
Giáo viên khuyết tật sinh 1975 tại Hải Phòng. Sống ở Hải Phòng (2009).
Bố mẹ đều từng chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị nên sinh ra đã bị dị tật đôi chân mềm oặt đứng không vững.
Dù vậy rất ham học nên đã được bố mẹ thay phiên nhau cõng đi học đến tốt nghiệp cấp 3. Có ước mơ trở thành thầy giáo nhưng do tật nguyền nên nộp đơn vào các trường sư phạm đều bị từ chối thẳng thừng.
Không tuyệt vọng, về nhà cùng lúc tự học luôn 2 nghề – một là nghề sửa chữa máy móc điện tử để kiếm tiền tự lo cho bản thân và một là tự mày mò học tiếng Anh để quyết tâm thực hiện cho kỳ được giấc mơ đi dạy học.
Đến năm 1996 một trung tâm dạy nghề huyện chấp nhận tuyển vào dạy Anh văn. Tưởng đã yên thân không ngờ chỉ 5 tháng sau trường… giải thể vì không ai quan tâm đầøu tư phát triển.
Nhưng cũng may nhờ khả năng dạy tốt nên học trò cũ đề nghị thầy tiếp tục dạy riêng ở nhà. Thế là lớp học tại gia ra đời dù phải ngồi học trong…lều cỏ lợp mái tranh ngoài trời song không em nào bỏ học. Trong hơn 10 năm đã giúp học trò tốt nghiệp đến bằng C, cả luyện thi đại học nữa.
Năm 2008 còn phát triển thành một trung tâm ngoại ngữ – tin học dạy miễn phí cho các nạn nhân đồng cảnh ngộ di chứng CĐDC, học xong còn nhờ vận động xin việc làm cho các em.
Năm 2009 được chọn là một trong 3 nhân chứng đi Pháp dự phiên toàn quốc tế lên án Mỹ rải CĐDC trong chiến tranh VN: “Bản thân tôi và nhiều người khác là nạn nhân gián tiếp của cuộc chiến tranh vừa qua nên chúng tôi phải lên tiếng đòi công lý…”
(Còn tiếp)

GHÉT ANH - HẠ NHIÊN THẢO


Ừ, thì em ghét anh!
Ghét ánh mắt, ghét nụ cười...
Ghét làn mi cong và bờ môi dịu ngọt
Ừ, thì em ghét anh!
Dẫu anh bảo rằng: đừng ghét
Cuộc đời dài nhưng ngắn ngủi làm sao...

Ừ, thì em ghét anh!
Ghét luôn cả buổi chiều tà hôm đó
Chiều thật buồn ...em đã tiễn anh đi
Em ghét không gian, em ghét thời gian
Đã không cho em thêm một khoảng khắc
Dù chỉ được nhìn anh trong giây lát...
Em ghét em, em ghét mình
Sao cứ mãi ngu ngơ khờ dại...
Chỉ một siết tay và làn môi hôn vội
Vậy là cứ yêu, yêu mãi không thôi...

Ừ, thì em ghét anh!
Dẫu biết rằng: cứ ghét thật nhiều...
Thì nỗi nhớ lại nhiều hơn...
Trong từng giấc mơ anh hiển hiện
Như sương như khói mây trời
Ừ, thì em chỉ có vậy mà thôi...

HNT

HỌA SĨ - TRẦN DZẠ LỮ


Tặng Họa sĩ RỪNG

Rồi thì tóc chẳng còn xanh
Tình yêu cũng hết nắng hanh trong hồn
Trôi dần về phía hoàng hôn
Vẫn còn nhung nhớ nụ hôn ban đầu
Ngày xưa em đứng bên cầu
Tóc thề Tôn Nữ chiêm bao một thời
Anh về từ gió trùng khơi
Nửa thân du tử,nửa người Lương Sơn
Thời gian : Nước chảy đá mòn
Sao yêu thương vẫn cứ cồn cào đau
Bây giờ ngồi tiếc thương nhau
Cũng đâu kịp vẽ lại màu tình chung

TDL

Sai Gon tháng 11.2010

BÌNH TĨNH MỘT MÌNH - ĐÔNG HÀ

Ừ thôi T làm người bình tĩnh
cho yên những chìm nổi sơn hà
đá dựng có ngăn sống cấm biển
thì lòng vẫn sóng vẫn lao xao

T giờ đã biết làm bình tĩnh
tập quên độ lượng với yêu đời
tập nhớ chừng mực trong câu nói
tập với cơ hồ cả giấc mơ

Bình tĩnh T thành con cá lội
quẫy riêng thứ tiếng của hai mình...
ĐH

THUYỀN TÔI VỀ NỬA MÁI TƯƠNG TƯ - CAO THOẠI CHÂU

Tôi về một gánh tương tư
Nặng con tim thế bao giờ không hay
Trái tim ơi, những tháng ngày
Dài như một nhánh sông dài chảy qua
o
Trường giang vô số hững hờ
Cỏ hoa xanh thắm đôi bờ lặng thinh
Nước đi qua nước một mình
Bao nhiêu những bóng những hình chở theo
o
Tôi về một gánh tương tư
Vàng thơm nắng cũng cho vừa tuổi tôi
Gió thơm trên lũng trên đồi
Thơm lây đến cả hồn tôi chốn này
o
Tôi về sầu trắng hai tay
Đi như quân tướng trong ngày bại vong
Tình yêu tôi cất trong lòng
Đi qua cho hết một vòng tử sinh
o
Mừng cho tôi nhé một mình
Ra sông vớt được mối tình thiên thu
Ra sông vớt gánh tương tư
Sầu lên chất ngất cho vừa lòng nhau
o
Thuyền tôi còn nửa mái chèo
Thả theo con nước ít nhiều đắng cay
Tương tư không kể tháng ngày
Tương tư là một đời dài tương tư!
21-11-2010
CTC

CHÚC MỪNG


NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

CHUC CÁC THẦY CÔ CỦA TÔI

VÀ BẠN BÈ TÔI LÀM NGHỀ DẠY HỌC

SỨC KHỎE,HẠNH PHÚC

EM LÀ CÔ GÁI DƯ HIỀN THỤC - NGUYỄN MIÊN THẢO

Em là cô gái hay làm nũng
Cho nên lắm kẻ nói lời yêu
Khi em bỗng hoá thành ngọn gió
Bao chàng trai trẻ cứ liêu xiêu

Đôi khi em giả đò ngang ngược
Anh bỗng hoá thành con bươm say
Chờ khi em nói lời ngon ngọt
Anh về hút nhuỵ phấn vàng bay

Một ngày mấy bận em hờn dỗi
Anh cứ làm thinh không nói năng
Chờ khi con tim em yếu đuối
Anh mới làm thơ gửi trăng rằm

Nhiều khi em rất chi mềm yếu
Mỏng manh như là giọt sương mai
Chỉ hơi thở nhẹ là tan vỡ
Anh đành nín thở đợi ngày lên

Đôi khi em nói lời xa vắng
Là biết rằng em rất nhớ anh
Đôi khi anh nói lời xa cách
Là muốn em về em biết không?

Anh biết con tim em yếu đuối
Nên suốt đời em lắm khổ đau
Trái tim em vô cùng ấm áp
Cho nên lòng em luôn giá băng

Nhiều khi em vui như chim sáo
Là lúc anh vui đến nghẹn ngào
Có lúc em buồn như mây trắng
Anh ngồi sầu muộn đến nghìn sau

Em là cô gái dư hiền thục
Anh gã giang hồ hết chốn đi
Nhiều khi muốn về quê quán cũ
Sợ em phai dấu tuổi xuân thì

Em vẫn dịu hiền như cơn gió
Anh vẫn phiêu bồng như mây trôi
Hãy đợi chờ nhau dù muôn kiếp
Có ngày hai đứa sẽ chung đôi
NMT

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2010 ( KỲ 46)


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

461 - Phạm Hoàng Tùng
CHỨNG NHÂN “PHỤC QUỐC”
Thường dân Việt kiều sinh 1955 tại miền Nam. Sống ở Campuchia (2006).
Vượt biên năm 1983 nhưng lại trôi giạt qua Thái Lan vào trại tị nạn. Tại đây theo lực lương Hoàng Cơ Minh tìm đường về lại VN chống Cộng “phục quốc” thất bại bị bắt năm 1987 và ra tòa năm 1990 lĩnh án tù ở Phú Yên (Hoàng Cơ Minh bị bắn chết tại trận).
Đến năm 1993 trốn tù lưu lạc đến Campuchia rồi lấy vợ ở lại đó đến nay mà không hiểu vì lý do gì không qua Mỹ.
Là một trong số ít “kháng chiến quân” chống Cộng sau 75 hiếm hoi còn lại, năm 2006 bỗng nhiên cho in tập hồi ký “ Hành trình người đi cứu nước” 2 tập tổng cộng 900 trang với nội dung kể lại quãng đường 12 năm đi theo lực lượng “phục quốc” của Hoàng Cơ Minh. Qua đó phô bày cho thấy sự thật mặt trái của lực lượng đó trong một cuộc chiến không cân sức đầy ảo vọng chỉ đưa đến những sự hy sinh vô ích, thậm chí trên đường trở về đã tự thanh trừng nội bộ lẫn nhau đẫm máu.
Cuốn sách được mô tả như một “bản liệt kê những cái chết” (“Lực lượng” áp dụng kỷ luật sắt xử tử những ai đào ngũ, bắn chết thương binh để khỏi phải vướng bận mang theo trên đường đào thoát, có kẻ tuyệt vọng tự tử…) đã gây xôn xao dư luận hải ngoại nên bị chính những người kế thừa lực lượng đó – đảng Việt Tân hiện nay - phải lên tiếng bác bỏ, chỉ trích.

462 - Phạm Hồng Hải
LUẬT SƯ CẤP TIẾN
Luật sư sinh khoảng 1951 tại Hải Phòng. Sống ở Hà Nội (2010).
Năm 1969 vào bộ đội được chuyển qua làm nhiệm vụ trên những “con tàu không số” vượt biển chở vũ khí quân trang vào chi viện cho chiến trường miền Nam.
Sau 2 chuyến đi thành công, đến năm 1972 lúc tàu đang nằm bảo dưỡng ở Hải Phòng thì bị máy bay Mỹ thả bom đánh trúng. May mắn mình là người duy nhất đang ở trên boong tàu còn sống sót trong khi cả tàu 20 người thì 17 người hy sinh.
Phải nằm viện 2 năm qua 3 lần giải phẫu trở thành thương binh 4/4.
Ngay trên giường bệnh đã lập chí phải học hành để lo cho tương lai nên ra viện đậu vào đại học rồi được cho đi Liên Xô học ngành luật. Sau 6 năm học, về nước được bố trí vào làm nghiên cứu ở Viện Nhà nước và Pháp luật. Năm 1991 tiếp tục được cho đi Nga làm luận án tiến sĩ hoàn thành 2 năm sau rồi về lại cơ quan cũ (sau này là luật sư duy nhất được phong hàm Phó Giáo sư).
Nhưng không chịu an phận làm công chức cao cấp ngành tư pháp (trưởng phòng) mà lại muốn chuyển hướng qua làm luật sư vì từ lâu đã ấp ủ chí hướng bảo vệ quyền được bào chữa, minh oan của bị cáo vốn trong cơ chế pháp luật cũ thường thấp cổ bé miệng hễ đã bị đưa ra tòa là xem như có tội rồi. Đó cũng là đề tài luận án tiến sĩ của mình: “Bảo đảm quyền bào chữa cho người bị buộc tội”. Vì thế xin kiêm nhiệm thêm vai trò luật sư tham gia bào chữa trong nhiều vụ án nổi cộm như Mường Tè, Lã Thị Kim Oanh…
Từ đó năm 2004 quyết định xin nghỉ hưu non để được tự do chuyển qua hành nghề luật sư chuyên nghiệp luôn dù phải trái ý vợ con (viết đơn… giấu vợ!).
Bắt đầu sự nghiệp mới với những thành công được dư luận chú ý như minh oan cho “Vụ án vườn điều” ở Bình Thuận trả lại tự do và đền bù cho 10 bị cáo bị kết tội oan trước đó.
Đây là vụ án một nạn nhân bị giết chết năm 1993, năm 1998 toà Bình Thuận xử một gia đình 10 người thuộc 3 thế hệ có tội. Có kháng cáo nên năm 2004 xử sơ thẩm vẫn Tòa Bình Thuận. Lúc đó bản thân cùng công ty luật của mình được các bị cáo cầu cứu đã tham gia bào chữa nhưng toà vẫn y án cũ, đã vậy bản thân còn bị tòa gán tội “vu khống” toà trong lời bào chữa của mình! Vẫn không sờn lòng, tiếp tục đeo đuổi lên Tòa án Nhân dân Tối cao 7 tháng sau xử phúc thẩm tại TPHCM và lần này đạt mục tiêu toà hủy án cũ yêu cầu điều tra lại toàn bộ.
Vụ án trên đã bào chữa… không công do gia đình các bị cáo quá nghèo. Như một cách học làm theo lời Khổng Tử dạy treo trong phòng làm việc: “Tâm còn chưa thiện thì phong thủy vô ích. Bất hiếu với cha mẹ thì thờ cúng vô ích. Việc làm bất minh thì đọc sách vô ích. Làm trái lòng người thì thông minh vô ích.”

463 - Phạm Huấn
KHÔNG CHẤP NHẬN SỐNG ĐỜI THỰC VẬT
Nhà báo Việt kiều sinh 1937 tại miền Bắc – Mất 2005 ở Mỹ (69 tuổi.)
Phóng viên quân đội chế độ cũ năm 1973 từng tham gia phái đoàn hòa đàm ra Hà Nội – trở lại quê cũ! - thảo luận về việc thi hành Hiệp định Paris.
Di tản từ 30.4.75, ban đầu qua đảo Hawai làm nghề lái taxi, sau đó mới chuyển về California.
Trên đất Mỹ đã viết 5 cuốn hồi ký chiến tranh về các trận chiến lớn trước 75 – “Cuộc triệt thoái cao nguyên”, Trận Hạ Lào, trận Ban Mê Thuột… - với nhiều nỗi niềm đau buồn “mất nước” như thể hiện trong tựa đề một cuốn sách “Những uất hận trong trận chiến mất nước”.
Người viết hồi ký nhiều như thế vậy mà về già lại mắc bệnh… mất trí nhớ! Gia đình lại tan vỡ nên sống cô đơn, mệt mỏi, kiệt lực trong viện dưỡng lão.
Trước khi mất đã làm giấy ủy quyền cho em trai yêu cầu khi rơi vào trạng thái hôn mê nếu được bác sĩ cho truyền dưỡng khí, thức ăn để nuôi người bệnh kiểu đời sống thực vật thì em được quyền… “cắt” ống dẫn. Vì bản thân “không muốn thấy hình ảnh những người thân yêu mờ dần trong não trạng.”

464 - Phạm Lý Chánh
92 TUỔI VẪN ĐI TÌM HÀI CỐT TỬ SĨ CẢ 2 BÊN
Bộ đội về hưu sinh 1915 tại Quảng Nam. Sống ở Quảng Trị (2007).
Từng kinh qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, sau khi về hưu đã chọn Quảng Trị chiến trường xưa làm nơi sinh sống cuối đời. Đồng thời còn vì đây cũng là địa điểm còn nhiều hài cốt tử sĩ mất tích trong chiến tranh – nhiều nhất trong trận chiến bảo vệ Thành cổ năm 1972 - để tự mình đi tìm đưa vào quy tập trong nghĩa trang hoặc báo cho thân nhân biết đến nhận.
Đặc biệt không chỉ tìm hài cốt liệt sĩ mà cả hài cốt của quân nhân chế độ cũ VNCH bởi quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận, cùng là người Việt cả”.
Cần mẫn làm công việc đó hơn 30 năm, làm từ khâu đầu đến khâu cuối từ nắm thông tìm tìm địa điểm đến bốc cốt rồi làm lễ truy điệu, chôn cất, dựng bia rồi cúng lễ tuần lễ tháng. Tất cả chi phí đều lấy từ lương hưu của mình, cả bà vợ già cũng hết lòng lo liệu việc “hậu sự” phụ giúp chồng.
Cả đến lúc đã 92 tuổi (2007) vẫn tiếp tục làm công việc không công đó vì “Mỗi ngày sống mà làm được một việc thiện thì đêm về mới ngủ yên giấc”.

465 - Phạm Lụa
GẦY DỰNG “THÀNH PHỐ NGHĨA ĐỊA”
Thường dân sinh 1935 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở TT – Huế (2005).
Năm 1995 được con bảo lãnh qua Mỹ lúc đã 70 tuổi.
Trên quê người đã vận động người đồng hương cùng ở làng An Bằng ven biển Thuận An đóng góp tiền bạc gửi về giúp đỡ làng mình. Mỗi năm về nước đều đặn 2 lần để thực hiện nghĩa vụ đó.
Đến năm 2004 thì hồi hương quay về An Bằng tiếp tục nhiệm vụ làm cầu nối Mỹ – An Bằng.
Từ đó trở thành một trong những người gây dựng phòng trào Việt kiều gửi tiền về xây mộ tổ tiên biến khu nghĩa trang của làng thành nghĩa trang hoành tráng tốn tiền nhất nước (có lăng mộ trị giá hàng chục tỉ đồng) tới mức được mệnh danh là “Thành phố nghĩa địa”,“Thành phố ma”!

466 - Phạm Hữu Tài
GÀ TRỐNG NUÔI 10 CON
Việt kiều Mỹ sinh 1930 tại Thái Bình. Sống ở Mỹ (2004).
Sĩ quan chế độ cũ vợ mất sớm từ năm 1974 để lại 5 con trai 5 con gái sống tại Nha Trang. Đi học tập 7 năm về vẫn ở vậy nuôi con.
Rồi từ Nha Trang ôm con vượt biên qua Mỹ với một kỷ lục về số lần cùng các con vượt biên không đếm xuể, tổng cộng khoảng… 50 lần! May mà dù có chuyến đi không lọt, có con sót lại song cuối cùng vẫn đi được không mất đứa nào. Cứ thế mãi đến 1986 mới “tha” đến Mỹ đủ cả bầy con để tiếp tục đi làm - không lấy vợ mới - nuôi tất cả trưởng thành ra đời.
Vì thế năm 2004 được TP San Jose ở bang California tuyên dương trong dịp lễ “Ngày của Bố”. Nhưng với các con – và thêm 30 cháu nữa - thì “Ngày nào cũng là Ngày của Bố cả”!

467 - Phạm Kim Hy
SỐNG VỚI CỖ QUAN TÀI RỖNG
Thường dân (nữ) sinh 1929 tại VN. Sống ở VN (2000).
Có con trai là bộ đội hy sinh mất xác từ năm 1972 nhưng vẫn không nguôi thương nhớ đì tìm khắp nơi từ hàng chục năm nay vì: “Cứ mỗi lần mở mắt ra là tôi lại trông thấy nó.”
Đã lặn lội đi tìm dấu vết, tông tích con ở 10 nghĩa trang quân đội, 3 lần tìm đến những chiến trường nơi con đã chiến đấu… Đi đâu gặp ai cũng chìa tấm ảnh con dọ hỏi, kể lể: “Chỉ cần tìm thấy răng của nó tôi cũng nhận ra ngay. Nó lúc nào cũng kè kè chiếc sáo. Giá mà tìm được mảnh vụn của chiếc sáo đó tôi sẽ nhận ra xác nó ngay…”
Nhưng những gì thu thập được qua các chuyến đi – những di vật chiến tranh rải rác như mẩu vải ny lông bọc xác chết, mẩu đạn, chiếc bi đông đựng nước uống, cây bút máy Hồng Hà… - đều không phải của con mà của ai đó, những liệt sĩ vô danh khác. Tuy vậy vẫn đem về – cả vài mẩu đất đá tại chỗ nữa – đặt chung trong một quan tài rỗng chôn ngay sát nhà mình, tượng trưng ngôi mộ con mà “Tôi và chồng tôi sẽ không bao giờ ngừng tìm kiếm nó.”

468 - Phạm Lực
HỌA SĨ “BAO TẢI GẠO”
Họa sĩ sinh 1943 tại Huế. Sống ở Hà Nội (2010).
Từ nhỏ đã theo mẹ về quê Hà Tĩnh trong khi cha ở lại Huế làm quan bị mang tiếng “Việt gian”. Sớm có năng khiếu hội họa (mẹ là chắt của đại thi hào Nguyễn Du) nên lớn lên ra Hà Nội học Cao đẳng Mỹ thuật.
Năm 1965 ra trường liền vào bộ đội chiến đấu ở Thanh Hóa, Quảng Bình rồi vào Nam tiếp tục có mặt trên chiến trường Tây Nguyên, Nam Lào, tây Nam bộ.
Sau 75 về Hà Nội học tiếp ĐH Mỹ thuật. Năm 1993 xin giải ngũ hàm thiếu tá để bước vào con đường họa sĩ chuyên nghiệp.
Thật ra trong 35 năm tại ngũ vẫn tranh thủ vẽ khi có thời gian, cả khi vừa rời chiến trường. Trong hoàn cảnh đó đã tận dụng những vật liệu thô sơ kiếm được tại chỗ để vẽ, nhiều nhất là vẽ trên các bao tải đựng gạo hoặc bột mì (của Liên Xô đan bằng sợi dù) làm lương thực cho bộ đội.
Hoàn cảnh chiến trận đồng thời cũng tập cho thói quen vẽ nhanh vẽ cấp kỳ những ghi nhận, cảm xúc bất chợt vừa đến, loé lên trong khoảng khắc giữa cái sống và chết. Mặt khác, các đề tài cũng ghi đậm dấu ấn của cuộc sống từng trải qua hoàn cảnh chiến tranh gần gũi với những mảnh đời bất hạnh bị chiến tranh xô đẩy, vùi giập: “Đối với tôi, cái đẹp trong hội họa phải bắt nguồn và gắn bó với cuộc sống xuất phát từ những cái thực. Đó là cuộc sống của những người lao động, những chiến sĩ và cả những đứa trẻ lang thang…”
Bây giờ trong thời hoà bình mới có điều kiện phát huy hết những kinh nghiệm sống và vẽ quý báu đó cộng với tiềm năng cùng sức vẽ bền bỉ, mạnh mẽ tới mức dữ dội, có thể chỉ một mình vẽ cả ngày lẫn đêm, được đánh giá là vẽ “bằng 5 người khác”. Vẽ đủ thể loại tranh lụa, tranh khắc, sơn dầu, sơn mài, màu nước…
Tính đến nay đã có hàng vạn tác phẩm (năm 2006 lập kỷ lục “Triển lãm cá nhân nhiều tranh nhất” với 242 bức tại TPHCM) trong đó có bán trong nướùc lẫn nước ngoài (riêng với khách nước ngoài là họa sĩ bán được nhiều tranh nhất).
Thời gian đầu chưa có tiếng tăm chưa ai biết nên cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn khiến vợ chịu không nổi đành chia tay. May sao sau đó có một phụ nữ Pháp dân trí thức đang làm chuyên viên UNICEF ở Hà Nội mến tài vừa mua tranh, mua cho nhà vừa tình nguyện… kết hôn luôn!
Nhờ người vợ thứ hai này mới mở được gallery riêng, được ra nước ngoài triển lãm, được đi khắp Châu Au giới thiệu tranh (vợ muốn cả 2 chuyển qua Pháp sống luôn song không đồng ý). Từ đó nổi tiếng tới mức trở thành họa sĩ VN đầu tiên có một CLB Sưu tập tranh của mình lập năm 2004 tại Hà Nội (qua đó đã tìm được hơn 4.000 tranh ở trong nước và trên 2.000 tranh ở nước ngoài).
Đã lấy tiền bán tranh góp cho nhiều quỹ từ thiện giúp nạn nhân CĐDC, trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật…

469 - Phạm Minh Đức
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 21 hay “LIỆT SĨ” GIẾT NGƯỜI?
Thương binh sinh 1944 tại Long An. Sống ở Long An (2008).
Năm 1962 vào bộ đội chiến đấu ở miền đông Nam bộ.
Năm 1965 bị thương nặng, điều trị 3 tháng rồi trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Năm 1972 lại bị thương nữa nên sau đó được chuyển qua làm cán bộ ban kinh tài ở huyện Châu Thành, Tây Ninh.
Sau ngày giải phóng 1975, mẹ già ở quê Long An chờ mãi đứa con duy nhất còn sống trở về (1 chị và 2 anh đã hy sinh) song mãi vẫn không thấy đâu dù không hề có giấy báo tử. Cuối cùng đành lập bàn thờ xem như liệt sĩ rồi!
Bất ngờ năm 78 thì con về. Lúc đó mới kể sự tình năm 1974 đang làm việc ở Tây Ninh thì bị công an huyện tình nghi tội “giết người” qua cái chết của một cán bộ hoạt động trong vùng biên giới giáp ranh Campuchia! Tuy không có chứng cớ gì rõ ràng song phải đến 4 năm sau mới được thả cho về mà cũng không nói rõ lý do tại sao bắt giam và sự tình đúng sai thế nào (có thể thủ phạm vụ án là Khmer Đỏ nhưng hồi đó chưa lộ bộ mặt thật chống VN).
Bởi vậy dù được trả tự do nhưng xem như vẫn mắc cái án “vô hình” mất tất cả quyền lợi kể cả danh dự nên bản thân không cam lòng quyết định đi kêu oan tới cùng. Mẹ bắt lấy vợ để có cháu nối dõi cũng không chịu. Nhưng vào thời đó những chuyện oan trái trong bối cảnh xã hội, chính quyền, luật pháp chưa đâu vào đâu như vậy khó thể làm rõ được.
Mãi đến năm 1990, sau khi mẹ được phong Bà mẹ VN Anh hùng, công an huyện ở Tây Ninh mới xem lại hồ sơ rồi xác nhận “không có tội”. Tuy nhiên chỉ xác nhận chừng đó chứ cũng không làm gì để phục hồi “nguyên trạng” như trước kia cho kẻ bị hàm oan do không đủ thẩm quyền lẫn năng lực.
Thế là kiện tiếp lên tỉnh, kết quả đến năm 1996 tỉnh buộc chính quyền huyện trả lại tài sản đã tịch thu (không bao nhiêu) và bồi thường một số tiền (hơn 7,6 triệu đồng thời điểm đó). Nhưng còn vấn đề danh dự cần được phục hồi công khai lẫn đảng tịch cũng như chế độ thương binh thì địa phương trả lời… ngoài khả năng, phải cấp Trung ương mới làm nổi!
Con đuờng ra tới Trung ương đối với kẻ thấp cổ bé miệng… xa quá nên rốt cuộc đành chịu thua.
Con người bỏ gần nửa đời người đi tranh đấu đòi trả lại quyền làm người lương thiện vì thế đã sớm trở thành “Ông Hai đầu bạc” già trước tuổi, không nghề nghiệp cũng không ruộng nương. Đến 44 tuổi mới chịu lấy vợ đành sống nhờ vào lương vợ công nhân dệt không bao nhiêu.
Chỉ tội nghiệp Bà mẹ VN Anh hùng đã qua đời năm 2004 không an lòng vì thương con còn mang tiếng oan khuất hầu như cả đời.

470 - Phạm Ngọc Em
KHÔNG ÁNH SÁNG CUỐI ĐƯỜNG HẦM
Người khuyết tật sinh khoảng 1956 tại Bình Định. Sống ở Bình Định (2010).
Năm 1974 muốn trốn đi lính chế độ cũ nên đã dùng mìn cho nổ phá bàn tay nhưng không may mìn nổ lại làm mù luôn 2 mắt (nên còn có tên ông “Ba mù”). Cha mẹ lại mất sớm nên phải sống nhờ vạ vật vào sự giúp đỡ của bà con, hàng xóm.
Năm 1990 lấy vợ vốn là dân quê lưu lạc tha hương. Sinh được 2 con nhưng lại vào dạng thiểu năng trí tuệ. Vì thế cả nhà đều do một tay người vợ làm đủ thứ nghề lao động nặng nhọc để nuôi chồng con ở nhà bó tay một chỗ.
Không may đến Tết 2010 ngưòi nội tướng dũng cảm này mắc bệnh huyết áp mà không biết nên bị choáng té xe chấn thương sọ não nằm hôn mê một chỗ chưa biết ra đi lúc nào. Trong lúc ở nhà kiếm 10.000 đồng trả tiền xe chở từ bệnh viên về cũng không có!
Phải chăng thế là hết không chỉ cho một đời người mà cho cả 3 người còn sống còn lại?
(Còn tiếp)

MỘT - ĐÔNG HÀ


Không còn chỗ nào để trốn
T mượn nơi này để lặng im

Lặng im không gió mây bay lại
T thả rơi mình xuống mênh mông

Lặng im như dấu anh đi vội
T để yên mình một mồ côi...

ĐH

XIN LỖI NGÀY XƯA - HOÀNG LỘC


nghĩ hoa cúc vàng không biết khóc mùa thu
nên một thời lòng anh bao nghi hoặc
khi nỗi nhớ trong em hoài thao thức
mà câu thơ anh chỉ rất ơ hờ

nếu một lần được nhắc đến ngày xưa
anh xin gửi về em lời tạ lỗi
có nhiều lắm những điều không thể nói
lại không yên khi cứ để trong lòng

em bây giờ mọi chuyện đã như xong
tình một thuở rầy rà em biết mấy
anh có nói nghìn lần lời hối lỗi
thì cũng rồi số kiếp một câu thơ…

HL

BẤC NON - TỪ HOÀI TẤN


Gửi Một Người Ở Huế

Buổi sớm mai ra đường
Nhớ mang thêm áo khoác
Ngày nhẹ và gió nhẹ
Vẫn làm se se lòng


Đến rồi tháng mười âm
Mùa đông ở ngoài ấy
Không nhớ buổi ân cần
Con đường ven sông đấy
Con đường chúng ta đi
Qua một thời niên thiếu
Nàng e ấp áo dài
Chiều bờ sông đưa đẩy


Ngôi trường tím thương ai
Mái tóc dài lưng lửng
Mơ ước mộng đêm dài
Ngày thơ ngây mắt mọng


Hôm nay nơi xứ xa
Mùa thu vừa qua hết
Bấc lại đến đầu ngày
Tấm lòng ta tha thiết
Thương nhớ buổi Hoàng Thành
Cầm tay nơi Đại Nội
Nàng dạo ấy xuân xanh
Đẫm tình ta sớm tối


Biết giờ ai có nhớ
Lòng ai có đợi chờ
Tình đi không hò hẹn
Cách bến đã xa bờ


Hôm nay ngày thu hết
Bấc non chớm se lòng
Đường đời ta nhẹ bước
Tình xưa ấy sắc son


THT

TẠP LỤC - THƠ LÊ NGỌC THUẬN

có nụ hôn trời gầm đất thét
có đôi mắt phỏng hoả đốt chùa
quậy đời ta như cơn bão cuốn
rồi ra đi như lá vàng rơi

tội cho ta – bao năm chay tịnh
tưởng chừng như đã quên hết tình
bỗng dưng phơi trái tim cảm cúm
để bây giờ thành khối ác u

mùa đông cũng già nua lẫm cẫm
lạnh không ra hồn mưa chẳng xong
Huế mơ màng nhưng không e thẹn
nhà hàng đầy vương gia - đại gia

bụng dạ ta hẹp hòi ích kỷ
cứ như trâu cột ghét trâu ăn
thấy tiền ta chửi đời ma quái
thấy tình ta tức ói mật ra

có phải vì duyên hay là nghiệp?
rượu say ta tìm hỏi Như Lai
Phật chỉ trời – mưa bay có gió
Phật chỉ đất – có vì cỏ cây

Ta chẳng hiểu gì – ngó sông Hương
rồng rắn ngờ nghệch trôi vô thường
thấy cô bé ngủ ôm vú mẹ
chợt nhớ em – ta – chưa có con

LNT

THẮC MẮC - THƠ HOÀNG THỊ THIỀU ANH


Sao anh không trả lời?
Những điều em nói dối.
Tình yêu không có tội!
Đừng bắt phải mồ côi
Anh như áng mây trôi
Mãi chơi quên bến đổ
Em xin làm cỏ rối
Vướng chân anh…chút thôi!

Sao vẫn không trả lời?
Hỡi người em yêu dấu!
Anh bây giờ nơi đâu?
Để em về nương náu.
Bao giờ ta bên nhau???


HTTA

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2010 ( KỲ 45 )


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

451 - Đạo Dừa
ÔNG ĐẠO CŨNG VƯỢT BIÊN
Tu sĩ tên thật Nguyễn Thành Nam sinh 1909 tại Bến Tre – Mất 1990 ở Bến Tre (82 tuổi).
Tốt nghiệp kỹ sư hóa học ở Pháp đàng hoàng, về nước từ đầu thập niên 60 từng chống chế độ Ngô Đình Diệm bị bắt giam một thời gian.
Từ năm 1963 nổi tiếng là “Ông Đạo Dừa” - đóng đô tại cồn Phụng ở quê Bến Tre - vì sáng lập một đạo riêng bản thân chủ trương tu hành chỉ ăn (uống) trái cây đặc biệt là trái dừa thay cơm. Với thứ đạo mới này mang tính chất tổng hợp tạp lục cả đạo Phật – Nho – Thiên Chúa còn “dấn thân” vào thời cuộc kêu gọi hòa bình cho VN, hòa hợp hai miền Nam – Bắc, cả đòi ra ứng cử tổng thống chế độ cũ nữa! Lấy cồn Phụng làm trung tâm rao giảng, hành đạo.
Tín đồ lúc cao điểm có khoảng 3.500 người, một số là dân trốn lính chạy qua cồn Phụng núp bóng.
Đương nhiên sau 75 đạo này bị dẹp, trưng thu tài sản ở cồn Phụng và bản thân bị bắt giam vì tội tuyên truyền mê tín dị đoan. Ra tù vượt biên bị bắt đi cải tạo.
Cuối cùng được gia đình bảo lãnh về sống ở Bến Tre lặng lẽ với tuổi già tới ngày mất.
Riêng cồn Phụng nay còn lưu lại một ít đấu tích đạo Dừa cũ được xem là điểm du lịch của tỉnh.

452 - Lê Thành Ân
TRỞ LẠI QUÊ HƯƠNG LÀM TỔNG LÃNH SỰ MỸ
Nhà ngoại giao Mỹ gốc Việt sinh 1954 tại Sài Gòn. Sống ở TPHCM (2010).
Sinh ra trong một gia đình trí thức, anh em đều học trường Tây. Năm 1962 lúc mới 10 tuổi được một viên chức ngoại giao ở Tòa Đại sứ Mỹ quen thân với gia đình xin làm con nuôi đem về Mỹ.
Tuy trở thành công dân Mỹ nhưng vẫn được cha nuôi giữ lại tên gốc VN và luôn nhắc nhở phải nhớ đến nguồn cội quê hương.
Lớn lên học hành tốt nghiệp đại học ngành kỹ thuật điện và quản trị kỹ thuật vì hồi nhỏ chỉ mơ sau này làm kỹ sư hoặc kiến trúc sư. Vì thế ra trường làm công chức Bộ Hải quân nhưng sau đó lại chuyển ngành do cha nuôi khuyến khích nối nghiệp giới thiệu vào làm ngành ngoại giao năm 1991.
Từ đó trở thành người gốc Việt đầu tiên đuợc chuẩn nhận cấp Tham tán Công sứ ngoại giao Mỹ nhận công tác ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia rồi thăng chức Tổng lãnh sự Mỹ ở Nhật Bản, Singapore và Pháp.
Trong thời gian này đã cùng vợ - cũng người VN - trở lại thăm gia đình ở TPHCM và làm từ thiện hỗ trợ cho 10 trại trẻ mồ côi ở đây.
Năm 2010 khi biết đang có nhu cầu cử Tổng lãnh sự Mỹ mới tại TPHCM đã đăng ký xin đi và được chấp thuận trở về nơi mình sinh ra và ra đi cách đây 48 năm trên một cương vị “trước kia chưa hề nghĩ tới”. Tự xem đây là cơ hội “vô cùng may mắn” giúp gia đình mình “bắt đầu một chương mới trong cuộc sống, cơ hội được khám phá lại đất nước quê hương mình”.
Cơ hội ngoài công vụ đẩy mạnh phát triển quan hệ 2 nước tiếp tục “Xếp lại quá khứ, nhìn về tương lai” còn giúp kêu gọi, vận động tham gia công tác từ thiện. Và về tình cảm riêng tư là vội vàng đưa gia đình đi xem… cải lương mà hồi nhỏ thường được cha mẹ dẫn đi xem: “Những bài vọng cổ làm tôi nhớ lại những ngày thơ ấu. Giai điệu mượt mà của nó đã theo tôi đến tận bây giờ…”

453 - Ngọc Huyền
“BỂ” NGHỆ SĨ ƯU TÚ!
Diễn viên sân khấu tên thật Vũ Hà Ngọc Huyền sinh 1970 tại Sài Gòn. Sống ở Mỹ (2010).
Bố mẹ gốc Hà Nội di cư vào Nam năm 1954 nhưng lại mê cải lương. Vì thế lớn lên được bố mẹ tạo điều kiện cho đi theo con đường nghệ thuật cải lương.
Từ đó được theo học nhiều bậc thầy về cải lương ở TPHCM như Phùng Há, Ut Trọng, Thanh Tòng, Bạch Lê… Bắt đầu lên sân khấu diễn từ các đoàn Minh Tơ, Huỳnh Long đến Thanh Nga, Nhà hát Trần Hữu Trang… Diễn hát rất xuất sắc, cả cải lương hiện đại lẫn cải lương Hồ quảng. Đoạt nhiều huy chương vàng hội diễn, giải thưởng Trần Hữu Trang… Rất ăn khách thị trường, được mệnh danh là “Nữ hoàng video” tuồng cải lương, hợp cùng Kim Tử Long thành cặp diễn viên tài sắc vẹn toàn.
Năm 2001 trở thành diễn viên cải lương miền Nam trẻ tuổi nhất được trao danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Một danh hiệu – cũng như Nghệ sĩ Nhân dân - được “soi” lý lịch rất kỹ nhất là về mặt chính trị, cả diễn viên kịch nói Thành Lộc cũng ở TPHCM tài năng ai cũng biết mà phải đến lần cứu xét thứ ba mới được thông qua danh hiệu trên.
Vậy nhưng chỉ 2 năm sau thì nữ NSƯT được chế độ mới đào tạo bản bản chính qui từ sau 1975 này đã mở một bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp của mình là… qua Mỹ ở luôn. Thậm chí còn xuất hiện trên băng đĩa ca diễn… chống Cộng!
Đầu đuôi là do năm 2002 trong một đợt bay sô qua Mỹ, bản thân đã tìm được ý trung nhân là con trai nữ ca sĩ Thanh Tuyền (ở miền Nam trước 75) mà người này lại là một thiếu tá không quân Mỹ. Vì thế sau khi về nước làm đám cưới năm 2003 đã theo chồng qua định cư Mỹ (sinh 2 con).
Trong hoàn cảnh gia đình riêng như thế cộng thêm hoàn cảnh sống ở Mỹ, để có thể tiếp tục theo đuổi nghề sân khấu và kiếm sống phải gia nhập làng văn nghệ hải ngoại vốn theo khuynh hướng chống Cộng nên phải chấp nhận hát theo yêu cầu đó. Với suy nghĩ đơn giản ấy chỉ là chuyện “bên lề chính trị”.
Nhưng một số chương trình đó bay về VN đã bị dư luận Nhà nước lên án kịch liệt, thậm chì đòi… tước danh hiệu NSƯT! Đây là điều chưa hề có tiền lệ nên cũng không thấy có quyết định gì.
May là cũng như mẹ chồng Thanh Tuyền, vẫn được phép trở về thoải mái thăm gia đình. Hy vọng rồi thời gian cũng nguôi ngoai đi ba cái chuyện chống Cộng… “trên sân khấu”.

454 - Nguyễn Thị Hòa
“HÒA ĐIÊN”
Bộ đội về hưu sinh 1953 tại miền Bắc. Sống ở Hà Nội (2010).
Về hưu, gia cảnh khá sung túc đáng lẽ sống an nhàn thì lại đi làm chuyện “trời ơi” kiểu “vác tù và hàng tổng” là chống tham ô tiêu cực ở điạ phương!
Bắt đầu từ năm 2001 từ một vụ qua đường thấy chuyện bất bình là cán bộ tham nhũng trong một dự án giải phóng mặt bằng bên hồ Tây, thế là ròng rã 3 năm trời bí mật theo dõi vụ việc, tự mình tiến hành điều tra, tập trung tài liệu tố cáo lên cấp cao. Rồi đến vụ lấn chiếm đất của một truờng mầm non, vụ ăn chặn tiền đền bù giải phóng mặt bằng ở quận Tây Hồ… Có vụ được giải quyết, có vụ còn kéo dài vẫn tiếp tục đeo bám.
Để đóng vai điều tra viên, nhiều khi phải sử dụng lại thủ thuật thời bộ đội là… nghi trang mặt mày, áo quần để thâm nhập tận nơi. Còn giấu con cái bán bớt một căn hộ lấy tiền phục vụ công việc như mua máy ảnh, máy ghi âm, photocopy tài liệu… Đầu óc căng quá tới mức tái phát bệnh tim phải nhập viện thay van tim nhân tạo.
Chưa hết, còn bị “kẻ thù” đe dọa “xử”, nhà bị đổ phân, ném xác chuột chết cảnh cáo. Có lần bị hai người đàn bà lạ mặt (được thuê) lựa khi nhà vắng người xông vào đánh đập mặt mày bầm dập.
Nhưng “Tôi không sợ đâu”, không nao núng bỏ cuộc mà trái lại còn cho treo trước cửa nhà tấm bảng “Tư vấn pháp luật miễn phí” nhằm mục đích giúp bà con khiếu kiện chống tiêu cực. Bởi vậy nếu bị gọi là “Con điên”, “Hòa điên” hay “Hoà văng” (“văng” là… văng mạng!) thì cũng có người cám ơn “Hòa đại nhân”.

455 - Ông Phong
ĐÓNG BÈ VƯỢT BIÊN SỚM NHẤT
Thương gia (không biết họ, vợ là Mary Nguyễn sống ở San Jose) sinh 1920 tại Vĩnh Long – Mất 2004 ở Mỹ (84 tuổi).
Không chỉ là người đầu tiên và duy nhất sau 75 dám tự mình đóng bè vượt biên mà còn có thể là một trong số ít những người đầu tiên có ý định vượt biên.
Từ tháng 6.75 đã tính chuyện vượt biên bằng cách xin ra khơi đánh cá rồi tự tay đóng một chiếc bè bằng thùng phuy (gồm 36 thùng phuy hàn lại với nhau, dài 17m, rộng 6m), phía sau bè gắn 2 đầu máy Yamaha 7 và 10 mã lực cùng với các trang bị, máy móc, dụng cụ cần thiết để đi biển kèm lương thực thực phẩm đủ dùng trong 2 tuần lễ.
Bè rời bến từ cửa Nhà Bè ở Vũng Tàu vào cuối tháng 9 chở theo tổng cộng 14 người gồm mình và 2 bà vợ, 9 người con (nhỏ nhất 4 tuổi, có một con mới 8 tháng) cùng 2 người bạn của con.
May mà thời điểm này vượt biên chưa trở thành một “phong trào” khá rầm rộ khắp nơi nên chính quyền chưa siết chặt an ninh truy bắt người vượt biên (lại xảy ra đúng dịp đổi tiền chộn rộn) và chưa xuất hiện nạn hải tặc nên bè chạy an toàn. Nhưng được bốn ngày thì bè… đứng do hết dầu, máy hư lại tấp vào chỗ nước cạn chưa biết xoay xở thế nào. Lại gặp may nữa được tàu dầu Nhật Bản đi ngang qua cứu hộ đưa về Nhật (lúc đó chưa lập các trại tỵ nạn cho thuyền nhân VN).
Truyền thông thế giới từ Nhật Bản đều đưa tin, làm phóng sự xôm trò về sự kiện “phép lạ” vượt biên có một không hai này, từ đó mới “khuyến khích” nhiều nguời khác còn ở trong nước theo chân. Cũng nhờ đó cả gia đình nhanh chóng được qua Mỹ định cư.
Trước khi rời đi vợ còn kịp… sinh thêm bé gái lúc đi mới mang thai 8 tháng trên đất Nhật – có lẽ là kẻ vượt biên nhỏ tháng tuổi nhất.
Qua Mỹ xem như đối với gia đình đã “hoàn thành nhiệm vụ” xuất sắc, lại lớn tuổi và mắc bệnh nên không bao lâu sau đó giao hết mọi việc cho vợ con lo toan, còn mình rút về an hưởng tuổi già.

456 - Phạm Anh
VỢ CHỒNG KHUYẾT TẬT LÀM THƠ
Người khuyết tật sinh tại Bình Định. Sống ở Quy Nhơn (2007).
Bố là liệt sĩ, được mẹ ở vậy nuôi cùng 3 anh em.
Năm 11 tuổi không may trúng đạn pháo phải cưa chân. Nhưng vẫn kiên trì học tập vào ĐH Đà Lạt tốt nghiệp khoa văn. Tuy nhiên ra trường 10 năm đi xin việc làm do bị tàn tật nên không nơi nào nhận. Đành tìm an ủi vào những vầng thơ tự sáng tác: “Thơ giúp làm vơi đi nỗi buồn và nói hộ lòng mình những uẩn khúc riêng tư.”
Cuối cùng một cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật nhận vào làm thầy giáo cho trẻ em khuyết tật.
Tại đây vui với nghề đồng thời còn tìm được “một nửa của mình” là một cô gái bị sốt bại liệt từ nhỏ khiến nay liệt nửa người phải ngồi xe lăn song cũng đã học xong ĐH Quy Nhơn khoa ngoại ngữ. Từ đó đôi bên gắn bó với nhau cùng chung ước vọng sống vươn lên giúp đỡ các em cùng cảnh ngộ, còn mở lớp dạy người nghèo mù chữ.
Đặc biệt còn cùng chung niềm vui làm thơ giãi bày tâm sự. Kết quả là một bút nhóm mang tên Hoa Xương Rồng ra đời từ đây được nhiều báo đăng tác phẩm, được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh và in tập thơ đầu tay “Lối cũ”…

457 - Phạm Công Thiện
ĐỜI NHƯ MỘT CUỘC CHỨNG NGHIỆM PHIÊU LƯU TƯ TƯỞNG
Nhà văn, nhà nghiên cứu tư tưởng sinh 1941 tại Mỹ Tho. Sống ở Mỹ (2010).
Một con người tài hoa, đọc nhiều viết nhiều, nổi tiếng rất sớm ở miền Nam trước 75 từ năm 18 tuổi với tác phẩm giới thiệu các dòng tư tưởng, triết lý phương Tây hiện đại, sau đó còn nghiên cứu thêm tư tưởng, triết lý phương Đông.
Ngoài đời từng 2 lần đi tu đạo Phật và 2 lần từ bỏ: Lần đầu lúc còn trẻ tu ở Nha Trang sau bỏ về đi dạy học, lần sau khi đã thành danh tu lại làm đại đức giảng dạy triết lý ở Đại học Phật giáo (ĐH Vạn Hạnh, Sài Gòn) nhưng đến năm 1973 nhân một chuyến đi dự hội nghị Phật giáo quốc tế ở Pháp đã lặng lẽ… rút khỏi đoàn “trốn” ở lại Paris luôn!
Từ đó sống một cuộc đời nghệ sĩ lang thang khắp nơi qua nhiều nước, mở rộng giao du với nhiều giới như thể qua đó muốn thực hiện một cuộc độc hành bất tận đi tìm chân lý tư tưởng của một công dân thế giới chưa biết đâu là chỗ dừng chân, đâu là đích đến như tên một bài viết “Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất”. Vẫn tiếp tục thu hoạch để viết, đáng chú ý có: “Triết lý Việt Nam về sự vượt biên”, “Làm thế nào để trở thành bậc Bồ tát?”, “Trên tất cả đỉnh cao là im lặng”…
Một trường hợp điển hình đi tìm lối thoát cá nhân trước thực tại bế tắc bằng con đường phiêu lưu – cả cuộc đời lẫn tư tưởng – từ nổi loạn đến tu học và giải thoát hướng đến mục tiêu tự do tuyệt đối. Cuộc phiêu lưu như thế có thể kéo dài đến vô tận.
Tuy viết và in nhiều về đề tài triết lý từ phuơng Tây trở về phương Đông – trong đó càng về sau càng in đậm dấu ấn tư tưởng Thiền học - nhưng chính phần sáng tác ít ỏi thời trẻ (tập tạp văn “Bay đi những cơn mưa phùn” và tập thơ duy nhất “Ngày sinh của rắn”) mới để lại ấn tượng giàu xúc cảm chân thực sâu sắc trong đó không tránh khỏi dấu vết ám ảnh chiến tranh một thời:
“Tay còn ôm giữ tình yêu
Tôi về phố động những chiều hư vô.
Đời đi trên những nấm mồ
Đau tim em hát cơ hồ khăn tang.
Phố chiều tôi bước lang thang
Nuôi con sông nhỏ mơ màng biển xanh…”
Và niềm hoài niệm một quê hương xa vời:
“Mười năm qua gió thổi đồi tây
Tôi long đong theo bóng chim gầy
Một sớm em về ru giấc ngủ
Bông trời bay trắng cả rừng cây…”

458 - Phạm Duy
NGHỊCH LÝ NGHỆ SĨ – CHÍNH TRỊ
Nhạc sĩ tên thật Phạm Duy Cẩn sinh 1922 tại Hà Nội. Sống ở TPHCM (2010).
Đó là nghịch lý lớn nhất của một trong số ít nhạc sĩ vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất của nền âm nhạc VN đương đại: Sự nghiệp lớn và lâu dài được hầu hết mọi người ca tụng – và hoàn toàn xứng đáng được như thế - chừng như có cái gì đó đi nghịch lại với bản thân con người có thể bị phê phán về tính chất bất nhất, thiếu chân thực, thủy chung xét về khía cạnh xã hội .
Bởi bản thân đã không ít lần thay đổi quan điểm chính trị từ cực đoan này nhảy qua cực đoan đối nghịch kia: Theo kháng chiến chống Pháp rồi bỏ về thành, vào Nam theo chế độ Sài Gòn rồi di tản qua Mỹ tiếp tục chống Cộng quyết liệt, cuối cùng bỏ Mỹ trở về lại quê hương bắt tay “hòa nhập”! Nhưng vẫn tự xem “Tôi là người sòng phẳng. Về đây để xóa hết mọi thành kiến. Luật tự nhiên lá nào cũng rụng về cội, con chim bay đâu thì bay cuối cùng cũng về xứ. Mọi điều đều giản dị.”
Nhưng có thật giản dị đến thế sao?
Có vẻ như định luật “văn (nhạc) tức là người” ở đây không còn đúng nữa vì nhạc tình cảm truyền cảm sâu lắng, chân thành bao nhiêu thì ngược lại cách sống - với một số tác phẩm mang tính thời cuộc chính trị “đặt hàng” đi kèm - lại thiếu nhất quán, giá trị hay dở thất thường bấy nhiêu. Cho nên cuối đời đã chấp nhận sự thật “Có một số bài tôi đã bỏ đi rồi” (viết nhạc nhiều hơn cả ngàn bài nhưng thua Trịnh Công Sơn điểm này).
Biện hộ rằng “Thỉnh thoảng tôi cũng làm một vài điều dở” vì “cuộc đời là những chuỗi tai nạn lịch sử không ai tránh được đâu” trong đó cần “can đảm rủ sạch quá khứ”. Như mình đã vượt qua thử thách, chọn lựa: “Tất cả những cạm bẫy trong cuộc đời trong vòng 60 năm tôi thoát hết!”, thoát sau “Những lúc ở trong đêm tối, sờ soạng trong đêm tối đi tìm ý nghĩa cuộc đời. Đi mà cứ hỏi mình có nên về hay không”.
Chỉ có điều nên nhớ chuyện đó với bản thân như thế không phải chỉ… một lần!
Điểm trục trặc không khớp giữa bản thân con người đời thường – nghệ sĩ thăng hoa – tác phẩm sáng tạo ở đây là do bản chất một nghệ sĩ lớn – mà nghệ sĩ thường nhạy cảm yếu đuối - như mình không nên dính quá sâu vào chuyện chính trị. Thậm chí còn cộng tác rất gần gũi với các chính quyền – kể cả cơ quan viện trợ văn hóa Mỹ USAID ở miền Nam đứng đàng sau yểm trợ cả về tiền bạc - nhất lại là trong một hoàn cảnh đối kháng căng thẳng dữ dội như giai đoạn lịch sử trải qua. Dù luôn muốn phủ nhận rằng “Tôi có theo phe nào đâu” song với người cùng thời – và lịch sử ghi nhận - không thuyết phục.
Cho nên không lạ là hầu hết ca khúc sáng tác từ sau 1975 trên xứ người kể cả từ Mỹ về lại quê hương đều không còn đạt chất lượng cao như trước đây nữa, phải thú nhận do “không đủ vốn sống” sau 30 năm ở ngoài đất nước.
Qua đó cũng nêu bật cho thấy một trường hợp số phận khắc khoải giữa bao giằng xé trong cơn bão táp lịch sử, trong dòng xoáy đỉnh cao lẫn vực sâu cuộc đời khiến con người chỉ như chiếc lá mỏng manh trôi nổi tan tác “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi” – như lời ca khúc “Tiếng nước tôi” bất hủ của mình -- mà thôi.
Khi đó con người nhiều khi lớn hơn cả bản chất nghệ sĩ, thậm chí cuộc đời thực còn khắc nghiệt xoá lấp thiên hướng, sứ mệnh nghệ sĩ luôn gắn mình với quê hương dù trong bất cứ cảnh ngộ nghiệt ngã nào.

459 - Phạm Duy Thiện
“VUA BÃI NỔI”
Nông dân sinh 1944 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2006).
Nguyên bộ đội phòng không vào Nam chiến đấu từng bắn rơi máy bay Mỹ ở Quảng Nam, bị thương được đưa về Bắc chữa trị rồi xuất ngũ ở lại Hà Nội.
Sau 75 một mình vượt sông Hồng cắm lều giữa bãi sông Hồng trồng cây bạc hà đưa vào sản xuất kinh doanh thành công đầu những năm 90 nên được dân phong cho danh hiệu “Vua bãi nổi”.
Nhưng tiếp liền sau đó vì chống tiêu cực ở địa phương nên bị làm khó o ép, vu khống đủ thứ, kêu oan lên các cấp trên không được giải quyết. Không được phát thẻ Đảng nên xin… ra Đảng.
Nhưng dù đã hơn 50 tuổi vẫn kiên quyết đi học ĐH Luật để kiện tới cùng!

460 - Phạm Đình Thống
“NỮ NẠN”
Nhà báo sinh 1946 tại Bình Định. Sống ở TPHCM (2010).
Trước 75 làm thơ viết văn và làm báo về lớp tuổi học sinh theo khuynh hướng “Tuổi Ngọc” ở Sài Gòn, có bị bắt lính một thời gian chỉ làm lính quèn nhưng nhờ đó gá duyên với một nữ quân nhân.
Sau 75 cùng vợ ra buôn bán thuốc Tây lề đường TPHCM từ đó trở thành một “đại gia” ngành này sớm nhất lên đời xe máy, mua sắm nhà cửa, mở pharmacie đàng hoàng.
Nhưng tất cả của cải dần dần tiêu tan hết đẩy vào chỗ phá sản do niềm đam mê nhan sắc khiến phải mua nhà rồi bán nhà không dưới 20 lần – một kỷ lục! - để chu cấp hoặc lo chạy tiền trả nợ đời cho nhiều người vợ lẫn người tình.
Khi tay trắng lại quay về làm báo nghề cũ song không ở yên một tờ nào rồi chẳng được bao lâu đành chia tay cũng chỉ vì món nợ ái tình kia – một cái “tai nạn” lớn cả bi lẫn hài đánh ghen, trốn vợ… -- đeo đuổi không dứt!
Rốt cuộc gần cuối đời trắng tay sạch sẽ đành lui về ẩn thân nương nhờ một mối tình nữa chưa biết đã là cuối cùng hay không.
(Còn tiếp)

DỌC ĐƯỜNG - NHÃ CA

Ngày đi nắng muộn phai rồi
Buồn sao vẫn một môi cười tủi thân
Lá rừng động gió phân vân
Trời sa thấp đã mang gần bóng anh
Khép mi mộng vỡ tan tành
Sầu gieo nặng một vai mình quạnh hiu
Xe đi hút lũng than đèo
Đời xưa cũng lụn như chiều thoáng qua
Nửa tầm hạnh phúc còn xa
Thôi, anh nhìn lại bao giờ cho nguôi .
NC 

BÀI RU - TRẦN DẠ TỪ

mi sầu thôi khép đi em
hồn anh rộng đã trăm miền không gian
ngày vơi cửa trống thu tàn
lá thưa cành nặng cây dàn quạnh hiu
lối đi vừa chớm tiêu điều
màu nghiên bóng nhỏ ngày xiêu cột dài
phố chiều gió vọng bàn tay
ru anh về với đôi ngày lãng quên.
TDT

TIẾNG MẠ - NGUYỄN MIÊN THẢO


nghe em tiếng nói xanh xao
tự dưng anh nhớ cồn cào sông Hương
rứa răng ngọt lịm như đường
từ trong giọng nói tìm phương anh về
NMT

TỰ THÚ II - TRẦN DZẠ LỮ

Ta hiền như cục đất
Thiên hạ tưởng là ngầu
Làm thơ thì đầy rượu
Thực tế có gì đâu?

Cơm áo cùng kẻ chợ
Cứ tưởng ta giang hồ
Lòng trong đâu có đục
Mắt buồn cõi phù hư…

Hồ nghi ta sát gái
Đâu biết ta thất tình?
Có khi ứa nước mắt
Vì con sáo sang sông!

Mười năm lỡ áo rách
Nơi xứ lạ quê người
Hồ nghi ta kẻ cắp
Thật tình thèm rong chơi…

Ta hiền nên chẳng vui
Giữa bon chen chợ đời
Ôm đàn mà hát hỏng
Lang thang bóng bên trời!

Mùa xuân lại về ngồi
Hiên xưa mà nhớ mẹ
Nhiều năm con đi biệt
Chữ hiếu quăng đâu rồi?

TDL
SàiGòn tháng 10 năm 2010

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2010 ( KỲ 44 )


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

441 - Bà Bốn Thời
NỖI ĐAU “CON TỰ TÚC”
Nông dân sinh 1950 tại Quảng Nam. Sống ở Quảng Nam (2010).
Thời chống Mỹ là thành viên Thanh niên xung phong trong “Tiểu đoàn bà Thao” ở địa phương nổi tiếng đánh Mỹ. Từng làm đám cưới với đồng đội ở chiến khu nhưng sau đó chồng đã sớm hy sinh.
Sau 75 trở về đời sống thường dân dù không con vẫn ở vậy thờ chồng cho trọn nghĩa phu thê. Đến lúc cảm thấy cần có con để tìm niềm vui cuộc đời thì đã quá lứa, hơn nữa sống trong cảnh nghèo nơi vùng sâu vùng xa miền núi – xã Tiện Hà, huyện Tiên Phước – đàn ông trai tráng bỏ làng đi kiếm sống nơi khác nên khó kiếm được chồng.
Đành chấp nhận “xin” một nguời đàn ông đã có vợ “truyền” cho một mụn con để trong nhà sớm tối có tiếng nói, tiếng cười người khác. Hiện tượng “xin” con như vậy khá phổ biến ở vùng này đối với nhiều chị cựu TNXP cựu chiến sĩ đồng cảnh ngộ, tất cả được gọi nôm na – một cách “chính đáng” công khai – là “con tự túc”!
Đứa con kể trên là bé giá được đặt tên đẹp là Tuyết nuôi dạy khôn lớn cho ăn học đàng hoàng. Nhưng đến năm em 14 tuổi một buổi chiều đi học về gặp trời giông bão đã bị… nước lũ cuốn trôi mất!

442 - Lê Thành Ứng
LỘT VỎ DỪA BẰNG… 1 NGÓN TAY!
Nông dân sinh 1942 tại Bến Tre. Sống ở Bến Tre (2010).
Tham gia kháng chiến chống Mỹ tại quê hương Đồng khởi. Năm 1966 trong một trận chống càn bị thương nặng cụt cánh tay trái (tới khuỷu) và bàn tay phải chỉ còn duy nhất ngón tay út.
Sau 75 là thương binh 1/4 về sống nhờ vào mảnh vườn trồng dừa 3.000m2 cha mẹ để lại. Lấy vợ sinh được 6 con nên dù có lương thương binh cả gia đình vẫn sống chui rúc trong căn nhà lá nền đất nứt nẻ rách nát, con lớn lên đi làm thuê khắp nơi kiếm sống qua ngày.
Năm 1993 vợ mắc bệnh ung thư vay mượn tiền đưa lên Sài Gòn vào bệnh viện thì đã muộn.
Vợ mất, phải nai lưng trả nợ nhưng cả nhà (còn vợ chồng đứa con trai thứ năm cùng con trai út sống chung) không biết đào đâu ra tiền để trả, bản thân mình thì tàn tật có làm gì được đâu. Bí quá mới bắt chước ngươì khác ở vùng quê xứ dừa làm nghề “dễ nhất” là lột vỏ dừa cho chủ hàng dù chỉ còn… 1 ngón tay! Bằng cách đặt trái dừa lên con dao chuyên dùng vào việc này rồi dùng cùì tay trái đè xuống cho ngón tay út bàn tay phải ra sức nhấn vào vỏ để tách từng miếng ra. Phải kỳ công tập luyện đến độ cùi tay, ngón tay toé máu (có khi bị lưỡi dao lẹm vào) mới lột vỏ rành nghề, nhanh như người còn hai bàn tay bình thường.
Mỗi ngày có thể hoàn thành 500 trái với giá công lột vỏ 120 trái được… 9.000 đồng! Gom tiền để trả nợ như thế cũng chỉ như muối bỏ biển. May là chủ nợ tới nhà đòi nợ thấy cảnh nhà qua tang thương cũng chẳng còn lòng dạ nào để réo nợ nữa!
Nhưng còn nỗi đau thầm lặng hơn tất cả là đứa con út đang mạnh khoẻ bỗng dưng đổ bệnh tim bỏ học nằm nhà mỗi tháng tốn tiền thuốc hơn 1 triệu đồng không ăn thua gì, muốn mổ phải 100 triệu đồng chịu thua thôi. Nên con đã 27 tuổi vẫn nằm một chỗ ốm o gầy mòn mặt mày tái nhợt xanh xao.
Vậy mà đây là đứa con từ nhỏ đã được đặt nhiều kỳ vọng sẽ giúp cả nhà thoát nghèo nên mới được cha mẹ đặt tên là… Lê Phú Hộ!

443 - Nguyễn Xuân Liên
TÁI HIỆN KHÔNG GIAN CHIẾN TRANH CŨ
Doanh nhân sinh khoảng 1943 tại Hà Nội. Sống ở Quảng Bình (2009).
Dân Hà Nội nhưng từng trải qua 10 năm làm y tá lăn lộn trên tuyến lửa Quảng Bình nên sau chiến tranh vẫn không quên bao kỷ niệm thời gian khổ máu lửa nơi vùng đất này.
Vì thế năm 2003 khi về hưu một mình muốn quay về sống ở Quảng Bình tìm lại kỷ niệm một thời trai trẻ chiến đấu hào hùng trên quê hương Quảng Bình. Vợ không chịu thế là chấp nhận ly hôn chia tài sản để quyết theo đuổi giấc mơ Hậu chiến của riêng mình.
Bèn bán nhà ở Hà Nội rồi trở lại vùng chiến đấu Vực Quành xưa kia ở Quảng Bình (cách TP Đồng Hới 15km) âm thầm mua đất xây dựng lại những di tích chiến tranh xưa như hệ thống đường hầm, giao thông hào, hầm tránh bom, hố bom, cầu làm bằng thùng phuy, bệnh viện, trạm xá, lớp học, kho bãi, vỏ đạn… Kèm theo những vật dụng sinh hoạt của người dân Quảng Bình thời đó như chõng tre, cuốc xẻng, cối giã gạo, mũ rơm, nôi đưa con…
Ngoài ra còn cả một khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Quảng Bình với cuốn sổ ghi chép thông tin tên tuổi và mộ chí nằm ở đâu. Nhưng riêng mộ chí của người em trai của mình đã hy sinh thì vẫn còn… để trống.
Tất cả chỉ để cho mọi người đến tham quan miễn phí từ giữa năm 2003 như một bài học lịch sử trực thị trực quan tại chỗ. Một việc làm quá khác người khiến bị gọi là “Ông Liên khùng”! Nhưng người đến thăm, xem ngày một nhiều từ du khách đến các trường cho học sinh đi tham quan như một tiết học “lịch sử thực nghiệm”.
Mọi sự đang diễn ra êm đẹp như vậy thì thình lình giữa năm 2009 cả khu lưu niệm chiến tranh “tư nhân” này bị một cuộc hỏa hoạn – có lẽ từ số đạn, thùng đạn cũ được sưu tầm làm kỷ vật chiến tranh ở đây – làm… cháy tiêu gần hết!
Nhưng tin rằng rồi tất cả sẽ được tái dựng lại một lần nữa với con người ý chí son sắt này: “Tôi không hiểu vì sao kỷ niệm về những ngày chiến tranh ác liệt đó vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Hình như thời gian không thể làm hao mòn ký ức đó của tôi… Mãi mãi về sau này tôi vẫn không thể nào quên được nghĩa tình người dân nơi đây. Đó là động lực giúp tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc sống…”

444 - Nguyễn Xuân Luỹ
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 19
Thương binh sinh khoảng 1944 tại Quảng Bình. Sống ở Quảng Bình (2000).
Vào bộ đội năm 1962 chiến đấu trên mặt trận Quảng Trị, vợ cũng đi thanh niên xung phong ở mặt trận khác, xa nhau từ năm 1964.
Đến năm 1967 tại Quảng Trị cả đơn vị bị pháo địch dập chôn vùi tất cả tưởng ai cũng hy sinh hết rồi. Bản thân cùng đồng đội được khâm liệm đưa về Vĩnh Linh ở bờ bắc Quảng Trị làm lễ truy điệu. Toàn thân bất động máu me tùm lum đã được bọc bao ni lông lại chuẩn bị chôn cất thì lại bị máy bay Mỹ thả bom phá tan tành trạm xá. Nhưng nhờ vậy mà bọc ni lông bọc xác mình bị bung ra để lòi ra… người còn thoi thóp thở!
Người dân vội vàng đưa vào bệnh viện cứu sống rồi được chuyển ra Nghệ An an dưỡng. Nhưng khi đó đơn vị đã báo tin tử trận lên cấp trên nên mẹ già ở quê đã nhận được… giấy báo tử! Địa phương cũng đã công nhận vinh danh liệt sĩ.
Tất cả đều không ngờ năm 1970 thì “liệt sĩ” xách ba lô ra quân về nhà với hạng thương binh 2/4!
Năm 1972 vợ cũng bị thương được xuất ngũ về quê làm ruộng nuôi con. Nhưng chồng không thể giúp gì được do bị quá nhiều thương tích trên cơ thể, năm 1995 được bác sĩ giám định toàn thân còn bị dính .... 707 mảnh đạn pháo còn sót lại trong người (riêng 2 bắp chân đã đếm được gần 100 mảnh qua chụp phim) – một kỷ lục chiến tranh! Trầm trọng nhất là những vết thương trong sọ não thường xuyên làm nhức đầu khiến nhiều lúc như mắc bệnh tâm thần, hay bị động kinh, choáng, ngất xỉu, đi đâu cũng phải nhờ người đỡ đi.
Gia cảnh lại quá nghèo phải nuôi 6 con (một đã bệnh mất sớm) học chưa được bao nhiêu thì phải nghỉ ở nhà làm lụng giúp mẹ. Cả nhà được liệt vào danh sách hộ thiếu đói trong xã, thậm chí còn được miễn cả tiền đóng… đảng phí!
Đáng chú ý từ đó đến nay danh nghĩa “liệt sĩ” vẫn chưa chính thức bị xoá do thủ tục rắc rối từ địa phương lên tới Bộ Qiuốc phòng. Bởi vậy có nguyện vọng được xác minh cho tăng hạng thương binh từ 2/4 (trước kia chưa đủ phương tiện khám kỹ như sau này) lên 1/4 nặng nhất – hoàn toàn hợp lý - để được nhận mức hỗ trợ hàng tháng nhiều hơn giúp đỡ đần thêm chút ít cho gia đình đến lúc đó vẫn chưa thực hiện được.

445 - Nguyễn Xuân Năng
QUÁI KIỆT BÓNG BÀN
Thương binh sinh 1952 tại Thanh Hóa. Sống ở Thanh Hóa (2007).
Năm 1972 vào bộ đội ở Thanh Hóa trong khi luyện tập thì gặp tai nạn gặp đạn B 40 phát nổ làm bị thương cụt cả 2 tay phải (từ cùi chỏ) nằm điều trị mất 2 năm trời. Sau đó đành xuất ngũ sớm.
Năm 1977 về quê lấy vợ rồi dựng quán ven đuờng cho vợ bán nước chè, còn minh cụt 2 tay vẫn ráng đạp xe đi mua hoa quả các vùng quê về chợ bán lại lấy tiền nuôi con ăn học (1 trai 3 gái). Bằng 2 tay cụt – và cả chân nữa - đã tập làm đủ mọi việc để đỡ đần việc nhà gúp vợ từ giặt áo quần, quét nhà đến công việc đồng áng trồng lúa, mò cua bắt ốc…
Để một người tàn tật như mình có đủ sức làm việc đã tìm đến với thể thao như một phương pháp tập luyện bồi dưỡng sức khoẻ trong đó chọn môn bóng bàn mê nhất. Năm 1995 bắt đầu tập đánh bóng bàn bằng cách buộc luôn cây vợt vào 2 cùi tay cụt cùng nắm lại để đánh, sau chỉ cần cột vợt vào một mỏm tay thôi. Cứ như thế tập ròng rã hơn 2 năm, mỗi ngày từ sáng đến 10 giờ tối. Cùi tay và mỏm tay cột vợt vào bầm tím rồi lở loét hết vẫn tiếp tục đánh, cuối cùng chỗ bầm tím cũng chịu thua… thành sẹo luôn!
Kết quả từ năm 1997 liên tục giành nhiều thành tích cao trong các giải thể thao người khuyết tật trong nước và quốc tế, đoạt hàng chục huy chương Paragames VN, Đông Nam Á lẫn Châu Á – Thái Bình Dương. Ba lần Vô địch quốc gia người khuyết tật, Á quân Đông Nam Á, thắng cả người khuyết tật còn đủ 2 cánh tay!

446 - Nguyễn Xuân Nguyên
ĐƯỢC SINH RA LẦN NỮA
Thương binh sinh tại Nghệ An. Sống ở Bà Rịa – Vũng Tàu (2010).
Lấy vợ được một tháng thì đã lên đường vào chiến trường miền Nam. Tại mặt trận Quảng Trị bị thương ở đầu suýt mất mạng.
Sau 75 được về phép thăm vợ rồi lại tiếp tục được điều vào chiến trường biên giới Tây Nam, vợ vẫn ở lại Nghệ An chăm sóc cha mẹ chồng. Rồi vợ sinh con gái đầu lòng ngày đêm trông ngóng chồng trở về thăm con. Nào ngờ một ngày kia được tin chồng đã mất tích sau một trận đánh dữ dội song vợ vẫn không tin anh đã chết mà vẫn bôn ba khắp nơi nghe ngóng tin tức chồng.
Thực sự thì chồng chỉ bị thương chưa chết. Nhưng bị thương rất nặng, đôi chân bị giập nát đến quá đầu gối phải nằm liệt một chỗ trong trại thương binh Long Hải ở Bà Rịa. Nằm lâu bất động nên vết thương lở loét, hai chân teo lại cộng thêm vết thương cũ trên đầu tái phát biến mình thành như một thân xác “bầy nhầy” héo tàn.
Trong tình cảnh tang thương như vậy, khi biết tin vợ đã sinh con càng nặng thêm mặc cảm không dám gặp vợ con nên dặn không cho ai báo tin mình còn sống. Xem như ở trong trại thương binh trốn vợ con luôn suốt hơn 10 năm trời!
Mãi đến năm 1989 có một đồng đội thấy tội nghiệp vợ bạn chạy đôn đáo khắp nơi dò hỏi tin chồng khiến không đành lòng giấu sự thật nữa mà nói cho vợ bạn biết bạn mình vẫn còn sống. Thế là hai mẹ con tức tốc vào Nam, đến trại thương binh tìm chồng và cha.
Tuy nhiên lần đầu khi vừa nhìn thấy chồng và cha trong bộ dạng “trông không còn hình người nữa”, cả 2 mẹ con phải… hét lên hoảng hốt như gặp ma, con ôm mặt bỏ chạy còn mẹ… xỉu ngay tại chỗ! Người chồng người cha bị đặt vào tình cảnh “oan gia” trớ trêu chỉ còn biết lớn tiếng xua đuổi 2 mẹ con về quê làm lại cuộc đời đi vì phận mình vậy là đã hết rồi.
Dù vậy, cả 2 mẹ con vẫn kiên quyết không về mà ở lại luôn để chăm sóc anh. Rồi dần dần thời gian trôi qua cùng với tình thương của vợ và con gái, tâm hồn người thương binh nặng trở lại bình tĩnh nguôi ngoai, chấp nhận sự tái hòa nhập với cuộc đời. Và điều thần kỳ là vết đau cơ thể có lẽ nhờ vậy cũng giảm bớt.
Khi tình hình sức khỏe hồi phục khá hơn đã được trại thương binh cấp đất cho làm nhà ở riêng gần đó, vợ kiếm thêm việc làm phụ nuôi con khôn lớn trưởng thành làm chuyên viên máy tính. Bây giờ thì nụ cười đã trở lại với người tưởng như từng chết đi sống lại: “Chính mẹ con cô ấy đã sinh ra tôi một lần nữa.”

447 - Nguyễn Xuân Oánh
TÁC GIẢ TỪ “ĐỔI MỚI”
Nhà kinh tế sinh 1931 tại Bắc Giang – Mất 2003 ở TPHCM (82 tuổi).
Di cư vào Nam, qua Mỹ học tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế ĐH Harvard Mỹ danh giá. Trở về miền Nam cộng với mối quan hệ với Mỹ nên được chế độ Ngô Đình Diệm trọng dụng trong lĩnh vực tổ chức, điều hành nền kinh tế. Từng giữ chức Thống đốc Ngân hàng quốc gia và 2 lần làm thủ tuớng ngắn ngủi năm 1964, 65.
Đến chế độ Thiệu – Kỳ chuyển qua làm doanh nhân song vẫn giữ vai trò cố vấn kinh tế cho chính quyền.
Sau 1975 vẫn ở lại chứ không di tản ra nước ngoài và vẫn được chính quyền mới cộng sản tham vấn (không bị đi cải tạo) như một cố vấn lĩnh vực kinh tế. Một phần vì sự nghiệp hoạt động của ông chủ yếu chỉ trong lĩnh vực chuyên môn kinh tế hơn là chính trị, hơn nữa vốn thuộc một gia đình có truyền thống yêu nước chống Pháp.
Từ đó đã góp phần chuẩn bị, thiết kế giúp cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề xuất, thực hiện chính sách Đổi mới đất nước – tập trung về kinh tế – từ năm 1986. Từ “”Đổi mới” chính do ông nêu lên trong một cuốn sách in ở Sài Gòn vào thời điểm trước Đổi mới, theo đó đổi mới nhắm tới thực thi một nền kinh tế thực dụng mở hướng cho tư nhân tham gia, chấp nhận giá trị thị trường hơn là tập trung bao cấp kiểu cũ bảo thủ đồng thời mở rộng quan hệ với các nước có nền kinh tế tư bản khác mình.
Tuy hợp tác với chính quyền cộng sản – kể cả Quốc hội, Mặt trậnTổ quốc, báo chí - nhưng luôn cố giữ một vị trí độc lập của người trí thức đứng đắn đầy trách nhiệm, tư cách thẳng thắn. Từ năm 1999 đã đặt vấn đề Đảng Cộng sản cần thay đổi giao quyền nhiều hơn cho những người ngoài đảng.
Cuối đời theo ảnh hưởng của bà vợ nguyên nữ diễn viên tài danh Thẩm Thúy Hằng “Người đẹp Bình Dương” đã tìm về với triết lý đạo Phật hướng tới sự an bình tâm linh đạt trạng thái “Không thứ gì của quá khứ ràng buộc tôi nữa, lòng tôi vô cùng thanh thản.”

448 - Nguyễn Xuân Thuận
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 20
Nông dân sinh 1956 tại Nghệ An. Sống ở Kiên Giang (2010).
Năm 1974 lên đường vào Nam chiến đấu, tham dự trận đánh Xuân Lộc tiến về giải phóng Sài Gòn. Sau đó được điều qua chiến trường biên giới Tây Nam.
Thế rồi trong một trận đánh chống quân Pol Pot ở Hà Tiên đã bị trúng đạn vào đầu và được người dân trong vùng cứu sống song từ đó mất trí nhớ luôn. Đựơc một bà mẹ ở Kiên Giang nhận làm con nuôi rồi cưới vợ cho.
Trong lúc đó ở quê nhà bị xem là mất tích nên cũng không có giấy báo tử chính thức. Bố mẹ đành lập bàn thờ vọng hương khói cho con.
Về phần “liệt sĩ” thì vẫn an phận ở mảnh đất cuối vùng đất Nam bộ mang bệnh “quên hết” cùng vợ cày cuốc làm nông sinh được 4 con xem như thành dân Nam bộ luôn mà không còn nhớ gì về quê hương gốc gác xưa kia của mình. Cho đến một ngày nhân xem tivi nghe câu hò xứ Nghệ mà vốn truớc kia mình hát rất giỏi mới bắt đầu nhớ lại quê Nghệ An nhưng vẫn quên hết tên bố mẹ, nhà cửa ở đâu.
Đên đây thì con cái đã lớn, trở thành sinh viên có học nên biết cách giúp truy tìm tông tích bố. Kết quả là cuối cùng con trai đã tìm được dòng dõi quê nội ở Nghệ An nên năm 2008 đưa bố về lại quê hương sau 34 năm lưu lạc tưởng đã chết rồi.
Vậy nhưng chuyến hành trình tái ngộ đoàn viên này suýt chút nữa cũng không thành khi xe đò chở cha con chạy đến Thừa Thiên – Huế thì bị… đâm xuống hố làm 7 người chết! May mà 2 cha con sống sót – riêng “liệt sĩ” thêm một lần nữa bị bầm dập cả người - để cuối cùng cũng “về nhà” được gặp lại bố mẹ đã hơn 80 tuổi.

449 - Nhất Hạnh
“THUYỀN NHÂN”
Thiền sư Phật giáo pháp danh Thích Nhất Hạnh, nhà văn tên thật Nguyễn Xuân Bảo sinh 1926 tại Huế. Sống ở Pháp (2010).
Đây là người đã sáng tạo ra từ “thuyền nhân” (boatman, thật ra bắt nguồn từ dịch giai thoại PG trước đó)) khi ông khởi xướng và tham gia chiến dịch đưa tàu qua Hong Kong thực hiện việc cứu vớt những nguời vượt biên từ VN năm 1976-77.
Cuộc đời ông là cả một thiên truyện dài độc đáo hiếm có về một tu sĩ Phật giáo dấn thân vào đời vì mục đích phụng sự con người và nền hòa bình nhân loại, từ một tu sĩ thiên tả chống chiến tranh, chống chế độ cũ phải đi lưu vong ở Mỹ trước 75 (đi học đại học rồi bị cấm về nước). Sau 75 lại rơi vào cảnh đều không được 2 phía chấp nhận: Không thể về nước do có lập trường quan điểm nhân đạo chủ nghĩa – đứng về phía người vượt biên - khác hẳn chế độ cộng sản thời sau 75 trong khi vẫn bị phe chống Cộng ở hải ngọai tẩy chay vì tư tưởng phản chiến thiên tả trước đây.
Nhưng cùng nhờ định mệnh an bài như vậy mà đưa đến một bước ngoặt trong sự nghiệp hành đạo khi quay qua sáng lập, xây dựng nên một chi phái Phật giáo khác ở hải ngoại tập trung ở Pháp và Mỹ mệnh danh là “Đạo ông Bụt”, “đạo tràng Làng Mai” thắm đẫm tính triết lý và nhân văn sâu sắc kết hợp giữa đạo Phật, thiền học và chủ nghĩa nhân bản hiện đại. Một kiểu “PG nhập thế” phục vụ xã hội và con người như từng làm ở miền Nam trước 75 (lập trường thanh niên Phật tử phụng sự xã hội…).
Nếu còn ở trong nước, việc đó khó thành. Điển hình là năm 2009 đã xảy ra mâu thuẫn chung quanh vụ tranh chấp tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng giữa các đệ tử ở trong nước với Giáo hội PGVN.
Ngoài ra còn sáng tác, viết sách truyền bá tư tưởng, lý thuyết “đạo Phật mới”, “đạo Phật hiện đại hóa” của mình với hơn 100 tác phẩm thơ văn đủ thể loại – truyện, tạp bút, nghiên cứu, dịch thuật… -- được dịch ra nhiều thứ tiếng. Vơi vốn kiến thức uyên bác, chan hòa triết lý cuộc sống thực tiễn, tư tưởng sâu sắc mà phóng khoáng cùng tầm hoạt động rộng mở cả trên bình diện quốc tế đã tạo được cho mình một nội lực văn hóa mạnh mẽ, phong phú nên hầu như có thể dễ dàng viết bất cứ thể loại nào – dễ đọc - cũng đều đạt chất lượng cao đầy tính thuyết phục. Tất cả đều quy về soi rọi, làm sáng tỏ triết lý thiền và chủ nghĩa nhân đạo cao cả hoà nhập vào cuộc sống cụ thể sinh động của mỗi người – dễ làm theo - từ khía cạnh tu thân dưỡng tính cá nhân đến hoạt động hướng về cộng đồng:
“Xin hứa với tôi hôm nay
Trên đầu chúng ta có mặt trời
Và buổi trưa đứng bóng
Rằng không bao giờ em thù hận con người
…………………………
Dù con người
Giẫm lên mạng sống em
Như giẫm lên giun dế
Dù con người móc mật moi gan em
Đầy ải em vào hang sâu tủi nhục
Em vẫn nhớ lời tôi căn dặn
Kẻ thù chúng ta không phải con người
Xứng đáng chỉ có tình xót thương…”
(Dặn dò)
Từng được cố mục sư Mỹ Martin Luther King đề cử giải Nobel Hoà bình năm 1967 cũng từ quan điểm tư tưởng và hành động như thế.
Đã thể hiện niềm đạo đức vị tha, bao dung đó bằng việc trở về quê hương ba lần năm 2005 – 2008 tổ chức đại lễ cầu siêu ở 3 miền cho tất cả nạn nhân chiến tranh toàn quốc không phân biệt phe phái Năm – Bắc nhằm gây dựng sự hoà giải thực sự cho đất nước và dân tộc tiến tới sự “thống nhất lòng người”. Bất chấp những ý kiến bất đồng đứng trên lập trường chính trị không tán thành quan điểm này, gán cho tội “theo Cộng sản”!

450 - Nhật Tiến
NGƯỜI TỐ CÁO HẢI TẶC
Nhà văn tên thật Bùi Nhật Tiến sinh 1936 tại Hà Nội. Sống ở Mỹ (2010).
Năm 1954 di cư vào miền Nam, trở thành phát hiện giá trị nhất của cố văn hào Nhất Linh nhóm Tự lực Văn đoàn cũ trong thời kỳ sau 1954 vào miền Nam (lập nhóm mới Văn hóa Ngày nay).
Từ đó đã hình thành một sự nghiệp văn chương vững vàng, uy tín ở miền Nam với nhiều tác phẩm tiểu thuyết, truyện ngắn thấm đẫm tình cảm nhân ái sâu sắc đối với tầng lớp người nghèo khổ, neo đơn, trẻ mồ côi kêu gọi tình thương cho những người có số phận bất hạnh. Sau đó còn quan tâm đến nền văn hóa, văn học cho thiếu nhi.
Một nhà văn nghiêm túc, một con người đạo đức thế mà trong cuộc vượt biên năm 1979, ông cùng gia đình trong số 81 nguời đi cùng chuyến đã bị hải tặc Thái Lan cướp thuyền bỏ rơi trên hoang đảo rồi tiếp tục bị chúng cướp bóc, hãm hiếp dã man ròng rã trong 21 ngày trời mới được cứu thoát.
Từ đó ngay trên đất Thái trở thành người đầu tiên viết cáo trạng tố cáo tội ác của bọn cướp biển Thái Lan lên cơ quan HCR của Liên Hợp Quốc, Hội Chữ thập đỏ quốc tế, Hội Bảo vệ nhân quyền quốc tế. Đông thời qua đó cảnh báo với đồng bào trong nước nếu vượt biên thì “nên tìm con đường khác và trong trường hợp không thể đừng thì không bao giờ nên mang theo phụ nữ” để “cái giá nếu họ có phải trả cũng sẽ không phải là cái giá quá đắt.”
Đó là cái giá mà ông đã phải trả có thể cũng là một bước ngoặt thảm khốc trong cuộc đời chiêm nghiệm lại nên như bao người đồng cảnh ngộ khác dù đã 2 lần trốn chạy khỏi quê hương song mình lại là một trong số những người vượt biên đầu tiên sớm quay lại thăm quê hương năm 1992.
Về trong lặng lẽ (từ chối gặp báo chí), gặp lại người em từ miền Bắc cũng là một nhà văn khá nổi tiếng đúng như điều mình từng tâm sự: “Khi bỏ nước ra đi, tôi không nói là tôi sẽ không trở về”.
Sự nghiệp sáng tác hải ngoại sau đó cũng thế, lặng lẽ hầu như không có gì đáng kể nữa, chỉ có chuyển qua nghiên cứu văn học.
(Còn tiếp)