TRÒ CHƠI CỦA BẦY MỐI - HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Đọc báo, thấy nói đến vụ án sách rác. Quả là một hiện tượng lạ lùng của thời nay, sách mà lại là rác, rác mà mang hình hài của sách. Nhưng đó là sách rác theo nghĩa bóng. Có ngờ đâu đến ngày mình lại gặp cảnh ngộ đau thương của sách rác, mà là sách rác theo nghĩa đen.

Từ hôm chuyển nhà, chưa dành dụm đủ tiền đóng lại kệ sách, sách vẫn xếp đầy trong các thùng giấy. Đi công tác xa về, công việc ngập đầu, được ngày nghỉ, lục tìm một cuốn sách cũ trong thùng, thì than ôi, lũ mối đã làm ổ và tấn công tràn khắp. Những thùng sách để bên trên may mắn chỉ bị gặm bìa và gáy. Còn những thùng để gần nền nhà thì quang cảnh thật là thảm thương, từng tay sách nát vụn, tơi tả. Thơ cũng như văn xuôi, sáng tác cũng như khảo cứu, sách trong nước cũng như sách nước ngoài, tất cả đều cùng chung số phận.

Chỉ cần vài ba tháng không chăm lo cho sách mà lũ mối đã làm chủ trận địa. Hễ có giấy, có chữ bằng mực in là chúng xơi. Sách càng xưa, như đánh hơi được mùi thời gian, mối ăn càng khỏe. Cứ như là chúng chơi khăm mình vì đoán ra được sách nào mình quý nhất. Đau nhất là những quyển sách giữ từ thời trung học, chiến tranh loạn lạc di dời bao lần vẫn nguyên vẹn, nay có nhà mới thì chúng chẳng còn ở được với mình. Tiếc quá chừng là những cuốn sách được tác giả ký tặng, dự định “an cư” rồi sẽ đóng một tủ sách đàng hoàng để lưu giữ kỷ niệm bạn bè, đồng nghiệp; bây giờ cuốn nào cũng nham nhở vết cắn. Lũ mối như bày ra trò chơi độc địa: chúng muốn gặm chỗ nào, vẽ ra hình thù gì trên bìa hay trong ruột sách là theo ý muốn ngông cuồng và khó hiểu của chúng. Có cuốn ngoài bìa thấy còn mới, nhưng bên trong thì loang lổ như hình bản đồ châu Mỹ trên khuôn mặt một ông tổng thống bị phế truất. Văn chương, tri thức trở thành hàng đồng nát. Bỏ thì thương, vương thì tội. Bèn ngồi tỉ mẩn cắt giữ trang đầu có chữ ký tác giả với dòng chữ ghi ngày và nơi tặng sách. Rồi đành cho sách đi theo gánh hàng của bà mua “ve chai”.

Nghe ông chuyên viên Công ty trừ mối cho một bài học về sự cẩn trọng, càng tức lũ mối, lại càng giận cho mình. Tài sản văn hoá có ngần ấy mà không coi sóc thì mối ăn là đúng rồi, còn than vãn chi nữa. Không cảnh giác với mối thì nói chi đến sách, cả áo quần đồ đạc cũng bị nghiến nát và trần truồng giữa nhân gian như một cảnh ngộ khôi hài và đầy biểu tượng trong truyện ngắn Mối và người của Trần Duy Phiên.

Bỗng nhớ đến Triển lãm sách Paris năm ngoái, người ta ùn ùn đi xem gian hàng sách điện tử, một phát kiến của thời đại kỹ thuật số. Khác xa với những sản phẩm ra đời với kỹ thuật in từ thời Gutenberg, cái được gọi là sách ở đây không hiện ra trên mặt giấy và chữ in, mà trên những thiết bị điện tử di động với màn hình chiếu sáng. Nó đem đến cho con người bao nhiêu điều tiện lợi, chẳng hạn, học sinh đến trường không còn lo mang cặp nặng đến còng lưng, vì có đem theo 30 cuốn sách cũng nhẹ như không. Còn cất sách ở nhà thì lũ mối “mất dạy” có muốn cắn phá cũng đành chào thua!

Đi thêm một đoạn triển lãm nữa, lại thấy người ta xúm đen xúm đỏ trong quán cà-phê Fnac để dự giao lưu với José Saramago. Nhà văn Bồ Đào Nha được giải Nobel văn chương năm 1998 này là người không thiện cảm với chủ trương toàn cầu hóa về văn hoá. Trên tay nhiều người đến đây có mang theo một cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn để hy vọng được ông cho chữ ký. Sách in có cái hồn khiến người ta cảm thấy một sợi dây thiêng liêng nối liền không chỉ với tác giả mà còn với những bạn đọc khác, những người còn để tên lại trong phiếu mượn sách ở thư viện, đã chia sẻ với mình niềm cảm xúc trên trang giấy in còn lưu dấu mồ hôi tay. Liệu cái cảm xúc đó có còn được truyền qua những trang sách điện tử hiện lên trên màn hình máy vi tính? Rồi đây chắc sẽ có nhiều dự án sản xuất và phát hành sách điện tử được triển khai ở các nhà xuất bản lớn như nhà Rosetta Books hay Random House. Nhưng dù sao, trong thế kỷ 21 này, sách in vẫn chưa thể bị gạt ra ngoài sinh hoạt văn hoá và học thuật. Có điều, còn sách in thì còn phải coi chừng để ngăn ngừa lũ mối chơi trò chơi quái ác của chúng.

Đang nghĩ lan man thì có ông bạn đến chơi. Thấy sách bị mối ăn, ông vừa an ủi vừa chọc tức rằng: “Trò đời Tái Ông thất mã, biết đâu nhờ mối ăn sách mà ông đỡ phải đọc nhiều, quên bớt những chuyện trong sách đi và cái bệnh ruồi bay trong mắt của ông sẽ khỏi…”. Ừ, ông nói thậm có lý, mình hứng chí bổ sung – học theo phép thắng lợi tinh thần trong sách Lỗ Tấn. Mối ăn sách là làm lợi cho sức khỏe của mình đó chớ, từ giờ hễ nghe ai căn vặn vì sao lâu nay chẳng thấy viết gì ra hồn, thì cứ đổ hết tội cho lũ mối: bao nhiêu vốn liếng tri thức tích lũy được đã bị mối ăn sạch rồi còn đâu!

HNP
2001

In trong sách Bây giờ mà có về quê…, NXB Phụ Nữ, Hà Nội, 2011.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét