CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIỀN 1975 - 2011 (KÌ 82)





NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ



821 - Chung Thị Do

20 NĂM MẸ CÕNG CON ĐI HỌC

Nông dân sinh tại Tiền Giang. Sống ở TPHCM (2011).

Lấy chồng là bộ đội thương binh 51% nên sinh con trai đầu lòng năm 1987 bị nhiễm CĐDC từ cha bắt đầu từ 14 tháng tuổi đã xuất hiện triệu chứng bệnh lý 2 chân rất yếu đi đứng vô cùng khó khăn.



Năm con lên lớp 5 bệnh chuyển nặng làm 2 chân liệt luôn, tay cử động yếu ớt. Nhưng con vẫn ham học nên mẹ phải chiều con hàng ngày cõng con đi bộ 4km đến trường. Cứ thế đều đặn cõng con đi học THCS rồi THPT tốt nghiệp.



Năm 2009 con thi đại học đậu vào ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM. Thế là bây giờ mẹ lại tiếp tục cuộc trường chinh cõng con đến trường trên hành trình dài hơn hẳn là phải đưa con lên trọ học ở TPHCM trong hoàn cảnh nhà nghèo, chồng tái phát bệnh thời chiến tranh và một con trai thứ hai cũng mắc bệnh gần giống anh mình.



Thầy dạy con cấp trung học cũ cảm thương đứng ra vận động thầy cô giúp đỡ tiền bạc cho 2 mẹ con lên thành phố. Nhưng đường đến trường nay diệu vợi hơn hẳn nơi đô thị đông đúc làm sao cõng nổi con đi học?



May mà được một mạnh thường quân cho một chiếc xe máy cũ để ngày ngày chở con đến trường rồi từ cổng trường mới cõng con lên phòng học trên lầu. Có khi tới lầu 2-3 cả 2 mẹ con té lăn gần xỉu luôn!



Trong khi con học thì mình tìm chỗ khuất ngồi làm gia công dán hộp quà tặng mỗi ngày được 30.000 đồng để phụ thêm cho con ăn học. Và cầu mong còn chồng con ở quê ráng chống chỏi chờ ngày con trai đầu học hành thành đạt quay về chứ “không tính gì được hết”.



822 - Đàng Thị Trang

NỮ FULRO 1

Dân thường sinh khoảng 1957 tại Ninh Thuận. Sống ở Ninh Thuận (1982).

Người dân tộc Chăm trước 1975 tham gia sinh hoạt tại Trung tâm Văn hóa Chàm ở Phan Rang, một trung tâm do Pháp thành lập và điều hành dưới danh nghĩa viện trợ cho chính quyền VNCH.



Gia đình có truyền thống theo cộng sản, mẹ hoạt động nằm vùng làm cán bộ phụ nữ xã, hai anh trai là liệt sĩ. Nhưng sau 1975 lại đi theo người tình là một lãnh thụ Chăm ly khai theo FULRO vào rừng lập chiến khu chống cộng sản. Tại đây sinh được 2 con.



Nhưng một thời gian sau phần vì con nhỏ không chịu nổi cảnh sống kham khổ trốn tránh trong vùng rừng thiêng nước độc, phần khác do chồng phụ bạc theo “nữ Fulro” khác nên tìm cách ôm con bỏ trốn. Bị chồng cũ biết được sai lính đuổi theo bắn bị thương may mà thoát chết chạy về nhà cha mẹ ở Phan Rang.



Ơ nhà mẹ tưởng chết rồi nên đã lập bàn thờ không ngờ nay vẫn còn con thêm cả cháu nữa. Liền đưa con ra khai báo trình diện chính quyền, được nhắc nhở rồi cho về.



Từ đó cố gắêng làm lại cuộc đời lấy chồng mới bạn học cũ sau khi chồng cũ đã bị bắt ở tù.



823 - Hồ Thị Điu

CHẠY TRÊN CÁT 80KM/NGÀY

Nông dân sinh 1950 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2007).

Thương binh hạng 3 từng bị địch bắt giam tra tấn tàn nhẫn vẫn sống sót đến ngày hòa bình.

Trở về quê xã nghèo vùng cát trắng xã Triệu Lăng sát biển. Lấy chồng sinh được 5 con thì năm 1985 chồng đi biển gặp bão bỏ mạng trước sóng dữ.



Còn lại một mình phải nuôi 5 con và một mẹ già mắc bệnh thần kinh cũng do bị địch bắt tra tấn chấn thương đầu.



Quê nhà là vùng quê nghèo tơi tả vì chiến tranh tranh khốc liệt (550 hộ chiếm hơn 50% dân số thuộc diệïn gia đình chính sách, hơn 350 liệt sĩ, 250 thương bệnh binh…) chỉ còn biết theo nghề buôn cá để sống còn.



Thế là đều đặn hàng ngày từ 3 giờ sáng ra bờ biển chờ thuyền đánh cá về mua cá mực bỏ vào quang gánh rồi gánh… chạy tất ta tất tưởi lên chợ huyện cách đó 20km bán. Bán xong lại mua từ chợ một số hàng tạp hóa lẻ đến khoảng 7 giờ sáng thì gánh tất cả… chạy 20km nữa về làng bán lẻ. Nghỉ ngơi chút đỉnh đến 4 giờ chiều lại ra bờ biển ngóng tàu đánh cá về buổi chiều mua thêm đợt cá mực nữa để… tiếp tục chạy lên chợ huyện bán. Xong lại… chạy về chờ đến 3 giờ sáng hôm sau “bổn cũ soạn lại” hành trình gánh cá mực chạy như thế. Nên nhớ khi đem hàng lên chợ bán phải chạy nhanh hết sức – đuối sức té ngã cũng ráng gượng dậy… chạy tiếp - để cá tôm không bị ươn. Chuyên bán “hải sản” vậy mà bữa ăn cho mình chỉ toàn… rau! Để dành món ăn ngon bán lấy tiền lo con ăn học.



Tính ra cả ngày đã chạy khoảng 80km chia làm 4 đợt trên vùng đất toàn cát trắng cây cối đã chết rụi do bom đạn đổ xuống hàng hà sa số thời trước, lại thêm luồng gió Lào khô khốc nổi tiếng thổi qua từng đợt rát mặt biến nơi đây không khác gì sa mạc Châu Phi.



Dù vậy vẫn không quên ngày 2 lần – lần đầu và lần cuối ngày – trên đường đi đều ghé ngang thắp mộ chồng (ở đây mộ chôn trong cát chứ chôn đâu khác?) – cầu xin chồng phù hộ cho mình mãi mãi chân cứng đá mềm để nuôi con.



Hơn 20 năm thực hiện lộ trình chạy “việt dã cát” đều đặn như thế đã nuôi con ăn học thành tài. Bốn đứa đầu đều vào đại học, một đã tốt nghiệp ra đi làm.



824 - Hồ Thị Ngọc Hải

NGƯỜI KHÔNG CÓ 2 HÀM RĂNG

Sinh viên sinh tại Hà Tĩnh. Sống ở Hà Tĩnh (2011).

Mẹ từng làm giao liên cho cộng sản những năm 1972-74 tại Quảng Trị, sau 1975 lấy chồng là bộ đội phục viên về sống ở quê chồng Hà Tĩnh. Sinh 3 đứa con đầu đều bị nhiễm CĐDC dị dạng, dị tật chết ngay sau khi sinh.



May sao bản thân mình (và người anh kế) sinh sau vẫn sống được nhưng cứ bệnh tật liên miên, suốt một năm đầu sau khi sinh hầu như nằm viện suốt. Bao chứng bệnh quái ác ở đường khí quản bào mòn thân thể khiến cả 2 hàm răng đều hư hết (xương hàm quá yếu), mắt lồi lên!



Dù vậy ý chí ham học đã vực dậy nạn nhân bé nhỏ ốm yếu này, trở thành học sinh giỏi cấp THPT.



Năm 2007 tốt nghiệp phổ thông trung học chuẩn bị thi vào đại học ngành sư phạm với ước mơ làm cô giáo. Nhưng cô giáo mà không có… hàm răng thì dạy học trò sao đượïc thế nên cha mẹ cố gắng đưa con ra Hà Nội khám răng hy vọng được Nhà nước giúp đỡ. Bệnh viện sẵn sàng khám chữa miễn phí song làm 2 hàm răng giả hàng chục triệu đồng thì phải nhờ bảo hiểm y tế thôi. Kết quả bảo hiểm y tế trả lời… không chi!



May sao báo Tuổi Trẻ biết được viết bài kêu gọi nên được một nữ bác sĩ làm tư ở TPHCM giúp làm cho 2 hàm răng – trị giá trên 30 triệu đồng - không lấy tiền. Thế là “cô gái da cam” này có được 2 hàm răng trắng nuốt như ai!



Bây giờ đàng hoàng thi đậu vào ĐH Hà Tĩnh hệ cao đẳng sư phạm năm 2008 (năm trước chỉ dám thi vào ngành kế toán tài chính). Sau 3 năm theo học đầy cam go do cứ bệnh nghỉ học hoài những khi trái gió trở trời, giữa năm 2011 đã tốt nghiệp hy vọng sớm thành cô giáo dạy tiếng Anh.



825 – Hồ Thị Thanh Hòa

HAI VỢ CHỒNG CHẤN THƯƠNG SỌ NÃO

Công nhân về hưu sinh 1955 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở TPHCM (2007).

Năm 15 tuổi trốn nhà theo cộng sản đánh Mỹ, được đưa vào bộ đội làm nhiệm vụ mở đường trên chiến trường Trị – Thiên.



Năm 1971 bị B52 Mỹ thả bom đánh sập hầm chôn vùi 7 chị em trong tiểu đội, chỉ mình và một đồng đội sống sót. Nhưng bản thân bị chấn thương sọ não phải nằm viện nhiều tháng trời.



Ra viện được cho đi học một lớp văn nghệ xung kích rồi theo đội văn nghệ đi phục vụ tuyến đường Trường Sơn. Được 3 năm thì bệnh não tái phát nên được chuyển qua học làm y tá đưa về làm ở viện quân y để có điều kiện thuận tiện tiếp tục chữa trị bệnh đau đầu thường xuyên.



Kết thúc chiến tranh 1975 ra quân thương binh nặng hạng 1/4 được nhận vào làm xí nghiệp ở Bình Trị Thiên song thời này các cơ quan sản xuất không ổn định nên cứù phải thay đổi chỗ làm hoài.



Lấy chồng là bộ đội phục viên dân Quảng Bình sinh 3 con một gái 2 trai. Nhưng chồng bị nhiễm CĐDC và trùng hợp ngẫu nhiên là cũng từng bị chấn thương sọ não nên trong cuộc sống chung hai bên khi “lên cơn” thường xuyên va chạm, gây gổ vô cớ! Mâu thuẫn gia đình lên đỉnh điểm tới mức năm 1984 chồng bỏ về quê Quảng Bình để lại cả 4 mẹ con bơ vơ.



Thế là một mình nuôi 3 con trong tình cảnh bệnh sọ não không hết nên bị xí nghiệp cho nghỉ việc năm 1987. Đành phải làm công nhân quét dọn vệ sinh cho khách sạn, nhặt lon bia hộp giấy phế thải và cả cắt lá chuối đem đi bán lấy tiền lo con ăn học.



Vậy mà nuôi 3 con trưởng thành đàng hoàng, có con theo nghiệp cũ của mình làm nghề biên đạo múa. Phần mình nay đã thảnh thơi đôi chút trở lại tham gia các hoạt động văn nghệ quần chúng – cả sáng tác lẫn trình diễn hát, ngâm thơ, độc tấu -- hoài niệm một thời xuân sắc ca hát trên đường Trường Sơn.



826 - Hồ Văn Với

ÔNG CHỦ CHO MƯỢN… DÊ, BÒ

Nông dân sinh 1938 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2008).

Bộ đội thương binh phục viên người dân tộc Pa Cô sau chiến tranh trở về quê ở vùng rừng núi A Lưới giáp giới Thừa Thiên – Huế.



Nhờ kiến thức học hỏi thời đi bộ đội nên biết cách xoay xở làm kinh tế mua vải đem qua Lào bán, đào mương dẫn nước về trồng lúa và cà phê, đào ao nuôi cá, nuôi bò nuôi dê… làm ăn khá giả nhất buôn làng.



Bản thân sống thoải mái rồi thì không nỡ nhìn cảnh bà con trong buôn làng cứ mãi nghèo khổ nên từ năm 1990 nảy sinh ra ý cho bà con “mượn” bò hay dê lấy vốn làm ăn, cho mượn “chay” tức không tính tiền lãi gì hết chỉ với điều kiện “nuôi nó làm sao sinh ra cả đàn dê thì trả lại để còn cho ngườøi khác mượn”!



Không chỉ giúp xóm giềng làm ăn mà còn giúp các đôi lứa thương nhau song nghèo quá không lấy nhau được do không kiếm được… đồ sinh lễ theo phong tục người Pa Cô nơi đây, thế là “xuất” ngay một con bò hay heo cho chú rể làm lễ với bên nhà gái.



Gặp những trường hợp người mượn quá khó khăn ngặt nghèo thì… tặng luôn! Với lý do đơn giản thôi: “Thấy dân mình nghèo khó thì ai chẳng buồn. Bà con đồng bào cả mà… Rồi có khi mình hay mấy đứa con trong nhà lâm cảnh hoạn nạn, đồng bào giúp lại mình thôi.”



827 - Huyền Linh

VỤ ÁN FATIMA BÌNH TRIỆU

Linh mục nhạc sĩ tên thật Nguyễn Huyền Linh sinh 1926 tại Nam Định – Mất 2003 ở Bình Phước (78 tuổi).

Di cư vào Nam 1954, tác giả một số bài thánh ca được nhiều tín đồ hâm mộ như “Ave Maria con chào Mẹ”, “Lời Mẹ nhắn nhủ”, “Ôi Giê su!”…



Năm 1977 liên quan đến vụ án Công giáo chống chế độ ở nhà thờ Fatima Bình Triệu – TPHCM nên bị đưa ra tòa xét xử lãnh án chung thân.



Năm 2001 bệnh nặng được đưa về TPHCM chữa trị, sau đó chuyển về giam ở Bình Phước rồi mất tại đây 2 năm sau.



Trong cảnh tù đày bệnh tật vẫn tiếc nuối không được tiếp tục con đường đem âm nhạc đến với niềm tin cho tín đồ:



“ Vét trong óc nhớ đôi bài nhạc



Từ thủa bình minh lắm gió mây.



Trên chín tầng cao xanh lả lướt



Như nghe nhồi máu tim say…”



828 - - Huỳnh Năm

KHÔNG BIẾT MẤT MỘT… QUẢ THẬN!

Thương binh sinh tại Quảng Nam. Sống ở Đà Lạt (2007).

Trong kháng chiến chống Mỹ là công an chiến đấu trên mặt trận Quảng – Đà.

Năm 1973 bị thương nặng được đưa về bệnh xá giải phẫu cứu chữa nằm viện 9 tháng, sau đó chuyển ra Bắc an dưỡng.



Năm 1977 xuất ngũ vào Lâm Đồng sinh sống. Khi làm chế độ thương binh 3/4 được giám định mức thương tật 31%. Nhưng thời gian qua thỉnh thoảng vẫn thấy vết thương cũ đau nhức nên năm 1991 đi giám định lại được nâng mức thương tật lên 56%.



Dù vậy cơ thể vẫn tiếp tục có dấu hiệu bất an, cuối cùng năm 2005 vào TPHCM khám kỹ hơn lúc đó mới té ngửa ra rằng từ hơn 30 năm nay mình chỉ còn… một quả thận, còn quả thận kia hẳn đã bị cắt đi khi được mổ cấp cứu trên chiến trường! Có lẽ do hoàn cảnh chiến đấu khắc nghiệt, gấp gáp nên y bác sĩ… quên báo cho mình biết.



Bây giờ biết rồi muốn sửa lại y bạ để nâng mức thương tật lên bổ sung quyền lợi thương binh thì thủ tục hành chính thật không đơn giản chút nào!



829 -- Huỳnh Thị Ba

“TỈ PHÚ BA GÀ”

Doanh nhân sinh 1961 tại Đà Nẵng. Sống ở Đà Nẵng (2009).

Mồ côi cha – liệt sĩ chống Mỹ - từ nhỏ. Nhờ lý lịch nên sau 75 được vào làm kế toán cho một công ty ở Đà Nẵng.



Năm 1988 lấy chồng sinh ba con. Phải lo toan gánh nặng gia đình gặp thời bao cấp khó khăn kinh tế nên túng làm liều chiếm dụng tiền cơ quan hùn vốn đi buôn hàng cấm. Không may thất bại vỡ nợ bị bắt lãnh án 20 năm tù.



Trong thời gian ở tù chồng bỏ đi lấy vợ khác, con cái phải chạy về tá túc bên ngoại.



May mắn nhờ nhân thân liên hệ Cách mạng nên chỉ ở tù 5 năm thì được đặc xá năm 1997.



Trở về với 2 bàn tay trắng một mình nuôi 3 con và một mẹ già bằng nghề nuôi heo, có lúc không chỗ ở gần như phải sống chung với… heo (ở luôn trong kho đựng thức ăn cho heo)! Nhờ trời nuôi heo khá mát tay, lúc đầu nuôi 10 con sau phát triển lên 150 con rồi 500 con.



Sau đó còn chuyển qua nuôi gà cũng rất thành công kể cả trong cơn đại dịch cúm gà cuối năm 2004. Tên tuổi “Tỉ phú Ba gà” thành danh từ đó.





830 – Huỳnh Văn Hùng

ÁN OAN “NỘI GIÁN” 30 NĂM

Nông dân sinh 1941 tại Bến Tre. Sống ở Bến Tre (2009).

Thuộc gia đình cộng sản “nòi”, ông nội, cha và em trai là liệt sĩ thời chống Mỹ nên mới 10 tuổi đã đi làm liên lạc viên rồi thoát ly theo kháng chiến luôn. Làm trưởng công an xã rồi cán bộ an ninh huyện, bí thư xã Quới Sơn ở quê nhà BếnTre.



Thình lình tháng 2.1974 bị công an huyện bắt cùng với hai đồng đội đảng ủy viên với tội danh làm… nội gián cho địch!



Cả 3 bị đưa đi giam ở trại cải tạo tỉnh. Đến tháng 2.1977 – sau 3 năm 2 ngày ở tù - mới được thả ra không kèm theo bất cứ lý do, chỉ giải thích qua loa với cấp trên – qua văn bản – rằng các đương sự “chưa chịu nhận tội nhưng (công an) không có điều kiện xác minh”!



Ba người làm đơn đi kêu oan khắp nơi từ tỉnh ủy đến cả BanTổ chức Trung ương đều không kết quả. Hai đồng chí cùng chịu hàm oan đành bỏ cuộc về quê làm ruộng rồi chết sớm trong cảnh nghèo khổ, gia đình tan tác lại mang tiếng xấu “phản bội” khó lòng gột rửa.



Bản thân gia đình mình cũng rơi vào cảnh mâu thuẫn tận cùng tới chỗ cả vợ con cũng bức xúc vì dư luận dị nghị nên có lúc đã trách cứ mình là kẻ “phản cách mạng”, làm gián điệp bán đứng tổ tông (nên nhớ con cái 3 nhà này khi đi học hay đi làm đều bị địa phương chứng vào lý lịch “có cha là nội gián”)! Không thể chịu nổi cuối cùng đành ly dị vợ.



Bị đẩy đến bước đường cùng thê thảm như thế càng sôi sục ý chí tìm cách minh oan, phục hồi danh dự không chỉ cho mình mà còn cho cha ông dòng họ nữa: “Tôi từng mấy lần tính tự tử trong trại giam nhưng nghĩ lại nếu mình chết thì ai giải quyết cho mình? Chết tức là để tiếng xấu đến cả dòng họ, gia đình… Tôi phải sống để có ngày ngẩng mặt với đời…”



May sao năm 1966 gặp lại nữ đồng chí cũ là du kích cùng chi bộ hồi đó lúc này là cán bộ công an luôn tin tưởng thủ trưởng cũ của mình vô tội nên bà đã tìm cách nhờ công an Bến Tre và Mỹ Tho lật lại hồ sơ vụ án xem lại sự thật thế nào.



Cuối cùng phải lên tận TPHCM truy tìm tài liệu mật của tình báo chính quyền VNCH còn giữ lại trong kho hồ sơ của Bộ Công an mới dần tìm ra đường dây mối nhợ vụ án này. Đó là do mật vụ chế độ cũ dàn dựng để gây chia rẽ nội bộ cộng sản Bến Tre và công an Bến Tre thời đó nghiệp vụ còn sơ khai lại mắc bệnh cảnh giác quá độ “giết lầm còn hơn bỏ sót” nên đã bị sập bẫy!



Từ đó năm 2003 tỉnh ủy Bến Tre ký quyết định giải oan cho 3 “đồng chí mình” sau 30 năm mang án oan trong đó 2 người đã phải ngậm cười nơi chín suối lâu rồi.



Về cựu bí thư xã còn sống cũng có được một đoạn kết hạnh phúc thanh thản chắp nối cuộc đời với người nữ đồng đội trung thành năm xưa. Một kết cục “ân đền oán không trả” trùng hợp kỳ lạ bởi người vợ cuối đời an ủi tuổi già này có chồng trước (đã mất) chính là anh phó công an huyện đã ký lệnh… bắt người chồng bây giờ cách nay 30 năm!



(Còn tiếp)









0 nhận xét:

Đăng nhận xét