THƠ GIANG HỒ,NHƯ NHỮNG NGỌN GIÓ,KHÔNG NGỪNG PHIÊU LÃNG

"Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt

Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà"



Chẳng cần phải rà soát trong trí nhớ, nhiều người đã bật lên hai câu này mỗi khi chén thù chén tạc; lúc đắc chí vỗ đùi cười rơi nước mắt; khi một mình dạ hành nơi đất khách lạ xa…



Thơ của ai? Chẳng biết là thơ của ai. Chỉ biết rằng thơ hay quá, đọc lên nghe đã đời, sảng khoái cả tâm hồn, mà như một lời an ủi, ngọt dịu. Thơ ai vậy ta? Người đinh ninh thơ Nguyễn Bính. Kẻ đồ chừng thơ Nguyễn Duy. Có người lại "chắc cú" rằng thơ của Bùi Chí Vinh v.v… Thưa rằng chẳng phải. Người có hai câu thơ rất nổi tiếng trên "giang hồ" mà tên tuổi lại… hơi "mơ hồ" trên văn đàn đó chính là thi sĩ Phạm Hữu Quang quê Bắc Đuông, Thốt Nốt, Cần Thơ.



Phạm Hữu Quang sinh năm 1952, từng học Đại học Sư phạm với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh rồi chuyển về Đại học Cần Thơ. Ra trường, đi dạy vài ba năm rồi chuyển qua làm văn nghệ (Hội VHNT An Giang). Theo mô tả của nhà thơ Trần Hữu Dũng thì Phạm Hữu Quang có vóc người thấp đậm, râu ria xù xì như con gấu. Con người có bài thơ "Giang hồ" nghe "dữ dằn" vậy mà hiền khô, lại rất siêng làm thơ thiếu nhi. Bài thơ "Giang hồ", Phạm Hữu Quang viết tháng 5/1991. Anh mất ngày 28/4/2000, vừa đúng 49 tuổi (bốn chín chưa qua…).



Sau khi Phạm Hữu Quang mất, bạn bè thi hữu "kẻ góp của, người góp công" đã in cho anh một tập thơ có tên "Ngẫu hứng chiều sông Hậu". Nói cho đúng, thơ Phạm Hữu Quang không nhiều. Nhưng anh có bài "Giang hồ" quá xuất thần, dường như ai chỉ cần nghe đọc một lần là cũng có thể thuộc vài câu. Tất nhiên bài "Giang hồ" không chỉ có hai câu hay, mà còn có nhiều câu thấm thía, ví dụ:



"Giang hồ ba bữa buồn một bữa

Thấy núi thành sông biển hóa rừng…"



Ồ! Thì ra xưa nay, người rong ruổi giang hồ cũng không phải là hiếm, nhưng mới đi ba bữa đã sầu một bữa, quặn lòng mình để cho thơ lên ngôi thì cũng chỉ riêng thi sĩ thứ thiệt mới có. Thật ra, giang hồ - xê dịch - rong chơi; nó vừa là hành động vừa là ý niệm của người thơ. Dấn thân để được đi mãi trên con đường sáng tạo luôn là ước muốn lớn lao của những ai làm nghệ thuật. Nhà thơ Thế Lữ từng viết: "Ta là một khách chinh phu/ Dấn bước truân chuyên khắp hải hồ". Thấy chưa? Giang hồ, đâu phải chỉ "đã đời sông núi" riêng mình, mà đôi khi nó là sứ mệnh.



Bước chân giang hồ lắm khi cũng là định mệnh của không ít nhà thơ. Thi sĩ Nguyễn Bính có khá nhiều bài thơ thấm đượm cái phong vị của kẻ giang hồ thứ thiệt. Nhưng, có thể nói bài thơ "Hành phương Nam" của Nguyễn Bính được xem là một bài thơ giang hồ hay nhất, nổi tiếng nhất của ông. Nó như một cuốn "nhật ký" của thi sĩ trên đường lưu lạc vào phương Nam:



"… Ta đi nhưng biết về đâu chứ

Đã dấy phong yên khắp bốn trời

Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ

Uống say mà gọi thế nhân ơi!".



Ở chợ Đa Kao - Sài Gòn, năm 1943, Nguyễn Bính viết bài thơ này. Bây giờ đọc lại vẫn thấy hay, thấm thía một nỗi buồn. Còn gì buồn hơn là ngồi say giữa chợ? Giữa chốn đông mà nào có ai thân? Có một chi tiết trùng hợp khá thú vị là: Nguyễn Bính cũng mất năm 49 tuổi, bằng số tuổi mà Phạm Hữu Quang "tạm trú" trên cõi đời. Mất ở tuổi ấy, thường coi như là "chết yểu", nhưng kỳ lạ thay, thơ của họ lại có sức sống vượt thời gian.--



Thơ giang hồ, thường là kết quả của những chuyến xê dịch. Sau những cuộc rong ruổi thỏa chí tang bồng là một niềm thương nhớ da diết. Đi chỉ là một phương thức nhằm thay đổi bối cảnh, không gian sống, chứ cũng khó lòng mà thay đổi tâm trạng, số phận. Thi sĩ Đynh Trầm Ca có hai câu thơ giang hồ rất tuyệt:



"Giang hồ nào có ai phong ấn/

Mà cũng từ quan, trở lại quê".



Và, thi sĩ Linh Phương cũng từng cho "xuất xưởng" một bài thơ có tựa "Giang hồ" khá hay:



"Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận

Vẫn thấy lòng đau rứt ruột đau

Thèm nghe tiếng dế thời thơ ấu

Ngắm cánh diều bay giữa vô cùng".



Người ra đi bao giờ cũng mong được quay trở về. Xét cho cùng, sự trở về trọn vẹn nhất là trở về với hồn nhiên ấu thơ. Khi hồn ta còn tràn ngập tình thương trong sáng, khi đầu óc ta còn chưa mắc kẹt vào những dự án, toan tính bộn bề, mỏi mệt. Nhưng, làm sao quay ngược cây kim thời gian? Linh Phương thảng thốt:



"Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận

Thầm hẹn mai này qui cố hương

Ta về làm bạn cùng chim chóc

Lẫn với muỗi mòng chín cửa sông".



Có đôi người đọc bài thơ "Giang hồ" này thích quá, bèn gọi điện thoại hỏi tôi có biết tung tích của thi sĩ? Linh Phương là chị hay anh? Tôi không biết nhiều lắm. Nhưng chắc chắn một điều, thi sĩ Linh Phương đích thị là… đàn ông; hiện sống ở Rạch Giá - Kiên Giang.

Giang hồ. Ừ nhỉ! Tại sao không giang hồ? Có ai cấm ta giang hồ? Dù chỉ là giang hồ vặt. Nhưng nói đến giang hồ thứ thiệt "chính tông" thì phải nói đến thi sĩ Bùi Giáng. Cái giang hồ của Bùi Giáng không chỉ tính ở dặm dài xê dịch mà nó nằm ngay trong bản thể của thi sĩ. Ông "đi vắng" ngay cả khi ông tồn tại. Ông ở đây mà hồn ở đâu. Ông quên lãng ngay chính bản thân, chính tên tuổi mình:

"Hỏi tên rằng biển xanh dâu

Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa…".



Bùi Giáng rong chơi mải miết, rong chơi đến độ "quên cả đường đi lối về". Nhưng, trên con đường rong chơi của thi sĩ bao giờ cũng kè theo một "túi thơ" bên mình:

"Rong chơi râu tóc bạc phơ

Còn nghe đắm đuối vần thơ yêu người…".



Nói đến chuyện rong chơi của trung niên thi sĩ thì có lẽ còn nói… đến khuya. Người bảo Bùi Giáng điên. Kẻ nói Bùi Giáng nào điên, chỉ giả vờ. Người kêu Bùi Giáng loạn chữ. Kẻ nói Bùi Giáng "múa chữ" như làm xiếc v.v… Mỗi người mỗi ý. Nhưng rốt lại, Bùi Giáng vẫn là thi sĩ "một trăm phần trăm". Với thơ, ông chỉ định "đùa chơi" một tẹo. Nhưng rồi:

"Ta cứ ngỡ đùa vui trong chốc lát

Nào ngờ đâu đùa mãi đến điêu linh".



Thì đấy, "giang hồ muôn nẻo điêu linh". Giang hồ nào phải dành cho cho kẻ yếu bóng vía; ngán sóng, sợ gió. Nghe người giang hồ đã mê, đọc thơ giang hồ càng sướng. Thơ giang hồ còn nhiều. Trong một chốc, một lát; một buổi, một ngày không thể nào nhớ hết, liệt kê ra đầy đủ. Đó là chưa kể có nhiều bài thơ giang hồ còn nằm trong dân gian.



Thơ giang hồ như những ngọn gió không ngừng phiêu lãng. Thổi phóng túng vào tâm hồn những ai yêu thơ, yêu đời sống thiệt tình (!)





(http://vnca.cand.com.vn/">http://vnca.cand.com.vn/ )



PHẠM HỮU QUANG

GIANG HỒ



Tàu đi qua phố , tàu qua phố

Phố lạ mà quen ta giang hồ

Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ

Chẻ củi , trèo thang với … giặt đồ



Giang hồ đâu bận lo tiền túi

Ngày đi ta chỉ có tay không

Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi

Mây trắng trời xa trắng cả lòng



Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn

Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình

Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng

Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình



Giang Hồ có bữa ta ngồi quán

Quán vắng mà ta chửa chịu về

Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống

Đếm thấy thừa ra một gốc si



Giang hồ mấy bận say như chết

Rượu sáng chưa thưa đã rượu chiều

Chí cốt cầm ra chai rượu cốt

Ừ . Thôi . Trời đất cứ liêu xiêu



Giang hồ ta chẳng hay áo rách

Sá gì chải lược với soi gương

Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc

Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường



Giang hồ ba bữa buồn một bữa

Thấy núi thành sông biển hoá rừng

Chân sẵn dép giày trời sẵn gió

Ngựa về . Ta đứng . Bụi mù tung …



Giang hồ tay nải cầm chưa chắc

Hình như ta mới khóc hôm qua

Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt

Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà





LINH PHƯƠNG

GIANG HỒ



Giang hồ từ thuở ta thất thế

Chí lớn không thành- thà ẩn cư

Viễn xứ. Ờ ! Thôi thì viễn xứ

Hết đời phiêu bạt chốn quê xa



Mẹ xưa vốn quen mùi rơm rạ

Đốt đồng khô khói phủ che trời

Hoàng hôn mỏi mắt. Chiều châu thổ

Vẳng tiếng kêu đò bên bến sông



Cha xưa cầm súng ra đánh trận

Bỏ xác trên rừng mấy mươi năm

Lần đi đưa tiễn- tay chưa nắm

Vạt áo che ngang mẹ khóc thầm



Em xưa kẹp tóc thề vội lớn

Cứ ngỡ tình xanh mãi biếc xanh

Tương tư xếp lá đôi bờ mộng

Mơ bóng trăng khuya- tiếng nguyệt cầm



Ta xưa thắp nến chờ đêm xuống

Đợi hồn thiêng khuất nẻo cha về

Mộ bia hiu quạnh. Ngày dâu bể

Phách lạc đâu còn chỗ nương thân



Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận

Vẫn thấy lòng đau rứt ruột đau

Thèm nghe tiếng dế thời thơ ấu

Ngắm cánh diều bay giữa vô cùng



Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận

Thầm hẹn mai này quy cố hương

Ta về làm bạn cùng chim chóc

Lẫn với muỗi mòng chín cửa sông



NGUYỄN BÍNH

HÀNH PHƯƠNG NAM



Hai ta lưu lạc phương Nam này

Trải mấy mùa qua én nhạn bay

Xuân đến khắp trời, hoa rượu nở

Riêng ta với ngươi buồn vậy thay !



Lòng đắng sá gì non hớp rượu

Mà không uống cạn, mà không say ?

Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã

Mà áo khinh cừu không ai may



Ngươi giam chí lớn vòng cơm áo

Ta trói thân vào nợ nước mây

Ai biết thương nhau từ thuở trước

Bây giờ gặp nhau trong phút giây



Nợ tình chưa trả tròn một món

Sòng đời thua đến trắng hai tay

Quê nhà xa lắc xa lơ đó

Trông lại tha hồ mây trắng bay



Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc

Phân tán vì cơn gió bụi này

Ngươi đi buồn lắm mà không khóc

Mà vẫn cười qua chén rượu đầy



Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết

Ngày mai ra sao rồi hãy hay

Ngày mai sán lạn màu non nước

Cốt nhất làm sao tự buổi này



Rẫy ruồng châu ngọc, thù son phấn

Mắt đỏ lên rồi cứ chết ngay

Hỡi ơi Nhiếp Chính mà băm mặt

Giữa chợ ai người khóc nhận thây



Kinh Kha quán lạnh sầu nghiêng chén

Ai kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay ?

Mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự

Hài cỏ gươm cuồng ta đi đây



Ta đi, nhưng biết về đâu chứ ?

Đã dấy phong yên lộng bốn trời

Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ,

Uống say mà gọi thế nhân ơi !



Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ

Ta với nhà ngươi cả tiếng cười

Người ơi ! Hề người ơi !

Người sang bên ấy sao mà lạnh

Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét