VÕ CHÂN CỮU & 22 TẢN MẠN - PHÊ BÌNH NGUYỄN LƯƠNG VỴ





Đầu tháng 6/2013, Công ty Sách Phương Nam đã phát hành tập sách “22 Tản Mạn” của nhà thơ Võ Chân Cửu. Sách do NXB Hội Nhà văn xuất bản, in theo khổ 12x20cm, dày 216 trang, tranh bìa của Đinh Cường. Hình thức trình bày đẹp, trang nhã...

         Nhà thơ Võ Chân Cửu sinh năm 1952 tại Qui Nhơn, Bình Định. Anh có thơ đăng báo khá sớm (từ 1965 trên các trang văn nghệ thiếu niên các nhật báo, và từ 1969 trên các tạp chí văn học nghệ thuật như: Bách Khoa, Tư Tưởng, Văn, Khởi Hành, Thời Tập…) Trước 1975, anh đã ấn hành 2 tập thơ: Tinh Sương, Đại Mộng. Năm 2011, NXB Thư Ấn Quán – New Jersey, Hoa Kỳ (do nhà văn Trần Hoài Thư chủ trương) đã in tập thơ Ngọn Gió với tựa đề Trước Sau. Tuyển tập này bao gồm những tác phẩm thơ sáng tác trước 1975 và một số sáng tác gần đây của Võ Chân Cửu. Những năm qua, Võ Chân Cửu tập trung viết tạp bút, phần lớn là những hồi ức ghi lại những sinh hoạt văn học nghệ thuật của miền Nam (1954-1975). 22 Tản Mạn cho ta hình dung lại rất nhiều khuôn mặt thi ca của miền Nam. Có nhiều tác giả mà hiện nay với độc giả thế hệ 8X trở đi, hầu như không ai biết cả. Nó cho thấy sự phong phú trong sáng tác của các văn nghệ sĩ thời đó…”(trích lời bạt của nhà thơ Chu Ngạn Thư.)
         Với tính nhạy cảm của một thi sĩ, với ký ức phong phú, kinh nghiệm sống dày dạn của một người luôn nặng tình với văn chương, bằng hữu, 22 Tản Mạn đã có sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc bằng một giọng văn trầm tĩnh, giản dị nhưng vẫn sâu sắc, thấm đẫm chất văn học. Có những đoạn nhận định rất ngắn, rất cô đọng mang tính ẩn dụ khiến chúng ta phải ngậm ngùi khi nhìn lại một thời kỳ văn học nghệ thuật vô cùng phong phú, sinh động của miền Nam trước 1975: “Dưới dòng suối, những rễ cây vô tình ngoạm đá. Dâu biển tang thương, phá xong những cánh rừng, người ta moi đến gốc. Những rễ cây ôm đá qua các nhà sinh vật cảnh đã trở thành các món hàng vô giá. Dòng chảy 21 năm văn học miền Nam có thể sẽ được đào xới lên theo nhiều cách. Một nhà khoa học sinh học chăm băm vào các đề tài nghiên cứu, khi nhìn thấy các món sinh vật cảnh nầy quả quyết qua tháng năm, nó tích tụ nhiều chất phóng xạ; có loại đem chưng trong nhà sẽ rất độc hại. Cách nhìn duy vật thô sơ vẫn xem gỗ đá là những loài vô cơ. Cách nhìn mới cho rằng trong đó sự sống vẫn dịch chuyển. Có khi nó chứa đựng cả phần hồn. Thật vậy chăng?!”
      Cách nói ví von trên ám chỉ về tình hình văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975 một cách khéo léo, bản lĩnh, ẩn chứa một mối tri tình nồng ấm, thật đáng trân trọng. Cây bút phê bình văn học Cao Huy Khanh rất quen thuộc với người Sài Gòn trước đây, trong bài tựa sách đã viết: “…Trong giới văn học Miền Nam từ trước 1975 đông hằng hà sa số vô thiên lủng. Từ các bậc lão trượng như Quách Tấn, Bùi Giáng, đến các bậc trung niên:Nguyễn Mộng Giác, Joseph Huỳnh Văn, Cung Tích Biền, Trần Tuấn Kiệt, Hoài Khanh, Nguyễn Đức Sơn…Rồi lớp bằng vai phải lứa Thế Vũ, Vũ Hữu Định, Lê Xuân Tiến, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Lương Vỵ, Thái Ngọc San, Phù Hư, Mường Mán, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Miên Thảo, Từ Hoài Tấn, Từ Kế Tường, Phạm Chu Sa, Lê Nguyên Ngữ, Trần Dzạ lữ, Hoàng Ngọc Châu, Hồ Ngạc Ngữ, Đặng Tấn Tới, Nguyễn Đạt…
             Cái danh sách còn dài này cho thấy tính quảng giao của Cửu “không bờ bến. Đẹp như kiếp bô-hê-miên”. Mà giới văn nhân thi sĩ này, trên chốn giang hồ “trường văn trận bút” thì ai cũng biết: trong ta bà thế giới, mỗi người một cá tính, mỗi người một phách, mỗi người là một quả núi, ít ai chịu ai. Thế nhưng Võ Chân Cửu có cái hay là chịu được tất cả. Và hầu như tất cả đều “chịu” anh. Ấy là bởi Cửu có tấm lòng đôn hậu, chân thật đối xử với mọi người tình nghĩa, bản chất hiền lành, như tự nhận mình vốn là người “dĩ hòa vi quý”…
           Có lẽ đó cũng là lý do làm bạn đọc ở trong cũng như ngoài nước dễ cùng tác giả chia sẻ qua “22 Tản Mạn” !
                                                                                                           NGUYỄN LƯƠNG VỴ

      

0 nhận xét:

Đăng nhận xét