THƠ ĐÔNG HÀ

cho đáng đời

Ừ thì tại giống đa tình
thấy ai đứt ruột cũng thình lình đau
thấy ai rớt đáy sông sâu
mình đem thắp lửa bắc cầu tùm lum

nên chi buồn ở sau lưng
chạy quanh chạy quẩn quá chừng vô duyên
vô duyên cho tới mạn thuyền
vỗ ba bảy nhịp ra thuyền quyên luôn

nên chi không giận không hờn
tại mình đứt ruột bỏ luôn người tình
vội vàng theo cõi u minh
làm sao biết
ai thả tinh tỉnh tình...

CHUYỆN ĐẦU TUẦN - TẠI SAO KHÔNG ĐƯA TRƯỜNG SA,HOÀNG SA VÀO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC GIẢNG DẠY CẤP QUỐC GIA?


Hèn gì mà Trung quốc không xâm lược Hoàng Sa!

Theo báo Tuổi Trẻ, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa Lưu Quốc Thanh cho biết sở đang chỉ đạo bộ phận chuyên môn chuẩn bị bổ sung, xây dựng nội dung bài học giảng dạy về Trường Sa một cách đầy đủ, phong phú, sâu sắc hơn, phù hợp từng cấp học, lớp học.
Theo ông Trần Thức - trưởng phòng trung học phổ thông Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, từ nhiều năm qua, kể từ khi chương trình bộ môn địa lý của cấp hai và cấp ba được ban hành có hai tiết giảng dạy về địa lý địa phương, sở đã chỉ đạo các trường phải lồng ghép, giảng dạy cho tất cả học sinh về huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, trong khi giảng dạy các bộ môn xã hội khác cũng cần thực hiện lồng ghép giới thiệu, giảng dạy cho học sinh về lịch sử huyện đảo Trường Sa.(theo PSN)
Ông Nguyễn Hải Châu, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT cho biết : Nhằm gắn giáo dục với thực tiễn, gần gũi với đời sống diễn ra tại các địa phương, năm học 2008-2009 Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn rất cụ thể về vấn đề giáo dục địa phương. Theo đó, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử của từng địa phương, ngành giáo dục các địa phương tổ chức biên soạn tài liệu trình UBND tỉnh, thành phố, tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh vào cuối kỳ, cuối năm học giống như áp dụng với các môn học bắt buộc khác.
Việc Đà Nẵng và Khánh Hòa triển khai việc dạy địa lý, lịch sử Hoàng Sa và Trường Sa cũng nằm trong nội dung chương trình đã được chỉ đạo và có ý nghĩa giống như các nội dung giáo dục địa phương ở nơi khác. Nội dung giáo dục địa phương có thể được đưa vào một phần của tiết học (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân...) hoặc bố trí giảng dạy riêng theo tiết, chuyên đề dành cho giáo dục địa phương (theoV.HÀ ghi)


Việc đưa Trường Sa,Hoàng Sa vào chương trình giáo dục môn lịch sử địa lý là hoàn toàn hợp lý và vô cùng cần thiết,nhất là trong thời điểm Trường Sa và Hoàng Sa là điểm nhấn cho việc giáo dục lòng yêu nước của thế hệ trẻ .Hơn nữa giúp cho đại bộ phận nhân dân còn hiểu mù mờ về một phần lãnh thổ thân yêu của tổ quốc đang bị Trung Quốc lần chiếm. Cho nên đưa Trường Sa ,Hoàng Sa vào chưong trình giáo dục giảng dạy cấp quốc gia là việc làm cấp thiết và là trách nhiệm của Bộ Giáo dục-Đào tạo chứ không thể giao khoán cho địa phương!Với kiểu làm giáo dục như vậy là hạn chế sự hiểu biết về lịch sử của nhân dân.Vô lý chỉ có học sinh và nói rộng ra là người dân thanh phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa mới có đặc quyền hiểu và yêu quí Trường Sa ,Hoàng Sa thôi sao.Với chương trình giáo dục xé lẻ như vậy đến một lúc nào đó chỉ có người dân Bến Tre mới biết cuộc Đồng Khởi lịch sử mở dầu cho cuôc cách mạng vũ trang chống Mỹ cứu nước và người dân Phú Thọ mới có quyền biết lịch sử vua Hùng!N M THẢO

THƠ TRƯƠNG VĂN NGỌC

Thơ tình tháng tư

Khi về người hát tiễn chân
Gửi ai câu hát nhắn gần nhắn xa
Lạ gì một khúc dân ca
Tôi mường tượng vẽ không ra bóng hình
Chọn chi câu hát đa tình
Ai nghe cũng tưởng có mình ở trong
Lẽ nào tôi đã phải lòng
Say câu hát, say từ trong ra ngoài
Ơ kìa điệu lý ngó coi
Buộc chi tôi để mở hoài không ra
Qua sông đã có đò đưa
Làm sao tính chuyện “ đổ thừa gió bay”
Tháng Tư ngò đã khô cây
Lấy chi tôi ngắt người bày “ngó lơ”
Thôi đành cứ ngó ngẩn ngơ
Phía cây, phía lá ,phía bờ kênh xanh
Thì ra màu sắc xung quanh

Xui tôi lãng mạn tỏ tình với em

ĐẢ ĐẢO NHÀ CẦM QUYỀN TRUNG QUỐC ĐÀN ÁP ,BẮT BỚ,GIAM CẦM NGƯ DÂN VIỆT NAM!

Trung Quốc phải thả ngay các ngư dân và tàu cá Việt Nam!


Tàu thuyền của ngư dân neo đậu trên cảng Lý Sơn (Quảng Ngãi);
Ngư dân Dương Văn Thọ bị Hải quân Trung Quốc bắt,vừa thả về
(ảnh nhỏ) - Ảnh: VPBĐ
Ngày 16 và 17.6.2009 , lực lượng tuần tra Trung Quốc đã bắt 3 tàu cá gồm 37 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, khi đang hành nghề đánh cá bình thường tại khu vực vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN. Hành động này của phía Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của VN ở Biển Đông.
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ngay sau khi nhận được thông tin, ngày 22.6.2009, Bộ Ngoại giao VN đã gửi công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay các ngư dân và các tàu cá nói trên.
“Các cơ quan chức năng của VN đang tiếp tục yêu cầu phía Trung Quốc không có hành động cản trở công việc làm ăn bình thường của ngư dân VN trên vùng biển thuộc chủ quyền của VN”,

3 chiếc tàu bị bắt nói trên là tàu QNg - 6364 TS (do ông Bùi Văn Thuế làm thuyền trưởng) và tàu QNg - 6597 TS (do ông Dương Văn Hưởng làm thuyền trưởng), mỗi tàu đều có 12 ngư dân, cùng bị bắt vào lúc 10 giờ ngày 16.6 tại tọa độ 16040 vĩ Bắc – 112058’ kinh Đông; tàu QNg - 6517 TS do anh Nguyễn Chí Thạnh làm thuyền trưởng, trên tàu có 13 ngư dân bị bắt vào lúc 13 giờ ngày 17.6 tại tọa độ 16040 vĩ Bắc – 112045’ kinh Đông thuộc vùng biển quần đảo Hoàng Sa.
25 ngư dân được thả về trên chiếc tàu QNg - 6597 TS đã đến đảo Lý Sơn, nhưng vẫn chưa hết lo sợ vì “án phạt” còn đang treo lơ lửng trên đầu, là 3 tờ biên bản nộp phạt với tổng số tiền lên đến 210.000 nhân dân tệ (khoảng 540 triệu đồng) kèm theo điều kiện sau 10 ngày phải nộp đủ tiền phạt, 12 ngư dân và 2 chiếc tàu trên mới được thả, còn nếu không thì chưa biết đến bao giờ.
Anh Dương Tân (37 tuổi, ở xã An Hải), một trong những ngư dân đi trên tàu QNg - 6364 TS, kể lại, lúc đó trời bắt đầu gió mạnh nên thuyền trưởng Bùi Văn Thuế cho tàu chạy tìm nơi tránh bão, khi cách đảo Linh Côn chừng 15 hải lý thì thấy tàu Trung Quốc có số hiệu 309 ập đến. Biết có chuyện chẳng lành, thuyền trưởng Thuê cho tàu tăng tốc, bỏ chạy nhưng chỉ được chừng 2-3 giờ đồng hồ thì bị bắt. Mọi người đều sợ hãi, mặt mày tái xanh và cũng chẳng biết làm gì hơn đành giơ hai tay lên đầu và bị buộc qua tàu Trung Quốc về đảo Phú Lâm. Anh Tân cho biết, họ nói toàn tiếng Trung Quốc nên chẳng ai hiểu gì cả. Đến khi có một phiên dịch tiếng Việt mới hiểu rằng, lý do bị bắt là do vi phạm Luật Ngư nghiệp nước CHND Trung Hoa (!).
Về đến nhà ở thôn Tây, xã An Hải (Lý Sơn), anh Nguyễn Tâm (46 tuổi, đi tàu QNg - 6517 TS) vẫn chưa hết bàng hoàng. Trong đơn thỉnh cầu gửi các cơ quan chức năng, anh Tâm trình bày trên tàu QNg - 6517 TS có 13 thuyền viên, thường đánh bắt hải sản ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Vào lúc 13 giờ ngày 17.6, tàu QNg - 6517 TS đang trên đường chạy tránh bão số 2, khi đến tọa độ 16040 vĩ Bắc – 112045 kinh Đông, cách đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 12 hải lý về phía đông nam, thì bất ngờ có tàu Trung Quốc số hiệu 309 đến vây bắt. Sau đó, tàu kiểm ngư của Trung Quốc đến kéo tàu QNg - 6517 TS về đảo Phú Lâm. Trên đường bị áp giải về đảo với vận tốc cao, tàu QNg - 6517 TS bị vỡ ván, nước tràn vào làm chết máy nên không có khả năng quay về được.
“Họ đưa phương tiện về đảo nhưng không cử người trông coi, tất cả 13 thuyền viên tàu chúng tôi bị dồn vào một phòng, ăn ở ngủ đều tại đây. Sau đó, họ gọi thuyền trưởng Nguyễn Chí Thạnh lên làm việc và buộc ký vào biên bản vi phạm, mỗi phương tiện nộp 70.000 nhân dân tệ. Biên bản họ đọc sơ sài, vả lại cũng sợ bị đánh, bị bỏ đói nên phải miễn cưỡng ký vào. Sau 4 ngày bị giam giữ, lúc này cơn bão số 2 cũng vừa tan, họ cho phương tiện mang số hiệu QNg - 6597 TS được về Lý Sơn vào 23 giờ ngày 22.6. Hiện 2 phương tiện mà Trung Quốc đang giữ lại đã bị hỏng máy, ngập nước, và buộc nộp phạt nhanh nếu muốn về Việt Nam”, anh Tâm kể lại.
Danh sách thuyền trưởng và thuyền viên đang bị giam giữ tại đảo Phú Lâm :
Tàu QNg 6517 TS :
1.Nguyễn Chí Thạnh ,sinh năm 1984,quê quán An Hải,Lý Sơn ,thuyền trưởng
2.Đặng Văn Hiếu ,sinh năm 1984 An Hải Lý Sơn
3.Nguyễn Minh Trinh ,sinh năm 1984 An Hải,Lý Sơn
4.Huỳnh Miên ,sinh năm 1971 An Hải,Lý Sơn
Tàu QNg 6364 TS :
5.Bùi Văn Thuê ,sinh năm 1965 An Vĩnh,Lý Sơn ,thuyền trưởng
6.Nguyễn Xuân Canh ,sinh năm 1980 Kỳ Anh,Hà Tĩnh
7.Dương Thành Vinh ,sinh năm 1972 An Hải,Lý Sơn
8,Thái Văn Dương ,sinh năm 1980 Kỳ Anh,Hà Tĩnh
Tàu QNg 6597 TS :
9.Dương Văn Hưởng ,sinh năm 1970 An Hải,Lý Sơn ,thuyền trưởng
10.Nguyễn Được ,sinh năm 1986 An Hải,Lý Sơn
11.Mai Văn Ngọc ,sinh năm 1987 An Vĩnh,Lý Sơn
12.Nguyễn Văn Thành ,sinh năm 1989 An Vĩnh,Lý Sơn
Theo HƯƠNG GIANG
(nguồn : Thanh Niên Online )

TRANG VĂN NGÀY CŨ KỲ 27 - NHÀ THƠ TRẦN VÀNG SAO

nhà thơ
trần vàng sao
kẻ bất phùng thời

Nhà thơ Trần Vàng Sao tên thật Nguyễn Đính,sinh năm Tân Tỵ 1941,quê quán làng Đông Xuyên,huyện Quảng Điền,Thừa Thiên-Huế,sinh sống từ thuở ấu thời đến nay tại phường Vỹ Dạ,thành phố Huế.Năm 1962,ông đậu tú tài ở Huế và dạy học ở Truồi.Thời gian này ông bắt đầu tham gia phong trào chống Mỹ ở thành phố Huế.Tháng 6 năm 1965 ông thoát ly lên rừng chiến đấu.Năm 1970 ông bị thương,được đưa ra miền Bắc chữa bệnh an dưỡng.Theo lời kể lại của nhà thơ Thái Ngọc San thoát ly ra Bắc và đã gặp nhà thơ Trần Vàng Sao ,đây là quảng thời gian gian khó nhất của Đính,bị đày ải cả tinh thần lẫn thể chất,hơn cả sự đày ải các văn nghệ sĩ của vụ Nhân văn giai phẩm.Tháng 5 năm 1975,ông trở về Huế được phân công làm liên lạc (đưa thư)rồi cán bộ VHTT xã và nghỉ hưu năm 1984. Vào thời điểm này,bài thơ" Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình "của Trần Vàng Sao được đăng trên số báo kỷ niệm 5 năm báo Sông Hương ra đời.Bài thơ lập tức gặp phản ứng dữ dội của một số chức sắc địa phương,nhà thơ Thái Ngọc San người chịu trách nhiệm đăng bài thơ phải rời khỏi tờ báo,nhà thơ Trần Vàng Sao tiếp tục cuộc sống khó khăn của riêng mình.
Thơ Trần Vàng Sao mang hơi thở ngồn ngộn ,nóng hổi của cuôc sống,gần gủi với nhân dân nhất là giới cùng đinh,thấp cổ bé miệng,sống tận đáy xã hội,(những người được nhân danh trong cuộc đấu tranh giai cấp ),với văn phong trong sáng giản dị mà vô cùng sâu sắc,sử dụng ngôn từ bình dân nhưng bác học,thơ ông đã vẽ nên một bức tranh sống động của một dân tộc lầm than ngập chìm trong chiến tranh,nghèo đói và lạc hậu với một mơ ước muôn đời là hoà bình và no ấm.
Người ta có nghĩ khác về ông,cho thơ ông là có vấn đề, bị rình rập , nhưng ông vẫn tự tại,tự tại sống,tự tại làm thơ,tự tại ...chưởi và bạn bè muôn nơi vẫn đến với ông.Bởi vì ông là nhà thơ biết yêu nước mình,thật sự yêu nước mình...

THỔI CHAI

người thổi chai thổi cái chai qua lỗ trống
người thổi chai thổi từ cái không ra cái có
người thổi chai thổi cái không để đựng cái có
người thổi chai không thổi được chất chai chỉ thổi được hình chai
người thổi chai thổi mình vào cái chai



ĐỒNG CHÍ


mi đã chết thật rồi
như Nguyễn Thiết Lê Minh Trường Phạm Bá Thuận Chế Công Việt Trần Văn Nam Nguyễn Thị Nga
ở Trường Hà ở Xước Dũ độn Mang Chang khe Điên Mỹ Thủy
bây giờ là tháng sáu
tau vừa qua sông Hai nhánh
u ti ti bắn rốc két ngang đầu
tau muốn nằm trong bụi lách cháy khô này ngó mặt lên trời một lúc
buổi trưa đất khét mùi thuốc súng và chất độc hóa học
cuối cùng mi đã đập nát khẩu AK
còn lại băng đạn không đầy cả máu gối dưới đầu
mi về Đông Xuyên trước tết
và thoát chết trong một trần càn
hầm ngập hết nước
mi ăn gạo sống chạy nổi ngoài cồn mả ba ngày ba đêm
mi gởi cho tau mấy viên thuốc dạ dày
và một xấp Phong Lai
bây giờ mi chết thật rồi sao

sang bên kia khe Đầy hai đứa ăn một vắt cơm bằng nắm tay với nước lá bạch đàn hòa muối
sống
rồi qua Hải Cát cùi gạo
đường đi có nhiều dấu giày và lon đồ hộp mới
tau bước theo chân mi
lên đỉnh Ba dốc mi chỉ cho tau thấy Huế và cầu Trường Tiền
mi cười tiếng thật to
mi chết thật rồi sao

ở Phú Vang lên bị phục kích
mi ném hai quả lựu đạn bắn một loạt K43 cõng thằng Thành bị thương vượt qua đường quốc lộ
đến khe Cát mi nằm sốt hai ngày
rồi ra ấp Năm vào lại thành phố
bây giờ mi chết thật rồi sao

những đêm tháng chạp B52 đánh dốc Trì
năm sáu đứa tau chụm đầu bên đống lửa làm báo viết tin
mi còn dưới vùng sâu
bốn ngày ba đêm không lên khỏi hầm
mi cứ sống như thường
gặp anh em
mặt đen
cười ha ha
bây giờ mi chết thật rồi sao

những ngày đó lạt muối ở Chà Tang hay Con En
mười mấy đứa ăn một lon gạo nấu với môn vót và đọt mây
mi ở miền tây về với nửa cùi sắn khô
nửa đêm thức nhau dậy mỗi đứa bốc một nắm nằm nhai nghe bom nổ nói chuyện đời
có đứa con gái bán hành ngò sáng nào gặp mi đi học cũng cười rất vui
bây giờ mi chết thật rồi sao

mi không lên lại núi nữa như những lần trước
mi nằm ở vùng giáp ranh
trận đánh bắt đầu lúc nửa đêm
mi ở lại trận đầu giặc rút
ba bốn năm cái mũ sắt lên xuống trước mặt
mi bắn hết viên đạn cuối cùng
trời sắp sáng
mi nằm ngửa úp hai bàn tay lên cỏ
mở mắt nhìn trời

mi đã chết thật rồi sao
tháng 12 – 1985


LỤC BÁT
bây giờ tôi đủ tuổi tôi
nam mô di phật một đời như không
ra đường tôi đứng trời trồng
ốm o xo bại tưởng chừng đứa điên
tháng 9 – 1987

nửa đêm nghe đọc tây du
bỗng dưng tôi muốn bay vù lên mây
ngó ra không thấy cỏ cây
trong nhà ma quỷ đứng đầy quanh tôi

thưa em thi sĩ là tôi
bốn mươi bảy tuổi một đời người ta
tôi cười tôi khóc tôi la
đội tay tôi đứng ngã ba một mình
mắc chi mà cứ làm thinh
để mai sau chết thành tinh cũng đành
20.7.1987
cuối năm tôi kiểm thân tôi
thì tôi cũng vẫn là tôi thế này
không nhớ tháng không nhớ ngày
nửa đêm thức dậy chống tay ngó trời
bây giờ cho tới cuối đời
thì tôi cũng cứ như tôi thế này
31.12.1986
em ngồi xõa tóc như ma
tôi đi trong gió nửa khuya qua đò
thôi em thuở ấy tình cờ
lạnh tanh trời đất bến bờ vắng không
bây giờ mưa chưa qua sông
sang bên tôi lại về không một mình
1.7.1987

NGƯỜI ĐÀN ÔNG
BỐN MƯƠI BA TUỔI NÓI VỀ MÌNH


tôi tuổi tỵ
năm nay bốn mươi ba tuổi
thường không có một đồng trong túi
buổi sáng buổi chiều
thứ hai thứ ba thứ bảy chủ nhật
trong nhà ngoài sân với hai đứa con
cây cà cây ớt
con chó con mèo
cái đầu gãy cái tay gãy của con búp bê
cọng cỏ ngọn lá vú sữa khô
thúng mủng chai chén sách vở quần áo mũ nón cuốc rựa trên ghế dưới bàn
hai ba ngày một tuần một tháng có khi không đi đâu hết
một hai ba giờ sáng thức dậy ngồi vác mặt ngó trời nghe chó sủa
miếng nước trà mốc nguội có mùi bông lài rát cổ
cũng không có chi phiền
vấn một điếu thuốc hút
hai ba lần tắt đỏrồi nửa chừng rách giấy
bạn bè gặp nhau
cho uống một ly cà phê
một lần
qua hai lần phải tránh
không phải ai cũng nghĩ như mình
nhiều đứa vui gặp nhau cho năm ba đồng một chục
đưa tay cầm lấy
miệng nói không được

2.tôi thấy tôi như người tù được thả rông
lang thang giữa đường giữa phố
nhìn hết mọi người
xem mình lâu ngày mặt mũi có khác người không
tôi đi lui
tôi đi tới
phố phường đông chật
tiếng cười tiếng la tiếng nói tiếng xe cộ
chẳng có ai quen thử nói chào tôi một tiếng
tôi đưa hai tay lên đầu vuốt tóc
lấy chân hất một hòn đá
cúi xuống nhìn mấy bao thuốc không bên lề đường
rồi đi về
qua cầu dép sút một quai
tôi không muốn nhớ gì hết

3.tôi ngồi trên hòn đá trước nhà
buổi chiều không có một con chim đậu trên cây
đám trẻ con chia phe bắn nhau cười la ngoài sân
đứa sống đứa chết cãi nhau ăn gian chưởi thề
những người đi bán về nói chuyện tiếng to
hai đứa nhỏ nhà bên cạnh cầm đèn che miếng lá chuối qua xin lửa hỏi tôi chưa nấu cơm tôi cười lắc đầu muốn đi ngủ
trong gió có mùi rơm cháy
tôi không biết làm gì hết
tôi bỏ hai chân ra khỏi dép cho mát
đám trẻ con bỏ chơi chạy theo phá đàn trâu bò đi qua
tôi bước vào nhà mở rộng hai cánh cửa lớn thắp một cây đèn để lên bàn thờ
hai đứa con ra ngoài đường chờ mẹ chưa về
rời còn lâu mới tối
tôi đi gánh một đôi nước uống


4.tôi sống yên ổn với những việc làm hàng ngày ở nhà của mình
không định được ngày mai
có một đồng để mua cho con nửa cái bánh tráng hay hai cái kẹo gừng
có hai đồng cất dưới chân đèn trên bàn thờ lỡ khi hết dầu thắp tới bữa thiếu ruốc hết bột ngọt
mả cha cuộc đời quá vô hậu
cơm không có mà ăn
ngó lui ngó tới không biết thù ai
những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất


5.lâu ngày tôi thấy quen đi
như quen thân thể của mình
tiếng ho gà nửa đêm của những đứa bé chưa đầy hai tuổi buổi chiều không có cơm ăn
những con ruồi ăn nước mũi khô trên má những đứa đau quan sát
những con chuột chết lòi ruột ở bến xe đò
những tiếng cha mẹ vợ chồng anh em con cái chưởi bới la hét trong bữa ăn
người điên ở trần đứng làm thinh giữa trời mưa ngoài chợ
những ngày hết gạo hết tiền hết củi muối sống không còn một hột của tôi
những trách canh rau khoai tháng năm không có bột ngọt
hai mắt tôi mở to
đầu tôi cúi thấp
miệng tôi há ra
những lá khoai nhám và rít mắc vài hột cơm dồn cứng chật cuống họng
nói thật lúc này tôi muốn được say rượu
họa may thấy một đồng thành ba bốn đồng


6.nhiều khi tôi quá chán
chân tay rã rời
đầu óc đau nhức
không muốn làm gì hết
mấy đứa nhỏ chơi buôn bán bỏ đi đâu không biết để đất đá lá cây đầy nhà
tôi dựa cửa ngồi yên một chỗ
dụi mắt nghĩ hết chuyện này tới chuyện khác
nói chi tới những đứa đã chết trên rừng giữa phố
bạn bè có đứa giàu có đứa nghèo
đứa ngụy đứa cách mạng
đứa tiền của ăn tiêu mấy không hết
đứa không có được một cái áo lành
đứa đi kinh tế mới ba bốn bảy tám năm trở về xách một cái bị lác
mặt cắt không có hột máu
đứa đạp xe thồ ngồi vắt chân ăn củ sắn chờ khách ở bến xe
đứa vô tích sự ở nhà không có việc chi làm
có đứa râu tóc dài che kín mặt
có đứa tàn không nhớ mình tên chi
có đứa chịu không nổi dắt vợ con vào nam ăn chợ ngủ đường
mỗi lần gặp nhau mở to mắt cười hút một điếu thuốc lắc đầu
hết chuyện nói

hai đứa con đi chơi về cười nói
đứa nhỏ bắt tôi đánh trống cho nó làm ông địa múa thiên cẩu
cái trống lon mặt ni lông và hai chiếc đũa tre
tôi đánh
múa đi các con
này đây cái nón gãy vành làm đầu thiên cẩu
và sợi dây chuối treo ngọn lá làm tiền
múa đi các con
cái bụng ông địa to tròn giơ lỗ rún gài nút áo không được
ông địa chống tay vỗ bụng ngửa mặt lên trời cười ha ha
tôi vỗ tay hoan hô
và không biết mình có nhớ ra được cái mặt ông địa không

tháng chín 1984

VĂN BIA
người này chết cha
tên là Nguyễn Văn Hẹ
tám tuổi
ăn sắn say chết
chết ba ngày mẹ mới biết
hàng xóm phụng lập

Trần Văn Hạ
bốn mươi tuổi
bốn đứa con
cuốc đất trên núi
lựu đạn nổ
chết
vợ con không lên kịp để đưa đám

người nằm
ở đây là đàn ông không biết
tên tuổi quê quán
lúc chết mặc áo lính ngụy
quần đàn bà màu nâu
nằm sấp cách đường xe lửa năm mét
mặt bị đánh giập không có mắt mũi tay chân

người chết ở đây
hai mươi sáu tuổi
bị bắn
đạn xuyên qua đầu
họ và tên: Phan Văn Tế
lý do: ăn cắp bỏ chạy
kêu không đứng lại

Nguyễn Hăn
ba mươi chín tuổi
tự đâm cổ bằng cái chai nước cam đập bể
có người nói bị điên
trước khi chết có nói
thời buổi này
cứt cũng không có mà ăn

Nguyễn Thị Lùn
34 tuổi
Lê Văn E 13 tuổi
Lê Thị Muốn 10 tuổi
Lê Văn Thuộc 6 tuổi
Lê Thị Lý 2 tuổi
uống thuốc tự tử ở trong bếp
bên cạnh có mấy củ khoai cả hà còn nóng để trong cái rá không có vành
trong giấy để lại có viết
cực quá sống không nổi
mẹ con tôi phải chết

Trần Thị Lan
hai tuổi rưỡi
đau không có thuốc chết

Nguyễn Văn Lớn
bốn mươi lăm tuổi
đói lâu ngày ăn quá nhiều
chết
không có bà con thân thích


Nguyễn Văn Thụ
hai mươi sáu tuổi
chết ở trần trên đống rác
giữa chợ

Nguyễn Hữu Thực
năm mươi tuổi
chết ngay giữa bàn tiệc
không kịp đưa vào bệnh viện
có trên một ngàn người đưa đám

Phan Ngọc Thế
chết trong trận dịch tả năm 19…
sống được bốn mươi hai tuổi

ở đây chôn bốn em nhỏ
khoảng từ sáu đến chín tuổi
sốt xuất huyết
nằm chết ngoài chợ

Phạm Huỳnh Thưởng
chết năm năm mươi sáu tuổi
đứt mạch máu
lúc đang đọc diễn văn
gần đến đoạn cuối
tháng 11 năm 1982

THƠ HOÀNG THỊ THIỀU ANH


ĐỘC THOẠI

Ngoài kia sương não nề rơi.
Hay chăng nỗi nhớ
qua đời nửa đêm
Người ta xa vắng im lìm
Mình tôi ngồi với bóng chìm thiên thu
Tình sao lặng tựa sương mù
Trăm năm gục giữa ngục tù chiêm bao
Tình ơi!
Tình lặng!
Gầy hao!
Chợt tôi hư – thực hanh hao một mình.

MỘT MÌNH


niềm cô độc của người nghệ sĩ

Một Mình,được giới thưởng ngoạn đánh giá là ca khúc thất tình hay nhất của Lam Phương,một nhạc sĩ tài hoa và đào hoa một thời ở miền Nam.Cuối đời ông đã sống trong niềm cô độc ở xứ người mặc dù ông vẫn được nhiều thế hệ ngưỡng mộ dòng nhạc đầy trữ tình và lãng mạn và được sống trong vòng tay của bằng hữu.Cô độc vẫn luôn là niềm hoan lạc đau đớn nhất của người nghệ sĩ."...Sáng mai thức giấc,nhìn quanh một mình...Nắng xuyên qua lá ,hạt sương lìa cành.Đời mong manh quá,kể chi chuyện mình.Nắng buồn cuộc tình,bỗng tắt bình minh..."những ca từ nhận được trong một lần hoạn nạn của em, như mới hôm qua...Ca khúc là một bài thơ,một lời tâm sự gửi đến mọi người...

một mình

Sớm mai thức giấc,
nhìn quanh một mình
ngoài hiên nắng lóe,
đàn chim giật mình
biết lời tỏ tình,
đã có người nghe

Nắng xuyên qua lá,
hạt sương lìa cành
đời mong manh quá,
kể chi chuyện mình
nắng buồn cuộc tình,
bỗng tắt bình minh

Ðường xưa quen lối,
tình dối người mang
tình duyên trăm mối,
một kiếp đa đoan
cố tìm
tình chồng chất ngổn ngang

Còn bao lâu nữa
khi ta bạc đầu
tình cờ gặp nhau,
ngỡ ngàng nhìn nhau
để rồi còn gì nữa cho nhau

Sáng trưa khuya tối,
nhìn quanh một mình
đường quen không tới,
tìm nhau ngại ngùng
chỉ vì đời mình,
chưa có bình minh
Lam Phương


THƠ NGUYỄN MIÊN THẢO

hỏi xem trong đám học trò

em xem trong đám học trò
đứa nào yêu sớm thì cho điểm mười
xin đừng trách mắng em ơi
em mà phạt chúng thì trời phạt anh

em xem trong đám học trò
đứa nào yêu sớm thì cho điểm mười
dạy văn ấy tức dạy người
tình yêu có trước cuộc đời có sau

CHUYỆN ĐẦU TUẦN - BIỂN CHẾT

Bảo vệ
môi trường biển

Việt Nam có chiều dài hơn 3.260 km đường bờ biển, 2.273 đảo ven bờ, 44 vũng vịnh nhỏ, 1.120 rạn san hô, 252.500 ha rừng ngập mặn và các thảm cỏ biển phân bố từ Bắc vào Nam...
Theo Boris Fabres, cố vấn cao cấp của Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD), Hiệp hội vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (VNPPA), có 80% du khách chọn biển làm nơi nghỉ ngơi, hơn 70% điểm đến trong nước là biển, kế hoạch của Việt Nam là tới năm 2020 khu vực biển sẽ đóng góp 50% GDP quốc gia.
Hằng năm, các vùng ven biển dọc theo chiều dài hình chữ S của đất nước tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để tôn vinh biển. Như Festival biển Bà Rịa-Vũng Tàu, Festival biển Nha Trang, Festival Huế cũng dành chương trình cho biển Thuận An - Lăng Cô, lễ hội ở Hạ Long…, ngoài ra còn có rất nhiều lễ hội nghinh ông diễn ra ở khắp các địa phương. Thế nhưng, bày tỏ tình yêu biển thôi vẫn chưa đủ, vì muốn phát triển tiềm năng kinh tế từ du lịch biển mang lại, chúng ta còn phải biết hành động giữ gìn nó.
PGS.TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên TP.HCM, cho rằng quá trình khai thác du lịch biển thời gian qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến biển Việt Nam, khiến biển đang bị đục hóa. Theo ông, vùng biển phía Bắc (từ Cửa Lục đến Cửa Lò), hàm lượng bùn đã vượt quá giới hạn cho phép đối với nước biển ven bờ; bãi tắm Đồ Sơn, Cát Bà hàm lượng bùn từ 20g/m3 lên 340g/m3 làm cho nước đục và ô nhiễm gây chết các rạn san hô. Ở Cà Mau, hàm lượng bùn cũng vượt quá giới hạn. Tại Hạ Long, từ năm 2004, các khu vực ven bờ vịnh đã có những biểu hiện ô nhiễm cục bộ do lượng chất rắn lơ lửng tăng, trong khi lượng oxy hòa tan giảm; nitrơrit và vi khuẩn gây bệnh Coliform ở Lán Bè, Vựng Đâng và cảng than ven bờ nam Cầu Trắng đã gây độ đục vượt quá mức cho phép. Thống kê của Ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết, hiện tại khu vực Hạ Long - Cẩm Phả có 21 dự án lấn biển và 17 dự án đổ bùn thải (bùn từ việc nạo vét cảng sông được phép đổ xuống biển).
Các vùng biển Bình Định, Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu, ở nhiều khu vực, nước thải của các khu dân cư, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch thường không qua xử lý, thải trực tiếp xuống biển, gây ô nhiễm hữu cơ nước biển ven bờ. Chẳng hạn tại Nha Trang, thống kê của Ban quản lý vịnh Nha Trang, mỗi ngày có khoảng 10 tấn rác thải du lịch, cộng với rác thải sinh hoạt của dân cư trên 6 khóm đảo đổ xuống biển; nhà vệ sinh trên các tàu du lịch được thải thẳng xuống biển; tàu thuyền du lịch, phương tiện vui chơi giải trí tấp nập khiến nước biển ven bờ bị ô nhiễm dầu. Tình trạng này cũng xảy ra ở một số vùng biển Phan Thiết, Bà Rịa - Vũng Tàu. Giám sát môi trường gần đây ở Long Hải, Hồ Cốc, Bãi Sau, Bãi Trước, Bãi Dâu của Viện Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho thấy, chất lượng nước biển ở các bãi biển này đều có dấu hiệu ô nhiễm. Đặc biệt là ô nhiễm từ việc du khách và người dân buôn bán xả rác bừa bãi.
Thế nhưng, chuyện bảo vệ môi trường biển của các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch, khu du lịch lại chưa được quan tâm đúng mức. Ví dụ, mỗi ngày các khu du lịch, resort, khách sạn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thải ra 1.600m3 nước thải, nhưng chỉ có 300m3 được xử lý. Boris Fabres cảnh báo, nếu không có những biện pháp giáo dục tự nguyện bảo vệ môi trường biển và mạnh tay xử phạt những người, đơn vị gây ô nhiễm, chúng ta sẽ mất nhiều chi phí hơn cho việc ngăn chặn ô nhiễm biển. Nước thải, bùn, chất rắn sẽ giết chết hệ san hô, giết chết động thực vật biển, rừng ngập mặn, gây bệnh cho người, ảnh hưởng đến kinh doanh du lịch… Đó là những mất mát không thể tính toán hết.
Một doanh nghiệp kinh doanh du lịch tàu biển, trong buổi họp báo gần đây ở Festival biển Nha Trang, đã buồn bã kể: Mỗi khi tàu vào vịnh Nha Trang, bước ra boong ngắm nhìn biển mình tuyệt đẹp, lại thấy xót xa khi có quá nhiều rác quanh thân tàu! Cùng những diễn văn, những bài ca, điệu múa ngợi ca biển, chúng ta cần có những hành động cụ thể và thiết thực bảo vệ môi trường biển.
N.Trần Tâm
(Thanh Nien online)

THƠ ĐÔNG HÀ

trận cuối
Người bỏ ta đi một ngày rất trắng
có lẽ để mưa tan xóa lòng mình
có lẽ để gió đem tên treo trên núi
có họa chừng ta mới hết quên ngươi

Người bỏ ta đi vào mùa rất vắng
dăm cơn đau thỉnh thoảng kéo nhau về
dù có đau hơn bảy lầu bệnh viện
thì cũng không bằng một trận ngủ nằm mê

Người cứ thế bỏ đi làm biền biệt
làm cơn dông âm ỉ tận chân trời
làm cầu vồng cong hay cầu vồng khuyết
cũng mơ hồ chỉ một trò chơi

Nên, thôi được, ta thua người trận cuối
thua cả tay môi mắt lẫn nụ cười
thua hết thảy ngươi bằng lòng thì nói
duy giọt nước mắt này .... có thắng nổi ta không?

TRANG VĂN NGÀY CŨ KỲ 26 - NHÀ THƠ VƯƠNG TỪ

Chân dung nhà thơ
(Trương Thìn
vẽ bằng dao)

Nhà thơ
vương từ
đãi vàng tìm cát . . .

Nhà thơ Vương Từ sinh năm 1944 tại Thừa Thiên - Huế.Ông làm thơ khá sớm từ đầu thập kỷ 1960 thế kỷ trước nhưng ít xuất hiện trên báo chí văn học,tác phẩm của ông chỉ lưu hành trong bạn bè thân hữu.Cuộc đời ông là một lãng tử với thơ,rượu và bằng hữu.Sau năm 1975,ông đã hoàn thành bản thảo tập thơ A tao nhưng chưa có điều kiện xuất bản.
Tuyển tập Thơ Văn xin giới thiệu toàn văn bản thảo tập thơ A tao của ông

Atao
thơ vương từ












nhà thơ Vương Từ vẽ theo
hồi ức Trần Thế Châu


TỰA

Vương Từ
Ta bình sinh xin ăn thiếu bị
Hôn mê sâu trong hèm bã thị phi
Cảm duyên người cho cơm rượu tiện nghi
Còn tặng cả thêm thơ
Ngẫu hứng
Bèn dốc hết cuồng ngu
Kính cẩn mà bỡn hoa
Tạ lòng
Tưởng rằng thừa hứng
Dựa nương vần điệu
Duỗi tay phóng bút là xong
Nào ngờ chớp mắt đã qua đêm
Đuối sức
Rõ ràng bì bõm giữa bùn sâu
Thêm ngậm ngùi mà cười lớn
Văn chương dẫu ngang tầm thánh giải
Cũng chẳng đủ mua vui
May ra bằng bóng của trăng suông
Ngấn tích trong mộng

Hòa Khánh 1989
Trân Trọng

VỊT

Như vịt nghe sấm
Chẳng thực chẳng mơ
Sấm chớp mây mưa
Trửng trơ đầu vịt

TẬP

Kỳ diệu như nhiên
Tập tành sai thêm
Ngậm ngùi thiên cổ
Ơi thánh ơi hiền

LÀM

Mịt mù thành trụ hoại không
Tha hồ xẻ núi lấp dòng sông xưa
Thói văn minh dám ai chừa ?
Núi xương sông máu còn lưa hãi hùng !

THƠ

Một nguồn không trước không sau
Mà chồi nụ nẩy mà cầu sang sông
Trăng soi sáng đáy bùn trong
Tồn sinh kỳ diệu là không nên trò

BA LÁP

Cười mình ba láp làm sao
Khi say hụt đất vác sào quơ trăng
Dưới sông Lý Bạch la rằng
Ta ôm trăng những nghìn năm chớ đùa

SAO LỤC

Diệu pháp tám vạn tư
Ai ngờ chuyện thiếu dư
Cứ hỏi người sao lục
Ngoại lệ những thiền sư

TẶNG

Thôi đừng chôm chỉa nữa
Cứ tha hồ nằm ngửa
Trời đất tặng một bầu
Thổ nạp cho thả cửa !

VUA

Những ông vua thuở trước
Bây giờ ở đâu ta
Sử xanh còn nguyên đấy
Có dám mà diễn ca ?

LÀNH

Dữ lành xin chớ biện phân
May ra còn có đôi phần tiện nghi
Âm dương máy tạo huyền vi
Nheo con mắt ngó có khi nghiêng trời

VƯƠNG

Cảm ứng dung thông rạng đức vương
Ngai vàng ấn tín loạn cương thường
Đáy bùn ngọc ẩn sen chồi nụ
Địa ngục đi lên há lạc đường

TỪ

Tỉnh say nào biết ai mình
Sức thừa đùa với lưu linh một từ
Tửu đức tụng sao ậm ừ
Sáng danh tửu đạo như chưa có người

TA

Có ta trời đất mừng thay
Không ta tháng rộng năm dài mà chi
Đề huề tạo hóa ngôi chia
Ngọc châu xuống giá gánh về nặng vai

VỪA

Chuyển thân trong một tiếng vừa
Hồn nhiên lóng lặng như chưa có gì
Mà trăm ngàn kiếp qua đi
Không thừa không thiếu vừa khi chưa là

MỚI

Càng thêm năm tháng càng thêm mới
Càng đắm trầm luân càng nhẹ ra
Cuộc đời muôn mặt không sống tới ?
Đâu chỉ mười phương giản dị là

KHẢY MỎ

Vịt ơi khảy mỏ ra đi
Nhảy ngay xuống nước cần gì học bơi
Nhìn lên bờ thấy con người
Đứng đi quờ quạng khóc cười ngẩn ngơ

THẤY

Biết bao châu báu trong mơ
Chôn sâu vào mộng phòng hờ mai sau
Bán buôn thơ túi rượu bầu
Nửa lời ái ngại còn xao xuyến lòng

MỘT

Nói im thêm khéo điêu ngoa
Cước quyền dao súng cũng là du côn
Rượu tăm ta ướp xác hồn
Thiêu ta thơm cả càn khôn ai thèm

MÀU

Trời trăng pha sắc đất dâng hương
Rau cháo ơn sâu đến dị thường
Thù tạc tro than cùng khói tỏa
Trời trăng pha sắc đất dâng hương

XANH

Cát đằng tùng bá đua xanh
Lỡ từ phân định giới ranh cỏi bờ
Từ thiên tài đến ngu khờ
Ngo ngoe nhu cá trong lồng thương ơi

XANH

Thương ai xám xanh
Những ngày thiếu đói
Có một trái lành
Chúa chưa hề nói

NGÂY NGÔ

Ngây ngô hết khóc lại cười
Hết say lại xỉn cuộc đời ra chi
Ngỡ ngàng vương mối đại nghi
Thánh hiền quên mất những khi dại khờ



Có mà không phải chăng a
Hồn nhiên đáy nước trăng tà thảnh thơi
Ta ngang dọc giữa đất trời
Gặp em tươi khóc úa cười ngụy chưa

NGÔNG

Sống chết lòng quên đẹp nết ngông
Cười ta lẩm cẩm chửa nên khùng
Lỡ nghe Tiên Phật khua lời mộng
Chẳng kịp bưng tai mãi thẹn thùng

NGHÊNH

Sá gì nghiệp trước duyên sau
Sức tàn cạn hủ nghiêng bầu như chơi
Tìm chi góc biển chân trời
Long lanh nắng ủ sương mai bên hè

BỖNG

Đất im đợi giọt sấm xuân
Ta yên lòng đợi người câm ngỏ lời
Em về như ánh sao rơi
Rõ ra là đã thế rồi nhiên như

VANG

Ngôi Lời từ được tấn phong
Đã thành cá chậu chim lồng mua vui
Nghiến răng hay méo môi cười
Chắc chi khỏa lấp được vài âm u

VANG

Tỉnh say có khác chi mà
Tử sinh thiên cổ chưa qua ánh cười
Nhớ thầm vang một tiếng ơi
Mới hay không có chưa rồi ớ em

CHÀO ANH

Chào nhau chưa kịp tròn lời
Nẻo về xuôi ngượi tơi bời biển dâu
Cạn tàu ráo máng chi nhau
Hò ơ tiếc sợi dây gàu tính sai

THÊM

Ngàn tay ngàn mắt không thêm
Vô tâm vô niệm chẳng nên ước nguyền
Ơi thuyền quyên hỡi thuyền quyên
Xem ta múa túy lúy quyền tỉnh queo

XỊ

Xị là bản vị
Của giới lưu linh
Cân đo đong dếm
Rất mực siêu hình

NỮA

Từ đáy mộ sâu nhắm mắt nhìn
Trăm ngàn ảo ảnh rõ như in
Cỏ hoa tiếp cuộc tồn sinh nhé
Đành đoạn tay người trắng của tin

ĐI

Mừng ai vũ trụ du hành
Riêng ta nửa bước đi quanh cũng lười
Mừng ai sinh tử qua rồi
Riêng ta cảm cúm lai rai sá gì

CHÚ

Nguồn thiêng vũ trụ mãi truyền
Chưa tương ưng chỉ não phiền mà thôi
Cây khô chú cũng nên chồi
Đôi bờ bên lở bên bồi bởi đâu

KHA KHA

Kha kha vọng tiếng kha kha
Phải là tiếng Phật tiếng ma hú người
Phật ma khác giọng chung lời
Rạch ròi thỏa sức khóc cười kha kha

ĐỤC

Tinh khô khí kiệt thần suy
Linh đơn diệu quyết ích gì cho ai
Còn lưa cái mặt xưa nay
Cần chi son phấn dồi mài mới xinh

TRONG

Nhìn qua lưới chống bốn mươi
Thương em dẫu thấy mặt người rất vuông
Trăm ngàn năm một thoáng buồn
Chuông u minh lặng cõi nguồn chưa khơi

LÀNH

Buông dao là Phật dễ gì đâu
Khép mở tồn sinh mỗi nhiệm mầu
Ngán nỗi đầu thừa đuôi lại thẹo
Xị chai be hũ khác chi bầu

BẠT

Người xưa làm thơ cảm đến quỷ thần
Trời đất cùng thiên cổ
Tôi nay đọc lại những bài thơ tặng bạn già trong một cơn say càng thêm ái ngại, chẳng dám trao. Thoáng ngập ngừng mà đã năm năm.
Tập thơ này hoàn thành được là nhờ bạn tôi: Trần Thế Châu, đã không tiếc thời gian, tâm sức để chăm chút giúp tôi từng trang bản thảo, rồi đánh máy và đặt tên cho tập thơ.
Và lạ thay, ban tôi vốn chẳng mấy thích thơ
Mà lạ thật, có khi với cả chính mình
Lạ cả chân tay lẫn thịt da
Lạ ơi khuôn mặt tháng ngày qua
Bóng trăng ngày cũ còn in dấu
Chẳng nhớ thương chi lệ cứ nhòa
Tôi mãi lang thang, đi mãi mà không qua khỏi cái thương, cái nhớ, cái bóng của mình, trong niềm kinh dị rất đổi dịu dàng
Ô hô tận thế ngày hôm qua
Như mắt em tươi trong veo ra
Ta thấy bóng mình nhòa vách núi
Đỉnh trời sông biển dịu dàng xa
Ôi, biết mấy là trân trọng, tri ân.

Lầu Gió 19-05-1993
Vương Từ

CHIA BUỒN

Được tin
THÂN MẪU
Nhà thơ Vương Từ

qua đời vào lúc 17 giờ 45
ngày 17.6.2009(25 tháng Năm ,năm Kỷ Sửu).
Hưởng thọ 89 tuổi

Xin chia buồn đến nhà thơ Vương Từ và gia đình
Cầu nguyện hương hồn Mẹ sớm về cõi Phật
nguyễn văn trai-võ công ngọc
cao huy khanh-lương tuý vân
hồ văn hiền-lê ngọc thuận
dương đình hùng-văn viết lộc
đặng ngọc quang-nguyễn văn đoái
nguyễn văn tụng


THƠ PHAN THỊ THANH NHÀN

con đường

Nếu anh đi với người yêu
Chỉ xin anh nhớ một điều nhỏ thôi:
Con đường ta đã dạo chơi
Xin đừng đi với một người khác em.

Hàng cây nay đã lớn lên

Vươn cành để lá êm đềm chạm nhau
Hai ta ai biết vì đâu
Hai con đường rẽ xa nhau xa hoài.

Nếu cùng người mới dạo chơi
Xin anh tránh nẻo đường vui ban đầu...

FESTIVAL NGHE TRUYEN THONG

Festival
Nghề truyền thống Huế 2009
Hội tụ cổ vật

Tối 13.6, tại sân khấu bãi bồi Đập Đá, TP Huế, trên dòng sông Hương thơ mộng, Festival Nghề truyền thống Huế năm 2009 đã chính thức khai mạc. Giữa không gian nước, hoa sen và ánh sáng, nhiều tiết mục văn nghệ chào mừng đã để lại ấn tượng khó phai cho người xem.
Diễn ra từ ngày 12 - 14.6, nhằm tôn vinh, quảng bá và trình diễn 3 nghề: gốm sứ, sơn mài và pháp lam, với chủ đề “Nghề truyền thống, bản sắc và phát triển”, ngoài hoạt động chính tôn vinh và trình diễn nghề, festival nghề lần này còn là một trong những cuộc hội tụ cổ vật lớn nhất từ trước tới nay.
Dưới đây là một số hình ảnh về đêm khai mạc và một số cổ vật trưng bày ở Festival
Tiết mục văn nghệ trong lễ khai mạc Festival Nghề truyền thống Huế 2009 tại sân khấu bãi bồi Đập Đá - Ảnh: Minh Phương


1. Bình sứ châu Âu,du nhập vào VN đầu thế kỷ 19 thuộc Bảo tàng cổ vật cung đình Huế - Ảnh : BNL
2.Bình sơn mài cẩn tre.vỏ tràm,sọ dừa - Ảnh : Minh Phương
3.Bộ sưu tập Nghề gốm của nhà sưu tập Nguyễn thị Tú Anh,TP HCM - Ảnh : Minh Phương
BÙI NGỌC LONG - MINH PHƯƠNG
(Thanh Niên Online)

THƠ NGUYỄN MIÊN THẢO

ngày anh về

ngày anh về Huế chớm sang thu
trăng rơi mấy nẻo lạnh sương mờ
em đi áo lụa hoàng hôn tím
gió nhẹ vờn bay dáng tiểu thư

ngày anh về xanh đêm hoàng cung
bàn tay lạnh ngắt những chờ mong
lời đầu em vẫn là hờn dỗi
em vẫn xa mù như bóng trăng

đêm nay không có trăng huyền ảo
trăng khất trong mây cuộc trốn tìm
bao nhiêu chờ đợi bao nhung nhớ
một thoáng anh về lạnh buốt tim

những sợi tóc buồn vương trên mặt
ta hôn nhau bằng cả tấm lòng
ngày mai trời đất còn hay mất
anh với em còn một chữ không

mùa thu sao xanh màu đỗ quyên
ngày xuân trở lại giữa hồn anh
sông Hương chiều nay sương xuống sớm
anh với em quên hết nỗi niềm
tháng Sáu 2007

TRANG VĂN NGÀY CŨ - SỐ 25

nhà thơ,họa sĩ
lê ký thương

Nhà thơ ,hoạ sĩ Lê Ký Thương quê quán tại Khánh Hoà-Nha Trang,hiện sinh sống tại Sài Gòn.Thơ ông xuất hiện trên văn đàn miền Nam từ giữa thập niên 1960 thế kỷ trước.Ngoài làm thơ ,viết văn,ông còn dành nhiều thời gian cho nghệ thuật tạo hình .Tác phẩm của ông thơ,văn hay hội họa đều có nét riêng của một nghệ sĩ tài hoa.
Xin giới thiệu một số bài thơ viết trước năm 1975 và một số tác phẩm trong cuộc triển lãm với chủ đề Như Có Như Không năm 2007.Tại cuộc triển lãm này có một mảng đề tài khá đặc biệt về dòng họ Cóc,mà theo tác giả : " Vì hình hài xấu xí,cóc bị người đời khinh rẽ.Người ta ăn thịt cóc,thờ cóc, rồi tôn vinh :"con cóc là cậu ông trời".Riêng tôi ờ kiếp nào đó tôi là cóc,kiếp này mượn hình hài cóc để nói về mình"

thơ lê ký thương

SAO SÁNG

Sao em đến nửa chừng ta đang hát
bàn tay mưa khua động mặt trời lên
những sợi nắng giăng ngang miền cực lạc
nước ân tình tuôn ướt cỏ hai bên

Ta hoảng hốt đánh rơi đường tinh huyết
phút vô tình trời đất cũng làm ngơ
từ dạo đó máu sượng sần da thịt
Em lần hồi sáng tạo những bài thơ

Ta lần hồi sống lại giữa mùa mơ

TƯƠNG TƯ

Những sáng của thương những chiều của nhớ
những đêm thèm một chút ái ân
nằm đợi mãi trăng không về gọi cửa
ta cắn vào thơ buốt cả răng

BẤT NGỜ

Em vừa đến buổi chiều ào vô cửa
đạp ta nhào xuống tận cõi cuồng điên
dẫu tim óc bị cầm tù đi nữa
ta vẫn còn bốn mắt trộm nhìn em

NẮNG SỚM TRONG VƯỜN

Về lại đó nụ tầm xuân chưa nở
vườn cà xanh co phiến lá ôm buồn
sương rớt hột chạm đài hoa tan vỡ
hốt nhiên thành những giọt nắng vàng trong

Áo người phơi bên hàng rào dâm bụt
con chuồn chuồn len lén đậu trên tay
hoa ngoắc gió về tư tình một chút
con chuồn chuồn mắc cở rủ mây bay

Em giận hờn ai mà má đỏ hây hây?


Lê Ký Thương
Tranh và cóc

Không có vẻ “sĩ”, ăn mặc lại xuềnh xoàng, Lê Ký Thương ngồi ở quán Du Miên với đám đông người trẻ rất “đương đại” càng nổi bật như một kẻ đã quá thời. Ông có dáng dấp một thầy ký dễ thương, đúng với cái tên.
Nhiều người đã rất quen với những bức sơn dầu vẽ trẻ con rất trẻ con trong loạt tranh Ký ức tuổi thơ. Cuộc triển lãm của Lê Ký Thương tại phòng tranh Tự Do (khai mạc ngày 14-10-2007) hơi lạ lẫm về sự thay đổi.

Nhưng hãy nghe họa sĩ nói về đầu đời vẽ của mình…
- Cha tôi là một nhà nho, chữ đẹp. Thường khi người ta đến nhờ viết sớ thì ông bắt tôi mài mực. Cầm thỏi mực to đùng, cứng ngắc, mài cả tiếng đồng hồ rất mỏi tay và chán nản. Bù lại, tôi được xem ông múa bút và rất thích thú với đường nét bay lượn của những con chữ. Ý thức về hội họa của tôi có lẽ bắt nguồn từ những giờ phút mệt mỏi và thú vị ấy…
* Ký ức tuổi thơ cũng nảy sinh từ đấy?
- Không, ở nhà tôi luôn bị kèm cặp học hành. Chỉ có một thời gian ở với bà, tôi mới được gần đám bạn bè chăn bò, lội sông, thả diều và các trò chơi lêu lổng… Thời gian không dài, chỉ quãng hai năm nhưng đã thành những kỷ niệm ăn sâu vào tiềm thức để sau này thành tác phẩm…
* Tự học vẽ?
- Mê vẽ ngay từ ngày mài mực. Cha tôi cũng tạo điều kiện, mua bút mực màu mè cho vẽ. Dù sao những con chữ của cha đã thành ấn tượng cho một đời vẽ. Về sau, thư pháp Trung Quốc, Nhật Bản cũng ảnh hưởng rất nhiều đến nghề vẽ của tôi. Tôi cũng cảm ơn thầy dạy vẽ những năm học cấp II. Bốn năm trời với những tiết vẽ hàng tuần, tôi đã có được những kiến thức cơ bản. Tôi cũng thích văn chương, thơ phú, sau gặp được Thân Trọng Minh cùng nhóm “Ý Thức” - chuyện vẽ của tôi cũng được phát triển nhờ tham gia nhóm này!
* Tôi nhìn thấy sự thay đổi khá rõ: từ Ký ức tuổi thơ ông đã “nhảy” sang Phật, sang Thiền. Dùng nhiều ẩn dụ. Màu đỏ rực rỡ và những màu nguyên của ông đã biến mất để màu trắng pha loãng tất cả. Về hình ông đã nhập trường phái “tối giản”… Có chuyện gì đã xảy ra vậy?
- Tôi có một cuốn sách hội họa Pháp rất cũ, từ 50 năm trước, mối ăn gần hết. Có một trang bị mối gặm thành hình một nhánh cây khô, cũng giống một nhánh hoa. Thế là trong tôi nảy sinh ý tưởng cho bức tranh Lộc giao thừa mà tôi đã dùng làm bìa vựng tập triển lãm… Tiếp theo là những bức Hoa nhật thực, Hoa nguyệt thực, Trăng mơ, Ấn tượng đồng bằng… theo cùng một lối vẽ.
* Phong cách “Mối ăn” đã thành “Tối giản”? Thế còn ông Bồ đề Đạt ma?
- Vâng, bức Đến và đi lấy cảm hứng từ vị tổ sư Thiền học, ngồi diện bích chín năm, ra đi chỉ có một chiếc dép. Quả thật tôi thích nghiên cứu Phật học, Thiền học, thích thơ Haiku, trà đạo… Tôi vẽ loại tranh này để thể hiện tâm tưởng… Bình thường tôi thích sự giản dị, hiền hòa, không muốn có sự rắc rối thế sự…
* Ông cũng phải nói về mớ gốm mỹ thuật họ nhà cóc chứ. Tại sao là cóc mà không phải là ngựa, chó, mèo?
- Lại phải trở về Ký ức tuổi thơ: Bọn trẻ con chúng tôi ngày ấy có hôm bắt được một con cóc, cho cóc ngậm thuốc lá. Thế là cóc say thuốc, quay mòng mòng. Chúng tôi được một bữa cười thỏa thích. Ngẫm lại thấy có tội trong việc hành hạ một sinh vật. Hình ảnh cũng chẳng khác gì những kẻ thủ ác đối với con người…
Năm nay, tôi đã ngoài 60 tuổi mà vẫn bị ám ảnh về chuyện đó. Tôi bày họ nhà cóc để xin được xá tội. Vả lại tôi cũng thích một câu dân gian “Cóc cắn ba năm trời gầm mới nhả!” - sự quyết liệt trong một hành động mà tôi luôn phải học tập…
PHAN VŨ

THƠ ĐÔNG HOÀNG

thăm Huế tháng hai

Tháng Hai đang vụ chiêm xuân
Lúa tươi mượt thì con gái
Thảm xanh bên đường đang trải
Rộng tới chân trời nhớ thương

Nông dân mở hội tát đồng
Đàn cò gọi nhau vào tiệc
Rộn rã đồng xanh như Tết
Cánh cò rợp trắng Tháng Hai

Đường quê cúc dại trải dài
Rung rinh nhị vàng hoa trắng
Rợp trời muôn ngàn cánh bướm
Vàng bay nhuộm thắm nắng mai

Nhí nhảnh , nhí nhảnh vờn bay
La đà lên cao xuống thấp
Rủ nhau sà vào khóm cúc
Rồi lại tung mình vờn bay

Để rồi qua sáng mai nay
Không còn bướm vàng trong nắng
Để ta mãi nhìn ngơ ngẩn
Cúc trắng bên đuòng đợi ai

Ta rời quê mẹ sáng nay
Trong lòng có bướm vàng bay
Có cánh cò về dự hội
Có nắng lụa vàng hây hây

Ta , cuộc đi về như mây
Ảnh hình quê hương đẹp mãi
Ơi câu từ ly êm ái
Hẹn ngày tái ngộ trùng hoan
Tháng Hai 2009

KÝ CỦA HỒNG NHU

Đời sống tâm linh
của dân chài
đầm phá xưa



Tôi vẫn trộm nghĩ rằng: Tạo hóa sinh ra mọi thứ: đất, nước, cây cỏ chim muông... và con người. Con người có sau tất cả những thứ trên. Vì vậy cỏ cây, đất nước... là tiền bối của con người. Con người ngoài thờ kính tổ tiên ông bà cha mẹ, những anh hùng liệt sĩ đã mất... còn thờ kính Thần Đất, Thần Nước, Thần Đá, Thần Cây...là phải đạo làm người lắm, là không có gì mê tín cả, cho dù là con người hiện đại, con người theo chủ nghĩa vô thần đi nữa! Chừng nào trên trái đất còn con người, chừng đó còn có các vị thần. Các vị vô hình nhưng không vô ảnh và cái chắc là không vô tâm. Vì sao vậy? Vì các vị sống trong tâm linh của con người, mà con người thì rõ ràng không ai lại tự nhận mình là vô tâm cả.

Quê tôi ở một làng nhỏ phía đông nam Thừa Thiên cách thành phố Huế chừng bốn năm mươi cây số. Đó là một doi đất như hòn đảo, nó dài và thuôn như chiếc đòn gánh, ngoài là biển Đông, trong là đầm phá, hai đầu là hai cửa biển. Nước và nước, nước mặn nước lợ nước ngọt nước chua... Đầm phá chạy dọc suốt chiều dài và thỉnh thoảng lại đâm thọc khoét sâu gần hết chiều ngang vùng đất quê tôi. Vùng đầm phá rộng lớn nhất Đông Nam Á này, quả là không nơi nào trên nước Việt Nam ta có được. Hệ thống Tam Giang nổi tiếng không chỉ ở chiều dài gần 80 cây số, ở diện tích khổng lồ của nó là 2, 2 vạn hecta mà còn vô cùng hiểm trở gian nan, chỗ eo thắt lại, chỗ phình to ra, nơi rộng nhất là phá Cầu Hai 12 ngàn mét, ngút mắt ngút trời... “Thương anh em cũng muốn vô Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”Đây là cả một giang sơn biệt lập kỳ thú của những cư dân kỳ lạ chuyên sống bốn mùa trên mặt nước có lẽ đã từ ngàn đời nay.Hồi còn nhỏ ở làng quê, những đêm trăng sáng ngả nia nằm giữa sân cát cho mát, nửa khuya nghe tiếng loong coong loong coong nhịp nhàng liên tục của thuyền thả lưới bén ngoài đầm vọng vào, cha tôi thường kể cho tôi nghe những câu chuyện có thật mà như huyền thoại của những người dân chài đầm phá quanh năm làm lụng, ăn ngủ, cưới xin, đẻ đái... trong lòng chật hẹp của vạn thuyền họ giữa bao la thoáng đãng của trời nước. Họ sống hoang dại riêng một cõi, cô lẻ, thuyền ai nấy biết, rất ít khi giao tiếp với nhau, gần như không biết đến cộng đồng. Họ có những tập tục quái dị nhưng không hề quái đản: tục hợp cẩn trong lòng nước của vợ chồng mới cưới đêm tân hôn, tục bắt đàn bà con gái trên cạn về làm vợ, rồi tục đàn bà con gái cởi trần bốn mùa, kể cả khi tiếp khách. Những lễ lạt họ cũng khác thường, đặc sắc và đặc trưng như lễ nhập vạn, lễ cầu ngư, lễ thôi nôi cho đứa con trai nối dõi của họ. Dân trên cạn thường gọi họ là bọn “mọi đầm”, nữ giới mà thấy họ thì kinh hãi chết khiếp lên rồi, nói chi đến chuyện lấy họ làm chồng! Nhưng thật ra họ hiền lành chất phác rất mực, lòng dạ trong trẻo rất mực, họ xa lạ hẳn với những điều giả dối và không bao giờ làm điều ác với bất cứ ai.Sống tách biệt với cộng đồng cư dân trên bờ và ngay với cả cư dân đầm phá của họ, người dân chài Tam Giang tin rằng Hà Bá, Thủy Vương đã chọn họ là những người canh giữ trời nước vùng đầm, không có họ thì trời đất sẽ sụp lở, đầm phá sẽ cạn khô. Nữ Thần Đầm là người trực tiếp cai quản họ, ban phát tôm cá nguồn sinh sống cho họ. Bà trẻ mãi không già, muôn đời vẫn là một thiếu nữ dung mạo tuyệt trần, mỗi khi hiển hiện lên mặt nước, bà đều khỏa thân phần trên, với làn da nâu bánh mật căng giòn đến mức tưởng như nếu có ai gảy vào đều vang thành tiếng như hồ cầm dìu dặt. Đàn ông đầm phá vẫn đinh ninh rằng Nữ Thần Đầm đã cho họ cái quyền bắt đàn bà con gái trên đất liền về vạn thuyền để duy trì và phát triển giống nòi cư dân đầm phá. Bắt được, họ đem về thuyền, chèo ra giữa đầm phá mênh mông, mịt mù trời nước, không biết đâu là bến bờ. Bất cứ người nữ nào được họ bắt về đều trở thành vợ của họ, còn nhỏ thì họ nuôi cho lớn đến lúc có thể làm vợ được, rèn luyện cho họ nghề nghiệp sông nước để trở thành như một người chính hiệu sinh ra ở đầm phá.Trước tiên họ làm lễ nhập vạn. Họ tin rằng có thế mới làm vui lòng Nữ Thần Đầm và người con gái mới khỏi trốn đi, mới cột chặt vào vạn thuyền họ, không đi đời. Lễ nhập vạn cũng như các lễ khác của họ đều đơn sơ nhưng đậm màu bi tráng hoang dại. Cái khác là một chậu nước trong đó lượn lờ một chú cá bống hoặc một con tôm, tượng trưng cho bản mệnh người nữ (cá tràu, cá ngạnh, cá chép tượng trưng cho người nam). Trên mũi thuyền, con sào chống vát lên thành một góc chéo, tượng trưng cho lòng gắn bó thủy chung với sông nước phá đầm. Chủ thuyền cùng với người con trai đầu của ông đều đóng khố, trần trùng trục, bắt đầu hành lễ. Sau khi lạy khấn Thần Đầm, họ đứng lên, bốn cánh tay của hai cha con bện vào nhau như một sợi chão. Người nữ mới nhập vạn cũng cởi trần như thân chủ, bíu vào “sợi dây”. Họ bắt đầu đánh võng, vừa đánh vừa hú, hát theo nhịp hô huầy, hộ huậy. Lời hú hát cũng đồng thời là lời khấn của dân vạn đầm mỗi khi cúng lễ. Khác với trên cạn, họ khấn nôm bằng các khúc hát có thể gọi là “đồng dao” của riêng dân vạn đầm do họ tự đặt ra, mỗi vạn thuyền có thể mỗi khác. Đến nhịp thứ chín (nam thất nữ cửu) thì người đánh võng hất mạnh, người xin nhập vạn mới được buông tay để toàn thân rời “sợi dây” rơi tự do xuống đầm. Người ta nghe tiếng rơi để biết lòng Thần Phá. Tiếng rơi càng to càng gọn là Thần vui lòng chấp nhận. Tiếng rơi xòe ra, lọc bọc, lóc bóc, vung vãi là Thần không ưng, phải làm lễ lại vào một ngày khác. Thần chấp nhận, người trai lập tức nhót con tôm trong thau nước, vặt đầu vặt râu, ngửa cổ nuốt sống vào bụng. Ý nói rằng người gái mới nhập vạn kia sẽ là vợ mình, nhất định như vậy. Thần không ưng, con tôm phải được thả trở lại xuống nước.Cũng tương tự, lễ cầu ngư, vật dụng để làm lễ bao gồm các dải vải đỏ, một thau nước và con cá, chiếc sào, mái chèo, thêm một cái vợt. Vào một ngày nắng ráo giữa tháng giêng thường là còn căm căm gió bấc, họ nhổ sào từ nơi ẩn trú ra giữa vời phá bao la để làm lễ. Hai mái chèo vẫn gác chìa ra theo hình vây cá nhưng giờ đây lại tượng trưng cho sự cầu mong được mùa vây bủa, đánh bắt. Hương trầm được đốt lên, vợ chồng con cái đồng thanh hát khấn: “Hô này! Trên ngự Thủy Vương (Huậy! Giữa luồng Hà Bá (Hô!)/ Rốt phá Nữ Thần (Huậy!)/ Tôm vạn cá ngàn (Hô!)/ Phù cho thân chủ (Huậy!)/ Trăm dư mười đủ (Hô!)/ Năm mới mùa mê (Huậy!)/ (Hô huậy Hô huầy!)”Đoạn, chủ thuyền thò tay vào thau nước tài tình nhót chú cá, ngậm ngang miệng nhảy xuống đầm bơi đứng. Cách thuyền mươi sải anh ta dừng lại, rút con cá từ miệng ra, tung vòng cầu lên thuyền. Người vợ đã sẵn sàng, hai tay cầm vợt có buộc dải vải đỏ ra đón cá, thuần thục và chuẩn xác như xiếc. Trong giờ khắc đó, nếu chị ta hứng trật thì xui cả năm là phần chắc. Nhưng điều này gần như chẳng bao giờ xảy ra. Khi người vợ nghiêng vợt đổ cá vào sạp thuyền, người chồng liền hụp lặn xuống đáy đầm. Ở đó, anh ta lạy Thần Đầm hai lạy. Xong ngoi lên bơi trở lại thuyền. Tất cả lễ vật hương hoa đều được trút xuống nước, dâng Hà Bá. Riêng con cá được để lại. Thần Đầm đã ban cho thân chủ rồi! Người ta tin như vậy.Một cái lễ khác, đặc sắc không kém của các vạn thuyền chuyên sống trên mặt nước đầm phá hồi xưa là lễ thôi nôi, còn gọi là “khẳm năm” cho con trai họ, người sẽ kế tiếp làm chủ vạn thuyền trong tương lai. Hai vợ chồng nửa mình trên trần trụi như tục lệ vốn có, bất kể đang ngày nóng hay ngày rét. Họ đứng đầu mũi thuyền, chuyền tay nhau đứa con trai vừa đầy tuổi, nơi hai chân thằng bé được buộc hai hòn đá nhỏ. Họ giơ thằng bé lên cao giữa khoảng không trời nước rồi hạ xuống chạm lòng thuyền bảy lần, trong khói hương vấn vít và tiếng hát khấn Thần Đầm theo nhịp gõ vào mạn thuyền cồng công cồng công của một thành viên thứ ba: “Lạy trời đất gọn, hô!/ Lại Nữ Thần ràng, huậy!/ Một cậu cua càng, hô!/ Hai cô cá buộc, huậy!/ Chứng lòng vạn thuộc, hô!/ Cho chú trai giòng, huậy!/ Nhập lòng Hà Bá/ Làm con Hà Bá, hô! Hô huầy Hô huậy!”Dứt lời họ buông tay. Đứa nhỏ rơi tõm xuống đầm. Người cha lập tức nhảy theo. Chờ cho con rơi sát xuống đáy đầm, da thịt nó chạm đất (nhanh thôi, vì có đá buộc thêm nặng và vì sự giúp sức của người cha) người cha mới ôm lấy người con ngoi lên, bơi trở về thuyền. Trong lễ hội này, có hai chi tiết phải tuân theo tuyệt đối là người mẹ phải tự tay ném con trai xuống đầm và người cha phải vốc được một nắm bùn bôi lên bụng đứa con, xong mới được vớt lên. Người dân đầm phá Tam Giang tin như vậy con mình mới được Thần Đầm che chở và nó sẽ trở thành một người trai đầm phá mạnh khỏe, giỏi giang, chân thật.... Từ xa xưa, có lẽ là từ thuở khai thiên lập địa, cư dân đầm phá Tam Giang đã có những hình thức cúng lễ riêng chẳng giống ai như vậy. Họ chỉ có lễ, không có hội, hoàn toàn khác với cư dân trên cạn. Họ sống cô lẻ nên hành lễ một cách lặng lẽ, không ồn ào khua chiêng gõ trống gì cả. Các cuộc cúng lễ của họ đậm đặc chất tâm linh hoang dã, lầm lì và dường như không có yếu tố nào mê tín. Họ khấn nôm bằng các ca khúc như đồng dao, đủ chứng minh điều đó, tôi nghĩ như vậy.Sau năm 1945 và dần về sau này nữa, những gì thuộc về bản sắc văn hóa riêng biệt của người dân đầm phá Tam Giang xưa dần mai một. Cuộc sống văn minh hiện đại đã nhanh chóng xóa đi những vẻ đẹp hoang sơ mà tráng lệ đó. Giờ đây, trên bao la của dải đầm phá này, họa chăng chỉ còn sót lại một vài tập tục trong một vài vạn thuyền cư dân chính hiệu, ví như đang lao động ở mặt đầm, đàn bà con gái đều ở trần, không khoác bất cứ một thứ gì để che vú, bất kể khi đó có khách quý đến thăm hỏi thuyền họ xem họ làm ăn, dù đó có là ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đi nữa. Họ cho rằng như thế mới chứng tỏ lòng tôn trọng khách một cách chân tình, và như thế mới hợp ý Nữ Thần Đầm.Giờ đây phần lớn dân vạn thuyền đầm phá đã có ý thức cộng đồng, tập thể, không còn thuyền ai nấy biết. Nhiều vạn đã định cư trên cạn. Chiếc thuyền của họ giờ đây đã đóng bằng tôn không rỉ, sơn bằng các loại sơn cao cấp, “sơn trâu cũng đẹp!”, gắn máy nổ nhiều sức ngựa. Nó không còn là ngôi nhà gắn bó một đời sống chết với họ mà chỉ là phương tiện để làm ăn, nó xình xịch hách dịch như chiếc tàu thủy, cái mái chèo, con sào tre dân dã và nên thơ giờ đây đã trở nên cô đơn lạc lõng trên mặt đầm nhiều nơi đêm đêm đã sáng bừng ánh điện! Người dân chài đầm phá chuyên sống trên nước giờ không chuyên nữa, họ đã bước lên đất liền, đã hòa nhập với cộng đồng các lớp dân cư khác, đã đi hội họp, học hành, vui chơi, đã kiêm nhiều nghề để kiếm tiền trên cạn, nhiều bạn trai đầm phá đã sành sõi lắm đít-xcô, karaokê, bia bọt, cà phê đèn mờ.. rồi! Than ôi..Đời sống tâm linh của người dân chài đầm phá Tam Giang theo đó mà đổi thay chóng mặt! Không còn đâu màu sắc xa xưa, cái màu sắc lầm lì hoang sơ, tráng lệ, đặc quánh chất phô-clo, có một không hai, ít nhất là trên Đông Nam Á này!
Xuân Quý Mùi
H.N
(Tạp chí Sông Hương)

ĐÓN ĐỌC TẬP THƠ MỚI NHẤT CỦA NHÀ THƠ CAO THOẠI CHÂU

đón đọc

NGỰA HỒNG

Tập thơ mới nhất của CAO THOẠI CHÂU.
Sách dày 200 trang với 102 bài thơ do tác giả tuyển chọn .
Sẽ ra mắt bạn đọc vào trung tuần tháng 6 năm 2009.
Tranh bìa của Vũ Hà Tuệ. Minh họa: Phạm Cung. Tản mạn : Đinh Thị Thu Vân/ Tác giả.
Nhà xuất bản Thanh Niên
In tại nhà in Lê Quang Lộc, Sài Gòn.
Xin được giới thiệu NGỰA HỒNG đến bằng hữu và anh em thân thiết .
Ấn phí mỗi tập : 50.000 đồng

Em thử dịch giùm tôi

Em hãy dịch giùm tôi những điều không hiểu
Chẳng hạn tiếng bầy chim líu ríu
Trên ngọn cây những đêm tôi đi qua
Nghe mà không hiểu những gì chúng nói

Có thể những vùng tròi đã bay
Những thanh tre trong một chiếc lồng
Những hạt lúa và cóng nước
Con chim nào trong mắt lưới trầm ngâm

Hãy phiên dịch vì mình em hiểu
Trong thơ tôi và thơ nhiều người khác
Thường hay có những câu rất buồn
Những tiếng còi khuya khiến lòng tôi tan nát

Là người phải đi cùng trời cuối đất
Làm con nai uống nước khe rùng
Biển và sông thiếu gì cá tôm
Mà vì sao chỉ một số con bị bắt

Vì sao lòng tôi nhiều khi mù mịt
Cơn bão đổ về chiều nay
Là người không biết bơi
Nước bốn bề mà tôi thoát chết

Và điều này em không thể dịch
Vì sao tôi yêu em
Sự bình dị cuối cùng
Là một lần tan vỡ

Khi chỉ còn lại trái tim không
Lúc bấy giờ không có người phiên dịch nữa
Trong lòng tôi êm ái một vết thương
Không biết làm sao tự dịch cho mình!
CAO THOẠI CHÂU
16-5-09

CHUYỆN ĐẦU TUẦN - BIỂN ĐÔNG KHÔNG YÊN TỈNH


Lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc
vi phạm chủ quyền VN trên biển Đông

Ngày 7.6, trả lời báo chí về việc Bộ Ngoại giao VN đã giao thiệp với Đại sứ quán Trung Quốc, đề nghị phía Trung Quốc không có các hoạt động cản trở hoạt động bình thường của ngư dân VN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng cho biết: Vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã giao thiệp với Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường, lưu ý việc phía Trung Quốc gần đây thực hiện lệnh cấm đánh cá tại một số vùng biển, trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của VN trên biển Đông, và tăng cường tàu tuần tra, bắt, phạt tàu cá tại những vùng biển này. Thứ trưởng cho rằng điều đó đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của ngư dân VN tại ngư trường truyền thống của VN, gây bức xúc trong dư luận, không có lợi cho quan hệ hai nước, đề nghị phía Trung Quốc không có các hoạt động cản trở công việc làm ăn bình thường của ngư dân VN trên vùng biển thuộc chủ quyền VN.
Hương Giang

THƠ HOÀNG THỊ THIỀU ANH


gửi anh

Gửi anh một chút nắng trời
Em ru còm cõi một đời thanh tao
Gửi anh hơi thở xanh xao
Đem về vá víu tháng ngày ngao du
Gửi anh dăm phút …ngục tù
Trái tim khô lệ, đục- mù, xiềng gông
Gửi anh má thắm,môi hồng.
Nụ hôn dang dở còn nồng thiên thu
Chỉ xin anh chút …
trầm thù.
Em quỳ sám hối
thâm u,

một đời

THƠ NGUYỄN MIÊN THẢO

tình yêu suy thoái

từ khi suy thoái toàn cầu
tình yêu cũng ngã ra mầu khói hương
đem nhau ra chốn thị trường
là như cầm chắc mười phương thua rồi
cân đong đo đếm chào mời
tình yêu đâu có lổ lời hỡi ơi

dẫu cho gần đất xa trời
vẫn say đắm cái ngậm ngùi riêng em

TRANG VĂN NGÀY CŨ - SỐ 24

nhà thơ
uyên thái
Nguyễn Văn Đoái

Nhà thơ Nguyễn văn Đoái, bút danh Uyên Thái , sinh năm 1947 , quê quán làng Kế Sung, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế.Hiện đang sinh sống ở Xuân Lộc, Đồng Nai.Ông làm thơ rất sớm từ năm 16 tuổi nhưng không chịu đăng báo,chỉ lưu hành trong bạn bè thân hữu.Thơ ông mang đậm tính triết lý nhưng không thiếu chất lãng mạn,trữ tình.
Xin giới thiệu một số bài thơ của ông

NHỚ BẠN

Đã lâu không hỏi nhau thăm
Đồng chua nước mặn đêm nằm nhớ không ?
Mãi mê cơm áo bụi hồng
Chợt ra mình đã mình không là mình !

KIẾM CỦI

Vào rừng
Sợ đụng đau cây
Cúi nhặt củi mục
Thoảng say gió ngàn

LÀM RẪY

Lên núi làm Ngu công
Nói chuyện với vô cùng
Cỏ cây làm bạn lữ
Thỏng tay về ung dung

LÊN NÚI BÀ NÀ

Lên Bà Nà trưa nay
Với tay mây trong tay
Lòng rỗng không thế sự
Mây bay nhìn mây bay.