CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2010 (KỲ 50)


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

Nguyễn Thị Thứ
NGƯỜI MẸ VĨ ĐẠI
Nông dân sinh 1904 tại Quảng Nam – Mất 2010 ở Quảng Nam (ngày 10.12 - 107 tuổi).
Có chồng và 9 con cùng 1 cháu ngoại và 1 con rể đều là liệt sĩ (chồng và 3 con thời chống Pháp, 6 con thời chống Mỹ), được tôn vinh là Mẹ VN Anh hùng vĩ đại nhất (trong gần 10.000 Mẹ VN Anh hùng) cũng là người phụ nữ chịu tổn thất đau đớn nhiều nhất lịch sử VN. Người con duy nhất còn sống sót cuối cuộc chiến là một chiến sĩ biệt động thì cũng lại ngã xuống vào sáng 30.4.75!
Từ đó sống trong cảnh nhà neo đơn chẳng còn mấy ai thân thích do con cháu đều đã sớm bỏ mình ra đi. Bên cạnh chỉ còn người con gái trưởng năm nay đã 86 tuổi cũng là một Mẹ VN Anh hùng.
Khi còn khoẻ chiều chiều thường ngồi im lặng mắt trông ngóng mơ hồ về cõi xa xăm như chờ bóng dáng các con về. Nhiều khi nửa đêm ngồi bật dậy gọi con gái “Mấy đứa về cả rồi, con dọn cơm cho tụi nó ăn để còn đi.” Khi có ai vô tình động đến vết thương lòng, chỉ biết thốt lên “Đau lắm, đau lắm các con ơi!”
Đến 105 tuổi yếu hẳn không còn ngồi xe lăn được nữa chỉ còn ngồi dậy được trên giường trong căn phòng nhỏ mà nhìn ra trước mặt chung quanh đều đầy bàn thờ chồng và con cháu!
Được dùng làm hình mẫu đang xây dựng tượng đài Mẹ VN Anh hùng lớn nhất nước (cao 18m) đặt tại thị xã Tam Kỳ.

501 - Lam Phuơng
“TÔI ĐÃ LẦM ĐƯA EM SANG ĐÂY”
Nhạc sĩ Việt kiều Mỹ tên thật Lâm Đình Phùng sinh 1937 tại Rạch Giá. Sống ở Mỹ (2010).
Trước 75 là nhạc sĩ nổi tiếng một trong những “Vua bolero” âm nhạc bình dân với nhiều nhạc phẩm trữ tình trong sáng rộn rã, giai điệu ngọt ngào dễ hát: “Đoàn người lữ thứ”, “Nắng đẹp miền Nam”, “Nhạc rừng khuya”, “Khúc ca ngày mùa”, “Kiếp nghèo”, , “Duyên kiếp”... Có thời vào quân đội làm cho đoàn văn nghệ quân đội, đài phát thanh quân đội và viết một số bài “nhạc lính” ăn khách như “Tình anh lính chiến”.
Hợp với nữ diễn viên kịch nói Túy Hồng (đoàn Kim Cương) thành một cặp văn nghệ sĩ trai tài gái sắc (có 2 con gái).
Biến cố 30.4 theo tàu di tản ra nước ngoài, cập bến Hong Kong rồi qua Mỹ, qua Pháp, cuối cùng quay lại Mỹ từ 1995. Trên xứ người vẫn tiếp tục sáng tạc nhạc khá đều đặn.
Năm 1981 bị khủng hoảng tinh thần vì vợ chia tay (có thông tin cho là di tản một mình rồi mới bảo lãnh vợ qua sau) khiến viết liền một loạt ca khúc nhuốm mùi vị cay đắng đau buồn như “Tình vẫn chưa yên”, Một đời tan vỡ”… Đặc biệt là bài “Lầm” với những lời tự sự chua xót về cuộc tình của những phận đời lưu vong: “Tôi đã lầm đưa em sang đây/ Để đêm đêm nghe tiếng thở dài/ Tôi đã lầm đưa em sang đây/ Cho tâm hồn tan nát từng ngày/… Con tim nào không hay đổi thay Cuộc tình nào không lắm hận sầu…”
May là một thời gian sau gặp được người vợ mới biết thông cảm hơn, nhờ đó lại hồi sinh cuộc đời mới cho ra đời một loạt ca khúc khác yêu đời hơn gồm “Tình đẹp như mơ”, “Bài tango cho em”, “Từ ngày có em về…”
Nhưng rồi lại gặp tai ương nữa năm 1999 bị tai biến đột quỵ liệt nửa người, chạy chữa 5 năm mới tạm thuyên giảm…

502 - Lê Thị Hồng Thủy
BƠ VƠ TRÊN BIỂN CẢ
Công chức sinh 1963 tại Đà Nẵng. Sống ở Cà Mau (2010).
Tháng 3.1975 trong cuộc chiến giải phóng miền Nam lan đến miền Trung, mới 12 tuổi theo mẹ cùng 6 anh chị em (mình là con thứ tư) theo dòng người lánh nạn chiến tranh từ Đà Nẵng định theo tàu vào Sài Gòn (cha đi lính còn ởû lại Chu Lai sẽ vào sau).
Mẹ thuê ghe chở mình và các con ra tiếp cận tàu lớn còn đậu ngoài khơi nhưng giờ chót mẹ và 6 con đã lên tàu, còn lại mình trên ghe chưa kịp lên tàu thì nghe súng nổ dữ dội, chủ ghe sợ quá mới quay ghe lại còn tàu lớn nổ máy chạy ra xa. Bỏ lại đứa con gái mất dấu gia đình một mình còn lại trên ghe trước những người xa lạ, hốt hoảng không biết xoay xở thế nào!
Một thân một mình lạc loài như thế may sao cuối cùng được một ngưòi lính VNCH nhận làm con nuôi rồi theo một chiếc tàu quân đội khác chở vào Sài Gòn. Từ đó được người cha nuôi đưa về quê Cà Mau sống chung với vợ con mình, đặt tên Hồng Thủy thay cho tên cũ Lê Thị Trang.
Tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn, ngươì cha nuôi bị đi cải tạo, cả gia đình lâm vào cảnh khó khăn không biết có nuôi nổi đứa con nuôi lạ mặt hay không. Trời như đền bù cho số phận hẩm hiu của em là một cán bộ xã biết tình cảnh mới nhận nuôi giùm.
Được gia đình cha mẹ nuôi thứ hai này chăm sóc tử tế, cho ăn học lớn lên tìm việc làm ở huyện rồi gã chồng cho. Nhưng thỉnh thoảng đêm đêm vẫn gặp ác mộng, nằm mơ thấy cảnh lạc mẹ giữa trùng khơi bao la rồi thảng thốt tỉnh dậy thấy mình đầm đìa nước mắt.
Trong lúc đó ở quê nhà Đà Nẵng, cha mẹ đã nhiều lần đi tìm kiếm khắp nơi đều vô vọng. Sau khi dứt chiến tranh trở về, người cha từng bỏ ra cả tuần lễ đi bộ khắp thành phố dò tìm tin tức con với tấm bảng đeo tòng teng trước ngực “Tìm con”!
Mãi đến năm 2010 được người quen chỉ cho, ông mới đưa thông tin đó lên trang mạng của chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của VTV. Thông tin đó được một người hàng xóm của con mình đọc được mới báo lại cho mình giúp gặp lại cả gia đình sau 35 năm lạc mất nhau.

503 - Nguyễn Chấn Hùng
TRIẾT LÝ LỤC BÌNH
Bác sĩ sinh 1944 tại Long An. Sống ở TPHCM (2010).
Trước 75 tốt nghiệp ĐH Y khoa Sài Gòn trở thành giảng viên trường này trẻ nhất lúc 28 tuổi, đặc biệt chuyên ngành ung thư bấy giờ vẫn còn khá mới mẻ trong nước. Nhưng cùng lúc bị động viên mang lon trung úy quân y.
Sau 75 đương nhiên phải đi cải tạo khi con đầu lòng mới ra đời 4 tháng.
Nhưng may mắn do tình hình miền Nam nói chung và TPHCM sau giải phóng thiếu bác sĩ trầm trọng (đa số di tản) nên được thành phố can thiệp xin về sau mới 4 tháng học tập để đưa vào làm việc tiếp ở các bệnh viện. Từ đó nhờ tài năng chuyên môn cũng như sự cống hiến tận tụy cho nghề nên đã được lần lượt đề bạt giữ những chức vụ quan trọng ở Bệnh viện Bình Dân (trưởng khoa) rồi Bệnh viện Ung bướu TP (Giám đốc). Trở thành một lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành ung thư có công phát triển chuyên ngành này trong cả nước.
Tự xem như mình từng là một học trò của cố học giả Nguyễn Hiến Lê nên nghe theo lời chỉ bảo trước đây của thầy, còn tham gia viết sách viết báo phổ biến kiến thức y học cho quảng đại quần chúng.
Và cả quan niệm sống cũng chịu ảnh hưởng thầy qua sự tiếp cận cảm thụ triết lý Đông phương dùng nó để hóa giải bao trắc trở gian nan số phận oái oăm cay đắng trong cuộc đời từng trải như đạo Lão Trang đã dạy “Con bướm thì vui phận bướm, làm người thì vui phận người”.
Bởi vậy đã ví cuộc đời mình như cây lục bình trôi sông: “Lục bình vừa trôi vừa trổ bông, rể ngắn không đòi nhiều phù sa mà vẫn sống. Trôi theo dòng chảy, không ngược dòng chảy được đâu. Trôi trên dòng chịu bao nắng mưa, chịu khó khăn dãi dầu mà vẫn phát triển trổ bông. Lục bình miên man ra hoa đâu cần đòi hỏi điều kiện lớn lao. Như một người không đòi hỏi gì nhiều mà vẫn có kết quả dâng hiến cho đời.”
Triết lý lục bình đó đi vào đời mình tựa một dòng chảy tự nhiên như trời đất: “Tôi không “ở lại” như ngươì ta vẫn thường quen nói mà là tôi ở đây. Đất mình người mình, bạn bè gia đình mình. Không phải tôi không có lúc chao đảo. Chuyện xã hội bình thường xáo động mà nhưng tôi có nhiều việc để làm…”

504 - Nguyễn Đức Quý
“NGHỆ SĨ VÉ SỐ”
Lao động nghèo sinh 1962 tại Quảng Nam. Sống ở Huế (2010).
Thủa nhỏ ở quê vào núi đi kiếm củi không may đạp phải mìn khiến một tay cụt hẳn còn tay kia bị cụt hết các ngón tay.
Lớn lên đành chọn nghề đi bán vé số dạo kiếm sống, lang thang từ Nam ra Bắc.
Trong một lần hành nghề ở Nghệ An gặp được một cô gái nghèo đem lòng thương cảm lấy làm chồng. Hai vợ chồng sinh được một con rồi để vợ con ở lại làng quê còn mình tiếp tục bôn ba trên dặm đường bán vé số nay đây mai đó dành dụm tiền hàng tháng gửi về nuôi con.
Vốn trong người có máu văn nghệ ham đàn hát (biết đánh guitar, thổi sáo) nên trên đường thiên lý bán vé số dạo khi có dịp ghé đến đất Huế đã gắn bó luôn với mảnh đất cố đô bởi chất thơ ca lãng mạn nơi con người và phong cảnh nơi đây rất hợp với cái tạng của mình. Từ đó “sáng tạo” ra một phong cách bán vé số khác người: Biểu diễn thổi sáo minh họa cho màn mời mua vé số! Được mọi người hết sức tán thưởng giúp cho bán vé số ăn khách, khoảng 200 vé mỗi ngày là một kỷ lục của làng bán vé số dạo xứ Huế.
Đầy tự hào về nghề bán vé số của mình: “Đi bán vé số cũng phải ăn mặc sạch sẽ, lịch sự. Bây giờ ai cũng phải cố gắng làm giàu cho đất nước, mình bán vé số tự nuôi mình cũng là phần mình đóng góp vậy.”
Không chỉ thế, buổi tối về nhà trọ còn dạy chữ cho trẻ em nghèo trong xóm. Ngoài ra còn tham gia hội thi thể thao người khuyết tật trong tỉnh Thừa Thiên – Huế môn bơi lội, được cử đi thi đấu đại hội toàn quốc đoạt HCĐ năm 2002.

505 - Phan Nhật Nam
TÁC GIẢ “MÙA HÈ ĐỎ LỬA” CHỨNG KIẾN… TẮT LỬA!
Nhà báo, nhà văn Việt kiều sinh 1943 tại Huế. Sống ở Mỹ (2010).
Mới sinh ra cha đã thoát ly đi kháng chiến chống Pháp rồi ở lại miền Bắc, mẹ một mình ở Huế nuôi 2 con (còn một em gái).
Lớn lên cùng mẹ vào Sài Gòn. Vào trường Võ bị quốc gia Đà Lạt, tốt nghiệp về Sư đoàn Dù rồi nhờ nghề viết văn viết báo trở thành phóng viên quân đội VNCH chuyên viết phóng sự chiến trường nổi tiếng qua tác phẩm ký sự “Mùa hè đỏ lửa” viết về trận chiến Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Sau đó được cử vào phái đoàn chế độ Sài Gòn tham gia hòa đàm 4 bên – cùng Mỹ, chế độ miền Bắc và Mặt trận Giải phóng miền Nam – nhân đó có chuyến đi “làm việc” tại Hà Nội.
Sau 75 đi cải tạo 14 năm, được người cha nay là sĩ quan bộ đội vào trại thăm và đề nghị làm giấy bảo lãnh nhưng đã thẳng tay… cự tuyệt không gặp và không chấp nhận được bảo lãnh!
Ra trại một thời gian thì đi Mỹ diện H.O năm 1993.
Bản thân mang lý tưởng đầy nhiệt huyết muốn xây dựng chế độ Sài Gòn – trong đó có quân đội VNCH - thật tốt đẹp để chiến đấu cho mục tiêu tự do dân chủ trái ngược với chế độ cộng sản miền Bắc, điều thể hiện trong các tác phẩm trước 75 đầy chất “lửa” thực tế và chân tình thiết tha cuốn hút người đọc. Qua Mỹ tiếp tục dòng văn đó với một số tác phẩm mới, tất cả đều hướng về đề tài hoài niệm cuộc chiến vừa qua, có tác phẩm gây tiếng vang như “Những chuyện cần được kể lại” được dịch ra tiếng Anh năm 2002. Song song đó vẫn có mơ ước “khôi phục” một ngày nào đó, nhất là đối với thần tượng “Quân lực VNCH” một thời.
Nhưng thực tế đời lưu vong đã sớm cho thấy ấy là chuyện bất khả vì nhiều lý do trong đó có lý do nội bộ chia rẽ giữa các lực lượng hải ngoại chống Cộng nên từng lên tiếng cảnh báo: “Chúng ta sẽ mãi mãi là những “Người Việt cay đắng xấu xí” trước mắt thế giới, là lỗi tự chúng ta cứ cáo buộc, tranh chấp nhau, bức hại anh em, tự tay phá hủy vũ khí đoàn kết…”
Mặt khác, vẫn chống Cộng nhưng dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật “Chúng ta là những người lính không còn quân kỳ, quốc kỳ”.
Bởi vậy đã bị một số phe phái chống Cộng cực đoan – có cả cựu sĩ quan Đà Lạt cùng khóa - tố là… “Việt cộng nằm vùng” (có lẽ dựa vào ông bố là sĩ quan Việt cộng) dám “phủ nhận quốc kỳ”!
Nhưng vẫn giữ vững quan điểm “chống Cộng không mù quáng” – “chống Cộng nghiêm túc” - chấp nhận sự thật lịch sử để tìm ra một hướng đi thực tiễn như sự nhìn nhận lại di sản cuộc chiến vừa qua mà mình là một nhân chứng thuyết phục: “Chúng tôi hiểu hơn ai hết rằng người lính miền Bắc và chúng tôi là nạn nhân của một tai họa vô lường của cái gọi là chiến tranh VN.”

506 - Phan Sĩ Liệp
ÁM ẢNH BOM
Bệnh nhân tâm thần sinh 1957 tại Quảng Ngãi. Sống ở Quảng Ngãi (2009).
Hồi nhỏ sống ở làng quê nằm trong vùng chiến sự thường xuyên hứng bom đạn nên tuy học hành rất khá song không có điều kiện phát triển.
Sau 75 mới theo một ông chú vào TPHCM hy vọng học nghề kiếm được việc làm nuôi thân. Nhưng không hiểu sao ở chốn thành thị không hợp lại thay đổi tâm tính có dấu hiệu tâm lý bất thường hay bỏ nhà đi lang thang không về. Vì vậy năm 1978 phải đem về trả lại cha mẹ ở quê.
Nhưng về quê rồi, tâm thần tiếp tục bất ổn nặng hơn trở thành như người khùng khùng suốt ngày cứ đi lang thang vào rừng tìm moi… bom bi, lưụ đạn (vùng này còn sót lại rất nhiều) mang về nhà… đập ra lấy thuốc nổ không hiểu để làm gì! Gia đình sợ quá đưa vào bệnh viện tâm thần Biên Hòa chữa trị một thời gian không thuyên giảm được chút nào, sau cha mẹ thấy tội nghiệp không đành lòng xin cho ra đem về quê lại.
Thế rồi ở quê vẫn chứng nào tật đó tiếp tục “chơi” tay không với bom đạn. Quá nguy hiểm khiến ai cũng can ngăn mà không được, nhất là sau khi cha mẹ già yếu đã qua đời, chỉ còn lại người em trai lo nuôi dưỡng. Mà người em còn phải lo cho vợ con nữa nên cuối cùng sợ gây tai họa bom nổ nên đành chọ giải pháp… nhốt anh lại! Nhốt trong một căn phòng rộng 6m2 xây cách ly ở sau vườn trải chiếc chiếu rách xuống nền mà nằm, thậm chí còn cột một dây xích to trên cổ khoá lại!
Người anh điên đã bị “cầm tù” như thế suốt 27 năm qua, suốt ngày đối diện với 4 bức tường hắc ám trên đó tự mình đã lấy gạch vẽ, viết nguệch ngoạc toàn những hình ảnh, dòng chữ về… bom hạt nhân, bom nguyên tử!
Điạ phương có biết chuyện này nhưng chịu chết bó tay, chỉ cố hỗ trợ được mỗi tháng 180.000 đồng cho ăn uống sống cầm chừng mà thôi.

507 - Phan Thanh Thúy
CON NUÔI HƯỞNG GIA TÀI MỸ NỬA TRIỆU ĐÔ
Doanh nhân Việt kiều sinh 1965 tại Cần Thơ. Sống ở Mỹ (2010).
Gia đình miền Bắc di cư 54 vào Nam sống ở Cần Thơ.
Khi biến cố 30.4.75 sắp xảy ra được một phụ nữ Mỹ nhận làm con nuôi đưa qua Mỹ. Tại đây được nuôi nấng tử tế, lớn lên làm ăn kinh doanh khá thành công.
Năm 1990 lấy chồng cũng là một người gốc miền Bắc vượt biên năm 1980, sinh 2 con gái. Ba tháng sau thì bà mẹ nuôi người Mỹ qua đời để lại cho mình một phần tài sản trị giá nửa triệu USD. Từ số vốn đó tiếp tục khuếch trương công việc kinh doanh phát đạt mở thêm 2 tiệm làm móng và 3 nhà hàng bán món Việt.
Đến thời VN đổi mới mở cửa mới tính chuyện về VN làm ăn và giao cho chồng chuyện đó, còn mình làm hậu phương lo nhà hàng chi viện từ Mỹ. Ông chồng về VN được sự phụ giúp của nhà vợ ở Cần Thơ phát triển công việc xem ra thuận lợi nên vợ bán 2 tiệm làm móng cùng 1 nhà hàng để đưa thêm tiền cho chồng đầu tư vào VN.
Công việc đang tiến hành có vẻ xuôi chèo mát mái thì tin sét đánh đến Mỹ rằng chồng ở VN đã… có vợ bé!
Lập tức bí mật đáp máy bay bay liền 18 tiếng đồng hồ về VN nhằm kiểm tra đột xuất chồng. Đến nơi đang đêm đi thẳng vào phòng khách sạn bắt quả tang tại trận chồng cặp bồ nhí không ai xa lại chính là… cô em út của mình từ Cần Thơ lên!
Thế là kế hoạch đánh ghen không thành, đành lủi thủi ra sân bay về Mỹ chỉ sau chưa đầy 1 ngày trở lại quê hương. Và chắc chẳng bao giờ quay lại nữa.

508 - Phan Thế Long
YÊN NGHỈ TRONG NGHĨA TRANG QUỐC GIA MỸ
Cựu sĩ quan VNCH sinh khoảng 1933 tại VN – Mất 1966 ở miền Nam (trên 30 tuổi).
Quân nhân chế độ cũ nhưng biên chế Lực lượng Đặc biệt Mỹ lái trực thăng bị bắn rơi mất tích ở vùng biên giới Việt – Lào năm 1966. Sau 75 vợ ôm đàn con 6 đứa qua Mỹ.
Năm 2000 xác được đoàn tìm kiếm hài cốt lính Mỹ phối hợp giữa VN – Mỹ tìm thấy, được phía Mỹ mang về nước năm 2003. Do lúc tử trận quân số thuộc Lực lượng Đặc biệt của Mỹ nên đã được an táng tại Nghĩa trang quốc gia Arlington của Mỹ theo nghi thức quân đội trang trọng trước sự chứng kiến của vợ con đầy đủ.

509 - Phan Thị Bích Hằng
NHÀ NGOẠI CẢM SỐ 1
Công chức sinh 1971 tại Ninh Bình. Sống ở Ninh Bình (2010).
Bố là bộ đội thời đánh Mỹ. Năm 17 tuổi bị chó dại cắn vào chân sinh bệnh hôn mê bất tỉnh, không ai chữa được tưởng sẽ chết (cô bạn cùng đi cũng bị chó cắn đã chết trước đó) thì bất ngờ vẫn sống dậy sau khi trải qua một trạng thái “xuất hồn” đi lang thang như lac vào một thế giới khác nơi mình gặp lại hình ảnh những người thân quen… đã chết. Từ đó phát sinh một năng lực “thần bí” kỳ lạ là nhìn mặt người có thể “nhìn thấy” đoán biết sắp chết hay chưa!ï
Vì thế bị xem là một kẻ “ma ám” có thể “thấy” cả linh hồn người đã khuất bóng. Không ngờ khả năng kỳ dị đó đã tạo cho mình một công đức vô lượng là giúp người khác – từ Bộ Văn hóa - Thông tin đến đơn vị quân đội, cả một vị nguyên phó thủ tướng – đi truy tìm dấu vết vô số hài cốt thấùt lạc của bộ đội, dân quân bỏ mình trên chiến địa trong cuộc chiến vừa qua.
Từ năm 1996 đến 2007 đã giúp tìm dược 5.567 bộ hài cốt liệt sĩ quy tập về nghĩa trang, xác định khoảng 4.000 mộ vô danh, chỉ có 17 trường hợp không thành công. Giúp truy tìm khắp các địa phương, thậm chí còn hướng dẫn tìm mộ cho người ở nước ngoài qua điện thoại!
Giới chuyên môn khoa học buộc phải thừa nhận khả năng “thẩm thấu tâm linh”, năng lực “nghe và thấy vô hình”“ khó giải thích nổi đó nên bắt đầu quan tâm nghiên cứu ngành khoa học mới Ngoại cảm.
Ngoài đời vẫn sống như mọi người, tốt nghiệp đại học loại giỏi, có chồng con sinh hoạt bình thường.
Tự giải thích về khả năng “thần linh cách cảm” của mình: “Muốn tìm được hài cốt cần cái tâm chân thành tha thiết không nửa vời của người thân trong gia đình người mất và nhà ngoại cảm thì kết quả tìm kiếm sẽ nhanh hơn… Muốn người chết siêu thoát hay không phải xuất phát từ cái tâm chân thành tha thiết của người sống bằng cách sống và làm nhiều việc tốt giúp ích cho người. Từ phước báu đó chia sẻ cho người chết thì sẽ đẩy nhanh thời gian siêu thoát…”

510 - Phan Thị Biển Khơi
BẢN “DI CHÚC” TỪ DƯỚI MỘ
Cán bộ về hưu sinh khoảng 1946 tại Quảng Bình. Sống ở Quảng Bình (2006).
Tình nguyện đi thanh niên xung phong được biệt phái vào làm việc ở đơn vị bộ đội đang chiến đấu tại Quảng Trị.
Tại đây gặp ngưòi yêu là một chiến sĩ người Nghệ An. Do hoàn cảnh chiến trường, cả 2 được đơn vị tổ chức cho một lễ cưới qua loa ít ai biết và chú rể cũng chưa kịp báo về quê cho bố mẹ hay vì đường xa cách trở lại gặp lúc chiến trường nóng bỏng chuẩn bị mở màn trận chiến khốc liệt “Mùa hè đỏ lửa” 1972.
Sau lễ cưới, cô dâu mắc bệnh sốt rét nên được cho về lại Quảng Bình làm công tác hành chính ở ủy ban trong lúc chú rể về thăm nhà vợ xong phải vội quay lại mặt trận Quảng Trị bước vào trận chiến Thành cổ 82 ngày đêm máu lửa khốc liệt. Và hy sinh mất xác sau khi biết tin vợ mình đã sinh con trai.
Nhận tin chồng tử trận, vợ ôm con tìm về quê chồng xứ Nghệ kể lể sự tình xin được nhà chồng nhận con dâu và cháu trai nhưng bà mẹ chồng từ chối bởi cho đến lúc đó người con trai vẫn chưa báo tin gì về chuyện mình đã có vợ có con! Dù tên đứa cháu Lê Quảng An do ngưòi chồng đặt là có ý ghép tên quê hương hai vợ chồng (Quảng là Quảng Bình, An là Nghệ An).
Người quả phụ đành ngậm ngùi ôm con trở về quê ngoại, từ nay một thân một mình phải lo bươn chải nuôi con mồ côi cha lẫn mồ côi họ nội. Mà cũng không được hưởng chế độ vợ liệt sĩ do chồng được liệt vào diện mất tích.
Mãi đến năm 2005 - 33 năm sau - trong một đợt tìm kiếm khai quật hài cốt bộ đội hy sinh ở Thành cổ mới phát hiện trong đó có hài cốt của người chồng kèm theo một số di vật là sổ nhật ký, kỷ vật cùng thư của người vợ gửi cho chồng, thư của chồng cho vợ chưa kịp gửi và đặc biệt là lá thư gửi bố mẹ thông báo mình đã lấy vợ sinh con.
Bấy giờ ấy mới là bằng chứng hai năm rõ mười để nhà chồng vội vã tìm vào nhận con dâu, nhận cháu suýt nữa thì thành ra người dưng nước lã nhờ một bản “di chúc” đến muộn từ cõi bên kia.
(Còn tiếp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét