CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2011 ( KỲ 88)







NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

881 - Lê Xuyên
“LÊ XUYÊN ĐÃ CHẾT”
Nhà văn, nhà báo tên thật Lê Bình Tăng sinh 1927 tại Cần Thơ – Mất 2004 ở TPHCM (77 tuổi).
Sau khi tốt nghiệp cấp 2 thời Tây (diplome) từ năm 1945 đã tham gia Đại Việt Quốc Dân Đảng hoạt động chống Pháp nên bị Pháp bắt giam năm 1946.
Một năm sau được thả ra liền lên Sài Gòn tiếp tục hoạt động, làm ở bộ phận in ấn báo chí.

Sau 1954 chuyển qua làm báo ở Sài Gòn chuyên viết bình luận chính trị chống chế độ Ngô Đình Diệm. Vì vậy năm 1956 báo bị đóng cửa còn bản thân bị bắt giam.

Đến 1963 chế độ NĐ Diệm bị đảo chính mới được trả tự do. Trở về nghề báo ở Sài Gòn, làm nhiều báo nhưng bây giờ theo yêu cầu của chủ báo phải tránh viết chính trị sợ “đụng chạm” mà chủ yếu làm nhiệm vụ biên tập rồi chủ bút hoặc tổng thư ký báo.

Tuy nhiên nhớ nghề viết nên cũng theo gợi ý của chủ báo bắt đầu tham gia vào phong trào viết truyện feuilleton (tiểu thuyết viết từng ngày đăng báo) đang ăn khách thời này từ “hiện tượng” truyện chưởng Kim Dung dịch từ báo hàng ngày Hong Kong đưa qua chuyển ngữ ngay đăng dài dài trên nhật báo Sài Gòn. Thế là khai sinh ra dòng tiểu thuyết feuilleton độc đáo theo dạng “tiểu thuyết đồng quê” Nam bộ nhưng hoàn toàn “không giống ai” ở chỗ chuyên khai thác, kể chuyện đời sống tình dục của giới nông dân Nam bộ vốn xưa nay hầu như cấm kỵ.

Đây là mảng đề tài mình có nhiều kinh nghiệm tiếp xúc từ thời trẻ còn ở Cần Thơ rồi sau này lưu lạc lên Sài Gòn vùng đất tụ hội lục tỉnh. Với cách viết mang đậm ngôn ngữ tả thực dân dã Nam bộ, tâm lý bình dân điểm xuyết nét duyên dáng mộc mạc, cách kể chuyện ly kỳ hấp dẫn và nhất là chủ đề gợi tò mò thích thú cho độc giả nên đã gặt hái thành công nổi tiếng trên thị trường ngay tác phẩm đầu tay “Chú Tư Cầu” (tới mức sau này bản thân được ghép luôn biệt danh “chú Tư Cầu”!). Sau đó cứ trung bình 2 năm xong một tác phẩm đem in gồm “Rặng trâm bầu”, “Nguyệt Đồng Xoài”, Vợ Thầy Hương”…

Thành công kể ra rất lạ vì trước nay chưa bao giờ viết tiểu thuyết (thời trẻ chỉ có …làm thơ không in), ngoài đời lại là một người hiền lành và… nhút nhát (hơi… sợ vợ)! Nhưng làm việc hết sức nghiêm túc, chỉ cho đăng tiểu thuyết trên báo khác chứ báo mình phụ trách thì không hề, tránh giành mất “đất” của đồng nghiệp khác.

Sau 1975 tất nhiên loại truyện “đen” này bị cấm cửa tuyệt đối, riêng tác giả còn phải nằm tù ở Gia Định vì là nhà báo có quá khứ dính dáng đảng phái chống Cộng. Ở tù giữ thái độ lặng câm chỉ nằm im một chỗ quay mặt vào tường “diện bích”, thái độ của người từng trải chính trị chấp nhận thua cuộc.

Ra tù ra ngồi lề đường bán thuốc lá độ nhật và đi bỏ mối bánh kẹo chứ dứt khoát không dính líu gì đến với nghề báo nghề văn một thời gắn bó. Đến thời Đổi Mới khi được gợi ý viết trở lại hoặc cho phép tái bản các tác phẩm cũ đều kiên quyết lắc đầu với câu trả lời ngắn gọn duy nhất “Lê Xuyên đã chết”. Với bạn bè người thân có tâm sự dự định sẽ viết một tác phẩm đứng đắn để đời thay vì trước kia chỉ viết để kiếm sống. Tuy nhiên cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay trong cảnh bần hàn (để lại vợ 3 con) vì bệnh ung thư phổi vẫn không có chữ nào và theo lời vợ kể lại không chịu viết lách gì hết tới mức khi cần viết gì đó – như viết thư, không phải viết lách - bàn tay… cứng đơ cầm cây bút rất khó khăn!

Năm 2007 bộ truyện “Nguyệt Đồng Xoài” 3 tập đã được tái bản tại TPHCM.

882 - Linda Tanwoo
VỀ NƯỚC LÀM ƠN… MẮC OÁN !
Doanh nhân Việt kiều Hong Kong tên cũ Hồ Ngọc Dung sinh 1944 tại Đồng Nai. Sống ở VN – Hong Kong (2011).
Sau 1975 vượt biên qua Hong Kong, vào nghề kinh doanh thành đạt trở thành doanh nhân có tiếng.
Năm 1989 khi VN bắt đầu Đổi Mới mở cửa mới liền về ngay tìm cơ hội làm ăn vừa giúp đỡ bà con, bạn bè.

Từ đó trong hơn 20 năm đã tập trung giúp 6 tỉnh miền Đông Nam bộ phát triển kinh tế, giới thiệu nhiều nhóm doanh nhân Hong Kong, Đài Loan qua tham gia đầu tư, góp công lớn trong việc xây dựng khu chế xuất đầu tiên cả nước ở Biên Hòa…

Đùng một cái năm 2007 bản thân bị đưa ra tòa về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” bắt tạm giam chờ xét xử!

Nguyên do từ hơn 20 năm nay đã giúp đỡ một người em gái kết nghĩa ở TPHCM cũng ở trong nghề kinh doanh thành công nên năm 2002 giới thiệu một doanh nhân nuớc ngoài cho bà em này mượn tiền (6 triệu USD). Nhưng từ vụ đó nảy sinh nhiều hệ lụy rắc rối trong mối liên hệ giữa 3 người đưa đến hậu quả kiện tụng lẫn nhau về chuyện ai mượn tiền ai, ai trả, ai nhận tiền ai… Trong đó bản thân mình bị ngay người em kết nghĩa kiện ra tòa như trên!

Vụ án dây dưa lằng nhằng kéo dài gần 3 năm 2 lần đưa ra tòa không xử được do thiếu chứng cứ hay chứng cứ không rõ ràng. Cuối cùng đầu năm 2010 phải hủy vụ án, đình chỉ điều tra!

Bản thân nằm tù 9 tháng mới được trả tự do, đến khi được xác nhận vô can đã khóc ròng “Cả đời tôi sống bằng danh dự, nay danh dự của tôi đâu còn nữa”. Kèm theo là khoản lỗ hơn 116 tỉ đồng do công ty của mình bị ảnh hưởng vụ kiện khiến mất uy tín làm ăn thua lỗ giờ đây… ai đền?

Nhà nước đã tìm cách “đền” cho một tháng sau bằng việc tổ chức rình rang lễ trao quyết định công nhận khách sạn mình mới xây xong ở Biên Hòa là khách sạn quốc tế 4 sao đầu tiên của tỉnh Đồng Nai!

883 - Linh Dinh
NHÀ THƠ ANH NGỮ HẢI NGOẠI NỔI TIẾNG NHẤT
Nhà thơ Việt kiều Mỹ tên cũ Đinh Linh sinh 1963 tại Sài Gòn. Sống ở Mỹ (2011).
Theo gia đình di tản qua Mỹ từ ngày 27.4.1975.
Tại Mỹ học ĐH Nghệ thuật Philadelphia ngành hội họa. Nhưng ra trường phải làm đủ thứ nghề nhân viên văn phòng, trang trí nội thất, chụp ảnh và cả dọn vệ sinh nhà cửa… suốt 13 năm.

Trong thời gian trên tranh thủ viết bài văn học nghệ thuật đăng báo. Rồi chuyển qua sáng tác thơ văn toàn bằng tiếng Anh.

Năm 2000 xuất bản tập truyện tiếng Anh đầu tiên “Fake House” (Nhà giả) và “Blood and Soap” (Máu và xà phòng) năm 2004.

Nhưng sáng tác thơ mới thành công hơn cả qua thể loại thơ – văn xuôi từ 2003 đến 2009 in 5 tập thơ được giới phê bình quốc tế đánh giá rất cao. Nhiều lần được xếp vào hàng tác phẩm thơ hay nhất năm ở Mỹ.

Thơ được dịch ra nhiều thứ tiếng (tự dịch một số) Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Phần Lan... Còn bản tiếng Việt in trên tạp chí Hợp Lưu.

Năm 1995 lần đầu tiên trở về quê hương, ra tận Hà Nội gặp gỡ một số văn nghệ sĩ cấp tiến như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh…

Năm 1999 quay lại một lần nữa sống 3 năm ở TPHCM quan hệ và làm việc chung với nhóm nhà văn trẻ để dịch thơ văn VN qua tiếng Anh (Nguyễn Huy Thiệp, Trần Vàng Sao…), chuyển ngữ thơ mình ra tiếng Việt, dịch thơ quốc tế ra tiếng Việt… Đồng thời bấy giờ mới bắt đầu làm thơ tiếng Việt, một số bài in trên Tạp chí Thơ, tạp chí điện tử Tiền Vệ.

Tại TPHCM năm 2007 có bản dịch “Lĩnh Đinh chích khoái” in và phổ biến hạn chế.

884 - Lữ Phương
THỨC TỈNH CHỨ KHÔNG PHẢN TỈNH
Nhà nghiên cứu văn hóa – tư tưởng tên thật Lê Văn Phương sinh 1938 tại Hà Nam Ninh (cũ). Sống ở TPHCM (2011).
Sau khi di cư vào Nam năm 1954 theo học ĐH Văn khoa Sài Gòn rồi ra đi dạy, viết báo.
Có tư tưởng tiến bộ chống Mỹ, chống văn hóa “nô dịch” Mỹ qua nhiều bài báo đăng trên các tạp chí tiến bộ thời này ở vùng đô thị miền Nam, đặc biệt Sài Gòn. Từ đó được cộng sản móc nối năm 1968 bỏ vào mật khu theo Mặt trận Giải phóng miền Nam đánh Mỹ. Vào Đảng, làm thứ trưởng Bộ Văn hóa Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam VN (bộ trưởng là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước).

Tháng 4.1974 ra Bắc chữa bệnh thì sau đó giải phóng miền Nam nên vội vàng quay về Sài Gòn. Bấy giờ mới có điều kiện hoàn thành công việc đã bắt tay làm thời còn ở nội thành là tố cáo nền văn hóa theo Mỹ với cuốn “Cuộc xâm lăng về văn hóa và tư tưởng của đế quốcMỹ tại miền Nam VN” in tại Sài Gòn nay đã đổi tên TPHCM.

Song song đó tham gia viết báo Tin Sáng thể hiện tư tưởng thoáng hòa hợp dân tộc kiểu “đổi mới” quá sớm nên bị lãnh đạo Hà Nội nghi kỵ, cảnh giác cho là một loại “Nhân văn Giai phẩm mới” có ý đồ “chống Đảng tinh vi”!

Bởi vậy đến khi Chính phủ CMLTMNVN giải thể để sáp nhập vào Chính phủ VN thống nhất thì bản thân mình bị tổ chức… quên mất không bố trí công việc nào rõ ràng. Sau đó đến năm 1982 mới được Bí thư TPHCM Võ Văn Kiệt đưa về làm trợ lý văn hóa. Nhưng khi ông VV Kiệt ra làm việc ở Hà Nội thì phần mình được điều về Mặt trận Tổ quốc TPHCM… ngồi chơi xơi nước dài dài gần 20 năm.

Từ khi bị xem như về hưu non như vậy mới bắt đầu tập trung đọc lại toàn bộ sách vở lý thuyết kinh điển cộng sản, nghiên cứu bài bản chủ nghĩa Marx – Lénine chính thống để đối chiếu với chủ nghĩa cộng sản VN thực tế hiện nay. Mới rút ra kết luận là đôi bên… không giống nhau gì cả!

Từ đó viết một loạt bài dài gửi đăng báo hải ngoại hoặc mạng nước ngoài nêu quan điểm phê phán “Đảng ta” nói riêng và chủ nghĩa cộng sản nói chung qua đó kêu gọi đấu tranh tự do dân chủ cho VN. Nhiều bài có sức nặng rất hàm súc, công phu như “Chủ nghĩa Marx và cách mạng vô sản VN”, “Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh”…

Bản thân tự nhận “không còn là cộng sản nữa” vì “Tôi chỉ đến với cuộc cách mạng cộng sản như một sự gặp gỡ trên đường đi tìm một lời giải chung cuộc cho đời sống, vì vậy tôi không hề muốn và cũng không thể trở thành một ngườøi hoạt động cách mạng cộng sản.” Nhưng vẫn trân trọng những người “cộng sản chân chính còn sót lại trên đất nước hiện nay” như VV Kiệt.

Cũng như vẫn bảo vệ lập trường chống Mỹ trước đây, không cho thái độ của mình bây giờ là “phản tỉnh” chối bỏ quá khứ theo cách mạng mà chỉ là một sự “thức tỉnh khó khăn” kiểu gần như “xét lại” chủ nghĩa ở Liên Xô cũ hoặc trường hợp Trần Độ ở miền Bắc.

Năm 2010 tiếp tục tham gia phong trào trí thức nhân sĩ “chống bô xít”.

885 - Lữ Tân
CHIẾC TÀU BIỂU TƯỢNG VƯỢT BIÊN
Doanh nhân Việt kiều Úc sinh tại VN.
Cuối năm 1975 cùng bạn bè ra đảo Phú Quốc xin đóng tàu đi đánh cá nhưng thực chất là chuẩn bị vượt biên.
Chiếc tàu tự đóng hoàn thành giữa năm 1977 được đặt tên là tàu “Tự Do” đến tháng 9 chở 39 người trong đó có vợ mang bầu và 3 con từ Phú Quốc bí mật lên đường đến Malaysia. Nhưng bị Malaysia xua đuổi nên tàu tiếp tục hành trình nhắm hướng nước Úc.

Hai tháng sau tàu mới cập bến Úc được nhận vào làm di dân.

Chuyến hải trình trên được xem là dài nhất trong lịch sử vượt biên của dân VN trong tình cảnh thiếu thốn phương tiện giữa thời tiết bão tố song gió và nạn hải tặc nguy hiểm, vượt qua hơn 6.000km đường biển xem như là một kỳ công có một không hai. Vì thế năm 1990 được Bảo tàng Hải thuyền quốc gia của Úc mua lại xác tàu đem trưng bày tại Sydney.

Năm 1998 bảo tàng còn cử nhân viên về VN tìm mua lại một số trang bị, đồ dùng…. từng được sử dụng trên tàu nay đã hư hỏng hoặc mất mát cần bổ sung cho giống như thật.

886 - Lương Minh Đáng
SƯ TỔ NHÂN ĐIỆN
Tiến sĩ y học Việt kiều Úc sinh 1942 tại Tiền Giang (Cái Bè) – Mất 2007 ở Uc (66 tuổi).
Trước 1975 từng đi lính hải quân VNCH.
Năm 1985 đến Mỹ.
Từ 1989 bắt đầu truyền bá phương pháp chữa bệnh mới đặt tên “nhân điện” ở California, là phương pháp chủ yếu kết hợp cách tập thiền với vận dụng năng lượng tiềm tàng trong bản thân mỗi người phát ra qua bàn tay (giống như khí công biến thành chưởng trình độ siêu việt trong truyện kiếm hiệp Kim Dung).

Về nguồn gốc học thuyết nhân điện này rất mơ hồ tuy có nói đại khái được truyền “y bát” từ một vị sư tổ An Độ song có lẽ do tự mình “chế tác” ra. Tuy nhiên thực tế đã dùng phương pháp đó chữa miễn phí lành bệnh cho nhiều người nên nổi tiếng được đông đảo người tìm đến xin chữa bệnh. Từ đó mở lớp dạy nhân điện cho học viên khắp nơi. Được tôn sùng là vị “Thầy Tâm linh”.

Dần dà còn phát triển qua nước ngoài như Ý, Đức, Thụy Sĩ, Bỉ, Thái Lan… Đặc biệt rất thành công tại Sri Lanka, năm 1996 được ĐH Colombo nước này trao bằng tiến sĩ danh dự. Đến năm 2002 đại học trên còn mở hẳn một khoa nhân điện riêng ghép vào ngành y học dân tộc và mời ông làm khoa trưởng.

Năm 1998 lấy vợ là Nguyễn Thu Thủy, Việt kiều Úc (sinh 1957 tại Sài Gòn, vượt biên 1979 qua Úc, tốt nghiệp tiến sĩ y khoa tại đây). Vì thế năm 2000 chuyển quốc tịch bỏ Mỹ qua sống luôn ở Úc

Năm 2002 tại Úc được trao tặng giải thưởng xã hội quốc tế Albert Schweitzer về hoạt động nhân đạo. Trước đó song song hoạt động quảng bá nhân điện học cũng có tham gia công tác từ thiện quyên tiền gửi về VN giúp mổ mắt cườm cho đồng bào nghèo, tặng tiền in sách cho các tác giả nghèo…

Sự nghiệp đang tiếp tục phát triển khả quan đột nhiên tháng 8. 2007 qua đời vì một cơn sốc tim đột quỵ.

Cái chết trên khá bất thường đối với một bậc thầy chữa bệnh được phong “thánh” khi tuổi tác chưa quá già (các vị sư tổ cỡ này thường phải sống trên 80) càng gây nên mối hoài nghi về giá trị đich thực, chính xác của khoa trị liệu nửa y học nửa tâm linh này. Phải chăng bản thân đã phải trả giá bằng một cú “tẩu hỏa nhập ma”… nhân điện?

Dù sao hiện tại bà vợ vẫn tiếp quản mọi công việc liên quan đến trường phái “Nhân điện học Lương Minh Đáng” tại nhiều nước. Còn ở VN vẫn bị xem là không chính thống nên chưa được phép chính thức rao giảng thực hành.

887 - Lương Văn Khanh
QUẢN TRANG MỘT CHÂN
Thương binh sinh tại Vĩnh Phúc. Sống ở Vĩnh Phúc (2007).
Bộ đội xe tăng trên chiến trường miền Nam bị thương cụt chân phải sau một trận đánh năm 1969.
Được đưa về Bắc dưỡng thương rồi cho xuất ngũ với xác định thương tật 1/4. Về quê được giao cho làm thủ kho hợp tác xã.

Năm 1985 lúc nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Vĩnh Tường quê mình được thành lập đã tình nguyện về làm quản trang, chấp nhận bỏ việc làm thủ kho an nhàn mà có lợi lộc hơn. Trong lúc đó làm quản trang được trả công thời đó… 2 tạ lúa cho… 6 tháng! Đã vậy vợ lại mới bị biến chứng mù mắt trong lúc nhà đông con gần cả 10 miệng ăn.

Vậy nhưng vẫn làm nhiệm vụ quản trang nghiêm túc, ngày ngày chống nạng đi bộ 3 km đến nghĩa trang một mình cắm cúi lo việc gìn giữ hơn 25.000 ngôi mộ liệt sĩ. Quét dọn vệ sinh, thắp hương, trồng cây, nhổ cỏ, tưới nước… làm cả ngày đến tối mới lọ mọ chống nạng về nhà.

Ở nhà lại còn phải lo cho vợ mù lòa do con cái trưởng thành đã ở riêng hết. Buổi sáng phải đi chợ về làm cơm nước để dành cho vợ, chiều về lại nấu cơm cho 2 vợ chồng lủi thủi ăn tối.

Thế nhưng có đêm mưa gió lại hộc tốc chạy lên nghĩa trang lo việc che chắn cho những ngôi mộ bị tốc đất tốc mái, xong rồi quá khuya ngủ lại nghĩa trang luôn. Ngôi mộ nào bị sụt, bị lở đất đều biết hết bởi hơn 25.000 mộ ở đây đều thuộc nằm lòng tên tuổi, địa chỉ vì tất cả đều là “đồng đội đồng huơng cả mà”!

888 – Lý Hái
“HAI LÚA” QUÈ LÊN ĐỜI RÁP MÁY
Thợ máy sinh 1968 tại Cà Mau. Sống ở Cà Mau (2011).
Mới lên 7 tuổi gặp trận Quốc – Cộng đánh nhau phải chui xuống hầm tránh đạn, nửa chừng khát nước bò lên nhà kiếm nước uống mới bị đạn lạc trúng vào dây thần kinh làm liệt luôn cả 2 chân.
Dù vậy vẫn cố gắng học hành lên tới lớp 10 thì nhà nghèo quá phải nghỉ học lết ra đồng làm ruộng, giăng câu.
Đến năm 1997 may có người anh dẫn theo chống nạng đi làm chung lo chạy các máy chà lúa (ra gạo).

Nhờ tánh ham học mê nghề cơ khí cộng với mớ kiến thức góp nhặt từ hồi học phổ thông nên chú ý tìm hiểu cách lắp ráp, vận hành các bộ phận máy móc, thiết bị máy chà lúa rồi về nhà bắt tay làm thử nghiệm ráp máy. Tự huấn luyện tay nghề một thời gian đến năm 2001 quyết định tách ra hành nghề ráp máy chà lúa độc lập.

Ban đầu ráp máy nhỏ dần dần lên máy vừa rồi máy lớn thành công, tổng cộng đã ráp hơn 100 máy trong toàn tỉnh. Có máy vào hàng lớn nhất tỉnh Cà Mau được chủ vựa tin tưởng bỏ ra đến hơn 1 tỉ đồng giao cho lắp ráp hoàn chỉnh chạy tốt. Từ đó lên thương hiệu “Hái què” đàng hoàng, mua xe máy tự mình chạy xe qua cả các tỉnh lân cận tìm mối ráp máy.

Thời hàn vi năm 25 tuổi đã qua một đời vợ tan vỡ do vợ chê vừa nghèo vừa tàn tật. May sao đến người vợ sau yêu nhau thật tình cùng chịu thương chịu khó dìu nhau qua bao hoạn nạn.

Sinh được 4 con gái, luôn lấy mình ra làm gương dạy con “Ở đời đừng mặc cảm, đừng bỏ học rồi sẽ thành công thôi”.

889 - Lý Hòa
TỪ THƯƠNG BINH THẤT HỌC ĐẾN HIỆU TRƯỞNG ĐẠI HỌC
Giáo sư đại học hưu trí sinh 1931 tại Tiền Giang. Sống ở TPHCM (2011).
Bộ đội trên chiến trường miền Nam bị thương nhiễm trùng nặng được chuyển ra Bắc mổ 16 lần thành khuyết tật đi khập khiễng vì chân trái ngắn hơn chân phải 15cm.
Lúc đó trình độ học vấn mới tới lớp ba nên dù còn tại ngũ vẫn xin đi học trở lại từ đầu để lo chuyện tương lai đời mình.

Nhưng thủ tục thời đó nhiêu khê lắm do phải học lại từ từ cấp tiểu học trở lên, do lớn tuổi nên phải tự học, có khi học xong lại không được đi thi vì không có trường lớp nào chứng nhận đủ tiêu chuẩn hoàn thành chương trình học! Phải chạy vạy xin đủ thứ giấy tờ mới được cho đặc cách thi tốt nghiệp. Do đó trải qua thời gian dài mới hoàn tất 3 cấp học đến tốt nghiệp trung học phổ thông.

Từ đó lên đại học, sau khi tốt nghiệp mới được cho đi du học Liên Xô.

Tốt nghiệp tiến sĩ ở Liên Xô về nước sau khi đã giải phóng miền Nam nên được bổ nhiệm làm hiệu trưởng ĐH Tổng hợp TPHCM trước khi trường này tách ra thành 2 ĐH Khoa học Tự nhiên và ĐH Khoa học Nhân văn – Xã hội vào năm 1996.

890 - Lý Tống
NGƯỜI CHỐNG CỘNG TỰ PHÁT
Nhà hoạt động chính trị - xã hội Việt kiều Mỹ tên thật Lê Văn Tống sinh 1945 tại Thừa Thiên - Huế. Sống ở Mỹ (2011).
Năm 1965 vào không quân VNCH lái máy bay chiến đấu thả bom Việt Cộng.
Sau 30.4.1975 đi cải tạo tại Khánh Hòa. Sau 5 năm ở trại cải tạo đã tìm cách trốn trại vượt biên đường bộ qua Campuchia, Thái Lan, Singapore xin vào Tòa Đại sứ Mỹ tại Singapore tị nạn chính trị.

Năm 1984 được Mỹ nhận vào. Rồi được Tổng thống R. Reagan lúc đó tặng huân chương vì “hành động dũng cảm đấu tranh cho dân chủ tự do”.

Học đại học tốt nghiệp song ra trường không đi làm ở đâu hết mà tự mình tập trung lên kế hoạch nhiều hoạt động chống Cộng. Nhưng hoàn toàn không phải theo chỉ đạo hay xúi giục của bất cứ tổ chức hay lực lượng, phe nhóm chính trị hải ngoại nào mà làm tất cả theo kiểu anh hùng cá nhân chủ nghĩa ưa chơi trội lấy tiếng. Và đã khá thành công!

Bắt đầu năm 1992 về TPHCM lên một máy bay VN Airlines bắt phi công bay theo ý mình để thả truyền đơn chống chế độ xuống thành phố, sau đó nhảy dù xuống vùng ngoại thành định tìm cách trốn thoát thì bị bắt. Ra tòa lãnh án 20 năm tù.

Năm 1998 do sự vận động của tổ chức nhân đạo nước ngoài nên được trả tự do trước thời hạn trục xuất về Mỹ.

Đầu năm 2000 tự động lái một máy bay nhỏ từ bang Florida qua Cuba thả truyền đơn chống chế độ F. Castro rồi bay về Mỹ an toàn. Chỉ bị Mỹ tước bằng lái!

Cuối năm 2000 qua Thái Lan giả đi học bay rồi cướp quyền điều khiển một máy bay nhỏ định bay qua TPHCM rải truyền đơn chống Cộng tiếp nhưng bị phi công báo động phía Thái Lan ngăn cản. Bắt ra tòa xử tù 7 năm 4 tháng.

Đến năm 2006 tuyệt thực trong tù yêu cầu Thái Lan không cho dẫn độ mình về VN xét xử theo yêu cầu của VN. Phía Thái đành chịu, chờ đến tháng 3.2007 đủ hạn tù thì thả ra trả về Mỹ.

Về Mỹ đương nhiên trở thành “anh hùng”, còn tổ chức tiệc từ thiện mời dân vô gia cư đến ăn uống no say!

Qua đầu năm 2008 ngồi tuyệt thực (cả uống nước cũng không thèm) ngay trước tòa thị chính TP San Jose phản đối dự định đổi tên khu “Little Saigon” (Sài Gòn Nhỏ) tên truyền thống từ lâu của khu đông dân cư Việt kiều này. Tuyệt thực như vậy khoảng nửa tháng thì lãnh đạo thành phố thua!

Cuối năm 2008 qua Hàn Quốc thuê máy bay bay tham quan Seoul song mục đích vẫn là âm mưu cướp máy bay bay qua CHDCND Triều Tiên thả truyền đơn chống Cộng. Nhưng bị phi công Hàn Quốc kịp thời chận đứng, lấy cớ cần đổ thêm xăng để an ninh sân bay phục kích bắt giữ. Tuy nhiên được Mỹ can thiệp nên sau đó chỉ bị trục xuất về Mỹ.

Gần đây nhất vào tháng 7.2010 đã cải trang làm phụ nữ đến xem buổi trình diễn ca nhạc tại Santa Clara (California) của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng từ Sài Gòn đến rồi nhân đó xáp lại gần ca sĩ... xịt bình hơi cay vào mặt! Xem như một hành vi chống đối cộng sản tuyên truyền văn nghệ ở Mỹ. Bị cảnh sát Mỹ bắt phạt vạ.

Ít ai biết lại có một người anh đi Bắc tập kết sau này vào TPHCM dạy đại học sư phạm ngành văn học nước ngoài (đã mất).

(Còn tiếp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét