TẾT NHÀ TA - THƠ NGÔ CANG

Nhà thơ Ngô Cang (đeo kính - hàng trước) cùng nhà văn Dương Thành Vũ, nhạc sỹ Lê Phùng, nhà văn Nhụy Nguyên trong chuyến đi thực tế trên Phá Tam Giang tại Trại sáng tác Quảng Điền, tháng 6/2009
Chiều ba mươi
bên nồi xôi nếp mới
bát canh thơm tôm cá tát ao đìa
các con khen, cải ngồng chưa chín tới
vị men đời đắng ngọt vợ chồng chia...

Nhuận bút thơ
lì xì con mừng tuổi
còn riêng ta cút rượu đón giao thừa
cúng ông bà, cả nhà vui như tết
dẫu có tiền, chưa chắc dễ gì mua!

Sáng mồng Một
quê hương xanh màu lá
cúc, mai vàng nở thắm lối xuân qua
khăn áo dắt con thăm nội ngoại
xông đất thơm mùi mới lạ tứ thơ ta!

Xong Tết
chuyện mùa màng toan tính
chồng nói rồi, vợ bảo có chi mô
chỉ cần, đầy ắp tin yêu đời là được
để tết nào cũng có
tiếng vợ con cười rộng mở những trang thơ...!

NC

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2010 (KỲ 52)


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

521 - Dương Lệ Chi
THÂN CÂY “LIỆT SĨ”
Nhà giáo nữ sinh 1946 tại miền Nam – Mất 1970 ở Campuchia.
Tham gia cách mạng được phân công dạy học cho con em trên đất Campuchia.
Năm 1970 lúc mới 24 tuổi đã hy sinh cùng một số học trò do bị pháo địch bắn sang trúng trường học. Người thân chôn xác tại chỗ rồi dùng lưỡi lê súng khắc tên “Chi” lên thân một cây dầu gần đó để làm dấu.
Sau chiến tranh, mãi đến năm 2004 người thân và học trò cũ mới có điều kiện sang Campuchia truy tìm hài cốt đem về. Nhưng đến chốn cũ thấy nay đã khác xưa quá nhiều, rừng cây dầu cũ đều bị đốn hạ làm gỗ gần hết khiến không tìm ra cây có khắc tên cô giáo để từ đó suy ra nơi chôn cất nằm ngay địa điểm trường xưa.
Phải đi đến lần thứ năm mới phát hiện ra khu rừng cũ chỉ còn sót lại 2 cây cổ thụ cao ngất và một trong 2 cây chính là cây dầu còn lưu vết khắc tên liệt sĩ ngày xưa mà ban đầu không ai ngờ tới vì khi khắc tên cây chỉ mới lưng chừng thắt lưng còn nay đã cao vút 12m. Thêm điều lạ ngươì dân địa phương cho biết là sở dĩ còn lại 2 cây này do dân đi rừng, làm củi nói sợ cây “linh thiêng” nên không dám đốn!
Bây giờ thì cây đốn được rồi để mang mảnh thân cây khắc tên theo cùng di hài liệt sĩ về quê.

522 - Liên Khui Thìn
VỤ ÁN KINH TẾ LỚN ĐẦU TIÊN
Doanh nhân sinh 1953 tại Nha Trang. Sống ở TPHCM (2010).
Vào Sài Gòn học ĐH Khoa học (tốt nghiệp nghành hóa) tham gia phong trào sinh viên trí thức đô thị chống chế độ Mỹ – Thiệu nên sau 75 được Thành đoàn TPHCM bố trí về làm trưởng phòng ở Nhà Văn hóa Thanh niên TP.
Năm 1982 ra ngoài làm kinh doanh bắt đầu khởi nghiệp từ một hợp tác xã chế biến mực tươi xuất khẩu nhờ quê Nha Trang nên có mối làm ăn mặt hàng này. Bước đầu thành công nên từ đó mở rộng kinh doanh kết hợp với Quận 3 TPHCM thành lập Cty EPCO năm 1992 chuyên sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ, xuất khẩu.
Tiếp tục phát triển ngày càng thành công nhờ có vốn kiến thức học hành đàng hoàng cộng với một niềm đam mê kinh doanh “sôi nổi, năng động” mạnh mẽ tới mức bị mô tả là bỏ bê cả việc gia đình đưa đến hậu quả chia tay ngươì vợ đầu. Bản thân không hề sa vào thói ăn chơi sa đọa như các “đai gia” thông thường mà tối ngày chỉ chúi đầu vào chuyện làm ăn, “đêm cũng nằm mơ kinh doanh”!
Việc kinh doanh đưa đến một bước ngoặc là kết hợp làm ăn với Cty Minh Phụng ở Chợ Lớn, công ty chuyên ngành may công nghiệp lớn nhất lúc đó. Chủ Minh Phụng phất lên nhờ đầu tư mua bán vàng nên với khiếu đánh hơi thị trường cực kỳ nhạy cảm đã đẩy cả hai chung vốn vào đầu tư mua đất đai, bất động sản với số lượng rất lớn.
Không may công việc đang thuận buồm xuôi gió thì đến năm 1996 bất thần xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính thế giới lan qua Châu Á nên đất đai và bất động sản không bán được khiến vốn bị ứ đọng trong lúc nợ ngân hàng ngày càng cao đáo hạn không trả nổi. Vì thế năm 1997 nổ ra vụ án “EPCO – Minh Phụng”, vụ án kinh tế đầu tiên lớn nhất thời này.
Cả hai bị truy tố tội “lừa đảo” với món nợ ngân hàng mất khả năng chi trả (tiền mặt) gần 6.000 tỉ đồng và 32,6 triệu USD. Cả hai lãnh án tử hình cùng một giám đốc ngân hàng liên quan.
Minh Phụng bị thi hành án năm 2003, riêng bản thân vài tháng sau may mắn được giảm xuống án chung thân nhờ chiếu cố nhân thân có cống hiến cách mạng.
Ở tù nhưng vẫn không yên, vừa sợ vừa lo nên mắc nhiều bệnh tim, huyết áp. Thêm đó còn giận vì trước khi vào tù đã đưa một “chiến hữu” đồng nghiệp tại Nhà VHTN về làm phụ tá ở EPCO, không ngờ sau khi mình bị bắt thì người đó lại “phản bội” nhảy lên chiếm đoạt công ty, chiếm đoạt tài sản còn lại của công ty (tổng số tài sản vật chất của công ty rất lớn dù một phần đã bị toà án đem bán phát mãi đủ để trả nợ ngân hàng). Bởi thế trong tù đã làm đơn kiện về vụ này song do còn ở tù nên nội vụ chưa giải quyết ï
Thêm vào đó là nỗi buồn gia đình riêng, khi bị tuyên án tử hình đã chủ động viết đơn ly dị người vợ thứ hai do “không muốn vợ mang tiếng, ảnh hưởng thăng tiến sự nghiệp”.
Cuối năm 2009 được đặc xá sau 12 năm 6 tháng ở tù.
Ra tù trong cảnh “2 bàn tay trắng, không nhà, không xe” phải ở nhờ nhà bạn. Vì lúc bị bắt chỉ có một căn nhà nhỏ đương nhiên bị tịch thu, lục soát trong nhà tiền mặt chỉ vỏn vẹn… 5 triệu đồng.
Tuy nhiên có nghi vấn trước đó đã chia tài sản cho 2 bà vợ ly dị bởi 2 bà nay sau đó đột nhiên trở thành 2 nữ “đại gia” – bà sau còn đi thi nước ngoài đoạt giải “Hoa hậu Quý bà” quốc tế - có tiếng trên thương trường hiện nay mới lạ!
Phần mình dù vậy vẫn cùng bạn bè ngoài đời lẫn các bạn tù vào hàng “đại gia” cũng đã mãn án thành lập Quỹ Hoàn lương nhằm giúp giới tù nhân ra trại có điều kiện học nghề, tìm việc làm để sớm tái hoà nhập xã hội. Đồng thời tiếp tục vụ kiện đòi lại tài sản công ty do công sức mình làm nên đang bị người đồng chí cũ ngang nhiên cướp mất.

523 - Nguyễn Thị Đỡ
101 TUỔI MỚI NHẬN ĐƯỢC HÀI CỐT CON
Nông dân sinh 1910 tại Quảng Ninh. Sống ở Quảng Ninh (2010).
Có con đi bộ đội vào chiến trường miền Nam, chiến đấu vùng biên giới Campuchia và hy sinh tại đây năm 1972 không tìm thấy xác.
Sau chiến tranh không có điều kiện qua tận Campuchia tìm mộ hoặc hài cốt liệt sĩ.
Mãi đến tháng 10.2010 nhờ một cựu chiến binh từng chiến đấu ở Campuchia dẫn theo 2 người cháu liệt sĩ qua tận Campuchia truy tầm dấu tích mới tìm ra hài cốt đưa về quê.
Và người mẹ già đã quá 100 tuổi vẫn còn nước mắt để ứa ra trên gương mặt nhăn nheo, cứ thế mà ngồi ôm di ảnh con bên chiếc quách đựng di hài không muốn rời khỏi nữa. Là nỗi đau tận cùng hay niềm an ủi cuối đời đây?

524 - Phan Văn Lương
TUYỆT TỰ TRÊN ĐỒNG THÁP MƯỜI
Nông dân sinh tại miền Nam. Sống ở Long An (2010).
Năm 1980 theo phòng trào nông dân tiến vào khai hoang vùng Đồng Tháp Mười đã đem vợ con đến sống ở huyện Long Hưng – Long An bắt đầu khai khẩn đất hoang làm ruộng.
Nhưng vùng đất rộng lớn này (gần 700.000 hecta bao gồm cả 3 tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang) trong thời chiến tranh là một chiến trường trọng điểm nên bấy giờ còn vô số bom mìn vùi lấp khắp nơi. Từ đó mới thường xuyên xảy ra nhiều vụ người đi khai khẩn, đốn cây, cày cuốc, làm cỏ đạp phải bom mìn – hoặc vô tình gây nổ – thiệt mạng đương nhiên không được hưởng được chế độ bồi thường gì hết.
Bản thân có 3 con trai thì một ngày nọ 2 người con đầu cùng với mình đi khai hoang ruộng rẫy không may đã đạp mìn nổ làm một người chết tại chỗ, một bị thương nặng. Người cha ôm đứa con còn thoi thóp chạy bộ băng đồng cả chục cây số ra tời kênh rạch mới mướn được ghe chở ra bệnh viện huyện nhưng đến nơi thì con do mất máu quá nhiều đã trút hơi thở cuối cùng.
Còn một con trai út sợ gặp nạn nữa gia đình sẽ không người nối dõi nên ép con lấy vợ sớm. Tuy nhiên chưa hết tuần trăng mật, chú rể đi làm đồng cũng lại trúng mìn nổ chết ngay tại chỗ!

525 - Phùng Thị Huệ
36 NĂM ĐỂ TANG CHỒNG CHƯA CƯỚI
Nông dân sinh 1950 tại Hà Tĩnh. Sống ở Hà Tĩnh (2009).
Năm 1968 đi thanh niên xung phong gặp người yêu cùng quê trên tuyến lửa Quảng Bình. Năm 1970 người yêu trước khi lên đường vào chiến trường miền Nam đã ngỏ ý muốn làm đám cưới nhưng cuối cùng cả hai đồng ý hoãn lại đến ngày kết thúc chiến tranh thống nhất đất nước.
Nhưng năm 1973 người yêu tử trận, đồng đội trở về báo tin buồn và chuyển giao lại những kỷ vật của người yêu… chuẩn bị cho lễ cưới như chiếc vòng đeo cổ, đôi gối cưới, chiếc vỏ chăn…
Từ đó quyết ở vậy thờ chồng dù chưa làm đám cưới, với những kỷ vật đó đặt trên bàn thờ. Và kèm theo mảnh băng tang đen nhỏ găm lên chiếc nón, cứ mỗi năm một mảnh, đến nay đã 36 mảnh tất cả trong đó có nhiều mảnh qua thời gian đã bạc màu. Thề rằng chỉ khi nào tìm được mộ hay hài cốt người yêu đưa về quê nhà thì mới chịu mãn tang!
Vì thế từ năm 1981 một mình đã lên đường vào miền Nam đi đến bao nhiêu nghĩa trang từ Quảng Trị, Nha Trang đến Đắc Lắc, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh… song vẫn chưa tìm được tông tích người thương.
Cũng vì kiên quyết không lấy chồng mà gây bất hòa với bố mẹ, có lúc phải “trốn” qua nhà bạn bè để tránh mặt những người đến nhà dạm hỏi!
Đối với nhà bố mẹ người yêu thì tình nguyện đóng vai người con dâu chưa hề cưới để hết lòng chăm sóc. Khi ông bà cụ mất đi, nhà cửa tiêu điều không ai chăm sóc nhang khói, đã chuyển bàn thờ bát hương về nhà mình để lo việc thờ cúng.
Đã có dấu hiệu đau tim nhưng vẫn giữ tâm nguyện “Suốt quãng đời còn lại, tôi phải tìm cho được mộ chồng rồi rước anh ấy về quê yên nghỉ…”

526 - Phùng Văn Chánh
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 23
Dân thường sinh 1952 tại Vĩnh Phú. Sống ở Gia Lai (2006).
Bộ đội ở chiến trường Tây Nguyên từ sau năm 1966.
Sau Giải phóng không về quê vì mặc cảm không công danh sự nghiệp mà tình nguyện ra quân ở lại Gia Lai lấy vợ người dân tộc đi buôn sống đắp đổi qua ngày.
Ở quê nhà, gia đình tưởng đã hy sinh nên làm lễ truy điệu nhưng phải làm đơn khiếu nại mới được phong liệt sĩ và xây mộ tượng trưng trong Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh (do mất liên lạc đơn vị cũ, không có giấy báo tử).
Trong lúc đó vẫn sống nghèo khổ ở buôn làng Gia Lai, còn bị tàn quân Fulro săn đuổi.
Mãi đến năm 2005 – tức 34 năm sau – mới đem vợ về làng khi mẹ già thương nhớ con lâu ngày thành bệnh đã qua đời (còn 2 con trai một con rể đã hy sinh trên chiến trường miền Nam).
Một câu chuyện đời “như một câu chuyện cổ tích” – lời của chính ông – với mong mỏi thiết tha: “Chiến tranh, mỗi con người một số phận. Chiến tranh thì có biết bao chuyện cổ tích nhưng nó đã lùi xa 30 năm nay rồi. Bởi thế tôi hy vọng chuyện về tôi sẽ là câu chuyện cổ tích cuối cùng.”

527 - Phương Bích Ngân
VIẾT THƯ ĐỀU ĐẶN CHO NGƯỜI ĐÃ CHẾT
Cán bộ về hưu sinh 1935 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2009).
Cha hy sinh thời chống Pháp nên từng lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến làm y tá. Kháng chiến thành công, về lại Hà Nội và năm 1956 kết hôn với người bạn thủa ấu thơ nay làm phóng viên thông tấn xã sinh được 3 con.
Năm 1966 người chồng tình nguyện vào Nam làm nhiệm vụ phóng viên chiến trường (tuy anh là con trai duy nhất) và chỉ một năm sau thì hy sinh tại mặt trận Trị – Thiên.
Cuộc tình giữa 2 người ngay từ xưa đã có một “truyền thống” đặc biệt là khi xa nhau đôi bên đều thường xuyên viết thư gửi cho nhau, cả từ thời kháng Pháp đến thời đánh Mỹ, riêng từ chiến trường miền Nam trước khi mất người chồng đã gửi về cho vợ hơn 200 lá thư như vậy. Và truyền thống đó vẫn tiếp tục được người vợ duy trì cả sau khi chồng ra đi vĩnh viễn.
Đều đặn hàng ngày hàng tuần bà vẫn viết thư gửi ông khi ngắn khi dài rồi cất đi. Riêng những ngày đặc biệt như ngày giỗ, ngày sinh ông hay ngày kỷ niệm đám cưới, ngày sinh con thì lá thư được đặt lên bàn thờ khấn vái rồi đốt đi với lời cầu nguyện ông sẽ đọc được tâm tình mình đã làm đúng lời dặn của ông ở vậy nuôi con và mẹ già. Tất cả các bức thư sau đó đều được đánh máy lại đóng thành từng “tuyển tập”.
Còn một ước nguyện ray rứt là chưa biết mộ chồng nơi đâu để lo chăm sóc tử tế. Mãi đến năm 1995 mới được báo tin mộ nằm trong nghĩa trang liệt sĩ Thừa Thiên – Huế, qua năm 1996 mới nhờ đồng đội cũ tổ chức di dời về mai táng ở quê nhà.
Kể từ đó những lá thư viết cho chồng không đem đốt nữa, cháu có hỏi tại sao thì trả lời “Ông đã ở gần bà rồi, bà sẽ đọc thư cho ông nghe”.

528 - Phương Thảo
CA SĨ 2 DÒNG MÁU
Ca sĩ tên thật Nguyễn Thị Phương Thảo sinh 1968 tại Sa Đéc. Sống ở Mỹ (2010).
Kết quả của mối tình qua đường của cô gái xứ Đồng Tháp với một cố vấn Mỹ (về y tế) gặp gỡ ở Sa Đéc năm 1967, qua năm sau về Mỹ mà không biết mình đã để lại một giọt máu rơi (trước đó ở Mỹ đã lấy vợ nhưng không có con).
Thủa nhỏ ở với ông bà ngoại (mẹ đi lấy chồng khác) bị mặc cảm “Mỹ lai” nên cả sau 1975 bà mẹ từng 2 lần làm thủ tục đi Mỹ theo diện ODP nhưng không chịu đi vì sợ không quen nơi đất khách quê người, nhất là với mặc cảm “con lai”. Một phần nữa có lẽ do lúc đó mình đang theo đuổi nghề ca hát đang lên.
Thực tế đúng như ý nguyện, nhanh chóng trở thành một “sao” ca nhạc nổi tiếng khắp miền Nam: “Với nghề ca hát, tôi cảm thấy mình được tự do, được làm người bình thường.”
Năm 1992 người bố Mỹ nhờ một nhà báo Mỹ đến VN viết bài bấy giờ mới bắt liên lạc công nhận đứa con rơi. Đến 1996 ông bay qua TPHCM cha con lần đầu hội ngộ sau 28 năm không biết nhau trước một đám đông fan của Phương Thảo cùng chờ đón ở sân bay!
Người cha thuyết phục con ra đi nhưng chưa chịu vì còn sự nghiệp nữa.
Mãi nhiều năm sau mới quyết định đồng ý khi sự nghiệp sắp hoàn tất, đã có chồng thứ hai – một nhạc sĩ mới nổi có tiếng - một con gái gia đình hạnh phúc: Ra đi năm 2004 để “sẽ cho mọi người thấy một đứa con lai có thể làm được gì…”

529 - Phương Ngô
TÙ NHÂN TỰ NHẬN BẤT HIẾU
Nhà hoạt động chính trị Việt kiều Úc sinh 1959 tại miền Nam. Đang ở tù tại Úc (2008).
Sau khi vượt biên qua Úc năm 1982 đã tham gia hoạt động chính trị được bầu làm nghị viên bang.
Năm 1994 bị tình nghi tổ chức ám sát một nghị viên đối thủ nên bị kêu án tù chung thân. Liên tục chống án đến năm 2001 thì tuyên bố bỏ cuộc vì đau buồn khi nghe tin mẹ già còn ở VN vừa qua đời mà mình không về viếng mẹ được: Nỗi buồn tù tội không có nghĩa lý gì so với nỗi đau mất mẹ khi mình như mang tội bất hiếu.
Tuy nhiên vụ án vẫn sẽ được xem xét xử lại do phát sinh tình tiết và nhân chứng mới.

530 - Quả Cao Khai
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 24
Thương binh sinh tại Thanh Hóa. Không biết còn sống hay không.
Từng là bộ đội chiến đấu ở Lộc Ninh (Bình Phước), bị thương nặng rồi mất tích từ đó.
Sau 75 được xem như liệt sĩ, ở quê địa phương và gia đình đã làm lễ truy điệu đàng hoàng.
Không ngờ đến năm 1999 tình cờ người quen mới nhìn thấy hiện còn sống vẫn còn nằm an dưỡng trong một trung tâm xã hội ở TPHCM trong tình trạng lúc tỉnh lúc mê không nhớ gì cả! Gia đình mới tìm vào nhận đúng vậy, lúc đó mới hỏi lại kỹ thì ra địa phương ở quê Thanh Hóa cũng có một liệt sĩ trùng tên - dù tên rất lạ, hiếm có! – nên mới có sự nhầm lẫn quá oái oăm như vậy.
Đến đây thì không biết đoạn kết thế nào.
(Còn tiếp)

QUỸ TÌNH THƠ TP HỒ CHÍ MINH HỔ TRỢ NHÀ THƠ NGÔ CANG MƯỜI TRIỆU ĐỒNG

Nhà thơ Lâm Xuân Thi trao tiền cho nhà thơ Nguyễn Miên Thảo- Ảnh: Hoài Giang
10 giờ ngày 29.12.2010,tại tòa soạn báo Công an TP HCM,Ban Điều hành Quỹ Tình Thơ TP Hồ Chí Minh gồm các nhà thơ Lâm Xuân Thi,Hồ Thi Ca,Phan Hoàng đã trao 10.000.000đ(Mười triệu đồng) hổ trợ gia đình nhà thơ Ngô Cang bị nạn.
Nhà thơ Nguyễn Miên Thảo và nhà thơ Phan Trung Thành đã tiếp nhận và thay mặt gia đình nhà thơ Ngô Cang bày tỏ lòng biết ơn Quỹ Tình Thơ với nghĩa cử cao đẹp kịp thời giúp đỡ cho nhà thơ Ngô Cang và chuyển ngay số tiền trên đến Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế.
12 giờ 30 cùng ngày,Nhà thơ Phạm Nguyên Tường ,Chủ tịch Hội Nhà văn TTH và nhà thơ Lê Vĩnh Thái đã trao số tiền trên đến gia đình nhà thơ Ngô Cang .

TẠP CHÍ VĂN,MỘT THỜI TÔI TỚI - CAO THOẠI CHÂU

Tạp chí Văn số đặc biệt về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền


Thơ tôi đăng trên báo khá muộn so với tuổi tôi. Bài thơ đầu tiên lại là một bài lấy cảm hứng từ nghề nghiệp, tâm trạng một thầy giáo thời chiến tranh đang leo thang lấp ló cửa ngõ các thành thị miền Nam. Năm 1963 Tạp chí VĂN đang bài "Chỗ ngồi của nhà giáo thời chiến" đồng thời cũng là VĂN đã bóc tem bút danh Cao Thoại Châu của tôi.
Khi chọn báo để gửi, tôi đã nghĩ tới tờ VĂN lúc đó vốn có tiếng là chọn bài nghiêm ngặt, chọn địa chỉ này tôi nghĩ mình có thể khẳng định được chỗ đứng nhanh chóng hơn nếu mình thật sự có tài và có duyên nợ với thi ca. Và những gì diễn ra sau đó cho thấy suy nghĩ của tôi là đúng. Tất nhiên cảm giác của tôi vào một buổi chiều trong thị xã miền biên giới là rất lâng lâng khi ghé mua tờ VĂN thấy có bài của mình. Cảm tưởng này còn được gia cố thêm khi vài ngày sau đó tôi nhận thư của toà soạn ký Trần Phong Giao. Trong thư, anh Giao tỏ ra chăm sóc tôi và tin tôi có thể đi xa hơn. Và cũng qua thư, tôi hiểu tờ báo này "trọng dụng" những cây bút trí thức và...lính!. Thư đó và những thư sau, Trần Phong Giao hay gọi tên thực của tôi, hình như đó là kiểu của anh.Điều tôi lưu ý tiếp theo với VĂN lại là cách làm việc giao tiếp phát hiện và trân trọng với cộng tác viên của người thư ký toà soạn. Từ bài thứ hai của mình, tôi không còn nằm trong "Những bài mới nhận được" mà là một vài dòng nhắn riêng của anh Giao, làm cho tôi có cảm giác mình không còn xa lạ với tờ báo nữa. Từ năm 1963 đó cho đến khi miền Nam có chủ mới, bút danh của tôi trở thành quen thuộc của tờ VĂN và điều này có nghĩa một sự quen thuộc của những người viết lúc bấy giờ.Một tờ báo làm được cây cầu cho một tác giả đi vào nghiệp viết như VĂN đã làm, theo tôi là một tờ báo có trách nhiệm với văn chương.Có điều là, trong từng ấy năm tôi chỉ gặp anh Giao có 2 lần. Lần thứ nhất vào năm 1972 khi tôi chạy theo đoàn người di tản khỏi Pleiku trong mùa hè đỏ lửa về Sài Gòn. Trần Phong Giao nhắn tôi đến nói là có việc cần. Một người ngăm ngăm đen và to con lúc nào cũng thấy hít dầu gió, tiếp tôi. Là người ít nói không quen những giao tiếp văn nghệ nhưng tôi thấy Trần Phong Giao còn ít nói hơn. Vừa làm việc anh vừa nói dường như chỉ một câu thăm hỏi gia đình ra sao trên đường di tản. Trao cho tôi một phong bì, anh nói "Nhuận bút của cậu đó", tôi hiểu vì thời ấy thơ không có nhuận bao giờ. Có thói quen khi làm việc không chia sẻ nên tôi chào anh mà về sau chỉ khoảng 15 phút.Lần thứ hai tôi gặp anh là sau 1975, lúc tôi tìm lại những bài thơ trên VĂN để chuẩn bị in "Bản Thảo Một Đời". Quả đúng là con người mẫn cán và ngăn nắp, anh cho tôi coi đủ những số báo mà tôi cần, còn nhắc tôi những bài tôi không nhớ ra. Anh nói "Hai bài Mời em uống rượu" và "Để nhớ lúc Trâm xa" là hai bài thơ hay", đó là lần duy nhất tôi được nghe Trần Phong Giao nói về thơ mình. Hôm ấy hai anh em nhìn nhau hơi có phần tâm trạng khi ngồi ở một cái quán nhỏ tại Đakao, anh đãi tôi thịt dê và lần đầu tiên tôi biết tới thịt của con vật đầy tai tiếng này.Lúc nhìn tủ sách nhà anh thấy những tờ VĂN xếp thẳng thớm trong tủ tôi thấy lòng mình có một cái gì đó như là bùi ngùi nhận ra đã hết hẳn những ngày tháng cũ trước làn sóng mới trùm phủ lên những người viết gọi là của Sài Gòn cũ. Một tờ báo khẳng định được tôn chỉ của mình, khẳng định được báo cho ai và do những ai viết như tờ VĂN, theo tôi là một tờ báo làm một cách tròn trịa vai trò của nó. Tôi còn nhớ, những lần đi chấm thi ở các tỉnh miền Trung thấy giới trẻ ở đó dường như coi VĂN là một cái đích mà họ phải đến, họ nhìn những ai có bài đăng trên đó như là...người thành công! Những người viết thuở đó còn đến hôm nay chắc sẽ hài lòng khi tôi nói chúng ta hầu như đều đi qua cái "cửa" VĂN này.Giờ thỉnh thoảng đi qua con đường cũ thấy không còn dấu tích vật chất nào của tờ VĂN, những lúc như vậy tôi tự nhiên nghĩ tới những dấu tích văn chương của nó để lại hết sức lớn lao. Và làm sao mà lòng tôi không khỏi ngậm ngùi! "Thiên niên cự thất thành quan đạo/ Nhất phiến tân thành một cố cung","Những người muôn năm trước/ Hồn ở đâu bây giờ". Người xưa viết chẳng có sai một chút nào!

CTC

CẢNH TƯỢNG CUỐI NĂM - TỪ HOÀI TẤN

Những ngọn nến thắp lên
Rồi bấc tàn
Chiều xanh sẫm
Em bước qua chiều cũng như ngọn nến cháy lên lòng ta
Đêm vần vũ quay
Kẻ nô lệ êm ái
o
Một ngày cuối năm chờ người đưa thư đến vào chiều muộn
Nỗi mong ngóng ngập tràn đôi mắt
Tin tức về một người
Trong khoảnh sâu hồi tưởng
Sự ràng buộc của trí nhớ
Không còn thấy gì bóng ảnh lướt qua
Một người biến mất
o
Em bước qua chiều ngọn bấc lụn tàn
Người đưa thư biệt tích
Niềm mong nhớ tháng năm đi
T H T

THƠ NHỚ HUẾ - HOÀNG LỘC


gần bốn mươi năm chưa về Huế
sáng nay bỗng nhớ Huế vô cùng
nhớ những người thơ rất đáng nể
như Trần Vàng Sao, Thái Ngọc San...

ta một thời đi làm lính kiểng
đóng quân Tây Lộc để làm vui
bạn Huế ta, nhiều ông nổi tiếng
nhưng ta có em là em thôi...

ôi em đi học trường Kiểu Mẫu
áo xanh nước biển, tóc đuôi gà
một lần ta thấy em bước vội
mới biết em tránh lính xa nhà

em tránh hoài mà ta cũng gặp
dắt em đi coi bói Thanh Ròn
bà thầy coi kỹ bảo không được
em nói không và ta cũng không...

ta đã dắt em vào đại nội
chỉ ngai vàng, biết chỗ ngồi xưa
hỏi em, hãy ráng mà nhớ lại
phải kiếp nào, em của nhà vua

những bốn mươi nằm rồi Huế ơi
em ra răng, em ra răng rồi ?
có nhớ anh những ngày lính kiểng
và một nhà vua đã hết thời...
12-2010

HL

NHÀ THƠ NGÔ CANG BỊ TAI NẠN


Nhà thơ NGÔ CANG ,hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế
bị tai nạn giao thông chấn thương não
đang cấp cứu tại bệnh viện Trung ương Huế.
Nhà thơ NGÔ CANG xuất hiện trên các tạp chí văn học Sài Gòn
từ thập niên 60 thế kỷ trước như Tạp chí Văn,Khởi Hành....
Sau 1975 có thơ đăng trên các báo Kiến Thức Ngày Nay,
Văn Nghệ thành phố HCM,tạp chí Sông Hương ,Thanh Niên và nhiều báo khác.
Xin thông báo đến bạn bè thân hữu trong và ngoài nước
giúp đỡ nhà thơ NGÔ CANG qua cơn ngặt ngoèo này
Đ/c liên hệ :
- Lê Vĩnh Thái ( Tạp chí Sông Hương)
Tài khoản :0101598534 Ngân hàng Đông Á chi nhánh Huế
- Nguyễn Miên Thảo(Nguyễn Mộng Tùng),14/52 đường 19,
phường Tân Quí, quận Tân Phú,TP Hồ Chí Minh .
ĐT 0918407574

GIÁNG SINH CỦA RIÊNG ANH - THƠ NGUYỄN MIÊN THẢO

Giờ Chúa ra đời anh còn trên sạn đạo
giữa đêm đông hoang lạnh đến vô cùng
anh đi tìm em đêm dài vô tận
ơn Chúa lòng lành ,Người hiểu được anh không

Chúa mãi mãi là hài nhi mà anh thì bạc tóc
Chúa ấm áp trong hang anh lạnh lẽo trong hồn
em giáng sinh anh giữa ngày xuân muộn
anh tự đóng đinh mình không một chút ăn năn

và từ đó anh thành con chiên ngoan đạo
Chúa là em em là Chúa khác gì
đêm thánh vô cùng hoá thành giông bão
chiếc hang đời giam lỏng cuộc tình si

giờ phút Chúa ra đời anh nhớ em da diết
đêm giáng sinh xa cách đến muôn trùng
anh vẫn đi tìm em trong dư âm tiếng hát
lời Thánh buồn cứ đuổi riết sau lưng...

(Đêm Giáng sinh 24 rạng sáng 25.12.2008,Sài Gòn)

NMT

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2010 ( KỲ 51)


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

511 - Đào Văn Cường
VẬN ĐỘNG VIÊN ĐIỀN KINH KHIẾM THỊ ĐẦU TIÊN
Ngưòi khuyết tật sinh 1980 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2010).
Nhà nghèo 6 anh em nên từ nhỏ phải đi chăn trâu phụ giúp bố mẹ. Không may năm lên 10 tuổi trong một lần dắt trâu đi ăn cỏ trên cánh đồng gặp một quả lựu đạn cũ phát nổ làm mù vĩnh viễn cả 2 mắt.
Vào học trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Lớn lên làm nghề mát-xa sống đắp đổi qua ngày. Lấy vợ sinh được 2 con.
Để tìm quên nỗi buồn số kiếp hẩm hiu đã tham gia chơi thể thao. Rồi năm 2002 được giới thiệu tập môn chạy cư ly ngắn dành cho người khiếm thị (chạy có người chạy kèm cột dây vào tay dẫn đường) ở CLB Khúc Hạo, trở thành VĐV điền kinh khiếm thị đầu tiên môn chạy đua. Thi đấu kết quả tốt, từ đó Hà Nội mới bắt đầu lập môn điền kinh khiếm thị.
Liên tiếp đạt nhiều thành tích cao, đoạt nhiều huy chương các giải thể thao cho người khuyết tật ở trong nước lẫn quốc tế. Năm 2007 phá kỷ lục ParaGames Châu Á chạy 400m nên được bầu là VĐV Người khuyết tật xuất sắc nhất nước. Năm 2008 dự ParaOlympic Bắc Kinh ở Trung Quốc vào bán kết. Năm 2010 tiếp tục dự ParaGames Asiad Quảng Châu.
Ngoài đời còn phát triển điểm mát-xa của mình kiếm thêm việc làm cho 4 người bạn khiếm thị khác.

512 - Nguyễn Mạnh Huy
CẤM VÀO ĐẠI HỌC
Công nhân sinh khoảng 1965 tại Bình Định. Sống ở TPHCM (2010).
Sau 75 sống ở Quy Nhơn, học sinh giỏi 4 lần thi đỗ vào các trường đại học ở TPHCM nhưng đều bị địa phương cấm không cho lên đường đi nhập học vì lý do thuộc diện gia đình Ngụy “có vấn đề”!
Đây là tình hình phổ biến ở miền Nam sau Giải phóng khi chính quyền các tỉnh thành ngay từ cấp xã cũng có quyền không chứng thực sơ yếu lý lịch và cấp giấy chuyển hộ khẩu hay tạm trú cho các đối thượng thuộc gia đình Ngụy kể trên nên họ không thể rời địa phương đi cư trú – kể cả tạm trú - ở nơi khác được. Hoặc thậm chí có trường hợp phê duyệt rất ác ý, cho đuơng sự thuộc lọai đối tượng cần “giám sát” không cho đi đâu hết! Trong lúc cả Bộ Giáo dục lẫn các trường đại học đều hoàn toàn không có chủ trương đó song cũng đành chịu “phép vua thua lệ làng” thôi.
May mắn đến năm 1987 được báo Thanh Niên biết chuyện đã ra sức tranh đấu đòi quyền lợi – một quyền đi học! - đánh động dư luận cả nước buộc cuối cùng tỉnh Bình Định phải chấp nhận ký giấy “giải phóng” cho tân sinh viên này. Từ đó mở đường cho các địa phương khác chính thức giải tỏa lệnh “ngăn sông cấm chợ” miền Nam đối với con đường đến trường đại học.
Sau khi ra trường đã ở lại TPHCM làm việc luôn (trưởng phân xưởng một nhà in lớn), lập gia đình, cuộc sống ổn định.

513 - Nguyễn Sáng
ĐẠI DANH HỌA KHỐN CÙNG
Họa sĩ sinh 1923 tại Mỹ Tho – Mất 1988 ở TPHCM (66 tuổi).
Thuộc thế hệ tiên phong của hội họa VN, học trường Mỹ thuật Gia Định rồi ra Hà Nội học trường Mỹ thuật Đông Dương.
Khi bùng nổ chiến tranh chống Pháp đã lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến. Từ đó bắt đầu vẽ với một phong cách, bản sắc độc đáo riêng vừa mang tính dân tộc chuyên về đề tài đánh Pháp vừa có nét sáng tạo tạo hình mạnh mẽ ảnh hưởng chất hiện đại Picasso.
Cho ra đời những họa phẩm bất hủ “Giặc đốt làng tôi”, “Kết nạp Đảng ở Điện Biên” (bức sau năm 2008 khi đem đi triển lãm ở nước ngoài được đóng bảo hiểm 2 triệu USD). Bên cạnh đó còn là người thiết kế mẫu tiền giấy, mẫu tem đầu tiên của VN.
Sau 54 trở về Hà Nội tiếp tục làm nên những tác phẩm – không nhiều, chuyên sơn mài - mang dấu ấn riêng đầy giá trị như “Thiếu nữ bên hoa sen”, “Thổi sáo”, “Hai con mèo”, Thánh Gióng”… Được liệt vào hàng “tứ trụ” của làng hội họa VN thủa ban đầu gồm “Liên, Nghiêm, Sáng, Phái” (thêm Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái).
Là một công thần của chế độ miền Bắc như vậy – cả về chuyên môn lẫn tham gia kháng chiến - nhưng sau đó do có liên quan đến vụ Nhân văn Giai phẩm nên rốt cuộc bị lãng quên cộng với bản tính vừa nghệ sĩ bất cần đời vừa ngang ngạnh, thẳng thắn không chìu lụy ai nên phải sống một đời thiếu thốn, khốn khổ. Luôn mắc nợ áo cơm – và rượu – phải vẽ để trừ nợ, lang thang đây đó lôi thôi lếch thếch như dân bụi đời: “Tôi chẳng còn gì ngoài một tấm lòng và 2 bàn tay trắng”.
Nhưng vẫn kiên trì quan điểm sống và vẽ “vị nghệ thuật” triệt để, quyết liệt: “Nếu không vì nghệ thuật, rải tiền đầy đường tôi cũng dẫm lên mà đi. Nếu vì nghệ thuật, tôi sẵn sàng kiếm từng đồng xu để sống.”
Tính tình khó chịu nhiều khi thô lỗ, dữ dằn, nóng nảy nên phụ nữ khó gần khiến đời sống riêng cô đơn một thân một mình lủi thủi trên căn gác nhỏ 10m2 (hồi còn học ở Hà Nội có sống chung với một cô gái lai Pháp nhưng rồi chia tay, người tình bỏ về Pháp lâu rồi).
Mãi đến sau chiến tranh, năm 1978 vào TPHCM quen một cô gái Nam bộ kém đến 32 tuổi lấy làm vợ song không may cô này mắc bệnh tim kinh niên, ngay hôm đám cưới phải đưa vào viện cấp cứu! Chỉ một năm sau thì qua đời lúc mới 24 tuổi.
Thêm một vết thương lòng quá sâu không chịu nổi liền quay về Hà Nội nơi có nhiều bạn bè thân quen lâu ngày có thể giúp an ủi nỗi lòng. Cũng không muốn về quê (còn bà mẹ già) vì còn nỗi đau thân thế, sự nghiệp nữa: “Bây giờ nếu tôi về thăm họ hàng bà con hỏi chú đi làm Việt Minh, Việt Cộng bao nhiêu năm thế mà trên ngực chẳng có cái mề-đay nào không biết tôi nên trả lời sao? Tôi buồn lắm!”
Từ đó lại sống lây lất nốt quảng đời còn lại tìm quên trong men rượu, hễ có ai gợi lại nỗi đau đời thì chỉ còn biết khóc oà như trẻ con!
Năm 1987 sau lần triển lãm đầu tiên và duy nhất ở Hà Nội (1984), có lẽ như thấy trước sức tàn lực tận rồi muốn quay đầu về với quê nhà nên vào lại TPHCM ở một thời gian. Đến năm sau thì ra đi vĩnh viễn, cùng năm với hai trụ cột Dương Bích Liên và Bùi Xuân Phái (còn lại Nguyễn Tư Nghiêm nay đã 89 tuổi).

514 - Phan Thị Cúc
LÀNG KHÔNG CÓ ĐÀN ÔNG
Thường dân sinh tại Quảng Ngãi. Sống ở Quảng Ngãi (2007).
Đó là làng Gia Hội ở Quảng Ngãi gồm chỉ 51 hộ mà có đến 52 liệt sĩ thời chống Mỹ khiến sau 75 chỉ có 5 người đàn ông trở về từ chiến trường. Hiện làng chỉ có vài người đàn ông cũng đã già rồi, vì thế toàn làng có 66 phụ nữ không chồng.
Trường hợp nhân vật này thì có chồng đi tập kết để lại 3 con, một mình nuôi con trưởng thành rồi một đi du kích hy sinh, một chết bịnh, còn một con gái đi lấy chồng xa. Vì thế nay về già sống lủi thủi một mình một bóng vì chồng cũ đi tập kết đã… lấy vợ khác ở luôn ngoài Bắc rồi!

515 - Phan Thị Phong
“NGƯỜI ĐI DÉP MỘT CHÂN”
Thường dân sinh tại Quảng Nam. Sống ở Quảng Nam (2007).
Là nhân vật trong bài thơ mang tựa đề kể trên nổi tiếng thời chống Mỹ của nhà thơ Bùi Minh Quốc khi cô còn làm chiến sĩ giao bưu.
Dứt chiến tranh trở về thì chồng chờ đợi không được đã bỏ đi lấy vợ khác, cũng dễ hiểu thôi vì đây là người chồng chưa hề… gặp mặt bởi đám cưới do bố mẹ tự chọn giùm ở quê nhà mà cô dâu khi đó bận công tác cũng không về kịp dư lễ!. Vì thế nay đã lỡ thì đành ở vậy luôn, chỉ còn hoài niệm thời đẹp nhất con gái qua hình ảnh phôi pha trong một bài thơ.

516 - Phan Thị Quyên
“VỢ ANH TRỖI”
Cán bộ về hưu sinh 1944 tại Quảng Nam. Sống ở TPHCM (2010).
Nhân vật lịch sử vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi từng được tiểu thuyết hoá thành thần tượng trong thiên truyện “Sống như anh”.
Nhưng sau khi anh Trỗi bị chế độ cũ xử bắn năm 1964, được đưa vào chiến khu rồi… lấy chồng lại tại đây năm 1973! Người chồng mới cũng là một chiến sĩ đặc công từng dưới quyền cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tham gia trận đánh Mậu Thân ở Sài Gòn. Chính ông Kiệt là người mai mối cho đôi bên và có mặt dự lễ cuới trong chiến khu.
Ngày nay vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trong ngày giỗ anh Trỗi. Người chồng sau được mô tả luôn xem anh Trỗi như là “anh trai” và 2 con của họ cũng được dạy gọi anh Trỗi là “ba Trỗi”.

517 - Phan Thị Thu Hiền
BIẾT TRƯỚC CHỈ SỐNG 35 NĂM!
Sinh viên sinh 1984 tại Nghệ An. Sống ở Đà Nẵng (2010).
Nạn nhân CĐDC được bác sĩ đánh giá chịu nhiều tổn thương nội tạng nặng ở tim, phổi, dạ dày chỉ còn 13% cơ thể còn hoạt động được, từ đó khả năng không sống… quá tuổi 35! Đã vậy mới được 9 tháng tuổi thì cha mẹ lại ly hôn.
Biết được số kiếp mình như vậy nên khi lớn lên dù rất ham học song do nhà nghèo mẹ một mình phải nuôi con – lại lo tiền thuốc men chạy chữa cho con - nên sau khi tốt nghiệp trung học đã tình nguyện xin với mẹ nhường cho chị vào đại học trước vì “Con không biết mình có đủ sức khoẻ không để đi học đại học mà con chỉ có thể sống đến 35 tuổi thôi nên mẹ để chị đi học trước để sau này còn lo cho con cho mẹ.”
Vì thế mãi đến năm 2008 khi đã 25 tuổi mới thi đậu vào ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Và dù bệnh tật đầy người vẫn cố học giỏi luôn nằm trong Top 3 nhất lớp, hoàn thành cử nhân chỉ 3 năm thay vì 4 năm.
Vậy mà mãi đến năm 2008 mới nhận được tiền hỗ trợ nạn nhân CĐDC. Và tính từ nay – 2010 – thì nếu như bác sĩ nói đúng, cái chết như lưỡi đao treo lơ lửng trên đầu sẵn sàng chém xuống, cuộc sống của mình trên thế gian này chỉ còn… 9 năm nữa!

518 - Phan Thị Vân
NI CÔ HOÀN TỤC GIÚP ĐỜI
Doanh nhân sinh 1957 tại Bến Tre. Sống ở Bến Tre (2007).
Mồ côi mẹ từ năm 4 tuổi, đến năm 8 tuổi thì cha gửi 3 con lại cho người dì nuôi giùm ở Tiền Giang để mình theo quân giải phóng lên đường đánh Mỹ.
Bốn năm sau nghe tin cha hy sinh, người anh trai vội đi tìm đơn vị để hỏi thăm cũng mất tích luôn.
Còn lại mình và đứa em trai sống với dì bị bắt làm đủ thứ việc đồng áng lao lực đầu tắt mặt tối. Sống trong cảnh ghẻ lạnh của nhà dì dượng, đứa em chịu không nổi bỏ nhà ra đi bụi đời không tin tức từ đó. Riêng mình phận gái không biết bám víu vào đâu đành chấp nhận ở lại sống như kiếp tôi đòi.
Đến năm 17 tuổi, dì duợng mới tìm cách tống khứ đi bằng cách bắt gã lấy chồng sớm. Nhưng ở nhà chồng không được bao lâu cũng bị hất hủi rồi kiếm cớ đuổi đi! Không biết đi đâu mà cũng không muốn quay về nhà dì dượng nữa nên cuối cùng chọn… vào chùa đi tu.
Sau 75 một thời gian thấy cánh cửa xã hội rộng mở hơn đối với những người như mình nên xin phép trả lại áo ni cô để quay về quê Bến Tre hòa mình vào cuộc sống trần tục. Bắt đầu tự mưu sinh nhờ vào bài học từ cửa thiền: Nấu cơm chay gánh đi bán dạo. Dần dà phát triển lên thuê sạp chợ bán đồ chay rồi mở luôn tiệm bán đồ chay đàng hoàng, làm ăn ngày càng khấm khá.
Từ đó còn tiến thêm một bước nữa vào năm 2002 mua đất làm trang trại nuôi cá lóc, cá rô phi, ba ba và cả cá sấâu nữa. Thành công lớn nổi tiếng “Vân cá sấu”.
Khá giả rồi vẫn không quên một thời thơ dại bất hạnh mất cha mất anh lạc em nên thường xuyên góp tiền quỹ từ thiện giúp đỡ những mảnh đời không may như mình trước kia: “Đời mình nghèo nên thích giúp nguời khổ. Ngày trước cha, chú mình hy sinh thì nay mình có dư chút ít giúp người nghèo khổ như mình ngày xưa là thấy vui rồi.”

519 - Philip Roesler
BỘ TRƯỞNG ĐỨC
Bác sĩ người Đức gốc Việt sinh 1973 tại Sóc Trăng. Sống ở Đức (2010).
Vừa ra đời đã bị mẹ đem gửi cho một cơ sở trẻ mồ côi ở Sóc Trăng, sau đó được chuyển lên một cơ sở nuôi trẻ mồ côi do các bà xơ Thiên Chúa giáo phụ trách ở Sài Gòn. Đến lúc được 9 tháng tuổi được một cặp vợ chồng người Đức nhận làm con nuôi đưa về Đức (vợ chồng này trước đó đã có 2 con nhưng đều qua thụ tinh nhân tạo).
Năm lên 4 tuổi cha mẹ nuôi ly dị, riêng mình sống với cha nuôi vốn là một sĩ quan quân đội ở TP Hamburg. Lớn lên học ĐH Y tốt nghiệp bác sĩ.
Ra trường hành nghề song song với tham gia hoạt động chính trị từ năm 1992. Năm 2000 được bầu vàp Nghị viện bang Hạ Saxon, sau đó làm Bộ trưởng Kinh tế bang này. Và cuối năm 2009 được nữ Thủ tướng A. Merkel chọn làm Bộ trưởng Bộ Y tế để trở thành không chỉ là người gốc VN đầu tiên mà còn là người gốc Châu Á đầu tiên đảm nhiệm chức vụ chính quyền Đức cao cấp nhất. Được đánh giá là một “bác sĩ có tầm nhìn xa và thấu đáo.”
Năm 2003 lấy vợ người Đức cũng là một bác sĩ, năm 2008 có 2 con gái sinh đôi.
Chính ngươì vợ này vào năm 2006 đã nhắc chồng hãy cũng mình trở về thăm lại quê hương VN để lỡ sau này con cái có hỏi quê cha ở đâu thì biết mà trả lời. Nhưng do quá bận rộn công việc nên dự định đó chưa thực hiện được.

520 - Phùng Lệ Lý
MỘT CUỘC ĐỜI “TRỜI ĐẤT LỘN TÙNG PHÈO”
Nhà văn, nhà hoạt động xã hội Việt kiều Mỹ sinh 1949 tại Đà Nẵng. Sống ở Mỹ (2010).
Sinh ra ở quê nghèo sống đời lam lủ rồi gia đình do có dính líu đến cộng sản nên năm 15 tuổi bị bắt hành hạ (thậm chí có thể cả bị cưỡng hiếp nữa). Nhưng khi được thả ra lại bị cộng sản cho là kẻ phản bội chiêu hồi đầu hàng địch!
Hết đường sống mới theo mẹ bỏ vào Sài Gòn ở đợ cho một gia đình giàu có. Tuy nhiên cũng không được yên thân, chỉ một năm sau thì bị ông chủ làm cho mang bầu rồi thẳng cánh đuổi ra khỏi nhà.
Thế là đành cùng mẹ khăn gói trở về quê cũ Đà Nẵng. Lần này không dám về làng mà ở lại thành phố và dù bụng mang dạ chửa vẫn cố bám vào nghề chợ trời kiếm sống qua ngày, kể cả đôi khi phải bán cả ma túy thời đó bắt đầu theo chân lính Mỹ vào thị trường VN mà Đà Nẵng là một địa bàn tập trung quân Mỹ.
Sau khi sinh con, thấy không thể tiếp tục nghề cũ quá nguy hiểm (dễ bị bắt hoặc trở thành gái bán hoa luôn) nên bồng con tìm đường vào lại Sài Gòn, may mắn xin được làm chân y công tại một bệânh viện. Trong môi trường này có dịp gặp làm quen với nhiều người Mỹ làm công tác dân sự hỗ trợ y tế cho miền Nam. Từ đó năm 1969 kết hôn với một nhân viên Mỹ lớn gấp đôi tuổi sinh thêm một con nữa rồi năm 1970 theo chồng về Mỹ (mang theo con riêng).
Qua Mỹ được vài năm thì chồng bệnh qua đời năm 1973 khi mình mới 24 tuổi.
Một năm sau tái hôn sinh thêm đứa con thứ ba song gia đình không được hạnh phúc vì người chồng sau nghiện rượu có tâm thần bất ổn. Đôi bên đồng ý tiến hành thủ tục ly dị nhưng chưa xong thì ông chồng này được phát hiện… ngồi chết trong xe ô tô đậu ngoài sân một trường học!
Chồng chết có để lại một số tiền (nên nhớ vẫn chưa ly dị) nên dùng để kinh doanh bất động sản, chứng khoán cùng một số dịch vụ nhỏ khác. Đều thành công giúp mình trở nên khá giả.
Cuộc sống thoải mái rồi mới nhớ quê hương nên năm 1986 quay về thăm lại bà mẹ còn sống ở quê, lúc đó Mỹ vẫn chưa bỏ cấm vận VN nên phải nhờ người quen ở Liên Hợp Quốc giúp đỡ mới về được. Đến khi về mới tận mắt chứng kiến một VN thời hậu chiến còn quá nghèo nàn lạc hậu, người dân đói khổ cam chịu không biết kêu vào đâu.
Từ đó về lại Mỹ bỏ mọi công việc cũ để lao vào vận động, hoạt động giúp đỡ dân mình thoát nghèo: “Tất cả bây giờ chẳng còn ý nghĩa gì với tôi nữa. Làm sao còn tha thiết để lo cho cá nhân mình trong khi đất nước và người dân mình còn quá khốn khó? Lương tâm tôi thúc đẩy bằng mọi cách phải trở về giúp đồng bào.”
Bắt đầu bằng việc bán hết tài sản lấy tiền làm quỹ thành lập tổ chức từ thiện phi chính phủ Đông Tây Hội Ngộ nhằm hỗ trợ VN về mặt xã hội như xây trạm xá, làng trẻ mồ côi, giúp vốn cho dân nghèo…. Bản thân cũng nuôi 17 đứa con nuôi từ các trại tị nạn chiến tranh trên khắp thế giới.
Sau khi tổ chức này phát triển tốt rồi (với hơn 6.000 hội viên khắp thế giới), năm 1999 mới giao lại cho người khác điều hành để chuyển sang lập tổ chức từ thiện khác mang tên “Làng Toàn Cầu” tập trung vào hỗ trợ ngành giáo dục như xây trường học, lập tủ sách lưu động, dạy nghề, mổ tim cho học sinh nghèo, nạn nhân CĐDC…
Trong thời gian đó khi rảnh rỗi còn bắt tay vào viết lại hồi ký đời mình từ VN qua Mỹ – một “cuộc đời giong ruỗi đầy bi kịch” như tự nhận - mang tựa đề “Đất trời đảo lộn: Hành trình của một phụ nữ VN đi từ chiến tranh đến hòa bình” (When Heaven and Earth Changed Places: A Vietnamese Journey from War to Peace) in năm 1989 với bút danh Le Ly Hayslip lấy theo họ chồng sau. Dù mới học đến lớp 3 trường làng nhưng nhờ tự học từ lâu – từng bỏ 5 năm theo học một lớp triết học - nên vẫn viết được song suốt, thậm chí viết dễ nữa bởi bao kỷ niệm, tâm sự về cuộc đời truân chuyên máu thịt cứ đổ ra ào ạt lai láng dưới ngòi bút: “Suốt mấy mươi năm ở Mỹ tôi vẫn sống trong tâm trạng trời đất đảo lộn vì không thể nào quên được nơi mình chôn nhau cắt rốn… Khi sang Mỹ tôi sống như một cái xác không hồn, cảm thấy đời sống quá vô nghĩa…”
Tác phẩm gắn liền với cuộc chiến chưa phai mờ trong tâm trí người Mỹ cộng với văn phong “muốn gìn giữ cái chất quê mộc mạc của mình, một người nhà quê” nên nhanh chóng được chào đón, bán chạy nổi tiếng. Được dịch ra 17 thứ tiếng. Được đạo diễn nổi tiếng Mỹ O. Stone – chuyên gia làm phim truyện đề tài chiến tranh VN đoạt giải Oscar như “Đồi thịt băm”, “Sinh ngày 14.7” – chuyển thành bộ phim “Trời và Đất”. Cũng nhờ đó hai người trở thành bạn thân thiết.
Năm 1993 viết và xuất bản tiếp tập hồi ký thứ hai “Trẻ thơ thời chiến, phụ nữ thời bình” (Child of War, Woman of Peace) kể lại chặng đường đời từ Mỹ trở lại VN. Còn tham gia viết kịch bản và sản xuất phim tài liệu truyền hình từng đoạt giải Emmy cao quý nhất của truyền hình Mỹ.
Năm 2008 được O. Stone mời làm cố vấn trong dự án thực hiện một bộ phim về chiến tranh VN khác đề cập đến vụ thảm sát Mỹ Lai ở Quảng Ngãi năm 1966 đặt tên là “Làng Hồng” (Pinkville). Đã đưa Stone về tận Quảng Ngãi đi thực địa chọn cảnh song sau đó dự án này bị đình hoãn có lẽ do đề tài – dính líu đến một tội ác chiến tranh - vẫn còn quá “nhạy cảm” đối với dư luận Mỹ.
Đến nay đã về quê khoảng 100 lần với niềm hạnh phúc được “Go home” – “về nhà” - thực sự, nơi con trai út ảnh hưởng mẹ đã chọn làm quê hương thứ hai.
Con đường tìm lại quê hương nguồn cội đã giúp vượt qua nỗi ám ảnh đau buốt về một số phận đảo điên như “không còn trời đất gì nữa” bên cạnh niềm tin vào đạo Phật của truyền thống tâm linh người dân quê VN (từng trải qua 3 năm theo học ở thiền viện của thiền sư Nhất Hạnh tại Mỹ, đã xây một ngôi chùa ở San Diego để thờ cha mẹ, chồng...): “Những khi gặp khó khăn tôi đều luôn niệm Phật”.
(Còn tiếp)

CHÚC MỪNG SINH NHẬT VỢ 22.12



CHÁU NỘI VUA THÀNH THÁI CHẠY XE ÔM,BÁN VÉ SỐ - DUY NHÂN

Vua Thành Thái, hoàng phi Chí Lạc và hoàng tử Vĩnh Giu được thờ phụng trong nhà ông Nguyễn Phước Bảo Tài.( Ảnh: Người Lao Động)

Ở một nơi heo hút, trong căn nhà tranh vách lá có một vị hoàng thân. Tôi gặp Nguyễn Phước Bảo Tài khi ông đang ngồi ăn chung một dĩa cơm với vợ trong quán nhỏ đối diện chợ An Bình (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ).

Có lẽ, trong số những hậu duệ của vị vua yêu nước Thành Thái, người cháu nội Bảo Tài là nghèo khó nhất. Hằng ngày, ông phải chạy xe ôm, còn vợ đi bán vé số để mưu sinh.

Hoàng gia lưu lạc
Cách nay khoảng 6 năm, ông Bảo Tài cùng vợ là bà Nguyễn Bích Thủy rời ngôi nhà có đến 3 đời họ Nguyễn Phước cùng chung sống trong một con hẻm nhỏ trên đường Phan Đình Phùng (quận Ninh Kiều) về quê vợ ở xã Nhơn Nghĩa (Phong Điền, TP Cần Thơ) mượn đất cất nhà ở tạm đến giờ.
Căn nhà tranh vách lá của vị hoàng thân này rộng chừng 20 m², nằm khuất trong một xóm nghèo heo hút. Trong nhà không có gì đáng giá, ngoài một số kỷ vật của gia chủ. Trong đó, có cả cặp nạng gỗ mà Bảo Tài đã từng sử dụng khi ông bị tai nạn nghề nghiệp gãy chân hơn một năm trước.
Kệ thờ được chắp vá từ nhiều mảnh gỗ vụn đặt trang trọng hai bức ảnh vua Thành Thái lúc còn trên ngôi và khi bị đày ở đảo Réunion bên cạnh ảnh hoàng phi Chí Lạc, phía dưới là ảnh ông Nguyễn Phước Vĩnh Giu - một trong 9 người con của vua Thành Thái và hoàng phi Chí Lạc.
Theo một số tài liệu về dòng họ Nguyễn Phước ở Cần Thơ, sau khi trả tự do cho gia đình cựu hoàng Thành Thái trở về nước, chính quyền bảo hộ đã dùng nhiều thủ đoạn để chia cách mỗi người một phương. Năm 1949, hoàng tử Vĩnh Giu bị đưa xuống Cần Thơ để tham gia đội cầu đường thuộc Ty Giao thông Công chánh.
Năm 1951, ông kết hôn với bà Lý Ngọc Hóa, người quê gốc Cần Thơ và sinh được 7 người con, trong đó có Bảo Tài. Để có tiền nuôi con, ngoài giờ làm việc, hằng đêm ông Vĩnh Giu còn đi làm nhạc công cho các quán bar trong thành phố.
Chính quyền bảo hộ vẫn luôn tìm cách gây khó khăn nên các con ông không ai được học hành đến nơi đến chốn. Năm 1975, ông Vĩnh Giu thôi làm đốc công ở Ty Giao thông Công chánh, đưa gia đình về sống nương nhờ nhà mẹ vợ trong một con hẻm trên đường Phan Đình Phùng. Tại đây, ông Vĩnh Giu làm nghề sửa xe đạp để mưu sinh.
Vua Thành Thái, hoàng phi Chí Lạc và hoàng tử Vĩnh Giu được thờ phụng trong nhà ông Nguyễn Phước Bảo Tài.
Hoàng thân Bảo Tài hồi tưởng: "Trong nhà khi ấy, có đến gần 20 người nhưng chỉ anh hai Bảo Bồi là có việc làm ổn định, những người con trai còn lại đều chạy xe ôm hoặc làm thuê. Không có tiền mua xe, nhiều người phải thuê để chạy. Năm 2007, cha tôi mất, 2 năm sau thì anh Bảo Bồi cũng theo ông".
Đến nay, những người trong gia đình Nguyễn Phước ở Cần Thơ đã dần vượt qua được khó khăn nhờ con cháu họ lớn lên có việc làm ổn định, riêng ông Bảo Tài hằng ngày vẫn phải kiếm sống bên chiếc xe ôm. Chiếc xe tuy cũ nhưng là phương tiện mưu sinh duy nhất của ông. Đó cũng là quà tặng của người đi cùng đoàn với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong chuyến về thăm ông Vĩnh Giu cách nay hơn 5 năm.

Quan trọng mình là ai chứ không phải xuất thân như thế nào
Hoàng thân Bảo Tài sinh năm 1964, đến năm 2004 mới lấy vợ và sinh được bé gái Nguyễn Phước Thanh Tuyền. Thanh Tuyền nay 4 tuổi, có khuôn mặt thật đẹp nhưng bị bệnh tật từ khi mới lọt lòng. Bảo Tài nói đó là nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời ông. Giờ ông cũng không hiểu chính xác được căn bệnh của con mình,chỉ nghe bác sĩ bảo là suy não
Vợ chồng ông Nguyễn Phước Bảo Tài trên đường ra chợ chạy xe ôm và bán vé số.
Ảnh: Người Lao Động


Thanh Tuyền dường như thiếu khả năng tự tư duy và đi lại, thỉnh thoảng bé lại bị co giật, té ngửa. Ông Bảo Tài cho biết lúc chào đời, bé chỉ cân nặng 0,9 kg. Bác sĩ khuyên phải chăm sóc bằng chế độ dinh dưỡng đặc biệt mới hy vọng bé phát triển bình thường nhưng vợ chồng ông làm đầu tắt mặt tối mà chỉ đủ mua cho con được 4 hộp sữa giấy loại rẻ tiền. Có lần nghe người mách về một loại sữa bột bổ não gì đó, Bảo Tài cũng muốn cho con dùng thử nhưng khi đến tiệm, ông đành tiu nghỉu ra về vì không đủ tiền mua.
Bà Nguyễn Bích Thủy ôm Thanh Tuyền vào lòng, nghẹn ngào: "Bận đi làm nên chúng tôi phải gửi cháu cả ngày cho người dì giữ hộ. Cháu vẫn nhận thức được nhưng chậm, đôi khi muốn nói vài từ đơn giản cũng phải suy nghĩ hồi lâu mới cất tiếng được. Do không thể chơi đùa nên cháu chỉ thích ngồi xem tivi. Nhưng hơn tháng trước, cháu phát bệnh mà trong nhà không có tiền, nhìn đi nhìn lại chỉ còn chiếc tivi, chồng tôi đành mang đi cầm lấy 200.000 đồng để mua thuốc. Người ta biết hoàn cảnh mới đồng ý cầm chứ chiếc tivi ấy có bán cũng chẳng được giá đó".
Vợ chồng ông Nguyễn Phước Bảo Tài trên đường ra chợ chạy xe ôm và bán vé số.
Một lần nhìn con bị bệnh tật hành hạ, ông Bảo Tài không chịu nổi nên đã tìm đến Sở LĐ-TB-XH TP Cần Thơ xin được giúp đỡ. Sau đó, UBND xã Nhơn Nghĩa mời ông lên gặp và đề nghị gia đình chọn một trong 3 phương án: Đưa Thanh Tuyền đi tuyến trên điều trị, cho bác sĩ đến tận nhà chữa bệnh cho cháu hoặc trợ cấp tiền hằng tháng.
Cân nhắc thật kỹ, cuối cùng ông Bảo Tài đành chọn phương án nhận tiền trợ cấp để mua thêm thuốc men và sữa cho con nhưng chờ hoài mà vẫn không thấy đâu. Ông rầu rĩ: "Cách nay hơn một tháng, cán bộ xã đến nói vợ chồng tôi vẫn còn sức lao động, chưa đến mức khó khăn để phải giải quyết trợ cấp cho cháu. Tôi buồn lắm nhưng rồi cũng đành chịu thôi".
Tôi thật sự lấy làm lạ với thân thế Nguyễn Phước Bảo Tài, không chỉ do ông quá nghèo khó phải chạy xe ôm mưu sinh mà còn vì ít người biết đến người cháu nội của vua Thành Thái.
Thậm chí, khi về tận nơi Bảo Tài đang sinh sống, tôi hỏi thăm nhiều người mà vẫn không ai biết đến tên ông. Mãi đến khi tôi hỏi về "chồng của bà Nguyễn Bích Thủy", có người mới nhớ ra "ông già chạy xe ôm có khuôn mặt hơi đạo mạo" ấy. Bảo Tài kể có lần một tờ báo đăng tin ông là cháu nội vua Thành Thái, khi dừng xe bên lề đường đón khách, nhiều người qua lại nhìn ông lom lom dò xét rồi xầm xì: "Ông này mà có dính dáng tới vua chúa à? Cháu vua sao khổ dữ vậy?"...
Ông Bảo Tài chưa bao giờ nhắc chuyện thân thế hoàng tộc hoặc than vãn với ai về cuộc sống nghèo khó của mình. Bởi, ông nghĩ chính cha mình vốn là hoàng tử mà cả đời có bao giờ được sống trong giàu sang nhung lụa đâu? Thậm chí, cả vua Thành Thái cũng chấp nhận rời bỏ tòa lâu đài trên đảo Réunion để ra ngoài sống đời lao động.
Ông Bảo Tài tâm sự: "Tôi nghĩ điều quan trọng mình là ai chứ không phải xuất thân như thế nào. Tuy nhiên, trong thâm tâm, tôi tự hào về các bậc tiền nhân của mình và tự nhủ với lòng phải sống sao cho xứng đáng với họ. Cha cũng như ông nội tôi và bác là vua Duy Tân đều là những người bất khuất trước kẻ thù xâm lược và không màng danh lợi". Bảo Tài còn bộc bạch rằng có lẽ ông nghèo vì không bắt kịp thời cuộc nhưng lịch sử thì vẫn sẽ còn ghi mãi những cái tên Thành Thái, Duy Tân... Dứt câu chuyện, ông khoác vội chiếc áo gió cũ sờn rồi lên chiếc xe máy đã bạc phếch màu sơn hòa vào dòng người giữa phố thị.
DN
( NLĐ O)

NGỦ GIẤC DÀI BẰNG MỘT CÁI TIN - ĐÔNG HÀ

Buổi thèm ngủ T ủ bằng chăn
chăn giúp T khi mơ thấy anh không bị rớt ra ngoài
khoanh thành vùng ấm áp
o
Rồi ngoan như giấc mơ
đôi mắt khép
vòng tay khép
khép bình yên giấu bão trong lòng
T ngủ cho mình khỏi cuồng nộ về anh
o
Giờ thì anh đi đi
Đêm dẫu dài đến tiếng thứ bao nhiêu
T sẽ lấy cái tin đo cho bằng nỗi nhớ...
ĐH

EM LÊN THỀM MỖI BƯỚC MỖI TINH KHÔI - CAO THOẠI CHÂU

Tôi thấy em lên những bậc thềm
Em bước vào nhà của Chúa
Mỗi bậc thềm cứ mỗi cao hơn
Đàn bồ câu chờ em trên tháp

Buổi sáng này trời rét ngọt ngào
Em hong tóc cho đời thêm chút ấm
Nghe giọng nói dòn tan trong nắng
Mọi thứ gì cũng đáng yêu hơn

Em là nguồn những bài thơ chưa viết
Là thơ tôi trong cõi dấu yêu này
Em trải hồn tôi trên trang giấy
Lên thềm mỗi bước mỗi tinh khôi
19-12-2010

CTC

NƠI KHÔNG CÒN EM - HẠ NHIÊN THẢO


Anh còn giữ lại chi không
Đường xa em đến mưa dầm gót chân
Hương chiều thoáng nhẹ bâng khuâng
Cho em nhung nhớ bụi hồng chiêm bao
Lửa tình thắp sáng trong nhau
Mắt khuya xa vắng theo màu thời gian
Bên nhau nửa ánh trăng vàng
Gối tay ôm mộng ngỡ ngàng trong mơ...

HNT


KHÔNG HỀ CÓ ĐƯỢC - HOÀNG LỘC


khi đã hết những lời anh muốn nói
thở dài – nghe như một nỗi cam lòng
em cũng hết những gì cần trao gửi
tình cuối ngày không tránh nổi hoàng hôn

khi em biết những gì em chối bỏ
là khi đời ta đã chẳng còn nhau
khi em cứ nợ nần ai, muốn trả
là em đành lỗi hẹn với muôn sau

em sá kể những cảnh tình ly biệt
tưởng trăm năm vẫn tóc xoả vai mềm
nên cho dẫu cả đời anh đứng khóc
cũng không hề có được một-ngày-em
7-10
HL

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2010 (KỲ 50)


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

Nguyễn Thị Thứ
NGƯỜI MẸ VĨ ĐẠI
Nông dân sinh 1904 tại Quảng Nam – Mất 2010 ở Quảng Nam (ngày 10.12 - 107 tuổi).
Có chồng và 9 con cùng 1 cháu ngoại và 1 con rể đều là liệt sĩ (chồng và 3 con thời chống Pháp, 6 con thời chống Mỹ), được tôn vinh là Mẹ VN Anh hùng vĩ đại nhất (trong gần 10.000 Mẹ VN Anh hùng) cũng là người phụ nữ chịu tổn thất đau đớn nhiều nhất lịch sử VN. Người con duy nhất còn sống sót cuối cuộc chiến là một chiến sĩ biệt động thì cũng lại ngã xuống vào sáng 30.4.75!
Từ đó sống trong cảnh nhà neo đơn chẳng còn mấy ai thân thích do con cháu đều đã sớm bỏ mình ra đi. Bên cạnh chỉ còn người con gái trưởng năm nay đã 86 tuổi cũng là một Mẹ VN Anh hùng.
Khi còn khoẻ chiều chiều thường ngồi im lặng mắt trông ngóng mơ hồ về cõi xa xăm như chờ bóng dáng các con về. Nhiều khi nửa đêm ngồi bật dậy gọi con gái “Mấy đứa về cả rồi, con dọn cơm cho tụi nó ăn để còn đi.” Khi có ai vô tình động đến vết thương lòng, chỉ biết thốt lên “Đau lắm, đau lắm các con ơi!”
Đến 105 tuổi yếu hẳn không còn ngồi xe lăn được nữa chỉ còn ngồi dậy được trên giường trong căn phòng nhỏ mà nhìn ra trước mặt chung quanh đều đầy bàn thờ chồng và con cháu!
Được dùng làm hình mẫu đang xây dựng tượng đài Mẹ VN Anh hùng lớn nhất nước (cao 18m) đặt tại thị xã Tam Kỳ.

501 - Lam Phuơng
“TÔI ĐÃ LẦM ĐƯA EM SANG ĐÂY”
Nhạc sĩ Việt kiều Mỹ tên thật Lâm Đình Phùng sinh 1937 tại Rạch Giá. Sống ở Mỹ (2010).
Trước 75 là nhạc sĩ nổi tiếng một trong những “Vua bolero” âm nhạc bình dân với nhiều nhạc phẩm trữ tình trong sáng rộn rã, giai điệu ngọt ngào dễ hát: “Đoàn người lữ thứ”, “Nắng đẹp miền Nam”, “Nhạc rừng khuya”, “Khúc ca ngày mùa”, “Kiếp nghèo”, , “Duyên kiếp”... Có thời vào quân đội làm cho đoàn văn nghệ quân đội, đài phát thanh quân đội và viết một số bài “nhạc lính” ăn khách như “Tình anh lính chiến”.
Hợp với nữ diễn viên kịch nói Túy Hồng (đoàn Kim Cương) thành một cặp văn nghệ sĩ trai tài gái sắc (có 2 con gái).
Biến cố 30.4 theo tàu di tản ra nước ngoài, cập bến Hong Kong rồi qua Mỹ, qua Pháp, cuối cùng quay lại Mỹ từ 1995. Trên xứ người vẫn tiếp tục sáng tạc nhạc khá đều đặn.
Năm 1981 bị khủng hoảng tinh thần vì vợ chia tay (có thông tin cho là di tản một mình rồi mới bảo lãnh vợ qua sau) khiến viết liền một loạt ca khúc nhuốm mùi vị cay đắng đau buồn như “Tình vẫn chưa yên”, Một đời tan vỡ”… Đặc biệt là bài “Lầm” với những lời tự sự chua xót về cuộc tình của những phận đời lưu vong: “Tôi đã lầm đưa em sang đây/ Để đêm đêm nghe tiếng thở dài/ Tôi đã lầm đưa em sang đây/ Cho tâm hồn tan nát từng ngày/… Con tim nào không hay đổi thay Cuộc tình nào không lắm hận sầu…”
May là một thời gian sau gặp được người vợ mới biết thông cảm hơn, nhờ đó lại hồi sinh cuộc đời mới cho ra đời một loạt ca khúc khác yêu đời hơn gồm “Tình đẹp như mơ”, “Bài tango cho em”, “Từ ngày có em về…”
Nhưng rồi lại gặp tai ương nữa năm 1999 bị tai biến đột quỵ liệt nửa người, chạy chữa 5 năm mới tạm thuyên giảm…

502 - Lê Thị Hồng Thủy
BƠ VƠ TRÊN BIỂN CẢ
Công chức sinh 1963 tại Đà Nẵng. Sống ở Cà Mau (2010).
Tháng 3.1975 trong cuộc chiến giải phóng miền Nam lan đến miền Trung, mới 12 tuổi theo mẹ cùng 6 anh chị em (mình là con thứ tư) theo dòng người lánh nạn chiến tranh từ Đà Nẵng định theo tàu vào Sài Gòn (cha đi lính còn ởû lại Chu Lai sẽ vào sau).
Mẹ thuê ghe chở mình và các con ra tiếp cận tàu lớn còn đậu ngoài khơi nhưng giờ chót mẹ và 6 con đã lên tàu, còn lại mình trên ghe chưa kịp lên tàu thì nghe súng nổ dữ dội, chủ ghe sợ quá mới quay ghe lại còn tàu lớn nổ máy chạy ra xa. Bỏ lại đứa con gái mất dấu gia đình một mình còn lại trên ghe trước những người xa lạ, hốt hoảng không biết xoay xở thế nào!
Một thân một mình lạc loài như thế may sao cuối cùng được một ngưòi lính VNCH nhận làm con nuôi rồi theo một chiếc tàu quân đội khác chở vào Sài Gòn. Từ đó được người cha nuôi đưa về quê Cà Mau sống chung với vợ con mình, đặt tên Hồng Thủy thay cho tên cũ Lê Thị Trang.
Tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn, ngươì cha nuôi bị đi cải tạo, cả gia đình lâm vào cảnh khó khăn không biết có nuôi nổi đứa con nuôi lạ mặt hay không. Trời như đền bù cho số phận hẩm hiu của em là một cán bộ xã biết tình cảnh mới nhận nuôi giùm.
Được gia đình cha mẹ nuôi thứ hai này chăm sóc tử tế, cho ăn học lớn lên tìm việc làm ở huyện rồi gã chồng cho. Nhưng thỉnh thoảng đêm đêm vẫn gặp ác mộng, nằm mơ thấy cảnh lạc mẹ giữa trùng khơi bao la rồi thảng thốt tỉnh dậy thấy mình đầm đìa nước mắt.
Trong lúc đó ở quê nhà Đà Nẵng, cha mẹ đã nhiều lần đi tìm kiếm khắp nơi đều vô vọng. Sau khi dứt chiến tranh trở về, người cha từng bỏ ra cả tuần lễ đi bộ khắp thành phố dò tìm tin tức con với tấm bảng đeo tòng teng trước ngực “Tìm con”!
Mãi đến năm 2010 được người quen chỉ cho, ông mới đưa thông tin đó lên trang mạng của chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của VTV. Thông tin đó được một người hàng xóm của con mình đọc được mới báo lại cho mình giúp gặp lại cả gia đình sau 35 năm lạc mất nhau.

503 - Nguyễn Chấn Hùng
TRIẾT LÝ LỤC BÌNH
Bác sĩ sinh 1944 tại Long An. Sống ở TPHCM (2010).
Trước 75 tốt nghiệp ĐH Y khoa Sài Gòn trở thành giảng viên trường này trẻ nhất lúc 28 tuổi, đặc biệt chuyên ngành ung thư bấy giờ vẫn còn khá mới mẻ trong nước. Nhưng cùng lúc bị động viên mang lon trung úy quân y.
Sau 75 đương nhiên phải đi cải tạo khi con đầu lòng mới ra đời 4 tháng.
Nhưng may mắn do tình hình miền Nam nói chung và TPHCM sau giải phóng thiếu bác sĩ trầm trọng (đa số di tản) nên được thành phố can thiệp xin về sau mới 4 tháng học tập để đưa vào làm việc tiếp ở các bệnh viện. Từ đó nhờ tài năng chuyên môn cũng như sự cống hiến tận tụy cho nghề nên đã được lần lượt đề bạt giữ những chức vụ quan trọng ở Bệnh viện Bình Dân (trưởng khoa) rồi Bệnh viện Ung bướu TP (Giám đốc). Trở thành một lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành ung thư có công phát triển chuyên ngành này trong cả nước.
Tự xem như mình từng là một học trò của cố học giả Nguyễn Hiến Lê nên nghe theo lời chỉ bảo trước đây của thầy, còn tham gia viết sách viết báo phổ biến kiến thức y học cho quảng đại quần chúng.
Và cả quan niệm sống cũng chịu ảnh hưởng thầy qua sự tiếp cận cảm thụ triết lý Đông phương dùng nó để hóa giải bao trắc trở gian nan số phận oái oăm cay đắng trong cuộc đời từng trải như đạo Lão Trang đã dạy “Con bướm thì vui phận bướm, làm người thì vui phận người”.
Bởi vậy đã ví cuộc đời mình như cây lục bình trôi sông: “Lục bình vừa trôi vừa trổ bông, rể ngắn không đòi nhiều phù sa mà vẫn sống. Trôi theo dòng chảy, không ngược dòng chảy được đâu. Trôi trên dòng chịu bao nắng mưa, chịu khó khăn dãi dầu mà vẫn phát triển trổ bông. Lục bình miên man ra hoa đâu cần đòi hỏi điều kiện lớn lao. Như một người không đòi hỏi gì nhiều mà vẫn có kết quả dâng hiến cho đời.”
Triết lý lục bình đó đi vào đời mình tựa một dòng chảy tự nhiên như trời đất: “Tôi không “ở lại” như ngươì ta vẫn thường quen nói mà là tôi ở đây. Đất mình người mình, bạn bè gia đình mình. Không phải tôi không có lúc chao đảo. Chuyện xã hội bình thường xáo động mà nhưng tôi có nhiều việc để làm…”

504 - Nguyễn Đức Quý
“NGHỆ SĨ VÉ SỐ”
Lao động nghèo sinh 1962 tại Quảng Nam. Sống ở Huế (2010).
Thủa nhỏ ở quê vào núi đi kiếm củi không may đạp phải mìn khiến một tay cụt hẳn còn tay kia bị cụt hết các ngón tay.
Lớn lên đành chọn nghề đi bán vé số dạo kiếm sống, lang thang từ Nam ra Bắc.
Trong một lần hành nghề ở Nghệ An gặp được một cô gái nghèo đem lòng thương cảm lấy làm chồng. Hai vợ chồng sinh được một con rồi để vợ con ở lại làng quê còn mình tiếp tục bôn ba trên dặm đường bán vé số nay đây mai đó dành dụm tiền hàng tháng gửi về nuôi con.
Vốn trong người có máu văn nghệ ham đàn hát (biết đánh guitar, thổi sáo) nên trên đường thiên lý bán vé số dạo khi có dịp ghé đến đất Huế đã gắn bó luôn với mảnh đất cố đô bởi chất thơ ca lãng mạn nơi con người và phong cảnh nơi đây rất hợp với cái tạng của mình. Từ đó “sáng tạo” ra một phong cách bán vé số khác người: Biểu diễn thổi sáo minh họa cho màn mời mua vé số! Được mọi người hết sức tán thưởng giúp cho bán vé số ăn khách, khoảng 200 vé mỗi ngày là một kỷ lục của làng bán vé số dạo xứ Huế.
Đầy tự hào về nghề bán vé số của mình: “Đi bán vé số cũng phải ăn mặc sạch sẽ, lịch sự. Bây giờ ai cũng phải cố gắng làm giàu cho đất nước, mình bán vé số tự nuôi mình cũng là phần mình đóng góp vậy.”
Không chỉ thế, buổi tối về nhà trọ còn dạy chữ cho trẻ em nghèo trong xóm. Ngoài ra còn tham gia hội thi thể thao người khuyết tật trong tỉnh Thừa Thiên – Huế môn bơi lội, được cử đi thi đấu đại hội toàn quốc đoạt HCĐ năm 2002.

505 - Phan Nhật Nam
TÁC GIẢ “MÙA HÈ ĐỎ LỬA” CHỨNG KIẾN… TẮT LỬA!
Nhà báo, nhà văn Việt kiều sinh 1943 tại Huế. Sống ở Mỹ (2010).
Mới sinh ra cha đã thoát ly đi kháng chiến chống Pháp rồi ở lại miền Bắc, mẹ một mình ở Huế nuôi 2 con (còn một em gái).
Lớn lên cùng mẹ vào Sài Gòn. Vào trường Võ bị quốc gia Đà Lạt, tốt nghiệp về Sư đoàn Dù rồi nhờ nghề viết văn viết báo trở thành phóng viên quân đội VNCH chuyên viết phóng sự chiến trường nổi tiếng qua tác phẩm ký sự “Mùa hè đỏ lửa” viết về trận chiến Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Sau đó được cử vào phái đoàn chế độ Sài Gòn tham gia hòa đàm 4 bên – cùng Mỹ, chế độ miền Bắc và Mặt trận Giải phóng miền Nam – nhân đó có chuyến đi “làm việc” tại Hà Nội.
Sau 75 đi cải tạo 14 năm, được người cha nay là sĩ quan bộ đội vào trại thăm và đề nghị làm giấy bảo lãnh nhưng đã thẳng tay… cự tuyệt không gặp và không chấp nhận được bảo lãnh!
Ra trại một thời gian thì đi Mỹ diện H.O năm 1993.
Bản thân mang lý tưởng đầy nhiệt huyết muốn xây dựng chế độ Sài Gòn – trong đó có quân đội VNCH - thật tốt đẹp để chiến đấu cho mục tiêu tự do dân chủ trái ngược với chế độ cộng sản miền Bắc, điều thể hiện trong các tác phẩm trước 75 đầy chất “lửa” thực tế và chân tình thiết tha cuốn hút người đọc. Qua Mỹ tiếp tục dòng văn đó với một số tác phẩm mới, tất cả đều hướng về đề tài hoài niệm cuộc chiến vừa qua, có tác phẩm gây tiếng vang như “Những chuyện cần được kể lại” được dịch ra tiếng Anh năm 2002. Song song đó vẫn có mơ ước “khôi phục” một ngày nào đó, nhất là đối với thần tượng “Quân lực VNCH” một thời.
Nhưng thực tế đời lưu vong đã sớm cho thấy ấy là chuyện bất khả vì nhiều lý do trong đó có lý do nội bộ chia rẽ giữa các lực lượng hải ngoại chống Cộng nên từng lên tiếng cảnh báo: “Chúng ta sẽ mãi mãi là những “Người Việt cay đắng xấu xí” trước mắt thế giới, là lỗi tự chúng ta cứ cáo buộc, tranh chấp nhau, bức hại anh em, tự tay phá hủy vũ khí đoàn kết…”
Mặt khác, vẫn chống Cộng nhưng dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật “Chúng ta là những người lính không còn quân kỳ, quốc kỳ”.
Bởi vậy đã bị một số phe phái chống Cộng cực đoan – có cả cựu sĩ quan Đà Lạt cùng khóa - tố là… “Việt cộng nằm vùng” (có lẽ dựa vào ông bố là sĩ quan Việt cộng) dám “phủ nhận quốc kỳ”!
Nhưng vẫn giữ vững quan điểm “chống Cộng không mù quáng” – “chống Cộng nghiêm túc” - chấp nhận sự thật lịch sử để tìm ra một hướng đi thực tiễn như sự nhìn nhận lại di sản cuộc chiến vừa qua mà mình là một nhân chứng thuyết phục: “Chúng tôi hiểu hơn ai hết rằng người lính miền Bắc và chúng tôi là nạn nhân của một tai họa vô lường của cái gọi là chiến tranh VN.”

506 - Phan Sĩ Liệp
ÁM ẢNH BOM
Bệnh nhân tâm thần sinh 1957 tại Quảng Ngãi. Sống ở Quảng Ngãi (2009).
Hồi nhỏ sống ở làng quê nằm trong vùng chiến sự thường xuyên hứng bom đạn nên tuy học hành rất khá song không có điều kiện phát triển.
Sau 75 mới theo một ông chú vào TPHCM hy vọng học nghề kiếm được việc làm nuôi thân. Nhưng không hiểu sao ở chốn thành thị không hợp lại thay đổi tâm tính có dấu hiệu tâm lý bất thường hay bỏ nhà đi lang thang không về. Vì vậy năm 1978 phải đem về trả lại cha mẹ ở quê.
Nhưng về quê rồi, tâm thần tiếp tục bất ổn nặng hơn trở thành như người khùng khùng suốt ngày cứ đi lang thang vào rừng tìm moi… bom bi, lưụ đạn (vùng này còn sót lại rất nhiều) mang về nhà… đập ra lấy thuốc nổ không hiểu để làm gì! Gia đình sợ quá đưa vào bệnh viện tâm thần Biên Hòa chữa trị một thời gian không thuyên giảm được chút nào, sau cha mẹ thấy tội nghiệp không đành lòng xin cho ra đem về quê lại.
Thế rồi ở quê vẫn chứng nào tật đó tiếp tục “chơi” tay không với bom đạn. Quá nguy hiểm khiến ai cũng can ngăn mà không được, nhất là sau khi cha mẹ già yếu đã qua đời, chỉ còn lại người em trai lo nuôi dưỡng. Mà người em còn phải lo cho vợ con nữa nên cuối cùng sợ gây tai họa bom nổ nên đành chọ giải pháp… nhốt anh lại! Nhốt trong một căn phòng rộng 6m2 xây cách ly ở sau vườn trải chiếc chiếu rách xuống nền mà nằm, thậm chí còn cột một dây xích to trên cổ khoá lại!
Người anh điên đã bị “cầm tù” như thế suốt 27 năm qua, suốt ngày đối diện với 4 bức tường hắc ám trên đó tự mình đã lấy gạch vẽ, viết nguệch ngoạc toàn những hình ảnh, dòng chữ về… bom hạt nhân, bom nguyên tử!
Điạ phương có biết chuyện này nhưng chịu chết bó tay, chỉ cố hỗ trợ được mỗi tháng 180.000 đồng cho ăn uống sống cầm chừng mà thôi.

507 - Phan Thanh Thúy
CON NUÔI HƯỞNG GIA TÀI MỸ NỬA TRIỆU ĐÔ
Doanh nhân Việt kiều sinh 1965 tại Cần Thơ. Sống ở Mỹ (2010).
Gia đình miền Bắc di cư 54 vào Nam sống ở Cần Thơ.
Khi biến cố 30.4.75 sắp xảy ra được một phụ nữ Mỹ nhận làm con nuôi đưa qua Mỹ. Tại đây được nuôi nấng tử tế, lớn lên làm ăn kinh doanh khá thành công.
Năm 1990 lấy chồng cũng là một người gốc miền Bắc vượt biên năm 1980, sinh 2 con gái. Ba tháng sau thì bà mẹ nuôi người Mỹ qua đời để lại cho mình một phần tài sản trị giá nửa triệu USD. Từ số vốn đó tiếp tục khuếch trương công việc kinh doanh phát đạt mở thêm 2 tiệm làm móng và 3 nhà hàng bán món Việt.
Đến thời VN đổi mới mở cửa mới tính chuyện về VN làm ăn và giao cho chồng chuyện đó, còn mình làm hậu phương lo nhà hàng chi viện từ Mỹ. Ông chồng về VN được sự phụ giúp của nhà vợ ở Cần Thơ phát triển công việc xem ra thuận lợi nên vợ bán 2 tiệm làm móng cùng 1 nhà hàng để đưa thêm tiền cho chồng đầu tư vào VN.
Công việc đang tiến hành có vẻ xuôi chèo mát mái thì tin sét đánh đến Mỹ rằng chồng ở VN đã… có vợ bé!
Lập tức bí mật đáp máy bay bay liền 18 tiếng đồng hồ về VN nhằm kiểm tra đột xuất chồng. Đến nơi đang đêm đi thẳng vào phòng khách sạn bắt quả tang tại trận chồng cặp bồ nhí không ai xa lại chính là… cô em út của mình từ Cần Thơ lên!
Thế là kế hoạch đánh ghen không thành, đành lủi thủi ra sân bay về Mỹ chỉ sau chưa đầy 1 ngày trở lại quê hương. Và chắc chẳng bao giờ quay lại nữa.

508 - Phan Thế Long
YÊN NGHỈ TRONG NGHĨA TRANG QUỐC GIA MỸ
Cựu sĩ quan VNCH sinh khoảng 1933 tại VN – Mất 1966 ở miền Nam (trên 30 tuổi).
Quân nhân chế độ cũ nhưng biên chế Lực lượng Đặc biệt Mỹ lái trực thăng bị bắn rơi mất tích ở vùng biên giới Việt – Lào năm 1966. Sau 75 vợ ôm đàn con 6 đứa qua Mỹ.
Năm 2000 xác được đoàn tìm kiếm hài cốt lính Mỹ phối hợp giữa VN – Mỹ tìm thấy, được phía Mỹ mang về nước năm 2003. Do lúc tử trận quân số thuộc Lực lượng Đặc biệt của Mỹ nên đã được an táng tại Nghĩa trang quốc gia Arlington của Mỹ theo nghi thức quân đội trang trọng trước sự chứng kiến của vợ con đầy đủ.

509 - Phan Thị Bích Hằng
NHÀ NGOẠI CẢM SỐ 1
Công chức sinh 1971 tại Ninh Bình. Sống ở Ninh Bình (2010).
Bố là bộ đội thời đánh Mỹ. Năm 17 tuổi bị chó dại cắn vào chân sinh bệnh hôn mê bất tỉnh, không ai chữa được tưởng sẽ chết (cô bạn cùng đi cũng bị chó cắn đã chết trước đó) thì bất ngờ vẫn sống dậy sau khi trải qua một trạng thái “xuất hồn” đi lang thang như lac vào một thế giới khác nơi mình gặp lại hình ảnh những người thân quen… đã chết. Từ đó phát sinh một năng lực “thần bí” kỳ lạ là nhìn mặt người có thể “nhìn thấy” đoán biết sắp chết hay chưa!ï
Vì thế bị xem là một kẻ “ma ám” có thể “thấy” cả linh hồn người đã khuất bóng. Không ngờ khả năng kỳ dị đó đã tạo cho mình một công đức vô lượng là giúp người khác – từ Bộ Văn hóa - Thông tin đến đơn vị quân đội, cả một vị nguyên phó thủ tướng – đi truy tìm dấu vết vô số hài cốt thấùt lạc của bộ đội, dân quân bỏ mình trên chiến địa trong cuộc chiến vừa qua.
Từ năm 1996 đến 2007 đã giúp tìm dược 5.567 bộ hài cốt liệt sĩ quy tập về nghĩa trang, xác định khoảng 4.000 mộ vô danh, chỉ có 17 trường hợp không thành công. Giúp truy tìm khắp các địa phương, thậm chí còn hướng dẫn tìm mộ cho người ở nước ngoài qua điện thoại!
Giới chuyên môn khoa học buộc phải thừa nhận khả năng “thẩm thấu tâm linh”, năng lực “nghe và thấy vô hình”“ khó giải thích nổi đó nên bắt đầu quan tâm nghiên cứu ngành khoa học mới Ngoại cảm.
Ngoài đời vẫn sống như mọi người, tốt nghiệp đại học loại giỏi, có chồng con sinh hoạt bình thường.
Tự giải thích về khả năng “thần linh cách cảm” của mình: “Muốn tìm được hài cốt cần cái tâm chân thành tha thiết không nửa vời của người thân trong gia đình người mất và nhà ngoại cảm thì kết quả tìm kiếm sẽ nhanh hơn… Muốn người chết siêu thoát hay không phải xuất phát từ cái tâm chân thành tha thiết của người sống bằng cách sống và làm nhiều việc tốt giúp ích cho người. Từ phước báu đó chia sẻ cho người chết thì sẽ đẩy nhanh thời gian siêu thoát…”

510 - Phan Thị Biển Khơi
BẢN “DI CHÚC” TỪ DƯỚI MỘ
Cán bộ về hưu sinh khoảng 1946 tại Quảng Bình. Sống ở Quảng Bình (2006).
Tình nguyện đi thanh niên xung phong được biệt phái vào làm việc ở đơn vị bộ đội đang chiến đấu tại Quảng Trị.
Tại đây gặp ngưòi yêu là một chiến sĩ người Nghệ An. Do hoàn cảnh chiến trường, cả 2 được đơn vị tổ chức cho một lễ cưới qua loa ít ai biết và chú rể cũng chưa kịp báo về quê cho bố mẹ hay vì đường xa cách trở lại gặp lúc chiến trường nóng bỏng chuẩn bị mở màn trận chiến khốc liệt “Mùa hè đỏ lửa” 1972.
Sau lễ cưới, cô dâu mắc bệnh sốt rét nên được cho về lại Quảng Bình làm công tác hành chính ở ủy ban trong lúc chú rể về thăm nhà vợ xong phải vội quay lại mặt trận Quảng Trị bước vào trận chiến Thành cổ 82 ngày đêm máu lửa khốc liệt. Và hy sinh mất xác sau khi biết tin vợ mình đã sinh con trai.
Nhận tin chồng tử trận, vợ ôm con tìm về quê chồng xứ Nghệ kể lể sự tình xin được nhà chồng nhận con dâu và cháu trai nhưng bà mẹ chồng từ chối bởi cho đến lúc đó người con trai vẫn chưa báo tin gì về chuyện mình đã có vợ có con! Dù tên đứa cháu Lê Quảng An do ngưòi chồng đặt là có ý ghép tên quê hương hai vợ chồng (Quảng là Quảng Bình, An là Nghệ An).
Người quả phụ đành ngậm ngùi ôm con trở về quê ngoại, từ nay một thân một mình phải lo bươn chải nuôi con mồ côi cha lẫn mồ côi họ nội. Mà cũng không được hưởng chế độ vợ liệt sĩ do chồng được liệt vào diện mất tích.
Mãi đến năm 2005 - 33 năm sau - trong một đợt tìm kiếm khai quật hài cốt bộ đội hy sinh ở Thành cổ mới phát hiện trong đó có hài cốt của người chồng kèm theo một số di vật là sổ nhật ký, kỷ vật cùng thư của người vợ gửi cho chồng, thư của chồng cho vợ chưa kịp gửi và đặc biệt là lá thư gửi bố mẹ thông báo mình đã lấy vợ sinh con.
Bấy giờ ấy mới là bằng chứng hai năm rõ mười để nhà chồng vội vã tìm vào nhận con dâu, nhận cháu suýt nữa thì thành ra người dưng nước lã nhờ một bản “di chúc” đến muộn từ cõi bên kia.
(Còn tiếp)

CHƯA ĐẦY ĐỦ VÀ THIẾU TRUNG THỰC - BÙI NGỌC LONG

Phản hồi của TT Bảo tồn di tích cố đô Huế về "Những dự án lãng phí bạc tỉ":
Chưa đầy đủ và thiếu trung thực
Ảnh: B.N.L
Bến lăng Gia Long trên sông Hương ngay sau khi xây dựng đã bị xé toạc cuốn trôi đến nay vẫn chưa khắc phục. Hiện trường công trình cho thấy công trình không được sử dụng -

Báo Thanh Niên số ra ngày 5.12, có bài Phục dựng, trùng tu lễ hội, di tích ở cố đô Huế: Những dự án lãng phí bạc tỉ. Sau khi báo đăng, Thanh Niên đã nhận được công văn phản hồi của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (TTBTDTCĐ).

Trong công văn, Giám đốc TTBTDTCĐ Phùng Phu cho rằng sự đánh giá của tác giả bài viết là “hoàn toàn thiếu cơ sở thực tế và thiếu tinh thần xây dựng”. Từ đó đề nghị Báo Thanh Niên tiến hành kiểm tra lại nội dung bài viết cũng như động cơ của tác giả, đồng thời cho đăng tải nguyên văn những ý kiến phản hồi. Sau khi nghiên cứu nội dung phản hồi, Báo Thanh Niên nhận thấy cần tiếp tục trở lại vấn đề này để bạn đọc có thêm thông tin.
Đối với việc đầu tư “thuyền cung đình Long Quang”, công văn cho biết: “Ngay sau khi hạ thủy và đưa về Huế, thuyền Long Quang đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm nên thành công của lễ hội Huyền thoại sông Hương trong Festival Huế 2008”. Và để chứng minh hiệu quả đầu tư, công văn đã viện dẫn số liệu: “Từ cuối năm 2008 đến nay đã có hơn 80 lượt đoàn khách quan trọng trong và ngoài nước đã được mời chiêu đãi và phục vụ biểu diễn nghệ thuật trên thuyền... Công tác lễ tân trên thuyền Long Quang cùng chuyến du ngoạn trên sông Hương luôn tạo được ấn tượng rất tốt đẹp đối với các đoàn khách quốc tế, trong nước”. Dù đưa ra con số về nguồn thu từ các dịch vụ trên thuyền trong 2 năm vừa qua đạt 869.200.000 đồng, tuy vậy, công văn này cũng đã thừa nhận việc phát huy hiệu quả thuyền là “chưa thực sự thành công”.

Vì sao voi chết?

Về việc mua voi từ Tây Nguyên, công văn phản hồi thông tin: “Đầu năm 2004, theo chủ trương bằng văn bản của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, TTBTDTCĐ Huế (gọi tắt là Trung tâm) đã tiếp xúc, đàm phán và mua thành công 4 chú voi từ tỉnh Đắk Lắk về với mục đích nuôi dưỡng lâu dài, phục vụ cho các kỳ Festival Huế và phát triển dịch vụ du lịch, mà trước hết là phục vụ cho Festival 2004. Bốn chú voi (Thong Rang, Y Trang, Y Then và Y Khun) đã được mua với giá 362 triệu đồng và đưa về Huế an toàn. Tuy nhiên, việc chăm sóc voi đã gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm và sự khác biệt về môi trường sống giữa Tây Nguyên và Huế. Con voi cái Y Khun (30 tuổi) do được bắt và thuần dưỡng trong môi trường bán hoang dã, khi đưa về Huế đã không thích ứng được với môi trường mới nên đã mắc bệnh và chết ngày 18.4.2004. Sự việc voi đực Y Trang (30 tuổi) bị ốm chết do nuốt phải dị vật là điều hết sức đáng tiếc. Mặc dù Trung tâm đã nỗ lực hết sức mời cả bác sĩ thú y của Chi cục Thú y tỉnh, bác sĩ thú y của Thái Lan và chuyên gia tư vấn về động vật học của Mỹ tham gia chẩn đoán, cứu chữa, nhưng không thành công. Đây là sự việc xảy ra ngoài dự kiến”.
Như vậy, việc voi chết như Thanh Niên đã nêu là có thật và hoàn toàn chính xác. Mặt khác, nguồn thu từ “dịch vụ voi” trong 5 năm qua đạt 1.006.110.000 đồng thì liệu có thể coi là “phát huy hiệu quả đầu tư” hay không, trong khi tổng số tiền đã đầu tư bao gồm chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, chuồng trại, đào tạo và trả lương cho đội ngũ quản tượng... từ năm 2004 đến nay là bao nhiêu vẫn chưa được làm rõ

Một đoạn của con đường vào lăng um tùm cỏ mọc và hoang phế -

Ảnh: B.N.L
Thiếu trung thực và mâu thuẫn
Về thiệt hại ở hạng mục hạ tầng lăng Gia Long, như Báo Thanh Niên đã nêu, công văn phản hồi chỉ thừa nhận “cơn bão lớn Xangsane đổ bộ vào miền Trung trong hai ngày 1-2.10.2006 gây ra lũ quét trên sông Hương đã gây sạt lở nhiều đoạn mái taluy 2 bên suối Kim Ngọc (suối dài 1.670m, diện tích mặt nước 31.550m2, khi nạo vét và tôn tạo chỉ phục hồi hình thức tự nhiên, gia cố cọc tre, trồng cỏ hai bên bờ), cuốn trôi toàn bộ đất đá và bờ kè 2 bên Bến Lăng” và xác định “mức thiệt hại là 304 triệu đồng (biên bản xác lập ngày 14.10.2006)”. Còn lại các hạng mục khác đơn vị này cho rằng đã phát huy hiệu quả.
Trong khi đó, biên bản kiểm tra hiện trường (ngày 4.10.2006) và biên bản giám định tổn thất (ngày 14.10.2006) giữa chủ đầu tư, đơn vị thi công, giám sát và đơn vị bảo hiểm công trình mà Thanh Niên có được, cho thấy giá trị xây lắp của công trình hạ tầng kỹ thuật lăng Thiên Thọ (tức lăng Gia Long) là 14.882.487.000 đồng, khởi công ngày 29.3.2004, kết thúc ngày 29.3.2006. Trong đó, biên bản giám định thiệt hại nêu rõ: với hạng mục suối Kim Ngọc, đã sạt lở ở 11 vị trí với tổng khối lượng ước tính 968 m3, chiều dài 150m (tuyến trái) và 140m (tuyến phải); Với hạng mục bến lăng trên sông Hương: đất xói trôi: chiều dài 19m, cao 7m, rộng 9m, khối lượng cuốn trôi 1.200m3; đá hộc xây: Toàn bộ phần xây kè hai bến lăng đã bị nứt, sạt một lượng đá nhỏ đã bị trôi, còn lại bị xô dồn ngay tại chân bến với khối lượng khoảng 100m3; đá thanh bậc (bậc cấp lên xuống) đã bị trôi 16 viên (tương ứng 4,8m2); Đối với hạng mục tuyến đường A (đường bê tông màu giả đất): Đất xói trôi dài 34m, rộng 4,5m, cao 4m với khối lượng 600m3; Đường bê tông giả đất bị bung sạt 153m2; Hạng mục cửa ra: Bị xói trôi và vùi lấp hố ga, cống F400 (30 ống, hai bên) 60m - cống này có thể tái sử dụng được; Hạng mực điện chiếu sáng: dây cáp bị đứt 3x10x1x6 = 12m2 (đã bị mất).
Ngoài ra, trong khi công văn phản hồi cho rằng dự án đã phát huy hiệu quả và giúp cải thiện đời sống người dân địa phương, thì ông Mai Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Hương Thọ (H.Hương Trà) lại cho biết: “Chỉ có con đường vào lăng, đúng là có giúp người dân đi lại thuận tiện. Còn lại các hạng mục khác như bến thuyền, bến xe làm thì làm cho có chứ có hiệu quả gì đâu, vì bến thuyền thì hư hỏng mà sông lại cạn, thuyền không vào được, bến xe thì xe đâu mà đỗ, vì đường chưa thông”.
Ông Xuân cho biết thêm: “Khi dự án triển khai, gần 20 hộ dân thôn Kim Ngọc, Định Môn phải giao đất, cây trồng, hiện vật trên đất cho đơn vị thi công thực hiện dự án. Riêng tiền bồi thường cho người dân cũng đã hơn 1 tỉ đồng. Thế nhưng, từ năm 2006 đến nay công trình bị hư hỏng mà không thấy sửa chữa khắc phục. Hạng mục suối Kim Ngọc sau khi nạo vét cũng làm trở ngại việc đi lại, sản xuất của người dân hai thôn Định Môn và Kim Ngọc. Nhiều lần người dân phản ánh, cử tri cũng kiến nghị nên xã có tờ trình xin xây dựng một chiếc cầu cho dân đi lại, nhưng chẳng thấy phía dự án trả lời”.
Hiện trường của các công trình này tại thời điểm hiện nay cho thấy, các hạng mục thiệt hại vẫn chưa được khắc phục. Trong đó, 3 hạng mục lớn là bãi đỗ xe, suối Kim Ngọc và bến lăng Gia Long (trên sông Hương) ngay sau khi hoàn thành đã bị hư hỏng và không sử dụng được, trở thành một công trình nhếch nhác, hoang phế. Thế nhưng, công văn phản hồi vẫn cho rằng dự án “đã phát huy hiệu quả”.

Bùi Ngọc Long
(TNO)

VAY TÌNH - TRẰN DZẠ LỮ

Cuối năm cố gắng vay tình
Vay em một chút mắt nhìn dao cau
Vay lòng hương bưởi hương ngâu
Vay em điệu lý qua cầu thương yêu
Vay vai sông nhớ nghiêng chiều
Vay đêm mộng mị xanh liêu trai người...
Vay tình - thắp nến yên vui
Một mai cay đắng, lui thui cũng đành
TDL

BIỂN NGÀY TRỞ LẠI - NGUYỄN THỊ ÁNH HUỲNH


Ngày về se hạt cát vàng
Thấy chiều nghiêng biển lấn sang chân trời
Lâu đài huyễn hoặc chìm rồi
Trùng dương rộng vẫn hẹp nơi trú nhờ

Xóa mình
Sóng xóa cả thơ
Chữ mười năm viết thành tờ giấy không
Nỗi người cũng hóa mênh mông
Xin cho ta với biển gồng gánh nhau

Mới sinh biển đã bạc đầu
Thì thôi muối xót
Ngày sau
Sẽ lành!

NTAH



CHỦ NHẬT - NGUYỄN MIÊN THẢO

Biết rằng em chỉ đãi bôi
Mà sao lòng cứ bồi hồi , lạ chưa
Khi thì nắng,lúc lại mưa
Anh làm sao biết cho vừa lòng em
Thôi thì cứ nhớ để quên
Cứ yêu nhau để buồn tênh một mình
NMT

SỰ BIẾN DANG CỦA LƯƠNG TRI HAY LÀ HÀNH ĐỘNG CỦA NHỮNG KẺ BẤT LƯƠNG - NGUYỄN MIÊN THẢO

Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 11.12/2010,trong chuyên mục Thời sự & suy nghĩ ,tác giả Lê Thúy Hằng qua bài báo “ Sự biến dạng của lương tri “ đã mạnh dạng phê phán những kẻ lợi dụng các cuộc cứu trợ bão lụt,hay các cuộc đấu giá từ thiện để đánh bóng danh tiếng,để mua vui,bỡn cợt …Tác giả bài báo đã điểm danh một số địa chỉ :
- Công ty TNHH Vico (có trụ sở ở Hải Phòng) cứu trợ người dân Quảng Bình và Hà Tĩnh trong đợt lũ lụt vừa qua một lô hàng bột giặt được sản xuất từ năm …2007!
- Công ty XNK Nam Dương cứu trợ người dân thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) lô hàng nước mắm hết hạn sử dụng.Lô hàng này đươc mua của Công ty TNHH Nam Hải và phù phép bằng cách dán đè miếng giấy ghi chữ”hàng tài trợ không bán” lên trên chỗ ghi hạn sử dụng
- Tháng 11.2010,Công ty cổ phấn Dược liệu trung ương 2 (Phytopharma) đã làm từ thiện cho bệnh nhân nghèo bằng cách tặng 300 thuốc kém chất lượng đã nằm trong kế hoạch tiêu hủy.Tác giả bài báo đặt câu hỏi : “ Là thầy thuốc,không lẽ họ không biết rằng số thuốc hết hạn ấy có thể gây ra những biến chứng khôn lường?”

Về các cuộc đấu giá từ thiện …dõm ,tác giả bài báo viết : “Có ai không cảm thấy đau xót khi biết sau các cuộc đấu giá từ thiện rầm rộ và hoành tráng,các cá nhân thắng đấu giá đều…”bỏ của chạy lấy người”.Dẫu cho các cuộc đấu giá đã được truyền hình trực tiếp trên nhiều kênh truyền hình,hình ảnh “hân hoan” của các vị ấy khi thắng đấu giá vẫn còn lưu lại.

Bỡn cợt,chà đạp lên sự kỳ vọng của những người khốn khó,tạt nước lạnh vào niềm tin của cả xã hội để nổi danh,để mua vui hẵn là một việc ít ai ngờ tới.”

Hàng cứu trợ quá hạn sử dụng,bòn rút ăn bớt hàng cứu trợ ở một số địa phương,thậm chí đem cả hàng cứu trợ(áo quần) ra bán công khai , kể cả việc đấu giá từ thiện từ sim điện thoại hàng tỷ đồng và mới đây là bộ tứ linh 47,9 tỷ đồng mà ông Phạm Văn Đạt,giám đốc Công ty gốm sứ Bảo Long (Bát Tràng ,Hà Nội) người thắng đấu giá trong cuộc thi Hoa hậu Trái đất đã lật lọng ,theo tôi không chỉ là sự biến dạng của lương tri mà là hành động của nhửng kẻ bất lương,chà đạp lên niềm tin và nỗi đau của xã hội.
NMT