TRUYỆN NGẮN - THƠ ĐÔNG HÀ



sẽ không còn nắng cho em
sẽ không còn nữa người quen bên đường
chỉ còn ngọn gió thất thường
thổi dăm ba cọng nhớ thương gọi là

sẽ không còn nữa thật thà
yêu em như độ tình là hư không
sẽ không còn nữa mênh mông
sẽ không còn nữa... sẽ không là tình...

thôi em về lại với mình
với đôi ba chuyện tang tình ngày xưa
với thêm năm bảy chuyện đùa
với thêm tám chín sợi mưa đầu mùa

với thêm một chút duyên thừa
thêm vào một chuyện như vừa được yêu!


ĐH

TẶNG CÔ BÉ ĐI BIỂU TÌNH - HOÀNG LỘC

Tặng cô bé

cô bé làm tôi rơi nước mắt
khi cô áo trắng ,đời đang thơ
nghĩ hưng vong cô còn hữu trách
mà nhói lòng tôi, gã thất phu

tôi ở bên trời thương nhớ quá
dễ chia cô đôi chút ân cần
cô ung dung bước cùng lẽ phải
bởi lòng cô có những bà Trưng

để bất ngờ hoa nở sớm mai
cho tôi muôn dặm biết thương người
cô trong tôi ngàn lần hoa hậu
thơm ngát quê xa, phía mặt trời

24-7-2011

TÔI KHÔNG TIN ANH LÀ NGƯỜI VÔ CẢM

tôi bật khóc – thấy cờ vàng bay cùng cờ đỏ
và tiếng hô vang tràn về biển đông
khi Tổ Quốc lâm nguy réo gọi
thì sắc cờ nào cũng vì Việt Nam ?

tôi không tin anh là người vô cảm
trước cái chân đạp vào mặt đồng bào
tôi không tin anh là nhà thơ vô cảm
chỉ vì miếng cơm đã không dám làm thơ ?

xứ sở cả ngàn thi sĩ
sao tôi đếm còn trên đầu ngón tay ?
Bùi Minh Quốc, Đỗ Trung Quân, Bùi Chí Vinh, Trần Mạnh Hảo…
Thi Sĩ ơi và những trái tim người !

tôi không tin chúng ta đều vô cảm
buổi sáng rộn ràng nghe nhạc Tuấn Khanh
máu phải rần rần trong huyết quản
muốn cùng em thơ xuống phố biểu tình

tôi có tuổi rồi – ở ngoài đất nước
mà mấy hôm rày tôi bỗng bước nhanh hơn
nên tôi tin chúng ta không thể nào vô cảm được
mà biết phải làm gì cùng Tổ Quốc nguy nan….

những ngày tháng 7-2011
HOÀNG LỘC




TRÒ CHƠI CỦA BẦY MỐI - HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Đọc báo, thấy nói đến vụ án sách rác. Quả là một hiện tượng lạ lùng của thời nay, sách mà lại là rác, rác mà mang hình hài của sách. Nhưng đó là sách rác theo nghĩa bóng. Có ngờ đâu đến ngày mình lại gặp cảnh ngộ đau thương của sách rác, mà là sách rác theo nghĩa đen.

Từ hôm chuyển nhà, chưa dành dụm đủ tiền đóng lại kệ sách, sách vẫn xếp đầy trong các thùng giấy. Đi công tác xa về, công việc ngập đầu, được ngày nghỉ, lục tìm một cuốn sách cũ trong thùng, thì than ôi, lũ mối đã làm ổ và tấn công tràn khắp. Những thùng sách để bên trên may mắn chỉ bị gặm bìa và gáy. Còn những thùng để gần nền nhà thì quang cảnh thật là thảm thương, từng tay sách nát vụn, tơi tả. Thơ cũng như văn xuôi, sáng tác cũng như khảo cứu, sách trong nước cũng như sách nước ngoài, tất cả đều cùng chung số phận.

Chỉ cần vài ba tháng không chăm lo cho sách mà lũ mối đã làm chủ trận địa. Hễ có giấy, có chữ bằng mực in là chúng xơi. Sách càng xưa, như đánh hơi được mùi thời gian, mối ăn càng khỏe. Cứ như là chúng chơi khăm mình vì đoán ra được sách nào mình quý nhất. Đau nhất là những quyển sách giữ từ thời trung học, chiến tranh loạn lạc di dời bao lần vẫn nguyên vẹn, nay có nhà mới thì chúng chẳng còn ở được với mình. Tiếc quá chừng là những cuốn sách được tác giả ký tặng, dự định “an cư” rồi sẽ đóng một tủ sách đàng hoàng để lưu giữ kỷ niệm bạn bè, đồng nghiệp; bây giờ cuốn nào cũng nham nhở vết cắn. Lũ mối như bày ra trò chơi độc địa: chúng muốn gặm chỗ nào, vẽ ra hình thù gì trên bìa hay trong ruột sách là theo ý muốn ngông cuồng và khó hiểu của chúng. Có cuốn ngoài bìa thấy còn mới, nhưng bên trong thì loang lổ như hình bản đồ châu Mỹ trên khuôn mặt một ông tổng thống bị phế truất. Văn chương, tri thức trở thành hàng đồng nát. Bỏ thì thương, vương thì tội. Bèn ngồi tỉ mẩn cắt giữ trang đầu có chữ ký tác giả với dòng chữ ghi ngày và nơi tặng sách. Rồi đành cho sách đi theo gánh hàng của bà mua “ve chai”.

Nghe ông chuyên viên Công ty trừ mối cho một bài học về sự cẩn trọng, càng tức lũ mối, lại càng giận cho mình. Tài sản văn hoá có ngần ấy mà không coi sóc thì mối ăn là đúng rồi, còn than vãn chi nữa. Không cảnh giác với mối thì nói chi đến sách, cả áo quần đồ đạc cũng bị nghiến nát và trần truồng giữa nhân gian như một cảnh ngộ khôi hài và đầy biểu tượng trong truyện ngắn Mối và người của Trần Duy Phiên.

Bỗng nhớ đến Triển lãm sách Paris năm ngoái, người ta ùn ùn đi xem gian hàng sách điện tử, một phát kiến của thời đại kỹ thuật số. Khác xa với những sản phẩm ra đời với kỹ thuật in từ thời Gutenberg, cái được gọi là sách ở đây không hiện ra trên mặt giấy và chữ in, mà trên những thiết bị điện tử di động với màn hình chiếu sáng. Nó đem đến cho con người bao nhiêu điều tiện lợi, chẳng hạn, học sinh đến trường không còn lo mang cặp nặng đến còng lưng, vì có đem theo 30 cuốn sách cũng nhẹ như không. Còn cất sách ở nhà thì lũ mối “mất dạy” có muốn cắn phá cũng đành chào thua!

Đi thêm một đoạn triển lãm nữa, lại thấy người ta xúm đen xúm đỏ trong quán cà-phê Fnac để dự giao lưu với José Saramago. Nhà văn Bồ Đào Nha được giải Nobel văn chương năm 1998 này là người không thiện cảm với chủ trương toàn cầu hóa về văn hoá. Trên tay nhiều người đến đây có mang theo một cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn để hy vọng được ông cho chữ ký. Sách in có cái hồn khiến người ta cảm thấy một sợi dây thiêng liêng nối liền không chỉ với tác giả mà còn với những bạn đọc khác, những người còn để tên lại trong phiếu mượn sách ở thư viện, đã chia sẻ với mình niềm cảm xúc trên trang giấy in còn lưu dấu mồ hôi tay. Liệu cái cảm xúc đó có còn được truyền qua những trang sách điện tử hiện lên trên màn hình máy vi tính? Rồi đây chắc sẽ có nhiều dự án sản xuất và phát hành sách điện tử được triển khai ở các nhà xuất bản lớn như nhà Rosetta Books hay Random House. Nhưng dù sao, trong thế kỷ 21 này, sách in vẫn chưa thể bị gạt ra ngoài sinh hoạt văn hoá và học thuật. Có điều, còn sách in thì còn phải coi chừng để ngăn ngừa lũ mối chơi trò chơi quái ác của chúng.

Đang nghĩ lan man thì có ông bạn đến chơi. Thấy sách bị mối ăn, ông vừa an ủi vừa chọc tức rằng: “Trò đời Tái Ông thất mã, biết đâu nhờ mối ăn sách mà ông đỡ phải đọc nhiều, quên bớt những chuyện trong sách đi và cái bệnh ruồi bay trong mắt của ông sẽ khỏi…”. Ừ, ông nói thậm có lý, mình hứng chí bổ sung – học theo phép thắng lợi tinh thần trong sách Lỗ Tấn. Mối ăn sách là làm lợi cho sức khỏe của mình đó chớ, từ giờ hễ nghe ai căn vặn vì sao lâu nay chẳng thấy viết gì ra hồn, thì cứ đổ hết tội cho lũ mối: bao nhiêu vốn liếng tri thức tích lũy được đã bị mối ăn sạch rồi còn đâu!

HNP
2001

In trong sách Bây giờ mà có về quê…, NXB Phụ Nữ, Hà Nội, 2011.

CHO MỘT XÁC VE - LƯU THỊ BẠCH LIỄU

1.
Tha hồ kêu tàn hơi đến chết
Bản hoang ca dữ dội của mùa hè
Ngùn ngụt lửa giữa trời và đất
Sức của mùa đổ chói những màu hoa

Tha hồ kêu tàn hơi đến chết
Mùa hè chẳng chuyển ý hồi tâm
Nắng nhởn nhơ tắm những vồng hoa khát
Bóng ngày đi để lại vết chiều tàn

Tha hồ kêu tàn hơi đến chết
Cánh buông lơi một xác lá lặng rơi
Chẳng ai hay một tiếng lòng đã tắt
Trong hợp âm đang vang vọng đất trời.
2.
Râm ran trong nỗi khát khao của hàng phượng vỹ
Râm ran trong nắng lửa
Như hối thúc, như giục giã

Bặt lịm dưới nắng lửa
Bặt lịm trong cơn rụng rời hàng phượng vỹ

Còn vang lên từ lòng đất
Những âm thanh của mùa hạ trước.


LTBL

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 – 2011(KÌ 78)


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ


TƯỞNG NIỆM

Nguyễn Cao Kỳ

NGƯỜI NÉM BOM MIỀN BẮC TRỞ VỀ

Việt kiều Mỹ cựu phó tổng thống chế độ cũ sinh 1930 tại Sơn Tây – Qua chữa bệnh ở Malaysia, mất tại đây 23.7.2011 (82 tuổi).

Từng học trường Bưởi Hà Nội, di cư vào Nam 1954.

Gia nhập quân đội VNCH, được cử qua Pháp học phi công trở về làm sĩ quan cao cấp chỉ huy các phi đội chiến đấu ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Năm 1965 là Tư lệnh Không quân chế độ Sài Gòn đề xướng chiến dịch “Bắc tiến” đã dẫn đầu phi đội máy bay phản lực VNCH mở chuyến oanh kích đầu tiên ra miền Bắc nhắm đánh vào Nghệ An – Hà Tĩnh (phi công Phạm Phú Quốc bị bắn hạ trên đường trở về). Sau đó đường công danh lên như diều được xem là ngôi sao trẻ quân sự và chính trị đang lên, làm bộ trưởng rồi thủ tướng (chức vụ tương đương) rồi phó tổng thống chế độ Nguyễn Văn Thiệu cho đến ngày chính quyền miền Nam sụp đổ.

Được xem là một lãnh đạo trẻ năng nổ, có nhiệt tình, tính tình bộc trực thẳng thắn – biệt danh “Tướng râu kẽm” - có lòng tự trọng dân tộc theo khuynh hướng khác với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Trong thời gian nắm quyền lãnh đạo chính phủ có ý muốn chống tham nhũng, gần gũi với dân nghèo nhưng tất cả cuối cùng đều không đi đến đâu. Cuối sự nghiệp bị xem như làm “bù nhìn” cho TT Nguyễn Văn Thiệu.

Đến những ngày cuối cùng tháng 4.1975 còn hô hào ở lại “tử thủ” Sài Gòn nhưng rốt cuộc đành tự lái máy bay đào thoát ra hạm đội Mỹ rồi qua Mỹ sống đời lưu vong.

Trên xứ người hầu như không tham gia vào các hoạt động chống Cộng kể cả những kế hoạch đưa quân về “phục quốc”. Có viết cuốn hồi ký “Chúng ta đã thất bại ở miền Nam như thế nào?”

Năm 2004 bất ngờ được mời trở về VN như một hành động biểu tỏ chủ trương hòa giải, hòa hợp dân tộc “xếp lại quá khứ nhìn về tương lai” từ 2 phía. Chấp nhận trở thành lãnh đạo cao cấp nhất chế độ cũ trở về cùng vợ (vợ mới ở Mỹ sau khi ly dị năm 1989 với bà vợ thứ hai khá nổi tiếng thời VNCH), “khóc lần thứ hai trong đời khi từ trên máy bay nhìn thấy lại Sài Gòn sau 30 năm” (lần đầu khóc là khi ra đi). Khẳng định trở về vì “nhớ quê hương và xem quê hương cần gì để mình có thể đóng góp trong khả năng của mình.”

Từ đó còn thêm vài lần trở về nữa, về thăm tận quê nhà Sơn Tây, ra Hà Nội gặp bạn học cũ trường Bưởi. Đã giới thiệu nhà đầu tư Mỹ bỏ vốn đầu tư vào khu du lịch ở Quảng Ninh, khuyến khích con út là nữ MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên (con bà vợ thứ hai, 6 con qua 3 đời vợ) bỏ vốn kinh doanh quán cà phê cao cấp ở Đà Nẵng…

Tất nhiên đã trở thành một đối tượng gây tranh luận ồn ào cho cộng đồng VN hải ngoại chia làm 2 phe chống và ủng hộ trong đó phe cực đoan kịch liệt đả phá dữ dằn nhất – tới mức chửi bới thậm tệ – là “kẻ phản bội”.

Đáp lại, khẳng định rằng bây giờ ai còn nhắc chuyện quá khứ kiểu như thế nữa thì quả là “chuyện hoang tưởng”!

781 - Cao Hữu Điền

“ĐEN” LÝ LỊCH

Nhạc sĩ sinh 1947 tại Huế. Sống ở Huế (2011).

Thuộc dòng dõi nổi tiếng học giỏi làm quan đất cố đô, lớn lên ra đời về Quảng Trị dạy học cấp 3.

Có tư tưởng tiến bộ nên sau 30.4.75 dù bản thân gia đình “có vấn đề” (cha bị cộng sản ám sát) vẫn chấp nhận ở lại hòa nhập với chế độ mới. Nhưng do lý lịch quá “đen” nên đương nhiên khó được chính quyền mới mở rộng vòng tay dung nạp, có lúc bị điều chuyển về trường tiểu học làm giáo viên… thể dục!

Trong cảnh khốn cùng chỉ còn biết tìm quên trong thơ nhạc, đã in một tập nhạc phổ thơ bạn bè.

May mà sau đó có được chiếu cố đưa về Sở Giáo dục sử dụng đúng chuyên môn giáo viên sinh ngữ. Từ đó được Pháp cấp học bổng qua tu nghiệp, một việc hiếm có thời đó ở địa phương này.

Hết thời gian tu nghiệp vẫn kiên quyết quay về dù người thân và bạn bè ở hải ngoại làm đủ cách khuyên can, ngăn cản vô ích!

Rốt cuộc quay về thì lại rơi vào cảnh bị bạc đãi trở lại tới lúc chịu hết nổi đành bỏ việc vào TPHCM làm nghề hướng dẫn viên du lịch đưa khách Tây đi tour kiếm sống qua ngày.

Cuối đời gió bụi, lớn tuổi thêm bệnh tật quyết định trở về cố quận sống đời ẩn dật cạnh dòng sông Hương làm kẻ “kết nối Internet” gửi đến người đồng điệu những ca khúc, vần thơ tìm niềm vui an ủi tuổi già (và cả vẽ tranh nữa). Đặc biệt phổ biến nhiều loại “thơ tin nhắn” thường chỉ 4 câu lục bát chuyển qua ĐTDĐ:

Lòng ta là một biển khơi
Nhiều khi sóng gió tơi bời ngả nghiêng.
Đêm qua mưa suốt mọi miền
A di đà Phật muộn phiền tan theo…”

(Giữa dòng di động)

782 - Dương Nguyệt Ánh


“BOM LADY”

Nhà nữ khoa học Việt kiều Mỹ sinh 1960 tại VN. Sống ở Mỹ (2011).

Thuộc dòng họ Dương nổi tiếng trí thức văn nhân miền Bắc, xưa là Dương Khuê, Dương Lâm và sau này là Dương Thiệu Tước, Dương Thiệu Tống, Dương Tường, Dương Thụ, Dương Thu Hương… Gia đình di cư vào Nam năm 54.

Di tản qua Philippines từ ngày 28.4.1975, sau đó đến Mỹ.

Lớn lên học đại học tốt nghiệp nghành hóa và khoa học máy tính.

Năm 1983 được tuyển vào làm việc tại Trung tâm sản xuất Vũ khí Hải quân thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Từ đó dần trở thành một chuyên gia chế tạo vũ khí hiện đại, nổi tiếng với sáng chế loại bom nhiệt áp (thermobaric) diệt hầm ngầm được sử dụng trong cuộc chiến Mỹ đánh quân khủng bố Al Queda ở Afghanistan nên được tặng cho biệt danh “Phu nhân bom”.

Làm đến chức trưởng nhóm nghiên cứu rồi giám đốc khoa học – kỹ thuật, đại biểu dự hội nghị NATO, nhận nhiều giải thưởng khoa học Mỹ và quốc tế. Được viết sách, làm phim vinh danh là một “người VN tự do” không chấp nhận chế độ cộng sản.

Có chồng 4 con.

783 - Dương Văn Đức

TƯỚNG “MÁT”

Cựu trung tướng VNCH sinh khoảng 1928 tại Mỹ Tho – Mất khoảng 1984 (57 tuổi).

Một trong những tướng lãnh kỳ cựu của chế độ miền Nam từng nắm quyền tư lệnh quân đoàn 4, ủng hộ đảng Đại Việt.

Sau thời chế độ Dương Văn Minh (không dính dáng bà con gì) lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm bị thất sủng nên tham gia cuộc đảo chính định lật đổ chế độ Nguyễn Khánh nhưng thất bại, bị bắt đưa ra tòa. Cuối cùng được xử nới tay chỉ buộc phải giải ngũ.

Thất chí sinh ra rượu chè tối ngày, ai ai cũng bị chửi tất kể cả chế độ Thiệu Kỳ lúc đó suýt bị trừng trị song sau có người đỡ nhẹ tội cho, đổ cho tại rượu chè dữ quá nên thành ra “mát dây” (khùng, từ tiếng Anh “mad”)!

Sau ngày Giải phóng vẫn bị bắt đi cải tạo ra tới Hoàng Liên Sơn. Trong tù vẫn giữ tật cũ nói thẳng chửi thẳng không sợ ai không kiên dè gì hết song may mà cũng được cho qua nhờ bạn tù bao che chạy tội cho là vì bệnh “mát”.

Năm 1983 được cho về nhưng chỉ một thời gian ngắn sau chết một cách bí ẩn, đang đêm bị đánh chết dìm xác xuống ao ở gần nhà sáng ra mọi người mới hay.

Công an nói có lẽ do say sưa chửi bới va chạm với bọn du đãng bị chúng giết nhưng cũng có giả thuyết tại đương sự lại lớn tiếng chửi bới cộng sản nên bị chính quyền âm mưu ám hại!

784 - Dương Văn Tân

ĐI TÌM MỘ ĐẾN… LIỆT CỘT SỐNG!

Cựu chiến binh sinh 1941 tại Tây Ninh. Sống ở Tây Ninh (2007).

Sau chiến tranh đã tận dung các chuyến đi công tác khắp địa bàn miền đông Nam bộ qua tới Campuchia để truy tìm hài cốt liệt sĩ đồng đội.

Về hưu năm 1993 vẫn tiếp tục cùng bộ đội Tây Ninh làm công việc này. Đặc biệt từ kinh nghiệm đi tìm mộ đã có sáng kiến chế ra cây xăm đất rèn bằng thép cứng mới xuyên được lớp đất vùng này rất cứng đồng thời từ chất thép đâm xuống sâu trong lòng đất còn vang ra âm thanh khi chạm vào hài cốt giúp phân biệt được dưới đó là xương cốt trần hay được bọc vải.

Tính ra đến năm 2005 đã tham gia tìm kiếm đượïc khoảng hơn 12.000 bộ hài cốt bộ đội mất tích trong chiến tranh chống Mỹ trong vùng giáp giới 2 phía VN – Campuchia. Được mọi người kính phục phong là “Vua tìm hài cốt” do không chỉ tìm ra dấu tích mộ mà còn tự tay moi hài cốt lên rồi đem đi làm vệ sinh riêng trước khi gói lại vào bọc ny lông mang về. Song cũng vì vậy lại chuốc lấy nỗi khổ tâm hễ khi nào dự đám tiệc hay ăn giỗ, nhiều người không dám ngồi chung bàn sợ… “mùi” xác chết vương vất!

Công việc cứ thế mà tiếp tục thì không ngờ gặp tai họa xảy đến cuối năm 2005 trong một chuyến đi lặn lội trong rừng núi biên giới đến tỉnh Kampong Cham đã không may bị té ngã chấn thương cột sống nặng phải cấp tốc đưa về TPHCM chữa trị.

Vết thương quá nặng làm đốt xương sống bị lệch nên điều trị hơn 2 năm vẫn chưa khỏi, chỉ mới bắt đầu tập đi từng bước gượng gạo đau nhói. Nhưng đau hơn cả là không biết bao giờ mình mới bình phục để được quay lại với “chiến trường mới” theo chân hài cốt đồng đội trong khi đêm đêm vừa chợp mắt đã mơ thấy bao hình dáng mơ hồ đứng đó nhìn mình với đôi mắt buồn thê thiết không thể tả nên lời.

785 - Dat Nguyen

CẦU THỦ BÓNG BẦU DỤC CHUYÊN NGHIỆP VN ĐẦU TIÊN

Huấn luyện viên thể thao Việt kiều Mỹ tên cũ Nguyễn Tấn Đạt sinh 1975 tại Mỹ. Sống ở Mỹ (2011).

Mẹ mang thai từ VN đến 30.4 cùng 5 con di tản qua Mỹ, đến tháng 9 thì sinh mình là con thứ sáu trong trại tỵ nạn ở Arkansas.

Lớn lên với thể hình vượt trội so với người Việt cao 1,8m cân nặng 108kg nên tham gia chơi môn bóng bầu dục – môn thể thao kiểu bóng đá “đô vật” rất được dân Mỹ ưa thích, VN chưa có – đứng vị trí hậu vệ chốt chặn bảo vệ khung thành.

Kết quả đạt nhiều thành công khích lệ nên được tuyển vào CLB Dallas Cowboys ở Texas bắt đầu thi đấu giải chuyên nghiệp NLF từ năm 1999. Đoạt nhiều giải thưởng hậu vệ xuất sắc mùa bóng, được ghi tên vào Bảo tàng Vận động viên Texas.

Năm 2006 bị chấn thương cổ nên giải nghệ chuyển qua làm huấn luyện viên bóng bầu dục

Lấy vợ Mỹ có 2 con gái. Năm 2004 được vinh danh Việt kiều có công trạng nhận phần thưởng Cây đuốc vàng tại Dạ hội quốcgia Việt – Mỹ tổ chức ở Thủ đô Washington.

786 – Dinh Q. Le

NGHỆ THUẬT THỊ GIÁC VỀ CHẤT ĐỘC DA CAM

Nghệ sĩ nghệ thuật đương đại Việt kiều Mỹ tên cũ Lê Quang Đỉnh sinh 1968 tại Hà Tiên. Sống ở Mỹ (2011).

Cuộc chiến biên giới Tây Nam năm 1978 đẩy gia đình phải vượt biên qua Mỹ.

Tại đây tốt nghiệp đại học ở California ngành nhiếp ảnh, sau đó theo học ngành nghệ thuật thị giác đương đại ở New York. Từ đó thể hiện một phong cách sáng tạo cực kỳ hiện đại tổng hợp các ngành nghệ thuật liên quan phục vụ thị giác – cái nhìn – từ nhiếp ảnh, hội họa đến quay video, quay phim…

Đã tổ chức triển lãm tại Mỹ và nước ngoài, được tặng nhiều giải thưởng quốc tế.

Đặc biệt trong các tác phẩm của mình thường xuyên nhắc đến đề tài chiến tranh do ám ảnh để lại từ thời thơ ấu chứng kiến cuộc chiến tranh chống Mỹ rồi sau đó là chiến tranh Campuchia. Nổi cộm hơn cả là dấu ấn di chứng CĐDC trên vô vàn nạn nhân trẻ em VN.

Năm 1998 lần đầu tiên quay lại VN đã tự bỏ tiền túi ra tổ chức một cuộc triển lãm “mini tự phát” một số tác phẩm đó tại một quầy hàng cho thuê ở TPHCM: Những mẫu “búp bê CĐDC” như bào thai dị dạng, trẻ song sinh dính liền với nhau, mất tay mất chân, mặt mày méo mó biến dạng bẩm sinh…

Chuyến trở về để lại ấn tượng quá sâu đậm: “Khi đó dù chưa biết mọi thứ ở đây như thế nào tôi đã cảm thấy đây là nơi mình muốn ở. Có gì đó sâu sắc trong lòng gắn tôi với nơi này dù lúc đó mọi thứ ở đây đều rất lạ đối với tôi…”

Thế là sau đó quyết định… ở lại luôn bởi “về Mỹ 2 tuần là thấy… nhớ”!

Cứ thế tiếp tục sáng tạo trên quê hương tuy thể loại nghệ thuật của mình quá mới quá cấp tiến chưa dễ được mọi người hiểu và chấp nhận.

Không chỉ thế còn lập ra “Thư viện mỹ thuật đương đại” miễn phí góp phần phát triển nâng cao kiến thức nghệ thuật hiện đại cho lớp trẻ VN tìm đọc. Và năm 2007 lập tiếp gallery triển lãm tranh miễn phí mang tên “Sàn Art” dành cho giới mỹ thuật trong nước được tự do sáng tạo không phải chiều theo thị hiếu thị trường.

787 – Don Lam

“MR WALL STREET VIET NAM”

Doanh nhân Việt kiều Canada sinh 1972 tại Nha Trang. Sống ở TPHCM (2011).

Sau 1975 vượt biên đến Canada định cư.

Học đại học tại Toronto tốt nghiệp bằng thương mại năm 1990. Ra làm ngành ngân hàng và kiểm toán tại Canada.

Năm 1995 được cử về VN làm công tác nghiên cứu đầu tư vào VN. Ban đầu chỉ định ở thời gian ngắn nhưng sau đó qua thực tế quan sát và thâm nhập thị trường VN nhìn thấy tiềm năng cùng triển vọng đầu tư lớn ở đây nên quyết định ở lại làm ăn lâu dài.

Từ đó xin nghỉ làm chỗ cũ ra hợp tác với một doanh nhân Đức lập công ty đầu tư tài chính nước ngoài đầu tiên ở VN vào năm 2003 nay là Tập đoàn VinaCapital chuyên đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đất đai, công ty kinh doanh lẫn thị trường chứng khoáng… Với vốn ban đầu 10 triệu USD hiện đã phát triển lên tới trên 1,8 tỉ USD trong đó doanh thu từ chứng khoáng chiếm một tỉ lệ đáng kể đưa đến biệt danh “Ông Wall Street VN” (Wall Street tên phốù chứng khoáng nổi tiếng của Mỹ ở New York).

Đạt thành công lớn rồi mới bắt tay vào tham gia hoạt động từ thiện, tập trung vào lập quỹ tài trợ mổ tim cho trẻ em nghèo VN đến nay đã hỗ trợ trên 2,5 triệu USD giúp mổ tim cho khoảng hơn 2.200 em.

Với mình đó là thêm một công việc lâu dài nữa trên quê hương trở lại, nơi mà “dù đi đâu thì tôi cũng trở về nhà tại VN vào chiều thứ sáu.”

788 - Đàm Thị Duyên

NỮ HOÀNG THỢ LẶN MÃI MÃI TRỞ VỀ

Lao động sinh 1960 tại Cà Mau. Sống ở Cà Mau (2007).

Sinh ra từ vùng sông nước Cà Mau nên theo nghề gia đình làm nghề thợ lặn trên sông Cái Lớn ở vùng Năm Căn. Sau 1975 chuyên lặn xuống đáy sông trục vớt tàu chìm trong đó có nhiều tàu Mỹ bị bắn chìm trên sông này thời chiến tranh.

Đây là một nghề cực gian khổ trong điều kiện tư nhân hành nghề lặn đến độ sâu 50m mà chỉ được trang bị thô sơ không đeo kính lặn, không mang đồ bảo hộ và nhất là không có bình hơi mang theo mà chỉ ngậm ống thông hơi từ trên thả xuống. Vì thế dễ xảy ra tai nạn chết người song bản thân vẫn kiên trì giữ nghề, theo nghề trở thành người phụ nữ duy nhất nơi đây dám làm nghề này.

Từ thợ lặn dần tổ chức nhóm lặn riêng từ năm 1989, nổi tiếng là “Nữ tướng” Mười Duyên có khi chỉ huy đến gần 50 thợ lặn vào cuộc truy tìm tàu chìm.

Sau khi lấy chồng sinh được 3 con thì theo chồng con qua định cư Mỹ.

Nhưng được một thời gian nhớ nghề lại một mình quay về tiếp tục gây dựng lại nhóm thợ lặn năm xưa, lo mình bỏ đi anh em biết trông cậy vào ai. Đã 3 lần rời quê hương rồi 3 lần trở về như vậy!

Lần đầu trở về được một thời gian thì xảy ra tai nạn một người anh lặn quá sâu bị sóng nhồi khi trồi lên được đã bứt hơi thổ huyết mà chết nên chán nản bỏ tất cả ra đi về Mỹ. Nhưng vài năm sau lại tái xuất hiện năm 2006 dẫn theo đứa con út “cho biết quê hương”, sau đó đưa con qua Mỹ lo cho con vào học xong xuôi rồi lại trở về với bến cũ Năm Căn.

Chấp nhận sống một mình trong căn nhà bên bến sông ngó mặt ra biển cả muôn trùng, nơi làm điểm xuất phát cho những giấc mơ lặn sông lặn biển “đã mang lấy nghiệp vào thân” thì cứ thuận theo mệnh trời sóng nước.

789 – Đào Thị Dạt

NGƯỜI MÙ NUÔI CHỒNG 11 NĂM SỐNG ĐỜI THỰC VẬT

Cán bộ về hưu sinh tại Quy Nhơn. Sống ở Quy Nhơn (2001).

Đi du kích xã đánh Mỹ. Lấy chồng đồng đội mới sinh con trai đầu lòng thì chồng bị địch phục kích bắn chết. Một thời gian sau cũng bị bắt giam cho đến ngày giải phóng 30.4.1975.

Hòa bình, lấy chồng khác cũng là đồng chí cùng chiến đấu năm xưa sinh thêm được một bé trai.

Gia đình đang đầm ấm hạnh phúc thì năm 1989 di chứng bệnh tật thời chiến tranh cùng lúc kéo đến cho cả 2 vợ chồng. Bản thân sức khỏe suy sụp, đặc biệt 2 mắt mờ dần đến mù luôn, tay chân cử động khó khăn cũng gần như bại liệt. Nhưng nặng nhất là chồng bị tai biến nằm liệt một chỗ dẫn đến sống đời thực vật.

Thế là vừa mù vừa di chuyển trong nhà bằng cách lết người đi để chăm lo cho chồng nằm một chỗ vô tri vô giác mà vẫn sống suốt hơn 10 năm trời như một phép lạ. Đêm nào cũng nằm dưới đất nơi chân giường “trực” bệnh: “Khổ mình chịu chứ không để chồng khổ… Giờ tôi nuôi chồng như nuôi em bé vậy.”

790 - Đào Thị Hồng Đào

NGƯỜI RUN MÃN TÍNH ĐI TÌM MỘ

Cán bộ về hưu sinh 1950 tại Nam bộ. Sống ở TPHCM (2009).

Đi thanh niên xung phong từ năm 15 tuổi tham gia chiến đấu ở miền đông Nam bộ. Nhiều lần bị đánh bom B52 suýt chết.

Sau 75 dư chấn những trận bom B52 ngày xưa gây nên bệnh rối loạn tiền đình ngày càng nặng khiến phải xin về hưu non để chữa bệnh. Nhưng bệnh biến thái thành chứng run mãn tính thường xuyên run tay lẩy bẩy, những khi bị xúc động càng run dữ, run lên đầu ngoặt nghẹo làm líu lưỡi nói lắp luôn.

Đã vậy gia đình lại lâm cảnh tang thương, chồng sĩ quan bộ đội cũng mắc bị thương tật chiến tranh mất sớm để lại 3 con dại.

Dù vậy vẫn cắn răng chịu đựng vượt lên tất cả nuôi con trưởng thành đàng hoàng.

Ôm bệnh mãn tính như thế trong người vậy nhưng khi con cái đã ổn định, từ năm 2006 vẫn bắt đầu cùng đồng đội cũ tổ chức đi truy tìm hài cốt liệt sĩ bạn bè chiến đấu năm xưa nay chưa biết gửi thân xác mục rữa nơi đâu. Đi khắp các tỉnh miền đông và tây Nam bộ đã tìm được gần 100 bộ hài cốt báo tin cho gia đình được yên lòng: “Tôi tự nhận thấy đó như một món nợ lớn. Dù sao tôi cũng may mắn hơn là được nhìn thấy đất nước độc lập thống nhất…”

Dù bệnh run mãn tính vẫn còn đó song “Khó khăn đến mấy tôi vẫn còn đi, đi đến khi nào không còn đi được nữa.”

(Còn tiếp)

KHI LÃNH ĐẠO ĐI "XIN" - DOÃN TUỆ



Ở ta, việc doanh nghiệp đi “xin”, thậm chí “nài nỉ” quan chức là… chuyện thường ngày ở huyện, việc ngược lại là… chuyện lạ đó đây. Không biết từ bao giờ, một suy nghĩ đã hằn sâu trong tiềm thức nhiều người: “quan” chỉ “ban phát”, “yêu cầu”, không bao giờ “xin”, ngoại trừ “xin” cấp trên.

Thời phong kiến, người ta định nghĩa "quan là phụ mẫu của dân", hiểu theo hướng tích cực nhất là "quan" phải gương mẫu, lo cho dân như cha mẹ lo cho con cái. Tiếc là trên thực tế, số quan xứng được tôn vinh theo cái ý nghĩa tích cực đó không nhiều.

Gần như ngay sau khi chế độ phong kiến sụp đổ, chính quyền về tay nhân dân lao động, trong "Thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng" (đăng trên báo Cứu quốc số ra ngày 17/10/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: "Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân..." Số quan chức ngày nay có thể xem là "công bộc của dân" thực sự rất hiếm...

Sở dĩ người viết bài này dẫn dắt dài dòng là thế để kể một câu chuyện không "lớn" nhưng rất "lạ".

Bữa nọ, có một buổi làm việc giữa đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh Hậu Giang gồm Bí thư tỉnh ủy và các lãnh đạo chủ chốt của UBND tỉnh, một số sở, ban, ngành, với đại diện Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang (sau đây gọi tắt là Công ty) - một buổi làm việc có nhiều sự "lạ".

Sự "lạ" thứ nhất là buổi làm việc được tổ chức theo "đề nghị" (không phải "yêu cầu") của ông Huỳnh Minh Chắc - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, chứ không phải theo "đề nghị" của Công ty. Thường chỉ là doanh nghiệp tìm đến "cửa quan", các "quan" chủ động tìm đến doanh nghiệp là rất hiếm, có chăng chủ yếu là để "tham quan", "quay phim", "chụp hình".

Sự "lạ" thứ hai là buổi làm việc diễn ra nghiêm túc mà cởi mở, ngắn gọn, không có những "kính thưa..." đủ loại dài lê thê như thường thấy. Sau khi giới thiệu thành phần tham dự hai bên, ông Huỳnh Văn Thòn - Tổng GĐ Công ty nhấn mạnh phương châm hoạt động của Công ty: "Góp phần chăm lo lợi ích cho xã hội ngày hôm nay chính là vì sự phát triển của công ty trong tương lai" và "Phân phối và phân phối lại lợi nhuận một cách hợp lý và đạo lý".

Bài phát biểu của Bí thư tỉnh ủy (được gọi bằng tên thân mật là anh Bảy Chắc) cũng ngắn gọn, rõ ràng: Hậu Giang là tỉnh thuần nông, 85% dân số sống ở nông thôn, là một trong những tỉnh có sản lượng lúa gạo hàng đầu cả nước. Tuy vậy, đời sống nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn do lợi nhuận mà người dân thu được không cao. Đó là bài toán khó mà địa phương đang tìm lời giải.

Nhận định mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" và Nhà máy chế biến gạo của Công ty có thể là là một lời giải hữu hiệu, Bí thư đã cử cán bộ tìm hiểu thực địa, bản thân không ngại ngồi xe vượt hàng trăm cây số để đến tận nơi đặt vấn đề xây dựng mô hình này ở tỉnh Hậu Giang.

Sự "lạ" thứ ba, khi phát biểu, Bí thư tỉnh ủy rất hay dùng những cụm từ "Tỉnh thiết tha đề nghị...", "Chúng tôi rất mong muốn được Công ty quan tâm..." Thông thường khi làm việc với doanh nghiệp, các quan chức đâu có khiêm nhường như vậy, đều là "tỉnh yêu cầu..." hay "tỉnh chỉ đạo...".

Kết thúc buổi làm việc, sự "lạ" thứ tư, Bí thư tỉnh ủy đã "đề nghị" doanh nghiệp cho một lời "hứa" - một điều mà các doanh nghiệp chẳng mấy khi được làm với các quan chức.

Thứ mà vị Bí thư tỉnh ủy "xin" doanh nghiệp không gì khác chính là dự án xây dựng Nhà máy chế biến gạo xuất khẩu. Ông tin đó là lời giải cho trăn trở lớn nhất của mình: giải quyết bài toán đầu ra cho bà con nông dân trồng lúa.

Đúng như lời ông Bảy Chắc, vấn đề nan giải đối với nông dân trông lúa Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung và nông dân Hậu Giang nói riêng chính là mô hình sản xuất kiểu nhỏ lẻ nên chi phí đầu vào cao, chất lượng lúa không đồng đều. Sau thu hoạch, người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc phơi sấy và cất trữ lúa nên thường bị thương lái ép giá.

"Cánh đồng mẫu lớn" và Nhà máy chế biến gạo là một chu trình sản xuất - tiêu thụ lúa khép kín: Sau khi ký kết tham gia "Cánh đồng mẫu lớn", bà con nông dân được Công ty ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không tính lãi, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật xuống "cùng nông dân ra đồng". Tất cả nông dân cùng xuống giống một ngày, chăm sóc lúa theo quy trình chuẩn "sạch" của Công ty.

Đến khi thu hoạch, Công ty đưa bao đến tận ruộng để nông dân đựng lúa và cho ghe đến chở lúa về tận nhà máy sấy khô miễn phí. Người nông dân chỉ việc kiểm tra quá trình cân lúa rồi chờ nhận tiền ngay tại nhà máy.

"Nếu bà con nào cảm thấy giá lúa tại thời điểm đó còn thấp nên cần dự trữ để chờ được giá rồi mới bán thì Công ty đã có sẵn kho trữ lúa tối đa một tháng không tính phí", ông Thòn nhấn mạnh.

Với quy trình khép kín này, bà con nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất (trung bình chi phí sản xuất 1kg lúa ở "Cánh đồng mẫu lớn" đang áp dụng tại xã Vĩnh Bình là 2.200 đồng, trong khi ở những nơi khác có thể lên tới 3.200 - 3.500 đồng); lúa thành phẩm có chất lượng cao, đồng đều, nông dân không lo bị thương lái ép giá nên lợi nhuận thu được lên đến 200% so với chi phí bỏ ra.

Một điều khá lạ nữa là sau khi kết thúc buổi làm việc sớm hơn dự kiến, thay vì một bữa tiệc linh đình tại một nhà hàng hay khách sạn sang trọng, toàn thể những người tham dự buổi làm việc đã cùng nhau ăn một bữa cơm thân mật với những món ăn dân dã, đạm bạc ngay tại Trụ sở Công ty. Món cá thác lác khô, đặc sản của Hậu Giang, được đích thân Bí thư tỉnh ủy mang đến góp vào bữa ăn.

Nhiều người có thể nghĩ câu chuyện chẳng có gì đặc biệt, nhưng từng là một công chức đã tham dự rất nhiều buổi làm việc giữa các quan chức nhà nước với doanh nghiệp, đây là lần đầu tiên người viết được chứng kiến một buổi làm việc "lạ" như vậy.

Chợt nghĩ, tỉnh Hậu Giang có một vị lãnh đạo thật chủ động, tận tâm, tận tình với bà con nông dân, có trách nhiệm với những khó khăn mà nông dân đang gặp phải. Dân hẳn cũng chỉ mong quan chức có nhiều người thực sự là công bộc "của dân, do dân, vì dân" như thế!

DT ( TuanVietnam.net)

NHÂN TÀI NHƯ ...NẤM SAU MƯA - CAO THOẠI CHÂU

Người đọc báo và cả những người thích thưởng thức văn học nghệ thuật trong mấy ngày gần đây đang bị đánh thức bởi những tiếng lùm xùm chí cha chí chát của việc xin xét tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ! Một kỷ lục chưa từng có trong các hoạt động tôn vinh của nền văn nghệ VN từ nửa thế kỷ nay, là có đến 890 hồ sơ xin xét tặng giải thưởng các loại về văn học nghệ thuật đã được Hội đồng cấp Bộ trình lên Hội đồng cấp Nhà nước để xét duyệt.
Bên cạnh đống hồ sơ cao ngồn ngộn kia lại là những kiện cáo, thắc mắc, bất bình...của người trong cuộc, được bàn luận trên báo chí trong nhiều ngày gần đây. Một bài báo đã nêu câu hỏi: "Ở đâu ra mà nhiều giải thưởng với danh hiệu thế nhỉ? Sao chẳng mấy tác phẩm được nhớ tên? Và một câu hỏi khác cũng tự nhiên đến: sao nhiều tác giả, tác phẩm mà hầu như ai cũng biết, cũng đọc, cũng nghe, cũng xem; nhiều nghệ sĩ mà ai cũng yêu mến không hề có tên trong danh sách?". Thì có gì mà còn phải hỏi, nhân tài văn học nghệ thuật của ta nở rộ như nấm sau mưa! Dân tộc này hoá ra quá sinh văn chương học thuật. Đâu đâu cũng có nghệ sĩ thật- giả, xịn- nhái, hàng hiệu- hàng sales off...tạo ra những mạng lưới văn học như mạng lưới bảo vệ thực vật! Hơn ba chục năm trước ra ngõ sợ đụng anh hùng, giờ ra khỏi nhà coi chừng va phải nghệ sĩ!
Về câu hỏi của nhà báo nêu lại ở trên, câu trả lời của Bộ Văn hoá-Thể thao& Du lịch thì đơn giản: cứ theo quy định của Nhà nước mà làm. Đơn cử tiêu chuẩn phong nghệ sĩ ưu tú của Bộ là có hồ sơ xin phong tặng + 15 năm công tác liên tục + có hai huy chương vàng hội diễn, liên hoan phim... Mà nghệ sĩ nào muốn xin thì phải có hồ sơ đầy đủ nghĩa là phải đến các đài phát thanh hay truyền hình để xin sao lại các bản ghi âm, ghi hình những tác phẩm từ nhiều năm trước; sao y có công chứng các bằng khen, giấy khen; các tác phẩm, công trình nghiên cứu... Mỗi bộ hồ sơ như vậy đều phải được sao y bốn bản để nộp cho hội đồng. “Chúng tôi còn sống thì còn làm được. Chứ những người đã chết thì ai sẽ làm hồ sơ, đơn xin cho họ?", một nhạc sĩ tâm tư. Thắc mắc này sẽ được trả lời một cách rất đúng-sai là hồ sơ không đầy đủ thì...thôi! Hiện nay không thiếu những hiện tượng xuất sắc của điện ảnh VN nhưng tuyệt nhiên không lọt tiêu chí nào trong "bảng phong thần" kể trên thì...các hiện tượng ấy cần chịu khó một tí là đợi cho đủ 15 năm, ráng kiếm vài cái "vàng" và không chừng còn phải nhờ đến "cò" chạy giùm, gánh đỡ cho các khâu xin sao, công chứng hồ sơ...tức là khâu vặn vẹo, van vái mà thường gọi là vv. và v.v.
Có nghệ sĩ thắc mắc, có hàng loạt nghệ sĩ khác thừa mứa tiêu chuẩn mà hỏi tên tuổi, tác phẩm thì...đó là cuộc đánh đố công chúng (!). Cũng phải thôi, công chúng cũng cần quan tâm hơn để nhớ là mình đã nghe, coi các tác phẩm ấy ở đâu, ngày tháng năm nào, ai làm chứng v.v.
Cảnh lùm xùm hiện nay làm người ta nhớ đến việc nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, các kỹ sư Nguyễn Thành Long, Phan Văn Trường, nhà âm nhạc học Trần Quang Hải...được nhà nước Pháp trao Bắc đẩu Bội tinh với lòng trân trọng của họ mà các vị ấy có ai phải tự kể công, sao công chứng...gì đâu? Người trao giải phải tự tìm hiểu để trao, bởi người được trao làm tăng giá trị của giải!
Trong cuộc lùm xùm hiện nay, thiết nghĩ: Nếu thực lòng muốn trao tặng giải thưởng, muốn vinh danh các tài năng đã có cống hiến, sao lại bắt họ tự mình "kể công"? Nếu thấy họ xứng đáng, sao không chủ động trao giải? Từng có tiền lệ rất tốt đẹp là năm 2009, Chủ tịch nước đặc cách trao Giải thưởng nhà nước cho bốn nhà văn thuộc nhóm Nhân văn: Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm" .Sao không làm tiếp kiểu này, hay đó chỉ là lâu lâu thí điểm một lần?
Tôn vinh người tài là cần thiết nhưng con đường dẫn đến tôn vinh sao lại là con đường đau khổ vì...thủ tục hành chính nhiêu khê như đi xin sổ đỏ chi vậy? Và , trong cuộc "tự kể công" này, không biết có bao nhiêu "nghệ sĩ tài năng" thấy mình đã làm một điều hơi bị thiếu khiêm nhường và tự trọng?

NHÌN RÕ MẶT - TỪ HOÀI TẤN

Ngày xối xả tóc khuôn mặt
Định hình lớp áo thô kệch
Người bước ra ngoài không gian sẫm
Níu tay giữ lại chút hơi ấm
Tàn tro

Quét đi lớp bụi thời gian trên khuôn mặt tượng đá công viên
Chiều không màu
Thái độ trâng tráo của sự thật
Thổi phồng no đủ niềm ước ao
Đau đớn vô hình nhẹ xuyên qua màn chắn lịch sử

Tháng bảy ngoài đường nghe tiếng sóng người ngun ngút
Nỗi đau về phía biển
Âm vang những tham vọng truyền thống từ ngàn năm trước

TÀN CUỘC - TRẦM KHA NGUYỄN VĂN ĐỒNG



khi về bóng lạ tên người
trong mê hoang đã lạnh vùi xương da
khói sương riêng bóng với ta
nghe hờ điệp khúc quân qua mặt thành
bỗng xa, rồi bỗng mông mênh
mới hay hồ điệp bồng bềnh năm canh
say hồn theo ánh trăng xanh
ngẩn ngơ trong cõi phù vân một mình
cỏ hoa đắp đổi cuộc tình
chút riêng tư đã hết đành nhớ quên.

( VĂN số 181 ngày 1 tháng 7 năm 1971 )

TÌNH YÊU,HÃY CƯỜI LÊN VỚI NÓ - NGUYỄN MIÊN THẢO



hãy cười lên dù tình yêu có bóp nát trái tim ta
dù tình yêu đốt cháy trái tim thành tro bụi
hãy bùng lên ngọn lửa
hãy cười lên dù là phút giây cuối cùng
của tình yêu - sự sống
hãy cười lên với nó

dù cuộc đời có biết bao phiền muộn
bao lo toan dằn vặt
hay như một lừa lọc vô tình
hãy cười lên
vì ngọn lửa tình yêu
không bao giờ tắt

dù những ngày tàn thu lạnh lẽo
bắt đầu cho một mùa đông giá buốt
những ngọn cỏ vẫn biết sống cho tình yêu
mặt đất
trong úa tàn vẫn sinh nở xanh tươi
hãy cười lên với nó

hãy cưòi lên
dù sự chật hẹp của cuộc đời
không chứa hết được đôi cánh tình yêu
vẫn hãy cười lên
vì tiếng khóc

hãy cười lên
vì tình yêu,hãy cười lên
dũng cảm như đối đầu với bạo ngược
bởi thiếu vắng tình yêu sẽ thiếu vắng nụ cười
thiếu vắng nụ cười,cuộc sống này sẽ chết
hãy cười lên với nó

hãy cười lên
trong nỗi lo toan
lừa lọc
tình yêu vẫn nuôi dưỡng sự sống
dù sự sống chối bỏ tình yêu
hãy tin vẫn còn một đời sống chân thật khác
hãy vỗ lên
đôi cánh của tình yêu
hãy cười lên với nó

hãy cười lên
dù cơn bão tình yêu có quá đầy nước mắt
hãy cười lên
vì tình yêu không bao giờ là tội lỗi

hãy cười lên
tình yêu là điều đẹp nhất
và không bao giờ kết thúc
hãy cười lên
hãy cười lên với nó

TRANG VĂN NGÀY CŨ SỐ 33 - NHÀ THƠ TRẦN HOÀI THƯ

NHÀ THƠ TRẦN HOÀI THƯ,HÀNH TRÌNH VĂN CHƯƠNG KHÔNG MỆT MỎI



Trần Hoài Thư tên thật Trần Quí Sách sinh năm 1942 tại Đà Lạt.Ông viết văn làm thơ từ rất sớm ,tác phẩm của ông xuất hiện trên các báo văn học ở miền Nam từ đầu thập kỷ 1960 thế kỷ trước.Những tác phẩm của ông đã xuất bản

Trước 1975
Về văn
- Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang
- Những vì sao vĩnh biệt
- Ngọn cỏ ngậm ngùi
- Một nơi nào đến
Sau 1975:
- Ra biển gọi thầm
- Ban Mê Thuột ngày đầu ngày cuối
- Về hướng mặt trời lặn
- Mặt niệm chiến tranh
- Thế hệ chiến tranh
- Đại đội cũ
- Trang sách cũ
- Đêm rừng tràm
- Hành trình của một cổ trắng…

Về thơ:
- Thơ Trần Hoài Thư (Tập thơ)
- Qua sông mùa mận chín (Tập thơ)
- Tháng Bảy hành quân (Tập thơ)
- Phố xa (Tập thơ)
- Ngày vàng (Tập thơ)
- Ô cửa (Tập thơ)
Hiện ông đang sinh sống ở nước ngoài và chủ trương Thư ấn quán và Tạp chí Thư Quán Bản Thảo.
Ông là người có công cùng một số bạn bè sưu tầm và biên soạn nhiều tác phẩm thơ văn của anh em văn nghệ cũ viết trước 1975 ở Sài Gòn

Xin đươc giới thiệu một số bài thơ của ông.

NGÀY GẶP BẠN CŨ

Những thằng bạn buổi hôm nào áo trận
Thoắt giờ đây: tóc đã điểm hoa râm
Khi gặp lại từ phương này quả đất
Chợt nhìn lên: giờ vầng trán đã nhăn

Trong đôi mắt mỏi mê cùng cơm áo
Có chút gì phảng phất của quê hương
Mây Đèo Cả như hôm nào dừng lại
Chiều Pleiku như buổi nọ mù sương

Thấy như thể trời Bồng Sơn mưa đổ
Chiều cuối năm quân chuyển xuống Đèo Nhông
Đường xe lửa ai ngồi châm điếu thuốc
Áo tơi dầu che khuất dãy Cù Mông

Thấy như thể lon Guigoz cam khổ
Chút đồ ăn còn trộn với tử sinh
Nhai hối hả kịp xuống đồi đột kích
Mưa xóa dầm dề khu trại gia binh

Thấy như thể đêm qua về quận lỵ
Vài ba thằng trải chiếu dưới đêm trăng
Dăm trái ổi và bi đông rượu đế
Con cá khô thiều chia chút tình thân

Thấy như thể mồ hôi và nước mắt
Mặn và đau từ núi nọ rừng kia
Qua An Lão mày tao còn gọi máy
Về Phù Ly hai đứa lại xa lìa

Thấy trở lại những chuyện đời dâu bể
Hôm nào đây miệng hò hét xung phong
Trong chớp mắt, cả cơ đồ sụp đổ
Buồn gì không hỡi thế hệ long đong

Thằng ra Bắc, kêu thầy, thầy bỏ xứ
Thằng vào Nam, gọi bạn, bạn lưu vong
Sông núi ấy bao hồn ma trở dậy
Kéo nhau về, kêu thảm một mùa xuân

Những thằng bạn buổi hôm nào áo trận
Thoắt giờ đây, tóc đã điểm hoa râm
Khi gặp lại từ phương trời viễn khách
Chợt nhìn nhau, sao nước mắt lưng tròng

Ô CỬA

Ngôi trường cũ có bao nhiêu ô cửa
Để tôi về đếm những đám mây
Tôi sẽ gọi một bầy chim sẻ nhỏ
Những con chim từ xa vắng lạc bầy

Tôi sẽ đứng như một người thiên cổ
Lớp học buồn, như từ cõi cô đơn
Thầy ngồi đó, đôi vai gầy tóc bạc
Chút ngậm ngùi, cơn nắng đọng hoàng hôn

Tôi sẽ về để biết mình bé dại
Hôm nào đây, chạy đuổi cuộc hành trình
Sông núi ấy, hai bên bờ ngăn trở
Đứa nào còn, nào mất giữa đao binh

Tôi sẽ nhớ một người tôi yêu dấu
Người nào đâu, về lại buổi hôm qua
Dấu chân nhỏ như vết hài vạn cổ
Đôi mắt nào theo mãi cuộc đời ta

Tôi sẽ nghe những hồi chuông lễ sớm
Đứng bên cầu tôi sẽ đợi chờ ai
Trong sương muối, người còn mang áo trắng
Trắng cả vùng trời, trắng cả đời trai

Tôi cũng hiểu rồi cuối cùng, thua lỗ
Khi bỏ trường tôi ra đứng bờ sông
Người bên ấy đang đợi thuyền ghé bến
Tôi bên này, mưa bấc lạnh căm căm

Dù dối lòng như cuộc đời chàng Dũng
Vì đám mây bên ô cửa gọi mời
Tôi bỏ xứ lao đầu vào binh lửa
Coi cuộc đời như một chuyện rong chơi

Và người ấy qua dòng sông sương muối
Tôi lên rừng theo dòng thác binh đao
Và người ấy theo sông về biển lớn
Tôi tội tù trả nợ kiếp bò trâu

Giờ thiếu phụ đã nằm trong lòng biển
Tôi về Đông, về Bắc, biết về đâu
Trăng thiếu phụ tôi mang vào song cửa
Cho một lần, cho vô tận thiên thu

ĐÊM TỪ BIỆT VIỆT NAM

Lăn chiếc phuy dầu lên cá lớn
Trời ơi, ta từ biệt Việt Nam
Việt Nam. Đêm ấy đêm trừ tịch
Có những con người lại cách ngăn

Chào những đường thân, những lối quen
Những hàng cây rũ lá bên thềm
Chào cây cầu đá qua thành phố
Chào những bờ hiên, những cột đèn

Chào ai, lầm lũi trong đêm lạnh
Cơn gió giao mùa chớm lá xuân
Người về cho kịp đêm đoàn tụ
Ai lại lên đường. Ai lặng câm

Vẫn biết lần đi là bỏ hết
Là phủi tay. Cháy túi. Sạch trơn
Quay nhìn lại: Em còn bóng nhỏ
Ngọn đèn vàng lạnh một dòng sông

Về đi. Em nhớ đừng ôm mặt
Rồi thắp giùm anh một nén nhang
Con có hỏi anh. Em hãy chỉ
Mây dịu dàng trôi giữa mênh mông

Về đi để tiếp đời cô phụ
Tiếp mảnh hồn khô héo nhớ nhung
Mai mồng Một, cắn răng đừng nấc
May cuộc đời tươi đẹp mùa xuân

Về đi để trả bài ma quỉ
Những đau thương câm nín chất chồng
Em hãy lấy ngày này giỗ kỵ
Một ngày nào chim đã bặt tăm

Về đi, kẻo máy tàu đã nổ
Như những người ôm ngực con tim
Trong khoang chật, nghe chừng nín thở
Anh hùng đâu. Một nỗi lặng thinh

Gió trừ tịch hú dài Bãi Giá
Đập mạn thuyền, sóng vỗ buồn tênh
Đêm vượt thoát ai ngồi nín thở
Cả quê nhà, mờ nhạt hai bên

Lăn chiếc phuy dầu lên cá lớn
Trời ơi, ta từ biệt Việt Nam
Việt Nam. Một vệt mờ xa thẳm
Một chút rưng rưng bật xé lòng

Việt Nam. Tối quá, không đèn lửa
Ta ở trên thuyền ngực vỡ toang
Một nỗi buồn như đông đặc lại
Một nỗi vui oà vỡ cả hồn

Là lúc biết mình như thoát nạn
Sáng chân trời, hồng rực vầng dương
Là lúc, thấy mình như bất hạnh
Sắp làm người không có quê hương

Là lúc lòng dửng dưng chờ đợi
Nỗi dửng dưng buồn bã lạ lùng
Như thể trong một trời chuyển động
Một giọt sương cô độc tận cùng.

CHIẾC LÁ BỒ ĐỀ - HUỲNH NHƯ PHƯƠNG




Thầy Huyền Diệu ở xa về cho tôi một chiếc lá bồ đề. Chiếc lá hình trái tim, mỏng như một tờ giấy pơ-luya trong suốt in rõ những đường gân lá li ti như những đường chỉ tay. Cây bồ đề trong tiếng Phạn là pipala - tiếng Anh là peepul/pipal – là loại cây cổ thụ mọc nhiều trong rừng Ấn Độ.

Nhưng đây không phải chiếc lá bồ đề bình thường. Đây là chiếc lá từ cội bồ đề, nơi Đức Phật Thích Ca đã ngồi thiền định và thành đạo hơn 2.500 năm trước. Chính vì vậy mà cây pipala đã mang tên Bồ đề (Bodhi), để trở thành biểu tượng của tuệ giác. Trong những ngày xây dựng và trụ trì ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Phật, thầy Huyền Diệu nhiều lần nhặt lá bồ đề dưới gốc cây thiêng này, nơi tâm điểm của một hệ thống chùa quốc tế đại diện cho tấm lòng sùng kính từ gần 20 nước quy tụ về đây, hợp thành Bồ Đề Đạo Tràng (Bouddha Gaya) nằm trong thị trấn Gaya thuộc bang Bihar ở miền đông bắc Ấn Độ. Thường mỗi đêm có gió to, lá bồ đề rơi rụng trên mặt đất, sáng tinh mơ thầy trò “người làm vườn kiêm quét chùa” này phải dậy thật sớm để nhặt lá, trước khi những người dân địa phương ở quanh vùng và khách hành hương đến đây tìm lá như xin một món quà của Đức Phật.

Mang lá về chùa, thầy lại chọn ra những chiếc lá già đẹp nhất đem ngâm nước vo gạo khoảng gần một tháng thì vớt ra chỉ còn lại thân lá gân mềm. Thầy ép lá thật mỏng rồi dán lên một trang giấy giới thiệu lịch sử ngôi chùa Việt ở Bồ Đề Đạo Tràng. Mỗi lần về thăm quê, thầy lại mang lá và hạt bồ đề về làm quà cho những người ở nhà. Tôi vốn không hiểu biết về công việc của thầy, chỉ gặp thầy đôi lần, trong đó có một lần tình cờ đi cùng với thầy trong chuyến bay từ Sài Gòn ra Hà Nội, nhưng hình như là một trong những người đầu tiên có cơ duyên nhận lá.

Hơn mười năm trước, hồi viết chung cuốn Danh lam nước Việt với anh Võ Văn Tường, nhờ đọc tài liệu và đi thực địa tìm cảm hứng, tôi biết ở nước ta có những ngôi chùa trồng cây bồ đề được ương giống hay chiết cành từ cây bồ đề trên xứ Phật, như chùa Trấn Quốc ở Hà Nội hay chùa Từ Đàm ở Huế. Nhưng tôi không bao giờ dám hái lá trên những cành cây thiêng ấy và cũng không nghĩ xin lá rụng về ép như thầy Huyền Diệu đã làm.

Bây giờ, tôi trân quý chiếc lá thầy cho, đem lồng trong khung kính đặt trước bàn viết, bên cạnh những kỷ vật mà tôi mang về sau những chuyến đi xa. Giữa hai trang viết, tôi lại tĩnh tâm nhìn thật sâu vào từng đường gân lá và thấy trên mặt lá hiện ra lúc thì như một mạng nhện tinh vi, lúc thì như một mê cung huyền bí. Có hôm tôi bừng thức tự hỏi về sự có mặt của chiếc lá trong căn phòng của mình: con đường nào đã đưa chiếc lá đến với tôi, và tại sao chính là chiếc lá này chứ không phải chiếc lá nào khác trong hàng nghìn hàng vạn chiếc đã mọc ra trên cây bồ đề mà thầy Huyền Diệu hàng ngày chứng kiến? Tuy nhiên, tôi tự kiểm thảo rằng mình chưa đủ lành sạch và tinh tấn để tiếp nhận mật pháp mà chiếc lá bồ đề chỉ dạy cho tôi.

Chiếc lá bồ đề cũng có một cuộc đời, một số phận. Từ khi được thầy nhặt lên dưới gốc cây, chiếc lá đã được tái sinh, sự hiện hữu của nó như kéo dài ra. Và tôi, hạnh phúc thay, là người được tham dự vào cuộc đời mới của nó. Đời chúng ta cũng như đời chiếc lá, một ngày nào đó ta cũng sẽ bay đi. Chỉ tiếc không có bàn tay bao dung nào như bàn tay thầy Huyền Diệu nhặt chúng ta lên cho được tái sinh. Chính chúng ta, ngay từ khi còn trên cây đời, khi chưa úa vàng, phải tự chuẩn bị cho một chuyến bay vào vô tận.

Tất cả những kỷ vật trên bàn viết của tôi đều được ghi nhớ ngày tháng và nơi chốn. Đó là những nơi mà tôi đã đi qua trong những chuyến đi được cuộc đời ban tặng. Riêng xuất xứ của chiếc lá bồ đề này là nơi tôi chưa hề đặt chân đến và vẫn ước mơ một ngày gặp gỡ. Các anh Hoàng Hưng, Trần Trọng Thức, Hồ Anh Thái… đã từng đến đó và kể lại những điều mắt thấy tai nghe. Còn tôi, tôi chỉ có chiếc lá này làm sợi dây liên lạc giữa tâm thức mình và đất Phật.

HNP

2007
(In trong sách Bây giờ mà có về quê…, NXB Phụ Nữ, Hà Nội, 2011)

MỘT NGÀY,MẶT TRỜI KHÔNG THỂ NGỦ - ĐỨC PHỔ



Chưa qua mùa đại hạn
Gió tứ phương thúc ngọn phiêu bồng
Tan tác những đứa con nửa đời phiêu tán
Vẫn mang theo lịch sử giống nòi

Chi sá oằn vai nhược trí
Lòng kiên trụ giữa đất tròi
Mắt đăm một miền hương thổ!

Chiều đứng lại cùng chùm mây bạc
Nhiễu nhương trên từng định mạng ta
Khóc/cười.Lắm khi mang chung ý nghĩa
Của một nỗi đau,oan trái khôn cùng

Đâu còn lời để tỏ cùng nhau
Khi trái tim mình quặn thắt
Ngọn cờ tiếng trống và nỗi thịnh suy
Giục giã triều dâng huyết quản!

Nhìn nhau là hẹn một điều chi
Ngoài tầm tưởng tượng
Có bao giờ ta ở ngoài ta
Chỉ ở trong ta riêng lẻ!

Trái tim chẳng đủ chứa tình
Khi lòng bên lòng,đã quạnh!

Nghiêng bầu gió tứ phương reo
Rượu rót vung trời ngất ngưởng
Thất chí người xưa say ở chợ
Ai nay áo gấm khóc xa làng!

Chiều đứng lại là ngày chưa lên tuổi
Sốt sững bờ vực thời gian
Nuốt đắng lời chia vội
Mụn mằn đốm lửa chong đêm

Từ phía chân trời xa ngái
Một ngày,mặt trời không thể ngủ
Để chẳng có sớm mai nào, chia tay …

ĐỨC PHỔ

MÂY TRẮNG BAY NHIỀU QUÁ TA PHẢI VỀ HẢI VÂN ... LUÂN HOÁN



treo lòng lên mũi Chân Mây
lim dim nghe tiếng lá cây trở mình
thương em khép nép ngồi rình
mây vào lá, lót ổ tình đẻ thơ
trên tuyệt mù đỉnh hư vô
ta chìm nổi giữa phất phơ bụi trần

treo lòng lên đỉnh Hải Vân
nghe sa diệp thạch bần thần thở ra
thương em thủng thỉnh đi qua
đèo heo hút gió bao la thổi buồn
trong cùng tận cõi mù sương
ta chằng chịt vá vết thương tháng ngày

treo lòng lên mỗi đọt cây
nghe từng lóng rễ sầu vây ngoằn ngoèo
thương em hí hửng vượt đèo
đá hoa cương rỉ vết rêu bụi đời
xa thăm thẳm cuối chân trời
bóng ta mây tạc dáng ngồi vân vi

treo lòng lên bước chân đi
cheo leo vách đá rù rì nhịp xe
thương em ngậm nhớ ngồi nghe
rìu khoan thai đục đá, khe nước trào
xuống cùng tận đáy chiêm bao
bắt vu vơ mộng nhốt vô âm thừa

treo lòng lên sợi nắng thưa
hai mươi cây số chưa bưa cơn thèm
chênh vênh rừng núi nhớ em
nhớ hồn ai khuất núi trên đồi này
nếu ta tốt phước nằm đây
nguyện cùng lau lả ngọn bay muôn đời

treo lòng lên sóng biển khơi
nghe trong gió muối nồng lời thủy cung
nghìn thu nối với nghìn trùng
cõi thăm thẳm ấy lùng bùng nhốt ta
mịt mù tuốt luốt ngoài xa
thuyền trôi như ngón tay ngà run run

treo lòng lên mộ bia buồn
truy hồn ta ngã lòng đường xuyên sơn
vọng quanh kè núi sườn non
xôn xao tiếng máu sắt son ngậm ngùi
xót xa chim ngợi ca đời
người phu lục lộ nón cời chân không

que đèo vượt ải Hải Vân
là đi trên thịt trên hồn Trường Sơn
tim thao thức đập bồn chồn
nhịp chân nam tiến dập dồn thân quen
ơi con rắn ở Hầm Sen
cho ta viên ngọc nhọc nhằn năm xưa
cho ta lột vỏ sống hoài
để nhìn đá núi bốn mùa đơm hoa

Luân Hoán

BÍ MẬT Ở BIỆT ĐỆN TRẦN LỆ XUÂN

Biệt điện Trần Lệ Xuân : Ảnh tư liệu cũ


Những bậc cao niên ở thành phố Đà Lạt kể rằng ngày xưa đây là nơi không một thường dân nào được phép bén mảng. Cũng chẳng biết trong đó thường có mặt ai và bài trí những gì.
Chỉ biết phía sau hàng rào bảo vệ nghiêm ngặt ấy là sự hiện diện của những kẻ có quyền uy bậc nhất của chính quyền chế độ cũ.

Từ “đệ nhất biệt điện”...
Vào thời hưng thịnh nhất của gia đình họ Ngô, năm 1958, vợ chồng ông “cố vấn” đã cho khởi công xây dựng khu biệt điện. Công trình này được coi là “sân sau” của gia đình quyền lực ấy nên được huy động tối đa trí lực, nhân lực và vật lực.

Khu biệt điện gồm ba biệt thự là Hồng Ngọc, Bạch Ngọc và Lam Ngọc. Bạch Ngọc là nơi giải trí của gia đình Trần Lệ Xuân và tướng tá chế độ Sài Gòn. Lam Ngọc được sử dụng làm nhà nghỉ cuối tuần của gia đình ông bà “cố vấn”. Còn Hồng Ngọc là tòa biệt thự mà bà Nhu xây tặng riêng cho bố đẻ của mình là ông Trần Văn Chương lúc này đang là đại sứ Việt Nam cộng hòa tại Hoa Kỳ.

Chẳng ai biết Trần Lệ Xuân đã bỏ ra bao nhiêu tiền của, nhưng vẻ kiêu sa, lộng lẫy của công trình này vẫn hiện diện cho tới ngày nay. Chỉ là một biệt điện cho những ngày ăn chơi, nhưng cũng thể hiện đỉnh cao quyền uy của chủ nhân.

Khuôn viên của tòa biệt điện nằm trên diện tích 13.000m2 với đầy đủ phòng làm việc, hội họp, phòng khiêu vũ, phòng chiêu đãi... Ngoài sân có hồ bơi nước nóng, có vọng đài và một hoa viên cực đẹp do các kỹ sư đến từ đất nước Phù Tang thiết kế, vì vậy nó còn được gọi là vườn hoa Nhật Bản. Phía sau vườn hoa này có một hồ sen, khi bơm đầy nước thì từ mặt hồ sẽ hiện rõ hình địa đồ Việt Nam.

Đặc biệt, để đề phòng bị tấn công bất ngờ, trong biệt thự Lam Ngọc còn có một căn hầm trú ẩn được thi công bằng loại thép đặc biệt, có thể chống đỡ sức công phá của hỏa lực hạng nặng. Trong căn hầm này có một đường hầm thoát hiểm, cho đến nay người ta vẫn chỉ phỏng đoán nó dẫn ra phía phi trường Cam Ly, cách nơi này chừng hai cây số...

Trong thời gian gia đình họ Ngô trên đỉnh cao quyền lực, biệt điện Trần Lệ Xuân là một trong những nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất. Suốt ngày đêm có hàng chục cảnh sát và vệ binh cộng hòa túc trực tuần phòng. Một con chim lạ bay vào khu vườn cũng sẽ bị bắn hạ.

Thế nhưng, nhân nào thì quả nấy. Cuộc chính biến 1963 đã kết thúc sự “trị vì” của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Cùng số phận với chủ nhân, tòa biệt điện được trưng dụng làm Bảo tàng Sắc tộc Tây nguyên vào thời Nguyễn Văn Thiệu nắm quyền.

Đến năm 1975, trong cuộc tháo chạy của chế độ cũ, không ít cổ vật vô giá tại bảo tàng này đã bị tuồn ra nước ngoài, nhiều món cổ vật khác bị lấy cắp, đập phá.

Sau ngày nước nhà thống nhất, chính quyền cách mạng đã tiếp quản và gìn giữ nơi này như một phần tài sản quốc gia. Đầu năm 2007, Bộ Nội vụ đã quyết định đầu tư 53 tỉ đồng để nâng cấp khu biệt điện này và thành lập tại đây Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4...

Đến kho lưu trữ mộc bản triều Nguyễn
Năm 1949, khi Bảo Đại lên làm quốc trưởng của chính phủ bù nhìn thuộc Pháp, ông ta đã chọn Đà Lạt làm hoàng triều cương thổ. Toàn bộ mộc bản triều Nguyễn được ông vua cuối cùng của dòng họ này cho chuyển về miền đất cao nguyên. Ban đầu, kho tàng ấy được cất giữ ở Nha Ngân khố, sau đó chuyển đến Nhà dòng Chúa Cứu thế.

Từ năm 1983 đến nay, những tài liệu quý này tiếp tục được lưu giữ tại biệt điện Trần Lệ Xuân. Mộc bản triều Nguyễn chính là những tấm gỗ quý được khắc chữ Hán và chữ Nôm (chữ khắc ngược) dùng để nhân bản tài liệu nhằm phổ biến rộng rãi ra công chúng các chuẩn mực xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân y tuân. Đó cũng là những bản khắc lưu truyền công danh, sự nghiệp của các bậc vua chúa, các sự kiện lịch sử, các biến cố thời cuộc, các cuộc tiễu trừ giặc dã...

Tất cả các bản thảo nói trên đều được đích danh hoàng đế ngự lãm, phê duyệt bằng bút tích trước khi giao cho những người thợ tài hoa nhất trong cung đình khắc lên gỗ quý.

Theo các chuyên gia, do tính chất cực kỳ quan trọng của mộc bản, dưới thời Minh Mạng nhà vua từng có chỉ dụ: “Sai quan Bắc thành kiểm xét các ván in nguyên trữ tại Văn Miếu (Hà Nội) về các sách ngũ kinh, tứ thư đại toàn, vũ kinh trực giải cùng tiền hậu chính sử và tứ trường văn thể gửi về kinh để ở Quốc Tử Giám (kinh đô Huế)”.

Ngay sau khi đăng quang vào năm 1841, vua Thiệu Trị cũng đã ban sắc cho thuyền binh chở toàn bộ mộc bản từ Quốc Tử Giám, Hà Nội về kinh đô Huế để bảo quản, tu bổ...

Sự ra đời của tài liệu mộc bản do Quốc sử quán đảm nhận chính. Quốc sử quán được thành lập năm 1821.

Để chế tác tài liệu mộc bản, Quốc sử quán đã phải tuyển nhiều thợ chạm khắc giỏi của cả nước. Những chữ được khắc lên mộc bản như chứa đựng tất cả tâm huyết của mỗi người thợ. Mỗi chữ Hán - Nôm trên mộc bản được khắc rất tinh xảo, sắc nét. Mỗi tấm mộc bản không những là một trang tài liệu quý giá mà còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Mộc bản triều Nguyễn có nội dung rất phong phú và được chia làm chín chủ đề gồm: lịch sử, địa lý, quân sự, pháp chế, văn thơ, tôn giáo - tư tưởng - triết học, ngôn ngữ - văn tự, chính trị - xã hội, văn hóa - giáo dục.

Trong khối tài liệu này có một số bộ sách rất có giá trị mà các nhà nghiên cứu về lịch sử, địa lý, pháp luật, văn hóa của Việt Nam không thể bỏ qua như: Đại Nam thực lục, Hoàng Việt luật lệ (luật Gia Long), Đại Nam nhất thống chí... Trong đó bộ sách Đại Nam thực lục là đồ sộ nhất được biên soạn trong 88 năm (1821-1909).

Theo một số tài liệu, những bản khắc mộc bản chủ yếu sử dụng gỗ thị để khắc, bởi gỗ thị có màu trắng, thớ gỗ mịn, nhẹ, thường được dùng để khắc dấu không nứt mẻ, không cong vênh. Vì thế trải qua mấy trăm năm mà đến nay mộc bản vẫn có tình trạng vật lý tốt. Ngoài ra người ta còn dùng gỗ lê, gỗ táo để khắc mộc bản.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí - một bộ sách địa chí nổi tiếng của triều Nguyễn: “Gỗ dùng để khắc mộc bản là gỗ cây nha đồng, thớ gỗ mịn, trắng sáng như ngà voi”.

UÔNG THÁI BIỂU - KHẮC NIÊN (TTO)

____________________

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM - NGUYỄN PHÚ YÊN

VÔ HẠNH - LÊ NGỌC THUẬN



Bạn bè kẻ khuất núi-người không về
Nên Huế chừ buồn chết được
Gió sông Hương thì thất thường mặn lạt
Rượu Kinh thành say không tới nơi

Tình của ta ngàn cân treo sợi tóc
Tóc Vương phi lại cắt ngắn mất rồi
Năm tháng đã biến thành quá khứ
Em vẫn cười bằng đôi mắt đá chanh

Nhiễm một chút môi em mà hóa bệnh
Đã nửa đời chưa hết mộng phù du
Nợ ba sinh còn quẩn quanh lui tới
Ta ôm liều cái sắc sắc không không

Rượu rót đầy không mời ai cạn chén
Bởi vì em như bóng quế hồn ma
Nhỡ một chiều mây trời xanh chốn cũ
Em lại về chạm cốc cuồng si

San đã xa-Thảo ngàn trùng thất thế
Còn mình ta trang trải nỗi cô đơn
Hình như có vài giọt mưa tháng sáu
rơi muộn phiền trên dung nhan xưa

NHÌN LẠI TRÀO LƯU LÃNG MẠN Ở VIỆT NAM - NGUYỄN PHÚ YÊN

Khái quát
Theo bước chân của những nhà truyền giáo và thương nhân, văn hóa phương Tây đã đến nhiều vùng đất ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đông Nam Á... Ở Việt Nam, cùng với sự xâm lược của thực dân Pháp, văn hóa Pháp và phương Tây đã xâm nhập đất nước ta, ảnh hưởng nhất định đến tư tưởng và tình cảm các tầng lớp dân chúng thời ấy. Sự thay đổi về chế độ chính trị, sự biến động trong kết cấu xã hội, đổi thay về cuộc sống và tâm trạng đã tác động đến quá trình sáng tác, cảm xúc, suy nghĩ của người trí thức. Về mặt nghệ thuật, chủ nghĩa lãng mạn phương Tây (cùng một số trào lưu khác sau đó như tượng trưng, siêu thực) xuất hiện từ một thế kỷ trước đó đã để lại dấu ấn rõ nét và tạo nên một trào lưu nghệ thuật mới trong văn chương, hội họa, âm nhạc Việt Nam, trong đó mạnh mẽ nhất vẫn là ở lĩnh vực văn chương kể từ đầu thập niên 1930 trở đi.

Văn chương lãng mạn
Tuy chịu ảnh hưởng sâu đậm của phương Tây nhưng ở Việt Nam nghệ thuật lãng mạn không tạo nên trường phái, không có tuyên ngôn rõ ràng. Người ta nhận ra khuynh hướng ấy trong các tác phẩm văn thơ, trong một số quan điểm nghệ thuật và thẩm mỹ từ những phát biểu và tranh luận của nhiều cây bút thời bấy giờ. Trên văn đàn bắt đầu xuất hiện những cây bút mới, trước hết là phong trào Thơ mới và nhóm Tự Lực văn đoàn.
Thật ra mầm mống lãng mạn đã manh nha từ một số tác phẩm trước năm 1930 của Tản Đà, Đoàn Như Khuê, Tương Phố, Đông Hồ, Hoàng Ngọc Phách với Tố Tâm... Dưới ảnh hưởng của thơ ca Pháp, những tác giả thơ mới đã mạnh mẽ đi vào thế giới tâm hồn, đi vào cái tôi, cái bản ngã đậm chất riêng tư. Vả lại thơ mới xuất hiện đầu những năm 1930 giữa thời kỳ thoái trào cách mạng và khủng bố 1930-1931, khủng hoảng kinh tế cho nên những trí thức, viên chức thành thị, trong đó có những nhà thơ mới, lại dễ dàng tìm vào cái tôi hơn. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh viết: “Ngày thứ nhất - ai biết đích ngày nào - chữ tôi xuất hiện trên thi đàn Việt Nam, nó thực bỡ ngỡ. Nó như lạc loài nơi đất khách. Bởi nó mang theo một quan niệm chưa từng thấy ở xứ này: quan niệm cá nhân”. “Đời chúng ta đã nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh... Thực chưa bao giờ thơ Việt Nam buồn và nhất là xôn xao như thế”.
Chủ nghĩa lãng mạn đã tạo được một giai đoạn thơ ca giàu hương sắc với nhiều phong cách và cá tính sáng tạo phong phú. Chính Tố Hữu cũng nhìn nhận rằng thơ mới đã nói lên được “một nhu cầu lớn về tự do và về phát huy bản ngã”. Có người cho rằng đó là khuynh hướng thoát ly và tiêu cực. Thật ra những nhà lãng mạn chỉ trung thành với khuynh hướng đã lựa chọn của mình, dù có thể hoàn cảnh xã hội có tác động thật sự đến tâm hồn họ, thậm chí đôi khi tác động thật mạnh mẽ nữa.
Cũng chính tác động ấy mà Huy Cận đã nói đến nỗi “đau đời” và Nhạc sầu dù có làm rơi lệ nhưng vẫn ấm áp chất nhân văn rõ rệt. Nếu văn chương cổ điển là văn chương phi ngã thì ngược lại văn chương lãng mạn đưa vào đậm nét cái tôi cá nhân, khẳng định cái tôi một cách tích cực, xem cái tôi là một chủ thể sáng tạo được khai thác không hề vơi, đã cảm thụ thế giới thiên nhiên và con người qua trái tim giàu tình cảm. Sự xuất hiện cái tôi đồng thời đem đến cuộc đấu tranh đòi tự do cá nhân, giải phóng cá nhân đã là một yếu tố tích cực và tiến bộ. Xuân Diệu thể hiện nỗi khao khát được sống mạnh mẽ: Chân nổi gió cứ mặt trời thẳng đến và mong được nâng hồn mình lên Để hóng gió của ngàn phương thổi tới. Còn Phạm Huy Thông thì Muốn có đôi cánh tay vô ngần to rộng, Để ôm ghì cả vũ trụ vào lòng tôi. Lại nữa ở trong một xã hội nửa phong kiến nửa thuộc địa, các nhà thơ mới lại càng ra sức đấu tranh cho quyền tự do yêu đương, cho những cảm xúc phong phú, cho những mơ mộng xa vời, cho cái đẹp mang màu sắc chủ quan của mình. Huy Cận tìm lại những nét đẹp của dân tộc từ trong quá khứ, trong vũ trụ trăng sao; Xuân Diệu say sưa trong tình yêu đắm đuối; Lưu Trọng Lư tìm cái đẹp ở người tráng sĩ, ở con nai vàng ngơ ngác trong rừng thu; Thế Lữ theo gót hải hồ của người chinh phu hoặc mơ về tiên giới; Phạm Huy Thông đi tìm người anh hùng chiến bại; Thâm Tâm yêu người ly khách ra đi không trở về...
Trên những nẻo đường mới, nhà thơ lãng mạn tìm vào tình yêu. Thơ tình yêu tràn ngập trên báo chí, sách vở đương thời. Trong các nhà thơ mới, Xuân Diệu được xem là nhà thơ của yêu đương, là thi sĩ của tình yêu. Thơ của ông là bài ca sự sống. Dưới mắt ông, yêu là thái độ sống mãnh liệt và tình yêu đôi lứa là nguồn cảm hứng sâu sắc nơi ông. Xuân Diệu nồng nhiệt, say mê nên vội vàng, giục giã yêu đương “Gấp đi em anh rất sợ ngày mai”, “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi” để rồi thấy cuộc đời “nổi nênh, xiêu đổ, tan tác, tứ ly”. Còn ở Vũ Hoàng Chương, tình yêu là lẽ sống cao cả, ông đã ôm giấc mộng tình mà thảm thiết khóc than. Và ở chặng cuối đường ông không quên cái vị chua chát của tình yêu xác thịt để rồi tìm vào thơ say: Hai xác thịt lẫn vào nhau mê mải, Chút ngây thơ còn lại cũng vừa chôn (Vũ Hoàng Chương) ...
Thơ lãng mạn vẫn có những bài thơ yêu đời, yêu cuộc sống, ngợi ca tình yêu trong sáng (Xuân đầu, Tặng thơ của Xuân Diệu; Chiều xuân, Tình tự, Áo trắng, Đi giữa đường thơm của Huy Cận; Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp; Tương tư, Hai lòng của Nguyễn Bính...) hoặc say đắm thiên nhiên, khao khát niềm giao cảm với cuộc đời. Người ta tìm thấy ở đó những nét đẹp hồn nhiên của tình yêu tuổi học trò, những kỷ niệm tươi thắm của một thời e ấp, say đắm ban sơ, của tuổi thần tiên thơ mộng... Nhưng sắc nét hơn cả ở thơ lãng mạn vẫn là cái tôi buồn bã và cô đơn - dưới mắt một số người đã trở thành yếu tính của lãng mạn. Cái buồn bã ấy đôi khi chỉ làbuồn xa vắng, buồn vẩn vơ, buồn mênh mông từ trong những hình ảnh quen thuộc của cảnh vật chung quanh, chẳng hạn tiếng gà trưa đều đi vào trong thơ Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, gợi nên một nỗi buồn rười rượi, một vẻ hoang vắng, đìu hiu và cô liêu: Mỗi lần nắng mới hắt bên song, Xao xác gà trưa gáy não nùng; Tiếng gà gáy buồn nghe như máu ứa, Chết không gian khô héo cả hồn cao. Vũ Hoàng Chương thì nghe buồn suốt cả cuộc đời: Mưa lùa gian gác xép, Ngày trắng theo nhau qua. Lá rơi đầy ngõ hẹp, Đời hiu hiu xế tà. Nhưng cái buồn ấy còn được đẩy tới bến bờ da diết, áo não nhất: nó bàng bạc khắp cả thời gian, không gian, đó là nỗi buồn nhân thế, dường như cũng thấm đẫm tự ngàn xưa như trong Kinh cầu tự, Lửa thiêng của Huy Cận ...
Nỗi cô đơn cũng là nét chủ đạo của văn chương lãng mạn. Những nhân vật cô đơn để lại dáng vẻ nổi bật, đó là Lamartine dưới gốc sồi trong buổi chiều hôm sau cái chết của Elvire, là René của Chateaubriand, Dũng của Nhất Linh, là “kẻ bộ hành ngơ ngác” của Thế Lữ, là nàng kỹ nữ của Xuân Diệu... Như vậy dễ nhận ra con người của văn chương lãng mạn là một cái tôi buồn vơ vẩn, cô đơn chán nản và “lịm người trong thú đau thương”(Lưu Trọng Lư). Thật ra cái tôi đó xuất hiện và đắm chìm trong hoàn cảnh xã hội lay chuyển, đổi thay đến ngột ngạt nên trở thành cô đơn, cách biệt, buồn thương: Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá, Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ...(Xuân Diệu) và đến đây ta đã có thể nghe tiếng khóc dài trong văn chương Việt Nam.
Người ta còn tìm thấy ở các tác phẩm lãng mạn tình yêu thiên nhiên, lòng yêu nước sâu sắc, tìm thấy rất nhiều hình ảnh quê hương, đất nước, nhiều màu sắc dân tộc, nhiều nét đẹp xưa, đậm đà hương vị làng quê, ở đó thấm đẫm tinh thần dân tộc, sáng lên tâm hồn và cốt cách Việt Nam: Huy Cận với Tràng giang; Xuân Diệu với Đây mùa thu tới; Tế Hanh với Quê hương; Hàn Mặc Tử với Mùa xuân chín, Đây thôn Vĩ Da; Đoàn Văn Cừ với Chợ tết; Anh Thơ với Chiều xuân; Nguyễn Nhược Pháp với Chùa Hương; Vũ Đình Liên với Ông đồ, Nguyễn Bính với Lỡ bước sang ngang... Hình ảnh đất nước trong thơ mới là hình ảnh của nước Việt Nam thanh bình, đẹp đẽ và đáng yêu hiện lên với tất cả trìu mến. Bên cạnh hình ảnh đó, các nhà thơ mới còn biểu lộ tâm sự yêu nước thầm kín. Họ nghĩ đến quê hương, đất nước, khao khát tự do, độc lập; đó là tâm sự con hổ của Thế Lữ, là hình ảnh khách chinh phu vừa đau xót vì cảnh mất nước vừa say mê cái đẹp của thiên nhiên, là giấc mộng anh hùng qua hình ảnh Kinh Kha quan tâm đến những người bị chà đạp trong xã hội. Tiếng thơ đau xót. quằn quại của họ có ý nghĩa một lời phủ nhận, phản kháng thực tế xã hội của chế độ phong kiến thực dân đương thời.
Trào lưu lãng mạn cũng đã có được những tác phẩm mang ý nghĩa nhân văn, tiến bộ. Có thể nhắc đến Nhớ rừng, Tiếng gọi bên sông của Thế Lữ; Con voi già của Phạm Huy Thông; Đôi bạn, Đoạn tuyệt của Nhất Linh, Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân... Người đọc nhận ra một Nhất Linh biết băn khoăn, dằn vặt đi tìm lý tưởng; một Khái Hưng sôi nổi, yêu đời, lạc quan trong cái xao xuyến của một lớp thanh niên cùng thế hệ; một Thạch Lam giàu lòng nhân ái... Tác phẩm của nhóm Tự Lực văn đoàn ngoài những tiểu thuyết lãng mạn còn có những tiểu thuyết phê phán mạnh mẽ lễ giáo phong kiến, đoạn tuyệt với cái cổ hủ, lạc hậu, xiển dương cái mới được lớp người trẻ đồng tình.
Cũng chính với lòng yêu nước đó, sau này một số nhà văn, nhà thơ lãng mạn đã dấn thân vào con đường đấu tranh cách mạng của dân tộc.

Âm nhạc lãng mạn.
Bối cảnh lịch sử và cơ sở xã hội để hình thành và phát triển âm nhạc cải cách tức là tân nhạc, trong đó có âm nhạc lãng mạn, cũng tương tự như ở lĩnh vực văn chương, hội họa. Có nghĩa là xuất phát từ bầu khí xã hội và làn gió Tây học đã lan đến các tầng lớp công chúng, nền tân nhạc hình thành và phát triển theo nhiều khuynh hướng khác nhau. Ở giai đoạn đầu của nền tân nhạc, âm nhạc lãng mạn đã có mặt và khẳng định được diện mạo riêng, tạo được vai trò và ảnh hưởng lớn lao đối với người nghe không chỉ trong giai đoạn ấy mà còn kéo dài đến ngày nay.

Sơ lược về sự ra đời của nền tân nhạc Việt Nam.
Cuộc xâm lăng của thực dân Pháp đã đưa luồng văn hóa phương Tây vào đất nước ta. Tuy ở trong một hoàn cảnh bị áp đặt song chúng ta vẫn xem đây là sự giao thoa và tiếp biến có tính chất quy luật giữa hai nền văn hóa. Chúng ta tiếp nhận và sau đó cải đổi để sáng tạo nên cái của riêng mình. Từ vốn liếng di sản âm nhạc dân tộc sẵn có, ta tiếp thu kỹ thuật sáng tác mới với nguồn cảm hứng thời đại mới để tạo nên âm nhạc cải cách, tên gọi ban đầu của tân nhạc.
Trong khi các phong trào ca hát lời ta điệu Tây diễn ra, các nhạc sĩ Việt Nam trong giai đoạn đầu của nền tân nhạc cảm thấy có nhu cầu sáng tác bài hát của chính mình trên cơ sở ký âm pháp Tây phương. Nhu cầu này có động lực tất yếu là sự đổi thay của xã hội, từ đó thị hiếu mới nảy sinh và công chúng đô thị ưa chuộng sự mới lạ trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc nói chung, ca hát nói riêng. Như vậy ngay từ những năm 1930 chúng ta đã có những sáng tác thuần Việt ra đời, trong đó có những bài hát chịu ảnh hưởng âm nhạc Tây phương song cũng không ít những bài hát mang ngôn ngữ âm nhạc dân tộc. Trong buổi đầu của phong trào tân nhạc, có nhiều nhạc sĩ hoạt động đơn lẻ song cũng có nhiều nhạc sĩ qui tụ thành từng nhóm do cùng sở thích, chủ trương và môi trường hoạt động. Những nhóm này đã có nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật; họ cũng là những người tiên phong trong phong trào sáng tác và phổ biến những bài tân nhạc đầu tiên, tạo được ảnh hưởng lớn lao trong quần chúng và có vai trò lịch sử nhất định trong quá trình hình thành và phát triển nền tân nhạc Việt Nam. Có thể kể đến những bài hát đầu tiên xuất hiện sớm trong phong trào tân nhạc như Bẽ bàng (1935), Nghệ sĩ hành khúc (1937) của Lê Yên; Tiếng sáo chăn trâu (1935), Bên hồ liễu (1936), Bóng ai qua thềm (1937) của Văn Chung; Xuân năm xưa (1936) của Lê Thương; Gió thu (1937), Tiếng hát đêm thu (1938), Biệt ly (1939) của Dzoãn Mẫn…
Thật khó xác định thời gian hình thành và xuất hiện của các nhóm nhạc, tuy nhiên theo hồi ức của các nhạc sĩ lão thành, có thể đó là những năm 1936-1940 - thời gian mà phong trào được thúc đẩy mạnh mẽ và tạo đà phát triển cho nhiều thập niên sau. Có thể kể đến các nhóm nhạc chính như sau:
- Nhóm Myosotis: Nhóm này gồm các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Phạm Văn Nhường, Trần Dư, Vũ Khánh... từng hoạt động từ nhiều năm trước đó trong các buổi họp mặt hoặc các buổi diễn từ thiện ở các rạp hát. Trong nhóm, nhạc sĩ Thẩm Oánh chủ trương trung dung, nghĩa là các bài hát cải cách theo ký âm pháp Tây phương nhưng có “ý nhạc Việt Nam” và “cảm tưởng thuần túy Á Đông”. Còn nhạc sĩ Dương Thiệu Tước chủ trương sáng tác theo “âm điệu Tây phương” cũng như nhiều nhà văn Việt Nam viết bằng tiếng Pháp vậy. Bên cạnh việc hòa nhạc, nhóm còn có hoạt động nổi bật khoảng cuối năm 1938 là xuất bản các bài hát của nhóm, đầu tiên là các bài như như Đôi oanh vàng, Hoa tàn, Phút vui xưa... và sau đó là Hồ xưa, Xuân về, Tiếng khóc trong phòng the, Thanh niên ơi...(Thẩm Oánh) và Tâm hồn anh tìm em, Một ngày mà thôi...(Dương Thiệu Tước).
- Nhóm Tricéa: Tên nhóm là cách chơi chữ: ba chữ (tri) C và ba chữ A, viết tắt của nhóm từ Collections des Chants Composés par des Artistes Annamites Associés (Tập hợp các ca khúc do nhóm nghệ sĩ Việt Nam sáng tác). Nhóm gồm các nhạc sĩ Văn Chung, Lê Yên, Dzoãn Mẫn, mà theo nhạc sĩ Thẩm Oánh, chủ trương “đi sát quần chúng” hơn. Văn Chung chịu ảnh hưởng của nhạc Trung Hoa nên dòng nhạc của ông mang tính chất Á Đông rõ nét. Còn Lê Yên và Dzoãn Mẫn thiên về bay bướm nhịp điệu, dòng nhạc mang âm hưởng phương Tây nhiều hơn. Nhóm qui tụ được một số nhạc sĩ khác, cũng xuất bản nhiều bài hát của nhóm khoảng từ năm 1939 trở đi như Khúc ca ban chiều, Trên thuyền hoa, Đóa hồng nhung, Hồ xuân và thiếu nữ, Bóng ai qua thềm của Văn Chung; Biệt ly, Sao hoa chóng tàn, Tiếng hát đêm thu, Một hình bóng, Một buổi chiều mơ, Trở lại cùng anh của Dzoãn Mẫn; Bẽ bàng, Vườn xuân, Một ngày vui của Lê Yên...
- Nhóm Phạm Đăng Hinh: Nhóm ra đời sau nhóm Tricéa do nhạc sĩ Phạm Đăng Hinh đứng đầu cùng nhiều nhạc sinh violon và violoncelle, thường biểu diễn các sáng tác của ông, từng ra mắt tại rạp Majestic, Hà Nội. Nhóm hoạt động một thời gian ngắn rồi ngưng, để lại một vài sáng tác như Đám mây hàng (tức là Cám dỗ), bài hát trong bộ phim Việt Nam Trận phong ba quay tại Hong Kong năm 1940.
- Nhóm Đồng Vọng: Nhóm qui tụ một số nhạc sĩ trẻ, phần lớn là hướng đạo sinh, thích ca hát và du ngoạn, hoạt động sôi nổi ở Hải Phòng. Đó là các nhạc sĩ Canh Thân, Hoàng Quý, Phạm Ngữ, Hoàng Phú (Tô Vũ), Lê Xuân Ái, Văn Trang... Một số nhạc sĩ xuất hiện trên sân khấu Nhà hát lớn Hải Phòng trong các chương trình kịch của nhà thơ Thế Lữ khi ông ra hoạt động cho Hội Ánh Sáng (nhóm Tự Lực văn đoàn) của đất cảng vào năm 1939. Vì là nhóm hướng đạo sinh nên nhiều tác phẩm của họ mang tính chất vui tươi, hùng tráng của lứa tuổi thanh thiếu niên. Phạm Ngữ có bài Trước cảnh cao rộng, Nhớ quê hương; Hoàng Quý có Chùa Hương, Tiếng chim gọi đàn, Trên sông Bạch Đằng, Dưới bóng thông xanh, Chiều xuân, Đêm trong rừng...; Canh Thân có Đi với tôi đến chốn trời xa, Khúc ca mùa hè...
Ngoài các nhạc sĩ nhóm Đồng Vọng, đất Hải Phòng còn có nhạc sĩ Lê Thương với Tiếng đàn đêm khuya, Một ngày xanh, Trên sông Dương Tử, Thu trên đảo Kinh Châu...; nhạc sĩ Văn Cao với nhiều tác phẩm nổi tiếng như Suối mơ, Bến xuân, Thiên thai, Trương Chi, Buồn tàn thu...
- Nhóm Nam Định: Nổi bật trong số các nhạc đất thành Nam có Đặng Thế Phong với ba bài hát Con thuyền không bến, Đêm thu, Giọt mưa thu từng xuất hiện trong chương trình biểu diễn vở kịch Cái va của nhóm Vũ Trọng Can ở Nam Định và sau đó diễn tại rạp Olympia, Hà Nội.
- Nhóm Tổng hội Sinh viên: Trong sinh hoạt văn nghệ từ 1943-1945, hoạt động của Tổng hội Sinh viên đã gây dấu ấn sâu đậm trong phong trào tân nhạc. Trong cuộc tranh đấu chính trị chống thế lực ngoại bang Pháp - Nhật thời đó, tổng hội đã sử dụng tân nhạc như một phương thức tập hợp và kêu gọi thanh niên, gây tinh thần yêu nước mãnh liệt trong quần chúng. Hoạt động hăng say không mệt mỏi trong tổng hội có Lưu Hữu Phước với một sự nghiệp âm nhạc đầy đặn, qui mô với nhiều thể loại sáng tác phong phú. Đó là những bài sử ca hùng tráng như Ải Chi Lăng, Bạch Đằng giang, Hội nghị Diên Hồng...; những bài ca viết về thanh niên như Tiếng gọi thanh niên, Tráng đoàn Lam Sơn, Lên đàng...; những bài ca dành cho thiếu sinh như Gieo ánh sáng, Thiếu sinh hành khúc, Bạn đường...; ca tụng thiếu nữ như Việt nữ gọi đàn, Thiếu nữ Việt Nam...; những sầu niệm qua thời binh lửa như Kinh cầu nguyện, Hồn tử sĩ, Hờn sông Gianh, Đoàn quân ma...; lĩnh vực ca kịch có phổ nhạc trong kịch thơ Tục lụy của Thế Lữ và tiểu ca kịch Con thỏ ngọc...
Việc xuất hiện các nhóm nhạc cùng với việc xuất bản các bài hát tân nhạc đã thật sự hình thành phong trào sáng tác tân nhạc ở khắp các tỉnh trong nước. Tuy nhiên có một hoạt động có thể gọi là châm ngòi cho phong trào, đó là các cuộc diễn thuyết ủng hộ tân nhạc của một nhạc sĩ trẻ đất Huế là Nguyễn Văn Tuyên vào năm 1938 khi ông từ Sài Gòn ra hô hào ở đất Bắc. Được sự hỗ trợ của thống đốc Nam kỳ Rivoal, Nguyễn Văn Tuyên ra Hà Nội nói chuyện tại Hội Trí Tri vào tháng ba năm ấy. Tuy cử tọa đông đảo nhưng giọng nói khó nghe, vả lại bài hát cải cách đã có sẵn tại đây, nên lời kêu gọi của ông không mấy thuyết phục. Tại Hội Trí Tri Hải Phòng, trước số cử tọa không đông, ý kiến của ông đã được chia sẻ, nhất là khi nhạc sĩ Lê Thương trình bày một số bài hát của các tác giả đất Bắc. Sau đó nhân kỳ hội của Trường nữ học Hoài Đức, ông Tuyên còn trình bày nhạc mới tại rạp chiếu bóng Palace, được cử tọa tán thưởng bài hát Bông cúc vàng của ông.
Lúc này báo chí cũng đã bắt đầu hô hào và đăng tải những bài tân nhạc. Báo Ngày Nay ra ngày 31-7-1938 đăng bài hát Bình minh (thơ Thế Lữ) của Nguyễn Xuân Khoát. Tháng 9-1938 bài Con thuyền không bến đăng trên tạp chí Bạn Gái. Tiếp đó lần lượt xuất hiện trên báo Ngày Nay các bài như Bông cúc vàng, Kiếp hoa (thơ Nguyễn Văn Cổn) của Nguyễn Văn Tuyên; Hồn xuân của Nguyễn Xuân Khoát; Bản đàn xuân của Lê Thương; Khúc yêu đương của Thẩm Oánh; Đám mây hàng của Phạm Đăng Hinh; Đường trường của Trần Quang Ngọc... Ở miền Nam, tuần báo Thanh Niên cũng ủng hộ tân nhạc bằng loạt bài Phong trào nhạc mới của Lê Thương từ 25-3-1943 đến 26-8-1944; bài Tuyên ngôn về âm nhạc của ba tác giả Lưu Hữu Phước, Trần Văn Khê, Nguyễn Tôn Hoàn. Báo còn đăng các bài hát Hội nghị Diên Hồng, Thượng lộ tiểu khúc, Gieo ánh sáng, Hờn sông Gianh, Xếp bút nghiên, vở ca kịch Con thỏ ngọc...
Từ đầu năm 1939 một số bài tân nhạc đã được bày bán tại các hiệu sách. Các lớp dạy nhạc cũng được mở ra ở nhiều nơi: Nguyễn Thiện Tơ, Trần Đình Khuê, Dzoãn Mẫn, Dương Thiệu Tước (Hà Nội), Nguyễn Thông, Lê Ngát, Dzoãn Ân (Sài Gòn)... Ở miền Bắc cần nhắc đến hoạt động của nhóm Việt Nam nghệ sĩ đoàn, đứng đầu là Đàm Quang Thiện với chương trình biểu diễn ca nhạc ngày 20-3-1939; của Hội Khuyến nhạc Bắc Việt thành lập khoảng năm 1944 do nhạc sĩ Nguyễn Văn Giệp làm hội trưởng, được sự cộng tác của nhiều nhạc sĩ danh tiếng. Năm 1945, hội đã tổ chức thành công một cuộc đại hòa tấu long trọng nhân kỳ đại hội âm nhạc năm đó và tổ chức được cuộc thi sáng tác âm nhạc đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm 1944 đầu năm 1945, trong đó các bài đoạt giải thưởng là Việt Nam hùng tiến (Thẩm Oánh), Việt Nam minh châu trời Đông (Hùng Lân), Trung thu đất Việt (Tống Ngọc Hạp). Ở Sài Gòn cũng có những buổi hòa nhạc của Võ Đức Thu, Thái Thị Lang...
Lực lượng sáng tác tân nhạc ngày một đông đảo ở khắp các tỉnh thành. Tại Huế có các nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Hữu Ba, Văn Giảng, Lê Quang Nhạc, Ngô Ganh, Lê Cao Phan... Tại Đà Nẵng có La Hối, Dương Minh Ninh, Phan Huỳnh Điểu...

Xuất phát điểm của dòng ca khúc lãng mạn.
Khi nhắc đến sự ra đời của trào lưu âm nhạc lãng mạn, chúng ta không thể tách rời trào lưu này với hoàn cảnh đất nước vào giai đoạn lịch sử ấy. Nó có cơ sở xã hội rõ rệt. Dưới chế độ thuộc địa, các thành thị đông đúc hơn, thương mại được củng cố; viên chức, tiểu chủ, trí thức, giáo viên, sinh viên học sinh, nhà văn, nhà báo... đông dần lên và hình thành tầng lớp mới. Song từ những năm 1920 trở đi, với các chính sách của thực dân Pháp, đời sống của họ trở nên bấp bênh nên nảy sinh bất mãn với chế độ. Tầng lớp này bắt đầu phân hóa; một bộ phận giương cao ngọn cờ tư sản dân tộc, một bộ phận khác đi theo phong trào cách mạng dân tộc. Thất bại của khởi nghĩa Yên Bái (9-2-1930) đã xói mòn con đường của phong trào tư sản. Cùng với sự khủng bố, đàn áp của thực dân, nền kinh tế bị khủng hoảng đe dọa cuộc sống khiến tầng lớp này hoang mang, dao động, buồn rầu, u uất. Tất cả tâm trạng đó được giãi bày trong văn chương, âm nhạc như một cách thoát ly thực tế. Chủ nghĩa lãng mạn do vậy đã trở thành chốn nương náu êm đềm cho một số nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ. Bắt đầu xuất hiện nơi họ nhu cầu tình cảm mới, thị hiếu thẩm mỹ và rung động mới. Âm nhạc lãng mạn Việt Nam phát triển từ trong bối cảnh đó.
Chính ngay từ bước đầu giai đoạn hình thành nền tân nhạc Việt Nam, đặc biệt trong những năm từ 1935-1938 trở đi, chúng ta thấy xuất hiện rất sớm những tác phẩm lãng mạn trong số rất nhiều ca khúc ở nhiều thể loại. Chúng ta dễ dàng nhận ra sự khai sinh dòng ca khúc lãng mạn có tiền đề thứ nhất là sự tiếp thu luồng âm nhạc phương Tây (ca khúc lãng mạn châu Âu thế kỷ XIX và nhạc nhẹ cổ điển) cùng với chủ nghĩa lãng mạn phương Tây đang xâm nhập vào đất nước; đồng thời tiền đề thứ hai quan trọng không kém là thành tựu rực rỡ của văn chương lãng mạn Việt Nam vào thời kỳ này (đặc biệt phong trào thơ mới và nhóm Tự Lực văn đoàn) đã tác động và tăng nguồn lực cho âm nhạc lãng mạn. Nhiều tác giả đã chọn khuynh hướng lãng mạn và trung thành với lựa chọn đó. Bên cạnh những bài sử ca, bài ca cách mạng, ca khúc lãng mạn đã chiếm được cảm tình của quần chúng, được đông đảo người yêu nhạc nghe, hát và truyền lại cho các thế hệ sau.
Rõ ràng xuất phát điểm của dòng ca khúc lãng mạn chính là thời điểm ra đời của nền tân nhạc Việt Nam. Cùng với sự tác động và nguồn ảnh hưởng từ các tiền đề trên, dòng nhạc này ngày càng phong phú để có thể tự khẳng định khuynh hướng, tính chất cũng như chủ đề, nội dung rõ nét. Âm nhạc lãng mạn đã được phổ biến rộng rãi trong cả nước ngay từ khi ra đời, sau đó do hoàn cảnh chia cắt đất nước năm 1954, âm nhạc lãng mạn thời tiền chiến chỉ còn được phổ biến trong các đô thị ở miền Nam.
Trong đời sống âm nhạc ở các đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975, dòng ca khúc lãng mạn đã có vị trí xứng đáng do giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ của nó, đã tác động và khơi nguồn sáng tác cho nhiều lớp nhạc sĩ kế tiếp chọn lựa khuynh hướng này. Mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, bên cạnh nhiều khuynh hướng âm nhạc khác ra đời, âm nhạc lãng mạn, trữ tình vẫn không bị đánh mất giá trị và vai trò của nó; âm nhạc lãng mạn vẫn là chỗ dựa tinh thần cho nhiều tâm hồn thanh niên bơ vơ, lạc lõng giữa cuộc chiến tàn khốc.

NGUYỄN PHÚ YÊN