CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIỀN 1975 - 2011 (KÌ 82)





NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ



821 - Chung Thị Do

20 NĂM MẸ CÕNG CON ĐI HỌC

Nông dân sinh tại Tiền Giang. Sống ở TPHCM (2011).

Lấy chồng là bộ đội thương binh 51% nên sinh con trai đầu lòng năm 1987 bị nhiễm CĐDC từ cha bắt đầu từ 14 tháng tuổi đã xuất hiện triệu chứng bệnh lý 2 chân rất yếu đi đứng vô cùng khó khăn.



Năm con lên lớp 5 bệnh chuyển nặng làm 2 chân liệt luôn, tay cử động yếu ớt. Nhưng con vẫn ham học nên mẹ phải chiều con hàng ngày cõng con đi bộ 4km đến trường. Cứ thế đều đặn cõng con đi học THCS rồi THPT tốt nghiệp.



Năm 2009 con thi đại học đậu vào ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM. Thế là bây giờ mẹ lại tiếp tục cuộc trường chinh cõng con đến trường trên hành trình dài hơn hẳn là phải đưa con lên trọ học ở TPHCM trong hoàn cảnh nhà nghèo, chồng tái phát bệnh thời chiến tranh và một con trai thứ hai cũng mắc bệnh gần giống anh mình.



Thầy dạy con cấp trung học cũ cảm thương đứng ra vận động thầy cô giúp đỡ tiền bạc cho 2 mẹ con lên thành phố. Nhưng đường đến trường nay diệu vợi hơn hẳn nơi đô thị đông đúc làm sao cõng nổi con đi học?



May mà được một mạnh thường quân cho một chiếc xe máy cũ để ngày ngày chở con đến trường rồi từ cổng trường mới cõng con lên phòng học trên lầu. Có khi tới lầu 2-3 cả 2 mẹ con té lăn gần xỉu luôn!



Trong khi con học thì mình tìm chỗ khuất ngồi làm gia công dán hộp quà tặng mỗi ngày được 30.000 đồng để phụ thêm cho con ăn học. Và cầu mong còn chồng con ở quê ráng chống chỏi chờ ngày con trai đầu học hành thành đạt quay về chứ “không tính gì được hết”.



822 - Đàng Thị Trang

NỮ FULRO 1

Dân thường sinh khoảng 1957 tại Ninh Thuận. Sống ở Ninh Thuận (1982).

Người dân tộc Chăm trước 1975 tham gia sinh hoạt tại Trung tâm Văn hóa Chàm ở Phan Rang, một trung tâm do Pháp thành lập và điều hành dưới danh nghĩa viện trợ cho chính quyền VNCH.



Gia đình có truyền thống theo cộng sản, mẹ hoạt động nằm vùng làm cán bộ phụ nữ xã, hai anh trai là liệt sĩ. Nhưng sau 1975 lại đi theo người tình là một lãnh thụ Chăm ly khai theo FULRO vào rừng lập chiến khu chống cộng sản. Tại đây sinh được 2 con.



Nhưng một thời gian sau phần vì con nhỏ không chịu nổi cảnh sống kham khổ trốn tránh trong vùng rừng thiêng nước độc, phần khác do chồng phụ bạc theo “nữ Fulro” khác nên tìm cách ôm con bỏ trốn. Bị chồng cũ biết được sai lính đuổi theo bắn bị thương may mà thoát chết chạy về nhà cha mẹ ở Phan Rang.



Ơ nhà mẹ tưởng chết rồi nên đã lập bàn thờ không ngờ nay vẫn còn con thêm cả cháu nữa. Liền đưa con ra khai báo trình diện chính quyền, được nhắc nhở rồi cho về.



Từ đó cố gắêng làm lại cuộc đời lấy chồng mới bạn học cũ sau khi chồng cũ đã bị bắt ở tù.



823 - Hồ Thị Điu

CHẠY TRÊN CÁT 80KM/NGÀY

Nông dân sinh 1950 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2007).

Thương binh hạng 3 từng bị địch bắt giam tra tấn tàn nhẫn vẫn sống sót đến ngày hòa bình.

Trở về quê xã nghèo vùng cát trắng xã Triệu Lăng sát biển. Lấy chồng sinh được 5 con thì năm 1985 chồng đi biển gặp bão bỏ mạng trước sóng dữ.



Còn lại một mình phải nuôi 5 con và một mẹ già mắc bệnh thần kinh cũng do bị địch bắt tra tấn chấn thương đầu.



Quê nhà là vùng quê nghèo tơi tả vì chiến tranh tranh khốc liệt (550 hộ chiếm hơn 50% dân số thuộc diệïn gia đình chính sách, hơn 350 liệt sĩ, 250 thương bệnh binh…) chỉ còn biết theo nghề buôn cá để sống còn.



Thế là đều đặn hàng ngày từ 3 giờ sáng ra bờ biển chờ thuyền đánh cá về mua cá mực bỏ vào quang gánh rồi gánh… chạy tất ta tất tưởi lên chợ huyện cách đó 20km bán. Bán xong lại mua từ chợ một số hàng tạp hóa lẻ đến khoảng 7 giờ sáng thì gánh tất cả… chạy 20km nữa về làng bán lẻ. Nghỉ ngơi chút đỉnh đến 4 giờ chiều lại ra bờ biển ngóng tàu đánh cá về buổi chiều mua thêm đợt cá mực nữa để… tiếp tục chạy lên chợ huyện bán. Xong lại… chạy về chờ đến 3 giờ sáng hôm sau “bổn cũ soạn lại” hành trình gánh cá mực chạy như thế. Nên nhớ khi đem hàng lên chợ bán phải chạy nhanh hết sức – đuối sức té ngã cũng ráng gượng dậy… chạy tiếp - để cá tôm không bị ươn. Chuyên bán “hải sản” vậy mà bữa ăn cho mình chỉ toàn… rau! Để dành món ăn ngon bán lấy tiền lo con ăn học.



Tính ra cả ngày đã chạy khoảng 80km chia làm 4 đợt trên vùng đất toàn cát trắng cây cối đã chết rụi do bom đạn đổ xuống hàng hà sa số thời trước, lại thêm luồng gió Lào khô khốc nổi tiếng thổi qua từng đợt rát mặt biến nơi đây không khác gì sa mạc Châu Phi.



Dù vậy vẫn không quên ngày 2 lần – lần đầu và lần cuối ngày – trên đường đi đều ghé ngang thắp mộ chồng (ở đây mộ chôn trong cát chứ chôn đâu khác?) – cầu xin chồng phù hộ cho mình mãi mãi chân cứng đá mềm để nuôi con.



Hơn 20 năm thực hiện lộ trình chạy “việt dã cát” đều đặn như thế đã nuôi con ăn học thành tài. Bốn đứa đầu đều vào đại học, một đã tốt nghiệp ra đi làm.



824 - Hồ Thị Ngọc Hải

NGƯỜI KHÔNG CÓ 2 HÀM RĂNG

Sinh viên sinh tại Hà Tĩnh. Sống ở Hà Tĩnh (2011).

Mẹ từng làm giao liên cho cộng sản những năm 1972-74 tại Quảng Trị, sau 1975 lấy chồng là bộ đội phục viên về sống ở quê chồng Hà Tĩnh. Sinh 3 đứa con đầu đều bị nhiễm CĐDC dị dạng, dị tật chết ngay sau khi sinh.



May sao bản thân mình (và người anh kế) sinh sau vẫn sống được nhưng cứ bệnh tật liên miên, suốt một năm đầu sau khi sinh hầu như nằm viện suốt. Bao chứng bệnh quái ác ở đường khí quản bào mòn thân thể khiến cả 2 hàm răng đều hư hết (xương hàm quá yếu), mắt lồi lên!



Dù vậy ý chí ham học đã vực dậy nạn nhân bé nhỏ ốm yếu này, trở thành học sinh giỏi cấp THPT.



Năm 2007 tốt nghiệp phổ thông trung học chuẩn bị thi vào đại học ngành sư phạm với ước mơ làm cô giáo. Nhưng cô giáo mà không có… hàm răng thì dạy học trò sao đượïc thế nên cha mẹ cố gắng đưa con ra Hà Nội khám răng hy vọng được Nhà nước giúp đỡ. Bệnh viện sẵn sàng khám chữa miễn phí song làm 2 hàm răng giả hàng chục triệu đồng thì phải nhờ bảo hiểm y tế thôi. Kết quả bảo hiểm y tế trả lời… không chi!



May sao báo Tuổi Trẻ biết được viết bài kêu gọi nên được một nữ bác sĩ làm tư ở TPHCM giúp làm cho 2 hàm răng – trị giá trên 30 triệu đồng - không lấy tiền. Thế là “cô gái da cam” này có được 2 hàm răng trắng nuốt như ai!



Bây giờ đàng hoàng thi đậu vào ĐH Hà Tĩnh hệ cao đẳng sư phạm năm 2008 (năm trước chỉ dám thi vào ngành kế toán tài chính). Sau 3 năm theo học đầy cam go do cứ bệnh nghỉ học hoài những khi trái gió trở trời, giữa năm 2011 đã tốt nghiệp hy vọng sớm thành cô giáo dạy tiếng Anh.



825 – Hồ Thị Thanh Hòa

HAI VỢ CHỒNG CHẤN THƯƠNG SỌ NÃO

Công nhân về hưu sinh 1955 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở TPHCM (2007).

Năm 15 tuổi trốn nhà theo cộng sản đánh Mỹ, được đưa vào bộ đội làm nhiệm vụ mở đường trên chiến trường Trị – Thiên.



Năm 1971 bị B52 Mỹ thả bom đánh sập hầm chôn vùi 7 chị em trong tiểu đội, chỉ mình và một đồng đội sống sót. Nhưng bản thân bị chấn thương sọ não phải nằm viện nhiều tháng trời.



Ra viện được cho đi học một lớp văn nghệ xung kích rồi theo đội văn nghệ đi phục vụ tuyến đường Trường Sơn. Được 3 năm thì bệnh não tái phát nên được chuyển qua học làm y tá đưa về làm ở viện quân y để có điều kiện thuận tiện tiếp tục chữa trị bệnh đau đầu thường xuyên.



Kết thúc chiến tranh 1975 ra quân thương binh nặng hạng 1/4 được nhận vào làm xí nghiệp ở Bình Trị Thiên song thời này các cơ quan sản xuất không ổn định nên cứù phải thay đổi chỗ làm hoài.



Lấy chồng là bộ đội phục viên dân Quảng Bình sinh 3 con một gái 2 trai. Nhưng chồng bị nhiễm CĐDC và trùng hợp ngẫu nhiên là cũng từng bị chấn thương sọ não nên trong cuộc sống chung hai bên khi “lên cơn” thường xuyên va chạm, gây gổ vô cớ! Mâu thuẫn gia đình lên đỉnh điểm tới mức năm 1984 chồng bỏ về quê Quảng Bình để lại cả 4 mẹ con bơ vơ.



Thế là một mình nuôi 3 con trong tình cảnh bệnh sọ não không hết nên bị xí nghiệp cho nghỉ việc năm 1987. Đành phải làm công nhân quét dọn vệ sinh cho khách sạn, nhặt lon bia hộp giấy phế thải và cả cắt lá chuối đem đi bán lấy tiền lo con ăn học.



Vậy mà nuôi 3 con trưởng thành đàng hoàng, có con theo nghiệp cũ của mình làm nghề biên đạo múa. Phần mình nay đã thảnh thơi đôi chút trở lại tham gia các hoạt động văn nghệ quần chúng – cả sáng tác lẫn trình diễn hát, ngâm thơ, độc tấu -- hoài niệm một thời xuân sắc ca hát trên đường Trường Sơn.



826 - Hồ Văn Với

ÔNG CHỦ CHO MƯỢN… DÊ, BÒ

Nông dân sinh 1938 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2008).

Bộ đội thương binh phục viên người dân tộc Pa Cô sau chiến tranh trở về quê ở vùng rừng núi A Lưới giáp giới Thừa Thiên – Huế.



Nhờ kiến thức học hỏi thời đi bộ đội nên biết cách xoay xở làm kinh tế mua vải đem qua Lào bán, đào mương dẫn nước về trồng lúa và cà phê, đào ao nuôi cá, nuôi bò nuôi dê… làm ăn khá giả nhất buôn làng.



Bản thân sống thoải mái rồi thì không nỡ nhìn cảnh bà con trong buôn làng cứ mãi nghèo khổ nên từ năm 1990 nảy sinh ra ý cho bà con “mượn” bò hay dê lấy vốn làm ăn, cho mượn “chay” tức không tính tiền lãi gì hết chỉ với điều kiện “nuôi nó làm sao sinh ra cả đàn dê thì trả lại để còn cho ngườøi khác mượn”!



Không chỉ giúp xóm giềng làm ăn mà còn giúp các đôi lứa thương nhau song nghèo quá không lấy nhau được do không kiếm được… đồ sinh lễ theo phong tục người Pa Cô nơi đây, thế là “xuất” ngay một con bò hay heo cho chú rể làm lễ với bên nhà gái.



Gặp những trường hợp người mượn quá khó khăn ngặt nghèo thì… tặng luôn! Với lý do đơn giản thôi: “Thấy dân mình nghèo khó thì ai chẳng buồn. Bà con đồng bào cả mà… Rồi có khi mình hay mấy đứa con trong nhà lâm cảnh hoạn nạn, đồng bào giúp lại mình thôi.”



827 - Huyền Linh

VỤ ÁN FATIMA BÌNH TRIỆU

Linh mục nhạc sĩ tên thật Nguyễn Huyền Linh sinh 1926 tại Nam Định – Mất 2003 ở Bình Phước (78 tuổi).

Di cư vào Nam 1954, tác giả một số bài thánh ca được nhiều tín đồ hâm mộ như “Ave Maria con chào Mẹ”, “Lời Mẹ nhắn nhủ”, “Ôi Giê su!”…



Năm 1977 liên quan đến vụ án Công giáo chống chế độ ở nhà thờ Fatima Bình Triệu – TPHCM nên bị đưa ra tòa xét xử lãnh án chung thân.



Năm 2001 bệnh nặng được đưa về TPHCM chữa trị, sau đó chuyển về giam ở Bình Phước rồi mất tại đây 2 năm sau.



Trong cảnh tù đày bệnh tật vẫn tiếc nuối không được tiếp tục con đường đem âm nhạc đến với niềm tin cho tín đồ:



“ Vét trong óc nhớ đôi bài nhạc



Từ thủa bình minh lắm gió mây.



Trên chín tầng cao xanh lả lướt



Như nghe nhồi máu tim say…”



828 - - Huỳnh Năm

KHÔNG BIẾT MẤT MỘT… QUẢ THẬN!

Thương binh sinh tại Quảng Nam. Sống ở Đà Lạt (2007).

Trong kháng chiến chống Mỹ là công an chiến đấu trên mặt trận Quảng – Đà.

Năm 1973 bị thương nặng được đưa về bệnh xá giải phẫu cứu chữa nằm viện 9 tháng, sau đó chuyển ra Bắc an dưỡng.



Năm 1977 xuất ngũ vào Lâm Đồng sinh sống. Khi làm chế độ thương binh 3/4 được giám định mức thương tật 31%. Nhưng thời gian qua thỉnh thoảng vẫn thấy vết thương cũ đau nhức nên năm 1991 đi giám định lại được nâng mức thương tật lên 56%.



Dù vậy cơ thể vẫn tiếp tục có dấu hiệu bất an, cuối cùng năm 2005 vào TPHCM khám kỹ hơn lúc đó mới té ngửa ra rằng từ hơn 30 năm nay mình chỉ còn… một quả thận, còn quả thận kia hẳn đã bị cắt đi khi được mổ cấp cứu trên chiến trường! Có lẽ do hoàn cảnh chiến đấu khắc nghiệt, gấp gáp nên y bác sĩ… quên báo cho mình biết.



Bây giờ biết rồi muốn sửa lại y bạ để nâng mức thương tật lên bổ sung quyền lợi thương binh thì thủ tục hành chính thật không đơn giản chút nào!



829 -- Huỳnh Thị Ba

“TỈ PHÚ BA GÀ”

Doanh nhân sinh 1961 tại Đà Nẵng. Sống ở Đà Nẵng (2009).

Mồ côi cha – liệt sĩ chống Mỹ - từ nhỏ. Nhờ lý lịch nên sau 75 được vào làm kế toán cho một công ty ở Đà Nẵng.



Năm 1988 lấy chồng sinh ba con. Phải lo toan gánh nặng gia đình gặp thời bao cấp khó khăn kinh tế nên túng làm liều chiếm dụng tiền cơ quan hùn vốn đi buôn hàng cấm. Không may thất bại vỡ nợ bị bắt lãnh án 20 năm tù.



Trong thời gian ở tù chồng bỏ đi lấy vợ khác, con cái phải chạy về tá túc bên ngoại.



May mắn nhờ nhân thân liên hệ Cách mạng nên chỉ ở tù 5 năm thì được đặc xá năm 1997.



Trở về với 2 bàn tay trắng một mình nuôi 3 con và một mẹ già bằng nghề nuôi heo, có lúc không chỗ ở gần như phải sống chung với… heo (ở luôn trong kho đựng thức ăn cho heo)! Nhờ trời nuôi heo khá mát tay, lúc đầu nuôi 10 con sau phát triển lên 150 con rồi 500 con.



Sau đó còn chuyển qua nuôi gà cũng rất thành công kể cả trong cơn đại dịch cúm gà cuối năm 2004. Tên tuổi “Tỉ phú Ba gà” thành danh từ đó.





830 – Huỳnh Văn Hùng

ÁN OAN “NỘI GIÁN” 30 NĂM

Nông dân sinh 1941 tại Bến Tre. Sống ở Bến Tre (2009).

Thuộc gia đình cộng sản “nòi”, ông nội, cha và em trai là liệt sĩ thời chống Mỹ nên mới 10 tuổi đã đi làm liên lạc viên rồi thoát ly theo kháng chiến luôn. Làm trưởng công an xã rồi cán bộ an ninh huyện, bí thư xã Quới Sơn ở quê nhà BếnTre.



Thình lình tháng 2.1974 bị công an huyện bắt cùng với hai đồng đội đảng ủy viên với tội danh làm… nội gián cho địch!



Cả 3 bị đưa đi giam ở trại cải tạo tỉnh. Đến tháng 2.1977 – sau 3 năm 2 ngày ở tù - mới được thả ra không kèm theo bất cứ lý do, chỉ giải thích qua loa với cấp trên – qua văn bản – rằng các đương sự “chưa chịu nhận tội nhưng (công an) không có điều kiện xác minh”!



Ba người làm đơn đi kêu oan khắp nơi từ tỉnh ủy đến cả BanTổ chức Trung ương đều không kết quả. Hai đồng chí cùng chịu hàm oan đành bỏ cuộc về quê làm ruộng rồi chết sớm trong cảnh nghèo khổ, gia đình tan tác lại mang tiếng xấu “phản bội” khó lòng gột rửa.



Bản thân gia đình mình cũng rơi vào cảnh mâu thuẫn tận cùng tới chỗ cả vợ con cũng bức xúc vì dư luận dị nghị nên có lúc đã trách cứ mình là kẻ “phản cách mạng”, làm gián điệp bán đứng tổ tông (nên nhớ con cái 3 nhà này khi đi học hay đi làm đều bị địa phương chứng vào lý lịch “có cha là nội gián”)! Không thể chịu nổi cuối cùng đành ly dị vợ.



Bị đẩy đến bước đường cùng thê thảm như thế càng sôi sục ý chí tìm cách minh oan, phục hồi danh dự không chỉ cho mình mà còn cho cha ông dòng họ nữa: “Tôi từng mấy lần tính tự tử trong trại giam nhưng nghĩ lại nếu mình chết thì ai giải quyết cho mình? Chết tức là để tiếng xấu đến cả dòng họ, gia đình… Tôi phải sống để có ngày ngẩng mặt với đời…”



May sao năm 1966 gặp lại nữ đồng chí cũ là du kích cùng chi bộ hồi đó lúc này là cán bộ công an luôn tin tưởng thủ trưởng cũ của mình vô tội nên bà đã tìm cách nhờ công an Bến Tre và Mỹ Tho lật lại hồ sơ vụ án xem lại sự thật thế nào.



Cuối cùng phải lên tận TPHCM truy tìm tài liệu mật của tình báo chính quyền VNCH còn giữ lại trong kho hồ sơ của Bộ Công an mới dần tìm ra đường dây mối nhợ vụ án này. Đó là do mật vụ chế độ cũ dàn dựng để gây chia rẽ nội bộ cộng sản Bến Tre và công an Bến Tre thời đó nghiệp vụ còn sơ khai lại mắc bệnh cảnh giác quá độ “giết lầm còn hơn bỏ sót” nên đã bị sập bẫy!



Từ đó năm 2003 tỉnh ủy Bến Tre ký quyết định giải oan cho 3 “đồng chí mình” sau 30 năm mang án oan trong đó 2 người đã phải ngậm cười nơi chín suối lâu rồi.



Về cựu bí thư xã còn sống cũng có được một đoạn kết hạnh phúc thanh thản chắp nối cuộc đời với người nữ đồng đội trung thành năm xưa. Một kết cục “ân đền oán không trả” trùng hợp kỳ lạ bởi người vợ cuối đời an ủi tuổi già này có chồng trước (đã mất) chính là anh phó công an huyện đã ký lệnh… bắt người chồng bây giờ cách nay 30 năm!



(Còn tiếp)









THƠ GIANG HỒ,NHƯ NHỮNG NGỌN GIÓ,KHÔNG NGỪNG PHIÊU LÃNG

"Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt

Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà"



Chẳng cần phải rà soát trong trí nhớ, nhiều người đã bật lên hai câu này mỗi khi chén thù chén tạc; lúc đắc chí vỗ đùi cười rơi nước mắt; khi một mình dạ hành nơi đất khách lạ xa…



Thơ của ai? Chẳng biết là thơ của ai. Chỉ biết rằng thơ hay quá, đọc lên nghe đã đời, sảng khoái cả tâm hồn, mà như một lời an ủi, ngọt dịu. Thơ ai vậy ta? Người đinh ninh thơ Nguyễn Bính. Kẻ đồ chừng thơ Nguyễn Duy. Có người lại "chắc cú" rằng thơ của Bùi Chí Vinh v.v… Thưa rằng chẳng phải. Người có hai câu thơ rất nổi tiếng trên "giang hồ" mà tên tuổi lại… hơi "mơ hồ" trên văn đàn đó chính là thi sĩ Phạm Hữu Quang quê Bắc Đuông, Thốt Nốt, Cần Thơ.



Phạm Hữu Quang sinh năm 1952, từng học Đại học Sư phạm với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh rồi chuyển về Đại học Cần Thơ. Ra trường, đi dạy vài ba năm rồi chuyển qua làm văn nghệ (Hội VHNT An Giang). Theo mô tả của nhà thơ Trần Hữu Dũng thì Phạm Hữu Quang có vóc người thấp đậm, râu ria xù xì như con gấu. Con người có bài thơ "Giang hồ" nghe "dữ dằn" vậy mà hiền khô, lại rất siêng làm thơ thiếu nhi. Bài thơ "Giang hồ", Phạm Hữu Quang viết tháng 5/1991. Anh mất ngày 28/4/2000, vừa đúng 49 tuổi (bốn chín chưa qua…).



Sau khi Phạm Hữu Quang mất, bạn bè thi hữu "kẻ góp của, người góp công" đã in cho anh một tập thơ có tên "Ngẫu hứng chiều sông Hậu". Nói cho đúng, thơ Phạm Hữu Quang không nhiều. Nhưng anh có bài "Giang hồ" quá xuất thần, dường như ai chỉ cần nghe đọc một lần là cũng có thể thuộc vài câu. Tất nhiên bài "Giang hồ" không chỉ có hai câu hay, mà còn có nhiều câu thấm thía, ví dụ:



"Giang hồ ba bữa buồn một bữa

Thấy núi thành sông biển hóa rừng…"



Ồ! Thì ra xưa nay, người rong ruổi giang hồ cũng không phải là hiếm, nhưng mới đi ba bữa đã sầu một bữa, quặn lòng mình để cho thơ lên ngôi thì cũng chỉ riêng thi sĩ thứ thiệt mới có. Thật ra, giang hồ - xê dịch - rong chơi; nó vừa là hành động vừa là ý niệm của người thơ. Dấn thân để được đi mãi trên con đường sáng tạo luôn là ước muốn lớn lao của những ai làm nghệ thuật. Nhà thơ Thế Lữ từng viết: "Ta là một khách chinh phu/ Dấn bước truân chuyên khắp hải hồ". Thấy chưa? Giang hồ, đâu phải chỉ "đã đời sông núi" riêng mình, mà đôi khi nó là sứ mệnh.



Bước chân giang hồ lắm khi cũng là định mệnh của không ít nhà thơ. Thi sĩ Nguyễn Bính có khá nhiều bài thơ thấm đượm cái phong vị của kẻ giang hồ thứ thiệt. Nhưng, có thể nói bài thơ "Hành phương Nam" của Nguyễn Bính được xem là một bài thơ giang hồ hay nhất, nổi tiếng nhất của ông. Nó như một cuốn "nhật ký" của thi sĩ trên đường lưu lạc vào phương Nam:



"… Ta đi nhưng biết về đâu chứ

Đã dấy phong yên khắp bốn trời

Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ

Uống say mà gọi thế nhân ơi!".



Ở chợ Đa Kao - Sài Gòn, năm 1943, Nguyễn Bính viết bài thơ này. Bây giờ đọc lại vẫn thấy hay, thấm thía một nỗi buồn. Còn gì buồn hơn là ngồi say giữa chợ? Giữa chốn đông mà nào có ai thân? Có một chi tiết trùng hợp khá thú vị là: Nguyễn Bính cũng mất năm 49 tuổi, bằng số tuổi mà Phạm Hữu Quang "tạm trú" trên cõi đời. Mất ở tuổi ấy, thường coi như là "chết yểu", nhưng kỳ lạ thay, thơ của họ lại có sức sống vượt thời gian.--



Thơ giang hồ, thường là kết quả của những chuyến xê dịch. Sau những cuộc rong ruổi thỏa chí tang bồng là một niềm thương nhớ da diết. Đi chỉ là một phương thức nhằm thay đổi bối cảnh, không gian sống, chứ cũng khó lòng mà thay đổi tâm trạng, số phận. Thi sĩ Đynh Trầm Ca có hai câu thơ giang hồ rất tuyệt:



"Giang hồ nào có ai phong ấn/

Mà cũng từ quan, trở lại quê".



Và, thi sĩ Linh Phương cũng từng cho "xuất xưởng" một bài thơ có tựa "Giang hồ" khá hay:



"Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận

Vẫn thấy lòng đau rứt ruột đau

Thèm nghe tiếng dế thời thơ ấu

Ngắm cánh diều bay giữa vô cùng".



Người ra đi bao giờ cũng mong được quay trở về. Xét cho cùng, sự trở về trọn vẹn nhất là trở về với hồn nhiên ấu thơ. Khi hồn ta còn tràn ngập tình thương trong sáng, khi đầu óc ta còn chưa mắc kẹt vào những dự án, toan tính bộn bề, mỏi mệt. Nhưng, làm sao quay ngược cây kim thời gian? Linh Phương thảng thốt:



"Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận

Thầm hẹn mai này qui cố hương

Ta về làm bạn cùng chim chóc

Lẫn với muỗi mòng chín cửa sông".



Có đôi người đọc bài thơ "Giang hồ" này thích quá, bèn gọi điện thoại hỏi tôi có biết tung tích của thi sĩ? Linh Phương là chị hay anh? Tôi không biết nhiều lắm. Nhưng chắc chắn một điều, thi sĩ Linh Phương đích thị là… đàn ông; hiện sống ở Rạch Giá - Kiên Giang.

Giang hồ. Ừ nhỉ! Tại sao không giang hồ? Có ai cấm ta giang hồ? Dù chỉ là giang hồ vặt. Nhưng nói đến giang hồ thứ thiệt "chính tông" thì phải nói đến thi sĩ Bùi Giáng. Cái giang hồ của Bùi Giáng không chỉ tính ở dặm dài xê dịch mà nó nằm ngay trong bản thể của thi sĩ. Ông "đi vắng" ngay cả khi ông tồn tại. Ông ở đây mà hồn ở đâu. Ông quên lãng ngay chính bản thân, chính tên tuổi mình:

"Hỏi tên rằng biển xanh dâu

Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa…".



Bùi Giáng rong chơi mải miết, rong chơi đến độ "quên cả đường đi lối về". Nhưng, trên con đường rong chơi của thi sĩ bao giờ cũng kè theo một "túi thơ" bên mình:

"Rong chơi râu tóc bạc phơ

Còn nghe đắm đuối vần thơ yêu người…".



Nói đến chuyện rong chơi của trung niên thi sĩ thì có lẽ còn nói… đến khuya. Người bảo Bùi Giáng điên. Kẻ nói Bùi Giáng nào điên, chỉ giả vờ. Người kêu Bùi Giáng loạn chữ. Kẻ nói Bùi Giáng "múa chữ" như làm xiếc v.v… Mỗi người mỗi ý. Nhưng rốt lại, Bùi Giáng vẫn là thi sĩ "một trăm phần trăm". Với thơ, ông chỉ định "đùa chơi" một tẹo. Nhưng rồi:

"Ta cứ ngỡ đùa vui trong chốc lát

Nào ngờ đâu đùa mãi đến điêu linh".



Thì đấy, "giang hồ muôn nẻo điêu linh". Giang hồ nào phải dành cho cho kẻ yếu bóng vía; ngán sóng, sợ gió. Nghe người giang hồ đã mê, đọc thơ giang hồ càng sướng. Thơ giang hồ còn nhiều. Trong một chốc, một lát; một buổi, một ngày không thể nào nhớ hết, liệt kê ra đầy đủ. Đó là chưa kể có nhiều bài thơ giang hồ còn nằm trong dân gian.



Thơ giang hồ như những ngọn gió không ngừng phiêu lãng. Thổi phóng túng vào tâm hồn những ai yêu thơ, yêu đời sống thiệt tình (!)





(http://vnca.cand.com.vn/">http://vnca.cand.com.vn/ )



PHẠM HỮU QUANG

GIANG HỒ



Tàu đi qua phố , tàu qua phố

Phố lạ mà quen ta giang hồ

Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ

Chẻ củi , trèo thang với … giặt đồ



Giang hồ đâu bận lo tiền túi

Ngày đi ta chỉ có tay không

Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi

Mây trắng trời xa trắng cả lòng



Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn

Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình

Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng

Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình



Giang Hồ có bữa ta ngồi quán

Quán vắng mà ta chửa chịu về

Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống

Đếm thấy thừa ra một gốc si



Giang hồ mấy bận say như chết

Rượu sáng chưa thưa đã rượu chiều

Chí cốt cầm ra chai rượu cốt

Ừ . Thôi . Trời đất cứ liêu xiêu



Giang hồ ta chẳng hay áo rách

Sá gì chải lược với soi gương

Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc

Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường



Giang hồ ba bữa buồn một bữa

Thấy núi thành sông biển hoá rừng

Chân sẵn dép giày trời sẵn gió

Ngựa về . Ta đứng . Bụi mù tung …



Giang hồ tay nải cầm chưa chắc

Hình như ta mới khóc hôm qua

Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt

Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà





LINH PHƯƠNG

GIANG HỒ



Giang hồ từ thuở ta thất thế

Chí lớn không thành- thà ẩn cư

Viễn xứ. Ờ ! Thôi thì viễn xứ

Hết đời phiêu bạt chốn quê xa



Mẹ xưa vốn quen mùi rơm rạ

Đốt đồng khô khói phủ che trời

Hoàng hôn mỏi mắt. Chiều châu thổ

Vẳng tiếng kêu đò bên bến sông



Cha xưa cầm súng ra đánh trận

Bỏ xác trên rừng mấy mươi năm

Lần đi đưa tiễn- tay chưa nắm

Vạt áo che ngang mẹ khóc thầm



Em xưa kẹp tóc thề vội lớn

Cứ ngỡ tình xanh mãi biếc xanh

Tương tư xếp lá đôi bờ mộng

Mơ bóng trăng khuya- tiếng nguyệt cầm



Ta xưa thắp nến chờ đêm xuống

Đợi hồn thiêng khuất nẻo cha về

Mộ bia hiu quạnh. Ngày dâu bể

Phách lạc đâu còn chỗ nương thân



Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận

Vẫn thấy lòng đau rứt ruột đau

Thèm nghe tiếng dế thời thơ ấu

Ngắm cánh diều bay giữa vô cùng



Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận

Thầm hẹn mai này quy cố hương

Ta về làm bạn cùng chim chóc

Lẫn với muỗi mòng chín cửa sông



NGUYỄN BÍNH

HÀNH PHƯƠNG NAM



Hai ta lưu lạc phương Nam này

Trải mấy mùa qua én nhạn bay

Xuân đến khắp trời, hoa rượu nở

Riêng ta với ngươi buồn vậy thay !



Lòng đắng sá gì non hớp rượu

Mà không uống cạn, mà không say ?

Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã

Mà áo khinh cừu không ai may



Ngươi giam chí lớn vòng cơm áo

Ta trói thân vào nợ nước mây

Ai biết thương nhau từ thuở trước

Bây giờ gặp nhau trong phút giây



Nợ tình chưa trả tròn một món

Sòng đời thua đến trắng hai tay

Quê nhà xa lắc xa lơ đó

Trông lại tha hồ mây trắng bay



Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc

Phân tán vì cơn gió bụi này

Ngươi đi buồn lắm mà không khóc

Mà vẫn cười qua chén rượu đầy



Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết

Ngày mai ra sao rồi hãy hay

Ngày mai sán lạn màu non nước

Cốt nhất làm sao tự buổi này



Rẫy ruồng châu ngọc, thù son phấn

Mắt đỏ lên rồi cứ chết ngay

Hỡi ơi Nhiếp Chính mà băm mặt

Giữa chợ ai người khóc nhận thây



Kinh Kha quán lạnh sầu nghiêng chén

Ai kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay ?

Mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự

Hài cỏ gươm cuồng ta đi đây



Ta đi, nhưng biết về đâu chứ ?

Đã dấy phong yên lộng bốn trời

Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ,

Uống say mà gọi thế nhân ơi !



Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ

Ta với nhà ngươi cả tiếng cười

Người ơi ! Hề người ơi !

Người sang bên ấy sao mà lạnh

Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi

TRĂNG ĐẤT KHÁCH - HOÀNG LỘC





alt

ta mấy ngàn đêm xa cố quán

từng đêm ta cũng đã mơ về

thấy em đứng với dòng sông trắng

cùng bóng sầu trên áo rất mây



thương khổ đời em không thể khác

mùa trăng con gái biệt tăm rồi

mối tình cứ phải ông trời buộc

mà giữ gìn nhau cũng hết hơi



ta đã nhiều năm trăng đất khách

vẫn ngang trời có bữa mây che

chỉ có lòng ta ôi chẳng khác

bởi tình em ngàn dặm theo soi...



8-2011

THANH MUỘI - LÊ NGỌC THUẬN



Lỡ sa lầy trong trận đồ quá khứ

Một cuộc tình không có dấu vân tay

Ta yêu người như trèo lên lưng cọp

Không còn đường di tản để về đâu



Dăm ba chén hé lòng say ta nhớ

Thuở mà em còn tóc hát gió lay

Thuở cà phê linh thiêng hơn rượu lễ

Thuở em cười ngồn ngộn một vầng trăng



Chừ đôi môi đã quá hạn hết thời

Ta hôn liều dù không tình bảo chứng

Rượu chiều nay như cô gái lỡ thì

Ngồi trang điểm ngắm mình trong đơn độc



Tóc Vương phi đã man khai lý lịch

Buồn của ta phá sản tự bao giờ

Bao năm qua đầu xuôi đuôi không lọt

Đành nâng ly núp bóng từ bi



Ta học đòi người xưa ẩn dật

Lại bộn bề tong bếp lửa mưu sinh

Thôi thì kiết già mà yêu vậy

Thanh muội ơi! mưa có tự mây trời



Khu vườn đó rượu quỳnh không còn nữa

Gốc khế già rơi rớt giọt sương khuya

Em đâu biết ta đã từng lặng lẽ

Đốt thuốc đứng chờ bên con phố xưa



LNT

ĐÃ VỀ ĐẾN HUẾ

Đã về đến Huế ...

(24.08.11)

HỒI CHUÔNG TẮT LỬA VÀ CÁI NHÌN HIỀN TƯỢNG LUẬN - HUỲNH NHƯ PHƯƠNG





Thế Nguyên tên thật là Trần Gia Thoại, sinh năm 1942 tại Nam Định, mất năm 1989 tại TP. Hồ Chí Minh, nguyên là giám đốc nhà xuất bản Trình bầy, chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Trình bầy, nhật báo Làm dân; thư ký toà soạn các tạp chí Đất nước, Nghiên cứu văn học ở Sài Gòn trước 1975. Tác phẩm đã công bố: Hồi chuông tắt lửa, Nuôi con nhơn tình, Từ dưới vực sâu, Nghĩ gì (hai tập, ký bút danh Trần Trọng Phủ), Cho một ngày mai mơ ước. Dưới đây là bài viết cùa nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương về tác phẩm Hồi Chuông Tắt Lửa của ông



Hồi chuông tắt lửa là một cuốn truyện vừa của nhà văn Thế Nguyên hoàn thành tháng 8 năm 1963 và được công bố lần đầu ở Sài Gòn năm 1964. Theo chúng tôi, đây là một trong những tác phẩm văn xuôi đặc sắc ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975, nhưng chưa được giới nghiên cứu, phê bình quan tâm thích đáng. Tác giả là một trí thức Công giáo khuynh tả chịu ảnh hưởng tư tưởng thần học giải phóng và một số quan niệm mỹ học phương Tây, trong đó có chủ nghĩa hiện sinh và hiện tượng luận, vốn được giới thiệu ở miền Nam vào những năm 60 thế kỷ trước như một lý thuyết mỹ học và một kỹ thuật miêu tả trong sáng tạo văn học.

Bài viết này bước đầu soi chiếu vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm Hồi chuông tắt lửa từ quan điểm hiện tượng luận của Husserl và Merleau-Ponty để phân tích cái nhìn và kỹ thuật miêu tả của nhà văn về vấn đề số phận con người với kinh nghiệm ở đời giữa những biến thiên của lịch sử dân tộc và tôn giáo. Vận dụng hiện tượng luận, trong trường hợp này, chúng tôi cũng muốn đào sâu ý nghĩa tiềm ẩn của tác phẩm từ sự phân tích của người đọc, theo tinh thần tác phẩm là đối tượng thẩm mỹ cho một ý thức tiếp nhận.



MỘT THẾ GIỚI ĐƯỢC TẠO DỰNG

Câu chuyện của Hồi chuông tắt lửa khởi đầu bằng việc nhân vật người kể chuyện xưng “tôi” nhận lời mời của một vị linh mục tham gia giảng dạy cho một trường trung học mới mở trong một xứ đạo ở một vùng quê thời kháng chiến chống Pháp. Từ đây bắt đầu những kinh nghiệm tại thế với những quan hệ chính trị, tôn giáo, tình yêu và tính dục mà nhân vật đó trải qua trong tương giao với những con người ở xứ đạo.

Chính trong những ngày ấy, nhân vật xưng “tôi” đã lần lượt rơi vào những tình huống tưởng chừng như mê cung không lối thoát. Ở đó, anh ta đã trải qua hai cuộc tình thoáng qua với một cô gái quê và một cô giáo đồng nghiệp cùng trường. Cô giáo này là bạn thân của người em gái vị linh mục, cả hai đều từng ở trong một dòng tu và chứng kiến cái chết bí ẩn của một người nữ tu khác. Người em gái này về sau mang thai với M., một tu sĩ rời bỏ chủng viện để hoạt động chính trị bí mật, và đã từ trần vì sinh non.

Cuộc sống ở xứ đạo với nhà thờ và ngôi trường được sắp xếp ổn định dưới bàn tay của cha T. Các tu sĩ và tín đồ ngoan đạo làm tròn bổn phận của mình. Thầy giáo, cô giáo chu toàn nhiệm vụ dạy học. Học trò, trong đó có đứa con đỡ đầu của cha T. là thằng Ánh, học hành tiến bộ, cả về kiến thức lẫn đạo đức, vì “việc học là cần thiết, nhưng giáo dục không phải chỉ nguyên rèn luyện đầu óc cho thông thái”(2).

Có thể nói, trong ý định chủ quan của mình, cha T. có ý hướng tạo dựng một xứ đạo lành thánh, ở đó những thế hệ tín đồ kế thừa và tiếp nối truyền thống trong một cuộc sống hoà hợp. Điều mâu thuẫn là để đạt được mục đích ấy, cha T. đã phải che giấu những điều khuất tất, xoá vết những tội lỗi để khoả lấp những nghi ngờ của các giáo dân.

Thế giới tưởng chừng phẳng lặng đó ẩn chứa những cơn sóng ngầm chỉ chờ cơ hội là bùng nổ. Mối tình tay ba của những người đồng nghiệp dẫn đến xung đột giữa nhân vật “tôi” và K., ngay lúc anh này vừa đính hôn với cô giáo. Bầu không khí trở nên căng thẳng hơn nữa khi K. nghi ngờ rằng Ánh là kết quả mối quan hệ bí mật giữa cô giáo và cha T.

Đỉnh điểm của xung đột là khi có sự xuất hiện của M., người từng gây ra những vụ mưu sát tàn bạo trước đôi mắt kinh hoàng của các nạn nhân. M. gặp cha T. trong toan tính nhờ sự giúp đỡ của ông để trốn thoát khỏi vùng đất do những người kháng chiến kiểm soát. Theo kế hoạch được sắp xếp, ông Bô Khương, một tín đồ mất trí, bị đưa ra xét xử chỉ vì tội ăn cắp vặt, nhằm thu hút sự chú ý của mọi người tại phiên toà, để M. dễ bề tẩu thoát.

Nhưng M. không chịu ra đi một mình. Ông ta tìm cách tra vấn bí mật mà chỉ cha T. và cô giáo nắm rõ, để biết sự thật rằng thằng Ánh là đứa con của ông với cô giáo. M. cướp thằng Ánh trong tay cô giáo để xuống một con đò đang đợi sẵn ở bến sông. Bị người du kích phát hiện, M. chứng kiến viên đạn kết liễu cuộc đời của Ánh thay cho chính ông ta.

Toàn bộ câu chuyện được gói trọn chỉ trong 100 trang sách ngắn, in chữ cỡ lớn, từ từ mở ra một thế giới khép kín trong lòng một đất nước tao loạn. Đó là thế giới được tái hiện với những bí ẩn của nó, đồng thời cũng là một thế giới được tạo dựng dưới kỹ thuật miêu tả của nhà văn.

Theo hiện tượng luận, thế giới đã hình thành và ý thức của con người về thế giới cũng hình thành cùng một lúc với kinh nghiệm của ta, trong hiện hữu tại thế của ta(3). Merleau-Ponty viết: “Thế giới gắn liền với chủ thể mà chủ thể không gì khác hơn là dự phóng của thế giới, và chủ thể cũng không tách rời với thế giới do chính chủ thể dự phóng nên. Chủ thể là hữu thể tại thế còn thế giới luôn mang tính chủ thể”(4). Thế giới Hồi chuông tắt lửa đã được tạo dựng cùng lúc với ý thức của nhân vật xưng “tôi” hình thành trong kinh nghiệm mà anh ta thu thập được và tìm cách bày tỏ kinh nghiệm đó với tha nhân.

Cũng theo nhãn quan hiện tượng luận, sự phân tích và giải thích không quan trọng bằng sự miêu tả. Trong Hồi chuông tắt lửa, Thế Nguyên không sa vào phân tích tâm lý như tiểu thuyết có cốt truyện tình cảm, cũng không lý giải và định hướng cho người đọc như tiểu thuyết có cốt truyện giáo dục. Ông miêu tả hiện tượng như người ta bóc những lớp vỏ của một củ hành để từng bước chạm vào cái hạt nhân bí ẩn bị che giấu. Nhưng nhà tiểu thuyết cũng không có tham vọng của một nhà văn hiện thực chủ nghĩa, tin rằng cái tôi nghệ sĩ có khả năng khám phá bản chất và quy luật của đời sống như nó vốn có.

Hồi chuông tắt lửa thuộc khuynh hướng tiểu thuyết đề cao cái sống thực. Trong tác phẩm, yếu tính của sự vật không phải là cái gì tự nó mà chỉ bộc lộ ra trong quan hệ hỗ tương với ý thức. Ở đây có một nghịch lý thú vị này: một mặt, Hồi chuông tắt lửa không nhằm tái hiện một thực tại có sẵn mà là triển khai việc khám phá một sự thực; mặt khác cuốn tiểu thuyết giả định rằng cả tác giả lẫn người đọc, nói theo ngôn ngữ của Husserl, chỉ đạt tới và nắm bắt những hiện tượng trong thế giới của kinh nghiệm sống, chứ không thể nào vươn tớibản chất của nó. Thoạt nhìn, dường như đó là một bước lùi so với chủ nghĩa hiện thực, nhất là tác phẩm hiện thực qua tiêu điểm zéro, trong đó người trần thuật có điểm nhìn bên trên như điểm nhìn của Thượng đế đối với các nhân vật của mình, nhờ đó mà hiểu biết thông suốt tất cả mọi sự, khiến nhân vật không thể che giấu được điều gì, ngay cả những động cơ thầm kín của nó.

Thật không dễ chấp nhận với một số người khi nhận xét rằng một “chủ nghĩa hiện thực” nào đó có thể là biến tướng của thế giới quan duy tâm, khi mà thực tại được tái hiện chẳng khác nào một mô hình được cấu tạo theo chính tâm trí của con người. Càng không dễ chấp nhận khi nhận xét rằng hiện thực khả tín nhất không phải là “hiện thực mãn nguyện” mà là hiện thực chứa đựng những yếu tố hoài nghi. Về một khía cạnh nào đó, hiện tượng luận tỏ ra tôn trọng “hiện thực”, vì nó xoá bỏ định kiến cho rằng cái tôi là trung tâm của chân lý nội tại thay vì chỉ là một chủ thể gắn liền với thế giới.

Vậy thế giới đã được tạo dựng trong Hồi chuông tắt lửa như thế nào?

Đó là thế giới của những bí ẩn chồng lên bí ẩn. Bí ẩn trong gia đình của cha T., nơi có một người con gái mang hoang thai đã chôn vùi tuổi thanh xuân của mình trong tình yêu mù quáng. Bí ẩn trong cuộc đời chị Agnès, người nữ tu hoá điên khi đối mặt với cái bóng đen ngoài vườn tu viện. Bí ẩn trong mối quan hệ tay ba của cô giáo, nhân vật “tôi” và K. Bí ẩn trong lai lịch và hành tung của M., đảng viên Quốc dân đảng đang bị chính quyền kháng chiến truy lùng. Bí ẩn trong nguồn gốc và tính cách của thằng Ánh. Bí ẩn trong hành động và động cơ của cha T. Bí ẩn trong cuộc đời và số phận của Bô Khương. Bí ẩn về con vạc mồi của bõ Khản…



Nhưng bí ẩn không phải là bí ẩn tự nó. Bí ẩn bao giờ cũng nằm trong tương quan với một cá thể. Bí ẩn với người này có thể là điều dễ hiểu đối với người kia. Đồng thời, bí ẩn luôn có thể gây ra hoài nghi và ngộ nhận. Cốt truyện của Hồi chuông tắt lửa là cốt truyện của những hoài nghi và ngộ nhận được xâu chuỗi. Tác giả, thông qua điểm nhìn của người kể chuyện, lần lượt vén màn những bí ẩn đó và giải toả những ngộ nhận. Nhân vật người kể chuyện xưng “tôi”, với sự “giúp đỡ” của nhân vật K., đã dần dần chiếu những tia sáng mong manh vào thế giới mờ đục của câu chuyện Hồi chuông tắt lửa.

Hiện tượng luận quan niệm thế giới cũng như sinh hoạt tại thế của ta có tính chất mờ đục, không thể thấu hiểu. Thế giới mờ đục trước hết là vì thế giới bị che giấu: cả chị Agnès, cả người em gái của cha T. và cô giáo đều che giấu mối tình bi đát của mình trong câm lặng. Cha T. che giấu tấn thảm kịch của những người phụ nữ, đồng thời che giấu kẻ gây ra nguồn cơn của tấn thảm kịch đó, để tự mình nhận lấy sự kết án của K.

Thế giới là mờ đục, theo hiện tượng luận, còn vì con người chỉ có thể nhìn thấy một mặt nào đó của nó. Nói khác đi, thế giới không phải là một toàn thể mà là một trắc diện qua cái nhìn của mỗi người, trong từng tình huống cụ thể. Cho nên mờ đục gắn liền với đặc tính của thế giới. Nhưng bằng lối miêu tả hiện tượng luận cộng với thủ pháp “do thám” của tiểu thuyết điều tra hình sự, Thế Nguyên đã từng bước phơi bầy sự thật về thế giới và con người sau những tấm mặt nạ. Có thể nói Hồi chuông tắt lửa biểu hiện sự giằng co giữa quan niệm tiểu thuyết theo chủ nghĩa hiện thực và nhãn quan hiện tượng luận nơi Thế Nguyên.

Trong nhãn quan hiện tượng luận, tiểu thuyết là một phương thức “trở về với chính thế giới”, như lời kêu gọi của Husserl, và do đó tự đặt cho nó nhiệm vụ miêu tả sự vật và hiện tượng đã xuất hiện trong kinh nghiệm sống thực của chủ thể như thế nào. Muốn vậy, chủ thể phải xoá bỏ những thiên kiến, gạt bỏ những ảo tưởng. Thuật ngữ Reduktion của Husserl trong tiếng Đức, Réduction trong tiếng Pháp được Trần Thái Đỉnh dịch là “Giảm trừ”(5), Lê Tôn Nghiêm dịch là “Giản lược”(6), còn Phạm Công Thiện thì dịch là “Quy hồi”(7). Đằng sau sự khác biệt này, có thể tìm thấy một điểm kết nối: muốn “quy hồi” để thế-giới-tự-nó trở thành thế-giới-cho-ta, thì phải giảm trừ hay giản lược những định kiến về thế giới, “cho nó vào trong ngoặc đơn”.

Lịch sử văn học đã ghi nhận những hình mẫu có tính lý tưởng về “người tình nhân chung thuỷ”, “người cách mạng hy sinh”, “người tu sĩ đạo đức”; đồng thời cũng ghi nhận những nỗ lực “phá chấp” để có được cái nhìn trẻ thơ về thế giới khi nó xuất hiện lần đầu tiên trong kinh nghiệm sống của chủ thể. Trong Hiện tượng luận về tri giác, Merleau-Ponty nhìn nhận: “Không có gì khó bằng biết thực đúng cái ta nhìn”(8). Đây càng là một nỗ lực khó khăn trong bối cảnh của những đố kỵ và định kiến. Boccaccio, Rabelais… tầm cỡ như vậy mà đã không yên trong bối cảnh văn hoá Phục hưng nhiều cởi mở huống hồ Thế-Nguyên-tuổi-hai-mươi trong xã hội miền Nam đầy thù hận và cố chấp giữa những năm 60 thế kỷ trước…

Hiện tượng luận không chấp nhận kinh nghiệm do tri giác đem lại một cách đương nhiên mà không tìm hiểu, khám phá, sáng tạo. Kinh nghiệm và tri giác chính là kinh nghiệm và tri giác của tôi, do tôi và cho tôi. Và ngay khi tôi có kinh nghiệm về thế giới thì cùng một lúc tôi bừng tỉnh và phản tỉnh về thế giới. Đó là ý nghĩa của luận đề ý thức là ý thức về một đối tượng và đối tượng là đối tượng cho một ý thức. Kinh nghiệm về thế giới thay đổi phụ thuộc vào sự thay đổi của chính các hiện tượng, đồng thời với sự thay đổi của ý thức tôi về hiện tượng đó.

Nếu cha T., ông M. và những người kháng chiến có thể giữ một trạng thái tinh thần không suy suyển trước mọi sự thật vì họ là những người “cứng lòng tin”, thì những người như cô giáo, anh K. và nhân vật xưng “tôi” chắc chắn phải ít nhiều phản tỉnh trước tấn thảm kịch. Có điều Thế Nguyên không nhằm miêu tả sự phản tỉnh và chuyển biến về tâm lý đó, vì ông không đi theo cung cách miêu tả của tiểu thuyết truyền thống. Mặc dù không hẳn là chuyện-kể-hành-vi-luận, trong đó câu chuyện được kể lại bởi một người trần thuật biết ít hơn các nhân vật của mình, Hồi chuông tắt lửa đã giản lược sự phân tích tư tưởng và tình cảm của nhân vật. Tác giả kể một câu chuyện về đời người và người đời mà không truy tìm và cắt nghĩa động cơ của họ. Nhà văn miêu tả mà không lý giải khiến cho tác phẩm dường như treo lửng mọi phán đoán.

Thế nhưng, về phía những người đọc, chúng ta lại có nhu cầu cắt nghĩa thế giới và phán đoán những con người trong đó với những động cơ của họ. Hiện tượng luận không chủ trương giải thích thế giới nhưng lại mở cánh cửa cho những sự giải thích khác nhau về thế giới và gợi mở cho người đọc lấp đầy những khoảng trống của văn bản bằng sự tiếp nhận của mình.

Tóm lại, thế giới Hồi chuông tắt lửa là một thế giới tưởng chừng đạo đức, bình an, lành thánh ở một xứ đạo; đồng thời cũng là một thế giới che giấu những mưu mô, thủ đoạn, giả dối nên chỉ chờ cơ hội để bùng nổ. Vì vậy đó là một thế giới mờ đục, không thể thấu hiểu, con người chỉ có thể nhìn thấy một trắc diện của nó, nên dễ gây ra ngộ nhận. Tác giả miêu tả những hành vi ở bề mặt của nhân vật mà không đi sâu phân tích động cơ, tâm lý, cũng không lý giải và định hướng mà để người đọc tự mình phán xét.



MỘT THẾ GIỚI BỊ SỤP ĐỔ

Âm mưu của ông M., có sự giúp sức, vô tình hay hữu ý, của cha T., nhằm cướp đi đứa con với cô giáo – chính là thằng Ánh – trên đường trốn thoát, đã bất thành khi bị những người kháng chiến phát hiện. Viên đạn oan nghiệt đã cắm vào ngực thằng bé. Thế Nguyên viết trong đoạn cuối cuốn tiểu thuyết, khi xác Ánh được đưa từ con đò dưới bến sông về nhà thờ:

“Khi chúng tôi về tới cửa nhà nguyện, cuộc phụng vụ vừa xong. Cha T. còn quỳ lại sau hồi chuông tắt lửa. Bóng bõ Khản lênh khênh chụp cái bù đài lên từng ngọn nến. Ánh sáng leo lét nhỏ dần, chặt đôi gương mặt bõ. Mọi người lục tục rời hàng ghế. Khi thấy chúng tôi, họ dừng cả lại như bất động. Ngay lúc ấy một làn chớp loé lên. Bóng ông Bô Khương vụt hiện ra rất nhanh ngoài sân cỏ, mang hình ảnh cứu chuộc thê thảm trên đỉnh đồi Golgotha, đồng thời với một tiếng sét kinh hoàng. Tôi run rẩy bấu chặt tay vào bờ tường nhìn xác thằng Ánh xám ngắt loạng choạng trên tay ông M. Đầu cô giáo gục xuống, gương mặt hoàn toàn nằm trong bóng tối. Dư âm tiếng sét còn lại vang rền. Tôi nghe chừng cả một khoảng trời cao vừa sụp đổ…”(9).

Trong tác phẩm này, hồi chuông tắt lửa là hồi chuông cuối ngày thứ sáu tuần thánh, báo hiệu tất cả đèn nến trong giáo đường tắt dần để tưởng niệm ngày Chúa chịu nạn. Ngẫu nhiên, hồi chuông tắt lửa cũng trùng hợp với hồi chuông báo tử, cầu nguyện cho linh hồn bé nhỏ của Ánh.

Một thế giới được tạo dựng, với những sự thật được phát hiện của nó, đã nhanh chóng sụp đổ. Nhưng đây không phải là lần sụp đổ đầu tiên và duy nhất. Thế giới trong Hồi chuông tắt lửa đã sụp đổ từng mảng khi mà những hiện tượng được con người tri giác đã dẫn đến sự vỡ mộng; còn những tương giao đã biến con người thành những công cụ.

Thuộc vào dạng thứ nhất là trường hợp mối quan hệ của Bô Khương đối với người cha thiêng liêng: một lần chứng kiến hành vi bất nhẫn của vị cha cố đỡ đầu, ông đã rời bỏ nhà dòng, rơi vào khủng hoảng và mắc bệnh tâm thần, trở thành kẻ “ném đá” vào thế gian theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đó cũng là trường hợp ông M. hiện ra vừa như thủ lãnh một nhóm hoạt động bí mật, vừa như một Don Juan thời hiện đại. Con người có hành tung bí ẩn nhưng cũng có sức hấp dẫn của một người đàn ông táo bạo đó là nguồn cơn tấn thảm kịch của cả ba người phụ nữ: Agnès, em gái cha T. và cô giáo. Ba người phụ nữ này, nói cho cùng, cũng chỉ là phương tiện của M.

Việc Agnès đem vá chằng chịt những mụn vải nhỏ lên bộ áo dòng khi còn lành lặn không phải là một trò chơi vô nghĩa. Khi chia sẻ trọn vẹn cái bí mật của hai người bạn tu, cô giáo đã phát hiện ra bộ mặt thật của một con người và cũng là của một thế giới:

“Đôi khi tôi đã nghĩ rằng không được làm “thánh” thực đáng buồn. Nhưng rồi bản thân va chạm với thánh thần, chia sẻ cái gia tài giả dối, lường đảo, phụ bạc trắng trợn của chính bậc tu hành, tôi mới sáng mắt ra mà nhận thấy rằng chỉ làm “thánh” thôi, chỉ làm “thánh” dưới mắt kẻ chung quanh thôi mới thực là đáng nản”(10).

Thuộc vào dạng thứ hai là quan hệ giữa K. và nhân vật xưng “tôi” với Hạnh, một người con gái quê thật thà, dễ bị lợi dụng. Đứng về phương diện luân lý, việc cha T. triệu tập đám đông tín hữu trong buổi lễ để làm bình phong cho M. trốn thoát, vô hình trung cũng xem họ như là công cụ.

Thật ra, những nhân vật của Hồi chuông tắt lửa không phải không có ý hướng và nỗ lực đi tìm và xây dựng những mối tương giao nhân bản. Thoạt đầu, giữa nhân vật xưng “tôi” và cô giáo đã tìm thấy một sự đồng cảm trong tình cảnh của những người ở dưới vực sâu:

“Người ta có thể xuống tới nhiều chặng thất vọng khác nhau. Riêng tôi, đứng ở nấc thang chót bắc xuống vực tuyệt vọng, thấy ông quơ tay tìm tòi dưới đáy vực, ngại gì một víu tay đối với ông. Chúng ta đã tới đáy: sự thực không có gì lạ ngoài cô đơn và lạnh lẽo!”(11).

Không phải ngẫu nhiên mà người đàn bà này có thể viết cho người-tình-một-đêm của mình lá thư để trút hết uẩn khúc của lòng mình:

“Chia sẻ trọn vẹn sự bí mật đời tôi đối với ông, tôi không cảm thấy mất mát điều gì. Trái lại nỗi cô đơn của lòng tôi như một vết dầu. Đã từ lâu, vết dầu đó cứ lần lần thấm sâu vào từng ngõ ngách trong cơ thể tôi. Đã từ lâu tôi đi trong đêm tối như một người tù ánh sáng. Đã từ lâu tôi không còn thấy hoả ngục nơi người khác: Tôi đã gặp nó ngay trong nỗi cô đơn của hồn tôi. Ông cũng vậy, phải không ông?

“Vậy thì, câu chuyện kể trong đêm giữa hai người tù ánh sáng vẫn còn mang nguyên vẹn sự bí mật tuyệt vọng của nó…”(12).

Hai chủ đề “Con người bị kết án phải cô đơn” và “Hoả ngục chính là kẻ khác” trong tác phẩm Jean-Paul Sartre đã được kết hợp trong một cảnh ngộ, qua một lời tự bạch. Tại sao gọi đây là “sự bí mật tuyệt vọng”? Phải chăng bởi vì đây là bí mật không thể hoá giải, và nếu bí mật được hoá giải có nghĩa là một thế giới sẽ sụp đổ.

Lần đầu tiên hình ảnh về màu lửa cháy báo hiệu cho sự hủy diệt đã xuất hiện ngay từ cuối chương hai của cuốn tiểu thuyết:

“Lúc tôi đọc xong lá thư của cô giáo, mặt trời đã đổ dưới rặng tre và buổi chiều là cả một đám cháy. Đám cháy ấy đang chuyển màu trước mắt tôi: từ đỏ thẫm, xám, lẩn màu cứt sắt. Thế rồi cái đám tàn tro kia bay mịt mù lên không gian, phủ kín bầu trời quang đãng. Đột nhiên trong một phút, toàn thân tôi chết cứng, tay chân không thể nào co ruỗi được như thể có một thứ băng giá nào đã làm tê liệt các động mạch”(13).

Cô giáo không phải là người muốn tạo ra đám cháy. Cô vẫn muốn nuôi giữ bí mật, có thể vì đó là kỷ niệm thiêng liêng của cô, cũng có thể vì cô không muốn nó cản trở con đường trở về cuộc sống bình thường trong quan hệ với K. Cô tin vào sự dàn xếp của cha T. sẽ giúp cô thoát khỏi tình trạng hiểm nghèo hiện tại.

Nhưng cái giá mà cô giáo, cha T. và cả M. phải trả cho những toan tính của mình thật quá đắt. Chính họ đã đẩy thằng Ánh vào tâm điểm của xung đột. Ánh vừa là đầu mối kết nối hai cực của một thế giới, vừa là tiêu điểm tranh chấp của hai cực đó: một cực là mưu mô, thủ đoạn; một cực là cả tin, ngờ nghệch. Khi điểm kết nối này bị phá hủy, và thế giới không còn đặt nền tảng trên những tương giao nhân bản mà là nguồn cơn của “kinh sợ và bàng hoàng”, thì thế giới ấy phải sụp đổ.

Tóm lại, thế giới Hồi chuông tắt lửa đã sụp đổ vì đặt trên nền tảng của sự giả tạo và giả dối, vì những thiên kiến và ngộ nhận không thể hoá giải. Thế giới bị sụp đổ còn vì thiếu những tương giao nhân bản, con người không phải là mục đích cao nhất mà là phương tiện của nhau. Cuối cùng, thế giới phải sụp đổ vì những mặt nạ lần lượt bị bóc trần và bi đát thay, vì cái ác, sự sa đọa không bị trừng phạt mà sự ngây thơ, vô tội bị huỷ diệt thay cho cái ác.



MỘT THẾ GIỚI ĐƯỢC CỨU CHUỘC

Trong một bài viết về Hồi chuông tắt lửa ngay sau khi tác phẩm ra đời và nhận được sự hồi đáp không mấy thuận lợi của độc giả, Nguyễn Văn Trung rất nhạy cảm khi nói đến chủ đề cứu chuộc của tác phẩm: “Tôi có cảm tưởng là tác giả muốn thể hiện một ý tưởng thần học về sự “cứu chuộc” qua hai nhân vật: Bô Khương và đặc biệt là linh mục T.”(14). Sự hy sinh của Bô Khương được nhìn nhận như “một sự “cứu chuộc” vô ý thức vì nạn nhân không biết được ý nghĩa việc làm của mình. Bô Khương gợi lên hình ảnh con chiên trong sạch bị hy sinh để đền tội cho mọi người trong Cựu ước”(15).

Không phải ngẫu nhiên mà Thế Nguyên đưa vào văn bản thiên truyện đoạn sách Thánh, qua giọng đọc của thầy già xứ, nói về việc dân chúng Israel mỗi nhà hiến một con chiên hay một con dê để ăn thịt trong ngày Chúa vượt qua. Cũng chính tác giả ghi chú thích ở cuối trang thay cho nhà xuất bản:

“Theo Cựu ước, lễ ăn thịt chiên là để kỷ niệm ngày giải phóng dân Israel ra khỏi ách nô lệ Ai Cập. Đằng khác, việc hiến dâng còn mang ý nghĩa như một sự Cứu chuộc, một bí tích: mọi tội ác của người ta sẽ đổ lên đầu con chiên đực trong sạch kia và khi con vật được thiêu huỷ đi, nó mang luôn theo tất cả những vết tích nhơ bẩn đó”(16).

Ý tứ ở đây gắn liền với sự hy sinh của hình tượng Bô Khương, bị mấy đứa học trò thủ vai quân Du-dêu lùng bắt ngoài chợ, vậy là đã rõ.

Theo Nguyễn Văn Trung, trái với sự hy sinh mà không biết mình hy sinh của Bô Khương là thái độ hy sinh có ý thức và có chủ tâm của cha T. Nhà phê bình viết:

“Thằng Ánh là kết quả của những oan trái, tội lỗi và cái chết vô tội của nó càng nói lên sự oan trái, tình cảnh tội lỗi của những con người. Nhưng sự có mặt của nó cũng như những hành động của cô giáo là yếu tố đưa đến ngộ nhậnmà cha T. sẽ phải chịu đựng, một sự chịu đựng có ý thức biết trước, cố ý, vì muốn đảm nhiệm một thái độ linh mục đích thực giống thái độ của Chúa Kitô trên thánh giá: gánh lấy những tội lỗi, oan trái của cuộc đời […].

“Chỉ mình cha T. nắm những bí mật của một cuộc đời đó dù biết có thể bị hiểu nhầm và sẽ phải chịu đựng những đau khổ vì sự hiểu nhầm đó, một hiểu nhầm đụng tới chính điều làm cho chức linh mục được tôn kính là đức trinh khiết. Thật cao cả biết bao thái độ của cha T. trước những lời tố cáo của K. Ngài không oán giận mà còn tha thứ, cầu nguyện cho những người hiểu nhầm mình. Ngài cũng không phán đoán họ vì phải chăng phán đoán là kết án và bao giờ cũng là sai lầm khi phê phán đụng tới những lý do thuộc về lương tâm của một người. Đó cũng là thái độ của Chúa Yêsu trên thánh giá đối với những kẻ đóng đinh Ngài”(17).

Mặc dù chia sẻ phần nào sự đánh giá của Nguyễn Văn Trung đối với những thiện ý của nhân vật T., chúng tôi cho rằng xét cho cùng thì cha T. vẫn không phải là biểu tượng của sự cứu chuộc trong Hồi chuông tắt lửa. T. không phải là người duy nhất nắm giữ những bí mật của M., cũng không phải là người biết rõ tất cả mặt trái của M., so với cô giáo. Nhưng trước một con người mà ông biết là sa đọa, liệu lương tâm ông có yên ổn khi ông không tỏ ra một biểu hiện nào để ngăn cản tội ác. Dù việc M. cướp thằng Ánh trên tay cô giáo dẫn đến cái chết thảm khốc của nó là việc ngoài ý muốn mà T. không lường trước, nhưng ông vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm về tấn thảm kịch ấy.

Tuy vậy, đó chưa phải là lý do chủ yếu để ta đặt dấu hỏi về “đức trinh khiết” của cha T. Điều chủ yếu khiến ta đặt dấu hỏi về điều đó chính là thái độ của cha T. trong quan hệ với Bô Khương. Phải chăng Bô Khương cũng chỉ là một phương tiện trong những toan tính của cha T.? Việc Bô phải đền tội cho người khác trong ngày thứ sáu tuần thánh phải chăng cũng là một vở kịch nhằm che đậy một âm mưu chính trị dưới lớp vỏ tôn giáo? Và như vậy, phải chăng chủ đề “cứu chuộc” đã bị nhìn nhận trái với tinh thần nhân bản?

Chính vì vậy mà theo chúng tôi, biểu tượng của sự cứu chuộc trong Hồi chuông tắt lửa không phải là Bô Khương, càng không phải là cha T. Biểu tượng đó chính là Ánh, dù thằng bé chưa ý thức đầy đủ về số phận của mình, càng không thể tự cắt nghĩa về cái sống và cái chết của mình. Ánh chính là biểu tượng của “đức trinh khiết” mà tất cả người lớn có thể soi vào. Ánh đã làm vật hiến tế cho những toan tính của người lớn. Nó phải trả món nợ tinh thần cho những kẻ đã tạo ra hình hài và linh hồn nó bằng chính mạng sống của nó. Cái chết của Ánh vừa như một phi lý của hiện sinh, vừa có ý nghĩa như một cứu rỗi cho những tội ác, sa đọa của người lớn.

Một chi tiết có sức ám ảnh là hình ảnh con búp bê bằng len thắt nơ đỏ mà Agnès để lại đã làm chứng cho tấn bi kịch của người bạn gái cô giáo và rồi của chính cô. Có thể xem Ánh là hoá thân của con búp bê mà ba người phụ nữ cả tin này muốn sở hữu cho riêng mình. Đứa bé có tật hay ngủ gục và học hành chểnh mảng đó thật ra là một “thiên sứ” mà Thượng đế gửi xuống để cứu chuộc cho những kiếp người tội lỗi.

Có thể nói Hồi chuông tắt lửa là một tác phẩmpha trộn chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa hiện sinh và kỹ thuật miêu tả hiện tượng luận.Sự pha trộn đóthể hiện sự giằng co trong tâm thức của bản thân tác giả. Trên hành trình tư tưởng và trong sáng tác nghệ thuật, Thế Nguyên đã tìm đến hiện tượng luận như một sự hoà giải giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa hiện sinh, rồi từ hiện tượng luận về hiện sinh đi tới một hiện tượng luận về xã hội, nhưng thời cuộc không cho phép ông đi đến cùng chọn lựa nghệ thuật của mình. Càng về sau, nhà văn càng mạnh mẽ phê phán những biểu hiện của điều mà ông gọi là “tính chất sì-nốp-bít” (thói học đòi làm sang) của xã hội miền Nam(18). Ông bài bác thứ “văn chương hiện sinh” theo đuôi, làm dáng, đồng thời đề cao văn chương hiện sinh dấn thân, trong đó con người phản tỉnh về thân phận của mình, thông qua những kinh nghiệm sống trong một hoàn cảnh cực đoan của đất nước. Hoạt động thực tiễn tạo điều kiện cho Thế Nguyên tìm thấy ở phong trào dân tộc một điểm kết nối giữa tinh thần xã hội và đức tin Kitô giáo.

Nhưng rồi chính Hồi chuông tắt lửa và tác giả của nó cũng không tìm được sự dung hợp và chỗ đứng trong lịch sử. Nhà văn đã chịu chung thân phận với nhân vật của mình, thân phận con người ở “giữa hai làn đạn”.



HUỲNH NHƯ PHƯƠNG



Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 5, tháng 5-2011.

_________________



(2), (9), (10), (11), (12), (13), (17) Thế Nguyên: Hồi chuông tắt lửa, in lần thứ ba, NXB Trình bầy, Sài Gòn, 1969, tr.8, 107, 34, 28, 35, 36, 96. Có tham khảo bản in Hồi chuông tắt lửa trên tập san Văn, số 6, Sài Gòn, ngày 15-3-1964.

(3), (5), (8) Trần Thái Đỉnh: Hiện tượng học là gì? NXB Hướng mới, Sài Gòn, 1968, tr. 99, 61, 29.

(4) Merleau-Ponty: Phénoménologie de la perception, Gallimard, Paris, 1945, tr.491.

(6) Lê Tôn Nghiêm: Môi trường tiên nghiệm trong hiện tượng học Husserl về cuối đời, Tạp chí Tư tưởng, bộ mới số 1, Sài Gòn, ngày 01-6-1969, tr.83.

(7) Phạm Công Thiện: Hiện tượng học về hiện tượng học của Husserl, Tạp chí Tư tưởng, bộ mới số 1, Sài Gòn, ngày 01-6-1969, tr.24.

(14), (15), (16) Nguyễn Văn Trung: Hồi chuông tắt lửa, trong sách Nhận định, tập VI, NXB Nam sơn, Sài Gòn, 1972, tr.267, 268. Bài viết này đã từng được NXB Nam sơn in kèm theo sách Hồi chuông tắt lửa để “thanh minh” cho Thế Nguyên.

(18) Thế Nguyên: Nghĩ về “văn chương hiện sinh” hay là tính chất “sì-nốp-bít” của xã hội miền Nam, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 6, Sài Gòn, 1968, tr.85.









ĐỨNG GIỮA ĐỒNG KHÔNG - VŨ HỮU ĐỊNH







một bầy sáo nhỏ qua sông

một em tôi đã cầm lòng đi xa

như con sông nhỏ thật thà

sớm hiu hắt tạnh, chiều sa mưa nguồn



một bầy sáo đã đi luôn

một em tôi đã để buồn lại đây

con chim quyên đã lạc bầy

xuống sông vọc nước đợi ngày xế ngang



một bầy sáo nhỏ bay hoang

một em tôi đã bỏ làng đi xa

tôi ngu ngơ giữa chiều tà

em đi để lại mình ta giữa đồng.


NHỮNG CON TEM TRÊN VÁCH - HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Ngày trước trẻ con ở làng quê không biết chơi tem. Năm thì mười họa, khi gia đình được báo lên trụ sở xã nhận thư người thân, thì con tem đã bị bóc trụi, chỉ còn trơ dấu hồ dán. Ngoài thị trấn không có bưu trạm, hễ nghe trong xóm có người sắp sửa đi Sài Gòn làm ăn, lối xóm lại truyền tin nhau viết thư rồi gửi thêm mấy đồng nhờ người ấy vào trong đó mua tem để bỏ vào thùng. Thư gửi đi rồi, chờ mấy tháng trời không thấy hồi âm là chuyện thường. Thời chiến, con người còn lạc mất nhau, huống hồ là một lá thư!



Lần đầu tiên tuổi thơ tôi nhìn thấy một con tem là ở nhà người bác họ hàng xóm. Một người con gái của bác, bị gia đình ép duyên, đã bỏ nhà trốn đi ngay đêm trước lễ đính hôn. Chị vào miền Nam mưu sinh, không để lại một tin tức gì để người đàn ông mà chị từ chối có thể dò tìm. Nhưng thương cha nhớ mẹ, vài ba tháng chị lại gửi một lá thư về địa chỉ người bạn gái ngoài thị xã nhờ trao tận tay cho gia đình.



Bác tôi ân hận thì đã muộn. Nhưng những cánh thư thưa thớt cũng làm le lói lên trong lòng bác niềm hy vọng rằng con gái mình đang có cuộc sống yên lành và một ngày nào đó sẽ tìm đường trở về quê quán. Mỗi lần nhận thư chị, bác lại gọi tôi sang đọc chầm chậm cho bác nghe. Trong thư, người viết hỏi thăm gia đình, an ủi cha mẹ thì nhiều mà chẳng bao giờ hé lộ về tình cảnh hiện tại của bản thân mình. Người bác thật thà và đứa bé khờ dại là tôi làm sao đọc được nỗi uất nghẹn chưa hề nguôi ngoai ẩn giấu giữa các dòng chữ. Những lá thư không ghi nơi chốn và ngày tháng, con dấu bưu điện thì mờ, duy có hình ảnh trên con tem hiện ra rõ ràng mà thôi.



Hồi đó cả bác và tôi đều chưa hiểu rằng những hình ảnh ấy chẳng có mối liên hệ gì với nơi chốn gửi thư. Vậy nên bác cứ phỏng đoán theo trí tưởng tượng của mình. Này là bãi biển Hà Tiên. Này là thác Gougah Đà Lạt. Này là Thảo cầm viên Sài-Gòn. “Chắc chị Sáu mày đi chơi đến mấy chỗ này rồi gởi thư về cho bác đây!”. Có lần nhận con tem in hình chiếc tàu lửa với dòng chữ “Khánh thành việc hoàn tất trùng tu thiết lộ xuyên Việt”, bác tôi lại nghĩ: “Mai này chị Sáu mày sẽ được đi xe lửa về nhà”. Một lần khác, con tem vẽ phong cảnh một nhà máy đang nhả khói, bên cạnh những ngôi nhà khang trang có vườn tược bao quanh, lại in thêm ba chữ mà cả bác và tôi đều không rõ nghĩa: khu trù mật. Bác bảo tôi đi hỏi thầy giáo. Nghe thầy giải thích, bác mừng rỡ ra mặt: “Chị Sáu mày sống ở chỗ sung túc, đông đảo như vầy sướng hơn ở quê mình nhiều”.



Những lá thư đọc xong, bác lại cẩn thận xếp vào cái tráp để trên đầu giường. Còn các con tem thì bác gỡ ra dán lên bức vách gỗ cạnh chỗ nằm, ngang tầm mắt, để mỗi ngày, sau khi đi làm đồng về, bác lại nhìn vào đó mà tưởng nhớ đứa con gái bất hạnh không biết đang lưu lạc nơi chân trời góc bể nào.



Nhưng bộ sưu tập tem của bác tôi dừng lại nửa chừng. Một bệnh dịch tai ác đã cướp đi chị Sáu giữa tuổi thanh xuân nơi đất lạ quê người. Hơn hai tháng sau khi chị đã yên nghỉ dưới mồ, những người dân nơi chị tá túc mới báo tin được cho gia đình. Năm đó chiến tranh lan rộng, giao thông gián đoạn, bác tôi phải chờ đến ngày hoà bình mới đưa được hài cốt chị về lại quê nhà.



Bây giờ bác tôi cũng đã mất. Những con tem trên vách của bác lâu năm không ai ngó ngàng, bị mối ăn, đã rơi rụng dần. Tôi đi chợ tem, tình cờ mua được mấy con tem cũ, chợt nhớ và ghi lại câu chuyện này.



2002.





ÁO LỤA VÀNG - TRẦN DZẠ LỮ





Từ em mặc áo lụa vàng

Nắng nghiêng ngả phố,mưa bàng hoàng theo…

Từ anh một cõi hắt hiu

Cũng nghe sửng sốt bao chiều nhớ thương

Lụa ơi sao cứ bồn chồn

Đêm đêm anh mở cửa hồn… đợi em !

Từ em vén mớ tóc tiên

Gió mê muội gió, anh điên đảo…đời !

Mắt em là ánh sao trời

Tàn khuya anh chết…tuyệt vời biết không ?

Lâu rồi ôm mối tình câm

Biết chắc Vực Thẳm …vẫn xăm xăm tìm…



Trần Dzạ Lữ

( SàiGòn tháng 7 năm 2011)


CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIỀN 1975 - 2011 (KÌ 81)





NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ



811 - Chu Quang Đức

THẦY DẠY KHÔNG THỂ CẦM PHẤN

Giáo viên sinh 1984 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2011).

Chịu ảnh hưởng di chứng CĐDC từ bố bộ đội thời chống Mỹ ở miền Nam, sinh ra người thấp bé, chân bị liệt không đi được, cánh tay bị rút ngắn khiến không cầm được vật dụng.



Dù vậy vẫn nỗ lực học hành thành đạt, thi đậu ĐH Sư phạm Hà Nội ngành tin học. Tuy nhiên ra trường do thể hình bị khuyết tật quá nặng nên không được trường nào nhận về.



Không nản chí quay về nhà mở lớp dạy tin học tại gia ở huyện Mê Linh. Ngồi xe lăn vẫn dạy tốt tuy không thể cầm phấn viết bảng giảng bài như người thường song bù lại đã có máy tính “công cụ vạn năng” giúp thay thế hoàn hảo.



Từ đó nhanh chóng nổi tiếng thầy giỏi trò kéo đến học đông đảo đạt kết quả thi đậu nhất huyện hơn cả học ở trường phổ thông chính quy.



812 - Đào Thị Kiều

CHẾT 6 CON NHIỄM CHẤT ĐỘC DA CAM

Nông dân sinh 1951 tại Đồng Nai. Sống ở Đồng Nai (2011).

Thuở nhỏ gia đình sống gần sân bay Biên Hòa nên có thể đã bị ảnh hưởng CĐDC lúc nào không biết. Đã vậy năm 20 tuổi lấy chồng đi kháng chiến chống Mỹ sau đó chống nạng trở về – với một viên đạn cùng 8 mảnh bom còn nằm trong thân thể - nên cũng không biết có dính CĐDC hay không.



Hậu quả là năm 1970 sinh con gái đầu lòng nằm liệt một chỗ chỉ ú ớ kêu khóc chứ không nói được, đến nay 41 tuổi vẫn còn sống trong tình trạng như vậy, thân thể toi tóp cân nặng hơn 10kg là cùng.



Sau đó sinh tiếp 6 con nữa đều dị dạng và lần lượt qua đời khi chỉ mới được 17 ngày hoặc 7 tháng rưỡi hoặc 19 tháng, lâu nhất có đứa sống đến 37 tuổi rồi cũng qua đời. May mà đứa cuối cùng con gái sinh năm 1989 thể trạng tương đối bình thường.



Nuôi con bệnh nặng như thế mà nhà quá nghèo – chồng làm ruộng, vợ làm công nhân đập đá - không còn biết xoay xở thế nào cho con đỡ bệnh hơn. Có khi trời mưa nhà dột khiến 2 vợ chồng phải đứng suốt đêm giăng tấm ny lông che mưa cho bầy con bệnh tật nằm thiêm thiếp.



Nỗi đau mất 6 con trong tình cảnh cùng quẫn quá bi thảm như thế đẩy người mẹ đến 3 lần… tự tử song được cứu sống kịp thời. Lần đầu uống thuốc rầy được hàng xóm đưa đi bệnh viện súc ruột. Lần thứ hai thì chồng phát hiện ngăn cản. Lần thứ ba cũng chồng nghi ngờ khuyên can tới mức phải quỳ xuống… lạy vợ “Anh lạy em, em và con đừng chết!”.



Đành vẫn sống với thêm bao nỗi đời đau thương oan nghiệt tiếp tục đổ xuống: Năm 2004 chồng qua đời chưa được bao lâu, nhà vắng người đưa đến thảm họa 2 đứa con gái bệnh hoạn nằm ở nhà bị một kẻ xấu… hãm hiếp (sau đó bị bắt bỏ tù 14 năm đã chết trong tù)!



Bây giờ chỉ còn niềm an ủi cuối cùng là con gái út lên đại học sắp tốt nghiệp: “Giờ tôi không tự tử nữa đâu vì con gái út là lẽ sống của tôi.”



813 - Ea Sola

ĐIỆU MÚA CHIẾN TRANH

Nữ biên đạo múa Viêt kiều Pháp tên cũ Nguyễn Thủy sinh tại Gia Lai. Sống ở Pháp (2011).

Cha VN, mẹ Pháp (gốc Ba Lan – Hungary), sinh ra và lớn lên ở miền Nam vào thời cao điểm chiến tranh chống Mỹ.



Năm 1974 theo gia đình qua Pháp định cư.



Học múa và kịch nghệ tại Paris từ cuối những năm 1970. Sau đó có thời gian làm nghệ sĩ biểu diễn đường phố múa hiện đại và kịch nói.



Năm 1989 quay về lại VN bỏ ra 5 năm nghiên cứu nghệ thuật cổ truyền VN trong đó chú trọng múa và âm nhạc truyền thống.



Từ nguồn cảnm hứng dân tộc đó đã sáng tác nhiều vở diễn múa hiện đại lồng trong nội dung đề tài mang âm hưởng chiến tranh – cuộc chiến tranh mà mình từng là chứng nhân – gây tiếng vang vì tính sáng tạo độc đáo, mới mẻ và sâu sắc. Gồm “Hạn hán và cơn mưa” 1995, “Ngày xửa ngày xưa” 1997, “Cánh đồng âm nhạc” 1998, “Thế đấy thế đấy” 1999, “Khúc cầu nguyện” 2000, “Ký ức – Hạn hán và cơn mưa” 2005, “Đường bay” 2008, “Hình hài trắng” 2009…



Chủ đề chiến tranh như một ẩn dụ nghệ thuật trở di trở lại nhiều ở đây bắt nguồn từ hồi ức không thể quên từ thời thơ ấu: “Tôi đã lớn lên trong một cuộc chiến tranh. Tôi từng bị sốc vì chiến tranh…”



Nhưng chiến tranh hiện hình qua đây bàng bạc bóng bẩy như những ký ức nhắc nhở mọi người đừng bao giờ “tái phạm” nữa: “Vấn đề là làm thế nào để những ký ức về chiến tranh có thể khơi dậy ý thức của con người về giá trị của hòa bình và thái độ kiên quyết nói KHÔNG với bạo lực… Những cảm hứng về sự tổn thương của một dân tộc trong chiến tranh được gắn liền với tiếng nói chống bạo lực – một vấn đề mang tính toàn cầu.”



Đặc biệt tất cả tác phẩm trên đều được trình diễn ra mắt trên quê hương VN rồi sau đó mới đưa đi công diễn Châu Au như lời cảm tạ của một đứa con: “Tôi là người con lai luôn mang trong mình những suy nghĩ băn khoăn về bản thân, mảnh đất nơi tôi sinh ra, nơi tôi đã ra đi và lại quay về…. Bởi ký ức VN vọng lại trong tôi là tiếng hát tuyệt đẹp, sâu thẳm. Tôi vừa muốn nghe lại vừa muốn hiểu tại sao nó đẹp như thế… Ngày trước khi rời VN tôi nức nở. Khi trở về tôi cũng nức nở. Còn bây giờ tôi không khóc nữa. Vì tôi biết nếu có ra đi tôi cũng sẽ lại trở về.”



815 – Heidi Neville-Bub

“NGƯỜI CON GÁI ĐÀ NẴNG”

Công dân Mỹ gốc Việt tên cũ Mai Thị Hiệp sinh 1968 tại Đà Nẵng. Sống ở Mỹ (2002).

Mẹ buôn bán ở chợ Đà Nẵng đã có chồng và 3 con nhưng chồng bỏ đi theo Việt Cộng nên mẹ ở lại phải làm sở Mỹ rồi lấy lính Mỹ để có tiền nuôi con mới sinh ra mình. Tuy nhiên sinh ra thì người cha lính Mỹ về nước bỏ rơi mấy mẹ con.



Đến trước ngày giải phóng miền Nam, mẹ sợ có con lai Mỹ bị liên lụy nên đem con cho cô nhi viện ở Đà Nẵng, sau đó đứa con được đem vào Sài Gòn theo chiến dịch Babylift đưa qua Mỹ.



Tại Mỹ được một phụ nữ Mỹ độc thân nhận làm con nuôi. Sống tại bang Tennessie nổi tiếng phân biệt chủng tộc (nơi phát sinh tổ chức K.K.K) nên mang mặc cảm về màu da. Đã vậy, bà mẹ nuôi rất khó tính có ý muốn cắt đứt mối quan hệ huyết thống gốc Việt cũ của mình, nói dối gia đình cũ của mình đã chết hết, thậm chí khi có tin về mẹ ruột ở VN đã giấu không cho con nuôi biết.



Sống trong cảnh thiếu thốn tình cảm lại bị mẹ nuôi o ép quá đáng tới mức sinh ra trầm cảm có lúc tính quyên sinh. Nhờ bạn bè an ủi giúp đỡ mới quyết định bỏ nhà ra ngoài sống riêng tự kiếm việc làm nuôi thân.



Năm 1992 lấy chồng bạn học cũ đi lính hải quân, sinh 2 con gái.



Bắt đầu tìm hiểu về gốc gác, lai lịch mình, từ từ may mắn năm 1996 được bạn Việt kiều giúp đỡ tìm liên lạc được với mẹ ruột còn sống ở Đà Nẵng. Năm 1997 trở về Đà Nẵng gặp lại mẹ ruột và 3 anh chị cùng mẹ khác cha.



Cuộc đời lưu lạc cùng hành trình tìm về quê mẹ đã được nhà làm phim Mỹ quay thành bộ phim tài liệu mang tên “Người con gái Đà Nẵng” từng được đề cử tranh giải Oscar 2003 hạng mục phim tài liệu xuất sắc.



816 - Hoàng Xuân Hùng

TỪ CHỐI CHÍCH MORPHINE GIẢM ĐAU

Nhà kinh doanh nhỏ sinh 1953 tại Hà Nam. Sống ở Hà Nam (2011).

Năm 17 tuổi đi bộ đội vào Nam chiến đấu.

Sau 1975 tiếp tục được điều qua chiến trường Campuchia. Tại đây năm 1979 giẫm phải mình bị cưa cụt 2 chân lên tận trên đùi không lắp chân giả được.



Cuối năm 1980 được đưa về trại thương binh ở quê nhà Hà Nam. Phải tập đi lại bằng cách vịn hai tay vào 2 chiếc ghế con để tự lo mọi sinh hoạt cá nhân. Tình cảnh đó khiến một nữ điều dưỡng cùng quê ở trại sinh lòng khâm phục rồi yêu thương đến chỗ tự nguyện kết hôn với người thương binh tàn phế nặng bất chấp bao lời dị nghị của bà con, hàng xóm. Lương thương binh cộng nữ điều dưỡng không đủ làm đám cưới may nhờ đồng đội, bạn bè thông cảm cho vay tất cả 7.000 đồng (thời này) lo liệu đám cưới.



Bắt đầu từ đó đối đầu với thực tế cuộc sống khắc nghiệt 2 vợ chồng phải tự lực cánh sinh, sau đó còn nuôi 2 con trai ăn học nữa. Được giúp đỡ giới thiệu cho làm đại lý bia rồi tiến lên phát triển thêm đại lý cám heo, đại lý xay xát gạo… Bản thân tập đi và lái xe ba bánh đi bỏ mối hàng không nề hà cực nhọc ngày đêm.



Bên cạnh đó còn vết thương cũ (mỏm xương cụt nơi điểm cưa chân) gặp khi trái gió trở trời luôn gây đau nhức tận cùng. Được bác sĩ cho phép chích morphine giảm đau nhưng sợ quen dùng thành nghiện sẽ khiến bản thân mình tàn tạ làm khổ thêm vợ con nên kiên quyết không dùng mà tự nghiến răng gồng mình chịu đựng cho qua cơn!



Dần dà thuận vợ thuận chồng tát biển Đông, nhờ chăm lo làm ăn buôn bán mà cuộc sống ngày càng dễ thở. Nuôi được 2 con trai đều đã tốt nghiệp đại học với đầy lòng tự hào về bố mình: “Từ bé đến lớn chưa bao giờ tôi có mặc cảm về bố mình. Bố có thể làm được mọi việc như những người bố bình thường khác…”



817 - - Hoàng Xuân Giang

TRĂNG TRỐI GỬI LẠI QUÊ HƯƠNG

Nhạc sĩ Việt kiều Canada sinh 1946 tại Huế – Mất 1994 ở Canada (49 tuổi).

Cháu ruột nhà bác học Hoàng Xuân Hãn, em ruột nhà thơ Hoàng Xuân Sơn (Canada).

Trước 1975 học đại học ở Sài Gòn, cùng anh Hoàng Xuân Sơn tham gia hoạt động trong nhóm văn nghệ sinh viên Văn khoa Sài Gòn thành lập Quán Văn, điểm xuất phát âm nhạc Trịnh Công Sơn – Khánh Ly.



Sau 1975 qua định cư tại Canada mới bắt đầu viết nhạc theo dòng ca khúc lãng mạnh đầy chất nghệ sĩ Huế. Đăng nhạc, thơ văn – cả tranh nữa - trên báo hải ngoại.



Bắt đầu thời Đổi mới cuối thập niên 1980 là một trong những người quay về VN sớm nhất tính chuyện phát triển du lịch. Vì vậy khi trở lại Canada đã bị giới chống Cộng hô hào “tẩy chay” không giao du, không phổ biến tác phẩm vì tội “nối giáo Cộng sản”!



Dù vậy năm 1994 khi biết mình mắc bệnh ung thư gan nặng không qua khỏi đã quyết định quay về nước – đặc biệt quê nhà Huế thân thương - một lần nữa để thăm bạn bè, vui chơi hoài niệm một thời tuổi trẻ sôi nổi. Nhân đó in tập nhạc đầu tay cũng là cuối cùng 20 bài nhan đề “Hãy nhìn tôi như thế” (Trịnh Công Sơn viết lời tựa).



Họp mặt đầm ấm cùng bạn bè, kỷ niệm mà không cho ai biết mình bệnh… sắp chết rồi đến thời điểm “chuông nguyện hồn ai” thì an nhiên quay lại Canada chấp nhận cái chết định mệnh đã an bài.



Với lời từ biệt cuối cùng đã để lại trên quê hương: “Hãy nhìn tôi như thế vì đời lãng quên tôi, vì tôi nhỏ bé, vì tôi sẽ biến mất trước khi cuộc đời vội vã nhớ lại như một thoáng ăn năn vô vị…”



818 - Hồ Điệp

GIỌNG NGÂM MẤT TÍCH

Nữ nghệ sĩ ngâm thơ sinh 1930 tại Hà Nội – Mất tích 1987 ở Campuchia (58 tuổi).

Từng là cô đầu hát ca trù ở miền Bắc nên sau khi di cư vào Nam 1954 nhanh chóng trở thành giọng ngâm thơ nổi tiếng miền Nam trong chương trình tiếng thơ Tao Đàn (do cố thi sĩ Đinh Hùng sáng lập) trên sóng phát thanh quốc gia kéo dài gần 20 năm.



Năm 1987 cùng một nhóm 11 người vượt biên theo đường bộ qua Campuchia song từ đó mất liên lạc, tin tức luôn!



Đáng chú ý trong số con cái sau này có con trai lớn Nguyễn Quốc Quân (sinh 1953 tại Hà Nội) cũng đã vượt biên theo đường bộ qua được Thái Lan rồi vào Mỹ từ năm 1981. Học đại học tốt nghiệp tiến sĩ, năm 2002 gia nhập đảng Việt Tân chống Cộng ở Mỹ giữ chức vụ “Trung ương” và đến năm 2007 được đưa về TPHCM âm mưu tổ chức gây rối chống chế độ VN hiện hành thì bị bắt đưa ra tòa lãnh án 6 tháng tù. Mãn án năm 2008 bị trục xuất về lại Mỹ.



819 - Hồ Hữu Tường

THỜI NÀO CŨNG TÙ!

Nhà tư tưởng, hoạt động chính trị sinh 1910 tại Cần Thơ – Mất 1980 (71 tuổi).

Học Pháp trở về (bạn của triết gia Jean-Paul Sartre) tham gia hoạt động chính trị từ thời Pháp, từng theo cộng sản Đệ tứ Quốc tế chống Pháp nên bị Pháp bắt giam đày ra Côn Đảo.



Còn viết báo viết sách với nội dung chính trị, nổi tiếng với bộ truyện “Phi Lạc sang Tàu” viết theo phong cách văn hài.



Sau 1954 từ bỏ chủ nghĩa cộng sản thay vào bằng lập thuyết chủ nghĩa dân tộc, đề xuất miền Nam theo thể chế trung lập không cộng sản không tư bản. Tiếp tục hoạt động chống chế độ Ngô Đình Diệm nên năm 1957 bị bắt ra tòa tuyên án tử hình, sau được quốc tế can thiệp nên lại đày ra Côn Đảo lần thứ hai.



Năm 1964 chế độ NĐ Diệm bị lật đổ mới được thả về. Năm 1965 đắc cử dân biểu Hạ viện vào phe đối lập với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, chủ trương kêu gọi Liên Hợp Quốc bảo trợ cho miền Nam trung lập. Sau đó nghiêng về ủng hộ giới Phật giáo, làm viện phó ĐH Vạn Hạnh.



Ngày 30.4.75 từ chối đi di tản vì tin mình là người “yêu nước” không có gì phải lo lắng.



Nhưng thực tế không hoàn toàn như thế khi năm 1977 bị bắt do nghi ngờ có tham gia hoạt động chống chính quyền mới. Đưa ra giam ở Bình Thuận, cho trồng coi vườn thuốc nam của bệnh xá.



Tuổi già sức yếu qua bao lần gian nan tù tội lại thêm bệnh hiểm nghèo (xơ gan) nên khi thấy khó lòng qua khỏi, trại giam mới cho về. Tuy nhiên xe đưa về chỉ còn cách nhà 100m thì… trút hơi thở cuối cùng trên xe! Trong lúc đó vợ lại đang trên đường vào trại thăm nuôi, còn con trai nằm tù tội vượt biên bị bắt ở Bến Tre.



820 – Hồ Mơ

CHA NUÔI CỦA “MA RỪNG”

Nông dân sinh 1937 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2007).

Người dân tộc Pa Cô (nên còn tên Am Khanh) thời trẻ đi bộ đội đánh Mỹ từ năm 1956, được phong “Dũng sĩ diệt Mỹ” 4 lần. Năm 1969 bị thương nặng được đưa ra Bắc chữa trị cưa mất một chân.



Sau chiến tranh về quê ở bản Prin gần biên giới Lào làm ruộng rẩy. Vợ mất sớm để lại 2 con.



Một mình “gà trống nuôi con” đã cực nhọc rồi mà lòng lại nảy sinh tình thương đối với đám trẻ mồ côi trong bản. Một phần vì nhớ thủa nhỏ mình cũng từng mồ côi mẹ và phần khác nhờ đi bộ đội có được học tập kiến thức nên thương trẻ em người dân tộc mồ côi cha mẹ ở trong bản theo hủ tục lạc hậu thường bị xem là “ma rừng” phải chôn sống theo cha hoặc mẹ vừa qua đời. Vì thế đã tìm mọi cách để xin – hoặc thậm chí “cướp” lấy cháu ôm bỏ chạy! – về nuôi.



Cứ như thế đã nuôi được 8 em, có em còn sơ sinh phải bồng đi xin cho… bú ké sữa mẹ! Lớn lên còn lo dựng vợ gả chồng cho chúng, từ đó có thêm 20 đứa cháu nội ngoại. Tất cả đều xem là “những khúc ruột của tau cắt ra, là tài sản lớn nhất đời tau đó”.



Không chỉ thế, dù chỉ còn một chân nhưng từ năm 1999 còn tự tay lầm lũi cuốc đất vác đá san đất… làm đường, mở một con đường mới thông thương buôn làng với xã lên huyện giúp bà con đi làm ruộng rẫy, vận chuyển hàng hóa đỡ vất vả. Làm ròng rã suốt 3 năm mỗi ngày từ sáng sớm đến tối mịt, về sau bà con thấy vậy hiểu ra lợi ích nên cùng chia nhau xúm vào làm phụ. Đường hoàn thành dài 3km cho ô tô có thể chạy qua, được đặt tên “tự phát” là đường Hồ Mơ!



Chưa hết, còn làm nhà ngoài bìa rừng tự nguyện đóng vai “kiểm lâm nhân dân” giữ rừng Cù Nhoi, rừng phòng hộ đầu nguồn của huyện Hướng Hóa. Song song đó còn dùng kinh nghiệm học hỏi từ bộ đội để dạy đồng bào cùng mình làm ruộng lúa nước bậc thang, trồng sắn, nuôi trâu bò…



Làm biết bao nhiêu việc vậy mà vẫn thấy chưa đủ: “Tau ước sao đừng có… ban đêm, mặt trời cứ sang hoài như ri thì làm được biết bao nhiêu là việc”!



(Còn tiếp)


Tình Cờ

Ta biết nhau tình cờ
Duyên qua một mùa thơ
Ta bỡn trăng cõng gió
Chở đầy mộng trên tay
Ta tìm nhau trong cõi
Mơ hồ và nguyên khôi
Em về khơi tình vội
Ta vật vờ vớt sao ..

Sáng


Sáng mặt tri đi vắng
Sương nhẹ gót thẹn thùng
Mơn man trên cỏ mượt
Hồn bỏ ngỏ đi hoang
 
Sáng mơ anh qua phố
Mây quấn quýt thật gần
Ly cafe ngọt đậm
Thèm tê buốt bờ môi

Gió như thoáng vô tình
Vuốt ve trên làn tóc
Gởi nụ hôn bay theo
Ngày thả ngược tóc lơi

Sáng ngắm gió vờn mây
Cụm nào tan vội vã
Trong ta chút ngậm ngùi
Đời vật vã ngược xuôi

HÀNG NGÀN NGƯỜI TRUNG QUỐC LAO ĐỘNG KHÔNG PHÉP Ở CÀ MÂU





Sở LĐ-TB-XH tỉnh Cà Mau cho biết, trên công trình Nhà máy đạm (NMĐ) Cà Mau (Khu Khí - Điện - Đạm Cà Mau, thuộc xã Khánh An, H.U Minh, Cà Mau) hiện có 1.056 công nhân Trung Quốc lao động không phép. Công trình do Công ty CP Khoa học kỹ thuật Ngũ Hoàng (Trung Quốc) trúng thầu xây dựng.

>> Lao động nước ngoài tràn ngập Việt Nam

Hết hạn cấp phép vẫn vô tư làm việc

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, lao động người Trung Quốc ở công trình NMĐ Cà Mau làm những công việc thủ công rất đông. Họ xuất cảnh sang VN làm các công việc như xây hồ, khiêng gạch, bẻ sắt…

Chiều ngày 8.8, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Văn Tiến Thanh, Phó trưởng ban quản lý dự án cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau thừa nhận, hiện công trình NMĐ Cà Mau có 1.056 lao động Trung Quốc không phép, trong đó có 607 lao động đã quá thời hạn cấp phép. Lý giải tình trạng này, ông Thành cho rằng do không tuyển được lao động người VN nên họ sử dụng lao động người Trung Quốc. Thậm chí sử dụng cả lao động không tay nghề đưa từ Trung Quốc sang.

Theo như lời ông Thanh, việc không tuyển lao động VN là do hiệu suất làm việc của lao động VN thấp so với lao động Trung Quốc. Nhà thầu lấy mặt bằng của Trung Quốc trả lương nên người VN không thích vào làm. Hiện lao động thủ công được trả khoảng 100.000 đồng/9 giờ/ngày. Quan trọng hơn là lao động VN không đáp ứng đủ về số lượng cũng như chất lượng mà dự án yêu cầu.

Trong khi đó, ông Lê Thanh Tòng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Cà Mau cho rằng, lao động người Trung Quốc ở công trình NMĐ Cà Mau, phần đông là lao động phổ thông. Và những việc họ làm, lao động địa phương thừa sức làm. Nhưng không hiểu tại sao lại không tuyển lao động tại chỗ?

Lao động không phép là bình thường (!?)

Khi PV thắc mắc tại sao lại có tình trạng lao động nước ngoài không phép với số lượng khá đông và kéo dài trong thời gian như thế, ông Văn Tiến Thanh lý giải: “Hàng ngàn lao động nước ngoài hoạt động không phép ở VN là chuyện bình thường. Bởi có nhiều ông Tây sang đây làm việc, chắc chắn có ông có tay nghề, có ông không. Việc này đâu có gì đâu, mà dư luận phải la ầm lên?”.

Trái lại, ông Lê Thanh Tòng lo lắng: “Lao động phổ thông rất nhiều, lao động nước ngoài ồ ạt sang là không cần thiết. Trong khi đơn vị sử dụng lao động nói rằng họ thiếu lao động, nhưng họ không hề có động thái nhờ địa phương giúp tìm lao động. Ngày kiểm tra vừa qua (ngày 4.8 - PV) là lần kiểm tra thứ 4 của chúng tôi đối với việc sử dụng lao động nước ngoài ở công trình NMĐ Cà Mau sau ngày khởi công. Nhưng cứ lần kiểm tra sau, thì số lượng vi phạm cao hơn lần trước. Chúng tôi đã 3 lần đề nghị phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quản lý, sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại VN đối với đơn vị này, đồng thời đề nghị Bộ Công an trục xuất về nước 16 đối tượng lao động không phép”.

Để khắc phục trình trạng lao động Trung Quốc không phép ở công trình NMĐ Cà Mau, ông Văn Tiến Thành cho biết: “Ban sẽ làm công văn đính kèm danh sách lao động Trung Quốc cho UBND tỉnh, Sở LĐ-TB-XH, công an xem xét. Mấy ổng làm căng thì cứ trục xuất, nhưng trục xuất đi một người thì phải thế lại một người cho dự án. Việc bổ sung hồ sơ lao động là việc của nhà thầu, họ chây ì, tôi không thể làm thay họ”.

Vào khu “căn cứ” lao động Trung Quốc

Chiều tối cùng ngày, PV Thanh Niên có mặt trong khu “căn cứ” của lao động người Trung Quốc ở công trình NMĐ Cà Mau. Đó là những dãy nhà biệt lập với bên ngoài nhếch nhác, ẩm thấp và bẩn. Nhiều công nhân cởi trần, độc quần đùi chọc ghẹo những nữ thợ nấu ăn. Đặc biệt, những công nhân này, không quên tự thưởng cho mình sau một ngày lao động bằng những chai bia hơi. Thậm chí có công nhân còn giải trí bằng cách xem phim đồi trụy.

Bước chân vào một khu nhà của lao động Trung Quốc, PV không khỏi giật mình khi đập vào mắt là hình ảnh những công nhân trên người đầy những hình xăm.

Theo một số công nhân người bản xứ, thì những công nhân này họ sinh hoạt, ăn uống đều nằm trong khu “căn cứ” tách biệt với bên ngoài. Nhưng tối đến, họ bắt đò sang khu chợ ngang bên kia sông tìm gái “giải sầu”, làm cho khu chợ quê yên bình ngày nào giờ lại náo loạn cả lên.

Giải thích lý do lao động Trung Quốc sống tách biệt với bên ngoài, một cán bộ xã (xin được giấu tên) nói: “Đó là “chiêu” của nhà thầu. Họ đa phần là những lao động phổ thông, cũng “quậy” mát trời nên đưa họ vào ở tách biệt với bên ngoài tránh va chạm với người bản xứ, chính quyền địa phương để ít bị “dòm ngó””.









Gia Bách (TNO)



RƯỢU THÁNG BẢY - LÊ NGỌC THUẬN





Nụ hôn không giấy tờ tùy thân

Tình yêu đã mơ hồ vỡ nợ

Vạn cổ sầu không ai cầm cố

Trái tim này không chốn dung thân



Là kẻ thất tình thành mãn tính

Để buồn bay tung tóe khắp nơi

Là kẻ giang hồ không máu mặt

Cùng đường buông đao ngồi làm thơ



Uống rượu ta không là hảo hán

Mười ly quên hết cả đường về

Cơn say thời đó còn quay lại

Bàn rượu bây giờ vắng những ai?



Hai chữ vô thường,ta rất hiểu

Nhung làm sao ém được lòng đau

Bỗng dưng chợt thấy hồn rưng rức

Ta nhớ Vương phi-nhớ bạn bè



Ngậm ngải tìm trầm chừ thất thế

Hóa con hổ già mất vuốt nanh

Quanh quẩn một mình nơi cố quận

Chỉ biết gầm với bóng thời gian



Hai mươi năm tu chưa ngộ đạo

Chửi thề inh ỏi gữa dương gian

Xá tội vong nhân rằm tháng bảy

Say – không thành thánh cũng thành thần


TƯ LIỆU KHÁCH QUAN THỪA NHẬN CHỦ QUYỀN VIỆT NAM



Một trong những bản đồ hàng hải của người Bồ Đào Nha thế kỷ XVI. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được gộp làm một với tên "Paracel" vẽ ở biển Đông cách xa các đảo ven bờ biển miền Trung Việt Nam - Ảnh: tư liệu



Để giải quyết cuộc tranh luận dai dẳng xung quanh danh nghĩa lịch sử, cách tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bên thứ ba.



Người phương Tây đã từng nói về sự quy thuộc của quần đảo Paracel vào An Nam. Các nhà truyền đạo Pháp trên tàu Amphitrite trên đường sang TQ đã ghi trong một bài tiếng Pháp năm 1701: “Paracel là một quần đảo thuộc Vương quốc An Nam. Đó là một bãi đá ngầm khủng khiếp có đến hàng trăm dặm, rất nhiều lần đã xảy ra các tai nạn đắm tàu ở đó” ([1]).



Jean-Louis Taberd ghi nhận:



“Pracel hoặc Paracels (Bãi cát vàng), mặc dù quần đảo này không có gì ngoài các đá, bãi và độ sâu lớn hứa hẹn nhiều bất tiện lợi hơn, Vua Gia Long đã nghĩ tới việc mở rộng lãnh thổ của ngài bằng cách chiếm thêm vùng đất buồn bã này. Năm 1816, ngài đã tới đây long trọng cắm cờ, chính thức chiếm hữu các đảo đá này, mà không một ai tranh giành gì với ngài cả”([2]).



Về phần mình, J.B.Chaigneau, cố vấn của nhà vua An Nam, đã viết trong cuốn hồi ký về nước Cochinchine:



“Nước Cochinchine mà nhà vua bấy giờ đã lên ngôi Hoàng đế gồm xứ Cochinchine và xứ Đông Kinh… một vài đảo có dân cư không xa biển và quần đảo



Paracel do những đảo nhỏ, ghềnh và đá không có dân cư hợp thành. Chỉ tới năm 1816, Hoàng đế mới chiếm hữu quần đảo này”([3]).



Dubois de Jancigny trong Thế giới, lịch sử và mô tả các dân tộc Nhật, Đông Dương, Ceylan có viết: “Chúng tôi quan sát thấy rằng từ ba mươi tư năm nay, quần đảo Paracel (người An Nam gọi là Cát vàng), một ma hồn trận thật sự của các đảo nhỏ, các đá và các bãi cát đầy ngờ vực của các nhà hàng hải và có thể được coi là hoang dã và vô tích sự nhất trong số các điểm của quả địa cầu, đã được người An Nam (Cochinchine) chiếm hữu. Chúng tôi không để ý liệu họ có tạo nên một công trình nào trên đó không (nhằm mục đích, có thể, bảo vệ nghề cá); nhưng chắc chắn rằng Vua Gia Long đã gắn thêm vòng hoa này vào vương miện của người, bởi vì ngài đã thân chinh tới đó chiếm hữu, việc này xảy ra vào năm 1816 khi ngài long trọng kéo cờ của An Nam lên đó”([4]).



Gutzlaff trong bài Địa lý Vương quốc Cochinchine xuất bản năm 1849 tại London (Anh) cũng ghi Cát Vàng (để chỉ Paracel) thuộc Cochinchine. Gutzlaff viết:



“Không biết vì san hô hay vì lẽ khác mà các ghềnh đá ấy lớn dần, nhưng rõ ràng nhận thấy các đảo nhỏ ấy càng năm càng cao, và một vài cái bây giờ đã có người ở thường xuyên, thế mà chỉ mấy năm trước sóng đã vỗ dập qua. Những đảo ấy đáng lẽ không giá trị nếu nghề chài ở đó không phồn thịnh và không biết bù hết mọi nguy nan cho kẻ phiêu lưu. Từ lâu đời, những thuyền phần lớn từ đảo Hải Nam tới, đã hằng năm đến thăm các bãi nổi này và tiến hành cuộc viễn du xa xa tới tận bờ đảo Borneo. Tuy rằng hằng năm hơn phần mười bị đắm, nhưng cá đánh được rất nhiều, đến nỗi không những bù hết được mọi thiệt thòi, mà còn để lại món lợi rất to. Chính phủ An Nam thấy những lợi có thể mang lại nếu một ngạch thuế được đặt ra, bèn lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ ở chỗ này để thu thuế mà mọi người ngoài tới đây đều phải trả, và để bảo trợ người đánh cá bản quốc” ([5]).



Trong Địa lý tóm tắt của Ý (Compendio di Geografia) do Adriano Balbi soạn năm 1850, trang 641 mô tả về địa lý Vương quốc An Nam có ghi: Cũng thuộc vương quốc này còn có quần đảo Paracel, nhóm đảo Pirati và nhóm đảo Poulo Condor (tức Hoàng Sa, nhóm đảo Hải Tặc và Côn Đảo). Cũng trong tác phẩm này tr.644-648 về địa lý Trung Hoa không viết gì về Hoàng Sa và Trường Sa.



Ngay cả các sách TQ cũng công nhận việc quy thuộc các đảo này vào An Nam. Chúng ta có thể đọc được điều đó trong phần tựa cuốn Hải Lục năm 1842 trong đó Vương Bính Nam đã so sánh các điều mắt thấy tai nghe do Tạ Thanh Cao, một thủy thủ TQ từng đi nhiều nước nhiều vùng về kể lại:



“Vạn lý Trường Sa là đất nổi giữa biển, dài vài ngàn dặm, là phên giậu của An Nam”.



Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán (người TQ) năm 1696 ([6]) quyển III đoạn thuật lại chuyến đi về Quảng Đông bắt đầu đi từ Quảng Nam viết: “…bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là "Vạn lý Trường Sa", mù tít chẳng thấy cỏ cây nhà cửa; nếu thuyền bị trái gió trái nước tấp vào dầu không tan nát cũng không gạo, không nước, trở thành ma đói mà thôi. Quãng ấy cách Đại Việt bảy ngày đường, chừng bảy trăm dặm ([7]). Các quốc vương thời trước, hằng năm sai thuyền đi đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các tàu thuyền hư hỏng dạt vào". Đoạn văn mô tả này đã xác nhận việc hành xử chủ quyền của thời Chúa Nguyễn qua hoạt động thu lượm hóa vật của Đội Hoàng Sa.



Các mô tả về Paracel từ các nguồn nước ngoài chứng tỏ Hoàng Sa không phải là các đảo ven bờ biển Trung VN. Trong khi có khá nhiều nguồn tài liệu trung gian chứng minh sự chiếm hữu Paracels của các Chúa và Vua Nguyễn, không có một nguồn tư liệu nước ngoài nào chỉ rõ sự chiếm hữu các đảo này của TQ.



TS Nguyễn Hồng Thao



[1] Trích dẫn theo P.B Lafont, Sđd, tr.248.



[2] J.L Taberd, Ghi chép về địa lý Nam Kỳ trong the Journal of Bengal, Calcutta, serie VI, September 1837, tr.737 - 745.



[3] Tập san của người bạn cũ của Huế, số 2,1923, tr.257.



[4] M.A Dubois de Jancigny, Thế giới, lịch sử và mô tả các dân tộc Nhật, Đông Dương, Xeylan, Paris éd, Firmin Didot Freres, 1850, tr. 555.



[5] Journal of the Geographical Society of London (Tạp chí Hội Địa lý London), quyển 19 (1849), London, John Murray, 1849, tr. 93-94.



[6] Hải ngoại ký sự là ghi chép chuyến đi của tác giả Đại Sán Hán Ông, tên là Thạch Liêm từ chùa Trường Thọ tỉnh Quảng Đông đến vùng Thuận Quảng nước Đại Việt vào năm Ất Hợi triều Vua Khang Hy (1695) và trở về Trung Quốc vào năm sau (1696). Sách nguyên bản chữ Hán gồm 6 quyển đã được Viện Đại học Huế dịch trọn bộ ra Quốc ngữ năm 1963. Sau này người TQ đã dựng nên một chiến dịch nói xấu tác giả, chứng minh ông là người không bình thường, là kẻ điên để giảm bớt tính chân thực của tác phẩm. Nguyễn Quang Ngọc, Sđd, tr. 43.



[7] Phạm Hoàng Quân cho rằng ở đây có lỗi dịch Hán-Nôm, thất canh lộ không phải là 7 ngày đêm, canh ở đây là đơn vị chiều dài. Tuy nhiên ông cũng công nhận một canh khoảng trăm dặm. Như vậy về khoảng cách Hải ngoại ký sự mô tả khá chính xác khoảng cách từ bờ đến quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Cách dịch đúng được đề xuất là: “Quãng ấy cách Đại Việt bảy canh đường, chừng bảy trăm dặm”.